TIN MỪNG: Ga 14, 15 - 21
Khi ấy Ðức Giê-su nói
cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các
điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em
một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thần Khí
sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không
thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn
ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi.
Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy
Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em
cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha
Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các
điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu
mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người
ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy."
SUY
NIỆM 1:
Suốt các
Chúa Nhật Phục Sinh, các bài đọc 1 được trích trong sách Công Vụ
Tông Ðồ. Một nhà chú giải Thánh Kinh đã gợi hứng đổi Công Vụ Tông
Ðồ thành Công Vụ của Chúa Thánh Thần. Bốn sách Tin Mừng là Phúc
Âm của Chúa Giê-su, còn Công Vụ Tông Ðồ chính là Phúc Âm của Chúa
Thánh Thần.
Sách Công Vụ Tông Ðồ
là một trong những tài liệu lịch sử quý giá nhất của Thánh Kinh. Ðó
là lịch sử hiện hữu duy nhất của Ki-tô giáo được viết ra trước thế
kỷ thứ III. Nhờ đó chúng ta biết rõ sự lớn dậy của Ki-tô giáo ở
Palestina hay về công cuộc Truyền Giáo tại Syria, Tiểu Á, Hy-lạp và
Rô-ma. Bình minh của một kỷ nguyên mới bắt đầu ló dạng.
Giáo Hội đã sống
tuổi thanh xuân của mình giữa lòng Ðế quốc Rô-ma, phải đối diện với
ba thách đố lớn là Do-thái giáo, chính trị Rô-ma và triết học
Hy-lạp. Giáo Hội phải bung ra khỏi Do-thái giáo, hội nhập vào triết
học Hy-lạp để lan rộng trên toàn đế quốc Rô-ma. Chỉ với những người
dân chài Ga-li-lê ít học, chỉ với một Phao-lô nhiệt thành, thế mà
Giáo Hội lớn mạnh không ngừng trước bao thử thách thời đại.
Chính Chúa Thánh Thần
đã không ngừng dẫn dắt Giáo Hội. Ðúng như lời Thánh I-rê-nê đã
nói: "Ở đâu có Thánh Linh của Ðức
Ki-tô ở đó có Hội Thánh. Ở đâu có Hội Thánh ở đó có Thánh linh
và ân sủng"
Sách
Công Vụ Tông Ðồ trình bày lịch sử dưới ánh sáng đức tin. Sau khi Phó
tế Stê-pha-nô bị ném đá thì khởi đầu cuộc bắt bớ rộng lớn chống
Giáo Hội ở Giê-ru-sa-lem. Cộng đoàn Ki-tô hữu ở đây bị phân tán,
nhiều tín hữu thoát khỏi đô thị đi tìm nơi ẩn náu. Họ đi tới đâu là
rao giảng Tin Mừng tại đó. Chính đây là lúc câu nói thời danh của
văn hào Tertuliano được ứng nghiệm "Máu các Thánh Tử Ðạo là hạt
giống làm nảy sinh các Ki-tô hữu".
Các cộng đoàn Diaspora
được thành lập. Họ hội nhập vào văn hoá địa phương để rao giảng Tin
Mừng. Ðoạn sách Công Vụ Tông Ðồ của Chúa Nhật hôm nay kể lại vị
sứ giả đầu tiên đã mang Tin Mừng đến cho người ngoại giáo, đó là
người Do-thái nói tiếng Hy-lạp, phó tế Phi-lip-phê. Ngài tới thủ đô Sa-ma-ri rao giảng làm
phép lạ, chữa lành nhiều bệnh tật. Người ta vui mừng đón nhận và
xin theo Ðạo ( Cv 8, 5 - 8 ). Sau khi xứ Sa-ma-ri được đón nhận Tin
Mừng, các Tông Ðồ đã cử Phê-rô và Gio-an đến cũng cố Niềm Tin cho
các tân tòng ( Cv 8, 14 - 24 ).
Kinh nghiệm sống đức tin của cộng đoàn tín
hữu sơ khai là bài học quý giá cho chúng ta. Họ bị nhận chìm trong
gian truân thử thách, nhưng chính lúc ấy họ cảm nhận sự hiện diện
và hoạt động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần. Như ngọn gió cuốn bay
những hạt giống để rồi hạt giống lại gieo mầm sống mới ở nơi khác,
ngọn gió Chúa Thánh Thần qua những cơn bách hại cũng mang lại những
hiệu qủa lạ lùng. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội, càng
bị bách hại Giáo Hội càng lớn mạnh không ngừng.
Ðọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, sau sắc
dụ cấm đạo của vua Cảnh Thịnh, các cuộc bắt đạo gay gắt khiến cho
những người tín hữu ở các vùng Quảng Trị, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh
Hoa chạy vào rừng núi La Vang để trốn tránh. Ðức Mẹ đã hiện ra an
ủi, trợ giúp. La Vang đã trở thành trung tâm hành hương của Giáo Hội
Việt Nam. Các chỉ dụ cấm đạo dưới thời vua Minh Mạng, Tự Ðức đã
phân tán các cộng đoàn Ki-tô hữu. Họ xuôi vào Nam trốn tránh, đến
vùng đất mới, rừng thiêng nước độc, họ khai khẩn điền địa và lập
nên những cộng đoàn mới. Nhờ đó, khi các vị Thừa Sai đến Truyền
Giáo, hạt giống Ðức Tin được nảy mầm và phát triển nhanh chóng.
Như hạt giống gieo xuống đất và chờ đợi,
những cơn mưa đầu mùa tuôn đổ, hạt giống âm thầm đón nhận sức
sống, nảy mầm, bén rễ, lớn nhanh, những cộng đoàn tín hữu đang sống
đức tin thầm lặng đã gặp được các chủ chăn nên lớn mạnh và nhiều
giáo xứ đã được thành lập. Chỉ trong nhãn giới đức tin, chúng ta mới
nhận ra sức tác động mãnh liệt Chúa Thánh Thần, trong mọi thử thách
Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần nâng đỡ, trong mọi biến cố đau
thương luôn có Chúa Thánh Thần an ủi dẫn dắt. Mỗi biến cố xảy đến
trong cuộc đời đều là lời mời gọi, lời nhắn nhũ, lời cảnh báo. Ði
tìm Thánh Ý Chúa, con người cần biết giải mã các biến cố ấy trong
ánh sáng đức tin.
Ngày nay, có lẽ không
còn những cơn bắt bớ và bách hại như xưa, thế nhưng những gian nan,
những thử thách vẫn không thiếu trong đời sống đức tin. Thời đại
hôm nay là thời đại xẻ núi lấp sông, vượt trùng dương, chinh phục
không gian, bùng nổ thông tin, toàn cầu hoá... Nhưng xã hội hôm nay
đang bị tục hoá với muôn ngàn cám dỗ ngọt ngào tinh vi của ma quỹù,
xã hội đang đánh mất chiều kích siêu hình, không còn cảm thức về
tội lỗi. Giáo Hội phải đối diện với một xã hội mà như triết gia
hiện sinh Jean Paul Sartre đã nói: "Thiên Chúa phải chết để cho con
người được tự do".
