GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 16 A THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Mt 13, 24 - 30

DỤ NGÔN CỎ LÙNG

Ðức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Ðầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ?" Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó!" Ðầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi đi gom lại không ?" Ông đáp: "Ðừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Ðến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi".

SUY NIỆM:

MỘT NỬA ÁNH SÁNG - MỘT NỬA BÓNG TỐI

1. Thiện Ác cùng hiện diện trong mỗi con người, mỗi cộng đồng cũng như trong thế giới:

Trong các tài liệu của Giáo Hội chúng ta thường thấy tựa đề này: "Ánh sáng và bóng tối trong ... ví dụ: trong thế giới loài người hôm nay, trong gia đình hiện nay, trong giới trẻ hiện nay". Ðó chính là vấn đề mà dụ ngôn cỏ lùng trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu muốn nêu lên.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn chứng kiến một thực tại là Thiện và Ác luôn có mặt cùng lúc, cùng nơi, bên cạnh nhau và tranh giành nhau. Thực tại ấy xẩy ra nơi mỗi tâm hồn, mỗi cộng đồng, mỗi xã hội. Mỗi người mỗi cộng đồng và thế giới luôn bị giằng co, lôi kéo bởi hai lực, hai khuynh hướng, hai trào lưu nội tâm trái nghịch nhau, một kéo về hướng tốt, một kéo về phía xấu. Thánh Phao-lô đã diển tả thực tại ấy như thế này: "Những điều ( tốt ) tôi muốn làm thì tôi không làm, trong khi những điều ( xấu ) tôi không muốn làm thì tôi lại làm".

Một nhạc sĩ trẻ đã sáng tác một bài hát rất hay mang tựa đề "Một nửa ánh sáng, một nửa bóng tối trong tôi" để diễn tả thực tại ấy. Nội dung bài hát đại khái như vầy: Trong tôi, trong mỗi người chúng ta có một nửa là ánh sáng ( tức là phần tốt lành, vị tha, thánh thiện ) và một nửa là bóng tối ( tức là phần xấu xa, vị kỷ, tội lỗi ). Làm sao để nửa phần ánh sáng bừng cháy lên, đánh tan hoặc che phủ hoàn toàn nửa phần bóng tối kia đi.

Kinh nghiệm cho chúng ta thấy: chẳng có ai hoàn toàn tốt lành, vị tha, thánh thiện; mà cũng chẳng có ai hoàn toàn xấu xa, vị kỷ, tội lỗi. Vấn đề là làm sao đề phần tốt lành, vị tha, thánh thiện hiện rõ và thắng thế. Trong mỗi cộng đoàn đức tin cũng thế. Trong trong thế giới loài người cũng thế. Ngày nay có biết bao người dám xả thân vì tha nhân, vì công lý và hòa bình thì cũng có không ít người chỉ biết hủy diệt, tìm mọi cách để hủy diệt. Giữa ánh sáng và bóng tối luôn luôn có sự đấu tranh giành giật loại trừ nhau một cách quyết liệt. Ánh sáng càng lan tỏa thì bóng tối càng bị thu hẹp và ngược lại. Chính vì thế mà Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II luôn kêu gọi mọi người thành tâm thiện chí và nhất là các Ki-tô hữu hãy tích cực xây dựng một nền văn minh sự sống, chiến đấu chống lại nền văn minh sự chết đang hoành hành trong các quốc gia.

2. Thiện xuất phát từ Thiên Chúa, Ác là do ma quỉ:

Ðứng trước sự kiện hiển nhiên "một nửa ánh sáng, một nửa bóng tối" ấy, con người không ngừng thắc mắc như các đầy tớ của dụ ngôn cỏ lùng trong Phúc Âm: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ?"

Ðối với những người tin rằng thế giới này do nhiều thần linh cai trị thì những điều tốt lành là do các thần tốt lành mà ra; còn các điều xấu, điều ác thì tất nhiên phải xuất phát từ những ác thần. Còn đối với chúng ta là những kẻ tin rằng Thiên Chúa là Chủ duy nhất của vũ trụ vạn vật và là Ðấng toàn thiện, vậy thì sự ác, sự dữ do đâu mà có ?

Thánh Kinh cho biết: ngay từ thuở ban đầu Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ vạn vật và Ngài đã đánh giá công trình ấy là tốt đẹp. Nhưng Thánh Kinh cũng cho chúng ta biết ngay từ buổi đầu, chính Sa-tan đã lôi cuốn tổ tông loài người bất tuân lệnh Chúa mà ăn trái cấm trong vườn địa đàng và gây tai họa cho con cái loài người. Giáo huấn trên ăn khớp với điều Ðức Giê-su giải thích về dụ ngôn: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ". Thế giới vũ trụ vạn vất là công trình tốt đẹp do quyền năng và tình thương của Thiên Chúa dựng nên; còn mầm mống sự ác là cỏ lùng đã được gieo vào lòng con người và lòng xã hội là do ma quỉ, do Aùc thần. Cỏ lùng mọc xen với lúa và cùng lớn lên với lúa. Lúa tốt và cỏ lùng tranh giành nhau đất sống. Ðó là cuộc chiến tranh khốc liệt xảy ra hằng ngày trong mỗi tâm hồn, trong mỗi cộng đồng.

3. Tại sao Thiên Chúa không hủy diệt sự Aùc ngay lập tức ?

Một thắc mắc nữa là tại sao Thiên Chúa không hủy diệt sự Ác ngay lập tức mà lại để cho sự Aùc hiện hữu, tác động xấu trên con người và xã hội ? Trong dụ ngôn cỏ lùng, ông chủ không nghe theo đề nghị của các đầy tớ là cho nhỏ hết cỏ lùng khỏi ruộng lúa, mà cứ để cho cỏ lùng phát triển song song với lúa tốt. Lý do ông nêu lên là nếu cho nhổ hết cỏ lùng thì "sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt". Sẽ đến giờ, đến lúc cỏ lùng và lúa tốt được tách riêng ra.

Thiên Chúa có nhiều lý do để hành động như thế. Trước hết vì Thiên Chúa là Ðấng từ bi nhân hậu, không nỡ bẻ gẫy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Ông chủ ruộng không ra lệnh nhổ hết cỏ lùng cũng là vị mục tử bỏ chín mươi chín con chiền lành để đi tìm một con chiên lạc, cũng là người cha ngày ngày đứng ngóng đợi đứa con hoang trở về.

Thứ đến là vì Thiên Chúa tin rằng người xấu có thể thay đổi thành người tốt, người tội lỗi có thể trở nên người công chính, nhờ hồng ân của Thiên Chúa và sức mạnh của Thánh Thần. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng khi một người ý thức mình là người có tội và phải vất vả lắm mới thoát ra khỏi cảnh tội thì người ấy sẽ sống khiêm tốn và yêu thương hơn.

Chúng ta có nhiều ví dụ trong Phúc Âm: Phê-rô phút trước vẫn còn là người đánh cá, phút sau đã trở thành môn đệ Ðức Giê-su. Cũng Phê-rô phút trước còn là kẻ hèn nhát chối Thày trước mặt một người tớ gái, phút sau đã trở thành người sám hối vĩ đại, quyết sống chết với Thày Giê-su. Phao-lô phút trước còn là kẻ bách hại các Ki-tô hữu, phút sau đã trở thành vị tông đồ dân ngoại. Mát-thêu và Da-kêu phút trước còn là một nhân viên thu thuế, phút sau đã trở thành môn đệ Chúa. Ma-da-lê-na phút trước còn là một phụ nữ bán mình mua vui cho thiên hạ, phút sau đã trở thành người gắn bó chặt chẽ với Ðức Giê-su. Người trộm lành phút trước còn là tên trộm dữ, phút sau đã là người được Ðức Giê-su đưa vào thiên đàng hưởng hạnh phúc bên Chúa v.v.. Chúng ta cũng có thể tìm ở chung quanh mình những ví dụ khác mới mẻ hơn.

Lý do sau cùng là Thiên Chúa muốn con người đóng góp vào việc phát triển sự Thiện và tiêu diệt sự Ác nơi mình, nơi tha nhân và trong thế giới.

4. Làm thế nào để phát triển sự Thiện và tiêu diệt sự Ác nơi mình, nơi tha nhân và trong xã hội ?

Chúng ta phát triển sự Thiện và tiêu diệt sự Ác nơi mình, nơi tha nhân và trong xã hội bằng cách làm cho một nửa ánh sáng bừng sáng lên và nửa bóng tối thu hẹp lại tức là tạo điều kiện cho các khuynh hướng tốt, các ước vọng tốt, các nỗ lực tốt thành hiện thực và đồng thời làm cho các khuynh hướng xấu, ước vọng xấu, hành động xấu không có cơ hội hình thành.

Nửa ánh sáng là lòng yêu thương, bác ái, nhân hậu, từ bi, quan tâm giúp người. Nửa bóng tối là ích kỷ, hận thù, khắt khe, sống thờ ơ với người bên cạnh. Nửa ánh sáng là khiêm nhường, hiền lành. Nửa bóng tối là kiêu căng, tự mãn, coi thường tất cả. Nửa ánh sáng là trong sạch, khiết tịnh, điều độ, siêu thoát. Nửa bóng tối là tham sân si, chạy theo lạc thú, ham hố của cải, chức quyền, địa vị. Nửa ánh sáng là công lý và hòa bình. Nửa bóng tối là bất công và chiến tranh... Mỗi lần chúng ta chọn phần nửa ánh sáng và từ khước phần nửa bóng tối là chúng ta phát triển sự Thiện và tiêu diệt sứ Ác nơi mình, nơi tha nhân và trong xã hội.

