GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 10 A THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Mt 9, 9 - 13

Ðức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi !" Ông đứng dậy đi theo Người. Ðức Giê-su đang dùng bữa trong nhà, thì kìa, nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy ?" Nghe thấy thế, Ðức Giê-su nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi".

SUY NIỆM:

ÐÁP LẠI LỜI MỜI GỌI CỦA CHÚA

1. Ðức Giê-su đã gọi Ông Mát thêu và dùng bữa tại nhà ông với các người thu thuế:

1.1 Trong xã hội Do-thái thời Ðức Giê-su người thu thuế là một thành phần xã hội bị coi khinh một cách đặc biệt. Vì hai lý do: một có tính chất chính trị, một có tính chất tôn giáo.

§   Họ là một thứ công chức của Nhà Nước Rô-ma đô hộ là Nhà Nước ngoại bang vơ vét tiền bạc của dân Ít-ra-en để phục vụ lợi ích của đế quốc mình. Nên những người thu thuế cho Nhà Nước ấy bị coi là kẻ thù của dân tộc và Tổ quốc Do-thái.

§   Với nghề thu thuế, họ thường áp bức dân chúng và bớt xén tiền bạc cho riêng mình. Ngày nay chúng ta gọi tội của những người thu thuế ấy là tội biển thủ công quĩ. Ðó cũng là một tội lớn trong các tội mà Mười Giới răn của Thiên Chúa ngăn cấm.

Chính vì thế mà người Pha-si-sêu - những người tự cho mình là đạo đức - xa lánh và khinh khi những người thu thuế, gọi là là "phường" thu thuế, coi họ là "quân" tội lỗi.

1.2 Ðức Giê-su - dù biết rất rõ tình trạng xã hội trên - vẫn gọi ông Mát-thêu một nhân viên thu thuế, làm môn đệ Người và vẫn đến dùng bữa tại nhà ông. Vì sao ?

§   Khi được Ðức Giê-su nhận làm môn đệ, chắc chắn ông Mát-thêu đã rất vui mừng và hãnh diện vì hồng ân ấy. Nên ông mới mời Ðức Giê-su và các môn đệ khác của Ðức Giê-su đến nhà ông ăn cơm. Ðức Giê-su đã nhận lời mời của ông để tỏ tình nghĩa thày trò yêu thương, gắn bó với ông.

§   Dĩ nhiên trong dịp hiếm có này, ông Mát-thêu không thể không mời bạn bè thân thiết và đồng nghiệp của ông đến cùng dự tiệc. Ðây là dịp để những người Pha-si-sêu bộc lộ quan điểm của mình. Có thể nói vì họ coi thường ông Mát-thêu và các người thu thuế bạn ông, nên họ cũng coi thường Ðức Giê-su và các môn đệ Người, khi thấy Ðức Giê-su đã kết bạn với những người mà họ coi khinh. Ðây cũng là cơ hội ngàn vàng để Ðức Giê-su bộc lộ quan điểm của mình cũng chính là quan điểm của Thiên Chúa.

1.3 Quan điểm của những người Pha-ri-sêu ngược hẳn với quan điểm của Ðức Giê-su: Người Pha-ri-sêu coi khinh, xa lánh và lên án những người thu thuế và tội lỗi, trong khi Ðức Giê-su lại yêu thương, gần gũi, kết thân, bênh vực và cứu vớt họ. Người Pha-ri-sêu xét đoán theo bên ngoài và dựa vào lề luật trong khi Ðức Giê-su nhìn thấu tâm can con người và dựa vào Tình Yêu Thương Cứu Ðộ của Thiên Chúa. Hai quan điểm xa nhau một trời một vực là thế ! Và ngôn sứ Hô-sê đã khuyên chúng ta phải tìm biết Thiên Chúa và đón nhận quan điểm của Người.

2. Từ giáo huấn của Lời Chúa hôm nay, chúng ta rút ra được những bài học quí giá sau đây phù hợp với hoàn cảnh xã hội và Giáo Hội Việt Nam hiện nay:

Bài học thứ nhất: Trước mặt Thiên Chúa và Ðức Giê-su mọi người đều có gía trị như nhau, đều là con cái của Người và là anh chị em của nhau, mọi người đều được mời gọi sống yêu thương, san sẻ và tôn trọng lẫn nhau. Những người càng có nhiều ( sức khỏe, tài năng, của cải, địa vị, chức quyền, đặc sủng ) càng có trách nhiệm lớn đối với cộng đồng, đối với anh em, nhất là đối với những người kém may mắn, túng thiếu, bất hạnh.

Bài học thứ hai: Không ai có quyền xét đoán người khác. Quyền đó thuộc về một mình Thiên Chúa. Không ai được coi khinh, xua đuổi, lên án người khác. Ðức Giê-su và Thiên Chúa luôn đứng về phía những người yếu thế cô thân, những người nghèo túng, bất hạnh, bị áp bức, bóc lột trong cộng đồng.

Thế mà trong xã hội Việt Nam ta hiện nay, có không ít thành kiến tạo bức tường ngăn cách giữa người này với người nọ, giữa thành phần này với thành phần kia của dân tộc: gốc gác Bắc Trung Nam; người kinh, người thiểu số; Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Nho Giáo, đạo ông bà ...; người giầu và người nghèo; quyền thế và thường dân... Làm sao chúng ta bỏ được những thiên kiến sai lầm và tai hại về nhau để mọi người, mọi thành phần yêu thương tôn trọng nhau và chân thành cộng tác với nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp cho cả dân tộc ?

