TIN MỪNG: Mt 22, 15 - 21
NỘP THUẾ CHO XÊ-DA
Bấy giờ những người Pha-ri-siêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách
làm cho Ðức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của
họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Ðức Giê-su
rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi
biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của
Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà
đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp
thuế cho Xê-da hay không ?" Nhưng Ðức Giê-su
biết họ có ác ý, nên Người nói: "Tại
sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng
tiền nộp thuế !" Họ liền đưa cho
Người một quan tiền. Người hỏi họ: "Hình
và danh hiệu này là của ai đây ?"
Họ đáp: "Của Xê-da". Bấy
giờ, Người bảo họ: "Thế
thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa".
SUY NIỆM:
Trong Phật Giáo có một câu
chuyện nổi tiếng:
Có một người đàn ông cao
ngạo chẳng biết sợ ai, luôn coi thường đạo lý. Nghe Ðức Phật dạy
rằng đừng bao giờ lấy ác báo ác và một ngày kia, hắn đến gặp Ðức
Phật và dự tính xem Phật có sống được điều Ngài giảng không. Hắn
bắt đầu tuôn ra đủ mọi lời thóa mạ Ngài và gọi Ngài là tên đần
độn. Trong khi hắn liên tục xổ ra đủ thứ lời lăng mạ thì Ðức Phật
vẫn kiên nhẫn lắng nghe.
Chờ hắn mỏi miệng không
nói thêm lời nào nữa, Ngài mới lên tiếng: "Này con, nếu một người
không chịu nhận món quà mà kẻ khác biếu cho thì món qùa ấy sẽ đi
về đâu ?" Gã cay cú đáp: "Thằng điên nào mà chẳng biết, dĩ
nhiên là món ấy sẽ trở về lại với người đem cho." Ðức
Phật liền nói: "Hỡi con, con vừa tặng ta rất nhiều lời thóa mạ
nhưng ta chẳng nhận đâu nhé". Gã kia câm miệng không thốt ra lời
nào nữa.
Ðoạn Ðức Phật nói tiếp: "Kẻ
nào lăng mạ một người thánh thiện thì cũng giống như hắn ta khạc
nhổ lên trời. Những thứ hắn khạc nhổ ra không làm nhơ bẩn bầu
trời, trái lại sẽ rơi xuống làm nhơ bẩn gương mặt của chính hắn.
Cũng thế kẻ nào thóa mạ một người nhân đức thì khác nào tung bụi
ngược chiều gió, bụi sẽ chỉ bay vào mắt hắn mà thôi." ( Trích
tuyển tập Chuyện Hay: Giấc Mộng Vàng, trang 167 )
Câu chuyện trên là một minh họa cho cuộc tranh luận nổi
tiếng giữa các Pha-ri-sêu, Luật sĩ với Chúa Giê-su qua bài Tin Mừng
hôm nay. Nhóm Pha-ri-sêu bàn mưu để làm cho Ðức Giê-su lỡ lời mắc
bẫy. Họ hợp tác với phe Hêrôđê để chất vấn Người về vấn đề nộp
thuế. Nhóm Pha-ri-sêu ghét cay ghét đắng người Rô-ma đang đô hộ
Ít-ra-en, còn phe Hê-rô-đê thì lại nịnh bợ các quan bảo hộ để được
hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Dù không ưa nhau nhưng họ lại liên
kết với nhau để chống lại Ðức Giê-su. Một mình đối nghịch với Ðức
Giê-su trong lãnh vực tôn giáo, nhóm Pha-ri-sêu không làm được gì
đến Người, họ muốn nhờ bàn tay chính quyền là phe Hê-rô-đê để gài
bẫy Người trong vấn đề chính trị.
"Chúng
tôi có được nộp thuế cho Xê-da hay không ?" Câu
hỏi đặt Ðức Giê-su trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, bẫy gài sắc
như con dao hai lưỡi. Trả lời có cũng mắc bẫy, không có cũng mắc
bẫy. Nếu Ðức Giê-su bảo không thì nhóm Hê-rô-đê tố cáo là không
trung thành với hoàng đế. Còn nếu Người bảo có thì Người sẽ bị nhóm
Pha-ri-sêu tố cáo là không trung thành với dân tộc. Hai đàng, đàng
nào cũng trọng tội.
Trước gọng kềm đang siết chặt, Ðức Giê-su rất
bình tĩnh, tự chủ, không ngạo mạn khiêu khích, nhưng cũng không khúm
núm sợ sệt. Người bảo họ đưa cho xem đồng tiền và hỏi: "Hình và
danh hiệu này là của ai ?" Khi được trả lời là "của Xê-da",
Ðức Giê-su liền tuyên bố: "Thế thì của Xê-da trả về Xê-da; của
Thiên Chúa trả về Thiên Chúa". Câu trả lời của Người làm cho 2
phe nhóm bẽ bàng hụt hẫng. Ðức Giê-su phân biệt đâu ra đó: của
hoàng đế hãy trả cho hoàng đế, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên
Chúa. Ðức Giê-su không dùng miệng lưỡi mình để kết án họ, nhưng bắt
chính họ phải tự tuyên án cho mình như có lời chép rằng: "Vì nhờ
lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án và cũng tại lời nói của
anh mà anh sẽ bị kết án" ( Mt 12, 37 ).