Lạy Thiên Chúa là Cha từ bi nhân hậu, Cha đã tạo dựng vũ trụ vạn vật và con người. Cha lại còn giao phó cho con người sứ mệnh gìn giữ, cai quản và làm chủ công trình tốt đẹp ấy, để loài người cộng tác với Cha làm cho công trình ấy luôn luôn tốt đẹp và hữu ích. Xin Cha giúp chúng con biết quí trọng thiên nhiên và tôn trọng những định luật tự nhiên mà Cha đã đặt để trong đó. Xin Cha giúp chúng con biết tích cực bảo vệ và phát triển sự Thiện và đấu tranh tiêu diệt sự Ác nơi mình, nơi tha nhân và trong xã hội chúng con đang sống.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã được Cha sai đến trần gian để gieo vãi hạt giống tốt trong cánh đồng thế gian và làm cho hạt giống ấy phát triển thành cánh đồng cao sản. Chúa đã chiến đấu hết sức mình, chiến đấu đến nỗi bị kẻ thù giết hại để thực hiện Ý Cha và đem lại chiến thắng cho Vương quốc của Cha. Xin Chúa giúp chúng con biết cách đấu tranh bênh vực sự Thiện trong chúng con, trong cộng đồng và xã hội chúng con và đẩy lùi sự Ác ra khỏi lòng chúng con, khỏi cộng đồng và xã hội chúng con.

Lạy Chúa Thánh Thần là sức mạnh Thiên Chúa, xin Chúa luôn ở cùng chúng con, luôn chiến đấu với chúng con để đem lại chiến thắng cho Nước Thiên Chúa.

Phê-rô Ða-mi-a-nô ÐINH NGỌC THIỆU - Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

CÂU TRUYỆN:

CUỘC ÐỜI "THẰNG-SÚC-SINH"

Từ trên giàn giá cao có 2 thanh niên bước xuống, cầm theo 2 tấm ván để tải gạch. Một anh vạm vỡ khỏe mạnh, độ 20 tuổi, còn cậu kia thì bé hơn nhiều. Vừa xuống đến sân, cậu bé hỏi ngay: "Anh Long, hình như anh có vẻ mệt ?" những thanh niên tên Long trả lời nhát gừng: "À, tại tao hơi đau lưng, lại thêm cái chứng nhức đầu !" Cậu bé liền ân cần nói: "Thôi, vậy anh nghỉ đi, để em làm thay cho..." Long thấy lời nói dối của mình hiệu nghiệm, anh ta khoái trá ngồi xuống xem thằng bé gầy gò yếu ớt ấy sẽ xoay trở thế nào. Anh ta không khỏi ngạc nhiên thầm nghĩ:

"Cái thằng lạ thật ! Ðã mấy lần mình bạt tai ăn hiếp nó, vậy mà cái lúc mình suýt chết đuối trên sông, nó lại liều mạng cứu mình, ai cũng tưởng nó đi đứt vì sặc nước. Lại còn chuyện mình đã ăn cắp tiền, ai cũng nghĩ nó lấy nên bắt nhốt nó hai tuần liền, vậy mà khi thả ra, nó chỉ nói nhỏ với mình là nó sẽ không tố giác mình, chỉ vì sợ mẹ mình biết thì sẽ đau khổ lắm... Thế rồi vì thế mà nó bị bị sa thải suốt 6 tháng, thiếu thốn khổ sở quá chừng. Vậy mà, bây giờ nó vẫn cứ tự nhiên với mình. Hôm nay, mình giả vờ bệnh, nó lại còn gánh thay cho mình nữa chứ ! Thật không thể hiểu nổi cái thằng này !"

Ðang lúc Long ngồi chơi nghĩ vẩn vơ thì cậu bé phải khó nhọc lắm mới xốc được lên lưng số gạch gần như nhiều gấp đôi. Nó từ từ bước lên giàn xây dựng. Long nhìn theo với ánh mắt láu lỉnh vì đã gạt được thằng bé. Bất chợt, có tiếng người đốc công nóng nảy quát: "Gạch đâu ? Sao chưa thấy thằng nào mang lên thế này ?"

Cậu bé nghe vậy thì gắng bước nhanh hơn. Thế nhưng, tấm ván tải gạch quá nặng, mà sức nó thì có là bao, từ sáng đến giờ lại chẳng bỏ bụng hạt cơm nào. Nó chợt thấy lảo đảo, mắt hoa đi, hai chân gần như khuỵu xuống... Ở dưới, nhìn thấy thế, Long hét lên: "Trời ơi ! Thằng-Súc-Sinh !" Vâng, chính cậu bé ấy tên là "Thằng-Súc-Sinh", nó đã ngã nhào từ tầng nhà thứ hai xuống, đống gạch đè chụp lên. Các công nhân chạy ào lại, bới đống gạch ra thì thấy cậu bé thân thể bị giập nát đẫm máu, chỉ còn thoi thóp !

Có người vội chạy đi mời Cha Sở. Khi ngài đến, Thằng-Súc-Sinh mở mắt đăm đăm, hết nhìn ngài lại nhìn Long, thều thào: "Thưa cha, cái gai thứ 14, Long ơi... cái gai cuối cùng !" Một khoảnh khắc trôi qua, Long òa khóc: "Chúa ơi, Thằng-Súc-Sinh nó chết rồi !" Cha Sở lặng lẽ làm dấu Thánh Giá trên trán thằng bé, rồi cởi khuy áo nó để lấy cỗ tràng hạt nó đeo ở cổ, cuộn vào hai bàn tay trầy trụa rướm máu của nó.

Ngài chợt bắt gặp một chiếc túi vải nhỏ thêu đính vào mặt trong áo. Và ngài nhẹ tay mở ra và thấy có một tờ giấy đôi đã cũ có một hình Trái Tim Chúa Giê-su với 14 cái gai, có lẽ do thằng bé đã cố gắng vẽ thật nắn nót, những cái gai đã lần lượt bị vụng về tẩy xóa đi, chỉ còn lại có một cái. Bên cạnh lại có thêm một hình trái tim nhỏ hơn, với nét chữ nguệch ngoạc: trái tim của Súc-Sinh, với 13 cái gai hình như đã được vẽ thêm dần dần trong nhiều lần với mầu mực khác nhau.

Phía dưới có hàng chữ: "Ngày tôi được Rước Lễ Lần Ðầu, tôi đã hứa với Chúa Giê-su rằng: tôi sẽ lần lượt rút hết những cái gay đâm vào trái tim của Người, để ghim thay vào trái tim tôi !" Còn bên trang kia của tờ giấy thì đầy nghẹt những hàng chữ li ti, chỉ còn lại hàng cuối cùng để trống:

·   Gai thứ nhất: Con đã hết cứng đầu, không chãi lời dì con nữa.

·   Gai thứ hai: Con đã chịu nhịn đói 3 ngày vì bạn phạt oan.

·   Gai thứ ba: Lần đầu con đã làm ra tiền, con đã dùng để xin lễ cầu cho dì con mới qua đời.

·       Gai thứ tư: Con đã nhịn không mua nước đá để uống cho đã khát.

·   Gai thứ năm: Con mua một bó hoa đẹp từ chỗ tiền dành dụm để đến thăm mộ dì con.

·   Gai thứ sáu: Con đã chịu một trận đòn vì bênh một thằng bé tật nguyền bị đám trẻ trong xóm ăn hiếp.

·   Gai thứ bảy: Mỗi ngày con gánh nước giúp cho một cụ già yếu đau ở cuối xóm.

·   Gai thứ tám: Con đã xin vào học Lớp Tình Thương nhưng ông chủ không cho, lại còn đánh mắng con.

·   Gai thứ chín: Con đã đến chăm sóc và kịp rửa tội cho bà cụ già ở cuối xóm trước khi bà ấy mất.

·   Gai thứ mười: Anh Long suýt chết đuối, con đã nhảy xuống sông cứu anh ấy mặc dù con không biết bơi.

·   Gai thứ mười một: Con có nhặt được một con chó hoang đói lả ngoài đường. Nuôi nó đến nay gần một năm, thì ông chủ bắt đem làm thịt để nhậu với đám thợ.

·   Gai thứ mười hai: Con bị nhốt oan 2 tuần vì muốn nhận tội thay cho anh Long để mẹ anh ấy không phải đau khổ vì biết anh ấy đã ăn cắp tiền.

·   Gai thứ mười ba: Con chịu nhận phần lương thiệt thòi, dù người ta đồn rằng ông chủ đã bóc lột con.

·   Gai thứ mười bốn: ...

Cha Sở ngậm ngùi khóc, không cần ai phải giải thích về tờ giấy đôi ấy nữa. Cậu bé bị quen gọi là "Thằng-Súc-Sinh" vẫn nằm đó, nước da tái nhợt nhưng khuôn mặt thì rạng rỡ, dường như đang mỉm cười mãn nguyện. Cha Sở nhận ra Trái Tim Chúa Giê-su giờ đây không còn một chiếc gai nào đâm thâu nữa. "Thằng-Súc-Sinh" đã lấy tình yêu để trả giá bằng một đời sống đau khổ tủi nhục, bằng từng cái gai, bằng từng giọt nước mắt !

