TIN
MỪNG: Mt 18, 15 - 20:
"Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy
đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì
anh đã được món lợi là người anh em của mình. Còn nếu nó không chịu
nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được
giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân Nếu nó không nghe
họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng không nghe,
thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. Thày bảo
thật anh em: dưới đất anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng
cầm buộc như vậy; dưới đất anh em tháo cởi những điều gì, trên trời
cũng tháo cởi như vậy. Thày còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất hai
người trong anh em hợp cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thày Ðấng ngự
trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh
Thày thì có Thày ở đấy, giữa họ. "
SUY NIỆM 1:
SỬA LỖI ANH EM
Con người ai cũng có lầm
lỗi. Vậy mà thái độ ứng xử trước lầm lỗi của người khác lại
không giản đơn. Ðối với lỗi lầm của người khác, ta thường có hai
thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm.
Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ
khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư,
sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả
mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho xã hội suy thoái.
Giáo hội là một cộng đoàn
những con người. Lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Vì thế muốn cộng
đoàn phát triển, việc sửa lỗi là cần thiết, nhất là đối với những
lầm lỗi công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn.
Tuy nhiên sửa lỗi là việc
khó. Không khéo thì lợi bất cập hại. Lời Chúa hôm nay đưa ra những
hướng dẫn cần thiết giúp việc sửa lỗi có kết quả.
Muốn sửa lỗi phải quan
tâm. Chúa nói : "Khi anh
em ngươi sai lỗi". Vâng, người sai lỗi đó không phải ai xa lạ.
Ðó là anh em tôi, là người nhà của tôi, là một thành phần của đời
tôi. Nếu lầm lỗi giống như một cơn bệnh, làm sao tôi không lo lắng
chạy chữa cho người thân, nhất là cho chính bản thân khi bị mắc bệnh
? Nếu lầm lỗi giống như mất mát người thân, làm sao tôi không đau
xót lên đường đi tìm ngay tức khắc ?
Muốn sửa lỗi cần can
đảm. Càng ngày người ta càng muốn tránh đụng chạm, mích lòng.
Dại gì nói những chuyện không vui để mua thù chuốc oán vào thân. Vì
thế, để sửa lỗi, cần phải can đảm. Can đảm đến với người lầm lỗi.
Can đảm nói sự thật về lỗi lầm của họ. Can đảm chấp nhận những
rủi ro do việc sửa lỗi đưa đến như sự giận ghét, sự công kích, chấp
nhận bị phê bình ngược lại.
Muốn sửa lỗi phải trân
trọng. Trân trọng vì người lầm lỗi đó là người anh em tôi,
là đáng quí trọng đối với tôi. Trân trọng vì người anh em tuy có lầm
lỗi, vẫn có khả năng sửa đổi. Sửa lỗi là tin vào thiện chí, vào
mầm mống tốt đẹp Chúa gieo vào lương tâm mỗi người. Sự khinh miệt,
lên mặt kẻ cả sẽ chỉ chuốc lấy thất bại.
Muốn sửa lỗi phải rất tế
nhị. Tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh. Vừa đầy tự ái vừa
đầy mặc cảm. Một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một thái
độ vô tình sẽ càng khơi thêm hố ngăn cách. Vì thế Chúa dạy tôi
phải rất tế nhị khi sửa lỗi. Thoạt tiên chỉ gặp riêng một mình. Gặp
riêng là một thái độ tế nhị. Sự tế nhị tạo nên cảm giác an toàn,
kính trọng và yêu thương. Sự tế nhị tạo ra một bầu khí tín nhiệm
thuận lợi cho việc cởi mở tâm tình, khai thông bế tắc. Sự tế nhị sẽ
trở thành chiếc cầu đưa người lầm lỗi trở về cộng đoàn.
Sau cùng, muốn sửa lỗi phải kiên
trì. Việc sửa lỗi không giản đơn. Không phải làm một lần là
thành công ngay. Vì thế phải rất kiên trì và có nhiều phương án.
Kiên trì để vẫn tiếp tục dù đã một lần thất bại. Có nhiều phương
án để cương quyết đi đến thành công. Hôm nay Chúa đưa ra cho ta ba
phương án để chinh phục người anh em : Gặp riêng, gặp có người làm
chứng và sau cùng mới đưa ra cộng đoàn.
Như thế, việc sửa lỗi hoàn
toàn là một việc làm được thúc đẩy do tình yêu. Chính bầu khí tin
yêu đó sẽ khiến cộng đoàn phát triển. Ai cũng mong được sống trong
một cộng đoàn yêu thương như thế. Vì khi lầm lỡ ta biết mình không bị
loại trừ nhưng sẽ được quan tâm giúp đỡ, một sự giúp đỡ chân
thành, tế nhị và đầy yêu thương.
Lạy Chúa, xin ban cho con tâm
hồn bác ái đầy tế nhị của Chúa.
