CHÚA NHẬT 2
PHỤC SINH
TIN MỪNG: Ga 20, 19 - 31
Vào chiều ngày ấy, ngày
thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các
ông sợ người Do-thái. Ðức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình
an cho anh em !" Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh
sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các
ông: "Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy
cũng sai anh em". Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh
em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được
tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ".
Một người trong Nhóm Mười
Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Ði-đi-mô, không ở với các ông khi
Ðức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã
được thấy Chúa !" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy
dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và
không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin".
Tám ngày sau, các môn đệ
Ðức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các
ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giê-su đến, đứng giữa các ông và
nói: "Bình an cho anh em !" Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Ðặt
ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào
cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin". Ông Tô-ma
thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !" Ðức
Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những
người không thấy mà tin !"
Ðức Giê-su đã làm nhiều
dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không
được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là
để anh em tin rằng Ðức Giê-su là Ðấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để
anh em tin mà được sự sống nhờ Danh Người.
SUY NIỆM 1:
Có lần, một Linh Mục chia sẻ: Có một anh
sinh viên gởi thư và nêu thắc mắc bao gồm một nỗi khổ rất lớn,
liên quan dữ dội đến Ðức Tin.
Anh sinh viên hỏi rằng: "Thưa
Cha, chỉ còn có ba tháng nữa, con sẽ tốt nghiệp đại học. Dù lúc
này, ba con rất yếu, nhưng con cầu xin Chúa cho ba con được sống cho
tới ngày con cầm được mảnh bằng tốt nghiệp về khoe với ba: "Thưa ba,
đây là bằng tốt nghiệp của con". Cha có biết không, cái bằng tốt
nghiệp đó, con đã phải chờ phải đợi biết là chừng nào. Ba con cũng
thế, đêm ngày mong mỏi, cứ mong mỏi, cứ chờ đợi làm sao để nhìn
thấy con tốt nghiệp đại học, y như là khi con đậu đại học là chính
lúc ba con đậu đại học vậy. Cũng đúng thôi cha ạ. Vì mảnh bằng tốt
nghiệp, nếu con đạt được thì đâu chỉ của riêng con mà là của cả hai
cha con cộng lại. Ðó là công lao nuôi dưỡng của ba con hai mươi mấy
năm trời và công lao học tập miệt mài của con bao nhiêu năm mới có
nó, vậy mà Chúa không nghe lời con xin. Cách nay một tuần, Chúa đã
cất ba con. Ba con chết mà không nhìn thấy kết quả do mình tạo ra, và
ngày đêm mong mỏi. Sao Chúa lại làm như vậy ? Sao vậy cha ?"
Và
trong lá thư gởi theo địa chỉ mà anh sinh viên cho biết, vị Linh Mục trả
lời: "Tôi cũng không biết nữa, không hiểu vì sao Thiên Chúa lại
làm như vậy. Nhưng chắc Chúa có lý do của Ngài. Ðọc thư anh, tôi
thông cảm với anh, thông cảm nhiều lắm, vì tôi cũng đã từng gặp đau
khổ tương tự như anh. Tôi cầu nguyện cho anh và dâng những đau khổ,
dâng sự đồng cảm của hai chúng ta, để Chúa tìm cách bù cho anh trong
kết quả thi tốt nghiệp sắp tới. Ðiều tôi quan tâm hơn hết, đó là
anh còn tin Chúa nữa hay không ?"
"Anh
có còn tin Chúa nữa hay không ?" Tôi nghĩ rằng, lời hỏi
đó cũng rất cần thiết cho bạn và tôi. Có những lúc đau khổ tột
cùng, những lúc tưởng như cuộc đời mình bế tắc... , chính những lúc
như thế, chúng ta có còn tin Chúa nữa hay không ?
Bài Tin Mừng Chúa Nhật
hôm nay sẽ là câu trả lời quý giá về nỗi đau trong cuộc đời của
bạn và của tôi. Vì hiểu được ý nghĩa của Tin Mừng hôm nay, sẽ giúp
ta vững tin hơn. Chỉ với một bài Tin Mừng không dài lắm, nhưng Thánh
Gio-an có đến hai lần kể lại việc Chúa Phục Sinh hiện ra với các
môn đệ. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc: hôm nay Giáo Hội đang cử hành Mầu
Nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm của niềm vui, một niềm vui lớn.
Ðàng
khác bài Tin Mừng kể lại việc Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn
đệ, lại là một niềm vui không nhỏ. Vậy mà từ đầu tới giờ, tôi chỉ
toàn nói đến đau khổ. Vì sao lại nói đến đau khổ giữa Mùa Phục Sinh
? Là bởi vì Chúa không tự nhiên mà Phục Sinh. Nhưng Chúa Phục Sinh
từ trong đau khổ. Chúa Phục Sinh từ trên Thánh Giá. Hôm nay, dù đã
sống lại, đã chiến thắng khải hoàn, thân xác Phục Sinh chói ngời
đã cùng quyền năng Thiên Chúa bước vào vô biên, bước vào vĩnh
cửu... nhưng bây giờ hiện ra với các môn đệ, thân xác Phục Sinh
rạng rỡ ấy vẫn còn y nguyên dấu của thập giá.
Cả
hai lần trong bài Tin Mừng đều chứng minh Chúa hiện ra chỉ có cùng
một kiểu như thế. Lần thứ nhất, thánh Gio-an ghi nhận, ngay khi hiện
ra "Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người". Bạn có biết
điều gì trên tay và trên cạnh sườn mà Chúa cho xem vậy ? Vì nơi ấy,
dấu thập giá không bị phai nhòa. Trên đôi cánh tay ấy và trên cạnh
sườn ấy, còn nguyên dấu tích của những cây đinh, của lưỡi đòng đâm
thấu qua. Chỉ sau khi xem tay và cạnh sườn bị thương tích như thế, các
môn đệ mới hết nghi ngờ, mới cảm thấy "vui mừng vì xem thấy
Chúa". Như vậy dấu của Thập Giá là bảo đảm cho Ðức Tin của các
môn đệ.
Nhưng lần ấy, khi Chúa hiện ra, Tông Ðồ
Tô-ma không có mặt, nên ông nhất quyết không tin. Bởi đó tám ngày
sau, Chúa lại hiện ra một lần nữa, có mặt Tô-ma. Lần này thái độ
của Chúa mạnh hơn lần trước, dứt khoát hơn lần trước. Ngài không chỉ
đưa tay và cạnh sườn cho xem, nhưng Chúa Giê-su Phục Sinh còn lên
tiếng nói: "Tô-ma, hãy xỏ ngón tay của con vào lỗ đinh trên tay
Thầy đây, hãy thọc bàn tay của con vào cạnh sườn của Thầy. Con đừng
cứng lòng tin nữa, mà hãy tin".
Ví dụ có một ngày nào Chúa hiện ra và
cũng nói với bạn những lời mà Chúa đã từng nói với Tông Ðồ
Tô-ma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, hãy thọc bàn tay con vào
đây", bạn có còn dám nhìn Chúa nữa không ? Chẳng những không
dám nhìn, càng không dám đưa ngón tay đưa bàn tay, mà có khi run rẫy
chết khiếp, bạt vía kinh hồn. Tô-ma cũng không hề là trường hợp
ngoại lệ. Mới hôm nào dõng dạc tuyên bố: "Nếu tôi chưa xỏ ngón
tay tôi vào lổ đinh của Chúa, nếu tôi chưa thọc bàn tay tôi vào
cạnh sườn Người, tôi không tin".
