TIN MỪNG: Ga 14, 1 - 12
Khi ấy Ðức Giê-su bảo các môn đệ: "Lòng
anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong
nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh
em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em,
thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em
cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi."
Ông Tô-ma nói với Ðức Giê-su: "Thưa
Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được
đường ?" Ðức Giê-su đáp: "Chính Thầy là con đường, là
sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua
Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy. Ngay từ
bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."
Ông Phi-líp-phê nói: "Thưa Thầy, xin
tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện". Ðức
Giê-su trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh
Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao
anh lại nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha ? Anh không tin rằng
Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy
nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Ðấng luôn
ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin
Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không, thì
hãy tin vì chính các việc kia vậy. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin
vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người
đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha."
SUY
NIỆM 1:
Phúc Âm Thánh Gio-an
chương 14 là lời tâm sự của Chúa Giê-su với các môn đệ. Nó có cấu
trúc xoay quanh cuộc trở về với Chúa Cha của Chúa Con và vai trò độc
nhất của Chúa Con trong việc đưa dẫn các môn đệ về với Chúa Cha.
Tô-ma và Phi-líp-phê đã hỏi Chúa 2 câu
và Chúa đã mạc khải 2 chân lý hết sức quan trọng:
-
Thầy là đường là sự thật và là sự sống,
không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.
-
Ai thấy Thầy là thấy Cha; Thầy ở trong Cha
và Cha ở trong Thầy.
Chỉ có thể đạt tới Cha khi chúng ta đi theo
Ðấng tự nhận là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Và cũng không
ai có thể tuyên xưng Ðức Giê-su là Chúa mà lại không do Thánh Thần.
Hiểu biết đích thực về Cha và Con mang dấu ấn Thánh Thần. Chính trong
Thánh Thần mà Thiên Chúa là Cha và Ðức Giê-su là Con ( x. Gm. Bùi
Văn Ðọc, Thiên Chúa Cha, Ðấng giàu lòng thương xót, trang 184 ). Thiên Chúa mà mọi tín hữu tôn
thờ và yêu mến hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn, chính là
Thiên Chúa hiện thân nơi Ðức Giê-su Ki-tô "Ai thấy Thầy là thấy
Cha" ( Ga 14, 9 ) vì "Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy" (
Ga 14, 10 ).
Toàn bộ Lịch
Sử Cứu Ðộ được xây dựng
trên tương quan Cha - Con " Chúa Cha
yêu Chúa Con". Hai chữ Tình Yêu là
cách diễn tả sâu thẳm nhất tương qua Cha- Con. Tình yêu đó được Chúa
Giê-su thể hiện qua đời sống nhân hậu, bao dung vô bờ của Ngài. Lời
nói việc làm của Ngài chính là lời nói việc làm của Chúa Cha ( Ga
14, 10 ). Toàn bộ cuộc đời của Ngài được Chúa Cha chiếm ngự. Ngài
như tấm gương trong suốt phản chiếu khuôn mặt và trái tim Chúa Cha.
Chúa Giê-su dạy cho
chúng ta biết về Chúa Cha bằng nhiều cách: bằng lời nói, bằng việc
làm, nhưng nhất là chính phận làm Con. Nhiều lần và bằng nhiều cách
khác nhau, Ðức Giê-su đã nói với con người về Thiên Chúa là Cha,
Ðấng mà họ phải tin tưởng phó thác ( Mt 6, 32 ), noi gương ( Mt 5, 45 -
48 ), nguyện cầu ( Lc 11, 2 ), phải tôn thờ vì Ngài là Chúa trời đất
( Mt 10, 28 ), là Cha đầy quan tâm ân cần ( Mt 6, 25 - 32 ) và đặc biệt
gần gũi với những kẻ tội lỗi ( x. sđd tr.
191 ).
Ðiều kỳ diệu và tuyệt vời là chính Ðấng Tuyệt Ðối, Ðấng
Toàn Năng, Cao Cả, Chí Thánh Chí Tôn và Hằng Hữu đã có thể trở
thành tương đối, thấp hèn, bạn với quân thu thuế với phường tội
lỗi, cuối cùng phải chết khổ hình. Nơi Ðức Giê-su, sự uy nghi của
Thiên Chúa tỏ hiện trong khiêm tốn và yếu đuối cách nghịch thường.