Tương tự như thế, trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ta hiện nay, cũng có không ít thành kiến tạo bức tường ngăn cách giữa người này với người nọ, giữa thành phần này với thành phần kia của Giáo Hội: gốc gác Bắc Trung Nam; tiến bộ hay bảo thủ; thân nhà nước hay không thân nhà nước; học tây hay học ta; hội đoàn này hay hội đoàn nọ; người giầu hay người nghèo; lãnh đạo hay giáo dân thường...

Ðiều tai hại khôn lường xẩy ra trong khoảng hai ba chục năm nay là có một số người "nhẹ dạ" hay quá "ngây thơ" tin vào những luồng dư luận thâm độc "nghe người ta nói": nghe người ta nói thế này, nghe người ta nói thế kia, về người này người nọ thuộc Giáo Hội. Những tin đồn ấy càng làm cho hố ngăn cách, nghi ngờ đã có sẵn trong một số tâm hồn càng sâu hơn.

Làm sao chúng ta bỏ được những thiên kiến sai lầm và tai hại về nhau để mọi thành phần Dân Chúa yêu thương, tôn trọng nhau và chân thành cộng tác với nhau để xây dựng Giáo Hội thành một Cộng đoàn Hiệp Thông của Chúa Giê-su Phục Sinh và của Chúa Thánh Thần nhằm phục vụ Nước Trời đang phát triển trong lòng dân tộc Việt Nam này ?

Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã gọi ông Mát-thêu làm môn đệ Chúa. Chúa cũng gọi chúng con và tất cả mọi người làm môn đệ Chúa. Xin Chúa giúp chúng con trở thành môn đệ thân tín của Chúa. Xin Chúa giúp mọi người xóa tan mặc cảm để đáp lại lời mời gọi của Chúa !

Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã đến dùng cơm tại nhà ông Mát-thêu cùng với các môn đệ của Chúa và các bạn bè thu thuế của ông chủ nhà. Chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã bộc lộ cõi lòng và quan điểm của Chúa trong bữa ăn ấy khi Chúa lên tiếng bênh vực những người bị khinh khi và xác định sứ mạng cứu nhân độ thế của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con thấu hiểu và đón nhận quan điểm của Chúa. Cũng xin Chúa dạy chúng con biết coi trọng mọi người, không phán xét kết án anh em !

Gs. Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

CẦU NGUYỆN:

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA DÂN CHÚA

"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi". Ðó là lời an ủi rất lớn cho những người thu thuế và tội lỗi bị giới lãnh đạo Do-thái loại bỏ như trường hợp ông Mát-thêu. Ông đang ngồi ở trạm thu thuế thì được Ðức Giê-su gọi. Ông liền đứng dậy đi theo Người. Ta hãy xin Chúa cho ta biết lắng nghe tiếng Chúa gọi và hãy dâng lên Chúa những lời nguyện sau đây.

1.     Từ xa xưa / Ngôn Sứ I-sai-a đã loan báo / "Ðoàn dân đang ngồi trong tối tăm, / đã thấy một ánh sáng huy hoàng". / Thì đây Ðức Giê-su xuất hiện / là ánh sáng huy hoàng đó. / Ta hãy xin Chúa Thánh Thần ban ơn giúp sức / để ta có sự sẵn sàng ra khỏi cảnh tăm tối / và bước đi trong ánh sáng của Chúa / theo gương thánh Mát-thêu. / Chúng con cầu xin Chúa.

2.     Thánh Mát-thêu khi được Chúa gọi / đã tỏ lòng biết ơn / bằng một bữa tiệc linh đình / qua đó, ông giới thiệu nhiều bạn bè ông đến với Ðức Giê-su. / Ta hãy xin Chúa khơi dậy nơi ta / lòng tri ân sâu xa đối với mọi ơn lành Chúa ban / và cũng biết noi gương thánh Mát-thêu / giới thiệu nhiều người quen biết đến với Chúa Giê-su. Chúng con cầu xin Chúa.

3.     Từ xa xưa / ngôn sứ Hô-sê đã cho biết / Thiên Chúa muốn tình yêu chứ không cần hy lễ. / Nay Ðức Giê-su đến là hiện thân của Ðấng Thiên Chúa ấy. / Người coi trọng tình yêu được bày tỏ / giữa đông đảo những người thu thuế mà Mát-thêu mời tới dự. / Ta hãy xin Chúa giúp ta / xác định rõ giá trị mọi việc ta làm / nhờ tình yêu mà ta dành cho Thiên Chúa và anh chị em đồng loại. Chúng con cầu xin Chúa.

4.     Giữa thế giới đầy những bất công / với những phân biệt giàu nghèo / người được kể là công chính, còn kẻ khác bị liệt vào số những người tội lỗi, / Ðức Giê-su có một chọn lựa rõ ràng và dứt khoát, / Ngài tuyên bố: / Tôi không đến để kêu gọi người công chính / mà để kêu gọi người tội lỗi. / Ta hãy xin Chúa giúp / để ta nhận ra bản thân ta / cần được Chúa thương giải thoát khỏi vòng tội lỗi. Chúng con cầu xin Chúa.

Lạy Chúa, Chúa thấy rõ toàn thể cộng đoàn Ki-tô hữu chúng con đang tham dự Thánh Lễ đều cần được Chúa đoái thương. Xin giúp chúng con lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng con để chúng con đưa ra thực thi, theo gương thánh Mát-thêu xưa. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Ki-tô.

