GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


THỨ TƯ LỄ TRO

TIN MỪNG: Mt 6, 1 - 6 . 16 - 18

BỐ THÍ - CẦU NGUYỆN - ĂN CHAY

"Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

"Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

"Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh".

SUY NIỆM 1:

HÃY XÉ LÒNG

Một vị ẩn tu sống đơn độc trên ngọn núi cao. Ngày đêm ông ăn chay cầu nguyện. ông ăn chay rất nghiêm ngặt và cầu nguyện rất tha thiết. Ðể thưởng công, Chúa cho xuất hiện một ngôi sao trên đầu núi. Khi ông ăn chay và cầu nguyện ít, ngôi sao mờ đi. Khi ông ăn chay nhiều và cầu nguyện nhiều thì ngôi sao càng sáng lên. Một hôm ông muốn leo lên đỉnh cao nhất của ngọn núi. Khi ông chuẩn bị lên đường thì một bé gái trong làng đến thăm và ngỏ ý muốn đi cùng ông. Thầy trò hăng hái lên đường. Ðường càng lên càng dốc dác khó đi.

Mặt trời càng lúc càng nóng gắt. Cả hai thầy trò ướt đẫm mồ hôi và cảm thấy khát nước. Nhưng không ai dám uống. Em bé không dám uống trước khi thầy uống. Vị ẩn tu không dám uống vì sợ mất công phúc trước mặt Chúa. Nhưng nhìn thấy bé gái mỗi lúc mệt thêm, thầy ẩn tu thấy thương, nên mở nước ra uống. Lúc ấy cô bé mới dám uống. Uống nước xong, cô bé mỉm cười rất tươi và cám ơn thầy. Thầy ẩn tu len lén nhìn lên đầu núi. Thầy sợ ngôi sao biến mất vì thầy đã không biết hãm mình. Nhưng lạ chưa, trên đầu núi thầy thấy không phải một mà có đến hai ngôi sao xuất hiện. Thì ra, để thưởng công vì thầy biết nghĩ đến người khác, Chúa đã cho xuất hiện một ngôi sao nữa, sáng không kém gì ngôi sao kia.

Mùa Chay được mở đầu bằng nghi thức xức tro và một ngày ăn chay kiêng thịt. Có lẽ có nhiều người thắc mắc tại sao ngày xưa người Do-thái rắc đầy tro trên đầu, ngồi cả trên đống tro, mà ngày nay ta chỉ xức một chút ít tro, và tại sao ngày xưa ăn chay trong bốn mươi ngày, mà ngày nay chỉ còn ăn chay có 2 ngày Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh ? Thưa vì Giáo Hội muốn ta càng ngày càng đi vào tinh thần hơn là chỉ giữ hình thức bên ngoài.

Mục đích của Mùa Chay là giúp ta trở về với Chúa và với anh em bằng sám hối nhìn nhận tội lỗi của chính mình. Việc xức tro, ăn chay, cầu nguyện, làm việc thiện, chỉ là những phương tiện.

Xức tro là để tỏ lòng sám hối. Xức nhiều tro mà trong lòng không thật tình sám hối thì có ích gì. Ngày nay, Giáo Hội chỉ dùng một chút tro tượng trưng để nhắc nhớ ta. Xức tro trên đầu không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn. Hãy xức tro vào tâm hồn để ta thấy tâm hồn mình đã ra hoen ố vì tội lỗi. Hãy xức tro vào tâm hồn để ta thấy rõ ta đã bôi tro trát trấu vào khuôn mặt Thiên Chúa, làm lem luốc khuôn mặt Giáo Hội, làm ô danh cho đạo thánh của Chúa. Hãy xức tro vào tâm hồn để ta thấy rõ ta đã làm cho mối quan hệ với tha nhân bị vẩn đục vì những tham vọng, những ích kỷ, những nhỏ nhen của ta. Hãy xức tro vào tâm hồn để lòng ta xót xa, đau đớn, hối hận vì những tội lỗi đã phạm.

Ăn chay không phải là một hình thức làm cho qua lần, chiếu lệ. Ăn chay không phải chỉ là nhịn ăn một hai bữa cơm. Ăn chay có mục đích nhắc nhớ ta hãy biết hãm dẹp thân xác, hãm dẹp những tính mê tật xấu, hãm dẹp những gì làm mất lòng Chúa và làm phiền lòng anh em. Giáo Hội giản lược việc ăn chay vào hai ngày trong một năm, không phải vì coi nhẹ việc ăn chay, nhưng vì Giáo Hội muốn tránh thái độ ăn chay hình thức, để tập trung vào việc ăn chay trong tâm hồn.

Nhịn ăn một bát cơm không bằng nhịn nói một lời có thể làm buồn lòng người khác. Nhịn ăn một miếng thịt không bằng nhịn đi một cử chỉ xúc phạm đến anh em. Nhịn một bữa cơm ngon không bằng nhường nhịn, tha thứ, làm hòa với nhau. Kiềm chế cơn đói không bằng kiềm chế cơn nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện cờ bạc. Kiềm chế cơn khát không bằng kiềm chế dục vọng, tính tham lam, thói kiêu ngạo.