Người ta đang xây dựng
một xã hội không có Thiên Chúa, tôn giáo bị tách ra khỏi xã hội.
Con người mãi mê chạy theo lối sống hưởng thụ thực dụng, cá nhân
chủ nghĩa. Như thế người Ki-tô hữu phải sống và diễn tả niềm tin
của mình như thế nào đây ? Bài Phúc Âm chiếu ánh sáng soi đường.
Chúa Giê-su đã loan báo: "Ðấng Phù
Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ
dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì
Thầy đã nói với các con" ( Ga
14, 26 ).
Khi người tín hữu
chúng ta được Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thiêng trong đời, chúng ta sẽ yêu mến Chúa, được Chúa
Cha và Chúa Giê-su ngự đến trong tâm hồn ( Ga 14, 21 ), được Chúa
ban sự bình an tuyệt vời, bình an không như thế gian ban tặng ( Ga, 14, 27 ). Chúa Thánh Thần
chính là chìa khoá mở ra cuộc sống mới trong Ðức Ki-tô. Dưới tác
động của Chúa Thánh Thần, người tín hữu làm được mọi sự trong ân
sủng Ðức Ki-tô. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống Tin Mừng, vượt
qua các thách đố thời đại như cộng đoàn tín hữu sơ khai đã vượt qua
mọi trở ngại để loan báo và mở rộng Nước Chúa.
Ở đâu có Thần Khí là
ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh
sự sống, Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gio-an
Tẩy Giả "nhảy mừng trong lòng mẹ" Ðức Ma-ri-a hát lên bài ca
Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bê-lem. CácTông Ðồ trở nên những
con người mới. Các Thánh Tử Ðạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Và
chúng ta cũng được trở nên con cái Thiên Chúa, sống chứng nhân cho
tình yêu, can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục
vụ.
SUY NIỆM 2:
1. Các điều răn
của Chúa Giê-su:
Bất cứ người Ki-tô hữu nào
cũng đều biết "kính Chúa yêu người" là điều răn quan trọng và cơ
bản nhất của Ki-tô giáo. Kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn
và hết trí khôn. Yêu thương người như chính mính. Tất cả mọi luật lệ,
mọi sự trọn lành đều qui về hai-giới-răn-đã-trở-thành-một-ấy ( Mt
22, 37 - 40 ). Chúa
Giê-su đã gọi "yêu thương" là điều răn mới, là điều
răn riêng của Người, là dấu chứng của người môn đệ.
Và Người đã nâng tiêu chuẩn cho tình yêu thương ấy lên mức rất cao "yêu
tha nhân như chính Người đã yêu" ( Ga 14, 34 - 35 ).
2. Nếu giữ các điều
răn của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ được gì ?
Câu hỏi này
không phải chỉ chúng ta là những con người thực dụng mới đặt ra với
Chúa Giê-su mà cả các tông đồ và môn đệ của Chúa Giê-su cũng đã
nêu lên với Người cách đây hai ngàn năm. Thật vậy chính Phê-rô,
Tông Ðồ Trưởng, đã có lần hỏi Chúa Giê-su một cách chẳng mấy tế
nhị: "Thầy coi, phần chúng con, chúng
con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì ?" ( Mt 19, 27 ).
Chúa Giê-su
thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của con người, nên đã không ngại trả
lời thẳng vào sự trông đợi âm thầm nhưng mãnh liệt của chúng ta:
Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, (1) Anh em sẽ mãi mãi nhận
được Ðấng Bảo Trợ Mới; (2) Anh em sẽ không sống mồ côi, đơn độc mà
sẽ luôn có Thầy ở bên cạnh, ở trong tâm hồn anh em; (3) Anh em sẽ
thấy được mối tương quan sâu sắc giữa Chúa Cha và Thầy; (4) Anh em sẽ
được Cha Thầy yêu mến và tỏ mình ra cho anh em.
Ðó là 4 ơn
huệ mà dù có suy gẫm ngày này qua ngày khác trong suốt cuộc đời lữ
khách, chúng ta cũng không sao hiểu nổi tầm vóc lớn lao trọng đại
của những ơn ấy. Và nếu Chúa Giê-su có ban những ơn ấy cho chúng ta,
thì chỉ vì Người yêu thương chúng ta nên mới chia sẻ sự giầu sang thần
linh của Người cho những người Chúa thương yêu. Chúng ta đừng mắc sai
lầm mà nghĩ rằng Chúa ban cho chúng ta những ơn trọng đại ấy là vì chúng
ta đã hy sinh, cố gắng và lập công !
3.
Ðể giữ các điều răn của Chúa Giê-su, cụ thể chúng ta phải:
Yêu
mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn
Yêu mến Thiên Chúa như thế nghĩa là chọn Thiên
Chúa làm đối tượng ưu tiên số một, và đặt Thánh Ý và Thánh Danh
Chúa lên trên hết và trước hết trong mọi hoạt động của chúng ta.
Nói cách khác là chúng ta tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của
Người trước hết và trên hết.
Nói thì rất dễ nhưng thực hiện mới khó, vì
trong đời thường chúng ta dễ bị cuốn hút bởi những lợi ích cụ thể
và trước mắt cũng như chúng ta dễ bị tác động bởi các động lực vật
chất, danh vọng chóng qua mà bẵng quên ưu tiên số 1 của chúng ta
phải là Thiên Chúa và Thánh Ý của Người.
Yêu tha nhân như
chính mình
Yêu tha nhân một chút
đã là khó. Huống hồ yêu tha nhân như chính mình thì lại càng khó hơn.
Vì để yêu tha nhân như chính mình, chúng ta phải có một tình yêu vô vị
lợi và lớn lao cao cả lắm mới có thể yêu như thế.
Yêu tha nhân như chính mình thì cũng dễ nói
thôi, nhưng không dễ chút nào trong việc thực hiện tình yêu ấy, vì
trong đời thường chúng ta thường lấy mình làm trung tâm mọi phục vụ,
mọi sở hữu. Muốn yêu tha nhân như chính mình trước hết chúng ta phải
thay đổi cách suy nghĩ: không lấy mình mà lấy người khác làm trung
tâm mọi lo toan của mình. Câu hỏi có thể giúp chúng ta thực hiện
tình yêu thương ấy là: hôm nay, tuần lễ này tôi đã làm được gì cho
tha nhân, cho người chung quanh ?
Yêu
tha nhân như chính Chúa Giê-su đã yêu họ và yêu ta
Chúa Giê-su
không chỉ mời chúng ta yêu tha nhân như chính mình, mà còn đòi chúng
ta yêu tha nhân như chính Chúa đã yêu. Chúng ta đều biết Chúa Giê-su
đã yêu như thế nào: Người đã yêu đến nỗi đã quì xuống rửa chân cho
các môn đệ; Người đã yêu đến nỗi đã hóa mình thành bánh, thành
rượu, thành lương thực nuôi sống những kẻ người yêu; Người đã yêu
đến nỗi đã cam lòng chịu chết và chết trên thập gía để cứu chuộc
mọi tội nhân trong loài người, trong đó có chúng ta.