Ðiều đó sự khôn ngoan của bậc hiền triết không lý giải được, nhưng
nói như Pascal, trái tim lại hiểu được vì nó có lý lẽ riêng của nó.
Thiên Chúa của Ðức Giê-su không
phải là Thiên Chúa ngự trên toà cao cho người ta sấp mình thờ lạy
mà không dám nhìn đến tôn nhan, không dám gọi tên mà chỉ dám cầu
xin với niềm sợ hải. Thiên Chúa của Ðức Giê-su dễ gần, dễ thấy,
dễ quen. Thiên Chúa hiện diện nơi con người Ðức Giê-su khiêm hạ.
Chính Ngôi Lời làm người đã chọn máng cỏ làm tổ ấm lúc chào đời,
đã chọn xóm làng Na-da-rét làm nơi sinh sống, đã chọn những kẻ thấp
hèn trong xã hội làm bầu bạn, đã quỳ gối rửa chân cho các Môn Ðệ,
rồi chọn cây thập giá làm giường khi chết cùng với hai kẻ cướp làm
bạn đồng hành đi vào thế giới bên kia. Thiên Chúa làm người đã
chọn nhà Da-kêu để tạm trú, chọn người thiếu phụ Sa-ma-ri để gặp
gỡ đối thoại, đã chấp nhận cử chỉ biết ơn của người phụ nữ tội
lỗi Ma-đa-lê-na, đã chọn kẻ trộm lành làm ứng viên đầu tiên vào
Thiên Ðàng, đã chọn Phao-lô kẻ bắt bớ Giáo hội làm Tông Ðồ Dân
Ngoại...
Quả thật Thiên Chúa của Ðức Giê-su chẳng giống tí nào với
Thiên Chúa các đạo binh của Ít-ra-en. Người Do-thái nghĩ rằng Thiên
Chúa chỉ về phe với dân Người chọn, chỉ bênh vực những người Do-thái
ngoan Ðạo và lên án nguyền rủa, trừng phạt các dân ngoại cùng
người tội lỗi. Thiên Chúa của Ðức Giê-su không về phe với kẻ cầm
quyền độc ác, người giàu có ích kỷ hay người đạo đức giả. Vì thế
các bậc kinh sư, tư tế, kỳ lão trong dân không chấp nhận Thiên Chúa
ấy mà trái lại họ đã giết Ðức Giê-su để bảo vệ Thiên Chúa của
họ. Họ đã giết Ðấng Thánh để bảo vệ đền thờ, đã chà đạp và xoá
bỏ "hình ảnh Thiên Chúa vô hình"
( Cl 1, 15 ) để bảo vệ Thiên Chúa của lề luật.
Thiên Chúa
của Ðức Giê-su, Thiên Chúa của chúng ta cũng không phải là Thiên
Chúa của các triết gia, không phải là Thiên Chúa của các nhà du
hành vũ trụ tìm kiếm mà là Người Cha nhân hậu, từ bi, đầy lòng
thương xót. Người chỉ muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế. Người
không phải là Người Cha nghiêm khắc độc đoán, Người Cha dễ tính xuề
xoà mà là Người Cha yêu thương, tha thứ. Một Người Cha chuẩn bị sẵn
sàng quần áo, giày dép, nhẫn đeo tay và vỗ béo con bê chờ sẵn đứa
con hoang đàng trở về và hơn thế nữa còn ra ngoài ngóng trông rồi
vui sướng tiến về phía con đón nó vào lòng hôn lấy hôn để ( Lc 15,
11 - 32 ). Lòng nhân hậu được tỏ bày khi tha thứ. Thánh Phao-lô là
người cảm nhận sâu xa lòng từ bi, nhân hậu, thứ tha ấy ( 2 Cr 3, 7 -
11 ).
"Thiên Chúa không ai thấy bao giờ, Con Một,
Ðấng ở nơi cung lòng Cha, chính Người đã thông tri" ( Ga 1, 18 ). Con người có thể biết Thiên
Chúa qua công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ, nhưng chưa ai thấy
khuôn mặt Ngài. Chính Chúa Con tỏ bày cho nhân loại biết sự thật
sâu xa của Thiên Chúa "Ai thấy Thầy là thấy Cha". Qua cuộc
sống và lời giảng dạy, Chúa Giê-su đã chỉ cho nhân loại thấy Chúa
Cha, một Thiên Chúa là Cha nhân hậu từ bi, đầy lòng xót thương, tha
thứ và còn hơn thế nữa Chúa Giê-su là Con đường độc nhất dẫn đến
Cha "Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy" ( Ga 14, 6 ).