Tuyên bố mạnh mẽ là
thế, kiên quyết là thế, dứt khoát là thế, nhưng bây giờ trước dấu
Thập Giá còn in sâu một cách hùng hồn trên thân thể của Ðấng Phục
Sinh, Tô-ma đã phải cúi đầu tuyên xưng: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên
Chúa của tôi". Một lần nữa, Gio-an lại cho thấy, dấu Thập Giá
là bảo đảm cho Ðức Tin của chúng ta. Mà Dấu Thập Giá là bảo đảm cho Ðức Tin, nên trong mùa
Phục Sinh, ta lại bàn đến vấn đề đau khổ, đó cũng là điều hợp lý.
Chúa Phục Sinh đã không tự xóa bỏ dấu vết đau khổ trên thân thể
của mình. Trái lại, dấu vết của đau khổ, của thập giá vẫn còn trên
thân thể sáng láng của Ðấng Phục Sinh, lại làm cho các môn đệ, dễ
nhận ra Ðức Tin, vững tin và được củng cố Ðức Tin.
Người
ta nói: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Và tôi thêm, đối
với người có Ðạo, đau khổ rèn luyện Ðức Tin của họ. Ðối với anh
sinh viên, tôi tin rằng, nếu anh đọc và suy nghĩ Lời Chúa, suy nghĩ về
cuộc đời của Chúa Ki-tô, về sự chết và sống lại của Ngài, chắc
chắn anh sẽ vượt qua nỗi buồn mất cha, dù anh rất yêu cha của anh.
Tôi cũng tin y như thế về các bạn và chính bản thân tôi. Nếu chúng
ta để cho Lời Chúa thấm trong cuộc đời của mình, thì có nỗi đau nào
bạn và tôi không vượt qua !
Mỗi người
đều có nỗi buồn: gia đình đang sum họp, bỗng dưng người vợ hay người
chồng phản bội, rẽ sang hướng khác. Gia đình đang sung túc, bỗng dưng
một người thân ra đi vĩnh viễn, mà người thân đó có khi là cột trụ
của đời sống, của kinh tế gia đình. Mất mát thật to, nỗi buồn càng
lớn. Hay con đường tương lai của mình, hay sự thành công đang ở trước
mặt, bỗng dưng một biến cố đau thương xảy đến, làm mất hết tất cả.
Hay hy vọng đang ngời ngời sáng phía trước mặt, bỗng dưng mất mát
người thân yêu nhất đời mình như trường hợp anh sinh viên kia... những
lúc bi đát đến cùng cực ấy, bạn và tôi hãy nhớ lại lời vị Linh
Mục hỏi chàng sinh viên kia: "Tôi có còn tin Chúa nữa hay không ?"
Chúng
ta rất may mắn vì được tôn thờ một Thiên Chúa đã từng biết đến đau
khổ, và hôm nay, sau khi Phục Sinh, Chúa của chúng ta vẫn còn mang
trên thân thể những lỗ gai nhọn đâm vào đầu, những lỗ đinh xuyên
thủng bàn tay, bàn chân, và dấu của cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm
thấu.
Sau
hết, tôi muốn mời bạn cùng tôi dâng lời cầu nguyện, chỉ một lời
cầu nguyện thôi nhưng bằng tất cả tình yêu thẳm sâu tận hồn chúng
ta: "Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn vững tin vào Chúa".
SUY NIỆM 2:
ÐỨC TIN
1. Thái độ
của Tô-ma: đòi hỏi bằng chứng mới chịu tin
Bài Tin
Mừng hôm nay nói đến thái độ của Tông Ðồ Tô-ma. Ông đòi buộc phải
thấy dấu đinh trong tay Ðức Giê-su, xỏ ngón tay vào lỗ đinh ấy rồi
đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài, thì ông mới tin. Lý trí thiên về
thực nghiệm và có chiều hướng khoa học của ông đòi buộc ông phải
làm như thế, nếu không, ông không thể chấp nhận rằng Ðức Giê-su đã
sống lại, vì việc sống lại quả hết sức khó tin. Nhưng rất có thể
là sau khi được thỏa mãn những đòi hỏi ấy, Tô-ma xác tín việc Chúa
sống lại hơn nhiều Tông Ðồ khác. Người ta vẫn nói: "đại nghi thì đại ngộ" ( nghi ngờ
lớn thì giác ngộ lớn ) ! Các Tông Ðồ khác - với bản tính đơn sơ, dễ
tin hơn - không cảm thấy phải có những bằng chứng rõ ràng như Tô-ma
mới tin được. Các ông chỉ dựa vào một số những biến cố thấy được
nơi Thầy mình trước đây, như cuộc hiển dung trên núi Ta-bo, khả năng
làm phép lạ như hóa bánh ra nhiều, làm sóng gió ngoài biển phải im
lặng, thậm chí làm được cho kẻ chết sống lại nhiều lần, v.v... là
các ông đã đủ để tin rồi.
Ðòi
hỏi hay không đòi hỏi bằng chứng để tin không phải là chuyện quan
trọng. Ðiều này tùy thuộc vào bản tính Trời cho của mỗi người. Ðiều
quan trọng là phải làm sao để tin cho chắc, tin cho vững, tin tới mức
có thể dám dấn thân hết mình cho niềm tin ấy. Có những người rất
dễ tin, vì thế niềm tin ấy không được xây dựng trên cơ sở vững chắc
để có thể giúp họ dấn thân hết mình cho điều mình tin, nên khi gặp
những giông tố thử thách, nghe những lý thuyết ngược lại, thì Ðức
Tin đâm ra bị chao đảo. Vì thông thường là: nếu dễ tin trong trường
hợp này thì cũng sẽ dễ tin trong những trường hợp khác ! Hay dễ được
thì cũng dễ mất !
Cũng
có những người đòi hỏi đầy đủ chứng cớ mới chịu tin. Có thể họ
không tin nếu chưa đủ chứng cớ. Nhưng một khi đã có chứng cớ làm cơ
sở để tin, thì họ lại tin rất vững chắc tới mức độ có thể dấn
thân hết mình cho niềm tin ấy. Hạng người sau sẽ ích lợi cho Thiên
Chúa, Giáo Hội và nhân loại hơn. Cũng có thể có những người tuy dễ
tin, nhưng vẫn tin vững chắc và không thay đổi được. Ðiều này theo lý
luận thì khá nghịch lý, nhưng vẫn có thể xảy ra, vì trong thực tế vẫn
có những điều rất nghịch lý !
Trong
Ki-tô Giáo, Ðức Tin là một yếu tố quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên,
tin hay không tin không quan trọng bằng chất lượng của Ðức Tin. Người
tin hời hợt cũng là tin, và người tin một cách xác tín cũng là tin.
Nhưng giá trị của hai thứ Ðức Tin ấy khác hẳn nhau.
2. Trong
Ki-tô giáo, Ðức Tin là yếu tố quan trọng hàng đầu
Người
Ki-tô hữu coi việc rỗi linh hồn, tức hạnh phúc vĩnh cửu, là điều
quan trọng nhất. Họ có thể hy sinh tất cả mọi thứ khác trên đời cho
hạnh phúc vĩnh cửu ấy, và đó chính là sự khôn ngoan căn bản của
họ. Vì như Ðức Giê-su nói: "Ðược
lời lãi cả thế gian mà mất sự sống đời đời thì ích lợi gì ?" (
Lc 9, 25 ). Nhưng muốn được sự sống đời đời, thì phải tin vào Thiên
Chúa, vào Ðức Giê-su-Ki-tô, hay vào Tin Mừng của Ngài như một điều
kiện không thể không có: "Ai
tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ, còn ai không tin, thì sẽ bị
kết án" ( Mc 16, 16 ), "Nếu
miệng bạn tuyên xưng Ðức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên
Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu
độ" ( Rm 10, 9 ).