Nhóm tác giả "Cùng Nhau Tìm Hiểu và Chia sẻ Ðời Sống Tin Mừng"

CHỨNG TỪ:

MỘT NHÀ VÔ THẦN TÌM THẤY NIỀM TIN VÀO THIÊN CHÚA

Bác sĩ Jerome Stowell, một nhà khoa học vô thần đã tìm thấy quyền năng của Ðấng Tạo Hóa trong một cuộc khảo nghiệm khoa học. Lúc ấy ông đang cố gắng tìm đo độ dài sóng ( longueur d'onde ) của bộ óc con người. Bác sĩ vô cùng ngạc nhiên, vì chẳng những ông đã tìm thấy độ dài sóng mà còn tìm được cả một cái gì vĩ đại và kỳ diệu hơn. Ôâng nhận thức rằng Ðấng Tạo Hóa đang nắm giữ "một quyển sổ" ghi chú tất cả những tư tưởng của mỗi một người chúng ta. Bác sĩ Stowell tự thuật như sau:

"Trước kia, tôi chỉ tin rằng Thiên Chúa bất quá chỉ là một sản phẩm pha trộn của trí óc con người. Thế rồi một hôm, trong một phòng thí nghiệm bệnh lý học, chúng tôi muốn khám phá xem có cái gì xảy ra trong bộ óc của con người trong giai đoạn quá độ ( période de transition ) từ sự sống qua sự chết.

Chúng tôi chọn một thiếu phụ sắp chết vì bệnh ung thư não, nhưng đầu óc vẫn còn tươi tỉnh và sáng suốt. Bà đang hấp hối và thế nào cũng chết. Với một dụng cụ có đính theo máy pick-up, máy vi âm và mọi trang bị thu thanh rất tinh vi khác, chúng tôi đã khám phá ra tất cả những gì đang diễn biến trong bộ óc của bà ta. Chính dụng cụ này trước đây đã từng được dùng để đo điện lực của một đài phát thanh mạnh 50 kilowatts trong khi đài nầy truyền đi một tin tức cho cả thế giới.

Vào những giây phút chót của đời mình, bà ta khởi sự cầu nguyện và ca ngợi Chúa. Bà xác định Ðức Tin của mình trong Chúa, bà phó thác bản thân cho sự che chở của Chúa, và thưa với Chúa rằng bà chỉ biết có Chúa là quyền năng duy nhất sống động, cao cả và từ ái.

Trước cảnh đó, chúng tôi là những nhà khoa học đứng nhìn nhau, trong lúc thiếu phụ vẫn tiếp tục cầu nguyện. Chúng tôi thấy trên gò má của các nhà khoa học từng giọt lệ từ từ lăn xuống. Thình lình, chúng tôi nghe một tiếng "tách" trên chiếc máy đo mà chúng tôi đã quên khuấy đi mất. Cây kim chỉ số 500 bên phía dương cực của chiếc đồng hồ, và còn muốn cố vươn lên một cách kinh khủng".

Cuộc thí nghiệm nói trên cũng đem tái diễn với một người đàn ông vì một chứng bệnh xã hội trầm trọng nên phải đưa vào bệnh viện. Cũng chính lúc bị cơn bệnh hành dữ đội ấy, anh ta đang đứng bên bờ vực của tử thần. Người đàn ông ấy bắt đầu rủa sả và trách móc Thiên Chúa mà anh ta cho là đã làm cho anh đau khổ. Lạ thay, chiếc máy nói trên chỉ con số 500 về phía âm cực, mà còn muốn hạ thấp xuống nữa.

Ấy thế là nhờ những dụng cụ tinh vi, chúng tôi đã chứng nghiệm được quyền năng tích cực của Sự Thiện và quyền năng tiêu cực của Sự Dữ muốn địch lại với Sự Thiện ấy. Chúng tôi đã ghi nhận được rằng bộ óc của một người đàn bà cô đơn và hấp hối, nhờ sự tương giao với Thiên Chúa, đã có một điện lực gấp 55 lần luồng điện dùng để truyền tin tức đi cho cả thế giới. Chúng tồi cũng đã ghi nhận được ràng, sự chống đối Thiên Chúa và phủ nhận sự hiện hữu của Ngài cũng cùng một chỉ số điện lực ấy, nhưng lại ngược về phía kia tức là về phía âm cực.

Nếu những nhà khoa học chúng tôi còn có thể ghi nhận các sự kiện trên, thì tôi hết lòng tin quả quyết rằng Thiên Chúa là Ðấng Quyền Năng kỳ diệu muôn phần trổi vượt, hẳn Người có thể ghi nhận mỗi tư tưởng của chúng ta từ trên Nước Trời..."

Sau cuộc khám phá kỳ diệu ấy, hành động đầu tiên của bác sĩ Stowell là cầu xin Thiên Chúa bày tỏ Người ra cho ông cách rõ ràng hơn. Giữa lúc ông đang quỳ gối cầu nguyện, trong một tâm trạng cô đơn và kinh sợ, ông đã được Thiên Chúa đổi mới cả tâm tính và cuộc đời. Sau đó ông đã bỏ công việc và nghề nghiệp của mình, bắt đầu đi khắp đó đây để nói về sự nhân từ cao cả của Thiên Chúa.

Trích Tuyển Tập NỐI LỬA CHO ÐỜI số 8

CÂU TRUYỆN:

CÁNH DIỀU YÊU THƯƠNG

Người Rumani nói về nguồn gốc của trò chơi thả diều bằng mẩu chuyện như sau:

Tại một làng kia, có một người nghèo mà ai cũng gọi là Cob. Cob là một tên gọi không mấy thanh cao trong ngôn ngữ Rumani. Người ta gọi ông bằng tên ấy vì cái miệng sún răng cũng như đôi chân khập khiễng của ông. Con người có dáng vẻ xấu xí ấy lẽ dĩ nhiên chỉ có thể là một người nghèo mà thôi. Không vợ, không con, ông Cob lầm than như tất cả những người nghèo khác. Ði đến đâu, ông cũng trở thành trò đùa cho mọi người. Vậy mà con người ấy không hề than thân trách phận hoặc tỏ ra giận dữ, buồn phiền mỗi khi bị chọc ghẹo.

