TIN MỪNG: Mc 2, 1 - 12
ÐỨC GIÊ-SU CHỮA NGƯỜI BẠI LIỆT
Khi ấy Ðức Giê-su trở lại thành
Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, người ta tụ tập lại, đông đến
nỗi không còn chỗ nữa, cả ngoài cửa cũng không còn. Người giảng
Lời cho họ. Bấy giờ người ta đem đến cho Ðức Giê-su một kẻ bại
liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ
không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên
chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm
trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Ðức Giê-su bảo người
bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi." Nhưng có
mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: "Sao
ông này lại dám nói như vậy ? Ông ta nói phạm thượng ! Ngoài một
mình Thiên Chúa ra, ai có quyền tha tội ?"
Tâm
trí Ðức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới
bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy ? Trong
hai điều: một là bảo người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi", hai
là bảo: "Ðứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi", điều nào dễ hơn ?
Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -
Ðức Giê-su bảo người bại liệt, - Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy,
vác lấy chõng của con mà đi về nhà !" Người bại liệt đứng
dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy
đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta
chưa thấy vậy bao giơ ø!"
SUY NIỆM 1:
THIÊN CHÚA QUYỀN NĂNG VÀ TỪ BI ÐỐI VỚI MỌI TỘI LỖI CỦA LOÀI
NGƯỜI
Hôm nay chúng ta lại được nghe
Thánh Mác-cô tường thuật một sự kiện khác xẩy ra tại Ca-phác-na-um,
khi Ðức Giê-su trở lại nơi này sau chuyến truyền giáo sôi động và
hiệu quả. Ðó là việc Ðức Giê-su chữa lành một người bị bại liệt.
Phép lạ mà Ðức Giê-su thực hiện cho người bại liệt là cơ hội cho
mọi người biết Người có quyền tha tội cũng như có khả năng chữa
bệnh. Người không chỉ có quyền mà còn có lòng thương đối với tội
nhân. Chính lòng thương cộng với quyền năng vô biên của Chúa khiến
người bại liệt được chữa lành và được thứ tha.
TÌM HIỂU LỜI CHÚA:
Bài đọc 1 ( Is 43, 18 -
19 . 21 . 24b - 25 ): Thiên Chúa loan báo qua
Ngôn Sứ I-sai-a là Người sắp làm "một việc mới": đó là Thiên
Chúa sẽ xóa sạch mọi tội phản nghịch của dân Ít-ra-en và không còn
nhớ đến lỗi lầm của họ nữa.
Bài đọc 2 ( 2 Cr 1, 18 -
22 ): Phao-lô khẳng định lời rao giảng của ngài rất
rõ ràng, minh bạch, dứt khoát, không ba phải, không "vừa có lại vừa
không" vì lời rao giảng ấy dựa vào lời và cách hành động của Thiên
Chúa là Ðấng chỉ có "có" mà không có không.
Bài Tin Mừng ( Mc 2, 1 -
12 ): Ðức Giê-su nói Lời Thiên Chúa với dân chúng
và chữa lành người bại liệt, qua đó Người cho các kinh sư và dân
chúng biết Người có quyền năng tha tội như Thiên Chúa.
Ðức
Giê-su nói Lời Thiên Chúa cho dân chúng
Khi
rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy dỗ dân chúng, Ðức Giê-su luôn nói
lời của Thiên Chúa. Ðó cũng là điều mà dân chúng khát khao mong
chờ nhất. Vì thế mà dân chúng ngưỡng mộ lời giảng dạy của Ðức
Giê-su và tìm mọi cách để được nghe Ðức Giê-su nói lời Thiên Chúa.
Cảnh dân chúng vây quanh nhà của Ðức Giê-su ở Ca-phác-na-um đông
đến nỗi người ta phải dỡ mái nhà để đưa người bại liệt vào gần
chỗ Người ngồi thật là một cảnh cảm động và tràn trề niềm tin !
Ðức Giê-su minh chứng có quyền năng và
lòng thương để tha tội như Thiên Chúa
Song
song với việc nói Lời Thiên Chúa, Ðức Giê-su luôn hành động như
Thiên Chúa vẫn hành động trong lịch sử, để làm điều lành điều tốt
cho mọi người, nhất là cho những người kém may mắn và chạy đến với
Người. Bị bại liệt là một tình trạng thật khốn khổ, vì nhất cử nhất
động đều phải nhờ đến người khác. Ðứng trước cảnh khổ ấy của
người bệnh cũng như trước lòng tin và niềm hy vọng của anh và của
người nhà anh, Ðức Giê-su đã ra tay cứu chữa.
Qua việc chữa lành anh bại liệt, Ðức Giê-su không chỉ cứu
chữa anh mà còn bộc lộ mình ra với dân chúng. Ðức Giê-su đã khéo
tạo ra thắc mắc cho những người chung quanh, nhất là cho các kinh sư
là những người am tường Giáo Lý của Ðạo, khi tuyên bố với người
bại liệt: "Này con, tội con đã được tha". Nói đến tha
tội thì người Do-thái hiểu ngay rằng chỉ một mình Thiên Chúa có quyền
tha tội mà thôi. Vì thế mà họ đã thắc mắc, và họ thắc mắc rất
đúng: "Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa".
Chính từ thắc mắc ấy mà Ðức Giê-su có dịp "hé mở" cho họ
thấy ‘chân dung đích thực’ của Người.
Tin Mừng Mác-cô ghi rất rõ: Tâm trí
Ðức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo
họ: "Sao các ông lại nghĩ thầm trong bụng những điều ấy ? Trong hai
điều: một là bảo người bại liệt: "Tội con đã được tha rồi", hai là
bảo: "Ðứng dậy, vác chõng mà đi" điều nào dễ hơn ? Vậy, để các ông
biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, - Ðức Giê-su bảo
người bại liệt: "Ta truyền cho con: "Ðứng dậy vác chõng mà đi về nhà
!"
Ðức Giê-su thật thông minh, khôn khéo, chặt chẽ, lô-gích
trong lý luận và hành động cứu người và mạc khải về mình. Tường
thuật của Mác-cô cho phép chúng ta nghĩ rằng: được chữa lành và
được tha tội là hai ơn huệ mà người bại liệt nhận được cùng một
lúc; nhưng ơn được tha tội thì lớn lao hơn ơn được chữa lành bội phần.
