CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY NĂM B
TIN MỪNG: Mc 9, 2 - 10
ÐỨC GIÊ-SU BIẾN ÐỔI HÌNH DẠNG
Sáu
ngày sau, Ðức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo
mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi,
tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các
ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở
trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a
cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Ðức Giê-su. Bấy giờ, ông
Phê-rô thưa với Ðức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây,
thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho
ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a". Thực ra, ông không
biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.
Bỗng
có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán
rằng: "Ðây
là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người". Các
ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Ðức Giê-su với
các ông mà thôi. Ở trên núi xuống, Ðức Giê-su truyền cho các ông
không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con
Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn
hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì.
SUY NIỆM 1:
CHÚA VẪN ÐANG HIỂN DUNG QUANH TA TRONG CUỘC
SỐNG
1. BẢN
CHẤT VÀ HIỆN TƯỠNG
Khi cứu xét một sự vật, dù
lớn hay nhỏ, tâm hay vật, trừu tượng hay cụ thể... bất cứ triết lý
nào, đông phương cũng như Tây Phương, đều nói đến và phân biệt hai
phạm trù căn bản này: bản chất và hiện tượng.
- Hiện tượng: là những gì
hiện ra trước mắt mọi người, thấy được dễ dàng, và thường thay đổi,
nay thế này mai thế khác. Chẳng hạn, đối với một người, thì hiện
tượng là những gì liên quan đến hình dạng ( khuôn mặt, chiều cao, vẻ
đẹp, mầu da ), khả năng ( trình độ văn hóa, nghề nghiệp, chuyên môn,
tài nghệ ), tính nết ( quan niệm, tư tưởng, thói quen, các khuynh hướng
), sở hữu ( sự giàu nghèo, của cải, nhà cửa ), v.v…
- Bản chất: là cái sâu thẳm
bên trong, khiến cho một vật là chính nó, chỉ thấy được bằng trí tuệ,
và tương đối không thay đổi.
2. KHI ÐỨC GIÊ-SU HIỂN DUNG,
CÁC TÔNG ÐỒ THẤY ÐƯỠC BẢN CHẤT CỦA NGÀI
Khi sống với Ðức Giê-su, các
Tông Ðồ chỉ thấy được những hiện tượng bên ngoài của Thầy mình:
thân xác, thói quen, lời nói, việc làm, với những lời giảng dạy,
những phép lạ, v.v... Từ đó các ông dự đoán về bản chất của Thầy
mình: trước hết Ngài là một Thầy Ðạo vì Ngài dạy về đạo lý, tôn
giáo; kế đến Ngài là người được Thiên Chúa sai đến, là người của
Thiên Chúa, vì Ngài có thể nhân danh Thiên Chúa mà làm phép lạ,
chữa bệnh, trừ quỷ... Sự hiểu biết của các ông về bản chất của
Ngài chỉ là dự đoán, căn cứ trên những hiện tượng mà các ông thấy
được, tuy đúng, nhưng chưa phải là bản chất đích thực và sâu xa của
Ngài.
Nhưng vào thời điểm của bài
Tin Mừng này, các ông được nhìn thấy nhãn tiền bản chất của Thầy
mình qua những hình ảnh mang tính biểu tượng diễn ra trước mắt các ông.
Ngài đứng giữa Mô-sê và Ê-li-a, là hai nhân vật vĩ đại tiêu biểu
cho Lề Luật và các Ngôn Sứ, là hai thực tại nền tảng của tôn giáo
Do-thái. Ðứng giữa hai ông, điều đó có nghĩa là Ngài lớn hơn hai
ông. Toàn cảnh - với y phục rực rỡ, mây trắng bao phủ - biểu tượng
cho sự vinh quang cùng tột của Ngài. Câu nói từ trong đám mây phán
xuống cho các ông biết rõ bản chất đích thực của Ngài: "Ðây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe
lời Người". Vậy thì Ngài chính là Con Thiên Chúa. Ðiều các ông
thấy bằng mắt, nghe bằng tai về Thầy mình hôm nay là bản chất đích
thực của Ngài, khác với bình thường các ông chỉ thấy những hiện
tượng bên ngoài của Ngài.
3. CHÚNG TA
CẦN THẤY ÐƯỠC BẢN CHẤT CỦA MÌNH VÀ THA NHÂN
Trong đời sống, chúng ta chỉ
nhìn thấy được những hiện tượng bên ngoài của sự vật, của người
này người nọ. Và qua những hiện tượng ấy, tâm trí ta tìm kiếm, khám
phá ra bản chất của sự vật, của con người. Tuy nhiên, nếu chỉ căn
cứ vào những hiện tượng bên ngoài, sự phán đoán của ta về bản
chất của sự vật hay của con người có thể sai lầm. Thấy được bản
chất đích thực của người, việc, vấn đề ta gặp trong cuộc đời là
điều hết sức quan trọng để chúng ta hành xử đúng, thích hợp.
Trong đời sống, rất nhiều khi
chúng ta đối xử với người khác, theo những hiện tượng mà ta thấy
được nơi họ, chứ không theo bản chất đích thực của họ. Hiện tượng
là cái có thể thay đổi, nay còn mai mất, nay thế này mai thế khác:
như của cải, tài năng, quyền lực... Thật vậy, nhiều người hôm trước
còn giàu nứt khố đổ vách, hôm sau biến thành trắng tay. Nhiều người
khi gặp lại sau nhiều năm xa cách, ta không ngờ được tính tình của họ
đã đổi trắng thay đen quá nhanh chóng và sâu xa... Nói cụ thể hơn,
nhiều khi cách chúng ta đối xử với tha nhân tùy thuộc vào sự giàu nghèo,
vào quyền lực, vào tính nết của họ... Chúng ta không nhìn vào bản
chất đích thực của họ và đối xử theo bản chất ấy.
4. BẢN
CHẤT ÐÍCH THỰC CỦA CON NGƯỜI: LÀ HÌNH ẢNH VÀ LÀ CON CÁI CỦA THIÊN
CHÚA, ÐƯỠC DỰNG NÊN GIỐNG NHƯ NGÀI
Sự hiển dung của Ðức Giê-su
cho các Tông Ðồ và cho cả chúng ta thấy bản chất đích thực của
Ngài. Kinh Thánh, hay Ðức Tin, cho ta biết bản chất đích thực và sâu
xa nhất của ta và của những người mà ta gặp trong cuộc đời. Họ và
ta đều được Thiên Chúa tạo dựng "theo hình ảnh của Ngài"
( St 1, 27; 9, 6; Ep 4, 24 ), "giống
như Ngài" ( St 1, 26; 5, 1
), để trở thành "con cái Ngài" ( Lc 20, 36; Ga 11, 52; Rm 8,
14.16.21; Gl 3, 26; 1 Ga 3, 1.2.10 ). Họ và ta đã được Thiên Chúa "ban tặng một điều rất quý báu và
trọng đại" là "được thông
phần bản tính của Ngài"
( 2 Pr 1, 4 ). Mà bản tính của Ngài là thần linh, nên khi "được thông phần bản tính của Ngài",
một cách nào đó, họ và ta cũng mang bản tính thần linh nơi bản chất
mình ( x. Tv 82, 6; Ga 10, 35 ).
