GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 31 A THƯỜNG NIÊN - LỄ CÁC THÁNH - LỄ CÁC ÐẲNG

TIN MỪNG: Mt 23, 1 - 12

Bấy giờ, Ðức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".

"Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Ðức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên."

SUY NIỆM 1:

NÓI VÀ LÀM - RAO GIẢNG VÀ THỰC HÀNH

Bài Tin Mừng hôm nay bao gồm một số lời giảng huấn của Chúa Giê-su. Trước mặt dân chúng, Ðức Giê-su dạy các Tông Ðồ bài học về bản chất đích thực của con người trong tương quan với Chúa và và anh em. Từ đó Người dạy cho các môn đệ bài học khiêm nhu.

Trước hết, Chúa nêu gương xấu của những người Pha-ri-sêu. Sau đó Người trình bày với các ông bổn phận đối với những người có trách nhiệm trong cộng đoàn mới. Nếu học thuyết của người Pha-ri-sêu đáng cho ta tuân giữ, thì sự giả hình của họ đáng cho ta lánh xa. Người Môn Ðệ của Chúa không tự phụ vì những chức tước của mình mà chỉ nên tự coi mình là tôi tớ hèn mọn của anh em. Bài Tin Mừng chia làm 2 phần rõ rệt. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu từng phần một.

1. Những gì họ dạy thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng cách họ hành động thì đừng có làm theo.

Chúa Giê-su nhiều lần lên án người Pha-ri-sêu, Xa-đốc, và một số nhóm đặc quyền đặc lợi của Do-thái Giáo thời đó. Chúa Giê-su luôn rao giảng sự hiền hòa, lòng thương xót, tình yêu dành cho tha nhân. Tại sao Người lại lên án mạnh mẽ nhóm người này là giả hình, là mồ mả tô vôi, là mãng xà, là rắn độc... Tại sao Thánh Mát-thêu chép lại những lời lẽ cứng cỏi, rất khó nghe này ? Chắc chắn là tại vì những lời nói của Chúa Giê-su không phải chỉ dành cho người cùng thời đại với Người, nhưng còn dành cho tất cả chúng ta, những người sống cách xa thời đại của Người đến 20 thế kỷ, nghĩa là cho tất cả mọi Ki-tô hữu.

Chúa Giê-su không lên án nội dung những điều họ rao giảng, nhưng Người lên án bề ngoài giả dối của họ. Người kết án họ nói mà không làm, họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người khác, họ làm mọi việc cốt để cho người ta thấy, ưa ngồi chỗ nhất, thích được người ta chào hỏi và gọi bằng thầy. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ đoạn Tin Mừng ghi lại cảnh người Pha-ri-sêu vào Ðền Thờ cầu nguyện. Họ kể công với Chúa và mạt sát anh em ngay trong lời cầu nguyện: "Con đã ăn chay hai lần trong tuần, con đi lễ mỗi ngày, con đi hành hương thường xuyên, con giúp đồng bào bị bão lụt hai bao quần áo cũ, con góp tiền xây cất Nhà Thờ v.v... Con không giống như tên nghèo mạt đứng ở cuối Nhà Thờ kia...Vậy thì, lạy Chúa, xin hãy ban cho con ơn này ơn nọ..."

Chính thái độ vô đạo đối với Chúa và anh em của người giả hình đã khiến Chúa Giê-su tức giận. Họ tự cho mình là hoàn thiện, còn người khác thì không. Chúa trở thành kẻ mắc nợ họ. Họ trở thành tâm điểm để Chúa phải ban ơn như ý họ muốn. Người đồng loại trở thành những bậc thang để họ leo lên độ cao danh vọng. Than ôi, tất cả những thứ đạo đức giả dối mang đầy tính phô trương bề ngoài đó, đã bị Chúa Giê-su nhìn thấu suốt và vạch ra cho mọi người thấy để đừng có dại bắt chước.

 Ðiều đầu tiên Người vạch ra là: Ðạo Chúa không phải là một mâu thuẫn giữa nói và làm, giữa rao giảng và thực hành. Các Môn Ðệ của Chúa phải thực hành những điều Người truyền dạy. Ðây là điểm then chốt để nhận định người ta có thật sự thuộc về Chúa Ki-tô hay không. Người thuộc về Chúa Ki-tô thì tuân giữ mọi điều Chúa dạy.

Ở một chỗ khác, Chúa Giê-su cũng đã nhắc các môn đệ rằng: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa ! Lạy Chúa !" là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên Trời, mới được vào mà thôi." ( Mt 7, 24 ).

Ðiều kế tiếp Chúa Giê-su đề cập đến là: Môn Ðệ của Chúa Giê-su phải làm mọi việc trong tinh thần khiêm nhu, phó thác vào lòng nhân từ của Cha: "...Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc bố thí được kín đáo. Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho." ( Mt 5, 3 - 4 . 6 ). Những gì họ dạy thì Ðức Giê-su khuyên ta nên tuân giữ. Còn cách họ hành động thì Ngài khuyên ta chớ có bắt chước. Nói và làm phải đi đôi với nhau. Ðó là bài học thứ nhất .

2. Anh em chỉ có một Cha là Cha trên Trời; anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Ðức Kitô.

Ðạo của Chúa Giê-su là đạo yêu thương. Mọi người đều là anh em trong tinh thần bình đẳng. Cùng chung một Cha, cùng được yêu thương bằng một tình thương vô bờ bến thể hiện qua cái chết và sống lại của Chúa Giê-su. Người Môn Ðệ Chúa Giê-su do vậy không có chức vị nào khác ngoài chức vị làm con. Mọi phẩm trật trong Hội thánh đều là để phục vụ. Người làm đầu phải trở nên kẻ hầu hạ anh em, theo gương Chúa Giê-su đã rửa chân cho các môn đệ.

Nếu cứ theo cách Chúa Giê-su dạy, thì với cách suy nghĩ cầu an thông thường không ai ham làm lớn. Làm lớn chừng nào thì càng phải hạ mình làm đầy tớ cho anh em chừng đó. Không còn "được làm lớn" mà là "bị làm lớn", bị chỉ định hay tự nguyện làm đầy tớ anh em mình.

Vậy trong Giáo Hội của Chúa, nếu thực hành đúng lời Người dạy, xem ra đừng dính vào một chức vụ nào là khỏe thân hơn cả ! Mọi người phải phục vụ lẫn nhau, không thấy nhắc đến quyền bính và lợi lộc mà chỉ có làm đầy tớ. Phẩm trật, địa vị trong trong Giáo Hội, trong cộng đoàn, nếu có đi chăng nữa, thì cũng đã được chính Chúa xác nhận ngay từ đầu là để phục vụ.