Bản văn cũng không cho phép chúng ta suy diễn mối tương quan nhân quả
giữa bệnh bại liệt và tình trạng tội lỗi của người ấy.
VÀI SUY NGHĨ CHO NGÀY HÔM NAY
Suy nghĩ thứ nhất về sứ mạng
nói lời Thiên Chúa
Xem ra ngày hôm nay nói Lời Thiên Chúa quả là
một công việc vô vàn khó khăn vì dường như con người không còn thích
nghe Lời Thiên Chúa nữa mà chỉ thích nghe lời thế gian. Tình trạng
trên xẩy ra là do nhiều nguyên nhân: Có thể vì nhiều người bị lôi
cuốn bởi trăm ngàn thứ phù du: tiền tài, danh vọng, quyền lực, sự
nghiệp, tiện nghi cuộc sống...
Có thể vì nhiều người không hiểu biết giá trị
đích thực và tầm quan trọng của Lời Thiên Chúa. Cũng có thể vì
thiếu những người thật sứ biết nói Lời Thiên Chúa. Vì thế mà có
nhiều người không cảm thấy Lời Thiên Chúa là Lời đáng khát khao và
đáng lắng nghe. Vậy chúng ta phải làm gì cho những người này ?
Câu
trả lời rất đơn giản nhưng đòi hỏi nhiều nỗ lực: chúng ta phải khai
sáng cho họ, giúp họ thoát ra cảnh lầm lạc và giúp họ nếm được sự
ngọt ngào của Lời Chúa. Và chúng ta phải làm gì cho những người
thật sự khát khao muốn lắng nghe Lời Thiên Chúa ? Câu trả lời rất
đơn giản: chúng ta phải nói Lời Thiên Chúa cho họ. Nhìn vào thực tế
trong các Giáo Xứ, các Hội Ðoàn, nhiều Giáo Dân, nhất là giới trẻ,
khao khát học hỏi Thánh Kinh, Giáo Lý, Công Ðồng Vatican 2 mà không
biết học ở đâu, với ai ?
Ngoài ra, không phải bài giảng nào của các Linh
Mục cũng là nói Lời Thiên Chúa. Còn các Giáo Dân lười biếng, trễ
nải, u mê cũng không được quan tâm giúp đỡ, khai sáng... Còn nhìn
sâu vào xã hội, chúng ta thấy có rất nhiều người khát khao công
bằng, yêu thương, bình đẳng, tôn trọng mà không tìm đâu ra người đồng
hội đồng thuyền. Họ cũng không thấy các giá trị ấy được tôn vinh ở
môi trường họ làm việc và sinh sống. Họ cần gặp được các thừa tác
viên Lời Chúa là những người không chỉ biết nói Lời Chúa mà còn
biết sống Lời Chúa thực sự.
Thế
có nghĩa là trách nhiệm nói Lời Chúa và nhất là sống Lời Chúa vẫn
là một trách nhiệm hết sức quan trọng và cấp bách trong thời đại
ngày nay. Trách nhiệm ấy không chỉ là của riêng hàng Giáo Sĩ hay Tu
Sĩ mà là của hết mọi Ki-tô hữu, trong đó có Giáo Dân.
SUY NIỆM 2:
Người bại liệt chịu nhiều thiệt thòi. Không làm được những
việc cần làm. Không đến được những nơi muốn đến. Ðức Giê-su làm
phép lạ chữa nhiều bệnh. Tin ấy lan tới mọi hang cùng ngõ hẻm thành
Ca-phác-na-um. Người bại liệt nghe biết, nhưng ông không làm cách nào
đến gặp Ðức Giê-su để xin Người chữa lành. Ðó là hình ảnh của
những tâm hồn bại liệt. Chúa vẫn rộng rãi ban phát ân huệ của
Người, nhưng những tâm hồn bại liệt, dù muốn cũng không thể đến
lãnh nhận được.
Có
tâm hồn bị bại liệt vì yếu đuối. Tâm hồn yếu đuối bị những đam mê,
dục vọng đè bẹp, không sao chỗi dậy được. Ðam mê, dục vọng giống
như những sợi dây, rất mềm mại nhưng cũng rất chặt chẽ. Tâm hồn bị
đam mê, dục vọng trói buộc sẽ trở nên tê liệt, thấy những điều
tốt đẹp nhưng ngại ngùng phấn đấu, mất hết ý chí chỗi dậy, vươn
lên.
Có
tâm hồn bị bại liệt vì do dự. Tâm hồn do dự có nhiều ước muốn tốt
đẹp, nhưng cứ mãi băn khoăn suy tính, rồi cơ hội qua đi mà vẫn không
làm được điều mong muốn. Truyện ngụ ngôn kể lại : có con ngựa vừa
đói vừa khát. Người ta đem đến một máng cỏ và một máng nước. Con
ngựa cứ quay sang máng nước rồi lại quay sang máng cỏ, không biết
nên ăn hay nên uống trước. Sau cùng nó chết vì đói và vì khát. Ngạn
ngữ Pháp có câu: "Hoả ngục
được lát bằng những ước muốn
tốt". Ước muốn suông mà không làm sẽ chẳng giúp thăng tiến
thân phận con người.
Có
tâm hồn bị bại liệt vì chai đá. Tâm hồn chai đá hoàn toàn mất hết
khả năng ước muốn điều lành, thờ ơ với việc thăng tiến bản thân,
dị ứng với những việc đạo đức. Ðây là thứ bại liệt đáng sợ nhất.
Người
bại liệt trong Tin mừng đã tìm ra phương thế để đến với Chúa. Ông
nhờ những người thân khiêng tới. Cảnh 4 anh em khiêng người bại
liệt, trèo lên mái nhà, rỡ ngói, thả chiếc cáng xuống trước mặt
Ðức Giê-su, cho ta thấy một Ðức Tin đơn sơ trong sáng.
Ðức Tin đơn sơ trong sáng không suy tính, do dự, nhưng cương quyết
bắt tay vào việc làm. Nhìn thấy việc phải làm, họ bắt tay vào làm
ngay không để chậm trễ, không mất thời giờ bàn bạc, so đo, tính
toán, trốn tránh trách nhiệm. Biết người bệnh cần gặp Ðức Giê-su,
họ lập tức đi tìm cáng và bảo nhau khiêng người bệnh đến ngay.
Ðức
Tin đơn sơ trong sáng lập tức lên đường, không chịu ngồi lì một chỗ.
