CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY NĂM B
TIN MỪNG: Mc 1, 12 - 15
Thần Khí liền đẩy Ðức
Giê-su vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám
dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người. Sau khi
ông Gio-an bị nộp, Ðức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của
Thiên Chúa. Người nói: "Thời kỳ
đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và
tin vào Tin Mừng".
SUY NIỆM 1:
1. ÐỨC
GIÊ-SU CHỊU THỬ THÁCH TRƯỚC KHI RA ÐI LOAN BÁO TIN MỪNG:
Cám dỗ là một điều cần
thiết trong cuộc sống để chúng ta có thể chứng tỏ tình yêu của mình
đối với Thiên Chúa. Thật vậy, làm sao ta có thể biết tình yêu của
ta đối với Thiên Chúa và tha nhân, tinh thần siêu thoát, lòng đạo
đức của ta cao hay thấp và ở mức độ nào, nếu ta không được thử
thách ? Tương tự như nếu không dùng lửa hay a-xít để thử, làm sao ta
có thể biết được những đồ trang sức của ta là vàng thật hay vàng
giả, là nguyên chất hay bị pha tạp ? và nếu bị pha tạp thì pha tạp ở
mức độ nào ?
Ðể biết rõ một người trước
khi dùng người đó, nhất là vào những chức vụ quan trọng, giám đốc
nhân sự của các công ty thường thử tay nghề, thử lương tâm, thử bản
lãnh, thử mức độ đáng tín nhiệm của người đó bằng nhiều phương cách
khác nhau. Ông có thể dàn dựng khéo léo những cơn cám dỗ. Nhờ
những thử thách đó, chẳng những viên giám đốc công ty biết rõ
người mình muốn tuyển chọn, mà chính bản thân người được thử thách ấy
cũng biết rõ tài đức của mình hơn. Những người đã qua được thử thách
một cách thành công chắc chắn sẽ cảm thấy tự tin hơn và dễ đạt
được thành quả tối ưu trong công việc của mình. Như vậy, thiết tưởng
việc thử thách để biết bản lãnh về tài và đức của mình hay của
người là một việc cần thiết và hết sức dễ hiểu.
Quan niệm như thế, ta thấy
việc "Thần Khí đẩy Ðức Giê-su
vào hoang địa" để "chịu Xa-tan cám dỗ" trong "bốn
mươi ngày" trước khi Người khai mạc công việc rao giảng Tin Mừng,
là một việc dường như tất yếu phải có. Qua thử thách đó, Ðức
Giê-su có dịp tỏ ra cho Thiên Chúa và mọi người thấy bản lãnh của
Người để có thể đảm trách công việc loan báo Tin Mừng và cứu chuộc
nhân loại.
2. THỬ
THÁCH VÀ CÁM DỖ RẤT CẦN THIẾT TRONG ÐỜI SỐNG CHÚNG TA:
Trong Mùa Chay, Giáo Hội mời
gọi chúng ta ý thức về tình trạng yếu kém, tội lỗi, đầy khiếm
khuyết trong con người hiện tại hay "con người cũ" -
vốn "bị tội lỗi thống trị" ( Rm 6, 6 ) - của chúng ta.
Từ đó, ta mới quyết tâm "cởi
bỏ con người cũ với nếp sống xưa"
( Ep 4, 22; x. Cl 3, 9 ) để "mặc
lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên
Chúa hầu thật sự sống công chính và thánh thiện" ( Ep 4, 24 ).
Nhiều khi chúng ta ý thức và tự xưng rằng mình tội
lỗi, dù rất thật lòng, nhưng ý thức về tình trạng tội lỗi ấy nhiều
khi hết sức mơ hồ. Chúng ta không biết mình tội lỗi thế nào, ở mức độ
nào, tội lỗi ở chỗ nào... Chính vì thế, chúng ta không biết đường nào
mà sửa mình, để rồi cuối cùng, chúng ta chẳng sửa đổi gì cả, nghĩa là
"mèo vẫn hoàn mèo". May thay, nhờ có những cám
dỗ xảy đến trong đời sống mà ta biết được mình tội lỗi thế nào, ở mức
độ nào.
Cũng có nhiều khi ta tưởng
mình đạo đức, thánh thiện, vì ta cảm thấy mình rất ít khi lỗi luật
của Chúa hay của Giáo Hội. Ta có cảm tưởng ta rất tốt với bạn bè,
với những người chung quanh ta, vì ta thấy mình cư xử rất lịch thiệp
với họ, không hề đụng chạm tới quyền lợi họ, hay không hề cư xử
bất công với họ... Ta cũng giống như Phê-rô và các tông đồ xưa,
nghĩ mình là người luôn luôn trung thành với Ðức Giê-su bất kỳ trong
hoàn cảnh nào: "Dầu có phải
chết với Thầy, con cũng không chối Thầy" ( Mt 26, 35 ). Khi nói như
thế, các ông rất thành thật, không một chút dối trá. Nhưng các ông
không thể ngờ được phản ứng của các ông sau này khi Ðức Giê-su bị
bắt: "Các môn đệ bỏ Người
mà chạy trốn hết" ( Mt
26, 56 ), còn Phê-rô, người tỏ ra
sẵn sàng sống chết với Thầy mình nhất thì "gà chưa kịp gáy ông đã chối Thầy tới ba lần" ( Mt 26, 75 ).
Nhiều khi thứ đạo đức hay
trong sạch của ta tương tự như độ trong của một ly nước múc từ dưới
bùn lên, nhưng đã được để lắng trong nhiều ngày. Phần trên của ly
nước cũng trong vắt không kém gì một ly nước suối. Nhưng khi quậy lên
thì nước trong ly đục ngầu đang khi ly nước suối có quậy đến đâu cũng
vẫn tiếp tục trong vắt. Nếu không quậy lên, người ta có cảm tưởng
nước ở trong cả hai ly tốt như nhau. Nếu không quậy lên, làm sao biết
được ly nào là trong thật sự ? Cũng vậy, nếu không có cám dỗ, làm
sao biết được ai đạo đức sâu xa, ai đạo đức chỉ ở bề mặt ?
3. CHỈ BIẾT
MÌNH ÐẠO ÐỨC HAY KHÔNG QUA NHỮNG CÁM DỖ THỬ THÁCH:
Nguyễn Công Trứ viết: "Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh
hùng hào kiệt có hơn ai".
Thật vậy, nếu cuộc đời của mọi người đều an bình, thuận buồm xuôi
gió cả, thì người có bản lãnh sẽ hành xử chẳng khác gì người không
bản lãnh. Nếu các đồ vàng bạc không được thử bằng lửa hay a-xít thì
chẳng sao phân biệt được vàng thật hay vàng giả.
Cũng vậy, chính trong cơn hoạn
nạn ta mới biết được ai là bạn tốt, bạn thật của ta: "Friend in need, friend indeed" ( Bạn bè trong cơn hoạn nạn
mới là bạn thật ). Tương tự, chỉ khi gặp những biến cố, những hoàn
cảnh khó khăn, ta mới biết được ta có đạo đức hay không. Muốn biết
đạo đức của ta ở mức độ nào, ta cần phải tự xét xem phản ứng của
ta thế nào...