Nhưng, tại sao một cậu bé như thế lại mang một cái tên nguyền rủa phỉ báng như thế nhỉ ? Bố mẹ thằng bé đã cùng bị tai nạn chết khi em vừa tròn 2 tuổi, em bơ vơ không nhà như con chim non bị ném ra ngoài tổ ấm. Có một người đàn bà góa không con đã nhận em về nuôi một cách tận tâm. Thế nhưng, một chuyện đáng tiếc xảy ra đã làm thay đổi hẳn mối quan hệ tốt đẹp ấy. Thằng bé vốn rất thích ngửi hoa thơm. Trên cửa sổ căn phòng của bà có một chiếc bình hoa quý vừa đẹp vừa thơm. Một hôm, thằng bé hiếu kỳ đã trèo lên một cái ghế đẩu để cố với tới gần mà ngửi đóa hoa vừa nở. Chiếc ghế nghiêng đổ, thằng bé ngã nhào, níu lấy bình hoa. Bà dì nuôi nghe tiếng đổ vỡ, chạy vào, đứng lặng người trước cảnh ấy. Bà tiếc chiếc bình hoa đến nỗi không kịp nghĩ đến đứa con nuôi 6 tuổi đang nằm dưới đất, khóc thét lên vì sợ hãi và đau đớn. Bà chạy đến, túm lấy tóc thằng bé, vừa đánh tụi bụi vừa chửi rủa: "Quân mất dạy ! Ðồ súc sinh ! Mày đúng là Thằng-Súc-Sinh !"

Từ ngày đó, chẳng ai trong xóm còn biết hoặc nhớ đến thằng bé có một cái tên nào khác ngào 3 chữ "Thằng-Súc-Sinh". Thằng bé buồn tủi ghê lắm, vừa sợ bà dì đánh mắng, lại vừa âm thầm phẫn uất, nó trở nên bướng bỉnh ngang ngược. Cũng do vậy, nó lại càng bị đòn dữ tợn và thường xuyên hơn. Nó thù ghét mọi người nên tìm mọi cách tai ác để khiến ai cũng phải tức giận về nó.

Ở trường, nơi nó được học vỏn vẹn có một năm, thì Thằng-Súc-Sinh là một gánh nặng cho các thầy cô giáo. Tống nó khỏi cửa lớp, nó lại trèo cửa sổ nhảy tọt vào trong. Hầu như nó không chịu học hành gì cả. Nó có chịu ngồi yên cũng chỉ là để vẽ nguệch ngoạc dọc ngang khắp các trang sách và trên mặt bàn. Dĩ nhiên, Thằng-Súc-Sinh cũng không vắng mặt ở lớp Giáo Lý. Khổ nỗi, nó có đến lớp cũng chỉ cốt để phá phách không cho bạn cùng lứa có thể ngồi yên mà học hành kinh bổn. Cha Sở đã làm đủ mọi cách để dạy dỗ nó mà không xong, cuối cùng thì ngài đành lờ đi, kệ cho nó muốn làm gì thì làm, coi như không có nó hiện diện...

Nhưng rồi đến cuối niên khóa Giáo Lý năm ngoái, một buổi tối, Cha Sở đọc danh sách các em được Xưng Tội và Rước Lễ Lần Ðầu. Ðương nhiên là không thể có tên Thằng-Súc-Sinh ! Khi ngài bước ra khỏi lớp, nó đã chạy vòng ra đứng chặn trò chơi mặt ngài mà hỏi bằng một giọng cương quyết: "Thưa cha, tại sao con lại không có tên ?" Cha Sở bất giác nhìn đăm đăm thằng bé bất hạnh, ngài nhớ đến câu chuyện về thứ cỏ lùng mọc xen với lúa tốt, đây phải chăng là một tâm hồn có chen lẫn cả lúa thơm lẫn cỏ dại ? Ngẫm nghĩ rồi ngài bất giác mỉm cười khoan dung: "Ðược, con cũng sẽ được Xưng Tội và Rước Lễ Lần Ðầu !" Không kịp nghe hết câu, Thằng-Súc-Sinh đã bỏ chạy như bay ra khỏi nhà xứ. Nó băng mình đến cánh đồng cỏ hoang ngoài rìa làng, lăn mình nằm dài trên thảm cỏ đã bắt đầu đẫm ướt sương đêm, dõi mắt nhìn bầu trời đầy sao, mãi cho đến khuya mới lững thững về nhà.

Hôm sau, trước khi cho phép Thằng-Súc-Sinh đi xưng tội, dì nuôi nó nghĩ rằng phải có bổn phận dạy dỗ khuyên bảo nó vài lời. Bà bảo nó mà mắt nhìn đi chỗ khác: "Thằng-Súc-Sinh, mày phải nhớ: từ nay lo mà đổi tính sửa nết nghe chưa ? Mày không đùa được với Chúa đâu !" Và sau đó, người ta ngạc nhiên thấy Thằng-Súc-Sinh xưng tội rất lâu với Cha Sở. Thiên Chúa đã lắng nghe những nỗi lòng bí ẩn của đứa bé bị cuộc đời ruồng bỏ.

Tới ngày Rước Lễ Lần Ðầu, Cha Sở khuyên nhủ chung cả lớp Giáo Lý rằng từ đây em phải nhớ cố gắng sống cho dễ thương ngoan ngoãn, làm nhiều việc tốt để có thể xoa dịu nỗi đau Thánh Tâm Chúa Giê-su vì những tội lỗi của loài người... Khi các em đã về hết, Thằng-Súc-Sinh ở lại một mình trong Nhà Thờ. Nó mon men lại gần mẫu ảnh Thánh Tâm Chúa Giê-su, kiễng chân lên chăm chú nhìn thật kỹ mọi chi tiết bức ảnh hồi lâu. Trở về nhà, đang khi những đứa tuổi khác còn mải vui đón bữa tiệc mừng lễ thì Thằng-Súc-Sinh lục tìm một tờ giấy đôi còn mới, một cây bút chì tốt, rồi không nói với ai một lời, nó phóng thẳng ra cánh đồng mọi khi. Chính nơi đó nó đã vẽ hình haai trái tim, một của Chúa, một của nó...

Ðến tối, khi trở về nhà, thằng bé đã không còn là Thằng-Súc-Sinh nữa, nhưng là một em bé đã quy hướng trọn vẹn ý chí và tâm hồn non nớt ngây thơ vào Chúa Giê-su. Nó quyết sẽ gỡ cho đến hết những cái gai đang ghim sâu nơi Trái Tim Chúa Giê-su. Ðối với bà dì nuôi nó, dẫu sao nó cũng vẫn bị coi là Thằng-Súc-Sinh, thì bà không hề nhận ra sự đổi thay kỳ diệu nơi nó, bà vẫn đánh mắng hành hạ nó như thói quen lâu nay...

Ðến mùa thu vừa rồi, bà dì ngã bệnh vì cảm lạnh ngày một trầm trọng. Bà ngạc nhiên vòi Thằng-Súc-Sinh vẫn tận tụy ở bên cạnh mà không bỏ rơi hay vắng mặt đến một phút. Một hôm, nước mắt chạy quanh, nó nói với bà: "Dì ơi, con sợ dì sẽ không qua khỏi, mà không có dì thì đời con sẽ ra sao ?" Bà chăm chú nhìn nó, vừa cảm động vừa ân hận, bà không thể hiểu nổi thằng bé, nó tỏ ra thật sự thương yêu quyến luyến với bà mặc dù bà chưa bao giờ nói được một lời tử tế với nó. Bà bất chợt ôm ghì đứa bé côi cút vào lòng mà nghẹn ngào: "Con ơi, con là một đứa bé tốt. Con hãy cầu nguyện, xin Chúa nhân từ tha thứ mọi tội lỗi cho dì nhé con !"

Chính lúc này, Thằng-Súc-Sinh nhận ra cuộc đời nó còn rất diễm phúc. Ðây là lần đầu tiên dì nó âu yếm trìu mến nó như con đẻ, lại còn khen nó tốt nữa ! Cái giây phút ấy xóa tan mọi mặc cảm tủi nhục xót xa trước đây... Khi dì nó qua đời, nó bắt đầu phải sống lang thang, thiếu thốn mọi điều. Nhưng, ý nghĩ hướng về Trái Tim bị thương tích của Chúa Giê-su đã điều khiển mọi hành vi và suy tư của cuộc đời thằng bé. Và bây giờ, thế là hết, Thằng-Súc-Sinh đã trả giá cho "cái gai cuối cùng" ấy bằng chính cái chết. Thằng bé ra đi hạnh phúc, không ngờ mình đã nên thánh, một vị thánh bé nhỏ hồn nhiên...

Chiều tối hôm tang lễ của Thằng-Súc-Sinh vừa xong, anh thanh niên tên Long đã tới xin gặp riêng Cha Sở, vừa mếu máo vừa thú nhận tất cả, từ chuyện anh ta ăn cắp làm cho Thằng-Súc-Sinh bị bắt oan, cho đến chuyện anh ta giả vờ bệnh để cậu bé phải làm thay. Tâm hồn Long đã mở ra. Chắc chắn ở trên Nước Trời, Thằng-Súc-Sinh đã cầu nguyện cho Long trước hết. Long đã đền bồi lại những lỗi lầm đã phạm. Long bắt đầu một cuộc sống mới. Anh ra về trong niềm hân hoan và biết ơn người bạn bé nhỏ... Cha Sở lấy bút ghi thật trân trọng vào hàng kẻ thứ mười bốn: "Ðể gánh đỡ cho anh Long, con đã tự nguyện mang lượng gạch nhiều gấp đôi, và con đã chết vì tai nạn !"