Ðã quyết là lên đường ngay, không ngần ngại vì đường xa, không e dè
vì gánh nặng. Họ khiêng người bệnh, nhưng bước chân vẫn thoăn thoắt,
ánh mắt vẫn tin tưởng, nụ cười vẫn vui tươi vì tâm hồn họ luôn luôn
sẵn sàng lên đường.
Ðức
Tin đơn sơ trong sáng giúp họ đồng tâm nhất trí với nhau. Niềm tin
chân thực loại trừ mọi xung khắc bất đồng, dẫn đến đoàn kết, hợp
tác, cùng nhau làm những việc tốt có ích lợi cho người khác.
Ðức
Tin đơn sơ trong sáng không lùi bước trước khó khăn. Gặp đám đông
vây quanh, chắn lối đến với Ðức Giê-su, họ không sờn lòng nản chí,
không bàn chuyện tháo lui, nhưng cương quyết tìm biện pháp khắc phục
những khó khăn. Ðã nỗ lực đổ mồ hôi để khiêng người bệnh đến,
giờ đây họ lại phải nỗ lực vận dụng trí não để tìm cách đưa người
bệnh tiếp cận Ðức Giê-su. Ðức Tin trong sáng đã làm cho trí khôn họ
trở nên sáng suốt. Họ mau chóng tìm được một lối khác để đến với
Người.
Ðức
Tin đơn sơ trong sáng có những sáng kiến tuyệt vời, táo bạo. Không
vào được cửa chính, họ trèo lên mái nhà. Không có cửa thì họ làm
ra cửa. Tháo rỡ mái nhà quả là một biện pháp táo bạo. Biện pháp
táo bạo càng chứng tỏ Ðức Tin mãnh liệt của họ.
Ðức
Tin trong sáng có sự tế nhị, nhẹ nhàng. Chắc chắn họ phải xin phép
chủ nhà và sau đó, phải lợp lại mái nhà hẳn hoi tử tế. Trước sự
tế nhị của họ, chắc chắn chủ nhà phải hài lòng và cảm phục.
Ðức Tin trong sáng không cần phải nhiều lời. Tự những việc
làm đã nói nhiều hơn những bài diễn văn lê thê. Họ chưa nói lời
nào để cầu xin Chúa, nhưng nhìn thấy người bệnh được thòng xuống
trước mặt mình, Ðức Giê-su và tất cả mọi người đều thấy được Ðức
Tin của họ, và Ðức Giê-su đã chữa bệnh trước khi họ cầu xin.
Nhìn vào Ðức Tin trong sáng của bốn người khiêng, ta thấy Ðức
Tin của mình còn đang bị tê liệt, không hoạt động. Ta bị tê liệt vì
những đam mê dục vọng trói buộc. Ta bị tê liệt vì những lười biếng
thiếu cố gắng. Ta bị tê liệt vì những ước muốn nửa vời. Ta bị tê
liệt vì lòng nguội lạnh thiếu nhạy cảm trước những nhu cầu thiêng
liêng.
Hôm
nay, ta hãy noi gương 4 người khiêng bệnh nhân. Hãy ra khỏi tình trạng
tê liệt tâm hồn. Hãy lên đường, ra đi đừng ngại ngùng, do dự. Hãy
biến Ðức Tin thành những việc làm chuyên chở đức bác ái. Hãy phấn
đấu vượt qua mọi khó khăn. Hãy sống Ðức Tin một cách sáng tạo, vui
tươi và đoàn kết. Một Ðức Tin như thế sẽ trở thành ngọn đèn phá tan
đi bóng tối đang phủ vây giăng mắc, soi đường cho ta đi đến với Chúa,
cùng đích của đời ta.
Lạy
Chúa, xin hãy thêm Ðức Tin cho con. Amen.
Gm.
NGÔ QUANG KIỆT, Giáo Phận Lạng Sơn
CẦU NGUYỆN:
Chúa ra tay thật nhiệm mầu biến hóa,
Nuôi con ăn, bánh với cá hằng ngày,
Ðể con thôi đời vất vả chua cay.
Và như thế, con sẽ đầy hoan hỉ,
Mà vững tin, rồi nhất trí theo Ngài...
Nhưng lạy Chúa,
nào con biết nhận ra Ngài có đó,
Trong bữa ăn không bao giờ no thỏa,
Ðể nhắc con một phép lạ tuyệt vời:
Cho con đói chuyện Nước Trời mặc khải,
Nơi bánh ăn đem thết đãi là... Ngài !
Lạy Chúa, con
cứ mãi chờ trông một phép lạ,
Chúa ra tay thật biến hóa nhiệm mầu,
Chữa cho con khỏi tật bệnh đớn đau,
Ðể con thôi đời khổ nhọc nghẹn ngào.
Và như thế, con xiết bao hoan hỉ,
Mà vững tin, rồi nhất trí theo Ngài...
Nhưng lạy Chúa,
nào con biết nhận ra Ngài có đó,
Trong cơn đau không thuốc nào thuyên
hạ,
Ðể nhắc con một phép lạ tuyệt vời:
Cho con nghe Lời Nước Trời mặc khải,
Bệnh tâm hồn con mãi mãi được tha...
Vâng, lạy Chúa,
Xin cho con đôi mắt người mù vừa bừng
sáng,
Ðể con nhìn cho thấu tận yêu thương.
Xin cho con đôi chân người liệt giường
đứng dậy,
Ðể con đi mà hoán cải chân thành.
Xin cho con đôi tay người phong hủi vừa
lành,
Ðể con đến ôm lấy anh và chị,
Báo Tin Mừng: Này bạn ơi, hoan hỉ,
Hãy vững tin mà nhất trí theo Ngài...
Lm. LÊ QUANG UY,
DCCT 27.2.1990
Trích Nối Lửa Cho Ðời số 4
CHỨNG TÁ:
LẠY CHÚA, CON ÐÃ TIN RỒI !
Tạp chí Âm Vang Lộ-đức ( Écho de Lourdes
) thuật lại một câu chuyện có thật như sau: Có một người vô thần có đứa con gái yêu quý bị bệnh bại
liệt mà các bác sĩ đều đã chịu bó tay, không tài nào cứu chữa được
nữa. Ông nghe những người quen biết đồn rằng Ðức Mẹ ở Lộ-đức nước
Pháp, có thể chữa lành cho cô bé.