- Khi quyền lợi của ta bị va
chạm một cách bất công: lúc đó ta nổi sùng lên và chửi rủa loạn
xạ ? hay ta bình tĩnh xét xem nguyên nhân tại đâu, suy nghĩ xem có thể
giải quyết cách nào cho đẹp nhất, khôn ngoan nhất, bác ái nhất ?
- Khi có một quyền lợi nào
đó không thể phân chia xảy đến giữa ta và người bạn của ta: lúc đó
ta quyết dành quyền lợi ấy về cho mình ? hay biết nhường cho bạn ?
Epictète đưa ra hình ảnh hai con chó có vẻ quấn quít và yêu thương nhau
lắm. Nhưng khi có ai quăng cho chúng một cái xương, thì chúng quay ra
cắn nhau sứt đầu chảy máu. Như vậy có thật là chúng yêu thương nhau
không ? Làm sao biết được chúng có yêu thương nhau thật sự không nếu
không có miếng xương để thử ?
- Khi đứng trước một người
gặp nguy khốn đang cần cứu giúp, nhưng nếu cứu giúp thì ta sẽ phải hy
sinh rất nhiều: lúc đó ta sẽ cứu giúp người ấy bất chấp phải hy
sinh ? hay sẽ nhường việc cứu giúp ấy cho người khác ?
- Khi đứng trước những bất
công trước mắt mà việc lên tiếng của ta có thể chặn đứng hay giảm
bớt phần nào, nhưng nếu lên tiếng thì ta sẽ bị sách nhiễu, công việc
của ta sẽ bị cản trở: lúc đó ta sẽ coi sự đau khổ của đồng loại
quan trọng hơn sự thoải mái cá nhân ta ? hay ngược lại ?
- Khi mà nồi cơm của ta và
gia đình ta bị đe dọa nếu ta làm theo lương tâm, và làm theo lương tâm
sẽ cứu được biết bao nồi cơm của những gia đình khác: lúc đó ta sẽ
coi những nồi cơm của vô số gia đình kia quan trọng hơn nồi cơm của gia
đình mình ? hay ngược lại ?
- Khi có hai người giàu và
nghèo đến với ta một lúc, người giàu đem lại nhiều lợi lộc cho ta,
còn người nghèo đến để nhờ ta một việc khá khó khăn: lúc đó ta sẽ
đối xử với hai người một cách niềm nở như nhau ? hay ta sẽ đối xử
một cách phân biệt hết sức rõ rệt ?
- v.v...
Rất nhiều người tưởng mình
tốt lành thánh thiện chỉ vì thấy mình chưa hề phạm một lỗi nào quá
đáng, rồi dựa trên sự vô tội của mình họ chê bai người khác đã
phạm lỗi này tội kia.
Thật ra, họ chỉ là người chưa phạm tội vì chưa phải ở trong
những hoàn cảnh khó khăn, nhiều cám dỗ, chứ không phải họ là
những người khó có thể phạm tội. Rất có thể khi gặp những hoàn
cảnh khó khăn, những cơn thử thách, họ còn phạm tội nặng nề hơn
những người đã từng bị họ chê trách, mặc dù hoàn cảnh khó khăn hay
sự thử thách của họ chẳng nặng nề bằng những người kia. Sự thánh
thiện đạo đức phải dựa trên khả năng
không phạm tội khi bị cám dỗ, chứ
không chỉ đơn thuần dựa trên tình trạng
vô tội trong hiện tại chỉ vì chưa gặp cám dỗ.
Nhiều người tự hào khoe mình
bản lãnh lắm, hoặc được mọi người coi là đã tiến rất xa trên con
đường nhân đức chỉ vì tu hành đã lâu năm, hay vì được nắm giữ những
chức vụ quan trọng trong Giáo Hội, v.v… Nhưng khi gặp những thách đố,
khi phải đối đầu với những cám dỗ chưa từng gặp, họ mới nhận ra
bản lãnh của mình còn non kém, hay đường nhân đức của mình mới chỉ ở
giai đoạn đầu.
Như đã nói trên, cám dỗ và
thử thách rất cần thiết cho việc nên thánh của ta. Tuy nhiên, không
phải vì thế mà ta nên tự tìm cho mình những cám dỗ. Trái lại, sự
khôn ngoan đòi buộc ta phải tránh xa các dịp tội, những điều kiện hay
cơ hội khiến ta có thể phạm tội. Câu "dĩ đào vi thượng sách"
là một phương cách rất hay trong việc tu đức hay nên thánh. Và cũng
nên nhớ lời khuyên của Phao-lô: "Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã" ( 1 Cr 10, 12 ).
Nhưng khi những cám dỗ tình
cờ xảy đến ngoài ý muốn của ta, ta nên sẵn sàng đón nhận, và hãy
chiến đấu một cách dũng cảm, quảng đại. Rồi dù thắng hay bại, ta
cũng hãy coi chúng như những hồng ân Chúa ban để giúp ta hiểu rõ
mình hơn, khiêm nhường hơn, giúp ta xác định đúng hơn mình đang ở vị trí
nào trên con đường nên thánh.
Lạy Cha, nhiều khi con thầm
tự hào về mình, tưởng mình đã đạo đức hay thánh thiện lắm rồi. Nhưng
lắm khi chỉ cần gặp những cơn cám dỗ hơi bất thường một chút, con đã
ngã gục. Con cám ơn Cha đã gửi những cám dỗ ấy đến để con ý thức
về bản lãnh của con một cách chính xác hơn, nhờ đó con khiêm nhường
hơn, và biết cảm thông với những yếu đuối của đồng loại hơn.
Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT
SUY NIỆM 2:
Cùng
với toàn thể Giáo Hội Công Giáo, chúng ta bước vào Mùa Chay ( năm B
). Trọng tâm của Mùa Chay là chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Phục
sinh, đón nhận ơn cứu độ mà Thiên Chúa thương ban cho chúng ta. Các
bài đọc Thánh Kinh hôm nay tập trung vào việc Thiên Chúa đã cứu vớt
con người: Thiên Chúa đã cứu ông Nôê và con cái ông khỏi nạn hồng
thủy ( bài đọc 1 ); Thiên Chúa đã dùng nước ( Phép Rửa ) để cứu
toàn thể nhân loại khỏi chết, khi Thiên Chúa sai Ðức Giê-su, Con Một
Yêu Dấu của Người, đến trần gian để rao giảng Nước Trời, chịu chết
trên thập giá và phục sinh ( bài đọc 2 và bài Tin Mừng ). Ðiều kiện
để được cứu là sám hối và tin vào Tin Mừng. Ðó chính là sứ điệp
của Lời Chúa.
Bài đọc 1 ( St 9, 8 - 15 ): Tường thuật việc Thiên Chúa loan báo và cứu ông
Nôê và các con ông, khỏi nạn hồng thủy, bằng một giao ước bền
vững và lâu dài, không chỉ với ông Nô-ê mà còn với dòng dõi ông.
Dấu chỉ của giao ước ấy là chiếc cầu vồng xuất hiện trên bầu trời.
