GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 22 A THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Mt 16, 21 - 27:

ÐIỀU KIỆN PHẢI CÓ ÐỂ THEO ÐỨC GIÊ-SU

Ðức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thày gặp phải chuyện ấy !" Nhưng Ðức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đằng sau Thày ! Anh cản lối Thày, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."  Rồi Ðức Giê-su nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thày phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thày, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì. Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình. Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm"

SUY NIỆM:

CON ÐƯỜNG THẬP GIÁ

1. CON ÐƯỜNG LÀM MÔN ÐỆ CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ LÀØ CON ÐƯỜNG VÔ CÙNG KHÓ KHĂN:

Trong thần học và mục vụ Ki-tô giáo ngày nay, "tính cách môn đệ" hay "môn đệ tính" ( discipleship ) được Giáo Hội xem là tính cách quan trọng nhất của người Ki-tô hữu. Bất cứ ai: giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân đều được mời gọi trở thành môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô. Và để trở thành môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô, người ta không có con đường nào khác ngoài con đường hẹp, Con Ðường Thập Giá, bỏ mình vì Thày, bỏ mình theo Thày. Bỏ mình càng nhiều chúng ta càng trở thành môn đệ của Thày.

Bài học Thập Giá mà Chúa Giê-su đưa ra không dễ hiểu, dễ nuốt chút nào. Tông Ðồ Trưởng Phê-rô vừa mới hôm trước nhận được mặc khải từ Thiên Chúa mà tuyên xưng một cách long trọng: "Thày là Ðấng Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống" thì hôm sau đã bị Chúa Giê-su quở trách nặng nề khi ra sức cản ngăn Người đi vào thập gía mà Người đã chọn: "Xa-tan, lui lại đằng sau Thày ! Anh cản lối Thày, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

Mà không chỉ có một mình Phê-rô mà toàn bộ Nhóm Mười Hai đều không muốn chấp nhận Con Ðường Thập Giá là con đường từ bỏ ! Chúng ta đọc kỹ các trang Phúc Âm tường thuật ba lần giáo huấn về con đường thập giá và tường thuật về chuyến lên Giê-ru-sa-lem của Ðức Giê-su và các môn đệ lần cuối cùng thì thấy ngay điều ấy. Hơn nữa, Con Ðường Thập Giá, chẳng những Chúa Giê-su đã chọn cho riêng mình, mà Người đã chọn cho tất cả những ai muốn theo Người: "Nếu ai muốn theo tôi, thì..."

Kinh nghiệm tâm linh của mỗi người cũng cho chúng ta thấy rằng con đường hy sinh, từ bỏ là con đường vô cùng khó khăn. Thông thường, chúng ta muốn được hơn là muốn mất; thậm chí nhiều lúc chúng ta chỉ muốn được mà không muốn mất !

2. TẠI SAO CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ LẠI ÐẶT ÐIỀU KIỆN KHÓ KHĂN NHƯ VẬY ?

Chắc có nhiều lý do giải thích tại sao Chúa Giê-su lại đặt điều kiện khó khăn như vậy cho những người muốn theo Người, muốn làm môn đệ Người. Trong giới hạn của bài viết này chúng ta hãy suy nghĩ về hai lý do, một có tính nhân bản, một có tính thần học và tu đức Ki-tô giáo:

Lý do có tính nhân bản: Con người chỉ có thể phát triển và trưởng thành qua rèn luyện, tu dưỡng, tập tành. Nếu không chịu khó đi học và học bài, không ai trong chúng ta có thể trở thành một người có học thức, văn hóa. Nếu không chịu khó tập luyện gian khổ, không một cầu thủ bóng đá nào có thể trở thành một cầu thủ có đẳng cấp trong làng bóng đá. Chúng ta có thể áp dụng quy luật ấy cho mọi lãnh vực của cuộc sống con người.

Chỉ có hy sinh, từ bỏ, rèn luyện, tu dưỡng con người chúng ta mới phát huy những khả năng tiềm ẩn trong mình và mới loại bỏ được những tính xấu có sẵn trong người. Vì thế việc Ðức Giê-su đòi các môn đệ phải hy sinh từ bỏ, đi vào con đường hẹp của thập gía, của khổ chế là một đòi hỏi lành mạnh, đầy tính nhân bản. Cha ông ta thường dạy: "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi": Có khổ luyện thì con người mới thành người !

