CHÚA NHẬT LỄ LÁ
TIN MỪNG: Mc 14, 1 - 15, 47 ( Trích trình thuật Thương Khó )
...Vì
muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba,
truyền đánh đòn Ðức Giê-su, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập
giá... Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Ðồi
Sọ... Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt
thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. Lúc chúng đóng đinh Người là
giờ thứ ba. Bản án xử tội Người viết rằng: "Vua người Do-thái". Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa
bên phải, một đứa bên trái. Thế là ứng nghiệm lời Kinh
Thánh: Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp.
Kẻ
qua người lại đều nhục mạ Ðức Giê-su, vừa lắc đầu vừa nói: "Ê, mi là kẻ phá Ðền Thờ, và nội
trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu
mình đi !" Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy,
họ nói với nhau: "Hắn cứu được
thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống
khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin". Cả
những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.
Vào giờ thứ sáu, bóng tối
bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Ðức
Giê-su kêu lớn tiếng: "Ê-lôi,
Ê-lôi, la-ma xa-bác-tha-ni !" Nghĩa là: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?"... Ðức
Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. Bức màn trướng
trong Ðền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội
trưởng đứng đối diện với Ðức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy
liền nói: "Quả thật, người này là
Con Thiên Chúa"...
SUY NIỆM 1:
Sau khi đã giới thiệu về các khía cạnh của
con người Ðức Giê-su trong các Chúa Nhật Mùa Chay vừa qua, hôm nay,
Chúa Nhật Lễ Lá mở đầu cho tuần Thương Khó của Ðức Giê-su, lời
Chúa mời gọi chúng ta cùng suy niệm về những giờ phút cuối cùng
của Ngài trên con đường thập giá.
Suy niệm về những đau khổ Ðức Giê-su đã trải qua, không phải
để chúng ta bi quan, nhưng là cơ hội để từng người chúng ta nhận ra
sự nặng nề của tội lỗi, đồng thời, cũng là cơ hội giúp chúng ta
nhận ra tình yêu vô bờ bến mà Thiên Chúa dành cho từng người chúng
ta. Nhờ đó, chúng ta đủ can đảm và nghị lực để đi trọn con đường
thập giá của mình, ngõ hầu chúng ta cũng có thể tham dự vào sự
Phục Sinh của Ðức Ki-tô, Chúa chúng ta.
1. THÁI ÐỘ CỦA ÐÁM ÐÔNG ÐỐI
VỚI ÐỨC GIÊ-SU:
Trước hết,
chúng ta cùng nhìn lại thái độ của dân chúng đối với Ðức Giê-su.
Ngay khi Ðức Giê-su vào thành để dự Lễ Vượt Qua, dân chúng đã đổ
xô ra đường, chặt cành lá, trải áo, tung hô để đón rước Ngài như
một vị vua. Họ muốn Ngài đứng ra làm vua Thiên Sai theo ý họ, giải thoát
họ khỏi ách thống trị của ngoại bang. Thế nhưng, Ðức Giê-su đã vào
thành không phải trên lưng một con ngựa chiến, nhưng là trên lưng một
con lừa khiêm nhu. Ngài đã không thoả mãn những đòi hỏi theo cái
nhìn trần thế của đám đông dân chúng. Ngài đến là để thực hiện
chương trình của Chúa Cha như lời ngôn sứ I-sai-a đã báo trước: "Mỗi
sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người
giáo huấn... Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật
râu, tôi đã không che giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười và
nhưng người phỉ nhổ tôi".
Như thế, Ðức
Giê-su đến trần gian không phải để làm một vị vua theo nghĩa chính trị,
nhưng là để "gánh tội trần gian" ( Ga 1, 29 ). Thánh Phao-lô đã
đúc kết sứ mạng của Ðức Giê-su như sau: "Chúa Giê-su Ki-tô, tuy
là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng
với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình... Người đã tự hạ
mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá".
Thế là dân chúng đã thay đổi thái độ. Họ chuyển những lời
tung hô, chúc tụng thành lời kết án. Chính họ đã trao nộp Ðức
Giê-su cho tổng trấn Phi-la-tô, một người dân ngoại. Tin mừng thuật
lại: "Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão,
luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giê-su và giải nạp
Người cho Phi-la-tô". Tệ hơn nữa, khi được Phi-la-tô hỏi về số
phận của Ðức Giê-su, dân chúng đã xin quan tha cho Ba-ra-ba, một tên
trộm cướp, giết người và đòi đóng đinh Ðức Giê-su. Họ đã coi Ðức
Giê-su không bằng một tên cướp.
Tới đây, có
lẽ chúng ta chê trách thái độ vô ơn, bạc bẽo, phụ bạc của dân
Do-thái. Thế nhưng, đây cũng có thể là thái độ của mỗi người chúng
ta. Khi có người không vừa ý với chúng ta, chúng ta đã vội kết án,
và tìm đủ cách để dìm người đó xuống, mà không màng tới lẽ phải
và công bằng. Chẳng phải chúng ta cũng từng bỏ giờ thờ phượng Chúa
chỉ vì một vài lợi ích nào đó trước mắt sao ?
2. THÁI ÐỘ CỦA CÁC MÔN ÐỆ ÐỐI
VỚI ÐỨC GIÊ-SU:
Chúng ta cũng hãy cùng nhau suy niệm về cuộc Thương Khó của
Ðức Giê-su, đó là sự phản bội của những người thân tín nhất, trong
những giờ phút quan trọng nhất. Ðó là sự phản bội của Giu-đa, và
việc chối Thầy của Phê-rô. Ðây là sự bội phản mà Ðức Giê-su đã
biết trước. Ngay trong bữa tiệc sau hết với các môn đệ, Ngài nói: "Thầy
nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy".
Và cũng trong bữa tiệc này, mặc dù Phê-rô lên tiếng mạnh mẽ: "Dù
tất cả vấp phạm về Thầy, riêng con, con sẽ không bao giờ vấp phạm",
nhưng Ngài biết rõ yếu đuối của ông: "Thầy bảo thật
con, chính đêm nay, trước khi gà gáy, con sẽ chối Thầy ba lần".
Giu-đa và
Phê-rô là hai môn đệ được Ngài tin tưởng nhất. Vì tin tưởng nơi các
ông, nên Ðức Giê-su đã giao cho Giu-đa nhiệm vụ "tay hòm, chìa
khoá", nghĩa là làm nhiệm vụ thủ quỹ cho các Ngài. Còn Phê-rô,
thì Ngài đã đặt làm đầu các Tông Ðồ. Thế mà giờ đây, cả hai đều
vấp ngã. Còn các môn đệ khác đều chạy trốn hết cả. Thử hỏi còn
đau khổ nào hơn thế nữa. Nỗi đau khi bị chính những người mình thân
yêu, tin tưởng nhất phản bội. Nỗi đau này còn lớn hơn nữa bởi Ngài
đã được nhìn thấy trước mà không thể tránh. Hiểu như thế, chúng ta
mới có thể cảm thông được phần nào lời tâm sự của Ðức Giê-su
trong vườn Ghết-sê-ma-ni: "Linh hồn Thầy buồn đến chết đựơc".
