GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 26 A THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Mt 21, 28 - 32:

DỤ NGÔN HAI NGƯỜI CON

Khi ấy Ðức Giê-su hỏi các Thượng Tế và Kỳ Mục: "Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." Nó đáp: "Con không muốn đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ?" Họ trả lời: "Người thứ nhất". Ðức Giê-su nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy".

SUY NIỆM 1:

NGUY CƠ TỰ MÃN

"Các ông nghĩ sao ?" Ngay từ đầu câu chuyện, Chúa Giê-su đã đưa ra lời hỏi đột ngột như một lời thẩm vấn buộc người nghe phải động não, phải tự đặt vấn đề cho mình. Có thể nói lời hỏi đột ngột của Chúa Giê-su như muốn gây giật mình, cùng lúc lôi cuốn sự chú ý của người nghe vào trong câu chuyện mà Người sắp nói nhằm giúp họ tra xét chính bản thân họ.

"Các ông nghĩ sao ? Người kia có hai con trai" Cả hai con trai đều được ông sai đi làm vườn nho. Nhưng các con của ông sao mà tính khí bất định, để rồi tiếng vâng mà thực là không, tiếng không lại là vâng. Ðứa thứ nhất trả lời không, cuối cùng đi làm. Ðứa thứ hai trả lời có, cuối cùng bất tuân. Dù tính cách và những câu trả lời của những người con bất định đến thế, nhưng theo mạch văn của Tin Mừng, đối với Chúa Giê-su, hình như cái làm cho chúng trở nên đúng hay sai, tốt hay xấu, không thuộc về tính cách và càng không phải là lời những người con ấy nói, nhưng là rốt cuộc chúng làm hay không làm theo ý của cha mình.

"Các ông ngĩ sao ?" Nếu ngày xưa Chúa hỏi những người đương thời như thế, thì hôm nay lời ấy cũng sẽ là lời tra vấn chúng ta. Hay nói cách khác, Chúa cũng sẽ hỏi bạn và tôi: "Các con là loại người nào trong hai người con trai kia ?" Dù trong ta, có thể có cả hai thái độ của hai người con, nhưng hôm nay, chúng ta nói đến người con thứ hai, qua đó xét lại thái độ sống Ðức Tin của mình.

Chắc chắn không ai là không ủng hộ, đồng tình với việc giữ đạo từ nhỏ đến lớn, ủng hộ việc thường xuyên lãnh bí tích, thường xuyên dự lễ, đọc kinh... Nếu ai sống đạo được như thế, thực sự họ đã là những người ngoan đạo. Nhưng cái được coi là ngoan đạo của những người ngoan đạo ấy, nếu không để ý, có khi đẩy ta rơi vào một thái cực khác khá nguy hiểm: chỉ sống đạo theo thói quen. Việc giữ đạo lâu ngày trở thành một cái khuôn, chỉ cần rập khuôn theo là đủ, hoặc sự sáo mòn từ ngày nay qua ngày khác làm ta cảm thấy mình không sai luật, không lỗi bổn phận, và cuối cùng, không thấy cần phải sám hối ăn năn, vì không biết mình có phạm tội gì để ăn năn hay không ? Từ đó sinh ra một thái độ khác càng tệ hại hơn nữa: thái độ tự mãn, tự kiêu, tự đắc thắng. Ðó cũng chính là thái độ tự phong mình làm "thánh", dù không nói ra thành lời. Nếu điều này có thật thì thật nguy hiểm cho ta. Bởi vì có ai hoàn hảo đâu, chỉ vì chưa nhận ra mình bất toàn nên không hoán cải mà thôi.

Ðấy chính là thái độ của người con thứ hai. Anh ta thưa với cha mình: "Vâng, thưa cha con sẽ đi làm vườn nho", nhưng lại không đi. Còn chúng ta, ai cũng đang sống trong Giáo Hội, ai cũng có thể thưa với Chúa rằng: con yêu mến Chúa, con tin Chúa, con muốn theo Chúa, nhưng trong thực tế, đời sống đạo của mình cứ ì ạch, không có gì khá hơn, không đổi mới gì và cũng không thấy mình cần phải ăn năn hối cải.

Nếu đúng là ta có một cung cách, một thái độ sống đạo tự mãn đó, chỉ biết rập khuôn theo luật, mà không có một tâm tình, một ý thức nào để cải thiện đời sống, điều đó có nghĩa là mình đang tự lừa dối chính bản thân. Nếu có lúc nào bạn và tôi thật khiêm tốn, tự kiểm điểm mình thật thành tâm, tôi nghĩ, chắc là lúc ấy chúng ta không còn dám tự mãn nữa.

Chắc bạn còn nhớ lời khen của Chúa Giê-su đối với thái độ của người thu thuế khi cầu nguyện. Anh ta đứng xa xa ở cuối nhà thờ, không dám ngước mắt lên, đấm ngực mà cầu nguyện: "Lạy Chúa tôi là kẻ có tội". Sau lời cầu nguyện ấy, anh ra về và tội của anh được tha. Thế nhưng cùng lúc ấy, cũng có một người biệt phái cầu nguyện trong nhà thờ ấy. Rất tiếc và rất đáng thương cho anh ta. Anh ta quá tự mãn, chỉ thấy nơi mình toàn điều tốt. Thái độ tự mãn ấy đã biến lời cầu nguyện thành lời khoe khoang. Làm sao một người không từng thấy mình yếu đuối, thấy mình tội lỗi lại có thể được thứ tha !

Bạn và tôi cần lắm thái độ của người thu thuế nơi chính bản thân mình. Và cũng cần lắm thái độ của người con thứ nhất trong bài Tin Mừng hôm nay: trả lời "không" với cha. Nhưng tiếng "không" lại biến thành tiếng "có" ngay sau đó. Tiếng "không" như thế vẫn đẹp rực rỡ, đẹp hơn nhiều so với tiếng "có" của người con thứ hai, rốt cuộc chỉ là một tiếng "không" vô tận. Bởi lời đáp trả dẫu có quan trọng, nhưng hành động đi liền với lời đáp trả ấy quan trọng hơn nhiều. Biết tránh thái độ tự mãn, biết nhận ra bản thân để thánh y Cha được thể hiện mới là điều quí giávô cùng.