Lý do có tính thần học và tu đức Ki-tô giáo: Ngoài lý do có tính nhân bản trên, còn có lý do có tính thần học và tu đức Ki-tô giáo nữa. Lý do này quan trọng hơn lý do trước gấp triệu triệu lần. Chỉ có con đường khổ luyện mới là con đường giúp chúng ta trưởng thành về mặt tâm linh. Trong chúng ta có nhiều khuynh hướng xấu cần phải thay đổi. Lý do sâu xa nhất là khi chúng ta đi vào con đường thập gía là chúng ta trở nên giống Chúa Giê-su Ki-tô. "Hai người yêu nhau thì nên giống nhau" 

Ðó là qui luật tự nhiên và cũng là qui luật siêu nhiên. Trong lãnh vực thiêng liêng, nên giống Chúa Giê-su Ki-tô là chúng ta đạt tới sự thánh thiện Ki-tô giáo. Trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy một số vị thánh ( như cha Pi-ô mới được phong thánh, như thánh Phan-xi-cô Át-xi-di ) được in năm dấu thánh trên ngực và trên hai bàn tay hai bàn chân y như những vết thương của Chúa Giê-su khi Người bị đóng đinh và bị lưỡi đòng thâm lủng ngực trên thập gía xưa. Ðó là dấu chứng của một Tình Yêu tuyệt đỉnh của Chúa Giê-su Ki-tô dành cho các vị ấy !

3. ÐỂ TRỞ THÀNH MÔN ÐỆ CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ?

Ðể hiểu và can đảm chấp nhận Con Ðường Thập Giá mà Chúa Giê-su Ki-tô mời gọi, chúng ta phải thực hiện một số việc sau đây:

Trước hết chúng ta phải xác tín rằng chỉ có con đường hy sinh, từ bỏ mới đưa chúng ta đến cuộc sống tốt đẹp thực sự và trường tồn.

Thứ đến là chúng ta phải ra sức rèn luyện, một cách kiên trì và liên tục. Không ai mới bước vào nghề mà đã thành thợ giỏi. Chúng ta cũng chỉ có thể đi vào con đường thập giá nếu mỗi ngày chúng ta bước một hai bước vào con đường ấy, bằng những hy sinh, từ bỏ tự nguyện.

Sau cùng là chúng ta phải cậy dựa vào sức mạnh của Chúa vì không có Ơn Chúa chúng ta sẽ không làm được gì và nếu có Ơn Chúa chúng ta sẽ làm được những việc vĩ đại, như chính Chúa Giê-su đã nói trong Phúc Âm. Muốn có Ơn Chúa thì mỗi ngày chúng ta phải nài xin Người. Xin Ơn gì thì không biết chúng ta có được Chúa ban hay không, chứ nếu chúng ta xin Ơn thấu hiểu ý nghĩa Thập Giá và Ơn đi vào con đường ấy, thì chắc chắn Chúa sẽ ban cho chúng ta. Vì xin Ơn như thế là chúng ta xin Ơn nên giống Chúa mà cha mẹ nào mà lại không muốn con cái nên giống mình.

Lạy Chúa Giê-su, đọc Tin Mừng Mc 10, 46 - 52, chúng con thấy anh mù Bác-ti-mê ở Giê-ri-khô, sau khi được Chúa cho sáng mắt, đã đi theo Chúa trên con đường Chúa đi, tức đã đi theo Chúa trên con đường Chúa tiến về Giê-ru-sa-lem để bị bắt, bị tra tấn, bị kết án và bị giết trên thập giá. Xin Chúa ban cho chúng con Ơn Sáng Mắt, Sáng Lòng, Sáng Trí và Ơn Sức Mạnh để chúng con hiểu được bài học mà Chúa dạy chúng con hôm nay, để chúng con bước đi theo Chúa, trở thành môn đệ và chứng nhân của Chúa trong gia đình và Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Amen !          