Mọi con đường cứu độ đều phải đi vào Con Ðường Giê-su. "Thiên
Chúa không ban một danh nào khác dưới bầu trời, để nhờ danh đó mà
chúng ta được ơn cứu độ" ( Cv 4, 12 ). Nhân loại được cứu độ nhờ
Danh Ðức Giê-su.
Ðức Giê-su đã về
với Chúa Cha trong vinh quang Phục Sinh, sau khi đã sống một đời yêu
thương tự hiến. Cuộc đời Ðức Giê-su trở thành con đường cho chúng ta
đi. Ðọc và suy niệm Tin Mừng trong tin yêu, Chúa sẽ dạy chúng ta nghĩ
gì, nói gì, làm gì. Khi đi vào con đường Chúa đã đi qua chúng ta cũng
trở nên nẻo đường cho anh chị em mình, nẻo đường dẫn lối về Thiên
Chúa là Cha yêu thương.
Trước khi rời
các môn đệ để về với Chúa Cha sau khi Chúa Giê-su Ki-tô từ trong kẻ
chết sống lại. Ngài đã dặn dò, đã giới thiệu với các môn đệ và
cho toàn thể nhân loại Ngài là Cửa chuồng chiên, ai không qua Ngài
sẽ không vào được nước trời, sẽ không đạt được Thiên Chúa. Ngài
chính là hình ảnh của Chúa Cha nhân hậu, Ngài thật là Mục Tử Tốt
Lành. Hôm nay, Chúa Giê-su loan báo Ngài sẽ về với Cha của Ngài và
Ngài chính thức giới thiệu Chúa Cha cho các môn đệ và mọi người.
I. CHÚA GIÊ-SU LOAN BÁO VIỆC RA
ÐI CỦA NGÀI:
Sau khi
phục sinh, Chúa Giê-su nhiều lần đã hiện ra với các môn đệ, Ngài
đã chứng tỏ cho các ông thấy Ngài đã sống lại từ cõi chết, Ngài
đã cho các ông thấy các lỗ đinh ở hai bàn tay, hai bàn chân và cạnh
sườn Ngài bị đâm thâu qua. Ngài đã ban bình an, đã an ủi các ông và
điều chứng minh hùng hồn nhất Ngài cùng ăn, cùng bàn với các môn
đệ. Qua những cử chỉ quen thuộc, qua cung cách trước khi còn sống ở
trần gian, các môn đệ đã nhận ra Thầy của mình. Chúa Giê-su vẫn
tiếp tục dạy dỗ các môn đệ ( Cv 1, 3 ) và động viên các môn đệ
giữ vững niềm tin. Giờ phút này, Chúa Giê-su nói với các môn đệ
của Ngài những điều thật tâm huyết vì rằng trong bữa tiệc ly trước
khi Ngài chịu chịu chết, Ngài đã biết rõ Giu-đa sẽ phản nộp Ngài ( Ga
18, 2 - 3 ), về việc Ngài sẽ ra đi dứt khoát ( Ga 13, 33 ) và về việc
Phê-rô chối Ngài ba lần ( Ga 13, 38 ).
Chúa Giê-su nhìn trước sự việc Ngài sẽ
không còn hiện diện cách bằng xương bằng thịt với các môn đệ nữa,
nên Ngài đã trấn an các môn đệ vì khi trở về với Chúa Cha, các môn
đệ đang hoang mang xao xuyến đứng trước viễn cảnh mồ côi, cô đơn, lẻ
loi giữa một thế giới đầy thù nghịch... Chúa nói: "Lòng các
con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy" ( Ga
14, 1 ). Chúa Giê-su chỉ cho các môn đệ hiểu rõ rằng Ngài ra đi về
với Chúa Cha sẽ giúp các môn đệ có sự khăng khít với Ngài và với
Cha của Ngài vì chính Ngài là Ðường, là sự Thật và là sự Sống ( Ga
14, 6 ).