Sứ mạng của Ðức Giê-su khi đến trần gian
là sứ mạng tôn giáo, là đưa nhân loại về với Thiên Chúa chứ không
phải là làm chính trị. Chính Người đã từ chối làm vua để đánh đông
dẹp bắc theo mong đợi của người Do-thái. Câu trả lời của Ðức Giê-su
làm nổi bật chân lý ấy. Với sứ mạng tôn giáo, Ðức Giê-su nhắc cho
họ nghĩa vụ phải trở về với Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa những gì
là của Thiên Chúa. Những kẻ chất vấn muốn nhìn Ðức Giê-su dưới gốc
độ chính trị thì Người làm cho những kẻ có lập trường chính trị phải
thấy Người là con người tôn giáo.
Một
cuộc đối thoại giữa thần quyền và thế quyền, giữa Thiên Chúa và
Xê-da. Cũng như sau này trong cuộc đối thoại với Phi-la-tô, Ðức
Giê-su trịnh trọng tuyên bố: "Nước tôi không thuộc về thế gian
này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì thuộc hạ của tôi sẽ
chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái, nhưng nước tôi
không thuộc về thế gian này". Qua lời tuyên bố này, Ðức Giê-su
có vẻ như khẳng định vương quyền của mình, một vương quyền mà
Phi-la-tô không tài nào hiểu thấu.
Mối tranh chấp giữa thần
quyền và thế quyền, giữa đạo và đời đã xảy ra từ thời Chúa Giê-su
cũng như từ muôn thưở. Ðức Giê-su không muốn được coi như vị cứu tinh
chính trị theo ý của người Do-thái. Người không đến để nắm lấy chính
quyền, thống trị như một vị hoàng đế Xê-da hay như vua Hê-rô-đê. Trong
thực tế Người phân biệt rõ thần quyền và thế quyền, tuy công nhận
quyền hành chính trị như một điều tất nhiên nhưng Người tự đặt mình
vào mức độ khác. Nước Trời mà Người đang rao giảng, đang thể hiện
hoàn toàn khác biệt và không cạnh tranh với đế quốc của Xê-da, vì
Nước Trời là vương quốc trường tồn của Thiên Chúa dành cho tất cả,
nơi đó không có áp chế, không có thống trị, chỉ có niềm vui, bình an
và hạnh phúc miên trường.
Những gì của Xê-da hãy trả cho Xê-da. Xê-da là hiện thân
cho một đế quốc hùng mạnh và giàu có của một thời lịch sử đã qua.
Xê-da cũng còn là biểu tượng cho thế lực tiền bạc, tham vọng quyền
bính và danh lợi dưới mọi hình thức trong xã hội ngày nay đối với
mọi người.
Những gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Ðức Giê-su
đã khéo léo nhắc đến bổn phận của con người đối với Thiên Chúa.
Có cái gì ngoài Thiên Chúa mà lại không phải là thụ tạo của Người
? Phải trả cho Thiên Chúa những gì mang hình ảnh Người, những gì được
khắc ghi tên Người trên đó. Hình ảnh nổi bật nhất là con người ( St
1, 26 ). Toàn bộ con người mang dấu ấn Thiên Chúa và cả vũ trụ cũng
tiềm tàng dấu ấn của Thiên Chúa. Trả con người lại cho Thiên Chúa
là dâng nó cho Người, là nhìn nhận chủ quyền của Người. Trả vũ trụ
trong lành cho Thiên Chúa cũng là trả lại cho con người món quà lớn
lao mà Người đã trao tặng.
Mỗi người Ki-tô hữu luôn hãnh diện vì
mang trong bản thân mình hình ảnh cao quý của Thiên Chúa và luôn sống
phong cách của Ngài: quảng đại chia sẻ, yêu thương trao hiến, bao dung
tha thứ, khiêm tốn phục vụ. Ðược như thế, mỗi người chúng ta sẽ
luôn làm cho hình ảnh Thiên Chúa ngày càng rõ nét trong cuộc đời
mình.
Lm. Giu-se NGUYỄN
HỮU AN
SUY NIỆM 2:
LÀM
THEO Ý THIÊN CHÚA HAY THEO Ý MUỐN CỦA CON NGƯỜI ?
1. Tình trạng hai "bản tịch" của Ðức Giê-su
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy
sự xung đột giữa hai "bản
tịch" của Ðức Giê-su cũng như của mọi Ki-tô hữu có quê hương dân
tộc, nghĩa là vừa là tín đồ của một tôn giáo, tức "giáo tịch", vừa là người dân của
một đất nước, tức "quốc tịch". Ngài cũng như chúng ta, vừa
phải yêu mến Thiên Chúa và có những bổn phận tôn giáo ( như thờ
phượng Thiên Chúa, phục vụ Giáo Hội, hành xử theo lương tâm... ),
lại vừa phải yêu quê hương đồng bào và có nghĩa vụ đối với đất
nước của mình ( như tôn trọng pháp luật, đóng thuế, quân dịch... ).