3. Nhưng
điều quan trọng là chất lượng của Ðức Tin
Nhưng
thế nào là tin đúng với ý nghĩa của chữ Tin ? Nhiều người tưởng rằng
mình tin vào Thiên Chúa, vào Ðức Giê-su, nhưng thật ra họ chẳng tin
hay chỉ tin rất ít ! Chỉ cần Chúa gửi đến cho họ một vài thử thách
là họ sẽ thấy ngay họ có tin hay không, hoặc tin ở mức độ nào.
Thật vậy,
trong những điều kiện bình thường không có gì đe dọa, có biết bao người
tuyên xưng Ðức Tin rất mạnh mẽ, rao giảng Ðức Tin hùng hồn không ai bằng.
Thậm chí để bảo vệ Ðức Tin, họ không ngần ngại lên tiếng kết án những
kẻ xem ra yếu Ðức Tin hoặc tin khác với mình. Nhưng khi có thử thách xảy
tới, chẳng hạn khi tình thế đòi buộc phải lên tiếng bảo vệ Ðức Tin,
bảo vệ Giáo Hội, bảo vệ công lý, và việc lên tiếng bảo vệ này đòi
hỏi phải trả một cái giá nào đấy, thì họ lại sẵn sàng im lặng bất
động, bỏ mặc Ðức Tin, Giáo Hội và công lý ra sao thì ra. Hay khi Ðức
Tin đòi hỏi phải dấn thân hy sinh, chịu thiệt thòi một cách cụ thể mà
trước mắt không được bù đắp lại, lúc đó họ mới nhận ra Ðức Tin của
họ - mà họ vẫn tưởng rất mạnh mẽ - hóa ra là thứ Ðức Tin chỉ tuyên
xưng mạnh mẽ ngoài miệng mà thôi !
4. Tin thật
trong lòng quan trọng hơn tuyên xưng ngoài miệng
Phải nói
rằng chúng ta chú tâm vào việc tuyên xưng Ðức Tin hơn là sống Ðức
Tin, chúng ta quan tâm chứng tỏ Ðức Tin bằng miệng, bằng lời nói nhiều
hơn bằng hành động. Chúng ta có khuynh hướng chọn cái dễ hơn, cái "rẻ tiền" hơn để thực hiện, chứ không chọn cái thật sự cần
thiết dù là "đắt giá", vì
thế, đời sống Ðức Tin và việc truyền giáo của chúng ta không đi đến
kết quả mong muốn. Theo Thánh Phao-lô thì "có tin thật trong lòng mới
được nên công chính, có xưng ra ngoài
miệng mới được ơn cứu độ" ( Rm 10, 10 ).
Chúng ta
có vẻ coi việc xưng ra ngoài miệng quan trọng hơn việc tin thật trong lòng.
Có phải chúng ta coi việc "được
ơn cứu đoä" quan trọng hơn việc "được nên công chính" ? Nhưng cần xét lại xem: có ai không trở
nên công chính mà được ơn cứu độ nhờ "xưng ra ngoài miệng" không ? Lời ấy của Thánh Phao-lô đòi hỏi
chúng ta phải làm cả hai, và điều trước ( tin thật trong lòng ) thì quan
trọng và cần thiết hơn điều sau ( xưng ra ngoài miệng ) ! Ðiều sau chỉ là
hiệu quả chứng tỏ điều trước mà thôi. Vì theo tự nhiên thì "lòng
có đầy, miệng mới nói ra" ( Mt 12, 34; Lc 6, 45 ). Lòng không đầy mà
ngoài miệng lại nói ra thật hùng hồn mạnh mẽ thì rất có thể đã có
phần nào giả dối trong đó !
Thật vậy, thứ Ðức Tin chỉ
được tuyên xưng ngoài miệng chứ không được chứng tỏ bằng hành động
chỉ là Ðức Tin giả dối, hay "Ðức
Tin chết": "Ðức Tin không có
hành động là Ðức Tin chết" ( Gc 2, 17. 26 ). Liệu người ta có thể
được cứu rỗi với thứ "Ðức
Tin chết" ấy không ?
5. "Phúc thay những
người không thấy mà tin !"
Quả thật, nếu thấy rồi thì
đâu còn là tin nữa, mà là thấy, biết ! Như vậy, tin khác
với thấy, biết. Tin chỉ có ý
nghĩa khi đối tượng tin còn mù mờ, chưa sáng tỏ, nó vừa đòi hỏi lý
trí nắm được một số chứng cứ để tin, vừa đòi hỏi ý chí chấp nhận
một kết luận vượt khỏi giới hạn mà những chứng cứ ấy chứng tỏ.
Chẳng hạn bố mẹ tôi nói với tôi rằng lúc nhỏ tôi bị một chứng
bệnh rất nguy hiểm mà tôi đã thoát được. Tôi tin điều ấy, chứ
không phải tôi biết hay thấy điều ấy. Ðể tin điều ấy, trong tôi có
tác động của lý trí và ý chí. Lý trí tôi dựa trên những chứng cứ
xác thực này:
- Bố mẹ tôi sinh ra tôi và
nuôi tôi nên biết rõ điều đó.
- Bố mẹ tôi là một người
chân thật, không hay nói dối.
- Tôi thấy bố mẹ tôi không
có lợi gì khi dối gạt tôi điều này.
Những chứng cứ ấy chưa đủ
để tôi có thể kết luận chắc chắn điều ấy. Nhưng dựa trên những
chứng cứ xác đáng ấy, tôi xác định rằng điều bố mẹ nói về chứng
bệnh lúc tôi còn nhỏ ấy là sự thật. Xác định điều ấy khi chưa hoàn
toàn sáng tỏ là việc làm của ý chí tự do.
Lời của Ðức Giê-su: "Phúc thay những người không thấy mà
tin !" đặc biệt áp dụng cho chúng ta hơn là cho các Tông Ðồ. Tất
cả chúng ta chẳng ai thấy Ðức Giê-su, chẳng ai thấy Ngài sống lại.
Nhưng chúng ta tin điều ấy. Niềm tin ấy được xây dựng trên những lời
chứng phải trả giá bằng máu, bằng mạng sống của các Tông Ðồ, là
những người đã sống với Ðức Giê-su và đã chứng kiến Ngài sống
lại: "Chính Ðức Giê-su đó,
Thiên Chúa đã làm cho sống lại, về điều này, tất cả chúng tôi xin
làm chứng" ( Cv 2, 32; x. 3, 15; 4, 33; 10, 39.42; 13, 31 ). Không ai
lại sẵn sàng chết để làm chứng một điều gian dối chẳng đem lại lợi
lộc gì cho mình.
Lạy Cha, xin củng cố Ðức Tin
cho con, đồng thời giúp con luôn thành thật với niềm tin của mình.
Ðừng để cho con trở nên giả dối: tin thì không mạnh, nhưng tuyên xưng
ngoài miệng thì rất là mạnh.
Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT
SUY NIỆM 3:
"CHÚNG TÔI ÐÃ THẤY
CHÚA"
Cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại
những lần hiện ra của Ðức Giê-su Phục Sinh với những cá nhân ( Ga
20, 14 - 17; Mt 28, 5 - 7; Lc 24, 25 - 31; Mc 16, 9 - 13 ) và những nhóm môn
đệ khác nhau ( Mt 28, 16 - 20; Lc 24, 36 - 49; Ga 21, 1 - 23 ).