SUY NIỆM 2:
Một
lần Thánh Phê-rô, vị Tông Ðồ trưởng, người được đánh giá là bộc
trực, nóng tính, nhát gan nhưng cũng co lúc tỏ ra can trường, đã hỏi Chúa
Giê-su: "Lạy Thầy khi anh em con lỗi phạm tới con, con phải tha thứ
đến mấy lần ?" Chúa Giê-su trả lời ông rằng: "Phải tha đến
bảy mươi lần bảy". Khi Chúa nói với Phê-rô, đại diện nhóm 12 tha
thứ tới bảy mươi lần bảy, Người muốn nhấn mạnh giới răn mới của
đạo Ngài sáng lập: Ðạo tình thương. Tha thứ mãi mãi và tha thứ không
ngừng.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mọi người sống chân lý ngàn đời
của Ðạo Tình Thương: Sửa lỗi anh em để họ có cơ hội vươn tiến, trở
lại và tha thứ cho anh em để họ nghiệm ra được cốt lõi của Ðạo
Ki-tô là Ðạo tình thương.
Chúa
dạy các môn đệ và mọi người: "Nếu người anh em của anh trót phạm
tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi" ( Mt
18, 15 ). Chúa Giê-su đem ra một giáo huấn, một con đường để nhóm môn
đệ của Ngài và nhân loại hiểu rõ rằng: con đường của Chúa khác
với sự suy nghĩ của loài người. "Ôi thẩm sâu thay ý nhiệm mầu
của Chúa. Ðường lối của Ngài nào ai có thể dõi theo, tâm tư của
Ngài nào ai dò thấu..." Thánh Phao-lô đã nói lên mầu nhiệm cao
sâu của Chúa. Ðưa ra một đường hướng, một lối đi, một cách giải
quyết một vấn đề, Chúa Giê-su làm nổi bật gương và mẫu của một
cộng đoàn tình thương. Cộng đoàn này dựa trên căn bản của cộng đoàn
tiên khởi mà Sách Tông Ðồ Công Vụ đã đề cập tới trong đoạn 2, 42 -
47.
Cộng đoànn
yêu thương, hiệp nhất, coi mọi sự là của chung, một cộng đoàn chia
sẻ và cầu nguyện. Chúa nói nơi đâu có hai ba người hội họp nhân
danh Người thì Người hiện diện. Chúa có mặt, Chúa hiện diện nơi cộng
đoàn, mọi sự sẽ được giải quyết êm đẹp và tươi thắm. Cộng đoàn
hiệp nhất, yêu thương là cộng đoàn làm theo lối Chúa chỉ dạy. Chúa
đã đưa ra giáo huấn về việc sửa lỗi anh em: trước là sửa lỗi một
mìn: mình và người lỗi phạm, sau nhờ cộng đoàn, rồi cuối cùng không
được mới dùng tới phán quyết của người làm đầu cộng đoàn...
Ðành
rằng con người có thể nại vào lời của Chúa như: "Ðừng xét đoán
anh em "( Mt 7, 1 ) hoặc: " Ðấng xét xử tôi, chính là Chúa" ( 1 Cr
4, 4 ) để từ chối, khước từ việc giúp anh em sửa lỗi. Nhưng, nếu con
người, nếu mọi Ki-tô hữu trong Giáo Hội hiểu rõi rằng Chúa hiện
diện thì trách nhiệm giúp anh em phạm lỗi nhận ra sự yếu hèn của
mình để quay lại, để sửa chữa, để can đảm nhận lỗi mình mà thống
hối, ăn năn, cải tà qui chính, là điều cần phải làm và bắt buộc
phải làm.
Cũng
như Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en trong bài đọc I: phải can đảm, can thiệp khi
anh em trong cộng đoàn phạm lỗi. Làm ngơ hoàn toàn với sai lỗi của
anh em là lãnh đạm, là vô trách nhiệm với anh em khi họ là thân thể
của mầu nhiệm Ðức Ki-tô. Tự vì, cái đích con người muốn nhắm tới là
giúp anh em nên thiện hảo, giúp anh em trở lại đường ngay: "Nếu nó
chịu nghe, tức là đã chinh phục được rồi". Chúa trao quyền xét xử
trói hoặc buộc cho Phê-rô ( Mt 16, 18 ). Quyền đó nay được trao lại
cho mỗi cộng đoàn, nghĩa là trao lại cho Giáo Hội, Giáo Phận, Giáo
Xứ và địa phương.
Tin
tưởng có Chúa hiện diện trong cộng đoàn như lời Chúa nói: Ta ở giữa
họ. Chúa hiện diện trong cộng đoàn sẽ thúc đẩy con người hiểu nhau,
cảm thông, chinh phục lẫn nhau, nhờ đó anh em dễ cởi trói cho nhau.
Chúa vẫn khuyến khích hai ba người tụ họp nhân danh Ngài mà cầu
nguyện vì trong lời cầu nguyện, con người dễ hiểu nhau, dễ tha thứ cho
nhau hơn. Trong sự hiệp thông, đồng tâm nhất trí hợp lời cầu xin,
Chúa sẽ ban cho con người những điều thiện hảo và qua đó, con người
sẽ cảm thấy mình được yêu thương, họ dễ được cải hóa.
Tình
yêu thương là nét nổi bật trong cộng đoàn ( bài đọc 2 ). Sống trong
tình yêu, con người sẽ dễ lắng nghe lời Chúa ( đáp ca ) và khi lắng
nghe lời Chúa, cảm nghiệm và suy nghĩ, người ta sẽ dễ chấp nhận nhau,
dễ tha thứ cho nhau vì yêu người sẽ gặp Chúa và ngược lại. Thiên
Chúa là tình yêu. Sống trong tình yêu, con người sẽ tìm thấy sự thật.