Hai thứ trách nhiệm này thường phù hợp với nhau, nhưng
cũng có rất nhiều trường hợp chúng xung đột nhau: trung thành
với tôn giáo thì có vẻ như phản bội đất nước, và ngược lại.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
người Pha-ri-siêu và phe đảng Hê-rô-đê hợp nhau đặt bẫy Ðức Giê-su.
Người Pha-ri-sêu là phe chủ trương trung thành với Do Thái giáo và
đất nước Do Thái, vì thế, họ âm thầm chống lại người Rô-ma đang cai
trị đất nước họ. Còn phe đảng Hê-rô-đê là người của Hê-rô-đê
An-ti-pa - tiểu vương miền Ga-li-lê - chủ trương ủng hộ chính sách đô
hộ của Rô-ma. Vì thế, hai phe này thường chống đối nhau kịch liệt:
người Pha-ri-sêu coi phe Hê-rô-đê là phản Thiên Chúa và phản quốc;
còn phe Hê-rô-đê là tay sai của đế quốc, tìm cách giết chết từ
trong trứng nước những mầm mống chống lại đế quốc trong dân Do-thái.
Ðiều rất lạ là trong bài Tin
Mừng này hai phe chống đối nhau ấy lại hợp sức với nhau hãm hại Ðức
Giê-su, bằng cách đặt Ngài vào một trường hợp thật khó xử là sự
xung đột giữa hai "bản tịch"
ấy. Họ chất vấn Ngài: "Có
được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ?" Trả lời thế nào Ngài
cũng đều bị kết án. Nếu nói "được
phép", Ngài sẽ bị người
Pha-ri-sêu lên án là ủng hộ người Rô-ma, kẻ thù của dân tộc, đồng
thời chống lại Thiên Chúa mà tín đồ Do-thái giáo coi là vị Vua duy
nhất. Còn nếu bảo "không
được" thì người của Hê-rô-đê sẽ bắt Ngài nộp cho chính quyền
Rô-ma vì tội tuyên truyền phản động, chống lại chính sách của đế
quốc. Nhưng Ðức Giê-su đã trả lời họ một cách thật tài tình, khiến
cho cả hai phe không bắt bẻ Ngài được, đồng thời cho chúng ta một
nguyên tắc để hành xử khi mang hai "bản tịch" trên. Ðó là "của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa".
2. Thần quyền hợp với thế quyền bách hại
Ðức Giê-su
Người mang hai "bản tịch" như thế bị chi phối rất
nhiều bởi hai lực lượng: thần
quyền bên tôn giáo và thế quyền bên đất nước, xã hội. Lý tưởng nhất là hai lực lượng này
cùng quan tâm đến những thiện ích chung của mọi người để cùng cộng
tác với nhau, mưu lợi ích và hạnh phúc cho toàn dân. Ðó là điều đại
hạnh phúc cho mọi người dân, mọi tín đồ. Nhưng tại nhiều quốc gia,
thần quyền và thế quyền chống đối nhau, nhất là khi hai bên có
những quan điểm căn bản ngược lại nhau. Chẳng hạn khi thế quyền chủ
trương vô tôn giáo, hoặc nghiêng hẳn về một tôn giáo nào đó, coi
tôn giáo đó là quốc giáo, khiến tín đồ các tôn giáo khác lâm vào
thế bị bạc đãi. Lúc đó, những người dân hai "bản tịch" bị ngược đãi ấy bị buộc
phải chọn một bên và bỏ một bên một cách thật đau lòng. Ðau lòng
là vì họ chẳng muốn bỏ một bên nào, bên nào cũng hết sức thân
thiết với họ. Họ lâm vào thế kẹt: hễ trung thành với tôn giáo thì
bị nhà nước kết án, mà trung thành với nhà nước thì bị tôn giáo kết
án.
Nhưng cũng có những trường
hợp thần quyền và thế quyền hợp với nhau áp bức và bóc lột người
dân vốn thấp cổ bé miệng, như trường hợp bài Tin Mừng hôm nay. Lúc
đó thần quyền có thể trở thành công cụ của thế quyền hoặc ngược
lại: hai bên lợi dụng thế của nhau để áp bức người dân, để cùng
có lợi. Hai bên có thể thỏa hiệp với nhau, bênh vực hay tương nhượng
lẫn nhau, hoặc bên này im lặng để mặc bên kia tự do hành động sai
trái, bất chấp quyền lợi chung của đất nước, tôn giáo, hay người dân.
Thần quyền cũng như thế
quyền đều được lập nên nhằm mục đích phục vụ lợi ích chung của dân
chúng và của các tín đồ. Thần quyền còn nhằm phụng sự Thiên Chúa.
Nhưng lịch sử các quốc gia và các tôn giáo, cũng như cuộc đời của
Ðức Giê-su cho thấy: không phải lúc nào thần quyền và thế quyền
cũng đi đúng mục đích của mình. Nhiều trường hợp họ theo đuổi những
mục đích cá nhân hay tập thể nhỏ của họ. Thiết tưởng các Ki-tô hữu
chân chính, tức những môn đệ đích thực của Ðức Giê-su, cho dù hoạt
động trong thần quyền hay thế quyền, cũng luôn luôn đặt quyền lợi
của Thiên Chúa, của đất nước, của tôn giáo và của dân chúng lên
trên hết. Họ sẵn sàng hy sinh bản thân, quyền lợi cá nhân cũng như
tập thể nhỏ của họ cho mục đích cao cả ấy. Nếu không thì càng giữ
chức vụ cao, họ càng trở thành công cụ của Xa-tan, của sự ác, và
đương nhiên chức vụ cao ấy sẽ là nhân duyên tạo nên sự trừng phạt
của Thiên Chúa dành cho họ.