Ðức Tin Ki-tô Giáo cho chúng
ta thấy phẩm giá nội tại của con người thật hết sức cao cả. Nếu
nhìn bằng con mắt Ðức Tin, và thật sự hành xử đúng theo những gì Ðức
Tin đòi hỏi, chúng ta sẽ phải coi trọng chính bản thân mình và mọi
người chung quanh ta biết bao !
Coi trọng bản thân đòi buộc
ta phải sống thánh thiện, tốt lành, cao thượng xứng với bản chất cao
quý của mình. Sống hèn hạ, tội lỗi không chỉ là tự khinh rẻ bản
thân mình, mà còn giống như làm dơ bẩn hay chà đạp hình ảnh của
Thiên Chúa. Một cách nào đó, đó là vũ nhục Thiên Chúa. Tương tự
như con của một ông vua mà sống một cách hèn hạ, nhục nhã, mất
phẩm giá, điều này làm mất mặt nhà vua, làm nhà vua phải xấu hổ
trước mặt thần dân.
Coi trọng mọi người đòi buộc
chúng ta phải cư xử với họ đúng với bản chất cao quý của họ. Bất
cứ ai, hễ đã là người thì ta đều phải coi trọng, cho dù người đó
hiện ra thế nào trong thế giới hiện tượng: nghèo nàn, dơ bẩn, hèn
hạ, xấu xa, tội lỗi, hay có những hành vi bỉ ổi, đáng khinh... Dù họ
thế nào, hễ đã là người, thì họ đáng kính trọng, chính vì bản chất
của con người rất cao trọng. Luật pháp các nước nói chung đều cho
việc cố ý giết người là một tội nặng, đáng chịu hình phạt nặng
nhất, cho dù người bị giết là người có những hành vi hèn mạt hay
tội lỗi đến đâu. Ðiều đó cho thấy luật pháp các nước đã nhìn nhận
phẩm giá cao quý của con người, bất chấp con người thế nào.
Là người Ki-tô hữu, đúng ra
ta phải luôn luôn thấy mọi người đều "hiển dung" trước con mắt Ðức Tin của mình, nghĩa là ta phải
thấy được bản chất đích thực rất cao quý của mọi người. Nếu ta thật
sự tôn trọng và yêu mến Thiên Chúa, thì tất nhiên ta phải tôn
trọng và yêu mến con cái của Ngài,
hình ảnh của Ngài, là những con người cụ thể chung quanh ta.
Thiên Chúa thì vô hình, nhưng
hiện thân của Ngài thì rất hữu hình bên cạnh ta, chung quanh ta. Nếu
ta không tôn trọng và yêu mến những hiện thân cụ thể ấy của Ngài,
thì sự tôn trọng và yêu mến Ngài nơi ta chỉ là một ảo tưởng. Thánh
Gio-an nói: "Nếu ai nói:
"Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy
là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy,
thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" ( 1 Ga
4, 20 ).
Lạy Cha, việc Ðức Giê-su
hiển dung trước mắt các Tông Ðồ khiến các ông nhìn thấy bản chất
đích thực và cao trọng của Ngài là Con Thiên Chúa. Nếu con mắt Ðức
Tin của con còn trong sáng, tinh nhuệ, ắt con cũng thấy mọi người
chung quanh con "hiển dung" trước mắt con với bản chất rất cao trọng
của họ: là hình ảnh và là con cái của Cha. Xin cho con biết biểu lộ
lòng yêu mến và tôn trọng Cha một cách cụ thể qua việc yêu thương
và quý mến những người đang sống chung quanh con, bất chấp họ là
người thế nào.
SUY NIỆM 2:
BIẾN HÌNH
Trong đời, có những giây
phút mà ta mong muốn kéo dài mãi, nhưng nó lại trôi qua nhanh như làn
gió thoảng. Ðó là những giây phút hạnh phúc. Giây phút ấy thánh
Phê-rô hôm nay đã được hưởng khi nhìn ngắm dung nhan Ðức Giê-su biến
hình. Ðức Giê-su đưa ba môn đệ thân tín theo trong cuộc biến hình để
huấn luyện họ. Cuộc biến hình của Người diễn tiến qua ba giai đoạn.
GIAI ÐOẠN THỨ NHẤT: LÊN NÚI
Theo quan niệm của người Do
thái núi cao là nơi Chúa ngự. Vì thế lên núi là đi gặp gỡ Chúa.
Lên núi là một việc làm đòi nhiều cố gắng. Phải dứt bỏ khỏi
những ràng buộc của cuộc sống thường ngày với những lo toan bận bịu
cho bản thân, cho gia đình. Phải dành thời giờ rộng rãi cho việc leo
núi. Phải phấn đấu với bản thân khi leo lên độ cao dốc dác khó đi.
Nhưng lên đỉnh rồi ta sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng thư thái. Ðức Giê-su
chỉ đưa theo ba Môn Ðệ thân tín vì gặp gỡ với Chúa là một gặp gỡ
thân tình. Chúa muốn ta đến với Chúa trong tình thân mật. Chúa muốn
cùng ta thực hiện một tương giao giữa tâm hồn với tâm hồn. Chúa
muốn cùng ta đối thoại riêng tư diện đối diện. Tình yêu triển nở
trong thiên nhiên và trong thanh vắng. Núi cao thanh vắng là nơi chốn
thuận tiện cho ta đón nhận tình yêu của Chúa và bày tỏ với Người
tình yêu của ta.
GIAI ÐOẠN THỨ HAI: BIẾN HÌNH
Trên núi cao, Ðức Giê-su gặp
gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Y phục trở nên
trắng như tuyết. Khuôn mặt Người sáng láng. Thực ra, ai gặp được
Chúa cũng đều biến hình. Ta hãy nhớ lại ông Mô-sê. Sau khi ở trên
núi Si-nai 40 đêm ngày tiếp xúc thân mật với Chúa, mặt ông trở nên
sáng láng đến độ, khi ông xuống núi, dân chúng không dám nhìn vào.
Ông phải lấy khăn che mặt, dân chúng mới dám đến gần ông.
Gần đèn thì sáng. Tiếp xúc
thân mật với Chúa sẽ làm thay đổi tâm hồn ta. Tình yêu của Chúa sẽ
đốt nóng tâm hồn ta, xua đi sự thờ ơ nguội lạnh. Sự dịu dàng của
Chúa sẽ làm cho ta bớt đi tính độc ác khắc nghiệt. Sự khiêm nhường
của Chúa sẽ diệt trừ thói kiêu căng trong ta. Sự bao dung của Chúa
sẽ mở rộng tâm hồn để ta biết đón nhận anh em. Sự tha thứ của Chúa
đổi mới tâm hồn, rửa sạch mọi nhơ uế trong ta. Càng gần gũi Chúa,
tâm hồn ta càng được thanh luyện khỏi mọi nhỏ nhen, ích kỷ. Càng yêu
mến Chúa, ta càng thêm yêu mến anh em. Càng kết hiệp mật thiết với
Chúa, tâm hồn ta càng nên giống Chúa hơn.
