GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG B - LỄ ÐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

TIN MỪNG CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM B - 8.12.2002: Mc 1, 1 - 8.

GIAI ÐOẠN DỌN ÐƯỜNG CHO SỨ VỤ CỦA ÐỨC GIÊ-SU

Khởi đầu Tin Mừng Ðức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa: Chiếu theo lời đã chép trong sách ngôn sứ I-sai-a: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.

Ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông rao giảng rằng:

"Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần."

SUY NIỆM 1:

DỌN ÐƯỜNG CHÚA ÐẾN

"Hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi." Hẳn chẳng phải vô cớ mà vào Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng trong cả ba Năm Phụng Vụ ABC, Giáo hội đều cho chúng ta nghe lại lời mời gọi: "Hãy dọn đường". Nếu mỗi ngày vào giờ tan tầm, bạn đều phải trải qua những khoảnh khắc khốn khổ trên đường phố, hẳn bạn sẽ thấy ý nghĩa của lời mời gọi ấy. Như thế, phải chăng con đường tâm linh nối kết mỗi người chúng ta với Thiên Chúa cũng đang có vấn đề ?

1. ÐỂ CHÚA ÐẾN VỚI TA

Trước nạn ùn tắc giao thông hiện nay, người ta đã phải đưa ra nhiều dự án, đề nghị nhiều biện pháp hầu khắc phục. Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta hãy xét lại lương tâm, hãy nhìn lại cách sống để mau chóng dọn dẹp đi những gì gây cản trở, không thuận lợi cho việc đón Chúa.

Có người sẽ nghĩ: Chúa đã đến trần gian từ lâu rồi, thế thì việc dọn đường đón Chúa liệu có ích gì? Vào dịp hè vừa qua, chúng tôi có dịp họp mặt tại Cần Thơ, rồi sau đó đi tham quan vùng Rạch Giá - Hà Tiên. Nhớ buổi sáng đến cửa khẩu Xà Xía dẫn sang Campuchia, vì không có những giấy tờ qui định nên anh em chúng tôi bị lính biên phòng cản lại. Thôi thì đành đứng bên này mà ngắm đất nước bạn một chút rồi quay về với niềm tiếc nuối. Cũng thế, Con Thiên Chúa đã đến trần gian bắc một nhịp cầu nối liền giữa Trời và Ðất, giữa thiên đàng với trần gian, để con người và Thiên Chúa có thể gặp gỡ nhau. Ðiều đáng buồn là Thiên Chúa đến, nhưng con người vì lý do nào đó nhiều khi đã cản trở Người. "Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận" ( Ga 1, 11 ). Vì thế, dù Chúa đã đến 2.000 năm nay, nhưng vẫn cần lắm những con đường để Chúa đến với ta, để Chúa đến với người.

2. ÐỂ CÓ MỘT CON ÐƯỜNG

Công trình đường xuyên Á đang trong giai đoạn khẩn trương xây dựng. Chỉ tính riêng một đoạn trên tuyến đường xa lộ Ðại Hàn, còn có rất nhiều chỗ đang dang dở gây khó khăn cho việc đi lại, thậm chí đã có tai nạn xẩy ra. Thế nhưng, khi hoàn thành con đường ấy chắc chắn sẽ thông thoáng thuận lợi hơn trước đây nhiều. Chính vì thế mà người ta đã không ngần ngại đầu tư bao nhiêu tiền bạc, công sức cho công trình.

Nhìn vào cuộc sống tâm linh, có lẽ tâm hồn chúng ta cũng giống như con đường còn nhiều ngổn ngang kia. Cũng có những "ổ gà" lởm chởm của kiêu ngạo, những "hố voi" của hẹp hòi ích kỷ, những quanh co của gian dối bất công... Chúng ta còn đưa thêm vào tâm hồn mình những thứ không cần thiết như giận hờn, ghen tương, nghi kỵ... Ðiều đó chẳng khác gì như làm tăng thêm lượng xe cộ khiến cản trở lưu thông, cản trở ta đến với Chúa.

Như người ta đã dám đầu tư vào những con đường thế nào, chúng ta cũng cần phải can đảm điều chỉnh lại đời sống của mình. Biết rằng làm như thế là đồng nghĩa với hy sinh mất mát, nhưng nếu không đánh đổi thì sẽ chẳng bao giờ có được con đường.

3. VÀ LÀM NGƯỜI DỌN ÐƯỜNG

Có những con đường đã mở nhưng lại chưa thông thoáng. Bởi thế, không thể thiếu những con người dọn đường. Gio-an Tẩy Giả đã đóng vai trò người dọn đường cách tuyệt vời. Cả cuộc đời ông là một lời kêu gọi. Tiếng kêu vang lên ngay từ khi còn trong lòng mẹ để hướng lòng con người lên cùng Thiên Chúa. Tiếng kêu lớn dần qua cuộc sống từ bỏ, để nhắc nhở nhân loại hãy canh tân dọn đường Chúa đến. Tiếng kêu càng cấp bách bằng chính cái chết, hầu thức tỉnh con người mau sám hối trở về.

Thời nào Thiên Chúa cũng cần có những người dọn đường, những Gio-an thời đại dám vang lên tiếng kêu thức tỉnh nhân loại, biết dạy cho con người nhận ra ơn cứu độ đã được ban tặng. Dọn đường là dám lội ngược dòng, không thể sống y như mọi người. Nếu ai cũng đều không ý thức luật lệ giao thông thì làm sao tránh khỏi nạn kẹt xe. Dọn đường là chấp nhận bị thua thiệt, bị khước từ. Người dọn đường không chọn lối sống lập dị, nhưng dám sống một cách khác thường trong chính cuộc sống bình thường của mình.

Tóm lại, Mùa Vọng là thời điểm thuận lợi cho mỗi người chúng ta xem xét lại con đường dẫn ta đến với Chúa, đến với anh em. Cuộc đời chúng ta cũng là một Mùa Vọng để chuẩn bị cho Chúa đến. Khi Chúa đến, nếu con đường của chúng ta đã san bằng thẳng ngay, thì chứng tỏ chúng ta đã sống Mùa Vọng đời mình đầy ý nghĩa.

Lm. KIỀU CÔNG TÙNG, Giáo Xứ Bùi Phát, Sài-gòn

SUY NIỆM 2:

ÐÓN MỪNG CHÚA ÐẾN

1.    GIO-AN TẨY GIẢ, NGƯỜI DỌN ÐƯỜNG ÐỂ ÐỨC GIÊ-SU ÐẾN

Khởi đầu Tin Mừng theo Thánh Mác-cô là chuyện Gio-an Tẩy Giả loan báo và dọn đường cho Ðức Giê-su đến, khác với Mát-thêu và Lu-ca khởi đầu bằng chuyện Ðức Giê-su Giáng Sinh. Tại sao ? Vì Tin Mừng Mác-cô được viết cho người Rô-ma. Theo quan niệm và thông tục của người Rô-ma, các nhân vật quan trọng đi đến đâu đều phải có người dùng loa thông báo cho dân chúng biết trước mấy ngày, vừa để làm nổi bật sự quan trọng của nhân vật đó, vừa để dân chúng sửa sang những con đường trong vùng cho ngay thẳng, bằng phẳng, sạch sẽ, vừa để dân chúng đón tiếp hai bên đường cho long trọng nếu vấn đề an ninh cho phép. Vì thế, để giới thiệu Ðức Giê-su cho các Ki-tô hữu Rô-ma mà khởi đầu Tin Mừng bằng câu chuyện của Gio-an Tẩy Giả thì sẽ hiệu quả và lôi cuốn sự chú ý hơn.

Ngoài ra, để nói lên tính cách đặc biệt thần thiêng của việc dọn đường ấy, thánh sử còn trích dẫn lời của 2 ngôn sứ I-sa-i-a và Ma-la-ki-a đã loan báo trước đó khoảng 450 - 550 năm ( tương đương với thời của các vị giáo chủ các tôn giáo châu Á ): "Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta" ( Ml 3, 1 ), "Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi I" ( x. Is 40, 3 ).