3. Áp dụng
nguyên tắc của Ðức Giê-su
Là tín đồ của một tôn giáo
trong một đất nước, chúng ta có hai "bản tịch" với hai loại nghĩa vụ: một là đối với Thiên
Chúa, Giáo Hội, đời sống tâm linh, lương tâm con người; hai là đối
với quốc gia, xã hội. Người Ki-tô hữu cần cố gắng thi hành trọn
vẹn chừng nào có thể hai loại nghĩa vụ ấy. Việc này sẽ dễ dàng
nếu hai thế lực đạo và đời cùng đồng quan điểm và cùng hợp lực
với nhau vì ích lợi chung. Lúc đó, cả hai thế lực đều là những công
cụ phục vụ điều thiện, vì thế, tuân theo mệnh lệnh của những thế
lực ấy cũng chính là vâng lời Thiên Chúa. Thánh Phê-rô đưa ra
nguyên tắc: "Hãy tôn trọng
mọi người, hãy yêu thương anh em, hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy tôn
trọng nhà vua" ( 1 Pr 2,
16 ).
Ðối với nhà nước phục vụ
ích lợi chung như thế, thánh Phao-lô nói: "Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính
nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do
Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại
trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án
phạt" ( Rm 13, 1 - 2 ).
Ðó chính là áp dụng lời của Ðức Giê-su: "Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa",
nghĩa là nghĩa vụ thuộc bên nào thì hãy chu toàn nghĩa vụ ở bên nấy.
Tuy nhiên, lý tưởng trên
nhiều khi không xảy ra, lúc đó người dân hai "bản tịch" sẽ gặp nhiều khó khăn.
Là người Ki-tô hữu, chúng ta cần phải đặt thánh ý Thiên Chúa và
lương tâm con người lên trên hết. Và kế đó là phải phân biệt giữa
ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của hai thế lực đạo, đời ấy. Chủ
trương và động lực của hai thế lực này không phải luôn luôn phù
hợp với thánh ý của Thiên Chúa và lương tâm con người. Hai thế lực
ấy vốn là bề trên, là bậc cha mẹ mà bình thường ta phải tuân phục.
Ðức vâng phục Ki-tô giáo
đòi buộc chúng ta phải tuyệt đối vâng lời bề trên bao lâu chúng ta
biết mệnh lệnh của bề trên phản ảnh thánh ý của Thiên Chúa. Chừng
nào chúng ta thấy mệnh lệnh của bề trên không còn phù hợp với
thánh ý của Thiên Chúa, thì dù bề trên ấy là thần quyền hay thế
quyền, chúng ta không phải tuân phục. Vì "phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm" ( Cv 5, 29 ). Nếu ta biết ý
của bề trên phản lại ý muốn của Thiên Chúa mà vẫn nhắm mắt vâng
lời là ta đã phạm tội đồng lõa với họ. Hãy xem gương dân Do-thái,
chính vì hùa theo giới lãnh đạo tôn giáo giết Ðức Giê-su và các
ngôn sứ, mà hậu quả là nước Do-thái đã bị xóa tên trên bản đồ
thế giới gần 20 thế kỷ.
Ðiều quan trọng là chúng ta
phải thực hành thánh ý của Thiên Chúa được thể hiện qua lương tâm
ngay thẳng và được giáo dục của mình, bất chấp làm như thế có ý
nghĩa chính trị hay thương mại hay gì gì khác nữa. Chúng ta không chủ
trương làm chính trị hay thương mại, mà chỉ chủ trương làm theo thánh
Thiên Chúa hay lương tâm. Không thể vì một bổn phận nào đó mang ý
nghĩa chính trị hay thương mại mà chúng ta có quyền miễn làm theo thánh
ý Thiên Chúa hay theo tiếng nói của lương tâm. Trước những xung đột
như thế, hãy tự hỏi: ta phải làm theo ý Thiên Chúa hay theo ý muốn
của con người ?
Lạy Cha, chúng con đang sống trong một thế gian đầy
phức tạp, việc sống theo ý muốn của Cha không phải là đơn giản, vì
rất nhiều khi các nguyên tắc chồng chéo và mâu thuẫn nhau. Chính vì thế,
chúng con phải biết nguyên tắc nào là cao nhất. Nguyên tắc cao nhất
mà Kinh Thánh mặc khải cho, chính là: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn
vâng lời người phàm" ( Cv 5, 29 ), hay "Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha
Thầy, Ðấng ngự trên trời, mới được vào Nước Trời mà thôi" ( Mt 7,
21 ). Xin cho con biết tuân thủ nguyên tắc ấy qua lương tri và lương
tâm của con. Amen.
Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT
CHỨNG TỪ:
CÁC KI-TÔ HỮU SỐNG
GIỮA THẾ GIAN
Các Ki-tô hữu
không khác người ta về xứ sở, ngôn ngữ và tập quán trong đời sống.
Họ không ở trong những thành phố riêng, không dùng ngôn ngữ lạ
thường, cũng không sống một nếp sống khác biệt.
Giáo Lý của họ không phải do một sự suy tư nào đó, hay do
mối bận tâm của những con người ham tìm hiểu nghĩ ra. Họ không bảo
trợ một hệ thống triết lý nào do loài người chủ xướng như một số
người kia.
Họ ở trong các thành phố văn minh cũng như bán khai, tùy theo
số phận mỗi người đưa đẩy. Họ theo tập quán của dân địa phương trong
cách ăn mặc và trong lối sống, mà vẫn cho thấy một nếp sống lạ
lùng và ai cũng phải nhận là khó tin.
Họ sống ở quê hương mình mà như những khách kiều cư. Họ có
chung mọi thứ như công dân, nhưng phải gánh chịu đủ thứ như khách lữ
hành. Miền đất lạ nào cũng là quê hương của họ, nhưng quê hương nào
cũng là đất khách đối với họ.
Họ lập gia đình và sinh con đẻ cái như
mọi người, nhưng không phá thai. Họ ăn chung với nhau một bàn, nhưng
không chồng chung vợ chạ.
Họ
sống trong xác thịt, nhưng không theo xác thịt. Họ sống ở trần gian
nhưng họ là công dân Nước Trời. Họ tuân hành luật pháp, nhưng cách
sống của họ vượt trên những đòi hỏi của luật pháp.
Họ
yêu thương mọi người, nhưng mọi người lại ngược đãi họ. Họ không
được nhìn nhận, lại còn bị kết án. Họ bị giết mà vẫn được sống. Họ
là những người hành khất, nhưng lại làm cho nhiều người nên giàu.
Họ thiếu thốn mọi thứ, nhưng lại dư dật mọi sự.
Họ bị
sỉ nhục, nhưng giữa những sỉ nhục, họ lại được vinh quang. Danh thơm
của họ bị chà đạp, nhưng bằng chứng về đời sống công chính của họ
lại được phô bày. Bị nguyền rủa, họ chúc lành; bị đối xử nhục nhã,
họ tỏ lòng kính trọng.
Khi
làm điều thiện, họ lại bị trừng phạt như những kẻ bất lương. Khi bị
trừng phạt, họ vui mừng như được sống. Người Do-thái giao chiến với
họ như với ngoại bang, còn dân ngoại thì ngược đãi họ, và những kẻ
ghét họ không thể nói lý do tại sao lại căm thù họ.
Tôi
xin nói đơn giản như sau: hồn ở trong xác thế nào, thì các Ki-tô hữu
sống giữa thế gian cũng thế. Linh hồn ở khắp các chi thể thế nào
thì các Ki-tô hữu cũng ở mọi thành thị trên thế giới như vậy. Linh
hồn ở trong thân xác nhưng không do thân xác, thì các tín hữu cũng ở
trong thế gian nhưng không bởi thế gian. Linh hồn vô hình được gìn giữ
trong thân xác hữu hình, thì người ta nhìn thấy các Ki-tô hữu sống
trong thế gian, nhưng không thấy lòng đạo đức của họ.
Xác
thịt thù ghét và gây chiến với linh hồn, dù linh hồn không làm hại
gì cho xác thịt, mà chỉ ngăn không cho nó hưởng lạc thú; thế gian
cũng ghét các Ki-tô hữu như vậy, dù họ không gây thiệt hại gì cho
nó, mà chỉ chống lại các lạc thú.
Linh
hồn yêu thân xác, nhưng thân xác và các chi thể lại ghét linh hồn;
các Ki-tô hữu cũng yêu những kẻ ghét mình. Linh hồn bị giam giữ trong
thân xác, nhưng thực ra chính linh hồn lại chứa đựng thân xác; các
Ki-tô hữu cũng bị giam giữ trong thế gian như trong tù, nhưng chính họ
lại chứa đựng thế gian.
Linh
hồn bất tử ở trong nhà tạm phải chết; các Ki-tô hữu sống giữa
những thực tại hay hư nát như khách lữ hành, đang khi đợi chờ sự bất
hoại trên thiên quốc. Nhờ ăn uống kham khổ, linh hồn nên tốt hơn;
nhờ chịu cực hình, các Ki-tô hữu ngày một thêm đông nhân số.
Thiên
Chúa đã đặt các Ki-tô hữu vào tình trạng như thế, thì họ không nên
trốn tránh...
CÂU
TRUYỆN:
GƯƠNG ANH HÙNG
TỬ ÐẠO VIỆT NAM
Hạnh các Thánh Tử Ðạo Việt Nam kể
lại rằng:
Ông Trùm Ðích và con rể
là ông Lý Mỹ đều bị bắt trong cuộc bách đạo. Trước sức ép của bạo
lực cũng như cám dỗ bổng lộc, cả hai ông đều thà chịu chết chứ
kiên quyết khước từ không chịu đạp lên Thánh Giá. Sau khi 2 lần tự
nguyện chịu đòn thay cho nhạc phụ đã già yếu, ông Lý Mỹ đối diện
với quan quân, mạnh dạn tuyên xưng Ðức Tin: "Thưa quan lớn, tôi đã suy xét và tin nhận Ðạo Thiên Chúa là
Ðạo thật nên tôi không thể chối bỏ. Giả như có ai bảo quan lớn đạp
lên đầu Ðức Vua là người đã ban chức cao quyền trọng cho quan lớn,
ắt hẳn quan lớn chẳng dám làm. Vậy thì tôi đây, lẽ nào lại cả gan
đạp lên tượng ảnh Thiên Chúa mà tôi hết lòng thờ kính ?"