Cuối cùng thì ông cũng đã chấp nhận đưa con gái đến Lộ-dức,
nhưng không quên tuyên bố với những người bạn cả Công Giáo lẫn vô
thần rằng: "Nếu tôi thấy con gái tôi được chữa khỏi,
nếu tôi thấy tỏ tường nó chỗi dậy và đi lại được, tôi sẽ tin rằng
Thiên Chúa hiện hữu !"
Khi đến Lộ-đức, ông đưa con gái lại gần, chen giữa đám đông
những bệnh nhân đang vây quanh chiếc giếng mà Ðức Mẹ thường làm
phép lạ. Khi gặp được cha Bailly, một Linh Mục thường trực phụ trách
tại địa điểm hành hương này, ông đã nói tất cả về nỗi niềm còn
bán tín bán nghi của mình vào phép lạ.
Và đúng lúc em bé được đưa xuống chiếc giếng cạn để nhúng
ướt hoàn toàn trong nước, cha Bailly đã lớn tiếng nói với mọi người
đang có mặt: "Có ai trong các vị hiện diện ở đây bằng
lòng tận hiến chính mình làm hy tế cho Thiên Chúa Nhân Lành để cầu
nguyện cho một người vô thần không ? Có ai không ? Chỉ một người
thôi, bằng lòng cam chịu cơn bệnh nan y cho tới chết để cho cô bé này
được lành, và để cho người cha vô thần này được trở lại đạo không
?"
Mọi người yên lặng... Mấy phút trôi qua... Chợt có một nữ
bệnh nhân trung niên chống nạng hai bên nách khó nhọc bước ra khỏi
đám đông và nói nhỏ nhẹ thật khiêm tốn: "Vâng, có tôi, tôi xin tự
nguyện !"
Ngay lúc ấy, bé gái liền được khỏi bệnh và tự mình bước ra
khỏi miệng giếng. Người cha vô thần vội quỳ xụp xuống, thổn thức: "Lạy
Chúa, xin Chúa tha tội cho con, con tin rồi !"
CHIA SẺ:
"Vẫn còn may"
là câu nói cửa miệng mang đầy tính lạc quan, yêu đời, yêu người của
dân tộc Việt Nam; để tự an ủi mình hoặc động viên an ủi người khác,
mỗi khi gặp phải một tai nạn hay một điều "xui xẻo" nào đó,
như vừa bị mất trộm hoặc cướp giật, nhưng "vẫn còn may"
vì chưa bị mất hết ! Hoặc khi bị tai nạn thương tích đầy mình, nhưng chưa
chết thì là "vẫn còn may !" v.v... và v.v...
Thật vậy, trong cuộc sống có nhiều bất trắc vẫn
thường xảy ra khó lường trước, chúng ta cũng vẫn cảm thấy may mắn
hơn nhiều người khác kém may hơn ta, và phải cảm ơn trời, cảm ơn đời,
cảm ơn người... Nhưng điều tôi muốn trình bày ở đây, đó là việc: Tiếp
theo những tai nạn, bệnh tật... mà "chưa bị chết thì vẫn còn may
ấy", là thực trạng con số tỷ lệ thuận những người bị tàn tật
mỗi ngày sẽ một tăng lên. Vì theo đà phát triển của khoa học
kỹ thuật, của các phương tiện giao thông hiện đại, nhất là nhờ sự
tiến bộ của nền y khoa ngày một tân tiến, đã cứu sống biết bao
trường hợp hiểm nghèo, "thập tử nhất sinh"... Và như thế,
những người "vẫn còn may" ấy sẽ lại là những người phải
mang tật, không nhiều thì ít, có khi suốt đời !
Như vậy, thực trạng dù muốn
hay không như chúng ta đã biết, là ngoài những thương tật do các cuộc
chiến tranh gây ra, thì tình hình bệnh tật hiện nay trên thế giới, mỗi
ngày như một nhiều hơn và ác hiểm hơn, tai nạn các loại cũng ngày một
nhiều hơn ( nhất là tai nạn giao thông và tai nạn lao động ), theo sự
phát triển của khoa học kỹ thuật, sự gia tăng dân số, nạn ô nhiễm
môi trường, cũng như tuổi thọ của con người ngày một được nâng cao
v.v...
Tất nhiên "di chứng"
của những vấn nạn ấy là sự "bị tàn tật". Và hẳn nhiên theo thời
gian con số những người bị tàn tật, trên tỷ lệ dân số của mỗi quốc
gia sẽ ngày một phải tăng cao hơn... Theo thiển ý của tôi, nếu chúng
ta có điều kiện, có tư liệu và số liệu thống kê đầy đủ, biết đâu
chúng ta cũng sẽ lại tìm ra được một quy luật mới của Khoa Xã Hội
Học về người tàn tật. Ví dụ: Dân
số / Người tàn tật + % = Thời gian, hoặc giống như quy luật More trong ngành
Tin Học chẳng hạn.
Và có thêm một ý nữa mà
tôi muốn trình bày ở đây, đó là còn có những người được "may mắn hơn nữa" - Những người: "Tàn Mà Không Phế" ( Tàn Bất Phế
- TBP ). Bởi họ là những người tuy bị "tàn tật về thể xác, nhưng lành mạnh ở tâm hồn", có ý chí phấn đấu vươn lên, luôn lạc
quan yêu đời, đoàn kết tương trợ lẫn nhau. "Tự cứu mình và giúp ích
cho xã hội". ( Lợi cho bản thân - Ðỡ cho gia đình - Nhẹ cho xã hội ).
Mà theo tôi có thể lấy làm gương, cho một số khá đông những người
khác ( đa phần là giới trẻ ), hiện đang có những lối sống tiêu cực
thật đáng tiếc, bởi những người ấy - "Có một thân thể khỏe mạnh,
nhưng lại bị tàn tật ở tâm hồn" - Y như là họ đang bị khủng hoảng
tâm thần, sống không có mục đích, lý tưởng... nên cứ u mê lao vào
các điều tội lỗi, các tệ nạn xã hội, xì ke ma túy, mãi dâm, du côn
v.v... Sống buông thả, cuồng loạn, phi đạo đức, khổ mình hại người...
Mà hiện đã và đang là một vấn nạn nhức nhối của xã hội đương đại,
ở nhiều nước trên Thế Giới..."