Cả đời, ông chỉ có mỗi một băn khoăn: là chưa hề làm một việc thiện cho người khác. Ông yêu người, ông muốn tặng thật nhiều quà cho mọi người. Nhưng ông cảm thấy mình quá nghèo để có thể thực hiện được giấc mơ ấy. Ông thường tự nhủ: "Bệnh tật, đau yếu, khốn khổ, chết chóc, đó là số phận chung của mọi người. Ai không nhỏ lệ thì cũng khóc thầm trong lòng. Nước mắt là cơm bữa của loài người. Do đó, cần phải làm cho con người phấn khởi, vui tươi". Nghĩ thế, ông trình bày lên Chúa ước nguyện như sau: "Xin Chúa cho con có thể mang lại cho những người đau khổ một quà tặng".

Một quà tặng cho nhân loại đau khổ, nhưng ông Cob vẫn không biết món quà đó phải như thế nào. Trong khi chờ đợi, mỗi lần bị cười chê, mỗi lần bị đem ra làm trò cười, ông vẫn tươi cười với ý nghĩ rằng: "Ít ra mình cũng làm cho người vui".

Sau một thời gian suy nghĩ, cuối cùng ông Cob mới tìm ra được món quà tặng mà ông sẽ mang lại cho nhân loại đau khổ: đó là một cánh diều bay lơ lửng trên không. Nghĩ đó là sự linh ứng của Chúa, ông Cob đi nhặt tất cả những gì cần thiết để làm một cánh diều. Ông miệt mài cắt xén, sơn vẽ để hoàn thành được một cánh diều óng ả, sáng chói như một chiếc đĩa bay.

Khi cánh diều gặp gió bay cao, cả dân làng kéo nhau ra cánh đồng để nhìn ngắm cánh diều của ông Cob. Mọi người đưa mắt nhìn lên không trung và quên hẳn những nhọc nhằn của cuộc sống. Ðó là quà tặng mà người khốn khổ nhất của ngôi làng đã mang lại cho người đồng loại của mình.

Một tác giả nào đó đã nói: "Trái tim không phải là một món hàng để mua bán, mà là một món quà để trao tặng". Một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết. Sự giàu có và nghèo nàn có thể phân biệt con người thành giai cấp thứ bậc. Có người tiền rừng bạc biển, có người nghèo rớt mòng tơi. Nhưng mỗi người chỉ có một quả tim, và quả tim đó lẽ ra phải giống nhau, bởi vì người ta không thể cân lường được quả tim. Do đó, quà tặng xuất phát từ quả tim đều vô giá. Giá trị của món quà không hệ tại ở số lượng của tiền của, mà ở quả tim được gói gém trong món quà.

Chúa Giê-su đã nhìn thấy quả tim mà một người đàn bà góa đã gói trọn trong một đồng xu nhỏ dâng cúng Ðền Thờ. Nhân vật Cob trong câu chuyện của người Rumani trên đây đã đặt tất cả con tim của mình vào cánh diều để làm vui cho con người. Một ánh mắt, một nụ cười, một lời nói an ủi, một bàn tay nâng đỡ, đó là bao nhiêu quả tim mà con người có thể trao tặng cho nhau. Và có thể là những món quà cao quý nhất mà những người xung quanh đang chờ đợi nơi chúng ta.

Trích sách LẼ SỐNG, Ðài Chân Lý Á Châu

CHIA SẺ:

BẠN HÃY QUAN TÂM ÐẾN ÐỜI SỐNG CỦA BẠN !

Trong một cuộc bắt Ðạo, trước khi ra lệnh tra khảo và xử tử một thanh niên Công Giáo, vị quan kia dụ dỗ: "Bỏ Ðạo đi, ta sẽ cho một nén vàng !" - "Bẩm quan, ít quá !" - "Thế mấy nén vàng mới đủ ?" - "Quan hãy cho tôi đủ nén vàng để mua một linh hồn khác ! Mà bỏ Ðạo là bỏ linh hồn ! Mà linh hồn của tôi thì... vô giá !"

Bạn thân mến, đời sống của bạn và tôi đang sống, là vô giá vì đó là hồng ân lớn lao nhất và tốt đẹp nhất, mà Chúa chỉ ban cho chúng ta có được một lần duy nhất trên đời này: mỗi người chúng ta chỉ được Chúa cho sống một lần mà thôi. Chúng ta không thể nào bán đi để mua lại một đời sống khác. Và chúng ta cũng không thể nào sống lại để lại sống một cuộc đời thứ hai trên mặt đất này.

Nếu hiện nay chúng ta làm hư đời mình, chúng ta sẽ làm hư nó mãi mãi. Nếu hiện nay chúng ta làm đẹp đời mình, chúng ta sẽ làm đẹp nó đời đời. Bởi đó, điều chúng ta phải quan tâm hết sức, là quan tâm đến đời sống của chúng ta để làm sao cho nó được trở nên tốt đẹp, được trở nên một bài ca thánh thót, một bài thơ tuyệt diệu, một tác phẩm hấp dẫn.

Chúng ta hãy nỗ lực hết sức để làm sao cho cuộc đời chúng ta trở nên thích thú, hấp dẫn, và đầy đủ ý nghĩa. Chúng ta hãy làm sao cho cuộc đời chúng ta được trở nên can đảm, chịu đựng, nhẫn nại, để lướt thắng mọi thử thách, mọi khó khăn. Chúng ta hãy làm sao cho cuộc đời chúng ta được đầy thành công một cách chính đáng nhất, một cách tuyệt vời nhất, theo khả năng tốt nhất của chúng ta.

