GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


LỄ CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ - KẾT THÚC NĂM A

TIN MỪNG: Mt 25, 31 - 46

CUỘC PHÁN XÉT CHUNG

Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.

Bấy giờ Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han". Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc ? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu ?" Ðức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy".

Rồi Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng". Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ?" Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy". Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.

SUY NIỆM 1:

ÐÃ LÀM HOẶC ÐÃ KHÔNG LÀM CHO CHÚA GIÊ-SU

1.   VIỄN CẢNH CÁNH CHUNG: PHÂN BIỆT CHIÊN VÀ DÊ:

Bài Tin Mừng cho thấy một viễn cảnh sẽ xảy ra vào ngày cánh chung, nghĩa là vào thời điểm tận cùng của thời gian, cũng là của trần thế này. Ngày ấy, Thiên Chúa sẽ phân mọi người trên trần gian thành hai loại: một bên là những kẻ thật sự tin theo Ngài, bên kia là những kẻ không tin, hay những kẻ tự xưng là tin Ngài bằng lời nói, nhưng qua hành động lại tỏ ra không tin. Ðể ám chỉ hai hạng người này, bài Tin Mừng dùng hình ảnh chiên, là hình ảnh mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã dùng ( x. Ed 34, 17 - 24 ). Vì chiên và dê là hai loài thú cùng được chăn nuôi chung trong một đồng cỏ, ở chung với nhau trong một ràn. Chỉ đến thời kỳ xén lông thì người ta mới phân rẽ chúng theo loại. Dụ ngôn lúa và cỏ lùng ( x. Mt 13, 24 - 30 ) cũng cho thấy hai loại cây cùng sống chung với nhau - không phân biệt được - trên cùng một thửa ruộng. Cả hai cùng lớn lên bên cạnh nhau cho tời mùa gặt, chỉ tới lúc đó chúng mới bị phân rẽ: "cỏ lùng thì bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì thu vào kho lẫm" ( 13, 30 ). Tương tự, chỉ tới ngày cánh chung, kẻ tin và không tin, kẻ thật sự tin và kẻ có vẻ tin mới được phân chia và tách biệt. Chúng ta hãy thử tự xét xem, vào ngày đó, mình thuộc loại nào ?

2.    TIÊU CHUẨN ÐỂ PHÂN LOẠI:

Chỉ có Thiên Chúa, với trí tuệ sáng suốt vô cùng, nhìn thấu suốt tâm can con người, mới có thể xét từng người để xếp họ vào loại nào. Tin Mừng cho ta thấy:

- Ngày ấy, toàn nhân loại chỉ được phân ra thành hai loại: chiên và dê, tượng trưng cho người hiền và người dữ, kẻ tin và không tin Thiên Chúa, không có loại thứ ba.

- Ngày ấy, Thiên Chúa phán xét theo hành động chứ không theo lời nói của con người. Vấn đề là có làm hay không và làm như thế nào, chứ không phải là có nói hay không, có tuyên xưng hay không, hay nói và tuyên xưng thế nào.

- Ngày ấy, Thiên Chúa chỉ phán xét và phân loại dựa theo một tiêu chuẩn duy nhất: cách mỗi người đối xử với tha nhân chung quanh mình.

Dường như không có một tiêu chuẩn nào khác: Thiên Chúa không cần phân biệt ai là giáo hoàng, ai là Giám Mục, ai là Linh Mục, ai là Giáo Dân; không cần biết ai giàu ai nghèo, ai có địa vị ai là thường dân; thậm chí không cần biết ai đi lễ nhiều, ai đọc kinh nhiều, ai lần chuỗi nhiều, ai Hành Hương nhiều, ai cúng vào Nhà Thờ nhiều, v.v... Ngài chỉ xét có một điều: mỗi người đã làm gìkhông làm gì cho tha nhân. Như thế, chính hành động của chúng ta - chứ không phải lời nói hay cái gì khác - quyết định chúng ta thuộc loại này hay loại kia.