Nhưng
tường thuật Chúa Phục Sinh đến với Nhóm Mười Hai vào ngày thứ nhất
trong tuần có một tầm quan trọng đặc biệt. Nhóm Mười Hai trở thành
nền tảng của cộng đoàn Phục Sinh, thành những chứng nhân mắt thấy
tai nghe về Chúa Phục Sinh, để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi
người ( x. CV 4, 20 ).
Khi Chúa đến với Nhóm Mười Hai lần đầu tiên vào
chiều ngày thứ nhất trong tuần thì Tô-ma vắng mặt. Các Tông Ðồ đã
nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa" ( Ga 20, 25 ). Ðây
vừa là lời tuyên xưng Ðức Tin vừa là lời làm chứng về Chúa Phục Sinh.
Những lời này có tác dụng chuẩn bị và khơi dậy Ðức Tin đã phai lạt
nơi Tô-ma. Tám ngày sau, cũng trong cộng đoàn đó, Tô-ma tìm lại được
Ðức Tin của mình. Chính cộng đoàn đã thắp sáng lên niềm tin cho người
anh em. Bởi đó, khi Chúa Phục Sinh với lời mời gọi yêu thương: "Tô-ma,
hãy xỏ ngón tay con vào lỗ đinh, hãy đặt bàn tay con vào cạnh sườn
Thầy. Chớ cứng lòng nhưng hãy tin" thì lập tức Tô-ma được biến
đổi từ bóng tối nghi nan sang ngời sáng niềm tin: "Lạy Chúa của
con, lạy Thiên Chúa của con" ( Ga 20, 28 ).
Một trong những khuyết
điểm lớn nhất của Tô-ma là ông đã tự tách rời khỏi các Tông Ðồ
khác, khỏi đời sống cộng đoàn. Trong sự choáng váng, thất vọng,
chán nản, trong tâm trạng hoài nghi, đau khổ, ông đã tự nhốt mình
trong sự cô đơn xa lánh anh em, tìm quên lãng trong sự phiền muộn nên
đánh mất cơ hội gặp Chúa Phục Sinh. Chỉ đến khi tham gia trở lại với
cộng đoàn, thì ông mới gặp gỡ Ngài và nhờ đó ông đã tìm lại được
lòng tin mạnh mẽ, kiên trung. Truyền thống Giáo Hội kể lại, Tông Ðồ
Tô-ma qua Ấn-độ truyền giáo và chịu tử đạo ở đó.
Ðức Tin của người tín hữu được trao ban và nhận
lãnh nơi cộng đoàn Phục Sinh, cộng đoàn Giáo Xứ. Nơi cộng đoàn này,
người tín hữu được nuôi dưỡng và lớn lên trong Ðức Tin, hoặc tìm lại
được niềm tin của mình. Ðức Tin Ki-tô Giáo vừa có chiều kích cộng
đoàn vừa có chiều kích cá nhân. Ðức Tin cá nhân được cộng đoàn
nuôi dưỡng và làm thành Ðức Tin cộng đoàn. Cộng đoàn lớn lên và
phát triển là nhờ Ðức Tin cá nhân. Cộng đoàn làm cho Ðức Tin cá
nhân phong phú và độc đáo.
Lời Chúa
được công bố giữa cộng đoàn Thánh Thể chính là Lời Phục Sinh, mỗi
người tín hữu lắng nghe và chấp nhận cho riêng mình. Mỗi người, nhờ
Lòng Tin và Lòng Mến mà Lời Chúa sẽ sinh hoa kết quả trong tâm hồn.
Mình Máu Chúa được trao ban cho mọi tín hữu trong cộng đoàn Thánh Thể,
mỗi cá nhân tín hữu lại đón nhận với mức độ Ðức Tin khác nhau.
Người tín hữu phải đủ Ðức Tin khi rước Thánh Thể của Ðấng đã chết
và sống lại. Không chỉ ăn uống Mình Máu Chúa mà còn là gặp gỡ
riêng tư với Chúa Phục Sinh như Tô-ma vậy. Trong cuộc gặp gỡ riêng tư
này, người tín hữu được đón nhận sự sống dồi dào vào tâm hồn mình.
Ðời
sống cộng đoàn thật quan trọng cho niềm tin người tín hữu. Ðức Thánh
Cha Gio-an Phao-lô 2 trong Tông Huấn "Người Ki-tô hữu giáo dân",
đã đưa ra 4 hình ảnh về Giáo Xứ, một cộng đoàn Phục Sinh, một cộng
đoàn Thánh Thể.
§ Giáo Xứ là một Gia Ðình của Thiên Chúa chan hoà
tình bác ái huynh đệ: mọi người được đón
tiếp chân thành, được sống trong bầu khí bác ái, được cảm thấy mình
được kính trọng, được yêu thương che chở, ai cũng cảm thấy mình thuộc
về Giáo Xứ là một vinh dự.
§ Giáo Xứ là một Cộng Ðoàn nuôi dưỡng Ðức Tin: Mọi người được bồi dưỡng Ðức Tin, được kêu gọi
sống Ðức Tin, được giúp hiểu biết các vấn đề Ðức Tin. Các Thánh
Lễ, các giờ Giáo Lý, các buổi cầu nguyện luôn hướng về Thiên
Chúa, được Lời Chúa và lời Giáo Hội soi sáng để người tín hữu hiểu
biết những biến cố cuộc đời.
§ Giáo Xứ là một Cộng Ðoàn có tổ chức: Mọi người được sắp xếp
trong một hệ thống trật tự, có phân công, có trách nhiệm. Tất cả
liên hệ với nhau trong tinh thần hiệp thông, cộng tác, trách nhiệm
để xây dựng Giáo Xứ tốt đẹp.
§ Giáo Xứ là một Cộng Ðoàn Truyền Giáo: Ðây là hình ảnh mà Công Ðồng Vatian 2 đề cao
nhất, hình ảnh Cộng Ðoàn Truyền Giáo. Mọi người được nuôi dưỡng Ðức
Tin, được sống tình bác ái để ra đi truyền giáo, loan báo Tin Mừng
Phục Sinh, rao truyền niềm vui, niềm hy vọng như cộng đoàn Nhóm Mười
Hai đã ra đi đến với muôn dân.
Cộng đoàn Phụng Vụ mỗi Chúa Nhật là điểm hẹn chính thức
và thường xuyên của Chúa Phục Sinh với các tín hữu. Không nên lỗi
hẹn với Chúa trong các cuộc họp cộng đoàn ( x. Dt 10, 25 ), trái lại
cần chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh. Người luôn có mặt
để giải thích Kinh Thánh đồng thời mở lòng mở trí cho các tín hữu
hiểu Lời Người ( x. Lc 24, 32. 45 ) và hiến ban chính mình để nuôi sống
người tín hữu chúng ta.
Tô-ma
đã nhờ cộng đoàn yêu thương nâng đỡ mà tìm lại được niềm tin. Nơi
Tô-ma có cái gì đáng yêu đáng ngưỡng mộ, tuy cứng lòng tin nhưng lại
dễ dàng khiêm nhường đón nhận những góp ý chân thành của cộng
đoàn. Nhờ Tô-ma mà ta có được mối phúc thứ chín: "Phúc cho ai
không thấy mà tin" ( Ga 20, 29 ). Mối phúc này nghe như có lời dặn
dò: muốn thấy điều mình tin, hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình
không thấy và chừng như cũng có lời ước hẹn: tin điều mình không
thấy sẽ thấy điều mình tin. Mỗi tín hữu vững tin sẽ thấy điều mình
tin để nòi được rằng: "Tôi đã thấy Chúa" ( Ga 20, 18 ), nhờ đó
cả cộng đoàn cũng đều nói lên: "Chúng tôi đã thấy Chúa" ( Ga
20, 25 ).