3. THÁI ÐỘ
CỦA ÐỨC GIÊ-SU VỚI CHÚA CHA
Chúng ta cũng nhận ra điều này: có lẽ sự đau khổ lớn nhất
của Ðức Giê-su trong cuộc khổ nạn này là sự im lặng của Chúa Cha.
Từ khi Ðức Giê-su bị trao nộp, chịu các cực hình, bị dân chúng và binh
lính sỉ vả và đóng đinh trên thập giá, chúng ta không hề thấy có sự
xuất hiện của Chúa Cha. Ðau khổ này lớn đến nỗi, Ngài đã phải kêu
lên: "Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ tôi ?" Tuy
nhiên, đây không phải là một lời than trong tuyệt vọng, nhưng khi
dùng lại lời của Thánh Vịnh 22 này như lời kinh trước giờ chết của
mình, Ðức Giê-su đã chứng tỏ một lòng cậy trông vững chắc của Ngài
vào sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa.
Vâng, đứng trước
tất cả những đau đớn bởi đòn vọt, tra tấn nhất là những đau khổ
trong tâm hồn như thế, với sức tự nhiên của con người, quả thật,
không thể chịu đựng nổi. Nhưng Ðức Giê-su đã vượt qua tất cả. Ngài
đã đi trọn vẹn con đường Thương Khó, đến hơi thở cuối cùng trên thập
giá. Ngài đã hoàn tất nhờ sức mạnh của tình yêu mà Ngài dành cho
loài người chúng ta, như lời Ngài đã nói: "Không có tình yêu nào
lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (
Ga 15, 13 ). Và nhất là vì Ðức Giê-su đã luôn phó thác trọn vẹn
cuộc sống mình trong tay Chúa Cha như một người tôi tớ khiêm hạ mà
ngôn sứ Isaia đã báo trước: "Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không
hổ thẹn".
4. THÁI ÐỘ CỦA CHÍNH CHÚNG TA:
Cuối cùng, khi
suy niệm cuộc Thương Khó của Ðức Giê-su hôm nay, phụng vụ còn cho
chúng ta thấy rằng: Sự chết của Ðức Giê-su trên thập giá không
phải là dấu chấm hết. Nhưng đó là một sự khởi đầu, như lời Ngài
nói mà chúng ta vừa nghe trong Chúa Nhật vừa qua: "Khi nào Ta chịu
đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta". Và kết
quả đầu tiên từ cái chết của Ngài đó là: "Màn trong đền thờ xé
ra làm đôi từ trên xuống dưới". Với cái chết của mình, Ðức
Giê-su đã thực sự xé tan bức màn ngăn cách chúng ta với Thiên
Chúa. Bức màn đã được dựng nên do bởi tội Nguyên tổ và tội riêng
của từng người chúng ta. Ngài đã giao hoà chúng ta với Thiên Chúa
ngang qua thân xác của Ngài. Từ đây, mỗi người chúng ta có thể đến
trực tiếp với Thiên Chúa. Và cũng từ cái chết của Ðức Giê-su, ơn
cứu độ đã đựơc ban cho mọi dân tộc mà lời tuyên xưng của chính viên
sĩ quan là một khởi đầu: "Ðúng người này là Con Thiên Chúa".
Hôm nay, ngày
đầu tiên của Tuần Thánh, chúng ta vừa cùng nhau suy niệm về cuộc
Thương khó của Ðức Giê-su. Những đau khổ mà Ðức Giê-su phải chịu
chính là do tội lỗi của tôi và quý ông bà anh chị em. Giờ đây, trong
tâm tình tạ ơn, chúng ta cùng xin Chúa ban ơn giúp sức cho từng người
chúng ta can đảm từ bỏ tội lỗi, cùng với đời sống bất công, thiếu
bác ái. Ðồng thời, sẵn sàng chấp nhận thập giá Chúa gởi đến hàng
ngày trong cuộc sống để kết hiệp với cuộc khổ nạn của Ðức Ki-tô.
Nhờ đó, chúng ta cũng sẽ được cùng Ngài sống lại trong vinh quang sau
này. Amen.
Lm. TRẦN THANH
SƠN, Giáo Phận Xuân Lộc
SUY NIỆM 2:
1. ÐỨC
GIÊ-SU CHỊU ÐAU KHỔ ÐỂ CỨU NHÂN LOẠI KHỎI ÐAU KHỔ
Mầu nhiệm được cử hành trong
Tuần Thánh - làm cho chúng ta hết sức cảm động - là Ðức Giê-su đã
chấp nhận chịu đau khổ và chết thay
cho chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi đau khổ và sự chết
trong cảnh giới vĩnh cửu. Tất cả đều vì yêu thương chúng ta: "Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã
mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối
với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Nhờ Người mang những vết
thương của anh em mà anh em đã được chữa lành" ( 1 Pr 2, 24 ).
Theo Niềm Tin Ki-tô Giáo, Ðức
Giê-su chính là Con Thiên Chúa. Ngài chẳng những là người hoàn toàn vô
tội, mà còn là một con người hoàn hảo nhất của nhân loại. Thế nhưng
Ngài lại phải chịu những cực hình khủng khiếp, đau đớn nhất của con người.
Những đau khổ ấy, Ngài đã tự nguyện chịu, mặc dù từ thâm tâm Ngài cũng
rất sợ hãi trước đau khổ. Việc Ngài lo buồn đến mức đổ mồ hôi máu
trong Vườn Cây Dầu ( x. Lc 22, 44 ) nói lên nỗi sợ hãi hết sức cao độ
ấy.
Nhưng dù biết trước những cực
hình khủng khiếp đã khiến Ngài phải sợ hãi như thế, Ngài vẫn tự nguyện
đón nhận, vì muốn hoàn thành Thánh Ý Chúa Cha là cứu độ loài người,
và vì chính Ngài cũng yêu thương con người, muốn cứu họ khỏi tội lỗi
và hậu quả khủng khiếp của tội lỗi. Dù bản năng có ham sống sợ
chết, ham sướng sợ khổ, Ngài vẫn vui lòng chấp nhận đau khổ và
chết, để con người được sống và sống hạnh phúc: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con
khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý
Cha" ( Mt 26, 39 ).
2. ÐỨC GIÊ-SU THỰC HIỆN SỰ CÔNG BÌNH VÀ TÌNH
YÊU CỦA THIÊN CHÚA ÐỐI VỚI NHÂN LOẠI TỘI LỖI
Vì tội của nguyên tổ và của
riêng từng người, đáng lẽ nhân loại chẳng những bị mất hạnh phúc
vĩnh cửu mà còn phải chịu đau khổ đời đời. Sự công bình nơi bản tính
của Thiên Chúa đòi buộc mọi tội lỗi đều phải đền trả, nghĩa là con
người phải chịu hình phạt xứng đáng. Nếu thế con người sẽ phải đau
khổ đời đời! Nhưng tình yêu vô biên của Ngài đối với con người đòi
hỏi Ngài phải ra tay cứu họ, nếu không thì không còn là tình yêu
nữa! Vừa bắt con người phải đền tội, vừa phải ra tay cứu họ, đối với
trí óc của con người điều đó quả là mâu thuẫn và nan giải! Nhưng sự
khôn ngoan vô biên của Ngài đã giải quyết nan đề ấy bằng cách cho
Con của Ngài xuống thế làm người, đại diện cho toàn nhân loại, chịu
đau khổ và chết, để đền tội thay cho cả loài người. Theo cách đó,
sự công bằng và tình yêu của Ngài đều được thỏa mãn.
