GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 30 A THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Mt 22, 34 - 40

ÐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT

Khi nghe tin Ðức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Ðức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thày trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất ?" Ðức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào vào hai điều răn ấy."

SUY NIỆM 1:

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

1. Kinh nghiệm Ðức Tin hay Tâm Linh của người Do-thái xưa và kinh nghiệm của các tín hữu Thê-xa lô-ni-ca thời Giáo Hội sơ khai

1.1 Ðọc Cựu ước, chúng ta sẽ khám phá ra kinh nghiệm Ðức Tin hay Tâm Linh của người Do-thái xưa. Kinh nghiệm ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần trong lịch sử và được tóm tắt cách vắn gọn như sau: Hễ người Do-thái trung thành tuân giữ lề luật của Thiên Chúa thì được an toàn và sung túc. Hễ họ lãng quên hay phản bội Thiên Chúa thì tai ương ( mất mùa, chiến tranh, làm nô lệ ) sẽ ập tới. Nhưng một thì họ sám hối ăn năn, quay về với Thiên Chúa thì họ lại được Thiên Chúa thứ tha và cứu vớt.

Ðoạn Sách Xuất hành 22, 20 - 25 mà Phụng Vụ cho đọc hôm nay là một trong những đoạn văn nói về kinh nghiệm Ðức Tin ngàn năm ấy. Trọng điểm của đoạn văn là dân Do-thái được chỉ bảo "chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi." Ðiều đó đã trở thành luật, thành giới răn mà bất cứ người Do-thái nào cũng thuộc nằm lòng.

1.2 Trong bài đọc 2, Thánh Phao-lô cho chúng ta thấy một kinh nghiệm sống Ðức Tin của các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca thời Giáo Hội sơ khai. Rõ ràng họ không chỉ từ bỏ ngẫu tượng và quay về với Thiên Chúa, mà đời sống bác ái, yêu thương của họ đã tạo nên một âm vang tốt lành cho Danh Thánh Chúa, một sức lôi cuốn mãnh liệt đối với những người tín hữu và lương dân trong một vùng khá rộng lớn.

Các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca cũng như bao Ki-tô hữu ngày nay đã trưởng thành và văn minh hơn dân Do-thái xưa bội phần. Họ không thờ phượng Thiên Chúa để được phần thưởng là các ân huệ vật chất, mà chủ yếu là vì Thiên Chúa là Ðấng Tốt Lành, là Cha Nhân Hậu đáng mọi người kính yêu, tôn thờ.

2. Ðức Giê-su đã liên kết hai giới răn "mến Chúa yêu người" thành một

2.1 Tại sao những người Pha-si-sêu lại hỏi Ðức Giê-su: "Thưa Thày trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất ?" Có phải vì họ cho rằng Ðức Giê-su xuất thân từ một thôn xóm nhỏ bé vô danh Na-da-rét và là một thanh niên ít học nên họ thử Người chơi ? Hay vì họ muốn tỏ ra ta đây là những người thông luật, là hạng trí trức trong cộng đồng tôn giáo và xã hội để "dằn mặt" Người ? Phúc Aâm không nêu lý do mà chỉ nêu mục đích của việc đặt câu hỏi "để thử Người". Nếu chúng ta liên kết sự kiện này với các kiện trước đó, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn. Liền trước trình thuật giới răn trọng nhất này, chúng ta thấy nhóm Xa đốc đã thử Giê-su khi nêu vấn đề kẻ chết sống lại với câu chuyện một phụ nữ lần lượt lấy bảy anh em làm chồng: "Trong ngày sống lại, bà ấy sẽ là vợ ai trong số bẩy người đã lấy bà làm vợ ?" Xa hơn nữa những người Pha-ri-sêu và phe Hê-rô-đê đã đặt ra cho Người một vấn đề hết sức tế nhị có tính chất vừa tôn giáo vừa chính trị: "Có được phép nộp thuế cho Xê-da không ?" ( Mt 22, 17 ). Có lẽ chúng ta phải hiểu đây là cuộc đấu trí "một mất một còn" giữa hai kỳ phùng địch thù: Một bên là những người thuộc giới cầm quyền xã hội và tôn giáo Do-thái và một bên là Ðức Giê-su. Bên trước thì thua keo này bày keo khác; còn bên sau thì kiên trì đối phó và khôn ngoan tận dụng thời cơ để thực hiện sứ mệnh của mình. Và cuối cùng thì bên kia phải dùng đến biện pháp cuối cùng để khử trừ bên này. Nhưng bên này chẳng hề hấn gì vì Người là Ðấng hằng sống và là Ðấng Phục Sinh.

2.2 Cũng như trước hai thử thách kia, Ðức Giê-su đã chẳng hề bị "bắt bí" mà Người còn hoàn toàn làm chủ trận địa và tung ra những đòn "độc chiêu" mà kẻ thủ phải "tâm phục khẩu phục." Thật vậy Ðức Giê-su đã trích dẫn Thánh Kinh một cách rành rọt: "Ðiều răn lớn nhất là ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi." Ðức Giê-su còn khiến họ ngạc nhiên khi Người liên kết "giới răn trọng nhất" với "giới răn mới nhất" thành một. "Giới răn trọng nhất" là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. "Giới răn mới nhất" là yêu thương tha nhân, nhất là người lân cận, như chính mình ! Hai giới răn ấy chỉ là một mà thôi. Từ nay để kiểm chứng lòng yêu mến Thiên Chúa, người theo đạo Ki-tô chỉ cần xem xét lòng yêu thương tha nhân của mình. Nếu không có lòng yêu thương tha nhân, thì chắc chắn là cũng không có lòng yêu mến Thiên Chúa ! Quá đơn giản và rõ ràng !

