GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

TIN MỪNG: Ga 20, 19 - 23

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Ðức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em !" Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

SUY NIỆM 1:

NGÀY HỘI LỚN CỦA GIÁO HỘI

1.     Ý nghĩa các bài đọc:

Các bài đọc hôm nay đều qui hướng về Chúa Thánh Thần và các ơn huệ của Ngài. Ngay sau khi sống lại, vào ngày thứ nhất trong tuần, Ðức Giê-su đã hiện ra với các Môn Ðệ để thực hiện lời hứa ban Chúa Thánh Thần. Sau lời chúc bình an và cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài, Ðức Giê-su đã thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy đươc tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." ( Bài Tin Mừng ). Tuy vậy, không có một dấu hiệu bên ngoài nào, cũng không có sự thay đổi nào nơi các môn đệ, phải đợi đến năm mươi ngày sau, tức vào đúng ngày Lễ Ngũ Tuần, mới thấy quyền năng của Chúa Thánh Thần biểu lộ rõ nét. Có thể nói đây là ngày hôïi lớn của Giáo Hội.

Ngày ấy, Chúa Thánh Thần đến ào ào như tiếng gió thổi mạnh ùa vào đầy cả nhà và xuất hiện như những hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng lạ khiến những người từ nhiều nơi đến nghe phải sửng sốt thán phục vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình ( Bài đọc 1 ). Sứ mạng của Chúa Thánh Thần là bày tỏ và áp dụng ơn cứu độ cho mọi người bằng cách giúp ta tuyên xưng Ðức Giê-su là Chúa và qua các ơn sủng khác nhau, Ngài liên kết chúng ta trong một nhiệm thể duy nhất là Giáo Hội ( Bài đọc 2 ). Ngài đã ban cho các môn đệ và các tín hữu những ơn huệ nào ?

2.     Những ơn huệ của Chúa Thánh Thần:

Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ngài đã đem lại cho các môn đệ ơn bình an, sự bình an của những người thiện tâm vì luôn có Chúa ở cùng. Ngài đã ban cho các ông ơn can đảm không còn phải sợ hãi hội họp cách lén lút, mà sẵn sàng ra giữa công trường để rao giảng về Ðức Giê-su Na-da-rét, Ðấng đã được Thiên Chúa sai đến, đã bị đóng đinh, chịu chết trên thập giá. Ðức Giê-su đó đã sống lại ra khỏi mồ và lên trời. Ngài chính là Thiên Chúa. Các ông đã làm chứng cho Ðức Giê-su bằng lời rao giảng, bằng đời sống gương mẫu thánh thiện và sau cùng bằng chính mạng sống mình. Kèm theo những lời giảng dạy, Chúa Thánh Thần còn cho các ông làm nhiều dấu lạ điềm thiêng ( Cv 2, 43 ) khiến cho dân chúng phải kinh ngạc.

Chúa Thánh Thần đã ban ơn soi sáng giúp các ông nhớ lại và hiểu rõ hơn những gì Ðức Giê-su đã dạy trong thời gian Ngài còn ở với các ông. Ngài còn ban cho các ông sự khôn ngoan đặc biệt biến các ông, vốn là những ngư phủ ít học, thành những nhà thuyết giảng hùng hồn. Sau một ngày giảng dạy Thánh Phê-rô đã đem về cho Chúa khoảng ba ngàn người. Họ đã sám hối xin gia nhập Ðạo Thánh Chúa ( Cv 2,14 - 41 ).

Chúa Thánh Thần hoạt động trong cộng đoàn tín hữu làm cho đời sống đạo đức trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp: "Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung... hưởng theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ... Họ ca tụng Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ" ( Cv 42 - 47 ). Cả một bầu khí hân hoan bao trùm cộng đoàn các tín hữu.

3. Chúng ta phải làm thế nào để đón nhận ơn Chúa Thánh Thần ?

Ðể có thể đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta cần phải cầu nguyện với Ngài. Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn mỗi người chúng ta, nhưng Ngài không làm một mình, Ngài đòi chúng ta phải cộng tác với Ngài. Sự cộng tác đó biểu lộ qua lời cầu nguyện: xin Chúa đến giúp chúng ta. Ðó là lý do tại sao mỗi khi đọc kinh hay khởi sự làm một công việc gì, chúng ta thường đọc kinh Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Ðấng Phù Trợ luôn kề cận để thánh hóa, nâng đỡ và uốn nắn chúng ta, nhưng chúng ta thường hay lãng quên Ngài hoặc ít hiểu biết Ngài và liên hệ với Ngài. Cầu nguyện là việc mà các Tông Ðồ và cộng đồng tín hữu tiên khởi đã làm, đó là hơi thở, là sức sống của mỗi người chúng ta.

Hãy lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua Lời Chúa, lời dạy bảo của các vị bề trên, qua những biến cố cuộc đời và qua tiếng nói của lương tâm. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là để Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta, không ngăn cản Ngài. Những ơn huệ của Chúa Thánh Thần tuôn đổ như mưa trên mặt đất, nhưng chỉ những ai mở lòng ra mới đón nhận được mà thôi. Tội nguy hiểm nhất, không thể tha thứ được là tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tội cố tình phủ nhận sự thật.

Trong cuộc sống đời thường, rất nhiều khi sự thật đã bị chà đạp, bẻ cong hoặc không được tôn trọng đúng mức vì lợi vì danh hoặc vì những mục tiêu đen tối khác. Cùng một lời nói hay sự việc nếu phát xuất từ những bậc quyền quý thì sẽ được đông đảo quần chúng đón nhận hoan hô, nhưng cũng chính lời đó, việc đó được nói lên hay thực hiện bởi những người dân bình thường, thấp cổ bé miệng thì bị coi thường, chẳng mấy ai quan tâm. Cần phải can đảm đứng về phía sự thật, làm chứng cho sự thật vì sự thật là chính Thiên Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn Tình Yêu, nguồn Sức Mạnh và Sức Sống của chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa vì biết bao hồng ân Chúa đã đổ xuống trên chúng con. Xin cho chúng con ý thức nhiều hơn nữa sự hiện diện của Ngài trong Giáo Hội cũng như nơi mỗi người chúng con. Xin cho chúng con yêu mến Chúa hơn, cho chúng con biết lắng nghe và đem ra thực hành những gì Chúa dạy bảo chúng con. Amen.

P. Ða-mi-a-nô ÐINH NGỌC THIỆU

SUY NIỆM 2:

ÂN HUỆ CHÚA THÁNH THẦN

Khi hai người quý mến nhau, hay thương yêu nhau, để biểu lộ tình yêu họ sẽ tặng cho nhau những món quà quý giá: một cánh hoa, một tấm thiệp, một món quà... Một tặng phẩm hay một ân huệ mà một người đem tặng cho người khác là do lòng quảng đại và nhân hậu. Quảng đại vì người tặng hoàn toàn tự nguyện. Nhân hậu vì tình thương được thể hiện qua tặng phẩm.

Sự sống, sức khoẻ, tài năng, bình an, của cải, con cái... là những ân ban của Thiên Chúa cho con người. Ân huệ lớn nhất, ơn trọng đại nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại là Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là Ân Ban lớn lao cho Giáo Hội và cho Ðức Ma-ri-a.

1. Ân huệ Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội

Ðức Ki-tô là người đầu tiên đã quan niệm tình yêu một cách vị tha chưa ai từng nghe thấy: " Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng mình vì bận hữu" ( Ga 15, 13 ). Vì yêu thương con người, Ngài đã chịu khổ nạn, đã phục sinh và trao ban sự sống mới cho nhân loại. Ðó là sự sống thần linh, là Chúa Thánh Thần.

Hôm nay đây trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông Ðồ đang họp nhau cầu nguyện trong nhà Tiêc Ly cùng với Ðức Ma-ri-a. Chúa Thánh Thần đã Hiện Xuống dưới hình lưỡi lửa đậu trên đầu mỗi người, ban tràn đầy sức sống mới. Quyền năng Chúa Thánh Thần đến trên Giáo hội với sức lay động và chuyển thông.

Sức lay động vì Chúa Thánh Thần đã đến như thể cuồng phong thổi vang dậy đầy nhà. Ghế bàn không bay bổng, tường – mái nhà vẫn nằm yên, nhưng lòng người đã được lay động. Quyền năng Chúa Thánh Thần như gió mạnh đã làm bật tung các ổ khoá, các cửa to cửa nhỏ của ngôi nhà các Tông Ðồ đang ẩn náu. Quyền năng Thánh Thần tung họ ra khỏi pháo đài để với hai bàn tay không và một trái tim đầy nhiệt huyết họ đi vào thế giới rao giàng Tin Mừng Ðức Giê-su Phục Sinh.

Ðược sức lay động và đầy lửa Thánh Thần, các Tông Ðồ cùng lên tiếng cao rao những kỳ công của Thiên Chúa. Thánh Phê-rô, lòng đầy Thánh Thần, đã hùng hồn thuyết giảng vể Chúa Giê-su Thương Khó và phục sinh. Có 3.000 người xin được Rửa Tội. Giáo Hội được khai sinh từ đó vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Thánh Thần đến, Giáo Hội khai sinh.

Tác động của Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội thật mãnh liệt. Chỉ một nhóm Tông Ðồ nhỏ bé, sợ hãi, co cụm, hoang mang, lúc nào cũng cửa đóng then cài. Thế mà giờ đây khi được tràn đầy Thánh Thần họ đã trở nên mạnh mẽ phi thường, hiên ngang, can trường làm chứng và loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Các Ngài được trang bị bằng quyền năng Thánh Thần để bẻ gãy sức mạnh của sự dữ, tội lỗi.

Dù bị đe dọa đòn vọt, dù gông cùm tù tội, các ngài vẫn trung kiên một niềm tin vào Chúa. Các Ngài đã lấy máu đào minh chứng cho lời rao giảng. Dù bị đàn áp bách hại, Giáo Hội vẫn lớn mạnh không ngừng. Hai mươi thế kỷ qua, con thuyền Giáo Hội do người dân chài Ga-li-lê cầm lái vẫn lướt qua mọi thăng trầm của lịch sử với muôn vàn thử thách giông tố để luôn đi tới.

Vậy thì bí quyết ẩn tàng trong đó và lý do tồn tại vĩnh cửu của Giáo Hội là gì nếu không phải chính là sức mạnh là quyền năng Chúa Thánh Thần.