Chính vì thế mà Ngôn Sứ Giô-en đã kêu gọi dân chúng: "Hãy xé lòng chứ đừng xé áo". Người Do-thái có tục lệ khi ăn chay, thống hối thì xé áo ra. Ðó là một hình thức biểu lộ sự thống hối. Ðiều quan trọng là có tâm hồn thực sự sám hối. Xé áo không bằng xé lòng ra khỏi những tham lam, bất công. Xé áo không bằng xé lòng ra khỏi thói lười biếng, khô khan, nguội lạnh. Xé áo không bằng xé lòng ra khỏi những dính bén trần tục. Xé áo không bằng xé lòng ra khỏi thói gian dối, giả hình. Chỉ khi thực sự xé lòng ra như thế, ta mới gạt bỏ được những chướng ngại ngăn cản ta đến với Chúa. Chỉ khi thực sự xé lòng ra như thế, ta mới đến gần Chúa, sống tình thân mật với Chúa, hưởng được tình yêu thương của Chúa.

Ðể ăn chay trong tinh thần và để thực sự hướng về tha nhân, nhiều nước trên thế giới đã biến việc ăn chay thành những hành động bác ái cụ thể. Mỗi ngày trong Mùa Chay, họ bớt chi tiêu một chút, gửi tiền tiết kiệm giúp những nơi nghèo khổ, bị thiên tai. Nhờ thế, việc ăn chay của họ không còn là hình thức, nhưng là những hy sinh thực sự và trở nên những việc làm đầy tình bác ái huynh đệ.

Bây giờ thì chúng ta đã hiểu thế nào là ăn chay và sám hối đẹp lòng Chúa. Mỗi người hãy tự đặt ra cho mình, cho gia đình mình một chương trình sống Mùa Chay. Ước gì Mùa Chay năm nay sẽ là khởi điểm của một đời sống mới, giúp mỗi người chúng ta thực sự thay đổi đời sống, mến Chúa hơn, yêu người hơn.

Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi. Amen.

Gm. NGÔ QUANG KIỆT, Giám Mục Lạng Sơn

SUY NIỆM 2:

TRO NHẮC TA Ý THỨC THÂN PHẬN MÌNH

Năm nào cũng thế, Giáo Hội dành cả một Mùa Chay dài để mời gọi chúng ta ý thức thân phận nhỏ nhoi mỏng dòn nơi bản tính con người của mình, vốn dễ bị tội lỗi thống trị. Nghi thức xức tro chính là nghi thức khai mạc Mùa Chay. Nó là hành động hữu hiệu và cụ thể nhất nhắc nhỡ ta về thân phận và kiếp người nhỏ nhoi mỏng dòn ấy. Ðể khi cúi đầu nhận lãnh một chút tro từ tay Thừa Tác Viên, bạn và tôi hiểu rằng: Thân phận này chỉ là bụi tro, Bởi thế, nghi thức xức tro là một nghi thức sám hối ý nghĩa nhất.

Nếu ta xức tro bằng một ý hướng ngay lành, bằng một tâm hồn thành thật, nghi thức này sẽ cho ta sự khiêm tốn cần thiết để đón nhận bài học của một sự thật rất quý giá: xuất phát từ tro bụi, thân phận được hoàn trả cho bụi tro. Chỉ cầm một lần xuôi tay nhắm mắt là đủ để tất cả tan biến.

Ðồng thời Mùa Chay còn giúp ta có đủ thời gian chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Phục Sinh, đón mừng vị thủ lãnh của ta vượt qua sự chết, sự đau khổ đưa ta vào nguồn sống thật. Dẫu chỉ là tro bụi, nhưng nhờ Chúa Ki-tô, thân phận bụi tro không mất đi, không tan biến đời đời, nhưng lại được mặc lấy sự sống vĩnh cửu, sự sống phục sinh huy hoàng của chính Chúa Ki-tô.

Với hai tâm tình chính của Mùa Chay: ý thức thân phận của bản thân và chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Phục Sinh như thế, Giáo Hội mời gọi ta ăn năn sám hối, mời gọi ta trở về với Chúa bằng nỗ lực nên thánh của mình. Bài học của sự trở về và nên thánh của các thánh sẽ là bài học cụ thể cho ta noi gương bắt chước. Tôi muốn nói với bạn về cuộc trở lại của thánh Phao-lô Tông Ðồ.

Sách Công Vụ Tông Ðồ cho biết, thánh Phao-lô là một thanh niên Do-thái nhiệt thành và rất sùng đạo. Phao-lô không thể chấp nhận giáo thuyết quá mới mẻ của ông Giê-su, một thứ giáo thuyết dường như đi ngược lại mọi lề luật, mọi truyền thống của cha ông. Chính bản thân ông Giê-su đã bị các bậc lãnh đạo trong đạo Do-thái và chính quyền đế quốc giết chết nhục nhã và thảm hại trên thật giá. Cuộc đời Giê-su đã chấm hết từ đó, vậy mà những người tự xưng là môn đệ của Giê-su lại rao giảng ở khắp nơi rằng Giê-su đã sống lại, không những vẫn sống cho đến nay, mà sẽ sống đời đời. Ðám môn đệ khờ dại ngu ngốc còn cho rằng: Giê-su là Con Thiên Chúa, là Ðấng Cứu thế mà trần gian này chỉ có một. Mỉa mai thay ! Làm sao một người đạo đức như Phao-lô, rất mực tôn thờ Chúa như Phao-lô lại có thể chấp nhận những điều ấy. Phạm thượng đến thế là cùng !