Sự thật phát xuất tự nơi Chúa. Chúa là chân lý vì Ngài là
tình yêu. Tình yêu trong mầu nhiệm Chúa Ki-tô vượt trên mọi lề luật
và ngăn ngừa mọi lầm lỗi của con người. Người ta có thể nói mà
không sợ quá lời là ách tình yêu thì êm ái, gánh tình yêu thì nhẹ
nhàng. Chúa mời gọi người Ki-tô hữu sống chân tình, yêu thương, chia
sẻ và hiệp nhất. Bàn tiệc Thánh Thể sẽ làm cho mọi người có lòng
tin trở nên hiệp nhất và gần gũi nhau. Ðó là mầu nhiệm của Ðạo
tình thương. Mầu nhiệm của Giáo Hội Chúa Ki-tô ở trần gian này.
Lm.
NGUYỄN HƯNG LỠI, DCCT, Giáo Phận Ðà Lạt
SUY NIỆM
3:
1. KI-TÔ GIÁO NÓI
GÌ VỀ TÌNH LIÊN ÐỚI CỦA NGƯỜI KI-TÔ HỮU VỚI THẾ GIỚI VÀ CON NGƯỜI ?
Trong các cửa hàng thủ công mỹ nghệ, chúng ta
thường thấy hình ba con khỉ: một con hai tay bịt mắt, một con hai tay bịt
tai, một con hai tay bịt miệng. Ba con khỉ ấy là hình ảnh của một cách
sống mà không ít người thời nay chủ trương. Ðó là cách sống "mũ ni che tai" tức "không thấy, không nghe, không nói". Không
ít người cho rằng sống như thế là khôn ( ! ) vì tránh được rất nhiều
phiền toái trong xã hội. Cách sống ấy cũng gần với chủ thuyết "mac-kê-nô" ( mặc kệ nó ) mà báo
Tuổi Trẻ đã có lần lên án. Sống kiểu "mac-kê-nô" là sống không biết tới ai khác ngoài bản
thân mình, là không quan tâm tới người chung quanh, có chuyện gì xẩy
ra cho họ thì mặc kệ họ, không việc gì ta phải dúng tay vào. Cách
sống "mũ ni che tai", "không thấy, không nghe, không nói" hoặc
"ma-kê-nô" không phải là cách sống mà Lời Chúa trong Sách Ngôn
Sứ Ê-dê-ki-en và trong Tin Mừng Mát-thêu muốn dạy chúng ta hôm nay.
Theo tinh thần Ki-tô giáo, thì mọi ki-tô hữu đều
tham dự vào chức vụ Ngôn Sứ của Ðức Giê-su Ki-tô. Cũng theo tinh
thần Ki-tô giáo thì mỗi người là anh em chị em với nhau, có trách
nhiệm liên đới chặt chẽ và sâu sắc với nhau. Công đồng Va-ti-ca-nô
II đã long trọng xác định tình liên đới ấy trong lời mở đầu Hiến Chế
Mục Vụ Giáo Hội Trong Thế Giới ngày nay tức Hiến Chế Vui Mừng Và Hy
Vọng: "Vui mừng và hy vọng, ưu
sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và
những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của
các môn đệ Chúa Ki-tô, và không có gì thực sự là của con người mà
lại không gieo âm hưởng trong lòng họ".
2. SỬA LỖI CHO NHAU: MỘT CÔNG VIỆC KHÓ KHĂN VÀ TẾ NHỊ NHƯNG
HẾT SỨC CẦN THIẾT VÀ HỮU ÍCH CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA MỘT CỘNG ÐOÀN
?
Ðể thể hiện tình liên đới mật thiết ấy thì giữa
những người cùng sống trong một cộng đồng là trách nhiệm góp ý và
sửa lỗi cho nhau để mọi người trở nên hoàn hảo hơn. Là người thì
chẳng ai là thành hoàn. Không có khuyết điểm này thì cũng có khuyết
điểm khác. Nên việc tu luyện và sửa chữa là hết sức cần thiết. Vả
lại nhiều khi "việc người khác thì sáng mà việc nhà lại tối" nên
cần có sự soi sáng và góp ý của những người chung quanh. Hơn nữa
nhiều khi một mình chúng ta không đủ dũng cảm và quyết liệt với bản
thân trong việc nhìn nhận và sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm của
mình, nên sự góp ý chân thành và khách quan của anh chị em là hết
sức hữu ích và cần thiết.
3. NGƯỜI MUỐN
GÓP Ý VÀ SỬA LỖI ANH EM CẦN CÓ NHỮNG ÐIỀU KIỆN GÌ ?
Người muốn góp ý và sửa lỗi anh em cần có 4 điều
kiện sau đây:
Lòng khiêm nhường: là điều kiện đầu tiên. Vì thấy anh em sai sót,
không có nghĩa là chúng ta hoàn hảo, thánh thiện hơn họ. Hãy coi
chừng kẻo chúng ta "thấy cái
dằm trong mắt anh em mà không
thấy cái đà trong mắt mình" Hãy coi chừng tính kiêu căng khiến
chúng ta mù quáng và tự mãn một cách nguy hại.