Vài ngày sau, người ta thấy trên bàn viết của Cha Sở một khung ảnh bằng kính, lồng trong đó là tờ giấy đôi mở rộng của Thằng-Súc-Sinh với hàng chữ ghi chú bên dưới: "Ðây là Giao Ước của Thằng-Súc-Sinh với Thánh Tâm Chúa Giê-su". Vâng, cậu bé đã trở nên một bài giảng thuyết sống động, hùng hồn và sâu xa nhất mà tâm hồn vị Linh Mục già cũng như tất cả mọi người hiểu biết đầu đuôi câu chuyện phải lắng nghe và ghi nhớ đến trọn đời...

Phỏng theo một truyện ngắn của Ba-lan 7.1939.

CHIA SẺ:

CUỘC XUẤT DU "GẶP GỞ ÐỨC KI-TÔ"

Sau khi bế giảng Khóa Linh Hoạt Viên nâng cao tại Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn, đúng hẹn thứ ba ngày 9.7.2002, các bạn trẻ lại tự nguyện quy tụ về sân DCCT để tham dự một trò chơi lớn, một cuộc xuất du thì đúng hơn, mang tên "GẶP GỞ ÐỨC KI-TÔ". Có tất cả 8 tổ đã tham gia, mỗi tổ khoảng 7 bạn, đã nhận 50.000 VND và một cẩm nang hướng dẫn đến một địa chỉ. Mỗi tổ đã họp nhau lại bàn bạc thật nhanh rồi lên đường khi trời vừa xập tối, tỏa đi khắp các hướng của thành phố Sài-gòn. Gospelnet xin trích đăng ở đây một số bài viết cảm nhận và bộc bạch của các bạn trẻ, xin được góp như một vài ngọn nến nhỏ thắp sáng trong các đêm cầu nguyện của Những Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 17, Toronto, Canada 7.2002.

Các địa chỉ các bạn trẻ đã đến viếng thăm và sinh hoạt gồm có:

1. Chùa Kỳ Quang ( Các bạn khiếm thị, bại não, mồ côi, khuyết tật ): Ðịa chỉ: 154 / 4 A Lê Hoàng Phái, Gò Vấp. Ðiện thoại: 8.941.442.

2. Mái Ấm Thiên Ân ( Thầy Phong - Các bạn khiếm thị ): Ðịa chỉ: 40 / 34 Tân Hương, hẻm 84, tổ 59, phường 16, quận Tân Bình. Ðiện thoại: 8.472.406, E-mail: pthienan@tlnet.com.vn

3. Mái Ấm Nhật Hồng ( Sr. Dâng, Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh - Các em khiếm thị ): Ðịa chỉ: Hẻm 20 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, gần Nhà Thờ Thị Nghè. Ðiện thoại: 8.400.207.

4. Nhà Cô Ðơn ( Cô Phạm Thị Ðơn - Các em vào đời sớm, mồ côi ): Ðịa chỉ: 384 / 115 / 16 Lý Thái Tổ, phường 10, quận 10. Ðiện thoại: 8.348.125.

5. Gia Ðình Tình Thương Stê-phan ( Thầy Hoàng Văn Bình - Các em bại liệt, khuyết tật, mồ côi ): Ðịa chỉ: 469 / 17 C Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú Nhuận. Ðiện thoại: 9.902.079.

6. Nhóm Bến Xe Miền Ðông 1 ( Các bạn khuyết tật nữ ): Ðịa chỉ: A1 / 5 Ðinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh ( Cổng sau bến Xe ).

7. Nhóm Bến Xe Miền Ðông 2 ( Các bạn khuyết tật nữ ): Ðịa chỉ: A5 / 6 Ðinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh ( Cổng sau bến Xe ).

8. Nhóm Bến Xe Miền Ðông 3 ( Các bạn khuyết tật nữ ): Ðịa chỉ: 79 / A19 Ðinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh ( Cổng sau bến Xe ).

HOA TRÁI CỦA THÁNH THẦN

"Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi mỗi lần nhớ đến anh em. Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng Tôi tin chắc rằng: Ðấng đã bắt đầu mọi việc nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho tới ngày Ðức Giê-su Ki-tô quang lâm." ( Pl 1, 3 - 6 )

                Kính thưa cha phụ trách, con có vài lời chia sẻ để tạ ơn Chúa, cám ơn cha, các thầy DCCT và các bạn Linh Hoạt Viên, để chúng ta cùng vui trong niềm vui của Thiên Chúa. Ðoạn Kinh Thánh trên là đoạn Kinh Thánh con nhận được sau khi hoàn thành trò chơi cuối cùng: "Chuyến xuất du đến mái ấm Thiên Ân", mà chúng con được giao cho một cách tình cờ trong sự Quan Phòng của Thiên Chúa. Con còn nghe vang vẳng bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Ðức Huy mà các thầy đã mời cả lớp hát chung hôm Lễ Bế Giảng: "...Và con tim đã vui trở lại. Tình yêu đến cho tôi ngày mai. Tình yêu chiếu ánh sáng vào đờiI..." Tại sao "con tim" lại "vui trở lại" phải chăng con tim ấy đã từng đau khổ, cô đơn, lẻ loi, khô cằn, ngược đãi... Và điều gì đã khiến "con tim" ấy "vui trở lại". Phải chăng đó chính là sự tác động của hai chữ "Tình yêu". Vậy thế nào là Tình yêu ?

                Con chợt nhớ đến thư thứ nhất của Thánh Gio-an ( 1 Ga 4,10 ): "Tình yêu cốt ở điều này: đó là chính Thiên Chúa dã yêu thương chúng ta.". Và có ai đó đã nói với con rằng để tình yêu xuất phát và nuôi dưỡng đó là sở dĩ có được bởi một vòng tròn khép kín của sự cho đi và nhận lãnh.

                Vâng, và quả thật như thế có lẽ nếu ai đã từng có kinh nghiệm được nhận sẽ thấy được ý nghĩa của việc chi đi. Và thưa cha, có lẽ sau khóa Linh Hoạt Viên nâng cao này những gì chúng con nhận được không chỉ là khả năng sinh hoạt, lãnh đạo, linh hoạt... mà cái lớn nhất, quý nhất chúng con nhận được là "Tình yêu của Thiên Chúa". Và chúng con nhận ra rằng tình yêu của Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho cha, cho các thầy, các tu sĩ, cho chính bản thân con mà còn cho những người anh em, cho những người đã từng, đang và chưa hề quen biết. Và Thiên Chúa muốn chúng con đem tình yêu ấy đến chia sẻ với họ. Thật tuyệt vời khi cái quy trình của việc cho đi - lãnh nhận - cho đi - lãnh nhận... cứ xoay tròn và dần được nới rộng. Ngay từ ban đầu quý cha, quý thầy đã cho đi, cho đi thời gian, sức lực, công việc, con người của mình để đến với chúng con, cung cấp cho chúng con niềm vui và tri thức. Ðể rồi sau khi được nhận lãnh chúng con lại hân hoan ra đi với tình thân ái và hy vọng trong bước đường dấn thân.

                Ðến với các bạn khiếm thị ở Mái Ấm Thiên Ân của thầy Phong, chúng con càng cảm nhận được sự ưu ái của Thiên Chúa. Và Ngài có cách cư xử công bằng theo cách riêng của Ngài. Chúng con hạnh phúc vì sự may mắn của mình. Và chúng con cảm thấy ghen tị, nể phục trước khả năng phi thường của các bạn. Và đó là sự công bằng trong tình yêu của Thiên Chúa. Những lời khuyên dạy trong thư của Thánh Phao-lô gởi tín hữu Phi-líp-phê ( Pl 1, 3 - 6 ) đã nhắc nhở con rằng Thiên Chúa đã khởi sự nơi con một cuộc sống rất tốt đẹp, một gia đình hạnh phúc, một công việc ổn định, một tuổi trẻ tuyệt vời. Và Ngài muốn con dùng những gì Ngài ban để chia sẻ đến anh em, những người bất hạnh và kém may mắn. Và con tin rằng vì Ngài đã khởi sự nơi con muôn vàn điều tốt đẹp thì Ngài cũng sẻ hoàn thành ý định của Ngài nơi con một cách trọn vẹn.

                Cám ơn cha, cám ơn các thầy, cám ơn các bạn của khóa học Linh Hoạt Viên, những người đã cùng con nếm hưởng tình yêu, hồng ân, đặc sủng của Thánh Thần. Chúc các bạn, những người đang dấn thân vì tình yêu, vì lý tưởng ra đi trong Ðức Mến, sống và nuôi dưỡng trong Thần Khí, gặt hái được hoa trái của hoan lạc - trung tín - và bình an.