3. Thời đại và con người ngày nay đòi chúng ta sống Phúc Âm một cách triệt để.

3.1 Ðức Gio-an Phao-lô 2 đã nhiều lần lặp đi lặp lại rằng: ngày nay người ta cần chứng chân hơn là thày dạy. Trong lãnh vực Bác Ái thì điều đó càng đúng. Giảng dạy yêu thương thì chẳng khó gì, nhưng có những hành động yêu thương giúp đỡ tha nhân mới là chuyện đáng kể. Giảng dạy yêu thương phục vụ thì đã có quá nhiều rồi, còn những hành động yêu thương cụ thể, thì lúc nào cũng thiếu, vì lúc nào cũng có người cũng cần đến. Xã hội và con người ngày nay rất dị ứng với những người chỉ nói mà không có làm. Thà nói ít hay không nói gì hết mà làm thì tốt hơn !

 3.2 Như thế có nghĩa là thời đại và con người ngày nay đòi chúng ta sống Phúc Âm một cách triệt để. Nếu Ðạo Công Giáo là Ðạo Yêu Thương thì các Ki-tô hữu hãy sống yêu thương, hãy hy sinh phục vụ, hãy bỏ thời giờ, tiền bạc, công sức... cho đồng bào, cho những người kém may mắn trong xã hội ! Năm 1970 tại Ma-ni-la các Giám Mục Á Châu ( trong đó có các Giám Mục Việt Nam chúng ta ) đã long trọng tuyên bố các Giáo Hội Á Châu là Giáo Hội của người nghèo. Chúng ta hãy biến chọn lựa ấy thành hiện thực đi ! Ðừng nói nữa mà hãy làm !

Lạy Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng con cảm tạ Tình Yêu cứu độ của Chúa! Chúng con quyết tâm chỉ tôn thờ một mình Chúa mà thôi vì Chúa là Chúa Tể vạn vật vô cùng quyền năng và nhân hậu, vì Chúa đã cứu chúng con. Chúng con cũng quyết tâm yêu thương mọi người là tạo vật được dựng nên theo hình ảnh Chúa như chúng con và là con cái của Chúa, anh em của chúng con.

Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa giúp chúng con biết cống hiến và chia sẻ với những người túng thiếu: tài trí, thời gian, tiền của mà Chúa đã ban cho chúng con, để tất cả chúng con được sống trong Tình Yêu của Chúa. A men !

 Gs. Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

SUY NIỆM 2:

YÊU MẾN

Ngày nay, không từ nào được nói đến nhiều bằng từ "tình yêu". Có thể nói, có bao nhiêu quyển tiểu thuyết là có bấy nhiêu truyện tình. Có bao nhiêu bài thơ là có bấy nhiêu cách diễn tả tình yêu. Có bao nhiêu phim truyện là có bấy nhiêu hình ảnh về tình yêu. Người ta khai thác tình yêu trong mọi lãnh vực: tuyên truyền, quảng cáo, thương mại... Tuy nhiên, cũng không có từ nào lại dễ gây hiểu lầm cho bằng từ "tình yêu". Nói đến tình yêu, người ta dễ nghĩ đến những khoái lạc thể lý, những hưởng thụ ích kỷ, đến tình yêu nam - nữ.

Hôm nay, Ðức Giê-su cho biết "Yêu Mến" chính là Giới Răn quan trọng nhất trong đạo. Tuy nhiên tình yêu Chúa nói ở đây rất khác với nội dung tình yêu mà ta thường hiểu.

Yêu mến không phải là vấn đề cảm tính mà là vấn đề lý trí. Theo cảm tính, ta chỉ yêu những người dễ yêu và những người yêu ta. Giới răn Chúa dạy ta phải yêu cả những người khó yêu và những người không những không yêu ta mà còn ghen ghét, làm hại ta nữa.

"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em... Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ?" ( Mt 6, 43 - 44; 46 - 48 ).

Yêu mến không phải bằng lời nói mà bằng việc làm cụ thể. Việc làm minh chứng tình yêu. Chính Chúa Giê-su đã xác định điều này: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa ! Lạy Chúa !" là được vào Nước Trời đâu ! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi" ( Mt 7, 21 ).

Không phải chỉ là việc làm cho Chúa mà cả việc làm cho tha nhân cũng được kể là yêu mến Chúa. Ở đây, Chúa đã đồng hoá hai điều răn "mến Chúa yêu người" khi Người tự đồng hoá với người nghèo khổ. Như thế, yêu người chính là mến Chúa. Mến Chúa thì phải yêu người.

"Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy""mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho Ta vậy" ( Mt 25, 40; 45 ).