Lòng yêu thương và
quý trọng: là điều kiện thứ hai. Vì yêu
thương là muốn điều tốt, điều thiện cho anh em. Việc góp ý và sửa
lỗi anh em là việc hết sức tế nhị và chỉ đạt kết quả nếu chúng ta
thực sự yêu thương và quý trọng người mà chúng ta muốn góp ý và
sửa lỗi.
Lòng dũng cảm và vô
vị lợi: là điều kiện thứ ba. Có lòng
dũng cảm và vô vị lợi chúng ta mới vượt thắng được tính cả nể và
sự ngần ngại làm mất lòng người mà chúng ta muốn góp ý và sửa
lỗi. Có nhiều người không có cơ may thay đổi cách sống, chỉ vì không
được những người thân cận mạnh dạn góp ý và sửa lỗi cho họ, nên
họ cứ tưởng là mình đã hoàn hảo rồi, không cần phải thay đổi chi
cả!
Nghệ thuật góp ý
sửa lỗi: là điều kiện thứ bốn. Không
phải góp ý và sửa lỗi bằng bất cứ cách nào, với bất cứ ngôn từ
nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trái lại cả là một nghệ thuật
chọn nơi, chọn lúc, chọn lời, chọn cách để góp ý và sửa lỗi anh em
! Có thế thì thiện ý của chúng ta mới được đón nhận và có hiệu
quả.
4. NGƯỜI MUỐN
ÐƯỠC ANH EM GÓP Ý VÀ SỬA LỖI CẦN CÓ NHỮNG ÐIỀU KIỆN GÌ ?
Ngoài sự khiêm nhường, tình yêu thương, lòng dũng
cảm của người muốn góp ý và sửa lỗi anh em, người muốn được anh em
góp ý và sửa lỗi còn cần có một điều kiện khác: Ðó là tinh thần phục thiện! Ðây là điều kiện hết sức quan trọng, không thể
không có, cũng giống như ba điều kiện kia. Vì chưng lòng tự ái và
kiêu căng trong chúng ta có thể đóng chặt cửa trái tim chúng ta lại,
khiến chúng ta không đón nhận được những góp ý và sửa lỗi lành
mạnh mà chúng ta rất cần, để hoàn thiện bản thân.
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, tự bản chất, chúng con
chỉ là những con người bất toàn. Nhưng chúng con được Chúa mời gọi
trở nên hoàn thiện như Cha của chúng con ở trên trời là Ðấng hoàn
thiện. Chúng con cũng được Chúa mời gọi sống tình liên đới mật
thiết với nhau trong quá trình trở nên hoàn thiện. Muốn đáp lại lời
mời gọi của Chúa, chẳng những chúng con cần tu luyện bản thân một
cách liên tục và kiên trì, mà chúng con còn cần được anh em góp ý
và sửa lỗi cho chúng con, cũng như chúng con có trách nhiệm góp ý
và sửa lỗi cho anh em.
Thế nhưng hai việc này đều hết sức tế nhị và
khó khăn, vì chúng đi ngược lại lòng tự ái và tính kiêu căng bám
rễ sâu trong tâm hồn chúng con. Xin Chúa giúp chúng con mỗi ngày mỗi
thay đổi trong suy nghĩ và hành động: để chúng con khiêm nhường, yêu
thương, dũng cảm, vô vị lợi, tinh tế và phục thiện hơn trong mối tương
quan với anh em đồng loại, nhất là với các thành viên cùng cộng
đoàn của chúng con. A-men.
SUY NIỆM 4:
Có 3 ý chính trong bài Tin Mừng hôm nay như
sau:
- Việc
góp ý sửa lỗi cho nhau trong cộng đoàn.
- Việc thi hành quyền bính trong Hội Thánh.
- Việc hiệp ý cầu
nguyện chung với nhau.
Thoạt tiên chúng ta có thể ngỡ rằng 3 ý này không có gì
ăn nhập với nhau. Thế nhưng, xuyên qua 3 lời giáo huấn ấy, Chúa
Giê-su muốn đề cập đến đời sống hiệp thông yêu thương trong
cộng đoàn, hay nói một cách gần gũi hơn, đó là đời sống một
gia đình, gia đình Hội Thánh là cộng đoàn Ðức Tin, và cả gia đình là
cộng đoàn ruột thịt máu mủ của mỗi người chúng ta, bởi vì tất cả
đều đặt trên nền tảng: mọi người đều là con của Chúa Cha, em của
Chúa Giê-su và là anh chị em của nhau trong sự liên kết yêu thương
của Chúa Thánh Thần. Nên nhớ, gia đình chính là Hội Thánh tại gia,
và chính các gia đình Ki-tô hữu làm nên Hội Thánh.
Cùng đọc với niềm cảm nhận sâu xa ấy, chúng ta nhận ra
đoạn Lời Chúa hôm nay là một Tin Mừng thật sự, một Tin
Vui, một Tin Tốt Lành cho chúng ta, một Tin
đem lại sức sống dồi dào ngay giữa lòng đời đầy những Tin
Buồn chia rẽ, loại trừ, xâu xé, hận thù và giết hại lẫn nhau. Rõ
ràng chúng ta không cô đơn, không lẻ loi, nhưng được mời gọi gắn bó,
đùm bọc với nhau trong yêu thương. Chúng ta luôn có một cộng đoàn,
luôn sống trong một mái ấm gia đình.