3.   ÐÓ LÀ TIÊU CHUẨN THỰC TẾ ÐỂ PHÁN XÉT AI TIN VÀ AI KHÔNG TIN:

a. Tin vào Ðức Giê-su là điều kiện để được cứu độ

Trên nguyên tắc, ai tin vào Ðức Giê-su thì sẽ được cứu độ ( x. Cv 16, 31; Rm 10, 9; 10, 13 ), và người ta được nên công chính là nhờ Ðức Tin ( x. Rm 1, 17; 3, 22 . 26 . 30; 9, 30; 10, 4 ) chứ không phải nhờ việc làm ( x. Rm 3, 28; 9, 32; Gl 2, 16; 3, 11 ). Thật vậy, người ta không trở nên công chính nhờ vào việc làm, hay nhờ việc tuân giữ nghiêm chỉnh các điều luật dạy. Thật vậy, rất nhiều người có những hành động rất tốt, rất thiện hảo, thậm chí rất vĩ đại, nhưng không phát xuất từ Ðức Tin hay tình yêu thương, mà từ một động lực vị kỷ, nhằm lợi lộc cho mình. Nhiều nhà tỉ phú bỏ tiền ra xây bệnh viện, trường học để phục vụ người nghèo với điều kiện là bệnh viện hay trường học đó phải mang tên mình, để mình được lưu danh muôn thuở là người đạo đức, biết yêu thương người nghèo. Hành động bố thí như thế không làm cho người ấy nên công chính, vì không phát xuất từ Ðức Tin hay tình thương.  

b. Ðức Tin ấy phải đích thực, được chứng tỏ bằng việc làm

Người ta chỉ trở nên công chính nhờ Ðức Tin. Nhưng Ðức Tin làm cho người ta nên công chính phải là Ðức Tin đích thực: "Quả thế, có tin thật trong lòng mới được nên công chính" ( Rm 10, 10 ). Ðức Tin đích thực không phải là loại "Ðức Tin rẻ tiền", là thứ Ðức Tin chỉ được tuyên xung ngoài môi miệng mà không đi vào cuộc sống, không được chứng tỏ bằng việc làm hay hành động. Hàng rẻ tiền thường là hàng giả. Ðức Tin đích thực phải là thứ "Ðức Tin đắt giá", không chỉ được tuyên xưng ngoài miệng, mà được chứng tỏ bằng hành động, bằng những hy sinh cụ thể theo sự đòi hỏi của Ðức Tin. Ðức Tin của chúng ta luôn luôn đòi hỏi một thái độ, một sự lựa chọn thích hợp. Vì không thể vừa tin, mà lại vừa có đời sống trụy lạc, hèn nhát, tham lam, ích kỷ… Thánh Gia-cô-bê xác định: "Ðức Tin không việc làm là Ðức Tin chết" ( Gc 2, 14.17 ).

c. Việc làm của Ðức Tin là việc làm gì ?

Tin ở đây là tin vào Thiên Chúa, vào Ðức Giê-su. Mà bản chất của Thiên Chúa chính là Tình Yêu, và Ðức Giê-su chính là hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa giữa nhân loại. Do đó, những ai thật sự tin vào Thiên Chúa, vào Ðức Giê-su, ắt phải yêu mến Ngài và trở nên giống Ngài, nghĩa là trở nên một hiện thân của tình yêu giữa những người chung quanh, gần gũi với mình nhất, đặc biệt với những người đau khổ, túng thiếu, bị áp bức, bất công, cần lòng thương xót. Như vậy, muốn biết ai tin vào Ngài, thì cứ xem cách người ấy cư xử với những người chung quanh, những người gần gũi nhất ( vợ con, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, bạn bè thân thiết... ), và những người nghèo khổ cần được cứu giúp. Nếu tin Thiên Chúa đích thực, người ấy ắt sẽ phải cư xử với họ bằng tình thương, cụ thể qua sự hy sinh, chấp nhận mất mát đau khổ vì họ.