Chúa Giê-su ra đi quả
thực có ích cho các môn đệ của Ngài, bởi vì Ngài có trở về với
Chúa Cha, Ngài dọn chỗ cho các môn đệ để: "Thầy ở đâu, các
môn đệ cũng ở đó" ( Ga 14, 3 ). Chúa Giê-su nhấn mạnh với các
môn đệ: "Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi" ( Ga 14, 4
). Tô-ma băn khoăn tự hỏi và thưa với Ðức Giê-su: "Thưa Thầy,
chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường"
( Ga 14, 5 ). Chúa Giê-su trả lời: "Chính Thầy là con đường,
là sự Thật và là sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không
qua Thầy" ( Ga 14, 6 ).
Chúa Giê-su là Ðường, là sự Thật và là
sự Sống vì Ngài là hiện thân của Chúa Cha. Ngài được sai tới trần
gian để giới thiệu cho nhân loại biết về Chúa Cha và qua Ngài, nhân
loại đạt được hạnh phúc vĩnh cửu, được thông dự vào sự sống trường
sinh của Ngài. Chúa hứa với các môn đệ: "Thầy sẽ không bỏ các
con mồ côi, Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế" (
Ga 14, 18 ). Chúa bảo đảm với các môn đệ: "Thầy sẽ xin Cha và
Người sẽ ban cho các con một Ðấng phù trợ khác, để Ngài ở với các
con luôn mãi" ( Ga 14, 16 ).
II. CHÚA GIÊ-SU CHỈ CHO MÔN ÐỆ
VÀ MỌI NGƯỜI BIẾT CHÚA CHA:
Trong đời sống phục vụ, rao giảng Tin Mừng
Cứu Ðộ, Chúa Giê-su đã nhiều lần nói đến Chúa Cha: "Con
không thể tự mình làm điều gì, nhưng mọi sự đều vì đã trông thấy Cha
làm" ( Ga 5, 19 ). Nơi khác, Chúa Giê-su nói: "Ta và Cha Ta
là một" ( Ga 10, 30 ). Còn hôm nay, tông đồ Phi-líp-phê khi nghe
Chúa nói về Cha, đã nhanh nhảu lên tiếng: "Thưa Thầy, xin tỏ
cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện" (
Ga 14, 8 ). Ðức Giê-su trả lời: "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha"
( Ga 14, 9 ).
Ðiều này gợi cho chúng
ta thấy tại sao Mô-sê không dám nhìn Chúa trong bụi gai cháy đỏ. "Không
ai có
thể thấy Thiên Chúa mà còn sống được". Thực tế, con người
chỉ có thể diện đối diện với Thiên Chúa qua cuộc sống đời sau nghĩa
là chỉ qua sự chết, bên kia cuộc sống này, con người mới thấy tỏ
tường vinh quang và nhan thánh Chúa. Quả thực, đã lỗi thời rồi khi
người ta diễn tả một Thiên Chúa hay ghen, hung dữ, hay giáng phạt hơn
là chạnh lòng thương xót. Thiên Chúa mà Chúa Giê-su giới thiệu là
một Thiên Chúa nhân từ, hiền lành, khiêm nhượng.
Ðức Giê-su là hình ảnh sống động, hoàn
hảo nhất của Chúa Cha vì Ngài kết hợp mật thiết, thâm sâu với Chúa
Cha, nên cuộc sống, công việc, cử chỉ, hành vi, thái độ, lời nói
của Chúa Giê-su là hình ảnh toàn vẹn nhất của Chúa Cha. "Thầy ở
trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy" ( Ga 14, 11 ). "Ðấng
Ta sẽ gởi đến từ nơi Cha, là Thần Khí sự thật, từ nơi Cha xuất phát
ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta" ( Ga 15, 26 ).
III. CHÚA GIÊ-SU TIẾP TỤC CÔNG
VIỆC CỦA NGÀI NƠI TRẦN GIAN QUA CÁC MÔN ÐỆ:
Khi mặc khải Chúa Cha cho
các môn đệ, khi chỉ cho các ông thấy Chúa Cha, các môn đệ qua sự soi
sáng của Chúa Thánh Thần đã hiểu thế nào là Chúa Cha, Chúa Con và
Chúa Thánh Thần: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép
rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" ( Mt 28, 19 ). Lệnh
của Chúa phục sinh đã chỉ ra rằng: "Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần là một". Chúa phục sinh đã vén mở Cho các môn
đệ về cuộc hành trình, cuộc sống mới của các ông sẽ ra thế nào,
sẽ ra làm sao khi Chúa về với Cha Ngài. Chúa Giê-su sống lại nói: "Thật,
Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được
những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi
vì Thầy đến cùng Chúa Cha" ( Ga 14, 12 ).