GIAI ÐOẠN BA: XUỐNG NÚI
Khi đã hưởng nếm hạnh phúc
ngọt ngào ở bên Chúa rồi, ta chẳng muốn lìa xa Chúa nữa. Thánh
Phê-rô, trong giây phút hạnh phúc tuyệt vời, đã xin Chúa cho dựng ba
chiếc lều để ở lại vĩnh viễn trên núi. Nhưng giây phút hạnh phúc
thật ngắn ngủi. Ðức Giê-su đưa các môn đệ trở xuống. Xuống núi để
chu toàn nhiệm vụ trần gian. Nhiệm vụ ấy rất nặng nề. Ðức Giê-su
phải chịu đau khổ, chịu vác Thánh Giá, chịu đóng đinh, chịu chết rồi
mới Phục Sinh.
Thánh Phê-rô cùng các Tông
Ðồ còn phải phấn đấu với những yếu đuối, sa ngã, còn phải nỗ lực
vượt qua mọi khó khăn thử thách trong việc rao giảng Tin Mừng, còn
phải chịu đau khổ vì Thày chí thánh, còn phải trải qua cái chết đớn
đau rồi mới tới được Núi Thánh thiên quốc như lòng mong ước.
Trong cuộc sống người tín
hữu, lên núi chính là những giây phút dành cho việc cầu nguyện,
tiếp xúc thân mật với Chúa. Ðó là những buổi tham dự Thánh Lễ,
đọc kinh và nhất là những giờ cầu nguyện riêng tư, những buổi Tĩnh
Tâm lâu giờ trong thinh lặng. Ðể đến với Chúa và nhất là để kết
hiệp với Chúa trong những giờ cầu nguyện, ta phải phấn đấu rất
nhiều.
Trong thân mật, Chúa sẽ dạy
bảo ta về đường lối của Chúa, sẽ uốn nắn ta theo chương trình của
Người và sẽ biến đổi ta nên giống hình ảnh Người. Ta có thể cộng
tác vào cuộc biến hình khi khao khát kết hiệp với Chúa, khi cố gắng
thanh luyện bản thân, khi quên mình, ngoan ngoãn để mặc Chúa hướng
dẫn bước đường.
Kỷ niệm ngọt ngào trong
những giờ sống hạnh phúc bên Chúa sẽ là sức mạnh nâng đỡ ta trong
những khó khăn gian khổ của đời sống. Núi Thánh sẽ trở thành quê
hương yêu dấu để tâm hồn ta luôn hướng về, dù còn phải vượt qua
rất nhiều trở ngại cách ngăn. Thiên Ðàng thoáng thấy qua những giờ
kết hiệp với Chúa sẽ là nguồn động viên giúp ta chu toàn mọi nghĩa
vụ của con người. Như thế, khi đã xuống núi rồi, ta vẫn còn mong ước
và sẽ trở lên núi mỗi khi có dịp.
Lạy Trái Tim Chúa Giê-su
hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống
Trái Tim Chúa. Amen.
Gm. NGÔ QUANG KIỆT, Giáo Phận
Lạng Sơn
SUY NIỆM 3:
"HÃY VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI"
Trọng
tâm của Phụng vụ Chúa Nhật 2 Mùa Chay Năm B là việc Thiên Chúa Cha
giới thiệu Ðức Giê-su, Con yêu dấu của Người, cho chúng ta và mời
chúng ta hãy nghe lời Người Con ấy. Ðó cũng là điều cốt yếu nhất
của đời sống Ki-tô hữu. Chúng ta hãy đón nhận sứ điệp và tìm cách
đáp lại lòng mong đợi của Thiên Chúa như tổ phụ Áp-ra-ham đã hết
lòng tin tưởng phó thác và vâng phục Thiên Chúa.
1. Bài đọc 1: St 22, 1 - 2; 9A; 10 - 13; 15 - 18:
Ðây là câu chuyện Áp-ra-ham dâng đứa con duy nhất của mình
là I-xa-ác làm lễ tế cho Thiên Chúa theo lệnh truyền của Người.
Thật ra Thiên Chúa chỉ thử lòng tổ phụ xem ông có hết lòng với
Người không thôi. Và một khi Thiên Chúa đã thấy Áp-ra-ham hết lòng
với Người rồi thì Người long trọng thề hứa với ông:
"Bởi
vì ngươi đã không tiếc con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc
cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sai trên
bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được
thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau
được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta"
4. Sứ điệp của
Lời Chúa: "Ðây là Con
Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người"
a. Sứ điệp dành cho ba Môn Ðệ thân tín của Ðức Giê-su xưa
Trước
hết, lời "Ðây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người" là sứ
điệp Thiên Chúa Cha gửi trực tiếp cho ba Môn Ðệ thân tín nhất của
Ðức Giê-su là Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Sau này chính ba Môn Ðệ
này còn được hưởng một ưu ái khác của Ðức Giê-su là được vào Vườn
Cây Dầu với Thầy.
Nghe
lời Ðức Giê-su không có nghĩa là nghe tiếng Người nói mà là nghe
theo lời Người dạy, tức làm theo lời Người dạy. Phúc Âm cho chúng ta
thấy ba Môn Ðệ này ( cũng như các Môn Ðệ khác ) không hề dễ dàng
hiểu được đường lối của Thầy.
Sau
hai lần loan báo về Cuộc Thương Khó và Phục Sinh, Ðức Giê-su lên
đường tiến về Giê-ru-sa-lem, thì hai ông Gio-an và Gia-cô-bê còn "vận
động ngoại giao" để được giao hai ghế quan trọng nhất trong chính
phủ mà các ông tưởng là Thầy mình sẽ thành lập: một người ngồi
bên hữu, một người ngồi bên tả: tức một người là cánh tay mặt,
một người là cánh tay trái của Ðức Giê-su ! Còn Phê-rô thì đã chối
Thầy ba lần khi bị một người đầy tớ gái hạch hỏi.
Các
sự kiện trên cho chúng ta thấy đón nhận sứ điệp Lời Chúa thật
không đơn giản, ngay với các Môn Ðệ thân tín của Ðức Giê-su. Chỉ sau
khi nhận được Thánh Thần, thì các ông mới hiểu và mới có sức mạnh
để sống theo sứ điệp ấy một cách trọn vẹn.
b. Sứ điệp cho tất cả các Ki-tô hữu ngày nay:
Nhưng lời "Ðây là Con
Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người" cũng là sứ điệp mà Thiên Chúa
Cha dành cho mọi Ki-tô hữu thuộc mọi thời, ở mọi nơi. Vì mọi Ki-tô
hữu đều đã nghe được lời mời gọi của Thiên Chúa và của chính Ðức
Giê-su để trở thành Môn Ðệ của Người. Môn Ðệ thì phải nghe Thầy,
phải sống theo Thầy là lẽ đương nhiên.
c. Chúng ta phải làm
gì để đón nhận và sống sứ điệp của Thiên Chúa ?