Lm. Giu-se NGUYỄN HỮU AN,
Giáo Phận Phan Thiết
SUY NIỆM 4:
SỰ TINH TẾ
CỦA ÐẤNG PHỤC SINH
I. DẪN NHẬP:
Chính sự kiện Ðức Giê-su Na-da-rét sống lại sau khi đã chết
được ba ngày là biến cố thay đổi lịch sử nhân loại và là nguồn gốc
của Ki-tô Giáo. Ðối với các môn đệ của Người thì cũng vẫn là Ðức
Giê-su ngày trước, nhưng lại khác trước vô cùng: là Ðức Giê-su ngày
trước vì vẫn dáng vẻ ung dung tự tại ấy cộng thêm với những dấu
vết của cuộc Khổ Nạn Thập Giá trên thân thể Người: dấu đinh trên
cổ tay ( hay giữa lòng bàn tay ) và dấu đòng trên cạnh sườn. Nhưng
lại là một Ðức Giê-su hoàn toàn khác vì: Người vào nhà mà không
cần đi qua cửa và thoắt hiện thoắt biến. Cũng còn vì ơn bình an và
Thánh Thần mà Người thổi vào lòng các môn đệ cùng với việc giao
phó sứ mạng và việc trao ban quyền năng mới là quyền tha tội.
1. Bài đọc 1: Cv 4, 32 - 35:
Ðây là trình thuật về đời sống cộng đoàn tín hữu đầu tiên
với những đặc điểm kỳ diệu: mọi người một lòng một ý + không ai
coi của mình có là của riêng mà là của chung, nên mọi người được no
đủ + các Tông đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại + Thiên Chúa
hiện diện cách tỏ tường trong cộng đoàn.
Cộng đoàn này được
gọi là cộng đoàn Phục Sinh hay cộng đoàn của Chúa Phục Sinh và là
mô hình mẫu cho mọi cộng đoàn Giáo Hội: Nhóm Tông Ðồ, Hội Ðoàn,
Dòng Tu, Giáo Xứ, Giáo Phận...
2. Bài đọc 2: 1 Ga 5, 1 - 6:
Ðây là một khẳng định của Gio-an: Phàm ai tin Ðức Giê-su
là Ðấng Ki-tô, người ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến
Ðấng Sinh Thành, thì cũng yêu thương kẻ được Ðấng ấy sinh ra... Yêu
mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người... Mọi kẻ đã
được Thiên Chúa sinh ra đều thắng thế gian, nhờ tin rằng Ðức Giê-su
là Con Thiên Chúa.
3. Bài Tin Mừng: Ga 20, 19 - 31:
Là tường trình của Gio-an về hai cuộc
hiện ra của Ðức Giê-su Phục Sinh với các môn đệ. Cuộc hiện ra lần
thứ nhất là vào chiều ngày thứ nhất trong tuần. Ðức Giê-su xuất
hiện bất thình lình giữa các môn đệ trong căn nhà "cửa đóng then
cài". Người hai lần chúc bình an cho các ông, đưa tay và cạnh sườn
cho các ông xem, sai các ông đi và ban Thánh Thần và quyền tha tội
cho các ông. Cuộc hiện ra lần thứ hai là vào tám ngày sau.
Trong cuộc hiện ta lần thứ nhất thiếu
mất ông Tôma. Có lẽ vì thế mà ông trở thành "nhân vật nổi bật"
của cuộc hiện ra lần thứ hai. Ðức Giê-su cũng xuất hiện bất thình
lình giữa các môn đệ trong căn nhà "cửa đóng then cài" và
chúc bình an cho các ông. Sau đó là những lời trao đổi thân tình đầy
xúc động giữa hai Thầy trò. Ðức Giê-su nói: "Ðặt ngón tay vào
đây ( lỗ đinh ) và hãy nhìn xem tay Thày. Ðưa tay ra mà đặt vào
cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin". Tô-ma thốt
lên: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !" Và Ðức
Giê-su kết thúc với lời bất hủ: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.
Phúc thay những người không thấy mà tin"
4. Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay:
Hãy chiêm ngắm Chúa Giê-su Phục Sinh
để học cách hành động hết sức tinh tế của Người !
Sự tinh tế của Ðấng Phục Sinh đối với
các môn đệ:
Hai lần hiện ra liên tiếp trong hai tuần
lễ để củng cố niềm tin của các môn đệ thân yêu, Ðức Giê-su cho
chúng ta thấy Người yêu thương các môn đệ như thế nào. Cả trong hai
lần hiện ra ấy Người không hề nhắc một tiếng đến sự phản bội "đáng
xấu hổ" của các ông trong cuộc Khổ nạn của Người. Trái lại
Người ban bình an cho các ông, bình an hết sức cần thiết cho những tâm
hồn còn đang lúng túng, ngờ vực và do dự. Hơn nữa, để giúp các ông
nhận ra Người chính là Kẻ đã bị đóng đinh vào thập giá mấy ngày
trước, Ðức Giê-su đã chìa tay, vạch ngực ra cho các ông thấy dấu tích
của cuộc hành hình độc ác của người Do-thái. Ðức Giê-su thực hiện
việc ấy một cách nhẹ nhàng, tự nhiên một cách tuyệt vời khiến các
môn đệ chỉ cảm thấy niềm vui mà không cảm thấy xấu hổ chút nào.
Hơn thế nữa, Ðức Giê-su còn thể hiện
sự tin tưởng tuyệt đối đối với các môn đệ khi giao sứ mạng mà
Người đã nhận từ Chúa Cha cho các ông: sứ mạng được sai đến với
muôn dân. Cùng với sự ủy nhiệm đầy tin tưởng ấy Ðức Giê-su trao cho
các môn đệ Thánh Thần của Thiên Chúa - là món quà quí giá nhất mà
Người có thể trao ban - và quyền tha tội là quyền năng của chính
Thiên Chúa. Thánh Thần sẽ ở bên, ở trong các ông để các ông làm
chứng cho Người, đến tận cùng thời gian. Quyền năng tha tội sẽ nằm
trong tay các ông để các ông cứu vớt chúng sinh thay Thiên Chúa.
Thật là quá tinh tế và tuyệt vời và chỉ có một mình Ðấng Phục Sinh
mới có cách xử sự như thế !
Sự tinh tế của Ðấng Phục Sinh đối với
môn đệ Tô-ma:
Trong cách đối xử tinh tế của Chúa
Giê-su Phục Sinh dành cho các môn đệ thì Tô-ma được ưu ái hơn cả.
Thay vì bị Chúa quở trách vì đã vắng mặt trong lần Người hiện ra thứ
nhất và vì lời thách thức bộc trực: "Nếu tôi không thấy dấu đinh
ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt
bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin", đàng này
Tô-ma lại còn được ưu ái hơn ai hết: "Ðặt ngón tay vào đây và
hãy nhìn xem Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng
lòng nữa, nhưng hãy tin". Trước những lời nói yêu thương ngọt
ngào ấy, Tô-ma có thể làm gì hơn là khiêm nhượng xưng tụng Thầy mình
là Ðức Chúa, là Chúa Trời ?