Vả lại, những người chung quanh ta, đặc biệt những người đang đau khổ cần được ta nâng đỡ, cứu giúp, chính là hiện thân của Thiên Chúa hay của Ðức Giê-su bên cạnh chúng ta. Ðức Giê-su xác định rõ điều ấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Vì thế, yêu Ngài thì ắt nhiên cũng phải yêu hiện thân của Ngài bên cạnh chúng ta. Do đó, tới ngày phán xét, Ngài chỉ cần dùng một tiêu chuẩn để xét xem chúng ta có tin vào Ngài không, là dựa vào cách cư xử của chúng ta với tha nhân.

Ðể tóm gọn lại cách nên thánh cho chúng ta, Ðức Giê-su nói: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" ( Ga 13, 34 - 35 ). Tóm lại, yêu thương tha nhân chính là tiêu chuẩn để phân biệt giữa môn đệ đích thực của Ðức Giê-su với những người khác.

Tôi nghe Ðức Giê-su nói với tôi:

"Anh tin Thầy và sống đạo của Thầy thế nào, Thầy chỉ cần dựa vào cách anh đối xử với những người chung quanh anh là Thầy biết ngay. Chắc chắn anh không thể tin Thầy đích thực khi anh đối xử với những người chung quanh anh không ra gì. Họ chính là hiện thân của Thầy bên cạnh anh. Anh đối xử với họ thế nào là đối xử với chính Thầy như vậy. Anh yêu họ chính là anh yêu Thầy. Anh làm điều gì cho họ, chính là anh làm điều đó cho Thầy".              

Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT

SUY NIỆM 3:

SẴN SÀNG NGHÊNH TIẾP CHÚA ÐẾN TRONG ÐỜI MÌNH

Truyền thống tốt đẹp, nghi thức bề ngoài, tập tục dân gian, đó không phải là đạo Ðức Ki-tô. Chớ có nghĩ rằng cứ thuộc về một gia đình có truyền thống Ki-tô giáo là đã thuộc về Ðức Ki-tô.

"Nhập tịch" Ki-tô giáo, thưa "Vâng", ký vào sổ bộ sau nghi lễ phép rửa, chưa đủ. Người ta có thể chính thức mang danh hiệu Ki-tô hữu như mang một quốc tịch, mà tuyệt nhiên không có não trạng của dân Thiên Chúa mà mình vừa gia nhập. Ðiều quan trọng trên hết là làm sao có được những thói quen suy tưởng và sinh hoạt, những phản ứng sâu xa của những Ki-tô hữu, vốn là một dân tộc đối với mình vẫn còn hoàn toàn mới mẻ và xa lạ.

Nếu không, người ta vẫn chỉ có nhãn hiệu, chỉ có bề ngoài Ki-tô hữu mà thôi. Người ta có thể chỉ nhìn thấy trong Ki-tô giáo một nghệ thuật để sống, một tập tục dân gian, những nghi lễ làm tăng vẽ đẹp cho những khoảnh khắc đáng ghi nhớ trong đời sống. Người ta đem con đến nhà thờ để lãnh phép rửa, vì xưa nay gia đình vẫn làm thế. Nhất định phải kéo chuông mừng, phải có phân phát bánh kẹo, phải có quà tặng của bố mẹ đỡ đầu. Người ta đề cao việc rước lễ bao đồng, là ngày vui gia đình nhân dịp con em lên cấp thiếu niên, người ta quý tác phong lễ phép và trọng luân lý giảng dạy trong sách giáo lý. Người ta học đạo trước khi làm phép cưới để tránh những phiền toái có thể biến thành thảm kịch trong gia đình. Chú rể và cô dâu vốn trọng gia phong, nhất thiết phải làm phép cưới ở nhà thờ...

Tuy thế, người ta cũng rất sẵn lòng gia nhập những tôn giáo khác, nếu đó là cái "mốt" của thời thượng ! Người ta ao ước, sau này khi mãn phần, con cháu sẽ xin cho mình một lễ quy lăng, có đèn nến, có những bài hát cầu hồn, để khỏi mang tiếng là gia đình mình đang sa sút, ma chay thiếu sót.