1. VIỆC
GÓP Ý SỬA LỖI CHO NHAU:
Ai cũng có lòng tự trọng, nhưng lòng tự trọng lại có mặt
trái của nó là sự tự ái. Góp ý phê bình người khác mà không khéo
léo tế nhị thì rất dễ đẩy người ấy vào thái độ chống đối, ngoan
cố, nóng giận, có khi còn trả đũa gay gắt và để bụng hằn thù mãi
mãi. Ngược lại, người khéo ăn khéo nói thì biết cách lựa lời sao
cho lọt lỗ tai, sao cho vừa bụng người được góp ý. Ðược thế, người
ta bảo là đắc nhân tâm.
Ðó là lẽ thường tình ở đời. Nhưng với cộng
đoàn Ki-tô hữu, Ðức Giê-su mời gọi chúng ta vượt lên trên cả sự
khéo léo đắc nhân tâm về phía người góp ý, vượt lên trên cả sự
tự giác khôn ngoan về phía người được góp ý. Ðức Giê-su muốn nói
đến tình yêu thương trong cộng đoàn Hội Thánh, và trong chính mỗi gia
đình Ki-tô hữu chúng ta.
Thấy
người anh em trong cộng đoàn của chúng ta phạm lỗi lầm mà không dám
góp ý sửa lỗi, chính là đã thiếu mất sự liên đới yêu thương đối
với người ấy. Một cộng đoàn như thế không còn là cộng đoàn nữa,
nhưng chỉ là một nhóm người sống chung trong một thứ nhà trọ cho qua
ngày. Mà một khi đã góp ý sửa lỗi người khác, nhưng lại không dựa
trên lòng yêu thương thật sự, không có sự kiên trì nhẫn nại, còn
nước còn tát bằng đủ mọi cách, thì cũng bằng vô ích. Ðức Giê-su
dặn dò:
"Nếu người anh em của anh
trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà
thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em
của mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai
người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai
hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh.
Nếu Hội Thánh mà nó cũng không nghe, thì hãy kể nó như một người
ngoại hay một người thu thuế..."
Vậy, việc sửa lỗi góp ý cho nhau trong cộng đoàn, trong gia
đình, đòi hỏi trên hết là một tấm lòng yêu thương vị
tha.
2. VIỆC THI HÀNH QUYỀN BÍNH TRONG CỘNG
ÐOÀN HỘI THÁNH:
Người đời thường
mỉa mai thói quan liêu hống hách đối với những người dân thấp cổ bé
miệng những kẻ có chức có quyền, rằng họ có "quyền" chỉ để "hành"
người khác.
Cộng đoàn Hội Thánh cũng đòi hỏi phải
có một phẩm trật đi kèm với quyền bính, có trên có dưới, có người
lãnh đạo, có người thừa hành. Thế nhưng mối tương quan giữa mọi
người với nhau cộng đoàn lại phải được xây dựng trên nền tảng yêu
thương, tôn trọng và phục vụ lẫn nhau.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su
bảo: "Thầy bảo thật anh
em: dưới đất anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc
như vậy; dưới đất anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo
cởi như vậy..."
Thứ quyền bính cầm buộc hoặc tháo cởi mà Chúa Giê-su trao cho
các môn đệ ở đây phải được hiểu là để nhắm tới việc xây dựng
một cộng đoàn hiệp nhất trong yêu thương. Tháo cởi thì rõ ràng là vì
yêu thương rồi, nhưng cầm buộc một điều gì đó, một ai đó, ví dụ: vạ
tuyệt thông, hóa ra lại cũng chỉ vì yêu thương, không phải để trục
xuất, để loại trừ vĩnh viễn người phạm lỗi khỏi cộng đoàn, nhưng
cốt để làm gương, cho mọi người đừng liều lĩnh phạm vào một lỗi lầm
tai hại nào đó, và mặt khác cũng là để cho ai đã trót phạm tội thì
biết mau mau sám hối để được quay trở về hiệp thông với cộng đoàn.
Vậy, việc thi hành quyền bính trong Hội
Thánh nhất thiết phải đặt trên cái nền là lòng yêu
thương nhau trong cộng đoàn.
3. VIỆC HIỆP Ý CẦU NGUYỆN CHUNG VỚI NHAU:
Tiếp theo, Chúa Giê-su quả quyết:
"Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất hai người trong anh
em hợp cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy Ðấng ngự trên trời, sẽ
ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy
ở đấy, giữa họ."
Ngoài việc
Chúa Giê-su mời gọi mọi người trong cộng đoàn luôn biết quy tụ bên
nhau để cầu nguyện chung với nhau, khi đặt trong mạch văn Tin Mừng hôm
nay, nối kết với 2 lời dạy dỗ về việc góp ý sửa lỗi cho nhau, về
việc thi hành quyền bính trong Hội Thánh, chúng ta có thể nhận ra
điều này: Cầu nguyện chung với nhau chính là phương thức hiệu quả
nhất để duy trì mối tương quan yêu thương và sự hiệp nhất trong cộng
đoàn Hội Thánh, và trong cả cộng đoàn bé nhỏ là gia đình của chúng
ta.
Chúa Giê-su nhấn mạnh như một lời cam kết,
rằng: "Ở đâu
có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy, giữa họ."
