TIN MỪNG: Lc 9, 23 - 26
DỤ NGÔN NHỮNG YẾN BẠC
Có người kia sắp đi xa,
liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này
năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng
mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền
ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy,
người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh
một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu
dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với
họ.
Người
đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: "Thưa ông chủ, ông đã
giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây". Ông chủ
nói với người ấy: "Khá lắm ! hỡi đầy tớ tài giỏi
và trung thành ! Ðược giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều
cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !"
Người
đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi
hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây".
Ông chủ nói với người ấy: "Khá
lắm ! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Ðược giao ít mà anh đã trung
thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ
anh !"
Rồi người
đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, tôi biết ông là người
hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ,
mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy
!" Ông chủ đáp: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác
! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh
phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được
cả vốn lẫn lời chứ ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà
đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và
sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy
đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài:
ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng".
SUY NIỆM 1:
NHẬN NHIỀU
THÌ BỊ ÐÒI HỎI NHIỀU
1. Trên đời, sự phân phối những điều tốt đẹp không đồng
đều
Không ai có thể chối cãi
điều này: trên đời, người ta khác nhau về đủ mọi phương diện: tính
tình, khuynh hướng, khả năng, quan niệm, tư tưởng, đạo đức, sức khỏe,
v.v... Ðúng như cổ nhân nói: "Bá
nhân bá tánh", "chín người mười ý"... Và ngay trong từng phương diện, người ta cũng
khác nhau về mức độ, chẳng ai tuyệt đối bằng ai, y hệt như: "Bàn tay ngón thấp ngón cao". Ðiều đó tạo nên sự phong
phú đa dạng trong thế giới con người. Trong những lãnh vực khác của
thiên nhiên vạn vật cũng có sự đa dạng y như thế. Như vậy, phải
chăng Thiên Chúa bất công ? Phải chăng những người có tài đức hơn
người, có nhiều điều kiện phát triển hơn người, giàu có hơn người...
thì được lợi hơn những người khác ?
2. Ai nhận được nhiều thì bị đòi hỏi nhiều
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy:
Thiên Chúa cho ai nhiều, thì Ngài đòi hỏi người ấy nhiều. Ngược lại
Ngài cho ai ít, thì lại đòi hỏi người ấy ít. Ðức Giê-su đã từng nói:
"Hễ ai đã được cho nhiều thì
sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều
hơn" ( Lc 12, 48 ). Người
được Thiên Chúa ban nhiều ân huệ mà không làm những ân huệ sinh
lợi cho Thiên Chúa, cho bản thân, cho tha nhân, thì ân huệ ấy trở
thành án phạt cho mình. Cho nên ân huệ nhiều thì trách nhiệm cũng
nhiều. Vậy ai nhận được nhiều thì cũng nên lo lắng về trách nhiệm
của mình. Còn ai được ít thì cũng nên tự an ủi vì trách nhiệm của
mình ít. Như vậy kẻ được nhiều không hẳn đã hay, và kẻ được ít không
hẳn đã dở. Mới nghĩ thì thấy Thiên Chúa không công bằng, nhưng nghĩ
cho kỹ thì thấy Ngài tuy chủ trương đa dạng nhưng lại rất công bằng.
Những ân huệ ta nhận được
cũng như món tiền ta vay của ngân hàng, phải trả tiền lời theo định
kỳ, mỗi tháng hoặc mỗi năm. Do đó, vay càng nhiều tiền thì càng
phải sinh lợi ra nhiều để có thể trả số lời tương ứng với số tiền
mình vay. Giả như lãi suất là 10% một năm ( tức 0, 83% một tháng ),
thì trong 10 năm, tiền lời sẽ lên cao bằng tiền vay ban đầu. Nếu vay
trong 20 năm, tiền lời thành gấp đôi tiền vay ban đầu. Nếu vay nhiều
mà không đủ khả năng sinh lợi ra nhiều, thì sẽ không có tiền để
trả lãi, và vay càng lâu thì tiền lời càng cao, nếu không sinh lợi
thì càng nguy hiểm. Vì tới kỳ hạn cuối cùng, phải thanh toán cả vốn
lẫn lời, nếu không có khả năng trả hết thì có nguy hiểm phải ngồi
tù.
Do đó, nếu không có khả
năng làm ăn sinh lợi, thì vay được nhiều không phải là điều tốt đẹp
mà trái lại có thể là nguyên nhân gây ra tai họa. Vay càng nhiều,
họa càng lớn. Tương tự, được Thiên Chúa ban nhiều thuận lợi chớ vội
mừng hay tự hào, vì nếu không làm cho chúng sinh lợi thì rất có thể
những thuận lợi ấy lại trở thành tai họa.
3. Hãy ý thức trách nhiệm về những thuận lợi mình đang
hưởng
Vậy chúng ta hãy tự xét xem
chúng ta được Thiên Chúa ban cho những thuận lợi nào: khỏe mạnh,
thông minh, được giáo dục tử tế, có văn hóa, nhà giàu có, nhiều
tài năng, v.v... Chúng ta thường hãnh diện, tự hào với mọi người về
những thuận lợi đó, mà rất ít khi nghĩ đến trách nhiệm vì được những
thuận lợi hơn người đó.
Thiết tưởng, khi được những
thuận lợi hơn người, người Ki-tô hữu phải nghĩ đến trách nhiệm hơn
là tự hào về chúng. Những thuận lợi đó phải được đem ra làm ích
lợi cho Thiên Chúa, cho bản thân, và cho tha nhân. Nếu thuận lợi ta
được quá nhiều, mà ích lợi ta làm ra được từ những thuận lợi đó
lại quá ít, ắt nhiên ta không thể tránh được hình phạt của Thiên
Chúa. Ðược quá nhiều thuận lợi mà không sinh lợi cho ai, điều ấy chứng
tỏ ta không có tình yêu, và như thế là ta không có Thiên Chúa trong
chúng ta: "Nếu ai có của cải
thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng
thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được"
( 1 Ga 3, 17 ).
Thật vậy, nếu về mặt vật
chất mà Thiên Chúa còn đòi buộc chúng ta "ai có hai áo, hãy chia cho người không có; ai có gì ăn, cũng
hãy làm như vậy" ( Lc 3, 11 ), thì về mặt tinh thần, Ngài còn đòi
hỏi chúng ta phải chia sẻ hơn vậy rất nhiều. Vì sự chia sẻ vật chất
thì rất giới hạn, còn chia sẻ tinh thần thì ít bị giới hạn hơn rất
nhiều.
4. Ðừng vội tự hào hay kiêu hãnh về những thuận lợi của
mình
Vậy khi xét xử, Thiên Chúa
không xét theo mức độ đạo đức, những thành quả tâm linh mà chúng ta
đang có hay đã đạt được, mà xét theo mức độ cố gắng của chúng ta
để nên hoàn thiện hơn. Nếu Thiên Chúa ban cho ta 5 yến bạc, mà ta
chẳng làm lợi ra được yến nào, nghĩa là ta không phát huy được những
thuận lợi của ta, không dùng những thuận lợi ấy để làm ích cho ai,
thì ta sẽ không được Ngài kể là công chính bằng một người chỉ được
Ngài ban một yến, nhưng đã làm lợi ra được gấp 3, thành 3 yến. Tuy
người ấy chỉ có 3 yến, nghĩa là kém ta tới 2 yến, nhưng người ấy
được Thiên Chúa coi là công chính hơn ta rất nhiều. Có như thế, Ngài
mới là một Thiên Chúa công bằng thật sự.