Người phục vụ lẫn kẻ được phục vụ đều phải khiêm tốn như nhau. Lý do đơn giản là vì chính Chúa Giê-su đã thực hành trước, rồi mới dạy cho các Môn Ðệ sau. Cái chết treo trên cây thập giá là bằng chứng cho tinh thần yêu thương, phục vụ trong khiêm nhu và phó thác của Người. Ai nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống thí sẽ được nâng lên. Bài học thứ hai, đó là sự khiêm tốn.

 Vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã làm nổi bật hai khuôn mặt khác nhau. Khuôn mặt thứ nhất là của những kẻ giả hình, luôn khoe khoang, luôn làm mọi sự để tìm kiếm hư danh trần thế Khuôn mặt thứ hai là khuôn mặt Môn Ðệ của Chúa Giê-su, luôn thực hành Lờiø Chúa trong khiêm nhu, kín đáo, phục vụ anh em, và chỉ trông cậy vào một mình Chúa mà thôi. Hai gương mặt đó phải chăng vẫn cùng lúc hiện diện nơi bản thân mỗi người chúng ta. Ðôi lúc ta thấy mình sao mà giống những kẻ giả hình đến thế, đôi lúc ta lại thấy mình là một Môn Ðệ đang hăng hái tiến bước theo Ðức Ki-tô và mong muốn tuân giữ Lờøi Người. Lời cảnh cáo của Chúa Giê-su khiến ta phải xem xét lại cách sống Ðạo của mình.

Chính vì ý thức mình yếu đuối, không thể làm được điều gì mà không cần đến ơn của Chúa, nên chúng ta phó mình cho Chúa Thánh Thần là nguồn mạch mọi ơn sủng.

Mong sao Chúa Thánh Thần luôn thanh luyện lòng trí chúng ta khỏi mọi hư danh thế tục. Xin Người ban cho chúng ta ơn biết lắng nghe Lời Chúa, ơn hiểu được Lời Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay, và ơn biết cách đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Lạy Chúa, giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy chúng con biết phục vụ âm thầm. Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy chúng con biết yêu thương tự hiến. Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy chúng con biết cộng tác và đồng trách nhiệm. Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy chúng con biết coi mọi người như anh em của mình.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, xin cho các Ki-tô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới. Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lạy Thầy Giê-su, Thầy đã nâng chúng con lên làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy. Còn Thầy lại hạ mình xuống phục vụ chúng con như người tôi tớ, rửa chân cho chúng con như một nô lệ và chết thay cho chúng con trên thập giá. Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy và sống yêu thương mọi người như anh em.

Gs. TRẦN THỊ NHAN

SUY NIỆM 2:

LINH MỤC LÀ CHA ?

Lời Chúa Giê-su khẳng định: "Ðừng gọi ai dưới đất là Cha vì các ngươi chỉ có một Cha trên Trời". Người ta thường dựa vào câu Thánh Kinh này để biện hộ cho quan điểm không gọi Linh Mục là cha. Vậy phải hiểu câu nói Chúa Giê-su như thế nào ?

1. Tại sao gọi Linh Mục là cha ? Thói quen ấy có từ lúc nào trong Giáo Hội ? Ðâu là nền tảng của cách gọi này ?

-    "Cha" theo định nghĩa là một người đàn ông có một hay nhiều con. Một cách nào đó, cha là người mang lại sự sống cho con. Do đó, bất cứ ai mang lại sự sống cho người khác, bằng cách này hay cách khác cũng đều có thể được gọi là cha... Danh từ cha ở đây được hiểu theo nghĩa loại suy. Chúng ta gọi cha những người đàn ông nào đó có đặc tính của người cha. Cũng như khi chúng ta chào hỏi một người là ông bà, chú bác thì không nhất thiết người đó phải có một liên hệ họ hàng với chúng ta. Danh xưng cha được gán cho Linh Mục cũng được hiểu theo nghĩa ấy.

-    Cách gọi này không phải là điều mới mẻ, ngay từ đầu lịch sử Giáo Hội, các Giám Mục được gọi là cha, rồi dần dà người ta áp dụng cách gọi ấy cho các Linh Mục.

-    Lý do gọi Linh Mục là cha thật đơn sơ và tự nhiên: Linh Mục là thừa tác viên các bí tích. Ngài nhân danh Chúa Ki-tô và Giáo Hội để ban Bí Tích và sự sống Ơn Thánh. Qua lời dạy bảo, một cách nào đó Linh Mục cũng nuôi dưỡng người Ki-tô hữu trong đời sống thiêng liêng. Do đó Linh Mục đóng vai trò người cha đối với các tín hữu.

-    Công đồng Vatican 2 trong sắc lệnh về Sứ Vụ Và Ðời Sống Linh Mục đã nói về tương quan giữa Linh Mục và Giáo Dân: Do bí Tích Thánh Chức, các Linh Mục Tân Ước thi hành nhiệm vụ cao cả và cần thiết, đó là Cha và Thầy trong dân Chúa và cho dân Chúa.

2. Gọi Linh Mục là cha phải chăng đi ngược lại Tin Mừng vì Ðức Giê-su đã nói: đừng gọi ai dưới đất là cha vì các ngươi chỉ có một Cha, Ðấng ngự trên Trời. Phải hiểu câu nói này như thế nào?

Vào thời Cải Cách, người Tin Lành đã dựa vào câu nói này để bãi bỏ cách gọi Linh Mục là cha. Chúng ta phải hiểu đúng nghĩa câu nói của Chúa Giê-su. Ðặt câu nói này trong văn mạch của đoạn Tin mừng: Chúa Giê-su đang tranh luận với nhóm Pha-ri-sêu, Luật Sĩ, Người khiển trách họ giả hình, nói mà không làm, họ thích thống trị, bó những gánh nặng chất lên vai người khác còn họ không nhúng tay vào, họ thích khoe khoang làm mọi việc cho người ta thấy, họ hám danh muốn ngồi chỗ nhất nơi công cộng và muốn người khác tỏ lòng kính trọng qua những danh xưng thầy, cha, người chỉ đạo. Qua đó Ðức Giê-su đưa ra một quan điểm mới cho các môn đệ: "Trong anh em, người làm lớn hơn cả phải làm người phục vụ anh em"...