Thật vậy, từ xưa cho tới nay,
qua quá trình quan sát, chiêm nghiệm nhiều thế hệ, ở nhiều quốc gia,
nhiều dân tộc. Người đời đã nhận thấy một điều gần giống như là
quy luật, đó là: "Có tật tất có tài", vì những người tàn tật
có ý chí, biết thích nghi và sử dụng tốt khả năng còn lại của mình,
thì họ sẽ trở thành những người có tài năng, đôi khi đến lạ
thường, thậm chí những người mạnh khỏe bình thường khác có lúc cũng
khó vượt qua. Như trong lịch sử cổ, kim còn ghi lại, đã có không ít
các bậc tài danh là những người tàn tật "Tàn Bất Phế", tự cứu mình
mà còn giúp ích cho xã hội, và họ đã có những cống hiến thật to
lớn cho nhân loại.
Hoặc gần gũi hơn là thời
nay, hầu như ở nước nào cũng có các danh nhân là người tàn tật,
hoặc các gương phấn đấu vượt khó, các thành tích thể thao v.v... của
người tàn tật, mà ta vẫn thấy đăng trên các phương tiện thông tin
đại chúng. Khi ấy người ta lại bảo: "Ðó là luật bù trừ".
Nhưng nói cho đúng hơn, thì đây chính là: "Ý chí và nỗ lực phấn đấu vươn lên của một người Tàn Bất
Phế". Vậy chúng ta = cộng đồng xã hội, phải làm gì để tìm hiểu,
phát hiện, khuyến khích, tạo điều kiện, tạo môi trường và bồi dưỡng
cho các người Tàn Bất Phế, các tài năng ấy có được cơ hội phát huy
?
Với Chuyên đề 1: "Các chính sách quốc gia và nâng cao nhận thức của xã hội
về các vấn đề liên quan đến người tàn tật" của cuộc Hội Thảo "Hưởng Ứng Thập Kỷ
vì Người Tàn Tật - Khu vực Châu Á Thái Bình Dương - tổ chức tại Hà
Nội, từ ngày 10 đến 15.12.2001. Ðây là một việc làm rất thực tế và
cần thiết, không những cho mỗi quốc gia, mà phải là chiến lược cấp
thiết toàn cầu, vì sự tiến bộ chung của toàn thể nhân loại, của
quyền được sống và hạnh phúc của mọi người trên thế giới, nhất là
với đối tượng những người tàn tật, những người Tàn Bất Phế trong
hiện tại và tương lai.
Mỗi người chúng ta, ngay từ bây giờ: Hãy quan tâm chăm lo cho
người tàn tật, tạo điều kiện giúp người tàn tật dễ dàng hòa nhập
với cuộc sống đời thường, để họ có được sự thuận lợi hơn, trong
việc tự lực tham gia đóng góp khả năng còn lại của mình, cùng với
cộng đồng xã hội, làm giảm bớt, cho đến xóa đi những khó khăn vốn
có và không đáng có của của những người khuyết tật, yếu kém...
Ðây không chỉ là tình thương, hoặc sự thương hại chủ quan, lòng nhân
đạo phiến diện, mà còn là trách nhiệm, tình yêu thương đồng loại,
và ở một góc độ nào đó, là sự "lo xa", tương tự như khi ta
đóng bảo hiểm cho chính mình, cho những người thân của mình... Vì nào
ai biết trước được những tai nạn, bệnh tật gì sẽ mắc phải trong tương
lai ? Mà thực tế nó vẫn thường xảy ra rất bất ngờ trong cuộc sống
hằng ngày ! ( Ví dụ như tai nạn giao thông chẳng hạn ).
"Tích cực quan tâm chăm lo cho người tàn tật,
là thực thi lòng nhân ái một cách thiết thực - Ðây cũng là việc
làm hữu ích, thể hiện ý thức trách nhiệm của mình trước cộng đồng
xã hội và với chính bản thân mình."
THÔNG TIN:
- Một
Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp người nghèo.....................................................................................
300.000 VND
- Bạn
sinh viên Ðức Linh ( Nhóm Hiệp Thông ) giúp học bổng trẻ em nghèo ........................................... 100.000 VND
- Bác
Hải, Hội Ðồng Mục Vụ Giáo Xứ Xây Dựng ( Sài-gòn ) giúp người
nghèo ....................................... 200.000 VND
- Bác
So, Hội Ðồng Mục Vụ Giáo Xứ Xây Dựng ( Sài-gòn ) giúp người nghèo ...................................... 2.000.000 VND
- Bạn
MK Xuân Ðào ( Australia ) giúp học bổng trẻ em nghèo ............................................................................... 100 AUD
- Cha
Bosco Thiện, DCCT, giúp một xe lắc cho một em khuyết tật ở La Vang ....................................... 1.400.000 VND
-
Giúp tiền mua thuốc cho một bệnh nhân bị lao phổi ...................................................................................... 100.000 VND
- Quà Noel 2002 và Tết 2003 cho các em nghèo ở Nam
Ðông, Huế ( qua thầy Thiện DCCT ) .............................................. 400.000 VND
- Hội Help The Poor, qua DCCT, trợ giúp đào giếng cho
các Giáo Xứ nghèo ở Giáo Phận Vinh ................................................. 4.800 USD
Thầy Nguyễn Văn Thật, DCCT, giới
thiệu trường hợp em PHẠM HOÀNG PHƯƠNG, 20 tuổi, bị bại liệt cả
2 chân, con ông Phạm Văn Vượng, 54 tuổi, và bà Hoàng Thị Yến, 49
tuổi, hộ khẩu tại phường 6 quận Gò Vấp, Sài-gòn, ra Hà Nội trọ
tại số 56 Phan Ðình Phùng để theo học tại Nhạc Viện. Gospelnet xin trợ
giúp một xe lắc mới trị giá 1.300.000 VND để em có thể đi
lại thuận lợi cho việc học hơn.
Cha Lê Quang Uy, DCCT, giới thiệu trường
hợp em K'MACOS, sinh năm 1984, người dân tộc Châu Mạ, ngụ tại buôn Xê
Xàng, khu 5, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Ðồng. Em đạp
phải xương rắn độc, vết thương làm độc, không chạy chữa kịp, phải đưa
về bệnh viện Chợ Rẫy cưa chân phải đến đầu gối. Nay em phải gắn
một đoạn chân giả và chống nạng, nhưng vết thương cứ bị sưng và loét
do ma sát thường xuyên. Em đang theo học Khóa 18 May Công Nghiệp tại
Trường Kỹ Nghệ 2 quận 9, Thủ Ðức. Gospelnet xin trợ giúp cho em một
chiếc xe lắc còn mới nguyên, trị giá 1.300.000 VND.