Ngày nay, Giáo Hội vẫn chỉ có một sức mạnh đặc biệt, đó là quyền năng Chúa Thánh Thần. Với quyền năng này Giáo Hội không bao giờ chịu đóng chặt cửa để an hưởng hay cố thủ. Nhưng luôn ra khỏi tháp ngà để rao truyền Tin Mừng, dấn thân vào cuộc sống muôn mặt của thời đại, đồng hành và thích ứng với nhân loại trong thế giới ngày nay.

Công Ðồng Vatican II là một Lễ Hiện Xuống Mới của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần vẫn luôn thổi sinh khí mới và ban cho Giáo Hội những ân huệ lớn lao. Mẹ Tê-rê-xa Calcutta, Cha Thánh Pi-ô, Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II là những gương mặt vĩ đại đã và đang làm bừng lên sức sống tình thương, hoà bình của Chúa Thánh Thần trong thế giới sục sôi vì chiến tranh và hận thù này.

2. Ân huệ Thánh Thần cho Ðức Ma-ri-a

Ngày Lễ Ngũ Tuần, Ðức Ma-ri-a cũng tràn đầy Thánh Thần. Khi các Tông Ðồ ra đi rao giảng tin mừng thì Ðức Mẹ lại rút vào nơi thanh vắng, thinh lặng sống ẩn dấu với Ðức Ki-tô trong Thiên Chúa ( Col 3, 3 ). Chính Ðức Mẹ đã khai sáng trong Giáo Hội ơn gọi sống đời ẩn dật và cầu nguyện bên cạnh đời sống tông đồ hoạt động.

Ðiều đó cho chúng ta thấy, trong Giáo Hội hoạt động cho dù vì NướcTrời chưa phải là tất cả. Giáo hội còn cần đến những tâm hồn cầu nguyện để lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần trước khi dấn thân vào sứ vụ. Thư Mục Vụ năm 1999 của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã xác định: "Người loan báo Tin mừng phải là một nhà chiêm niệm trong hoạt động" ( Số 14 ). Giáo Hội cần lời cầu nguyện cũng như cần hoạt động cho công cuộc Truyền Giáo. Ðức Mẹ là nguyên mẫu cho đời sống cầu nguyện này. Thánh Tê-rê-xa Hài Ðồng Giê-su suốt đời sống trong Dòng Kín, thế mà Giáo Hội đã đặt Ngài làm Bổn Mạng các xứ Truyền Giáo.

Lễ Ngũ Tuần kết thúc chu kỳ Phụng Vụ mùa Phục sinh với Ân Huệ Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội cầu nguyện và hoạt động. Mỗi người tín hữu được mời gọi sống hai chiều kích ấy mỗi ngày để hoa trái Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, hiền hoà, tiết độ... được trổ sinh trong tâm hồn và cuộc sống chúng ta ( Gl 5, 23 - 23 ).

Lm. Giu-se NGUYỄN HỮU AN, Giáo Phận Phan Thiết

SUY NIỆM 3:

LỄ HIỆN XUỐNG HÔM QUA, HÔM NAY VÀ MÃI MÃI

Trong bài đọc một ( Cv 2, 1 - 11 ) ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Lu-ca mô tả Thánh Thần xuống trên các Tông Ðồ và hiệu quả của ơn ấy nơi các ông. Trình thuật của Lu-ca tuy chỉ đề cập rất vắn tắt về thời gian và địa điểm đã diễn ra biến cố ấy nhưng rất phong phú, súc tích về nội dung: "Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một" ( c.1 - 3 )

Lễ Ngũ Tuần trong dân Do-thái được cử hành năm mươi ngày sau Lễ Vượt Qua, bắt nguồn từ sự tạ ơn về mùa màng gặt hái được bằng cách dâng lên Thiên Chúa những hoa trái đầu mùa. Việc người Do-thái hân hoan cử hành mùa gặt vật chất ấy, qua sự quan phòng của Thiên Chúa, đã trở nên biểu tượng cho mùa gặt tinh thần mà các Tông Ðồ bắt đầu thu hoạch trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Gió và lửa là những yếu tố tiêu biểu đi kèm các cuộc tỏ mình của Thiên Chúa trong Cựu Ước ( x. Xh 3, 2; 13, 21; Tv 104, 3 ). Gió và tiếng động hẳn phải mạnh lắm vì "nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến" ( c.6 ). Gió có sức lay động, làm bật gốc rễ. Chúa Thánh Thần đã lay động tâm hồn các Tông Ðồ, làm trốc gốc tính nhát đảm ru rú trong nhà "vì sợ người Do-thái" và các cố tật khác đã thâm căn cố đế của các ông. Lửa tượng trưng cho hoạt động của Chúa Thánh Thần: soi sáng lòng trí các Tông Ðồ, giúp các ông thấu hiểu những lời giảng dạy của Ðức Giê-su, đúng như lời Ðức Giê-su đã hứa ban trong Bữa Tiệc Ly ( Ga 16, 4 - 14 ).

Bằng cách đốt lửa yêu mến trong lòng các ông, Chúa Thánh Thần xua trừ sự sợ hãi và củng cố các Tông Ðồ trở nên mạnh mẽ, dạn dĩ đi rao giảng, ra khỏi những căn nhà cửa đóng then cài kín mít. Sau cùng lửa còn có sức thanh luyện: quyền năng của Thiên Chúa có thể gột sạch mọi vết nhơ tội lỗi, làm cho tâm hồn ta được trắng hơn tuyết.

Lễ Hiện Xuống không phải là một biến cố riêng lẻ, biệt lập trong đời sống của Hội Thánh, một biến cố đã qua và đã hết. Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II khẳng định: "Chúng tôi có quyền, có nhiệm vụ và hân hoan loan báo cùng anh chị em rằng Lễ Hiện Xuống vẫn còn đang tiếp diễn. Chúng ta hoàn toàn có lý do chính đáng để có thể nói đến "giá trị trường tồn của Lễ Hiện Xuống". Chúng ta đều biết năm mươi ngày sau Lễ Phục Sinh, các Tông Ðồ tụ tập tại Lầu Thượng, nơi đã cử hành Bí Tích Thánh Thể lần đầu tiên và cũng chính từ đây các Tông Ðồ đã bước ra để gặp Ðấng Sống Lại lần đầu tiên, khám phá nơi bản thân quyền năng của Chúa Thánh Thần xuống trên mình, sức mạnh của Ðấng mà Chúa đã nhiều lần hứa ban như kết quả của cuộc khổ hình trên Thập Giá; và được củng cố như thế, các Tông Ðồ bắt đầu hành động, nghĩa là thi hành sứ vụ của mình ( ... ) Như vậy, Hội Thánh Tông Ðồ được khai sinh. Nhưng ngày hôm nay - và liên tục không đứt đoạn cho đến giây phút này - Ðền Thánh Phê-rô tại Rô-ma và mọi Ðền Thờ, mọi Nguyện Ðường, mọi nơi các môn đệ của Chúa tụ họp, đều là sự nối dài của Lầu Thượng nguyên thuỷ" ( Bài giảng ngày 25.5.1980 của Ðức Gio-an Phao-lô II ).

Thần Khí các Tông Ðồ lĩnh nhận không phải là thần khí đớn hèn nhưng là Thần Khí sức mạnh. Sức mạnh ở đây là sức mạnh của Thiên Chúa. Sách Công Vụ Tông Ðồ cho thấy Chúa Thánh Thần đến ban cho các Tông Ðồ sức mạnh, can đảm và lòng yêu mến để hoàn thành sứ mạng Ðức Giê-su đã giao.

Ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần cũng xuống trên chúng ta trong Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thêm Sức. Chúa Thánh Thần không chỉ được ban cho ta trong một khoảng khắc rồi thôi, mà Người còn theo ta trong suốt cuộc hành trình dấn bước theo sau Ðức Giê-su của ta. Chúa Thánh Thần ban cho ta sức mạnh để tham gia công việc của Ðức Giê-su. Người là sức mạnh đỡ nâng ta lúc ta yếu đuối, dẫn dắt ta lúc ta nghi nan, an ủi ta lúc ta sầu khổ và bảo trợ, bào chữa, phù trì cho ta trong suốt cuộc hành trình Ðức Tin, tiến bước về Nhà Cha.

Hãy bước đi trong lòng mến. Hãy bước đi trong Thần Khí. Ta không thể tiến bước mà không có Chúa Thánh Thần.

ÐAN QUANG TÂM, Sài-gòn

SUY NIỆM 4:

CHÚA THÁNH THẦN, SỨC MẠNH NÂNG ÐỞ ÐỨC TIN

                Nếu sự kiện Chúa lên trời kết thúc Phúc Âm theo thánh Lu-ca, thì chính sự kiện này lại mở đầu sách Công vụ Tông Ðồ. Không phải ngẫu nhiên mà Lu-ca làm thế. Trong quyển Phúc Âm của mình, Lu-ca hé mở một phần suy nghĩ khi ghi lại câu nói của Chúa Giê-su ngay trước lúc Người lên trời: "Thầy sẽ gởi cho các con điều mà Cha Thầy đã hứa" ( Lc 24, 49 ). Và trong Công Vụ Tông Ðồ, điều mà Chúa Cha đã hứa trở nên hiệu lực: Chúa Thánh Thần đang hoạt động mạnh mẽ trong thế giới. Như vậy điều quang trọng đối với thánh Lu-ca, có lẽ không phải kết thúc hay mở đầu một quyển sách. Trên hết, ngài muốn nói với chúng ta rằng: Chúa lên trời kết thúc một giai đoạn lịch sử mà trong đó lời hứa cứu độ đã được thực hiện và mở ra một giai đoạn lịch sử mới, bao gồm các hoạt động của Chúa Thánh Thần. Một trong các hoạt động đó là nâng đỡ đức tin chúng ta.

1. Người nâng đỡ Ðức Tin trong chính ý thức truyền giáo nơi mỗi người

                Ðiều này rõ ràng qua thái độ của các Tông Ðồ. Thánh Gio-an kể lại: một buổi chiều Chúa nhật, các Tông Ðồ tụ họp và "đóng kín" cửa lại. Ở đây hai từ "đóng kín" cần được nhấn mạnh. Vì các ngài không "đóng kín" để tránh sự ồn ào, không "đóng kín" để tạm quyên đi những lo toan đời thường, không "đóng kín" vì gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng "đóng kín""sợ người Do-thái". Và bởi "sợ", nên dù "đóng kín", các thánh Tông Ðồ vẫn ở trong tâm trạng rối bời.