"Các ông nghĩ sao ?" Ngày xưa Chúa hỏi những người Biệt Phái, Thượng Tế, Kỳ Lão như vậy. Ngày hôm nay Chúa cũng hỏi mỗi người hiện diện ở đây, từng người một rằng: "Các con nghĩ sao ? Nghĩ sao về cách sống đạo của mình ? Nghĩ sao về cách thể hiện Ðức Tin ? Nghĩ sao về lòng yêu Chúa mà mình phải có ? Nghĩ sao về thánh ý Chúa mà mình phải thực hiện ?"

"Các ông nghĩ sao ?", lời đó xin gởi lại cho bạn và cho những ai thành tâm thiện ý để tất cả chúng ta cùng suy gẫm và xét đạo cách sống đạo của mình. Trên hết mọi sự, bạn và tôi hãy để Lời Chúa tra vấn mình: "Các con nghĩ sao ?"

Lm. JB. NGUYỄN MINH HÙNG

SUY NIỆM 2:

CHÂN DUNG NGƯỜI CON THẢO CỦA CHA

1. ÐỐI VỚI THIÊN CHÚA, ÐIỀU QUAN TRỌNG LÀ VIỆC LÀM CHỨ KHÔNG PHẢI LỜI NÓI.

Quả những người được Ðức Giê-su kể cho nghe dụ ngôn hai người con hiểu ngay dụng ý của Người và bắt buộc họ phải có cùng quan điểm như Ðức Giê-su mà nhìn nhận rằng: Người con thứ nhất ( lúc đầu đã từ chối làm theo lời người cha nhưng sau đó đã nghĩ lại và làm theo lời cha ) là người đã thi hành ý muốn của người cha. Còn người con thứ hai ( lúc đầu đã nói là sẽ làm theo lời người cha, nhưng sau lại không làm ) là người con đã không thi hành ý muốn của người cha. Thế có nghĩa đối với Thiên Chúa việc làm mới là điều quan trọng chứ không phải lời nói. Thật vậy, nếu chỉ nói xuông thôi, thì điều gì chúng ta cũng có thể nói được. Còn việc làm thì không dễ gì mà thực hiện vì nó khó hơn nhiều. Chúng ta nói yêu Chúa, yêu người thì quả là quá dễ. Nhưng để chứng tỏ chúng ta mến Chúa yêu người, thì không dễ chút nào. Trái lại nhiều khi chúng ta phải "trầy da tróc vẩy" mới thực hiện được một việc bác ái, một hành động hy sinh, từ bỏ.

2. Ở VÀO THỜI ÐỨC GIÊ-SU VÀ THỜI CHÚNG TA HIỆN NAY,

AI LÀ NGƯỜI CON THỨ NHẤT ? AI LÀ NGƯỜI CON THỨ HAI ?

a. Dựa vào chính lời của Ðức Giê-su, chúng ta phải hiểu rằng: ở vào thời Ðức Giê-su người con thứ nhất là những người thu thuế và các cô gái điếm. Vì rõ ràng trước khi Gio-an Tiền Hô và Ðức Giê-su xuất hiện thì những người này không sống theo Giáo Lý của Chúa. Những người thu thuế đã không sống theo giới luật của Thiên Chúa khi họ hà hiếp dân chúng hay ăn bớt ăn xén của công trong khi hành nghề. Những cô gái điếm đã không giữ luật của Thiên Chúa khi họ bán mình cho những kẻ hiếu dâm. Nhưng khi Gio-an Tiền Hô xuất hiện, kêu gọi mọi người sám hối thì cả hai hạng người này đều tin Gio-an là sứ giả của Thiên Chúa mà hoán cải và dìm mình trong dòng sông Gio-đan tỏ lòng hoán cải. Lúc trước họ từ chối Chúa, nhưng sau lại thi hành ý muốn của Chúa.

Còn người con thứ hai chính là các thượng tế và kỳ mục trong dân Ít-ra-en: lúc trước họ là những tín đồ của Thiên Chúa Gia-vê, là những người rất cẩn trọng trong việc tuân giữ lề luật của Người, nhưng sau họ lại hóa thành những người làm trái ý Thiên Chúa. Họ chẳng những đã không tin vào Gio-an và Ðức Giê-su mà còn trực tiếp hay gián tiếp giết hại Gio-an và Ðức Giê-su nữa. Ðức Giê-su đã ám chỉ hành động sát nhân của họ trong dụ ngôn tá điền giết các đầy tớ và giết cả chính người con yêu dấu của chủ vườn nho ( Mt 12,1-13 ).

b. Còn vào thời chúng ta hiện nay, ai là người con thứ nhất ? ai là người con thứ hai ? Chúng ta không có quyền xét đoán ai, mà hãy xét đoán chính mình: chúng ta là giáo dân, là đạo dòng, là tu sĩ, là linh mục….nhưng chúng ta có thật sự đáng được kể là người con thi hành ý của Cha trênTrời không ? Chúng ta sống đạo, chúng ta thi hành các thừa tác vụ như thế nào ? trong tinh thần nào: tinh thần con thảo hay tinh thần nô lệ ? Chúng ta đã được Thiên Chúa ban cho bao nhiêu là hồng ân, ơn phần hồn ( ơn Ðức Tin, các Bí Tích... ) ơn phần xác ( sức khoẻ, của cải vật chất, công ăn việc làm, nhà cửa... ), chúng ta có biết thể hiện lòng biết ơn của chúng ta với Thiên Chúa là Cha và là Ðấng ban ơn không ? Coi chừng chúng ta chẳng những sẽ bị xếp sau mà còn bị "thay thế" bởi những người mà chúng ta cứ tưởng rằng họ không phải là con cái Thiên Chúa ! Chúng ta đừng quên rằng trong xã hội hiện nay có rất nhiều người không công giáo sống còn tốt hơn chúng ta bội phần.

2. ÐỨC GIÊ-SU LÀ NGƯỜI CON MẪU MỰC VÀ TUYỆT HẢO CỦA CHA

Dụ ngôn hai người con mà Ðức Giê-su kể cho chúng ta không thể không dẫn chúng ta đến nhận định này: Ðức Giê-su là người con mẫu mực và tuyệt hảo của Cha. Chính mẹ Giáo Hội cũng hiểu như thế khi cho chúng ta đọc đoạn thư Phi-líp-phê của Thánh Phao-lô, chương 2, từ câu 2 đến câu 11. Ðức Giê-su đã nói với Cha tiếng "DẠ", tiếng "VÂNG" ngay từ thuở ban đầu: "NÀY CON XIN ÐẾN ÐỂ THỰC THI THÁNH Ý CHA" và đã thực thi đến nơi đến chốn mọi thánh ý của Cha.