Phần chúng ta, khởi đầu Năm Phụng Vụ mới, chúng ta cũng cần chuẩn bị đón mừng kỷ niệm Ðức Giê-su đến trong nhân loại, đồng thời đón mừng Ngài đến trong tâm hồn mỗi người. Vì thế, thiết tưởng bản thân mỗi người cũng như toàn Giáo Hội hãy dọn đường đón mừng Ngài. Dọn đường thế nào thì I-sa-i-a và Gio-an Tẩy Giả đã chỉ cho chúng ta.

2. DỌN ÐƯỜNG ÐÓN MỪNG CHÚA ÐẾN

Ngôn sứ I-sai-a viết: "Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Ðức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu" ( Is 40, 3 - 4 ). Như vậy, theo ngôn sứ I-sa-i-a, để đón Chúa đến, việc đầu tiên là phải mở một con đường. Muốn thế, phải bạt núi, san đồi, lấp thung lũng, đổ đầy các hố rãnh. Ðó là nói theo ngôn ngữ hình tượng. Còn trong thực tế thì phải làm gì?

a. Phải mở một con đường = muốn và quyết gặp gỡ Chúa

Chúa đến để gặp gỡ và đem lại cho chúng ta sự cứu độ, không chỉ ở đời sau mà còn ở ngay đời này: một sự bình an và hạnh phúc siêu nhiên, tuyệt vời, không phải thứ bình an hạnh phúc kiểu thế gian vốn bị lệ thuộc vào những điều kiện trần tục ( x. Ga 14, 27 ). Nhưng để việc gặp gỡ đó thành hiện thực, chính chúng ta cũng phải mong muốn và quyết tâm gặp gỡ Ngài. Ngài không thể đến với ta nếu chính ta không tích cực muốn điều đó.

Do đó, trở ngại lớn nhất khiến chúng ta không thể gặp gỡ Ngài chính là chúng ta không thật sự muốn gặp gỡ Ngài. Vì khi gặp gỡ Ngài, Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta phải đối diện với sự thật của chính bản thân chúng ta. Nhưng chúng ta thường muốn trốn tránh sự thật, tránh việc phải đối diện với lương tâm mình... Vì điều này đòi buộc ta phải chỉnh đốn lại cách sống của mình, phải từ bỏ những đam mê, những thói xấu, những bất công vốn đem lại cho ta vui thú, lợi lộc, quyền lực, danh vọng là những thứ ta rất ham thích. Như vậy, muốn Chúa đến với ta, ta phải khai phá một con đường, con đường ấy chính là tâm trạng sẵn sàng đón Chúa đến, sẵn sàng đến với Ngài, gặp gỡ Ngài với bất cứ giá nào.

b. Con đường thẳng ngay, bằng phẳng = tâm hồn chính trực

Với những ai muốn đón Chúa đến, Gio-an Tẩy Giả yêu cầu: "Hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi". Khi đón một nhân vật quan trọng đến một vùng nào, người vùng đó phải dọn dẹp đường cho ngay thẳng, bằng phẳng, sạch đẹp. Cũng vậy, để đón Chúa đến, ta cũng phải sửa lại những con đường trong tâm hồn ta cho ngay thẳng, bằng phẳng, sạch đẹp. Nghĩa là tâm hồn ta phải luôn ngay thẳng, chính trực, không quanh co, gian dối, giả tạo...

Ngay thẳng là một trong những yếu tố chính yếu của sự công chính, thánh thiện. Thiết tưởng người Ki-tô hữu cần phải tạo cho mình một tư cách ngay thẳng, chính trực, nói gì hay làm gì cũng phải công minh chính đại, đường đường chính chính, không lén lút, giấu giếm, không làm ai phải nghi ngờ điều gì. Tư cách của người Ki-tô hữu phải là tư cách của một người quân tử, tôn trọng sự thật, nghĩ thế nào nói thế nấy, và nói thế nào làm thế nấy: "Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không, thêm thắt điều gì là do ác quỷ" ( Mt 5, 37 ). Nghĩ một đằng nói một nẻo, hay nói một đằng làm một nẻo là tư cách của tiểu nhân, của phường gian ác, không thể là tư cách của người Ki-tô hữu: "Ðường lối của kẻ gian ác thì quanh co, hành động của người trong sạch thì ngay thẳng" ( Cn 21, 28 ); "Thiên Chúa ưa điều chính trực, ghét điều gian ác" ( Dt 1, 9 ); "Ngài ghê tởm tâm địa quanh co" ( Cn 11, 20 ).

Nguyên nhân biến con người thành quanh co, giả hình, mưu mô... chính là tâm địa ích kỷ, lắm tham vọng, muốn phình to bản ngã. Tâm địa này khiến người ta cố gắng đạt được những điều mình ham muốn - danh vọng, quyền lực, tiền bạc - với bất cứ phương tiện nào, kể cả phương tiện xấu, và bằng bất cứ giá nào, kể cả tội ác. Từ đó con người bị tham vọng và đam mê của mình thu hút, mê hoặc, dẫn đưa mình vào con đường cong queo của tội ác.

Do đó, "sửa lối cho thẳng để Người đi" một cách căn bản là dần dần diệt bỏ khuynh hướng ích kỷ, thích đặt nặng "cái tôi" của mình. Khuynh hướng này gây nên tất cả mọi lồi lõm, mọi cản trở khiến Chúa khó đến với ta, và ta khó đến với Chúa. Hãy noi gương Gio-an Tẩy Giả, sống thanh đạm: "mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng"; không tham vọng, không ham đề cao "cái tôi" của mình, sẵn sàng nhìn nhận sự thật hèn kém của mình: "Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người".

c. Ðường đến với Chúa cũng là con đường đến với tha nhân

Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa luôn luôn tự đồng hóa với tha nhân của ta. Do đó, người Ki-tô hữu không thể quan niệm Thiên Chúa độc lập với tha nhân của mình, không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu tha nhân, không thể đến với Thiên Chúa bằng một con đường khác với con đường đến với tha nhân.

Ngược lại, con người không thể yêu thương tha nhân mà không yêu mến Thiên Chúa, không thể đến với tha nhân bằng con đường khác với con đường đến với Thiên Chúa. Chủ trương chỉ yêu tha nhân không cần đếm xỉa gì đến Thiên Chúa, hay ngược lại, chỉ yêu Thiên Chúa mà không đếm xỉa gì đến tha nhân đều là những tình yêu giả tạo, không thực tế. Do đó, muốn đến và gặp gỡ với Thiên Chúa không gì tốt đẹp và chắc chắn bằng đến hay gặp gỡ Ngài nơi tha nhân của ta. Và muốn đến và gặp gỡ tha nhân không gì bảo đảm và tạo hạnh phúc cho họ bằng đến và gặp gỡ họ trong Thiên Chúa. Ðối với người Ki-tô hữu, không thể tách rời Thiên Chúa khỏi tha nhân, và tách rời tha nhân khỏi Thiên Chúa.

Vậy, đón Chúa đến, không gì làm Chúa hài lòng bằng sửa sang lại mọi quan hệ của ta với tha nhân cho tốt đẹp hơn, tình nghĩa hơn: làm sao để cha mẹ ta cảm thấy ta thật sự là con hiếu thảo, con cái ta thấy ta thật sự là cha mẹ tốt, anh chị ta thấy ta là người em tốt, các em ta thấy ta là người anh tốt, bạn bè ta thấy ta là người bạn tốt, những nhà chung quanh ta thấy ta là hàng xóm tốt... Hãy sống làm sao để không mấy ai có thể chê trách ta được, ai cũng cảm nhận được tình thương của ta.