Có yêu thương gắn bó thì mới tìm đến với nhau
để cầu nguyện chung. Cầu nguyện chung với nhau cũng là để khẩn nài
xin cho cộng đoàn được ngày một thêm gắn bó yêu thương nhau hơn. Làm
được điều đó, không lẽ gì Chúa Giê-su lại không đến và hiện diện
ở giữa cộng đoàn, không lẽ gì Thiên Chúa Cha lại không nhận lời
cầu nguyện của cả cộng đoàn có sự hiện diện của Chúa Giê-su, Con
yêu dấu của Người ?
Vậy, việc cầu nguyện
chung trong cộng đoàn chính là dấu chỉ của lòng yêu thương.
Những ai nhận ra mình còn có những lỗi lầm khuyết điểm, hãy
chân thành nhận lấy những lời góp ý sửa lỗi của người khác. Bởi
vì lời góp ý sửa lỗi ấy phát xuất từ tấm lòng chan chứa yêu
thương.
Những ai do
phẩm trật của mình trong Hội Thánh mà phải thi hành quyền bính, cầm
buộc hoặc tháo cởi, hãy luôn nhớ thi hành quyền bính trong yêu
thương.
Và sau hết,
chúng ta vẫn thường có cơ hội quây quần bên nhau, không chỉ là 2, 3
người trong gia đình, nhưng là 2, 3 chục người trong các buổi chia sẻ
Lời Chúa, 2, 3 trăm người trong các Thánh Lễ, hoặc như ở Linh Ðịa La
Vang với 2, 3 trăm ngàn người hành hương... Hãy nhân danh Chúa Giê-su
để cầu nguyện, để xin Người ban những ơn cần thiết cho Hội Thánh, cho
gia đình, cho bản thân, nhất là chúng ta hãy nhớ xin cho chính cộng
đoàn và gia đình chúng ta thêm sự hiệp nhất, thêm lòng gắn bó yêu
thương nhau.
Lm. LÊ QUANG UY, DCCT
CẦU NGUYỆN:
LỜI KINH KHIÊM HẠ
Lạy Chúa, để tình yêu Chúa được muôn
người biết tới, xin Chúa thương ban cho con hồng ân này là: Biết ân hận
hối tiếc vì đã nói hoặc làm cho người khác phải đau buồn cách nào
đó; Và biết vui mừng vì đã giúp anh em bớt khổ đau và buồn phiền.
Xin ban cho con tính mềm
dẻo, để con ý thức được mình yếu đuối, cần được người khác giúp đỡ
hơn là chính con gây phiền hà, hoặc có thái độ khinh khi người khác.
Xin ban cho con tính ngay thẳng, biết tôn
trọng chân lý, để không bao giờ con hiểu theo nghĩa xấu, điều mà có
ai đó đã làm phiền lòng con.
Xin ban cho con tính đơn sơ để có thể giúp
người khác dễ sống bên con và con không trở nên gánh nặng cho những
ai đang sống gần con.
Xin ban cho con một tấm lòng hăng hái vui
tươi, để con luôn cởi mở đối với những ai ghét bỏ, ghen tỵ, phân bì
với con.
Xin ban cho con một tấm lòng khiêm tốn,
để con không trở nên cứng cỏi, bất chấp những lời chỉ dạy, những
lời phê bình, những lời kết án khắt khe từ mọi phía.
Xin ban cho con một tấm lòng quảng đại,
để con biết chịu đựng và đón nhận những ai có óc hẹp hòi cố chấp,
ích kỷ đến độ không ai chịu nổi.
Xin ban cho con một ý chí vững vàng, để
con mãi kiên tâm, dầu có phải mệt mỏi, dầu có gặp phải thái độ
vô ơn, nhất là đối với những người con đã tận tình giúp đỡ.
Xin ban cho con một tấm lòng quả cảm, chịu
đựng anh em con một cách lâu bền, để giúp họ được bình an hạnh phúc,
dầu cho họ còn yếu đuối đầy khuyết điểm.
Xin ban cho con ơn sống
chứng tá cho Chúa ở khắp mọi nơi và vào mọi lúc, để chung quanh con
không một ai phải chán nản, phải ngã lòng do lỗi con đã gây ra.
Xin ban cho con biết dè dặt, đừng vội phê
phán khi không có thẩm quyền, khi chưa có đủ bằng chứng; và nếu có
phải phê phán, thì phải thận trọng cân nhắc từng lời, và nghiêng
về sự khoan hậu nhân từ.
Xin ban cho con ơn sáng suốt, đừng dễ tin vào điều
xấu mà người ta đã nói về kẻ vắng mặt; và nhất là cương quyết
không kể lại cho ai những điều xấu đã lọt vào tai con.
Xin ban cho con một Ðức Tin nhạy cảm, để
có thể khám phá ra ngay rằng Ðức Giê-su đang ẩn mình trong ai đó
trước mặt con, sau lưng con, bên cạnh con, để con biết chín chắn trong
lời nói, trong cử chỉ và tâm tình.
Sau hết, trong mọi sự, với mọi người, xin Chúa
dạy con biết lắng nghe, biết nhạy cảm phán đoán theo ý tốt cho người
khác và sẵn sàng tha thứ bỏ qua những lỗi lầm của họ với con, chỉ
bởi vì Chúa cũng luôn đối xử với con như thế, và còn hơn cả thế
nữa.