Cô con gái tên Mỹ mới 12 tuổi, vào thăm ông
Lý Mỹ trong ngục, đã khích lệ: "Xin
cha hãy can đảm chịu chết vì Chúa !" Ðến cậu bé Tường mới 9 tuổi
cũng nói: "Cha đừng lo cho chúng con.
Cha hãy an tâm vững lòng xưng Ðạo và chịu chết vì Ðạo !" Cuối
cùng là lời khuyên của bà vợ: "Vợ
con ai mà chẳng thương tiếc, nhưng ông hãy vác thập giá, trung thành
với Chúa cho đến cùng. Ðừng lo nghĩ về mẹ con tôi !"
Theo
LỜI HẰNG SỐNG 8.2000.
THÔNG TIN:
TẠI ÐỊA ÐIỂM CỒN TRÊN, TỈNH AN GIANG
NGÀY 12.10.2002
NGUỒN THU :
- Các
ân nhân qua ca đoàn Dominique Savio .................................................................................... 140
USD và 9.950.000 VND
- Các
ân nhân qua chị Thùy Anh ............................................................................................................................................ 350 USD
- Các
ân nhân qua chị Hải Yến....................................................................................................................................
5.450.000 VND
- Các
ân nhân qua bạn MK Phúc Dũng ..................................................................................................................... 1.370.000 VND
- Các
ân nhân qua bạn MK Minh Ðức ....................................................................................................................... 1.200.000 VND
- Các
ân nhân qua bạn MK Quốc Duy ....................................................................................................................... 2.160.000 VND
- Các
ân nhân qua Gospelnet ( Lm. MK Quang Uy ) ................................................................... 2
bao lớn quần áo cũ 200 USD
Tổng
cộng: ................................................................................................ 6
bao lớn quần áo cũ và 690 USD và 20.130.000 VND
Ðổi
tất cả ra VND ........................................................................................................................................................ 30.721.500 VND
NGUỒN CHI:
- Mua
gạo: 7.500 Kg x 2.800 VND ........................................................................................................................... 21.000.000 VND
- Mua
xà-bông Viso: 150 túi 800 g x 6.800 VND ................................................................................................... 1.020.000 VND
- Mua
xà-bông Viso: 150 túi 400 g x 3.600 VND ....................................................................................................... 540.000 VND
- Mua
bánh mì: 8 thùng x 80 cái x 800 VND ............................................................................................................... 512.000 VND
- Mua tập
học sinh: 1.000 cuốn x 1.300 VND .......................................................................................................... 1.300.000 VND
Tổng
cộng: .................................................................................................................................................................... 24.372.000 VND
- Chi
phí phương tiện di chuyển Sài-gòn – An Giang do đoàn tự đóng góp ................................................... 1.500.000 VND
TỒN QUỸ:
Tổng
thu: ........................................................................................................................... 6
bao lớn quần áo cũ và 30.721.500 VND
Tổng
chi: 300 phần quà cứu trợ cho 300 gia đình: .................................................. 6 bao lớn
quần áo cũ và 24.372.000 VND
Còn
lại để chuẩn bị cho chuyến đi cứu trợ sau ở các nơi khác: ........................................................................... 6.349.500 VND
Gospelnet số 81 tiếp
tục trợ giúp cho 11 em học sinh nghèo ở Long Khánh ( danh sách
đã đăng trên Gospelnet số 50 ngày 3.3.2002 ) trong ba tháng 9, 10 và
11.2002, tổng cộng: 11 em x 3 tháng x 50.000 VND = 1.650.000 VND. Số
tiền này trích từ khoản tiền bạn MK Bích Sơn chuyển về từ ca đoàn
Việt Linh ( Hoa Kỳ ) do anh Nguyễn Chiến làm ca trưởng. Xin chuyển
đến cộng đoàn Thiên Phúc. Xin thay mặt cộng đoàn Thiên Phúc
và các em tỏ lòng biết ơn đến ca đoàn Việt Linh.
Gospelnet số 81 tiếp
tục trợ giúp cho 6 em học sinh nghèo thuộc khu Kinh Tế Mới thôn
Tân Bình, xã Lộc Thanh, huyện Bảo Lộc ( danh sách đã đăng trên
Gospelnet số 77 ngày 22.9.2002 ) trong hai tháng 10 và 11.2002, tổng
cộng: 6 em x 2 tháng x 50.000 VND = 600.000 VND. Số tiền này trích
từ khoản tiền bạn MK Bích Sơn chuyển về từ ca đoàn Việt Linh ( Hoa
Kỳ ) do anh Nguyễn Chiến làm ca trưởng. Xin chuyển đến thầy Vũ
Ðại Dương, thuộc cộng đoàn Thiên Phúc. Xin thay mặt thầy
Dương và các em tỏ lòng biết ơn đến ca đoàn Việt Linh.