Nhưng dấu chỉ tuyệt vời nhất của giao ước của Thiên Chúa với dân,
chính là Con Một Thiên Chúa, Ðức Giê-su Na-da-rét, Ðấng đã xuất hiện
giữa loài người.
Bài
đọc 2 ( 1 Pr 3, 18 - 22 ): Tông Ðồ Trưởng Phê-rô khẳng định: chúng
ta được cứu là nhờ "chính Ðức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội
lỗi" Người là "Ðấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương hầu
dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa"
Bài
Tin Mừng ( Mc 1, 12 - 15 ): Mác-cô nhắc lại sự kiện
sau khi chịu phép rửa bởi tay Gio-an Tẩy Giả, Ðức Giê-su được Thánh
Thần đưa vào sa mạc để chịu Xa-tan cám dỗ. Sau khi nghe tin Gio-an bị
giết hại, Ðức Giê-su xuất hiện công khai ở Ga-li-lê và bắt đầu rao
giảng: "Thời kỳ đã mãn và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh
em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng"
Sứ điệp của Lời Chúa: Hãy
sám hối và tin vào Tin Mừng: Nhìn thoáng bên ngoài, chúng ta có cảm tưởng là
vào lúc Ðức Giê-su xuất hiện công khai ở Ga-li-lê, mọi người dân
Ít-ra-en đều đang ngóng đợi vị Cứu Tinh mà Thiên Chúa đã hứa ban cho
họ, vào một thời điểm nào đó trong lịch sử. Khi Gio-an Tẩy Giả rao
giảng và làm phép rửa ở sông Gio-đan, nhiều người thuộc đủ mọi
thành phần xã hội đã đến với ông.
Vậy tại sao lời rao giảng của
Ðức Giê-su lại là: "Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng"
? Ngoài lý do mà chính Ðức Giê-su đã đưa ra: "Thời kỳ đã mãn và
Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần", còn lý do nào khác không ?
Thật ra thì số tín đồ Ðạo Do-thái
thật sự trông đợi sự xuất hiện của Vị Cứu Tinh và nhất là số tín
đồ có một nếp sống phù hợp với lời hứa của Thiên Chúa thì chỉ là
một thiểu số rất nhỏ. Số đông hơn là những người bán tín bán nghi
về lời hứa của Thiên Chúa và là những người sống thờ ơ với việc
chuẩn bị cho ngày trọng đại mà các Ngôn Sứ đã nhắc đi nhắc lại
nhiều lần.
Chúng ta biết rằng lúc này Ðạo
Do-thái đã rơi vào thời kỳ suy tàn. Các thành phần được coi là ưu
tú của Ðạo ( tư tế, kinh sư, luật sĩ, biệt phái Pha-ri-sêu ) nghiêng
về cách giữ đạo hình thức, bề ngoài, tuân thủ luật lệ theo nghĩa
đen, tìm kiếm lợi lộc cá nhân và phe nhóm hơn là có một lòng đạo
đích thực, đẹp lòng Chúa. Trong khi đó những người bé mọn chẳng
những không được quan tâm nâng đỡ, mà còn trở thành nạn nhân của
các cách hành đạo của các tầng lớp cai trị. Vì thế mà Ðức Giê-su
mới lớn tiếng công bố và kêu gọi: "Thời kỳ đã mãn, Triều Ðại
Thiên Chúa đã đến gần, Anh em hãy sám hối và tin vào Tin
Mừng".
Khi Ðức Giê-su kêu mời người
đương thời "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" thì bắt buộc họ
phải hướng về, quan sát và chiêm ngắm Người, để xem Người nói năng,
giảng dạy, hành động và sống như thế nào.
Vì thế sám hối trước hết là
thay đổi tư duy và hành động tức không suy nghĩ và hành động theo
thói quen, tập quán xói mòn nữa mà suy nghĩ và hành động theo cách
mới mà Ðấng Mê-si-a của Thiên Chúa đem đến, phù hợp với giai đoạn
mới của Lịch Sử Cứu Ðộ. Tin vào Tin Mừng là tin vào tình thương và
sự trung tín giữ lời hứa của Thiên Chúa, là tin vào Ðức Giê-su
Na-da-rét, hiện thân của Thiên Chúa, vì Người đã được Thánh Thần
xức dầu và đưa vào trần gian để loan báo Tin Mừng cho người nghèo, bị
áp bức bóc lột, bị lãng quên khinh rẻ.
Ðọc Phúc Âm, chúng ta thấy hố ngăn
cách to lớn giữa cách sống xưa cũ của người Do-thái với Giáo Lý
mới mẻ của Ðức Giê-su. Không biết bao nhiêu lần, Ðức Giê-su đã
phải nói: "Anh em nghe người xưa nói thế này, thế này... Còn Thầy,
Thầy bảo anh em hãy làm, hãy sống, hãy cư xử thế này, thế này..."
Ðiều chỉnh cách suy nghĩ và cách
sống của mình theo cách suy nghĩ và cách sống của Ðức Giê-su, đó
chính là sám hối. Và như thế thì sám hối không chỉ giới hạn trong
lãnh vực đời sống luân lý, như nhiều giáo dân thường hiểu, mà bao
hàm cả lãnh vực quan điểm, cách nhìn, cách lượng giá, cách thẩm
định, cách chọn lựa ưu tiên trong đời sống cá nhân cũng như xã hội.
Sám hối cũng đồng nghĩa với canh tân đổi mới: tháo bỏ những cái gì
là cũ kỹ, lạc hậu ( chứ không hẳn chỉ là tội lỗi ) và thay bằng
những cái mới, hiện đại, phù hợp với Phúc Aâm, với "thời đã
mãn", với "triều đại Thiên Chúa đã gần" hơn.
Lời
mời gọi: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" của Ðức Giê-su
cách đây hơn 2.000 năm vẫn là lời mời gọi của ngày hôm nay và dành
riêng cho 1,6 tỷ người Công Giáo trên toàn thế giới, trong đó có
5.854.029 người Việt Nam ( theo báo cáo tình hình các Giáo Phận trong
kỳ họp thường niên của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam vào tháng 10.2002
).
Ðể "sám
hối" thì chúng ta phải biết hướng nhìn vào ai, quy chiếu vào đâu.
Nhưng có không ít người không hề biết rằng điểm quy chiếu của Ki-tô
hữu là chính Ðức Giê-su và Giáo Lý của Người; là giáo huấn của
Công Ðồng Vatican 2, của các Tông Huấn của Ðức Gio-an Phao-lô 2 và
của các Thư mục vụ ( hay Thư Chung ) của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.
Nếu
như Sách Phúc Âm chúng ta ít khi đọc hay chẳng bao giờ đọc, các văn
kiện của Công Ðồng Vatican 2 chúng ta không biết, các Tông Huấn của
Ðức Thánh Cha chúng ta không màng, các Thư Mục vụ hay Thư Chung của
các Giám Mục Việt Nam chúng ta không quan tâm... thì chúng ta quy
chiếu vào đâu, đối chiếu với ai ? Cách giữ đạo dựa vào thói quen,
tập quán, truyền thống gia đình hay xứ đạo, nặng tình cảm - dù là tình cảm
tôn giáo cao đẹp - nặng hình thức phô trương, không còn đủ sức mạnh
để giúp người giáo dân sống đạo trong thời đại ngày nay.
