GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 21 A THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Mt 16, 13 - 20

Khi Ðức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai ?" Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ". Ðức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" Ông Si-mon Phê-rô thưa: "Thầy là Ðấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống". Ðức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-mon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy". Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Ðấng Ki-tô.

SUY NIỆM 1:

CHỈ VÌ YÊU

Thiên Chúa vốn là một vị Thiên Chúa ẩn dấu. Người ẩn dấu chứ không vắng mặt.

Người ta đã hao tốn biết bao giấy mực để cố khám phá vị Thiên Chúa ẩn dấu ấy.

Gần hai ngàn năm lịch sử trước Chúa Giáng Sinh, con người đã hình dung Thiên Chúa với nhiều dung mạo khác nhau.

Nhưng nơi Ðức Giê-su Nhập Thể, Thiên Chúa trở nên gần gũi thân quen hơn.

Ðức Giê-su vẫn cứ là một thắc mắc, một tra vấn lớn: Ngài là ai ?

Câu hỏi mà Chúa Giê-su đặt ra cho các môn đệ vẫn vang dội qua các thế hệ: Anh em bảo Thầy là ai ?

Ðức Giê-su, một con người lịch sử sống tại Pa-lét-tin cách đây hơn 2.000 năm. Người là một thực tại đầy mầu nhiệm. Những người sống đồng thời với Ngài nhìn thấy những việc lạ Ngài làm, nghe những lời Người giảng dạy nhưng họ không nhận ra thực tại thần linh của Người là Con Thiên Chúa Hằng Sống. Họ nhìn Người như một Ngôn Sứ, một Ê-li-a, một Gio-an Tẩy Giả, một người chuẩn bị cho nhân loại chứ chưa phải là Thiên Chúa. Bởi vậy câu hỏi thứ nhất: người ta nghĩ Thầy là ai ? chỉ là câu hỏi nhập đề để gợi ý thức nơi các môn đệ. Câu hỏi thứ hai quan trọng hơn: Phần các con, các con bảo Thầy là ai ? Người không hỏi: anh em nói Thầy đến để làm gì ? mà hỏi về chân tính của Người "Thầy là ai ?" Chúa hỏi một cách chân thành về căn tính của Người với mục đích là để kêu mời các môn đệ đi sâu vào trong tình thân ái của Người trước khi sai phái họ đi.

Ðức Giê-su có thể tuyên bố chân tính của mình thay vì đặt câu hỏi như thế. Nhưng đó không phải là cách hành động của Người. Người không muốn tự giới thiệu mình, tự định nghĩa về mình. Người muốn kẻ khác khám phá mình dần dần và trình bày kết quả. Người muốn được một lời tuyên xưng phát xuất từ một nổ lực tìm hiểu chứ không muốn các môn đệ chứng nhận thụ động một công thức.

Câu trả lời của Thánh Phê-rô được 3 tác giả Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại theo 3 kiểu:

-    Thầy là Ðức Ki-tô ( Mc 8, 29 )

-    Ðấng Ki-tô của Thiên Chúa ( Lc 9, 20 )

-    Ðấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống ( Mt 16, 16 )

Qua tước hiệu Ki-tô, Phê-rô tuyên xưng quyền năng mà Ðức Giê-su biểu lộ qua các phép lạ.

Ðấng Ki-tô của Thiên Chúa diễn tả một cái nhìn sâu xa hơn về nguồn gốc của Ðức Giê-su. Mathêu nối kết cả hai tước hiệu ấy lại: Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Lời tuyên tín của Phê-rô có một giá trị vững vàng, diễn tả niềm tin duy nhất của các Tông Ðồ.

Ðức Giê-su xác nhận, không phải xác thịt nhưng là Cha trên trời đã ban, soi sáng cho Phê-rô: "Này anh Si-mon, con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời."

Chúng ta không có được diễm phúc gặp gỡ Ðức Giê-su, một con người bằng xương bằng thịt, ở giữa loài người, ăn uống ngủ nghỉ, đi đứng nói năng như mọi người; một Ðức Giê-su mà các môn đệ đã từng được mắt thấy tai nghe và sờ tận tay; một Ðức Giê-su mà các ông đã thấy làm phép lạ, nghe Người giảng dạy, chứng kiến Người bị bắt, bị đóng đinh, thấy Người Phục Sinh.

Các môn đệ biết Thầy mình như một con người, nhưng cuộc sống hành động, cách ăn nết ở, những lời rao giảng, lập trường tôn giáo, nhất là tình yêu thương đối với mọi người, đặc biệt đối với ngươì tội lỗi đã giúp các ông dần dần khám phá ra Người là Ðấng Ki-tô.

Hôm nay, không ai có thể gặp gỡ Ðức Giê-su Na-da-rét nữa, vì Người không còn ở giữa chúng ta bằng xương bằng thịt, Người đã "Lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha". Vậy làm sao có thể biết được Người, gặp gỡ được Người ?

Không thể biết được Ðức Giê-su nếu chỉ muốn biết Người theo quan điểm thông thường, mà phải biết Người với con mắt Ðức Tin, đón nhận cái biết đó như một hồng ân Thiên Chúa ban tặng vì chính Ðức Giê-su đã nói: "Không ai đến được với Thầy, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho" ( Ga 6, 65). Nói cách khác, không phải chỉ đơn thuần là chúng ta tìm đến với Ðức Giê-su, mà chính Người đến với chúng ta, bởi vì Người là Ðấng "Hiện có, đã có và đang tới" ( Kh 1, 8 ).