Vì thế, đừng tưởng ta đạo
đức hơn người, làm được nhiều việc tốt lành hơn người mà nghĩ rằng
ta công chính hơn người. Coi chừng kẻo lầm to: "Ai tưởng mình đang đứng vững, hãy coi
chừng kẻo ngã» ( 1Cr 10, 12 ). Vì không thể so sánh thấy kết quả
của mình hơn người khác mà kết luận mình công chính hơn họ. Phải so
sánh những thành quả mình làm được với những thuận lợi ban đầu
Thiên Chúa ban cho, xem đã tương xứng chưa: "Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình (...) chứ đừng
so sánh với người khác"
( Gl 6, 4 ).
Ði vào cụ thể, ta thử so
sánh hai người sau đây: Một người sinh ra từ một cha mẹ trộm cướp hay
đĩ điếm, không được giáo dục đầy đủ, nhưng anh đã cố gắng hết sức
mình ra vượt ra khỏi vòng tội lỗi do cha mẹ mình để lại. Anh nỗ lực
vươn lên sự thiện suốt cả cuộc đời, và anh đã trở thành một người
khá lương thiện. Còn người kia được sinh ra từ một cha mẹ đức hạnh,
được giáo dục đầy đủ, vì thế, dù anh chẳng cố gắng hay nỗ lực
nhiều, anh vẫn được mọi người coi là rất tốt, và nhờ đó có một địa
vị khá cao trong xã hội hay Giáo Hội.
Như vậy, trước mặt người
đời, người thứ hai chắc chắn được đánh giá là công chính hơn người
thứ nhất. Nhưng rất có thể trước mặt Thiên Chúa, Ngài thấy nỗ lực
vươn lên của người thứ nhất lớn hơn gấp nhiều lần nỗ lực của người
thứ hai. Như thế chắc chắn phần thưởng Thiên Chúa dành cho người thứ
nhất sẽ phải lớn hơn phần thưởng cho người thứ hai.
Quả thật cách phán xét của
Thiên Chúa khác hẳn với cách phán đoán của người đời. Ngài đã
từng nói với các các thượng tế và kỳ mục trong dân, là những
người được dân chúng tôn trọng và cho là đạo đức: "Những người thu thuế và những cô gái
điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông" ( Mt 21, 31 ). Tại sao ?
Có thể vì những người tội lỗi ấy đã cố gắng vươn lên sự thiện
nhiều hơn cả những bậc được coi là đạo đức kia ! Nên khi Gio-an Tẩy
Giả và Ðức Giê-su đến, những người bị coi là tội lỗi ấy đã sám
hối và tin theo ngay !
Lạy
Cha, nhiều khi con vui mừng vì được Cha ban cho rất nhiều thuận lợi
trong đời sống. Và con đã hãnh diện và tự hào với những người kém
may mắn hơn con. Qua bài Tin Mừng này, con thấy mình thật dại dột, vì
nếu con không dùng những thuận lợi ấy để bù đắp lại cho những
người kém may mắn hơn con, thì vào ngày Cha phán xét, chính những
thuận lợi ấy lại trở thành những gì gây bất lợi cho con. Xin cho con
ý thức được trách nhiệm của con đối với họ.
Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT
SUY NIỆM 2:
Thiên Chúa là Alpha và Omega, Ngài là Khởi
Nguyên và là Tận Cùng. Ðiều ấy có thể diễn tả cách khác: Thiên
Chúa là thời gian. Thiên Chúa là thời gian trong ý nghĩa Ngài là chủ
thời gian. Thiên Chúa hiện hữu không phải trong thời gian mà là siêu
thời gian vì ngàn năm đối với Chúa như một ngày.
Chỉ còn 2 tuần lễ nữa là kết thúc thời gian Năm
Phụng Vụ để rồi khởi đầu một chu kỳ Năm Phụng Vụ mới. Các bài
đọc của các tuần Chúa Nhật này đều nói về việc trở lại của Chúa
Giê-su trong ngày quang lâm. Lịch sử nhân loại đã mở đầu bằng sáng
tạo thì sẽ kết thúc bằng tái tạo.
Ngay từ ban đầu khi loài người sa ngã, Thiên Chúa
đã muốn cứu chuộc loài. Ngài đã can thiệp nhiều lần vào lịch sử
bằng những biến cố kỳ diệu, độc đáo được ghi trong Thánh Kinh. Thiên
Chúa dùng lịch sử làm phương thế cứu chuộc, biến lịch sử loài người
thành một Lịch Sử Thánh, một Lịch Sử Cứu Rỗi.
Lịch Sử Cứu Rỗi gồm ba giai đoạn chính. Cựu Ước
chuẩn bị Ơn Cứu Rỗi, Tân Ước thực hiện Ơn Cứu Rỗi. Thời Giáo Hội
nối dài và phân phát ơn cứu rỗi. Sau ngày Quang Lâm của Chúa Ki-tô
lịch sử sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Trời.
Ðức Giê-su là trung tâm của Lịch Sử Cứu Rỗi, nơi
Ngài, Ơn Cứu Rỗi không còn là lời hứa mà đã trở thành hiện thực.
Ðức Giê-su còn là tận đích của Lịch Sử Cứu Rỗi, vì tất cả lịch sử
quy hướng về Ngài. Ngài là hồng ân tuyệt hảo Thiên Chúa ban cho
nhân loại. Trong Ngài loài người đạt tới sự sống viên mãn.
Như vậy có hai lịch sử song hành: lịch sử trần
thế và Lịch Sử Cứu Rỗi.
Lịch sử trần thế là lịch sử các dân tộc, các
triều đại, các nền văn minh với các định chế xã hội, các biến cố
chính trị, các tiến bộ kỹ thuật. Ðây là mặt nổi có thể quan sát
được.
Lịch Sử Cứu Rỗi là lịch sử sinh hoạt siêu nhiên,
thánh hóa các tâm hồn nhờ ân sủng và tác động của Thánh Thần.
Lịch sử này đang khai diễn âm thầm dưới chiều sâu trong các tâm hồn
theo nhịp của ân sủng. Ðây là mặt chìm mà chỉ có Ðức Tin mới nhận
ra. Như vậy Ðức Tin giúp chúng ta nhận ra có một lịch sử thánh xuyên
qua lịch sử trần thế, bao trùm thấm nhập lịch sử trần thế. Nhờ đó
lịch sử loài người có một ý nghĩa. Từ đỉnh cao của vĩnh cửu, Thiên
Chúa đang từng bước hướng dẫn loài người đến Ơn Cứu Rỗi chung cuộc.
Khi lịch sử chấm dứt là lúc Ðức Giê-su trở lại
thu hợp toàn thể loài người và toàn thể vũ trụ để mọi người và
mọi sự được hoàn tất trong Ngài.
Ngày Ðức Giê-su trở lại, ngày quang lâm, tái
lâm được gọi bằng nhiều tên: Ngày cuối cùng ( Ga 6, 39; 11, 24;
12, 48 ), Ngày của Chúa ( 1 Cr 3, 13; 5, 5 ), Ngày Chúa đến
( 1 Cr 1, 8 ), Ngày của Ðức Ki-tô ( Pr 1, 10; 2, 16 ), Ngày
viếng thăm ( 1 Pr 2, 12 ), Ngày xét xử ( 1 Ga 4, 17 ). Chính
Ðức Giê-su đã nhiều lần nói đến Ngày Tái Lâm này ( Mt 24, 30; 25,
31; 26, 64; Mc 8, 38; 14, 62; Lc 17, 24; Ga 6, 39 - 40 ).