Ngày nay cần một cách sống
đạo ý thức và trưởng thành, xác tín và dấn thân. Ðó là cách sống
đạo không chỉ giới hạn trong nhà thờ mà còn trải rộng trong đời
sống gia đình và xã hội. Nói cách khác người có đạo phải thể hiện
đời sống đức tin bằng đời sống nội tâm gắn bó với Chúa, bằng cách
chu toàn nhiệm vụ chuyên môn trong các bệnh viện, trường học, công
sở, ngân hàng, nhà máy, siêu thị... và bằng cách tham gia vào việc
hỗ trợ người nghèo, bảo vệ hòa bình và chống chiến tranh, bênh vực
quyền con người và chống phân biệt đối xử, kỳ thị, bóc lột trong xã
hội cũng như trên thế giới. Ðó là cách "sám hối và tin vào Tin
Mừng" của ngày hôm nay !
III. SỐNG LỜI CHÚA
Sống Lời Chúa hôm nay chính là "nghiêm chỉnh
kiểm điểm đời sống, đặc biệt chú ý đến Lời Chúa, lời soi sáng
cuộc hành trình mỗi ngày của những kẻ tin" ( Sứ điệp Mùa Chay
2003 của Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô 2, số 1 ).
IV. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA
Lạy
Thiên Chúa là Cha, chúng con biết rằng: đáp lại lời mời gọi "Anh em hãy
sám hối và tin vào Tin Mừng" của Chúa Giê-su, là chúng con phải tin
vào Tình yêu Cứu độ của Cha và tin vào Ðức Giê-su Ki-tô mà Cha sai
đến trong trần gian này. Xin Cha ban ơn cho chúng con để chúng con thực
hiện được điều Cha ước muốn và chờ đợi ở chúng con.
Lạy
Chúa Giê-su, chúng con biết rằng: đáp lại lời mời gọi "Anh em hãy
sám hối và tin vào Tin Mừng" của Chúa, là chúng con phải luôn chiêm
ngắm, khám phá và học cùng Chúa để chúng con thay đổi cách suy nghĩ
và hành động của chúng con, phỏng theo cách suy nghĩ và hành động
của Chúa. Xin Chúa ban ơn cho chúng con để chúng con thực hiện được
điều Chúa ước muốn và chờ đợi ở chúng con.
Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con biết rằng: đáp
lại lời mời gọi "Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" của Chúa
Giê-su, là chúng con phải để cho Chúa hoạt động trong chúng con và
biến đổi chúng con. Xin Chúa hãy canh tân đổi mới trái tim và khối
óc chúng con để chúng con sống như Chúa Giê-su mời gọi và mong muốn.
Amen.
SUY NIỆM 3:
Ai yêu
bóng đá đều say mê theo dõi những trận đấu đỉnh cao giữa các đội
ngoại hạng Anh, hoặc giữa các đội tranh Cúp C1. Ta say mê vì các cầu
thủ siêu hạng phô diễn kỹ thuật cá nhân điêu luyện, các đội bóng
di chuyển chiến thuật kỳ ảo, các bài bản tinh vi của các huấn luyện
viên bậc thầy, các pha phối hợp đẹp mắt giữa các cầu thủ. Không
phải tự nhiên mà các cầu thủ chơi bóng giỏi đến mức độ nghệ thuật
như thế. Họ phải mất nhiều thời gian tập luyện. Tập luyện để đạt
được kỹ thuật cá nhân điêu luyện. Tập luyện để có thể lực dẻo
dai. Tập luyện để có những xử lý thông minh theo tình huống. Tập
luyện để hiểu nhau tiến đến những pha phối hợp nhịp nhàng ăn ý.
Những buổi tập rất nghiêm ngặt, đòi hỏi cầu thủ phải có quyết tâm
cao, có tinh thần kỷ luật nghiêm túc. Ai không chịu nổi các bài tập
khó, sẽ bỏ cuộc. Ai vượt qua được những buổi tập nghiêm túc sẽ trở
thành những cầu thủ giỏi.
Ðời
sống tâm linh là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu với ba thù: ma quỷ,
xác thịt, thế gian. Ðể có đủ khả năng chiến đấu, ta phải được rèn
luyện, phải trải qua những thử thách. Ðức Giê-su, sau khi chịu phép
rửa, được Thánh Thần đưa vào hoang địa để chịu thử thách.
Hoang
địa là nơi hoang vu không nhà không cửa, không người thân, không cây
cối, tức là không có một tiện nghi tối thiểu nào, không có một
nguồn trợ lực nào. Chỉ có cát đá, thú dữ, ma quỷ, tức là chỉ có
những khó khăn thách đố bắt ta phải chiến đấu, phải đương đầu.
Cuộc
chiến đấu thứ nhất mà Ðức Giê-su phải trải qua là cuộc chiến đấu
với thiên nhiên. Người sống trong hoang địa phải chống chọi với thiên
nhiên khắc nghiệt. Tại các sa mạc cát phủ, đêm thì lạnh thấu xương,
ngày thì nóng như thiêu. Hầu như không có thực phẩm. Người sống trong
hoang địa phải chịu đói, chịu khát, chịu cái nóng nung người, chịu cái
lạnh cắt da, chịu tất cả mọi thiếu thốn của đời sống thường ngày.
Xưa, dân Do-thái được Chúa đưa vào hoang địa để huấn luyện trước khi
đưa họ vào Ðất Hứa. Trong hoang địa, người Do-thái không chịu nổi
những thiếu thốn, nên đã nhiều lần nổi loạn chống lại Chúa, chống
lại ông Mô-sê, muốn quay trở lại làm nô lệ bên Ai-cập để được ăn
no ngủ kỹ.
Trái
lại, tổ phụ áp-ra-ham đã chấp nhận vượt qua hoang địa, nên đã tới
được Ðất Hứa, tiên tri Ê-li-a đã vượt qua hoang địa 40 đêm ngày, nên
đã đi đến núi của Thiên Chúa. Và hôm nay, Ðức Giê-su đã thắng được
cái lạnh, cái nóng và nhất là đã thắng được cái đói, cái khát,
đã hoàn toàn làm chủ được bản thân trước những nhu cầu của thân
xác.
Cuộc
chiến đấu thứ hai mà Ðức Giê-su phải trải qua là cuộc chiến đấu
chống lại ma quỷ. Thiên Chúa cho phép ma quỷ thử thách con người. Từ
tạo thiên lập địa, hai ông bà nguyên tổ đã bị ma quỷ cám dỗ và đã
thua cuộc. Ông thánh Gióp cũng đã bị ma quỷ thử thách, mất hết tài
sản, mất hết con cái, mất hết danh dự. Nhờ kiên quyết trung thành
với Chúa đến cùng, ông đã thắng được ma quỷ. Ðức Giê-su đã thắng
vượt mọi cơn cám dỗ ma quỷ đưa tới nhờ Người vững lòng tin ở Thiên
Chúa. Những cơn cám dỗ của ma quỷ thường là cám dỗ về đức tin.