Sự tinh tế của Ðấng Phục Sinh đối với
các Ki-tô hữu mọi thời mọi nơi:
Lời nói của Ðức Giê-su Phục Sinh
"Phúc thay những người không thấy mà tin" là dành cho tất cả mọi
Ki-tô hữu ở mọi thời và mọi nơi. Vì những người này đều là những
người không thấy mà tin, vì họ không có diễm phúc được sống cùng
xứ sở và cùng thời với Ðức Giê-su.
Ðúng vậy, chúng ta tin Chúa Giê-su đã
phục sinh vì chúng ta đón nhận niềm tin ấy từ truyền thống lâu đời
của Giáo Hội, xuất phát từ chứng từ của các Tông Ðồ và của các
cộng đoàn tín hữu đầu tiên. Truyền thống ấy đã được các vị Thừa Sai
từ Phương Tây đến đây chia sẻ với cha ông chúng ta hơn ba trăm năm
về trước. Nhưng suy nghĩ cho thấu đáo, chúng ta chẳng có gì phải phàn
nàn vì giả như chúng ta được là người đồng thời với Chúa, chắc gì
chúng ta đã tin Người ? Con số những người thấy Chúa mà tin cũng chỉ
là con số rất nhỏ, còn tuyệt đại đa số những người Do-thái dù thấy
Chúa vẫn không tin. Vậy thì dường như không có mối liên hệ "đương
nhiên" giữa thấy và tin. Nói cách khác thấy mà tin thì càng tốt
chứ không nhất thiết phải thấy mới tin.
Vả lại, thấy - bằng con mắt thịt - chưa
hẳn là lợi thế cho lòng tin mà có khi lại tạo khó khăn trở ngại
cho lòng tin. Vì Chúa Giê-su và Thiên Chúa là thần linh siêu việt,
vượt ra ngoài sự cảm nhận của giác quan con người. Con người chỉ có
thể cảm nhận được Thiên Chúa, giao thiệp được với Người bằng một
phương thế khác mà Thiên Chúa sẵn sàng ban cho con người: đó là Lòng
Tin !
Nói
theo nguyên tắc là như thế ! Còn trong thực tế, dù chúng ta không
thấy mà tin thì - vì là con người sống bằng ngũ quan - chúng ta cũng
rất cần những dấu hiệu khả giác nâng đỡ hỗ trợ để chúng ta dễ tin
hơn. Ðó chính là vai trò của đời sống chứng tá của những người và
cộng đoàn Ki-tô hữu ở mọi thời và mọi nơi. Nhìn vào cách sống, xem
xét lời ăn tiếng nói và việc làm của những kẻ mạnh tin thì những
người yếu tin sẽ được củng cố và những người không tin sẽ thắc mắc
tìm hiểu.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, khôn ngoan
và yêu thương vô cùng, chúng con tin Thiên Chúa là Cha, tin Chúa
Giê-su Ki-tô là Con Cha và là Ðấng Cứu độ chúng con, tin Chúa Thánh
Thần là Tình Yêu và Sức Mạnh của Thiên Chúa. Chúng con cảm tạ Cha
về Ơn Ðức Tin mà Cha đã ban cho chúng con. Xin Cha cho chúng con cảm
nhận được niềm hạnh phúc của những kẻ không thấy mà tin. Xin Cha
củng cố lòng tin của chúng con cho mỗi ngày mỗi vững chắc và sâu
sắc hơn.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, khôn ngoan
và yêu thương vô cùng, chúng con tin rằng bằng sức mạnh của Thiên
Chúa, Chúa Giê-su Ki-tô đã Phục Sinh vinh quang, đã chiến thắng tội
lỗi và thần chết và đã được Cha trao lại triều thiên Vua Vũ Trụ để
Người cai quản muôn dân muôn nước bằng một tình yêu vô cùng tinh
tế. Xin Cha ban cho chúng con Ơn vững tin vào Người và Ơn biết hiến
thân phục vụ công cuộc mở rộng Vương Quốc của Cha trên thế gian
này.
Chúng con xin Cha những Ơn ấy vì công
nghiệp Chúa Giê-su Ki-tô Khổ Nạn và Phục Sinh là Con Cha và là Chúa
chúng con, trong tình hiệp thông với Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên
Chúa. Amen.
Gs. Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI
CHỨNG TÁ:
Vào Tuần Thánh năm 1980, một đài phát
thanh nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người
được phỏng vấn là một nữ sinh viên đang nằm chờ cái chết đến từng
ngày tại một bệnh viện ở thủ đô Áo. Cô phát biểu cảm nghĩ của
mình như sau: "Sau khi bác sĩ chuẩn đoán và cho biết tôi mắc chứng
sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên tôi. Tuy
nhiên, với đức tin tôi có cảm thấy như Chúa muốn gửi đến cho tôi
một cơ may mới. Từ hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn
mới. Tôi nhận ra đau khổ của riêng tôi cũng như của những người
chung quanh phản ảnh chính nỗi đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh
và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm cách yêu thích nỗi đau khổ
ấy".
Chính
vì muốn chấp nhận đau khổ mà cô gái đã ghi danh vào trường y khoa.
Nằm trên giường bệnh, biết mình không còn sống bao lâu nữa, vậy mà
cô vẫn cầm trên tay một cuốn sách và một cây viết. Cô giải thích: "Không
ai có thể nói cho tôi biết chắc một trăm phần trăm là tôi sẽ
không học xong hoặc tôi sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ. Tuy
nhiên, vẫn luôn có những phép lạ. Và riêng tôi, tôi xác tín rằng
tôi phải thực thi ý chúa, nếu tôi muốn tiến tới. Ðó là cách thế
tôi chuẩn bị đón nhận cái chết, chuẩn bị đi vào thiên đàng. Tôi để
Chúa làm việc hầu cho tất cả mọi việc trở thành tình yêu. Tất cả
mọi sự, từ việc học hành của tôi cho đến những việc nhỏ mọn tôi
làm cho người khác. Bởi vì tôi không làm được những việc quan trọng
nữa".
Không khỏi ngạc nhiên trước những lời phát biểu trên đây,
người phóng viên liền hỏi: "Tôi đọc thấy trên gương mặt của cô
niềm vui và hy vọng, thế nhưng cô còn chờ đợi gì nơi cuộc sống này
?" Cô mỉm cười nói: "Tôi chờ đợi mọi sự từ cuộc sống. Nhưng
trên hết mọi sự là tình yêu của Chúa. Chính Ngài cho tôi nếm thử
thiên đàng. Chỉ có như thế tôi mới đương đầu được với những đau khổ
đang đè nặng trên tôi".
Trích bài suy niệm của Lm. PHẠM ÐỨC TRỊ, OMI
CÂU TRUYỆN:
Regina Riley có kể một câu chuyện về gia
đình của bà. Trong nhiều năm trời bà đã từng cầu nguyện cho hai cậu
con trai trở về với Ðức Tin... Thế rồi một buổi sáng Chúa Nhật nọ,
ngay trong nhà thờ, bà không thể nào tin vào mắt mình nổi khi thấy
hai đứa con bà bước vào Nhà Thờ ngồi vào hàng ghế đối diện bà. Sau
đó bà liền hỏi hai cậu rằng: điều gì đã thôi thúc họ trở lại với
Chúa. Cậu em liền kể lại đầu đuôi mọi sự:
Hôm
ấy, đang thời gian nghỉ hè tại Colorado, hai cậu lái xe đổ xuống một
con đường ở dốc núi, lúc đó trời đang mưa tầm tã. Bỗng nhiên họ
gặp một cụ già không dù che, người ướt sũng đang bước đi dáng điệu
khập khễnh. Dù mưa to, cụ vẫn hăng hái tiến bước trên đường. Hai anh
em liền dừng xe mời cụ lên. Té ra ông cụ đang trên đường đi dự Thánh
Lễ tại một Nhà Thờ ở cuối con đường cách đó khoảng 5 km. Hai anh em
liền lái xe đưa cụ đến đó. Vì trời mưa vẫn còn nặng hạt và chẳng
biết làm gì hay hơn, nên hai anh em quyết định chờ đợi cụ già để mang
cụ về lại nhà sau khi Lễ tan.