Gs. Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

CHỨNG TỪ:

ÐƯỜNG THÁNH GIÁ VÒNG QUANH THẾ GIỚI

Kỷ lục Guiness năm 1996 ghi lại một chuyện đánh động mọi người: Anh Arthur Blessit người Hoa Kỳ, 55 tuổi đã ròng rã suốt 26 năm vác trên vai một cây Thập Giá bằng gỗ, dọc 3m60 và ngang 1m80, nặng 18 ký, đi bộ vòng quanh thế giới. Khi khởi hành tại Los Angeles vào năm 1969, anh đã ngỏ lời xin nhận cuộc hành trình của mình như là một cống hiến mang tính tôn giáo cho tất cả những ai đang khao khát sống yêu thương theo gương Ðức Giê-su.

Tính đến 1996, anh đã trải qua 26 mùa Giáng Sinh rong ruổi trên đường xa, cứ mỗi 4.800 cây số, anh lại phải thay một đôi giày. Dọc đường, tại Luân-đôn, anh đã kết hôn với chị Denise. Ðiều trớ trêu là không ít Nhà Thờ trên lộ trình của anh đã không muốn đón tiếp vì cho rằng anh là một người điên điên khùng khùng, hoặc có ý đồ khích động gì đấy ! Tuy nhiên, anh đã có vinh dự được đồng hành với một số vị thủ lãnh tôn giáo như Ðức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô đệ nhị, Billy Graham... Anh đã từng bị các loài như: voi, cá sấu, khỉ, rắn và cả con người tấn công. Anh thuật lại: "Tôi đã đi qua các sa mạc, rừng rậm. Tôi đã băng ngang những nơi đang có chiến tranh hoặc bạo động. Tôi đã từng bị cảnh sát các nước bắt giam 21 lần vì những tội vớ vẩn như đi tha thẩn, cản trở giao thông, hoặc bị tình nghi là có mưu đồ xúi bẩy bạo động...

Tôi đã từng 1 lần phải đối mặt với 1 đội hành quyết năm 1978 tại nước Nicaragua. Hôm ấy, tôi đang cùng một người bạn đi dọc con lộ mang tên Pan America, còn người thông dịch của tôi thì theo sau trên một chiếc xe tải quá giang. Bỗng có 7 người đàn ông mang súng chặn đường và lôi tôi ra cột vào 1 gốc cây. Họ bảo họ sắp xử bắn tôi. Tôi bảo họ rằng tôi không thể chết nếu không có một cuốn Kinh Thánh trên tay. Họ đồng ý mở trói để tôi đón chiếc xe tải sắp đến và lấy cuốn Kinh Thánh. Thế rồi, tôi đã lấy được trong ba-lô cất trên xe đem tặng cho mỗi người một cuốn Kinh Thánh nhỏ. Họ có vẻ bối rối, và rồi họ đã đồng loạt hạ súng, tha cho tôi được ra đi bình an..."

Tính đến năm 1996, anh Arthur Blesitt đã đi được tổng cộng: 50.140 cây số, qua 227 nước khác nhau. Anh cho biết: còn phải đến 50 nước nằm trên 7 lục địa lớn nhỏ, và hy vọng sẽ kết thúc hành trình trước khi thế giới bước vào ngưỡng cửa thế kỷ 21.

Theo tạp chí KIẾN THỨC NGÀY NAY 1996.

CÂU TRUYỆN:

CÂU CHUYỆN CỦA BA ÐỨA TRẺ

Một bà cụ già trong một lần sang chơi với ba đứa trẻ hàng xóm, đã đặt ra một tình huống: "Các cháu yêu quý của bà, giả sử một hôm nào đó, các cháu đang chơi dưới một chiếc giếng cạn. Ðột nhiên, mạch nước dưới lòng giếng bất ngờ ứa ra, tràn lên rất nhanh. Miệng giếng hẹp, chỉ có lối cho từng em một lên được bờ giếng. Vậy ai trong các cháu sẽ lên trước ?"

Bé trai 7 tuổi nhanh miệng trả lời: "Thưa bà, cháu sẽ để cho đứa em út của cháu lên trước !" Bé gái 10 tuổi là chị cả cũng bảo: "Cháu sẽ giúp cho đứa em út của cháu lên trước ạ !" Cụ già hỏi tại sao thì em trả lời ngay: "Thưa bà, vì cháu lớn nhất, cháu phải lên cuối cùng." Cụ hỏi tiếp: "Thế lỡ cháu lên cuối cùng không kịp mà bị gộp nước thì sao ?" Bé gái thản nhiên trả lời: "Cháu có thể chết, nhưng hai em của cháu thì sẽ không hề gì ạ !"