Ðạo của Ðức Giê-su không chỉ là một đạo lý mà là một Con Ðường, và con đường ấy lại là chính Ðức Giê-su ( Ga 14, 6 ). Ðây không phải là một lý thuyết mà là một con người, vì thế tìm biết Ðức Giê-su không chỉ tìm hiểu lời giảng dạy hay giáo lý của Người mà còn tìm hiểu Người đã sống lời Người rao giảng như thế nào.

Có thể Ðức Giê-su là con người rất đơn sơ giản dị, sống hoà mình với mọi người, không biết đến bất cứ một hình thức kỳ thị hay đối xử phân biệt nào. Trái lại, một trong những nét nổi bật của Người là thích gần gũi, và tỏ lòng ưu ái đối với những kẻ bé nhỏ nghèo hèn, những người tội lỗi, những kẻ bị khinh khi. Tất cả cuộc đời, mọi lời nói và việc làm của Người và cả đến cuộc khổ nạn của Người chỉ tóm gọn trong hai chữ Vì Yêu. Vì Yêu nhân loại mà Người đã đến trong trần gian để ở giữa mọi người. Vì Yêu nhân loại mà Người đã chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết. Chính cái chết Vì Yêu của Chúa trên thập giá đã mạc khải trọn vẹn chân tính của Người là hiện thân của Thiên Chúa, hiện thân của Tình Yêu.

Vì Ðức Giê-su là hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa, nên Thánh Gio-an đã nói với chúng ta rằng: chỉ có một cách duy nhất để biết Thiên Chúa, đó là yêu thương anh em ( 1 Ga 4, 7 - 8 ). Cũng chính tình yêu huynh đệ ấy sẽ làm cho mọi người nhận biết chúng ta là môn đệ Ðức Giê-su ( Ga 13, 35 ) và tin vào Ðức Giê-su là Ðấng Thiên Chúa đã sai đến trần gian ( Ga 17, 21 - 23 ).

Chính cộng đồng Giáo Hội, chính nơi cuộc sống đời thường giữa anh chị em mình mà chúng ta biết và gặp gỡ Ðức Giê-su. Sống yêu thương như Chúa đã yêu là gặp gỡ Chúa và làm chứng nhân cho tình yêu. Những người nghèo hèn bé nhỏ được Chúa ưu ái hơn cả nên gặp gỡ họ là gặp gỡ chính Người vậy.

 Lm. Giu-se NGUYỄN HỮU AN, Giáo Xứ Chính Tâm, Giáo Phận Phan Thiết

SUY NIỆM 2:

"THẦY LÀ ÐẤNG KI-TÔ, CON THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG"

1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA LỜI TUYÊN XỨNG ÐỨC TIN CỦA SI-MON PHÊ-RÔ:

Lời tuyên xưng Ðức Tin của Si-mon Phê-rô được Tin Mừng Nhất Lãm tức cả 3 Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca tường thuật lại ( Mt 16, 13 - 20; Mc 8, 27 - 30; Lc 9, 18 - 21 ). Do đó chúng ta có thể khẳng định rằng: lời tuyên xưng này có một tầm quan trọng đặc biệt, đối với chính Ðức Giê-su cũng như đối với Phê-rô và các môn đệ. Lời tuyên xưng ấy cũng rất quan trọng đối với chúng ta ngày nay vì Giáo Hội của Ðức Giê-su Ki-tô đã được xây dựng trên lời tuyên xưng ấy.

1.1 Ðối với chính Ðức Giê-su: Nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy rằng từ khi xuất hiện công khai trong đời sống xã hội và tôn giáo của người Do-thái, Ðức Giê-su đã khiến mọi người - kể cả các môn đệ - phải thắc mắc tự hỏi: "Anh chàng Giê-su này là ai ?" Người ta thắc mắc và tự hỏi như thế vì họ đã chứng kiến Ðức Giê-su giảng dạy và hành động một cách rất khác người và đã thực hiện nhiều điều kỳ diệu trước mặt toàn dân.

Mặt khác, chính bản thân Ðức Giê-su cũng ước mong được người ta nhận ra chân dung đích thực của mình là sứ giả và là Con của Thiên Chúa. Trong bối cảnh ấy, chúng ta thấy Ðức Giê-su thật có lý khi đã đặt ra hai câu hỏi với các môn đệ: "Người ta nói Con Người là ai ? - Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?" Dĩ nhiên câu hỏi quan trọng hơn là câu hỏi sau. Việc Si-mon Phê-rô được Thiên Chúa soi sáng mà tuyên xưng: "Thầy là Ðấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống" có nghĩa là Thiên Chúa Cha đã tán thành việc Con của Người được bộc lộ ra cho người khác biết.

1.2 Ðối với Si-mon Phê-rô và các môn đệ: Chắc chắn hai câu hỏi mà Ðức Giê-su đặt ra cho các môn đệ khiến các ông phải suy nghĩ và kiểm điểm lại mình. Ðã theo Thầy, sống kề cận bên Thầy, nghe Thầy giảng và chứng kiến phép lạ Thầy làm… tất cả những chuyện ấy phải dẫn các ông đến một kết luận nào chứ ? Phê-rô đã nhận được ơn linh ứng, ơn mặc khải của Cha để nói lên điều mà Thiên Chúa và Ðức Giê-su mong đợi. Phê-rô đã đón nhận ơn soi sáng và nói lời tuyên xưng với tư cách đại diện Nhóm Mười Hai.