Lạy Cha, Cha là một Thiên Chúa luôn luôn đồng hóa với tha nhân của con. Nhờ đó, con có thể gặp gỡ Cha trong những người sống chung quanh con, con có thể yêu thương và phục vụ Cha bằng việc yêu thương phục vụ họ. Vì thế, chuẩn bị đón Cha đến trần gian, không gì tốt đẹp hơn làm cho môi trường con đang sống biến thành một môi trường yêu thương. Xin giúp con thực hiện điều Cha mong muốn nhất ấy.                                                                                               

Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT

SUY NIỆM 3:

DỌN ÐƯỜNG CHO CHÚA

Trong trận lũ lụt vừa qua, nhiều du khách trên tuyến đường Bắc - Nam bị kẹt ở miền Trung. Lý do là đèo Hải Vân bị sạt lở, xe cộ không đi lại được. Nhiều đoạn đường sắt bị nước lũ cuốn đi, nên tàu Bắc - Nam cũng đành ủ rũ nằm chờ. Nhiều làng bị nước ngập, dân làng muốn thoát ra nhưng không đi được vì đường sá không còn. Nhiều đoàn cứu trợ muốn đến những làng xa xôi, nhưng không có đường đi, nên đành chịu bó tay.

Những con đường thật là quan trọng. Ðường đi giúp cho người bị nạn có thể thoát ra. Ðường đi giúp cho người bị nạn đón nhận được sự cứu trợ. Ðường đi nối liên lạc giữa người với người. Ðường sá hư hỏng làm giao thông ngừng trệ, chậm trễ việc cứu trợ, ngăn cách người với người. Muốn cho giao thông mau lẹ, muốn việc cứu trợ có kết quả, muốn cho con người gần gũi nhau, phải sửa chữa đường đi cho thật tốt.

Con đường vật lý đã cần. Nhưng con đường tâm lý còn cần hơn. Nếu con đường tâm lý bị hư hỏng thì dù có ở sát cạnh nhau, người ta cũng vẫn cứ xa nhau.

Tương tự như thế, ta cần có con đường thiêng liêng thật tốt để đón Chúa đến. Thật ra Chúa đã đến từ lâu, nhưng ta chưa đón nhận được vì con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta đã bị hư hỏng.

Tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.

Tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú. Tâm hồn ta có những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính.

Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.

Tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.

Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta. Nên hôm nay, Thánh Gio-an Tẩy Giả mời gọi ta hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa Giê-su đến.

Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những hố sâu đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá. Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh giả hình. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề độc ác. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề nói hành nói xấu.

Ðổi mới một con đường thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Ngoài những cố gắng bản thân, còn cần đến những phương thế. Ðời sống của Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta đề nghị cho ta 3 phương thế rất tốt.

Phương thế thứ nhất là vào sa mạc. Sa mạc là nơi hoang vu vắng vẻ giúp ta sống cô tịch. Trong cô tịch, ta dễ chìm sâu xuống đáy lòng mình để gặp gỡ Chúa. Một mình ta diện đối diện với Chúa. Trong thân mật, Chúa sẽ dạy ta biết Thánh Ý để ta thi hành. Ðức Giê-su, trước khi đi rao giảng cũng đã vào sa mạc 40 ngày để tìm Thánh Ý Chúa Cha. Sa mạc đây được hiểu là những giờ cầu nguyện riêng tư thân mật một mình ta với Chúa.

Phương thế thứ hai là mặc áo da thú. Mặc áo da thú có nghĩa là ăn mặc đơn sơ, không chải chuốt. Một tâm hồn mặc áo da thú là một tâm hồn biết sống thực với chính mình, biết nhìn nhận những yếu đuối lỗi lầm và xin Chúa tha thứ. Thái độ đơn sơ khiêm nhường như thế chính là khởi điểm để tiến lên trên con đường thánh đức.

Phương thế thứ ba là ăn châu chấu và mật ong rừng. Ðây có ý nói về một đời sống khổ chế. Hãm dẹp những tính mê tật xấu, hạn chế những đòi hỏi của thân xác để bắt nó quy phục linh hồn. Giảm bớt những nhu cầu không cần thiết để bồi dưỡng đời sống tâm linh.

Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta đã sống theo chương trình 3 điểm này, nên Ngài đã trở thành người mở đường cho Ðấng Cứu Thế. Nếu chúng ta biết áp dụng 3 phương thế ấy trong Mùa Vọng này, ta sẽ biến tâm hồn ta thành một con đường thẳng tắp cho Chúa Giáng Sinh ngự đến.

Lạy Chúa, xin cứu con khỏi mọi tội lỗi để con xứng đáng đón rước Chúa. Amen.

Gm. NGÔ QUANG KIỆT, Giáo Phận Lạng Sơn

SUY NIỆM 4:

DỌN ÐƯỜNG CHÚA ÐẾN

1. TẠI SAO PHẢI DỌN ÐƯỜNG ÐÓN CHÚA ?

- Ðối với dân Ít-ra-en thời ngôn sứ I-sai-a ( đệ nhị, tức chương 40 - 55 ): Sống trong cảnh lưu đầy, tâm trí dân Íraen luôn mong đợi ngày được giải thoát, trở lại quê hương bản quán thân yêu. Isaia luôn khơi dạy trong lòng họ niềm hy vọng về ngày giải thoát ấy. Và để cho ngày mong đợi ấy mau đến, Isaia thúc đẩy dân tích cực chuẩn bị đường cho Chúa đến. Nghĩa là đối với Ít-ra-en thì dọn đường cho Chúa là để Chúa đến giải thoát dân khỏi cảnh lưu đầy khổ cực.

- Ðối các tín hữu thuộc cộng đoàn Mác-cô: Các tín hữu thuộc cộng đoàn Mác-cô đều biết rằng Thiên Chúa đã đến trong Ðức Giê-su Ki-tô. Thánh Mác-cô tường thuật lại lời kêu gọi dọn đường cho Chúa của Gio-an Tẩy Giả để giúp người tín hữu hiểu rằng việc Ðức Giê-su đến đã được ngôn sứ I-sai-a loan báo và chuẩn bị, và Gio-an là ngôn sứ cuối cùng có sứ mạng loan báo và kêu gọi người Do-thái thay đổi cách sống bằng cách ăn năn sám hối và chịu phép rửa để đón mừng Ðức Giê-su đến.

- Ðối với các tín hữu thuộc cộng đoàn Phê-rô và các cộng đoàn tiên khởi: Ai nấy đều biết rằng Thiên Chúa đã đến trong Ðức Giê-su Ki-tô. Thánh Phê-rô chỉ dạy cho họ biết phải sống như thế nào để dọn đường đón Chúa:  ăn năn hối cải, tỉnh thức, sống đạo đức thánh thiện, có cuộc sống tinh tuyền, không có gì đáng trách.

- Ðối với các Ki-tô hữu ngày nay:  Chúng ta đều tin rằng Ðức Giê-su Ki-tô đã được Thiên Chúa sai đến khi Người nhập thể làm người. Chúng ta cũng tin rằng Người sẽ đến trong ngày Quang Lâm. Chúng ta còn tin rằng Người thường đến trong cuộc sống đời thường của chúng ta. Vì chưng chúng ta rất cần đến Người như chính Người đã xác định "Không ai có thể đến cùng Chúa Cha mà không qua Thày""Không có Thày anh em không thể làm được gì".

Ðức Giê-su Ki-tô không chỉ là ánh sáng, là sức mạnh mà còn là đường giúp chúng ta đi tới Thiên Chúa. Hơn bao giờ hết ngày nay chúng ta cần có ánh sáng và sức mạnh của Ðức Giê-su và cần đến chính Người để sống và làm chứng cho Tin Mừng. Nhìn vào chứng từ anh dũng, quả cảm của các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, chúng ta rút ra được bài học này: Có Chúa ở trong tâm hồn và cuộc đời là có sức mạnh phi thường, vượt khả năng tự nhiên của con người.