Ðức Giê-su - là Ngôi Hai, Con
Thiên Chúa, cũng là Thiên Chúa trong bản tính nhân loại - đã đảm
trách việc hòa giải giữa hai đòi hỏi trái ngược nhau của sự công
bằng và tình yêu Thiên Chúa, và cũng là hòa giải giữa con người
với Thiên Chúa. Vì thế, sứ mạng của Ðức Giê-su là phải làm sao cho
con người thấy được công lý của Thiên Chúa phải được thực hiện
nghiêm túc thế nào, đồng thời cũng biểu lộ cho con người thấy tình
yêu của Thiên Chúa đối với con người bao la thế nào.
Chân lý, công lý và tình thương, đó là những thuộc tính hết
sức quan trọng trong bản tính Thiên Chúa. Thiết tưởng người Ki-tô hữu
- là người ý thức hơn ai hết con người là hình ảnh của Thiên Chúa -
cần phải phản ánh và thể hiện ba thuộc tính ấy trong đời sống của
mình. Ðức Giê-su đã nhấn mạnh sự quan trọng của ba thuộc tính ấy: "Những điều quan trọng nhất trong Lề
Luật là công lý, tình thương và
tính chân thật" ( Mt 23, 23 ).
3. TÌNH YÊU
CỦA THIÊN CHÚA ÐƯỠC BIỂU HIỆN NƠI ÐỨC GIÊ-SU
Thiên Chúa yêu thương con người,
điều ấy đã được Thánh Kinh nói đến rất nhiều: "Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta
dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên
Chúa mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa" ( 1 Ga 3, 1 ); "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã
ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng
được sống muôn đời" ( Ga 3, 16 ); "Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như
thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của
Người mà chúng ta được sống" ( 1 Ga 4, 9 ); "Ðức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi
chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa
yêu thương chúng ta" ( Rm 5, 8 ).
Tình yêu của Thiên Chúa đối
với nhân loại được thể hiện cụ thể qua tình yêu của Ðức Giê-su đối
với con người: "Chúa Cha đã
yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy" ( Ga 15, 9 ); "Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc
về mình còn ở thế gian, và Người yêu
thương họ đến cùng" (
Ga 13,1 ).
4. HÃY THỂ
HIỆN TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA RA CHO THA NHÂN
Ðức Giê-su đã chấp nhận đau
khổ để con người được hạnh phúc, chấp nhận chết để con người được sống.
Chính tình yêu đối với con người đã thúc đẩy Ngài làm điều ấy. Sự
việc ấy cho thấy đau khổ của ta có thể biến thành hạnh phúc cho
người khác, cái chết của ta có thể biến thành sự sống cho người
khác. Nghĩa là ta có thể chấp nhận đau khổ để người mình yêu được
hạnh phúc, chấp nhận chết để người mình yêu được sống. Vì thế, đau
khổ và chết cho người mình yêu là cách tuyệt hảo nhất để biểu lộ
và thể hiện tình yêu: "Không
có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng
vì bạn hữu của mình" ( Ga 15, 13 ). Thiết tưởng người Ki-tô hữu
cần sử dụng thường xuyên cách biểu lộ và thể hiện tình yêu tuyệt
hảo này trong đời sống ( đáng lẽ phải ) đầy tràn yêu thương của
mình.
Cũng như tình yêu của Chúa
Cha đối với Ðức Giê-su là gương mẫu cho tình yêu của Ngài đối với
nhân loại: "Chúa Cha đã yêu
mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy" ( Ga 15, 9 );
thì Ngài rất mong tình yêu của Ngài đối với chúng ta cũng là gương
mẫu để chúng ta yêu thương nhau: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" ( Ga
15,12 ). Thánh Gio-an đã diễn tả ý tưởng trên như sau: "Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta
như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau" ( 1 Ga 4,11 ); "Chúng
ta hãy yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước" ( 1 Ga 4, 19 ); "Ðức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như
vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em" ( 1 Ga 3, 16 ). Vậy, chúng ta
hãy áp dụng tinh thần yêu thương và hy sinh cho người mình yêu, trước
hết và đặc biệt cho những người gần gũi với chúng ta nhất: cha mẹ, vợ
con, anh chị em, bạn bè... sau đó cho những người xa hơn, và cuối cùng
cho cả những người ghét và làm hại chúng ta. "Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như
vậy là anh em chu toàn Luật Ðức Ki-tô" ( Gl 6, 2 ).
Tóm lại, hãy trở nên hiện
thân cho Tình Yêu Thiên Chúa giữa tha nhân, giữa trần gian.
Thiết tưởng đó là những điều thực tế mà trong Tuần Thánh này chúng
ta phải quyết tâm thực hiện trong đời sống mình. Nếu không Tuần
Thánh này cũng chỉ là một tuần vô bổ, trôi qua không dấu vết trong
đời sống chúng ta.
Tôi nghe thấy tiếng Chúa nói với tôi:
"Con ơi, Cha yêu con, yêu con vô cùng. Cuộc khổ nạn
và cái chết của Ðức Giê-su chính là bằng chứng mạnh nhất cho tình
yêu của Cha. Cha mong mỏi con đáp lại tình yêu của Cha như một tình
nhân mong được người mình yêu đáp trả lại bằng tình yêu. Cách đáp
trả tình yêu mà Cha mong muốn nhất nơi con, chính là con ban trải yêu
thương một cách thật quảng đại, thậm chí phung phí, cho những người
sống chung quanh con, những người con thường gặp hằng ngày. Hãy trở
nên hiện thân của tình yêu Cha giữa mọi người".
SUY NIỆM 3:
Chúa Nhật Lễ Lá dẫn chúng ta vào Tuần Thánh
với những ngày cực Thánh là Thứ Năm, Sáu, Bảy và Chúa Nhật Phục
Sinh. Ðức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa nhập thể làm người, Con Yêu Dấu của
Chúa Cha đã bị kẻ thù - vì ghen ghét và hiểu lầm - đã bắt giữ, tra
vấn, kết án và đóng đinh vào thập giá như một tên trọng tội. Người
đã chết như một người thất bại. Nhưng Người đã sống lại vì chẳng
những Người là Ðấng vô tội và bị giết oan mà còn vì là Người đã
chết thay cho những người có tội, để mọi người được sống với Người
và nhờ Người.