Muốn
nghe lời Ðức Giê-su thì chúng ta phải yêu mến Người hết lòng,
hết sức, hết trí khôn và hết linh hồn. Chúng ta chỉ có thể yêu mến
Ðức Giê-su như thế khi chúng ta cảm nghiệm được tình thương vô bờ bến
của Chúa Cha và của chính Ðức Giê-su dành riêng cho chúng ta. Chúa
Cha đã không tiếc gì với chúng ta, đến Con Một yêu dấu của Người,
Người còn ban "nhưng-không" cho chúng ta. Chúa Giê-su Ki-tô đã
chịu mọi cực hình, đã chịu chết trên thập giá và đã đổ hết máu mình
vì chúng ta. "Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của
kẻ đã hiến mình vì người mình yêu". Ðức Giê-su đã tuyên bố như
thế và đã thực hiện lời tuyên bố ấy một cách trọn vẹn.
Ðáp
lại tình yêu trời biển của Thiên Chúa Cha, của Thiên Chúa Con là Ðức
Giê-su Ki-tô, người Ki-tô hữu không có cách nào khác ngoài cách
yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí
khôn. Chỉ có lòng yêu mến với cường độ cao như thế mới thúc đẩy
người Ki-tô hữu nên giống Chúa Giê-su và tuân giữ lời Người.
Muốn
yêu mến, nên giống Chúa Giê-su và tuân giữ lời Người thì người
Ki-tô hữu phải biết Người ( vô tri bất mộ ). Không phải biết cách
hời hợt, qua loa như đại đa số Giáo Dân Việt Nam, mà biết cách sâu
sắc như những người bạn tâm giao, như những cặp vợ chồng biết nhau.
Muốn
biết Chúa Giê-su sâu sắc như thế thì người Ki-tô hữu phải thường
xuyên gặp gỡ, gần gũi, trò chuyện, tâm tình với Người, tức phải đi
vào lòng Người. Ðó chính là đời sống cầu nguyện, đời sống nội tâm.
Ðó chính là cách sống đạo lấy Lời Chúa làm trung tâm, làm động lực
và làm khởi điểm mọi suy nghĩ và hành động của người Ki-tô hữu.
Vì thế
mà việc siêng năng đọc, suy niệm, học hỏi và cầu nguyện với Lời
Chúa trong Thánh Kinh, nhất là trong Tân Ước, cách riêng trong 4 sách
Tin Mừng phải là một thực hành thường xuyên nhất, tức "thường
nhật" của người Ki-tô hữu. Cũng vì thế mà mọi hoạt động của
Thừa Tác Vụ Lời Chúa của Giáo Hội ( Giáo Lý, bài giảng, sách
báo... ) phải tập trung vào việc giúp người Ki-tô hữu biết cách
tiếp cận với Lời Chúa một cách hiệu quả và phong phú.
Nhìn
vào thực tế, chúng ta thấy nhiều Giáo Xứ chưa quan tâm đủ đến công
việc quan trọng này. Giáo Lý trẻ em và tân tòng, thay vì ép các em
học thuộc lòng những câu, những ý của bài học Giáo Lý, việc quan
trọng hơn là chúng ta giúp các em biết sống thân mật, riêng tư với
Chúa, biết cách nói với Chúa và nhất là biết nghe Chúa nói với
mình; là chúng ta tập cho các em thói quen đọc Tin Mừng mỗi ngày và
tích cực học hỏi Thánh Kinh. Do cách giáo dục Ðức Tin nặng tính lý
thuyết kể trên, nên ngày nay nhiều Giáo Dân Việt Nam vẫn không hiểu
Lời Chúa có tầm quan trọng như thế nào, và trong cách hành đạo họ
chỉ dừng lại ở việc đọc kinh và tham dự thánh lễ một cách chiếu
lệ, hình thức.
Thiết
tưởng công việc hết sức quan trọng và cấp bách mà Giáo Hội Việt
Nam phải thực hiện lúc này và từ nay trở đi là tập cho mọi Giáo
Dân có thói quen đọc Tin Mừng mỗi ngày, biết lắng nghe, đón nhận và
thực thi Lời Chúa một cách tự nguyện tự giác, biết cách cầu nguyện
tự phát với Lời Chúa trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của họ.
III. SỐNG LỜI CHÚA
IV. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA
Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cảm tạ Cha đã cho chúng
con biết Ðức Giê-su là Con Yêu Dấu của Cha và đã nhắn nhủ chúng con
hãy nghe lời Người. Xin Cha ban cho chúng con lòng yêu mến Ðức Giê-su
Ki-tô Con Yêu Dấu của Cha và biết chăm chú lắng nghe Lời Người.
Lạy
Chúa Giê-su, chúng con rất muốn thực hiện điều Chúa Cha đã căn dặn
chúng con "Này là Con Ta yêu dấu hãy nghe lời Người". Chúng con muốn
nghe lời của Chúa. Chúng con muốn thực hành lời của Chúa. Nhưng
chúng con yếu đuối, không đủ sức mạnh, không đủ can đảm, không đủ
tin tưởng phó thác để sống theo lời Chúa dạy. Xin Chúa ban ánh sáng,
sức mạnh, lòng tin tưởng cho chúng con để chúng con thực hiện được
điều Chúa ước muốn và chờ đợi ở chúng con.
Lạy
Chúa Thánh Thần, chúng con biết rằng: chúng con chỉ có thể thực hiện
được lời căn dặn của Thiên Chúa Cha "hãy nghe lời Người" khi chúng
con được Chúa Thánh Thần tác động. Xin Chúa hãy đổi mới tâm hồn
chúng con một cách mạnh mẽ để chúng con biết đón nhận và thực thi
sứ điệp Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày của chúng con. Amen.
Gs.
Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI
CẦU NGUYỆN:
XIN BIẾN ÐỔI CON
Lạy Chúa Giê-su,
Xin biến đổi con, xin biến đổi con từ từ
qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh
mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi
miệng con.
Mỗi lần con nghe Lời Chúa, xin biến đổi tai
con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau
mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người thấy
nét tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con,
Ước chi ai cũng gặp được
sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.
Thế giới hôm nay không cần
Những Ki-tô hữu có bộ mặt chán nản và
thất vọng.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
Ðể cùng đi với Chúa, cùng đi với tha nhân
Trên những nẻo đường khấp khểnh gian
truân. Amen.
Trích trong tuyển tập RABBOUNI
CÂU TRUYỆN 1:
Ở xứ Pa-lét-tin có hai cái
biển. Một thì xanh ngát và đầy tôm cá. Những mảng cây tươi tốt tô
điểm đôi bờ, cành cây vươn dài toả bóng mát dọc ven biển, nơi vang
vang tiếng nô đùa của trẻ thơ. Biển này lấy nước từ sông Gio-đan.