Yêu tha nhân
như chính mình đã là khó. Yêu tha nhân như chính Chúa Giê-su đã yêu
thì khó hơn bội phần. Tự mình, chúng ta không thể yêu tha nhân cách
ấy. Chúng ta chỉ có thể yêu tha nhân ở mức độ ấy khi chúng ta đã
hoàn toàn nên giống Chúa Giê-su, có những tâm tình và hành động như
Người.
Muốn thế,
mỗi ngày và mỗi lúc cầu nguyện, chúng ta phải cầu xin Chúa Giê-su
giúp chúng ta luôn biết lấy Người làm gương mẫu cho chúng ta noi theo,
bắt chước. Và trong tất cả mọi sinh hoạt đời thường, chúng ta phải
nỗ lực họa lại chân dung của Chúa Giê-su và bộc lộ tâm tình của
Người bằng lời nói việc làm cụ thể của chúng ta.
Lạy Chúa
Giê-su Ki-tô, xin Chúa giúp chúng con luôn biết tuân giữ các điều
răn của Chúa. Xin Chúa dạy chúng con biết yêu mến Thiên Chúa hết
lòng, hết trí khôn, hết linh hồn chúng con. Xin Chúa giúp chúng con
biết yêu thương tha nhân như chính bản thân mình. Và xin Chúa giúp
chúng con biết yêu thương tha nhân như chính Chúa đã yêu thương và
hiến mạng sống cho những người Chúa yêu thương.
Lạy Chúa
Giê-su Ki-tô, chúng con biết rõ rằng không có Ơn thánh Chúa và Sức
mạnh của Người, chúng con không thể kính mến Thiên Chúa và yêu
thương tha nhân như Lời Chúa dạy. Xin Chúa ban Ơn thánh và Sức mạnh
của Chúa cho chúng con.
Lạy Chúa Thánh Thần là Sức Mạnh biến đổi
các tâm hồn và bộ mặt trái đất, xin Chúa đổi mới chúng con, biến
làm cho chúng con trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su Ki-tô,
Chúa chúng con. Amen !
Gs. Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI
SUY NIỆM 3:
YÊU
CHÚA, HÃY TUÂN GIỮ LỜI CHÚA
Hình ảnh của người con khi
phải đi xa nhà, vắng cha mẹ lâu ngày hay người chồng, người vợ ngăn
cách nhau thời gian lâu sẽ cho ta cảm tưởng có những sự lưu luyến,
bịn rịn và một trong những tâm tình đầu tiên là lời nhắn nhủ của cha
mẹ đối với con khi tiễn biệt xa cách: con hãy ngoan ngoãn, giữ lời
cha mẹ chỉ bảo, dặn dò, cố gắng học hành, cố gắng làm ăn để có
một tương lai tốt đẹp, không làm hổ danh cha mẹ, không phụ công lao
của cha mẹ v.v... Còn đối với vợ, với chồng khi phải xa nhau, họ sẽ
có những lời dặn dò đầy tâm huyết: "hãy trung thành và nhớ tới
nhau".
Chúa Giê-su cũng vậy,
trước khi đi thật xa, về cùng Cha của Ngài, Ngài đã chuẩn bị tư thế,
chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ. Ngài đã dặn dò, khuyên nhủ các
môn đệ nhiều lần, Ngài đã nói với các môn đệ với hết tâm tình,
hết con tim của mình: "Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu
thương các con" ( Ga 15, 12 ). Lời này Chúa Giê-su cũng nhắn nhủ
chung cho Giáo Hội của Ngài, một Hội Thánh mà Ngài là tảng đá mà
người thợ xây loại bỏ, đã trở nên tảng đá góc tường, một Giáo
Hội đã được xây dựng trên nền tảng là các tông đồ.
Hôm nay, trước lúc về trời như lời tâm
huyết sâu xa nhất, Chúa Phục Sinh đã hứa sẽ ban Thánh Thần, Ðấng
Phù Trợ đến để nâng đỡ các tông đồ, rồi Ngài khuyên các môn đệ
phải có lòng tôn trọng yêu thương nhau và các môn đệ cũng phải có
lòng yêu mến đối với Ngài: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ
giữ các điều răn của Thầy" ( Ga 14, 15 ).
I. LỜI DI CHÚC CỦA CHÚA GIÊ-SU
TRƯỚC KHI VỀ TRỜI:
Trước khi về trời, Chúa Phục Sinh không muốn
để các môn đệ u buồn sầu não mãi mãi, Ngài muốn cho các môn đệ
hiểu rõ rằng Ngài sẽ không bỏ rơi các ông, Ngài trấn an, ủi an các
ông: "Lòng các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin
vào Thầy" ( Ga 14, 1 ). Chúa hứa với các ông: "Thầy sẽ không
bỏ các con mồ côi, Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho tới tận
thế" ( Ga 14, 18 ).
Nhưng để mãi sống trong
sự liên kết với Chúa như Chúa đang nói với các ông, Chúa khuyên răn
và nhắn nhủ các ông: "Ai có và giữ các điều răn của Thầy,
người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được
Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra
cho người ấy" ( Ga 14, 21 ).
Chúa Giê-su Phục Sinh đã liên kết với Cha
của Ngài bằng một tình yêu sâu thẳm, vì yêu mến, kính trọng Cha,
Chúa Giê-su đã luôn làm theo ý của Cha Ngài: "Lạy Cha nếu có thể
được thì xin cất khỏi con chén này, nhưng đừng theo ý con mà theo ý
của Cha".
Vậy, yêu mến Chúa Giê-su, các môn đệ và
mọi người phải tuân giữ mọi điều Chúa dặn, Chúa nhắn bảo cũng như
Ngài đã tuân theo ý Cha Ngài thế nào, thì các môn đệ và nhân loại,
Giáo Hội cũng phải tuân theo và thực hiện lời của Chúa. Ðức Giê-su
đã yêu mến Cha Ngài đến nỗi Ngài đã thực hiện tuân giữ Lời Của
Chúa Cha và chỉ làm mọi sự theo ý Cha để tất cả cho vinh danh của
Cha. Chính vì lòng yêu mến tột bực của Chúa Giê-su đối với Chúa Cha
đã làm cho Ngài và Cha Ngài nên một. "Ta và Cha Ta là một" (
Ga 10, 30 ).