Vì thế mà trên thập giáNgười mới có thể công bố: "Mọi sự đã hoàn tất !" Ðể thể hiện là người con yêu dấu của Cha, đẹp lòng Cha mọi bề, "Ðức Giê-su đã không nghĩ phải nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế, lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự"

  Nếu Ðức Giê-su là người con mẫu mực và tuyệt hảo của Cha, thì chúng ta phải lấy Người làm chuẩn cho cách suy nghĩ và hành động, tức cho cách sống của chúng ta. Xưa rày người giáo dân Việt Nam thường chỉ lấy Mười Ðiều Răn Ðạo Ðức Chúa Trời và Sáu Ðiều Răn Hội Thánh làm chuẩn mực, làm điểm qui chiếu trong đời sống Ðức Tin. Ðúng ra chúng ta phải lấy Chúa Giê-su làm chuẫn mực, làm Ðiểm qui chiếu cho mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm của chúng ta: "Tôi có suy nghĩ, nói năng và hành động giống như Ðức Giê-su không ?" Ðó là câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra cho mình mỗi ngày, để định hướng cuộc sống hoặc điều chỉnh những sai lạc của chúng ta.

Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cảm tạ Cha đã ban Con Một Cha cho chúng con. Người chẳng những là Cứu Chúa của chúng con mà còn là Gương Mẫu cho chúng con noi theo. Xin Cha giúp chúng con biết suy nghĩ, nói năng và hành động như Người !

Lạy Chúa Giê-su là Sư Phụ của chúng con, xin Chúa dạy chúng con biết học tập cùng Chúa trong cách sống làm con thảo của Cha trên trời !

Lạy Chúa Thánh Thần là Ðấng hướng dẫn thần linh, xin Chúa soi sáng, hướng dẫn, hỗ trợ chúng con, để chúng con biết gọi Thiên Chúa là "Abba" ( Cha ơi, Ba ơi, Bố ơi ) và biết sống tư cách là con thảo của Cha và tư cách là anh em của mọi người ( xem "Frère De Tous" của René Voilaunme ).

     Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

( Ghi chú: Số báo trước, bài "CÔNG BÌNH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ THA THỨ" là của ông Ðinh Ngọc Thiệu chứ không phải của ông Nguyễn Văn Nội. Xin cáo lỗi cùng quý tác giả và quý độc giả )

CÂU TRUYỆN:

CHỚ CỨNG LÒNG

Một nhà truyền giáo Tin Lành nổi tiếng nọ đã thuật lại câu chuyện thật sau đây như một chứng từ cảnh báo nghiêm trọng:

Một lần kia, khi kết thúc buổi giảng đạo, tôi đã hỏi có ai muốn dâng mình cho Ðức Chúa Trời thì xin đứng dậy. Tôi xiết đỗi vui mừng vì thấy chính người tôi vẫn cầu thay nguyện giúp cho lâu nay đã đứng bật dậy. Sau buổi nhóm họp ấy, tôi đến gặp anh để khen cử chỉ anh vừa làm. Anh nói với tôi: "Tôi cũng vui mừng về điều đó, song tôi không chắc có đứng vững được không ?" Tôi hỏi: "Tại sao thế ?"

Anh ta trả lời: "Bởi vì tôi thiếu can đảm. Tôi dám chắc nếu có anh bạn thân của tôi ở đây tối nay, hẳn tôi chẳng dám đứng dậy, vì sợ anh ta chế giễu. Tôi cũng sẽ không dám kể lại cho anh ấy biết việc tôi vừa làm." Tôi lại hỏi: "Nhưng nếu Ðức Giê-su đã chết thay anh và cứu vớt anh, thì cũng đáng cho anh xưng Ngài ra trước thiên hạ chứ ?" Anh ấy run lẩy bẩy từ đầu tới gót chân. Hình như Chúa Thánh Linh đang chiến đấu với anh. Anh ấy vẫn còn trở lại nhóm nhiều lần nhưng không bao giờ chịu nói rõ ràng chút gì về Ðức Tin của anh cả.

Chẳng bao lâu anh trở lại nếp sống buông thả trước kia cùng với đám bạn bè cũ, và khi gặp tôi ở ngoài đường, anh chẳng dám chào tôi. Mấy tháng sau, anh đau nặng và có ý muốn gặp tôi để muốn biết xem anh còn có chút hy vọng nào chăng vì đã gần đến lúc chết. Tôi dùng lời Chúa chứng minh cho anh thấy là hy vọng vẫn còn và anh hãy hứa quyết tâm sống cho Chúa. Và thật kỳ diệu, anh ấy đã được lành mạnh giữa sự ngạc nhiên của mọi người.

Một ngày kia, thấy anh ngồi trước cửa, tôi hỏi chừng nào anh sẽ đến làm chứng trước Hội Thánh ? Anh nói: "Thật sự tôi có hứa cùng Chúa rằng sẽ sống theo Ngài, nhưng tôi không có can đảm làm việc đó ngay lập tức. Sang năm tới đây, tôi sẽ mua một trang trại ở bang Michigan, lúc ấy xa cách hẳn các bạn bè cũ, tôi sẽ bắt đầu sống theo Lời Chúa dạy..." Nghe vậy, tôi buột miệng hỏi anh ta: "Cớ sao anh dám nói như thế ? Anh có chắc mình sẽ còn sống được tới lúc đó chăng ?" Anh ta có vẻ tự tin trả lời: "Tôi sẽ chẳng thể khỏe hơn đâu, nhưng cho dầu tôi thấy có yếu đi đôi chút, tôi nghĩ mình cũng còn có thể sống thêm nhiều năm nữa chứ !"

Tôi liền nói cho anh ta biết thái độ đó không tốt đâu, anh đang thách thức Thiên Chúa đấy. Song anh chẳng thèm nghe, mà còn cả gan nói: "Thôi, xin ông đừng bận tâm đến tôi. Linh hồn tôi, tôi lo, và nếu tôi phải đền tội, thì đó là lỗi của tôi !"