                Nhưng khi Chúa Thánh Thần ngự đến, tâm trạng rối bời này bị phá vỡ. Ý thức truyền giáo phát triển từ con số không, bỗng vượt quá sức người bé bỏng của các Tông Ðồ, và tỷ lệ thuận với lòng can đảm phát xuất từ một đức tin dũng mãnh: Tin vào Ðấng Phục Sinh. Từ đây, chính Thánh Thần tác động, làm cho các ngài mạnh dạn loan báo Lời Chúa, dám sống, dám chết cho đức tin dũng mãng ấy.

Lẽ nào, sau khi nhận ra thái độ truyền giáo của các thánh Tông Ðồ, chúng ta lại trở về với cuộc  sống đời thường mà không có gì thay đổi ? Ngay từ bây giờ, ta hãy sắm cho mình một ý thức truyền giáo bằng chính trách nhiệm hằng ngày của ta: đó là trách nhiệm của một linh mục, một người buôn bán, một người dạy học, một công nhân, một học sinh... Ta cũng có thể thể hiện tinh thần truyền giáo trong những việc làm hết sức nhỏ bé như: tha thứ cho một người mất lòng ta, dắt một cụ già qua đường, chào hỏi những người ta quen biết...

                Nếu ta có một ý thức truyền giáo trong trách nhiệm và trong những việc làm từ ngày này qua ngày khác  như  thế, không những đức tin không bị lung lạc giữa các môi trường ta sống, mà còn vững mạnh và có sức thu hút nữa. Bởi vì Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi ta, làm cho nó trở thành khí cụ đưa công việc truyền giáo thầm lặng của mọi người đạt hiệu quả.

2. Chúa Thánh Thần nâng đỡ đức tin trong những hoàn cảnh khó khăn của đời sống

                Ai mà không  ít là một lần thấm thía nỗi đau, nỗi bất hạnh ? Ðó có thể là cái chết bất ngờ của một người thân, một cơn bạo bệnh, một tình yêu bị phụ bạc... Ðó cũng có thể là cái nghèo, cái dốt, là đứa con chưa ngoan, vợ chồng thiếu tin tưởng nhau... Trong hoàn cảnh khó khăn  như thế, đức tin bị chùn bước chăng ?

                Vì tính người mỏng dòn, nên đức tin cần được tôi luyện. Các thánh Tông Ðồ cũng từng được tôi luyện như thế. Ðức Giê-su, người  mà Phê-rô đại diện anh em mình tuyên xưng là Con Thiên Chúa; người đã từng hiển dung trước mặt Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê; người đã từng làm phép lạ như "Ðấng có uy quyền" trước mặt các ngài, bây giờ chỉ là một người bị đánh bại thê thảm. Trong hoàn cảnh đó niềm hy vọng của các Tông Ðồ như một tim đèn chực tắt. Ðức tin đang lụn dần.

                Khi Chúa Thánh Thần đến, đức tin các Tông Ðồ trở nên mạnh mẽ. Người không chỉ nâng đỡ cách nhất thời, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào mà các ngài gặp phải như: bị chống đối, bị sỉ nhục, bị tù đày, nhất là bị sát hại.

                Ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn ở với ta. Tôi có kinh nghiệm thế này: trong những hoàn cảnh xem ra bi đát nhất, tôi lại được ơn nâng đỡ nhiều nhất. Khi biến cố ấy qua rồi, tôi thường nhìn lại, và rất nhiều lần phải tự thốt lên: Ôi tình yêu nhiệm mầu !

                Tôi đồng cảm rất sâu với tư tưởng của Hội đồng Giám Mục Việt Nam trong bản góp ý cho tài liệu làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Tư tưởng đó là: "Hội Thánh tại Á châu phải trở nên một Giáo Hội không quyền lực". Nhìn vào Hội Thánh Việt nam, tôi thấy rất đúng! Nhưng cũng rất lạ lùng, vì một Hội Thánh như  thế lại có sức sống căng tràn và đức tin vững vàng.

            Cũng thế, chính tôi tận mắt hoặc nghe kể lại những cảnh đời rất bế tắc, nhưng niềm tin yêu lại sáng ngời. Có ai đã từng chứng kiến cảnh một cô gái trẻ bị bệnh ung thư sắp chết, an ủi người mẹ đang nứt nỡ chưa ? Ðó là một giáo lý viên. Thấy tôi đến thăm, cô nhờ tôi nói chuyện với mẹ cô để xoa dịu nỗi đau của bà. Cô hứa, trước tòa Chúa, cô sẽ cầu nguyện cho gia đình cô, cho cha sở, cho tôi và cho lớp giáo lý mà cô đang phụ trách. Trong tình cảnh đó, tôi chỉ còn biết im lặng đón nhận bài học về đức tin mà cô vừa giúp tôi nhận ra.

                Bởi đâu một Giáo Hội còn trẻ trung, còn thiếu thốn nhiều mặt như Giáo Hội tại Việt Nam lại căng tràn sức sống ? Bởi đâu nơi một cô gái yếu mềm lại ẩn chứa một đức tin can đảm đến thế ? Chính Chúa Thánh Thần tạo nên tất cả. Ðấng "Phù Trợ" mà Chúa Giê-su ban đang âm thầm nâng đỡ đức tin của Hội Thánh, của mỗi người. Chỉ cần biết mở lòng ra, chỉ cần khiêm tốn một tí, và đừng ở lỳ trong sự cứng cỏi, chúng ta sẽ khám phá ra sức mạnh của Chúa Thánh Thần đang tác động nơi niềm tin của mình. Ðành rằng ai cũng sợ đối đầu với đau khổ, nhưng đau khổ lại là phương thế rèn luyện đức tin. Tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ không để chúng ta chiến đấu một mình, Người nâng đỡ như đã từng nâng đỡ các thánh Tông Ðồ khi xưa.

                Lời của Ðấng Phục Sinh nói với chúng ta: "Bình an cho anh em". Xin Ngài ban ơn bình an đó cho chúng ta, vì ơn bình an rất cần cho những người sống đời truyền giáo. Ơn bình an cũng rất cần cho những biến động, những thăng trầm của cuộc đời. Xin dâng tất cả lên Chúa Thánh Thần, Ðấng là sức mạnh nâng đỡ Ðức Tin chúng ta.

NGUYỄN MINH HÙNG

TÌM HIỂU:

ÐÔI ÐIỀU HỌC HỎI VỀ CHÚA THÁNH THẦN

Nghe đến Chúa Thánh Thần, người viết tự thấy mình, dù hằng ngày quen làm dấu Thánh Giá và đọc kinh Sáng Danh, nhưng lắm lúc cũng không hướng đến Ngôi Ba Thiên Chúa một cách đầy đủ nhiệt tâm, vì thế phải vội vàng đọc lại tài liệu hầu tìm hiểu và học hỏi về Chúa Thánh Thần.

Nhờ giáo huấn của Giáo Hội, việc học hỏi giúp cảm nhận phần nào Thánh Thần rất kề cận với con người như nguồn mạch cuộc sống hằng ngày và "canh tân bộ mặt thế gian". Nhờ ơn Ngài phù trợ, người viết mạnh dạn ghi lại đôi điều cảm nhận với lòng khiêm tốn ước mong chia sẻ cùng quý giáo hữu hầu, nhờ lửa yêu mến của Thánh Linh, hiệp thông cùng toàn thể Dân Chúa mừng Lễ "một cách ý thức, linh động và hữu hiệu" ( PV 11 ).

Bài viết xin tóm lược học hỏi về Chúa Thánh Thần dựa vào nguồn gốc và ý nghĩa ngày Lễ cũng như giáo lý của Giáo Hội và giáo huấn của Công Ðồng Vatican II.

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA

Năm mươi ngày sau lễ Phục Sinh, Giáo Hội mừng Lễ Hiện Xuống, hay Lễ Ngũ Tuần bao gồm trong ý nghĩa của từ Pentecost ( Anh ) hoặc Pentecôte ( Pháp ) do gốc Hy-lạp của từ pentêkostê có nghĩa ngày thứ năm mươi. Lễ Ngũ Tuần tương tự cách gọi Lễ Các Tuần trong Do-thái giáo ( Xh 34, 22; Ðnl 16, 10 ). Theo diễn giải Thánh Kinh của nhà biên khảo F.G. Holweck, khi Thánh Phao-lô cho giáo đoàn Cô-rin-tô biết "sẽ ở lại Ê-phê-sô cho đến Lễ Ngũ Tuần" ( 1 Cr 16, 8 ), người muốn nói đến ngày Lễ Các Tuần của người Do-thái.

Xét theo Phụng Vụ, vào thế kỷ thứ nhất, trong Ki-tô giáo, Lễ Hiện Xuống gọi là Chúa Nhật Trắng - Whitsunday, vì ngày đó các người dự tòng chưa được thanh tẩy vào dịp Lễ Thánh Thủy, Vọng Phục Sinh vừa qua, đều được mặc y phục trắng và chịu Phép Rửa Tội vào Thứ Bảy Lễ Vọng Hiện Xuống, với nghi thức tương tự Thứ Bảy Lễ Vọng Phục Sinh.

Ở Rô-ma xưa, Lễ Ðức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống gọi là Chúa nhật đỏ - Pascha rossa - vì lễ phục ngày Lễ màu đỏ tượng trưng "lửa yêu mến" của Chúa Thánh Thần, hoặc màu đỏ của "những lưỡi như thể lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng môn đệ" khi Chúa Thánh Thần ngự đến ( CV 2, 3 ). Còn ở đảo Xi-xi-ly ( Sicily ), Lễ Hiện Xuống gọi là Pascha rosatum ( rosa là bông hồng ) vì tại một số thánh đường ở Ý, giáo hữu có thói quen trang hoàng trần nhà thờ bằng những lá cây bông hường tượng trưng hình lưỡi, nhắc lại phép lạ vào ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ "thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa". Ở Pháp, trong buổi lễ có nơi người ta thổi kèn trom-pét với âm điệu ào ào, bắt chước "tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà" ( Cv 2, 2 ).

Tóm lại, qua nghi lễ, Giáo Hội muốn nhờ các dấu chỉ bên ngoài giúp cho Phụng Vụ thêm phần linh động ( Catholic Encyclopedia, Pentecost 1, 2 )

GIÁO LÝ CỦA GIÁO HỘI

Người viết chỉ xin gọn gàng một vài điều vì đa số giáo hữu đã biết lẽ đạo về các Bí Tích.