Ðức Giê-su không cấm chúng ta gọi cha đẻ của chúng ta là cha hoặc gọi bất cứ ai dạy dỗ chúng ta là Thầy. Hẳn Người đã từng gọi Thánh Giu-se là Cha và những người dạy Người là Thầy; do đó không nên hiểu câu nói ấy theo từng chữ. Người Do-thái thường dùng kiểu nói phóng đại, Chúa Giê-su dùng kiểu nói này khi bảo rằng: Nếu tay con gây vấp ngã hãy chặt nó đi. Nếu mắt con làm cớ cho con vấp phạm hãy móc mắt đi để được vào Nước Trời. Chính Thánh Phao-lô, người hiểu sâu xa Lời Chúa thế mà ngài cũng vẫn tự xưng mình là cha các tín hữu, ngài cũng gọi Ti-mô-thê-ô là con yêu dấu.

Vậy thì qua câu nói: Ðừng gọi ai dưới đất là cha, cũng đừng xưng mình là Thầy, Ðức Giê-su vừa đề cao tính cách là Cha của Thiên Chúa, vừa xác định tính cách chỉ đạo của Người, đồng thời Người cũng đả phá sự kiêu hãnh của một số nhà lãnh đạo Do-thái giáo thời đó, họ ưa thích được người ta gọi là cha, là thầy.

3. Có buộc phải gọi Linh Mục là cha không ?

Về cách xưng hô, dường như không có một luật nào buộc. Gọi Linh Mục là cha hay không đó là vấn đề của tình cảm và niềm tin. Gọi Linh Mục là cha hay không điều đó không quan trọng cho bằng có ác ý trong cách cư xử với Linh Mục hay không. Sự thiếu lễ độ, lịch sự tối thiểu đối với một người lãnh đạo, dù chỉ là lãnh đạo một cộng đoàn nhỏ, không chỉ là một xúc phạm đến Linh Mục, mà còn có thể xúc phạm đến chính tình cảm tôn giáo của người tín hữu nữa.

Linh Mục NGUYỄN HỮU AN

CHỨNG TỪ:

ÐỪNG TỰ XEM MÌNH LÀ QUAN TRỌNG

Ðức cố Giáo Hoàng Gio-an 23 kể lại một kinh nghiệm độc đáo của đời mình như sau:

"Lúc tôi mới được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng và sợ hãi trước một trách nhiệm quá lớn lao và nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ chập chờn không yên, tôi nghe có một tiếng nói phán bảo tôi: "Kìa Gio-an, đừng tự xem mình là quan trọng !"

Tôi choàng tỉnh dậy, ngẫm nghĩ thấm thía về ý nghĩa giấc chiêm bao. Và kể từ dạo ấy, tôi đã cố gắng áp dụng câu nói này trong đời tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. Ðừng tự xem mình là quan trọng ! Và thật sự, tôi đã ăn ngon ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo Hoàng !

Khiêm nhường là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác hẳn với tính tự cao, tự đại có thể được so sánh với những ngọn núi, vạt đồi, đức khiêm nhường giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp, để đón nhận được những Hồng Ân của Thiên Chúa đã không dừng lại trên đỉnh núi hay triền đồi, những chảy tràn xuống và đọng lại chan chứa ở những nơi thấp nhất dưới chân đồi...

Từ LẼ SỐNG, 3.2000

CÂU TRUYỆN:

THÓI KHOE KHOANG HỠM HĨNH

Hoàng đế Don Pedro nước Brasil, rất có lòng thương đến những người khốn cùng nghèo khổ và bệnh hoạn tật nguyền trong nước. Sau một chuyến đi kinh lý, thấy tình trạng quá tải tại các bệnh viện và nhà tế bần, nhà vua có ý định xây thêm một bệnh viện lớn và đầy đủ tiện nghi tại thành phố Rio de Janeiro. Nhưng khi ấy công quỹ đã gần cạn, tài sản riêng của nhà vua cũng không thấm vào đâu so với kinh phí xây dựng. Ông bèn cho loan đi một lời kêu gọi đến các nhà quý tộc và triệu phú trong nước.

Nhưng dường như mọi người đều thờ ơ, số tiền quyên góp chẳng được là bao. Lần này thì nhà vua có sáng kiến đưa ra một bản thông cáo, nêu rõ: nếu ai cho 100.000 đồng tiền vàng tới sẽ được ban tước vị Nam Tước, ai cho 250.000 đồng tiền vàng sẽ được làm Hầu Tước... Thế là từ khắp nơi trong nước, chỉ mới có mấy ngày mà tiền bạc đổ về ào ào, kèm theo những tấm danh tiếp ghi rõ tên tuổi và địa chỉ người đóng góp...

Thế là bệnh viện được tiến hành xây dựng thật nhanh chóng. Vào dịp khánh thành, hoàng đế cho triệu tập dân chúng đông đảo đến dự lễ. Các nhà chức sắc quý tộc và triệu phú cũng nhận được các văn bằng chứng nhận các tước hiệu ứng với số tiền họ đã đóng góp. Mọi người ai nấy đều hân hoan ra mặt: dân nghèo thì có được một khu bệnh viện lớn, những người giàu có thì hả hê với danh vọng...

Thế nhưng, mọi người đều hồi hộp thắc mắc vì một tấm bia đá lớn treo ngay mặt tiền ngôi nhà, bên ngoài choàng kín bằng một tấm vải lớn. Khi cắt băng khánh thành xong, chính nhà vua bước tới, tự tay rút giây cho tấm khăn choàng rơi xuống, mọi người đều ồ lên một tiếng khi đọc thấy hàng chữ to khắc trên bia đá: ÐÂY LÀ MÓN QUÀ TẶNG CỦA SỰ KHOE KHOANG HỠM HĨNH DÀNH CHO NỖI THỐNG KHỔ CỦA CON NGƯỜI !

Tiếng vỗ tay hoan hô rền vang như sấm, vị hoàng đế mỉm cười thật tươi trước đám đông quần chúng mà đa số là những người lao động bình dân. Chỉ có một số ít nhà quý tộc và triệu phú lặng lẽ rời khỏi khán đài danh dự, họ đã nhận được một bài học nhớ đời !

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 4

 

CUỘC HỌP GIAO BAN CỦA QUỶ

QUỶ 1: Báo cáo xếp, em đã cám dỗ một ông cha cố về điều răn thứ 6, nhưng ông ta chống trả bằng cách cứ cầu nguyện liên tu bất tận. Em xin chịu thua, xếp có phương kế gì không ạ ?