Tôi đành phải để mặc anh. Vài tuần sau, vợ anh cho người tới gọi tôi, cho hay chồng chị đang hấp hối. chị không muốn thấy anh ta chết trong tình trạng tội lỗi. Tôi hỏi chị: "Thế anh ấy có nói gì không ?" Chị vợ thổn thức trả lời: "Anh ấy quả quyết là mình đã bị phán xét xong rồi, chỉ trong vài giờ nữa là anh ấy sẽ phải xuống địa ngục !" Tôi bước vô phòng bệnh nhân, nhưng anh ngoảnh mặt đi. Tôi hỏi đi hỏi lại nhiều lần có điều gì làm anh cắn rút lương tâm không. Nhưng anh vấn làm thinh. Cuối cùng anh quay sang tôi, tuyệt vọng nói: "Lòng tôi cứng như đá, tôi muốn ăn năn nhưng đã muộn, chẳng bao lâu nữa tôi sẽ đền tội dưới địa ngục mà thôi !"

Tôi thuật cho anh nghe những lời hứa của Thiên Chúa, nhưng anh cứ nhắc đi nhắc lại: "Tôi xin quả quyết với ông rằng, đã muộn lắm rồi ! Thiên Chúa đã gõ cửa lòng tôi nhiều lần, nhưng tôi đã xua đuổi Ngài. Tôi chết mà không có Ngài thật là công bình lắm. Không ai được phép nhạo báng thách thức Thiên Chúa !"

Tôi cầu nguyện bên giường anh. Anh nói: "Không, xin ông hãy cầu nguyện cho vợ con tôi, còn tôi đã quá trễ rồi !" Tôi đành bó tay mà quay về. Sau này, vợ anh thuật lại những giây phút chót kinh khiếp của anh. Anh ta cứ lập đi lập lại không ngừng câu: "Mùa gặt đã xong, mùa hạ đã qua, mà tôi chẳng được cứu !"

Chúng ta nhớ đến Lời Chúa: "Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, thì chớ cứng lòng như hồi chúng nổi loạn, như ngày chúng thử thách Ta trong sa mạc, nơi cha ông các ngươi đã từng dò xét mà thử thách Ta và đã thấy các việc Ta làm..." ( Dt 3, 7 - 8 )

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI tập 8

CHIA SẺ:

NGƯỜI MẸ VÀ NGƯỜI THẦY CỦA BỆNH NHÂN PHONG CÙI KONTUM

Ðã từ khá lâu, tôi nghe về người Nữ Tu Marguerite Hường và những công việc đa dạng, hết sức đa dạng và hiệu quả nhiều mặt, dành đặc biệt cho những bệnh nhân phong cùi, tôi rất mong muốn gặp gỡ để học hỏi và để thấy một gương mẫu tận hiến không chỉ bằng trái tim, mà bằng cả cuộc đời và đôi tay, đôi tay LÀM RA CỦA CẢI, KHÔNG CHỜ ÐỠI VÀ KHÔNG XIN XỎ AI, âm thầm làm việc, âm thầm hy sinh. Dịp ấy đã đến và cũng rất tình cờ.

 Năm học 2001 - 2002, thấy một số con em bệnh nhân phong có nguy cơ thất học vì trường ở xa ( đúng ra là các làng phong ở quá xa những trung tâm có trường học ), lại mang nặng mặc cảm có cha mẹ phong cùi, mà xã hội này chưa dễ gì xoá được định kiến, cho dù ngày nay bệnh phong đã được chữa trị rất dễ dàng và kết quả. Nhưng những ngón tay, những bàn chân đã rụng, thì chẳng mọc lại được. Những khuôn mặt biến dạng, loang lỗ, thì chẳng thể che dấu ai, bởi vậy người Nữ Tu này đã đem mấy cháu xuống Nha Trang gửi trọ học. Thấy kết quả khả quan, Soeur quyết định năm học 2002 - 2003 này, cũng sẽ gửi các cháu con em người cùi xuống Nha Trang cho trọ học và gấp đôi con số: 12.

Thoạt nghe tưởng chừng là đơn giản, nhưng việc thu xếp cho bằng ấy cháu nhỏ trọ học ở một thành phố rất xa, lạ lẫm môi trường sống, đặt ra biết bao vấn đề phức tạp. Trong anh em CVK, có nhiều người gửi một hoặc hai cháu đi học ở Sài-gòn, hiểu được phần nào khó khăn phức tạp: cái ăn, cái ở, tiền học, tiền sách vở áo quần, tất cả đều đòi hỏi phải có tiền và nhiều tiền. Ðó là những lo lắng đặt ra trước mắt, nhưng khi trở về Kontum, lòng trí của người Nữ Tu có tuổi lại hướng về các cháu, mà đứa lớn mới 16 tuổi, trong khi đứa nhỏ nhất mới 7 tuổi: chúng có khoẻ không ? Có nhớ nhà không ? Có đau ốm gì không ? Công việc bề bộn vẫn không thể nào làm Soeur bớt lo nghĩ và thúc giục Soeur khi có thể, lại "bay" xuống thăm hỏi.

Nơi con người Nữ Tu ấy, người cùi và con cháu họ không chỉ thấy hình ảnh một Nữ Tu tận tụy hy sinh, mà còn thấy tình yêu của một NGƯỜI MẸ ( MATER ) và sự ân cần chỉ dạy của một NGƯỜI THẦY ( MAGISTRA ). Tôi cũng nhìn thấy nơi người Nữ Tu thấp đậm và có tuổi ấy một "người mẹ" và "một người thầy": "Mater et Magistra", những từ ngữ mà Ðức Thánh Cha Gio-an XXIII đã sử dụng vô cùng chính xác và ý nghĩa trong Thông Ðiệp nổi tiếng của Ngài ( có thể nói còn sâu sát và thâm thúy hơn cả thông điệp lừng danh "Pacem in Terris" Ðức Thánh Cha đọc tại Liên Hiệp Quốc ).

Giáo Hội phải là Người Mẹ và Người Thầy: không chỉ có sự yêu thương vỗ về của người mẹ, mà phải có cả sự khôn ngoan, ân cần và một chút nghiêm khắc kỷ luật mô phạm của người thầy. Nhưng mỗi người tín-hữu và ở bậc cao hơn, các tu sĩ, các Linh Mục CŨNG PHẢI LÀ "Mẹ và Thầy", trong gương sống, trong thực hành bác ái, trong giảng dạy nơi các Linh Mục, nhưng tất cả những cái đó sẽ hoá ra vô ích hoặc cùng lắm chỉ là lòng nhân đạo, tình người, không hơn không kém, NẾU KHÔNG CÓ ÐƯỠC CÁI "TÂM" CỦA CHÚA GIÊ-SU, như Chúa Giê-su. Tôi không muốn ám chỉ bất cứ ai, bất cứ đấng bậc nào, nhưng chỉ muốn nói về người Nữ Tu Dòng Phao-lô mà tôi gặp gỡ và được cộng tác với chị trong những ngày qua.