Yêu mến không phải là tìm thoả mãn bản thân nhưng là cho đi, là quên mình.

Vì yêu thương, Chúa Cha đã trao tặng Chúa Con tất cả ( x. Ga 3, 35 ) để "mọi sự của Cha đều là của Con" ( Ga 16, 15 ).

Vì yêu thương, Chúa Cha đã ban cho thế gian chính người "Con Một" yêu quý ( Ga 3, 16 ).

Vì yêu thương, Ðức Giê-su đã vâng lời Chúa Cha "cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" ( Pl 2, 8 )

Vì yêu thương, Ðức Giê-su đã "hy sinh mạng sống cho đoàn chiên" ( Ga 10, 15 ). Cái chết trên thập giá là bằng chứng tình yêu lớn lao Người dành cho nhân loại như Người đã nói trước: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" ( Ga 15, 13 ).

Ngày nay văn minh khoa học kỹ thuật của nhân loại đã tiến đến một mức độ siêu tuyệt nhưng loài người vẫn chưa hạnh phúc. Chiến tranh khủng bố vẫn đe dọa an ninh thế giới. Ðói nghèo vẫn hằng năm giết đi hằng triệu người. Hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng thêm rộng. Con người vẫn chìm trong cô đơn, lo sợ, mệt mỏi. Con người vẫn còn thiếu tình yêu thương. Cần phải phát triển trái tim cho ngang tầm với phát triển khoa học mới mong thế giới an bình hạnh phúc.

Con cái Chúa có thể góp phần xây dựng thế giới tươi đẹp nếu tuân giữ giới luật yêu thương Chúa truyền. Chính giới luật yêu thương sẽ tạo nên một nền văn minh mới: nền văn minh của tình thương. Chỉ với yêu thương, thế giới mới thực sự hạnh phúc.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và thực thi giới luật yêu thương Chúa truyền. Amen.

Gm. NGÔ QUANG KIỆT ( Lạng Sơn )

SUY NIỆM 3:

YÊU THƯƠNG LÀ TRUYỀN GIÁO

"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi. Và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi". Có bao giờ bạn tự hỏi xem, vì sao Chúa lại dạy phải yêu Chúa và yêu người ? Lấy ví dụ: bạn có con đi học. Khi thấy nó lười học, thì nói với nó: "Con học bài đi, con phãi siêng học". Sở dĩ bạn bảo con mình chịu khó học là vì nó chưa chăm học. Chúa dạy loài người phải yêu Chúa yêu người vì loài người chưa yêu Chúa và cũng chưa yêu người. Hoặc chưa yêu một cách trọn vẹn như Chúa muốn. Yêu như Chúa muốn đó là: "Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khốn. Và yêu kẻ khác như yêu chính mình".

Yêu Chúa là phải yêu bằng cả tấm lòng, cả linh hồn, cả trí khôn. Tấm lòng, linh hồn, trí khôn là thành phần trọng yếu nhất của con người. Nếu thiếu tấm lòng, nghĩa là thiếu trái tim, con người chỉ là một cái xác. Nếu không có linh hồn, không phải là người nữa. Nếu thiếu trí khôn, dù mang hình dáng con người, người đó cũng trở nên ngu đần. Yêu Chúa bằng tất cả tấm lòng, cả linh hồn và trí khôn, yêu bằng tất cả thành phần chủ yếu của một con người là yêu vô cùng, yêu không tính toán, yêu Chúa một cách mạnh mẽ. Nhưng chỉ có lòng mến Chúa thôi, chưa đủ. Lòng yêu mến Chúa đòi phải có một giới răn khác bổ túc. Ðó là yêu người. Yêu người cũng quan trọng không kém giới răn yêu Chúa. Chính Chúa Giê-su nói: "Giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất là: ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi". Yêu Chúa và yêu người luôn đi đôi với nhau. Nếu nói rằng yêu Chúa mà trong thực tế không yêu tha nhân, không giúp đỡ người khác, là nói dối. Ngược lại, chính khi yêu thương và giúp đỡ người khác là bằng chứng chứng tỏ mình yêu mến Thiên Chúa.

Tuần trước chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo. Nhưng tôi nghĩ, sẽ không có truyền giáo đúng nghĩa nếu không biết yêu thương. Lòng yêu thương anh em là phương thế truyền giáo hữu hiệu, vì nhân loại luôn luôn cần đến tình yêu. Chính vì đặt tình yêu lên trên mọi chuẩn mực của một hành vi đạo đức nào đó, nên đạo Công Giáo cũng là đạo của tình yêu. Không thể nói với ai, rao giảng cho ai về tình yêu mà bản thân ta không hề biết yêu thương. Ðó là sự mâu thuẫn lớn mà ta phải trút bỏ đi. Nếu ta không biết yêu thương thì cũng không thể truyền giáo. Ngược lại, ta có một đời sống yêu thương thật sự, tử tế, vui vẻ với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác, những việc làm tốt đó, tự bản thân nó đã chứng minh ta là người có Ðạo, đã là truyền giáo rồi.