Ðến đây thì cụ già rơi nước mắt, vừa xoa đầu mấy đứa trẻ vừa ngẫm nghĩ: "Quả thật, thông minh không hẳn chỉ là năng lực của trí tuệ và kiến thức. Nó còn bao hàm cả tình yêu thương và tình người. Thông minh tự thân nó chứa đựng đức hạnh..."

Theo DƯƠNG VĂN DIÊU, báo SGGP số ra ngày 16.3.1997.

CHIA SẺ:

TÌNH YÊU THÚC BÁCH TÔI DẤN THÂN VỚI NHỮNG MẢNH ÐỜI BẤT HẠNH

Anh Pi-ô X Hoàng Văn Bình, một tu sĩ trước đây thuộc dòng Don Bosco, một mình chăm sóc cho 40 trẻ em bất hạnh không nơi nương tựa đang đi tìm sự đồng cảm.

Trong một căn nhà mang tên "Gia Ðình Tình Thương Tê-phan" có diện tích tổng cộng 40m2 cho cả phần lầu nằm tại số nhà 469 / 17C Nguyễn Kiệm, F9, Quận Phú Nhuận, anh Bình cho biết hiện anh đang chăm sóc cho 20 em với những căn bệnh bại não, câm - thiểu năng não, động kinh, tâm thần thiểu năng, câm - suy dinh dưỡng, câm - đao, bại liệt, thần kinh phân liệt, thần kinh, bại liệt hai chân, mổ tim, mù hai mắt, mổ bướu... và 20 em khác trong diện mồ côi nhưng không bị khuyết tật.

Là một tu sĩ trước đây thuộc dòng Don Bosco chuyên về giáo dục. Anh Bình giải thích rằng, anh chủ trương hướng dẫn những em mạnh khỏe ngoài giờ học là tự tay chăm sóc nâng đỡ những em bệnh tật, Anh nói: "Tôi nghĩ, chính những công việc này sẽ dần dần hình thành bài học nhân bản để các em bước vào đời." Anh Bình kể lại: Từ sau những năm 1975, do hoàn cảnh anh phải rời Nhà Dòng trở về nhà lao động kiếm sống bằng nghề đạp xích-lô. Cũng chính nhờ phải rong ruổi từ khắp các nẻo đường, anh đã nhìn thấy những hoàn cảnh đáng thương bị bỏ rơi mà không được sự bảo trợ của bất cứ trung tâm nào, và anh quyết định mang các em về nuôi ước muốn: "giúp các em có được sống cuộc sống con người một cách tử tế hơn".

Từ khi đó, một ngày làm việc của anh bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi chiều tối. Buổi sáng, anh thức dậy sớm để chở hàng, rồi trong lúc đạp xích-lô, anh tranh thủ ghé vào các chợ lúc vắng khách để xin thêm tí rau, có khi là vài con cá, chiều về, anh lại tắm rửa, giặt giũ và chăm sóc từng miếng ăn ngụm nước cho chúng. Bên cạnh việc chạy ăn, anh còn phải chạy tiền thuốc, tiền đóng học phí.

Ðến nay, sau 16 năm chung sống với anh, đã có 6 em vào đời lập nghiệp và có gia đình, một em vừa tốt nghiệp trường Ðại Học Dân Lập Tôn Ðức Thắng, khoa Kinh Tế, 4 em đang theo học cấp III, 4 em cấp II, 11 em cấp I. 20 các em còn lại là những đối tượng khuyết tật cần phải được chăm sóc suốt đời.

Ðược hỏi về nguyên do nào khiến anh chấp nhận mọi khó khăn để phục vụ chăm sóc các em một cách vô vị lợi như thế, anh Bình giải thích: "Tôi bị thôi thúc bởi tình thương yêu những trẻ em bất hạnh, tôi mong muốn dành trọn cuộc đời mình để hỗ trợ phần nào cuộc sống bất hạnh của các em".