A-đam và E-và không vững lòng tin nên đã sa ngã. Ông thánh Gióp
vững lòng tin nên luôn đứng vững qua mọi thử thách. Ðức Giê-su luôn
vững niềm tin vào Chúa Cha, nên đã chiến thắng mọi cơn cám dỗ thâm
độc nhất của ma quỷ.
Cuộc
chiến đấu thứ ba mà Ðức Giê-su đã trải qua là cuộc chiến đấu từ
bỏ ý riêng để tìm Thánh Ý Chúa Cha. Hai ông bà nguyên tổ đã tìm ý
riêng hơn Ý Chúa, nên đã đi trệch đường. Ðức Giê-su luôn tìm Thánh
Ý Chúa Cha, nên Người đã từ bỏ con đường kiêu căng để đi vào con
đường khiêm nhường, từ bỏ con đường rộng để đi vào con đường hẹp,
từ bỏ con đường dễ để đi vào con đường khó, từ bỏ con đường vinh
quang để đi vào con đường thập giá, từ bỏ con đường giàu sang để đi
vào con đường nghèo hèn, từ bỏ con đường riêng tư để đi vào con
đường Chúa Cha đã định. Nên Người đã toàn thắng trong cuộc chiến
đấu.
Hoang
địa không phải chỉ là nơi thử thách. Hoang địa còn là nơi gặp gỡ
Chúa. Sau khi đã thắng vượt tất cả các cuộc thử thách, ta sẽ gặp
được Chúa, sẽ sống thân tình với Chúa và sẽ hoàn toàn thuộc về
Chúa. Ông Mô-sê, sau 40 đêm ngày ở trên núi Xi-nai, đã trở nên bạn
nghĩa thiết của Chúa. Mặt ông trở nên sáng láng đến nỗi dân
Do-thái không dám nhìn thẳng vào. Ngôn Sứ Ê-li-a, sau khi đi 40 đêm
ngày, đã tới núi của Chúa và đã gặp được Chúa. Ðức Giê-su đã gặp
gỡ Chúa Cha, đã tìm được ý Chúa Cha và kết hiệp mật thiết với Chúa
Cha đến độ từ nay Người trọn vẹn thuộc về Chúa Cha. Thánh Ý Chúa
Cha trở thành kim chỉ nam hướng dẫn đời Người. Thi hành Thánh Ý Chúa
Cha trở thành lương thực nuôi dưỡng Người. Người sẽ hi sinh tất cả,
kể cả mạng sống để cho Thánh Ý Chúa Cha được nên trọn. Chính vì thế
mà Ðức Giê-su đã được gọi là "Con yêu dấu" của Chúa Cha.
Trong
Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi ta hãy vào hoang địa với Ðức Giê-su để
chịu thử thách, để rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên
cường. Ta không có điều kiện để vào nơi hoang vắng, nhưng ta vẫn có
thể vào hoang địa của cuộc đời.
Vào
hoang địa của cuộc đời có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận những khó
khăn, thiếu thốn trong đời sống, dù đói nghèo vẫn giữ được tâm hồn
tự do, không chịu nô lệ vật chất.
Vào
hoang địa của cuộc đời có nghĩa là kiên cường chống trả mọi cơn cám
dỗ ma quỷ đưa tới, luôn vững niềm tin vào Chúa dù gặp những khó
khăn thử thách.
Vào
hoang địa của cuộc đời có nghĩa là từ bỏ ý riêng để luôn tìm Thánh
Ý Chúa, sẵn sàng thực hành thánh ý Chúa, dù có phải đau đớn,
thiệt thòi.
Vào
hoang địa của cuộc đời có nghĩa là giữ tâm hồn bình an thanh thản để
gặp gỡ Chúa, tiếp xúc thân mật với Chúa, hoàn toàn thuộc về Chúa
Cha để trở nên "con yêu dấu" của Chúa Cha.
Nếu
ta chuyên tâm rèn luyện trong suốt Mùa Chay, tâm hồn ta sẽ trở nên
vững mạnh chống lại được những cám dỗ ma quỷ đưa tới; nhanh nhẹn
dấn thân vào những việc đạo đức không ngại khó khăn vất vả; quen
từ bỏ ý riêng để tuân theo ý Chúa Cha và sẽ trở nên con hiếu thảo
của Chúa Cha.
CẦU NGUYỆN:
CHUYỆN CỦA THẦY
Thầy đã đi vào sa
mạc ngày hôm đó,
Ðơn độc, bỏ lại
sau lưng tất cả cuộc đời,
Tay không, chỉ mang
theo trái tim nồng khắc khoải
Kiếm tìm Sự Thật
tự trời cao,
Ước nguyện lắng
nghe và nhìn ra thân phận
Mong manh dễ vỡ,
tổn thương bất cứ lúc nào...
Thầy đã đi vào sa
mạc ngày hôm đó,
Một mình, để cảm
nghiệm, để suy tư chuyện con người,
Ðể thế lực trần
gian tấn công thể xác,
Ðể hiểu sâu xa
nỗi niềm khao khát,
Thấm thía thân hèn
một kiếp long đong,
Ðể cảm nhận, để
cảm thông về nhân gian tội lỗi...
Thầy đã đi vào sa
mạc ngày hôm đó,
Lặng thinh, ngước
nhìn trời cao tìm kiếm
Ánh sáng và lý
lẽ tồn tại ngàn đời,
Ðể khám phá cho ra
cùng đích phận người,
Và Sự Thật vẫn
luôn là thách thức,
Tiếng nói của
Xa-tan cứ xen vào từng giây phút...
Thầy đã đi vào sa
mạc ngày hôm đó,
Thiên nhiên phơi
bày Sự Thật dưới ánh mặt trời.
Phân tích rạch ròi
những giá trị nhân sinh,
Sự lựa chọn chứng
minh quyền tự do tuyệt đối.
Cha trên Trời vẫn
không ngừng theo dõi
Người Con yêu đang
định hướng đời mình...
Thầy đã đi vào sa
mạc ngày hôm đó,
Bốn mươi ngày
chiêm nghiệm giữa hoang vu.
Thời gian trôi
chầm chậm rất riêng tư,
Thầy mở được cả
bầu trời Chân Lý,
Rồi trở về, Thầy
không bao giờ ngừng nghỉ,
Một Tình Yêu rất
lạ mãi loan truyền...
Ngày hôm đó, con
cũng vào sa mạc,
Ðể được nghe lời
tâm sự dưới đêm trăng.
Ðường con đi vừa
qua chặng giá băng,
Tim lạnh cóng, tái
tê bầu nhiệt huyết.
Con cần nghỉ, một
chút thôi, Thầy đã biết.
Xin kể đi những
câu chuyện ngày xưa,
Ðốt lửa Yêu Thương
Thầy sưởi ấm cho vừa,
Ru con ngủ, giấc an
bình, trong khoảnh khắc...
Tiếng Thầy kể:
Ngày hôm đó, Thầy
đã đi vào sa mạc...