QUỶ 2: Em cũng xin báo cáo xếp, em phụ trách công tác cám dỗ một bà xơ về sự kiêu căng bất tuân Bề Trên trong Dòng. Chị ta cũng chống trả bằng cầu nguyện và lần chuỗi Mai Khôi không ngưng nghỉ. Thế là em đành cút, xin ý kiến xếp chỉ đạo tiếp ạ !

QUỶ 3: Trình xếp, em được phân công theo cám dỗ một ông giáo dân về lòng tham lam của cải vật chất thế gian, nhưng cũng như trường hợp hai bạn quỷ của em vừa báo cáo, ông này cũng lấy việc cầu nguyện làm vũ khí chống trả ghê gớm, em đành chào thua rút lui ạ !

TƯỚNG QUỶ: Thôi thôi đủ rồi, chúng mày đi sai đường lối chính sách từ sừng đến đuôi ! Ðã có lệnh mới, chúng mày quên béng rồi à ? Ðừng có cám dỗ theo những phương án tiêu cực và thụ động ấy nữa, xưa rồi ! Chiến lược bây giờ là phải làm ngược lại, hết sức tích cực và chủ động, nghĩa là phải khuyến khích chúng nó giữ Ðạo cho sốt sắng, lần chuỗi cho nhiều, làm việc bác ái cho hăng, để rồi có ngày chúng nó sẽ kiêu căng, vênh vang, tự mãn. Bấy giờ ta mới tung chiêu quy ết định giành thắng lợi, hiểu chưa, đồ quỷ ngu ?

Sưu tầm của cha TIẾN LỘC

TÀI LIỆU:

LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

Ngày lễ đầu tiên trong lịch sử để vinh danh các Thánh là ngày tưởng niệm "các vị Tử Ðạo" được cử hành vào đầu thế kỷ thứ 4. Vào đầu thế kỷ thứ 7, sau làn sóng trộm cắp đột nhập các hang toại đạo, Ðức Giáo Hoàng Boniface IV đã cho thu lượm khoảng 28 xe đầy những hài cốt và chôn cất lại bên trong đền Pantheon, là đền thờ các thần của người Rô-ma, và ngài thánh hiến đền thờ này như một đền thờ Ki-tô Giáo.

Theo sử gia của Giáo Hội là Beda Ðáng Kính, Ðức Giáo Hoàng có ý định rằng: "Việc tưởng nhớ các thánh trong tương lai có thể thay cho việc thờ phượng mà trước đây không được dành cho thần thánh nhưng thờ ma quỷ". Nhưng việc thánh hiến đền Pantheon, cũng như ngày kính nhớ đầu tiên các vị Tử Ðạo xảy ra vào tháng Năm. Nhiều Giáo Hội Ðông Phương vẫn kính nhớ các Thánh vào mùa xuân, hoặc trong Mùa Phục Sinh hoặc ngay sau Lễ Hiện Xuống.

Tại sao Giáo Hội Tây Phương cử hành Lễ này vào tháng 11 thì không ai hiểu. Người ta chỉ biết vào năm 800, thần học gia Alcuin người Anglo-Saxon cử hành Lễ này vào ngày 1 tháng 11, và người bạn của ông là Arno, Giám Mục của Salzburg cũng theo như vậy. Sau cùng, trong thế kỷ thứ 9, Giáo Hội Rô-ma đã chấp thuận ngày Lễ này. Ðầu tiên Lễ này để kính nhớ các vị Tử Ðạo. Sau này, khi người Ki-tô hữu được tự do tín ngưỡng, Giáo Hội đã dùng ngày Lễ này để tỏ lòng kính trọng những người thánh thiện. Vào các thế kỷ đầu tiên, được coi là thánh, thì chỉ cần một tiêu chuẩn là được nhiều người công nhận, ngay cả việc chấp thuận của vị Giám Mục cũng được coi là bước sau cùng để đưa vào niên lịch Giáo Hội.

Việc phong Thánh bởi Ðức Giáo Hoàng lần đầu tiên diễn ra vào năm 973; ngày nay việc phong Thánh đòi hỏi cả một tiến trình lâu dài để chứng minh các đức tính thánh thiện. Ngày nay, Lễ Các Thánh để kính nhớ các vị Thánh vô danh cũng như nổi danh.

Theo VIETCATHOLIC 2000

CẦU NGUYỆN:

KINH CẦU CÁC THÁNH CHẲNG HỀ ÐƯỠC PHONG

NHÂN LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 1.11

Xin Chúa thương xót chúng con - Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con - Chúa Ki-tô nghe cho chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con - Chúa Ki-tô nhậm lời chúng con.

Ðức Chúa Cha ngự trên Trời là Ðức Chúa Trời thật - Thương xót chúng con.

Ðức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Ðức Chúa Trời thật - Thương xót chúng con.

Ðức Chúa Thánh Thần là Ðức Chúa Trời thật - Thương xót chúng con.

Ba Ngôi cùng là một Ðức Chúa Trời - Thương xót chúng con.

Rất Thánh Ðức Bà Ma-ri-a - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề chấp nhất ai - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề nói xấu ai - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề nghĩ xấu cho bất cứ ai - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề giận dữ oán hờn ai - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề nói tục chửi thề - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề lười biếng lề mề - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề đam mê sắc dục sa hoa - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề cằn nhằn khó tính kêu ca - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề ba hoa kiêu ngạo - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề trộm đạo gian tham - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề nặng óc ích kỷ cá nhân - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề có chuyện tách biệt sứ quân - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề tỵ phân ganh ghét - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề la cà ngồi lê đôi mách - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề yêu sách cầu kỳ - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề biển lận hà tiện chi ly - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề ngờ vực hồ nghi - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề so bì già trẻ cũ mới - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề có óc vụ luật biệt phái - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề kỳ thị giai cấp địa phương - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề thành kiến đóng khung - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề khinh chê kẻ khốn khó bần cùng - Cầu cho chúng con.

Các thánh không hề cư xử thiên vị bất công - Cầu cho chúng con.

Các thánh có nói có, không nói không - Cầu cho chúng con.

Các thánh không biết thề dông thề dài - Cầu cho chúng con.

Các thánh không phách lối chê bai - Cầu cho chúng con.

Các thánh nghe lời nói xấu thì bỏ ngoài tai - Cầu cho chúng con.

Các thánh luôn khôi hài vui vẻ - Cầu cho chúng con.

Các thánh luôn ân cần với già trẻ lớn bé - Cầu cho chúng con.