Ðàng khác, dù chúng ta có hoàn hảo đến mấy đi nữa, thì chúng ta cũng còn nhiều việc phải làm để dọn cho Chúa một con đường phẳng phiu, dễ đi. Dù chúng ta đã có Chúa trong tâm hồn và trong cuộc sống của mình rồi, thì chúng ta vẫn cần phải đón Chúa nhiều hơn nữa, để Chúa vào sâu hơn nữa trong lòng và trong cuộc đời của chúng ta. Chỉ đến khi nào chúng ta nói được như Thánh Phao-lô: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi" thì lúc đó chúng ta mới có quyền dừng lại trong quá trình dọn đường và đón Chúa.

- Ðối với xã hội Việt Nam và thế giới loài người hiện nay: Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, con người đang rất cần đến Thiên Chúa. Nhưng điều mâu thuẫn là Thiên Chúa lại đang bị con người loại trừ một cách quyết liệt. Bên cạnh những mảng "sáng" là các điều tốt lành phù hợp với Ý Chúa chúng ta thấy nhiều mảng "tối" đáng báo động. Nào là chiến tranh, hận thù, tranh giành quyền lực, nghèo đói, bệnh tật ( nhất là HIV - AIDS ), áp bức bóc lột, buôn bán: ma túy, phụ nữ trẻ em và vũ khí. Nào là các tệ nạn tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quĩ, chuyên quyền, bao che, dối trá, đồng lõa với tội ác, thiên tai đủ loại. Con người đang khát khao cuộc sống an bình, hài hòa, trong lành, yêu thương và hạnh phúc mà chỉ có Thiên Chúa mới là Ðấng ban những ơn huệ ấy cho họ. Thế nhưng họ chối bỏ Người và không sống theo lương tâm là tiếng nói của Người.

2. CHÚNG TA DỌN ÐƯỜNG ÐÓN CHÚA BẰNG CÁCH NÀO ?

Ít nhiều chúng ta cũng hiểu nghĩa bóng của các từ "thung lũng", "núi đồi", "khúc quanh co", "đường lồi lõm". Những từ này ám chỉ những tình trạng, những cách sống không phù hợp hoặc đối nghịch với tinh thần Phúc âm của Chúa. "Thung lũng" là những đam mê lạc thú, giầu sang, danh vọng và quyền lực; "Núi đồi" là những lối sống kiêu căng, ngạo mạn; "Khúc quanh co" là những tâm địa gian manh, không trung thực, giả hình; "Ðường lồi lõm" là cuộc sống đầy thiếu sót, yếu hèn, lỗi phạm, thiếu tin - cậy - mến đối với Thiên Chúa, thiếu bác ái - yêu thương đối với tha nhân.

Có nhiều cách dọn đường đón Chúa: Trước hết là chúng ta nài van cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta một tâm hồn khó nghèo, siêu thoát, trong sạch, khiêm hạ, chân thật và sốt mến. Thứ đến là chúng ta không ngừng nỗ lực rèn luyện để có được một tâm hồn như thế. Sau cùng là chúng ta luôn lấy Phúc Âm làm chuẩn mực để kiểm điểm đời sống của mình mỗi ngày.

Mỗi ngày trong tuần, con cầu xin Thiên Chúa ban cho con một tâm hồn khó nghèo, siêu thoát, trong sạch, khiêm hạ, chân thật và sốt mến để Chúa đến ngự trong tâm hồn con.

Mỗi ngày trong tuần, con thực hiện một số việc hy sinh, bỏ mình, phục vụ, yêu thương bác ái để dọn đường đón Chúa.

Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cảm tạ Cha luôn mời gọi con dọn đường đón Chúa, để Chúa ở bên và ở trong chúng con, để con sống thân mật gần gũi với Chúa !

Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa hãy đến ! Xin Chúa đến với con, đến với mọi người, nhất là những người còn chưa biết Chúa và những người không sống theo luật của Chúa là tiếng nói lương tâm và Tin Mừng.

Lạy Chúa Thánh Thần là Ðấng đổi mới các tâm hồn và bộ mặt trái đất, xin Chúa đổi mới tâm hồn và cuộc sống con cho phù hợp với Thiên Chúa.

Gs. Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

SUY NIỆM 5:

NGƯỜI DỌN ÐƯỜNG TÂM HỒN

Mỗi lần chuẩn bị cho xa giá của nhà vua đi qua một nơi nào đó, thường có một người lính cầm loa phóng thanh đi trước hô to để dọn đường. Khi nghe tiếng loa báo hiệu như thế, dân chúng sẽ thu dọn mọi thứ rác rến bừa bãi, thu dọn những gì bị coi là không đẹp mắt, làm cho con đường sạch đón vua đi qua.

Cũng thế, mỗi lần có một phái  đoàn quan trọng của chính phủ đi trên đường phố, thường có xe cảnh sát và đoàn xe mô tô đi trước, làm nhiệm vụ bảo vệ và dọn đường để chuẩn bị cho xe ca phái đoàn cấp cao đi qua.

Nhiệm vụ của thánh Gio-an Tẩy giả vừa giống như thế, nhưng cũng vừa không giống. Giống là vì thánh Gio-an cũng được gọi là người dọn đường. Không giống là vì nhiệm vụ của thánh Gio-an quan trọng hơn, cao cả hơn: Thánh Gio-an không dọn đường đi như những người dọn đường cho vua chúa, nhưng là DỌN ÐƯỜNG TÂM HỒN.

Dọn đường cho chính Thiên Chúa đi vào tâm hồn con người. Người dọn đường tâm hồn nhắn gởi đến mọi người lời kêu gọi thống thiết: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng".

Cùng với lời kêu gọi dọn đường cho Chúa là rao giảng phép rửa sám hối để đem mọi người trở về với lòng ăn năn tội nhằm xin ơn tha thứ. Hóa ra dọn đường cho Chúa ngự vào tâm hồn, không có gì khác hơn, nhưng chính là hoán cải đời sống và thú nhận tội lỗi để được ơn tha thứ. Chỉ có tâm hồn trong sạch, một tâm hồn hoàn toàn không vướng mắc tội lỗi mới xứng đáng Chúa ngự vào.

Dù lời mời gọi của thánh Gio-an Tẩy giả: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng" đã có từ rất lâu, nhưng vẫn rất phù hợp với mọi người hôm nay. Vì ở đâu có tội lỗi, ở đó rất cần ơn ăn năn sám hối. Bạn và tôi có tội. Cách duy nhất để dọn đường và sửa đường đón Chúa ngự vào tâm hồn là ăn năn sám hối.

Lm. JB. NGUYỄN MINH HÙNG


CÂU TRUYỆN:

RỒI SAO NỮA ?

Một chiếc tàu rộng lớn đang vượt trên bể cả mênh mông, trên chiếc ghế bố chật hẹp, một cụ già trạc quá lục tuần, tay cầm một quyển sách nhỏ, vừa xem vừa ra dáng nghĩ ngợi. Bỗng thấy một chàng thanh niên mặt mũi khôi ngô, vẻ thông minh lắm. Chàng chăm ngó cụ một hồi, tươi cười tiến tới chào hỏi: "Thưa cụ nếu cháu không rầm, thì cụ là mục sư của Hội Thánh Tin Lành phải không ạ ?" Cụ già ngạc nhiên: "Ủa, cậu là ai mà biết tôi ?" Anh thanh niên trả lời: "Thưa cụ, nhà cháu ở gần bên nhà hội Tin Lành, song vì cháu bận bịu việc học, nên thỉnh thoảng lúc bãi trường, cháu mới có dịp qua Nhà Thờ Tin Lành nghe giảng đôi lần, nên cháu còn nhớ cụ."