Cha Mai Văn Hiền DCCT, giới thiệu
trường hợp gia đình chị Ma-ri-a LÊ THỊ NGA, sinh 1954, hiện ngụ
tại Tân Thông Hội, Củ Chi, Giáo Xứ Tân Thông của cha Phao-lô Nguyễn
Văn Khi. Gia đình không có đất, chỉ dựng chòi ở nhờ trên đất của
người quen. Chị Nga bị bệnh hậu sản suốt 3 năm qua sau khi sinh đứa con
thứ 6. Gospelnet đã trợ giúp từ tháng 5 đến hết tháng
9.2002. Sau một thời gian gián đoạn, nay Gospelnet số 100 xin tiếp tục
trợ giúp tháng 2.2003: tổng cộng: 6 em x 50.000 VND = 300.000
VND.
01. NGUYỄN Ý HẬU, sinh năm 1987,
học lớp 8 trường THCS Tân Thông Hội.
02. NGUYỄN ÐỖ HOÀI NAM, sinh năm 1989, đang
học lớp 6 trường THCS Tân Thông Hội.
03. NGUYỄN ÐỖ HOÀI PHƯƠNG, sinh năm 1990,
học lớp 4 trường Tiểu Học Tân An Hội.
04. NGUYỄN ÐỖ HOÀI TÂN, sinh năm 1994, học
lớp 2 trường Tiểu Học Tân An Hội.
05. NGUYỄN ÐỖ HOÀI GIANG, sinh năm 1996, học
ở trường Mẫu Giáo Bông Sen.
06. NGUYỄN ÐỖ HOÀI SƠN, sinh năm 1999.
Anh
Phạm Văn Lượng, Huynh Ðoàn Ki-tô Bệnh Nhân và Người Khuyết
Tật, giới thiệu trường hợp gia đình anh Phao-lô HOÀNG VĂN THÚY
( 36 tuổi ) và chị TRẦN THỊ THU HƯƠNG ( 36 tuổi ), nguyên quán
tại khu 9, ấp Hiệp Ðồng, thị trấn Ðịnh Quán, tỉnh Ðồng Nai, tạm trú
tại 4 / 14 tổ 4, ấp 9, xã Bình Hưng Hòa, quận Bình Chánh, Sài-gòn.
Trước đây anh chị vừa làm ruộng vừa đi làm thuê. Ðến năm 1998, khi
đang xịt thuốc trừ sâu, anh Thúy bị thuốc bay phà vào hai mắt, chạy
chữa không khỏi, chuyển thành mù. Anh đành đi bán vé số để mưu sinh
cho các con được đi học, nhưng anh thường xuyên bị lừa gạt cướp giựt,
chưa lời đã mất vốn, hoàn cảnh gia đình rơi vào tình trạng bấp bênh
ngặt nghèo. Danh sách 4 người con:
1. HOÀNG
VĂN THANH, sinh 1980, đang học lớp 6.
2. HOÀNG
THANH TÂN, sinh 1993, đang học lớp 2.
3. HOÀNG
THỊ MỸ DUNG, sinh 1996, đang học lớp 1.
4. HOÀNG
THANH TÂM, sinh 1998, chưa được vào mẫu giáo.
Trước
đây, Gospelnet đã trợ giúp mỗi cháu 50.000 VND mỗi tháng, từ tháng
3.2002 đến hết tháng 2.2003. Kể từ tháng 3.2003, cùng với
Gospelnet số 100 này, bạn đọc trẻ Cao Hồng Phúc ( quê gốc Hà Nội
) xin nhận trợ giúp đều đặn số tiền mỗi tháng 200.000 VND
cho 4 cháu. Xin thay mặt gia đình các cháu tỏ lòng biết ơn quý ân
nhân.
CHƯƠNG
TRÌNH "HỌC BỔNG DIỄN CHÂU" CHO 9 EM Ở NGHỆ AN
Lm.
Lê Quang Uy, DCCT, giới thiệu 9 trường hợp học sinh nghèo ở
Diễn Châu, Nghệ An. Gospelnet số 100 sẽ bắt đầu trợ giúp cho các em
liên tiếp trong 3 tháng, mỗi tháng 50.000 VND một em, từ tháng 3
đến hết tháng 5.2003 ( hết năm học ), tổng cộng: 9 em x 50.000 VND
x 3 tháng = 1.350.000 VND, nhờ bạn sinh viên Nguyễn Thanh Ca, cộng
tác viên của Gospelnet chuyển đến gia đình các em:
01. Tê-rê-xa
NGUYỄN THỊ HƯỜNG, đang học lớp 4, trường Tiểu Học Diễn Hồng.
02. Tê-rê-xa
NGUYỄN THỊ AN, đang học lớp 2, trường Tiểu Học Diễn Hồng.
03. Tê-rê-xa NGUYỄN THỊ NHO ( Nho và An
sinh đôi ), như trên. Cả 3 em là con của ông Giu-se Nguyễn Văn Nhân,
42 tuổi, làm ruộng, và bà An-na Nguyễn Thị Hiến, 40 tuổi, bị bệnh tâm
thần mãn tính, không lao động được, do vậy thu nhập gia đình hết sức
thiếu thốn.
04. Ma-ri-a
NGUYỄN THỊ SOA, sinh 1987, đang học lớp 9, trường Trung Học Cơ Sở
Diễn Châu, con ông Giu-se Nguyễn Văn Huy, 50 tuổi, và bà Ma-ri-a Người
Thị Hồng, 48 tuổi, gia đình có 6 con, làm ruộng và các nghề phụ, thu
nhập rất thấp và bấp bênh.
05. TRƯƠNG QUANG LINH, sinh 1988, đang học
lớp 7, trường Trung Học Cơ Sở Diễn Hồng, con ông Trương Văn Ðệ và bà
Nguyễn Thị Lý, đều là người già mất sức lao động, thu nhập chỉ biết
dựa vào 3 sào ruộng đất xấu.
06. Phê-rô TRƯƠNG QUỐC VIỆT, sinh
1993, bị tật ở mắt, đang học lớp 4, trường Tiểu Học Diễn Hồng, con
ông Trương Xuân Nghi, 31 tuổi, ốm đau luôn, và bà Nguyễn Thị Hằng, 32
tuổi, bị khuyết tật. Gia đình làm ruộng, thu nhập rất thấp và bấp
bênh.