Biển như luôn reo vui dưới ánh mặt trời. Người xây nhà, chim làm tổ
và mọi sự sống ở nơi đây đều tưng bừng vui tươi. Sông Gio-đan cũng
xuôi về hướng nam và đổ vào một biển khác. Biển này không có cá,
chẳng có tiếng lá vi vu, chẳng có tiếng chim ca, không có tiếng cười
đùa của trẻ thơ. Người lữ hành, trừ phi gấp gáp chẳng đặng đừng,
luôn tránh né và chọn con đường khác. Bầu khí nặng nề bao trùm mặt
biển.
Ðiều
gì đã tạo nên sự khác biệt lớn lao này ? Không phải do nước sông
Gio-đan: chính giòng sông đã trút cạn dòng chảy ngọt ngào nhất của
mình cho cả hai biển này. Cũng chẳng phải vì vùng đất nơi hai biển
này hiện diện. Hóa ra điểm khác biệt chính yếu là: Biển Ga-li-lê
NHẬN MÀ KHÔNG GIỮ sông Gio-đan cho riêng mình. Một giọt chảy vào, thì
cũng có một giọt chảy ra. Còn biển kia thì GIỮ TẤT CẢ NHỮNG GÌ NÓ
NHẬN, một cách ích kỷ. Nó không thấy mình phải rộng lượng. Mỗi giọt
nhận được, nó đều giữ riệt cho mình.
Biển
Ga-li-lê CHO và nó SỐNG. Còn Biển kia thì CHẲNG HỀ BIẾT CHO. Người
đời gọi nó là Biển CHẾT... Có hai loại biển ở đất Pa-lét-tin. Có
hai loại người trên thế giới !
CÂU TRUYỆN 2:
CHÚNG TA
HÃY KHỞI SỰ YÊU THƯƠNG
Mấy tháng trời đã trôi
qua, kể từ ngày cô Lella lòng tràn đầy hy vọng, đến nhận công việc
tại một đất nước hoàn toàn xa lạ dưới hình thức xuất khẩu lao động.
Thế nhưng, hiện tại thì Lella đã quá thất vọng và cô đơn. Xem ra giữa
cô và những thiếu nữ cùng làm cùng sống, dường như có một hàng
rào không thể vượt qua. Lella cảm thấy chơi vơi xa lạ giữa họ, những
người mà cô một lòng quý mến muốn được gắn bó. Mọi sự chỉ tại vì
cô phải dùng một ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của mình, mà
cũng chẳng phải của những người nghe cô !
Trước đó, người ta đã bảo cô là mọi người đều nói tiếng
Pháp, và cô đã chuẩn bị học trước tiếng Pháp. Nhưng khi đến đây,
phải giao dịch với người dân xứ này, cô nhận ra là họ chỉ học được
đôi chút Pháp Văn ở trường rồi thôi, và hơn nữa, họ cũng thường
không thích nói tiếng Pháp. Biết bao lần Lella đã thử cố gắng phá
vỡ cái hàng rào ngăn cách cô với người khác ấy, nhưng vô ích. Cô
chẳng biết bây giờ cô phải sống, phải cư xử, phải ăn nói với đồng
nghiệp như thế nào đây ?
Cô còn nhớ rành rành nét mặt buồn bã
của cô bạn tên là Marie. Chiều hôm đó, cô ta lên phòng, đóng xập
cửa lại, không ăn uống gì cả. Lella tìm cách gặp gỡ Marie, nhưng rồi
cô lại dừng chân trước cửa phòng, lòng sợ sệt và e ngại. Cô muốn
gõ cửa, nhưng rồi sau đó cô biết phải nói thứ ngôn ngữ nào cho
Marie hiểu đây ? Cuối cùng thì Lella đành bỏ đi, bất lực.
Sáng hôm sau, đến Nhà Thờ, Lella ngồi vào hàng ghế cuối
cùng, tay ôm mặt để không ai nhìn thấy những giọt nước mắt đang trào
ra. Ðây là nơi chốn duy nhất không cần phải sử dụng một thứ ngôn
ngữ xa lạ, cũng chẳng cần phải giải thích, vì Chúa thì dường như hiểu
tất cả những gì đang khắc khoải trong tâm hồn Lella. Cô đã cầu
nguyện: "Lạy Chúa, tại sao con lại
không thể san sẻ gánh vác thập giá của các cô bạn đồng nghiệp của
con ? Tại sao con lại không thể nói với họ điều mà chính Chúa đã cho
con hiểu mỗi khi con gặp gỡ Chúa, rằng: mỗi niềm đau khổ đều là cơ
hội để đón nhận tình yêu thương ?"
Lella nán lại rất lâu trong Thánh Ðường, ngước mắt nhìn về
phía Nhà Tạm, như thể chờ đợi câu trả lời của Ðấng đã chiếu sáng
vào mọi ngõ ngách tăm tối trong đời cô. Cô bất giác mở sách Tin
Mừng, tìm đoạn văn Lời Chúa của ngày hôm ấy và cô đọc thấy: "Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian
!" ( Ga 16, 33 ). Những lời này tràn xuống như dầu đổ trên tâm
hồn Lella, và cô thật sự đã tìm lại được bình an.
Khi trở về nhà để ăn sáng, Lella vô tình lại đứng đối
diện với Agnès, cô bạn có bổn phận lo bếp núc và nhà ăn. Lella
gật đầu chào Agnès thật ân cần, rồi lặng lẽ bước đến chỗ để đồ,
cô xắn tay áo, giúp cô bạn gái sửa soạn bữa sáng. Và không ngờ,
lần đầu tiên Agnès đã mỉm cười thân thiện với Lella...
Người đầu tiên từ phòng ngủ xuống nhà ăn hôm ấy là
Marie. Cô lẻn xuống bếp để tìm một tách cà-phê mà không muốn giáp
mặt ai. Nhưng Ma-rie đã dừng lại, vì dường như sự an bình nơi nụ cười
khả ái của Lella đã lan tỏa và tác động lạ lùng trên tâm hồn của
Marie hơn bất cứ một lời nói nào...
Chiều hôm đó, trên đường từ xưởng làm
việc trở về nhà ở tập thể, Marie đã đạp xe đuổi kịp Lella, và cố
gắng diễn tả một câu nói làm cho Lella hiểu được, cô thì thầm: "Lella thân yêu, chị không cần nói gì
cả, ngày hôm nay, cách sống của chị đã bảo tôi, đã mời gọi tôi
hãy cùng với chị, chúng ta hãy khởi sự yêu thương !"
Theo LỜI HẰNG SỐNG, 10.1998
CHỨNG TÁ:
MẸ
CAM-QUÝT-NA CỦA LÀNG PHONG Ê-A-NA
Xin gửi đến Mẹ Cam-quýt-na những tâm tình
nho nhỏ sau khi được gặp Mẹ và tận mắt chứng kiến công việc Mẹ đang
làm. Những lời suy nghĩ lan man sau đây như muốn chia sẻ một chút gì
đó về tinh thần với Mẹ trong công việc Mẹ đang được Hội Dòng trao
phó.
Với những người chuyên lo
công tác xã hội thì dần dần sẽ được mọi người đặt cho một cái tên
riêng rất là đặc thù: Minh Cùi ( Anh Minh chuyên lo cho người cùi ),
Thịnh Mọi ( Thầy Thịnh chuyên lo cho anh em dân tộc ), Quế Sida ( Sr.