Bà Nguyễn
Thị Huân, giới thiệu trường hợp gia đình của chị Nguyễn Thị Thu
Trang, ngụ tại xã Long Thạnh Mỹ, quận Thủ Ðức, Sài-gòn, hoàn cảnh
kinh tế rất khó khăn, có 2 con trai còn nhỏ là NGUYỄN THẾ NGHIỆP,
sinh 1993 và NGUYỄN HIỆP THÀNH, sinh 1995. Gospelnet xin trợ
giúp các em trong ba tháng 10, 11 và 12.2002, tổng cộng: 300.000
VND để lo chi phí đầu năm học.
Trong chương trình khuyến
khích đọc, học và sống Lời Chúa của Nhóm Tông Ðồ Kinh Thánh,
cha Nguyễn Văn Hiền và Giáo Dân Giáo Xứ Mạc-ty-nho, Giáo
Phận Sài-gòn đã quyên góp được số tiền là 2.400.000 VND để
hỗ trợ đồng bào dân tộc Ê-đê tại Giáo Xứ Nam Thiên, Giáo Phận
Ban-mê-thuật có thể có được bản photo của bản dịch Kinh Thánh Tân
Ước bằng tiếng Ê-đê. Gospelnet xin thay mặt Sr. Nguyễn Thị Ðức,
Dòng Nữ Vương Hòa Bình và đồng bào Ê-đê ở Giáo Xứ Nam Thiên tỏ
lòng biết ơn đến cha Hiền và Giáo Xứ Mạc-ty-nho.
CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG "ÐỒNG XOÀI – BÌNH PHƯỚC"
Như Gospelnet số 62 ra ngày 19.5.2002
và Gospelnet số 68 ra ngày 30.6.2002 đã thông tin, qua
sự giới thiệu của cha Lê Trấn Bảo, chính xứ Ðồng Xoài và Sr.
Ê-li-da-bét Vũ Thị Bài, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, Giáo Xứ Ðồng
Xoài, Giáo Phận Ban-mê-thuật, thuộc phường Tân Ðồng, thị xã Ðồng
Xoài, tỉnh Bình Phước, Quỹ "HỌC BỔNG ÐỒNG XOÀI" đã nhận trợ
giúp cho 17 em học sinh nghèo trong Giáo Xứ Ðồng Xoài, đã bắt
đầu từ tháng 5.2002 đến hết tháng 9.2002. Nay Gospelnet số 81 xin tiếp
tục trợ giúp hai tháng 10 và 11.2002 với số tiền 1.700.000
VND. Số tiền này được trích từ khoản tiền của Nhóm Help The
Poor, Hoa Kỳ, mới gửi về chia sẻ. Xin thay mặt cha Bảo, Sr. Hải và
gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến cha Trịnh Tuấn Hoàng và Nhóm Help
The Poor.
Như trong Gospelnet số 71 ngày 21.7.2002 đã thông tin, cha
Nguyễn Hữu An, Giáo Xứ Chính Tâm, xã Gia Tân, huyện Ðức
Linh, tỉnh Bình Thuận, Giáo Phận Phan Thiết, giới thiệu 3 trường hợp
ngặt nghèo như sau:
01. Anh NGUYỄN ÐỨC DUY, sinh 1976, bị bệnh viêm não
gây bại liệt.
02. Em NGUYỄN THỊ HƯƠNG, sinh 1989, bị bại liệt, gia
đình quá đông anh em.
03. Anh
NGUYỄN VĂN THO, sinh 1967, bị tâm thần, ở với mẹ già 72 tuổi.
Gospelnet 81 xin tiếp tục trợ giúp gia
đình anh Duy và em Hương mỗi tháng 50.000 VND, trong ba tháng 10, 11 và
12.2002, tổng cộng: 2 người x 50.000 VND x 3 tháng = 300.000 VND.
Riêng gia đình anh Tho, xin trợ giúp mỗi tháng 100.000 VND, trong ba
tháng 10, 11 và 12.2002, tổng cộng: 300.000 VND. Như vậy tất cả là:
600.000 VND. Số tiền này trích từ
khoản tiền bạn MK Bích Sơn chuyển về từ ca đoàn Việt Linh ( Hoa Kỳ
) do anh Nguyễn Chiến làm ca trưởng. Xin thay mặt cha An và các gia
đình nói trên tỏ lòng biết ơn đến ca đoàn Việt Linh.
THƯ
XIN GIÚP ÐỞ CHƯƠNG TRÌNH "ÐỞ ÐẦU GIÁO LÝ VIÊN NGHÈO"
Gospelnet vừa nhận được một lá thư ngỏ của anh Nguyễn
Thế Bài, cựu Chủng Sinh Giáo Phận Kontum, đề nghị một chương
trình trợ giúp hết sức thiết thực và thân tình cho các anh em
Giáo Lý Viên người dân tộc tại Kontum, vốn là những người có
hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng đã hy sinh cho công việc rao giảng
Tin Mừng cho chính đồng bào của mình. Gospelnet xin đăng lại nguyên văn
lá thư và mời gọi quý độc giả và ân nhân gần xa cùng nhiệt thành
hưởng ứng, và có thể bắt tay vào việc ngay...