BÙI THỊ KIM KHÁNH ( Giáo Xứ Hòa Hưng )

Vào tối thứ ba 9.7.2002, lúc 18 giờ 45. Tám người trong nhóm chúng tôi nhận được thư giới thiệu về trò chơi "Gặp gỡ Ðức Ki-tô". Thật là một sự bất ngờ khi điểm hẹn chung của chúng tôi lại là: Mái Ấm Khiếm Thị Nhật Hồng". Chúng tôi lo lắng không biết mình sẽ làm được gì cho các em. Ngay cả việc phải mua cái gì; phân công ai làm cái gì trước ai làm cái gì sau, rồi đối với các em bị khiếm thị thì mình phải có trò chơi gì cho phù hợp... Một loạt các câu hỏi được đặt ra và giải pháp chính của tụi tôi là: Nào ta hãy đi vì có Chúa ở cùng ta lo lắng gì hồn tôi ơi... Và chúng tôi đã nhanh chóng lên đường. Khi qua cầu Thị Nghè chúng tôi dừng lại mua bánh và trái cây. Ðể giữ sự tế nhị một bạn trong chúng tôi đã đi dò tìm nhà trước và báo trước cho các Soeurs. Khi mua quà xong cả nhóm chúng tôi cùng đến hẻm 20 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, rồi cùng đi vô ngôi nhà cuối hẻm. Trước cửa có ghi: "Mái Ấm Khiếm Thị Nhật Hồng".

                Chúng tôi bấm chuông báo cho các Soeurs. Một Soeur Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh xuống mở cửc và niềm nở mời chúng tôi vào. Sau khi sắp xếp phương tiện ổn định, Soeur mời chúng tôi lên lầu gặp gỡ các em. Khi nhóm chúng tôi lên lầu một, Các em vẫn mải mê với các trò chơi. Các em cười nói rất vui vẻ. Thật sự các em không biết sự có mặt của chúng tôi lúc đó. Soeur Dâng giới thiệu chúng tôi với các em. Các em chào chúng tôi và chúng tôi cũng niềm nỡ chào lại. Dường như lúc đầu chưa quen biết từng suy nghĩ, từng hành động, từng lời nói,từng việc làm của chúng tôi đều rất thiếu tự tin. Mọi cảm giác thiếu tự tin đã dần bị dẹp tan, khi Soeur Dâng mời chúng tôi và các em lên sân thượng để cùng chia sẻ với nhau.

                Với con số khiêm tốn khoảng 20 bạn. Vậy mà cuộc gặp gỡ đã trở nên vô cùng ý nghĩa. Chúng tôi giới thiệu về nhau và mở đầu cho cuộc gặp gỡ là bài hát "Gặp gỡ Ðức Ki-tô". Sau bài hát chúng tôi đã có sự biến đổi, bởi vì lúc đầu chúng tôi chẳng biết cắt cử ai sẻ làm gì và làm lúc nào cả. Vậy mà khi đó chỉ cần làm hiệu cho nhau anh chị em tôi đã biết lấp đầy chỗ trống. Phải chăng đây là cơ hội để anh chị em tôi đưa cái vốn liếng đã hấp thụ suốt ba tháng qua ra áp dụng vào thực tế. Cơ hội của chúng tôi lần này không phảin là các em bình thường mà là đối với các em kém may mắn.

                        Sau một số trò chơi câu chuyện, chúng tôi chia quà cho các em. Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Qua câu chuyện qua lại, chúng tôi thấy có rất nhiều em mồ côi không nơi nương tựa, và có một số em đã về thăm gia đình trong dịp hè. Chúng tôi hỏi các em: "Ở đây các em thấy thế nào ?" Các em đều trả lời là vừa vui vừa buồn. Chúng tôi cũng phần nào hiểu được tâm trạng của các em nên không hỏi rõ hoàn cảnh của từng em.Chúng tôi đã cố gắng thuyết phục các em tham gia tích cực vào các trò chơi. Chúng tôi muốn các em là những người quản trò.

                Lúc đầu các em còn nhút nhát, nhưng sau khi hai em Thoại và Phi của Mái Ấm Nhật Hồng đã xung phong đứng ra cho trò chơi thì từ đó các em khác cũng năng nổ không kém. Mặc dù chúng tôi không được biết nhiều về các em, nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng thì ở môi trường này đã sản sinh ra rất nhiều "thần đồng", Và tối hôm đó là cơ hội cho chúng tôi chứng kiến tận mắt phần nào sự cố gắng của các em. Chúng tôi được các em kể chuyện, hát hò và cả đóng kịch nữa. Càng về sau, không khí buổi sinh hoạt càng sôi động. Phải nói được rằng, buổi tối hôm đó chúng tôi đã cố gắng rất nhiều và đã khá thành công trong việc thu hút sự chú ý của các em. Các em cũng là những người giống như bao người khác, cũng có những tâm tư, tình cảm,khát vọng. Rồi thời gian trôi qua chúng tôi phải chia tay nhau. Sau vài phút lưu luyến chúng tôi cùng cám ơn Chúa và cùng cám ơn nhau.

Như vậy, cả nhóm chúng tôi đã có được một buổi tối thật thú vị và đã thể hiện được vai trò Linh Hoạt Viên năng động. Sự thành công của chúng tôi không thể không kể đến sự dày công huấn luyện của quý cha, quý giáo sư, quý thầy DCCT trong Khóa Linh Hoạt Viên vừa qua... Và trên hết, đây chính là sự Quan Phòng và trợ giúp của Chúa và của Mẹ Ma-ri-a. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chúng tôi nhớ lại: "Con người chỉ tìm được chính mình bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi."

ÐỖ VĂN PHI, TRẦN XUÂN CHỈNH, NGUYỄN THỊ THU HẢI, ÐOÀN THỊ BÍCH HUYỀN,

NGUYỄN THỊ THANH THẢO, ÐOÀN THỊ THU TRANG, NGUYỄN THỊ THU, VŨ THỊ KIM DUNG.

 

Hôm nay ngày 9.7.2002, theo như lời hẹn của cha Quang Uy, dau khi kết thúc lớp dạy cuối cùng, tôi vội vã đến điểm hẹn DCCT. Các bạn trẻ trong khóa Linh Hoạt Viên vừa qua đã có mặt khá đông, ai cũng háo hức tò mò, chờ đợi một điều gì đó thật bí ẩn. Sau khi chia thành các nhóm nhỏ tự nhiên khoảng 7 - 8 bạn. Tôi thay mặt nhóm mình lên rút thăm, mở ra, đó là một lời điều động thật đơn giản và dễ thương: "Hãy đến một địa chỉ khiếm thị trên đường Lê Hoàng Phái".

Trong đầu tôi hiện lên ý nghĩ có lẽ đó là một trong những mái ấm tình thương do một ai đó thành lập như những nơi tôi đã từng đến thăm trước đây. Tôi còn cẩn thận hỏi cha: "Ở đó có đông không ?" và đã nhận được câu trả lời với nụ cười thật bí ẩn: "Ít thôi !" Nhóm chúng tôi nhất trí là ngoài số tiền 50.000 đồng cha cho làm vốn ban đầu cho mỗi nhóm, mỗi người sẽ góp thêm mười ngàn để mua quà vui với các bạn nhỏ. Chúng tôi len lỏi trên những con đường đông đúc và rẽ vào một tiệm tạp hóa mua 30 phần quà bánh kẹo. Tôi còn cẩn thận đề nghị mua thêm một thùng mì gói để sáng mai các em sẽ ăn sáng...

Vì có thổ địa trong nhóm dẫn đường, chúng tôi tìm đến địa chỉ đó không khó. Nhưng khi đến nơi, tôi và các bạn đều bị bất ngờ, đó là địa chỉ một ngôi chùa. Hóa ra đến thổ địa cũng không biết ở đây có chùa Kỳ Quang, nơi tập họp hơn 150 con người bất hạnh đủ mọi lứa tuổi bị khiếm thị, bại não, mồ côi, tàn tật... Chúng tôi không được phép sinh hoạt vui chơi với các em như ban đầu dự kiến, vì nội quy nhà chùa không cho phép tụ tập ồn ào vào buổi tối. Chúng tôi được sư Hòa dẫn đến từng phòng giới thiệu. Món quà chúng tôi mang đến thật sự quá nhỏ bé so với số lượng người ở đây nên cuối cùng chúng tôi đã nhất trí trao lại hết cho sư Hòa xử lý.

Chúng tôi được phép ngồi trò chuyện tâm sự với các bạn khiếm thị trước sân chùa. Ðó là 4 bạn Trung, Xung, Tâm Sự. Các bạn rất cởi mở kể cho nghe những sinh hoạt hàng ngày, như học văn hóa, học đàn, học trống, đá banh, đánh cờ... Các bạn cũng tâm sự về những khó khăn, những thua kém các bạn đang gặp phải. Chúng tôi không ngớt thốt lên những lời trầm trồ thán phục vì các bạn ấy rất giỏi, biết vượt qua số phận và nghịch cảnh để sống thật với những gì mà các bạn đang có. Các bạn ấy vẫn cứ luôn vui vẻ chấp nhận sự khiếm khuyết thị giác của mình.

Khi nghe ước mơ của các bạn là được nhìn thấy mờ mờ thôi cũng được, chỉ cốt biết được đó là khuôn mặt của cha mẹ anh chị em của các bạn ấy thôi, thì trong nhóm chúng tôi có bạn sau này đã bộc bạch: "Thật là những ước mơ khiêm tốn, nhỏ bé. Còn ta thì toàn là những cao vọng, nghe bạn ấy nói ra mà ta giật mình, ta quá ích kỷ chăng ?" Một ước mơ, một hoài bão của một bạn khác cũng đã làm cho những người sáng khỏe mạnh chúng tôi không khỏi chạnh lòng xót xa: "Em muốn có một nghề để nuôi sống bản thân để không làm gánh nặng cho gia đình, cho xã hội !" Chúng tôi cúi đầu suy nghĩ... Trong xã hội hôm nay, biết bao con người đang sống quá đầy đủ, sống khỏe mạnh, thế mà họ lại vẫn là gánh nặng cho xã hội ! Có phải khi con người ta quá sung sướng về vật chất, người ta sẽ dễ dàng quên đi rằng mình là người may mắn hơn hàng triệu người trên cõi đời, họ đang ích kỷ chỉ biết thụ hưởng cho riêng mình !