Nhưng không thể lúc nào cũng có thể nói về Chúa được. Lấy ví dụ: một thầy cô giáo có đạo, đi dạy ở một trường học nào đó, chắc chắn thầy cô đó không thể vào lớp học để nói về đạo, về Chúa được. Nhưng điều mà người thầy hay cô đó có thể làm được là chứng minh đời sống đạo của mình như: vui vẻ với đồng nghiệp, yêu thương, độ lượng với học trò...

Trong đời sống hằng ngày, mọi người có thể làm được những chuyện rất bình thường như: lượm một cục đá trên đường bỏ vào một nơi nào đó để các em nhỏ đi không bị vấp, các cụ già không bị té. Hoặc là ta biết giữ vệ sinh chung, đừng ném mọi thứ rác rưởi ra đường, ở nơi công cộng... tất cả những việc làm đó đều là những việc làm cụ thể, ai cũng làm được.

Với tất cả những phương thế thực hành vừa đề nghị bên trên, không phải là thể hiện lòng yêu Chúa, yêu tha nhân hay sao ? Ðó cũng không là phương thế truyền giáo hay sao ? tin rằng bạn và tôi đều luôn là những người cố gắng sống tốt, để người ngoài nhìn vào có thể nói rằng: anh hay chị ấy sống tốt vì họ là người Công Giáo.

Lm. JB. NGUYỄN MINH HÙNG

SUY NIỆM 3:

ÐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT

1. Hai điều răn trọng nhất của Do-thái giáo và Ki-tô giáo

Người khôn ngoan thì trong mọi lãnh vực luôn luôn phân biệt điều chính và điều phụ, điều cốt lõi và điều "bì phu", điều cần thiết và điều ích lợi, điều quan trọng và điều không quan trọng. Phân biệt như thế không phải để chỉ làm điều chính và bỏ điều phụ, mà để khi không thể làm được cả hai, thì phải ưu tiên cho điều chính. Vì điều chính là yếu tố quyết định thành công, không thực hiện nó thì chắc chắn sẽ thất bại. Còn điều phụ, nếu làm được thì rất tốt, rất ích lợi, có thể làm cho sự thành công rực rỡ hơn, nhưng không làm được thì cũng vẫn có thể thành công.

Trong việc giữ đạo và nên thánh, chúng ta cũng cần biết điều nào là cốt tủy, là quan trọng nhất; nếu không giữ điều này thì coi như chưa phải là giữ đạo, và không thể nên thánh, cho dù có giữ những điều phụ thuộc một cách thật hoàn hảo. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, giữa biết bao giới răn, thì giới răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Ðó là cốt tủy của lề luật: "Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn Sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy". Nếu giữ đạo mà không phân biệt điều nào chính điều nào phụ, thì chúng ta dễ giữ đạo theo "kiểu Pha-ri-sêu" đã bị Ðức Giê-su tố cáo: "Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng chân thành" ( Mt 23, 23 ); "Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà" ( 23, 24 ). Hướng dẫn người khác giữ đạo và nên thánh mà không phân biệt chính phụ, thì dễ trở thành "những kẻ dẫn đường mù quáng" ( 23, 16 ). Do đó, bài Tin Mừng hôm nay có tầm quan trọng đặc biệt cho mọi Ki-tô hữu muốn giữ đạo và nên thánh.

2.   Hai điều răn tóm lại thành một điều răn: "yêu thương"

Cũng trong chiều hướng tìm cái chính yếu, ta có thể tiếp tục đặt vấn đề: trong hai điều răn ấy, điều răn nào quan trọng, chính yếu hơn ?

Phải nói đây là hai giới răn rất đặc biệt, có vẻ là hai giới răn khác nhau, nhưng thật ra chỉ là hai cách diễn tả khác nhau của một giới răn duy nhất. Cả hai giới răn chỉ có một động từ duy nhất là "yêu", đối tượng của động từ "yêu" này có vẻ là hai đối tượng khác biệt nhau: tuy có thể phân biệt rõ rệt trên lý thuyết, nhưng trên thực tế và thực hành thì dường như không thể phân biệt, và không nên phân biệt. Vì thế, hai điều răn ấy "tuy hai mà một", tương tự như hai trang của cùng một tờ giấy: tuy là hai mặt khác nhau, nhưng chỉ là một tờ giấy duy nhất.

Thật vậy, rất nhiều lời trong Thánh Kinh cố tình đồng hóa Thiên Chúa với tha-nhân-của-chúng-ta. Cụ thể nhất là trong đoạn nói về cuộc phán xét cuối cùng ( x. Mt 25, 31 - 46 ), Ðức Giê-su đồng hóa chính Ngài với tha nhân, đặc biệt những người đau khổ, nhỏ bé, bị khinh thường, áp bức: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta", và "mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta !"