Lạy Chúa, từ sáng tinh sương cho đến lúc đêm
khuya, xin thương tỏ ra: Chúa là Chúa của tình yêu thương mà nhận lời
của một đứa con đang tha thiết nài van, và ban cho con những ơn con vừa
xin. Con xin tạ ơn Chúa muôn đời... Amen.
CÂU TRUYỆN:
LÒNG BAO DUNG CÓ THỂ HOÁN CẢI TÂM HỒN
Câu truyện xảy ra tại một thiền viện. Một
buổi sáng, khi vừa thức dậy, một số thiền sinh phát hiện mình bị mất
cắp một vài vật dụng cá nhân. Họ bảo nhau cùng để ý rình rập, và
họ đã bắt được quả tang một chú thiền sinh mới đến đang lấy cắp đồ
dùng của họ. Họ liền ập vào bắt sống, giải lên cho thầy viện
trưởng. Thầy chỉ im lặng, và cho chú thiền sinh nọ trở về phòng...
Ít lâu sau đó, chú thiền sinh ấy lại bị phát giác đang ăn
trọâm lần thứ hai, và lại bị dẫn đến viện trưởng. Lần này cũng như
lần trước, thầy vẫn im lặng, không nói năng gì, chỉ đưa tay ra hiệu
cho phép chú trở về phòng. Mọi người đều thấy tấm tức bực bội về
thái độ xử lý quá rộng lượng của thầy mình...
Ðến lần thứ ba, chú thiền sinh có tật
ăn cắp kia lại tái phạm. Tất cả các môn sinh đều tập trung lại,
đòi thầy phải có thái độ trừng phạt xứng đáng. Họ đưa ra yêu sách:
"Thưa thầy, hoặc là anh ta, hoặc là
tất cả chúng con, thầy phải chọn lựa, nếu không chúng con sẽ rời
bỏ nơi này ngay lập tức !"
Im lặng một lát, thầy viện trưởng điềm đạm trả lời: "Tất cả các con đều đã sống tốt lành
với nhau, còn chú này thì chưa được như thế. Vậy, thầy muốn chú ấy
sẽ ở lại với thầy để thiền định tập tành cho được tốt hơn. Các con
thì không còn cần phải làm như thế nữa, các con có thể chia tay với
thầy được rồi đấy !"
Mọi người đều chưng hửng, cúi đầu, lần lượt từng người
không dám nói gì nữa, lặng lẽ ai về phòng nấy. Riêng chú thiền sinh
tội lỗi kia vẫn quỳ đấy, đôi giòng lệ lăn dài trên gò má...
LỜI HẰNG SỐNG, 9.1996.
CHỨNG TỪ:
HOÁN CẢI NHƯ VUA
ÐA-VÍT
Théodose đệ nhất là hoàng đế Rô-ma cuối thế kỷ thứ 4, là
thời mà đạo Công giáo không còn bị bách hại nữa, nhưng đã được
công nhận là quốc giáo trên toàn lãnh thổ đế quốc Rô-ma rộng lớn.
Tuy nhiên, vào năm 390, giáo dân thành Thê-xa-lô-ni-ca đã trục xuất
viên tổng trấn tàn ác bạo ngược do hoàng đế cử đến cai trị vùng
thuộc địa này. Ðể trừng phạt, Théodose đã giả vờ cho tập họp dân
trong thành tại đại hí trường Colisée để tham dự một cuộc vui. Hơn
7.000 người bị đánh lừa, đã bị hoàng đế ra lệnh cho quân lính tràn
vào tàn sát dã man...
Một thời gian sau, hoàng đế có việc đi ngang qua thành Milano
tỏ ý muốn vào Thánh Ðường dự Lễ. Thánh Ambrosio lúc đó đang là
Giám Mục thành Milano, đã thẳng thắn ngăn cản ý định phạm sự thánh
này. Ngài nói: "Tâu Hoàng thượng,
tại sao ngài lại dám bước vào Ðền Thánh Thiên Chúa để rước lấy
Mình Máu Thánh Chúa Giê-su trong khi ngài vẫn chưa ăn năn sám hối và
đền bù tội lỗi sau cuộc tàn sát dã man ở Thê-xa-lô-ni-ca vừa qua ?"
Hoàng đế tức giận trừng mắt nhìn thánh nhân, hỏi ngược lại: "Ta thấy vua Ða-vít ngày xưa trong Cựu
Ước đã từng phạm tội ác như ta mà vẫn được coi là thánh cơ mà ?" Thánh
nhân vẫn kiên quyết trả lời: "Hoàng
thượng đã theo gót vua Ða-vít trên con đường tội lỗi thì xin ngài cũng
hãy bắt chước vua Ða-vít mà ăn năn đền tội."
Théodose động lòng hồi tâm, thinh lặng cáo từ ra về trước sự
ngạc nhiên của mọi người đã chứng kiến cuộc tranh luận. Từ đó,
hoàng đế ăn năn sám hối mọi tội ác đã phạm, trở nên rộng lượng
bao dung nhân hậu với tất cả mọi người, đồng thời ông cũng ban bố
những sắc lệnh nhân đạo...
Sau một năm ăn năn đền tội một cách công khai như vậy, hoàng
đế mới được giám mục Ambrosio ban bí tích hòa giải, cho phép được tham
dự vào cộng đoàn mà thông hiệp với các tín hữu khác. Từ đó, vị
hoàng đế biết hoán cải đã trở nên một vị quân vương nhân đức, một
lòng kính sợ Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.