Cụ già lộ vẻ vui mừng hỏi: "Thế, bây giờ cậu đã rảnh để đến nghe Lời Chúa chưa ?" Chàng trai ngượng ngùng bối rối: "Thưa cụ, điều ấy cháu tưởng không nên vội. Hiện nay cháu đang lo cho xong việc đời của mình, cháu vừa được phân bổ chức vụ trạng sư, và tháng tới cháu phải đến một thành phố khác để làm việc ạ..."

Cụ già vẫn ân cần hỏi: "Rồi kế đó cậu sẽ làm chi nữa ?" Chàng trai trả lời với ánh mắt mơ màng: "Rồi cháu sẽ lo chuyện cưới vợ, sẽ sinh con cái, và khi chúng nó lớn rồi, cháu sẽ lo cho chúng ăn học nên người thông minh trí huệ. Kế nữa, cháu lo gây dựng gia đình cho chúng... Rồi sau đó, cháu có thể an hưởng tuổi già vì đã mãn nguyện..." Thấy chàng thanh niên trả lời một cách tự đắc, vị mục sư lão thành lại nhỏ nhẹ hỏi tiếp: "Kế đó cậu sẽ làm chi nữa ?" Chàng trai thản nhiên trả lời: "Ồ, thì cháu cũng như mọi người khác, khi đã lớn tuổi rồi thì cũng già lão, cũng sẽ chết mà thôi..."

Nói đến đây, chàng thanh niên lộ vẻ buồn bã, thất vọng lắm. Vị mục sư tiếp: "Thế, sau khi chết rồi thì cậu sẽ ra sao ?" Bây giờ thì cậu thanh niên chỉ đứng im, ra dáng nghĩ ngợi lắm.

Vị mục sư tiếp: "Cậu nên nhớ rằng, sau khi chết, cậu phải lập tức đến trước tòa của Thiên Chúa. Cậu nên suy nghĩ, Thiên Chúa là Ðấng Tạo Hóa của cậu, Ngài ban sự sống, sự khôn ngoan trí thức cho cậu... mà cậu nỡ quên ơn Ngài mà chỉ lo chăm chút cho riêng cuộc sống ích kỷ của mình sao ? Thế nhưng Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương cậu, Ngài ban cho cậu một Ðấng Cứu Thế là Ðức Giê-su, chịu chết thế cho cậu trên thập giá. Tôi khuyên cậu nên ăn năn và quay về cùng Chúa ngay bây giờ đi. Vẫn còn kịp đấy !"

Sau đó cậu thanh niên từ giã ra đi, còn vị mục sư già vẫn luôn nhớ đến cậu trong lời cầu nguyện. Về sau, người ta đã gặp cậu thanh niên này như một tín hữu suốt đời gắn bó với Lời Chúa và sống đạo một cách nhiệt thành giữa tha nhân...

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI tập 8

TIN MỪNG LỄ ÐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI - 9.12: Lc 1, 26 - 38

TRUYỀN TIN

Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Ða-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà".

Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ða-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận".

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần:"Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !" Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Ðấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được".

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

CHỨNG TÁ:

MẪU ẢNH "ÐỨC MẸ HAY LÀM PHÉP LẠ"

Từ tháng 6 đến tháng 11.1830, liên tiếp trong nhiều lần, Ðức Mẹ đã hiện ra cho một nữ tập sinh Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh-sơn, tên là Catherine Labouret tại Nguyện Ðường của Nhà Dòng, phố Du Bac, thủ đô Paris nước Pháp. Nơi đây, chị đã được thấy, được nói chuyện, và còn được phép sờ vào người Ðức Mẹ.

Chuyện này xảy ra một cách âm thầm, đến độ trong 46 năm liền, chị đã được diễm phúc thấy Ðức Mẹ đi lại phục vụ các bệnh nhân nghèo trong Chẩn Y Viện nhỏ bé của Nhà Dòng mà không ai biết chút gì. Các nữ tu sống bên cạnh chị vẫn cho rằng chị là một người khù khờ dốt nát, chuyên lo những công việc tầm thường và nặng nhọc trong nhà. Ngoài một số rất ít các vị Bề Trên tại chỗ, không ai ngờ chị đã được Ðức Mẹ hiện ra. Sau khi chị qua đời, nghe chuyện, họ đã dứt khoát không tin. Cho đến khi mộ của chị được mở ra, người ta kinh ngạc nhận ra đôi tay và đôi mắt của chị vẫn hồng hào nguyên vẹn.

Chị Catherine Labouret đã được Giáo Hội tôn phong Chân Phúc vào năm 1935, nghĩa là 2 năm sau khi chị Bernadette được phong Thánh. Ðến năm 1947 thì chị Catherine cũng được phong Thánh. Người ta ước tính mỗi năm có gần 2 triệu người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến kính viếng và cầu nguyện tại ngôi Nhà Thờ bé nhỏ trên phố Du Bac ở Paris.

Trong các lần hiện ra, Ðức Mẹ đã trao cho chị sứ mạng phải quảng bá việc tôn kính Mẹ qua bức ảnh nói trên, thường được gọi là "Ảnh Ðức Mẹ-Hay-Làm-Phép-Lạ". Mẹ hứa: "Tất cả những ai mang ảnh này với tất cả lòng tín thác, sẽ lãnh được nhiều ơn trọng đại".

Sau 2 năm do dự và giấu kín, cuối cùng thì cha giải tội của chị cùng với vị nữ tu Bề Trên đã quyết định nhờ một nghệ sĩ đúc lại bức ảnh theo mô tả chi tiết của chị. Không mấy chốc, "Ảnh Ðức Mẹ-Hay-Làm-Phép-Lạ" được quảng bá rộng khắp. Ngày 11 tháng 2 năm 1858, khi được Ðức Mẹ hiện ra tại Lộ-đức ( Lourdes ), Thánh Nữ Bernadette cũng có đeo trên ngực mẫu ảnh này.

Chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm mẫu ảnh đặc biệt này:

Có một lần vào ngày 27 tháng 11 năm 1830, chị đã thấy Ðức Mẹ hiện ra với những luồng ánh sáng chói lòa phát xuất từ đôi tay và với quả địa cầu dưới chân có một con rắn bị Mẹ đạp lên, còn trên đầu Mẹ thì có một vầng hào quang được kết bằng 12 ngôi sao. Chi tiết này gợi lại thị kiến của Thánh Gio-an: "Một người phụ nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên 12 ngôi sao" ( Kh 12, 1 ). Các tia sáng được hiểu là dấu chỉ tình bằng hữu với Thiên Chúa và với mọi người. Ðức Giê-su ban cho chúng ta niềm vui và lòng can đảm của Người để chúng ta có thể yêu thương nhiều hơn nữa.

Con rắn là biểu tượng của sự xấu, của các khó khăn, của những hành động thiếu yêu thương, đã cản trở chúng ta sống bình an với chính mình và với tha nhân. Quả cầu là biểu hiện các nơi chốn khác nhau trên thế giới, nơi chúng ta được mời gọi sống tình yêu thương một cách chan hòa. Những ngôi sao biểu hiện niềm vui được làm Ki-tô hữu, dấu chứng tình bạn thân thiết với Ðức Giê-su Ki-tô. Chúng ta không được giữ riêng bảo vật này một cách ích kỷ, nhưng phải đem chia sẻ,tỏa sáng, để mọi người cũng có thể nhờ chúng ta mà khám phá ra mối tình tuyệt vời ấy.

Tất cả như được đóng khung trong một vòng hình trái xoan với giòng chữ: "Lạy Mẹ Ma-ri-a vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Mẹ".

Bên dưới mẫu ảnh còn có hình hai quả tim, một của Ðức Giê-su bị đâm thủng bởi một vòng gai, một của Ðức Mẹ bị một lưỡi gươm xuyên thâu. Tất cả nói lên Tình Yêu cao sâu mà Thiên Chúa Cha đã dành cho chúng ta: Ðức Giê-su Ki-tô đã hiến mạng sống mình vì yêu thương. Còn Ðức Mẹ thì đã đau khổ vì yêu thương khi chứng kiến Con của Mẹ chết trên thập giá.