Chúa Giê-su về Trời, về với Cha của Ngài,
nhưng các môn đệ vẫn tiếp tục sứ mạng cứu thế của Ngài
Nơi trần gian này, như thế, các Ngài tiếp tục làm công việc của
Chúa đã làm vì Chúa Phục Sinh không ngần ngại đồng hóa cuộc sống
của mình với cuộc sống của các môn đệ đang còn tiếp tục việc cứu
thế của Chúa nơi thế gian này. Cuộc sống mà Chúa Phục Sinh đã kinh
qua cũng là lời mời gọi mọi người Ki-tô hữu hãy đi vào để Chúa Cha
được tôn vinh nơi Chúa Con ( Ga 14, 13 ).
Lạy Chúa Giê-su, xin cho
mọi người chúng con luôn xác tín rằng: "Chúa là Ðường, là Sự Thật
và là sự Sống" ( Ga 14, 6 ). Xin Chúa ban cho nhân loại này biết nhận
ra Chúa là khuôn mẫu lý tưởng của đời sống mọi người. Xin cho chúng
con cảm nghiệm và nhận ra ý Chúa: "Ta và Cha Ta là một".
1. "THẦY ÐI LÀ ÐỂ DỌN CHỖ
CHO ANH EM" Ở "TRONG NHÀ CHA THẦY"
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giê-su cho
biết Ngài "đi là để dọn chỗ cho anh em" ở "trong nhà
Cha Thầy". Ðây là một trong những lời cáo biệt của Ngài với
các môn đệ trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn và chết trên thật
giá. Vì thế, chữ "đi" ở đây có nghĩa là đi vào đau khổ và
cái chết. "Dọn chỗ cho anh em... trong nhà Cha Thầy" có
nghĩa là chuẩn bị sự sống đời đời cho con người. Như vậy, Ðức Giê-su
đã dùng sự đau khổ và sự chết để chuẩn bị sự sống đời đời cho con
người. Nói cách khác, nhờ đau khổ và cái chết, Ngài trở thành con
đường dẫn tới sự sống đời đời.
Ngài đã phải đau khổ và chết mới có thể
đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Phần chúng ta, để hưởng được
sự sống đời đời ấy, chúng ta cũng phải góp một phần nào hy sinh và
đau khổ của mình vào khi quyết tâm sống phù hợp với sự đòi hỏi của
tình yêu. Tình yêu ở đây là tình yêu đối với Thiên Chúa được cụ
thể hóa thành tình yêu đối với tha nhân. Tình yêu luôn đòi hỏi phải
được chứng tỏ cụ thể bằng đau khổ và hy sinh. Không chấp nhận đau
khổ và hy sinh cho ai hết có nghĩa là không yêu ai cả. Nhưng yêu cũng
là... chấp nhận sự khác biệt của người mình yêu.
2. "TRONG NHÀ CHA THẦY, CÓ
NHIỀU CHỖ Ở"
Ðức Giê-su phải chịu đau
khổ và chết không phải chỉ để cứu rỡi hay đem lại sự sống đời đời
cho một mình ta, hay nhóm của ta, cộng đoàn của ta, Giáo Hội của ta,
hoặc những người có cùng khuynh hướng với ta. Ngài muốn cứu tất cả
mọi người, mọi khuynh hướng, mọi cộng đoàn, mọi tập thể... khác
nhau. Thánh Phao-lô viết: "Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng ta,
muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" ( 1 Tm
2, 4 ). Ðiều đó đã được Ðức
Giê-su tỏ cho biết trong câu: "Trong nhà Cha Thầy, có nhiều
chỗ ở". "Nhiều chỗ ở" có nghĩa là dung nạp được
nhiều: nhiều người, nhiều chủng tộc, màu da, khuynh hướng ( chính trị,
kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm linh, tôn giáo... ).