Khi được tận mắt chứng kiến hoàn cảnh của các bạn mù ấy, không ai nói ra nhưng chúng tôi đều biết chúng tôi đều hẹn lòng sẽ quay trở lại vào một ngày gần đây để sinh hoạt, để vui chơi, và xa hơn nữa, có thể sẽ là giúp các bạn ấy một phần nào về cuộc sống tinh thần. Từ hôm ấy trở về, tôi cứ mãi suy nghĩ phải chăng đây là Ơn Gọi của Chúa dành cho chúng tôi để mỗi người sẽ thực hiện được những ước mơ hoài bão dấn thân phục vụ của mình lâu nay hằng ấp ủ ?

Ðây là dịp tốt nhất để sống Lời Chúa, phải bắt tay nhập cuộc ngay từ hôm nay thôi ! Chúng tôi đã nhận ra được thiếu sót của bản thân, như có bạn đã nói: "Những con người ấy ở ngay cạnh bên ta, gần sát với ta mà sao bây giờ ta mới để ý đến họ ?" Chúa ơi, khi nghe người bạn thốt lên như thế, chính con giật mình thảng thốt. Ngài đó, chính Ngài lúc nào cũng hiện diện bên chúng con, nhưng không phải lúc nào chúng con cũng dễ dàng nhận ra, để rồi khi biết được sự thật, chúng con tự trách mình sao sống quá vô tâm thờ ơ !

Cuộc chơi đã tạo cho chúng tôi một dấu ấn sâu sắc, các bạn trong nhóm chúng tôi, mà chắc là 7 nhóm khác cũng thế, đều thấy như bùng cháy lên một ngọn lửa yêu thương đồng cảm với tha nhân. Ngọn lửa mà từ lâu chúng tôi đã để cho tàn tro bao phủ. Chúng tôi hằng mong mỏi sẽ có người hướng dẫn để làm cho ngọn lửa lòng chúng tôi sẽ còn luôn cháy mãi...

Chúng tôi trở về điểm xuất phát lúc 21 giờ 30 và chia tay trong niềm vui chân thành sâu lắng. Hẹn gặp nhau một ngày rất gần sẽ cố gắng hình thành một nhóm để đi chia sẻ tương trợ những người kém may mắn hơn chúng tôi. Không biết nguyện vọng của chúng tôi có quá cao vời chăng ? Chúng tôi là những bạn trẻ mới bước vào đời, kinh nghiệm chưa nhiều, nhưng lại có một sức trẻ và lòng nhiệt thành. Chúng tôi tin rằng, nếu có sự dìu dắt của những người đi trước, chúng tôi sẽ thành công...

NGUYỄN ANH TUẤN, HỒ THỊ MINH SỸ, VÕ NHÂN TỪ, NGUYỄN THỊ TUẤN ANH,

HOÀNG THIỆN CHÍ, BÙI QUANG MINH, ÐINH NGỌC DŨNG, HÀ MINH HOÀNG.

Kết thúc khóa Linh Hoạt Viên, chúng tôi lại có dịp được chơi một trò chơi lớn do cha Quang Uy tổ chức, một cuộc xuất du "Gặp Gỡ Ðức Ki-tô". 18 giờ 30, chúng tôi có mặt tại sân Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tất cả đều là những anh chị em đã khá quen nhau trong suốt 3 tháng học vừa qua. Nhóm chúng tôi nhận được một "cẩmnang" bên trong có 50.000 đồng và một địa chỉ rất lạ. 19 giờ, chúng tôi xuất phát, ghé qua một siêu thị trên đường Ðiện Biên Phủ, mỗi người góp thêm một ít tiền vào số tiền đã nhận để mua bánh và kẹo cho buổi gặp gỡ.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm được địa chỉ số A5 / 6 đường Ðinh Bộ Lĩnh ở sau lưng bến xe Miền Ðông, Bình Triệu. Trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà khá khang trang. Tiếp đón chúng tôi là một chị tuổi gần bốn mươi tên là Danh, với khuôn mặt khả ái, hiền lành, lúc nào cũng sẵn một nụ cười tươi. Chúng tôi tự giới thiệu một chút về mình và ngỏ ý muốn đến thăm và chia sẻ những nỗi vui buồn của cuộc sống.

Cùng ở chung với chị Danh còn có các chị Ánh và Loan, những người mà bất cứ ai gặp lần đầu cũng cảm thấy thân thiện gần gũi. Các chị đều từ trường Bất Túc Mầm Non 5 mà ra. Hoàn cảnh các chị ai cũng đều trải qua nhiều khó khăn: chị Ánh thì bán vé số dạo, chị Danh thì đi bỏ vé số mối, còn chị Loan thì đi may ở xí nghiệp. Nói chung cuộc sống nay đã tạm ổn. Sự quan tâm của xã hội, của mọi ngươời cũng đã nâng đỡ an ủi phần nào cho các chị là những người khuyết tật.

Hiểu được các chị, chúng tôi càng thấm thía về sự Quan Phòng của Thiên Chúa. Nhiều khi bản thân chúng tôi, những người lành lặn, vẫn còn quá ỷ lại và đòi hỏi quá nhiều ở Chúa, trong khi Chúa lại biết rõ con cái của mình cần gì, mong ước gì, và tùy theo nhu cầu cấp thiết mà Ngài ban cho những hồng ân thật bất ngờ. Về phía các chị, các chị đâu có ao ước gì to tát lắm đâu, các chị chỉ mong nhận được sự cảm thông, tấm lòng chia sẻ với nhau thật thà trong cuộc sống đời thường. Chẳng lẽ những ước mơ ấy chúng ta không đáp ứng được cho các chị sao ? Chúng tôi không thể bỏ ra một chút thời gian riêng tư để cùng trò chuyện, cùng vui chơi với các chị sao ? Nhưng chúng tôi sẽ làm được gì cho các chị hơn thế nữa ? Chắc có lẽ đã đến lúc chúng tôi phải nhìn lại bản thân mình, kiểm nghiệm lại cuộc sống mình đã làm được gì cho Chúa, mà các chị và biết bao con người khác chính là hiện thân của Ðức Ki-tô rõ ràng và sống động nhất.

Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Ðúng 20 giờ 40 thì chúng tôi tạm biệt các chị và ra về. Mọi người đều cảm thấy vui vui như thể là đã gặp được... Ðức Ki-tô. Một chuyến đi thật bổ ích, mang đậm dấu ấn tình người và nhất là tình hiệp thông trong Ðức Ki-tô.

VĂN ÐƠN, NGUYÊN KHÔI, HƯƠNG VY, và một số bạn khác...

Kính thưa cha phụ trách, cám ơn cha và các thầy DCCT nhiều lắm, vì nhờ chuyến đi này, chúng con nhận ra chính mình rõ hơn, sâu hơn...

Sâu hun hút trong con hẻm đường Lý Thái Tổ, ngay giữa lòng thành phố Sài-gòn hoa lệ là một căn nhà chật hẹp, thiếu thốn về vật chất nhưng lại luôn rộng mở đón lấy những mảnh đời đau thương ly tán. Trong luồng xoáy của xã hội, tưởng chừng như người ta chỉ biết sống cho chính mình, không ai ngờ lại xuất hiện một bà mẹ nhỏ nhắn, may ra chỉ có thể đủ sức lo cho một gia đình với một hai đứa con mà thôi. Nhưng không, bàn tay dịu dàng, tấm lòng quảng đại ấy đã từ bỏ hạnh phúc riêng để đón lấy... 42 tâm hồn trẻ thơ non nớt đầy bất hạnh, khơi dậy cho chúng niềm tin, nhen nhóm cho chúng những ước mơ chân chất hồn nhiên, để những khuôn mặt trẻ thơ ấy khô đi những giọt nước mắt tủi thân, thay vào bằng những nụ cười trong sáng.

42 tâm hồn là 42 nỗi đau riêng, em mất cha, em mất mẹ, cha tù tội hoặc nghiện ngập, mẹ bương trải lây lất qua ngày... Chúng thèm khát có được một mái nhà, được đi học, được vui chơi... Và chúng đã gặp được một tổ ấm, một bà mẹ kiêm luôn trách nhiệm làm cha, và cả một gia đình đông đúc, em nhỏ nhất chưa đầy 2 tuổi, em lớn nhất chỉ 15, 16 tuổi, nhưng lại hết sức yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Và hôm nay thì cái gia đình ấy đón nhóm chúng con bằng những cái ôm hôn thật chặt. Bọn trẻ xô vào lòng chúng con, đứa nào cũng muốn "chiếm lĩnh" được những đôi bàn tay của các anh chị như thể đây chính là những vòng tay của cha mẹ anh chị của chúng vậy. Chúng khao khát mong muốn mỗi ngày đều có nhiều nhiều những anh chị đến thăm, vì những lúc như vậy, dường như chúng quên hết những bất hạnh và niềm cô đơn tuổi thơ.

Khi nhận được "cẩm nang" trò chơi, nhóm chúng con chỉ nghĩ đơn giản là mình sẽ đến đây với một ít bánh kẹo, những cái xoa đầu bẹo má, và những bài hát, những trò chơi nho nhỏ... nhưng không ngờ, nhóm chúng con lại nhận được rất nhiều những tình cảm ngây thơ từ phía các em. Chúng con như thấy mình nhỏ lại, hòa tan vào giữa những thân thương của bọn trẻ. Chúng con cứ nghĩ sẽ cho nhưng lại nhận được. Chúng con thầm ước rằng, cuộc sống hôm nay có được thật nhiều cô Ðơn, thật nhiều những tấm lòng bác ái để đón tiếp, chở che cho những mảnh đời bất hạnh ngày đêm bị guồng xoáy của xã hội luôn rình rập chực chờ để nuốt gọn một cách tàn nhẫn...

TRẦN ANH VŨ, NGUYỄN VĂN THUYẾT, NGÔ VĂN LẬP, TRẦN THANH ÐIỀN,

TRẦN QUÝ PHƯƠNG ANH, VŨ QUÝ NAM, VŨ THỊ HOÀNG ÁNH...

Làm cha làm mẹ, ai cũng muốn cho con mình sinh ra được khỏe mạnh, có ích cho gia đình và cho xã hội. Tuy nhiên, cuộc sống luôn có những điều xảy ra ngoài ý muốn, luôn có những mảnh đời bị tước mất quyền làm người bình thường như mọi người như học tập, lao động, vui chơi và mơ ước bay cao. Hoặc bị chính xã hội và gia đình bỏ rơi, hoặc ngược lại, bị mọi người tỏ ra thương hại quá đáng, những anh chị em khuyết tật thật sự đã phải vượt qua số phận nghiệt ngã để "tàn mà vẫn không phế" !

Tham gia cuộc xuất du "Gặp Gỡ Ðức Ki-tô", nhóm chúng tôi đã tìm được địa chỉ ở bến xe Miền Ðông, nơi ở của một nhóm gồm 8 bạn nữ khuyết tật, các chị Ánh Hồng, Mai Hương, Hiền, Sương, Hoàng Mai, Tuyết Mai, Bạch Mai, Vui... Các chị làm thợ may, quấn thuốc lá, làm bông bánh kem, bán vé số... Chúng con đã giao lưu với nhau rất thân tình. Khi trò chuyện, chúng tôi đã tò mò hỏi thăm mức thu nhập, một chị trả lời: "Những người khuyết tật làm việc không bằng người bình thường nên phải chịu mức lương thấp, nhưng về sinh hoạt điện nước, hoặc đi chợ mua đồ ăn... thì vẫn cứ phải trả y như người ta thì làm sao mà dư giả ?"

Thấy chúng con đến chơi, các chị mừng vui ra mặt, thế nhưng, thoáng trong mắt họ vẫn đọng lại một chút gì đó là u uẩn. Lâu sau chúng tôi mới hiểu tất cả các chị đều vô gia đình, ít người thân. Họ rất muốn được tâm sự, được cảm thông chia sẻ, họ thiếu thốn tình thương chân thật, thiếu một chỗ dựa tinh thần... Trong số các chị, chỉ có một ít là người Công Giáo còn có nơi để đến dự Thánh Lễ hay hành hương kính Ðức Mẹ và sinh hoạt trong một nhóm nào đó...

Biết bao suy tư gợi lên nơi mỗi người trong nhóm chúng tôi. Vì đâu gia đình lại không đùm bọc họ, hoặc đẩy họ vào nỗi tủi thân là gánh nặng, tại sao cha mẹ lại có thể bỏ rơi một người con bị khuyết tật bẩm sinh ? Còn nhà trường, hầu như ở đâu cũng đều từ chối không muốn nhận người khuyết tật đến học bên cạnh những học sinh bình thường Nếu có nhận đi nữa thì vẫn còn đó những ánh mắt và thái độ phân biệt của bạn học, của chính thầy cô giáo ! Xã hội cho tới nay vẫn cứ chủ trương tổ chức những mô hình khép kín là các Trung Tâm, các trường Chuyên Biệt dành cho người khuyết tật mà không để cho bản thân họ có cơ hội để vươn lên và hòa nhập bình thường... Còn bên ngoài xã hội thì người đời vẫn coi trọng cái đẹp hình thức hơn là nét đáng quý của tâm hồn. Người khuyết tật vẫn luôn là đối tượng bị châm chọc chế giễu, bị xa lánh kỳ thị, tệ hơn nữa, là thái độ thương hại tội nghiệp !

Tất cả những áp lực đó đã nhiều phần đẩy những anh chị em khuyết tật vào một mặc cảm tự ti sợ hãi, đến mức họ như thu mình vào vỏ ốc mà thui chột dần những ước mơ, tình cảm và năng lực vốn không thua sút bất cứ ai. Chúng tôi nghĩ người khuyết tật có thể làm được rất nhiều nghề: thợ may, cắt tóc, dạy học, dạy vẽ, sửa chữa máy móc, sửa xe đạp... Tùy từng dạng khuyết tật mà họ có thể chọn cho mình một hướng đi phù hợp. Thế nhưng, cuộc đời vẫn dửng dưng...

Những tháng mùa mưa, hàng tồn kho nên các chị khuyết tật ở bến xe Miền Ðông lại bị thất nghiệp, nhất là nghề thủ công đan lát, cuộc sống đời thường đã vất vả nay lại càng bấp bênh hơn... Chúng tôi chia tay ra về mà vẫn canh cánh một nỗi niềm, một suy tư trăn trở...

NGUYỄN THỊ THẢO, TRƯƠNG VĂN ÐƠN, NGUYỄN VĂN ÐƠN,

NGUYỄN QUANG MINH, DƯƠNG THÚY LOAN, ÐÌNH PHƯƠNG, MINH TRANG và THANH HẢI.

THÔNG TIN:

VỀ CÁC KHOẢN TIỀN VÀ QUÀ CÁC ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Cha Chu Huy Châu ( Ðan Mạch ) giúp người nghèo lợp lại mái nhà ở Giáo Xứ Vị Tín, Cần Thơ .......................................................  400 USD

- Một Linh Mục ẩn danh ( Việt Nam ) giúp người nghèo ........................................................................................ 300.000 VND

- Gia đình chị Hoàng Thị Tú Trinh ( Ðà Lạt ) giúp học bổng học sinh nghèo dân tộc ở Ðak Lak ..................................................  200.000 VND

- Bạn MK Huỳnh Cúc ( Hoa Kỳ ) giúp học bổng học sinh nghèo dân tộc ở Ðak Lak .....................................  900.000 VND

- Bạn MK Thanh Nga ( Sài-gòn ) các em nghèo học sinh dân tộc ở Ka Ðơn ........................................................ 1 bao quần áo và sách vở

VỀ MỘT BỆNH NHÂN NGHÈO Ở ÐỒNG NAI

Cha Mai Văn Hiền , DCCT, giới thiệu trường hợp anh TRẦN VĂN VIÊN, sinh 1945, ngụ tại 101 Lê Lợi, phường 14, Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai, ngày 5.12.2000, bị tai nạn ngã xe Honda, chấn thương cột sống, phải giải phẫu, nhưng đến nay vẫn không lành, tứ chi yếu liệt trầm trọng. Gospelnet xin trợ giúp gia đình anh 300.000 VND để chi phí thuốc men.

VỀ CHƯƠNG TRÌNH"HỌC BỔNG BẮC GIANG"

Sr. Thân Thị Thanh, Dòng Ða-minh Bắc Ninh, giới thiệu một danh sách gồm 21 em học sinh nghèo miền núi, gia đình làm nghề nông, cư ngụ tại Giáo Xứ Thiết Nham, Giáo Phận Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang. Hoàn cảnh gia đình các em đều rất khó khăn, có nguy cơ phải cho các em nghỉ học ngang để lao động đỡ đần thêm cho sinh kế như chăn trâu, cấy gặt mướn... Gospelnet xin trợ giúp mỗi em 50.000 VND một tháng, khởi đầu từø tháng 9.2002. Tổng cộng: 21 em x 50.000 VND = 1.050.000 VND.

Rất mong quý độc giả và ân nhân gần xa, nhất là những người đồng hương tỉnh Bắc Giang và Giáo Phận Bắc Ninh, nhận chia sẻ trợ giúp thêm cho các em lâu dài.

01.    An-na THÂN THỊ TUYẾN, sinh 1984, sắp lên lớp 10.

02.    Ða-minh THÂN VĂN LÂM, sinh 1984, sắp lên lớp 10.

03.    Ða-minh THÂN VĂN THIỆN, sinh 1983, sắp lên lớp 12.

04.    Giu-se NGUYỄN VĂN LONG, sinh 1991, sắp lên lớp 5.

05.    An-na NGUYỄN THỊ LIÊN, sinh 1990, sắp lên lớp 5.

06.    Ða-minh NGUYỄN VĂN VŨ, sinh 1985, sắp lên lớp 10.