Xung quanh chúng ta, không thiếu những người đang sống cuộc đời vô định, vất vưởng. Có thể họ là những người thất bại và mất hứng trong cuộc sống. Họ thất bại vì họ đã không tìm cách thể hiện được những khả năng của mình. Rồi từ đó, họ bi quan, lụn bại, mất hứng thú, xem cuộc sống của mình nặng nề, trong khi cuộc sống của họ đáng lý ra phải là một niềm vui bất tận, là một cuộc phiêu lưu đầy kỳ thú.

Vậy chúng ta hãy làm sao khám phá ra cho được cái bản thân sâu thẳm nhất của chúng ta, để nhờ đó, chúng ta có thể làm cho đời sống mình trở nên tốt đẹp.

Muốn được vậy, chúng ta hãy biết mình có những sở trường nào để cố gắng làm cho chúng mỗi ngày một thêm trọn lành hơn; và hãy biết mình có những sở đoản nào để hằng ngày cải thiện chúng thành những sở trường, hoặc loại bỏ những sở đoản nào nguy hại cho lý tưởng của chúng ta.

Trong việc khám phá bản thân để tìm cách làm cho đời mình tốt đẹp, chúng ta hãy học cho biết cách sống thế nào là tự tin, tự trọng. Chúng ta hãy từ bỏ thái độ tiêu cực. Chúng ta hãy chọn lựa cho mình một thái độ tích cực. Chúng ta hãy làm thế nào để đề ra cho mình những mục tiêu thật rõ ràng và hữu ích cho cuộc sống, và phải đeo đuổi để thực hiện cho kỳ được những mục tiêu này. Chúng ta hãy ngày đêm suy nghĩ làm thế nào để cho con người của mình được phát triển luôn mãi: chính những tư tưởng trong đầu óc chúng ta chỉ huy và điều khiển những hoạt động bên ngoài của chúng ta.

Ngày nào chúng ta không quan tâm đến đời sống của chúng ta để làm sao cho nó đẹp hơn, thánh thiện hơn, thanh cao hơn, ích lợi hơn, thì ngày đó, chúng ta sống như một người chết: thân xác chúng ta tuy vẫn thở, vẫn ăn, vẫn tiêu hóa, nhưng đầu óc của chúng ta đã lụn tàn, suy nghĩ và tư tưởng của chúng ta đã bị chôn sống rồi !

Bạn thân mến, chúng ta đừng chết trong khi chúng ta đang sống. Nhưng chúng ta hãy sống một cách tốt đẹp cuộc đời chúng ta đang sống.

Lm. NGUYỄN HÀI ÐỒNG

TÌM HIỂU:

Ðộc giả Quế Ngọc có gửi cho Gospelnet hàng tuần một số câu hỏi chuẩn bị cho đoạn Tin Mừng Chúa Nhật sau đó. Chúng ta có thể đọc trước đoạn Tin Mừng, cầu nguyện, suy nghĩ và cố gắng trả lời các câu hỏi này. Số báo sau sẽ có nêu những lời giải đáp cho vấn đề đã đặt ra. Thiết nghĩ đây là một phương cách tích cực để sống Lời Chúa mỗi Chúa Nhật... Tác giả đã áp dụng việc này trong chương trình Mục Vụ Giáo Lý suốt nhiều năm qua, đạt nhiều kết quả sâu xa, và nay muốn chia sẻ với bạn đọc Gospelnet...

CHUẨN BỊ CHO CHÚA NHẬT 11 A THƯỜNG NIÊN ( Mt 9, 36 - 10, 8 )

1. Ðại ý đoạn Phúc Âm Mt 9, 36 - 10, 8 là gì ?

2. Con số 12 ở đây có ý nghĩa gì đặc biệt ?

3. Thành phần cấu tạo Nhóm Sứ Ðồ 12 như thế nào ?

4. Tại sao Chúa lại nói đừng đến với dân ngoại ?

5. Trong việc Truyền Giáo thì điều quan trọng nhất là gì ?

6. Tại sao Chúa lại cần con người để làm việc Truyền Giáo ?

7. Ơn Thiên Triệu là tiếng gọi của Chúa, nhất là ơn gọi đặc biết, được đặt trên những tiêu chuẩn gì ? Cách Truyền Giáo mà ai cũng làm được là cách gì ?

THÔNG TIN:

VỀ CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Nha sĩ Nguyễn Thị Băng Hà ( Sài-gòn ) giúp chị Trần Thị Thu Vân bị tai nạn .................................................  400.000 VND

- Một Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) giúp người nghèo ............................................................................................  600.000 VND

- Bác sĩ Vũ Bích Ðào ( Pháp ) giúp người khuyết tật và 340 bộ quần áo trẻ em .............................................  1.200.000 VND

- Một ân nhân ẩn danh ở New Orleans ( Hoa Kỳ ) giúp người nghèo .............................................................................  250 USD

VỀ VIỆC TRỠ GIÚP LỠP LẠI MÁI LÁ 22 CĂN NHÀ Ở CẦN THƠ

Cha Lê Ngọc Ngà, Giáo Xứ Thới Thạnh, Giáo Phận Cần Thơ, giới thiệu 22 gia đình nghèo ở nông thôn sau đây nằm trong điểm truyền giáo của ngài, rất cần được trợ giúp tiền mua lá dừa nước để lợp lại mái nhà đã quá giột nát kịp cho mùa mưa năm nay:

01.   Huỳnh Văn Lem, ngụ tại ấp Ông Dựa, xã Long Tuyền: cần trợ giúp 200 lá

02.   Nguyễn Thị Thơ, ngụ tại ấp Ông Dựa, xã Long Tuyền: cần trợ giúp 400 lá

03.   Huỳnh Thị Ánh, ngụ tại ấp Ông Dựa, xã Long Tuyền: cần trợ giúp 400 lá

04.   Nguyễn Thị Ấu Nhị, ngụ tại ấp Ông Dựa, xã Long Tuyền: cần trợ giúp 400 lá

05.   Võ Thị Năm, ngụ tại ấp Rạch Bàng, xã Long Tuyền: cần trợ giúp 500 lá

06.   Trần Thị Chiêm, ngụ tại ấp Lò Rèn, xã Giai Xuân: cần trợ giúp 300 lá

07. Nguyễn Thị Ba, ngụ tại ấp Rạch Cam, xã Long Hòa: cần trợ giúp 400 lá

08. Nguyễn Thị Thân, ngụ tại ấp Lò Rèn, xã Giai Xuân: cần trợ gíup 400 lá

09. Nguyễn Trường Giang, ngụ tại ấp Rạch Bàng, xã Long Tuyền: cần trợ giúp 400 lá

10. Trần Thanh Dũng, ngụ tại ấp Rạch Ranh, xã Long Tuyền: cần trợ giúp 350 lá

11. Trương Thị Tư, ngụ tại ấp Rạch Cam, xã Long Hoà: cần trợ giúp 400 lá

12. Trương Thị Ba, ngụ tại ấp Rạch Cam, xã Long Hoà: cần trợ giúp 500 lá

13. Trương Thị Trơn, ngụ tại ấp Rạch Cam, xã Long Hoà: cần trợ giúp 300 lá

14. Nguyễn Thị Vân, ngụ tại ấp Rạch Cam, xã Long Hoà: cần trợ giúp 400 lá

15. Nguyễn Văn Minh, ngụ tại ấp Rạch Cam, xã Long Hoà: cần trợ giúp 400 lá

16. Nguyễn Thị Châu, ngụ tại ấp Rạch Chuối, xã Long Tuyền: cần trợ giúp 400 lá

17. Nguyễn Thị Hồng, ngụ tại ấp Ông Kinh, xã Long Tuyền: cần trợ giúp 400 lá

18. Nguyễn Thị Hà, ngụ tại ấp Rạch Chuối, xã Long Tuyền: cần trợ giúp 400 lá

19. Cao Phước Yên, ngụ tại ấp Rạch Chuối, xã Long Tuyền: cần trợ giúp 500 lá

20. Nguyễn Thị Tám, ngụ tại ấp Nước Lạnh, xã Long Tuyền: cần trợ giúp 300 lá

21. Thái Thị Biểu, ngụ tại ấp Ông Dựa, xã Long Tuyền: cần trợ giúp 500 lá

22. Nguyễn Thị Tư, ngụ tại ấp Rạch Chuối, xã Long Tuyền: cần trợ giúp 500 lá

Tổng cộng: 8.750 lá. Gospelnet xin trích quỹ, cộng với số tiền 250 USD do một ân nhân ẩn danh ở New Orleans ( Hoa Kỳ ) chia sẻ để trợ giúp toàn bộ số tiền: 8.750 lá x 700 VND/ lá = 6.125.000 VND, chuyển qua trụ sở Giáo Phận Cần Thơ tại Sài-gòn để cha Lê Ngọc Ngà lo liệu phân phối ngay cho 22 gia đình nghèo nêu trên ( Bên cạnh đây là ảnh chụp 1 trong số các căn nhà trong danh sách cần được lợp lại mái ).

VỀ CÁC GIA ÐÌNH NGHÈO Ở GIÁO XỨ HÒA HƯNG

Ông bà Nguyễn Tiến Dũng, ngụ tại số 591 CMT8, phường 15, quận 10, Sài-gòn, giới thiệu 5 trường hợp nghèo hoặc già yếu neo đơn tại Giáo Xứ Hòa Hưng, cần được trợ giúp sau đây:

1. Cụ bà An-na NGÔ THỊ QUÝ, 81 tuổi, ngụ tại 575 / 94 CMT8, P.15, Q.10. Gospelnet xin trợ giúp số tiền là 200.000 VND và 1 hộp sữa đặc.

2. Cụ bà Ma-ri-a NGUYỄN THỊ HIÊN, 82 tuổi, ngụ tại 116 / 10 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10. Gospelnet xin trợ giúp số tiền là 200.000 VNDvà 1 hộp sữa đặc..

3. Bà Ma-ri-a NGÔ THỊ NGỌC MAI, 52 tuổi, ngụ tại 116 / 10 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10. Gospelnet xin trợ giúp số tiền là 200.000 VND.

4. Cụ bà Ma-ri-a TRẦN THỊ TÍN, 76 tuổi và em là cụ bà Ma-ri-a TRẦN THỊ CẬY, 73 tuổi, ngụ tại số 521 / 48 B CMT8, P.13, Q.10. Gospelnet xin trợ giúp số tiền là 400.000 VND và 2 hộp sữa đặc..

5. Chị Ma-ri-a NGUYỄN THỊ THẢO, 41 tuổi và 5 đứa con là Hồng Vân, Hồng Vy, Hồng Loan, Hồng Ðào, Hồng Thơ, ngụ tại 521 / 74 / 2 CMT8, P.13, Q.10. Gospelnet xin trợ giúp số tiền là 500.000 VND.

Tổng cộng số tiền trợ giúp là 1.500.000 VND, xin nhờ ông Nguyễn Tiến Dũng chuyển.