 Khi nghe anh Nho 47 Kontum cho biết tình hình các cháu và bàn nhau tìm cách giúp đỡ các Cháu con bệnh nhân phong, mà Soeur Marguerite gửi xuống trọ học ở Nha Trang, tôi đã biên thư gửi xin vài ba nơi giúp đỡ. Anh bạn Phúc 68 đã biên thư cho bạn bè đồng nghiệp Công Giáo hãng Shell, ở Singapore và nhiều nơi, giới thiệu và xin giúp đỡ. Nhưng năm học sắp đến và các Cháu thì đã xuống Nhatrang rồi, chen nhau ở tạm trong nhà bếp của một Bà đạo đức, năm qua đã coi sóc các Cháu giúp Soeur Hường. Nhưng với con số gấp đôi năm trước, việc ăn ở phải thu xếp cho ổn thoả.

Và Soeur đã bắt tay vào việc điều đình với bà chủ nhà, xin một miếng đất nhỏ trong vườn và xây nhà cho các cháu: hai gian không hề có tính cách tạm bợ, trái lại cho thấy tài tổ chức và quyết đoán của người Nữ Tu già. Nhà xây kiên cố, nền lát gạch men và trần nhà rất mỹ thuật, lại thêm một khu nhà ăn, nhà tắm và nhà vệ sinh nhỏ nhưng đầy đủ và ngăn nắp. Tất cả đang hoàn tất trong tháng bảy này. SOEUR HƯỜNG KHÔNG HỀ TRÔNG CHỜ SỰ TRỠ GIÚP, mà Soeur có quyền được.

Sẽ có nhiều anh em, nhiều Linh Mục, không phải nơi khác thôi, mà ngay ở Kontum, Pleiku, cũng sẽ khó hiểu về những nguồn tài chánh, để giúp Soeur có thể quyết định mau chóng và rất quyết đoán những công việc tương tự. Tôi muốn nói ở phần sau, để giới thiệu công việc nuôi dạy các Cháu con bệnh nhân phong rất tốn kém và công phu này.

 Sau khi nhận được thư xin ý kiến, cha chủ tịch Hoàng Minh Thắng đã quyết-định sẽ dùng tiền tiết kiệm của riêng ngài, mà tài trợ việc xây dựng và nuôi các Cháu ăn học. Tôi đã thông báo việc ấy với Soeur Hường, qua anh Nho, nhưng tôi biết người Nữ Tu này KHÔNG HY VỌNG, CŨNG KHÔNG CHỜ ÐỠI, vì đơn thuần là việc hỏi han, tìm hiểu, giới thiệu chỉ là do anh em chúng tôi thấy bổn phận phải hỗ trợ và vận động giúp đỡ, gánh một phần cho người Nữ Tu có tuổi này. Bà đã rất ngạc nhiên và vui mừng, nhưng vẫn cứ tiến hành mọi sự như chưa hề có đề nghị giúp đỡ nào.

Hôm nay, gặp lại ở Nha Trang để chuẩn bị thanh toán chi phí xây dựng trên một ngàn đô-la, người Nữ Tu MUỐN TỰ CHI TRẢ. Bà nói: "Tôi rất biết ơn Cha Thắng, nhưng tôi xin chịu phần chi phí xây dựng này và tôi rất biết ơn vì Ngài sẽ LO CHO VIỆC ĂN UỐNG HỌC HÀNH của các Cháu. Như vậy là đã quá nặng nề cho Ngài. Xin chuyển lời tôi và các Cháu cám ơn Ngài và cầu xin Chúa trả công bội hậu cho Ngài".

Là người được cha chủ tịch ủy quyền đại diện ngài, để thay ngài lo cho các Cháu, thực tình TÔI RẤT LẠ LÙNG TRƯỚC SỰ SÒNG PHẲNG và ngay thẳng của người Nữ Tu già này: ở địa vị Bà, bất cứ ai cũng hoan hỉ đón nhận và còn có thể tìm nhiều lời lẽ để mong được giúp đỡ thêm nữa. SOEUR MARGUERITE THÌ KHÔNG ! Người Nữ Tu này vững chải sống và giúp đỡ những bệnh nhân phóng cùi và con em họ, không chỉ ở một nơi, mà rất nhiều nơi, không chỉ ở các làng phong xa xôi, mà còn giúp đỡ nhiều cách và nhiều lần ngay cả cho Trại Phong Ðăk Ktiá do Nhà Nước quản lý ( Phải thẳng thắn mà nói, hiện nay vẫn đang có không ít các bác sĩ, ý sĩ và y tá là người vô thần tự nguyện phục vụ rất nhiệt tình tại các Trại Phong, như Quỳnh Lập, Quy Hoà, Bến Sắn, Kontum, v.v... ).

Người Nữ Tu này di chuyển rất nhiều, cho nên bà đã nghĩ tới xe hơi và có một chiếc u-oát ( gần như xe jeep ) và một chiếc Toyota 12 chỗ ngồi "đa năng". Tôi nói "đa năng", vì xe được người Nữ Tu này sử-dụng hết "công suất": chuyên chở lương thực thực phẩm, chở các bệnh nhân, chở những sản phẩm do đôi tay bà và các phụ tá làm ra, đem đi tiêu thụ nơi khác ( cha Hưng "Râu" ngày xưa là Tuyên Úy ở Tân Cảnh, sau về coi xứ ở Giáo Phận Xuân Lộc, hằng năm tiêu thụ giùm Soeur trên một tấn măng khô ).

Nhưng xe còn dùng để chạy "hợp đồng", khi các đoàn tham quan cần xe, khi có ai muốn nhờ xe đi nơi xa. Tất nhiên là... trả tiền, tiền xăng dầu, tiền công cho tài xế và tiền thuê xe. Những người được ưu đãi nhất, là các đại chủng sinh, đi về, đi và về Huế – Kontum ( vì không còn là giáo dân Kontum, tôi không dám thắc mắc về việc đi lại gây khá nhiều phức tạp của các chủng sinh, trong khi xe đò không khó khăn chút nào ). Chiếc xe làm ra tiền. Người Nữ Tu biết "bắt" chiếc xe đẻ ra tiền, để chi phí cho nhiều công việc đòi hỏi phải có tiền, nhiều tiền, nhưng lại chẳng thu về được một đồng xu nào: nuôi ăn hàng trăm người cùi !