Theo Giáo Lý, "hai hiệu quả chính của phép Rửa Tội là rửa sạch các tội lỗi và ban ơn thánh, sinh ra trong sự sống mới, được trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần" ( GL 1279 ). Trong khi "Phép Thêm Sức hoàn tất ân sủng của Phép Rửa Tội, ban Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta bén rễ sâu vào hồng ân làm con Thiên Chúa, sáp nhập mật thiết hơn vào Thân Thể Chúa Ki-tô, liên lạc thêm chặt chẽ với Hội Thánh, ban sức mạnh như người lính chiến của Ðức Ki-tô, để làm chứng đức tin bằng lời nói và việc làm, và in một dấu ấn thiêng liêng vào linh hồn người Ki-tô hữu" ( GL 1316 - 17).

Ngoài ra, khi nói về Chúa Thánh Thần, người giáo hữu hãy nhớ đến những biểu tượng giúp chúng ta gặp gỡ mật thiết với Thánh Thần trong cuộc sống hằng ngày, như:

Nước là dấu hiệu sự sinh ra mới, như lời Thánh Phao-lô nói về người Ki-tô hữu "được rửa trong một Thần Khí duy nhất; được uống một Thần Khí duy nhất" ( 1 Cr 12, 13 );

Sự xức dầu làm cho người Ki-tô hữu trở nên một Ki-tô mới như Ðức Ki-tô - Christus là "Ðấng được xức dầu bởi Thánh Thần" ( GL 695 );

Lửa tượng trưng năng lực biến đổi của các hành vi Thánh Thần, như Sách Huấn ca nói về tiên tri Ê-li-a "đứng lên như một ngọn lửa và lời nói ông bốc cháy như bó đuốc" ( Hc 48, 1 )

Áng mâyánh sáng mạc khải Thiên Chúa hằng sống và cứu độ, với sự siêu việt của vinh quang Ngài, như "Thánh Thần xuống trong áng mây che phủ Chúa Giê-su" ( Lc 1, 35 ).

Dấu ấn biểu tượng "Thiên Chúa đã đóng ấn trên Chúa Ki-tô và trên chúng ta" ( Ga 6, 27 ).

Bàn tay, như Chúa Giê-su đặt tay trên bệnh nhân để chữa lành ( Lc 21, 27 ); giơ tay chúc lành cho trẻ em ( Mc 6, 5 ). Các Tông Ðồ nhân danh Ðức Giê-su, đặt tay ban Thánh Thần.

Ngón tay, như trong kinh hát Veni Creator, kêu cầu Chúa Thánh Thần như "ngón tay của bàn tay mặt của Chúa Cha" – digitus paternae dexterae.

Chim bồ câu, trong Cựu Ước là hình ảnh trong cuối trận hồng thủy, chim bồ câu trở về "mỏ ngậm một cành ô-liu" ( St 8, 8 – 12 ), và trong Tân Ước, khi Chúa Giê-su chịu Phép Rửa xong và bước lên khỏi nước, "Chúa Thánh Thần, dưới hình chim bồ câu, đậu xuống trên Ngài" ( Mt 3, 16 ).

Lễ Hiện Xuống cũng là dịp giúp người tín hữu cầu xin được thấm nhuần Bảy Ơn Chúa Thánh Thần: Ơn khôn ngoan, thông hiểu, lo liệu, sức mạnh, suy biết, đạo đức và kinh sợ Chúa, như lời tiên tri I-sa-i-a loan báo trong Cựu Ước:

"Trên ngài Thần Khí Ya-vê sẽ đậu xuống,

Thần khí khôn ngoan và trí tuệ,

Thần khí mưu lược và anh dũng,

Thần khí hiểu biết và hứng thú trong sự kính sợ Gia-vê" ( Is 11, 2 - 3 ).

Hồng ân Thánh Linh trổ sinh 12 Hoa Quả Nhân đức: Bác ái, vui vẻ, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, hòa nhã, nết na, trung thành, kiên trì, tiết độ và trong sạch.

Xin Ngài hãy đến đầy lòng chúng con và đổi mới chúng con nên giống hình ảnh Chúa !

DƯỚI ÁNH SÁNG CÔNG ÐỒNG VATICAN II

Thánh Kinh là kho tàng phong phú giúp học hỏi về Chúa Thánh Thần. Trong Mùa Phục Sinh, quý giáo hữu đã nghe sách Công Vụ Tông Ðồ kể về tác động của Thánh Linh đối với các môn đệ của Chúa Giê-su và đối với cộng đoàn Dân Chúa trong Giáo Hội tiên khởi. Thay vì ghi lại một số trích dẫn, người viết gợi ý về một số đoạn Thánh Kinh tiêu biểu để quý giáo hữu nào muốn tìm hiểu thêm sẽ có thể tìm đọc chính bản Lời Chúa.

Ví dụ: Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu ( Mt 1, 18, 20; 28, 19 ), Lu-ca ( Lc 1, 35 ), Mác-cô ( Mc 3, 22 - 30 ), Gio-an ( Ga 14, 16 - 17, 23, 26; 15, 26; 16, 7, 13 - 17; 20, 22 - 23 ), thư Thánh Phao-lô ( Dt 5, 5; 8, 9, 14 - 16; 1 Cr 2, 10 - 11; 12, 3 - 11; 13, 13; 6, 11 ); nói về Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Giê-su, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, xuống thế làm người; Chúa Giê-su kết hợp với Thánh Linh làm vinh danh Thiên Chúa Cha trong cuộc đời ở trần thế, và trước khi về trời, ngài ban "Thần Khí dẫn tới sự thật toàn vẹn".

Một ít ví dụ từ sách Công Vụ Tông Ðồ ( Cv 2, 1 - 11; 5, 3 - 4; 6, 3 - 5; 8, 29; 10, 44 - 47 ) nói về Thánh Thần đổi mới các Tông Ðồ và đời sống của Dân Chúa từ Giáo Hội sơ khai.

Học hỏi về Chúa Thánh Thần còn được thêm sâu sắc nhờ giáo huấn của Công Ðồng Vatican II ( 1962 - 1965 ) vì theo xác tín của vị Giáo Hoàng đã mở Công Ðồng, Chân Phúc Gio-an 23, "Công Ðồng Vatican II là ý muốn và công việc của Chúa Thánh Thần và, dưới sự hướng dẫn của Ngài, chúng tôi - toàn thể hội nghị - quyết tìm cách canh tân chính mình để càng ngày càng nên trung thành hơn với Phúc Âm của Ðức Ki-tô."

Qua bốn hiến chế ( Phụng Vụ, Giáo Hội, Mặc Khải và Mục Vu ï), cũng như các văn kiện khác, Công Ðồng giúp người tín hữu hiểu biết về nguồn gốc Chúa Thánh Thần, về danh hiệu và vai trò của Ngài; về mạc khải và ân huệ của Thánh Thần; về tác động của Thánh Thần trong Phụng Vụ và trong mầu nhiệm Ðức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Giáo Hội. Sau đây là một vài ví dụ về giáo huấn của Công Ðồng về tương quan mật thiết Chúa Thánh Thần và Giáo Hội, cũng như Thánh Thần và con người:

"Chúa Thánh Thần được sai đến trong ngày Lễ Ngũ Tuần để thánh hóa Giáo Hội mãi mãi và, như thế, những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Ki-tô trong Giáo Hội duy nhất. Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu như ngự giữa đền thờ... Ngài xây dựng và dẫn dắt Giáo Hội bằng nhiều ân huệ khác nhau theo phẩm trật và đoàn sủng, trang bị Giáo Hội bằng hoa quả của Ngài" ( Ep 4, 11 - 12; 1 Cr 12, 4 ). Ngài làm tươi trẻ và không ngừng canh tân Giáo Hội." ( Hiến Chế Giáo Hội - GH, 4 )

Ðối với con người, "Chúa Giê-su đã "xin Thánh Thần hãy đến" để dẫn dắt con người thiện tâm đến sự viên mãn của chân lý ( Mặc Khải - MK, 20 ). Suy niệm về Chúa Thánh Thần, người tín hữu hãnh diện là người Công Giáo vì "Thiên Chúa đã cho thông dự vào Thánh Thần Người, chính Ðấng duy nhất hiện hữu nơi Ðầu là Ðức Giê-su, cũng như trong các chi thể, làm sống động, liên kết và thúc giục toàn thân, tựa hồ tác động của linh hồn hoàn thành nơi thân xác con người" ( Hiến Chế Giáo Hội, 7 ).

Như thế, ngay khi còn sống ở đời này, chúng ta đã nhận được "những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần" ( Dt 8, 25 ), và nhờ Thánh Thần làm "bảo chứng cho quyền thừa tự" ( Ep 1, 14 ), toàn thể con người được canh tân từ nội tâm cho tới khi "thân xác được cứu rỗi" ( Dt 8, 23 ) ( Hiến Chế Mục Vụ, MV 22 ).

Ước gì, nhân Lễ Ðức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, một vài cảm nhận khiêm tốn từ học hỏi này sẽ góp phần giúp người tín hữu gắn bó với Thánh Thần, để quan tâm hơn trong việc tiếp nhận Lời Chúa, siêng năng tìm hiểu Thánh Kinh và giáo huấn của Công Ðồng Vatican II. Ngoài ra, những ai muốn đào sâu chi tiết về Thánh Thần học, xin gợi ý có thể dùng Mục Lục Phân Tích chủ đề Công Ðồng ( của Giáo Hoàng Học Viện Pi-ô 10, tr. 1297 - 1300 ) để đối chiếu vào các văn kiện của Cộng Ðồng và Thánh Kinh, hầu giúp canh tân sự sống đạo theo tinh thần Tân Phúc Âm hóa.

Kỹ sư TRẦN VĂN TRÍ, Hoa Kỳ 5.2002

CHÚA THÁNH THẦN VÀ BIẾN CỐ HIỆN XUỐNG

ÐÂY LÀ ÐÂU ?

Chúng ta rời khỏi bờ hồ, nơi từng xảy ra một mẻ lưới kỳ diệu và Ðức Ki-tô trao cho Tông Ðồ Phê-rô sứ mạng chủ chăn. Chúng ta trở về lại Giê-ru-sa-lem. Mặt khác, quả là thú vị nếu ta xem lại các bối cảnh, từ đầu cuốn sách này, được đặt tại Giê-ru-sa-lem. Không chỉ là muốn ‘xem lại’ thôi, nhưng còn để nhận ra tầm quan trọng của Giê-ru-sa-lem trong cuộc sống của Ðức Giê-su. Chúng ta luôn luôn hình dung Ðức Giê-su như là một người rao giảng rày đây mai đó trên các vùng nông thôn, thế nhưng hình ảnh ấy là sai hoàn toàn .

NĂM MƯƠI NGÀY SAU...