Hồng Quế chuyên lo cho các anh chị em bị nhiễm HIV... Tương tự, tại
trại phong Ê-a-na của anh em dân tộc Ê-đê, có Sr. Mai, một Nữ Tu
Dòng Nữ Vương Hòa Bình, cũng được mọi người đặt cho một cái tên
riêng rất vui vui, rất thân thương: Mẹ Cam-quýt-na. Tên như thế chắc có
lẽ vì Mẹ luôn tìm "cam - quýt - na" để lo cho người thiếu may mắn và
có lẽ cũng vì cộng đoàn thấy Mẹ làm những việc giống giống như Mẹ
Tê-rê-xa Can-quýt-ta đã làm bên Ấn-độ cho các bệnh nhân phong vậy.
Mẹ
vẫn thường chạy đến gõ cửa những tấm lòng để họ chia sẻ công việc
mà Mẹ đang gánh vác... chạy đây chạy đó để cho họ được một chút gì
an ủi cho những mảnh đời bất hạnh. Vì lẽ sinh ra trên đời này chẳng
ai muốn mình bị phong hay rơi vào những hoàn cảnh bi đát cả. Nếu ai
nào đó rơi vào hoàn cảnh bị bệnh phong mới thấu hiểu nỗi đau là
dường bao. Thế mà giữa những mảnh đời bất hạnh đó, bi đát đó có
một mẹ Cam-quýt-na đã lo cho họ. Quả là giữa một vùng khí hậu Buôn
Mê lạnh lẽo thì có một làn hơi ấm sưởi cho những cõi lòng lạnh lẽo
được ấm lại.
Biết
được ở huyện Krông-nô có một trại phong dành cho người Ê-đê, muốn
vào lắm, nhưng điều kiện chưa cho phép, nên Mẹ không làm được gì.
Nhẫn nại chờ đợi và rồi Mẹ đã vào được trong đó, dẫu là không
được ở lại thường xuyên nhưng với lòng nhiệt tâm Mẹ đã lo cho họ
hết sức chu đáo. Nhờ các ân nhân giúp đỡ thông qua Hội Chân Phúc Damien,
Mẹ đã gầy dựng được một trường mẫu giáo rất khang trang dành riêng
cho các con em bệnh nhân phong. Vốn dĩ là người dân tộc vẫn thường bị
phân biệt đối xử, đâm ra con em bệnh nhân phong lại càng khó mà học
hành vui chơi tự nhiên với người thường.
Ê-a-na,
một vùng đất nổi tiếng là "cày lên sỏi đá" thì với người Kinh hoặc
người bình thường cũng phải bó tay, còn người phong dân tộc thì đành
can đảm chấp nhận vậy. Họ cũng trồng trọt một ít khoảnh đất nho
nhỏ, cũng chăn nuôi vài con gà, vài con heo mọi, người tàn phế nặng
hơn thì ngồi một chỗ đan giỏ, đan gùi, cũng làm chút việc gì đó để
bán cho khách du lịch ngoài thành phố... Nhưng rồi cái đói, cái rét,
cái khổ vẫn đeo bám, vẫn cứ bao trùm họ suốt cả cuộc đời. Mẹ
Cam-quýt-na cùng các chị Nữ Tu Nữ Vương Hòa Bình đã không quản đường
sá bụi mù, đầy ổ voi, để vào nâng đỡ khích lệ họ, ít là về mặt
tinh thần, để như nói với họ rằng: vẫn còn đó những tấm lòng gần
xa luôn nhớ đến họ.
Ðầu
xuân vừa rồi Mẹ Cam-quýt-na vào thăm họ, mang theo một chút quà của
những tấm lòng vàng từ Sài-gòn chuyển lên, các gia đình nhận từ tay
Mẹ những gói quà nhỏ bé ấy mà dường như hai hàng nước mắt lấp
lánh. Với họ dường như không hề biết cái Tết là gì cả. Cơm chưa đủ
no, áo chưa đủ ấm lấy gì mà Tết với nhất. Tôi đọc được nơi ánh mắt
của những bệnh nhân phong một tâm tình thật sâu xa, chắc có lẽ họ
cũng chờ nơi Mẹ một chút gì đó về vật chất nhưng điều mà họ cần
nơi Mẹ hơn chính là Tấm Lòng, chỉ có Tấm Lòng Mẹ mới đến và đồng
hành với họ trong quãng đời bất hạnh còn lại.
Bên
cạnh trại phong Ê-a-na ở huyện Krông Nô này thì trên hai vai gầy
guộc của Mẹ còn đó hàng trăm em dân tộc thiểu số nghèo mà mẹ
phải chạy ăn, chạy học cho các em từng bữa... Như thường lệ Mẹ và
các chị ở cộng đoàn dự Thánh Lễ sáng ở Nhà Thờ Toà Giám Mục. Năm
hết, Tết đến, vậy mà Mẹ thấy một em gái người dân tộc mà Mẹ lo
cho ăn học vẫn dự lễ trong khi các em khác đã về ăn Tết với gia
đình. Hỏi thăm thì em nói là em không có tiền về xe. Thế là Mẹ loanh
quanh chạy đi xin, đi mượn ngay tiền xe để em được về thăm nhà. Mẹ kể
lại tất cả câu chuyện ấy với chất giọng nhỏ nhẹ khiêm tốn và đầy
tình thương. Tôi thấy nơi Mẹ mang một tấm lòng của người Mẹ ruột chứ
không còn là người ngoài nữa.
Một
lần được tiếp xúc với Mẹ và chứng kiến tận mắt trại phong mà Mẹ
lo tôi cảm nhận được nỗi lo toan của Mẹ là dường bao. Dẫu xa Mẹ rồi
nhưng trong tâm khảm tôi luôn mang hình ảnh của Mẹ Cam-quýt-na tận
tụy lo cho người dân tộc. Không làm được gì để giúp Mẹ cả, tôi chỉ
xin được hiệp với Mẹ trong lời nguyện.
Mùa Chay đã
về, con luôn cầu xin Chúa gửi đến cho Soeur Mai cùng tất cả các
soeurs khác thật nhiều những bàn tay góp sức, thật nhiều những tấm
lòng vàng sẵn sàng chia sẻ hơn nữa, để cộng tác với các soeurs trong
nhiệm vụ đã được Giáo Hội mời gọi và được Hội Dòng trao phó.
THÔNG TIN:
- Một
Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 400.000 VND
- Một
nha sĩ ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .100.000 VND
- Một
ân nhân ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 50.000 VND
- Một
gia đình Giáo Xứ Bùi Phát ( Sài-gòn ) giúp người nghèo . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 100.000 VND
- Ông
Phạm Hiệp Thành ( Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 300.000 VND
- Gia đình cô Trúc ( Gx. ÐMHCG Sài-gòn ) giúp mua
gậy cho người khiếm thị . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND
- Ông
Phạm Ruệ và các ân nhân ( Hoa Kỳ ) giúp mua
gậy Thiên Ân cho người khiếm thị . . . . . . . . . . 100 USD
- Bà Anne Marie Trần ( Hoa Kỳ ) giúp mua 100 cây gậy
Thiên Ân cho người khiếm thị . . . . . . . . . . . . 400 USD
- Giúp một người nghèo ở Vĩnh Long có tiền mua
thuốc chữa bệnh cao huyết áp. . . . . . . . . . . . . . .