Các thánh luôn quan tâm để ý mọi người - Cầu cho chúng con.

Các thánh luôn giữ nét mặt rạng rỡ vui tươi - Cầu cho chúng con.

Các thánh luôn sẵn sàng mỉm cười tha thứ - Cầu cho chúng con.

Các thánh cơn giận chẳng giữ quá hoàng hôn - Cầu cho chúng con.

Các thánh không được phục vụ anh em thì buồn - Cầu cho chúng con.

Các thánh luôn bận tâm đắp vun hòa thuận - Cầu cho chúng con.

Các thánh hay săn sóc người già nua bệnh hoạn - Cầu cho chúng con.

Các thánh hay an ủi kẻ lâm nạn, tù đày - Cầu cho chúng con.

Các thánh hay giúp người gặp họa tai thê thảm - Cầu cho chúng con.

Các thánh hay thông cảm với kẻ hàm oan - Cầu cho chúng con.

Các thánh hay chia sẻ với kẻ khát uống đói ăn - Cầu cho chúng con.

Các thánh hay viếng thăm cô nhi quả phụ - Cầu cho chúng con.

Các thánh hay chăm nom người ủ rũ liệt giường - Cầu cho chúng con.

Các thánh hay thương lo cho người sắp chết - Cầu cho chúng con.

Các thánh hằng ngày hy sinh trong công việc âm thầm - Cầu cho chúng con.

Các thánh bổn phận hằng tận tâm chu toàn - Cầu cho chúng con.

Các thánh luôn đón tiếp mọi người cách hân hoan - Cầu cho chúng con.

Các thánh dễ cười, dễ ngủ, dễ ăn - Cầu cho chúng con.

Các thánh dễ quên lầm lỗi, chẳng bàn tới bàn lui - Cầu cho chúng con.

Các thánh biết xin lỗi ngay khi lỡ lời - Cầu cho chúng con.

Các thánh luôn cầu nguyện cho mọi người xung quanh - Cầu cho chúng con.

Các thánh luôn để tâm để trí làm việc lành - Cầu cho chúng con.

Các thánh mỗi ngày thực hành một cử chỉ đẹp - Cầu cho chúng con.

Các thánh cung cách giản dị mà khuôn phép nết na - Cầu cho chúng con.

Các thánh sống các nhân đức cách dung hòa - Cầu cho chúng con.

Các thánh Tin Cậy Mến đều thăng hoa triển nở - Cầu cho chúng con.

Các thánh lời khấn hứa luôn trung kiên gìn giữ - Cầu cho chúng con.

Các thánh các mối Phúc Thật luôn ghi khắc tâm tư - Cầu cho chúng con.

Các thánh học gương Ðức Ki-tô khiêm hạ hiền từ - Cầu cho chúng con.

Các thánh xác tín cho đi sẽ được đền bù chan chứa - Cầu cho chúng con.

Các thánh trung thành vác thánh giá mình theo Chúa - Cầu cho chúng con.

Chúa Giê-su chuộc tội cứu thế - Chúa Giê-su tha tội chúng con.

Lm. Giu-se TIẾN LỘC, DCCT

SUY TƯ:

NHÂN LỄ CÁC ÐẲNG LINH HỒN 2.11, NGHĨ VỀ NHỮNG NẤM MỘ

Một dịp nào đó, chúng ta có dịp rong ruổi băng qua một miền quê, bên những cánh đồng xanh tươi, hoặc sau những lũy tre mượt mà, thế nào chúng ta cũng gặp thấy những nấm mộ nằm chen chúc cạnh nhau.

Thông thường những nấm mộ dân Việt được đắp u lên như hình ảnh cái bụng người mẹ đang mang thai. Một thuở xa xưa, chính trong lòng dạ cưu mang của người mẹ mà chúng ta đã nhận lấy sự sống làm người. Rồi cũng đến một lúc, chính từ những nấm mộ đắp u lên như cái bụng người mẹ mang thai, mỗi người chúng ta lại sẽ trở về lòng đất mẹ, "sinh ký tử quy", trở về để sự sống của chúng ta được đổi mới.

Cũng chính trong nấm mộ là cái chết của Ðức Giê-su Ki-tô mà chúng ta đã nhận lãnh sự sống vĩnh cửu. Ngày chúng ta trở về lòng đất mẹ, chúng ta cũng sẽ trở về với Ðức Giê-su Ki-tô, để sự sống của chúng ta được đổi mới, được tham dự vào sự sống mới của Ðấng đã Phục Sinh.

Tại đất nước Kenya bên Phi Châu, tuy tiếng Swahili vẫn là quốc ngữ, nhưng nhiều bộ tộc nhỏ vẫn nói thứ tiếng riêng của mình, và họ gọi Thiên Chúa là "Ngài" y như người Việt chúng ta. Lại cũng có bộ tộc gọi Thiên Chúa là "Ni-a-xây" ( Nyasaye ) nghĩa là cái "Bụng", cái "Tử-Cung-Ðể-Mang-Thai", và khi chôn cất người chết, họ cũng đắp ngôi mộ u lên thành một cái "Ni-a-xây", một chiếc bụng người mẹ đang mang thai, giống như dân Việt chúng ta.

Chính Ðức Giê-su Ki-tô là Alpha và Omega, những chữ cái đầu hết và cuối hết trong tiếng Hy-lạp ( x. Kh 1, 8 ), Người là Khởi Nguyên và là Cùng Ðích, như được ghi trên cây nến Phục Sinh vào tối Thứ Bảy Tuần Thánh trong Lễ Vọng Phục Sinh.

Lạy Chúa Giê-su, chính từ Ngài mà chúng con nhận được sự sống, và cũng chính Ngài là nơi chúng con sẽ quay về khi sự sống của chúng con ở trên cuộc đời này được biến đổi.

Chính Ngài là An-pha và Ô-mê-ga, là Ðấng hiện có, đã có và đang đến. Chính Ngài đã yêu mến chúng con, đã lấy Máu mình để rửa sạch mọi tội lỗi chúng con, để làm cho tất cả chúng con trở thành một vương quốc và hàng tư tế để phụng thờ Thiên Chúa là Cha của Ngài, Amen ( Kh 1, 5 ).