Không chỉ người cùi, mà ở Kontum, khi Toà Giám Mục có tổ chức lễ hội ( Họp Yao Phu chẳng hạn ), thì luôn luôn Soeur Hường được giao trách nhiệm lo phần ăn, có khi cho hàng ngàn người, rồi sau đó mới nhận lại tiền chi phí, không phải bao giờ cũng đầy đủ. Hàng năm, Soeur đều lo cho cô nhi viện có tiệc ăn trong những ngày Ðại Lễ như Noel, Phục Sinh. Và "CHÉN CƠM ẤM LÒNG CHÚA GIÊ-SU", chỉ là chương trình vận động của anh em CVK và KMF, không phải là VIỆC MỚI MẺ, vì Soeur Marguerite Hường đã làm trước đó nhiều lần và ngay những lần anh em CVK và KMF tài trợ, do anh Nho và Nhóm Vinh Sơn thực hiện, thì Soeur Hường vẫn làm và đóng góp rất nhiều, KHÔNG HỀ Ỷ LẠI, KHÔNG HỀ TRÔNG CHỜ ở bất cứ ai. Tình thương mách bảo người Nữ Tu.

Những đồng tiền kiếm được từ hai bàn tay, từ mồ hôi và có khi cả nước mắt, cùng với lòng tận tụy, luôn nghĩ về người khác, đã cho Soeur nghị lực và sức mạnh, để không quản ngại vất vả, không sợ những ánh mắt và lời nói chẳng có dấu vết nào thiện cảm và biết ơn của nhiều người. "Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, ngoại trừ tình yêu mến": Lời ấy trở thành kim chỉ nam cho cuộc đời, suy nghĩ và hành động của Soeur Marguerite. Những lần trao đổi công việc với Soeur, tôi thấy người Nữ Tu này không biết dùng ngôn từ hoa mỹ, không có gì là "sâu sắc" trong lý thuyết, nhưng như tôi đã nói, rất nhiệt tình và quyết đoán trong hành động.

 Hơn mười năm trụ vững ở Kontum, Soeur Hường vẫn chưa thể nào nhập hộ khẩu, dù đã nhiều lần nộp đơn xin. Nhưng không vì sự bấp bênh đi - ở ấy, mà Soeur ngưng làm việc, xây dựng những dự án lâu dài: chuyện làm măng khô, chuối khô (từ đó có người gọi đùa Soeur là "cùi khô" hay "Soeur khô" ), là để có nuôi những bệnh nhân phong trước mắt, để chờ những kế hoạch trung hạn như làm nước mắm, mà Soeur lấy "nước nhất" đem bỏ chợ, còn lại "nước nhì" thì pha thêm màu mè, bột ngọt, tương ớt và đóng chai phân phát, để các gia đình bệnh phong có ăn, mà Soeur vẫn còn vốn để làm tiếp. Nhưng Soeur luôn nhắm tới phát triển lâu dài và bền vững, bằng trồng cây ăn trái và chăn nuôi.

Ban đầu, rẫy dứa ( thơm ) của Soeur rất tốt và hứa hẹn vụ thu hoạch hấp dẫn, nhưng giá dứa cứ xuống mãi, đến mức không còn đủ công để thu hoạch ( có khi 400 - 500 đồng / trái = 3 cents đồng đô-la cũng như đồng Euro ! ) Soeur phải hủy tất cả và can đảm trồng lại cây ăn trái ( nhãn, chuối v. v... ), mà nay đã cho thu hoạch rất đáng lạc quan.

Nhưng kế hoạch lâu dài của Soeur vẫn là chăn nuôi: hàng trăm con gà thịt tam hoàng và hàng trăm gà siêu trứng, chẳng những là nguồn thu nhập vững vàng cho Soeur, mà còn để Soeur có thể nấu thành món, thành cháo, thành phở hoặc bán đi mua quà, mua gạo, mua thực phẩm giúp cho Trại Phong của Nhà Nước ( hơn 200 bệnh nhân, bằng con số bệnh nhân "của" Soeur ), giúp cho những ngày lễ với giá cơm hộp, cơm dĩa ăn no chỉ 1.000 - 1.500 đồng ( 7 - 10 cents, tất nhiên Soeur phải "bù lỗ" ), giúp cho các cháu cô nhi Vinh-sơn 1 và 2, giúp cho nhiều người nghèo đói và làm nhiều công trình, mà xem như có vẽ tự chuốc lấy phiền nhiễu, tốn kém, mỏi mệt và chỉ có thể cắt nghĩa được bằng bề dày cuộc đời tận hiến cho Chúa và tha nhân, nhất là cho những bệnh nhân phong bất hạnh.

 Cầm trong tay lá đơn của Yao Phu làng Ðăk Dring, ông Gio-an Nue, mà Soeur trao cho, tôi chưa hết ngạc nhiên, thì Soeur Marguerite đã nói: "Tôi cầm theo đây, vì ông ta trao cho tôi ngay khi xe sắp chuyển bánh. Tôi không dám làm phiền ai hết và tôi sẽ giúp họ thực hiện các điều trong đơn: làm lại một Nhà Nguyện để có chỗ xứng đáng đặt Mình Thánh Chúa, nguồn an ủi duy nhất của 65 bệnh nhân phong, trên tổng số 173 dân làng Ðăk Dring, một làng ở cách trung tâm thị xã Kontum hơn 70 cây số về hướng Tây-tây-Nam, qua bên kia Ðăktô. Soeur đã bỏ tiền ra xây một nhà rông khang trang, mong có nơi cho anh em đến cử hành nghi thức phụng vụ mỗi tuần, và nhất là đón Mình Thánh Chúa ngự lại, hiện diện giữa con cái tật bệnh. Nhưng người ta đã cấm đoán và không cho sử dụng. Nay phải xây ghép áp vào nhà Yao Phu Gio-an Nue, nhỏ thôi, như một cái lều, nhưng phải đủ chắc chắn và trang nghiêm để xin cha phụ trách người Công Giáo Sê-đăng cho đón Mình Thánh Chúa vào Nhà Tạm.

Nhìn những hàng chữ số ghi diện tích ngôi Nhà Nguyện tương lai, tôi thấy buồn cười và cảm động: 3 mét rộng và 6 mét dài, nhỏ hơn một phòng khách bình thường của một nhà bình thường. NHƯNG ÐỐI VỚI ANH EM, THÌ ÐÃ LÀ MƠ ƯỚC QUÁ CAO SANG.