Sự nỗ lực của anh Bình đã nhận được nhiều hỗ trợ từ đông đảo ân nhân. Ðặc biệt là sự ủng hộ hết lòng và cùng tiếp tay chăm sóc của gia đình anh. Thế nhưng, anh vẫn canh cánh trong lòng một nỗi lo lớn, đó là học phí mỗi học kỳ trong năm để các em đến trường, tiền thuốc chữa bệnh cho các em với những căn bệnh bẩm sinh... Anh tâm sự, trung bình mỗi tháng tiền học phí cho các em là 2,500,000 đồng, còn việc ăn uống hằng ngày thì ai cho gì ăn nấy, anh nói: "Cũng đã hơn hai tháng rồi, các em không được ăn chè vì chị bán chè không còn bán ế nữa...", anh rất mong nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo ân nhân và quý mạnh thường quân.

QUỐC TRỊ - Asia Focus

CHIẾN THẮNG CHÍNH MÌNH

Trong Hội Thi Thể Thao và Văn Nghệ Toàn Quốc lần thứ 2 dành cho người khuyết tật, tổ chức tại Huế tháng 7.2002, đoàn khuyết tật Cần Thơ tham gia 36 người, trong đó có  25 người khuyết tật gồm 14 diễn viên Văn Nghệ và 11 vận động viên Thể Thao còn lại là 11 người trong Ban Tổ Chức, Tình Nguyện Viên, Huấn Luyện Viên và Biên Ðạo Múa. Như vậy, số lượng người tham gia trong đoàn Cần Thơ năm nay đông gấp 8 lần năm ngoái. Còn nhớ, trong Hội Thao 2001, đoàn Cần Thơ chỉ tham gia 2 bộ môn đã đoạt được 1 huy chương bạc về bóng bàn và 2 huy chương đồng  về bơi lội. Ðài truyền hình với chương trình "Những Ước Mơ Xanh" đã làm hẳn một bộ phim ngắn mang tên "Kình Ngư sông Hậu" để nói về tinh thần vươn lên vượt qua số phận nghiệt ngã của hai bạn trẻ Tùng và Tú như thế nào.

Chuyến đi lần này, đoàn Khuyết Tật Cần Thơ chuẩn bị từ 3 tháng trước cho đội Văn Nghệ và 1 tháng đối với đội Thể Thao. Các thành viên lớn tuổi hoặc còn trẻ vẫn phải đi bán vé số hoặc lo sinh kế vất vả hằng ngày nhưng vẫn cố gắng đến tập luyện chung với nhau cả trong những ngày mưa gió. Các anh chị tình nguyện viên và huấn luyện viên đều tận tình chỉ dạy.

Và hạnh phúc đã mỉm cười. Ngay ngày thi đấu đầu tiên, hai lão tướng Thắng ( 65 tuổi ) và Sĩ ( 56 tuổi ) đã đoạt huy chương vàng môn bóng bàn, hạ đương kim vô địch Ðông Nam Á. Chiến thắng này làm nao nức phấn chấn không chỉ cho đoàn Cần Thơ, mà còn lan tỏa đến các đoàn của miền Trung và miền Bắc. Ði tới đâu, anh chị em đoàn Cần Thơ cũng được vỗ tay chúc mừng, chia sẻ thắng lợi mà khó có ai làm được trong 3 năm qua. Về Thể Thao, đoàn Cần Thơ xếp hạng 6 / 35 với 15 huy chương vàng gồm 5 vàng, 6 bạc và 4 đồng, trong đó riêng bạn Nguyễn Ngọc Hưng đã đoạt 3 huy chương cả 3 sắc màu vàng bạc đồng, được chọn là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu của Hội Thao.