Kính
gửi Gospelnet,
Nhận
thấy anh em Yao Phu ( mà con xin gọi là "Giáo Lý Viên nghèo", để
tránh thắc mắc có thể. Thực ra họ vừa là Giáo Lý Viên, vừa là
"thầy giảng" và trong hoàn cảnh thiếu thốn linh mục, khó khăn nhiều
bề, thì họ kiêm nhiệm rất nhiều công tác tông đồ, truyền giáo ) hy
sinh rất lớn, và dù bao khó khăn vẫn trung kiên với đức tin, với sự
mệnh tông đồ, trong khi đời sống vật chất bản thân và gia đình lại
rất chật vật, nghèo đói, bởi vậy chúng con,cựu chủng sinh Kontum,
mạo muội trình bày để xin Gospelnet vận động các vị hảo tâm hoặc các
Nhóm Giáo Lý, Linh Hoạt Viên, v.v... hưởng ứng và giúp đỡ anh em Yao
Phu trong chương trình "ÐỞ ÐẦU GIÁO LÝ VIÊN NGHÈO". Chương trình
gồm có:
1. Mỗi
gia đình hoặc cá nhân Giáo Lý Viên, Linh Hoạt Viên, v.v... Ở
Sài-gòn, có lòng quảng đại và có điều kiện vật chất, nhận đỡ đầu
một gia đình Giáo Lý Viên nghèo Kontum.
2. Mỗi
"Giáo Lý Viên nghèo" mà chúng tôi giới thiệu xin đỡ đầu, được ghi
số thứ tự theo ký hiệu, kèm với những thông tin về vợ,
về các con trong gia đìnhø.
3. Mỗi
năm một lần vào dịp Noel biếu tặng "gia đình được đỡ đầu": quần
áo cũ ( của gia đình hoặc bạn bè, thân quen ), sách vở, lương
thực thực phẩm và cả tiền mặt, tùy hảo tâm. Tất cả được đóng
gói trong một bao hoặc thùng giấy, cột chặt hoặc dán kín và ghi số
ở ngoài ( theo phiếu mà gia đình nhận đỡ đầu chọn ) rồi gửi cho
Gospelnet. Nhóm phụ trách sẽ đến nhận và để nguyên như thế,
chuyển đến tận tay Giáo Lý Viên nghèo và gia đình ở Kontum.
4. Ðể
đáp lại, Giáo Lý Viên nghèo và gia đình ở Kontum có bổn phận thường
xuyên cầu nguyện cho các gia đình ân nhân. Ngoài ra, Nhóm Phụ
Trách xin gửi một món quà nhỏ là cuốn Gương Thánh Nhân tới
mỗi gia đình ân nhân, để cám ơn lòng bác ái, sự quảng đại của các
ân nhân.
( Kính
chuyển đến gia đình ân nhân nhận đỡ đầu )
1.
KÝ HIỆU: ...........................................................................
2.
TUỔI: ..................................................................................
3.
GIA ÐÌNH ( Ghi chú chi tiết )
a)
Vợ: Ðánh dấu còn sống c hay đã qua đời c
b) Các
con: ( Ghi tổng số )..............................................
+ Trai: 1. Sinh: ..........
học lớp: ..........................
2. Sinh: ..........
học lớp:........................
3. Sinh: .......... họp lớp:........................
4. Sinh: .......... học lớp:........................
+ Gái: 1. Sinh: ..........
học lớp: ..........................
2. Sinh: ..........
học lớp:........................
3. Sinh: .......... họp lớp:........................
4. Sinh: .......... học lớp:........................
Theo
danh sách, chúng tôi có 788 "Giáo Lý Viên nghèo". Nhưng sợ rằng bước
đầu mở rộng, sẽ không thể đảm đương, nên chỉ xin chọn 435 người
cho đợt đầu. Sau này, nếu có điều kiện thuận lợi hơn, chúng tôi
sẽ xin Gospelnet thương giúp làm nhịp cầu trung gian thêm một đợt khác.
Chương trình này, chúng tôi xin Gospelnet giúp đỡ, để anh em "Giáo Lý
Viên nghèo" được bớt một phần khó khăn vật chất, nhưng quan
trọng nhất là họ cảm nhận được sự quan tâm liên đới và chia sẽ
của đồng đạo khắp nơi. Ðiều ấy sẽ củng cố thêm lòng tin và sự
nhiệt thành của anh em "Giáo Lý Viên nghèo", động viên họ tiếp
tục hy sinh phục vụ.
Thay
mặt Nhóm Tông Ðồ và tất cả anh em Giáo Lý Viên nghèo sẽ được quý độc
giả ân nhân giúp đỡ, chúng tôi xin chân thành cám ơn Gospelnet và
cầu xin Chúa trả công bội hậu cho quý vị.
Nha Trang, 15.10.2002
Giu-se
NGUYỄN THẾ BÀI, 38 Tân An, Nha Trang, ÐT: 058.871.539, Inchristo62@dng.vnn.vn