Tại sao thế ? Vì con người là "hình ảnh của Thiên Chúa" ( St 1, 26 - 27; 9, 6 ). Có ai yêu một người mà lại không yêu bức ảnh của người ấy không ? Ta thấy những cặp tình nhân, khi không có mặt nhau, thường hôn lên ảnh của nhau. Hơn thế nữa, con người là con cái của Thiên Chúa: ngay khi được tạo dựng, con người đã được Thiên Chúa yêu thương và nâng lên hàng con cái Ngài ( x. Kn 5, 5; Lc 20, 36; Ga 11, 52; Rm 8, 16 ). Và Ngài yêu quí con người đến mức, sau khi họ sa ngã, Ngài đã cho Con Ðộc Nhất của Ngài xuống trần, chịu đau khổ và chết để cứu chuộc họ ( x. Ga 13, 1; Rm 5, 6 - 8; 14, 15 b; 1 Cr 15, 3; 2 Cr 5, 15; 1 Tx 5, 10; 1 Pr 3, 18 ). Do đó, ai yêu Thiên Chúa, tất nhiên cũng phải yêu con cái của Ngài, những người mà Ngài hết mực yêu thương: "Ai yêu mến Ðấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Ðấng ấy sinh ra" ( 1 Ga 5, 1 ).

Như vậy, tha nhân bên cạnh và chung quanh chúng ta chính là hiện thân cụ thể và gần gũi chúng ta nhất của chính Thiên Chúa. Vì thế, yêu những người ấy là yêu chính Thiên Chúa, và không yêu họ chính là không yêu Ngài. Người Ki-tô hữu có Ðức Tin đích thực phải nhìn thấy chính Thiên Chúa ở nơi những người mình gặp hằng ngày, và yêu Ngài ở nơi họ. Không thể yêu Ngài ở nơi một ai khác chính đáng hơn nơi tha nhân. Chính vì thế, thánh Gio-an mới nói: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" ( 1 Ga 4, 20 ). Do đó, "ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình" ( 4, 21 ).

Quả thật, không phải là phi lý mà Thánh Phao-lô và Thánh Gia-cô-bê đã tóm lại toàn bộ lề luật không còn vào hai giới răn, mà vào một giới răn duy nhất: "Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Ðức Ki-tô" ( Gl 6, 2 ); "Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật" ( Rm 13, 8 ); "Các điều răn đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. ( ... ) Yêu thương là chu toàn Lề Luật" ( 13, 9 - 10 ); "Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" ( Gc 2, 8 ). Không những ta phải yêu thương những người chung quanh mình, hy sinh cho họ, mà còn phải làm sao để họ cũng sống yêu thương và thúc đẩy nhau sống yêu thương nữa: "Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt" ( Dt 10, 24 ).

3. Thực hiện việc yêu Thiên Chúa bằng việc yêu tha nhân

Ðể dễ hiểu những điều trên, ta hãy xét trường hợp của một người cha rất giàu có, rất khỏe mạnh, không thiếu thứ gì, cũng không cần thứ gì cả. Người cha ấy có một đàn con đông đảo, nhưng vì lỗi của chúng nên chúng trở nên nghèo nàn, đau khổ, thiếu thốn. Nguyên nhân gây nên tình trạng đau khổ ấy là chúng không biết yêu thương. Người cha ấy đã tìm đủ cách để đàn con hạnh phúc hơn, bằng cách giáo dục để chúng có nhiều tình thương hơn, vì một khi chúng biết yêu thương thì tất nhiên và tự nhiên hạnh phúc sẽ đến với chúng. Thử hỏi người cha ấy mong mỏi gì nơi đàn con ? Chắc chắn là mong chúng yêu thương nhau (x. Ga 13, 34 - 35 ).

Có một đứa con kia mong cha ban cho mình của này vật nọ, nên chỉ biết nghĩ đến cha, mong hầu hạ cha, lo cho cha từng chút, đang khi cha đã quá đầy đủ, chẳng cần ai lo cho mình một thứ gì. Ngược lại, đối với những anh em ruột thịt bên cạnh mình đang đau khổ và thiếu thốn, đang cần được chăm nom săn sóc, thì người ấy chẳng thèm đoái hoài đến. Thử hỏi người cha ấy có hài lòng về cách xử sự của người con ấy không? Cách xử sự như thế có hợp lý không ? Nếu ta là người cha ấy, ta sẽ nghĩ gì về đứa con ấy, ta muốn nó xử sự thế nào ?

Nếu ta là người cha ấy, chắc chắn điều ta mong mỏi nhất là thấy con cái mình yêu thương nhau, lo cho nhau, hy sinh cho nhau, và hễ chúng làm được điều ấy, thì ta sẽ hài lòng vô cùng, vì tình thương của chúng đối với nhau sẽ làm cho chúng hạnh phúc, là điều ta mong muốn nhất. Ta nghĩ rằng chính những đứa biết yêu thương anh em mình một cách vô vị lợi mới là những đứa con hiếu thảo, vì chúng có tình thương đích thực. Vì nếu anh em chúng nghèo khó và khó thương mà chúng còn thương được, ắt chúng phải thương yêu cha chúng hơn nhiều.

Còn những đứa chỉ nghĩ tới cha mình giàu có, nên lo chăm chút cho cha đang khi cha chẳng cần điều đó, mà chẳng hề nghĩ đến anh em mình, thì tình thương của chúng đối với cha rất đáng nghi ngờ. Có thể chúng chỉ yêu bản thân chúng mà thôi, còn việc chúng chăm chút đến cha có thể chỉ là một chiến thuật cầu lợi theo sự khôn ngoan ích kỷ của chúng.