Về Văn Nghệ, đoàn Cần Thơ được xếp biểu diễn cuối cùng trong 8 đoàn vào đêm thứ hai ngày 12.8.2002. Ðó là một đêm diễn đầy ấn tượng. Các tiết mục của các đoàn đầu tiên đang biểu diễn tại Nhà Văn Hóa thì bị mưa to, ban giám khảo và khán giả đều bỏ chạy trú mưa. Ðến phiên Cần Thơ thì không ngờ trời tạnh, khán giả lại ùa vào xem rất đông. Tiết mục ca cổ của em Phan Thị Bé Chính với 6 em nam múa minh họa đã làm xúc động lòng người. Trong 7 em biểu diễn, chỉ có 2 em đi được một cách khập khiễng, còn lại đều phải bò lết ra sân khấu trong điệu múa đặc thù của người khuyết tật vận động. Có thể nói đây là tiết mục múa đầu tiên ở Việt Nam do người bại liệt biểu diễn. Và màn múa mang tên "Ðàn Sáo Hậu Giang" do toàn đoàn Cần Thơ biểu diễn rất đẹp mắt, vui tươi, diễn tả tinh thần người khuyết tật luôn cố gắng vươn cao và bay xa trong tương lai. Cả hai tiết mục này đều đoạt huy chương vàng tại hội thi, góp phần giúp toàn đoàn Văn Nghệ Cần Thơ được xếp hạng nhì trong 35 đoàn của cả nước.

Thành công ngoài sức tưởng tượng này cho thấy sự đầu tư về cả Thể Thao lẫn Văn Nghệ của đoàn Cần Thơ đã không phụ lòng các diễn viên, vận động viên và tất cả những người quan tâm đến người khuyết tật Cần Thơ. Hội Thi tại Huế đã khép lại, đoàn trở về chuẩn bị công diễn lại tại Cần Thơ 4 tiết mục văn nghệ ( 2 vàng, 2 bạc ). Thành tích chung rất cao, nhưng có lẽ đàng đáng nói lên là những anh chị em khuyết tật Cần Thơ "tuy tàn nhưng không phế". Tất cả đã đến với hội thi đều là những người chiến thắng, chiến thắng với chính mình, với sự tự ti mặc cảm, luôn trỗi dậy vươn tới cái đẹp về thể thao và nghệ thuật trong cuộc sống hôm nay.

BÙI THỊ HỒNG NGA ( Câu Lạc Bộ Khuyết Tật Cần Thơ )

THÔNG TIN:

VỀ KHOẢN TRỠ GIÚP CỦA CÁC ÂN NHÂN

- Ông Nguyễn Văn Nghị ( Na Uy ) giúp các trường hợp ngặt nghèo ..............................................................................  150 USD

VỀ HỌC BỔNG "KIM LONG" CHO 4 EM KHUYẾT TẬT Ở XUÂN LỘC

Cha FX. Ðinh Huỳnh Phùng, quản nhiệm Giáo Họ Kim Long, giáo hạt Bình Giả, huyện Châu Ðức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thuộc Giáo Phận Xuân Lộc, giới thiệu trường hợp 4 em học sinh nghèo và khuyết tật. Gospelnet xin trợ giúp đợt 1 cho mỗi em 50.000 VND một tháng, trong 4 tháng, kể từ tháng 9 đến hết tháng 12.2002, tổng cộng 800.000 VND, nhờ anh Hoàng Văn Thọ chuyển về Kim Long ngày 26.8.2002:

            1. TRẦN THỊ TRANG, sinh 1991, lớp 1, suy dinh dưỡng và gù lưng, gia đình rất nghèo.

                2. TRẦN VĂN SƠN, sinh 1991, lớp 5, teo cơ hai chân, gia đình rất nghèo, đi làm mướn.

                3. LÊ THỊ THU SƯƠNG, sinh 1988, lớp 7, bại liệt 1 chân từ lúc 9 tháng tuổi, gia đình rất nghèo.

                4. PHẠM THỊ MINH THẢO, sinh 1984, lớp 7, bại liệt từ lúc 5 tuổi, gia đình rất nghèo.

VỀ HỌC BỔNG "DĂKLA" CHO 3 EM Ở KONTUM

Sr. Nguyễn thị Chánh, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, giới thiệu 3 em học sinh có hoàn cảnh gia đình rất nghèo, hiện ngụ tại thôn 6, xã Dăkla, huyện Dăkhá, tỉnh Kontum. Gospelnet xin trợ giúp cho 3 em số tiền 50.000 VND một tháng, trong 4 tháng, kể từ tháng 9 đến hết tháng 12.2002. Tổng cộng: 600.000 VND.