Như thế, lời truyền lệnh cho các môn đệ
trước khi Chúa Giê-su về trời không chỉ là lời nói suông cho qua lệ,
lời nói trên đầu môi chóp lưỡi mà chính là một lời tâm huyết, một
lời di chúc phải thực hiện để chứng tỏ lòng yêu mến, hiếu thảo và
tôn kính của môn đệ và mọi thế hệ kế thừa sau. Chúa Giê-su đã để
lại gương tuyệt hảo cho các môn đệ và mọi thế hệ noi theo, đó là
Ngài luôn làm mọi sự theo ý Cha và chỉ làm mọi việc theo ý Cha của
Ngài vạch ra, hướng dẫn. Ta có thể nói mà không sợ quá lời là
cuộc sống của Chúa Giê-su là cuộc sống của Cha, hành động, lời
nói, cử chỉ, thái độ của Chúa Giê-su là của Cha.
II. HỘI THÁNH VÀ MỌI NGƯỜI MUÔN
THẾ HỆ PHẢI NOI GƯƠNG BẮT CHƯỚC CHÚA:
Là môn đệ của Chúa Giê-su, chúng ta và
Giáo Hội của Ngài không thể đi đường lối nào ngoài con đường mà
Chúa Giê-su đã đi, đã chỉ dẫn và vạch cho con người bước theo: tuân
giữ và thực thi Lời của Chúa. Có tuân giữ và thực thi Lời của
Chúa, Giáo Hội và nhân loại mới sống trong tình liên đới yêu thương.
Yêu thương mà Chúa Giê-su đã thực hiện và trối lại cho nhân loại
là phục vụ và tự hiến.
Phục vụ trong khiêm
nhường, vô vị lợi và bao dung như gương Chúa Giê-su rửa chân cho các
môn đệ và yêu thương cho tới cùng: "Không có tình yêu nào cao vời
cho bằng Tình Yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" ( Ga
15, 13 ). Yêu thương của Chúa là "Lương thực của Ta là làm theo ý
Ðấng đã sai Ta" ( Ga 4, 32 ) hoặc như thánh Phao-lô đã viết: "Này
con xin đến, như trong cuốn sách đã viết về con, để thi hành ý Cha"
( Dt. 10, 4 - 7 ) và như thế, yêu thương tự hiến là "Người đã hạ
mình xuống, vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá" ( Pl 2,
8 ).
Chúa Giê-su đã sống, đã thực hiện tận
cùng cuộc đời của mình bằng cái thật hoàn toàn tự hiến, tự nguyện
và hoàn toàn theo ý của Cha. Giáo Hội và muôn thế hệ sẽ sống thật
với mình, sẽ nêu gương cho mọi người, khi biết giữ Lời Chúa và thực
thi Lời Chúa trong cuộc sống.
Thánh Phao-lô nói: "Ðức Tin không có
việc làm là Ðức Tin chết". Lời nói không đi đôi với hành động
là lời nói suông, lời nói không có giá trị nào cả. Chúa Giê-su đã
từng nói: "Không phải những ai cứ kêu lạy Chúa, lạy Chúa mà
được cứu rỗi, mà chỉ những ai giữ Lời và tuân theo Lời Chúa... hoặc
"những ai nói rằng mình yêu mến Chúa mà không yêu anh em mình là
những người ở bên, ở trước mặt, ở sau mình là những kẻ nói dối".
Lời trăn trối và lời hứa của Chúa sẽ
muôn đời tồn tại: "...Thầy ra đi thì ích lợi hơn cho các con, vì nếu
Thầy không ra đi thì Ðấng bầu chữa không đến với các con. Còn nếu
Thầy ra đi thì Thầy sẽ sai Người đến với các con" ( Ga 16, 6 - 7 ).
Lạy Chúa
Giê-su, xin ban cho chúng con luôn biết noi gương bắt chước Chúa: tuân
giữ và thực thi Lời Chúa để chúng con được sống trong tình yêu sung
mãn của Chúa và Chúa Cha. Xin giúp chúng con luôn biết nói lời xin
vâng làm theo ý Chúa.
Lm.
Giu-se NGUYỄN HƯNG LỠI, DCCT, Ðiểm Truyền Giáo Fyan
CẦU NGUYỆN:
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG NĂM: KÍNH ÐỨC MẸ
- Ý chung: Cầu nguyện cho các Ki-tô hữu trở nên những chứng
nhân đáng tin cậy về niềm hy vọng của Tin Mừng. Xin cho các Ki-tô
hữu sống phù hợp với Ðức Tin và trở nên những chứng nhân đáng tin
cậy về niềm hy vọng do Tin Mừng đem lại.
- Ý truyền giáo: Cầu nguyện cho vai trò của người phụ nữ trong
gia đình và xã hội. Nhờ Ðức Ma-ri-a, là Trinh Nữ và là Mẹ rất
Thánh, nâng đỡ, xin cho vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã
hội được bảo vệ và phát huy, trong mọi quốc gia và mọi nền văn hóa
trên hoàn cầu.
"Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không
hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ
tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Ðức tin dẫn
chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc
đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của
Mẹ chúng ta" ( GH 67 ).
Gợi ý sám hối:
Xin Chúa tha thứ cho những lời nói và việc làm không phù hợp
với đức tin Ki-tô giáo. Xin Chúa tha thứ cho những lời nói và việc
làm của con đã coi khinh phẩm giá và nhân cách người phụ nữ. Xin
Chúa tha thứ cho những thờ ơ, không tôn kính Ðức Mẹ Chúa Trời, hoặc
những việc tôn sùng quá đáng, mê tín dị đoan.
Lời nguyện chung:
Anh chị em thân mến, sáng sớm Chúa Nhật Phục Sinh, Chúa Giê-su
đón gặp các bà và nói: 'Chị em đừng sợ, hãy về báo tin cho anh em
của Thầy để họ đến Ga-li-lê, ở đó họ sẽ gặp Thầy". Rồi trước
khi về Trời, Chúa Giê-su nói với các môn đệ: "Anh em hãy đi và
làm cho muôn dân trở thành môn đệ, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều
Thầy đã truyền cho anh em". Thế nên, dù là nam hay nữ, chúng ta
có bổn phận làm chứng cho Tin Mừng Chúa Ki-tô Phục Sinh. Chúng ta
hãy cùng cầu nguyện cho sứ mạng cao quí của mình được hoàn thành
trong mọi hoàn cảnh:
- Khi nhận Bí Tích Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu đã hứa từ bỏ
tội lỗi và tuyên xưng đức tin. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi Ki-tô
hữu luôn sống điều mình đã hứa và dù trong cảnh ngộ nào, cũng trở
nên những chứng nhân Tin Mừng, đáng tin cậy cho mọi người.
- Ðã qua 2.000 năm Ki-tô giáo, nhưng người Ki-tô hữu chưa được
một phần ba dân số thế giới. Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em
chưa tin Chúa Ki-tô, được ơn Chúa thúc đẩy, nhận thấy Chúa Ki-tô là
Ðấng Cứu độ duy nhất trần gian, qua các chứng nhân sống động của
các Ki-tô hữu, để cùng nhau tiến tới Nước Trời.
- Chúa Giê-su đã ân cần giao phó một số việc hệ trọng cho
các chị em phụ nữ, hơn nữa, Mẹ Ma-ri-a rất hoàn hảo trong việc thực
thi sứ mệnh Ðồng Công Cứu Chuộc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi
thành phần xã hội, biết tôn trọng và phát huy vai trò của người
phụ nữ trong đời sống gia đình, xã hội và Giáo Hội ở mọi nơi.
- Nữ giới thì nhiều hơn nam giới; hơn nữa, xét về tâm lý giới
nữ có những đức tính đáng trân trọng. Chúng ta cầu xin cho giới nữ
biết quí trọng các đức tích cá biệt của mình, mà góp phần xây dựng
xã hội ngày càng tươi đẹp hơn; đồng thời xin cho mọi người chấm dứt
mọi tội ác lạm dụng nữ tính.
- Ðức Ma-ri-a là Mẹ phù hộ các giáo hữu và là Nữ Vương các
Thánh Tông Ðồ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể cộng đoàn Họ
Ðạo, biết sốt sắng sùng kính mến yêu Mẹ, theo gương nhơn đức của Mẹ
mà làm chứng nhân đáng tin cậy nhất, về những điều mà Tin Mừng loan
báo.
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã dùng sự chết và sống lại mà
gầy dựng cho nhân loại một kho tàng Cứu Ðộ đời đời; Chúa lại
truyền chúng con tiếp tục sứ mệnh phân phát ơn cứu độ cho muôn dân.
Chúng con nài xin Chúa khấn ban Thánh Thần cho mọi Ki-tô hữu, biết
vận dụng mọi khả năng Chúa ban, mà sống Ðức Tin và làm chứng về Ơn
Chúa Cứu Ðộ. Chúa hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
Lm. NGUYỄN VĂN HIỀN, Giáo Phận Vĩnh Long
CHỨNG
TỪ:
Dòng
Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Tê-rê-xa sáng lập năm 1949 tại Calcutta
Ấn-độ. Mẹ qua đời ngày 5 tháng 9 năm 1997, cách đây gần 5 năm. Và
Nữ Tu Nirmala, một trong các nữ tu đầu tiên của Dòng, là người kế vị
Mẹ Tê-rê-xa trong chức vụ Bề Trên Tổng Quyền điều hành toàn Dòng.
Chị Nirmala
thích sống âm thầm, tìm cách tránh mọi cuộc gặp gỡ với giới báo
chí; nhưng trong những ngày vừa qua, nhân dịp phái đoàn Công Giáo Ý
đến viếng thăm Calcutta, Chị đành phải tiếp đón và trong khi nói
chuyện, chị cho biết tình hình của Dòng sau khi Mẹ Tê-rê-xa qua đời.
Chị Nirmala, từ hơn 5 năm nay, lãnh nhận hướng dẫn toàn Dòng như gia
tài lớn lao và khó khăn Mẹ Tê-rê-xa để lại. Chị vẫn tin chắc chắn
rằng: "Mẹ vẫn còn sống giữa các chị em và chính Mẹ điều hành
cách thiêng liêng công việc của Dòng".
Chị
Nirmala sinh năm 1934 tại Banchi, trong Bang Bihar thuộc miền Ðông
Ấn-độ. Cha cha mẹ chị là người Nepal, theo Ấn Giáo. Chị Nirmala Joshi nghe
nói về Mẹ Tê-rê-xa lúc 24 tuổi. Do cuộc gặp gỡ riêng với Mẹ,
Nirmala đã từ Ấn Giáo trở lại Ki-tô Giáo. Chị Nirmala đậu tiến sĩ về
Khoa Chính Trị tại Ðại Học Ấn-độ và thi hành nghề luật sư trong ít
năm. Sau đó, xin vào Dòng các Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái và là một
trong các NữTu đầu tiên của Mẹ Tê-rê-xa, do chính Mẹ huấn luyện.
Lúc xin vào tu, Mẹ nói thẳng thắn với Nirmala cũng như với các thiếu
nữ khác: "Ðây là một đời sống gay go. Cô hãy về cầu nguyện
nhiều đi đã, rồi hãy quyết định". Sau khi đã cầu nguyện và
suy nghĩ, Nirmala nhất quyết xin theo Mẹ Tê-rê-xa. Sau khi khấn trọn
đời, Sr được gởi đi hoạt động tại Panama ( Trung Mỹ ), và tại nhiều
nước khác ở Châu Âu và tại Washington.
Trong
cuộc gặp gỡ phái đoàn Ý, chị Nirmala quả quyết: "Mẹ Tê-rê-xa
luôn luôn ở đây, luôn luôn ở giữa chúng tôi. Dĩ nhiên cách thiêng
liêng. Mẹ chỉ đổi nơi ở mà thôi, từ đất về trời".
Nhà
của các Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái ở Calcutta, nằm bên con đường xe cộ
đi lại tấp nập ngày đêm. Tiếng ồn ào làm điếc tai, thâu qua cả các
bức tường của Tu Viện; nhưng trong Nhà Nguyện nơi còn giữ những vật
kỷ niệm của Mẹ Tê-rê-xa, thì tiếng động hầu như không ngăn trở
chút nào việc cầu nguyện, suy ngắm. Còn tại nơi phần mộ của Mẹ
Tê-rê-xa, nơi sân trong của toà nhà, luôn luôn có bông hoa tươi và
chiếc đèn sáng. Từ gần năm năm nay, mộ của Mẹ trở nên nơi cầu
nguyện, kính viếng của các tín hữu Ki-tô, Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật
Giáo. Một Nữ Tu nói với phái đoàn Ý: "Họ đến đây cầu
nguyện mỗi ngày, và rất đông. Chúng tôi đón tiếp mọi người, bất
cứ thuộc tôn giáo nào và giai cấp nào".
Trong
cuộc gặp gỡ chớp nhoáng với phái đoàn Ý ngày 18.4.2002, khi phóng
viên nhật báo Công Giáo Ý "Tương Lai", đặt một số câu hỏi,
chị đã trả lời hết sức vắn tắt như sau:
Hỏi: Từ
sau khi Mẹ Tê-rê-xa qua đời, có sự gì đổi thay không ?
Ðáp: Ơn
Chúa vẫn tiếp tục ở giữa chúng tôi, giúp đỡ và che chở chúng tôi.
Hỏi: Vậy
Dòng Tu của các chị có gặp phải khó khăn trong vấn đề về ơn kêu
gọi không ?
Ðáp: Không
hề có. Các ơn kêu gọi mới không bao giờ thiếu. Dầu sao, chúng tôi
xin mọi người cầu nguyện, để các ơn kêu gọi thêm nhiều hơn nữa.
Hỏi: Vậy
Chị có thể làm gì để giúp đỡ các hoạt động của Dòng bên cạnh các người
nghèo khổ ?
Ðáp: Ở
đây thực ra người dân cần đủ mọi sự, nhưng chúng tôi không bao giờ
xin cái gì nơi các vị ân nhân. Chúng tôi biết rằng: những ai có khả
năng đều sẵn sàng dâng cúng cách quảng đại. Chúng tôi tin vào chân
lý này là Thiên Chúa biết đánh động tâm hồn con người và những
thành quả đã cho thấy rõ ràng.
Hỏi: Tại
Italia thì hiếm ơn kêu gọi, Chị có biết tại sao không ?
Ðáp: Tại
vì số sinh quá ít, gia đình không còn có nghị lực thông truyền các
giá trị cao quí cho con cái nữa. Ơn kêu gọi phát xuất trong gia đình,
nhưng quá nhiều gia đình tại Tây phương đang đi đến chỗ tan rã.
Hỏi: Nhưng
tại Ấn-độ lại khác sao ?
Ðáp: Gia
đình Ấn-độ còn có sự hiệp nhất.
Hỏi: Trong
thời đại này bị đánh dấu bằng bạo lực, chiến tranh và các cơn khủng
hoảng thế giới lớn lao, vậy các người thiện chí có thể phản ứng
bằng cách nào ?
Ðáp: Bằng
cầu nguyện nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn học hỏi tôn trọng các
quyền của người khác.
Xin
được nhắc lại vắn tắt lịch sử Dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái của Mẹ
Tê-rê-xa.
Ngày
19.3.1949, thiếu nữ đầu tiên đến gặp Mẹ Tê-rê-xa, khi ấy còn là
một Nữ Tu trẻ: "Thưa Mẹ, con đến để ở lại với Mẹ".
Thiếu nữ này là học trò của Mẹ, tên là Subashini Das. Mẹ trả lời: "Sẽ
là một đời sống gay go. Con hãy cầu nguyện nhiều, trước khi quyết
định".
Ðây
là bước đầu tiên Dòng của Mẹ Tê-rê-xa, Dòng các Nữ Tử Thừa Sai
Bác Ái với bộ áo sari trắng (áo sari theo phong tục Ấn-độ ), viền
xanh da trời. Từ đó, Dòng bắt đầu phát triển mạnh mẽ và năm 1965,
được Tòa Thánh công nhận "Dòng thuộc quyền Giáo Hoàng".
Hiện nay Dòng có trên 4.500 Nữ tu, sống trong hơn 600 nhà tại 130 quốc
gia trên thế giới. Có lẽ chưa có TuHội nào phát triển mạnh mẽ như
vậy, ngay lúc Vị sáng lập còn sống. Với sức mạnh của tình yêu, các
nữ tu này có thể len lỏi vào cả những nơi bị coi như "rất khó
khăn", như Trung Quốc, Việt Nam, Siberia, Cuba v.v...
Từ
ngày Mẹ qua đời, cách đây gần năm năm, Dòng đã mở thêm hơn 60 Nhà
mới. Ðiều có ý nghĩa hơn cả là việc mở một Nhà mới tại
Giê-ru-sa-lem, trong khu phố cổ kính. Dòng hiện có con số tập sinh
khoảng 200. Giữa cơn khủng hoảng về ơn kêu gọi của rất nhiều Tu Hội,
cách riêng tại Tây phương, việc phát triển của Dòng Mẹ Tê-rê-xa
phải coi như một phép lạ sống động trước mắt mọi người và một bài
suy ngắm sâu xa cho các vị trách nhiệm, cách riêng về các Dòng Tu.
Ngoài
các Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái, Mẹ Tê-rê-xa còn lập Tu Hội "Thừa
Sai Bác Ái" cho ngành nam. Hiện nay có khoảng 500 Tu Sĩ và Linh
Mục. Các vị ít được biết đến. Con số này đang hoạt động tại 20 quốc
gia khác nhau. Khẩu hiệu của các Nam Tu Sĩ này là: "Làm các
việc thường hằng ngày với lòng yêu mến khác thường, để danh Chúa
lan rộng thêm mãi".
Ðức Ông Phê-rô NGUYỄN VĂN TÀI
(Radio Veritas Asia)
CÂU TRUYỆN:
LỜI
TRĂN TRỐI
Tai nạn máy bay Boeing 747 của Hãng Hàng Không Nhật-bản vào
ngày 12.8.1985 đã được radio, TV và báo chí đề cập rất nhiều, vì có
đến 520 người thiệt mạng. Nhưng không như nhiều tai nạn máy bay khác
đã xảy ra cách bất ngờ không kịp phản ứng, trái lại phi hành đoàn
cũng như hành khách trên chiếc Boeing 747 này biết rõ họ gặp nạn,
máy bay của họ không thể điều khiển được và họ còn một ít thời
giờ trước khi chết, nên mấy người đã lấy viết ghi lại các lời trối
trăng của họ.
Trong số này có ông Kawaguchi đã viết được 17
giòng chữ ngắn trên cuốn lịch nhỏ như cuốn sổ bỏ tui. Ông viết cho
vợ: "Thôi, vĩnh biệt ! Em nhớ lo
lắng săn sóc con cái." Ông khuyên 3 người con, hai gái một trai
rằng: "Các con phải hòa thuận với
nhau, phải cố gắng làm việc và giúp đỡ mẹ." Riêng với cậu con
trai út tên Tsuyoshi, ông viết: "Cha
đặt nhiều hy vọng nơi con."
Người
thứ hai là kiến trúc sư Kazuo Yoshimura chỉ viết được mấy chữ trên
một tấm giấy: "Tôi muốn cả gia đình
được mạnh khỏe".
Người
thứ ba là một nhà kinh doanh tên là Masakazu Tamaguchi đã viết cho tỉnh
Osaka, cho thành phố Min và cho vợ tên là Machiko như sau: "Xin nuôi nấng, săn sóc mấy đứa con
tôi".
Người ta khi biết mình sắp chết thường trối
trăn, căn dặn người còn sống những điều phải làm, ủy thác cho họ
những công việc còn dở dang, gởi gắm con cái cho người khác săn sóc
v.v... Ðức Giê-su trong diễn từ cáo biệt trước khi tự nguyện nộp
mình, đã căn dặn các môn đệ: Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy
đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy.
Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ
được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em
ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của
Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ
được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ
mình ra cho người ấy."
Rồi
vào lúc lâm tử trên Thập Giá, Ðức Giê-su cũng có nói 7 lời cuối
cùng mà hai trong bảy lời nói đó như sau: Ðối với kẻ đóng đinh Ngài: "Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết
mình làm điều gì" (
Lc 23, 34 ). Ðối với kẻ cướp ăn năn: "Hôm nay anh sẽ
được ở với tôi trong Nước Trời" ( Lc 23, 43 ).
Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI tập 8
Một buổi tối nọ, Mẹ Tê-rê-xa thành Calcutta tiến lại gần
một người mà người ta vừa mang vào căn nhà dành cho những người hấp
hối. Ðó là một lão bà. Mình phủ đầy những mảnh giẻ rách, nước da
đen đầy những vết thương hôi thối. Mẹ Tê-rê-xa đã chùi rửa các vết
thương và chăm sóc để ngừa bị nhiễm trùng. Nhưng người đàn bà đáng
thương này đang hấp hối... có lẽ khó mà qua khỏi, do đó tốt hơn là
nên tìm cách an ủi lần cuối cùng bằng một chén canh nóng và tràn
đầy tình thương yêu.
Người
đàn bà đáng thương ấy sững sờ nhìn và hỏi Mẹ Tê-rê-xa bằng một
giọng thều thào: "Tại sao bà lại làm như vậy ?" Mẹ
Tê-rê-xa trả lời: "Bởi vì tôi rất yêu mến bà..."
Một tia sáng hạnh phúc, dù vẫn còn pha
chút nghi ngờ, phát xuất từ tận đáy lòng, đã ngời lên khuôn mặt
gầy gò của người đàn bà, nơi dấu ấn của tử thần đã bắt đầu xuất
hiện. Bà ấy khẩn khoản: "Ôi bà hãy nhắc lại một lần nữa đi
!"
Mẹ Tê-rê-xa lập lại bằng một giọng điệu rất dịu dàng: "Tôi
rất yêu mến bà". Người đàn bà đang bước vào cõi chết xiết
chặt tay Mẹ Tê-rê-xa và kéo về phía bà ta, như muốn lắng nghe rõ
hơn, nghe với niềm hạnh phúc tràn trề những lời lẽ tuyệt vời nhất
trên cõi đời: "Hãy nhắc lại, hãy nhắc lại đi bà..."
Bằng chính tình yêu của mình, Mẹ Tê-rê-xa
đã biết nhìn sự suy sụp của tình người, Mẹ đã biết khám phá ra cái
thực thể thiêng liêng Mầu Nhiệm của những con người nghèo hèn xấu
số nhất. Chúng ta cũng hãy luôn nhìn mọi người bằng chính cái nhìn
yêu thương và tôn trọng của chính Chúa đối với mọi người...
BÀN TAY YÊU THƯƠNG
Trong
một tiết dạy vẽ, cô giáo bảo các em học sinh lớp Một vẽ tranh về
điều gì đã làm các em thích nhất trong đời. Cô thầm nghĩ: chắc rồi
các em cũng lại vẽ những gói quà, những cốc kem hoặc những món đồ
chơi, quyển truyện tranh. Thế nhưng cô giáo đã hoàn toàn ngạc nhiên
trước một bức tranh lạ của Douglas: bức tranh vẽ một bàn tay !
Nhưng đây là bàn tay của
ai ? Cả lớp bị lôi cuốn bởi hình ảnh đầy biểu tượng này. Một em
đoán: Ðó là bàn tay bác nông dân. Một em khác cự lại: bàn tay thon
thả thế này phải là bàn tay của một bác sĩ giải phẫu... Cô giáo
đợi cả lớp bớt xôn xao dần rồi mới hỏi chính tác giả. Douglas nhoẻn
miệng cười ngượng nghịu trả lời: "Thưa cô, đó là bàn tay
của cô đấy ạ !"
Cô giáo bần thần ngẩn
ngơ, cô nhớ lại trong những phút ra chơi, cô thường dùng bàn tay để
dắt Douglas bước ra sân, bởi em là một em bé có khuyết tật, khuôn
mặt em không được xinh xắn như các trẻ khác, gia cảnh em lại từ lâu
lâm cảnh ngặt nghèo. Cô chợt hiểu ra, tuy cô cũng vẫn làm điều
tương tự với các em khác, nhưng hóa ra đối với Douglas, bàn tay của
cô lại mang một ý nghĩa sâu xa, một biểu tượng của tình yêu thương.
Dựa theo LỜI
HẰNG SỐNG 1.2000.
THÔNG TIN:
- Bạn MK Thanh Thư ( Việt Nam ) giúp người
nghèo ............................................................................................... 250.000 VND
- Bạn MK Văn Khoa ( Việt Nam ) giúp người
nghèo ................................................................................................. 250.000 VND
- Vợ chồng bạn MK Thế Ðịnh và Minh Châu (
Việt Nam ) giúp học bổng các em nghèo ............................... 500.000 VND
- Một Linh Mục ẩn danh ( Việt Nam ) giúp
người nghèo ......................................................................................... 500.000 VND
- Bạn Hồ Thị Diệu Vân ( Việt Nam ) giúp
người nghèo ........................................................................................... 150.000 VND
- Bạn Nguyễn Linh Chi ( Pháp ) giúp người
nghèo ........................................................................................................... 50 EURO
Thầy Trần Xuân Sang, Dòng Ngôi Lời, giới thiệu hoàn cảnh gia đình anh NGUYỄN
VĂN PHƯƠNG, 40 tuổi và chị TRẦN THỊ MINH, 38 tuổi. Anh
Phương tuy chưa già, làm nghề nông, nhưng lại thường xuyên đau bệnh và
thiếu nợ tiền ngân hàng. Chị Minh phải một tay quán xuyến gia đình và
lo nuôi dạy các con ăn học, nhưng đến nay gần như đuối sức.
1.
Nguyễn Thị Mai
Thảo, sinh năm 1985, đang học
lớp 11
2. Nguyễn Thị Aùnh Nguyệt, sinh năm 1987, đang học lớp 9
3. Nguyễn Ðức Hoàng, sinh năm 1990, đang học lớp 6
4. Nguyễn Thị Mai Linh, sinh năm 1993, đang học lớp 3
5. Nguyễn Hoàng Ðức, sinh năm 1995, đang học lớp 1
6. Nguyễn Thị Kim Thanh, sinh đôi với cháu Ðức năm 1995, cũng đang
học lớp 1.
Gospelnet xin trợ giúp mỗi em 50.000 VND một
tháng, trong 2 tháng 5 và 6 năm 2002, tổng cộng là: 600.000 VND.
Rất mong quý độc giả gần xa nhận trợ giúp thêm cho gia đình anh chị
Phương.
Theo thông tin của bạn Hồ Thị
Diệu Vân, các Sr. Dòng Nữ Tử Bác Ái tại Suối Nho, huyện Ðịnh
Quán, tỉnh Ðồng Nai, đang rất cần được trợ giúp để đào 3 miệng
giếng cho một buôn làng dân tộc ở ấp 8, xã Xuân Bắc. đang bị
hạn hán trầm trọng, có nguy cơ thiếu cả nước để uống. Tổng chi phí
dự trù phải hết 15.000.000 VND, vì phải vào sâu trong rừng mới có vị
trí đào giếng có nước tốt. Ðến nay, các Sr. chỉ mới có được 5.500.000
VND. Gospelnet xin trợ giúp trước mắt số tiền là 200 USD ( 3.000.000
VND ) và 1 bao quần áo cũ còn khá tốt. Rất mong quý ân nhân gần
xa hỗ trợ thêm.
Lm. Nguyễn Hữu An,
Giáo Phận Phan Thiết, kêu gọi trợ giúp tập vở cho các em học sinh
người dân tộc Châu Ro ( 58 hộ Công Giáo / 200 hộ dân ) cũng như cho các
em học sinh người Kinh ở một làng Kinh Tế Mới ( 750 người Công Giáo /
2.000 dân ) nằm trong địa bàn ngài đang phục vụ. Tất cả đồng bào
lương giáo ở đây đều rất nghèo. Gospelnet xin chia sẻ ngay đợt đầu số
lượng 300 cuốn vở học sinh loại 100 trang.
Cha Giu-se Ðỗ Hiệu, Trưởng Ban Phát Triển
Giáo Phận Kontum, Hạt Trưởng Giáo Hạt Kontum, giới thiệu một dự án
của các Sr. Dòng Ảnh Vảy Phép Lạ ( Médaille Miraculeuse ) cần
được trợ giúp. Cô nhi viện Vinh-sơn 2 hiện nay do Sr. Scholastique Y-CHENH phụ
trách có 168 em dân tộc, mồ côi ( đa số được các nữ tu trong
Dòng cứu thoát chết, do hủ tục ở một số làng dân tộc xa bắt chôn
trẻ em mới sinh ra theo người mẹ, nếu người mẹ qua đời do khi sinh các
em ấy ), từ sơ sinh đến lớn. Hằng ngày các cháu được lo liệu việc
ăn, học, sách vở, áo quần, đồng phục, thuốc men... Ngoài ra, các Sr.
còn nuôi các cháu khuyết tật, sơ sinh.
Cô Nhi Viện vẫn đang được Hội ALSO-VN tại
Pháp giúp đỡ gạo, nhưng không đủ, mỗi tháng vẫn bị thiếu hụt. Các
Sr. cùng các em lớn phải canh tác thêm khoai mì, đậu, rau xanh. Cũng
có một số ân nhân và nhóm từ thiện từ Sài-gòn thỉnh thoảng lên
thăm, nhưng không có tính cách lâu dài, nên các cháu rất thiếu
thốn. Các Sr. rất mong được trợ giúp để thực hiện một dự án
chăn nuôi heo, để tăng thêm thức ăn cho các cháu, nhất là các
cháu bé, mẫu giáo, các cháu suy dinh dưỡng. Từ số vốn này, các Sr.
hy vọng dự án sẽ được lâu bền và từ đó có thể tự túc một phần
cho các chi phí của Cô Nhi Viện và đỡ gánh nặng cho Giáo Phận.
Tổng số trẻ: 168 em ( Từ 0 đến 3 tuổi: 17 em; Từ 4 đến 6 tuổi:
16 em; Từ 7 đến 10 tuổi: 72 em; Từ 11 đến 16 tuổi: 47 em; Từ 17 trở
lên: 16 em ).Trong đó, số trẻ đang đi học là 148 em gồm: Cấp I:
81 em; Cấp II: 25 em; Cấp III: 10 em; Mẫu Giáo: 28 em; Học nghề: 04 em.
Số các em còn lại gồm: Nhà Trẻ: 12 em; Sơ sinh: 5 em; Câm: 3 em. Nữ
Tu phụ trách: 6 chị. Người giúp việc: 14 người.
Nội dung dự án chi tiết như sau:
1. Vật
liệu xây dựng: ( chuồng dài
10m x rộng 4m x cao 2.50 m )
- xi măng 30 bao x 45.000 = ........................................................ 1.350.000
VND
- cát 8 khối x
25.000 = ................................................................... 200.000 VND
- gạch ống ( 6 lổ
) 6.000 v x 250 = ............................................ 1.500.000 VND
- ngói 1.000 v x 370
= ..................................................................... 370.000 VND
- Ðá 4 x 6 2 khối x
50.000 = ......................................................... 100.000 VND
- lưới B 40 ( rào )
15 m x 30.000 = ................................................ 450.000 VND
- Ðòn tay 7 x 14 x
30 m x 20.000 = .............................................. 600.000 VND
- Rui 4 x 6 x 32 cây
( 4m ) x 5.000 = ............................................ 640.000 VND
- Mè 2 x 3 = ....................................................................................... 240.000 VND
- Ðinh 8+ 5 +3 x 5
kgs x 7.000 = ...................................................... 35.000 VND
- Công thợ 60 công
x 30.000 = .................................................. 1.800.000 VND
- Chảo nấu cám heo
2 cái = ........................................................... 350.000 VND
- Xây bếp nấu 2
cái = ...................................................................... 280.000 VND
Tổng cộng: ................................................................................... 7.915.000 VND
2. Heo
giống:
- Heo nái : 2 con x 750.000 = ..................................................... 1.500.000 VND
- Heo thịt : 15 con x
400.000 = .................................................. 6.000.000 VND
3. Thực
phẩm:
- Cám gạo 5 kgs x 1.500 x 90 ngày = .......................................... 675.000 VND
- Sắn mì 5 kgs x
1.200 x 90 ngày = .............................................. 540.000 VND
- Bột bắp 5 kgs x
1.800 x 90 ngày = ............................................ 810.000 VND
- Thực phẩm gia
súc 10 kgs x 2.800 x 90 = ............................. 2.526.000 VND
- Thuốc bệnh ( ước
lượng ) = ........................................................ 300.000 VND
- Rau ( tự túc )
Tổng cộng cả 3 khoản: ........................... 20.266.000 VND ( khoảng 1.350 USD )
Gospelnet đã gửi dự án này sang Pháp và
bước đầu nhận được hồi âm rất vui: Các bác sĩ Bích Ðào, Minh Hiển, Mỹ Vân... và một
số quý ân nhân khác đã nhận lời trợ giúp mục số 2 về heo
giống ( khoảng 8.000.000 VND ). Khi tiền trợ giúp gửi về, chúng
tôi sẽ thông tin đầy đủ hơn. Kính mong quý độc giả gần xa trợ giúp
thêm các mục còn lại để các Sr. sớm có thể bắt tay vào thực hiện
dự án phục vụ các cháu mồ côi đáng thương. Xin liên hệ với chúng
tôi theo địa chỉ E-Mail: ttmvdcct@fptnet.com
hoặc điện thoại của Lm. Lê Quang Uy, DCCT, số 0903.34.09.14. Hoặc
quý vị cũng có thể liên hệ trực tiếp với Toà Giám Mục Giáo
Phận Kontum, 56 Trần Hưng Ðạo, Kontum, và với Nữ-Tu Y-Chenh, 14,
Nguyễn Huệ, Kontum.
Như Gospelnet số 49 ra ngày 24.2.2002 đã
thông tin, lần này Gospelnet xin tiếp tục gửi số tiền 700.000 VND
đến Sr. Nguyễn Thị Ánh, Dòng Ða-minh Rosa Lima để lo cho 14 em học
sinh trong chương trình mang tên "Học Bổng Xuân Hiệp" trong tháng
4 của năm 2002. Học bổng này do 3 bạn trẻ, 1 Linh Mục và 5 đôi
vợ chồng trong Nhóm Mai Khôi ( MK ) ở Việt Nam, nhận trợ giúp đều
đặn hằng tháng cho mỗi em học sinh nghèo được 50.000 VND đã bắt đầu
từ tháng 1 năm 2001 cho đến nay.