Theo DAILY BREAD 25.4.2000

CHIA SẺ:

MỘT ÐỊA CHỈ CỦA NGƯỜI NGHÈO

Cứ những ngày giữa tuần, mở hộp thư Internet, ta lại thấy xuất hiện GOSPELNET, "net" của "Tin Mừng". Rồi cuối tuần, mở thư ra lại thấy EPHATA, đều đặn như chiếc đồng hồ, qua hai năm phục vụ âm thầm. 1.000 độc giả không phải là lớn so với những tờ báo điện tử trong và ngoài nước và càng rất khiêm nhường, nếu đem so sánh với số độc giả truy cập các mạng Internet khác. Thế nhưng có nhiều sự khác biệt làm nên sự độc đáo của GOSPELNET và EPHATA: nó đem Tin Vui đến cho người nghèo, trước hết là cơm bánh tinh thần và kèm theo là cơm bánh vật chất, những chia sẻ không chỉ cho người nghèo, mà cho cả người giàu có.

 Khi nói về một cộng đoàn Công Giáo, Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã xác định: "Hoặc một cộng đoàn Ki-tô Giáo phải là một cộng đoàn Thừa Sai, hoặc nó không phải là một cộng đoàn Ki-tô Giáo" ( Either a Christian community is a missionary ones or it is not a Christian community ). Ðó cũng là đường hướng của GOSPELNET và EPHATA: được sai đi ( sent to mission ).

EPHATA muốn đem đến cho người đọc thuộc giới trí thức Công Giáo những chất liệu không chỉ để làm phong phú thêm sự hiểu biết về Giáo Hội, Thần Học, Thánh Kinh, mà còn để suy gẫm và thực hành trong cuộc sống, nhưng EPHATA vẫn thiên về "lý thuyết" nhiều hơn. Trái lại, GOSPELNET trình bày những sự kiện liên quan tới cuộc sống đời thường, để dẫn tới phần cuối là hành động bác ái, sự chia sẻ: những người đem chia sẻ và những người nhận chia sẻ.

Sẽ là lời nói suông, vô giá trị, nếu không đi tới hành động, không thúc dục những tâm hồn mở ra, biết rung cảm trước nỗi đau của đồng loại và chia sẻ những gì trong khả năng của mình. Sự chia sẻ đó có thể chỉ là lời cầu nguyện, sự cảm thông, lời động viên, thăm viếng, nhưng cũng có thể là những cuốn vở, những gói mì, lon gạo hoặc những đồng bạc gửi về GOSPELNET để nhờ chuyển đến cho những nơi cần, cho những người đang cần. Dù GOSPELNET và EPHATA chỉ gọn gàng trong mươi trang giấy A4, nhưng nhiều người khi mở GOSPELNET, lại thích đọc... ngược từ dưới lên, để muốn biết tuần này bao nhiêu người nghèo đói, bao nhiêu kẻ bất hạnh được chia sẻ và bao nhiêu ân nhân đã quảng đại mở rộng tấm lòng.

 Ngoài ra, GOSPELNET còn làm nhịp cầu cho những nơi muốn cho và những nơi cần nhận, bởi vì cũng chẳng dễ dàng gì để người muốn cho biết rõ nhu cầu nơi cần nhận và quan trọng là những nơi ấy, những người ấy có đủ lòng đạo đức, chân thành, để sẽ sử dụng đúng đắn những gì sẽ nhận được thường là những món tiền, hàng khá quan trọng hay chỉ lợi dụng cho mục đích riêng tư. Trong thời buổi mà tham nhũng đầy dẫy ở mọi nơi, ở mọi môi trường hoạt động, không loại trừ ở cả những chỗ hoạt động đạo đức và bác ái, thì sự cám dỗ của đồng tiền không nhẹ nhàng đối với bất cứ ai. GOSPELNET, tuy không nắm được chính xác hoàn toàn, nhưng cũng phần lớn bảo đảm được sự tin cậy và theo dõi được việc sử dụng.

Cô Nhi Viện Vinh-sơn 2 ở Kontum đã nhận được nhiều trợ giúp, như của Bác Sĩ Bích Ðào, của Cha Trịnh Tuấn Hoàng, qua lời giới thiệu của GOSPELNET và cá nhân cha Lê Quang Uy, từ đó đã thành công rất lớn trong dự án chăn nuôi heo gà và trong tương lai không xa, có thể tự túc phần lớn các chi phí cho hơn 200 cháu cô nhi, không còn là gánh nặng cho Giáo Phận hoặc cho xã hội.

Các cháu vùng kinh tế mới ở Giáo Xứ Phước Hòa Nha Trang, ở Giáo Xứ Chính Tâm Ban-mê-thuật, qua thư giới thiệu của SPELNET, đã nhận được mỗi nơi hàng ngàn lít sữa của công ty Sữa Cô Gái Hà-lan. Ở đây tưởng cũng nên nói về công ty Sữa Cô Gái Hà-lan và cách là việc từ thiện của họ: họ không khoe khoang, không lên đài báo, nhưng làm âm thầm, thuần mục đích từ thiện, như lời anh Trần Văn Huấn, cán bộ của công ty, tâm sự: "Công ty có quỹ từ thiện và muốn làm đúng việc, là một điều công bằng, chứ không phải để bố thí, để quảng cáo, vì làm như thế là sỉ nhục người nghèo".

Cũng từ GOSPELNET, gần 600 bạn trẻ Linh Hoạt viên ở Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Kỳ Ðồng, Sài-gòn, đã thấy được bổn phận chia sẻ: họ đã lập ra những "xưởng" ( ateliers ) để thu gom quần áo, giặt ủi, đóng gói rất trân trọng và gửi đến cho anh em dân tộc nghèo khổ vùng Bắc Tây Nguyên ( Gia Lai, Kontum ).

Trong những ngày này, GOSPELNET đang vận động cho một chương trình "khác thường": tìm những gia đình nhận đỡ đầu cho các Giáo Lý Viên nghèo và gia đình của họ. Có rất nhiều người, đặc biệt là anh em dân tộc Công Giáo, đã âm thầm hy sinh, phục vụ đồng đạo trong những đều kiện rất khó khăn và khắc nghiệt, trong khi bản thân và gia đình họ rất túng thiếu. Họ không đòi hỏi. Họ không kêu ca. Thậm chí họ cũng chẳng xin xỏ hay có ý định nhờ cậy ai giúp đỡ. Nhưng sẽ rất vô tình và vô ơn, nếu chúng ta quên những đóng góp to lớn của họ, quên những cay đắng tinh thần và vật chất họ chịu đựng trong khi làm việc Tông Ðồ Truyền Giáo, vì Nước Chúa. GOSPELNET đã lên tiếng kêu gọi để vận động đợt đầu có được 450 gia đình quảng đại nhận đỡ đầu lâu dài cho các Giáo Lý Viên nghèo.