Ngày Lễ Ngũ Tuần hiện nay vẫn còn là một trong những ngày lễ lớn của người Do-thái. Lễ này được cử hành năm mươi ngày ( nghĩa Hy Lạp của chữ Pentecôte ) sau Phục Sinh. Nếu không quá chi li về con số, thì 50 tương ứng với một tuần các tuần ( 7 lần 7 ): một sự viên mãn cộïng với số 1.

Như mọi lễ Do-thái khác, lễ Ngũ Tuần bắt nguồn từ những lễ hội nông thôn ngoại giáo. Trong vòng luân chuyển các mùa ở Cận Ðông, lễ Vượt Qua rơi vào thời kỳ cừu đẻ và thu hoạch đầu mùa: do đó có lễ hiến tế chiên con và dâng bánh không men. Lễ Ngũ Tuần tương ứng với mùa gặt. Nhưng vào thời Chúa Giê-su, thì lễ Ngũ Tuần đã mang một ý nghĩa hoàn toàn tôn giáo từ nhiều thế kỷ rồi, và ý nghĩa đó được gắn liền với lịch sử dân Giao Ước. Lễ Ngũ Tuần được cử hành để mừng việc Chúa ban Lề Luật tại núi Xi-nai, một thời gian ngắn sau khi rời khỏi Ai-cập, một biến cố được tưởng niệm bằng Ðại Lễ Vượt Qua.

LỄ VƯỠT QUA VÀ LỄ NGŨ TUẦN

Tương quan giữa lễ Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần Do-thái giúp ta hiểu rõ lễ Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần Ki-tô giáo. Trong đêm Vượt Qua, dân Do-thái ra khỏi Ai-cập, nhưng giả như họ không nhận được Lề Luật, thì họ hẳn chỉ là một đám người lang thang trên sa mạc: họ đã thoát khỏi cảnh nô lệ, nhưng lại đi vào trong một nơi bấp bênh và không phương hướng.

Cũng vậy, với cuộc Vượt Qua của mình, Ðức Giê-su đã chiến thắng cái chết và tội lỗi. Các Tông Ðồ cảm nhận niềm vui, nhưng sẽ còn lại gì nếu biến cố Phục Sinh không được nối dài trong hình hài của các Môn Ðệ ? Sự nối dài này được ban cho qua việc phái Thánh Thần đến, như Chúa Giê-su đã hứa.

TỪ LỄ NGŨ TUẦN NÀY ÐẾN LỄ NGŨ TUẦN KIA

Chúng ta hẳn sẽ bị cám dỗ xem mặc khải qua Lề Luật ở Xi-nai là đối lập với việc sai phái Thánh Thần xuống trên các Tông Ðồ và Môn Ðệ. Một mặt là Lề Luật, hoàn toàn ở bên ngoài, chỉ trao cho dân Ít-ra-en; mặt kia, Thánh Thần mang chiều kích hoàn vũ.

Không nên xem thường Lề Luật: Thánh Phao-lô bảo rằng lề luật là tốt lành và thánh thiện ( Rm 7, 12 - 16 ). Ít-ra-en không lãnh nhận Lề Luật cho riêng mình. Thiên Chúa đã mặc khải cho họ con đường sự sống để rồi họ làm chứng về con đường ấy cho mọi dân tộc. Vào thời Chúa Giê-su, các truyền thống Do-thái nói rằng mọi dân tộc đều có mặt tại Xi-nai: Mọi dân đã được nghe Lề Luật; nhưng mọi dân tộc đều từ chối, chỉ trừ có một dân duy nhất: Ít-ra-en đã nhận lãnh và Lề Luật được trao ban cho họ.

Trái lại, cần phải lưu ý rằng lễ Ngũ Tuần Ki-tô giáo xảy ra tại Giê-ru-sa-lem, dù cho lệnh sai đi rao giảng khắp hoàn vũ đã được Chúa Giê-su truyền ở Ga-li-lê-a, nơi gặp gỡ giữa dân Ít-ra-en truyền thống với lương dân, nơi mà Chúa đã thực thi một phần khá lớn sứ vụ của mình.

Những người thừa hưởng biến cố này là người Do-thái, các Tông Ðồ và Môn Ðệ. Người Do-thái thoạt đầu là những khán giả rất ngạc nhiên, rồi trở thành những thính giả đầu tiên khi Phê-rô rao giảng, và cùng ngày hôm đó, họ đón nhận Phép Rửa. Sở dĩ họ nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, ấy là vì họ lên Giê-ru-sa-lem để hành hương trong ngày lễ, và vì trong các xứ sở của họ, tiếng Híp-ri không phải là ngôn ngữ hằng ngày. Tính chất hoàn vũ của việc rao giảng Tin Mừng phát triển từng bước một.

Bây giờ chúng ta đã biết được những người lãnh nhận: một hạt nhân gồm các Môn Ðệ Ðức Giê-su, trong số đó có các Tông Ðồ, tất cả đều là người Do-thái, qui tụ tại Giê-ru-sa-lem như những người đồng đạo với mình, để mừng lễ. Nhưng họ lãnh nhận ơn gì ? Phải chăng chỉ là một sức mạnh, một ánh sáng, hay hơn thế nữa: sự hiện diện của một ngôi vị ? Chúa Thánh Thần là Ðấng xây dựng Giáo Hội, là Thần Khí mà ta nhận lãnh tràn đầy qua Bí Tích Thêm Sức. Tuy nhiên ta cần phải có một tư tưởng chính xác hơn về ngôi vị của Thánh Thần.

CHÚA THÁNH THẦN LÀ AI ?

Chúa Thánh Thần là một Ðấng. Ðể đi xa hơn, ta sẽ dựa trên tín điều. Bản tuyên tín của các Tông Ðồ thật ngắn gọn ở điểm này, chỉ vẻn vẹn: "Tôi tin Chúa Thánh Thần." Nhưng tiếp đó kể ra 5 tín điều mà ta xem là thiện ích mà Chúa Thánh Thần đem đến cho nhân loại:

§                    Giáo Hội Công Giáo

§                    Các Thánh thông công

§                    Phép Tha Tội

§                    Xác loài người sống lại

§                    Sự Sống đời đời

Qua danh sách này, bản tuyên tín cho thấy một vài điểm nổi bật trong hành động của Chúa Thánh Thần: Người hiệp nhất, thánh hóa, ban sự sống viên mãn. Riêng về Thần Khí, thì bản Tuyên Tín của các Tông Ðồ chỉ nêu đúng danh của Người: Người là "Chúa Thánh Thần". Thật vậy, nói đến Chúa Thánh Thần là nói đến một Ðấng chứ không phải xác định rằng Thiên Chúa la Khí, nghĩa là thiêng liêng, như câu trả lời mà ai cũng biết trong sách Giáo Lý: "Thiên Chúa là Ðấng thiêng liêng"

Câu nói ấy rất nguy hiểm, vì các thiên thần cũng thiêng liêng.

Tin Mừng và Thánh Phao-lô nói hơi khác:

§   Thiên Chúa là Thần Khí ( Ga 4, 24 )

§   Chúa là Thần Khí, và nơi nào Thần Khí Chúa hiện diện thì nơi đó có tự do ( 2 Cr 3, 17 )

Thần Khí, không pha tạp với bất cứ gì khác, chính là đặc trưng của Thiên Chúa. Nhưng như thế chưa đủ để nói về Chúa Thánh Thần như là một ngôi vị. Chúa Giê-su nói rộng hơn khi Người yêu cầu các tông đồ rửa tội "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần" hay khi Chúa Thánh Thần tỏ mình qua chim bồ câu lúc Chúa Giê-su chịu phép rửa. Chúa Thánh Thần là một Ðấng, bởi vì Người có một điều rất cá biệt của một ngôi vị ấy là cái Tên. Chúng ta nhớ lại là việc mặc khải Tên của Chúa quan trọng đến thế nào đối với Mô-sê. Lề luật dạy phải tôn, phải tôn kính Danh Thiên Chúa và Kinh Lạy Cha xin cho Danh Cha cả sáng.

Ngôi vị của Chúa Thánh Thần cũng được khẳng định qua lời Kinh Tin Kính: Tôi tin Chúa Thánh Thần. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, loài người được mời gọi chỉ tin vào Thiên Chúa mà thôi. Mặt khác, mỗi người có thể có những niềm xác tín và nguyên tắc của mình. Nhưng tôi không đặt niềm tin vào sự Tự Do hay Lý Trí: đấy là tôn thờ ngẫu tượng, điều mà Lề Luật lên án.

Những thế kỷ vừa qua cho thấy rằng việc tôn thờ những giá trị tốt đẹp như phi ngôi vị, đã có thể trở nên đau đớn như thế nào đối với con người, nếu những giá trị ấy được đem thay cho Ðấng Tuyệt Ðối. Con người trong Kinh Thánh chỉ tin Thiên Chúa mà thôi.

Sở dĩ Chúa Ki-tô đề nghị ta tin Chúa Thánh Thần, ấy là vì Chúa Thánh Thần đúng là một Ðấng, dù cho tên của Người - Thánh Thần - ít nói rõ ngôi vị cho bằng tên của Chúa Cha hay Chúa Con.

Một dấu chỉ khác của tính chất ngôi vị của Thánh Thần, ấy là chúng ta được kêu gọi cầu nguyện với Người. Lời cầu nguyện chỉ có thể dâng lên một Ðấng. Chính vì thế mà cầu nguyện là một hành vi đặc thù của Ðức Tin: việc cầu nguyện đặt tôi đối diện với Thiên Chúa, trong một cuộc đối thoại không buộc phải thể hiện bằng lời nói hay cảm xúc thì mới trở thành một trao đổi thật sự.

Trong tôn giáo, không phải tôn giáo nào cũng nhấn mạnh như đạo mặc khải qua Kinh Thánh về sự hiện hữu của một Thiên Chúa có ngôi vị. Tại Hy-lạp và Ba-bi-lon, các thần linh rất ra vẻ người ta. Họ thực sự giống chúng ta như những anh chị em. Họ có những tật xấu như chúng ta, nhưng ở mức độ lớn hơn cho vừa tầm với các thần linh. Nhưng các thần linh mang hình dạng con người, quá phàm phu, không làm mãn nguyện những kẻ mong tìm kiếm Chúa với một yêu cầu cao: đó là phải vượt lên trên hàng loạt các nhân vật hạng hai ấy. Có tồn tại chăng một nguyên lý tiên quyết, vô biên, thường hằng, phi ngôi vị ? Ðấy là khuynh hướng của các tôn giáo Ðông Phương hay của nền triết học Hy-lạp trong cái cốt lõi nhất.