Chưa hết, đám môn đệ đáng thương đó còn hăng say gieo rắc cái lý thuyết đầy tội lỗi ấy khắp nơi. Bây giờ lũ người mê muội ấy càng lúc càng đông. Phải chặn đứng. Phải tiêu diệt. Phải bảo vệ tôn giáo và truyền thống của cha ông.

Và cuộc tử đạo đầu tiên bắt đầu. Một người thanh niên cũng ngoan đạo không kém gì Phao-lô: Stê-pha-nô. Khác một điều, Stê-pha-nô lại trung thành với Giê-su quá mức, sẵn sàng chết để tuyên xưng niềm tin vào Giê-su. Tội của Stê-pha-nô đáng chết lắm. Ngày tử hình Stê-pha-nô, Phao-lô đã làm chứng nhân cho cuộc hành huyết này. Từ đó chàng trai Phao-lô càng hăng say bảo vệ Do-thái giáo. Anh đã lên Giê-ru-sa-lem, xin các bậc lãnh đạo chứng minh thư để đi Ða-mát bắt hết bọn người ngu ngốc tin tưởng vào Giê-su, đem về Giê-ru-sa-lem mà xử tội.

Phao-lô lầm to. Các môn đệ của Chúa Giê-su không hề ngu ngốc, chỉ có Phao-lô là không hiểu biết gì. Phao-lô không hề là đối tượng thù ghét của Giê-su. Chỉ có Phao-lô là thù ghét Giê-su và bắt bớ môn đệ Ngài mà thôi. Phao-lô đâu có ngờ rằng, chính khi ra sức bảo vệ đạo giáo, bảo vệ truyền thống của cha ông, Phao-lô đã kịch liệt chống đối Thiên Chúa, phạm thượng đến mức quá sức tưởng tượng và tàn nhẫn vô song khi đổ máu các môn đệ.

Chính Giê-su chẳng những không thù ghét mà còn muốn Phao-lô trở lại làm môn đệ cho Ngài. Buổi trưa hôm ấy, tiếng của Chúa Giê-su uy hùng trong ánh sáng huyền diệu siêu phàm: "Sao-lô, Sao-lô sao người bắt bớ Ta ?" đã xô Phao-lô ngã ngựa trong cơn khiếp sợ kinh hoàng. Từ đó Phao-lô đã đổi đời. Chàng trai Sao-lô ngày nào hăng say chống phá Ðạo Mới của thủ lãnh Giê-su bao nhiêu, giờ đây trở nên thánh Phao-lô hăng say gìn giữ và bảo vệ giáo huấn của Giê-su bấy nhiêu. Chúa Giê-su đã không lầm khi chọn một kẻ thù nghịch với mình làm môn đệ. Bởi kẻ thù nghịch ấy bây giờ đã trở thành một trong những môn đệ hàng đầu trong số các môn đệ. Phao-lô nguyện suốt đời tôn thờ Chúa Giê-su, suốt đời trung thành với giáo huấn của Ngài. Thánh Phao-lô đã nên giống Thầy Giê-su cho đến mức, cuối đời, sau những năm tháng dài vất vả bôn ba khắp nơi để rao giảng giáo huấn của Thầy, đã hiến dâng dòng máu, hiến dâng mạng sống của mình làm chứng tá cho giáo huấn đó.

Thánh Phao-lô là tấm gương cho sự quyết tâm trở về và trung thành với Chúa của Chúng ta. Cuộc trở về của ngài là bài học của sự dứt khoát từ bỏ quá khứ mà ta cần học lấy cho chính mình, để dù có tội lỗi đến đâu, có bất xứng cách mấy, ta vẫn có thể nhìn vào đó mà đứng lên, làm một cuộc đổi đời như thánh Phao-lô.

Không chỉ là tấm gương tuyệt hảo cho ta, trong Bài Ðọc Hai của Lễ Tro hôm nay, bài trích thư gửi giáo dân thành Cô-rin-tô, thánh Phao-lô còn mời gọi: "Nhân danh Chúa Ki-tô, tôi năn nỉ anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa". "Tôi năn nỉ anh em !" Lời mời gọi sao mà tha thiết quá, đáng yêu quá. Từ một con người quá xa lạ với Ðạo Chúa, xa lạ đến mức như là tội ác, vậy mà giờ đây lại có những lời chân thành thấm thía đến thế. Con người đó rất đáng để bạn và tôi khâm phục. Cả con người và lời "năn nỉ" đó rất đáng cho ta học lấy và nghe theo để cả đời ta cũng sẽ tốt lành thánh thiện như ngài.

Có ai ngờ một kẻ chống đạo lại trở thành thánh nhân. Thánh Phao-lô, một bầu trời hy vọng cho ta. Ngay cả một lần chối Chúa cũng chưa từng, và sẽ không bao giờ dám có một ý nghĩ nào manh nha như thế, đừng nói chi đến chống đối Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng điều mà thánh Phao-lô đã đạt được hôm nay, nhờ tình yêu của Chúa, ta cũng sẽ đạt được trọn vẹn như thế.