 Cuối cùng, một nét không thể quên nhắc đến, mà độc giả sẽ không gặp được ở bất cứ tờ báo nào khác. Ấy là tinh thần lạc quan và tích cực: Không dính dáng tới những phê phán, đả kích mang tính chất chính trị, không đem những tin tiêu cực nhằm phê bình, không dùng bài viết, hình ảnh, ẩn dụ, v.v... để chỉ trích bất cứ một cá nhân hay tập thể nào, nhưng chỉ muốn đem Tin Mừng đến rất nhẹ nhàng, vui tươi, thân ái, đến với mọi người, bởi vì tự Tin Mừng cải đổi thế giới, không cần bầt cứ ai phải nhọc lòng "dao to búa lớn" để "đem Ðạo vào đời".

Bởi Tin Mừng là hành động,cho nên GOSPELNET, "net" của Tin Mừng cũng hướng về hành động. Trong thời đại mà con người, nhất là giới trẻ, mất niềm tin vào những giá trị tinh thần, đạo đức, thì chữ "tín" và "lạc quan", không bằng nhiều lời, mà bằng hành động, mới đi vào được lòng người. GOSPELNET và EPHATA đang cố gắng thực hiện điều ấy !

Ðộc giả NGUYỄN THẾ BÀI ( Nha Trang )

THÔNG TIN:

CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Chị Phan Minh Châu ( California - Hoa Kỳ ) qua bạn MK Duyên Châu, giúp người nghèo .................................  100 USD

- Một Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp học bổng các em nghèo .....................................................................  500.000 VND

- Cộng đoàn Nữ Tu Dòng Saint Paul de Chartres ( Thị Nghè ) giúp người nghèo .........................................  1.000.000 VND

- Gia Ðình An Phong ( Vũng Tàu ) qua cha Nguyễn Văn Quy DCCT, giúp em A Vương .............................  1.000.000 VND

TRỠ GIÚP LỚP TÌNH THƯƠNG GIÁO XỨ THANH BÌNH TẠI ÐÀ NẴNG

Gospelnet vừa nhận được thư gửi bưu điện của Sr. Ma-ri-a Phan Thị Hồng, Dòng Saint Paul de Chartres Tỉnh Dòng Ðà Nẵng, trình bày về Lớp Tình Thương cho các Srs. thành lập tại Giáo Xứ Thanh Bình, thành phố Ðà Nẵng. Nội dung lá thư đại để như sau:

Hiện nay có tất cả 35 cháu cả lương lẫn giáo, trình độ từ lớp 1 đến lớp 5, hoàn cảnh gia đình rất đáng thương, có cháu đi bán vé số, có cháu mồ côi cha hoặc mẹ, phần còn lại thì cha mẹ đều là người lao động lam lũ cật lực từ sớm tới khuya mà vẫn không đủ ăn, do vậy cũng không còn thể lo liệu dạy dỗ các cháu chu đáo, cố gắng cho được đi học là đã quá sức. Các Srs. sợ rằng các cháu sẽ rất dễ lêu lổng hoặc không học hành chăm chỉ được nên đã liều tổ chức thành một Lớp Tình Thương, tập họp các cháu, tìm một cô giáo và một chị nuôi để chăm sóc dạy dỗ thêm cho các cháu. Các cháu đi học đi học ở trường một buổi sáng hoặc chiều, còn một buổi thì về Lớp Tình Thương để được ăn cơm, ngủ nghỉ, sinh hoạt và học hành.

Cho tới nay tự các Srs. cố gắng xoay xở thiếu trước hụt sau, chưa có ai thật sự đỡ đầu để trợ giúp, nhưng chỉ hoàn toàn phó thác cho Chúa Quan Phòng. Gospelnet xin trợ giúp trước mắt 2.000.000 VND, trích từ số tiền chia sẻ của bác sĩ Bích Ðào ( Paris, Pháp ). Rất mong có thêm nhiều ân nhân hưởng ứng và trợ giúp thêm. Xin liên hệ về địa chỉ K115 / 12 đường Ông Ích Khiêm, Thanh Bình, Ðà Nẵng, ÐT: 0511.830.771.

TRỠ GIÚP MỘT HỌC SINH NGHÈO Ở NGHỆ AN

Thầy Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT, giới thiệu trường hợp em Tê-rê-xa NGUYỄN THỊ THAO, sinh 27.11.1984, con ông Nguyễn Thành Trung và bà Lê Thị Hoa, ngụ tại Giáo Xứ Ðồng Tháp, xóm Hợp Thành, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Gia đình có 8 người con với tinh thần vượt khó hiếu học, có 3 người đang theo đại học và 3 em còn học phổ thông. Riêng em Thao vừa thi đậu Trung Cấp Y Tế, học phí đầu năm phải đóng là 1.500.000 VND mà vay mượn không đủ để đóng. Gospelnet xin trợ giúp 500.000 VND.

TRỠ GIÚP MỘT BỆNH NHÂN BƯỚU NÃO Ở SÀI-GÒN

Giáo sư Trần Duy Nhiên giới thiệu trường hợp bà NGUYỄN KIM MỸ, 49 tuổi, nhà không có số ở Xa Lộ Nam Sài-gòn, bị bướu não di căn, nằm tại bệnh viện Chợ Rẫy, khoa Thần Kinh, lầu 3, P2 khu B1. Nhập viện gần 3 tuần hết sức tốn kém. Hoàn cảnh gia đình lại quá nghèo, người chồng đạp xích-lô, người con cả bị bệnh kinh niên không làm việc được, các con khác việc làm không ổn định. Trước mắt, bác sĩ yêu cầu 2.000.000 VND để tiếp tục chẩn đoán và chữa trị nhưng gia đình đành bó tay. Gospelnet xin trợ giúp ngay số tiền 1.000.000 VND.

TRỠ GIÚP MỘT HỌC SINH NGHÈO Ở SÀI-GÒN

Cha Lê Quang Uy, DCCT, giới thiệu trường hợp em VŨ THÀNH CÔNG, sinh ngày 18.7.1987, đang học lớp 10 A3 trường PTTH Nguyễn Trung Trực, hiện ngụ tại số E17 đường Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, Sài-gòn. Em chỉ sống với mẹ trong khi người cha đã chối bỏ không nhìn nhận em, hoàn cảnh gia đình neo đơn vất vả. Nay em đang bị nhà trường cảnh cáo cho nghỉ học vì từ đầu niên khóa đến nay chưa đóng được các khoản tiền như quy định lên tới 1.220.000 VND. Gospelnet xin trợ giúp cho em số tiền 200.000 VND.

CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG MAI THẢO" THÁNG 7 – 9.2002

Như Gospelnet số 77 đã thông tin ngày 22.9.2002, theo giới thiệu của thầy Trần Xuân Sang, Dòng Ngôi Lời, giới thiệu hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Văn Phương, và bà Trần Thị Minh, có 6 người con là: Nguyễn Thị Mai Thảo, sinh 1985, Nguyễn Thị Aùnh Nguyệt, sinh 1987, Nguyễn Ðức Hoàng, sinh năm 1990, Nguyễn Thị Mai Linh, sinh 1993, Nguyễn Hoàng Ðức, sinh 1995, và cháu Nguyễn Thị Kim Thanh, sinh đôi với cháu Ðức năm 1995. Chúng tôi đã trợ giúp bước đầu cho 6 em nói trên từ tháng 5 cho đến hết tháng 10.2002. Nay Gospelnet số 83 tiếp tục trợ giúp 6 em trong 2 tháng, kể từ tháng 11 đến hết tháng 12.2002, tổng cộng: 600.000 VND.

TRỠ GIÚP MỘT CHÁU BẠI LIỆT Ở TỈNH KIÊN GIANG

Cha Aug. Phạm Văn Dũng, Giáo Xứ Hòa Giang, tỉnh Kiên Giang, giới thiệu trường hợp của cháu Phê-rô NGUYỄN MINH THƯƠNG, sinh 16.2.1995, con ông Nguyễn Minh Hải và bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ tại số 147 ấp Kinh 1, xã Hòa Ðiền, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Hoàn cảnh gia đình rất nghèo mà cháu Thương lại bị bại liệt 100 %, không biết nói, suốt ngày nằm một chỗ, mẹ cháu không thể làm việc gì ngoài việc chăm sóc cháu ngày đêm. Giáo Xứ đã có giúp đỡ nhưng bà con Giáo Dân đều nghèo, không thể giúp được nhiều. Gia đình cháu thường xuyên rơi vào cảnh thiếu đói.

Gospelnet xin trợ giúp cho gia đình cháu mỗi tháng 100.000 VND trong 3 tháng 10, 11 và 12.2002, tổng cộng: 300.000 VND. Rất mong quý độc giả ghé vai chia sẻ thêm gánh nặng này với gia đình cháu.

QUỸ MỔ TIM CHO EM TRẦN THỊ MỸ LAN

Như Gospelnet số 80 ra ngày 13.10.2002 đã thông tin, cha Hoàng Vĩnh Linh, Giáo Xứ Ðông Hà, Giáo Phận Phan Thiết, giới thiệu trường hợp em Ma-ri-a TRẦN THỊ MỸ LAN, 17 tuổi, con của ông Trần Trọng Kim và bà Phạm Thị Thanh Giám, ngụ tại xóm Phước Lộc, Giáo Xứ Ðông Hà, Giáo Phận Phan Thiết, bị đau tim nặng suốt 3 năm qua. Ðến nay Viện Tim đã xét duyệt miễn giảm cho em 50 % trên tổng số chi phí giải phẫu là 3.111 USD. Như vậy, em cần phải có số tiền tổng cộng là hơn 1.500 USD ( khoảng 23.000.000 VND ). Báo Phụ Nữ đã quyên góp được số tiền trợ giúp em là 7.700.000 VND, vẫn còn thiếu hơn 15.000.000 VND. Trước đây chúng tôi đã trích 100.000 VND để gia đình bồi dưỡng cho em có sức khỏe trong thời gian chờ đợi. Và nay Gospelnet số 83 quyết định trợ giúp thêm 2.000.000 VND. Phần còn lại Giáo Phận Phan Thiết sẽ cố gắng lo liệu thêm để em sớm được giải phẫu vì bệnh tình đã quá nguy ngập.

TRỠ GIÚP CHO MỘT EM SINH VIÊN DÂN TỘC CỦA KONTUM

Như Gospelnet số 23 ra ngày 26.8.2001 và Gospelnet số 26 ra ngày 16.9.2001 đã thông tin, em A VƯƠNG, người dân tộc Bahnar, ngụ tại làng Konhra Chot, Giáo Phận Kontum, tháng 9.2001 đã đậu cùng lúc vào 2 trường đại học. Em đã chọn đại học Y Tây Nguyên để nhập học nhưng không có đủ ttiền để đóng học phí. Ðọc được thông tin này trên Gospelnet, cha Nguyễn Văn Quy, DCCT, hiện đang ở Ermond Eau Bonne     ( Pháp ), đã điện thoại về Vũng Tàu, Việt Nam, cho nhóm các anh chị em Gia Ðình An Phong Bụi Ðời, và các anh chị đã chuyển ngay số tiền 1.000.000 VND cho em A Vương.

Nay sang năm học thứ hai đại học, Gospelnet lại mới nhận được số tiền 1.000.000 VND từ cha Nguyễn Văn Quy và Gia Ðình An Phong Bụi Ðời Vũng Tàu. Gospelnet số 83 xin trích quỹ thêm 500.000 VND để cùng với gia đình em A Vương lo liệu đủ tiền học phí. Tổng cộng: 1.500.000 VND. Xin thay mặt gia đình em A Vương, tỏ lòng biết ơn cha Quy, chị Nghiêm và Gia Ðình An Phong Vũng Tàu.

TRỠ GIÚP HỌC BỔNG CÁC EM CON CÁI BỆNH NHÂN PHONG Ở GIÁO PHẬN BẮC NINH

Gospelnet số 83 xin mở ra chương trình "HỌC BỔNG TRẠI PHONG PHÚ BÌNH" cho 20 em con cái các gia đình bệnh nhân phong ở Phú Bình, và chương trình "HỌC BỔNG TRẠI PHONG SÓC SƠN" cho 26 em con cái các gia đình bệnh nhân phong ở Sóc Sơn. Bước đầu các em ở Phú Bình đã nhận được số tiền 1.000.000 VND cho tháng 8.2002 và các em ở Sóc Sơn đã nhận được số tiền 2.600.000 VND, cho hai tháng 10 và 11.2002, nhờ cô Nguyễn Thị Xuân chuyển đến cho cô Nguyễn Thị Tình, Tu Hội Con Ðức Mẹ Hiệp Nhất, Giáo Phận Bắc Ninh, phân phối đến tận tay gia đình các em. Danh sách các em sẽ được bổ túc sau.