Chúng ta hãy nói về thần linh, hơn là nói về Thiên Chúa. Nói về các "ý niệm" ấy một cách trung tính, hơn là có phái tính, vì phái tính có vẻ con người quá. Ngay cả trong các đất nước Ki-tô giáo lâu đời, cái não trạng này cũng khá phổ biến. Người ta dễ dàng nói: "Hẳn phải có một cái gì đó ở bên trên chúng ta". Một cái gì đó: một sức mạnh mù quáng, có thể là nguy hiểm, nhưng chắc chắn là vô cảm vô tình.

Trái lại, đối với đạo mặc khải qua Kinh Thánh, con người giống Thiên Chúa ở điểm họ là một "vị". Nhân vị không phải là một giới hạn hay một bất toàn. Ðối với con người, làm một nhân vị, có nghĩa là có khả năng mở lòng ra đối với người khác mà không biến mất, hiệp làm một với người khác và như thế mình lại càng là mình hơn. Trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, điển hình hoàn hảo nhất là hôn nhân: không còn là hai, mà chỉ là một thân xác, và đồng thời mỗi người lại thực sự là chính mình hơn khi họ ở một mình. Chính nhờ cái nhìn và tình yêu của người kia mà mỗi người biết rõ mình hơn.

Cần phải thận trọng khi từ bình diện con người nâng lên bình diện Thiên Chúa. Tuy nhiên, chân tính của chúng ta có thể giúp mình khám phá ra chân tính của Thiên Chúa. Trong Thiên Chúa, sự hiệp nhất là tuyệt đối. Chúng ta không nói gì sai lệch so với Cựu Ước. vì: "Này Ít-ra-en, hãy nghe đây, Ðức Chúa, Thiên Chúa các ngươi là một Ðức Chúa Duy Nhất." ( Ðnl 6, 4 ); cũng như khi ta tuyên xưng qua Kinh Tin Kính: "Tôi tin một Thiên Chúa."

Trong sự hiệp nhất tuyệt đối, tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần thật hoàn hảo. Không thểâ có ngôi vị này mà không có ngôi vị kia: Không thể nào nghĩ đến Cha mà không có Con, hay nghĩ đến Con mà không có Cha. Không thể nào nghĩ đến Thần Khí tách biệt Cha và Con. Chúa Giê-su là Lời của Thiên Chúa: Người không thể tách rời khỏi Thiên Chúa, Ðấng phán dạy trong Người. Ðấng tiếp tục công trình của Chúa Ki-tô, là Chúa Thánh Thần, không thể nào tách rời khỏi Thiên Chúa, Ðấng thực hiện mọi công cuộc thánh hóa, qua Người ( Lời Nguyện Thánh Thể số 4, Sách Lễ Rô-ma ). Tiếp tục không có nghĩa là thay thế; qua Chúa Thánh Thần, Chúa Ki-tô đang hoạt động ngày hôm nay, vì Người đang sống.

Mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là một bài toán đố hay một thách thức đối với lương tri. Ðấy là nguồn chân lý cho cuộc đời của mỗi chúng ta: trở nên chính mình nhờ tình yêu của người kia.

Bản Tuyên Tín của các Tông Ðồ nêu rất vắn tắt về Chúa Thánh Thần và tiếp theo là những hoạt động của Người. Trong bản Tuyên Tín Công Ðồng Nicée-Constantinople, chúng ta tuyên xưng:

"Tôi tin Ðức Chúa Thánh Thần, là Chúa ban sự sống.

Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra.

Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con.

Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy."

Tại Công Ðồng Nicée năm 325, Giáo Hội khẳng định Ðức Tin vào Chúa Ki-tô là Con Duy Nhất, hiệp làm một cùng Ðức Chúa Cha, để đối lại với những người chỉ muốn xem Ðức Ki-tô là một bán thần ( nửa thần nửa người ) hay chỉ là một siêu nhân. Và lúc nào cũng vậy, vấn đề Chúa Thánh Thần luôn được nêu lên. Người có đáng được tuyên xưng là Thiên Chúa, đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Con không ? Sau đây là luận cứ của các nghị phụ ( giám mục ) tại Công Ðồng Constantinople năm 381:

§        Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta Sự Sống.

§        Sự Sống mà Người ban cho chúng ta không chỉ là ở trần gian. Người biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa, qua phép rửa bằng "nước và Thần Khí" ( Ga 3, 5 );

§        Người không thể nào làm được như thế, giả như Người không phải chính là Thiên Chúa.

Bởi vì Người là Thiên Chúa thật, nên Thánh Thần xứng đáng được tuyên xưng là "Chúa" như Ðức Ki-tô. Người ‘cùng được phụng thờ và tôn vinh’ như Chúa Cha và Chúa Con. ( Xin lưu ý là "cùng" chứ không phải là "cũng" như người Việt Nam chúng ta quen miệng đọc bấy lâu nay ).

Trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Con, làm sao định vị Chúa Thánh Thần ? Văn bản tiên khởi chỉ nói rằng Người xuất phát từ Chúa Cha: vì ngay tiếng "Cha" đã có nghĩa là nguồn xuất phát. Ki-tô giáo Phương Ðông chọn cách nói rằng Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha, qua Chúa Con. Ki-tô giáo Phương Tây chọn cách nói rằng Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con ( filioque ). Cả hai cách nói đều chính đáng. Ðức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã công bố như thế.

Việc tranh luận về "Filioque" đã trở thành nguồn gốc chính của sự bất hòa giữa Ki-tô giáo Phương Ðông và Phương Tây. Ðây không phải là điều không đáng kể, vì hai cách nói ấy phản ánh hai cách tiếp cận khác nhau về mầu nhiệm Thiên Chúa. Nhưng điều quan trọng đối với Niềm Tin Công Giáo, ấy là Chúa Cha và Chúa Con không thể tách biệt nhau. Hai Ðấng không tách rời nhau trong Công Trình Cứu Ðộ. Hai Ðấng không bao giờ tách rời nau trong chân tính vĩnh cửu của mình. Trong Thiên Chúa, không Ðấng nào hành động một mình.

Hoạt động của Thần Khí là chuẩn bị cho Ðấng Cứu Thế đến: chính Người đã từng lên tiếng qua các Ngôn Sứ và, cuối cùng, toàn bộ Cựu Ước là Ngôn Sứ cho Ðức Ki-tô. Ta nên xác định lại chân lý này của Ðức Tin mình: Cựu Ước được Thiên Chúa linh hứng, cũng như Tân Ước. Chúng ta dễ có khuynh hướng xem Cựu Ước chỉ là những tiền đề xa xôi.

Khi thời gian đã mãn, chính "bởi Chúa Thánh Thần" mà Ngôi Lời trở thành xác thịt trong lòng Ðức Ma-ri-a: điểm này được ghi cả trong bản Tuyên Tín các Tông Ðồ lẫn trong bản Tuyên Tín Nicée-Constantinople.

Các Bí Tích là một trong các cách thức mà mầu nhiệm Nhập Thể tiếp tục diễn ra ngày hôm nay: như vậy, Chúa Thánh Thần chắc chắn không vắng mặt trong các phép Bí Tích.

Chúa Thánh Thần không chỉ là một phẩm chất của Thiên Chúa. Khi Ðức Giê-su nói với người phụ nữ Sa-ma-ri-a: Thiên Chúa là Thần Khí, Người nói lên sự khác biệt triệt để giữa Thiên Chúa và trần gian thọ tạo. Nhưng khi Người loan báo Chúa Thánh Thần đến, thì Người nói về một ngôi vị Thiên Chúa. Chính vì thế mà Người gọi là "Ðấng Bàu Chữa". Ðối với một người bình dân, thuật ngữ này không rõ ràng lắm: Ðấy là chữ dùng để dịch chữ Hy-lạp "Paracletos", có nghĩa là Ðấng giúp đỡ, bảo trợ, trợ giúp. Người là Ðấng biện hộ, luật sư, Ðấng yên ủi, bào chữa, hoặc bàu chữa...: tất cả những vai trò đó là vai trò của một ngôi vị.

Trong Phúc Âm Thánh Gio-an, Chúa Giê-su nói về Thánh Thần được Chúa Cha và Chúa Con phái đến với tên gọi là một Ðấng Bàu Chữa khác ( Ga 14, 16 ). Người đặt Thánh Thần ngang hàng với Người. Chúa Giê-su là một Ðấng, bạn không hề nghi ngờ điều này. Thánh Thần tiếp tục công việc của Người cũng là một Ðấng: bạn cũng đừng nghi ngờ điều ấy.

Bạn có thể kêu cầu Người đến giúp đỡ bạn mà không cần phải thêm thắt một tính chất thần kỳ nào vào ‘tác động của Chúa Thánh Thần’. Ðặc biệt, bạn có thể cầu nguyện với Người.

Je sais en qui je crois, ÐHY Jacques Perrier – Gs. TRẦN DUY NHIÊN dịch 5.2002

CHỨNG TỪ:

NGƯỜI THẦY GIÁO DA ÐEN

Năm 1917, tại một xóm nghèo bang Mississipi Hoa Kỳ, một toán người da trắng quá khích đã bủa vây bắt trói một thanh niên da đen vì nghi ngờ anh đang diễn thuyết kêu gọi đồng bào anh nổi loạn chống lại họ. Anh ta tên là Lawrence. Anh bị lôi đến một gốc cây, tròng dây thòng lọng vào cổ, dưới chân xếp một đống củi to. Ðám đông ra lệnh cho anh được nói những lời cuối cùng trước khi chết...

Lawrence thầm cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, rồi sau đó hiên ngang lên tiếng lậùp lại tất cả những gì anh đã diễn thuyết trước đó cho người da đen. Anh bắt đầu bằng cách phác họa cảnh sống của hai dân tộc anh em da đen và da trắng trong sự tương trợ đoàn kết. Anh ngỏ ý sẽ tổ chức một ngôi trường để dạy cho đồng bào anh để họ xứng đáng sống bên cạnh người da trắng. Từ đó, hai bên sẽ dễ dàng hiểu biết và giúp đỡ nhau. Anh nêu tên một số người da trắng có uy tín trong vùng đã hứa tài trợ cho anh. Anh còn khéo léo nói vài câu duyên dáng làm cho đám đông bật cười. Cuối cùng, anh khẳng định: anh đấu tranh với sự dốt nát mù chữ và chống lại sự nghèo nàn lạc hậu, chứ không hề có ác ý với ai cả.

Anh vừa dứt lời, đám đông mới đây còn đòi giết anh, giờ đây lại hò reo hoan hô anh nhiệt liệt, ùa nhau đến tháo giây thòng lọng và công kênh anh lên. Lại có người đứng ra kêu gọi mọi người hãy giúp đỡ anh. Thế là người ta có bao nhiêu tiền đều móc ra, ném như mưa xuống dưới chân anh da đen nghèo xác xơ nhưng giàu thiện chí và hảo tâm...

Sinh ra ở miền Bắc Hoa Kỳ, Lawrence là con một bác thợ hớt tóc, được gia đình dành dụm nuôi ăn học đến hết bậc đại học. Ra đời, anh có thể tìm được việc ngay và có một đời sống sung túc nơi quê nhà, thế nhưng, cảnh cơ cực lam lũ của những đồng bào da đen đã thôi thúc anh bỏ tất cả để lưu lạc xuống miền Nam xin một chân thầy giáo làng cho người da đen. Chính ở đây, anh hiểu được nguyên nhân mọi khốn cùng người da đen phải gánh chịu là ở chỗ: đã dốt nát mù chữ mà lại còn mê tín dị đoan, và trắng tay, không biết một thứ nghề nào, từ đó họ lại càng bị người da trắng khinh bị đầy đọa. Ban ngày, Lawrence vất vả dạy học, tối đến, anh tự học thêm nghề trồng trọt, chuẩn bị cho ước mơ sẽ truyền nghề lại cho đồng bào.

Mùa xuân năm 1909, vừa tròn 24 tuổi, Lawrence khăn gói tìm tới khu xóm Braston có đông người da đen, dự định chọn nơi đây để mở trường. Anh đi tìm những người trại chủ da trắng để xin phép mở trường dạy nghề trồng trọt cho người da đen. Họ chả mấy tin tưởng vào lập luận của anh, nhưng họ cũng không có ý ngăn cản làm gì. Sau đó, anh lại đi vận động những người da đen chịu gom góp mỗi người một chút để có thể dựng trường. Họ vui mừng hy vọng lắm, nhưng vì nơi đây vừa mới bị mất mùa do nạn côn trùng tàn phá, họ lại quá nghèo nên chẳng góp được gì đáng kể. Nhưng Lawrence nhất quyết không chịu bó tay...

Một hôm, anh cầm theo cuốn Kinh Thánh, tìm ra ven rừng thanh vắng ngồi một mình dưới bóng một cây cổ thụ. Ðang mải mê suy tư cầu nguyện, anh chợt bắt gặp một em bé da đen đang rụt rè nhìn anh từ xa. Anh gọi: "Nào em bé, lại đây chơi với anh đi !" Ðứa bé tiến lại, nó thấy anh có cuốn sách đẹp thì mượn và cũng bắt chước cầm lên đọc chăm chú ra vẻ biết chữ. Lawrence phì cười khi thấy em cầm ngược đầu cuốn sách, anh vỗ vai em hỏi: "Chắc em thích đọc sách lắm phải không ? Vậy thì ngày mai em hãy trở lại đây, anh sẽ bắt đầu dạy cho em biết dọc biết viết nhé !"

Hôm sau trở lại gốc cây, Lawrence đã thấy em bé có mặt cùng với hai đứa nữa. Thế là ngôi trường đã khai giảng ngay dưới tán cây ven rừng với 3 trò nhỏ đầu tiên, hiệu trưởng kiêm thầy giáo duy nhất chính là Lawrence, và giáo án là cuốn Kinh Thánh ! Anh chọn bài giảng và tập đọc đầu tiên là một đoạn Lời Chúa nói về tình yêu thương. Ðược một lúc, anh nhìn quanh đã thấy một số người lớn da đen lấp ló ở các bụi cây gần đó, mải mê theo dõi như uống lấy từng lời giảng dạy giáo lý của anh. Thế là anh mời tất cả cùng ngồi vào để tập đọc đoạn văn được viết nắn nót trên tấm ván cũ. Sĩ số lớp học giờ đây gồm 5 trẻ em và 7 người lớn.

Ngày lại ngày, tiếng đồn lan ra, Lawrence thu nhận được hơn 50 học sinh. Mùa đông về, lớp học dời vào một căn nhà cũ nát bỏ hoang. Người trại chủ tốt bụng biết chuyện, tặng luôn cho anh căn nhà cùng với 16 mẫu đất bỏ hoang chung quanh và số tiền 50 đô-la. Các học sinh lớn xúm lại sửa chữa vách và mái nhà, làm lò sưởi và quét vôi. Anh lại tìm đến một trại chủ khác xin được một số lớn gỗ ván và mua chịu các vật dụng cần thiết cho ngôi trường.

Năm 1917, thoát được vụ hành quyết oan uổng như đã kể từ đầu, anh tạ ơn Chúa rồi lại quyết định mở một cuộc họp, mời tất cả những người da đen cùng các ân nhân người da trắng trong vùng đến nghe anh nói chuyện về dự kiến tương lai. Anh cho biết đây sẽ là ngôi trường nội trú cho các học sinh ở rải rác khá xa. Các em sẽ vừa học vừa làm để tự nuôi sống bằng việc canh tác khu đất quanh đây. Anh cũng xin mọi người có mặt đóng góp thêm để xây dựng một dãy lớp học mới vì sĩ số học sinh đã quá cao.

Vừa dứt lời, các ân nhân đã trao ngay cho anh một số tiền khá lớn, còn đồng bào da đen thì góp chung từng đồng xu lẻ dành dụm chắt bóp. Có người còn hứa tặng một phần hoa lợi vụ mùa sắp tới, người khác về nhà mang tới một bao bông vải hoặc nửa con lợn, một cặp ngỗng... và hầu hết đều hứa sẽ giúp công góp sức. Thế là hôm sau, cả đoàn những người đàn ông trai tráng kéo đến đốn cây, xẻ ván, dậm nền, dựng cột, xây vách. Phía các bà các cô thì buổi trưa mang cơm nước đến cho cánh thợ.

Qua năm 1910 thì ngôi trường hoàn tất, mang tên là "Ngôi Trường Thôn Quê", cùng với số cả trăm học sinh tại chỗ còn có thêm 18 em từ xa về nội trú. Tất cả được học chữ, nấu bếp, cắt may và nghề mộc. Buổi tối, lớp xóa mù chữ có gần 100 em nhỏ. Mọi học sinh đều mang tới góp, người thì bao bột mì, người thì chú heo con để sử dụng chung thay vì đóng học phí và tiền ăn. Lawrence cũng mời được một số thầy cô giáo thiện chí đến giúp. Anh thường nhắc họ luôn cầu nguyện trong niềm chắc tin rằng mọi sự đều do Chúa ban và lo liệu, nhưng phần mình vẫn phải nỗ lực làm việc để cộng tác với Người...

Năm 1912, Lawrence cưới vợ, cả hai vừa gắng công dạy học, lại vừa đi khắp nơi xin các mạnh thường quân hỗ trợ để trả lương giáo viên và nuôi sống các học trò nghèo. Anh chị hễ cứ gặp những trẻ bơ vơ lang thang là lại dắt về nuôi ăn và cho học hành tử tế. Ðặc biệt có một em 14 tuổi sống như thú hoang trong rừng, đã được Lawrence tìm thấy đem về trường. 8 năm sau, cậu thi đỗ tốt nghiệp trung cấp hướng nghiệp, và trong ngày nhận bằng, cử tọa đã say mê nghe cậu thuyết trình về điện và các loại động cơ. Lại còn gia đình anh Collins cùng bầy con 12 đứa nheo nhóc được nhận vào trường, 12 năm sau, ông bố Collins cũng cùng lên nhận bằng với vợ con.

Tính đến năm 1953, trường đã đào tạo được 1.700 học sinh đậu tú tài và 325 người tốt nghiệp đại học. Không ít những học viên giờ đây là trại chủ, dược sư, giáo sư, nhạc sĩ, ca sĩ, sĩ quan, linh mục và mục sư. Có người học tiếp để lấy bằng tiến sĩ ở đại học Chicago. Năm 1960, trường có sĩ số 500 em với 40 thầy dạy, 650 mẫu đất sở hữu cùng với những dãy lớp khang trang, những vườn cây ăn trái và hoa màu, cả những xí nghiệp chế tạo bơ, sữa tươi và những cơ xưởng hướng nghiệp được trang bị tối tân.

Nhà cầm quyền bang Mississipi cuối cùng cũng đã nhìn ra công lao hy sinh tận tụy và lòng yêu thương vô hạn đối với đồng bào da đen khốn khổ của ông Lawrence. Họ chính thức trao tặng ông tước hiệu "Công Dân Số Một của Bang Mississipi". Sau khi ông qua đời, mới đây không lâu, người ta đã dựng tượng để ghi nhớ một tấm lòng vị tha cao quý. Tượng đài ghi hàng chữ: "Ông John Lawrence, một người con ngoan của Chúa, một thầy giáo tận tụy và một người bạn thân thương nhất của mọi người..."

Từ tạp chí TIN VUI, 1974.

CÂU TRUYỆN:

NGỌN ÐÈN TRONG ÐÊM TỐI

Một buổi sáng đẹp trời, một người mù chống gậy đến thăm một ông bạn thân ở ngôi làng bên cạnh, cách xa một đoạn đường dài. Gặp lại nhau sau một thời gian đã khá lâu, cả hai đều vui mừng trò chuyện hàn huyên quên cả cơm nước nghỉ ngơi. Thời gian trôi nhanh, trời đã xế chiều, xực nhớ đã quá trễ, người mù vội vã xin kiếu từ ra về. Ông bạn già giữ mãi không được, đành bảo: "Thôi được, bác về, nhưng để tôi đưa bác mượn một cây đèn bão để bác cầm đi dọc đường cho an toàn."

Người mù bật cười lớn, ông giơ cây gậy lên, từ chối: "Bác lại quên mất rằng tôi đã bị lòa từ lâu rồi sao ? Trời còn sáng hay là có tối đen như đêm ba mươi, thì đối với tôi cũng chẳng khác gì, chỉ cần cây gậy này là tôi vẫn đi được như thường !" Người bạn vội giải thích một cách khéo léo, sợ bạn mình lại phật lòng vì mặc cảm: "Không, ý tôi muốn nói rằng: trời tối rồi, nếu bác cầm đèn đi đường như thế, người ta dễ dàng trông thấy bác mà tránh !" Nghe vậy, người mù vui vẻ đồng ý nhận lấy cây đèn bão đã thắp sáng, cám ơn ông bạn tốt bụng rồi bắt tay từ giã...