Tôi thầm nghĩ: chắc chắn Chúa sẽ ưa thích đến và cư ngụ nơi này, trong ngôi Nhà Nguyện không tới 300 đô-la, giữa đám con cái chịu hiều thử thách tinh thần và thể xác, nhưng vô cùng kiên trung của Người, hơn là những Thánh Ðường lộng lẫy nguy nga hàng tỷ đồng, mà nơi đó rất ít tâm tình thờ phượng, ngoài tiếng kêu xin và oán trách Chúa của những kẻ no đủ và lành lặn. Soeur Marguerite hiểu được khao khát và suy nghĩ của họ, cho nên bà nhất quyết sẽ thực hiện.

Kế đến là chiếc cối xay do cha Oanh Sông Lam tặng dân làng đã sử dụng liên tục hơn 10 năm qua. Máy nổ vẫn còn tốt, nhưng cối thì bị hư hại nặng, chắp vá quá nhiều lần. Họ không còn đôi tay lành lặn để giả gạo. Nhưng ÐỐI VỚI HỌ, cái cối xay chưa đến 150 đô-la VẪN CHỈ LÀ ƯỚC MƠ. Soeur hứa sẽ tìm giúp cho họ. Cái thứ ba họ ghi trong đơn, mà câu kết khiến mắt tôi cay xè: "Vậy làng chúng con mong Sơ giúp được gì thì chúng con cảm ơn vậy".

Cả làng được cho hai máy cày tay, mà phải gọi đúng là "những đôi tay và đôi chân " của cả làng, nhất là những anh em bị bệnh lấy mất bàn chân, bàn tay: chuyên chở lúa, bắp, khoai sắn làm ra; chuyên chở phân gia súc để chăm bón. Do hằng ngày sử dụng, trong điều kiện đường sá gồ ghề, cho nên hư hao khá nhiều và máy móc đã qúa cũ kỷ. Họ không mơ máy mới, mà chỉ mong có vài triệu bạc ( khoảng 150 đô-la ), để làm máy lại, sửa sang lốp láp, hàn vá thùng xe. Kế đến, cái ao chung rộng 3. 000 mét vuông là cái cần câu cho cá ăn cả làng. Qua nhiều mùa mưa bão, đất bên bờ bị xói mòn, sụp đổ và đất bùn từ ngoài tràn vào, làm hồ cạn trơ. Nay ước mong có tiền để tu sữa, mà thả cá lại.

Ước ao cuối cùng, tôi nghĩ là anh em đã phải cảm thấy họ quá "liều lĩnh", "táo bạo" và có lẽ đã bàn cãi sôi nỗi rất nhiều trước khi viết ra đơn và ngay lá đơn phần đầu và phần cuối viết rất sạch, thì phần trình bày xin MỘT CHIẾC GẮN MÁY lại bị bôi xóa đến ba bốn chỗ. Họ ở quá xa thị xã, xa các trung tâm buôn bán như Ðăktô, Tân Cảnh, Ngọc Hồi, v.v... nhưng cũng rất xa các trung tâm y tế. Khi hữu sự có trường hợp cấp cứu, không làm sao giải quyết kịp thời được. Họ đâu còn lành lặn và khoẻ mạnh để khiêng võng đi xa. Chiếc xe còn giúp họ phương tiện đi rước Mình Thánh Chúa hàng tuần, hoặc đi mua xăng dầu, mua sắm những thứ dân làng cần cho nhu cầu tối thiểu.

HỌ VIẾT LÊN AO ƯỚC, nhưng nó quá cao xa, cho nên mới lập lại: "được Sơ giúp gì, thì chúng con vẫn cảm ơn vậy. Hình như hiểu tôi định hỏi về điều này, người Nữ Tu cười rất rạng rỡ và nói: "Nay chưa được, nhưng rất hợp lý và chính đáng, cho nên tôi sẽ cố gắng để có tiền giúp cho anh em". Giọng nói bình thản và tự tin. Không phải tự kiêu, trái lại như một lời xin lỗi, như một sự áy náy, vì khả năng chưa cho phép Soeur thực hiện nhiều dự tính, nhiều ước mơ CỦA CHÍNH SOEUR, nói gì đến những ước mong và đề nghị của những anh em con cháu của Soeur, nhưng lại biết rằng mình sẽ phải giúp biến những ước mơ ấy của họ thành hiện thực.

 Có quá chăng, khi ngay từ đầu tôi đã muốn gọi Người Nữ Tu Dòng Phao-lô thấp đậm và cao tuổi này là "Mẹ và Thầy" của bệnh nhân phong cùi ? - Tôi nghĩ rằng với vai trò "lãnh đạo", hướng dẫn trong mọi việc, mà trên hết là cho mọi người thấy gương phục vụ, gương phó thác tin cậy nơi Chúa, gương bác ái yêu thương hiện thân của Chúa Ki-tôâ Giê-su, Soeur là MỘT NGƯỜI THẦY. Với tấm lòng bao bọc, chở che, lo từng miếng ăn, quên mình vì con cái, đó là tâm tình và tính cách của MỘT NGƯỜI MẸ.

Tôi thấy Giáo Phận Kontum may mắn có được một Nữ Tu đến dâng hiến phục vụ như Soeur Marguerite Hường: không hình thức kiểu cách, không nặng nề xơ cứng "giáo điều", không đòi hỏi phương tiện làm việc, không chờ đợi sự hổ trợ vật chất của bề trên hoặc người khác, dám nghĩ và dám làm, biết rằng những việc mình làm là vì người khác, vì những người bệnh bất hạnh, tìm an ủi người, tìm yêu mến người, hiến thân phục vụ không điều kiện và vô vị lợi. TẤT CẢ HÀNH TRANG CỦA MỘT TÔNG ÐỒ.

Tôi viết những giòng chữ này không nhằm tôn vinh người Nữ Tu nhân hậu này, hình ảnh của một Mẹ Tê-rê-xa Calcutta, cho bằng vì tôi cảm thấy nợ người Nữ Tu này một lời cám ơn, cũng có thể là một lời xin lỗi: trong cuộc sống lo toan sinh kế và nhiều toan tính hơn thiệt này, nhất là khi phải dấn thân vào việc tông đồ nho nhỏ, tôi, chúng tôi, chúng ta, còn lo nghĩ về mình, cho mình quá nhiều, cho đi quá ít, vậy mà trong khi cho, vẫn so đo nhìn ngó, sợ dư luận hoặc tìm hư danh.

Cám ơn Soeur Marguerite Hường. Cám ơn vì đã chọn phục vụ đúng nơi, đúng việc, vì bao nhiêu gương lành, bao nhiêu an ủi, bao nhiêu lợi ích tâm hồn và thể xác mà Soeur đã đem đến, đã ban phát cho người những bệnh nhân phong cùi, để qua bàn tay của Soeur, anh em bệnh nhân tật nguyền, bất hạnh cảm nhận được bàn tay nhân lành ủi an của Chúa đã gửi Soeur đến với họ thay Người. Tôi không cầu xin Chúa trả công cho Soeur, vì đó vừa là điều đương nhiên, song lại không phải ý nguyện của Soeur, bởi vì đâu phải phục vụ để được tính công, trả ơn, dù ơn ấy là từ Chúa Trời mà Soeur tôn thờ yêu mến. Tôi chỉ cầu chúc Soeur dồi dào sức khoẻ, được bình an, hạnh phúc và nhiều, rất nhiều niềm vui trong việc hiến thân phục vụ Chúa và anh em.

NGUYỄN THẾ BÀI, Nha Trang, 7. 2002

THÔNG TIN:

CÁC KHOẢN TIỀN CÁC ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Một nhóm giáo sư ( Sài-gòn ) giúp 5 học bổng trọn năm cấp 3 cho 5 em học sinh nghèo ........................................................  2.500.000 VND

- Một ân nhân ( Hoa Kỳ ) qua cha Uông Quang Lượng, DCCT, giúp mua gạo cứu đói cho Buôn Hoà ....................................................  300 USD

- Một Linh Mục ẩn danh ( Việt Nam ) giúp người nghèo ......................................................................................  500.000 VNDs

CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG AN THỚI ÐÔNG" CHO 12 EM

Chương trình này đã được mở ra từ tháng 9.2001 cho đến nay. Gospelnet xin tiếp tục trợ giúp cho 12 em học sinh nghèo tại điểm truyền giáo An Thới Ðông thuộc huyện Cần Giờ, do cha Hoàng Minh Ðức, DCCT, phụ trách. Số tiền tổng cộng: 600.000 VND cho tháng 9.2002.

CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG PLEICHUET" CHO 3 EM DÂN TỘC

Thầy Phó Tế Nguyễn Ðức Thịnh, DCCT, giới thiệu 3 em học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn, người dân tộc J’rai của Giáo Ðiểm Pleichuet do cha Vương Ðình Tài, DCCT, phụ trách, thuộc Giáo Phận Kontum. Trước đây, tính tới Gospelnet số 69, chúng tôi đã trợ giúp cho 3 em hai đợt gồm tất cả là 7 tháng, kể từ tháng 3 đến hết tháng 9.2002. Nay xin tiếp tục trợ giúp các em 3 tháng, kể từ tháng 10 đến hết tháng 12.2002. Tổng cộng: 3 em x 50.000 VND x 3 tháng = 450.000 VND. Danh sách các em gồm: 01. KSOR DÌU, vừa lên lớp 10. 02. H’DUIN, lvừa lên ớp 10. 03. RAHLAN KHIÊM, ôn thi đại học cho năm sau.

HỌC BỔNG CHO HAI HỌC SINH NGHÈO

Sr. Nguyễn Thị Thu, dòng Ða-minh Rosa Lima, giới thiệu 2 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: NGUYỄN NGỌC HOÀNGNGUYỄN NGỌC PHƯỚC. Gospelnet đã trợ giúp đợt một trong 6 tháng, từ tháng 2 đến hết tháng 7.2002, tổng cộng: 600.000 VND, nay xin tiếp tục trợ giúp 4 tháng, từ tháng 9 đến hết tháng 12.2002, tổng cộng: 400.000 VND.

CHƯƠNG TRÌNH TRỠ GIÚP HỌC SINH VÀ CỨU ÐÓI CHO BUÔN HỒ

Cha Nguyễn Ðình Chung, Giáo Xứ Buôn Hồ, Giáo Phận Ban Mê Thuật, có gửi cho Gospelnet một lá thư đề ngày 7.9.2002 như sau:

"Vừa qua, qua anh Hoàng, con được biết cha đang phụ trách Quỹ Từ Thiện Gospelnet, con mạo muội viết thư này xin trình bày với cha. Giáo Xứ Buôn Hồ con đang phụ trách cách thành phố Ban Mê Thuật 40 km về hướng Bắc. Giáo Xứ có chiều dài từ km số 35 đến km số 110, giáp với Gia Lai và Pleiku. Ðời sống dân chúng tùy thuộc vào cây cà-phê. Nhưng những năm vừa qua, giá cả quá rẻ, lại mất mùa, kinh tế rất khó khăn, nếu không muốn nói là đói kém, đặc biệt là đồng bào Giáo Dân Ê-đê, Sê-đăng. Nhiều lúc con cảm thấy mình bất lực trước khó khăn đói khổ của bổn đạo. Nếu có thể được, kính xin Gospelnet giúp con, giúp anh chị em Giáo Dân Buôn Hồ vượt qua cơn khủng hoảng này để họ có thể có gạo ăn chờ đến mùa cà-phê. Con cũng xin giúp đỡ các cháu học sinh có tập vở kịp năm học mới. Cụ thể, xin giúp: 2.000 cuốn vở x 1.500 VND = 3.000.000 VND và 30 Kg gạo x 80 gia đình x 3.300 VND = 7.920.000 VND. Tổng cộng: gần tròn 11.000.000 VND. Con xin hết lòng cám ơn cha và Quỹ Gospelnet. Lm. Nguyễn Ðình Chung, Ðiện thoại: 050.872.395"

Gospelnet đã mở lời kêu gọi này đến cha Uông Quang Lượng, DCCT ở Hoa Kỳ, và mới nhận được hồi âm của cha: một giáo dân quen biết với cha đã nhận lời gửi về chia sẻ 300 USD ( hơn 4.500.000 VND ) vào dịp cuối tháng 9 đầu tháng 10.2002. Chúng tôi rất mong quý độc giả gần xa cùng chia sẻ thêm để có đủ số tiền 11.000.000 VND trợ giúp cho Giáo Xứ Buôn Hồ.