Nữ Tu NGUYỄN THỊ CHÁNH,
Dòng NVHB Buôn Mê
Thuột
CÂU TRUYỆN:
GIỌT NƯỚC MẮT SÁM HỐI
Người Hồi Giáo
thường kể lại câu truyện dụ ngôn: Một hôm Ðức Thánh Allah sai sứ
thần xuống trần gian tìm xem có những gì tốt đẹp nhất thì mang về
Trời. Sứ thần vâng lời ra đi, sau một thời gian dài đã quay trở về
và tường trình với Ngài:
"Trước tiên, thần
bay tới một bãi chiến trường, thần đã hứng được một ít giọt máu
đào đỏ thắm của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho tổ quốc. Thần
biết là quý lắm, nhưng vẫn chưa phải là quý nhất.
Kế
đến, thần gặp một đám tang của một người giàu có nhưng có lòng
quảng đại, hàng đoàn lũ những người nghèo đã đi sau chiếc áo quan
để xông hương để tỏ bày sự thương tiếc kính phục. Thần đã hứng được
một ít hương thơm của tình bác ái, cũng quý lắm nhưng chưa phải là
quý nhất !
Cuối
cùng, thần đã gặp bên vệ đường một người đang khóc lóc thảm thiết.
Thần hỏi thăm thì con người khốn khổ ấy trả lời: Anh ta đã lỡ phạm
một tội ác, và giờ đây, mỗi ngày anh đều khóc lóc để chân thành
sám hối, rồi anh cố gắng để làm những việc tốt để đền bù phần
nào. Thần đã hứng lấy một giọt nước mắt để đem về, thần nghĩ đây
là thứ quý nhất !"
Ðức Thánh Allah tỏ ý hài lòng, Ngài phán: "Dưới trần gian, quả thật không có gì
tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, nó có sức canh tân cả
cuộc đời, cả xã hội. Nó là một nhân đức ( Vertu de pénitence )".
Sưu
tầm của cha TIẾN LỘC
CHIA SẺ 1:
Giữa
lúc cuộc đời bị nhân thế cười chê. Giữa lúc bỏ bê lê bước trong
hoang dại. Giữa lúc hoạ tai không ai người đoái hoài, xin trở về một
cõi rất riêng tư, trong Giê-su, Ðấng chở che đỡ nâng..."
Nếu
bài ca "Một cõi đi về" mang tâm trạng kể lể chia ly buồn man
mác thì ca khúc "Một cõi riêng tư" lại chan chứa một niềm vui
sâu lắng trong nội tâm, niềm vui gặp gỡ Chúa.
Những
khi thư giãn sau những giờ làm việc, tôi ôm đàn ghi-ta hát "Một
cõi riêng tư", hát đi hát lại vài lần. Lời ca, điệu nhạc làm
tâm hồn tôi thanh thản an bình. "Một
cõi riêng tư trong lòng con xin dành cho Chúa. Một cõi riêng tư trong
lòng con Chúa thương ngự trị. Chúa là điểm hẹn nơi con phát
xuất ra đi dấn thân cho cuộc đời nhân trần. Chúa là đỉnh cao nơi con
trở lại để sống trong ân tình, niềm vui phút an bình..."
Lúc ấy tôi chợt nhận ra: cầu nguyện không chỉ là
quỳ gối trong Nhà Thờ, khi đọc kinh nguyện mà khi ôm đàn hát lên
một ca khúc Phụng Vụ cũng là cầu nguyện. Quả như lời Thánh Âu-tinh:
"Hát hay là cầu nguyện hai lần".
Bước
vào Mùa Chay, mỗi người Ki-tô hữu chúng ta đều cần một cõi riêng
tư dành cho Chúa , để gặp gỡ Chúa, để sống với Chúa. Giữa những
xao động, những bôn ba, những lo toan, những tất bật của cuộc sống,
cần nghĩ ngơi, dành một thời gian tĩnh lặng cho tâm hồn gặp gỡ Ðấng
là Tình Yêu thẳm sâu.
Cuộc
sống hôm nay quá nhiều bận rộn, người ta ít dành riêng thời giờ cho
Chúa. Công việc làm ăn, hưởng thụ cuốn hút con người say mê. Chạy
theo tiện nghi vật chất hiện đại con người bị xoáy vào cơn lốc tiêu
thụ. Cần lắm những giây phút an bình cho đời sống nội tâm...
Có những người một tuần chỉ
tham dự Lễ Chúa Nhật, đi trễ về sớm, đứng xa xa, dự Lễ cho khỏi lỗi
luật, khỏi sợ người ta nói chứ chẳng có tâm tình yêu mến gì. Ngồi
uống cà phê, nhậu nhẹt với bạn bè từ giờ này qua giờ khác, tán
dóc đủ mọi chuyện trên trời dưới đất nhưng dành năm hay mười phút
để cầu nguyện thì không có và nếu có lại cảm thấy dài lê thê nặng
nề.
Cần
lắm sự nỗ lực bản thân để có cõi riêng tư dành cho Chúa mỗi ngày.
Các Tông Ðồ bị cuốn vào cơn lốc công việc, Chúa Giê-su đã nhắc nhở
các môn đệ: "Anh em hãy đi riêng ra một nơi vắng vẻ mà nghĩ ngơi
đôi chút" ( Mc 6, 31 ). Công việc rao giảng, chữa bệnh, xua trừ ma
quỷ dày đặc trong ngày nhưng Chúa Giê-su đã dành nhiều cõi riêng tư
để sống với Chúa Cha. Cần một chút nghỉ ngơi cho thân xác, cần một
chút riêng tư, trầm lắng cho tâm hồn. Chỉ cần một chút thôi, năm
phút, mười phút. Ai cũng cần một chút lặng lẽ mỗi ngày của cõi
riêng tư để trở lại nơi sâu thẳm lòng mình, nghe tiếng mời gọi của
Chúa. Một chút sâu lắng của cõi riêng tư trở lại trong ân tình tìm
gặp niềm vui phút an bình.
Mùa
Chay, các Giáo Xứ dành nhiều thời giờ để tĩnh tâm, giải tội cho
từng giới, từng đoàn thể. Mục đích của Mùa Chay là giúp ta trở về
với Chúa và với anh em bằng sám hối nhìn nhận tội lỗi của chính
mình. Việc xức tro, ăn chay, cầu nguyện, làm việc thiện, chỉ là những
phương tiện. Bởi thế, để gặp Chúa cần có một cõi riêng tư dành cho
Ngài. Chúa là nơi ta phát xuất ra đi dấn thân và Ngài đỉnh cao nơi ta
trở lại. Trong thinh lặng của tâm tình Mùa Chay, ta sẽ gặp gỡ, sẽ
đón nhận Thánh Ý Chúa.
Mẹ
Tê-rê-xa Calcutta đã dâng lời cầu nguyện tha thiết:
Lạy
Thiên Chúa, Ðấng ưa thích sự thinh lặng, xin dạy chúng con thinh lặng
để ở một mình với Ngài, trò chuyện, lắng nghe và thấm nhuần Lời
hằng sống.
Xin
dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp
váp của tha nhân, biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.
Xin
dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai, để nghe được tiếng kêu của
người nghèo đói, để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.