1. Bài đọc 1: Is 50, 4 - 7:
Ngôn
sứ I-sai-a nói về sứ vụ mà Thiên Chúa giao cho ông và mô tả cách
Thiên Chúa đối xứ rất thân thương, khiến ông hoàn toàn tin tưởng
phó thác vào Chúa và chịu đựng mọi tệ bạc của người ta. I-sai-a là
hình bóng của Ðức Giê-su vì những gì I-sai-a nói về mình thì cũng là
những điều đã xẩy ra cho Ðức Giê-su trong cuộc Khổ Nạn Thập Giá: "Tôi
không cưỡng lại cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta
đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị
mắng nhiếc phỉ nhổ... Tôi đã không hổ thẹn, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng"
2. Bài đọc 2: Pl 2, 6 - 11:
Dưới
tác động của Thánh Thần Thánh Phao-lô đã viết nên một bài ca tuyệt
diệu về sự tự hạ tột cùng của Ðức Giê-su, Con Thiên Chúa làm
người: "Vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết
duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ
vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống
như người trần thế. Người lại còn hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu
chết, chết treo trên cây thập tự". Ðể thưởng công cho sự tự hạ
ấy của Ðức Giê-su, Thiên Chúa Cha đã siêu tôn Người và đặt Người
làm Chúa của muôn loài muôn vật trên trời dưới đất.
3. Bài Tin Mừng: Mc 14, 1 - 15, 47:
Ðây
là bài Thương Khó trong Tin Mừng theo Thánh Mác-cô. Trước hết,
Mác-cô dẫn chúng ta từ bữa ăn tại nhà ông Si-mon Cùi ở Bê-ta-ni-a
đến bữa ăn cuối cùng của Ðức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem. Bữa ăn tại
nhà ông Si-mon Cùi có xảy ra chuyện một phụ nữ lấy dầu thơm xức
trên đầu Người, loan báo thân xác Người sẽ được ướp và chôn cất
trong ba bốn ngày tới. Bữa ăn cuối cùng của Ðức Giê-su với các môn
đệ trong một phòng rộng rãi trên lầu với việc Ðức Giê-su lập Bí
Tích Thánh Thể để Người ở lại mãi mãi với chúng ta và để chúng ta
luôn có một chứng từ cụ thể, khả giác về Tình Yêu của Người. Cũng
trong bữa ăn đó, Ðức Giê-su đã loan báo việc một trong số các môn
đệ sẽ phản bội Người.
Trước đó Mác-cô đã cho chúng ta biết về âm mưu
giết hại Người của giới lãnh đạo Do-thái và về sự phản bội của
Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Giu-đa quyết tâm bán Thầy cho các thượng tế. Rồi
Mác-cô đưa chúng ta đến núi Oâliu ở đó Ðức Giê-su đã phải trải qua
những giây phút thật khủng khiếp trước viễn tượng cái chết cô đơn
trên thập giá: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được". Người đã
xin với Cha của Người: "Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha". Sau đó là
những diễn tiến dồn dập của Cuộc Thương Khó: quân lính xuất hiện
với Giu-đa và bắt Ðức Giê-su, đem Người đến vị thượng tế: ở đây các
vị thượng tế và Thượng Hội Ðồng Do-thái buộc tội Người để lên án
tử hình. Vì không tìm ra chứng thật, họ đã phải "bịa ra" chứng giả
nhưng không thuyết phục được ai, kể cả chính bản thân họ và Ðức
Giê-su. Trước sự im lặng của Ðức Giê-su, vị thượng tế tìm mọi cách
để Ðức Giê-su phải nói và Ðức Giê-su đã nói một cách dõng dạc
chưa từng có: "Phải, tôi là Ðấng Ki-tô, Con của Ðấng Ðáng Chúc
Tụng. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Ðấng Toàn Năng và
ngự giá mây trời mà đến"
Ðức Giê-su đã chết vì lời công bố mặc khải Sự Thật ấy.
Ðiều trớ trêu là trước cảnh hùng vĩ của lời công bố ấy thì các
giới lãnh đạo đền thờ và dân chúng lại khạc nhổ, bịt mặt, phỉ
báng, chế nhạo Người. Còn môn đệ số một là Phê-rô thì chối Thầy
"như đỉa phải vôi". Các thượng tế, kỳ mục và kinh sư đã tìm ra một
nguyên cớ để giết hại Ðức Giê-su. Cớ đó là Người đã có lời lộng
ngôn, đã phạm thượng tức xúc phạm đến Thiên Chúa. Nhưng họ không
có quyền quyết định trên sự sống của Người, nên phải "vuốt mặt
làm lành" chạy đến cầu cạnh với Phi-la-tô để tìm một đồng lõa,
đề nghị một thỏa hiệp "hai bên cùng có lợi" để khử trừ Ðức
Giê-su. Và Phi-la-tô - vì sợ mất chức mất quyền, đã
hèn nhát biến mình thành đồng lõa, tòng phạm với giới lãnh đạo
Do-thái. Phi-la-tô còn biến mình thành công cụ của giới lãnh đạo
đền thờ Do-thái trong cái chết của Ðức Giê-su. Khi mọi chuyện đã
được đạo diễn một cách ăn khớp với nhau, thì chỉ còn việc là đem
Người Vô Tội ra hành hình, càng sớm càng tốt, để bảo đảm an ninh và
tránh mọi rắc rối. Ðức Giê-su đã được giao cho lý hình và lính tráng đã điệu
Người đến nơi hành quyết...
Trên đường cũng như chung quanh Núi Sọ, thay vì những lời cảm
thông, tán tụng, biết ơn, ngưỡng mộ, giờ đây chỉ còn tiếng nhục mạ,
chế diễu, nói xỏ nói xiên... Ðức Giê-su đã tắt thở trên thập giá
sau khi không còn sức chịu đựng cực hình, trong nỗi cô đơn tột cùng: "Lạy
Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?"
Một chi tiết đáng suy nghĩ: Mác-cô chỉ nhắc đến mấy người phụ
nữ đứng xa xa mà nhìn, chứ không nói gì đến sự có mặt của các môn
đệ khi Ðức Giê-su bị đóng đinh và treo trên cây thập giá. Chẳng
những thế sau khi Ðức Giê-su đã tắt thở, người đứng ra xin xác Ðức
Giê-su lại cũng không phải là một trong Mười Một Tông Ðồ mà là
ông Giô-xép, người thành A-ri-ma-thê, thành viên có thế giá của
Hội Ðồng Do-thái. Các môn đệ của Ðức Giê-su ở đâu lúc ấy ? Họ
còn nhát gan hơn các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả trước đó 3 năm, vì
sau khi nghe tin Thầy bị chém đầu, các môn đệ của Gio-an đã dám đứng
ra xin xác Thầy đem về chôn cất.
4. Một gợi ý suy niệm:
Từ Bài Thương Khó của Mác-cô, chúng ta có thể rút ra cho mình
nhiều đề tài suy niệm. Riêng tôi, tôi chọn cho mình và đề nghị quí
độc giả hãy chọn với tôi đề tài suy niệm này: Những
khuôn mặt môn đệ chung quanh Ðức Giê-su trong cuộc Thương Khó của
Người.