VỀ CHỊ TRẦN THỊ THU VÂN BỊ TAI NẠN Ở BÌNH TRIỆU

Chị TRẦN THỊ THU VÂN, 21 tuổi, gia đình rất nghèo, tạm trú tại số 382 tổ 5, khu phố 1, ấp Hiệp Bình Triệu, xã Hiệp Bình Chánh, Sài-gòn. Khi chị có thai được 4 tháng thì người chồng bỏ đi, nay chị đang có thai được hơn 7 tháng, nhưng vẫn cố gắng đội một rổ giò chả đi bán dạo ở khu vực nhà ga Bình Triệu, ngày 25.5.2002, không ngờ chị đang yếu mệt, sơ xuất để bị xe lửa đụng phải, chấn thương thận bên phải, gãy xương chậu, bị hư thai hoàn toàn, và nặng nhất là chấn thương sọ não, hôn mê, cấp cứu vào bệnh viện Nhân Dân Gia Ðịnh. Cha mẹ chị nghe người quen giới thiệu, đến Ðền Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp DCCT để cầu nguyện và xin các cha tìm cách giúp đỡ. Chúng tôi đã nhận giấy tờ nằm bệnh viện, gọi điện thoại cho các bác sĩ ở khoa Gây Mê Hồi Sức bệnh viện để xác minh kỹ lưỡng, và Gospelnet đã trợ giúp ngay 1.000.000 VND cho gia đình chị. Số tiền nha sĩ Nguyễn Thị Băng Hà giúp thêm 400.000 VND sẽ được chuyển đến sau.

VỀ MỘT BỆNH NHÂN NGHÈO TỪ KINH TẾ MỚI VỀ

Chị PHẠM THỊ NHIÊN, 49 tuổi, từ vùng Kinh Tế Mới Bình Long, Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, trở về Sài-gòn, chồng đã bỏ đi từ lâu, cố gắng nuôi 3 con nhỏ, hiện tạm trú tại số 79/80 đường Trần Văn Ðang, quận 3, Sài-gòn, thuộc Giáo Xứ An Phú, bị đau cột sống và dạ dầy. Chúng tôi đã giới thiệu đến bác sĩ Hoàng Ðức Quyền ở Phòng Khám Ða Khoa Quận Phú Nhuận, để được khám chu đáo và kê toa, và sau đó Gospelnet trợ giúp tiền mua thuốc 100.000 VND.

VỀ MỘT BỆNH NHÂN NGHÈO CẦN XE LẮC Ở VĨNH LONG

Thầy Ra-pha-en Lê Văn tri, DCCT, giới thiệu ông LÊ VĂN TƯỜNG, 56 tuổi, ngụ tại số 5 / 5 Khu 6, đường Ðốc Phủ Yên, thị trấn Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, nằm ở ngoài chòi canh ruộng, bị trúng gió, tai biến mạch máu não, liệt nửa người. Gospelnet xin trợ giúp một chiếc xe lắc trị giá 800.000 VND. Số tiền này được trích từ khoản tiền 1.200.000 VND trợ giúp người khuyết tật của bác sĩ Bích Ðào.

VỀ HAI NGƯỜI NGHÈO CẦN XE LẮC VÀ XE LĂN Ở CẦN THƠ

Chị Bùi Thị Hồng Nga chị Nguyễn Thị Thanh Huệ, thuộc Câu Lạc Bộ Người Khuyết Tật Cần Thơ, giới thiệu 5 trường hợp người khuyết tật nghèo cần được trợ giúp sau đây:

1. Anh TRƯƠNG MINH LỠI, sinh 1969, học vấn lớp 3/12, bị liệt cả 2 chân, hiện ngụ tại nhà số 22/23/108A đường Mạc Ðĩnh Chi, thành phố Cần Thơ. Gospelnet xin trợ giúp một chiếc xe lăn trị giá 600.000 VND, để anh có thể đi bán vé số.

2. Anh NGUYỄN VĂN HOÀNG, sinh 1983, bị liệt cả 2 chân, đi làm thuê, hiện ngụ tại ấp Phụng Quới, xã Thạnh An, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Gospelnet xin trợ giúp một chiếc xe lắc trị giá 800.000 VND để anh có thể đi lại làm việc thuận lợi hơn.

3. Gia đình ông ÐỖ XUÂN HIỆP, 64 tuổi và bà CHÂU THỊ NHÀN, 62 tuổi, ngụ tại phường 4, khu vực 5, thị xã Vị Thanh, có 4 người con bị bại não: Ðỗ Thị Xuân Hằng, 39 tuổi, ngồi phải có người đỡ, không tự đi lại và làm các việc cá nhân được; Ðỗ Xuân Hòa, 37 tuổi, người lùn, phải nằm và lăn qua lăn lại; Ðỗ Thị Xuân Nga, 35 tuổi. nằm liệt một chỗ; Ðỗ Thị Xuân Mai, 32 tuổi, nằm liệt một chỗ. Gospelnet xin trợ giúp 2.000.000 VND.

4. Ông LÂM VĂN HOA, 64 tuổi, ngụ tại phường 4, khu vực 5, thị xã Vị Thanh, cụt một chân, chân kia phải tháo khớp, nằm trên võng, không có cả mùng để giăng, sống nhờ vào sự chia sẻ đùm bọc của lối xóm. Gospelnet xin trợ giúp 500.000 VND.

5. Ông TÔ VĂN BẰNG, 52 tuổi, ngụ tại phường 4, khu vực 5, thị xã Vị Thanh, bị liệt tủy sống, chỉ ngồi một chỗ, sống nhờ vào sự chia sẻ đùm bọc của lối xóm. Gospelnet xin trợ giúp 500.000 VND.