Trên mẫu ảnh còn có ghi một chữ M lớn, đan chéo trong một cây Thánh Giá. Ðây sẽ là chữ M mà Ðức Karol Wojtyla đã chọn làm huy hiệu khi được sắc phong làm Giám Mục, và cả sau này khi được bầu làm Giáo Hoàng. Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến viếng thăm nước Pháp năm 1980, Ðức Gio-an Phao-lô đệ nhị đã bày tỏ ước muốn được kính viếng mộ Thánh Nữ Catherine Labouret nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày Ðức Mẹ hiện ra với chị.

Một chi tiết khác nữa là màu xanh da trời trên áo choàng của Mẹ. Ðúng ngày 15 tháng 8 năm 1955, cũng chính là ngày kính trọng thể Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Hội Ðồng Các Nước Âu-Châu vừa được khai sinh với mục đích tiến tới một Liên Bang Âu Châu, lúc bấy giờ chỉ gồm có 12 quốc gia, đã quyết định chọn mẫu lá cờ có 12 ngôi sao trắng trên nền xanh da trời do một họa sĩ trẻ đưa ra. Ðây không phải là chuyện ngẫu nhiên. Vốn có lòng sùng kính Ðức Mẹ đặc biệt, vợ chồng người họa sĩ này lần chuỗi Mai Khôi mỗi ngày, mỗi người đều đeo một mẫu "Ảnh Ðức Mẹ-Hay-Làm-Phép-Lạ". Và người họa sĩ đã tham gia cuộc thi vẽ mẫu lá cờ đang lúc đọc tiểu sử của chị Catherine Labouret. Anh kể lại: "Một cách vô thức, hình ảnh 12 ngôi sao trên nền xanh da trời đã đến với tôi một cách tự nhiên..."

Từ INTERNET 3.2000

CẦU NGUYỆN:

TUẦN CỬU NHẬT KÍNH ÐỨC MẸ VỖ NHIỄM NGUYÊN TỘI

 ( MẪU ẢNH HAY LÀM PHÉP LẠ )

Lạy Ðức Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội, là Mẹ của Thiên Chúa và là Mẹ của chúng con, lòng tràn ngập niềm tin tưởng sâu xa vào sự chuyển cầu đầy quyền phép và hữu hiệu mà Mẹ đã thương biểu lộ qua Mẫu Ảnh Hay Làm Phép Lạ, chúng con khẩn cầu Mẹ xin cùng Con của Mẹ là Ðức Giê-su Ki-tô, những hồng ân và đặc ân mà chúng con cầu xin, nếu điều đó có thể giúp chúng con lớn lên trong Tình Yêu Chúa và tha nhân. Amen ! Lạy Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin.

Ðể có thể làm Tuần Cửu Nhật này theo đúng tinh thần của Thánh Nữ Catherine Labouret, chúng ta hãy xin cùng chị cho chúng ta có được một chút tấm lòng hiếu thảo đậm đà của chị đối với Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, và nhất là, noi gương chị, chúng ta cũng biết tin vào Tình Mẫu Tử của Mẹ đối với tất cả chúng ta.

 

NGÀY THỨ 1: MẸ HIỆN RA LẦN THỨ NHẤT TỪ NGÀY 18 ÐẾN 19.7.1830

"Hãy đến nơi chân bàn thờ này, bên cạnh Chúa Giê-su, Con của Ta, các con sẽ tìm thấy ánh sáng và sức mạnh." Ðức Ma-ri-a lại nói với chúng ta về tình thương Thiên Chúa dành cho chúng ta. Mẹ mời gọi chúng ta theo gót Chúa Ki-tô, hiểu biết điều Chúa chờ đợi nơi chúng ta. Xin Mẹ Ma-ri-a hãy dẫn đưa chúng con đến cùng Ðức Giê-su Ki-tô. Xin Mẹ giúp chúng con sống đời chứng tá Tình Yêu giữa cuộc đời hôm nay. Kinh Lạy Cha - Kinh Kính Mừng - Kinh Sáng Danh. Lạy Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội...

 

NGÀY THỨ 2: MẸ HIỆN RA LẦN THỨ HAI VÀO NGÀY 27.11.1830

"Tôi đã thấy Ðức Trinh Nữ... Ngài cầm trên tay một hình tròn, trên có hình Thánh Giá nhỏ. Tôi đã nghe tiếng phán bảo: Hình tròn này tượng trưng cho toàn thể thế giới, và mỗi người cách riêng." Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới vì lòng yêu thương, ngõ hầu loài người sống nhờ vào tình thương đó. Xin Mẹ Ma-ri-a dạy cho chúng con biết rằng: mọi người, không phân biệt ai, đều được kêu gọi vào làm dân Chúa. Kinh Lạy Cha - Kinh Kính Mừng - Kinh Sáng Danh. Lạy Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội...

 

NGÀY THỨ 3: LẠY MẸ MA-RI-A VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Khi trao lại cho thế giới dấu chỉ mà Ðức Ma-ri-a mang đến, Thánh Nữ Catherine Labouret, đã hoàn tất sứ mạng là: làm cho cả thế giới biết Mẹ là Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cùng với Thánh Nữ Catherine Labouret, chúng con chiêm ngắm Mẹ Ma-ri-a là Mẹ rất tinh tuyền của Thiên Chúa. Kinh Lạy Cha - Kinh Kính Mừng - Kinh Sáng Danh, Lạy Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội...

 

NGÀY THỨ 4: XIN CẦU CHO CHÚNG CON HẰNG CHẠY ÐẾN KÊU XIN MẸ

"Hãy cho đúc một Mẫu Ảnh theo kiểu này." Ðức Ma-ri-a được liên kết với Ðức Giê-su vào công trình Cứu Ðộ. Mọi ân huệ đều đến bởi Ðức Giê-su và bởi Người mà thôi, chỉ mình Người là Ðấng Cứu Ðộ và là Trung Gian duy nhất. Xin Ðức Ma-ri-a nhậm lời chúng con cầu xin, và cũng không ngừng nhắc cho chúng con nhớ rằng: Con của Mẹ có thể làm được tất cả. Xin dạy chúng con biết xin những ân huệ luôn cần thiết cho chúng con. Kinh Lạy Cha - Kinh Kính Mừng - Kinh Sáng Danh. Lạy Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội...

 

NGÀY THỨ 5: CHÂN MẸ TỰA TRÊN QUẢ CẦU TRẮNG, TRÊN ÐÓ CÓ MỘT CON RẮN

Tội lỗi của loài người là khước từ tình yêu. Ðó là sự bất công, bạo lực, tính ích kỷ, sự chà đạp những người nhỏ bé. Con rắn chính là biểu tượng cho tất cả những điều ấy ! Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp chúng con chống trả sự dữ ấy đang ở trong chúng con và chung quanh chúng con. Xin giúp chúng con biết nói như Mẹ: Xin Vâng cùng Thiên Chúa. Kinh Lạy Cha - Kinh Kính Mừng - Kinh Sáng Danh. Lạy Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội...

 

Ngày Thứ 6: Tôi Ðã Thấy Phía Sau Mẫu ảnh Có Chữ M, Ở Trên Có Hình Thánh Giá

Ðây là điều mà mặt sau của Mẫu Ảnh giải thích: Con Thiên Chúa làm người cứu chuộc chúng ta nhờ cái chết trên Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Người. Mẹ Ma-ri-a có một chỗ đặc biệt kề bên Con của mình. Mẹ không rời khỏi Ðức Giê-su mà Mẹ đã trao ban cho chúng ta và dẫn chúng ta đến với Người. Cùng với Ðức Giê-su, Mẹ đã chịu đau khổ vì chúng ta.