Khuôn mặt thứ nhất là vài thực khách cùng dùng bữa
với Ðức Giê-su tại nhà ông Si-mon Cùi ở
Bê-ta-ni-a: Họ tỏ ra khó chịu, bực tức và gắt gỏng với người phụ
nữ đã đập vỡ bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ
đắt tiền và đổ dầu trên đầu Ðức Giê-su, vì họ cho rằng chị ta làm
như thế là phung phí: "Phí dầu thơm như thế để làm gì ? Dầu đó có
thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo".
Thật ra họ chẳng quan tâm đến người nghèo, chẳng
quan tâm đến người phụ nữ làm chướng mắt họ, chẳng quan tâm đến
Ðức Giê-su. Cái họ quan tâm là chính bản thân họ. Họ che dấu tâm
địa bủn xỉn và ích kỷ của họ bằng những lời lẽ giả nhân giả nghĩa.
Trong khuôn mặt của mấy người này tôi có nhận ra khuôn mặt
của tôi không ? Tôi có sống giả hình, ích kỷ, keo kiệt, khắt khe với
tha nhân không ?
Khuôn mặt thứ hai là khuôn mặt của Giu-đa
Ít-ca-ri-ốt. Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là một trong
Mười Hai môn đệ đã được Ðức Giê-su chọn làm Tông Ðồ và là người
đã bán Thầy với số tiền còm. Có phải vì Giu-đa tham tiền không ? Có
thể lắm chứ vì ai mà không tham tiền ! Nhưng cũng có thể là Giu-đa
không tham tiền đến độ bán Thầy để chỉ lấy mấy chục đồng. Giải
thích dễ chấp nhận và phù hợp với bối cảnh lịch sử và văn mạch
Thánh Kinh nhất là Giu-đa tìm cách cưỡng bức Thầy dùng vũ lực và
quyền năng để làm cho thiên hạ phải bái phục. Giu-đa muốn ép Ðức
Giê-su chọn con đường Mê-si-a chính trị trong khi Nguời chọn con đường
Mê-si-a đau khổ. Nghĩa là Giu-đa muốn dồn Ðức Giê-su vào chân tường
để Người phải dùng tới quyền năng thần linh của Thiên Chúa cho thấy
Người là ai, trong khi Ðức Giê-su lại chọn con đường tự hủy, tự hiến
để mặc khải Sức Mạnh và Tình Yêu Cứu Ðộ của Thiên Chúa. Giu-đa bị cám dỗ y như chính Ðức
Giê-su đã từng bị Xa-tan cám dỗ trong hoang địa: "Hãy biến hòn đá
này thành bánh" và "Hãy gieo mình xuống" ( từ nóc
Ðền Thờ ). Nhưng Ðức Giê-su đã gạt phắt cám dỗ ấy đi, còn Giu-đa thì đã sa chước
nó.
Trong khuôn mặt của Giu-đa
tôi có nhận ra khuôn mặt của mình không ? Có bao giờ tôi cũng muốn
Ðức Giê-su làm theo ý tôi không ? Có bao giờ tôi đã cam tâm bán rẻ
Ðức Giê-su và Ðạo của Người để lấy một chút vinh hoa, phú quí,
quyền chức, tiền bạc hay thú vui không ?
Khuôn mặt thứ ba là khuôn mặt của Phê-rô. Phê-rô là một trong bốn môn đệ đầu tiên, là một trong Mười
Hai Môn Ðệ đã được Ðức Giê-su chọn làm Tông Ðồ và làm Tông Ðồ
Trưởng. Nhưng Phê-rô đã chối Thầy ba lần. Mới trước đó Phê-rô còn
khăng khăng quả quyết với Ðức Giê-su: "Dầu tất cả có vấp ngã
đi chăng nữa, thì con cũng nhất định là không ?" Nhưng chỉ mấy
giờ sau thì Phê-rô đã chối phăng mối liên hệ của mình với Thầy
Giê-su khi bị một đứa tớ gái trong dinh thượng tế hạch hỏi: "Tôi
chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì ! Tôi thề là không có biết
người mà các ông nói đó !"
Trong khuôn mặt của Phê-rô tôi có nhận ra khuôn mặt của mình
? Tôi có ỷ sức mình, có hợm mình, có tự cao, tự đại, kiêu căng mà
coi thường sự giòn mỏng của bản thân mình không ? Tôi có sợ bị liên
lụy với Ðức Giê-su không ? Sau mỗi lần sa ngã, chối Chúa, tôi có
bắt chước Phê-rô mà ăn năn sám hối và hoán cải trở về xin Chúa
thứ tha và tin tưởng phó thác vào lòng Thương Yêu tha thứ của Chúa
không ? Tôi có bắt chước Phê-rô mà bù đắp lỗi lầm của mình bằng
một lòng yêu thương lớn gấp ba gấp bốn không ?
Khuôn mặt thứ bốn là khuôn mặt của các Tông Ðồ khác: Trừ ông Phê-rô ( đã chối Chúa ) và ông Giu-đa
Ít-ca-ri-ốt ( đã bán Chúa ), còn 10 Tông Ðồ khác nữa. Ðó là ông
Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, ông Gio-an em ông Gia-cô-bê, ông An-rê,
ông Phi-líp-phê, ông Ba-tô-lô-mê-ô, ông Mát-thêu, ông Tô-ma, ông
Gia-cô-bê con ông An-phê, ông Ta-đê-ô và ông Si-mon thuộc Nhóm Quá
Khích. Nếu ông Gio-an có mặt bên Ðức Mẹ dưới chân thập giá thì chín
ông kia đâu ? Thánh Mác-cô chép lại là họ sợ hãi chạy trốn hết !
Trong khuôn mặt của chín Tông Ðồ kể trên tôi có nhận ra
khuôn mặt của mình không ? Tôi có nhát đảm, có sợ bị thiệt thòi,
sợ bị sa thải mất việc làm, sợ bị trù dập, sợ bị mang tiếng là
người duy tâm lạc hậu... khi người ta biết tôi là người Công Giáo,
là Ki-tô hữu không ?
Khuôn mặt thứ sáu là khuôn mặt của ông Giô-xép, người thành A-ri-ma-thê, thành viên có thế giá của Hội
Ðồng Do-thái và cũng là người mong đợi Triều Ðại của Thiên Chúa.
Giô-xép đã dũng cảm công khai hóa mối liên hệ của ông với kẻ vừa
bị giết chết trên thập giá là tên Giê-su Na-da-rét mà đứng ra xin
xác Người và mai táng chu đáo.
Trong khuôn mặt của Giô-xép, tôi có nhận ra khuôn mặt của
tôi không ? Tôi có dũng cảm xác định mối quan hệ của tôi với Chúa
Giê-su trong cuộc sống gia đình và xã hội không ? Tôi có đón nhận,
chăm sóc, yêu
thương và phục vụ "những kẻ bé mọn nhất" của Chúa Giê-su như chính
Chúa Giê-su không ?
Gs.
Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI
CHIA SẺ:
Tình yêu la,ï bởi vì tình yêu không thể chết,
Dẫu chiến tranh
tù ngục và mưu mô,
Dẫu vô tình hay
cố ý hàm hồ.
Tình yêu lớn vượt vô vàn thử thách,
Dẫu người ta
dùng trăm phương ngàn cách,
Biến hóa khôn
lường thủ đoạn cao xa,
Múa mép khua
môi làm đạo diễn tài ba.