Nhưng
ngay sau đó hai cậu liền nghĩ: nếu thế thì nên vào luôn trong Nhà Thờ
hơn là ngồi đợi ngoài xe... Thế là trong khi hai anh em lắng nghe các
bài đọc Thánh Kinh và tham dự việc bẻ bánh thì có một điều đã làm
họ xúc động sâu xa. Họ chỉ có thể cắt nghĩa với bà mẹ như thế này:
"Mẹ ơi ! Mẹ biết không, lúc bấy giờ giống như là chúng con
trở về nhà sau một chuyến đi dài đằng đẵng đầy mệt mỏi"...
CHIA SẺ:
Vài tuần lễ gần đây cả thế giới đã xôn xao về chứng
bệnh SARS. Trên bản tin thế giới mỗi ngày, sau các phần tin tức như
thường lệ, luôn luôn có một phần nho nhỏ thông tin về đại dịch quái
ác này. Nhiều nơi trên thế giới đã hủy bỏ các chương trình lễ hội
hoặc chỉ làm với quy mô nhỏ hơn so với dự kiến để tránh thiệt hại
đáng tiếc do SARS gây ra. Chắc có lẽ do tình hình căn bệnh mới này
nên Chúa Giê-su Phục Sinh năm nay cũng bị... ảnh hưởng, theo từ thông
thường người ta hay dùng, xin tạm gọi đấy là "hiệu ứng"
SARS...
Chúa
Nhật Phục Sinh, được phép Bề Trên tôi đi thăm vài gia đình quen biết.
Tôi kể với gia đình ấy là năm nay tôi về xứ tôi tham dự Tam Nhật
Thánh... Ðang kể ngon lành thì chủ nhà nói: "Em ơi, năm nay ở
xứ anh, cha xứ chăm lo sức khoẻ cho Giáo Dân lắm. Ngài sợ bị lây
bệnh SARS nên ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay ngài không chịu để
giáo dân hôn chân tượng Chúa chịu nạn như mọi năm nữa, mà chỉ để
cho Giáo Dân bái Chúa thôi. Ðứng hai bên tượng Chúa Giê-su là hai
chú giúp lễ "canh gác" rất cẩn thận chu đáo, kẻo có ai lỡ
"vượt đèn đỏ" hôn chân Chúa thì nguy... "
Thú thật là bản thân tôi cũng đâm ra băn
khoăn, giữa một đàng là hồn nhiên diễn tả sự tôn kính tri ân của
mình với Chúa, và một đàng là phòng thân, tránh không bị vạ lây do
ai đó đã bị nhiễm bệnh. Thế rồi tôi cũng tạm an tâm khi lý luận
rằng thì là: của đáng tội, nếu như có ai đó đã bị nhiễm con virus
Corona gây ra căn bệnh SARS thì họ cũng đã bị suy hô hấp cấp kỳ,
nhập viện để thở bắt máy rồi, còn sức đâu mà tới Nhà Thờ trong
những dịp lễ đông nghẹt người đến ngộp thở như thế này. Do vậy,
việc đề phòng của các cha chỉ là do bản tính cẩn tắc vô áy náy,
thật sự cũng là do tấm lòng các ngài quan tâm lo lắng cho sức khỏe
con chiên bổn đạo yêu quý của mình trong tình hình gay cấn hiện nay mà
thôi !
Tôi thầm nghĩ mà thương, vì cái đáng sợ
nhất cho các Linh Mục bây giờ có lẽ là việc phải vào các bệnh
viện để rửa tội, giải tội, xức dầu bệnh nhân, chẳng lẽ vừa đeo
khẩu trang lại vừa đọc các công thức trao ban Bí Tích hoặc vừa nói
những lời động viên an ủi những người đang khủng hoảng và đau khổ
sao ?
Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin Chúa cho
nhân loại mau tìm ra thuốc để ngăn và chữa căn bệnh SARS này, để
mọi sinh hoạt trở lại bình thường, để mọi người đến với nhau dễ hơn
và để cho mọi người dám can đảm đến hôn chân Chúa hơn. Xin cho căn
bệnh này không được làm hại thêm một ai nữa trên quê hương Việt Nam
và trên toàn thế giới, xin cho nó mau biến đi để mọi người không
còn phải "phòng thủ", phải né tránh nhau và phải né tránh cả việc
bày tỏ tấm lòng mình với Chúa nữa. Amen.
THÔNG TIN:
- Bác
sĩ Phan Minh Hiển ( Pháp ) và Nhóm Don de AC, giúp người khuyết tật (
150 E ) . . . . . . . . . . . . .2.370.000 VND
- Cô
Nguyễn T.K. Nguyên ( Hoa Kỳ ) qua cha Hoàng Minh Tuấn, DCCT, giúp người
nghèo . . . . . . . . 100 USD
- Một
nha sĩ ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp học bổng và giúp mua quan tài cho
người nghèo . . . . . . . . . . . . . 500.000 VND
- Một
Phật Tử gốc Huế đã qua đời, giúp học bổng trẻ em nghèo . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 600 EUROS
-
Giúp tiền vốn bán vé số và đi xa về quê cho 2 người khuyết tật . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 110.000 VND
-
Giúp qua Sr. Lê Thị Hiến tiền học phí học kỳ 2 cho em SV. Hà Trí Tâm (
Ðồng Nai ) . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND
-
Giúp qua cha Vũ Khởi Phụng tiền chữa bệnh cho gs. Chu Trọng Nguyên (
Sài-gòn ) . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND
-
Giúp tiền thuốc chữa bệnh cho một người bị dị tật ( Sài-gòn ) . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 50.000 VND
Cha Ða-minh Ðinh
Xuân Thu, Giáo Xứ Mỹ Lồng, Giáo Phận Vĩnh Long, thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh
Bến Tre ( ÐT: 075.862.185 ), giới thiệu một người khuyết tật không
Công Giáo, ông PHẠM VĂN NGÔN, sinh 1953, vốn là lính thủy thủ
1 của binh chủng hải quân trước 1975, năm 1972 về phép bị lật xe, chấn
thương cột sống, liệt cả hai chân, được giải ngũ xếp loại 3, mỗi
tháng được cấp dưỡng 40.000 đồng ( tiền cũ ), đến năm 1975 thì ngưng.
Nay ông Ngôn không có đất ruộng, phải ở nhà mướn tại xã Mỹ Thạnh,
huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, hằng ngày phải lết đi bằng mông để
bán vé số ở thị xã Tân Hào, một ngày bán được khoảng 100 vé số,
thu nhập khoảng 20.000 VND để nuôi một mẹ già 73 tuổi ( cha đã mất
cách đây 4 năm ). Gospelnet xin lập hồ sơ gửi bác sĩ Phan Minh Hiển
( Pháp ) chương trình Don de ASSOCIATION COMPASSION tặng một
xe chiếc lắc mới, trị giá 1.500.000 VND. Thay mặt cha Thu và
gia đình ông Ngôn tỏ lòng biết ơn đến bác sĩ Hiển và các ân nhân
của AC.