07.    Giu-se TRẦN VĂN HOAN, sinh 1991, sắp lên lớp 5.

08.    Giu-se TRẦN VĂN HOẠT, sinh 1994, sắp lên lớp 3.

09.    Giu-se TRẦN VĂN AN, sinh 1991, sắp lên lớp 5.

10.    Giu-se TRẦN VĂN KHƯƠNG, sinh 1992, sắp lên lớp 3.

11.    Ma-ri-a THÂN THỊ TRANG, sinh 1989, sắp lên lớp 6.

12.    Ma-ri-a THÂN THỊ DUNG, sinh 1992, sắp lên lớp 3.

13.    Giu-se NGUYỄN VĂN HUÂN, sinh 1989, sắp lên lớp 7.

14.    Ða-minh THÂN VĂN PHƯƠNG, sinh 1988, sắp lên lớp 7.

15.    Giu-se THÂN VĂN BIÊN, sinh 1992, sắp lên lớp 3.

16.    Ða-minh NGUYỄN VĂN HIỀN, sinh 1991, sắp lên lớp 7.

17.    An-na THÂN THỊ BÉ, sinh 1992, sắp lên lớp 3.

18.    Ða-minh THÂN VĂN NAM, sinh 1986, sắp lên lớp 7.

19.    An-na THÂN THỊ DU, sinh 1988, sắp lên lớp 7.

20.    Ða-minh NGUYỄN VĂN BA, sinh 1988, sắp lên lớp 6 ( mồ côi cha mẹ ).

21.    Ða-minh NGUYỄN VĂN HOÀNG, sinh 1987, sắp lên lớp 7.

Ngoài ra có hai em không nằm trong danh sách học bổng là: em THÂN VĂN THIỆN, sinh 1982, và em THÂN VĂN ÐẠT, sinh 1982, hiện đang là sinh viên đại học, vì tình trạng Quỹ còn quá hạn hẹp, chúng tôi chỉ xin trợ giúp một lần, mỗi em 100.000 VND. Hy vọng các tháng sau, các em sẽ cố gắng tìm thêm được việc làm để tự lo liệu. Như vậy, số tiền xin gửi đến Sr. Thanh lần đầu để chuyển đến cho gia đình các em là: 1.250.000 VND.

VỀ CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG HÀ NAM"

Cha Nguyễn Văn Phủ, Giáo Xứ Hạ trang, Giáo Phận Hà Nội, thầy Nguyễn Văn Phượng, DCCT, giới thiệu một danh sách gồm 16 em học sinh nghèo nhưng hiếu học, gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo, tất cả đều ngụ tại Thượng Trang, xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, thuộc Giáo Xứ Hạ Trang, Giáo Phận Hà Nội. Gospelnet xin trợ giúp cho mỗi em 50.000 VND một tháng, khởi đầu từø tháng 9.2002. Tổng cộng: 16 em x 50.000 VND = 800.000 VND.

Rất mong quý độc giả và ân nhân gần xa, nhất là những người đồng hương tỉnh Hà Nam và Giáo Phận Hà Nội, nhận chia sẻ trợ giúp thêm cho các em lâu dài.

01.    NGUYỄN VĂN NƯƠNG, sinh 1989, sắp lên lớp 7.

02.    NGUYỄN THỊ BÍCH, sinh 1990, sắp lên lớp 6.

03.    NGUYỄN THỊ THÀNH, sinh 1990, sắp lên lớp 6.

04.    NGUYỄN VĂN SANG, sinh 1984, sắp lên lớp 12.

05.    NGUYỄN ÐỨC THIỆN, sinh 1984, sắp lên lớp 12.

06.    NGUYỄN VĂN ÐÊ, sinh 1987, sắp lên lớp 10.

07.    NGUYỄN THỊ ÐỊNH, sinh 1986, sắp lên lớp 10.

08.    NGUYỄN THỊ DUNG, sinh 1983, sắp lên lớp 12.

09.    NGUYỄN THỊ THẮM, sinh 1989, sắp lên lớp 8.

10.    NGUYỄN QUANG TUYẾN, sinh 1989, sắp lên lớp 8.

11.    NGUYỄN VĂN THƯỜNG, sinh 1987, sắp lên lớp 9.

12.    NGUYỄN VĂN TẤN, sinh 1990, sắp lên lớp 7.

13.    NGUYỄN THỊ HÀ, sinh 1993, sắp lên lớp 4.

14.    NGUYỄN THỊ THÙY BÍCH, sinh 1987, sắp lên lớp 10.

15.    NGUYỄN THỊ ÐIỆP, sinh 1988, sắp lên lớp 9.

16.    NGUYỄN THỊ LOAN, sinh 1987, sắp lên lớp 9.

Như vậy, số tiền xin gửi thầy Phượng lần đầu để chuyển đến cho gia đình các em là: 800.000 VND.

VỀ MỘT TRƯỜNG HỠP QUÁ ÐẶC BIỆT Ở SÀI-GÒN

Bạn Nguyễn Thiên Hoàng, cộng tác viên của Gospelnet, có giới thiệu trường hợp em DƯƠNG TRẦN NHẬT TÂN, nay đã được 11 tuổi. Cháu Tân có cha là anh Dương Thanh Danh đã phạm trọng án, bị xử tử hình năm 1993, mẹ là chị Trần Xuân Nhạn, bị tù giam, chết vì ung thư sau đó. Cháu Tân mồ côi được người bác ruột là Dương Nguyệt Hồng bảo lãnh đem về nuôi, nhưng vì gia đình quá đông, thu nhập bấp bênh, cháu Tân lại khó hòa nhập do quá khứ ảnh hưởng quá nặng nề. Hiện nay cháu Tân đã được gửi nội trú tại một Nhà Dòng Nam, đã hồi phục khá tốt được về mặt tâm lý và thể lý, thi đậu lên lớp 6 PTCS. Gospelnet xin trợ giúp cho gia đình cháu về mặt chi phí ăn, ở và học tập: 100.000 VND x 4 tháng = 400.000 VND.

VỀ BA TRƯỜNG HỠP BẠI LIỆT VÀ TÂM THẦN Ở ÐỨC LINH

Cha Nguyễn Hữu An, Giáo Xứ Chính Tâm, xã Gia Tân, huyện Ðức Linh, tỉnh Bình Thuận, thuộc Giáo Phận Phan Thiết, giới thiệu 3 trường hợp ngặt nghèo như sau:

01. Anh NGUYỄN ÐỨC DUY, sinh 1976, con ông Hoàng Việt Quý và bà Mai Thị Hoàng. Gia đình có đến 6 người con, luôn trong tình trạng thiếu đói, riêng em Duy lại bị bệnh viêm não gây bại liệt.

02. Em NGUYỄN THỊ HƯƠNG, sinh 1989, con ông Nguyễn Văn Nam và bà Trần Thị Hà. Gia đình có đến 8 người con, luôn trong tình trạng thiếu đói, riêng em Hương lại bị bại liệt nằm một chỗ.

03. Anh NGUYỄN VĂN THO, sinh 1967, mẹ già 72 tuổi, cha mất sớm. Gia đình neo đơn chỉ có 2 mẹ con, luôn thiếu đói, hàng xóm tốt bụng thường giúp cho gạo ăn, anh Tho lại bị bệnh tâm thần mất trí.

Gospelnet xin trợ giúp gia đình các em Duy và Hương mỗi tháng 50.000 VND, kể từ tháng 7 đến hết tháng 9.2002. Tổng cộng: 2 em x 50.000 VND x 3 tháng = 300.000 VND. Riêng gia đình anh Tho, xin trợ giúp mỗi tháng 100.000 VND, kể từ tháng 7 đến hết tháng 9.2002. Tổng cộng tất cả là: 600.000 VND. Rất mong quý độc giả và ân nhân chia sẻ thêm cho các gia đình đáng thương này về lâu dài.

VỀ VIỆC XIN TRỠ GIÚP ÐÀO GIẾNG NƯỚC

Cha Trịnh Tuấn Hoàng và hội HELP THE POOR xin thông báo đến quý Linh Mục, quý Nữ Tu đang phụ trách các giáo sư và điểm truyền giáo nghèo: Hội sẵn sàng trợ giúp đào 186 giếng nước bơm tay, mỗi giếng 100 USD dùng cho khoảng 10 gia đình, mỗi nơi tối đa được 10 giếng. Xin lập hồ sơ dự án chi tiết, có đóng dấu ký tên, gửi về địa chỉ: Lm. TRỊNH TUẤN HOÀNG và hội HELP THE POOR, 20444 Magnolia St, Huntington Beach, CA 92646, USA. Nếu cần biết thêm chi tiết, xin liên hệ ngay với cha Hoàng, Dòng Phan-xi-cô, qua E-Mail: chatuanhoang@hotmail.com Sau khi đã được duyệt, sẽ có người mang tiện đến trao tận tay.

VỀ HAI ANH EM BỊ BẠI LIỆT TEO CƠ TẠI QUY NHƠN

Sr. Nguyễn Thị Lan, Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn, giới thiệu trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Nhân ở Quy Nhơn, đã góa chồng từ lâu, có 4 người con, thì trong đó hai người con nhỏ là NGUYỄN NHÂN TRUNG, 17 tuổi và em gái là NGUYỄN NHÂN TRIỀU, 7 tuổi, đều bị bại liệt teo cơ, gia cảnh rất khó khăn, bệnh tật người con lớn coi như đã vô vọng, chỉ còn cố gắng chạy chữa bằng vật lý trị liệu tại nhà cho đứa em gái. Gospelnet xin trợ giúp 500.000 VND.