. . . . 100.000 VND
- Giúp một bệnh nhân SIDA tiền xe đi khám bệnh và
nhập viện . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . 100.000 VND
Cha Phê-rô Lê Tấn Lợi,
Giáo Xứ Phụng Hiệp, Hạt Ðại Hải, Giáo Phận Cần Thơ, giới thiệu
trường hợp cháu bé Mi-ca-e NGUYỄN
TẤN LỠI, sinh năm 1996, con ông
Nguyễn Văn Ni và bà Nguyễn Thị Kiệm, hiện ngụ tại Giáo Xứ Thái
Hải, gần bên Giáo Xứ Phụng Hiệp. Cháu Lợi bị bệnh "bọng trứng" từ nhỏ,
thường xuyên bị ngất xỉu. Bác sĩ khám và bảo là phải mổ, chi phí
trên dưới 1.500.000 VND. Gia
đình em rất nghèo nên không thể có khả năng lo cho em được. Gospelnet
xin trợ giúp số tiền 1.000.000 VND để phụ thêm với gia đình.
Thầy
Nguyễn Thiện Hoàng giới thiệu trường hợp em DƯƠNG TRẦN
NHẬT TÂN, sinh 1991, đang học nội trú lớp 6 tại một Dòng Tu ở
Thủ Ðức, cha lãnh án tử hình, mẹ chết trong tù vì ung thư máu, hiện
em ở với người cô ruột tên Hồng tại số 45 đường Nguyễn Thanh Tuyền,
phường 2, quận Tân Bình, điện thoại: 8.457.248. Gospelnet số 98 đã trợ
giúp liên tiếp sáu tháng, từ tháng 9.2002 đến tháng 2.2003, nay
Gospelnet số 104 tiếp tục trợ giúp ba tháng 3, 4 và 5.2003, mỗi
tháng 50.000 VND, tổng cộng: 150.000 VND
Gospelnet số 103 vừa qua đã có đăng thông
tin này, tuy nhiên có một số điểm sai sót về số tiền trợ giúp, xin
đăng lại để không có những ngộ nhận đáng tiếc. Xin chân thành cáo lỗi
cùng quý ân nhân và độc giả.
Như Gospelnet số 83 đã thông tin, chương
trình "HỌC BỔNG TRẠI PHONG PHÚ BÌNH" cho 20 em con cái các gia đình bệnh nhân
phong ở Phú Bình, và chương trình "HỌC BỔNG TRẠI PHONG SÓC SƠN" cho 26 em con cái các gia đình bệnh nhân
phong ở Sóc Sơn đã được mở ra để kêu gọi các ân nhân gần xa chia
sẻ trợ giúp. Bước đầu các em ở Phú Bình đã nhận được số tiền
1.000.000 VND cho tháng 8.2002 và các em ở Sóc Sơn đã nhận được số
tiền 2.600.000 VND,
cho hai tháng 10 và 11.2002.
Nay, sau một thời gian gián đoạn,
Gospelnet số 103 tiếp tục trợ giúp học bổng cho 20 em ở Phú Bình tháng 3 và 4.2003, tổng cộng: 2.000.000 VND, và học bổng cho 26 em ở Sóc Sơn tháng 3 và 4.2003, tổng cộng: 2.600.000 VND, tất cả hai
khoản là 4.600.000 VND. Số tiền này gồm có 200 USD ( = 3.100.000 VND ) do các anh chị em ca viên ca đoàn Việt Linh ( Hoa Kỳ ) mới gửi về chia sẻ, cộng với 100 USD ( = 1.500.000 VND ) do Hội Chân
Phúc Damien
hỗ trợ thêm cho Quỹ Gospelnet. Xin kính nhờ cha Trịnh Ngọc Hiên, DCCT
Hà Nội chuyển giúp đến cô Nguyễn Thị Tình, Tu Hội Con Ðức Mẹ Hiệp
Nhất, Giáo Phận Bắc Ninh, phân phối đến tận tay gia đình các em trong
các làng phong.
TRỠ GIÚP XE LĂN CHO MỘT NGƯỜI
KHUYẾT TẬT Ở BUÔN MA THUỘT
Sr. Phạm Thị Tuyết Mai, Dòng NVHB,
Buôn Mê Thuột, giới thiệu trường hợp em BÙI THỊ TUYẾN, sinh ngày
1.11.1989, con gái của ông Bùi Văn Tông, ngụ tại Giáo Họ Bình Thuận,
thôn Bình thuận, xã Ðức Minh, huyện ÐăkMil, tỉnh Ðăklăk. Em Tuyến bị
tàn tật đã lâu năm, chỉ mong ước tự lo liệu việc di chuyển. Gospelnet
xin trợ giúp một chiếc xe lăn loại xếp được, tuy hơi cũ, nhưng đã
được tân trang, trị giá 600.000 VND.
TRỠ GIÚP 2
BỆNH NHÂN NGHÈO Ở TỈNH BÀ RỊA
Thầy Phó Tế Nguyễn Văn
Tâm, DCCT, giới
thiệu hai trường hợp sau đây:
Trường hợp thứ nhất: em NGUYỄN THỊ
NGỌC HUỆ, sinh 1995, quê quán xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà
Tĩnh, cha mẹ vào miền Nam đi Kinh Tế Mới, hiện ngụ tại xã Xuân Sơn, huyện
Châu Ðức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ðịa chỉ liên hệ: ông Nguyễn Kim
Khang là người hàng xóm, ngụ tại tổ 3, thôn Quảng Hà, điện thoại
nhờ máy người quen: 064.882.290. Em Huệ bị động kinh từ năm 2001
đến nay, chạy chữa thuốc thang hết sức tốn kém mà vẫn không lành
bệnh. Gospelnet số 104 bắt đầu trợ giúp mỗi tháng 100.000 VND, trong hai
tháng 3 và 4.2003, tổng cộng: 200.000 VND.
Trường hợp thứ hai: anh Phan-xi-cô
Xa-vi-ê TRẦN VĂN SỸ, vợ là chị An-na Nguyễn Thị Thọ, có 5
con, hiện ngụ tại xã Xuân Sơn, huyện Châu Ðức, tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu. Gia đình chỉ trông dựa vào một mảnh đất nhỏ trồng hạt tiêu,
gặp hạn bị chết hết, rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo. Cách đây 3
tháng, anh Sỹ do lao động quá nặng nhọc, đã bị lệch cột sống 3
đốt, không đi lại được, chỉ nằm một chỗ, nay hai chân đã bắt đầu
bị teo cơ. Gia đình đang tìm thầy Ðông Y châm cứu, cứ một tuần hai lần,
mỗi lần hết 50.000 VND. Gospelnet số 104 xin trợ giúp số tiền 400.000
VND để góp phần chạy chữa cho anh.