Không ai biết Ngày Quang Lâm bao giờ sẽ đến, kể
cả Ðức Giê-su về mặt nhân tính ( Mt 24, 36 ). Ngày đó đến bất ngờ "như
kẻ trộm trong đêm tối" ( 1 Tx 5, 1 - 3 ). Theo nhiều dụ ngôn, Chúa
đến giữa lúc không ai nghĩ tới, đối với từng cá nhân cũng như đối
với toàn thể nhân loại ( Mt 24, 37; 37, 44; Mc 13, 33 - 37; Lc 17, 22 -
37; 21, 35 )
Ngày tận cùng của thời gian,
Ðức Giê-su tái lâm biểu dương quyền năng và vinh quang của Ngài. Sẽ
có một cuộc phán xét chung. Rất nhiều dụ ngôn trong Tin Mừng theo
Thánh Mát-thêu ám chỉ ngày phán xét chung này: cỏ lùng trong ruộng
lúa ( Mt 13, 37 - 43 ), phân loại cá sau mẻ lưới ( Mt 15, 39 -
49 ), chủ đòi gia nhân tính sổ ( Mt 18, 23 - 35 ), thợ làm
vườn nho cuối ngày trả công ( Mt 20, 1 - 16 ), mười trinh nữ đi
dự tiệc cưới ( Mt 25, 1 - 13 ). Ngày ấy các dân thiên hạ được
thâu họp lại trước mặt Ngài hết thảy. Tất cả mọi người không phân
biệt màu da, chủng tộc ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo... đều được
triệu tập trước mặt Người. Lúc ấy Người sẽ phân biệt kẻ lành kẻ dữ.
Cuộc phán xét của Thiên Chúa sẽ không diễn ra theo cách thức của
các tòa án trần gian: tố cáo, biện minh, đối chiếu, bằng chứng...
Nhưng đây là một sự soi sáng từ bên trong. Trong ánh sáng của Thiên
Chúa mỗi người sẽ thấy rõ những giá trị các hành vi của mình, cách
mình đối xử với Thiên Chúa và với tha nhân.
Thiên Chúa là Alpha và Omega. Thánh Gio-an còn
định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4, 16). Thiên Chúa là thời gian
và cũng là tình yêu. Như thế thời gian và tình yêu song hành là một.
Tôi sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và
sống trong thời gian là yêu để sống. Thời gian không có tình yêu sẽ
trở thành lạnh lùng buồn tẻ. Tình yêu ý nghĩa hóa và thắp hồn cho
thời gian. Bởi đó những người đang yêu là những người đang sống trong
thời gian với đầy ắp niếm vui hạnh phúc. Những người biết yêu là
biết nhìn thời gian như vàng ngọc. Ai sống trong Thiên Chúa là người
phải biết yêu quí thời gian Chúa ban.
Các bài đọc Chúa Nhật 33 Thường Niên kêu mời
chúng ta suy niệm về giá trị của thời gian và lao động. Sách Châm
Ngôn mô tả người đàn bà lý tưởng. Bà ăn ở được lòng chồng con, xây
dựng gia đình bằng đôi tay cần mẫn, tháo vát và chăm chỉ. Thánh
Phao-lô trong thư gởi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca đã đề cập đến giá
trị của thời giờ. Trong giáo đoàn có người lo sợ là ngày tận thế
sắp đến, họ sợ hãi đến độ không muốn làm gì cả. Thánh nhân đã
cảnh tỉnh: Hãy làm việc, đừng ngũ mê. Hãy biết trân trọng thời gian
Chúa ban. Với bài phúc âm, Chúa Giê-su nói đến giá trị của thời
giờ, công việc và tài năng. Thiên Chúa khi ban sự sống thì đồng
thời cũng ban phương tiện sinh sống như thời giờ, tài năng, như "nén
bạc Chúa trao".
Thiên Chúa ban tài năng thì chúng ta có trách
nhiệm phải biết dùng tài năng ấy để sinh lợi cho mình và cho người khác.
Kẻ lười biếng sẽ được gọi là tôi tớ bất hảo; còn người tôi tớ
chăm chỉ làm việc, sinh lợi các nén bạc thì được gọi là lương hảo.
Tiêu chuẩn căn bản mà Chúa xét xử đó là tình yêu. Dấu chỉ chúng ta
yêu mến Chúa đó là tình yêu chúng ta thực thi đối với anh chị em
mình.
Thiên Chúa là thời gian và cũng là tình yêu.
Chúng ta quý trọng thời gian, dùng thời gian để làm việc trong tình
yêu, yêu Chúa và yêu người. Ai yêu thương là kẻ được Thiên Chúa
sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa. Thời gian quý giá như vàng
ngọc. Bởi vậy:
Dùng
thời gian để suy nghĩ, đó là nguồn sức mạnh
Dùng
thời gian để đọc, đó là nền tảng sự khôn ngoan
Dùng
thời gian để tìm hiểu, đó là cơ hội để giúp người khác
Dùng
thời gian để cười, đó là âm nhạc của tâm hồn
Dùng
thời gian để ước mơ, đó là kiến tạo những gì thuộc về tương lai
Dùng
thời gian để thinh lặng, đó là cơ hội để gặp Chúa
Dùng thời
gian để yêu và được yêu, đó là món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa
Dùng
thời gian để cầu nguyện, đó là sức mạnh vĩ đại nhất trên trái đất
này.
Nguyện xin Thiên Chúa là Chúa của Thời Gian, là
Vua của Tình Yêu giúp chúng con biết dùng thời gian để dấn thân phục
vụ trong tình yêu.
CHỨNG TỪ:
Vào Tuần Thánh năm 1980, một đài phát
thanh nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người
được phỏng vấn là một nữ sinh viên đang nằm chờ cái chết đến từng
ngày tại một bệnh viện ở thủ đô Áo. Cô phát biểu cảm nghĩ của
mình như sau: "Sau khi bác sĩ chuẩn đoán và cho biết tôi mắc chứng
sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên tôi. Tuy
nhiên, với đức tin tôi có cảm thấy như Chúa muốn gửi đến cho tôi
một cơ may mới. Từ hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn
mới. Tôi nhận ra đau khổ của riêng tôi cũng như của những người
chung quanh phản ảnh chính nỗi đau khổ của Chúa Giê-su chịu đóng đinh
và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm cách yêu thích nỗi đau khổ
ấy..."
Chính vì muốn chấp nhận đau khổ mà cô gái
đã ghi danh vào trường y khoa. Nằm trên giường bệnh, biết mình không
còn sống bao lâu nữa, vậy mà cô vẫn cầm trên tay một cuốn sách và
một cây viết. Cô giải thích: "Không ai có thể nói cho tôi biết
chắc một trăm phần trăm là tôi sẽ không học xong hoặc tôi sẽ
không bao giờ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, vẫn luôn có những phép
lạ. Và riêng tôi, tôi xác tín rằng tôi phải thực thi ý chúa, nếu
tôi muốn tiến tới. Ðó là cách thế tôi chuẩn bị đón nhận cái chết,
chuẩn bị đi vào Thiên Ðàng. Tôi để Chúa làm việc hầu cho tất cả
mọi việc trở thành tình yêu. Tất cả mọi sự, từ việc học hành của
tôi cho đến những việc nhỏ mọn tôi làm cho người khác. Bởi vì tôi
không làm được những việc quan trọng nữa."