TRỠ GIÚP MỘT BỆNH NHÂN NGHÈO BỊ
UNG THƯ MÁU Ở NINH THUẬN
Sr. Vũ Thị Bài,
Dòng Nữ Vương Hòa Bình, giới
thiệu trường hợp em NGUYỄN HỮU PHẠM ÁNH THU, sinh 1984, mồ côi
cha, mẹ là bà Phạm Thị Vinh, gia đình rất nghèo, có tất cả 13 người
con, ngụ tại Phước Thiện, tỉnh Ninh Thuận. Em Ánh Thu bị bệnh ung thư
máu ( L.A.M. ), hiện đang nằm tại phòng 11, bệnh viện Huyết Học
và Truyền Máu, 118 Hùng Vương, quận 5, Sài-gòn. Chi phí sau 2 tuần lễ
chữa trị tại bệnh viện đã tiêu tốn hết gần 50.000.000 VND mà gia đình
đã cầm cố ruộng đất và nhà cửa. Gospelnet xin trợ giúp trước mắt
số tiền 1.000.000 VND. Chiều thứ ba 22.4.2003, Sr. Bài đã được
mời chia sẻ về trường hợp em Ánh Thu trước Lớp Bồi Dưỡng Sư Phạm
Giáo Lý tại Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp DCCT Sài-gòn, ngay sau
đó, các bạn học viên đã tự quyên góp ngay được số tiền 1.900.000
VND. Như vậy, tất cả số tiền đợt này Gospelnet giúp được cho em
Ánh Thu là 2.900.000 VND. Rất mong quý độc giả và ân nhân gần
xa chia sẻ giúp đỡ thêm cho gia đình em Ánh Thu.
TRỠ GIÚP MỘT GIA ÐÌNH BỊ BỆNH
SIÊU VI GAN B Ở ÐỒNG NAI
Sr. Lê Thị Hiến,
Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể, giới
thiệu trường hợp gia đình anh LÊ ÐỨC, ngụ tại số 562 ấp Ngũ
Phúc, xã Hố Nai 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai. Cả nhà có 7
người thì đã có đến 5 người bị nhiễm siêu vi B, trong đó có 2
người con đang theo Ơn Gọi Dòng Ða-minh và Mến Thánh Giá. Theo bệnh
viện Ðồng Nai báo cho biết mỗi tháng mỗi người phải uống thuốc hết
khoảng 400.000 VND, liên tục trong 6 tháng mới hy vọng khỏi bệnh, vị
chi cả nhà phải lo được 2.000.000 VND tiền thuốc mỗi tháng. Vì gia cảnh
quá nghèo, không thể lo liệu được, cả nhà cứ đành phải chịu vậy.
Gospelnet đã trợ giúp trước mắt số tiền 500.000 VND để cả nhà
sẽ về khám lại tại bệnh viện Thiên Phước ( Sài-gòn ), khi có kết
quả, Gospelnet sẽ xin thông báo chi tiết và kêu gọi quý độc giả và
ân nhân chia sẻ thêm.
Cha Tống Văn Năm, phụ trách Truyền Giáo cho đồng
bào Khmer ở Sóc Trăng, Giáo Phận Cần Thơ, giới thiệu 11 em học sinh người dân tộc Khmer, con
cái các gia đình Việt Kiều từ Kampuchea về, hoàn cảnh rất khó khăn,
cha mẹ chỉ mong có việc được đi làm mướn công nhật, nếu không là rơi
vào thiếu đói ngay, có một số em phải mồ côi cha ( bệnh AIDS ), hầu
hết các em tập trung về ở trong Giáo Xứ Thánh Giu-se, địa chỉ số 156
đường 30 tháng 4, thị xã Sóc Trăng. Gospelnet xin bắt đầu trợ giúp
mỗi em 50.000 VND, liên tiếp trong hai tháng 4 và 5.2003 cuối năm
học ( không có cho ba tháng hè ), tổng cộng: 11 em x 50.000 VND x 2
tháng = 1.100.000 VND. Số tiền này do Hội
HELP THE POOR ( cha Nguyễn Tuấn Hoàng, Hoa Kỳ ) mới gửi về chia sẻ. Xin thay mặt cha Năm và
gia đình các em tỏ lòng biết ơn quý ân nhân.
01. LÂM
VĂN CỦA, sinh 1996, đang học lớp 1, cha chết vì bệnh AIDS.
02. LÂM
VĂN QUÝ, sinh 1994, đang học lớp 3, cha chết vì bệnh AIDS.
03. LÂM
VĂN BÁNH, sinh 1991, đang học lớp 5, cha chết vì bệnh AIDS.
04. NGUYỄN
TẤN PHI, sinh 1998, đang học mẫu giáo, gia đình đông anh em.
05. NGUYỄN
HỒNG NHUNG, sinh 1998, đang học mẫu giáo, gia đình đông anh em.
06. VÕ
NGỌC HUỆ, sinh 1998, sinh 1998, đang học mẫu giáo, gia đình đông anh
em.
07. NGUYỄN
NGỌC HÂN, sinh 1996, đang học lớp 1, gia đình đông anh em.
08. DƯƠNG
THANH NHUẬN, sinh 1989, đang học lớp 6, gia đình đông anh em.
09. TRẦN
CẨM THÚY, sinh 1985, đang học lớp 8, gia đình đông anh em.
10. HUỲNH
PHƯỚC SANG, sinh 1984, đang học lớp 9, gia đình đông anh em.
11. HUỲNH
THỊ TUYẾT NGHI, sinh 1987, đang học lớp 6, gia đình đông anh em.
HỌC BỔNG CHO 30 EM GIÁO XỨ PHÙ MỸ,
QUY NHƠN
Cha Ðinh Duy Toàn, Giáo Xứ Phù Mỹ, Giáo Phận Quy Nhơn, giới thiệu danh sách 30 em học sinh có
hoàn cảnh gia đình hết sức nghèo, hiện cư ngụ trong địa bàn của Giáo
Xứ. Gospelnet số 105 xin tiếp tục trợ giúp tháng 4.2003, tổng
cộng: 1.500.000 VND. Số tiền được trích ra từ quà tặng sau khi
qua đời của một Phật Tử gốc ở Huế, với ý nguyện trợ giúp học
bổng cho các em học sinh nghèo miền Trung. Xin thay mặt cha Toàn và gia
đình các em chân thành ghi ơn và dâng lời cầu nguyện cho hương hồn
của quý ân nhân.
Cha Nguyễn Văn Thượng, Giáo Xứ Thạnh Phú, Giáo Phận Vĩnh Long, giới thiệu trường hợp hai
chị em ruột bà HỒ THỊ SANG, 66 tuổi, và bà HỒ THỊ BẢY, 59
Tuổi, ngụ tại xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Bà chị
bị bệnh tâm thần đã lâu, bà em lại đau ốm luôn, suy nhược không lao
động được, chỉ cố gắng đi làm thuê nuôi chị. Hiện căn chòi đang ở
đã quá rách nát xiêu vẹo ( hình chụp kèm theo ), khó qua được mùa
mưa năm nay. Gospelnet xin trợ giúp số tiền 1.000.000 VND để có
thể dựng tạm một mái nhà tương đối có thể trú nắng đụt mưa.