Xin
dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi, để biết ca tụng Chúa và đem
lại an vui cho muôn người, tránh cho mọi lời nói gây đau đớn đổ vỡ
Xin
dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn, để mở ra trước sự thật và
khép lại trước dối trá.
Cuối
cùng xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim, để tránh xa mọi ích kỷ,
thù hằn, ghen ghét, để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên hết mọi
sự. Amen.
CHIA SẺ 2:
LÒNG THA THỨ - NGAI VÀNG VÔ GIÁ
Chỉ là một
sự tình cờ, nhưng là một sự tình cờ hết sức ý nghĩa: Ðúng vào dịp
Mùa Chay Năm Thánh 2000, kênh truyền hình HTV7 chiếu bộ phim dài của
Trung Quốc mang tên "Hoàng Châu công chúa" ( Cách Cách ). Tôi lấy
làm cảm động vì tác giả đã khắc họa lòng tha thứ đến mức đáng
khâm phục.
Chàng trai có tên là Tiêu Kiến, suốt
bộ phim đã là một anh hùng trong giới giang hồ, thì ở cuối bộ phim,
Tiêu Kiến càng anh hùng hơn nhiều vì lòng báo hiếu cho cha mẹ, cho
chính gia đình của anh đã bị kẻ thù giết hại. Cứ tưởng nỗi căm hận
bao nhiêu năm tháng, thì lòng báo hiếu đòi anh phải băm nát kẻ thù
ra mới hả dạ.
Nhưng
không ! Không phải báo hiếu bằng trả thù, mà bằng tha thứ. Lòng tha
thứ của chàng trai giang hồ đạt đến đỉnh cao khi anh đối diện trực
tiếp với kẻ thù. Ðứng trước mặt vua Càn Long, người đã tiêu diệt
cả gia đình anh, thì giờ đây anh phải tha thứ. Chắc chắn trong lòng anh
xảy ra nhiều xung khắc, vì một bên là trách nhiệm gia đình mà mối
thù đó phải được trả, còn bên kia phải tha thứ. Nhưng cuối cùng,
lòng tha thứ đã chiến thắng. Hình tượng Tiêu Kiến đẹp làm sao ! Và
người xem bộ phim cứ phải thấm thía mãi.
Lòng
tha thứ vốn đã đẹp. Sự báo hiếu của một con người kết thúc một
mối hận bằng một tấm lòng tha thứ cao thượng lại là một nét đẹp
tuệt vời hơn nữa. Nhân gian rất cần những tấm lòng tha thứ như thế
để cuộc đời xinh tươi hơn, sự sống đáng yêu hơn, đáng sống hơn. Lòng
tha thứ sẽ đẩy lui hận thù từ bình diện nhỏ nhất là cá nhân với
cá nhân đến một xã hội rộng lớn là dân tộc, quốc gia, đảng phái,
cơ cấu chính trị...
Lòng tha thứ là ngai vàng của cuộc sống. Hận
thù dù lớn cách mấy, chia rẽ dù cách biệt đến đâu, ngay cả nợ máu
đi nữa, có một tình yêu tha thứ, là cuộc sống con người có sự bình
an.
Mùa Chay lại về, nhắc lại hình tượng tha thứ từ một bộ
phim chắc không là điều vô ích. Nếu lòng tha thứ là ngai vàng của
cuộc sống, Mùa Chay sống tinh thần chay tịnh bằng lòng tha thứ là trao
tặng cho đời những chiếc ngai vô giá...
Lm. JB. NGUYỄN MINH HÙNG, Giáo
Phận Phú Cường
THÔNG TIN:
- Một
Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 250.000 VND
-
Nhóm Giáo Lý Viên Giáo Xứ Thị Nghè ( Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ
em nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 500.000 VND
- Bạn
sinh viên Ðức Linh ( Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 100.000 VND
- Cô
Bạch Ngân ( Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 1.000.000 VND
- Một
ân nhân ẩn danh ( Giáo Xứ Bắc Hà ) giúp người cai nghiện và nhiễm
HIV . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 500.000 VND
- Chị
Ma-ri-a Phạm Thị Liên ( Hoa Kỳ ) giúp học bổng trẻ em nghèo . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 1.500.000 VND
- Bạn
MK Xuân Ðào ( Úc ) giúp học bổng trẻ em nghèo . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 100 AUD
- Hội
Chân Phúc Damien hỗ trợ Gospelnet lo học bổng cho con em bệnh nhân
phong . . . . . . . . . . . . . . . . .
100 USD
- Ca
đoàn Việt Linh ( Hoa Kỳ ) giúp học bổng con em bệnh nhân phong . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200 USD
-
Công ty Manulife ( Sài-gòn ), qua cô Thu Hằng, tặng các GLV dân tộc
Kontum. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 69 chiếc cặp mới
- Cháu Trần Thanh Duy gom tiền lì xì, qua Lm.
Chân Tín, giúp các em dân tộc Ðăklăk . . . . . . . . . . . . . . . . .
1.000.000 VND
- Một
cộng đoàn Nữ Tu ( Sài-gòn ) xin ẩn danh, giúp 10 cây gậy cho người
khiếm thị . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 600.000 VND
-
Nhóm Cầu Nguyện, Giáo Xứ ÐMHCG ( Sài-gòn ), giúp 10 cây gậy cho
người khiếm thị . . . . . . . . . . . . . . . 600.000 VND
- Bạn
sinh viên Ðức Linh ( Sài-gòn ) giúp các em nghèo ở Lấp Vò, Ðồng
Tháp . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND
-
Giúp một đôi vợ chồng nhiễm HIV ( Sài-gòn ) trang trải nợ nần . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 300.000 VND
-
Giúp một bệnh nhân nghèo ( Sài-gòn ), bị thấp khớp, mua thuốc theo
toa bác sĩ . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 50.000 VND
HỌC BỔNG CHO 2 EM HỌC SINH NGHÈO Ở BIÊN HÒA
Sr.
Vũ Mai Trúc, Dòng Ða-minh Thái Bình, giới thiệu trường
hợp 2 em NGUYỄN THỊ ÐAN KHÁNH, đang học lớp 8, và em NGUYỄN
VIẾT ÚT, đang học lớp 4, hiện ngụ tại phường Bình Ða, thành phố
Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai. Gospelnet xin trợ giúp mỗi em 50.000 VND một
tháng, liên tiếp trong ba tháng, từ tháng 3 đến hết tháng 5.2003
( cuối năm học ), tổng cộng: 2 em x 50.000 VND x 3 tháng = 300.000
VND.