HOÁN
CẢI MỘT TÂM HỒN
Theo một truyền thuyết về Thánh Gio-an, tác giả sách Tin Mừng
thứ 4, sau 3 năm ngài bị lưu đầy ở đảo Patmos, khi trở về Ê-phê-xô,
ngài được biết chuyện về một chàng trai mà ngài đã từng kỳ vọng
rất nhiều tại cộng đoàn Ê-phê-xô. Hiện anh ta đã sa ngã và trở
thành một thủ lãnh trộm cướp khét tiếng. Thánh Gio-an tuy đã già
yếu gần 100 tuổi vẫn một mình chống gậy tìm lên ngọn núi sào huyệt
của anh ta. Mới đến lưng chừng núi thì cụ già bị bọn lâu la bắt trói
dẫn về cho thủ lãnh.
Vừa gặp mặt, chàng trai đã giật mình kinh sợ vì nhận ra thầy
cũ của mình. Thánh Gio-an sau khi được cởi trói, ôn tồn khuyên nhủ: "Này con yêu của thầy, sao con lại
tránh nhìn vào mắt thầy ? Bây giờ đứng trước mặt con, thầy chỉ là
một con người già yếu, không thể tự vệ được cơ mà..."
Ngài thinh lặng một chút rồi lấy hơi nói tiếp: "Con đừng ngại, tội lỗi của con chắc
chắn đã được Thiên Chúa tha thứ. Chính thầy đã xin điều ấy cùng
Chúa Giê-su đầy lòng thương xót cho con rồi. Thôi, con hãy cùng với
các bạn con rời bỏ ngọn núi này mà theo về với thầy nhé..."
Chàng trai
nghe đến đây thì quỳ xụp xuống, xấp mình khóc lóc trong niềm vui được
hoán cải và tha thứ. Sau đó, mọi người được chứng kiến một cảnh
tượng lạ lùng: một ông lão dìu một chàng trai xuống núi, theo sau là
tất cả thủ hạ trong băng cướp...
Trích NỐI LỬA CHO
ÐỜI số 2
THÔNG TIN:
- Bạn
MK Nguyễn Kim Thu ( Pháp ) giúp người nghèo ............................................................................................. 200 EUROS
- Một
Linh Mục ( Việt Nam ) giúp học bổng các em nghèo ................................................................................... 300.000 VND
-
Chuyển cho các bạn trẻ Con Ðức Mẹ Giáo Xứ Ðại Lãm giúp đỡ người
nghèo ............................................. 200.000 VND
-
Giúp đỡ 5 bệnh nhân nghèo ở Sài-gòn mua thuốc chữa bệnh ............................................................................ 300.000 VND
Anh Phạm Văn Lượng, Huynh Ðoàn Ki-tô Bệnh Nhân và Người
Khuyết Tật, giới thiệu trường hợp em NGUYỄN
VĂN ÐỨC DŨNG, sinh 1983, hiện ngụ tại khu Lạc Quang, Sài-gòn. Gia
đình có 8 anh em, người cha bị thương tật nặng ở chân từ trước 1975,
người mẹ bị bệnh tim giai đoạn 3, sinh kế hết sức eo hẹp. Em Ðức Dũng
lại bị liệt từ nhỏ, đi học được tới lớp 3, tay không tự viết được.
Gospelnet xin trợ giúp trong 2 tháng, kể từ tháng 9 đến hết tháng
10.2002, mỗi tháng 50.000 VND, tổng cộng: 100.000 VND.
Anh Phạm Văn Lượng, Huynh Ðoàn Ki-tô Bệnh Nhân và Người
Khuyết Tật, giới thiệu trường hợp anh TRẦN
QUANG DUYÊN, sinh năm 1961, ngụ tại số 202, đội 9, ấp Tân Hà A,
xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Cha mẹ anh đều lớn
tuổi và bệnh tật, bản thân anh Duyên bị mù cả hai mắt, đã lập gia
đình và có con được 8 tháng tuổi, sinh kế hết sức ngặt nghèo túng
bấn. Gospelnet xin trợ giúp trong 2 tháng, kể từ tháng 9 đến hết
tháng 10.2002, mỗi tháng 50.000 VND, tổng cộng: 100.000 VND.
Cha
Phan Khắc Từ, Giáo Xứ Vườn Xoài, Sài-gòn, giới
thiệu trường hợp gia đình anh Lê Minh Trí và chị Cao Thị Bạch Hà, cư
ngụ tại thôn 1, xã Tiền Phong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, có con là cháu
bé LÊ MINH TOÀN, sinh ngày 10.6.2000 bị bệnh tim bẩm sinh. Viện Tim
Sài-gòn đã khám và cho biết chi phí mổ hết 1.850 USD. Người
phụ trách xã hội của Viện Tim cũng đã xác minh hoàn cảnh gia đình
anh Trí thật sự là nghèo khó, nên đã hứa sẽ miễn giảm một phần (
không nói rõ là bao nhiêu ). Hiện nay gia đình anh Trí chỉ mới dành
dụm được 2.000.000 VND để góp vào phần chi phí còn lại. Gospelnet xin
mở một Quỹ Mổ Tim cho cháu LÊ MINH TOÀN, rất mong quý
độc giả và ân nhân gần xa chia sẻ để cháu bé sớm được giải phẫu.