07. An-na
LÊ THỊ HUYỀN, sinh 1990, đang học lớp 5, trường Tiểu Học Diễn
Hồng, con ông Lê Văn Xuân, 45 tuổi, luôn đau yếu, và bà Nguyễn Thị
Chín, 40 tuổi. Gia đình có 3 con, chuyên làm ruộng, thu nhập rất thấp
và bấp bênh.
08. NGUYỄN
THỊ HẰNG, sinh 1993, đang học lớp 4, trường Tiểu Học Diễn Hồng.
09. NGUYỄN THỊ HẢI, sinh 1994, đang học lớp 3,
trường Tiểu Học Diễn Hồng. Hai em cuối danh sách này là con ông
Nguyễn Văn Hiếu, 31 tuổi, và bà Nguyễn Thị Hò, 30 tuổi, bị bệnh
thường xuyên. Gia đình có 5 con, làm ruộng, thêm nghề soi lươn, bắt
ếch, thu nhập rất thấp và bấp bênh.
Thầy Nguyễn Văn Thật, DCCT, giới thiệu trường hợp 2 cháu bé PHẠM VĂN VIỆT
SINH, sinh 1993, đang học lớp 3 và PHẠM VĂN HÙNG, sinh 2000,
bị sứt môi, mẹ là chị Phùng Thị Son Sinh, sinh 1974, cha là anh Phạm
Văn Nam, sinh 1970, đã qua đời năm 2002 sau một tai nạn thảm khốc (
Gospelnet đã có giúp tiền điều trị ở bệnh viện ), ngụ tại thôn
Quỳnh Cả, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Gospelnet xin
trợ giúp đặc biệt cho gia đình hai cháu trong 3 tháng liền, kể từ
tháng 3 đến hết tháng 5.2003 ( hết năm học ), tổng cộng: 2 cháu x
50.000 VND x 3 tháng = 300.000 VND. Xin nhờ thầy Thật chuyển đến
tận tay gia đình các cháu.
Chị Lệ
Thu, cộng tác viên của Gospelnet tại Huế, giới thiệu trường
hợp gia đình chị PHẠM THỊ CHIẾN, ngụ tại Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng
Cứu Giúp Huế. Chị Chiến hiện đang bị bệnh nặng kéo dài, chồng đạp
xích-lô, thu nhập không đủ để nuôi 5 con nhỏ đi học. Gospelnet đã trợ
giúp thành 2 đợt cho gia đình chị Chiến để lo liệu thuốc men và đóng
tiền học cho các con, tổng cộng: 500.000 VND.
Thầy Lê Văn Hoàng, Dòng Phan-xi-cô, giới thiệu trường hợp 2 chị em là NGUYỄN THỊ
NGỌC ÐIỆP sinh ngày 1.11.1990, đang học lớp 7A8, trường PTTH Nguyễn
Du, Ninh Sơn, Ninh thuận và NGUYỄN THỊ CẨM NHUNG, sinh ngày
9.2.1995, đang học lớp 2D, trường Tiểu Học Quảng Sơn A, Ninh Sơn, Ninh
Thuận. Gia đình các em ngụ tại Giáo Xứ Quảng Thuận, cha là ông
Nguyễn Ngọc Ái, làm rẫy và đi làm thuê, bị bệnh viêm phế quản mãn
tính, dẫn đến hen suyễn nặng, mẹ là bà Lê Thị Triều, cũng đi làm
thuê. Hai người con trai đầu đã phải nghỉ học từ lâu để đi làm thuê
tại huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai, để phụ giúp cha mẹ nuôi 2 em đi
học. Gospelnet số 100 xin trợ giúp ngay cho 2 em Ngọc Ðiệp và Cẩm Nhung
có thể được tiếp tục việc học, tổng cộng: 2 em x 50.000 VND x 4 tháng
= 400.000 VND ( từ tháng 2 đến tháng 5.2003 )
Chị Bùi Thị Hồng Nga, Hội Người Khuyết Tật
Cần Thơ, số 91 / 31 đường
30.4, phường Hưng Lợi, thành phố Cần Thơ, điện thoại: 071.838.427, giới
thiệu 13 người khuyết tật có hoàn cảnh hết sức khó khăn, cần được
trợ giúp mỗi tháng để học nghề. Gospelnet số 100 xin trợ giúp
từ tháng 3.2003, mỗi người 50.000 VND một tháng, tổng cộng: 650.000
VND, được gửi về qua Bưu Ðiện cho anh Phan Ðức Long.
01. VÕ NGỌC TRI, 1981, liệt 2 chân, cần giầy nẹp, C
6 / 1 đường 30.4, Xuân Khánh, Cần Thơ.
02. ÐOÀN BÁ TÙNG, 1968, liệt 2 chân, 3 / 21 tổ 3, ấp
7, Hưng Thạnh, Cần Thơ.
03. NGUYỄN VĂN DŨ, 1977, liệt 2 chân, cần xe lắc, 322 khóm 7 tổ 9, Cái Vồn, Bình
Minh, Vĩnh Long.
04. NGUYỄN MINH TÍNH, 1983, liệt 2 chân, ấp Lái Hiều,
Hiệp Hưng, Phụng Hiệp, Cần Thơ.
05. NGUYỄN BÁ TOÀN, 1982, liệt 2 chân, 157 tổ 7,
Thạnh Lợi, Trung An, Thốt Nốt, Cần Thơ.
06. LÊ THANH TÂM, 1970, liệt 2 chân, 86 đường 3.2,
Xuân Khánh, Cần Thơ.
07. NGUYỄN TRƯỜNG
HÀO, 1968, có vợ và 2
con, liệt 2 chân, 30 / 11 khu vực 2, Bình Thủy, Cần Thơ.
08. NGUYỄN THANH TÙNG, 1984, liệt 2 chân, ấp Long Bình
1, Long Mỹ, Cần Thơ.
09. NGUYỄN PHƯỚC
TRÍ, 1970, có vợ và 1
con, liệt 1 chân, điện thoại nhờ nhắn: 838.453, Cần Thơ,
10. HỒ TRÍ NĂNG, 1980, liệt 2 chân 1 tay, 30 / 121 Lê
Hồng Phong, khu vực 4, Cần Thơ.