HỌC BỔNG VÀ TRỠ GIÚP ÐẶC BIỆT CHO 4 EM
Ở PLEIKLY
Cha Trần Sỹ Tín, DCCT và thầy Lê Văn Vui, DCCT, giới thiệu trường hợp gia đình ông Nay Tek và ông
Siu H'Pier, người dân tộc J'rai thuộc Giáo Ðiểm Pleikly, có 4 người con, hoàn
cảnh hết sức nghèo, làm được 3 sào ruộng và 2 sào rẫy vẫn không
đủ sống, phải đi làm mướn thêm cho người Kinh. Riêng người con lớn
là Siu H'Brê lại mắc bệnh thấp khớp
nặng, thêm bệnh sỏi thận gây đau đớn rất nhiều, gia đình đã
đưa em lên bệnh viện Pleiku, nhưng vì tình trạng sức khỏe của em quá
yếu nên bác sĩ không thể mổ, chỉ cho em uống thuốc Kim Tiền Thảo và
bảo nếu không xong thì phải đi Sài-gòn xin xạ trị. Gia đình hiện đang
lo lắng không biết xoay xở cách nào. Gospelnet xin trợ giúp 4 em, mỗi
em 50.000 VND một tháng, trong hai tháng 3 và 4.2003, đặc biệt
trợ giúp cho em Siu H'Brê thêm 100.000 VND để
tạm lo liệu việc chữa trị, nếu phải đưa về Sài-gòn nhập viện, sẽ
trợ giúp sau. Tổng cộng: 500.000 VND.
01. Em SIU H'BRÊ, sinh 1989, học lớp 8.
02. Em SIU HLING, sinh 1991, học lớp 5.
03. Em SIU MAN, sinh 1996, học lớp 1.
04. Em SIU THANH, sinh 2000, học mẫu giáo.
Như Gospelnet số 83 đã
thông tin, chương trình "HỌC BỔNG TRẠI PHONG PHÚ BÌNH" cho 20 em con cái các
gia đình bệnh nhân phong ở Phú Bình, và chương trình "HỌC BỔNG TRẠI PHONG SÓC SƠN" cho 26 em con cái các
gia đình bệnh nhân phong ở Sóc Sơn đã được mở ra để kêu gọi các ân
nhân gần xa chia sẻ trợ giúp. Bước đầu các em ở Phú Bình đã nhận
được số tiền 1.000.000 VND cho tháng 8.2002 và các em ở Sóc Sơn đã
nhận được số tiền 2.600.000 VND, cho hai tháng 10 và 11.2002.
Nay, sau một thời gian
gián đoạn, Gospelnet số 103 tiếp tục trợ giúp học bổng cho 20 em ở
Phú Bình tháng 3
và 4.2003, tổng cộng: 2.000.000 VND, và học bổng cho 26 em
ở Sóc Sơn tháng 3
và 4.2003, tổng cộng: 1.300.000 VND, tất cả hai khoản là 2.600.000 VND. Quỹ Gospelnet trích ra
200.000 VND, cộng với 200 USD ( 3.100.000 VND ) là số tiền do các anh chị em ca viên ca đoàn Việt Linh ( Hoa
Kỳ ) mới
gửi về chia sẻ. Ngoài ra có thêm 1.500.000 VND ( 100 USD ) do Hội Chân Phúc Damien hỗ trợ thêm. Xin kính
nhờ cha Trịnh Ngọc Hiên, DCCT Hà Nội chuyển giúp đến cô Nguyễn Thị
Tình, Tu Hội Con Ðức Mẹ Hiệp Nhất, Giáo Phận Bắc Ninh, phân phối đến
tận tay các em.
HỌC BỔNG ÐÔNG
THẠNH CHO 21 EM Ở HÓC MÔN
Gospelnet
số 103 xin tiếp tục trợ giúp tháng 3.2003
cho 21 em học sinh nghèo đang sống trong khu vực bãi rác xã Ðông Thạnh,
huyện Hóc Môn, thành phố Sài-gòn, do cô giáo Phan Mỹ Linh phụ trách
( mặc áo dài xanh trong ảnh chụp kèm theo ), tổng cộng: 21 em x 50.000
VND = 1.050.000 VND. Số tiền này do cô Bạch Ngân ( Sài-gòn ) mới
gửi về chia sẻ. Xin thay mặt cô giáo Linh và gia đình các em tỏ lòng
biết ơn cô Ngân.
HỌC BỔNG CHO 10 EM HỌC SINH NGHÈO Ở HUẾ
Gospelnet
số 103 xin tiếp tục trợ giúp tháng 3.2003, tổng cộng: 500.000
VND cho 10 em học sinh hiếu học có hoàn cảnh gia đình nghèo, hiện
ngụ tại ấp An Vân Thượng, xã Hương An, huyện Hương Trà, Huế do sự
giới thiệu thầy Võ Văn Tuệ, DCCT. Số tiền này do Nhóm Giáo Lý
Viên Giáo Xứ Thị Nghè ( Sài-gòn ) mới gửi về chia sẻ. Xin thay
mặt thầy Tuệ và gia đình các em tỏ lòng biết ơn các anh chị.
Gospelnet
số 103 xin tiếp tục trợ giúp tháng 3.2003, tổng cộng: 50.000 VND
x 28 = 1.400.000 VND, cho 28 em học sinh có hoàn cảnh gia
đình rất nghèo, ngụ tại xã Xuân Vinh, huyện Xuyên Trường, tỉnh Nam
Ðịnh, thuộc về Giáo Họ Nam Ðiền, Giáo Xứ Phú Nhai, Giáo Phận Bùi
Chu. Số tiền này do cô Ma-ri-a Phạm Thị Liên ( Hoa Kỳ ) mới gửi
về chia sẻ. Xin thay mặt gia đình các em tỏ lòng biết ơn cô Liên.
HỌC BỔNG CHO 30 EM Ở CAM RANH VÀ HUẾ
Gospelnet
số 103 xin tiếp tục trợ giúp tháng
3.2003, tổng cộng: 50.000 VND x 30 = 1.400.000 VND, cho 30 em học
sinh ở Cam Ranh và Huế, có
hoàn cảnh gia đình rất nghèo do thầy Vũ Tùng Lân, DCCT, giới
thiệu. Xin kính nhờ thầy Ðinh Hữu Thoại, DCCT ( thay thầy Lân ) chuyển
giúp đến gia đình các em.
Gospelnet số 103 xin tiếp tục trợ giúp tháng
3.2003, tổng cộng: 50.000 VND x 25 = 1.250.000 VND, cho 25 em học
sinh nghèo nhưng hiếu học, gia đình thuộc diện xóa đói giảm
nghèo, tất cả đều ngụ tại Thượng Trang, xã Liêm Phong, huyện Thanh
Liêm, tỉnh Hà Nam, do cha Nguyễn Văn Phủ, Giáo Xứ Hạ Trang,
Giáo Phận Hà Nội, giới thiệu. Xin kính nhờ thầy Nguyễn Văn Phượng,
DCCT, chuyển giúp đến gia đình các em.
CHƯƠNG TRÌNH HỌC
BỔNG CHO 20 EM Ở ÐỒNG NAI
Gospelnet
số 103 xin tiếp tục trợ giúp tháng 3.2003, tổng cộng: 50.000 VND
x 20 = 1.000.000 VND, cho 20 em học sinh nghèo đang học Tiểu
Học, gia đình cha mẹ đều phải đi làm thuê hoặc làm nghề cạo mủ cây
cao-su, ngụ tại ấp 4, xã Thừa Ðức, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai, do cha
Nguyễn Ðình Khanh, Giáo Xứ Các Thánh Tử Ðạo, Giáo Phận Xuân Lộc,
giới thiệu. Xin kính nhờ Sr. Tuyết Trinh, Dòng Ða-minh chuyển giúp đến
gia đình các em.