Minh họa trên cho thấy chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa bằng cách nào. Có thể nói điều răn quan trọng nhất chính là "Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn". Nhưng phải thể hiện tình yêu ấy thế nào cho phù hợp với ý của Thiên Chúa ? Qua giáo huấn của Ðức Giê-su, ta thấy cách tốt nhất để thể hiện tình yêu của mình đối với Thiên Chúa chính là thực hiện điều răn thứ hai: "Yêu người thân cận như chính mình". Ðức Giê-su đã làm gương về điều ấy. Ngài chết trên thập giá vì yêu thương con người, đồng loại của Ngài ( với tư cách Ngài là một con người ), nhưng cái chết ấy chính là lễ hy sinh để thờ phượng Thiên Chúa được Thiên Chúa đánh giá cao nhất. Vậy cách thờ phượng Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa tốt nhất chính là yêu thương những người người chung quanh mình, những người mình gặp hằng ngày, và hy sinh bản thân mình cho họ.

Tôi nghe Thiên Chúa nói với tôi: "Cha là Thiên Chúa, Cha không cần và không thiếu một thứ gì. Vậy thì con yêu Cha cách nào đây ? Nếu con muốn yêu Cha cách thực tế, con hãy yêu Cha nơi những người sống chung quanh con, họ chính là hiện thân của Cha ở bên cạnh con. Con yêu họ, chính là con yêu Cha, và đó là cách tốt nhất để con tỏ lòng hiếu thảo đối với Cha".

Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT

CHỨNG TỪ:

MỘT CHÚT TÌNH NGƯỜI

Năm nay, Nhà Thờ Giáo Xứ chúng tôi được Ðức Cha ban phép Thánh Hiến để những ai đến viếng đều được Ơn Toàn Xá. Cũng nhờ biến cố trọng đại này, ngoài việc dạy Giáo Lý Thiếu Nhi, tôi được Ban Hành Giáo giao thêm cho nhiệm vụ bảo vệ chung khu vực Nhà Thờ và trông coi xe khách hành hương.

Một buổi sáng, đã sắp đến lúc cử hành Thánh Lễ thì trời đổ ập cơn mưa, đang đi đi lại lại ngoài sân, tôi phải vội chạy dạt vào hiên Nhà Thờ để khỏi bị ướt. Không quên nhiệm vụ bảo vệ, tôi đảo mắt quan sát thì phát hiện trong những người đang trú mưa có một tên ăn mày "khả nghi". Nó chỉ là một con bé độ 7, 8 tuổi, người gầy gò, mặt nhem nhuốc, quần áo luộm thuộm. Nó đang đứng rất gần những người khách từ xa đi ô-tô về hành hương. Phải can thiệp ngay thôi !

Thế là tôi xấn lại, miệng quát tay đẩy con bé thật mạnh. Không ngờ con bé lại yếu đến thế, nó ngã uỵch ngay xuống, đầu va xuống nền xi-măng một tiếng cộp khô khốc. Nó bật khóc tức tưởi trong khi mọi ánh mắt xung quanh đổ dồn về vì tò mò thắc mắc.

Tôi còn đang bần thần chưa biết quyết định ra sao, thì có một giọng nói nhỏ nhẹ vang lên: "Thôi, nín khóc nào, lại đây chị xoa dầu cho". Tôi quay lại và nhận ra một em gái khác chỉ độ 9, 10 tuổi, ăn mặc sạch sẽ, ngực đeo huy hiệu Thiếu Nhi Thánh Thể. Tôi sững người vì xấu hổ với mọi người, với chính mình, em bé gái tốt bụng ấy, không ai khác lại chính là học sinh Giáo Lý của tôi. "Một chút tình người", vâng, chính tôi có lần đã dạy cho các em trong lớp rằng: "Sống trên đời, luôn cần có một chút tình người..."

NGỌC THỦY, nội san THÁNH THỂ số 9

CÂU TRUYỆN:

BÁC ÁI, KHÔN HAY DẠI ?

Một lần, tại bến xe thị xã Bắc Ninh, đang ngồi đợi xe xuất bến, bỗng tôi nghe thấy tiếng quát tháo trên một chiếc ô-tô sắp khởi hành đi Bắc-giang: "Bà già này, xuống ngay ! Liều thật, không có đủ tiền mà cũng dám lên xe hả ?" Theo thói quen, tôi và nhiều người tò mò kéo lại vây quanh.

Anh phụ lái đang bực bội cau có, ra vẻ phân bua với mọi người, trong khi đó, một bà cụ già nông dân khoảng 70 tuổi cũng rơm rớm nước mắt kể lể: "Tôi ra thăm đứa cháu đang ốm nằm bệnh viện, trong túi tôi chỉ còn có mười nghìn đồng, tôi nghĩ có lẽ cũng đủ, ai có ngờ còn thiếu năm nghìn ? Tôi đã xin anh ấy là về đến huyện Lục Nam, nhà tôi ở ngay đó, tôi sẽ vào lấy tiền trả ngay, nhưng anh ấy cứ nhất quyết không cho tôi đi..."

Nói đến đây thì bà cụ bật khóc mếu máo. Nhiều người thấy ái ngại nhưng cũng ngần ngại thế nào ấy. Chợt, một anh thanh niên trạc tuổi tôi, cũng đang đợi xe, bước tới đưa cho bà cụ tờ 5.000 đồng và nói: "Cháu chỉ có chút ít biếu bà để bà trả tiền xe cho đủ..." Hoàn toàn ngỡ ngàng, bà cụ nhận tiền mà run run cảm động: "Thật quý hóa quá, tôi xin cảm ơn anh nhiều..."