Mùa Chay, rắc một chút tro tàn lên đầu để mỗi ngày ý thức thân phận bé nhỏ của mình mà cảm nhận lòng thương xót của Chúa, mà nỗ lực cộng tác với ơn Chúa. Nhờ đó ta dám hy vọng chính bản thân ta có thể bước ra từ thân phận tội nhân để trở thành thánh nhân.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG, Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 3:
THỨ TƯ LỄ TRO

A. LỜI CHÚA:

MởÛ đầu Mùa Chay, Hội Thánh dùng lời ngôn sứ Giô-en ( Ge 2, 12 - 18 ) để chỉ cho chúng ta thấy phải sống Mùa Chay như thế nào: "Hãy thật lòng trở về với Ta""Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo". Trong đoạn Tin Mừng hôm nay ( Mt 6, 1 - 6 ), Chúa Giê-su dạy chúng ta về ba việc đạo đức tiêu biểu mà người do thái thường làm. Ðây cũng là những đòi hỏi của Mùa Chay mà mỗi người chúng ta phải đáp ứng. Ðó là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Bởi vì qua 3 việc đạo đức tiêu biểu này, chúng ta có thể hiểu về tất cả những việc đạo đức khác.

Chúa dạy chúng ta khi làm các việc đạo đức: Trước hết là đừng quá chú trọng đến những vẻ bề ngoài. Chúa bảo Ðừng "khua chiêng đánh trống" Ðừng làm ở "trong hội đường hay ở ngã ba đường". Cũng đừng "làm cho ra vẻ thiểu não". Tiếp đến là "Ðừng làm để được người ta khen" hay "cốt để cho người ta khen", cũng đừng để "cho người ta thấy", hoặc là "Ðể thiên hạ thấy là chúng ăn chay", mà hãy làm một cách kín đáo ( kín đáo: Không có nghĩa là dấu diếm người ta, mà là không có ý khoe khoang ) nhưng và chỉ cốt làm vui lòng Cha trên Trời.

B. VÀ CUỘC SỐNG:

Trong Mùa Chay, chẳng những ta phải gia tăng những việc đạo đức ( về phương diện lượng ) mà còn phải lưu ý làm những việc đó với tâm tình sốt sắng hơn ( về phương diện phẩm ).

1. Việc Bố Thí:

Ðây là một việc đạo đức đang đi vào quên lãng. Truyện kể rằng: Có một con chuột sống trong một ngôi Nhà Thờ cũ kỹ ở miền quê. Một hôm nó đang đi lang thang dạo mát bỗng gặp một con chuột khác cũng đang đi chơi. Nó liền được dịp tâm sự: "Tôi sống chui rúc dưới gầm một Tòa Giải Tội. Nhưng chẳng được mấy yên thân vì hầu như lúc nào cũng có người xưng tội, phá giấc ngủ của tôi". Nghe thế con chuột kia nói: "Vậy bạn hãy dọn đến chỗ ở của tôi. Chỗ ấy ấm áp sạch sẽ mà chẳng mấy khi có người quấy rầy, yên tĩnh lắm" - "Ô thế bạn ở đâu vậy ?" - "Ở trong thùng tiền cứu giúp người nghèo".

Chúng ta hãy trả lại cho công việc tốt đẹp này chỗ đứng của nó. Bố thí có một giá trị đạo đức rất lớn. thể hiện một sự hy sinh cao độ. Chúng ta vẫn nói: "Ðồng tiền liền khúc ruột". Chính vì thế mà bố thí có giá trị hy sinh lớn. Bố thí cũng còn giúp chúng ta bớt dính bén tiền bạc. Nếu không cẫn trọng thì tiền bạc dễ mê hoặc làm cho chúng ta xa cách Chúa và xa cách anh em. Cuối cùng, bố thí còn có một giá trị đền tội: Sách Tô-bi-a nói: "Việc bố thí thanh tẩy mọi tội lỗi" ( Tb 12, 8 - 9 ).

2. Việc Ăn Chay:

Ðừng hiểu chay tịnh chỉ là kiêng khem một bữa ăn, hay giảm thiểu thức ăn trong bữa. Hiểu như thế chưa phải là tinh thần của việc ăn chay. Nói một cách chuẩn xác hơn: Chay tịnh là phương thế giúp chúng ta tập làm chủ con người của mình, nhất là làm chủ thân xác của chúng ta.

Trong kho tàng truyện cổ của nước Pháp có câu truyện vui nhưng cũng rất có ý nghĩa này: Khi ông ông Nô-ê trồng nho, Xa-tan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi: "Ông đang trồng gì thế ?" - "Cây nho !" - "Nó có lợi gì không ?" - "Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho, ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa". - "Vậy thi để tôi giúp ông"... Xa-tan mới giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Xa-tan lấy máu của chúng tưới gốc cây nho. Thế là cây nho lớn nhanh. Nô-ê lấy trái nho làm rượu. Từ đó trở đi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ và dễ thương như con chiên; uống thêm chút nữa thì mạnh bạo như sư tử; Nếu chưa ngưng mà còn uống thêm thì sẽ ngu như lừa; Nếu lại uống nữa thì... hoàn toàn như con heo vậy.

Chay tịnh tập cho người ta biết lúc nào phải dừng lại. Con người có bản lãnh, biết làm chủ được mình là con người biết dừng lại đúng lúc.

3. Việc Cầu Nguyện:

Chúa bảo chúng ta khi cầu nguyện đừng có nhiều lời nhất là những lời thở than ai oán. Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa. Ðây là lời cầu nguyện, một cuộc nói chuyện với Chúa ( Nguyên tác "Love Story", bản dịch của giáo sư Trần Duy Nhiên ):

Một hôm, tôâi dậy sớm để xem cảnh hừng đông vừa mới hé,

Ôi, công trình Thiên Chúa mới diễm lệ xiết bao.

Mắt ngắm nhìn, tôi ngợi khen Thiên Chúa về những kỳ công nhiệm mầu...

Tôi ngồi đấy, và thấy rằng Chúa hiện diện.

Người hỏi tôi: "Con có yêu mến Ta không ?"

Tôi đáp: "Lẽ tất nhiên, Lạy Chúa ! Chúa là Thiên Chúa và Ðấng Cứu Ðộ con".

Và Người hỏi: "Nếu con mang khuyết tật, con có còn yêu mến ta không ?"

Tôi ngỡ ngàng, nhìn xuống tay chân và toàn bộ hình hài,

Rồi nghĩ rằng có bao điều tôi sẽ không tài nào làm được,

Ngay cả những điều tôi thấy là đương nhiên.

Và tôi trả lời: "Hẳn là sẽ rất khó đấy, lạy Chúa, nhưng... con vẫn yêu Chúa !"

Người lại hỏi: "Nếu con mù, con có còn yêu các thọ tạo của Ta chăng ?"

Làm sao lại có thể yêu một điều mình không thể thấy nhỉ ?

Và tôi nghĩ đền bao nhiêu người mù trên thế giới,

Và biết bao người trong số họ

Vẫn cứ yêu mến Chúa và muôn thọ tạo của Người.

Thế nên tôi đáp lời: "Nghĩ như thế thật đau lòng, Nhưng... con vẫn yêu Ngài !"

Chúa tiếp tục hỏi: "Nếu con điếc, con có còn chịu lắng nghe Lời Ta không ?"

Làm sao lại có thể nghe được điều gì nếu tai mình bị điếc ?

Rồi tôi chợt hiểu: Nghe Lời Chúa không chỉ bằng đôi tai, mà bằng chính tâm hồn.

Tôi trả lời: "Thật khó lòng làm như thế, nhưng... con vẫn yêu mến lời Ngài "

Người lại hỏi: "Nếu con câm, con vẫn còn ca tụng Danh Ta chứ ?"

Làm sao mà có thể ca tụng khi mình không còn giọng hát ?

Rồi tôi chợt nhận ra: Chúa muốn tôi ca lên từ đáy sâu tấm lòng chân thật.

Tiếng ca của tôi dẫu có thế nào cũng được.

Và ngợi khen Chúa không chỉ là hát ca,

Nhưng trong những ngày gian nan,

Tôi sẽ ca ngợi Chúa bằng cách cảm tạ Người.

Vì thế tôi mới nói: "Dù con không thể hát, con vẫn còn ngợi ca Chúa đến trọn đời !"

Ðến đây, tôi cứ ngỡ rằng mình đã trả lời quá hay,

Nhưng... Chúa chợt hỏi: "Thế, vì sao con phạm tội ?"

Tôi vội trả lời: "Vì con chỉ là con người, con chưa phải trọn lành."

Chúa lại hỏi thêm "Thế sao khi yên ổn, con lại đi xa ta thế ?

Và vào những lúc nguy nan, con mới biết cầu nguyện hết lòng ư ?"

Tôi đành nín lặng, và tôi chỉ còn biết khóc...

Chúa lại dồn dập hỏi:

"Sao con chỉ hát với cộng đoàn và trong những buổi tĩnh tâm ?

Sao con chỉ kiếm tìm Ta trong những khi thờ phượng ?

Sao con cầu xin bao nhiêu thứ chỉ vì mình con ?

Sao con cầu xin mà lại thiếu lòng xác tín ?"

Lệ trào mi chảy xuống má của tôi...

"Sao con xấu hổ về Ta ?

Sao không rao giảng Tin Mừng cho đến nơi đến chốn ?

Sao khi gặp gian truân, con lại đi thở than với người khác,

Trong khi chính Ta trao vai mình cho con tựa vào mà khóc ?

Sao con lại chối từ khi Ta cho con cơ hội phục vụ Danh Ta ?"

Tôi muốn trả lời, nhưng còn biết nói gì đây ?

"Ta ân ban cho con sự sống, đâu có phải là để con vứt bỏ !

Ta ân ban cho con tài năng để phục vụ Ta, nhưng con đã vội quay lưng !

Ta mặc khải Lời Ta cho con, nhưng con không chịu thêm gì trong hiểu biết !

Ta nói khó với con, nhưng con cứ bịt tai !

Ta chúc phúc cho con, nhưng con hướng mắt nhìn nơi khác !

Ta sai tôi tớ đến với con, nhưng con ngồi yên khi họ bị đuổi xua !

Ta nghe lời con cầu và đã nhậm lời mọi điều con cầu khẩn.

Vậy, con có thực sự yêu mến Ta chăng ?"

Tôi không thể trả lời. Làm sao trả lời đây ? Tôi vô cùng bối rối.

Tôi không còn lời biện bạch. Tôi có thể nói gì đây ?

Lòng kêu thét và mắt tôi đẫm lệ, tôi trình Người:

"Lạy Chúa, xin thứ tha, con không xứng làm con của Chúa !"

Chúa đáp lời: "Ân Huệ của Cha đấy, con ơi !"

Tôi bèn hỏi: "Sao Chúa vẫn tha thứ cho con ? Sao Chúa lại yêu con đến thế ?"

Chúa trả lời: "Vì con là công trình Sáng Tạo của Ta.

Con là con của Ta. Ta chẳng thể nào bỏ rơi con.

Khi con khóc, Ta đồng cảm và cùng khóc với con.

Khi con hớn hở reo vui, ta cùng cười với con.

Khi con suy sụp tinh thần, Ta luôn khích lệ con.

Khi con vấp ngã, Ta nâng con chỗi dậy

Khi con mệt mỏi, Ta đã bồng bế con trên tay.

Ta sẽ ở cùng con cho đến ngày sau cùng,

Và Ta sẽ còn yêu thương con mãi mãi."

Chưa bao giờ tôi khóc nhiều như thế.

Làm sao tôi đã từng có thể sống dửng dưng ?

Làm sao tôi đã từng xúc phạm Chúa quá nhiều ?

Tôi hỏi Chúa: "Vậy, Chúa thương con đến mức độ nào ?"

Chúa đưa tay ra và tôi thấy dấu đinh xuyên thấu,

Tôi gục đầu dưới chân Chúa của tôi,

Và lần đầu tiên trong đời, tôi đã biết nguyện cầu thực sự...

Lm. ÐINH TẤT QUÝ, Giáo Xứ Bùi Phát

CHỨNG TÁ:

CHIẾC QUẦN CỦA CHA XỨ

Một hôm trên đường trở về nhà xứ, vị Linh Mục già của thị trấn Picardie, vừa đi vừa đọc thầm kinh nhật tụng. Có hai viên sĩ quan trẻ cũng về chung đường. Khi rảo bước ngang qua, cả hai đều tỏ ý mỉa mai chế nhạo ông cha đạo vì từ lâu họ đã mất niềm tin nơi Giáo Hội Công Giáo. Sẵn đang vui chuyện, họ tiếp tục chủ đề chỉ trích các tu sĩ, mặc kệ ông cha xứ già bị bỏ rơi lại phía sau một đoạn khá xa.

Chợt có một người hành khất ngồi bên vệ đường lên tiếng: "Các anh ơi, xin giúp kẻ nghèo này với." Nghe vậy, một trong hai sĩ quan trẻ lục túi tìm cho người ăn mày mấy đồng bạc, trong khi anh kia cũng chợt nẩy ra một ý. Anh nói với bạn: "Ông cha già hồi nãy thế nào cũng sẽ đi ngang qua đây. Tôi dám cá độ với anh là ông ta sẽ chẳng thí cho lão ăn mày này đến một xu ! Cái bọn tu sĩ đạo đức giả ấy chỉ thích làm phúc trước đám đông mà thôi. Không tin thì ta cứ rình ở đây mà xem !" Cả hai nhất trí trốn vào một bụi cây gần đó...

Ít phút sau, quả nhiên vị Linh Mục già chậm rãi đi tới. Ngài đứng lại nhìn người hành khất, đưa tay lục hết túi trên túi dưới, rồi hết sức ái ngại nói với ông ta: "Ông bạn đáng thương ơi, rất tiếc là ta chẳng có lấy một xu dính túi để chia sẻ cho ông bạn..." Anh lính trong bụi nghe thế thì rúc rích cười: "Ðấy, anh thấy chưa ? Tôi nói có sai đâu !"

Trong khi ấy, người ăn mày lại tiếp tục nài van, xin vị Linh Mục rộng lượng bố thí, còn ngài thì tỏ ra áy náy bứt rứt vì bó tay. Chợt, ngài nhìn kỹ bộ quần áo rách tả tơi của người ăn mày, động lòng trắc ẩn, suy nghĩ một thoáng rồi ngài bảo ông ta, giọng vui hẳn lên: "Ông bạn đợi ta một chút nhé, ta sẽ trở lại ngay !" Dứt lời, ngài nhìn trước trông sau rồi chui tọt vào bụi cây ngay cạnh chỗ hai anh sĩ quan đang núp. Loay hoay một hồi rồi ngài lại bước ra, ngài ân cần đưa cho người ăn xin chiếc quần dài đã cuốn gọn lại: "Ðây, ông bạn hãy cầm đỡ chiếc quần của ta nhé, tuy nó hơi cũ, lại đang mặc dở, nhưng có lẽ nó cũng giúp phần nào cho ông bạn. Nhớ đừng có kể cho ai nghe đấy. Nếu có định cám ơn ta thì ông bạn cứ cầu nguyện với Chúa cho ta một điều tốt lành gì đó cũng được. Thôi ta đi nhé..." Vị Linh Mục quản xứ già xốc lại chiếc áo chùng thâm cho ngay ngắn, tay lại mở trang sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ đang đọc dở dang rồi tiếp tục đoạn đường...

Hôm sau, có hai người khách lạ tìm đến bấm chuông nhà xứ rất sớm. Vị Linh Mục già nhận lời ra ngồi tòa giải tội ngay. Và tất cả đầu đuôi câu chuyện đã được lần lượt thuật lại từ miệng hai anh sĩ quan trẻ tuổi ngày hôm qua, lòng hối hận, dạ chân thành ăn năn. Cha xứ ngẩn ngơ thốt lên: "Ôi Thiên Chúa nhân lành, chỉ với một chiếc quần cũ của con mà Ngài đã đem về cho con những hai linh hồn sao ?"

Theo lời kể của Ðức Ông DE SÉGUR

CÂU TRUYỆN:

NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHỔ

Sáng nay, ở trường về, đi trước mẹ mấy bước, con đi qua mặt một người đàn bà đáng thương đang bế trên tay một đứa bé xanh xao và ốm yếu; người ấy xin con tiền. Con nhìn bà ta, và con không cho gì hết, dù trong túi con có tiền. Nghe mẹ bảo con ạ, đừng quen thói dửng dưng đi qua trước người nghèo khổ ngửa tay xin mình giúp đỡ, và hơn nữa, trước một người mẹ xin một xu cho con mình. Con hãy nghĩ rằng có thể đứa bé con ấy đang đói, hãy nghĩ đến những nỗi khắc khoải của người đàn bà đáng thương !

Con có tưởng tượng ra những lời nức nở tuyệt vọng mà mẹ con sẽ phải nói với con một ngày nào đấy: "En-ri-cô,mẹ không có bánh mì cho con". Khi mẹ giúp đỡ một người nghèo, người ta cảm ơn mẹ bằng cách chúc cho mẹ và người thân thích của mẹ đều được sức khoẻ dồi dào. Con không thể biết là những lời ấy đối với mẹ dịu dàng biết bao nhiêu, và mẹ biết ơn đến ngần nào người nghèo khổ đã nói với mẹ ! Ðối với mẹ hình như lời cầu chúc ấy phải bảo vệ cho tất cả những người thân yêu của mẹ, và mẹ về nhà càng vui lòng và tự nhủ: "Người nghèo khổ này đã trả lại cho mình nhiều hơn mình đã cho họ nhiều".

"Hãy tin lời mẹ, En-ri-cô của mẹ ạ, thỉnh thoảng con phải trích ra một đồng từ túi tiền của con để nó rơi vào tay một cụ già không nơi nương tựa, một bà mẹ không có bánh ăn, một đứa trẻ không có mẹ. Người nghèo khổ thích trẻ con cứu giúp, vì không phải tủi nhục, vì tuổi trẻ giống như họ, lúc nào cũng có những người nghèo khổ quanh quất gần trường học không ?

Sự giúp đỡ của một người lớn là một hành vi từ thiện, nhưng của một đứa trẻ vừa là một hành vi từ thiện, lại là một sự vuốt ve, con có hiểu không ? Cũng dường như từ tay đứa trẻ bỏ xuống cùng một lúc, một đồng hào và một đóa hoa.

Con hãy nghĩ rằng con chẳng thiếu thốn gì hết, còn người nghèo khổ thì thiếu thốn tất cả mọi thứ, trong lúc con ước mong được sung sướng, thì họ chỉ cầu xin được khỏi chết. Thật là buồn khi nghĩ rằng giữa bao nhiêu nhà giàu có, ngoài phố xá qua lại bao nhiêu là xe cộ và trẻ em mặc toàn quần áo nhung, lại có những đàn bà và trẻ em không có gì mà ăn cả ! Không có gì mà ăn cả.

Ôi ! En-ri-cô, từ nay về sau đừng có bao giờ qua trước một bà mẹ xin cứu giúp mà không đặt vào tay bà một đồng hào ! Mẹ của con".

Trích NHỮNG TÂM HỒN CAO THƯỠNG của EDMUNDO DE AMICIS

THÔNG TIN:

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ VẬT PHẨM ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Một Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ QUÀ TRỠ GIÚP ÐỘT XUẤT

- Giúp tiền thuê nhà cho một đôi vợ chồng bị nhiễm HIV ( Sài-gòn ) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  200.000 VND

- Giúp tiền xe về quê An Giang cho một người bị tai nạn gãy tay mới xuất viện . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 50.000 VND

- Bác sĩ Bích Ðào ( Pháp ) giúp một bệnh nhân mổ sỏi thận ở Huế . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  5.000.000 VND

- Một ân nhân ẩn danh ( Sài-gòn ) tặng GLV dân tộc Kontum, ký hiệu MCS 57 . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .Một thùng quà lớn

- Một số Giáo Dân GX. Bình Minh ( qua ông Vũ Văn Thiện ) giúp người dân tộc . . . . . . . . . . . . . . . . . .  Một bao lớn quần áo

HỌC BỔNG CHO 71 EM Ở GIÁO PHẬN BẮC NINH

Gospelnet số 102 xin tiếp tục trợ giúp tháng 3.2003 cho 71 em học sinh nghèo ở rải rác tại vùng nông thôn nghèo của các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phúc Yên, Ninh Bình, Hà Nội, Hưng Yên, những nơi đang có các Soeurs Dòng Ða-minh Bắc Ninh, cộng đoàn Xuân Hòa, phục vụ. Tổng cộng: 71 em x 50.000 VND = 3.550.000 VND ( 250 USD ). Số tiền này do cụ Nguyễn Văn Nghi ( Na Uy ) đọc thấy thông tin trên Gospelnet, đã gửi về, nhờ người con gái ở Việt Nam là cô Nguyễn Bạch Ngân mang đến cho Gospelnet để chuyển đến gia đình các cháu bé. Xin thay mặt các Soeurs và gia đình các cháu bé để tỏ lòng biết ơn đến cụ và gia đình.

HỌC BỔNG CHO 20 EM Ở GIÁO XỨ KIÊN LONG, TÂY NINH

Cha Hà Minh Nghĩa, Giáo Xứ Kiên Long và Sr. Tuyết Trinh, Dòng Ða-minh Rosalima, giới thiệu một danh sách 20 em học sinh nghèo ngụ tại ấp Bình Long, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Gia đình các em rất nghèo, không có đất canh tác, đều phải đi làm mướn, các em có nguy cơ phải dở dang việc học. Gospelnet số 102 xin trợ giúp mỗi em 50.000 VND cho tháng 3.2003, tổng cộng: 1.000.000 VND.