Bắt muôn sự
phục tùng theo một phép.
Tình yêu sống như mầm non khép nép,
Chờ sớm mai vượt thẳng giữa không gian
Vươn lên cao xanh mượt vẻ huy hoàng
Mặc tất cả tỵ hiềm đang lóp ngóp,
Chằng chịt dưới chân những thù hằn nhơ nhớp
Níu cuộc đời xuống thấp, giẫm chân lên,
Bất chấp lương tâm, kẻ dưới người trên,
Bằng mọi cách hả hê lòng ganh tỵ,
Chà đạp tha nhân để thỏa lòng vị kỷ,
Sắp xếp cuộc đời thao túng sự khôn ngoan.
Tiến tiến lui lui làm đạo diễn trần gian,
Lời đường mật quy gom về một mối.
Bao diễn viên thơ ngây và sạch tội,
Bỗng vô tình vấp phạm vở Tình Yêu...
Tình yêu lạ, bởi vì không biết ngán,
Vẫn ung dung bước ngược chốn phim trường,
Và thoắt đâu biến ảo bãi chiến trường:
Tình yêu bỗng trở thành đối tượng
Bốn phía bao vây, tư bề chặn hướng,
Quyết một lòng, sát thủ chẳng nương tay.
Ðạo diễn tài ba nên Thập Giá nồng say...
Tình Yêu phải cúi đầu kê vai vác.
Tình Yêu lạ, bởi vì không thoái thác,
Rất ngoan cường trong giờ phút linh thiêng,
Rất trung thành cho trọn kiếp truân chuyên.
Tình Yêu lạ, bởi vì không thể chết,
Tình Yêu lạ, bởi vì không thể diệt,
Tình Yêu rộng lớn mãi với thời gian,
Tình Yêu cao, cao mãi đến ngút ngàn !
Nt. NGUYỄN THỊ
CHÁNH, Nữ Vương Hòa Bình Buôn Mê Thuột
CHỨNG TÁ:
Chuyện xảy ra
tại một Ðiểm Truyền Giáo của DCCT cho anh chị em dân tộc J'rai trên Tây Nguyên. Tôi thu xếp công việc
mục vụ của mình tại cộng đoàn ở Cần Giờ để dành ra gần hai tuần
lên đây "nối lửa" và "chia lửa" với anh em trong những ngày cuối
cùng của Mùa Chay, và tôi đã có dịp thấy tận mắt, nghe tận tai một
"việc Chúa làm". Chuyện như thế này:
"Băng Ðầu Gấu" là tên mà tôi dùng tạm để nói về những
anh em dân tộc đã lâu ngày, lâu tháng, lâu năm bỏ Chúa, bởi vì họ
còn bận... uống rượu ! Thế rồi, vào Chúa Nhật thứ 4 Mùa Chay, ngày
30.3 vừa qua, trước khi dâng Thánh Lễ, một danh sách được đọc to lên
giữa cộng đoàn, nêu đích danh từng anh đã ham mê uống rượu suốt ngày
thâu đêm, bỏ cầu nguyện chung, bỏ sinh hoạt cộng đoàn, quên cả
trách nhiệm trong gia đình. Bây giờ thì cộng đoàn thông báo mời họ đi
Tĩnh Tâm, cùng với cộng đoàn cầu nguyện, mau mau trở về với Chúa,
với cộng đoàn, cho kịp trước khi Mùa Chay chấm dứt.
Tôi nghe chuyện mà giật mình, không biết sự thể rồi sẽ
ra nông nỗi nào, kiểu này mà làm ở một Giáo Xứ người Kinh miền
xuôi thì không khéo... đánh nhau to ! Tôi hồi hộp chờ đợi... Không
ngờ, liên tiếp trong ba ngày: thứ hai 31 tháng 3, thứ ba 1 tháng 4, và
thứ tư 2 tháng 4 vừa qua, lần lượt có đến 64 "kiện tướng" thuộc
"băng đầu gấu" ấy đã... metanoia ! Tĩnh Tâm suốt ba ngày liền như
thế, sáng từ 7g30 đến 12g, sau khi ăn trưa, tiếp tục cho đến chiều
tối, anh trưởng cộng đoàn cũng là người dân tộc, công bố và hướng
dẫn cầu nguyện với Lời Chúa. Ngày cuối cùng các Linh Mục được mời
ra trao ban Bí Tích Hòa Giải, rồi giúp từng người dâng mình cho Chúa,
kết thúc bằng Thánh Lễ Tạ Ơn.
Trong phần chia sẻ, có một anh đứng lên kể chuyện giữa
cộng đoàn: Chúa Nhật hôm ấy, anh cũng bỏ Thánh Lễ như mọi lần, khi
nghe vợ con về nói rằng anh ta được xướng tên trong Nhà Thờ, anh ta la
lối om sòm, cự nự vợ con. Bà chị ruột biết chuyện đến khuyên, anh ta
cũng đuổi luôn. Nhưng rồi ngẫm nghĩ thế nào đó mà sang ngày thứ hai,
anh ta lại đến với cộng đoàn xin được Tĩnh Tâm, rồi trung thành ở
lại cả hai ngày sau đó. Xin hiểu cho rằng vào mùa này trên Tây
Nguyên đang có hạn hán, nóng khủng khiếp !
"Ðúng
là việc Chúa làm !" Ðó là câu kết luận của anh ta, của mọi
người trong cộng đoàn, và của cả chính tôi. "Băng Ðầu Gấu" sẽ phải
đổi lại thành "Băng Ðầu Gối", bởi từ hôm ấy, cả 64 anh đã biết
quỳ sụp xuống để cầu nguyện và sám hối.
Lm.
PHẠM VĂN TỊNH, DCCT
CHIA SẺ:
GẶP GỞ ÐỨC KI-TÔ
Mùa Chay này, qua một trò
chơi xuất du chia sẻ của cha Uy dành cho Nhóm Sinh Viên, không ngờ tôi
lại được dịp ghé thăm một trại trẻ mồ côi nằm sâu trong một con
hẻm nhỏ đường Chánh Hưng. Ngôi nhà khá khang trang nhưng chẳng bao lâu
nữa những con người ở đây phải dọn đi nơi khác vì người ta lấy lại
nhà.
Trong
nhà bề bộn những thùng đồ đã đóng sẵn chờ ngày dọn đi. Ðón tôi
là một phụ nữ nhỏ nhắn, xanh xao, khuôn mặt hiền từ, giọng nói ấm
áp, dáng vẻ từ tốn nhưng đâu đó trong ánh mắt hiện lên một nỗi
buồn khó tả. Cô giản dị trong chiếc áo trắng đã sờn và chiếc quần
đen đã bạc. Một điều lạ là trong khi chuyện trò, cô không kể bất
cứ điều gì về bản thân cũng như những chuyện phi thường mà mình đã
làm. Mọi chuyện đều để chúng tôi tự khám phá.