Tôi nghe có tiếng xì xào của ai đó: "Dại quá đi mất, khéo lại bị mụ già lừa một quả !" Nhưng tôi cũng nghe được một tiếng thì thầm bên trong đáy lòng mình: "Còn bạn ? Bạn khôn hay dại khi từ khước một con người ?"

THU HIỀN, nội san THÁNH THỂ số 9

 

CHIA SẺ:

Cùng với các Mầu Nhiệm "truyền thống" của chuỗi hạt Mai Khôi ( năm sự VUI, năm sự THƯƠNG, năm sự MỪNG ), để sốt sắng cử hành NĂM MAI KHÔI ( 10.2002 - 10.2003 ) mà ngài đã công-bố, Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã đề nghị thêm 5 Mầu Nhiệm Sự Sáng ( Five Mysteries of Light ), để mọi người cùng suy gẫm khi lần chuỗi Mai Khôi. Xin lấy ý của câu xướng và câu thưa theo sát ý của Ðức Thánh Cha, dọn và gửi quý cha và anh chị em độc giả, trong khi chờ đợi một bản chính thức.

Jos. NGUYỄN THẾ BÀI ( Nha Trang )

NĂM MẦU NHIỆM SỰ SÁNG

§   Thứ nhất thì gẫm: Ðức Chúa Giê-su chịu thanh tẩy ở sông Gio-đan, ta hãy xin cho được tẩy sạch tội lỗi và sống đẹp lòng Thiên Chúa.

§   Thú hai thì gẫm: Ðức Chúa Giê-su tỏ mình ra tại tiệc cuới Ca-na, ta hãy xin cho được lòng Tin Cậy Mến Yêu.

§   Thứ ba thì gẫm: Ðức Chúa Giê-su công bố triều đại Thiên Chúa, ta hãy xin cho được ơn sám hối và tin vào Tin Mừng.

§   Thứ bốn thì gẫm: Ðức Chúa Giê-su hiển dung sáng láng, ta hãy xin cho ngày sau cùng được vinh hiển với Người.

§   Thứ năm thì gẫm: Ðức Chúa Giê-su lập phép Thánh Thể, ta hãy xin cho được lòng khát khao trông đợi Phục Sinh với Người.

THÔNG TIN:

LỜI KÊU GỌI CỨU TRỠ NẠN NHÂN THIÊN TAI CỦA TÒA GIÁM MỤC SÀI-GÒN

Kính gởi: quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân trong gia đình Giáo Phận.

Anh chị em rất thân mến, hằng ngày, qua báo chí và truyền hình, chúng ta thấy mùa mưa lũ năm nay, thiên tai hoành hành dữ dội ở miền Trung và miền Nam thân yêu của chúng ta. Trận lũ quét kinh hoàng đêm 20 tháng 9 vừa qua tại Hà Tĩnh và Nghệ An thuộc Giáo Phận Vinh đã gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng về người và của cải...

Cùng trong thời gian đó, tình hình lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long diễn biến thật phức tạp: tính đến nay lũ đã ảnh hưởng đến các Giáo Phận Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long và Mỹ Tho nằm trên địa bàn 7 tỉnh: An Giang, Long An, Ðồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ và Vĩnh Long, khiến cho hàng trăm người bị chết đuối mà đa số là trẻ em, gần 150.000 căn nhà bị ngập, 120.000 học sinh phải nghỉ học, hàng ngàn cây số đường giao thông bị hư hại, mùa màng thiệt hại nặng nề, và cơn lũ này còn có thể kéo dài đến cuối tháng 11.

Chúng ta không thể kể hết ra đây sự thiệt hại nặng nề, sự mất mát to lớn và nỗi đau khổ tột cùng mà đồng bào ruột thịt của chúng ta ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long đang phải gánh chịu.

Thưa anh chị em, là người Ki-tô hữu, chúng ta không được phép dửng dưng trước thảm cảnh này; trái lại, chúng ta phải thực thi lòng bác ái yêu thương Chúa Giê-su đã dạy. Chúng ta hãy đồng cảm và chia sẻ nỗi gian truân khốn khó với các nạn nhân của thiên tai.

Vì thế, tôi tha thiết xin anh chị em hãy tiết kiệm trong chi tiêu để giúp đỡ đồng bào chúng ta đang lâm cảnh khốn cùng, bởi tất cả chúng ta đều xác tín rằng khi chúng ta giúp đỡ những anh chị em ấy, là chúng ta giúp đỡ chính Chúa Ki-tô đang gặp hoạn nạn. Toàn thể gia đình Giáo Phận sẽ dành trọn tháng 11 là tháng các Ðẳng Linh Hồn để đóng góp vào việc cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở Giáo Phận Vinh và các Giáo Phận vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ lời chuyển cầu của Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a và Thánh Cả Giu-se, tôi nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho hết thảy anh chị em.

