TIN
MỪNG: Mt 28, 16 - 20
Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê,
đến ngọn núi Ðức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người,
các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.
Ðức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy
đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và
làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những
điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho
đến tận thế".
SUY
NIỆM 1:
1. Ý nghĩa của sự kiện Ðức Giê-su lên trời:
Sự kiện lên trời ( hay còn quen gọi là
"thăng thiên" ) là tiến trình tiếp nối cách lô gíc biến cố phục sinh
của Ðức Giê-su Ki-tô. Thật vậy, Thiên Chúa Cha đã nhìn nhận công lao
của Con Một Người là Ðức Giê-su Ki-tô trong cuộc sống trần gian và
nhất là trong cuộc Khổ Nạn Thập Giá mà Người đã chịu để cứu chuộc
nhân loại, nên đã vinh thăng Người bằng cách làm cho Người sống lại
từ trong cõi chết và đem Người trở về thế giới vô hình của Thiên
Chúa.
Hơn nữa Thiên Chúa Cha tôn phong Người
danh hiệu cao trọng nhất trong các danh hiệu và tước vị, đặt Người
lên trên mọi quyền lực thần thiêng, làm Chúa Tể vạn vật, làm Vua
vũ trụ. Ðức Giê-su thăng thiên minh chứng hai điều:
- Người là Ðức Chúa từ Trời đến và trở
về Trời;
- Cõi Trời là nơi được Thiên Chúa dành
cho chúng ta và chỉ ở nơi ấy, chúng ta mới được trọn hưởng niềm hạnh
phúc vô tận mà Thiên Chúa đã định cho chúng ta.
2. Trước khi lên trời, Ðức Giê-su:
2. 1 đã giao cho các môn đệ
một nhiệm vụ quan trọng
là đi khắp bốn phương thiên hạ rao
giảng Tin Mừng Cứu Ðộ của Thiên
Chúa và làm cho người ta trở thành môn đệ của Chúa. Khi thi hành nhiệm vụ cao trọng ấy các
môn đệ phải đặc biết quan tâm đến việc làm Phép Rửa cho những ai
tin theo Chúa và dạy dỗ họ tuân giữ những điều Chúa đã dạy cho
chính các môn đệ lúc tại thế.
Các môn đệ Ðức Giê-su đã mau mắn và kiên cường trong việc
thi hành nhiệm vụ được Thày giao. Lịch sử những năm đầu của Ki-tô
giáo là một lịch sử hào hùng với những thành quả vĩ đại.
2. 2 đã hứa
với các môn đệ là Người sẽ luôn hiện diện bên họ, mọi ngày cho đến tận
thời gian, để giúp đỡ họ và cùng với họ thực hiện nhiệm vụ mà
Chúa Cha đã giao cho Người và Người đã giao lại cho các môn đệ.
Các môn đệ Ðức Giê-su đã tuyệt đối tin
tưởng phó thác vào quyền năng của Thày và đã thực hiện những điều
kỳ diệu trong các cộng đoàn. Sách Công Vụ Tông Ðồ ghi nhận: "Mọi người đều kinh sợ vì các tông đồ
làm nhiều điềm thiêng dấu lạ" (
Cv 2, 43 ).
3. Ðức Giê-su cũng dành cho chúng ta nhiệm vụ và lời hứa
ấy:
Nhiệm vụ rao
giảng Tin Mừng cho những người chưa nhận biết và tin theo Chúa mà Chúa
Giê-su đã giao cho các môn đệ xưa thì Người cũng dành cho chúng ta
ngày nay. Cũng thế lời hứa mà Người đã nói với các môn đệ xưa thì
ngày nay Người cũng nói y như thế với chúng ta. Nhiệm vụ và lời hứa
xưa và nay vẫn chỉ là một.
Nhưng nhiệm
vụ rao giảng Tin Mừng đã trở nên cấp bách hơn bao gơ hết, đối với
Giáo Hội toàn cầu nói chung và đối với Giáo Hội Việt Nam nói riêng.
Vì tỷ lệ người Công Giáo trên tổng dân số thế giới cũng như Việt
Nam có chiều hướng sút giảm, chứ không hề gia tăng: ở Việt Nam tỷ
lệ ấy hiện nay là 6, 615%, ở Thái Lan là 0, 2%. Hơn nữa, những giá
trị cốt lõi của Ki-tô giáo càng ngày càng bị đe dọa: nạn nghèo đói,
đàn áp, bóc lột con người nhất là người nghèo càng ngày càng trở
nên quyết liệt. Nạn chia rẽ, chiến tranh, hận thù càng ngày càng leo
thang ở khắp nơi trên thế giới.
Ðể làm tròn
nhiệm vụ được giao, chúng ta phải ra đi và lao động cật lực như chính
Chúa đã ra đi và đã lao động không biết mệt mỏi. Thật vậy Chúa
Giê-su đã từ Trời xuống thế làm người. Khi làm người, trong những năm hoạt động công khai,
Chúa Giê-su "đã đi khắp miền
Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời
và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền" ( Mt 4, 23 ). Thế mà chúng
ta thường có khuynh hướng "trụ lại" và "đóng đô" chứ không thích ra
đi. Chúng ta cũng có khuynh hướng làm việc "tàng tàng" và "được
chăng hay chớ" chứ không "cật lực".
Mặt khác
đáng lẽ chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ được giao trong tư cách và
tâm tình của người môn đệ là những người gắn bó mật thiết với con
người và sự nghiệp của Thày thì chúng ta lại chiều theo xu hướng
thích biến mình thành "công chức"
của Chúa, thành "người làm thuê
ăn công". Chính vì thế mà công
cuộc Phúc Âm hóa không đạt được kết quả mong muốn.
Hơn nữa,
muốn làm tròn nhiệm vụ được giao, chúng ta phải có đủ sức mạnh.
Sức mạnh ấy không phải là sức mạnh của bản thân chúng ta mà là
sức mạnh của Ðấng "đã được trao
toàn quyền trên trời dưới đất" ( Mt 28, 18 ). Vì thế, thay vì ỷ
lại vào tài năng và nỗ lực của mình, chúng ta phải tuyệt đối tin
tưởng vào Ðấng đã hứa "luôn ở bên
chúng ta mọi ngày cho đến tận
thế" ( Mt 28, 20 ) và thường
xuyên chạy đến với Người trong đời sống nội tâm, cầu nguyện. Chúng
ta còn phải biến biến lời hứa ấy thành hiện thực bằng cách để cho
Chúa có điều kiện và không gian thi thố Quyền Năng vô biên của
Người.
Lịch sử Giáo
Hội thời sơ khai đã minh chứng hùng hồn chân lý ấy. Hiện nay ở
nhiều nơi trên thế giới, người ta vẫn chứng kiến những biến đổi kỳ
diệu do sức mạnh Thánh Linh thực hiện. Chỉ cần người tín hữu thật sự
tin vào sức mạnh của Chúa Phục Sinh, Ðấng đang cùng chúng ta hoạt
động cho Nước Cha được rộng mở.
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã truyền
cho Hội Thánh rao giảng Tin Mừng và biến Phúc Âm thành hành động.
Chúng con cám ơn Chúa, vì sự tín nhiệm Chúa đặt nơi con người. Chúng
con cám ơn Chúa vì Chúa đã tín nhiệm chúng con... khi Chúa giao cho
chúng con nhiệm vụ cao cả và nặng nề ấy ! Xin Chúa thực hiện lời
Chúa đã hứa và bộc lộ sức mạnh thần linh của Chúa trong mọi công
việc tông đồ của chúng con, để chúng con chu toàn nhiệm vụ Chúa đã
giao phó, hầu làm vinh danh Chúa Cha, Amen !
SUY NIỆM 2:
1. Ðể cứu con người, Thiên Chúa
cần họ cộng tác với Ngài
Hôm lễ Giáng
Sinh, chúng ta đọc bài Tin Mừng nói về việc Ðức Giê-su giáng trần,
bắt đầu cuộc đời làm người của Ngài. Hôm nay chúng ta đọc bài Tin
Mừng nói về việc Ngài thăng thiên, kết thúc cuộc đời tại thế của
Ngài. Ngài đến thế gian - vừa với tư cách một vị Thiên Chúa vô hạn
và toàn năng, vừa với tư cách một con người đầy giới hạn và bất
lực - để phục vụ con người, hầu trả lại cho con người thứ hạnh phúc
vĩnh cửu đã bị nguyên tổ con người đã làm mất. Nhưng Ngài không thể
làm chuyện này một mình được.
Khi dựng nên con người và cùng lúc ban
hạnh phúc nguyên thủy cho con người ( lúc ấy con người chưa có ),
Thiên Chúa không cần ý kiến hay sự cộng tác của con người. Nhưng khi
con người đã hiện hữu, nhất là khi họ đã lạm dụng chính tự do Thiên
Chúa ban để chống lại Ngài và làm mất đi hạnh phúc của mình, thì
Ngài không thể tự mình chuộc lại hạnh phúc ấy cho con người mà
không cần đến sự cộng tác tự nguyện của họ.
Tương tự như khi sinh ra ta, cha mẹ không cần
đến ta, nhưng một khi đã có ta, thì có rất điều ích lợi cho ta các
ngài không thể làm một mình mà không cần ta cộng tác vào. Chẳng
hạn các ngài có thể đem đồ ăn đến tận miệng ta, giúp chúng ta đủ
mọi phương tiện để học hành, nhưng ta có ăn uống học hành hay không
thì hoàn toàn do ta. Cha mẹ không thể ăn uống, học hành thay cho ta
được. Cũng vậy, Thiên Chúa không thể cứu chuộc ta, lấy lại hạnh
phúc đã mất cho ta mà không cần đến sự hợp tác của ta. Ðể cứu
chuộc con người, Thiên Chúa đã làm tất cả những gì Ngài có thể làm
được qua Ðức Giê-su. Tuy nhiên, vẫn còn lại một phần rất nhỏ mà
chính con người phải làm, không ai làm thay được.
Nhưng làm sao con người ý thức được điều
đó để cộng tác với Ngài hầu được cứu rỗi và hạnh phúc ? Ðức
Giê-su có làm được điều ấy không ? Làm sao Ngài làm được điều ấy
cho từng người trên thế giới từ thế kỷ này sang thế kỷ khác ?
2. Ðể loan báo ơn cứu độ, phục
vụ con người, Ðức Giê-su mời gọi ta cộng tác tiếp tay với Ngài
Ðức Giê-su đến thế gian với mục đích ở
với con người, chia sẻ thân phận đầy đau khổ của họ, xoa dịu những
nỗi đau, săn sóc và chữa lành mọi căn bệnh cho họ, nhất là đem lại
nguồn ủi an, hạnh phúc cho họ. Ngài muốn phục vụ toàn thể con
người, đem ơn cứu rỗi đến cho họ không trừ một ai. Nhưng thế giới
của con người thì bao la trải dài suốt mấy chục thế kỷ, còn Ngài chỉ
sống tại thế có 33 năm thật ngắn ngủi, tại đất nước Do Thái quá
chật hẹp. Làm sao Ngài có thể đến với từng người, phục vụ từng
người không trừ ai như Ngài mong muốn được ? Ngài có phương cách của
Ngài, đó là mời gọi những người theo Ngài, những môn đệ của Ngài
trong mọi thế kỷ, mọi thế hệ loài người cộng tác tiếp tay cho Ngài,
trong đó có bạn, có tôi, cùng bao nhiêu Ki-tô hữu khác. Ngài lại
mời gọi và đòi hỏi sự cộng tác.
Vì thế, trước khi từ biệt các môn đệ để
về với Chúa Cha, Ðức Giê-su đã trăn trối cho các ông di chúc này: "Anh
em hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ, làm phép rửa cho họ
nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy cho họ tuân giữ
những điều Thầy truyền cho anh em". Ðó không phải chỉ là lời
mời gọi, mà là một lệnh truyền không chỉ cho 12 môn đệ đầu tiên
của Ngài, mà cho tất cả những môn đệ thuộc tất cả những thế hệ
sau, nghĩa là cho tất cả những ai theo Ngài. Vì thế, việc loan báo Tin
Mừng hay phúc âm hóa môi trường mình sống, làm cho mọi người theo
Ðức Giê-su, thành môn đệ của Ngài, rửa tội cho họ, nhất là sống
tinh thần yêu thương mà Ngài đã truyền dạy là bổn phận của mọi Ki-tô
hữu.
3. Ðức Giê-su
mong được tiếp tục yêu thương và phục vụ con người qua bản thân và
đôi tay của ta
Sứ mạng của Ðức Giê-su thật vĩ đại, để
hoàn tất sứ mạng ấy, Ngài muốn hiện diện một cách cụ thể bằng
xương bằng thịt tại trần gian để sống với mọi người, chia sẻ đau khổ
với mọi người thuộc mọi thời đại, mọi dân tộc, mọi quốc gia. Ngài
muốn trực tiếp nói với mỗi người, phục vụ, săn sóc, an ủi, xoa dịu
và chữa lành những nỗi đau, những căn bệnh của mỗi người, nhất là
đem lại nguồn ủi an và hạnh phúc cho họ. Nhưng trong thực tế, Ngài
chỉ sống tại trần gian một thời gian hết sức ngắn ngủi.
Vì thế, để tiếp tục công việc ấy, Ngài muốn hiện diện ở
trần gian một cách khác, một cách gián tiếp, qua sự hiện diện của
ta. Nghĩa là Ngài muốn yêu thương mọi người bằng trái tim ta, suy nghĩ
tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề của con người bằng khối óc của ta,
phục vụ mọi người bằng đôi tay của ta, đến với mọi người bằng đôi
chân của ta, nói với mọi người, báo tin vui cứu độ cho mọi người
bằng miệng lưỡi của ta. Ngài mong ta trở nên một dụng cụ của Ngài,
tùy ý Ngài sử dụng hầu thực hiện chương trình của Ngài.
Nếu Ngài đã là hiện thân của Thiên Chúa
Cha giữa con người, thì Ngài cũng muốn ta là hiện thân của Ngài giữa
những người sống chung quanh ta, trong gia đình ta, giữa xã hội, trong
lòng thế giới. Nếu cách đây 2000 năm, Ngài đã là Em-ma-nu-en, tức
Thiên Chúa ở giữa loài người qua con người Ðức Giê-su, thì hiện nay,
Ngài cũng muốn tiếp tục làm như thế, nhưng lần này qua con người mỗi
chúng ta.
4. Hãy trở nên hiện thân của
Ðức Giê-su ở trần gian, giữa những người sống chung quanh ta
Chúng ta có thể trở nên hiện thân của
Ðức Giê-su ở trần gian, miễn là chúng ta có tình yêu đối với Ngài,
với mọi người, và muốn trở nên hiện thân của Ngài giữa thế giới.
Ðể làm được điều ấy, chúng ta chỉ cần ý thức rằng mình chính là hình
ảnh của Thiên Chúa, được tạo dựng giống như Thiên Chúa ( St 1, 26 .
27; 9, 6; Ep 4, 24 ), là con cái Thiên Chúa ( Lc 20, 36; Rm 8, 14.16; Gl 3,
26 ), và mang trong mình bản tính thần linh của Ngài ( 2 Pr 1, 4 ).
Vì thế, ngay từ bản chất, một cách nào
đó, chúng ta đã là hiện thân của Thiên Chúa rồi. Chỉ có một điều
đáng tiếc là nhiều khi chúng ta chưa sống đúng với bản chất cao cả
đó. Chúng ta còn sống một cách hèn hạ, nhát đảm, bần tiện, ích kỷ,
chỉ vì chúng ta chưa ý thức được phẩm chất thần linh cao quí của mình.
Chúng ta giống như một hoàng tử con ruột của một ông vua, nhưng vì
sống trong môi trường dân giã lâu năm nên đã quên đi nguồn gốc cao
quí của mình, nên sẵn sàng đem thân làm tôi tớ người khác, làm
những điều không xứng hợp với phẩm giá mình.
Ðức Giê-su muốn mỗi người chúng ta ý thức
được phẩm chất cao cả của mình, đồng thời mời gọi ta trở nên hiện
thân của Thiên Chúa, của Ngài nơi những người chung quanh chúng ta,
để qua chúng ta, Ngài yêu thương họ, phục vụ họ. Chúng ta sẽ trở
nên hiện thân của Thiên Chúa khi những người chung quanh cảm nghiệm
được tình yêu thương của ta đối với họ, qua việc quan tâm, chăm sóc,
hy sinh vì hạnh phúc của họ.
Lời mời gọi ấy, trước khi về trời, Ðức
Giê-su đã nói với chúng ta dưới một hình thức khác, một lệnh
truyền, một sứ mạng được trao phó: "Anh em hãy đi và làm cho
muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã
truyền cho anh em". Làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa,
cũng là giúp họ ý thức được họ là hình ảnh của Thiên Chúa, là con
cái Ngài, và là anh em của nhau. Dạy bảo họ tuân giữ những điều
Ðức Giê-su truyền dạy chính là tìm cách làm cho họ yêu thương nhau,
phục vụ nhau.
Vả lại yêu thương nhau
chính là nét đặc trưng nhất, là tiêu chuẩn bảo đảm nhất chứng tỏ
mình là môn đệ đích thực của Ðức Giê-su. Chính khi chúng ta sống như
thế, sống như những hiện thân của Ðức Giê-su ở giữa anh chị em ta,
thì ta đã làm cho câu nói sau đây của Ðức Giê-su trở thành hiện
thực và cụ thể: "Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho
đến tận thế". Chúng ta hãy trở nên Giê-su hay Em-ma-nu-en ở
giữa anh chị em mình !
Tôi thường nghe Thiên Chúa nói qua lương
tâm tôi:
"Cách đây 2000 năm, Cha đã rao truyền
chân lý, bày tỏ tình yêu và phục vụ săn sóc cho một số rất ít
người Do Thái thời ấy qua con người Giê-su, Con của Cha. Cha vẫn muốn
tiếp tục làm công việc yêu thương săn sóc ấy cho tất cả mọi người
không trừ ai ở trần gian này. Nhưng lần này không phải qua con người
Giê-su nữa, mà qua bản thân con và nhiều người khác như con. Con có
đồng ý để Cha yêu thương họ bằng trái tim con, và phục vụ họ bằng
đôi tay của con không ?"
CÂU TRUYỆN:
XIN CHO CON TRỞ
NÊN
Sau đệ nhất thế chiến trải ra từ năm 1914 đến năm 1918,
khắp nơi, những người dân ly tán còn sống sót đều trở về làng quê
cũ, họ gạt nước mắt và sẵn sàng đổ mồ hôi để nỗ lực hàn gắn
những vết thương chiến tranh và xây dựng cuộc sống trong hòa bình.
Tại một thị trấn nọ, tất cả nhà cửa, phố xá, ruộng vườn
đều đã tan hoang đổ nát. Một nhóm bạn trẻ bước vào ngôi Nhà Thờ
thân yêu ngày xưa, nay chỉ còn lại bốn vách tường và mái ngói tương
đối là đứng vững, còn bên trong là những gạch vữa, gỗ đá vỡ vụn.
Họ tìm thấy pho tượng Chúa Giê-su nằm sóng sượt dưới đất, chỉ còn
có thân mình là nguyên vẹn. Tuy thế, họ vẫn dọn dẹp quang quẻ Cung
Thánh, rồi đặt bức tượng trên một chiếc bàn con, trung tâm điểm cho
những buổi cử hành phụng vụ và cầu nguyện của giới trẻ. Và người
ta đã ghi lại được một lời cầu nguyện bộc phát của một chị thiếu
nữ như sau:
"Lạy Chúa, xin cho chúng con
trở thành đôi mắt của Chúa,
Ðể chúng con diễn tả được tình yêu thương
của Chúa.
Xin biến chúng con trở thành đôi tay của
Chúa
Ðể chúng con nâng đỡ phục vụ anh chị em.
Xin cho chúng con trở thành đôi chân của Chúa,
Ðể chúng con sẵn sàng đến với tha nhân.
Xin biến chúng con trở thành con tim của
Chúa,
Ðể chúng con biết thật sự yêu thương mọi
người."
CHỨNG TỪ 1:
Cha Alexis
thuộc Dòng Don Bosco có thuật lại một chứng từ sống động sau đây:
Vào năm 1934, cha Alexis được Bề Trên sai
đến truyền giáo ở vùng Ðông Bắc xứ Lybia. Tại đây, cha được sự
cộng tác nhiệt thành của một Giáo Lý Viên tên là Joan Cardina, cùng
nhau phụ trách cả một vùng rộng lớn, nơi người dân chưa hề được nghe
nói về Chúa.
Ít lâu sau, cha Alexis lại
được chuyển sang Châu Á để thành lập một cộng đoàn Nhà Dòng tại
nước Myanmar. 18 năm sau, tức năm 1952, cha có dịp quay trở lại thăm
xứ Lybia với tư cách một Bề Trên Giám Tỉnh. Khi đến vùng mà trước
kia cha đã ủy thác lại cho anh Cardina, cha hết sức ngạc nhiên thấy
hầu hết dân ở đây đã theo đạo Công Giáo và sống đạo rất tốt. Còn
người Giáo Lý Viên nhiệt thành năm xưa thì không thấy đâu...
Cha Alexis cố công tìm hỏi những người già
cả và đã được nghe họ kể lại đầu đuôi mọi sự: Khi anh Cardina được
cử đến đây, dân làng còn theo đạo thờ các vật linh nên họ tỏ rõ thái độ thù
nghịch đối với anh, nhiều lần các thầy phù thủy đã kiếm cớ chửi
rủa và đe dọa sẽ giết anh. Thế nhưng Cardina vẫn nhẹ nhàng tỏ bày
với họ thiện chí của mình: "Tôi
không thể bỏ nơi này vì cha Alexis đã sai tôi đến để giúp các bạn
biết và yêu mến Thiên Chúa duy nhất và chân thật là Cha của tất
cả chúng ta. Thiên Chúa sẽ giải thoát các bạn khỏi mọi sự sợ hãi
đối với các thần linh..."
Bị trục xuất, Cardina liền cất một cái
chòi ở rìa làng để ở. Những người có thiện cảm nhất đối với anh
cũng không ai dám ghé thăm và giúp đỡ thực phẩm. Thế nhưng anh vẫn
can đảm tự mình làm lụng vất vả, kiên trì cầu nguyện, đồng thời sẵn
sàng chia sẻ phần thu hoạch ít ỏi với những người dân làng nghèo
đói, cứu giúp họ thoát khỏi những cơn bệnh nguy tử bằng vốn liếng
ít ỏi của anh về các loại lá thuốc.
Có lần, ông già làng được cử đến thăm
dò Cardina đã hỏi: "Tại sao anh
không chịu đi nơi khác, anh coi đấy, chẳng ai ưa anh, cũng chẳng ai nghe
anh dạy thứ tôn giáo của anh !" Cardina ôn tồn và hiền hòa trả
lời: "Thiên Chúa đã sai tôi đến đây,
Ngài đã hy sinh mạng sống để cứu chuộc mọi người chúng ta. Vì thế,
tôi cũng sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để các ông được ơn
nhận biết Ngài. Tôi sẽ không rời bỏ nơi này bao lâu chưa có ai trở
thành Ki-tô hữu..."
Thế rồi dân làng cũng đành chịu cho anh ở
lại, dần dần thành quen vì cũng không thấy anh làm điều gì tai hại
cho họ, ngược lại là khác. Mấy năm sau, Cardina nhiễm phải căn bệnh
sốt tê liệt, anh đã có thể ra đi để được chữa trị, nhưng anh đã trụ
lại đến cùng. Sau khi anh qua đời, dân làng cảm phục trước Lòng Tin
kiên trì của anh, đã tự ý tìm đến một Giáo Ðiểm khác xin học đạo.
Những Giáo Lý Viên khác đã được cử đến, và không lâu sau đó, hầu
hết cả làng đã theo Công Giáo.
Giờ đây, cha Alexis được dẫn tới trước
phần mộ của người Giáo Lý Viên quả cảm trong âm thầm này bên rìa
ngôi làng, ngay nơi Cardina đã sống và đã chết như một nhà truyền
giáo anh hùng. Ngài chỉ còn biết cầu nguyện cảm tạ Thiên Chúa, trong
khi những người tân tòng vây quanh cùng hát lên bài Thánh Ca mới
được tập cách nay không lâu:
"Hạt lúa gieo vào lòng đất mà không mục
nát đi, thì sẽ chẳng sinh được nhiều bông hạt..." ( Ga 12, 24 )
CHỨNG TỪ 2:
Khi nghe nói về
Ðức Giê-su Ki-tô, tôi chẳng biết Ngài là một vị vua hay một vị Thánh
nào, nhưng từ khi quen cô Hậu, muốn đeo đuổi cô ta, nên tuần nào tôi
cũng đi lễ Nhà Thờ, có tuần đi tới lễ tới năm ngày và kéo dài như
vậy trong suốt ba năm nay. Lúc đầu tôi chẳng biết nghi thức gì, thấy
người ta làm sao tôi làm theo vậy, rồi cứ thế tôi dần dần biết
nhiều hơn. Tôi rất thích nghe cha giảng. Nếu không hiểu, tôi lại có
cớ để hỏi thăm cô Hậu. Nhờ đó, tôi bắt đầu biết Ðức Ki-tô và
bắt đầu cầu nguyện với Ðức Ki-tô cho hai đứa chúng tôi mãi mãi yêu
nhau.
Ðức Ki-tô là một vị Vua
và cũng là một vị Anh Hùng mà nhiều người biết đến. Ðức Ki-tô có
thể làm nhiều điều mà con người trong thế gian này không làm được.
Người đã chết và sống lại, và Người đang sống trong con tim tôi, đang
cùng một nhịp đập với tôi. Ai tin vào Ðức Ki-tô thì đón nhận được
Lòng Tin nơi Ngài. Ðức Ki-tô trở nên Người Cha tôi luôn tôn kính và
Người cũng là người bạn đồng hành với tôi trong suốt cuộc đời.
Ðức Ki-tô là
"người-vũ-trụ", vì Người đồng hành với hết mọi người đến
với Ngài. Ngài rộng mở và đón nhận tất cả những ai theo Người. Ðức
Ki-tô muốn mọi người sống đúng với tước vị con Thiên Chúa.
Ðức Ki-tô là vị cứu tinh cho người đi trêch
hướng, Người sẽ dẫn họ quay trở lại. Ðức Ki-tô là một vị anh hùng
bất khuất, quyết không ham sống sợ chết, Người đại diện cho Nước
Chúa Trời, nên dù có bị đóng đinh trên thập giá thì ngày nay Người
vẫn đang sống hàng ngày hàng giờ với bạn cho đến khi bạn tắt thở.
Từ khi thường đi lễ với cô bạn gái gần
cưới, ( nói là gần cưới chứ chắc còn phải lâu lâu ), tôi quên đi
cái cảm giác đợi chờ nhờ thích nghe cha giảng về Ðức Ki-tô, để Ðức
Ki-tô thấm vào thân thể và cũng nhận ra Ðức Ki-tô nơi công việc.
Hàng ngày, khi nói chuyện với ai, tôi cũng dễ nhớ về Ðức Ki-tô,
nhất là về những lời Người nói, những việc Người làm.
Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện với ý thức
mình là bạn của Chúa, đang cùng Ðức Ki-tô đi trên con đường của
Người như các Tông Ðồ Người yêu mến ngày xưa. Muôn thời đã trôi
qua, có gì tốt đẹp cũng là nhờ Người mà có. Tôi cầu nguyện như nói
chuyện với Người về mọi chuyện, nhất là những chuyện tôi buồn,
những điều tôi không giải quyết được.
Tôi cầu xin Ðức Ki-tô an ủi tôi và gánh
vác cuộc đời tôi vượt qua những khó khăn. Ðức Ki-tô đã cho tôi
niềm tin và nghị lực. Trong tương lai, tôi muốn sống chung với Ðức
Ki-tô trong suốt cuộc đời.
Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, con muốn
theo chân Ngài. Xin cho con am hiểu về Ðạo nhiều hơn.
Ðức Ki-tô còn đồng hành với cả những
người mà cộng đồng không nhìn đến. Ðức Ki-tô yêu mọi người, vì
Người bảo: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".
Tôi thấy mình đang hòa nhập với Ðức Ki-tô và Người đồng hành với
tôi trên mọi lãnh vực trong đời sống hàng ngày của tôi. Ðức Ki-tô
là tấm gương soi chiếu đời tôi. Tôi nghĩ mình có Ðức Tin, nghị lực và
sự sống tràn đầy do Ðức Ki-tô ban cho. Tôi cầu nguyện cho thế giới
này được yên ổn, không có chiến tranh, không còn phân biệt chủng
tộc.
Lạy Chúa chúng con ở trên trời...
MẸ MA-RI-A VỚI TƯỚC HIỆU TRINH NỮ VƯƠNG ( CẢM HỨNG Lc
1, 26 - 38 )
Con người sinh ra ai cũng phải chết. Ðó là định luật tất yếu
của thân phận làm người. Có nhiều cái chết. Có cái chết đặt vấn
nạn cho ta về ý nghĩa cuộc sống. Chúa Giê-su cũng không thoát khỏi
sự chết. Nhưng cái chết của Chúa Giê-su mang lại sự sống. Chết là
phục sinh, là khải hoàn vinh thắng. "Nếu hạt lúa mì không
chết đi, không thúi đi..." ( Ga 12, 24 ). Như vậy, cái chết
của Chúa Giê-su là khởi điểm cho niềm hy vọng, niềm cậy trông của
con người. Chết mới nói lên lời. Chết mới mang lại sự sống đời đời.
"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban con Một, để ai tin vào
con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" ( Ga
3, 16 ).
Chính Chúa Giê-su đã xác nhận điều này. Mẹ Ma-ri-a là Mẹ của
Chúa Giê-su và là Mẹ của nhân loại, là Mẹ của mỗi người có lòng
tin. Mẹ cũng phải trải qua cái chết, nhưng cái chết của Mẹ mang ý
nghĩa cao siêu cho cuộc sống con người: chết là biến đổi, là khởi
điểm cho cuộc sống mới. Mẹ chết đi là để được về với Chúa cả hồn
lẫn xác trên Nước Trời. Mẹ chết đi để được khải hoàn, ngồi bên
cạnh Chúa, làm Nữ Vương Vũ Trụ Trời Ðất. Mẹ là Nữ Vương uy quyền
trước mặt Chúa. Mẹ cầu bầu cho nhân loại khỏi sa vào tay ma quỉ, sự
dữ.
Mẹ là Nữ Vương Vũ Trụ Trời Ðất luôn liên kết với con Mẹ:
Ðức Giê-su Ki-tô trong công cuộc cứu rỗi nhân loại. Mẹ là Nữ Vương
với đầy đủ ý nghĩa của chữ Nữ Vương. Một Người Mẹ đầy uy quyền
luôn ở bên ngai tòa con của Mẹ. Một người Mẹ luôn tế nhị, nhắc nhớ
con người hãy làm theo ý Chúa để được ơn cứu độ: "Người bảo gì,
các anh cứ việc làm theo" ( Ga 2, 5 ). Một Người Mẹ đã nong nả đem
Tin Vui cho bà chị họ là bà Ê-li-da-bét và cho nhân loại qua Gio-an
Tẩy Giả còn trong cung lòng mẹ của mình. ( Lc 1, 39 - 56 )
Lạy Mẹ Ma-ri-a Trinh Nữ Vương, con đang sống cách Mẹ gần 2.000
năm. Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt nhất hơn mọi
người trên thế gian. Mẹ đã được Thiên Chúa giữ gìn, bao bọc, chở che
như Con ngươi mắt Chúa. Con cảm nghiệm tình thương vô biên của Chúa.
Con như thấy Mẹ đang sống với con trong giây phút hiện tại này. Xin
làm cho giây phút hiện tại đời con luôn đẹp mãi. Giây phút có Mẹ
ở cùng, có Mẹ hiện diện. Ðó là giây phút đẹp nhất đời con. Con
luôn cảm thấy cuộc đời của con là bài học yêu thương vì Mẹ đã dậy
con: "Người bảo gì hãy làm theo". Cuộc đời của con luôn đẹp vì
con đã biến mọi biến cố, mọi giây phút cuộc đời thành những nghĩa
cử yêu thương.
Lạy Mẹ Ma-ri-a, Trinh Nữ Vương, xin Mẹ mở rộng cửa Trời cho con và mọi người để chúng con vào
chiêm ngắm vinh quang của Mẹ. Vinh quang Mẹ đã nhận lãnh từ nơi Chúa
Giê-su Con của Mẹ. Vinh quang đầy uy quyền qua tước hiệu Trinh Nữ
Vương. Xin Mẹ soi sáng, chỉ đường dẫn lối cho
chúng con để cuộc hành trình đầy cam go dưới thế, chúng con đầy can
đảm và nghị lực để vượt thắng. Mẹ là Ngôi Sao Biển dẫn chúng con
trong cuộc hải hành vượt sóng ba đào tiến bước về quê Trời hưởng
dung nhan sáng ngời của Mẹ.
"Kính chào
Ðức Nữ Vương,
Bà là Mẹ xót thương,
Ngọt ngào cho cuộc sống,
Kính chào Lẽ Cậy Trông"
Amen. Ha-lê-lui-a.
Lm. Giu-se NGUYỄN HƯNG LỠI, DCCT
THÔNG TIN:
Cha Giu-se Phạm Hùng Sơn, Giáo Xứ Ðịnh Quán giới thiệu trường hợp
gia đình anh Giê-rô-ni-mô Ðặng Minh Thành, 34 tuổi, và chị
Lu-ci-a Phạm Thị Kim Long, 29 tuổi, hiện ngụ tại số 518 ấp Hiệp
Ðồng, thị trấn Ðịnh Quán, tỉnh Ðồng Nai. Anh Thành bị tai nạn gãy cột
sống 10 năm nay, phải ngồi xe lăn. Chị bị bệnh phong sù, thường bị lên
cơn. Hai vợ chồng lãnh hạt điều về nhà làm, thu nhập chỉ được khoảng
7 – 8.000 VND một ngày, chỉ đủ để đắp đổi rau cháo qua ngày.
Gospelnet xin trợ giúp
50.000 VND mỗi tháng, cho con gái của anh chị Thành là cháu An-na
ÐẶNG THỊ KIM YẾN, sinh năm 1992, đang học lớp 4. Tổng cộng: 400.000
VND cho 8 tháng, kể từ tháng 5 đến hết năm 2002, nhờ anh Phạm Văn
Lượng, Huynh Ðoàn Ki-tô Bệnh Nhân và Khuyết Tật, chuyển đến cho anh
chị.
Như đã thông tin trong
nhiều số báo Gospelnet trước đây, nay xin tiếp tục trợ giúp học bổng
600.000 VND của tháng 6. 2002, cho 12 em học sinh nghèo tại Ðiểm
Truyền Giáo An Thới Ðông do cha Hoàng Minh Ðức, DCCT, phụ trách.
Chị Thanh Nhàn, một Giáo Dân ở thị trấn Kiến
Ðức, huyện Dak-lap, tỉnh Dak-lak giới thiệu 2 trường hợp tai nạn ngặt
nghèo cần được trợ giúp sau đây:
- Chị NGUYỄN THỊ QUYÊN, 29
tuổi, có 5 con, gia đình rất nghèo, bị tai nạn xe, phải đưa về Sài-gòn
điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy để kéo xương ra.
- Em TRẦN
THỊ NGỌC ÁNH, 14 tuổi, gia đình rất nghèo, ngụ tại thôn 10, xã
Quảng Tín, huyện Dak-lap, thị trần Kiến Ðức, bị tai nạn xe, phải nẹp
xương, nay cần trở lại bệnh viện để tháo các đinh chốt trong xương.
Gospelnet xin trợ giúp mỗi trường
hợp 500.000 VND. Tổng cộng: 1 triệu VND, nhờ chị Thanh Nhàn
chuyển đến cho chị Quyên và em Ánh.
Sr. Tuyết Trinh, Dòng
Ða-minh, giới
thiệu trường hợp bà VŨ THỊ MÀU, sinh năm 1925, thuộc Giáo Xứ
Thái Xuân, xã Xuân Ðịnh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai, bị tai biến
và suy tim độ 3, liệt cả hai chân. Gospelnet xin trợ giúp bà Màu một
chiếc xe lăn, loại không xếp được, trị giá 650. 000 VND.
Sau khi Gospelnet số 59 được gửi
đi, ngày Chúa Nhật 5.5.2002, chúng tôi nhận được thư của một bạn Cựu
Sinh Viên Công Giáo không ghi tên họ, muốn trợ giúp 900.000 VND
cho 6 tháng liền kể từ tháng 7 đến hết tháng 12.2002 ( mỗi tháng mỗi
em được 50.000 VND ) cho 3 em học sinh nghèo do thầy Phó Tế Nguyễn Văn
Thật, DCCT, giới thiệu sau đây:
1. Em NGUYỄN NGỌC MY, 11 tuổi, học
lớp 6 trường Phạm Văn Chiêu, hiện ngụ tại 4 / 1A ấp 7 tổ 1, phường
Thạnh Xuân, quận 12, Sài-gòn.
2. Em NGUYỄN THỊ KIM HƯƠNG, học lớp 4
trường Hồng Gấm, Gò Vấp, hiện ngụ tại số 3 / 1 khu phố 1, phường
Thạnh Xuân, quận 12, Sài-gòn.
3. Em DƯƠNG ANH DŨNG, 15 tuổi, học lớp
6, hiện ngụ tại một căn nhà sâu trong hẻm không có số, mượn địa chỉ
để liên lạc số 190 đường 26.3 phường 15, quận Gò Vấp, Sài-gòn.
THÔNG TIN VỀ 3 TRƯỜNG HỠP HỌC SINH NGHÈO Ở QUẢNG NAM
Cha Trần Ngọc
Nhơn, Giáo Xứ
Tiên Phước, Giáo Phận Ðà Nẵng, giới thiệu 3 trường hợp học sinh
nghèo ở tỉnh Quảng Nam như sau:
1.
Em BÙI
THỊ KIM TIẾN, sinh 11.8.1984, đang học lớp 12, cha là ông Bùi Khoang
đã qua đời, mẹ là bà Nguyễn Thị Thâu, giáo viên, 49 tuổi, có 5 con,
ngụ tại thôn 2, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Hoàn
cảnh gia đình rất nghèo.
2.
Em BÙI
THANH HUẤN, sinh 6.1.1981, đã học xong lớp 12, thi đậu tốt nghiệp
từ năm ngoái tại trong THPT Huỳnh Thúc Kháng, cha là ông Bùi Hạnh 46
tuổi, mẹ là bà Phạm Thị Ngoa, 45 tuổi, ngụ tại thôn 2, xã Tiên
Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Hoàn cảnh gia đình rất nghèo.
3.
Em BÙI
QUANG TIẾN, sinh 14.8.2002, đang học lớp 12 trường PTTH Huỳnh Thúc
Kháng, cha là ông Bùi Văn Lộc, 37 tuổi, mẹ là bà Trần Thị Thu, 36
tuổi, ngụ tại thôn 2, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng
Nam. Hoàn cảnh gia đình rất nghèo.
Gospelnet xin trợ giúp cho các em
trong 4 tháng, kể từ tháng 5 đến hết tháng 8 năm 2002, trước và sau
khi hết năm học, mỗi em là 200.000 VND. Tổng cộng số tiền chuyển đến
cha Trần Ngọc Nhơn cho 3 em là 600.000 VND.
Thầy Trần Công Thuận, DCCT, giới thiệu trường hợp bà HUỲNH THỊ SÁU,
61 tuổi, ngụ tại 343/296 Trần Văn Kiểu, phường 7 quận 6, Sài-gòn bị
lòa hai mắt do bệnh cườm. Gospelnet đã trợ giúp 200.000 VND
và giới thiệu với các bác sĩ ở bệnh viện Mắt Ðiện Biên Phủ để bà
được xét nghiệm và giải phẫu sớm.
Như Gospelnet số 60 ra
ngày 5.5.2002 đã trình bày, Dự Án này có 3 mục chính, trong đó, mục
số 2 về Heo Giống đã được bác sĩ Bích Ðào vận động một số quý vị
ân nhân ở Pháp nhận trợ giúp 900 USD ( khoảng 13.500.000 VND ). Nay
chúng tôi lại mới nhận được Mail của cha Phạm Quốc Hùng ở
Kansas, Hoa Kỳ báo tin đã vận động được một số quý vị ân nhân ở
Hoa Kỳ nhận trợ giúp thêm 1.000 USD cho mục 1 về Vật Liệu Xây
Dựng và mục 3 về Thực Phẩm Nuôi Heo ( khoảng 15.000.000 VND ).
Như vậy, tổng cộng Dự
Án này đã nhận được 1.900 USD ( khoảng 28.500.000 VND ), vượt
hẳn dự kiến trước đây của các Sr. Dòng Ảnh Vảy là 20.266.000 VND.
Tất cả số tiền nói trên sẽ được chuyển ( 900 USD ) qua ông Nguyễn
Thế Bài ( Nha Trang ) và được gửi trực tiếp ( 1.000 USD ) đến tận tay Sr.
Y-Chenh, Dòng Ảnh Vảy, phụ trách Cô Nhi Viện Vinh-sơn 2, Giáo Phận
Kontum. Gospelnet đã báo tin vui ngay cho các Sr. Xin tạ ơn Chúa và biết
ơn tất cả quý ân nhân tại Pháp và Hoa Kỳ đã tận tâm và nhanh
chóng chia sẻ.
Gospelnet xin tiếp tục gửi số tiền 1.050.000
VND đến cô giáo Phan Mỹ Linh, trường Phổ Thông Cơ Sở Ðông
Thạnh để phân phối đến gia đình 21 em học sinh nghèo đang
sống trong khu vực bãi rác Ðông Thạnh, huyện Hóc Môn, thành phố
Sài-gòn, trong chương trình mang tên "Học Bổng Ðông Thạnh" trong tháng
5 của năm 2002.
Gospelnet xin tiếp tục gửi số tiền 700.000
VND đến Sr. Nguyễn Thị Ánh, Dòng Ða-minh Rosa Lima, để phân
phối đến gia đình 14 em học sinh nghèo trong chương trình
mang tên "Học Bổng Xuân Hiệp" trong tháng 5 của năm 2002.