Trời xập tối rất nhanh, trăng lại không có, tuy vậy, người mù một tay chống gậy, một tay cầm đèn, tự tin rảo bước trên con đường đê khá phẳng phiu. Chợt, có một người đi ngược chiều bỗng đâm xầm vào ông già mù lòa. Cả hai đều ngã ngửa ra bên đường, người lấm lem đất cát, trán thì đau điếng vì cú va chạm khá mạnh. Người mù bực bội quát hỏi: "Anh kia, anh không có mắt hay sao mà lại không trông thấy cây đèn bão tôi đang cầm trên tay để mà tránh, đi với đứng, thật là có mắt mà như mù ?" Anh thanh niên bây giờ mới nhận ra mình đã vấp phải một ông già bị mù, anh nhỏ nhẹ xin lỗi, đồng thời cũng phân bua: "Ủa, bác có cầm đèn trên tay sao ? Nhưng, bác ơi, đèn của bác hình như đã tắt từ lâu rồi thì phải ! Chả trách, trời tối như thế này, cháu có trông thấy bác đâu mà tránh !"

Ðến lúc này, ông già mù lòa mới vỡ lẽ, thì ra người bạn tốt bụng cho mượn cây đèn bão đã quên xem lại dầu đốt bên trong đã gần cạn, đi chẳng được bao lâu thì đèn đã tắt ! Anh thanh niên động lòng trắc ẩn, nói với ông già: "Thôi, thế này bác ạ, nhà bác ở đâu để cháu đưa bác về, cháu cũng không vội việc gì". Người mù cảm động, xin lỗi vì lúc nãy đã không biết điều lại còn quá cáu gắt. Ông chấp nhận bám vào tay chàng trai dễ thương, vừa đi vừa bảo: "Cám ơn anh ! Bây giờ thì chính anh là ngọn đèn, mà cũng là cây gậy cho lão già này đi đường rồi đấy !"

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 2

THÔNG TIN:

THÔNG TIN VỀ CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Ông Võ Minh Hành ( Canada ) giúp người nghèo ..............................................................................................................  30 USD

- Các ân nhân ( Pháp ) giúp mua thuốc cho đoàn khám bệnh ở GX Chính Tâm ( GP Phan Thiết ) .......................  500 EURO

- Một gia đình ẩn danh ( Việt Nam ) giúp bà Trần Thị Khoảnh dựng lại nhà ở Bến Tre ...........................................  500 USD

- Ba ân nhân ẩn danh ( Việt Nam ) giúp 2 xe lăn ở Quảng Nam ...........................................................................  2.100.000 VND

- Anh chị Phan Thanh Hiệp ( Việt Nam ) giúp người nghèo ................................................ 200 chai dầu gió và 500.000 VND

THÔNG TIN VỀ CÁC CỤ GIÀ Ở TỈNH QUẢNG NAM

Cha Ngô Tấn Lực, DCCT, Giáo Phận Ðà Nẵng, giới thiệu 6 trường hợp người già cả, bệnh tật và neo đơn, ở tại vùng nông thôn nghèo tỉnh Quảng Nam, rất cần được trợ giúp sau đây:

1. Cụ LÊ THỊ HẢI, 90 tuổi, không con cháu, ngụ tại thôn Mỹ Hảo, xã Ðại Phong, huyện Ðại Lộc.

2. Bà NGÔ THỊ NHÔNG, 62 tuổi, tàn tật, ngụ tại thôn Phú Mỹ, xã Ðại Minh, huyện Ðại Lộc.

3. Cụ PHAN CẤY, 70 tuổi, bị bệnh tâm thần và bại liệt, ngụ tại thôn Tây Gia, xã Ðại Minh, huyện Ðại Lộc.

4. Cụ LÊ THỊ TRI, 89 tuổi, quá già yếu, ngụ tại thôn Tây Gia, xã Ðại Minh, huyện Ðại Lộc.

5. Cụ TRẦN ÐÌNH NIÊN, 79 tuổi, bị liệt do tai biến mạch máu não, ngụ tại thôn Ðông Gia, xã Ðại Minh, huyện Ðại Lộc. Rất cần một chiếc xe lăn để di chuyển.

6. Cụ LÊ CANH, 76 tuổi, bị liệt do tai biến mạch máu não, ngụ tại thôn Tây Gia, xã Ðại Minh, huyện Ðại Lộc. Rất cần một chiếc xe lăn để di chuyển.

Gospelnet xin trợ giúp 4 trường hợp đầu, mỗi cụ số tiền 300.000 VND. Tổng cộng: 1.200.000 VND. Riêng trong 2 trường hợp sau, đã có 3 ân nhân ẩn danh trợ giúp số tiền 2.100.000 VND để mua 2 xe lăn tại Ðà Nẵng. Tổng cộng: 3.300.000 VND. Số tiền này sẽ được gửi bằng đường Bưu Ðiện theo địa chỉ: ông Ngô Kim Tuyến, thôn Phú Mỹ, xã Ðại Minh, huyện Ðại Lộc, tỉnh Quảng Nam, để chuyển đến cha Ngô Tấn Lực lo liệu cho các cụ. Gospelnet xin chân thành cảm ơn quý ân nhân.

THÔNG TIN VỀ CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG "ÐỒNG XOÀI" ( GP. BAN MÊ THUỘT )

Cha Lê Trấn Bảo, chính xứ Ðồng Xoài Sr. Ê-li-da-bét Vũ Thị Hải, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, cộng đoàn phục vụ tại Giáo Xứ Ðồng Xoài, Giáo Phận Ban Mê Thuột, thuộc phường Tân Ðồng, thị xã Ðồng Xoài, tỉnh Bình Phước, giới thiệu một danh sách gồm 18 em học sinh nghèo trong Giáo Xứ Ðồng Xoài, xin được trợ giúp học bổng như sau:

01.    LƯU THỊ MINH HIẾU, con ông Lưu Ngọc Vinh ( làm thuê ), lớp 6A trường THCS Ðồng Xoài.

02.    NGUYỄN THỊ THANH HÀ, con ông Nguyễn Phi Khanh, lớp 7A trường THCS Tân Xuân.

03.    NGÔ THỊ HUYỀN, con ông Ngô Văn Tâm ( làm nông ), lớp 6A trường THCS Tân Phú.

04.    TRỊNH VĂN HẢO, con ông Trịnh Văn Toan, lớp 5 trường Tiểu Học Tân Ðồng.

05.    LÊ THỊ ÁI NHI, con ông Lê Viết Xuân ( làm nông ), lớp 6 trường THCS Tân Xuân.

06.    NGUYỄN THỊ PHƯỠNG, con ông Nguyễn Xuân Hoài, lớp 5 trường Tiểu Học Tân Phú.

07.    TRẦN MINH QUẢNG, con ông Trần Văn Cuộc, lớp 7 trường THCS Tân Xuân.

08.    NGUYỄN THỊ NGỌC HƯƠNG, con ông Nguyễn Ngọc Lâm ( mua ve chai ), lớp 6 trường Tân Phú.

09.    ÐIỂU VON, con ông Ðiểu Mon ( dân tộc Stiêng ), lớp 2 trường Tiểu Học Ðồng Tâm.

10.    THỊ ÐÔM, con ông Ðiểu Lúc ( dân tộc Stiêng, làm rẫy ), lớp 2 trường Tiểu Học Ðồng Tâm.

11.    LÂM THỊ VỸ, con ông Lâm Phúc ( làm rẫy ), lớp 3 trường Tiểu Học Ðồng Tâm.

12.    THỊ LE, con bà Thị Ung ( dân tộc Stiêng, làm rẫy ), lớp 4 trường Tiểu Học Ðồng Tâm.

13.    THỊ PHƯƠNG, con ông Ðiểu Bang ( dân tộc Stiêng, làm rẫy ), lớp 4 trường Tiểu Học Ðồng Tâm.

14.    THỊ THỦY, con ông Ðiểu Xuân ( dân tộc Stiêng, làm rẫy ), lớp 4 trường Tiểu Học Ðồng Tâm.

15.    THỊ NHO, con ông Ðiểu Thành ( dân tộc Stiêng, làm rẫy ), lớp 1 trường Tiểu Học Ðồng Tâm.

16.    ÐIỂU NANG, con ông Ðiểu Tân ( dân tộc Stiêng, làm rẫy ), lớp 2 trường Tiểu Học Ðồng Tâm.

17.    ÐIỂU SÁNG, con ông Ðiểu Hà ( dân tộc Stiêng, làm rẫy ), lớp 2 trường Tiểu Học Ðồng Tâm.

Gospelnet xin nhận trao học bổng trợ giúp các em mỗi tháng 50.000 VND. Tổng cộng: 850.000 VND mỗi tháng. Trước mắt, vì tiền quỹ chung đã gần cạn, chúng tôi chỉ có thể giúp khởi đầu tháng 5 năm 2002. Rất mong quý ân nhân gần xa chung lòng góp sức giúp cho các em lâu dài về sau. Gospelnet cũng xin giúp riêng cho em TRẦN NGỌC THÚY DIỄM đang học lớp 12 trường Trung Học thị xã Ðồng Xoài số tiền 100.000 VND, vì em đang học tháng cuối cùng của năm học. Nếu sau này em đậu vào đại học, chúng tôi sẽ cố gắng trợ giúp tiếp. Tổng cộng số tiền đợt một gửi đến Sr. Vũ Thị Bài để phân phối cho 18 em là 950.000 VND.

THÔNG TIN VỀ MỘT GIA ÐÌNH NGHÈO

Ở GIÁO XỨ THỊ TRẤN PHÚ BÀI, HUẾ

Sr. Nguyễn Thị Hoa, Dòng Con Ðức Mẹ Ði Viếng, đang phục vụ tại Giáo Xứ Phú Lương, Giáo Phận Huế, giới thiệu trường hợp ngụ tại Giáo Xứ Thị Trấn Phú Bài, cách Huế gần 15 km, đó là gia đình cụ bà NGUYỄN THỊ LẶN, 80 tuổi, phải làm lụng vất vả để nuôi người con là NGUYỄN THỊ CÚC, 30 tuổi, từ khi sinh ra tới nay chỉ nằm một chỗ trên giường. Gospelnet đã nhờ vợ chồng anh Hùng và chị Thu ở Giáo Xứ DCCT Huế mang số tiền 300.000 VND đến gặp Sr. Hoa và thăm viếng, trao tiền cho cụ Lặn tại nhà.