Cô ấy chính
là cô Phạm Thị Ðơn mà mỗi khi hỏi đến người dân trong khu phố không
ai là không biết. Cô là mẹ của 30 đứa con nhưng cái lạ là những
đứa trẻ này không phải do cô dứt ruột đẻ ra. Chúng là những đứa
trẻ đáng thương bị chính ba mẹ ruột của mình bỏ rơi. Nhưng kể ra thì
chúng vẫn còn may mắn vì được cô Ðơn đem về nuôi dưỡng và dạy dỗ
nên người. Cô cho chúng tất cả thậm chí cả tuổi xuân của mình.
Những lúc cần là một người bố thì cô làm bố và những khi cần làm
mẹ thì cô lại biến mình thành một người mẹ. Cứ như thế bao năm
tháng đi qua các con mỗi ngày một lớn nhưng tình thương mà cô dành cho
các con vẫn tràn đầy như hôm nào.
Tôi luôn tự hỏi không biết động lực nào mạnh đến độ
khiến cô có thể hy sinh, bất chấp tất cả vì người khác như thế. Bên
ngoài cái vẻ hào nhoáng, lộng lẫy của Sài-gòn về đêm có ai biết
rằng trong lòng thành phố ấy có những con người vẫn lặng lẽ đi về,
vẫn làm những việc dường như là bình thường nhưng không phải ai cũng
có thể làm được. Họ đáng được trân trọng và suy tôn.
Khi
bức thông điệp này được gửi đi thì tôi chỉ mong muốn một điều là
tất cả mọi người và nhất là các bạn trẻ đừng chỉ biết sống ích kỷ
cho riêng mình. Ðối với những bạn đang chạy theo cuộc sống thực
dụng,vậy là đã đủ cho các bạn rồi, hãy dừng lại đi các bạn. Bên
cạnh các bạn còn có những mảnh đời đáng thương, cần các bạn cứu
vớt đấy. Các bạn còn trẻ, vai các bạn còn chắc lắm mà. Hãy thương
đến họ, hãy quan tâm đến họ, ôm họ vào lòng và vác họ trên vai
của bạn. Cuộc sống của chúng ta ngắn ngủi lắm và cũng chẳng ai
biết tương lai của mình sẽ ra sao. Vậy tại sao các bạn lại không sống
cho hiện tại thật tốt đi ? Khi thời gian qua đi và bất chợt một lúc
nào đó nhìn lại, ta không có gì phải hối hận.
Sv. ÐÀO NGUYỄN XUÂN MAI ( Nhóm SV. Hiệp Thông ), 3.2003
THÔNG TIN:
- Một Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp người
nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . 500.000 VND
- Ông Peter Trần ( Westcovina, Cali, Hoa Kỳ ) giúp
bệnh nhân phong . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 300
USD
- Bà Teresa Lệ Cúc ( Santa Ana, Cali, Hoa Kỳ ) giúp
bệnh nhân phong . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 100 USD
- Ông Nguyễn Bình ( Long Beach, Cali, Hoa Kỳ ) giúp
bệnh nhân phong . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200 USD
- Ông Nguyễn Phước ( Greenville, North Carolina, Hoa
Kỳ ) giúp trẻ mồ côi . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200 USD
- Ông Nguyễn Hoàng ( Naperville, Illinois, Hoa Kỳ )
giúp bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện . . . . . . . . . . . 100 USD
- Một ân nhân ẩn danh ( Cali, Hoa Kỳ ) giúp người
nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . 100 USD
- Nguyệt san Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp ( Cali, Hoa Kỳ )
giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200
USD
- Anh Tuấn ( Sài-gòn ) giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND
- Anh
Thomas Nguyễn Thanh Hán tặng Giáo Phu Kontum ký hiệu MCS 31 . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND
- Anh
Anfonso Phạm Văn Thương tặng Giáo Phu Kontum ký hiệu JKN 08 . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
200.000 VND
- Chị
Madeleine Phan Thị Thu Uyên tặng Giáo Phu Kontum ký hiệu JKN 06 . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND
- Chị
Lucie Phan Thị thu Hà tặng Giáo Phu Kontum ký hiệu JKN 07 . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . 200.000 VND
Cha Huỳnh Văn Ban, Giáo Xứ An-tôn,
Sài-gòn, giới thiệu trường
hợp anh Mi-ca-e PHẠM VĂN DANH, sinh ngày 4.8.1960, làm nghề bán
vé số dạo, ngụ tại 214 / 169 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh,
quận 1, Sài-gòn, vợ là chị Ma-ri-a Trần Thị Thanh Thúy, và hai con.
Gospelnet xin trợ giúp cho anh Danh một chiếc xe lắc mới, trị giá
1.500.000 VND, trích từ khoản tiền bác sĩ Phan Minh Hiển ( Paris
- Pháp ) và Nhóm Don de
Association Compassion ( Web site: www.association-compassion.com ) mới gửi về. Xin thay
mặt cha Ban và anh Danh tỏ lòng biết ơn quý ân nhân.
Soeur Phan Thanh Tuyền, Dòng MTG Nha Trang, cộng đoàn Phú Nhơn, phục vụ tại xã Cam
Phước ( Ðồng Lác ), huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, ÐT: 058.977.220,
E-mail: tuyenmtg@yahoo.com giới thiệu một danh
sách 25 em dân tộc nghèo đang được các soeurs nuôi dạy và chăm sóc.
Gospelnet xin bắt đầu trợ giúp mỗi cháu 50.000 VND cho tháng 4.2003,
tổng cộng: 1.250.000 VND, số tiền được trích ra từ phần chia sẻ
của ông
Nguyễn Phước ( Greenville, North Carolina, Hoa Kỳ ) mới gửi về. Xin thay mặt Sr. Tuyền và gia
đình các cháu tỏ lòng biết ơn quý ân nhân.
01. H'QUYẾT
KTLA, học lớp 9, cha là ông Y Dhuân Mlô và mẹ là bà H'Phêc Ktla.
02. H'LION
BUÔN KRÔNG, học lớp 8, cha là ông YBlôn Ktla và mẹ là bà H Blao Buôn Krông.
03. H'BĂN
BUÔN KRÔNG, học lớp 8, cha là ông Y Sen Ktla và mẹ là bà Hriêm Buôn Krông.
04. MẤU THỊ ÐỞ, học
lớp 6, cha là ông Tro Cao Cảnh và
mẹ là bà Mấu Thị Phít.
05. MẤU THỊ MAI, học
lớp 5, mồ côi cha mẹ.
06. MẤU
THỊ PHƯỠNG, học lớp 5, cha là ông Mấu Nhấn, mồ côi mẹ.
07. CAO THỊ KIÊN TRƯỜNG, học
lớp 5, cha là ông Mấu Hít và mẹ
là bà Cao Thị Liên.
08. MẤU THỊ SƯƠNG,
học lớp 5, mẹ là bà Mấu Thị Xanh,
mồ côi cha.
09. MẤU THỊ HIỆU, học
lớp 4, cha là ông Tro Cao Cảnh và
mẹ là bà Mấu Thị Phít.
10. MẤU VĂN TUYỀN, học
lớp 4, cha là ông Cao Văn Ðiêu
và mẹ là bà Mấu Thị Hinh.