Tổng Giám Mục G.B. PHẠM MINH MẪN, Sài-gòn, ngày 14.10. 2002

LŨ LỤT Ở TỈNH HÀ TĨNH

Qua thầy Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT, Gospelnet vừa nhận được 2 lá thư của cha Giu-se Trần Minh Cẩn ( Giáo Xứ Thổ Hoàng và Giáo Xứ Kẻ Vang, thuộc xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê ) và của cha Gio-an Bao-ti-xi-ta Lê Bá Phượng ( Giáo Xứ Thọ Vực và Giáo Xứ Vạn Căn, thuộc hai xã Hà Linh và Phương Ðiền, huyện Hương Khê ) có nội dung được tóm tắt như sau:

Từ ngày 18 đến 21 tháng 9 năm 2002 vừa qua, các Giáo Xứ Thổ Hoàng và Kẻ Vang, gồm cả đồng bào giáo lẫn lương, thuộc vùng núi tỉnh Hà Tĩnh, đã bị nước lớn dưới sông dâng lên cộng với nước nguồn trên cao tràn xuống. Làng xóm bị ngập lụt khoảng 50 %, hơn 160 gia đình bị mất nhà cửa, vườn cây ăn trái mất trắng, tử vong 3 người. Ở các Giáo Xứ Thọ Vực và Vạn Căn, hơn 260 gia đình nhà bị ngập lụt hơn 1 mét rưỡi, nền nhà bị nước cuốn trôi, cây lưu niên như cam, bưởi, chè... bị héo chết, 60 ha sắn mì chưa kịp thu hoạch bị ung thối, tử vong 2 người.

Số thiệt hại ước tính mỗi nơi lên tới hàng mấy trăm triệu. Việc sửa chữa, dựng lại nhà cửa ít nhất phải mất hơn 200.000 VND một gia đình, chưa kể một số gia đình bị nặng hơn.

Các cha khẩn thiết kêu gọi các ân nhân gần xa rộng lòng chia sẻ trợ giúp đồng bào các nơi này về tiền bạc, lương thực, chăn màn, quần áo, thuốc men... Cho tới nay, đồng bào ở các vùng lũ lụt này chỉ mới nhận được số hàng cứu trợ quá ít ỏi cho mỗi gia đình là 2 gói mì tôm và mỗi nhân khẩu là 0,280 kg gạo...

Nhận được những lời kêu gọi này, Gospelnet đã chuyển ngay các hồ sơ xin cứu trợ đi các Nhóm Trợ Giúp, các Quỹ Tình Thương, đồng thời chúng tôi cũng mở lời quyên góp trên Gospelnet và các nơi quen biết. Rất mong được quý ân nhân và độc giả gần xa hưởng ứng gửi về cho chúng tôi: Lm. Lê Quang Uy, DCCT, 38 Kỳ Ðồng, Quận 3, Sài-gòn, điện thoại: 0903.34.09.14, E-Mail: ttmvcssr@hcm.vnn.vn.

CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Ân nhân địa chỉ jdmt55@2b2.net giúp đồng bào bị lũ lụt ở Hà Tĩnh ........................................................................  200 USD

- Một Linh Mục ẩn danh ( Việt Nam ) giúp đồng bào bị lũ lụt ở Hà Tĩnh ..........................................................  200.000 VND

- Một ân nhân ( Sài-gòn, qua cha Phạm Gia Thụy, DCCT ) giúp đồng bào bị lũ lụt ở Hà Tĩnh ...................................................  1.000.000 VND

- Ông bà Nguyễn Thoại ( Toulouse - Pháp ) giúp người nghèo giúp đồng bào bị lũ lụt ở Hà Tĩnh ...................................................  100 EUROS

- Âân nhân Thanh T. Le ( Broomfield CA - Hoa Kỳ ) giúp trẻ em mồ côi ở Nha Trang ..............................................  300 USD

CÁC KHOẢN TIỀN TRỠ GIÚP ÐỘT XUẤT

- Giúp ông Lê Văn Hóa ( Quảng Ngãi ) bị bệnh lao phổi tiền xe về quê ............................................................  50.000 VND

- Giúp 103 áo sơ-mi trắng cho học sinh dân tộc ở Pleichuet ( Kontum ) ...........................................................  1.250.000 VND

TRỠ GIÚP MỘT EM HỌC SINH NGHÈO Ở TỈNH GIA LAI

Thầy Nguyễn Ðình Phước, DCCT, giới thiệu em NGUYỄN THỊ THÙY DƯƠNG, sinh 1987 ( con ông Nguyễn Lãnh và bà Trần Thị Yêm ) học lớp 10 trường PTTH Dak Doa, tỉnh Gia Lai, hoàn cảnh gia đình rất nghèo nhưng bản thân em lại rất ham học và học rất giỏi. Gospelnet xin trợ giúp cho em mỗi tháng 50.000 VND, đợt đầu trong 3 tháng, từ tháng 10 đến hết tháng 12.2002, tổng cộng: 150.000 VND. Từ nay, em Dương sẽ được ghép thêm vào danh sách "HỌC BỔNG GIA LAI" chung với hai em VÕ THỊ HỒNG CẨM, sinh 24.6.1987, và VÕ THỊ THANH HUYỀN, sinh 26.1.1989.