Lạy Mẹ Ma-ri-a là Mẹ của Thiên Chúa, xin cầu bầu cùng Chúa cho chúng con. Kinh Lạy Cha - Kinh Kính Mừng - Kinh Sáng Danh. Lạy Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội...

 

NGÀY THỨ 7: PHÍA DƯỚI LÀ HAI QUẢ TIM CỦA CHÚA GIÊ-SU VÀ MẸ MA-RI-A

TráI Tim của Ðức Giê-su có vòng gai chung quanh nhắc nhở chúng ta rằng: cuộc Thương Khó của Ðức Giê-su chính là sự biểu lộ cao cả Tình Yêu Thiên Chúa. Trái Tim của Ðức Ma-ri-a gợi cho chúng ta ý nghĩ Mẹ luôn liên kết với Tình Yêu Cứu Chuộc này. Kinh Lạy Cha - Kinh Kính Mừng - Kinh Sáng Danh. Lạy Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội...

 

NGÀY THỨ 8: MƯỜI HAI NGÔI SAO CHUNG QUANH

Các ngôi sao tượng trưng các Tông Ðồ của Giáo Hội là chính chúng ta.

Lạy Mẹ Ma-ri-a, trong Giáo Hội lữ hành, xin Mẹ hãy giúp chúng con trở thành Tông Ðồ và mang đến cho thế giới sứ điệp của Mẫu Ảnh Hay Làm Phép Lạ, sứ điệp của Ðức Tin, Ðức Cậy và Ðức Mến. Kinh Lạy Cha - Kinh Kính Mừng - Kinh Sáng Danh. Lạy Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội...

 

NGÀY THỨ 9: ẢNH HAY LÀM PHÉP LẠ, MỘT "DẤU CHỈ" LOAN BÁO TIN MỪNG,

MỘT SỨ ÐIỆP CHO ÐỜI SỐNG CHÚNG TA MẸ

Ðức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Thiên Chúa, liên kết chặt chẽ với Ðức Ki-tô. Mẹ trao ban Chúa cho chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến với Người.

Lạy Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ của chúng con, xin cầu bầu cho chúng con. Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ của Giáo Hội, trong sự hiệp thông với các Tông Ðồ, xin giúp chúng con trở thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng Ðức Ki-tô Phục Sinh cho thế giới hôm nay. Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ của Giáo Hội, xin giúp chúng con hiểu biết sứ điệp của Mẹ và đem vào thực hành trong đời sống chúng con. Kinh Lạy Cha - Kinh Kính Mừng - Kinh Sáng Danh. Lạy Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội...

 Lạy Mẹ Ma-ri-a, trong ngày Lễ Hiện Xuống,

Mẹ đã tham dự vào ngày khai sinh của Giáo Hội,

Xin Mẹ giúp chúng con biết tham gia vào đời sống của Giáo Hội.

Xin giúp chúng con biết xây dựng một thế giới mới đầy tình huynh đệ.

Thiên Chúa cần đến trí thông minh của chúng con để hiểu rõ cuộc sống hơn

Thiên Chúa cần đến trái tim chúng con để yêu thương những người thân cận.

Thiên Chúa cần đôi bàn tay chúng con để phục vụ những ai cần giúp đỡ.

Thiên Chúa cần đôi chân chúng con để đến với những ai bị bỏ quên...

Theo tài liệu của Nhóm CON ÐỨC MẸ Giáo Xứ Ðại Lãm

THÔNG TIN:

TRAO TẶNG SÁCH KINH THÁNH TÂN ƯỚC

1. Cha FX. Trần Phương, phụ trách 5 Giáo Xứ nghèo thuộc Tổng Giáo Phận Huế: Kẻ Văn; Hòa Viên; Hưng Nhơn; Phú Kinh; An Thơ vừa gửi một Dự Án chi tiết, thông qua Sr. Tuyết Trinh, Dòng Ða-minh Rosa Lima, xin trợ giúp 100 cuốn sách Tân Ước để tổ chức một khóa học hỏi về Lời Chúa cho các anh chị Giáo Lý Viên của cả 5 Giáo Xứ, để sau đó các anh chị trở về "làm men và muối" cho việc chia sẻ Lời Chúa và cầu nguyện mỗi tối tại các gia đình Công Giáo. Gospelnet đã xin được với Nhóm Tông Ðồ Kinh Thánh duyệt chi số tiền 1.500.000 VND, để có thể mua 100 cuốn Tân Ước ( và tặng thêm 10 cuốn Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước - Tân Ước ). Xin quý độc giả hiệp thông cầu nguyện để công việc đáng quý này sinh hoa kết quả tốt đẹp.

2. Cha Giu-se Nguyễn Văn Tịch, phụ trách Giáo Xứ Vị Tín thuộc Giáo Phận Cần Thơ, thông qua Sr. An-na Nguyễn Thị Ngọc Hiệp, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Ðức, hiện đang phục vụ tại Văn Phòng Truyền Giáo số 5 A Nguyễn Trãi, thị xã Vị Thanh, tỉnh Cần Thơ, điện thoại: 071.877.855. xin trợ giúp 300 cuốn Kinh Tân Ước để tổ chức khóa học hỏi về Lời Chúa cho 300 gia đình trong Giáo Xứ. Gospelnet đã giới thiệu với cha Nguyễn Như Yêng, Giáo Xứ Tân Hưng, hạt Hóc Môn, Tổng Giáo Phận Sài-gòn, và sau 1 tháng ngỏ lời, cộng đoàn Giáo Xứ đã quyên góp được số tiền 4.500.000 VND, để có thể mua 300 cuốn Tân Ước ( và tặng thêm 30 cuốn Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước - Tân Ước ). Xin quý độc giả hiệp thông cầu nguyện để công việc đáng quý này của cả hai Giáo Xứ liên kết tương trợ với nhau, sẽ sinh hoa kết quả tốt đẹp.

TRỠ GIÚP CÁC TRƯỜNG HỠP NGẶT NGHÈO

Anh Văn Hùng và chị Lệ Thu, Giáo Dân Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế, cộng tác viên của Gospelnet tại Huế, giới thiệu các trường hợp ngặt nghèo sau đây:

1. Anh Lê Văn Tâm, thuộc Giáo Họ Phú Xuân, Giáo Xứ Buôn Hô, Giáo Phận Ban-mê-thuật phải đưa con là cháu bé LÊ VŨ KIM QUY ra Huế để chữa trị căn bệnh bại liệt. Gia đình đã phải cầm cỗ ruộng đất và tài sản ở quê, bệnh chưa hoàn toàn lành nhưng tiền thì đã hết sạch, không đủ để về xe. Gospelnet đã trợ giúp số tiền 200.000 VND cho anh Tâm lo liệu về Ban-mê-thuật.

2. Chị PHẠM THỊ CHIẾN, 45 tuổi, Giáo Dân Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế, chồng chạy xe thồ, có 5 con nhỏ. Năm 2001, chị bị bệnh bao tử phải giải phẫu, nhưng Bệnh Viện Trung Ương Huế chẩn đoán đã bị ung thư ( ký hiệu Y Khoa: K. Dạ Dầy ). Ðến tháng 10.2002 thì chị Chiến bị đau trở lại mà không có tiền đi khám và chạy chữa. Gospelnet đã trợ giúp số tiền 300.000 VND cho chị Chiến tạm lo liệu thuốc thang.

3. Anh chị Hồ Ðinh và Hoàng Thị Hòa, thuộc Giáo Xứ Thủy Biều ( cách xa cố đô Huế 8 km ), hoàn cảnh hết sức nghèo, lại có con là cháu bé HỒ HOÀNG NGỌC PHƯỚC, bị liệt toàn thân và phát triển không bình thường, phải bú sữa chứ không ăn được cơm. Gospelnet nhận bắt đầu trợ giúp từ tháng 11.2002 cho gia đình cháu bé mỗi tháng 50.000 VND.