1. NGUYỄN LÊ ANH THẠCH, lớp 5, trường PTCS xã Dăkla.

2. NGUYỄN BẢO LONG, lớp 7, trường PTCS xã Dăkla.

3. NGUYỄN LÊ PHƯƠNG TRINH, lớp 2, trường PTCS xã Dăkla.

VỀ HỌC BỔNG CHO CÁC EM GIA ÐÌNH KHUYẾT TẬT Ở SÀI-GÒN

Như Gospelnet trước đây đã thông tin về việc trợ giúp cho các em học sinh con của 2 gia đình khuyết tật tại Sài-gòn, nay chúng tôi đặt tên là "HỌC BỔNG CHO CÁC EM GIA ÐÌNH KHUYẾT TẬT SÀI-GÒN":

Gia đình anh Võ Thanh Toàn ( bị liệt hai chân ) chị Trần Thị Nữ, ngụ tại số 111 / 88 / 8 B Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, Sài-gòn. Anh chị có 3 con nhỏ. Gospelnet xin trợ giúp trong 4 tháng, kể từ tháng 9 đến hết tháng 12.2002, tổng cộng: 600.000 VND.

1. VÕ THÀNH TRUNG, lớp 11

2. VÕ THỊ THANH HẰNG, lớp 5

3. VÕ THỊ THANH NGA, lớp 2

Gia đình anh Nguyễn Văn Ðối ( gãy cột sống, liệt cả hai chân ) chị Bùi Thị Tuyết, ngụ tại số 1455 / 7 Huỳnh Văn Chính, phường 19, quận Tân Bình. Anh chị có 5 con, trong đó có 3 con nhỏ còn được đi học. Gospelnet xin trợ giúp trong 4 tháng, kể từ tháng 9 đến hết tháng 12.2002, tổng cộng: 600.000 VND.

1. NGUYỄN THỊ VẤN, lớp 10

2. NGUYỄN THỊ MINH PHỤNG, lớp 7

3. NGUYỄN QUỐC PHONG, lớp 5

VỀ MỘT NGƯỜI KHUYẾT TẬT CẦN XE LĂN Ở XUÂN LỘC

Cha Ðỗ Văn ngân, Giáo Xứ Ninh Phát, Giáo Phận Xuân Lộc, giới thiệu trường hợp chị Ma-ri-a NGUYỄN THỊ HOA PHƯỠNG, sinh 1978, ngụ tại số nhà Q2 / 060, ấp Nguyễn Huệ, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai, bị lệt hai chân từ nhỏ, không thể tự đi lại được. Gospelnet xin trợ giúp một xe lăn mới, loại xếp được, trị giá 950.000 VND.

VỀ MỘT NGƯỜI GIÀ NEO ÐƠN Ở HUẾ

Cha Ngô Thanh Sơn, quản xứ Giáo xứ Kim Ðôi, kiêm Giáo họ Thuận Hòa giới thiệu trường hợp cụ bà A-ga-ta NGUYỄN THỊ KIỆM, sinh 1937, ngụ tại Giáo Họ Thuận Hòa, Giáo Xứ Kim Ðôi, Giáo Phận Huế, thuộc diện neo đơn, bà con thân thuộc chỉ có vài người thì cũng đều nghèo khổ, không giúp được gì, bà chỉ sống một mình trong căn nhà nhỏ, mắt bị mờ. Gospelnet xin trợ giúp số tiền 300.000 VND, nhờ Sr. Ca-ta-ri-na Sô, Dòng Con Ðức Mẹ Ði Viếng Huế, chuyển đến cha Ngô Thanh Sơn.

VỀ MỘT GIA ÐÌNH NGHÈO Ở THỪA THIÊN

Thầy Vũ Tùng Lân, DCCT, giới thiệu trường hợp gia đình chị Ma-ri-a Ma-đa-lê-na HỒ THỊ NHƯ Ý, sinh ngày 4.7.1965, ngụ tại Ðội 5, thôn Truyền Nam, xã Phú An. Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, Giáo Phận Huế.Chị Như Ý, sức khỏe rất yếu, lại phải nuôi người mẹ già bệnh tật. Căn nhà hai mẹ con đang ở hiện đã quá rách nát, mưa to là bị giột trên ngập dưới. Gospelnet xin trợ giúp số tiền 1.000.000 VND để chị tạm thời tu sửa căn nhà và lo sinh kế.