HỌC BỔNG CHO 10 EM HỌC SINH Ở HÀ
TĨNH
Thầy Nguyễn Văn Tâm, DCCT, giới thiệu một danh sách 10 em học sinh có
hoàn cảnh rất nghèo, ngụ tại thôn 15, ấp Vĩnh Thành, xã Hà Linh,
huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, Giáo Phận Vinh. Gospelnet đã bắt
đầu trợ giúp cho mỗi em 50.000 VND một tháng, từ tháng 9.2002 đến hết
tháng 2.2003. Nay Gospelnet số 104 xin tiếp tục trợ giúp tháng 3.2003,
tổng cộng: 500.000 VND.
TRỠ GIÚP CHO GIA ÐÌNH MỘT CHÁU BÉ VỪA ÐƯỠC MỔ TIM
Sr. Hồng Quế, Dòng Ða-minh Tam
Hiệp, giới thiệu
trường hợp gia đình cháu bé VŨ NGỌC BÍCH KHUYÊN, sinh 1994 ( 9
tuổi ), con của anh Vũ Ðức Hạnh và chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng, ngụ
tại tổ 1, khu phố 1, xóm Ðồng Phú, xã Lộc Tiến, huyện Bảo Lộc, tỉnh
Lâm Ðồng, thuộc Giáo Xứ Thánh Tâm, Giáo Phận Ðà Lạt, điện thoại
nhờ nhắn qua bác Sự cho cô Trang ( tên riêng của chị Tuyết Hồng ):
063.861.294.
Cháu Bích Khuyên ngay từ lúc được 13 tháng tuổi
đã bị liệt một bên não, gia đình đã phải bán mảnh đất rẫy để
có tiến chữa trị cho cháu. Ðến 4 tuổi mới biết đi, thì lại bị bệnh
bướu ở nách và viêm ruột thừa phải mổ gấp. Tuy vậy cháu
vẫn ở trong tình trạng gầy còm không phát triển được. Cách đây mấy
năm, gia đình đưa cháu đi khám mới biết cháu còn bị bẩm sinh hẹp van
tim. Viện Tim Sài-gòn cho biết cần phải đặt 2 cái dù ( méthode de
Seldinger ) vào tim để thông ống động mạch phổi, chi phí tổng cộng là
49.500.000 VND. Một con số khổng lồ, vượt ngoài khả năng của
gia đình.
Lại cầm cố gia sản một lần nữa, họ hàng cũng
xúm lại giúp đỡ, gom được 11.500.000 VND. Các Soeurs Dòng Ða-minh Tam
Hiệp đã chia sẻ và quyên góp thêm được 14.000.000 VND. Còn lại 24.000.000
VND, chị Tuyết Hồng phải vay với lãi suất một tháng là
1.400.000 VND. Và đầu tháng 3 vừa qua, cháu Bích Khuyên đã được
giải phẫu trong 2 đợt, thành công mỹ mãn. Gospelnet đã trích Quỹ giúp
gia đình cháu số tiền 500.000 VND để lo bồi dưỡng cho cháu giai
đoạn hậu phẫu.
Hiện tại, gia đình tuy vui mừng nhưng lại phải lo
mưu sinh để trả hết số nợ lãi cao là 24.000.000 VND. Ba của
cháu là anh Ðức Hạnh đi làm thợ xây lại bị bệnh dị ứng xi-măng, chỉ
còn mình chị Tuyết Hồng tảo tần buôn bán ở chợ. Gia đình cháu bé
cậy nhờ đến Gospelnet thông tin để kêu gọi quý ân nhân gần xa chia
sẻ trợ giúp, mỗi người một ít để giảm số tiền còn vay nợ sớm
chừng nào đỡ khổ chừng đó.
Vậy kính mong quý vị có thể gửi tiền chia sẻ cho
gia đình cháu bé qua địa chỉ: Lm. Lê Quang Uy, Tu Viện DCCT, 38 Kỳ
Ðồng, phường 9, quận 3, Sài-gòn, E-Mail: ttmvcssr@hcm.vnn.vn ÐT: 08.9.319.835.
HỌC BỔNG CHO 25 EM DÂN TỘC Ở CAM PHƯỚC, CAM RANH
Sr. Phan Thanh Tuyền, Cộng
Ðoàn Mến Thánh Giá Phú Nhơn, xã Cam Phước, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa,
thuộc Giáo Phận Nha Trang, ÐT: 058.997.220, giới thiệu danh sách 25 em
dân tộc nghèo sống rải rác tại các buôn làng, được tập trung về
để lo liệu nơi ăn chốn ở học tập. Gospelnet số 105 xin trợ giúp cho
các em bắt đầu từ tháng 4.2003, mỗi em 50.000 VND một tháng,
tổng cộng: 1.250.000 VND. Rất mong quý độc giả gần xa chia sẻ
hoặc nhận lời trợ giúp thường xuyên cho các em.
01. H'QUYẾT,
Ktla, học lớp 9
02. H'LION, Buôn
Krông, học lớp 8
03. H'BĂN, Buôn
Krông, học lớp 8
04. MẤU THỊ ÐỞ, học
lớp 6
05. MẤU THỊ MAI, học
lớp 5
06. MẤU THỊ PHƯƠNG, học
lớp 5
07. MẤU THỊ KIÊN TRƯỜNG,
học lớp 5
08. MẤU THỊ SƯƠNG,
học lớp 5
09. MẤU THỊ HIỆU, học
lớp 4
10. MẤU VĂN TUYỀN,
học lớp 4
11. CAO THỊ TOÁNH,
học lớp 4
12. MẤU HỒNG KHĂNG,
học lớp 3
13. CAO VĂN QUẸO, học
lớp 5
14. MẤU THỊ QUYNH,
học lớp 3
15. MẤU THỊ LỆ, học
lớp 6
16. CAO THỊ ÐÀO, học
lớp 3
17. CAO THỊ NHÁNH,
học lớp 2
18. CAO THỊ DIỆU, học
lớp 2
19. MẤU HỒNG VŨ,
học lớp 2
20. MẤU THỊ CẢI, học
lớp 2
21. MẤU THỊ LY, học lớp
1
22. MẤU THỊ TY, học
lớp 1
23. MẤU TUẤN, học
mẫu giáo
24. MẤU THỊ BẢO, học
mẫu giáo, liệt 2 chân
25. MAI HOÀNG KHÁNH LY,
học lớp 5, khiếm thị.
Riêng cháu bé MẤU THỊ BẢO, người dân tộc ở huyện
Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, đã được 10 tuổi, rất ham học và năng
động, nhưng vì bị liệt, chỉ chơi loanh quanh một chỗ, người chỉ nhỏ như
đứa bé 3 tuổi, phải bắt đầu học từ mẫu giáo. Gospelnet xin trợ giúp
đặc biệt cho cháu một chiếc xe lăn tuy cũ nhưng còn tốt, loại
xếp được, trị giá 600.000 VND.