TRỠ GIÚP MỘT BỆNH NHÂN KHUYẾT TẬT GỐC GIÁO PHẬN VINH

Cha Lê Quang Uy, DCCT, bạn sinh viên Nguyễn Tiến Thiết, giới thiệu trường hợp anh Giu-se NGUYỄN XUÂN THÀNH, sinh năm 1968, nguyên quán ấp Tây Yên, xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, Giáo Phận Vinh, hiện đang được cho ở nhờ tại số 76 / 5 Bạch Ðằng, phường 24, quận Bình Thạnh, Sài-gòn, điện thoại: 08.5.111.710. Anh Thành bị khuyết tật ở chân trái từ bẩm sinh, gần đây khi anh lưu lạc vào Nam để lo sinh kế, chân anh bị viêm xương bên trong rồi rò mủ ra bên ngoài. Gospelnet xin trợ giúp số tiền 200.000 VND để anh đi khám và mua thuốc chạy chữa.

TRỠ GIÚP MỘT NGƯỜI Ở TIỀN GIANG BỊ TAI NẠN TRỌNG THƯƠNG

Cô Nguyễn Thị Giao, Phòng Xã Hội 42 Tú Xương, giới thiệu trường hợp anh NGUYỄN THẠCH MAI, sinh 1970, gốc dân tộc Khmer, ở đậu tại nhà người chị vợ tại ấp 1, xã Long Ðịnh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, thuộc Giáo Xứ Long Ðịnh 1 do cha Giu-se Vũ Ðức Tuấn phụ trách. Người vợ bán thịt heo ở chợ, thu nhập thấp và không ổn định, con nhỏ 8 tuổi gửi cho bà ngoại nuôi. Ngày 10.11.2002, anh Mai chở cá thuê bằng xe Honda 67 cho người chị đi bán ở chợ gần nhà thì bị xe du lịch đụng chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm ở mông và gãy xương chân, cấp cứu vào bệnh viện Chợ Rẫy rồi chuyển sang Khoa Ngoại Thần Kinh, cho đến nay vẫn còn bị hôn mê. Bên gây tai nạn chỉ bồi thường có 5.000.000 VND, trong khi chi phí bệnh viện sau gần 1 tháng đã hết gần 10.000.000 VND, gia đình anh Mai phải đi vay 2.000.000 VND với mức lãi cao 10 %. Gospelnet xin trợ giúp ngay số tiền 1.500.000 VND.

 

TRỠ GIÚP MỘT GIA ÐÌNH ÐANG GẶP KHÓ KHĂN

Như Gospelnet số 86 ra ngày 24.11.2002 đã thông tin, trường hợp gia đình bà Ma-ri-a NGUYỄN THỊ HÒA, ngụ tại đội 2 xã Nam Linh, huyện Phú Xuân, tỉnh Ðồng Nai, góa cả hai đời chồng, hoàn cảnh khó khăn, Gospelnet đã trợ giúp cho 2 người con: Em LÊ TRỌNG HẢI, 19 tuổi, đang học lớp 10 D ở Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, và em NGUYỄN VĂN HÙNG, 17 tuổi, bị bệnh phù thủng nặng. Chúng tôi vừa được tin em Hùng đã trở bệnh nặng và qua đời. Bà Hòa đã lo liệu tang ma xong xuôi, gia cảnh càng thêm khó khăn, có xin chúng tôi giúp thêm cho 2 người con khác khỏi phải bỏ học: em LÊ TRỌNG QUYNH, đang học lớp 7 A trường THCS Tân Tiến, và em LÊ THỊ NGA, đang học lớp 6 C trường THCS Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Gospelnet xin trợ giúp thêm cho gia đình bà Hòa số tiền 200.000 VND.

TRỠ GIÚP HỌC BỔNG TRỌN NĂM CHO 14 EM HỌC SINH DÂN TỘC Ở PLEICHUET

Gospelnet vừa nhận được tin vui: gia đình ông bà NGUYỄN DUY LINH ( Hoa Kỳ ) đã nhận trợ giúp và gửi số tiền 600 USD để lo liệu học bổng trọn niên khóa 2002 - 2003 cho 14 em học sinh người dân tộc J'rai, hiện đang sinh sống tại Ðiểm Truyền Giáo Pleichuet, Giáo Phận Kontum, do cha Vương Ðình Tài và thầy Phó Tế Nguyễn Ðức Thịnh, DCCT, phụ trách. Mỗi em sẽ nhận được 50.000 VND một tháng, 14 em x 12 tháng x 50.000 VND = 8.400.000 VND, do vậy vẫn còn dư lại 600.000 VND. Thầy Thịnh sẽ tìm giúp thêm cho một em học sinh khác cũng có hoàn cảnh khó khăn.

 

Stt

Họ tên

Năm sinh

Tên cha

Tên mẹ

Học lớp

01

02

03

04

05

06

07

08

09

10

11

12

13

14

THƯM

KSOR H'HLƯM

RAHLAN H'HLEN

YONG

H'WƠN

KSOR H'ÐAM

H' BLIU

H' TOĂN

H' CHUNG

H' BANG

H' KHĂO

KSOR DÌU

'DUIN

RAHL AN KHIÊM

1983

1985

1980

1984

1984

1984

1982

1984

1984

1984

1983

1984

1984

1983

HMIL

RAHLAN SI

RAHLAN BLIH

JIÊH

MIT

NAY DU

DÂU

JU

BER

WI

BEL

H'BĂT

KSOR H'CHIĂ

H'

H'BONH

H'WEL

KSOR H'GAO

H' BLIP

H' BEÊH

H' MOT

H' KRI

H' HEM

10 BTVH

10 BTVH

10 BTVH

10 Bán công

6 Bán công

11 bán công

11 bán công

12 bán công

10 BTVH

10 BTVH

11 bán công

10 THPT

10 THPT

Ôn thi đại học

TRỠ GIÚP HỌC BỔNG CHO 10 EM HỌC SINH NGHÈO Ở HUẾ

Thầy Võ Văn Tuệ, DCCT, giới thiệu một danh sách 10 em học sinh hiếu học có hoàn cảnh gia đình nghèo, hiện ngụ tại ấp An Vân Thượng, xã Hương An, huyện Hương Trà, cố đô Huế. Trước mắt, Gospelnet xin trợ giúp cho mỗi em 50.000 VND cho tháng 12.2002, tổng cộng: 500.000 VND, và nhờ anh Văn Hùng và chị Lệ Thu là cộng tác viên của Gospelnet tại Huế sẽ chuyển đến tận tay gia đình các em. Sang năm mới, chúng tôi sẽ cố gắng xin các ân nhân tiếp tục trợ giúp.

01. ÐẶNG THỊ MỸ KIỀU, sinh 20.4.1995, học lớp 2 C trường Tiểu Học số 2 Hương Hồ.

02. ÐẶNG THỊ KIM CHI, sinh 8.12.1991, học lớp 5 D trường Tiểu Học số 2 Hương Hồ

03. ÐẶNG THỊ DIỆU HƯƠNG, sinh 20.8.1993, học lớp 4 trường Hương An.

04. ÐẶNG THỊ LY LY, sinh 11.12.1996, học lớp 1 trường Tiểu Học An Vân.

05, ÐẶNG THỊ LIN LIN, sinh 16.12.1994, học lớp 3 B trường Tiểu Học Hương An.

06. DƯƠNG QUANG PHONG, sinh 6.8.1987, học lớp 9 trường THCS Hương Hồ.

07. DƯƠNG VINH SƠN, sinh 27.9.1989, học lớp 8 trường THCS Hương Hồ.

08. DƯƠNG THỊ KIM THI, sinh 8.8.1992, học lớp 5 C trường Tiểu Học Hương An.

09. DƯƠNG VI NA, sinh 18.7.1994, học lớp 3 B trường Tiểu Học Hương An.

10. DƯƠNG NHƯ QUỲNH, sinh 10.1.1998, học lớp Mẫu Giáo An Vân.