VỀ QUÀ CHO CÁC EM NGHÈO NHÂN NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1.6

Nhân ngày Quốc Tế Thiếu Nhi 1.6.2002 vừa qua, Gospelnet đã chuyển đến các nơi số quà trị giá tổng cộng là 2.000.000 VND như sau:

- Các em học sinh nghèo lớp Tình Thương của Khu Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân ( cha Mai Văn Hiền phụ trách ): 300 cuốn tập 100 trang và 200 cây bút bic trị giá tổng cộng 580.000 VND, trong đó có 100 cây bút bic của thầy Phạm Công Thuận chia sẻ.

- Các em học sinh người dân tộc vùng Pleichuet, Giáo Phận Kontum ( cha Trần Sỹ Tín và thầy Phó Tế Nguyễn Ðức Thịnh phụ trách ): 700 cuốn tập 100 trang, trị giá tổng cộng 1.000.000 VND.

- Các em học sinh nghèo Giáo Xứ Long Hưng, Giáo Phận Vĩnh Long ( cha Nguyễn Quang Duy phụ trách ): đã giúp 100 cuốn tập, nay thêm 200 cuốn nữa, trị giá tổng cộng 420.000 VND.

VỀ CĂN NHÀ CHO CHỊ HỒ THỊ BẢY Ở BẾN TRE

Cha Nguyễn Văn Thượng, Giáo Xứ Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, thuộc Giáo Phận Vĩnh Long, giới thiệu trường hợp chị HỒ THỊ BẢY, 32 tuổi, có chồng và hai con, ngụ tại xã Thới Thạnh, tỉnh Bến Tre, gia đình rất nghèo, cách đây 2 năm rưỡi bị tai nạn khi lao động, chấn thương cột sống, bại liệt cả hai chân, phải bán cả mảnh ruộng nhỏ để chữa trị mà không có kết quả. Hiện nay chị phải dùng nẹp nhôm và hai cây nạng mới đứng được. Căn nhà chị đang ở đã quá rách nát mối mọt, sợ không trụ nổi qua mùa mưa năm nay. Gospelnet xin trợ giúp gia đình chị 2.000.000 VND để tu sữa lại ngôi nhà.

VỀ MỘT GIA ÐÌNH NGHÈO Ở ÐỒNG NAI

Sr. Tuyết Trinh, Dòng Ða-minh, giới thiệu gia đình anh ÐINH THÁI HOÀNG, ngụ tại Giáo Xứ Thái Xuân, ấp Bảo Ðịnh, xã Xuân Ðịnh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Vợ là chị Nguyễn Thị Mừng, sinh năm 1960, có 5 con là: Ðinh Thị Kim Hương, sinh 1980; Ðinh thị Kim Huệ, sinh 1983; Ðinh Văn Phúc, sinh 1985; Ðinh Minh Ðức, sinh 1988; Ðinh Phát Ðạt, sinh 1999. Gia đình rất nghèo, không có đất canh tác. Ngày ngày anh và hai cháu lớn đi làm mướn, mỗi ngày được 10.000 VND. Gia đình ở trong ngôi nhà giột nát, cần được sửa chữa để trụ được trong mùa mưa năm nay. Gospelnet xin trợ giúp 1.500.000 VND.

VỀ MỘT GIA ÐÌNH LÂM CẢNH NGẶT NGHÈO Ở ÐỒNG THÁP

Cha Nguyễn Quang Duy, DCCT, giới thiệu trường hợp một gia đình tân tòng, anh NGUYỄN VĂN DŨNG, ngụ tại ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp. Anh Dũng đang nuôi cha mẹ già với hai con nhỏ, người vợ là Nguyễn Thị Dung, lao động chính của gia đình, đi làm thuê về nhà bị chết đột ngột không rõ lý do. Nhà quá nghèo nên quan tài cho vợ phải mua chịu. Gospelnet xin trợ giúp 500.000 VND.

VỀ CHƯƠNG TRÌNH "CHIẾC ÁO CHO CHÚA GIÊ-SU"

Chiều tối thứ ba ngày 4.6.2002, tại Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn, gần 700 bạn trẻ học viên lớp Linh Hoạt Viên nâng cao, nhân học hỏi về các phương pháp năng động, đã được các cha và các thầy DCCT tổ chức một trò chơi Hoạt Ðộng Xưởng ( Système d' Atelier ) theo chủ đề "Chiếc Áo Cho Chúa Giê-su".

Trong một tháng trở lại đây, các bạn đã chia nhau đi khắp nơi quyên góp quần áo cũ và các loại vật phẩm khác. Ðặc biệt là quần áo đã được các bạn tự giặt sạch ở nhà rồi mới mang đến. Ðến khi triển khai chương trình, các bạn đã chia ra thành 6 nhóm ( như 6 phân xưởng ) phụ trách phân loại, may vá, ủi là, xếp gấp, dán nhãn, vào gói, đóng bao. Tổng số thành phẩm là: 4.581 đơn vị áo hoặc quần, dành cho người lớn ( nam và nữ ) và dành cho trẻ em ( nam nữ, dưới 5, 10 và 15 tuổi ), 11 thùng mì gói, 100 cuốn vở 100 trang, một bao lớn giày dép, một bao mũ nón và số tiền 285.000 VND để dành cho chi phí vận chuyển tất cả số quà quyên góp trên từ Sài-gòn lên Kontum, giao cho cha Tổng Ðại Diện Giáo Phận Kontum phân phối đến các cha và các soeurs đang phụ trách các điểm truyền giáo cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên.