TIN MỪNG: Chúa Nhật 27 A Mt 21,
33 - 43:
Khi ấy Ðức Giê-su bảo các Thượng
Tế và Kỳ Mục: "Các ông hãy
nghe một dụ ngôn khác:
"Có
gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu;
trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá
điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ
đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ
ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông
lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng
xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp
chúng, vì nghĩ rằng: "Chúng sẽ nể con ta". Nhưng bọn tá điền
vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Ðứa thừa tự đây rồi! Nào ta
giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!" Thế là chúng bắt
lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. Vậy xin hỏi: Khi
ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia ?" Họ đáp:
"Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền
khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho
ông".
Ðức
Giê-su bảo họ: "Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh
Thánh sao ? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc
tường. Ðó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt
chúng ta. Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên
Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm
cho Nước ấy sinh hoa lợi".
SUY NIỆM:
1. Ý nghĩa dụ ngôn những tá điền sát nhân
Bài Tin Mừng hôm nay là một
dụ ngôn có ý nói bóng gió về tình trạng đã, đang và xảy ra trong
dân Do-thái, mà trước mắt có sự góp phần của giới lãnh đạo tôn
giáo Do-thái là âm mưu giết Ðức Giê-su. Kết cục được diễn tả trong
câu cuối của bài Tin Mừng là: Dân Do-thái được Thiên Chúa dành ưu
tiên trong việc vào Nước Thiên Chúa, nhưng vì họ tỏ ra không xứng
đáng, nên chỗ ưu tiên của họ được nhường cho những dân tộc khác.
Thiên Chúa đã yêu quí dân
Do-thái, điều này được diễn tả trong bài đọc I: Thiên Chúa cưng
chiều dân Do-thái như một người có một vườn nho mà anh ta rất quí: "Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho
quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp
nho" ( Is 5, 2a ). Anh quí
nó đến nỗi làm cho nó tất cả những gì mà anh nghĩ nó cần nó thích: "Có gì làm hơn được cho vườn nho của
tôi, mà tôi đã chẳng làm ?"
( 5, 4 ). Anh ta kỳ
vọng rất nhiều vào vườn nho đó, nhưng vườn nho đã làm anh thất vọng:
"Anh những mong nó sinh trái
tốt, nó lại sinh nho dại"
( 5, 2b ). Một vườn nho như thế thì người chủ nên làm gì cho nó ? Thất
vọng vì vườn nho ấy, anh ta đã "hàng
giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn
bị giày xéo (...) biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu, không tỉa
cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm; truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa
tưới xuống" ( 5, 5 - 6 ).
Vườn nho đó được I-sa-i-a xác
định: "Vườn nho đó chính là
nhà Ít-ra-en; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, chính là người xứ
Giu-đa. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ
máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc
than" ( 5, 7 ).
Trong dụ ngôn bài Tin Mừng
hôm nay, Ðức Giê-su tiếp tục khai triển chủ đề "vườn nho" của bài đọc thứ nhất ( Is 5, 1 - 7 ), với những ám
chỉ sau đây:
1. Vườn nho ám chỉ dân Do-thái;
2. Ông chủ đất ® Thiên Chúa;
3. Bọn tá điền ® Các lãnh tụ tôn giáo
Do-thái;
4. Các tôi tớ của chủ đất ® Các ngôn sứ được Thiên
Chúa sai đến;
5. Người con trai của ông chủ ® Ðức Giê-su;
6. Các tá điền khác ® Dân ngoại.
Toàn bài dụ ngôn nói lên
diễn tiến trong lịch sử dân Do-thái: Thiên Chúa chọn Do-thái là dân
riêng của Ngài giữa mọi dân tộc. Ngài muốn họ là cầu nối giữa
Ngài với mọi dân tộc khác và với toàn nhân loại. Ðể thực hiện
mục đích ấy, Ngài đã sai các ngôn sứ đến để dạy dỗ, sửa đổi và
cho họ biết ý định của Ngài. Nhưng lời nói của những ngôn sứ này
thường không lọt lỗ tai các lãnh tụ tôn giáo Do-thái, vì "trung ngôn nghịch nhĩ", "lời thật mích lòng".
Và kết quả là các ngôn sứ này đều bị ném đá chết dưới tay các
lãnh tụ tôn giáo Do-thái. Chính ngôn sứ Ê-li-a đã phải than phiền: "Khi cầu nguyện với Thiên Chúa, ông đã
tố cáo dân Ít-ra-en rằng: Lạy Chúa, các ngôn sứ của Ngài, chúng đã
giết chết; bàn thờ của Ngài, chúng đã phá huỷ. Chỉ còn sót lại
một mình con, thế mà chúng cũng đang tìm hại mạng sống con" ( Rm 11, 3; x. V 19, 10.14 ).
Cuối cùng, Thiên Chúa sai
chính Con Một của mình đến cũng để làm công việc ngôn sứ ấy, thì
cũng bị họ giết chết một cách dã man và thảm hại. Dân Do-thái vì
hèn nhát trước quyền lực nên cũng hùa theo các lãnh tụ của họ. Vì
thế, dân Do-thái đã bị Thiên Chúa loại bỏ, mất quyền ưu tiên đối
với Nước Trời. Và Nước Trời do Ðức Giê-su thiết lập - gồm những
người tin theo Ðức Giê-su - bao gồm những người mà người Do-thái gọi
là dân ngoại, gồm đủ mọi dân tộc trên thế giới.
Còn dân Do-thái đã bị đào
thải khỏi lịch sử: tháng 9 năm 70, Titus, lúc ấy làm thống soái quân
đội Rô-ma ( sau làm hoàng đế năm 79 - 81 ), đã bao vây và chiếm
Giê-ru-sa-lem, giết rất nhiều người Do-thái. Kể từ đó, Do-thái bị
mất nước, và dân Do-thái phải tản mác khắp nơi trên thế giới. Ðến
thế chiến thứ hai, dân Do-thái tại Ðức đã bị Hitler giết tới 6 triệu
người. Mãi đến năm 1947, sau gần 19 thế kỷ bị mất nước, Do-thái đã
lập quốc trở lại tại vùng đất cũ, nhưng kể từ đó, họ phải chiến
tranh liên tục với dân Pa-lét-tin và Ai-cập cho đến nay.
2. Dụ ngôn đó có áp dụng cho
Giáo Hội chúng ta không ?
Khi tôi học Cựu Ước, giáo sư
dạy Kinh Thánh cho tôi thường nói: "Ít-ra-en là Giáo Hội, Israel là chính tôi". Vì thế, nếu bài dụ ngôn kia có thể áp dụng cho
dân Do-thái, thì cũng có thể áp dụng cho Giáo Hội và cho chính bản
thân tôi.
Do-thái giáo là một tôn
giáo do chính Thiên Chúa thiết lập qua các tổ phụ, Mô-sê và các
ngôn sứ, với hàng giáo phẩm là các tư tế, Lê-vi và các Ráp-bi.
Thiên Chúa đã trực tiếp can thiệp vào lịch sử của dân tộc, đã ra
tay giải phóng dân tộc Do-thái khỏi ách thống trị Ai-cập, đã đích
thân ban hành luật pháp cho họ, đã trực tiếp chỉ định những vì vua cai
trị họ...
Ngay cả Ki-tô giáo hiện nay
cũng chưa được Thiên Chúa trực tiếp can thiệp như thế. Có ngôn sứ
nào trong Ki-tô giáo oai hùng như I-sa-i-a, khi ra lệnh cho dân Do-thái
điều gì thì đều nói: "Thiên
Chúa là Chúa các đạo binh phán như thế" ( x. Is 1, 24; 3,15; 5, 9; 10, 24; 14, 22 - 24; 17, 3; 19,
4; v. v... ) Vì thế, dân Do-thái đã rất có lý khi nghĩ rằng tôn giáo
của mình do Thiên Chúa thiết lập ắt sẽ vĩnh cửu, và sẽ lan tràn
khắp thế giới. Nhưng lịch sử cho chúng ta thấy họ đã lầm. Do-thái
giáo đã tàn lụi, và được thay thế bằng Ki-tô giáo. Có thể nói,
Do-thái giáo chính là tiền thân của Ki-tô giáo.
Ki-tô giáo hiện nay cũng đang
tự hào là tôn giáo duy nhất do chính Thiên Chúa thiết lập, là tôn
giáo có giá trị hơn hết mọi tôn giáo trên thế giới, nên mọi Ki-tô
hữu đều tin tưởng nó sẽ tồn tại muôn đời, và sẽ lan tràn khắp thế
giới. Nhưng nhiều khi các Giáo Hội Ki-tô giáo chỉ biết tự hào như
thế mà quên đi niềm mong ước của chính Thiên Chúa đối với mình. Liệu
Thiên Chúa có phải than phiền về Ki-tô giáo như đã than về Do-thái
giáo: "Có gì làm hơn được cho
vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm ? Tôi những mong trái tốt,
sao nó sinh nho dại ?"
Ki-tô giáo đã hơn Do-thái giáo những gì ?
Ðức Giê-su đến để thiết lập
một tôn giáo mới dựa trên nền tảng tình yêu thương, và luật của
Ki-tô giáo là luật yêu thương: "Thầy
ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em
hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" ( Ga 13, 34 ); "Ai
yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật"
( Rm 13, 8.10 ); "Anh em hãy mang
gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Ðức Ki-tô" ( Gl 6, 2); "Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu:
Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" ( Gc 2, 8 ).
Luật của Tân Ước mới hẳn so
với Cựu Ước của Do-thái giáo, nhưng các Ki-tô hữu đã coi trọng luật
ấy đủ chưa ? đã tập trung mọi cố gắng để thực hành luật ấy đúng
mức chưa ? Hay Ki-tô giáo lại đi vào vết xe đã đổ của Do-thái giáo,
là thượng tôn nghi thức, quá chú trọng tới những lễ nghi và hình
thức bên ngoài ? Còn lề luật chính yếu là sống yêu thương thì lại
lãng quên ? Có phải hiện nay hình thức của Ki-tô giáo thì mới mẻ và
khác hơn Do-thái giáo, nhưng tinh thần nệ luật, nệ hình thức thì chẳng
khác gì những người Do-thái ngày xưa ?
Ðã tới lúc chúng ta cần
nghiêm túc tự hỏi: ngày nay, người ngoài nhìn vào cách sống của
người Ki-tô hữu, có thể nhận ra đạo của chúng ta là "đạo yêu thương" như thời Ki-tô giáo sơ khai không ? Ngày nay, lễ "bẻ bánh" có còn là một dấu chỉ của một sự chia sẻ có
thực trong đời sống giữa những người đến tham dự không, hay nó đã
trở thành một nghi thức thuần túy, cho dù đầy ý nghĩa nhưng không có
gì là thực tế cho lắm ?
Mỗi Ki-tô hữu - nhất là
những người có trách nhiệm hướng dẫn, lãnh đạo tôn giáo - cần tự
vấn: Thiên Chúa hay Ðức Giê-su có hài lòng với tình trạng Ki-tô
giáo hiện nay không ? Còn những người lãnh đạo tôn giáo cần tự vấn
thêm: Tôi có giống như những vị lãnh đạo Do-thái giáo xưa, chẳng
những không thèm nghe mà còn sẵn sàng bạc đãi hoặc bách hại những
tiếng nói ngôn sứ vào thời đại của mình không ? Hay ít ra khi họ bị
bách hại vì đã chu toàn chức năng ngôn sứ của họ, tôi đã im lặng,
làm ngơ, để mặc họ bị bách hại như thể tôi cũng đồng ý với sự
bách hại ấy ?
Không khéo Ki-tô giáo của
chúng ta chẳng hơn gì Do-thái giáo, khiến Thiên Chúa cũng sẽ phải
đối xử với chúng ta như đã đối xử với dân Do-thái: "Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi
không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh
hoa lợi" !
Lạy
Cha, Ki-tô giáo hiện nay thế nào, chính con - cũng như bất kỳ Ki-tô
hữu nào - đều có phần nào trách nhiệm. Xin cho con biết sống đạo
Chúa Ki-tô đúng với với tinh thần yêu thương của Ngài. Xin cho con rút
ra được bài học lịch sử của dân Do-thái để tránh được vết xe đã
đổ.
Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT
TIN MỪNG: Lễ Ðức Mẹ Mai Khôi Lc 1, 26 - 38
TRUYỀN TIN CHO ÐỨC
MA-RI-A
Bà Ê-li-sa-bét có thai được
6 tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền
Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một
người tên là Giu-se, thuộc nhà Ða-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà Trinh nữ và
nói: "Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn sủng, Ðức Chúa ở cùng
bà" Nghe lời ấy, bà rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có
nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà
đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con
trai và đặt tên là Giê-su. Người sẽ
nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho
Người ngai vàng vua Ða-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp
đến muôn đời,
và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ
xẩy ra cách nào, vì tôi không biết việc vợ chồng !" Sứ thần
đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối
Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Ðấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh,
sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kià bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng
với bà, tuy gìa rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy
vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu thánh. Vì
đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng,
tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ
thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
SUY NIỆM:
1. Vai trò của
Ðức Ma-ri-a trong chương trình Nhập Thể và Cứu Ðộ của Thiên Chúa:
Bài Tin Mừng về Truyền Tin
trong Phúc Âm Lu-ca cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của Ðức Ma-ri-a
trong Chương trình Nhập thể và Cứu độ của Thiên Chúa. Như bao thiếu
nữ Do-thái khác khi sắp đến tuổi lấy chồng, Ma-ri-a cũng đã có
chương trình riêng của mình. Người thanh niên mà nàng yêu thương và
tính lấy làm chồng là Giu-se, thuộc chi tộc Ða-vít. Nhưng sau khi thiên
sứ trình bày về kế hoạch của Thiên Chúa và được giải đáp thắc mắc
một cách thỏa đáng, thì Ma-ri-a đã mau mắn chấp thuận lời đề nghị
của Thiên Chúa và phó thác cuộc đời mình cho Ngài: "Vâng, tôi
đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần
nói."
Bài đọc 1 của Sách Tông Ðồ
Công Vụ cho chúng ta thấy vị trí của Ðức Ma-ri-a giữa các Tông Ðồ,
tức giữa lòng Giáo hội sơ khai. Các vị chờ đợi Thánh Thần trong thanh
vắng và cầu nguyện.
Bài đọc 2 của Thư Gá lát
của Thánh Phaolô nói về việc Con Thiên Chúa sinh ra từ một phụ nữ
theo đúng chương trình của Thiên Chúa để cứu chuộc mọi người và làm
cho mọi người trở thành con Thiên Chúa, có quyền gọi Thiên Chúa là
Cha ( Abba ).
2. Ðức Ma-ri-a
và việc lần hạt Mai Khôi
150 Thánh Vịnh đã được thay
thế bằng 150 kinh Kính Mừng: Miệng đọc lòng suy 15 Mầu Nhiệm Mai Khôi:
Năm Sự Vui, Năm Sự Thương và Năm Sự Mừng. Ðó chính là bản tóm tắt
cuộc đời của Chúa Giê-su Ki-tô và cũng là của Ðức Ma-ri-a, vì hơn ai
hết, Ðức Mẹ đã cùng với Con bước các chặng đường Vui - Thương - Mừng
ấy với tinh thần của lời "XIN VÂNG = FIAT !" mà Mẹ đã tuyên
xưng trước khi Ngôi Lời Thiên Chúa đầu thai làm người trong cung lòng
Mẹ.
Khi chúng ta đọc sự tích về
các cuộc Ðức Mẹ hiện ra, dù ở Lộ Ðức hay ở Fa-ti-ma, dù ở
Gua-đa-lu-pe hay ở Mễ-du, hay ở La Vang... chúng ta đều thấy Ðức Mẹ
nhắn nhủ người tín hữu hãy canh tân đời sống và siêng năng lần hạt
Mai Khôi để làm đẹp lòng Thiên Chúa: "Ta là Ðức Mẹ Mai Khôi,
ta đã đến để cảnh báo các tín hữu canh tân đời sống và xin ơn tha
thứ tội lỗi của họ. Họ không được xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, vì
Ngài đã quá phiền muộn vì tội nhân loại. Loài người hãy lần chuỗi
Mai Khôi. Họ hãy tiếp tục lần chuỗi hàng ngày." ( Thông Ðiệp
Ðức Mẹ gởi cho chị Lu-xi-a 13.10.1917 ).
Thánh
Ða-minh là người cố công rất lớn trong việc quảng bá việc đọc kinh
Mai Khôi trong Giáo hội, để cầu xin Chúa bảo vệ Giáo Hội trước sự
tấn công của kẻ thù.
Thánh
Pi-ô Năm Dấu Thánh chia sẻ: "Vũ khí của tôi là tràng hạt Mai
Khôi. Ðức Mẹ không từ chối tôi điều gì khi tôi xin với Mẹ qua chuỗi
Mai Khôi. Muốn làm Ðức Mẹ vui lòng và muốn được Ðức Mẹ thương yêu
hãy lần chuỗi Mai Khôi".
Còn cha Stefano Gobbi viết: "Chuỗi Mai Khôi mang lại hòa bình cho
bạn. Với lời Kinh Mai Khôi, bạn sẽ có thể nhận được từ Thiên Chúa
hồng ân vĩ đại nhất là canh tân đời sống, thu phục các linh hồn về
với Chúa trong sự ăn năn tội, tình yêu và thánh ân." Và
"Chuỗi Mai Khôi là lời kinh của tôi. Những lời kinh này dù
khiêm nhường và mong manh cũng sẽ nên như xích sắt để khóa lại quyền
lực tối tăm của thế giới, kẻ thù của thế giới và của các tín
hữu".
3. Hãy học cùng
Ðức Mẹ trên con đường theo Chúa Giê-su Ki-tô
Chỉ có một mình Thiên Chúa
mới có thể cứu độ nhân loại. Chân lý ấy không bao giờ chúng ta
được lãng quên! Ðức Mẹ, dù là Mẹ Thiên Chúa cũng chỉ là tạo vật.
Nhưng Mẹ là tạo vật hoàn hảo nhất của công trình Tạo Dựng của
Thiên Chúa và Mẹ là môn đệ "gương mẫu" nhất của Ðức Giê-su. Tuy
thế, Mẹ cũng đã phải vất vả, khổ đau trên con đường theo Ðức
Giê-su. Vì thế mà Mẹ có đủ khả năng, kinh nghiệm hướng dẫn, chỉ bảo
chúng ta nếu chúng ta muốn bước theo Mẹ trên con đường theo Chúa!
Chúng ta hãy chạy đến với Mẹ để học cùng Mẹ !
Hơn nữa Thiên Chúa đã có ý
đặt Ðức Mẹ bên cạnh Chúa Giê-su và giữa Chúa Giê-su và chúng ta.
Nếu nhờ có Chúa Giê-su mà Thiên Chúa trở nên gần gũi với con
người hơn, thì cũng nhờ có Ðức Mẹ mà chúng ta mạnh dạn và tin tưởng
hơn khi dâng lời khẩn nguyện và tạ ơn lên Thiên Chúa.
Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng
con cảm tạ Cha đã ban Con Một Cha cho chúng con. Chúng con cũng cảm tạ
Cha vì Cha đã chọn cho Con Một Cha một người Mẹ tuyệt vời là Ðức
Ma-ri-a. Cha đã đổ tràn ân sủng của Cha trên người Nữ Tỳ đặc biệt
này. Chúng con xin ngợi khen và chúc tụng Tình Thương và Quyền Năng
của Cha !
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa
đã sinh ra từ một người mẹ, đã lớn lên và trưởng thành bên cạnh
Ðức Ma-ri-a và Thánh Giu-se, đã lên đường rao giảng Nước Trời với sự
cộng tác của Mẹ, đã trao Mẹ cho thánh Gio-an trước giờ tắt thở.
Chúng con cảm tạ và ngợi khen Chúa.
Lạy Chúa Thánh Thần là Ðấng
đã xuống tràn đầy trên các Tông Ðồ và Ðức Ma-ri-a, để khai sinh Hội
Thánh là Cộng đoàn của Chúa Ki-tô Phục Sinh. Xin Chúa xuống trên
tất cả chúng con, để chúng con nhận được ánh sáng, bình an và sức
mạnh cần thiết cho cuộc lữ hành của chúng con.
SUY NIỆM
2:
ÐỨC MA-RI-A,
BÔNG HOA HƯỜNG MẦU NHIỆM
Nói đến Lễ Mai Khôi là
nói đến hoa. Những bông hoa muôn màu muôn sắc dâng trước toà Mẹ.
Những bông hoa kinh nguyện sốt sắng kết dệt nên những lời ca tụng
Mẹ. Những bông hoa hi sinh, bác ái muốn toả hương dưới chân Mẹ.
Những bông hoa nói lên lòng yêu mến của con cái đối với Mẹ hiền.
Những bông hoa cũng cố gắng diễn tả phần nào nét đẹp của Mẹ. Thật
vậy, giữa ngàn hoa, Ðức Ma-ri-a nổi bật như bông hoa cao quí xinh đẹp
nhất. Ðẹp đến độ "đẹp lòng Thiên
Chúa". Trình thuật Truyền tin cho ta thoáng thấy vài nét đẹp của
Người.
Người có nét
đẹp đơn sơ.
Ðơn sơ trong khung cảnh làng
quê Na-da-rét. Ðơn sơ trong nếp sống thôn nữ đạm bạc. Nhất là đơn sơn
trong tâm hồn giản dị. Sự đơn sơ trong tâm hồn được bộc lộ qua những
suy nghĩ trong sáng, những phát biểu thật thà, thẳng thắn trình bày
với thiên sứ hoàn cảnh cụ thể của bản thân. Ðơn sơ trong vâng phục.
Khi đã hiểu rõ ý định của Thiên Chúa chỉ đơn sơ thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin
vâng như lời thiên thần truyền". Tâm hồn đơn sơ của Người chiếu
toả như viên ngọc trong suốt không một tì ố.
Người có nét
đẹp khiêm nhường.
Khiêm nhường trong nếp
sống ẩn dật nơi làng quê nhỏ bé. Khiêm nhường trong nhận thức về
bản thân. Thật vậy, khi nghe thiên thần chúc tụng Người "Ðầy Ơn
Phúc", Ðức Ma-ri-a thật sự ngạc nhiên. Bản thân Người không dám
nhận danh hiệu cao đẹp ấy. Khiêm nhường trong tâm hồn biểu lộ trong
lời nói. Khi đã chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, Ðức Ma-ri-a
vẫn khiêm tốn xưng mình là "Nữ tỳ của Thiên Chúa". Thật khiêm
nhường. Chính sự khiêm nhường càng tô thêm vẻ đẹp tuyệt vời nơi
Người.
Người có nét đẹp từ bỏ.
Từ bỏ là vượt lên
trên. Từ bỏ khiến con người trở nên cao đẹp, thanh thoát. Từ bỏ của
cải đã khó. Từ bỏ bản thân khó hơn. Từ bỏ ý riêng mới thật cam go
khốc liệt. Ðức Ma-ri-a đã có chương trình riêng: sống đời trinh nữ.
Ðó là một chương trình đẹp. Nhưng khi biết chương trình của Thiên Chúa,
Người đã sẵn sàng từ bỏ chương trình riêng. Nhờ từ bỏ chương trình
riêng mà chương trình của Chúa được thực hiện. Nhờ từ bỏ bản thân
mà Người đón nhận được chính Thiên Chúa.
Thiên Chúa rất lớn lao,
chẳng trời đất nào dung chứa cho đủ. Bao lâu cái tôi còn cồng kềnh,
bấy lâu tâm hồn chưa thể đón nhận được Thiên Chúa. Chỉ khi từ bỏ
mình đến tận cùng, đến không còn một chút gì riêng tư dành cho bản
thân, tâm hồn mới có thể đón nhận được Thiên Chúa. Khi trút bỏ
chính mình, Ðức Ma-ri-a được đầy tràn Thiên Chúa. Không còn thuộc về
mình, Người trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa. Người là chiếc bình rỗng
không nên Người đón nhận được "đầy ơn phúc" của Chúa.
Người diễn tả nét
đẹp của Thiên Chúa.
Lời "Xin vâng" Ðức
Ma-ri-a thốt lên nơi làng quê Na-da-ét vang vọng lời xin vâng của
Ngôi Hai nhập thể làm người. Sự khiêm nhường của Người diễn tả sự
khiêm nhường của Thiên Chúa xuống thế làm người. Sự từ bỏ của
Người phần nào phản ánh sự từ bỏ của Ðức Giê su Ki-tô "vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không
nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị
ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc
lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân" ( Pl 2, 6 - 7 ).
Ðức Ma-ri-a là bông hoa
phần nào diễn tả được nét đẹp của Thiên Chúa vì Người là tác phẩm
của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần "rợp bóng trên Mẹ" nên Mẹ
sống dưới sự che chở của Thánh Thần, theo ơn hướng dẫn của Thánh
Thần và sống trong tình yêu của Thánh Thần.
Lạy Nữ Vương
Rất Thánh Mai Khôi xin cầu cho chúng con biết noi gương Mẹ.
Gm. NGÔ QUANG
KIỆT, Lạng Sơn
TÀI LIỆU:
NGUỒN GỐC LỄ ÐỨC MẸ MAI KHÔI NGÀY 7
THÁNG 10
Nguồn gốc
lịch sử của Lễ Ðức Mẹ Mai Khôi có từ thế kỷ thứ 16. Năm 1570, quân
Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các nước Công Giáo Phương Tây, đóng quân
tại eo biển Lépante ( nay là Naupacte, thuộc nước Hy-lạp. Ðức Giáo
Hoàng Pi-ô 5 cho triệu tập quân đội hoàng gia Tây Ban Nha phối hợp
với quân đội Ý do đại tướng Don Juan d’Autriche chỉ huy. Mỗi binh sĩ được trao cho một xâu chuỗi
để đọc kinh cầu nguyện với Ðức Mẹ trước khi ra trận.
Rạng sáng ngày 7 tháng 10
năm 1571, nơi hậu phương, các tín
hữu già trẻ lớn bé đều cùng đọc kinh Mai Khôi hiệp thông với quân
đội ở tiền tuyến. Trận chiến mở màn, quân Thổ Nhĩ Kỳ đông gấp 4 lần, lúc đầu
tỏ ra thắng thế. Rồi đến lúc cục diện bắt đầu nguy ngập, đạo binh
Thánh Giá quyết định cho đổ các chất liệu gây cháy tràn ra trên
khắp mặt biển. Chợt có gió lớn nổi lên tạt lửa về hướng quân Thổ
làm vỡ thế trận, các chiến thuyền bị bắt lửa bốc cháy, thua chạy
tan tác.
Sau khi đón
đoàn quân Thánh Giá khải hoàn, Ðức Giáo Hoàng Pi-ô 5 đã dâng Thánh
lễ Tạ Ơn và quyết định chọn ngày
7 tháng 10 hằng năm để kính trọng thể Lễ Ðức Mẹ Chiến Thắng. Mãi đến
năm 1913, Ðức Giáo Hoàng P-ô 10 đổi
tên gọi là
Lễ Ðức Mẹ Mai Khôi.
TÌM HIỂU Ý NGHĨA
CỦA TÊN GỌI "MAI KHÔI"
Mai
Khôi, hay còn được nhiều nơi gọi là Mân Côi, Mai Côi, Môi Khôi, Văn
Côi... đều xuất xứ từ tiếng La-tinh là Rosarium có từ thời Trung Cổ, tiếng Ý là Rosario, tiếng
Pháp là Rosaire, tiếng Anh là Rosary, có 3 nghĩa như sau:
q
một tràng, một chuỗi, một xâu Hoa Hồng ( Rosa,
Rose = Hoa Hồng );
q
một xâu chuỗi hạt trai, hạt đá quý để đeo
quanh cổ người phụ nữ;
q
một vườn Hoa Hồng.
Ngày xưa, tràng chuỗi Hoa
Hồng là một hình thức của lễ dâng lên các vị thần linh, hay một
vòng hoa quàng vào thân mình người được thiên hạ ngưỡng mộ tôn vinh.
Sang đến Việt Nam, chuỗi
Rosarium được người miền Bắc gọi là "Chuỗi Mân Côi", hoặc "Chuỗi
Văn Côi"; riêng người miền Nam và miền Trung lại gọi là "Chuỗi Môi
Khôi". Ngoài mấy cách gọi thông thường của từng địa phương nêu trên,
các cha Dòng Ða-minh còn có cách gọi là "Chuỗi Mai Khôi". Cách gọi này hiện nay được khá nhiều
người dùng, nhất là các tu sĩ và giới trẻ, đặt thành nhiều bài hát
hay viết các bài suy niệm. Vậy, phải dùng
cách gọi nào cho thật đúng trên bình diện ngôn ngữ học và việc đạo
đức thiêng liêng của người Công Giáo chúng ta ? Học giả Ðào Duy Anh
dịch chữ Rosaire của tiếng Pháp trong ba từ gọn lỏn là: "Tràng hạt
dài". Từ Ðiển Pháp-Việt của nhà xuất bản Thanh Hóa in năm 1994 dịch
ra hai nghĩa là:
1.
Chuỗi hạt lớn có khoảng 150 hạt, tràng hạt.
2.
Kinh lần tràng hạt.
Tổng hợp các từ điển Việt Nam, Hán-Việt và Trung
Hoa, chúng ta không tìm được từ ngữ nào là "Mân Côi". Vậy từ đâu
mà có tên gọi này, cũng như đã có những cách đọc trại ra, na ná
giống nhau ?
Thật ra, "Mân" là tên một thứ đá rất đẹp, bên ngoài có vân như ngọc nhưng lại không có giá trị
bằng ngọc. Có nơi lại gọi loại đá này là "Văn" có nghĩa là có vân, một thứ đá có vân đẹp. Còn "Môi" hay đọc đúng chính âm là "Mai" lại là tên một thứ ngọc quý màu đỏ. "Côi", hay còn đọc là "Khôi"
chính là tên một thứ đá kém giá trị hơn ngọc ( danh từ ).
Ngoài ra, còn một nghĩa khác nữa là hiếm, quý, lạ ( tính từ ).
Nếu
ghép thành "Mai Côi", chúng ta còn có thêm ý nghĩa là: một loài hoa rất thơm, sắc đỏ hoặc trắng, nhánh có gai,
ngày nay người ta dùng hoa này chưng cất lấy hơi tẩm ướp vào rượu để
sản xuất ra một thứ rượu quý nổi tiếng của Trung Hoa, gọi là "Mai
Côi Lộ Tửu", thường được gọi trại ra là "Mai Quế Lộ". Riêng ông
Nguyễn Văn Khôn và ông Ðào Duy Anh đều viết đúng chữ "Mai Khôi Hoa" và giải thích đúng là
Hoa Hồng.
Vậy,
chúng ta có thể khẳng định các cách gọi "Mai Côi", "Mai Khôi" hay "Môi
Khôi" đều là những âm Hán tự có nghĩa đích xác là Hoa
Hồng, trong khi cách gọi "Mân Côi" lại không bao giờ có nghĩa là
Hoa Hồng, mà chỉ là nói đến một thứ đá ! Trong việc đạo đức sùng
kính Ðức Ma-ri-a, mỗi lời nguyện,
mỗi lời kinh là một của lễ xứng đáng, là một đóa Hồng xinh tươi,
là một chuỗi Hoa Hồng, là cả một vườn Hồng tuyệt vời mà chúng ta
kính cẩn dâng lên Mẹ. Quả là chúng ta không thể dùng từ
"Mân" với nghĩa không được cao quý trong "Mân Côi" để tìm lấy một
mùi hương ngát thơm lâng lâng bay lên tòa Thiên Chúa được.
Người
quân tử quý ngọc, nhưng lại coi thường đá Mân. Thế tại sao chúng ta
lại giữ lấy đá Mân thiếu giá trị làm một của lễ cho Mẹ Thiên Chúa
? Chúng tôi chủ trương dùng "Mai
Khôi", hay "Mai Côi", thậm
chí "Môi Khôi" là để thay thế
cho từ ngữ "Mân Côi" mà có thể vì chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa, chúng
ta đã vô tình quen dùng một cách không xứng đáng với Mẹ Ma-ri-a. Rất
mong được các bậc học giả uyên thâm đóng góp thêm nhiều ý kiến
chính đáng hầu trang hoàng cho tòa Hoa Thơm của Mẹ.
Dạo
tháng 5.1990, Ðức Gio-an Phao-lô II đã tôn phong chân phước cho một
người thổ dân Mê-hi-cô tên là Juan Diego, người được Ðức mẹ hiện ra
tại Guadalupe...
Juan
Diego là một người thổ dân nghèo sống với người cậu tại làng
Telpetlao thuộc ngoại ô thủ đô Nước Mê-hi-cô vào khoảng thế kỷ 16.
Một buổi sáng thứ bảy nọ, trên đường đi đến Thánh Ðường để dự
Thánh Lễ, Juan Diego bỗng nghe có tiếng hát du dương từ trên một ngọn
đồi. Anh tiến lại gần và thấy một thiếu nữ xinh đẹp tự xưng là
Trinh Nữ Ma-ri-a. Ðức Mẹ nói với người thổ dân nghèo như sau: "Ta
muốn có một đền thờ được dựng lên tại đây để Ta dùng tình thương,
niềm cảm thông, sự giúp đỡ và bảo vệ của Ta mà bày tỏ Thiên Chúa
cho loài người. Con hãy đi gặp vị Giám Mục Mê-hi-cô và nói với ngài
rằng Ta sai con đến gặp ngài để bày tỏ ý muốn của Ta. Con hãy tin
tưởng rằng Ta sẽ biết ơn con và ân thưởng cho con. Ta sẽ làm cho con
được giàu có và tôn vinh con".
Juan
đến gặp vị Giám Mục, nhưng anh ta buồn bã trở về làng, vì Giám Mục
không tin lời của anh. Ðức Mẹ lại hiện ra cho anh một lần nữa và
cũng sai anh mang một sứ điệp như thế đến cho vị Giám Mục. Nhưng lần
thứ hai, dù cho anh có van nài khóc lóc, vị Giám Mục vẫn một mực
không tin. Vị Giám Mục nói với người thổ dân nghèo rằng: "Nếu
Ðức Mẹ thực sự muốn điều đó thì xin Ngài hãy bày tỏ một dấu
lạ". Và ngài bí mật cho người theo dõi. Lần thứ ba, Ðức Mẹ
lại hiện ra cho Juan Diego, nhưng Ngài bảo anh: "Hãy trở lại
vào ngày mai và Ngài sẽ cho vị Giám Mục một dấu lạ".
Ngày
hôm sau, Juan Diego không thể đến điểm hẹn với Ðức Mẹ được vì anh
còn phải đi tìm thầy thuốc cho người cậu đang mắc bệnh. Nhưng khi đi
qua ngọn đồi, Juan vẫn được Ðức Mẹ hiện ra. Ngài bảo đảm với anh
rằng người cậu của anh sẽ được lành bệnh và thay vì để Juan tiếp
tục lên đường đi Mê-hi-cô để tìm thầy thuốc, Ðức Mẹ đã sai anh đến
nơi Ngài hiện ra cho anh lần đầu tiên. Tại đây, Ngài sẽ cho anh những
cánh hoa thật đẹp và dấu lạ để mang đến cho vị Giám Mục... Lúc bấy
giờ đang là mùa đông và ngọn đồi nơi Juan được Ðức Mẹ hiện ra
thường chỉ có những cây cỏ của sa mạc như các loại gai và xương
rồng. Thế nhưng, hôm đó, hoa bỗng nở rộ trong sa mạc. Juan hái lấy
dâng cho Ðức Mẹ, Ðức Mẹ sờ đến những cánh hoa và bảo anh lấy chiếc
áo choàng để đựng hoa mang đến cho vị Giám Mục...
Khi
Juan vừa mở chiếc áo choàng ra để lấy hoa cho vị Giám Mục xem thì lạ
lùng thay, hình ảnh Ðức Mẹ đã được in trên chiếc áo của anh... Tin ở
lời Ðức Mẹ, vị Giám Mục đã tức tốc lên đường đến làng Ðức Mẹ đã
hiện ra cho anh Juan. Ngài nhận thấy người cậu của anh đã được lành
bệnh. Các cuộc lành bệnh lạ lùng đã diễn ra từ đó... Một đền
thánh dâng kính Ðức Mẹ đã được xây cất để rồi cuối cùng trở thành
Vương Cung Thánh Ðường Guadalupe như chúng ta vẫn quen gọi...
Trong
Thánh Lễ tôn phong Chân Phước cho Juan Diego tại đền thánh Guadalupe
ngay buổi chiều chủ nhật khi vừa đến Mê-hi-cô, Ðức Gio-an Phao-lô II
đã kêu gọi người dân Mê-hi-cô hâm nóng lại tinh thần truyền giáo.
Truyền giáo theo đúng nghĩa là được sai đi để mang sứ điệp đến cho
người khác. Cũng giống như tất cả những ai được diễm phúc gặp Ðức
Mẹ, Chân Phước Juan Diego đã được sai đi... Phải vất vả nhiều lần và
dĩ nhiên, với sự giúp đỡ của Ðức mẹ, Juan Diego mới có thể thuyết
phục được vị Giám Mục...
Sách LẼ SỐNG Ðài Chân Lý Á Châu
CHIA SẺ:
"SỠI DÂY AN
TOÀN" GIỮ TRẺ EM KHÔNG BỊ CHẾT ÐUỐI TRONG MÙA BÃO LỤT
Ở nơi thành phố với những tiện
nghi "quen quá hóa xoàng", thỉnh thoảng gặp phải cơn mưa bất chợt, và
những quãng đường lầy lội nhơ nhớp, thì đã thấy là cực lắm, than
trời, trách đất... Nhưng khi nghĩ đến những người dân, đến những em
bé thơ đã và đang phải cơ cực, thắc thỏm lo âu, vật lộn sống cùng
lụt bão, ở khắp các nẻo miền đất nước, ( vì diện tích nước ta đa số
là vùng sông nước ). Ðược nghe nhìn những hình ảnh trên tivi, trên
báo, đài mà lòng đau quặn thắt, mà xót xa nhất là danh sách những
cái chết vì "thủy nạn" oan uổng, thương tâm của trẻ em vùng lũ lụt
cứ ngày một dài thêm ra hằng năm... Cũng rất may là với truyền
thống "lá lành đùm lá rách" của nhân dân cả nước, và kiều bào
nước ngoài, nhất là được sự quan tâm tận tình của chính phủ, nên đã
có những biện pháp tích cực cứu trợ, khắc phục... Giúp cho bà con vùng
lũ lụt vơi bớt đi phần nào khó khăn, như việc chuyển dân lên ở
vùng an toàn, mở những nhà giữ trẻ mùa lụt bão, các quỹ cứu trợ:
"một miếng khi đói bằng một gói khi no" v.v...
Với tôi, một người bị tàn tật nặng, đẩy được chiếc xe
lăn để đi lại đã là khó khăn... nhưng cũng rất muốn được góp phần
chia sẻ cùng đồng bào, ngoài việc đóng góp vào quĩ cứu trợ của địa
phương, cũng như các quĩ từ thiện khác. Hôm nay một lần nữa, tôi xin
mạo muội gửi đến quí vị hữu trách bài viết của tôi về một "Mẹo
nhỏ rất dễ thực hiện, nhưng sẽ góp phần không nhỏ trong việc giúp
bà con gìn giữ trẻ em (có khi cả người lớn) trong mùa bão lụt, hoặc
những người phải sinh sống thường xuyên ở nơi sông nước, nếu luôn
lưu ý sử dụng thì chắc chắn sẽ giảm được rất nhiều các tai nạn bị
chết đuối".
Cũng xin thưa là mặc dù bài viết này trong mùa bão lụt
năm ngoái 2001, đã được một số báo, đài đưa tin. Tuy nhiên vì đại đa
số dân ta, nhất là những người dân sống trong vùng bão lụt, lại
càng ít có cơ hội được đọc báo xem đài, nên theo tôi có lẽ là còn
nhiều người chưa có dịp nghe biết mà áp dụng. Vậy với tấm lòng và
trách nhiệm, xin quí vị với phương tiện sẵn có của mình, hãy giúp
chuyển cho giới truyền thông đại chúng, cùng biết và giới thiệu mẹo
nhỏ: "Sợi dây an toàn" này đến với mọi người dân, cần nhất
là trong mùa bão lụt này, âu đây cũng là việc làm hữu ích và phúc
đức lắm vậy. Nội dung bài viết như sau:
Ðến hẹn lại lên, hằng năm lũ lụt đã gây không biết bao
nhiêu thiệt hại về sinh mạng cũng như tài sản cho người dân. Như tại
hội nghị tổng kết thiệt hại của hai mùa lũ vừa qua ở đồng bằng
sông Cửu Long, do Hội Chữ Thập Ðỏ Việt Nam tổ chức, cho thấy con số
thiệt hại về nhân mạng thật đáng quan tâm, với trên 600 người chết,
mà trong đó hơn 80% là những cái chết thật oan uổng và thương tâm
của trẻ em, nhất là lứa tuổi nhi đồng, lứa tuổi mà rất cần sự để
ý trông nom thường xuyên của người lớn. Vì còn mải lo cho việc kê
dọn đồ đạc tránh bão lũ, thường là rất bề bộn tất bật, một số
người đã để các cháu ngồi trên giường, trên võng, trên sàn nhà,
chỗ cao một mình, hoặc cùng với anh chị cũng chẳng lớn hơn các cháu
bao nhiêu bắt phải trông coi, trong khi người lớn thì vừa làm vừa dòm
chừng. Mà chỉ cần sơ ý sao nhãng một chút thôi, là tai nạn đáng
tiếc sẽ xảy ra ngay, vì các cháu còn quá bé chưa biết gì lại hiếu
động, nhoai người rơi tõm xuống nước, và thường là khi mò tìm được
thì đã quá trễ !
Bài viết này chỉ muốn nêu ra một mẹo nhỏ rất dễ thực hiện, nhưng sẽ góp phần không nhỏ
trong việc giúp bà con gìn giữ trẻ em ( có khi cả người lớn ) trong
mùa bão lụt, hoặc những người thường phải sinh sống ở nơi sông nước
( đời sống trên ghe, tàu ), nếu luôn lưu ý xử dụng đúng thì chắc
chắn sẽ giảm được rất nhiều các tai nạn bị chết đuối.
Dùng một sợi dây, ( dây gì cũng được miễn
là chắc chắn, như dây thắt lưng, dây cột gầu múc nước, dây dù cột
mùng v.v... ) một đầu cột quanh eo lưng cháu bé, hoặc cột ngay cổ
chân của cháu cũng được ( có thể dùng một cái
khăn tắm, như khăn rằn chẳng hạn, hoặc một tấm vải, hoặc dùng cái
áo cái quần người lớn cũng được, để quấn quanh hoặc cột vào eo lưng
cháu bé cho khỏi đau ) rồi cột một đầu sợi dây vào "cái đai"
ấy, còn đầu kia của sợi dây thì tìm chỗ chắc chắn cột cố định vào,
căn chừng chiều dài sao cho cháu bé nhoai bò "thoải mái trong
phạm vi cho phép" của sợi dây an toàn, sẽ giữ không cho cháu bé
té ngã xuống nước, để người lớn yên tâm mà làm việc.
Cũng với sợi "dây
an toàn" này, mỗi người lớn khi có việc phải đi tàu ghe, nên
dùng cho mình để cột vào thành ghe tàu, vì nếu bất ngờ có tai nạn
chìm lật tàu xảy ra thì còn có chỗ mà bám vào tìm chỗ tựa. Như trong
mùa bão lụt mỗi năm đã có không ít trường hợp bị chết đuối khi đi
thả câu, giăng lưới, bất ngờ gặp gió to sóng lớn lật úp ghe xuồng,
trở tay không kịp khi giữa sông nước mênh mông. ( Lưu ý: khi buộc dây
"dây an toàn" phải cẩn thận buộc làm sao cho dễ gỡ thoát ra khi cần
thiết ).
Nhân đây tôi cũng xin đề xuất một "ý tưởng kinh doanh"
cho các nhà doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, và xin rất sẵn sàng tư
vấn để cho xuất xưởng các model: "Dây nịt an toàn" (
có chỗ móc cột sợi dây ) các kiểu "thuận lợi, an toàn, dễ cột, dễ
gỡ" bán sẵn phục vụ đồng bào vùng lụt bão, và người dân sống
nghề sông nước quanh năm! Sản phẩm rất dễ thiết kế và sản xuất,
vốn đầu tư ít, thị trường lại rộng và hỗ trợ... Vừa làm kinh tế,
lại vừa có tính làm việc nhân đạo phục vụ xã hội một cách thiết
thực.
Ðồng
Nai mùa mưa bão, ngày 8.9.2002, TBP. LÊ ÐỨC HIỀN
THÔNG TIN:
CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN
MỚI CHIA SẺ
- Ông bà Bích - Vân ( Hà Nội ) giúp người lâm cảnh
ngặt nghèo ......................................................................... 500.000 VND
- Bà Lê Thị Sinh ( Ðan Mạch ) giúp học bổng cho các
em nghèo ..................................................................... 5.000.000 VND
- Bạn Khánh Hoàng ( Hoa Kỳ ) giúp người nghèo .................................................................................................... 760.000 VND
- Cha Trịnh Tuấn Hoàng và Hội Help The Poor ( Hoa Kỳ )
giúp học bổng cho các em nghèo ........................... 1.500 USD
- Bác sĩ Vũ Bích Ðào ( Pháp ) giúp các cụ già neo
đơn ở Giáo Phận Bắc Ninh .............................................. 1.500.000 VND
- Một độc giả muốn ẩn danh ( Sài-gòn ) tiếp tục
giúp em Hoài Phương bị khuyết tật .................................... 200.000 VND
VỀ 2 EM HỌC SINH
NGHÈO
Thầy Nguyễn Xuân
Ðường, DCCT, giới thiệu 2 trường hợp sau đây cần trợ giúp đặc
biệt:
01. Mô-ni-ca SIU H'YIK, sinh 26.9.1985,
người dân tộc J'rai, học lớp 12 A7 trường THPT Chư Sê, Gia Lai. Gia đình
8 anh chị em, hiện ngụ tại làng Plei Jrêek, xã Nhân Hòa, huyện Chư
Sê, tỉnh Gia Lai. Cha là giáo viên tiểu học, hiện đang đau nặng, bản
thân em cũng phải đi làm thuê ngoài giờ học, đã có lúc tưởng phải
bỏ học nửa chừng. Gospelnet xin chuyển đến em học bổng trọn năm
là 500.000 VND của một nhóm các giáo sư Ðại Học tại
Sài-gòn thông qua giáo sư Trần Thị Nhan ( chỉ dành cho các em học sinh
cấp 3 ). Xin thay mặt gia đình em Siu H’Yik ngỏ lời biết ơn đến quý
ân nhân ẩn danh.
02. Phê-rô NGUYỄN VÕ HIỀN DUY,
học lớp 6 trường PTCS Hưng Phú, Cần Thơ. Gia đình gặp phải hoàn
cảnh quá đặc biệt: cha đi cải tạo, mẹ bán hàng rong ở Cà Mau, thu
nhập rất thấp, thường xuyên thiếu đói, không nuôi được 3 người con,
bản thân em Hiền Duy được gửi về ở với người dì tại số 37, tổ 32,
khu vực 3, phường Hưng Phú ( Xóm Chài ), tỉnh Cần Thơ. Gospelnet xin trợ
giúp cho em mỗi tháng 50.000 VND kể từ tháng 9 đến hết tháng 12.2002,
tổng cộng: 200.000 VND.
VỀ 2 ANH EM HỌC
SINH NGHÈO Ở BÌNH THUẬN
Sr. Trần Thị Mỹ
Thu, Dòng Ða-minh, giới thiệu trường hợp 2 anh em học sinh nghèo con của
bà NGUYỄN THỊ SEN, 46 tuổi, góa chồng, có tất cả 7 người con,
làm nghề nông, thu nhập rất thấp, thường xuyên thiếu ăn, trong gia
đình đã có 2 con phải nghỉ học ngang, con út đang học mẫu giáo, ngụ
tại Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
01. NGUYỄN NGỌC HOÀNG, 11
tuổi, học lớp 4 B trường Tiểu Học Hàm Mỹ 3
02. NGUYỄN
NGỌC PHƯỚC, 8 tuổi, học lớp 3 trường Tiểu Học Hàm Mỹ 3.
Gospelnet xin trợ giúp 2 cháu bé
mỗi tháng 50.000 VND, bắt đầu từ tháng 9 đến hết tháng 12.2002. Tổng
cộng: 2 cháu x 50.000 VND x 4 tháng = 400.000 VND.
VỀ MỘT GIA ÐÌNH
KHIẾM THỊ Ở SÀI-GÒN
Cha Lê Quang Uy,
DCCT, giới thiệu trường hợp gia đình anh LÊ TẤN DƯƠNG, sinh
1983, bị khiếm thị, làm nghề bán vé số, và chị NGUYỄN THỊ THANH
THẢO, sinh 1980, cũng bị khiếm thị, ngụ tại số 361 / 29 Lê Quang
Ðịnh, phường 5, quận Bình Thạnh, có đứa con nhỏ tên là LÊ TẤN
LỘC, sinh ngày 17.5.2000, đang học tại trường Mầm Non 11 A phường
11, quận Bình Thạnh. Mới đây chị Thảo bị tai nạn gãy chân phải bó
bột. Gospelnet xin trợ giúp cho chị Thảo số tiền 300.000 VND để trả
tiền bệnh viện và tiếp tục thuốc thang chữa trị, đồng thời giúp
thêm số tiền 200.000 VND để cháu bé không phải nghỉ học. Tổng cộng: 500.000
VND.