Không khỏi ngạc nhiên trước những lời
phát biểu trên đây, người phóng viên liền hỏi: "Tôi đọc thấy
trên gương mặt của cô niềm vui và hy vọng, thế nhưng cô còn chờ đợi
gì nơi cuộc sống này ?" Cô mỉm cười nói: "Tôi chờ đợi mọi sự
từ cuộc sống. Nhưng trên hết mọi sự là tình yêu của Chúa. Chính
Ngài cho tôi nếm thử Thiên Ðàng. Chỉ có như thế tôi mới đương đầu
được với những đau khổ đang đè nặng trên tôi."
TIN MỪNG LỄ KÍNH CÁC
THÁNH TỬ ÐẠO VIỆT NAM: Lc 9, 23 - 26
Ðức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi,
phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy,
ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống
mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế
giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi
gì ? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con người cũng sẽ
xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của
Chúa Cha và các Thánh Thiên Thần."
SUY NIỆM 3:
HY SINH CHO THA NHÂN
1. Không có tình
yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống cho kẻ mình yêu
Nếu trong cuộc đời có nhiều điều tồi tệ thì cũng
có rất nhiều điều tuyệt vời. Những điều tồi tệ là chiến tranh, áp
bức, bóc lột, bất công, xâm phạm tự do và phẩm giá con người, nhất
là phụ nữ và trẻ em. Những điều tuyệt vời là những nỗ lực nhằm
thực hiện những lý tưởng cao đẹp của con người và của Ki-tô giáo:
xây dựng công lý và hòa bình, bênh vực phẩm giá và tự do của con
người, làm cho con người biết tôn trọng và chấp nhận nhau, yêu thương
và tha thứ cho nhau, xây dựng một nền văn minh tình thương trong xã
hội ngày nay. Ðể thực hiện những điều tuyệt vời ấy, không biết bao
nhiêu người – lương cũng như giáo, nam cũng như nữ – đã không quản
ngại hiến dâng sức khỏe, tiền bạc, thời gian, quyền lợi, công danh
sự nghiệp, thậm chí cả mạng sống mình.
Trong vụ hỏa hoạn Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế ở
Sài-gòn chiều 29.10 vừa qua đã có những người liều chết xông vào
đám cháy cứu các nạn nhân đang kẹt trong tòa nhà đó: "Không có
tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình cho người
mình yêu." Cách đây hai ngàn năm, Ðức Giê-su, Con Một Thiên Chúa
đã long trọng tuyên dương cách sống xả thân ấy. Chính Người đã sống
như thế và mời gọi chúng ta bước theo Ngài mà sống như thế !
2. Theo Chúa là
đi vào con đường từ bỏ của thập giá
2.1 Giả như Ðức
Giê-su chỉ đề cao những tâm hồn quảng đại, dám hy sinh mạng sống cho
anh em đồng loại thì chúng ta cũng chưa bị phiền toái gì cho lắm, vì
chúng ta có thể dừng lại ở tâm tình ngưỡng mộ, khâm phục những con
người anh hùng ấy mà không cần phải làm theo họ. Ðàng này Ðức
Giê-su lại đưa ra điều kiện cho những ai muốn theo Người: "Ai muốn
theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo"
thì rõ ràng là chúng ta không thể ngồi yên, vì điều đó liên hệ mật
thiết đến chúng ta !
Trong sách Phúc Âm ba lần loan báo cuộc Thương Khó
và Phục Sinh đi liền với ba lần giáo huấn về con đường ( hay cách
sống ) làm môn đệ. Làm môn đệ là chấp nhận hy sinh, từ bỏ, là vác
thập giá mỗi ngày mà theo Chúa. Thế có nghĩa là sống hy sinh từ bỏ,
vác thập giá, thậm chí chết treo trên thập giá là điều kiện "không
có không được" của người môn đệ Ðức Giê-su.
2.2 Theo Chúa là đi vào con đường thập giá, vô cùng
khó khăn vì là đi ngược với dòng đời và ngược với xu hướng tự
nhiên của con người. Thông thường ai cũng thích dễ dàng, ngại chịu
khó; ai cũng thích an nhàn, ngại vất vả; ai cũng thích tích trữ, ngại
cho đi; ai cũng thích được, ngại mất; ai cũng thích vinh quang, ngại khổ
đau, tủi nhục. Nhưng theo Chúa là chọn khó, chọn cực, chọn khổ và
chọn mất. Chúng ta chỉ thực hiện được những việc "ngược đời"
ấy, khi trong lòng chúng ta, có một Tình yêu lớn lao đối với Thiên
Chúa và con người hay đúng hơn những con người cụ thể mà chúng ta
yêu thương quí mến.
3. Hãy cùng với các Thánh
Tử đạo Việt Nam làm cho hạt giống Ðức Tin nẩy nở và phát triển
mạnh mẽ trên mảnh đất thân yêu này
3.1 Con đường môn đệ là con đường khó, nhưng đã có
rất nhiều người đi vào mà trước hết chúng ta phải kể đến các Thánh
Tử Ðạo và nhất là các thánh tử đạo Việt Nam mà Giáo Hội mừng kính
hôm nay. Ðọc lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, chúng ta thấy tổ tiên
cha ông chúng ta đã chịu ngục tù hà khắc, tra tấn dã man, ngược đãi
đủ điều, thậm chí cả cái chết tủi nhục và đẫm máu để khẳng định
quyết tâm theo Chúa. Những tấm gương hy sinh ngời sáng ấy là niềm
kiêu hãnh và cũng là trách nhiệm của chúng ta. Những giọt máu hồng
của các Ngài là hạt giống Ðức Tin đã được gieo vãi vào lòng đất
Việt Nam.
3.2 Nay đến lượt chúng ta, những người công giáo
Việt Nam thế kỷ 21, có vinh dự và trách nhiệm làm cho những hạt
giống Ðức Tin ấy nẩy nở và phát triển trên quê hương yêu dấu này.
Cánh đồng truyền giáo đang mở ra trước mặt chúng
ta: khắp nơi khắp chốn đều có những con người, những hạng người cần
đến sự quan tâm, giúp đỡ, phục vụ của chúng ta: người nghèo; người
gìa, người tàng tật, trẻ em hè phố lang thang cơ nhỡ mồ côi; người
nông thôn đổ về thành phố kiếm việc làm, kiếm kế sinh nhai; người
dân tộc bị thiệt thòi, bị lãng quên; các bạn trẻ bơ vơ giữa dòng
đời không biết phải sống theo tiêu chuẩn nào, không biết nên tin
vào ai, có thể tựa vào ai. Ngoài ra có rất nhiều người thuộc mọi
giới, mọi thành phần đang cần đến chúng ta vì họ không biết hay hiểu
lầm ý nghĩa cuộc sống mà chỉ biết có danh vọng, giàu sang, lạc thú,
quyền lực và coi nhẹ- thậm chí chà đạp - những giá trị nhân bản đích
thực như công bình, bác ái, trong sạch, thanh thoát.
Muốn cộng tác với tổ tiên cha ông để làm cho
những hạt giống Ðức Tin - mà các Ngài đã gieo vãi bằng máu đào-
mọc thành cây và trổ sinh hoa trái, chúng ta phải "ra khơi" tức ra
khỏi chúng ta và lên đường, tức ra khỏi sự ích kỷ và nhát đảm của
mình mà đến với những người đang chờ đợi chúng ta và đáp ứng nhu
cầu của họ.
Lạy
Thiên Chúa là Cha chúng con. Chúng con cảm tạ Cha về hồng ân Ðức Tin
mà Cha đã ban cho cha ông chúng con và cho chính chúng con. Hồng ân ấy
là ân huệ nhưng không mà Cha đã ban cho chúng con chỉ vì Cha thương yêu
chúng con mà thôi. Nhưng chúng con cũng thấy mình có trách nhiệm phải
làm sinh sôi nẩy nở hạt giống Ðức Tin mà Cha đã gieo vào lòng dân
tộc chúng con qua những giọt máu đào của tổ tiên yêu quí của chúng
con. Xin Cha ban Thánh Thần của Cha cho chúng con, để chúng con dấn
thân vào cánh đồng truyền giáo Việt Nam, để chúng con đến với mọi
giới đồng bào, bằng tinh thần của Chúa Giê-su, Con Cha, Chúa chúng
con, Ðấng đã chết trên thập giá để minh chứng tình yêu "tột cùng"
Ngài dành cho con người. Amen !
CHỨNG TỪ:
Môn đệ của một
vị đạo sĩ kia muốn từ bỏ thế gian, nhưng anh ta quyến luyến gia đình và
bảo rằng: "Vợ con tôi quá thương yêu tôi, nên họ không bằng
lòng cho tôi thoát tục". Nghe nói thế, vị đạo sĩ muốn cho anh
ta biết sự thật nên đã dạy cho anh một kỹ thuật giả chết. Sau một
thời gian học thuần thục, vị đạo sĩ bảo anh hãy áp dụng kỹ thuậ này
khi về đến nhà. Và quả thật, anh ta đã thực hành bài học cách
tuyệt hảo để nhắm mắt xuôi tay, nhưng vẫn còn nghe được mọi tiếng
khóc than của vợ con và thân nhân, bạn bè.
Ngày
hôm sau, vị đạo sĩ đến để phân ưu cùng thâm quyến. Sau những giây phút
tưởng niệm người quá cố, ông nghiêm nghị bảo thân nhân đang khóc
thương người đã từ biệt cõi đời rằng: "Tôi có bí quyết để
cứu sống anh ta, nếu có ai sẵn lòng chết thay cho anh". Anh
chàng giả chết ngạc nhiên khi nghe mọi người trong gia đình nêu ra mọi
lý do để biện minh là mình cần phải sống. Càng ngạc nhiên hơn khi anh
nghe người vợ nghĩa thiết của mình tóm lược mọi lý lẽ trên bằng một
lời quả quyết: "Tôi nghĩ không ai cần chết thay cho chồng tôi.
Không có anh ta, chúng tôi vẫn có thể làm lụng để sống".
Câu
chuyện trên có thể xảy ra bất cứ ở đâu và trong bất cứ gia đình
nào. Và theo sự suy luận thông thường, chúng ta phải công nhận rằng:
Người vợ và thân nhân của anh chàng giả chết có lý của họ. Nhưng
triết gia Pascal cũng có lý khi nhận định: "Con tim có những lý
lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu nổi".
Ðó
là lý lẽ của con tim trong con người của cha Damien, Tông Ðồ Người
Hủi mà cách đây không lâu nhiều người đã long trọng tưởng niệm một
trăm ngày qua đời của Ngài. Cha Damien đã dấn thân phục vụ những
người bị bệnh phong hủi để rồi kết thúc cuộc đời bằng chính căn
bệnh của những người cha đã săn sóc với sự bình thản được biểu lộ
trong những dòng tâm sự cha viết cho bạn bè vài ngày trước khi trút
hơi thở cuối cùng: "Tôi chết vì bệnh phong cùi, nhưng tôi là
một Thừa Sai sung sướng nhất trên địa cầu này".
Ðó
cũng là lý lẽ của con tim trong con người của cha Maximilian Kolbe, nạn
nhân của chính sách bạo tàn tiêu hủy người Do-thái của Ðức Quốc
Xã. Cha Maximilian đã đứng ra chịu chết thay cho một anh bạn tù.
Có thể những người mang lý lẽ này trong con tim hiểu được câu giáo
huấn của Ðức Ki-tô: "Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh
mạng sống vì bạn hữu mình".
THÔNG TIN:
- Một
Linh Mục ẩn danh ( Việt Nam ) giúp người nghèo ......................................................................................... 200.000 VND
- Lớp
Giáo Lý Dự Tòng của bà Lê Kim Loan ( Los Angeles - Hoa Kỳ ) ........................................................................ 500 USD
- Bà
Nguyễn Hoàng Vĩnh ( Hoa Kỳ ) giúp người nghèo ................................................................................................... 500 USD
- Bà
Lê Thị Xinh ( Ðan Mạch - ÐT: 00.45.86.25.86.57 ) giúp quà Noel cho trẻ em
nghèo ........................... 5.000.000 VND
- Anh
chị Nguyễn Duy Linh ( Hoa Kỳ ) giúp học bổng trọn năm cho các em dân
tộc Pleichuet ............................. 600 USD
- Ông
Hoàng Huy Trần ( Việt Nam ) giúp em Võ Hoài Phương ( Củ Chi ) bị khuyết
tật ................................... 200.000 VND
Cha
Nguyễn Gia Tước, DCCT, giới thiệu công trình đào giếng giúp cho dân nghèo của cha VŨ CÔNG BÌNH tại Giáo Ðiểm Xuân Sơn,
Giáo Xứ La Ngà, Giáo Hạt Túc Trưng, Giáo Phận Xuân Lộc. Công trình
này có chi phí rất lớn, tổng cộng là 12.980.000 VND, nhưng đến nay vẫn chưa quyên góp cho đủ.
Gospelnet xin trích quỹ chia sẻ số tiền 1.000.000 VND kính
nhờ cha Tước chuyển đến tay cha Bình, hy vọng bà con lương giáo nghèo
ở đây sớm có nước để sử dụng cho việc sinh hoạt và trồng tỉa. Số tiền này được trích ra từ khoản chia
sẻ của lớp Giáo Lý Dự Tòng ở Los Angeles ( Hoa Kỳ ) do bà Lê Kim
Loan gửi về. Xin thay mặt Giáo Xứ La Ngà tỏ lòng tri ân đến bà
Lê Kim Loan và các anh chị em học viên Giáo Lý.
Như Gospelnet số 53 ngày 24.3.2002 đã thông
tin, Sr. Ngọc Diệp, Tu Hội Dâng Truyền, giới thiệu trường hợp cô
NGUYỄN THỊ THU HIỀN, mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện ở tại nhà trọ
của các Soeurs Phao-lô Thiên Phước, số 295 Hai Bà Trưng, Q.3, Nhà Thờ
Tân Ðịnh. Cô Hiền đang phải điều trị bệnh U Bao Tử ở lầu 3, Trung Tâm
Ung Bướu quận Bình Thạnh, đồng thời phải chạy thận tại bệnh viện
Bình Dân. Ðây là một bệnh nhân nghèo trước đây Gospelnet đã trợ
giúp một lần số tiền 1.000.000 VND để chạy thận, được biết mỗi lần
chạy thận chi phí hết từ 4 đến 500.000 VND. Chị chỉ còn một trái thận
duy nhất và lại còn bị thêm một khối u ở dạ dầy. Tháng nào không
lo vay nợ được tiền chạy thận, chị lại bị phù cả người, rất khổ sở
và đau đớn.
Nay Gospelnet xin trợ giúp 1.000.000 VND
được trích ra từ khoản chia sẻ của anh chị em học viên lớp Giáo Lý
Dự Tòng ở Los Angeles ( Hoa Kỳ ) do bà Lê Kim Loan gửi về. Xin thay
mặt Sr. Ngọc Diệp và bệnh nhân tỏ lòng tri ân đến bà Lê Kim Loan
và các anh chị em học viên Giáo Lý.
01. Em Phao-lô TRẦN PHÚC CHÂN, sinh
22.7.1981, con ông Phê-rô Trần Phúc Chương, 63 tuổi và bà An-na Trần
Thị Nghĩa, 60 tuổi, gia đình làm ruộng, quê tại xóm 9, xã Tân Vịnh,
huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Giáo Phận Vinh, hiện thuê nhà trọ tại
Thủ Ðức, sinh viên năm 1, Ðại Học Mở Bán Công, khoa Ðông Nam Á.
02. Em
Giu-se NGUYỄN HỮU DU, sinh 13.8.1979, con ông Giu-se Nguyễn Hữu Ngoạn
và bà Ma-ri-a Phạm Thị Ngại, gia đình có 7 anh em, làm ruộng, quê tại
xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, Giáo Phận Vinh, hiện
thuê nhà trọ tại Thủ Ðức, sinh viên năm 1, Ðại Học Mở Bán Công,
khoa Xã Hội Học.
03. Em
Phê-rô TRẦN PHÚC TRÌ, sinh 15.1.1979, con ông Phê-rô Trần Phúc Lưu
( đã qua đời ) và bà Ma-ri-a Nguyễn Thị Nhung, làm ruộng, quê tại thị
trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Giáo Phận Vinh, hiện thuê
nhà trọ tại Thủ Ðức, sinh viên năm 2, Ðại Học Mở Bán Công, khoa
Ðông Nam Á.
04. Em
Phê-rô NGUYỄN VĂN CA, sinh 10.10.1978, quê tại xã Diễn Hồng,
huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo Xứ Ðông Tháp, Giáo Phận
Vinh, hiện thuê nhà trọ tại Thủ Ðức, sinh viên năm 2, Ðại Học Mở
Bán Công, khoa Xã Hội Học.
Xin
thay mặt cha Mai Thanh Tùy và các em sinh viên tỏ lòng biết ơn đến
quý giáo sư ân nhân.
Trong vụ hỏa hoạn khủng khiếp ngày 29.10 vừa qua tại Trung
Tâm Thương Mại Quốc Tế ( ITC ), có một trường hợp ngặt nghèo đáng
thương như sau: Anh Ngàn Châu An, người Việt gốc Hoa, ngụ tại D 23 / 17
ấp 11, xã Bình Trị Ðông, huyện Bình Chánh, Sài-gòn, được gọi làm hợp
đồng rửa chén bát cho một tiệc cưới tại lầu 4, vì cần người phụ
thêm, anh đã kéo thêm người chị ruột là chị Ngàn Mỹ Quyên cùng vào
làm để hy vọng tăng thêm một chút thu nhập. Không ngờ hỏa hoạn xảy
ra ngay sau khi tiệc cưới vừa tàn, cả hai chị em cùng với gia đình hai
họ của đám cưới đều bị chết cháy. Chị Ngàn Mỹ Quyên, 29 tuổi,
để lại cháu bé Nguyễn Duy Trọng Nhân, sắp tròn 3 tuổi cùng
người chồng là anh Nguyễn Lê Vy Thanh, 31 tuổi.
Trong khi chuẩn bị cho ngày Lễ Cầu Siêu 14.11.2002 cho các
nạn nhân tổ chức tại Ðền Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Gospelnet đã gặp
được bà Lê Thị Yến là mẹ anh Nguyễn Lê Vy Thanh, chồng của chị
Ngàn Mỹ Quyên, nhà ở số 130 B ấp 2 xã Phú Nhuận, thị xã Bến Tre.
Hoàn cảnh gia đình hết sức nghèo, bây giờ phải lo cho bé Nguyễn Duy
Trọng Nhân hiện đang bị suy dinh dưỡng. Gospelnet đã trích quỹ trợ giúp
cho bà Yến số tiền 500.000 VND.
Các
cha Huỳnh Ngọc Luận, Giáo Xứ Song Vĩnh, Giáo Phận Xuân Lộc, cha
Nguyễn Quang Nam, Giáo Xứ Ðức Lân, Giáo Phận Vinh, cha Nguyễn
Ngọc Hữu, Giáo Xứ Vĩnh Hóa, Giáo Phận Vinh, cha Phạm Minh Thủy,
Giáo Xứ Tân Thành, Giáo Phận Sài-gòn và cha Vương Ðình Khởi, Giám
Tỉnh Dòng Phan-xi-cô, giới thiệu một danh sách các em học sinh và sinh
viên nghèo gốc Giáo Phận Vinh sau đây:
01. Em.
Mi-ca-e TRẦN VĂN VINH, sinh 1979, quê tại
Giáo Xứ Thanh Dạ, Giáo Phận Vinh, tỉnh Nghệ An, có ý muốn đi tu, đã
từng tạm trú tại Giáo Xứ Song Vĩnh, Giáo Phận Xuân Lộc, hiện đang
thuê nhà trọ ở quận Thủ Ðức, ngoại thành Sài-gòn, để theo học lớp
11, trường Bổ Túc Văn Hóa Thủ Ðức.
02. Em
An-na VƯƠNG THỊ TIẾN, sinh 15.8.1984, gia
đình 6 anh chị em, có ý muốn đi tu, quê tại xóm Mai Hoa, xã Diễn Hồng,
huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo Xứ Ðông Tháp, Giáo Phận
Vinh, hiện đang thuê nhà trọ tại đường số 6, Tam Bình, Tam Hà, quận
Thủ Ðức, ngoại thành Sài-gòn, để vừa đi làm hãng dệt, vừa theo học
lớp 11 Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên quận Thủ Ðức.
03. Em
Tê-rê-xa NGÔ THỊ TUYẾT, sinh
12.2.1982, quê ở xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo
Xứ Quy Hậu, Hạt Bảo Nham, Giáo Phận Vinh. Gia đình có 6 anh chị em, nhà
ở vùng núi không có đất trồng lúa mà chỉ trồng được ít hoa màu, thu
nhập không đủ ăn, nên từ năm 2000, em Tuyết đã vào Sài-gòn làm
công nhân giày da, nay đã mất việc. Em có ý muốn đi tu, hiện đang
thuê nhà trọ tại đường số 6, Tam Bình, Tam Hà, quận Thủ Ðức, ngoại
thành Sài-gòn, để vừa đi làm ở hãng dệt, vừa theo học lớp 10 Trung
Tâm Giáo Dục Thường Xuyên quận Thủ Ðức.
04. Em Ma-ri-a NGUYỄN THỊ DUYÊN, sinh 12.10.1988, quê tại
Giáo Xứ Ðông Tháp, Giáo Phận Vinh. Gia đình 7 anh chị em, cha mẹ già
yếu, làm ruộng, thu nhập không đủ ăn, đã có năm trễ đóng học phí
nên bị cắt mất danh hiệu học sinh tiên tiến, nhiều lần tưởng phải
bỏ dở việc học. Em đã từng tạm trú tại Giáo Xứ Song Vĩnh, Giáo
Phận Xuân Lộc, nay em đang thuê nhà trọ tại đường số 6, Tam Bình, Tam
Hà, quận Thủ Ðức, ngoại thành Sài-gòn, để vừa đi làm hãng dệt,
vừa theo học lớp 9 Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên quận Thủ Ðức.
05. Em Giu-se NGUYỄN VĂN CẢNH, sinh năm 1981, quê tại Giáo
Xứ Ðông Tháp, Giáo Phận Vinh. Gia đình 7 anh chị em, cha mẹ già yếu,
làm ruộng thu nhập không đủ ăn. Vì khó khăn, em đã từng phải nghỉ
học 3 năm để đi làm xa tại Giáo Xứ Song Vĩnh, Giáo Phận Xuân Lộc. Em
có ý muốn đi tu nên đã cố gắng xin đi học lại, hiện đang thuê nhà
trọ ở quận Thủ Ðức, Sài-gòn, để theo học lớp 11, trường Bổ Túc
Văn Hóa Thủ Ðức.
06. Em
Ma-ri-a LÊ THỊ LAN, sinh năm 1989, quê
tại Giáo Xứ Thuận Nghĩa, Giáo Phận Vinh. Gia đình đông anh chị em, cha
mẹ làm nghề nông, chỉ trông dựa vào mấy sào ruộng, thu nhập không
đủ ăn. Hiện nay em đang học lớp 8 trường cấp 2 xã Quỳnh Giang, huyện
Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
07. Em
Ma-ri-a NGUYỄN THỊ THỦY, sinh ngày 17.13.1982,
quê tại xã Ðô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo Xứ
Phú Vinh, Giáo Phận Vinh. Gia đình 9 anh chị em, cha mẹ lớn tuổi, làm
ruộng. Hiện nay em vừa đi làm xí nghiệp giày da, vừa theo học lớp 10
trường Bổ Túc Văn Hóa tỉnh Ðồng Nai.
08. Em
Phao-lô PHẠM VĂN CƯỜNG, sinh
năm 1992, con ông Phao-lô Phạm Văn Loan và bà Ma-ri-a Lê Thị Thành,
quê tại Giáo Xứ Thuận Nghĩa, Giáo Phận Vinh. Gia đình làm ruộng, thu nhập
không đủ ăn. Hiện em đang học lớp 4 trường cấp 1 xã Quỳnh Lâm,
huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
09. Em Ma-ri-a TRƯƠNG THỊ
NGUYÊN, sinh
ngày 5.12.1985, con ông Giu-se Trương Ðình Quế và bà Ma-ri-a Hoàng Thị
Lý, quê tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo
Xứ Ðức Lân, Giáo Phận Vinh. Gia đình 7 anh chị em, cha mẹ già yếu, làm
ruộng miền núi, thường xuyên bị hạn hán, mất mùa và sâu bệnh, thu
nhập không đủ ăn. Hiện em đang học lớp 10 B3 trường PTTH Bắc Yên
Thành, Nghệ An.
10. Em
Ma-ri-a NGUYỄN THỊ KHƯƠNG, sinh
ngày 15.10.1984, con ông Phê-rô Nguyễn Hữu Kính và bà Ma-ri-a Nguyễn
Thị Lộc, quê
tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo Xứ Ðức
Lân, Giáo Phận Vinh. Gia đình 6 anh chị em, cha mẹ làm ruộng miền núi,
thường xuyên bị hạn hán, mất mùa và sâu bệnh, thu nhập không đủ
ăn. Hiện em đang học lớp 11 A trường PTTH Lê Doãn Nhã, Nghệ An.
11. Em Giu-se PHẠM VĂN
PHƯỠNG, sinh
ngày 12.10.1985, con ông Phao-lô Phạm Văn Ân và bà Ma-ri-a Vũ Thị Thu,
quê tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo Xứ
Ðức Lân, Giáo Phận Vinh. Gia đình 7 anh chị em, cha mẹ già yếu làm ruộng
miền núi, thường xuyên bị hạn hán, mất mùa và sâu bệnh, thu nhập
không đủ ăn. Hiện em đang học lớp 12 D trường PTTH Bắc Yên Thành,
Nghệ An.
12. Em An-tôn NGUYỄN HỮU VỊ,
sinh ngày
28.8.2002, con ông An-tôn Nguyễn Hữu Xuân và bà Ma-ri-a Nguyễn Thị Ðàm, quê tại xã Hậu
Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo Xứ Ðức Lân, Giáo
Phận Vinh. Gia đình 8 anh chị em, cha mẹ làm ruộng miền núi, thường
xuyên bị hạn hán, mất mùa và sâu bệnh, thu nhập không đủ ăn. Hiện
em đang học lớp 11 A trường PTTH Lê Doãn Nhã, Nghệ An.
13. Em Ma-ri-a NGUYỄN THỊ
LIỄU, sinh
ngày 20.10.1980, con ông Phê-rô Nguyễn Hữu Kính và bà Ma-ri-a Nguyễn
Thị Lộc, quê tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, thuộc
Giáo Xứ Ðức Lân, Giáo Phận Vinh. Gia đình 5 anh chị em, cha mẹ làm
ruộng miền núi, thường xuyên bị mất mùa, thu nhập không đủ ăn. Hiện
em đang theo Ơn Gọi Dòng Mến Thánh Giá Vinh tại cộng đoàn Trang Nứa,
Giáo Phận Vinh, chỉ được hưởng trợ giúp một phần của cộng đoàn,
không đủ lo học phí 3.500.000 VND mỗi năm cho em theo học ( năm thứ 3 )
Ðại Học Mở Bán Công, Sài-gòn, lại thêm tiền thuê nhà trọ và chi
dùng ăn uống.
14. Em Giu-se TRẦN PHÚC
ÐẰNG, sinh
ngày 8.10.1982, con ông Giu-se Trần Phúc Long và bà Ma-ri-a Trần Thị
Huy, quê tại Tân Vịnh, thị trấn Tân Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, thuộc Giáo Xứ
Vĩnh Hoá, Giáo Phận Vinh. Gia đình 6 anh chị em, cha bị bệnh kinh niên,
không làm việc được, mẹ làm ruộng miền núi, thường xuyên bị mất
mùa, thu nhập không đủ ăn, mãi người anh của em đang tìm hiểu Ơn Gọi
Dòng Phan-xi-cô ở Sài-gòn. Hiện em là sinh viên năm thứ nhất Trường
Ðại Học Dân Lập Văn Hiến, Sài-gòn, vừa đi làm vừa trọ học ở số
G.17 đường Nguyễn Hồng Ðào, Giáo Xứ Tân Thành, Sài-gòn, lại vừa lo
liệu cho hai em trai còn đang học phổ thông.
15. Em TRẦN VĂN KHOA, sinh ngày 3.11.1977, con ông
Trần Văn Tất ( đã qua đời ) và bà Hồ Thị Nhụy, 60 tuổi, quê tại xã
Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Gia đình làm ruộng, thu nhập
không đủ ăn. Hiện em là sinh viên năm thứ nhất Trường Ðại Học Hồng
Bàng, Sài-gòn, vừa đi làm vừa trọ học ở số G.17 đường Nguyễn Hồng
Ðào, Giáo Xứ Tân Thành, Sài-gòn.
Gospelnet xin trợ giúp cho 15 em học sinh và sinh
viên nói trên, mỗi tháng 50.000 VND, trong 4 tháng, từ tháng 9 đến hết tháng 12.2002, tổng cộng: 3.000.000 VND. Rất mong quý độc giả
và ân nhân gần xa nhận trợ giúp thêm cho từng em hoặc tất cả các
em trong thời gian lâu dài hơn để các em yên tâm học hành.
Cha Lê Quang Uy, DCCT, giới thiệu trường hợp em ÐẬU THỊ BÌNH, sinh
ngày 15.8.1984, con ông Ðậu Văn Khánh và bà Phạm Thị Hương, nguyên
quán xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, hiện em phải thuê nhà
ở trọ tại số 88 / 36 B đường Kỳ Ðồng, quận 3, Sài-gòn. Hoàn cảnh
gia đình em rất nghèo, học lực khá mà lại không có tiền để lo ôn
thi đại học. Gospelnet xin trợ giúp 200.000 VND trong 4 tháng, kể từ
tháng 11.2002 đến hết tháng 2.2003. Số
tiền này được trích ra từ khoản chia sẻ của bà Nguyễn Hoàng Vĩnh (
Hoa Kỳ ) mới gửi về. Xin thay mặt em Bình tỏ lòng biết ơn đến quý
ân nhân.
MỘT EM BÉ Ở HUẾ CẦN ÐƯỠC MỔ TIM KHẨN
CẤP
Gospelnet vừa nhận được một E-Mail của cha
Phao-lô Ngô Thanh Sơn, quản xứ Kim Ðôi, Giáo Phận Huế, đề ngày
12.11.2002, trình bày về một trường hợp cần được trợ giúp để đủ
tiền xin mổ tim khẩn cấp cho một bé gái. Nội dung E-Mail như sau:
Tôi là Linh Mục Phao-lô Ngô Thanh
Sơn, trong giáo xứ tôi phụ trách, có một bé gái tên Ma-ri-a
NGUYỄN THỊ THÚY THANH, sinh 15.2.1998 ( 4 tuổi ), không có cha, là
con một của bà An-na Nguyễn Thị Ðơn, 41 tuổi. Bé Thúy Thanh bị đau bệnh
tim bẩm sinh, hầu như tháng cũng phải đi khám bác sĩ, hoặc nằm bệnh
viện đang khi học mẫu giáo. Nay đã tới thời kỳ phải mổ, nếu không
thì khó sống. Hai mẹ con sống với ông ngoại, 65 tuổi, bị cụt 1 chân,
và bà ngoại, 63 tuổi, cũng bị đau nhiều thứ bệnh nặng, gia đình nghèo
khổ, lại đã phải hằng tháng tốn tiền chữa chạy cho cháu nên gia
cảnh càng thêm túng quẫn.
Nay vì "dành giựt" sự sống cho con, nên đã liều
xin mổ cho con, dù vẫn chưa đủ tiền. Bệnh viện cho biết: ca mổ nầy
tốn tất cả là 24.000.000 VND, không tính các loại tiền phát
sinh. Gia đình đã làm đơn xin miễn giảm vì nghèo, bệnh viện đã xét
miễn giảm được 12.000.000 VND, gia đình chỉ cần phải nạp 12.000.000 VND.
Cháu đã nằm viện 3 tuần rồi, viện phí tốn một triệu đồng, có lẽ
nếu mổ xong xuôi, tổng số tiền chi phí sẽ lên tới ít là 15.000.000
VND. Bệnh viện bảo trong khoảng 10 ngày nữa, nếu không nạp đủ
12.000.000 VND thì sẽ phải chờ kiếm cho đủ tiền. Vì vậy, tôi cùng gia
đình bé đã đóng góp, xoay xở, vay mượn phải trả tiền lời, được
6.000.000 VND. Còn thiếu 6.000.000 VND. Vậy, kính xin Gospelnet cùng
quý ân nhân thương tình giúp đỡ được chừng nào, xin trân trọng biết
ơn và nguyện xin Chúa trả công.
Gospelnet
xin chuyển ngay 6.000.000 VND trích từ số tiền của bà Nguyễn
Hoàng Vĩnh ( Hoa Kỳ ) vừa gửi về để cha Ngô Thanh Sơn và gia đình
cháu Thùy Khanh kịp lo liệu mọi sự trước khi quá muộn.
LỚP NĂNG KHIẾU TẠI GIÁO XỨ PHAN-XI-CÔ
ÐAKAO
Vừa qua, vào Chúa
Nhật 13.10.2002, tại Giáo Xứ Phan-xi-cô Ðakao có mở 5 lớp năng khiếu:
Thư Pháp - Hội Họa Nặn Tượng - Nhạc Lý - Cắm Hoa - Thêu Tay dành
cho mọi đối tượng trong và ngoài Giáo Xứ.
Các anh chị em gíao viên là những người có chuyên
môn về bộ môn phụ trách. Không quản ngại bỏ phí một ngày Chúa
Nhật thoái mái, các anh chị tham gia hướng dẫn học viên rất nhiệt
tình. Ðã không nhận thù lao của khóa học, lại có anh chị tự bỏ tiền
túi mua thêm dụng cụ giảng dạy ! Các anh chị có người trong Giáo Xứ
Phan-xi-cô Ðakao, có người thuộc Giáo Xứ khác, có người tân tòng và
lại có cả anh chị thuộc các tôn giáo khác.
Lớp Thư Pháp do các anh trong nhóm Phật
Tử đảm trách. Môn Thư Pháp là bộ môn viết chữ nghệ thuật mà từ
trước đến nay chỉ phổ biến trong lãnh vực Phật Giáo. Lần đầu tiên
bộ môn này được chính thức tổ chức giảng dạy trong một Giáo Xứ.
Lớp Hội Họa - Nặn Tượng thì
toàn là học viên nhí ( các em từ sáu đến mười hai tuổi ), Thầy phụ
trách là một giáo dân Cao Ðài. Có dịp đi ngang lớp học mới thấy sự
khó khăn của thầy giữa đám học viên con nít chạy lăng xăng hoặc
nằm lăn trên bàn để... quẹt màu !
Lớp Nhạc Lý do một Thầy trong Dòng
Phan-xi-cô phụ trách. Ngoài việc dạy và học nhạc lý cơ bản, lớp
luôn vang lên những khúc hát đệm bằng tiếng đàn guitar của Thầy.
Lớp Cắm Hoa đặc biệt lần này do một
giáo viên nam hướng dẫn. Con trai mà khéo léo không khác chi nữ. Hình
ảnh ngộ nghĩnh của thầy trong một lớp tràn đầy hoa tươi và... các
thiếu nữ tươi như hoa !
Lớp Thêu Tay, do hai chị giáo viên phụ
trách ( trong gia đình Phật Tử ) có ý hướng nghiệp cho các học viên
trở thành thợ thêu để có thể kiếm việc làm trong đời sống xã hội
chứ không thuần với mục đích thêu theo năng khiếu.
Các
lớp năng khiếu sẽ kết thúc sau sáu ( 6 ) tuần học. Mỗi tuần học
một lần vào ngày chủ nhật. Thời gian là 9g30 đến 11g00. Học phí cho
khóa học sáu tuần là 30.000 đồng. Khóa 1 Năng Khiếu sẽ kết thúc
vào Chúa Nhật 24.11.2002. Khóa 2 Năng
khiếu sẽ tiếp tục khai giảng vào Chúa Nhật 8.12.2002
Kính
mời quý anh chị em có quan tâm đến các năng khiếu kể trên xin liên
hệ đăng ký ghi danh hoặc cho con em ghi danh tại: Văn phòng Giáo Xứ
Phan-xi-cô Ðakao, số 50 - 52
đường Nguyễn Ðình Chiều - Quận 1, Sài-gòn, Ðiện thoại: 08.8.222.294.