Tất cả những điều kể trên xét ra không cần thiết. Thật sự cần thiết chính là sự đột nhập của Ðức Ki-tô vào cuộc sống của chúng ta, một biến cố làm đảo lộn mọi sự.

Ở khởi điểm, sự việc Chúa đến đòi hỏi một tâm hồn chuẩn bị, một trái tim sẵn sàng cải thiện nếp sống. Ðiều rất khó giải quyết là người ta quá dung dưỡng bản thân, cho nên nói đến tu thân cải tính thật khó lọt tai. Chúng ta hiểu tại sao một số đông cũng muốn tin, cũng muốn có đức tin, vậy mà không dám cất bước tiến vào con đường cải thiện.

Ðổi hẳn nếp sống là vui lòng từ bỏ những gì mình ưa thích, ra khỏi khung cảnh tầm thường nhưng dễ chịu, thoải mái biết bao, để chấp nhận và quyết tâm từ nay làm ăn lương thiện, cắt đứt mọi giao du vụng trộm, đàng hoàng trong mọi vấn đề, nhận lấy rủi ro, mất công ăn việc làm vì dám trình bày ý kiến, có thể từ bỏ nếp sống an vui, gánh lấy trách nhiệm để giúp đỡ kẻ khác, phê phán thời cuộc theo lối nhìn đúng với Tin Mừng, can đảm xác định lập trường. Không dám làm vậy tức là không đứng đắn, là chưa thành thật. Sự việc Chúa đến với chúng ta, một đòi hỏi gắt gao, chúng ta phải sẵn sàng đổi ngược hướng tiến, như thể làm một cuộc lột xác bao giờ cũng phải chịu khổ tâm.

Ðể thật sự thuộc về Ðức Ki-tô, từ đời sống đơn giản nhân loại, chúng ta hãy làm một cuộc Vượt Qua, tiến lên cuộc sống thân tình bằng hữu với Thiên Chúa, bước vào khung cảnh các thần thánh. Chúng ta phải có một thái độ tối cần thiết, không có không được, đó là phải nhìn nhận sự hư không của mình, tội lỗi của mình, tóm lại: là hết lòng khiên nhượng.

Vì vậy, những kẻ đơn sơ thuộc giới bình dân, thường chuẩn bị dễ dàng hơn, chu đáo hơn là những kẻ giàu có, những kẻ đương nắm quyền bính, những kẻ ở địa vị cao sang, những kẻ thành công. Lớp người nghèo hèn, đơn sơ, chân thật, ít khi tự khen mình, chẳng dám khâm phục bản thân mình.

Tin tưởng mình là hoàn hảo, hoặc nếu ít tự phụ hơn, cho mình như thế này là được lắm rồi, tìm cách tự bào chữa về những sai trái, yếu hèn, tưởng rằng mình xứng đáng được Thiên Chúa biệt đãi vì mình được thế gian trọng nể, đó là đã đứng vào vị trí bất lợi đối với tình thương của Thiên Chúa.

Cung cách đúng đắn nhất để sửa soạn đón Ðức Ki-tô đến trong đời mình, đó là thành thật suy nghĩ và cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào tâm hồn con. Chí có Chúa mới có thể nâng con lên làm con cái của Chúa. Con thành khẩn nhìn nhận con yếu đuối, tội lỗi. Lạy Chúa, Chúa muốn con phải làm gì ? Con là tôi tớ, là nữ tỳ hèn hạ của Chúa, xin Chúa hãy làm trong con điều gì Chúa muốn"

Trích "Faites le Passage" của P. Thivollier, bản dịch của cụ An-tôn LÊ VĂN LỘC

CHỨNG TÁ:

LÀM CHO CHÍNH CHÚA GIÊ-SU

Thánh Jean de Kenti, mất năm 1473, hồi còn là giáo sư tại đại học Cracovie nước Ba-lan, đã đặt ra một nguyên tắc được áp dụng tại phòng ăn tập thể của các sinh viên của mình như sau:

"Mỗi khi mọi người đang ăn uống mà có một người nghèo khổ đến xin bố thí, thì người trực nhật coi cửa phải chạy vào báo ngay cho người ngồi ở đầu bàn ăn, người này có trách nhiệm đứng lên hô to: "Các bạn ơi, hôm nay có Chúa Giê-su đến xin dùng bữa ăn chung với chúng ta..." Sau đó, mọi người sẽ cùng đứng dậy đón tiếp người hành khất vào bàn ăn như một vị thượng khách...

Thánh nhân đã muốn thường xuyên nhắc nhở mình cũng như các sinh viên trẻ nhớ đến Lời Chúa Giê-su đã truyền dạy: "Ðiều gì anh em làm cho những người hèn mọn nhất trong anh em, đó là anh em đã làm cho chính Thầy !" ( Mt 25, 40 ).

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 2

CÂU TRUYỆN:

BỮA TIỆC NƯỚC TRỜI

Vào một mùa đông lạnh giá hết sức khắc nghiệt của nước Anh, một phụ nữ quý tộc nổi tiếng thường được gọi một cách trân trọng là Lady Grey, đã nghĩ ra một sáng kiến, quyết định bí mật cải trang thành một người hành khất đi ăn xin từng nhà trong thủ đô Luân-đôn.

Ðến một số nhà, bà bị xua đuổi một cách tàn nhẫn. Ở một số nơi khác, bà chỉ được bố thí cho những thứ đáng vứt vào thùng rác. Hầu như tất cả những nơi ấy lại đều là những gia đình quý tộc giàu có.

Thế rồi, bà lại tìm đến những khu nhà lụp xụp nghèo nàn nhất. Tại một túp lều xiêu vẹo, bà đã được một ông lão tàn tật ân cần mời vào sưởi ấm bên bếp lò, cùng chia nhau một miếng bánh mình đen...

Hôm sau, người phụ nữ quý tộc ấy đã các người hầu đến mời tận nhà những nơi mà đã đến xin ăn vào buổi tối hôm trước. Tất cả được mời vào căn phòng chiêu đãi trong dinh thự của bà, mỗi người có chỗ ngồi riêng được dọn sẵn. Họ trông thấy trước mặt mình là những món ăn y như cái họ đã đem bố thí cho bà già hành khất: người thì là một miếng bánh mốc đen không thể ăn nổi, người thì củ khoai thối, người thì một cốc nước lã bẩn thỉu, lại có một số đĩa ăn trống không chẳng có gì...

Ngược lại, khá nhiều mâm lại được dọn thật trang trọng gồm những cốc sữa tươi, những mẩu bánh mì nóng giòn, những miếng bơ be bé nhưng ngon lành. Mọi người đang còn ngẩn ngơ chưa hiểu là thế nào, thì bà chủ nhà xuất hiện và giải thích:

"Ngày hôm qua, tôi đã đích thân thử đi ăn xin từng nhà ở mảnh đất Luân-đôn này, ý tôi chỉ muốn biết rõ hơn về tấm lòng nhân ái của chúng ta. Hôm nay, tôi xin được đáp lễ quý vị bằng cách mời quý vị dùng bữa ăn là chính những thứ quý vị đã bố thí cho tôi. Tôi tin rằng chúng ta cũng sẽ được tiếp đãi như vậy trong bữa tiệc mai sau, trước mặt Thiên Chúa là Ðấng mà bây giờ có lẽ Người đang đứng trước cửa ngôi nhà của chúng ta để trông đợi tấm lòng nhân ái của chúng ta..."

Ðến lúc này, bà mới cho mời những thực khách đặc biệt của bà bước vào, đó chính là những con người nghèo hèn nhưng lại giàu sự chia sẻ chân thành. Trong số ấy có cả ông lão tàn tật đêm hôm trước. Tất cả đã được mời dùng bữa khá thịnh soạn, khi ra về lại được tặng thêm nhiều lương thực thực phẩm, một số tiền và quần áo ấm có thể giúp họ và gia đình vượt qua mùa đông năm ấy...

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 4

THÔNG TIN:

CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

Bạn Nguyễn Ðình Trầm ( Giáo Xứ Thánh Gia ) giúp bệnh nhân nghèo ...............................................................  50.000 VND

Một Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp người nghèo ............................................................................................  300.000 VND

Các ân nhân ẩn danh ( thông qua các Srs. Nữ Tử Bác Ái ) cứu trợ lũ lụt ở Hà Tĩnh .....................................  1.500.000 VND

Tiền bán bộ 4 CD Lẽ Sống ( Ðài Chân Lý Á Châu ): 600 CD x 3.000 VND .................................................... 1.800.000 VND

TRỠ GIÚP CHO 4 EM KHUYẾT TẬT

NHÓM MÀU XANH HY VỌNG Ở SÀI-GÒN

Cha Lê Quang Uy, DCCT, xin giới thiệu 4 em bại liệt khuyết tật thuộc Nhóm Màu Xanh Hy Vọng được nhận trợ giúp mỗi em 50.000 VND một tháng, trong hai tháng 11 và 12.2002, tổng cộng: 400.000 VND. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình cha mẹ già yếu hoặc bệnh tật, rất nghèo, gốc ở Miền Trung, vào Sài-gòn, ở trọ chung thành một nhóm tại số 59 / 13 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Ðakao, quận 1, Sài-gòn, rất cần được trợ giúp để đóng tiền học nghề lo cho tương lai.

01. Em PHẠM TRỌNG BIÊN, sinh 1980 tại Trang Nứa, Nghệ An, học nghề sửa xe máy.

02. Em PHẠM THỊ HỠI, sinh năm 1980 tại Trang Nứa, Nghệ An, học nghề may.

03. Em NGUYỄN VĂN LUẬN, sinh năm 1980 tại Nghĩa Ðàn, Nghệ An, học nghề mộc.

04. Em NGUYỄN BÁ VƯƠNG, sinh 1983 tại Thanh Tân, Nghệ An, đang học lớp 10 Bổ Túc Văn Hóa.

HỌC BỔNG CHO 4 EM HỌC SINH NGHÈO Ở LONG KHÁNH - ÐỒNG NAI

Sr. Savio, Dòng Ðức Bà Truyền Giáo, giới thiệu trường hợp gia đình anh Lê Hồng Minh, chạy xe ôm, và chị Vũ Thị Hường, ngụ tại số A 26 ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện, huyện Long Khánh, tỉnh Ðồng Nai, hoàn cảnh rất nghèo, không đủ sức lo liệu cho các con ăn học. Gospelnet xin trợ giúp cho 4 cháu, mỗi cháu 50.000 VND một tháng, trong hai tháng 11 và 12.2002, tổng cộng: 400.000 VND.

01. LÊ HỒNG VŨ, sinh 1985, học lớp 11.

02. LÊ VŨ HỒNG PHỤNG, sinh 1987, học lớp 10.

03. LÊ VŨ PHỤNG TIÊN, sinh 1990, học lớp 8.

04. LÊ VŨ HỒNG PHÚC, sinh 1992, học lớp 4.

TRỠ GIÚP MỘT EM HỌC SINH NGHÈO Ở LÂM ÐỒNG CÓ TIỀN ÐÓNG HỌC PHÍ

Sr. Savio, Dòng Ðức Bà Truyền Giáo, giới thiệu trường hợp cháu VŨ ÁI THI, sinh 1986, đang học lớp 12 Bổ Túc Văn Hóa tại Ðà Lạt, con anh Vũ Ngọc Vinh, làm nghề sửa xe đạp, và chị Nguyễn Thị Ðào, hiện ngụ tại thôn Proh Kinh Tế, xã Proh, huyện Ðơn Dương, tỉnh Lâm Ðồng. Gia đình có tất cả 4 con, đều cố gắng cho đi học mặc dù hoàn cảnh rất nghèo, nằm trong diện phải cứu đói vì hai năm liền cả vùng này bị hạn hán mất mùa. Gospelnet xin trợ giúp một lần số tiền 400.000 VND, phụ với các Srs. Dòng Ðức Bà Truyền Giáo đã giúp 600.000 VND để em Thi đóng học phí.

HỌC BỔNG CHO 14 EM Ở GIÁO XỨ ÐỨC HẠNH – BAN-MÊ-THUẬT

Cha Trần Ngọc Cầu, Giáo Xứ Ðức Hạnh, Giáo Hạt Quảng Ðức, Giáo Phận Ban-mê-thuật, giới thiệu danh sách 14 em học sinh nghèo người dân tộc Công Giáo, ngụ tại thôn 2 xã Quảng Tân, cần được trợ giúp:

01. Ma-ri-a THỊ BÉ, sinh 10.2.1994, con ông Ðiểu Klơn và bà Thị Bđưch, học lớp 3C.

02. Giu-se ÐIỂU NGỐT, sinh 10.12.1994, con ông Ðiểu Mrớ và bà Thị Brơn, học lớp 3C.

03. Phê-rô ÐIỂU LÚC, sinh 10.11.1994, con ông Ðiểu Klcong và bà Thị Lôm, học lớp 3C.

04. Phê-rô ÐIỂU TSINH, sinh 16.3.1997, con ông Ðiểu Mỡ và bà Thị Wat, học lớp Mẫu Giáo.

05. Phê-rô ÐIỂU PHÚC, sinh 10.10.1986, con ông Ðiểu Kloang và bà Thị Lôm, học lớp 7C.

06. An-na THỊ LÚY, sinh 10.2.1994, con ông Ðiểu Ghé và bà Thị Dyang, học lớp 7C.

07. Ê-li-sa-bét THỊ LOẠI, sinh 10.2.1986, con ông Ðiểu Klong và bà Thị Ngót, học lớp 7C.

08. Phê-rô ÐIỂU SƠN, sinh 10.10.1994, con ông Ðiểu Sriên và bà Thị Brễ, học lớp 3C.

09. Ma-ri-a THỊ GRỐT, sinh 10.6.1987, con ông Ðiểu Mỡ và bà Thị Wat, học lớp 5C.

10. Ma-ri-a THỊ NHẤT, sinh 10.5.1990, con ông Ðiểu Răng, mồ côi mẹ, học lớp 5C.

11. Ma-ri-a LAN THỊ NHƯ Ý, sinh 5.2.1994, con ông Ðiểu Ghé và bà Ê-li-sa-bét Thị Dyang, học lớp 2C.

12. Giu-đa ÐIỂU NHẬT, sinh 12.8.1993, con ông Ðiểu Ghé và bà Ê-li-sa-bét Thị Dyang, học lớp 3C.

13. Ê-li-sa-bét BRUM, sinh 25.10.1989, con ông Ðiểu Ghé và bà Ê-li-sa-bét Thị Dyang, học lớp 5C.

14. Ma-ri-a THỊ NHANG, sinh 10.10.1994, con ông Ðiểu Phế và bà Ma-ri-a Thị Brôi, học lớp 2C.

Gospelnet xin trợ giúp mỗi em 50.000 VND một tháng, trong hai tháng 11 và 12.2002, tổng cộng: 1.400.000 VND. Rất mong quý độc giả và ân nhân gần xa chia sẻ thêm cho các em về lâu về dài.

HỌC BỔNG CHO 12 EM Ở TỈNH QUẢNG NAM

Như Gospelnet số 73 ra ngày 25.8.2002 đã thông tin, cha Ngô Tấn Lực, DCCT, giới thiệu 12 em học sinh nghèo được trợ giúp 50.000 VND mỗi tháng, trong thời gian 3 tháng, kể từ tháng 9 đến hết tháng 11.2002. Nay Gospelnet số 85 tiếp tục trợ giúp cho tháng 12.2002, tổng cộng: 600.000 VND:

Ngoài ra, Gospelnet 85 cũng xin tiếp tục trợ giúp thêm 4 trường hợp già yếu, neo đơn và nghèo ở Quảng Nam cần trợ giúp dưới đây, cho tháng 12.2002, tổng cộng: 200.000 VND.

Tất cả số tiền 800.000 VND nêu trên được trích ra từ khoản chia sẻ của bà Nguyễn Hoàng Vĩnh ( Hoa Kỳ ) mới gửi về. Xin thay mặt cha Lực và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

HỌC BỔNG CHO 43 EM Ở CAM RANH VÀ HUẾ

Như Gospelnet số 68, ngày 30.6.2002 đã thông tin, thầy Vũ Tùng Lân, DCCT, giới thiệu danh sách 43 em học sinh nghèo ở Cam Ranh và Huế. Kể từ tháng 7 cho đến hết tháng 10, đã trợ giúp được cho các em tổng cộng số tiền là 9.250.000 VND. Nay Gospelnet xin tiếp tục trợ giúp hai tháng 11 và 12.2002, tổng cộng: 4.300.000 VND. được trích ra từ khoản chia sẻ của lớp Giáo Lý Dự Tòng ở Los Angeles ( Hoa Kỳ ) do bà Lê Kim Loan gửi về. Xin thay mặt thầy Lân và gia đình các em tỏ lòng tri ân đến bà Lê Kim Loan và các anh chị em học viên Giáo Lý.

TRỠ GIÚP MỘT GIA ÐÌNH CÓ HOÀN CẢNH NGẶT NGHÈO Ở TỈNH ÐỒNG NAI

Cha Lê Quang Uy, DCCT, giới thiệu trường hợp gia đình chị Ma-ri-a NGUYỄN THỊ HÒA, ngụ tại đội 2 xã Nam Linh, huyện Phú Xuân, tỉnh Ðồng Nai, góa cả hai đời chồng, hoàn cảnh khó khăn, có 2 người con: Em LÊ TRỌNG HẢI, 19 tuổi, đang học lớp 10 D ở Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, và em NGUYỄN VĂN HÙNG, 17 tuổi, bị bệnh phù thủng nặng. Gospelnet xin trợ giúp số tiền 200.000 VND để chị Hòa lo liệu cho hai con.

TRỠ GIÚP CHO HAI CHỊ EM HOÀN CẢNH NGẶT NGHÈO GỐC HUẾ

Thầy Giu-se Vũ Văn Tuệ, DCCT, giới thiệu một gia đình có 2 chị em gặp hoàn cảnh ngặt nghèo:

01. Cháu NGUYỄN THANH THÚY, bị tai nạn chấn thương sọ não, hiện đang điều trị tại bệnh viện Thống Nhất, Ðồng Nai. Gospelnet xin trợ giúp ngay số tiền 1.000.000 VND để lo liệu thuốc men.

02. Cháu NGUYỄN THỊ THANH THANH, sinh ngày 23.2.1992, con ông Nguyễn Cả và bà Ðặng Thị Hoa, hiện ngụ tại số 544, Trà Cổ, Bình Minh, huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai. Cháu đang học lớp 5 B trường Bình Minh. Gia đình quá nghèo không lo nổi tiền học cho cháu, sợ phải bỏ dở dang. Gospelnet xin trợ giúp 4 tháng, mỗi tháng 50.000 VND, kể từ tháng 9 đến hết tháng 12.2002, tổng cộng: 200.000 VND.

Tất cả số tiền 1.200.000 VND nêu trên được trích ra từ khoản chia sẻ của anh chị em học viên lớp Giáo Lý Dự Tòng ở Los Angeles ( Hoa Kỳ ) do bà Lê Kim Loan gửi về. Xin thay mặt Thầy Tuệ và gia đình các em tỏ lòng tri ân đến bà Lê Kim Loan và các anh chị em học viên Giáo Lý.