VỀ "HỌC BỔNG DAKLAK"

Như Gospelnet số 58 đã thông tin, theo sự giới thiệu của Sr. Bùi Thị Huế, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, Buôn Ma Thuột, chúng tôi đã trợ giúp trong 3 tháng 5, 6 và 7.2002 cho 13 em học sinh nghèo trong chương trình "HỌC BỔNG DAKLAK". Sau đó, Gospelnet số 68 đã tiếp tục trợ giúp mỗi em 50.000 VND trong 2 tháng 8 và 9.2002, tổng cộng: 13 em x 2 tháng x 50.000 VND = 1.300.000 VND. Số tiền lần này trích từ khoản tiền chia sẻ của các anh chị Nhóm MK Hoa Kỳ gửi về. Ngày 22.8.2002, qua Sr. Nguyễn Thị Chánh, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, có dịp từ Ban-mê-thuật về Sài-gòn, Gospelnet số 74 lên xin nhờ chuyển tiền đến Sr. Bùi Thị Huế, tiếp tục trợ giúp trong 3 tháng 10, 11 và 12.2002, tổng cộng: 13 em x 3 x 50.000 VND = 1.950.000 VND.

VỀ MỘT NGƯỜI KHUYẾT TẬT CẦN XE LĂN Ở ÐỒNG NAI

Cha Vũ khởi Phụng, DCCT, giới thiệu trường hợp chị NGUYỄN THỊ THUÝ NGA, hiện ngụ tại Trung Tâm Nuôi Người Già và Tàn Tật, đường Ðồng Khởi, ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Ðồng Nai, bị bại liệt hai chân và cánh tay phải đã 32 năm qua. Ngày thứ bảy 24.8.2002, Gospelnet xin trợ giúp cho chị Thuý Nga một xe lăn mới, loại không xếp được, trị giá 550.000 VND.

VỀ HỌC BỔNG CHO HAI EM HỌC SINH Ở HUẾ

Sr. Lê Thị Hoa, Dòng Con Ðức Mẹ Ði Viếng, cộng đoàn Phù Lương, Giáo Phận Huế, giới thiệu trường hợp gia đình anh Lê Văn Long ( thợ sửa đồng hồ ) và chị Nguyễn Thị Bửu ( giáo viên ), ngụ tại số 90 A Phan Chu Trinh, Giáo Xứ Phủ Cam, Giáo Phận Huế. Gia đình hiện đang lâm cảnh thiếu thốn không lo nổi cho các con đeo đuổi việc học. Gospelnet xin trợ giúp cho mỗi cháu 50.000 một tháng, trong 4 tháng, kể từ tháng 9 đến hết tháng 12.2002, tổng cộng: 400.000 VND.

1. LÊ NGUYỄN ANH HUY, lớp 12, học lực giỏi, đang dự tu tại Chủng Viện Huế.

2. LÊ NGUYỄN QUỲNH NHƯ, lớp 4, học lực xuất sắc.

VỀ MỘT EM BÉ BỊ NHIỄM CHẤT ÐỘC MÀU DA CAM

Sr. Bùi Thị Khoa, Dòng Saint Paul Ðà Nẵng, cộng đoàn Bình Phong, Giáo Phận Ðà Nẵng, giới thiệu trường hợp cháu bé A-nê VÕ THỊ THÚY HẰNG, sinh ngày 10.7.2000, bị nhiễm chất độc màu da cam, con của anh PX. Võ Thanh Minh ( 1972 ) và chị Tê-rê-xa Nguyễn Thị Thu Hà (1972), hiện ngụ tại tổ 4, thôn 2, xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, hoàn cảnh gia đình quá ngặt nghèo. Gospelnet xin trợ giúp số vốn 3.000.000 VND để anh chị Minh - Hà lo sinh kế và chạy chữa thuốc thang cho cháu bé.

Số tiền này được trích ra từ khoản chia sẻ của bác sĩ Vũ Bích Ðào và các bác sĩ người Pháp trong chuyến khánh thành một cô nhi viện (Ngũ Hành Sơn), đồng thời đi thăm và khám bệnh - phát thuốc miễn phí tại một buôn làng dân tộc tại Quảng Nam, Ðà Nẵng.