1.3 Ðối với các chúng ta ngày nay: Lời tuyên xưng Ðức Tin của Phê-rô mang một tầm quan trọng hết sức đặc biệt. Vì Giáo Hội Công Giáo đã được xây dựng trên lời tuyên xưng Ðức Tin ấy. Có người nghĩ rằng Giáo Hội được xây dựng trên con người Phê-rô, nhưng thật ra thì phải nói là Giáo Hội được xây dựng trên lời tuyên xưng của Phê-rô và của các Tông Ðồ.

Ðến lượt chúng ta, mỗi người cũng phải trả lời câu hỏi của Ðức Giê-su: "Còn ông, bà, anh, chị..., ông, bà, anh, chị coi tôi là ai ?" Tin Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa là sống mối tương quan mật thiết, riêng tư, liên vị với Người, chứ không phải là thuộc lòng một mớ giáo lý, một số kinh, một số đoạn văn Kinh Thánh. Cũng không phải là tuân giữ một số luật lệ hay lời khuyên. Tất cả mọi hành vi cử chỉ của chúng ta chỉ mang ý nghĩa khi giữa Chúa và chúng ta có mối tương quan gắn bó, mật thiết, thân tình, keo sơn.

2. PHẢI HIỂU NHƯ THẾ NÀO VỀ QUYỀN BÍNH ÐỨC GIÊ-SU ÐÃ TRAO CHO PHÊ-RÔ VÀ CÁC TÔNG ÐỒ ?

Dựa vào những gì được nói ra trong bài Tin Mừng, chúng ta có thể hiểu một số nét căn bản của quyền bính trong Giáo Hội:

2.1 Quyền bính trong Giáo Hội là quyền bính được Thiên Chúa ban cho. Nên người lãnh nhận quyền ấy phải ý thức sự cao cả của ân huệ của Thiên Chúa và thân phận yếu đuối, giòn mỏng của mình, tức luôn phải có lòng biết ơn và khiêm nhường. Thiên Chúa ban quyền cho ai, thì không phải vì người ấy có công lao hay đức độ trước mặt Chúa, mà chỉ vì Thiên Chúa muốn người ấy phục vụ cộng đoàn mà Người đã giao cho người ấy.

2.2 Vì xuất phát từ Thiên Chúa nên quyền bính trong Giáo Hội là một quyền bính chắc chắn và bền vững, không sức mạnh nào có thể thắng nổi, dù đó là sức mạnh của loài người hay của Xa-tan ác thần.

2.3 Vì quyền bính trong Giáo Hội xuất phát từ Thiên Chúa nên phải được thực thi theo cung cách của Chúa Giê-su là Con Một Thiên Chúa: "Anh em biết: những người thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm gía chuộc muôn người" ( Mc 10, 42 - 45 ).

Với sự chỉ dậy cặn kẽ, chi tiết như thế của Ðức Giê-su thì chúng ta phải hiểu rằng quyền bính trong Giáo Hội không nhằm thống trị mà nhằm phục vụ con người. Quyền trói cởi không thể được hiểu là người nắm quyền muốn làm gì thì làm, muốn tha ai thì tha, muốn buộc ai thì buộc. Người nắm quyền phải coi quyền ấy là một "phục vụ" ( service ) và khi thực thi quyền ấy thì phải thực thi giống như cách thực thi của Chúa Giê-su.

Nói cách khác, lợi ích của con người phải là điều phải nhắm tới khi thi hành quyền trong Giáo Hội. Ðức Giê-su cũng đã có lần "chỉnh" người Pha-ri-sêu và xác định lập trường của Thiên Chúa: "Ngày sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa-bát" ( Mc 2, 27 ).

Lạy Chúa Giê-su, con đã là Ki-tô hữu bao nhiêu năm rồi nhưng để trả lời câu hỏi " Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" thì con không khỏi lúng túng. Vâng con tin Chúa là Ðấng Ki-tô con Thiên Chúa hằng sống. Nhưng lời tuyên xưng Ðức Tin của con cần được thể hiện không chỉ bằng lời nói mà phải bằng cả việc làm và nhất bằng việc làm. Xin Chúa giúp con biết thể hiện lòng tin của con trong đời sống thường ngày của con.

Lạy Chúa Giê-su chúng con cảm tạ Chúa đã ban quyền bính vững chắc cho Giáo Hội. Xin Chúa củng cố quyền bính ấy nơi Ðức Giáo Hoàng và các Giám Mục là người kế vị thánh Phê-rô và các Tông Ðồ để các ngài thực thi quyền bính ấy một cách đẹp lòng Chúa và sinh ơn cứu độ cho loài người.

Gs. Giê-rô-ni-mô Nguyễn Văn Nội

SUY NIỆM 3:

HỘI THÁNH CỦA CHÚA

"Con là Phê-rô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thày sẽ xây Hội Thánh của Thày". Với lời này, Ðức Giê-su chính thức thiết lập Hội Thánh. Lời Chúa cho ta thấy những đặc tính của Hội Thánh.

Ðó là một Hội Thánh cho con người.

Ðức Giê su xây dựng Hội Thánh trên nền đá Phê-rô. Phê-rô vốn là một người yếu đuối. Ðời ông nhiều thất bại hơn thành công, nhiều yếu đuối hơn mạnh mẽ. Ðã từng ra khơi suốt đêm để sáng sớm trở về tay trắng. Ðã từng chìm xuống khi muốn đi trên mặt nước. Ðã từng ngủ mê khi phải canh thức với Thày trước giờ tử nạn. Và tệ hại nhất là đã từng chối Thày ba lần khi Thày chịu khổ nạn.

Nền tảng tượng trưng cho cả tòa nhà. Nền tảng Phê-rô là một con người yếu đuối cũng như cả Hội Thánh gồm những con người mỏng giòn.

Những thất bại của Phê rô thường diễn ra trong bóng đêm. Ðánh cá suốt đêm không được gì. Chìm xuống mặt nước lúc ban đêm. Ngủ gật trong vườn Cây Dầu khi trời tối. Chối Thày trong bóng đêm. Ðó là hình ảnh Hội Thánh còn phải lần mò đi trong đêm tối thử thách của thế giới với những yếu đuối của con người.

Chúa dùng người yếu đuối để qui tụ những con người yếu đuối. Chúa sử dụng những phương tiện của con người để nâng đỡ con người.

Ðó là một Hội Thánh của Thiên Chúa.

Tuy Hội Thánh dành cho con người, và gồm những con người yếu đuối, nhưng đó lại chính là Hội Thánh của Thiên Chúa.

Hội Thánh của Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa thiết lập. Ðức Giê-su xác định đây là "Hội Thánh của Thày".

Hội Thánh của Thiên Chúa nên sống bằng sức sống của Thiên Chúa, chứ không sống bằng sức sống của con người.

Thật vậy, Hội Thánh rất yếu đuối. Có những yếu đuối khi phải đương đầu với những khó khăn thử thách bên ngoài. Biết bao vua chúa đã muốn triệt hạ Hội Thánh khi Hội Thánh chỉ là một nhóm những người bé nhỏ nghèo hèn. Có những yếu đuối từ trong nội bộ. Biết bao lần chia rẽ, phân ly. Biết bao lỗi lầm tai hại tưởng như khiến Hội Thánh đổ nát tan tành.

Nhưng Hội Thánh vẫn đứng vững với thời gian. Vì đó là Hội Thánh của Thiên Chúa.

Vì Hội Thánh là chính chúng ta, những con người mỏng giòn, nên ta cần khiêm nhường. Khiêm nhường nhận biết mình yếu đuối. Khiêm nhường nhận biết Hội Thánh còn chưa thánh thiện. Khiêm nhường như thánh Phê-rô suốt đời cầu xin lòng thương xót của Chúa. Khiêm nhường như Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô công khai lên tiếng xin lỗi về những sai sót của Hội Thánh. Ta không chỉ khiêm nhường khi đấm ngực chuẩn bị dâng thánh lễ, mà còn phải khiêm nhường trong đời sống hằng ngày.

Vì Hội Thánh là cho con người nên ta cần có thái độ cảm thông. Biết mình yếu đuối, tôi sẽ dễ cảm thông với những yếu đuối của anh em. Cảm thông không phải để mặc anh em chìm xuống, nhưng để giúp anh em vượt lên. Như lời Chúa dạy Phê-rô: "Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh" ( Lc 22, 32 ).

Vì Hội Thánh là của Chúa nên ta phải hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Biết mình u mê, ta sẽ phó thác cho Chúa hướng dẫn cuộc đời. Biết mình yếu đuối, ta sẽ không còn cậy dựa vào sức riêng, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, làm việc bằng sức mạnh của Chúa. Như thánh Phê-rô tuyên xưng Ðức Tin nhờ ơn soi sáng của Chúa Cha. Như thánh Phê-rô giảng đạo trong ngày lễ Ngũ Tuần nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Chính Chúa là sức mạnh của Hội Thánh. Phê-rô là Ðá Tảng nhưng chính Chúa làm cho Ðá Tảng vững bền. Phê-rô giữ chìa khóa nhưng chính Chúa gìn giữ toà nhà.

 Gm. Giu-se NGÔ QUANG KIỆT, Lạng Sơn - Cao Bằng

TÀI LIỆU:

THỐNG KÊ THĂM DÒ VỀ ÐỨC TIN Ở NƯỚC ÐỨC

Tạp chí Reader's Digest - Das Best, số ra tháng 4.1999, trang 116, đăng kết quả Bản Thăm Dò Ý Kiến người dân Ðức về Ðức Tin vào Thiên Chúa như sau:

50 % người được hỏi ý kiến vào lứa tuổi 14 đến 39 vẫn còn tin vào sự sống vĩnh cửu mai sau. Trái lại, chỉ có 38 % lứa tuổi 60 còn tin vào điều này.

70 % đều cho rằng xã hội bây giờ không còn tin vào Thiên Chúa nữa.

78 % những người trẻ thuộc thế hệ từ 14 đến 29 tuổi cảm thấy đời sống tôn giáo ngày càng biến mất trong đời sống, và họ cho là tình trạng này xảy đến quá sớm.

Hội Thanh Thiếu Niên Công Giáo thuộc Giáo Phận Munich, thăm dò ý kiến của 1.200 bạn trẻ về vai trò của Chúa Giê-su trong đời sống tinh thần của họ, phần đông cho biết Chúa Giê-su Ki-tô không còn chiếm địa vị trung tâm trong đời sống tinh thần của họ nữa !

Bản thống kê đi đến kết luận: Trong đời sống tôn giáo của người trẻ nước Ðức ngày nay, Niềm Tin Ki-tô giáo không còn hấp dẫn hoặc gây nhiều ảnh hưởng nơi họ nữa. Chúa Giê-su dần dần ít được nhắc tới trong các buổi thuyết trình, hay nếu có, cũng chỉ là được nêu ra như một nhân vật lịch sử ! Như thế, có thể nói, hình ảnh về Thiên Chúa, về Chúa Giê-su, trung tâm của Niềm Tin Ki-tô giáo, hiện nay không còn ăn rễ sâu trong tâm thức con người, ít là nơi những người trẻ tương lai của xã hội, của Giáo Hội Ðức nữa.

Tài liệu của Lm. NGUYỄN NGỌC LONG

CHỨNG TỪ:

TỰ NGUYỆN LÀM NÔ LỆ

Thánh Giáo Hoàng Grê-gô-ri Cả ( Grégoire le Grand ) thế kỷ thứ 6 có thuật lại câu truyện về thánh Paulin, Giám Mục giáo phận Nola vùng Florence nước Ý.

Thánh Paulin sinh năm 353 và mất vào năm 431. Khi quân Vandales nước Ðức tràn sang xâm lược nước Ý, đã bắt một số đông các cư dân khỏe mạnh ở đây bán cho bọn buôn nô lệ. Ðức Giám Mục Paulain đã đem toàn bộ tài sản riêng của gia đình vốn có gốc quý tộc, để chuộc lại tự do cho rất nhiều người. Nhưng đến khi ngài chẳng còn gì nữa thì có một người đàn bà nghèo khổ đáng thương đến khóc lóc van nài: "Lạy ngài, xin hãy cứu lấy đứa con trai duy nhất của con !"

Ðức Cha Pauin đành đau xót thú nhận: "Nhưng tôi có thể làm được gì bây giờ ? Tôi đã dùng cạn hết số tiền tôi có để chuộc lấy những kẻ bất hạnh như con của bà mất rồi !" Người phụ nữ quỵ xuống vì tuyệt vọng.

Thánh nhân thầm cầu nguyện rồi quyết định tiến đến, đỡ bà lên mà bảo: "Thôi, bà cứ yên tâm, tôi không còn tiền nữa, nhưng tôi sẽ xin được làm nô lệ thay cho con trai của bà !" Người mẹ bừng lên niềm hy vọng, nhưng chợt tái mặt đi, kêu lên thảng thốt: "Không, không thể như thế được, ngài là Giám Mục cơ mà ?"

Ðức cha ngước mắt đăm đăm nhìn trời, ngài nhỏ nhẹ nói: "Tại sao lại không thể được nhỉ ? Chính Con-Thiên-Chúa cũng đã chẳng tự nguyện trở nên nô lệ vì tất cả chúng ta đó sao ? Hơn nữa, con trai của bà còn trẻ, anh ta có thể mất kiên nhẫn chịu đựng trong cảnh lầm than tủi nhục của đời nô lệ, và vì thế anh ta có thể mất cả Ðức Tin. Còn tôi thì trái lại, tôi tin Chúa sẽ giúp tôi giữ gìn được cả hai, linh hồn và thể xác..."

Thế là thánh Giám Mục Paulin xin nhập vào đoàn người nô lệ. Ngài nói với tên chủ nô là ngài có biết nghề làm vườn rất thông thạo. Hắn quả đang có mối cần mua một người như thế, hắn liền chấp thuận đổi lấy ngài mà thả cho anh thanh niên được về với mẹ...

Sau một thời gian, người chủ đã mua thánh Paulin từ đoàn nô lệ, nhận ra ngài là một người đức độ khôn ngoan, hằng ngày ông thường tìm dịp để nói chuyện với ngài và dần dần học biết giáo lý Ðức Ki-tô.

Một hôm, thánh nhân báo cho ông biết nhà vua xứ Vandales đang lâm trọng bệnh sắp chết, và chắc chắn sẽ chịu sự phán xét của Thiên Chúa về những việc tàn bạo đã làm. Lời tiên báo này được truyền tới tai nhà vua, ông ta hốt hoảng, vội cho mời thánh nhân và hỏi xem ngài là ai, tại vì sao lại rơi vào kiếp nô lệ ? Hiểu rõ được sự tình, vua hồi tâm sám hối, ra lệnh trả tự do vị Giám Mục cùng tất cả những người bị bắt nô lệ ở thành Nola. Vua còn giúp cho họ một chiếc thuyền lớn chở đầy lương thực để trở về cố hương bình an...

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 2

MỘT ÐỜI PHỤC VỤ HY SINH

Cha Maurice Bertain sinh năm 1869, vốn là con trai một gia đình giàu có tại thủ đô Paris nước Pháp. Sau khi tốt nghiệp trường Bách Khoa ( École Polytechnique ), chàng trai hăng hái gia nhập binh chủng hải quân, đi thực tập trên một chiếc tàu chiến với quân hàm trung úy. Khi cập bến Nagazaki của Nhật-bản, anh tò mò tìm đường vào viếng thăm một ngôi Nhà Thờ của Dòng Phan-xi-cô, trong đó có lưu giữ một số hài cốt của các thánh tử đạo Dòng Phan-ci-cô khi sang truyền giáo tại Nhật-bản. Tâm hồn nhạy cảm của chàng trai đã bị đánh động, chàng cứ bần thần suy tư nghĩ ngợi mãi.

Sau đó, khi quay trở về Pháp, mãn hạn nghĩa vụ, thay vì xin tiếp tục theo binh nghiệp, chàng lại xin xuất ngũ và đến tìm hiểu Ơn Gọi tại một tu viện Dòng Phan-xi-cô ngay tại Paris. Cứ thế, thầy Maurice Bertain đã vượt qua được giai đoạn Nhà Tập, khấn Dòng và theo đuổi các môn Thần Học. Sau khi chịu chức Linh Mục, cha lập tức xin Bề Trên cho đi phục vụ nhiều nơi như Canada, Nhật-bản, Maroc...

Thế rồi, vào năm 1929, cha đã được cử sang Việt Nam để thành lập Dòng Phan-xi-cô khi vừa tròn 60 tuổi. Mặc dù gặp biết bao khó khăn do chiến tranh và tình trạng nghèo nàn lạc hậu, cha đã tận tụy đi khắp đất nước Việt Nam để gây dựng, để hình thành các gia đình Anh Em Hèn Mọn ( Les Frères Mineurs ). Cha là một nhà tu hành thánh thiện, đồng thời còn là một kiến trúc sư tài ba, một nhà hoạt động xã hội xuất sắc. Các công trình vật chất cũng như tinh thần của cha ở Vinh, Thanh Hóa, Nha Trang lần lượt được gầy dựng trong suốt 30 năm dấn thân phục vụ không ngơi nghỉ đang lúc tuổi cha ngày một cao, sức tàn lực kiệt.

Cha đã tạ thế ngày 8.7.1968 tại tu viện Phan-xi-cô Nha Trang, hưởng thọ 99 tuổi, sau 71 năm khấn Dòng, trong đó đã có đến 39 năm phục vụ và hy sinh tại Việt Nam, quê hương yêu quý thứ hai của cha.

Theo báo TIN VUI số 60, tháng 8 năm 1968

CÂU TRUYỆN:

NIỀM TIN TRONG CƠN GIÔNG TỐ

Bá tước Constantin Volney ( 1757 - 1820 ) vốn là một học giả, một văn hào nổi tiếng của Viện Hàn Lâm Văn Chương Pháp thời Cách Mạng 1789 và thời đế chính của Napoléon. Ông là hiện thân cho phái tự do tư tưởng, vô tín ngưỡng và duy vật cực đoan.

Một ngày kia, trong một cuộc du ngoạn dọc bờ biển Hiệp Chủng Quốc Hoa-kỳ, chiếc du thuyền ông đi chợt gặp phải một cơn Johng tố dữ dội, gần như bị nhận chìm. Các hành khách đều cầu nguyện và phó mình cho Chúa hoặc xin Ðức Mẹ phù hộ che chở. Thế rồi, cơn bão táp cũng qua, mọi sự yên tĩnh trở lại.

Có một hành khách thuộc giới trí thức trước đấy có trông thấy ông Volney đã mượn của ai đó một xâu chuỗi và đã lần hạt trong lúc nguy biến hãi hùng. Ông ta biết rõ ông Volney là người vô thần nên giờ đây tiến lại, vừa mỉa mai vừa châm biếm hỏi thăm ông Volney: "Ông Volney kính mến, nếu được, xin ông cho biết lúc nãy ông đã cầu nguyện với ai mà sốt sắng thế ?"

Ông Volney lúng túng một thoáng, rồi quyết định nói sự thật của lòng mình: "Người ta chỉ có thể làm triết gia vô thần ở trong phòng làm việc ở nhà mà thôi, chứ người ta không thể như thế trong khi gặp cơn Johng tố nguy tử như ban nãy !"

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 4

THÔNG TIN:

VỀ CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI TRAO TẶÊNG

Cha Nguyễn Trường Xuân, DCCT, cùng các ân nhân ở Pháp, giúp người nghèo ................................................  700 EUROS

Bác sĩ Bích Ðào và các ân nhân người Pháp, giúp người nghèo .........................  3.000 viên thuốc cảm và 5.000.000 VND

Bạn MK Vang Chiêu ( Hoa Kỳ ), giúp người nghèo ...............................................................................................  1.000.000 VND

Chị Quỳnh Như ( Ca đoàn Trùng Dương ), giúp người dân tộc J’rai ở Pleikly đi La Vang ...............................  200.000 VND

Bà Bổng, Giáo Xứ Phao-lô ( Sài-gòn ), giúp người dân tộc J’rai ở Pleikly đi La Vang ..................................  1.000.000 VND

Ông Trần Huy Hoàng, giúp em Võ Hoài Phương khuyết tật ...................................................................................  200.000 VND

Bà Tự Xóm 6 Giáo Xứ ÐMHCG ( Sài-gòn ), giúp học sinh nghèo ..............................  2 bao sách giáo khoa và cặp xách cũ

Xin đính chính lại thông tin đã đăng trên Gospelnet số 72:

Quỹ Tình Thương Hoa Kỳ ( qua hai bạn MK Ðồng – Hải ) giúp các em ở Mái Ấm cô Ðơn ............................................................................................  1.000.000 VND

Quỹ Tình Thương Hoa Kỳ ( qua hai bạn MK Ðồng – Hải ) giúp các em ở Gia Ðình Tình Thương ............................................................................. 1.000.000 VND

VỀ MỘT NGƯỜI BỊ TAI NẠN Ở SÀI-GÒN

Cha Lê Quang Uy, DCCT, giới thiệu trường hợp anh PHẠM HỒNG ÐỨC, sinh 1972, làm nghề thợ may, tạm trú tại số 132 / B1 - C6 đường Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, Sài-gòn. Anh Ðức bị tai nạn xe gãy xương cổ lồi và xương hàm dưới. Hoàn cảnh gia đình anh chỉ còn một mình vì cha mất sớm, mẹ làm ăn buôn bán sạt vốn, đã khủng hoảng bỏ đi từ lâu. Gospelnet xin trợ giúp 500.000 VND.

VỀ MỘT NGƯỜI BỊ TAI NẠN Ở CẦN GIỜ

Cha Hoàng Minh Ðức, DCCT, giới thiệu trường hợp chị LÊ THỊ MƯỜI, 37 tuổi, ngụ tại xã An Thới Ðông, huyện Cần Giờ, một chồng bốn con, hoàn cảnh gia đình rất nghèo. Chị Mười bị tai nạn ngày 14.7.2002, vỡ lồng ngực, phải đóng chi phí thuốc và giải phẫu hết hơn 2.000.000 VND. Hiện chị đang nằm tại phòng Hậu Phẫu bệnh viện 115.

VỀ MỘT BỆNH NHÂN Ở DĂK LĂK

Cha Ðặng Sĩ Bình, Giáo Phận Ban Mê Thuột, giới thiệu trường hợp anh NGUYỄN TRỌNG DŨNG, 43 tuổi, ngụ tại thôn 2, xã Bình Hòa, huyện Krông An-na, buôn Trấp, tỉnh Dăk Lăk. Anh Dũng bị bệnh viêm đại tràng mãn tính đã 6 năm, nay bệnh trở nặng phải về Sài-gòn, điều trị tại Khoa Nội 1 bệnh viện Ða Khoa Sài-gòn. Gospelnet xin trợ giúp 300.000 VND.

 

VỀ CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG CÁI RẮN"

Gospelnet vừa nhận được một lá thư ngỏ của cha NGUYỄN TẤN ÐẠT, Họ Ðạo Cái Rắn, thuộc Giáo Phận Cần Thơ, kèm theo một danh sách và hình chụp 4x6 của 30 em học sinh nghèo. Gospelnet đã trợ giúp cho 30 em trong 3 tháng, kể từ tháng 9 đến hết tháng 11.2002, tổng cộng: 30 em x 50.000 VND x 3 tháng = 4.500.000 VND ( qua cha Phan Ðức Hiệp, DCCT, ngày 21.7.2002 ). Rất mong quý độc giả hưởng ứng và chia sẻ cho các em thêm cho các tháng sau đó. Sau đây là nguyên văn lá thư ngỏ:

THƯ NGỎ KÍNH THƯA ÔNG BÀ, ANH CHỊ EM ÂN NHÂN

Bắt đầu năm học mới, năm 2002 - 2003 cho các em học sinh. Ban Khuyến Học xứ đạo Cái Rắn xin kính chúc quý vị ân nhân dồi dào sức khỏe bình an hạnh phúc và tràn đầy hồng ân Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong những năm vừa qua, Ban Khuyến Học đã hoàn thành những việc làm đáng kể, đặc biệt ngày 8.8.2002, được sự trợ giúp của quý ân nhân, chúng tôi đã phát quà khuyến học cho 511 em học sinh cấp 1+2+3 và khen thưởng cho 80 em đạt danh hiệu khá, giỏi và tiên tiến.

Cái Rắn là một xứ đạo truyền giáo vùng sâu vùng xa của miền đất mũi Cà Mau, đa số các em bỏ học vì nghèo, đi học rất khó khăn, trường lớp "te tua" và tạm bợ. Nên chúng tôi muốn tạo ngân quỹ khuyến học giúp đỡ các em học sinh nghèo được đến trường. Ðặc biệt xin trợ giúp cho 30 em học sinh nghèo trong nhóm dự tu: Xin trợï giúp mỗi em 50.000đ / một tháng theo danh sách đính kèm.

Vậy chúng tôi tha thiết ngỏ lời, xin quý vị ân nhân vui lòng giúp đỡ để chúng tôi có điều kiện tiếp tục trợ giúp các em. Xin chân thành cám ơn quý vị ân nhân, nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Ma-ri-a trả công bội hậu cho quý vị.

Cái Rắn, ngày 10 tháng 8 năm 2002, Linh Mục đặc trách, Bê-na-đô NGUYỄN TẤN ÐẠT

200 / 20 Lý Thường Kiệt, Phường 6, Thành Phố Cà Mau, Việt Nam

Ðiện thoại: 0780.880.361 - 090.3.780.665 - E-mail: nguyentandat2001@yahoo.com

01.    An-na NGUYỄN KIM XUYẾN, sinh năm 1983, học lớp 12, học lực khá

02.    Ma-ri-a NGÔ CẨM TÚ, sinh năm 1983, học lớp 12, học lực khá

03.    Phê-rô NGUYỄN MINH THẾ, sinh năm 1986, học lớp 11, học lực giỏi

04.    An-rê CAO VĂN CHUỐI, sinh năm 1985, học lớp 10, học lực khá

05.    An-na PHẠM KIM THA, sinh năm 1986, học lớp 10, học lực khá

06.    Ma-ri-a PHẠM LỆ QUYẾN, sinh năm 1985, học lớp 10, học lực khá

07.    Ma-ri-a PHAN TRÚC LY, sinh năm 1987, học lớp 10, học lực khá

08.    An-na NGUYỄN HỒNG NHI, sinh năm 1986, học lớp 9, học lực trung bình

09.    Phao-lô PHẠM VĂN PHẢI, sinh năm 1987, học lớp 9, học lực khá

10.    Phê-rô NGUYỄN VIỆT THĂNG, sinh năm 1986, học lớp 9, học lực trung bình

11.    Gio-an BAO-TI-XI-TA LỮ VĂN TOÀN, sinh năm 1987, học lớp 9, học lực khá.

12.    Phê-rô NGUYỄN VĂN TRẠCH, sinh năm 1987, học lớp 9, học lực trung bình

13.    Phê-rô NGUYỄN VĂN THẮNG, sinh năm 1987, học lớp 9, học lực khá

14.    An-rê NGUYỄN TRUNG TRỰC, sinh năm 1988, học lớp 9, học lực khá

15.    Lô-ren-xô NGUYỄN VIỆT KHÁI, sinh năm 1988, học lớp 9, học lực trung bình

16.    I-sa-ve CAO XUÂN ÐÀO, sinh năm 1987, học lớp 8, học lực giỏi

17.    Lu-xi-a NGUYỄN THỊ ÐÍNH, sinh năm 1986, học lớp 8, học lực trung bình

18.    A-nê LÊ BÉ TÚ, sinh năm 1988, học lớp 8, học lực khá

19.    Ma-ri-a NGUYỄN BÉ ÐOAN, sinh năm 1986, học lớp 8, học lực trung bình

20.    Ma-ri-a DƯƠNG TÚ ANH, sinh năm 1989, học lớp 8, học lực khá

21.    Ma-ri-a NGUYỄN LỆ QUYÊN, sinh năm 1988, học lớp 8, học lực trung bình

22.    Ma-ri-a NGUYỄN ÁI NHI, sinh năm 1987, học lớp 8, học lực trung bình

23.    An-na NGUYỄN HUỲNH NHƯ, sinh năm 1988, học lớp 8, học lực trung bình

24.    Ma-ri-a PHAN THÚY DUY, sinh năm 1987, học lớp 8, học lực trung bình

25.    Ma-ri-a PHẠM BÉ THOẢNG, sinh năm 1988, học lớp 8, học lực khá

26.    An-tôn DƯƠNG QUANG MINH, sinh năm 1986, học lớp 8, học lực trung bình

27.    An-rê PHAN VŨ KHA, sinh năm 1987, học lớp 8, học lực trung bình

28.    Phê-rô VÕ QUỐC EM, sinh năm 1986, học lớp 8, học lực khá

29.    Tô-ma TRẦN HẢI ÐĂNG, sinh năm 1988, học lớp 8, học lực khá

30.    Gio-a-kim PHAN VIỆT TÂN, sinh năm 1989, học lớp 8, học lực khá.

VỀ CÁC GIA ÐÌNH NGHÈO Ở QUẢNG NAM

Cha Ngô Tấn Lực, DCCT, giới thiệu 4 trường hợp già yếu, neo đơn và nghèo ở Quảng Nam cần trợ giúp dưới đây, mỗi người 50.000 VND một tháng, trong thời gian 3 tháng, tổng cộng: 600.000 VND.

01. Cụ LÊ THỊ HAI, 90 tuổi, không con cháu, ngụ tại thôn Mỹ Hảo, xã Ðại Phong.

02. Cụ NGÔ THI NHÔNG, 62 tuổi, tàn tật, ngụ tại thôn Phú Mỹ, xã Ðại Minh.

03. Cụ PHAN CẬY, 70 tuổi, bị bại liệt và tâm thần, ngụ tại thôn Tây Giã, xã Ðại Minh.

04. Cụ LÊ THỊ TRI, 89 tuổi, quá già yếu, sống với cháu tại thôn Tây Giã, xã Ðại Minh.

3 trường hợp yếu đau và khuyết tật được trợ giúp xe lăn mới, loại có thể xếp lại được ( trị giá 950.000 VND, tổng cộng: 2.850.000 VND ):

01. Cụ TRẦN ÐÌNH NIÊN, 79 tuổi, bị tai biến mạch máu não, ngụ tại thôn Ðông Giã, xã Ðại Minh.

02. Cụ LÊ CANH, 76 tuổi, bị bán thân bất toại, ngụ tại thôn Tây Giã, xã Ðại Minh.

03. Anh PHAN DŨNG, 30 tuổi, bị bại liệt, ở với cha mẹ già yếu tại thôn Tây Giã, xã Ðại Minh.

12 em học sinh nghèo được trợ giúp 50.000 VND mỗi tháng, trong thời gian 3 tháng, kể từ tháng 9 đến hết tháng 11.2002, tổng cộng: 1.800.000 VND:

01. NGUYỄN THỊ KHÁNH NGÂN, sinh 1986, lên lớp 11

02. NGUYỄN ÐOÀN THÙY TRINH, sinh 1990, lên lớp 7

03. VÕ HỮU KHOA, sinh 1985, lên lớp 12

04. PHẠM THỊ MINH DIỆU, sinh 1987, lên lớp 10

05. LÊ THỊ THU HÀ, sinh 1990, lên lớp 7

06. LÊ THỊ HẢI HẰNG, sinh 1992, lên lớp 5

07. VÕ THỊ HỒNG NHUNG, sinh 1989, lên lớp 8

08. LÊ THỊ DIỄM, sinh 1987, lên lớp 10

09. NGÔ THỊ NGỌC MAI, sinh 1990, lên lớp 7

10. NGÔ THỊ MINH TRINH, sinh 1993, lên lớp 4

11. PHAN THỊ DIỄM, sinh 1989, lên lớp 8

12. NGUYỄN ANH TÚ, sinh 1990, lên lớp 7.