01. ÐỖ TRUNG HIẾU, đang học lớp 11

02. NGUYỄN HOÀNG QUÂN, đang học lớp 11

03. NGUYỄN THỊ THU HẠNH, đang học lớp 10

04. MAI HOÀNG VŨ, đang học lớp 6

05. HÀ THANH DƯƠNG, đang học lớp 5

06. NGUYỄN DUY, đang học lớp 8

07. VŨ NGỌC GIANG, đang học lớp 5

08. NGUYỄN THỊ KIM LÝ, đang học lớp 9

09. NGUYỄN DUY LỊCH, đang học lớp 7

10. NGUYỄN DUY LONG, đang học lớp 5

11. NGUYỄN THỊ HẠNH, đang học lớp 6

12. NGUYỄN QUỐC HÙNG, đang học lớp 10

13. NGUYỄN CÔNG DANH, đang học lớp 7

14. NGUYỄN THUỴ VY, đang học lớp 8

15. NGUYỄN THỊ NGỌC, đang học lớp 10

16. DƯƠNG HOÀNG THÔNG, đang học lớp 6

17. NGUYỄN TẤN ÐẠT, đang học lớp 6

18. NGUYỄN VĂN BẢO, đang học lớp 6

19. NGUYỄN THỊ HỒNG, đang học lớp 8

20. NGUYỄN NGỌC TÚ, đang học lớp 1.


HỌC BỔNG CHO 20 EM DÂN TỘC LỚP HỌC TÌNH THƯƠNG Ở TÂY NINH

Sr. Bùi Thị Mỹ, dòng Ða-minh Thái Bình, phụ trách giúp Nhà Nguyện Hòa Bình, tổ 3 ấp Thành Ðông, xã Thành Long, huyện Châu, tỉnh Tây Ninh, giới thiệu danh sách 20 em nghèo dân tộc Kampuchea Vàng Kinh, nằm trong danh sách 60 em của Lớp Học Tình Thương mang tên Thành Long. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình rất nghèo, được các Soeurs tập họp lại để dạy văn hóa và giáo dục nhân bản, tránh không để bị lối kéo vào việc làm "cửu vạn" tải thuốc lá qua biên giới cho bọn buôn lậu. Gospelnet số 102 xin bắt đầu trợ giúp mỗi em 50.000 VND một tháng, kể từ tháng 3.2003, tổng cộng: 1.000.000 VND, số tiền này do một cộng đoàn Nữ Tu tại Sài-gòn, xin ẩn danh, mới chia sẻ với Gospelnet.


01. SÂM VĂN SU

02. DÂN RÚT

03. PEN LÊ

04. DÂN CHÂU

05. HÔNG VĂN HOÀNG

06. CHÂU VĂN XUÂN

07. DÂN XI ÚC

08. PEN VĂN NGÓT

09. CAO VĂN BƯ

10. NGUYỄN THỊ SỰ

11. NGUYỄN THỊ TÁM

12. NGUYỄN VĂN HIỀN

13. NGUYỄN PHI HỒNG

14. CHÂU THỊ KIM LÊ

15. NGUYỄN THỊ THÙY TRINH

16. NGUYỄN VĂN BẢNG

17. NGUYỄN THỊ TRÚC NGA

18. TRẦN VĂN TIẾN

19. PHAN THỊ ÚT

20. TRẦN VĂN HIỀN

 


 

HỌC BỔNG CHO 2 EM HỌC SINH NGHÈO Ở BẢO LỘC

Cha Nguyễn Bá Long, DCCT, giới thiệu 2 anh em con một gia đình nghèo, ngụ tại xã Lộc Thanh, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Ðồng: NGUYỄN VŨ DUY QUANG, sinh ngày 18.5.1989, đang học lớp 6 A7, và NGUYỄN VŨ THÚY TRANG, sinh ngày 20.9.1991, cũng đang học lớp 6 A7. Gospelnet xin trợ giúp mỗi em 50.000 VND một tháng, liên tiếp trong bốn tháng, từ tháng 2 đến hết tháng 5.2003 ( cuối năm học ), tổng cộng: 2 em x 50.000 VND x 4 tháng = 400.000 VND.

TRỠ GIÚP CHO MỘT GIA ÐÌNH ÐANG LÂM CẢNH NGẶT NGHÈO Ở LÂM ÐỒNG

Sr. Vũ Thị Hòa, Dòng Ða-minh Rosa Lima, giới thiệu trường hợp gia đình anh NGUYỄN QUANG ÐA ( 52 tuổi ), vợ là chị NGUYỄN THỊ VÂN ( 46 Tuổi ), cùng 5 người con là Nguyễn Thị Tú Uyên, Nguyễn Thị Huyền Trâm, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thị Cẩm Nhung, và Nguyễn Thị Bích Thủy. Gia đình ở vùng Kinh Tế Mới xã Kađô, huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng. Căn nhà hiện tại nền đất lợp lá tranh, chỉ ước mơ có được nền nhà tráng xi-măng để khỏi bị bọ chét cắn, mà vẫn không được. Ngày 29 Tết vừa qua, chị Vân bị tai biến mạch máu não, qua đời lúc Giao Thừa, đến sáng mùng 2 Tết thì an táng. Gospelnet xin trợ giúp số tiền 500.000 VND để gia đình có thể tạm thời qua cơn ngặt nghèo. Rất mong quý ân nhân gần xa chia sẻ thêm.