VỀ CÁC CỤ GIÀ NGHÈO
VÀ NEO ÐƠN Ở THỊ XÃ BẮC NINH
Trong dịp viếng
thăm Giáo Phận Bắc Ninh đầu tháng 8 vừa qua, chúng tôi nhận được
lời mời gọi của Ðức Cha Giu-se NGUYỄN QUANG TUYẾN, quyên góp
và chia sẻ cho các cụ già nghèo và neo đơn đang sống trong khu vực thị
xã, nếu không được trợ giúp kịp thời và thường xuyên, có thể bị
chết vì đói và rét trong mùa đông sắp đến. Ngay sau đó, chúng tôi
đã gửi thư qua Pháp và nay đã nhận được hồi âm từ nhóm các bác sĩ
ở Paris. Bác sĩ Vũ Bích Ðào đã gửi ngay về cho chúng tôi số
tiền đợt đầu là 1.500.000 VND. Và ngày 1.10.2002 vừa qua, khi có
dịp ra Hà Nội, chúng tôi đã nhờ DCCT Hà Nội chuyển lên Bắc Ninh đến
tận tay Ðức Cha số tiền này. Rất mong quý độc giả xa gần cũng hưởng
ứng công việc cấp bách này.
VỀ MỘT BỆNH NHÂN
TÂM THẦN Ở BÌNH DƯƠNG
Giáo sư Nguyễn Chính Kết giới thiệu trường hợp anh
Nguyễn Uy Nam, 47 tuổi, thường trú tại 40/49B, Trần Quang Diệu, Quận 3.
Anh Nam có một người em trai tên NGUYỄN QUANG TRUNG, 32 tuổi, bị
bệnh tâm thần đã mười mấy năm nay, khi khỏi khi bị lại, ngụ tại
giáo xứ Nước Vàng, Xã An Bình, Huyện Phú Giáo, Bình Dương. Hiện nay em
Trung bị trở bệnh lại rất nặng, anh Nam phải đưa em Trung về Sài-gòn
để chữa trị rất tốn kém, mà anh Nam phải một mình cáng đáng mọi
chuyện. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nhiều mặt, anh Nam vừa phải
chữa trị cho em, vừa phải thuê nhà riêng để cùng ở với em, vì lúc
này em rất cần sự săn sóc đặc biệt và cần sự yên tĩnh, nhất là
về mặt biểu lộ tình thương. Chi phí thuốc men, tiền thuê nhà và ăn
uống cho em Trung hiện nay mỗi tháng phải khoảng 1.500.000 VND, mà khả
năng anh Nam thì có hạn, lại còn phải lo nuôi gia đình của chính anh
nữa.
Gospelnet xin trợ giúp cho gia đình anh Nam số
tiền 760.000 VND, để trang trải các chi phí điều trị. Số tiền này là của bạn Khánh Hoàng ( Hoa Kỳ )
thông qua bạn MK Bùi Thị Duyên Châu ( Sài-gòn ). Xin thay một gia đình
anh Dương và chị Thảo ngỏ lời biết ơn đến bạn Khánh Hoàng.
BÁO ÐỘNG VỀ
VIRUS-BOMB LOẠI MỚI ÐANG HOÀNH HÀNH
Trong mấy ngày vừa qua, Trung
Tâm Mục Vụ DCCT nhận được rất nhiều E-Mail có kèm Attachment là một
loại Virus-Bomb, đồng thời cũng nhận được nhiều thư phản ứng của các
độc giả và một số người lạ đã cho rằng chúng tôi cố tình gửi các
Virus-Bomb đến địa chỉ của họ. Chúng tôi chưa biết giải thích ra sao để
tự minh oan thì nhận được E-Mail dưới đây của ông Nguyễn Tử Quảng,
chuyên gia diệt Virus của BKAV, xin được đăng tải như một lời cảnh
báo chung đến quý độc giả của Gospelnet.
Xin đăng lại nguyên văn lá thư không bỏ dấu như
sau:
Xin
Tu hai ngay nay - 2
va 3 thang 10 nam 2002 - cac may tinh tren ca nuoc dang bi lay nhiem mot loai virus moi co ten la W32.BugBear.Worm
- "Con bo Gau" - virus nay cung dang lay nhiem rat manh tren the gioi
tu ngay 1.10.2002. Neu virus BugBear lay nhiem vao may tinh cua ban, no se tu
dong lay cac email co trong hop thu Inbox va gui cho nhung dia chi email co
trong so dia chi ( address book ) tren may cua ban, va trong do la kem theo
chinh no. May cua nguoi nhan duoc email nay se lap tuc bi nhiem virus, tham chi
chua can phai mo email do ra.
Lien
tuc trong hai ngay nay, chung toi nhan duoc toi 120 cuoc dien thoai cua nguoi
su dung may tinh tu Sai-gon, Can Tho, Ha Noi, Hai Phong... hoi ve viec khac phuc
su co do virus nay gay ra. Moi ngay co toi 250 email do virus tu dong gui den
dia chi cua chung toi tu cac may bi nhiem virus, dieu nay chung to virus BugBear da lay lan rat rong tren toan quoc,
co the danh gia day la virus lay lan nhanh nhat o Viet Nam tu truoc toi nay. Vi
vay ban hay luu y de phong, bat ky e-mail nao gui toi cho ban ma co file gui kem voi kich
thuoc la 50.8KB thi ban phai can than, khong nen mo ra va phai kiem
tra virus ngay lap tuc.
Cac
hien tuong khi may nhiem virus BugBear nhu
sau:
- Ban nhan duoc mot email co file gui kem voi kich thuoc
50.8 KB va sau do:
- Khong the go duoc tieng Viet
- May in lien tuc in ra nhung ky tu vo nghia
- May tinh tu dong lay cac email co noi dung rieng tu cua
ban gui cho nhieu nguoi khac
- Cac mat khau co tren may bi lay va duoc gui ra ben
ngoai
Ngay hom nay
2.10.2002, chung toi da viet duoc phan mem diet
virus nay va cap nhat vao phien ban Bkav417
moi, phien ban nay dang duoc chay thu nghiem trong buoi toi ngày
2.10.200 va co mat tren mang tai dia chi www.fpt.vn/bkav
va www.vnn.vn/vnn1/bkav tu
buoi sang ngay 3.10.2002, ban co the tai ve ( download ) de su dung ngay.
Ngoai
viec diet duoc virus BugBear, Bkav417 con cap nhat them cach diet hon 10 virus
moi, trong do co nhung virus dang lay nhiem rong tren cac nuoc nhu virus Demiurg, MagistA, MagistB va RedLof. Xin luu y:
Neu Bkav417 phat hien ra tren may cua
ban co virus BugBear, thi sau khi diet
xong virus nay, ban nen doi lai cac mat khau tren
may cua minh de de phong viec virus da gui nhung mat khau do ra
ngoai.