11. NGUYỄN VĂN HÒA, 1981, liệt 2 chân, cần xe lăn,
xã Ðông Thạnh, Ô Môn, Cần Thơ.
12. NGUYỄN THANH
SƠN, 1971, có vợ 1 con,
liệt 2 chân, 5 / T1 tổ 11, Bình Nhựt 4, Long Hòa, Cần Thơ.
13. TRƯƠNG DIỄN TIẾN, 1971, liệt 2 chân, 6 / 1 tổ 1
ấp 7, Hưng Thạnh, Cần Thơ.
Thầy
Trần Văn Hưng, DCCT, giới thiệu 2 anh em là Phao-lô TRƯƠNG ÐÌNH
DŨNG, đang học lớp 12 B4, và Ma-ri-a TRƯƠNG THỊ NGỌC ANH, đang
học lớp 10, hiện ngụ tại Xóm Già, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh
Nam Ðịnh, thuộc Giáo Xứ Xuân Bảng, Giáo Phận Hà Nội. Gia đình làm
ruộng, gồm 4 anh em, áp Tết vừa qua, cha là ông Gio-an Trương Ðình Quanh
bị tai nạn giao thông, mấy giẻ xương sườn gãy đã đâm ngược vào tim,
chết tại chỗ, mẹ là bà Ma-ri-a Trần Thị Hường và các con rơi vào
cảnh cùng quẫn, hai con trai lớn đang học đại học tại Hà Nội không
đủ sức phụ giúp gia đình, người con gái út đã phải xin nghỉ học.
Gospelnet số 100 xin trợ giúp ngay cho 2 em Dũng và nhất là cho em Ngọc
Anh có thể được tiếp tục việc học, tổng cộng: 2 em x 50.000 VND x 4
tháng = 400.000 VND ( từ tháng 2 đến tháng 5.2003 )
Trẻ
em J'rai hiện nay đang phải hãy "ngoại ngữ" ngay trên đất của
mình. Ở nhà và ở buôn làng, các em giao tiếp bằng tiếng J'rai,
suy nghĩ và hành động bằng tâm thức J'rai, nhưng khi đi học, các
em phải học bằng tiếng Kinh, suy nghĩ và hành động theo kiểu người
Kinh. Giáo viên dạy học cho các em đều là người Kinh nên cũng chọn
người Kinh làm tiêu chuẩn để dạy. Trong các lớp học của các em, đa
số là trẻ em người Kinh. Mặt khác, người J'rai
chưa cảm thấy việc học văn hóa là một nhu cầu thiết yếu, hầu hết
lại là người Công Giáo nên chỉ cốt đi học cho biết đọc biết viết
để tiếp xúc với Lời Chúa.
Hậu quả là đa số các em học sinh người J'rai đều có học lực rất yếu. Chúng tôi nghĩ cần
phải có một số giáo viên hỗ trợ giáo dục cho các em, nhờ
vậy, hy vọng việc học của các em sẽ được cải thiện, lâu dài mới
giúp cho cả cộng đồng người J'rai phát
triển về văn hóa bên cạnh mặt nhân bản và tâm linh. Chúng tôi xin
mời gọi các bạn trẻ sinh viên mới ra trường, chưa có việc làm chính
thức trong các cơ quan giáo dục của nhà nước, có tấm lòng yêu
mến người dân tộc, có chuyên môn khối A, cấp 3, Phổ Thông
Trung Học.
Các
giáo viên sẽ phụ trách các mặt sau đây:
- Hỗ
trợ kiến thức văn hóa cho các em.
- Tác
động và phát triển khả năng tự học nơi các em.
-
Giúp đỡ các em xây dựng các mối tương quan, tích cực tương trợ lẫn
nhau.
Về
mặt quyền lợi, chúng tôi sẽ đảm bảo các sinh hoạt thiết yếu
như sau:
- Nơi
ăn chốn ở chu đáo và ổn định.
- Chi
phí đi lại cho lần đầu tiên lên Pleikly và kết thúc trở về.
-
Lương theo thỏa thuận, cố gắng cao hơn mức lương chính thức ở các
trường Sài-gòn.
Các điều
kiện ràng buộc là:
- Thử
việc trong một tháng rồi mới ký hợp đồng lâu dài.
- Khi
quyết định thôi việc, cần báo cho chúng tôi trước 30 ngày.
Xin liên hệ để biết thêm các chi tiết với Lm.
Lê Quang Uy, Trung Tâm Mục Vụ DCCT, 38 Kỳ Ðồng, phường 9, quận 3,
thành phố Sài-gòn, điện thoại: 08.8.437.715, E-Mail: ttmvcssr@hcm.vnn.vn.
Như
đã thông tin trên Gospelnet số 96 ra ngày 26.1.2003, Gospelnet có trích
quỹ hỗ trợ và cộng tác với Sr. Hồ Thị Hạnh, Dòng Chúa Quan Phòng
Cần Thơ, số tiền 1.000.000 VND để tặng quà Tết cho bà con nghèo
Xóm Chài ở Cần Thơ trong dịp Tết Quý Mùi vừa qua. Chúng tôi vừa
nhận được một số hình ảnh và thuyết minh của Sr. Hạnh, xin chia sẻ
lại với bạn đọc Gospelnet. Rất mong quy độc giả gần xa tiếp tục trợ
giúp thêm trong những dịp sắp tới.
Ngày
thứ bảy 25.1.2003, đúng ngày 23 tháng Chạp đưa Ông Táo, Dòng Chúa
Quan Phòng đã mời bà con nghèo sống trên các ghe thuyền ở Xóm Chài
đến Nhà Dòng để trao tặng một số quà Tết, mỗi phần gồm có: 1
chai nước mắm, 250 gr bột ngọt, 10 kg gạo và 10 gói mì ăn liền.
Ðược biết ở Xóm Chài có những hoàn cảnh rất đáng quan tâm như: Hai
mẹ con sống chung trên xuồng, mẹ đã 94 tuổi, bị bệnh tiểu đường và
mù mắt, con gái 62 tuổi, góa chồng, không có con, ngày ngày chống
xuồng chài cá để nuôi mẹ... Có gia đình có đến 10 nhân khẩu sống
nheo nhóc trên một chiếc ghe, rong ruổi nay đây mai đó để mưu sinh, do
vậy việc học của con cái đều bị dở dang...