11. CAO THỊ TOÁNH, học
lớp 4, cha là ông Bo Y Kính, mồ
côi mẹ.
12. MẤU HỒNG KHĂNG, học
lớp 3, cha là ông Mấu Hồng Gát
và mẹ là bà Mấu Thị Trang.
13. CAO VĂN QUẸO, học
lớp 5, cha là ông Mấu Ngối và
mẹ là bà Cao Thị Thắng.
14. MẤU THỊ QUYNH, học
lớp 3, cha là ông Bo Nây, mồ côi
mẹ.
15. MẤU THỊ LỆ, học
lớp 6, cha là ông Thang Cầm Xoài
và mẹ là bà Mấu Thị Kính.
16. CAO THỊ ÐÀO, học
lớp 3, cha là ông Bo Hồng Hoàng
và mẹ là bà Cao Thị Phước.
17. CAO THỊ NHÁNH, học
lớp 2, cha là ông Bo Y Kính, mồ
côi mẹ.
18. CAO THỊ DIỆU, học
lớp 2, cha là ông Mấu Chận và
mẹ là bà Cao Thị Nhịn.
19. MẤU HỒNG VŨ, học
lớp 2, cha là ông Thang Cầm Xoài
và mẹ là bà Mấu thị Kính.
20. MẤU THỊ CẢI, học
lớp 2, cha là ông Tro Lạnh và mẹ
là bà Mấu Thị Nhành.
21. MẤU THỊ LY, học
lớp 1, mồ côi cha, mẹ là bà Mấu
Thị Sẻ.
22. MẤU THỊ TY, học
lớp 1, cha là ông Mấu Nhấn, mồ
côi mẹ.
23. MẤU TUẤN, học
mẫu giáo, cha là ông Mấu Nguyện,
mồ côi mẹ.
24. MẤU THỊ
BẢO, học mẫu giáo, liệt hai chân, đã nhận xe lăn, con ông Mấu Viết và Mấu Thị Hai.
Như
Gospelnet số 102 ra ngày 5.3.2003 đã thông tin, cha Hà Minh
Nghĩa, Giáo Xứ Kiên Long và Sr. Tuyết Trinh, Dòng Ða-minh Rosalima, đã
giới thiệu một danh sách 20 em học sinh nghèo ngụ tại ấp Bình Long,
xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Gia đình các em rất
nghèo, không có đất canh tác, đều phải đi làm mướn, các em có nguy
cơ phải dở dang việc học. Gospelnet số 109 xin tiếp tục trợ giúp cho hai tháng 4 và 5.2003 (
không có cho 3 tháng hè ) tổng cộng: 2.000.000 VND,
số
tiền một phần do Nguyệt San Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp ( Cali, Hoa Kỳ ) mới chia sẻ.
Xin thay mặt cha Ðức và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân
nhân.
HỌC BỔNG CHO 12 EM Ở AN THỚI
ÐÔNG, CẦN GIỜ, SÀI-GÒN
Gospelnet số 109 tiếp tục
trợ giúp liên tiếp hai tháng 4 và 5.2003 ( không có cho 3 tháng
hè ) cho 12 em học sinh nghèo ở Ðiểm Truyền Giáo An Thới Ðông,
huyện Cần Giờ, ngoại thành Sài-gòn, do cha Hoàng Minh Ðức,
DCCT, phụ trách, tổng cộng: 12 em x 50.000 VND = 1.200.000 VND, số tiền do Nguyệt San Ðức Mẹ Hằng Cứu
Giúp ( Cali, Hoa Kỳ ) mới chia sẻ. Xin thay
mặt cha Ðức và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.
HỌC BỔNG CHO 20 EM
Ở THỪA ÐỨC, TỈNH ÐỒNG NAI
Như Gospelnet số 105 ra ngày 19.3.2003 đã thông tin, cha Nguyễn Ðình Khanh, Giáo Xứ
Các Thánh Tử Ðạo, và Sr. Tuyết Trinh, Dòng Ða-minh, có giới thiệu một danh sách 20 em học sinh nghèo đang học Tiểu
Học, gia đình cha mẹ đều phải đi làm thuê hoặc làm nghề cạo mủ cây
cao-su, ngụ tại ấp 4, xã Thừa Ðức, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai,
thuộc Giáo Họ Thừa Ðức, Giáo Xứ Các Thánh Tử Ðạo. Nay
Gospelnet số 109 xin tiếp tục trợ giúp liên tiếp hai tháng 4 và 5.2003 ( không có cho ba tháng hè ), tổng cộng: 20 em x 50.000 VND x 2
tháng = 2.000.000
VND.
Như Gospelnet số 105 ra
ngày 19.3.2003 đã thông tin, cha Nguyễn Văn Phủ, Giáo Xứ Hạ Trang,
Giáo Phận Hà Nội, và thầy Nguyễn Văn Phượng, DCCT, đã
giới thiệu 16 em học sinh nghèo nhưng hiếu học, ngụ tại làng Thượng
Trang, xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, thuộc Giáo Xứ Hạ
Trang, Giáo Phận Hà Nội. Gospelnet số 109 xin
tiếp tục trợ giúp liên tiếp hai tháng 4 và 5.2003 ( không có
cho 3 tháng hè ), tổng cộng: 16 em x 50.000 VND x 2 tháng = 1.600.000
VND, số tiền do một ân nhân
ẩn danh ( Cali, Hoa Kỳ ) mới chia sẻ thông
qua cha Nguyễn Tất Hải, DCCT ( Long Beach, Hoa Kỳ ). Xin thay mặt cha
Phủ, thầy Phượng và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân
nhân.
TRỠ GIÚP CHO MỘT BỆNH NHÂN TIM MẠCH LÀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Cha Lê Quang Uy, DCCT, giới thiệu trường hợp chị Trương Thị
Bích Thủy ( Sài-gòn ) bị bệnh tiểu đường và tim mạch ở mức độ trầm
trọng. Mỗi tháng chị phải sử dụng thuốc đặc trị với chi phí là
1.200.000 VND. Chồng của chị, anh Trần Quý cũng là người khuyết tật
cụt cả hai chân, hiện đang phụ trách công việc tu sửa xe lăn, xe lắc
cho cơ sở Kiến tường, anh đã cố gắng làm việc để có thu nhập trang
trải tiền thuốc nhưng không đủ. Gospelnet xin trợ giúp thêm số tiền
500.000 VND, số tiền trích từ phần chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng ( Naperville, Illinois, Hoa Kỳ ) mới
gửi về thông qua cha Nguyễn Tất Hải,
DCCT ( Long Beach, Hoa Kỳ ). Xin thay mặt gia đình anh Quý và chị Thủy tỏ
lòng biết ơn đến quý ân nhân.
Ðịa chỉ liên
hệ đăng ký báo và chia sẻ trợ giúp với Quỹ Gospelnet: Lm. Lê
Quang Uy, Trung Tâm Mục Vụ DCCT, 38 kỳ Ðồng, P. 9, Q. 3, Sài-gòn,
điện thoại: 08.9.319.835, E-Mail: ttmvcssr@hcm.vnn.vn