Nhìn trong thế giới tự nhiên này, ta thấy
sự vật hết sức đa dạng, nghĩa là đủ loài đủ kiểu, rất khác biệt
nhau. Thế giới sẽ trở nên đơn điệu và buồn tẻ biết bao nếu thiếu
sự đa dạng và khác biệt ấy. Hãy thử tưởng tượng xem: nếu trên đời
chỉ có một loài hoa duy nhất cho dù hết sức đẹp, hoa nào cũng giống
y hệt hoa nào, thì chúng đâu thỏa mãn nhu cầu thích cái đẹp của con
người như khi có hàng trăm ngàn loài hoa khác nhau như trong thế giới
ta đang sống đây ! Thế giới này sẽ ra sao nếu chỉ có một loài chim,
một loại cá, hay tệ hơn, chỉ có một loài thú duy nhất ?
Thế giới tuy đa dạng và đầy khác biệt,
các loài các vật trong đó vẫn luôn luôn hài hòa, bổ túc cho nhau,
ăn khớp với nhau. Nếu thế giới tự nhiên đầy bất toàn này mà còn
phong phú đa dạng như thế, còn có sự hài hòa giữa những khác biệt
như thế, thì sự sống đời đời hay Thiên Ðàng, là một thực tại hoàn
hảo, ắt nhiên phải phong phú, đa dạng và nhất là hài hòa hơn biết
bao !
Vì thế, ngay ở đời này,
chúng ta cũng cần trang bị cho mình một tinh thần sẵn sàng chấp nhận
mọi khác biệt nơi những người chung quanh chúng ta. Chính Thiên Chúa
đã dựng nên con người và vạn vật đầy khác biệt như thế. Vì thế,
mọi thành viên của Thiên Ðàng đều phải có khả năng chấp nhận khác
biệt rất cao độ để sự hài hòa giữa những khác biệt ấy trở nên
hoàn hảo. Ðiều ấy đòi hỏi họ phải có tình yêu và lòng bao dung cao
độ. Nếu không có tình yêu và lòng bao dung, Thiên Ðàng không còn là
Thiên Ðàng nữa, sự sống đời đời không còn là hạnh phúc nữa.
Nếu ta đang giận hờn ai, không muốn nhìn
mặt ai, ghét cay ghét đắng ai, và chủ trương không thể sống chung với
họ, không thể cùng đội chung một bầu trời với họ, v.v..., hãy tự
hỏi: nếu cả hai gặp nhau trên Thiên Ðàng, ta sẽ đối xử với người
ấy thế nào ? Người ấy cũng được Thiên Chúa và Ðức Giê-su yêu
thương, cứu chuộc, tha thứ như ta. Nếu lúc ấy ta không thể nhìn người
ấy với tình yêu thương anh em, thì chính ta là người không xứng đáng ở
Thiên Ðàng.
Với sự thù hận và ác cảm ấy, ta chỉ làm
cho Thiên Ðàng bị ô nhiễm và không còn là nơi hạnh phúc nữa. Ta
đáng ở một nơi khác không phải là Thiên Ðàng. Vì Thiên Ðàng chỉ
thích hợp với những con người tràn đầy yêu thương. Vậy, muốn là công
dân của Thiên Ðàng, thì ngay ở trần gian này, hãy tập yêu thương và
sống hài hòa với những người khác biệt chúng ta. Muốn thế, ta phải
nhìn thấy Thiên Chúa nơi tha nhân.
3. "AI THẤY THẦY LÀ THẤY
CHÚA CHA"
Câu nói ấy của Ðức Giê-su chắc hẳn đã
làm cho các Tông Ðồ hết sức ngạc nhiên. Thấy Ðức Giê-su cũng chính
là thấy Chúa Cha, vì Ðức Giê-su chính là hiện thân, là hình ảnh trung
thực của Chúa Cha. Người ta có thể thấy được tình yêu của Chúa Cha
qua tình yêu của Ðức Giê-su, thấy được vẻ đáng yêu của Chúa Cha qua
sự đáng yêu của Ðức Giê-su, v.v... Và một cách nào đó, Ðức Giê-su
cũng chính là Chúa Cha, vì cả hai cùng là một Thiên Chúa duy nhất.
Các Tông Ðồ có diễm phúc nhìn thấy Ðức Giê-su, sống với Ngài, cảm
nghiệm Ngài, nên cũng là nhìn thấy, sống với và cảm nghiệm chính
Thiên Chúa Cha.
Còn chúng ta, chúng ta không có diễm phúc
ấy. Tuy nhiên, nếu chúng ta có tình yêu và đức tin, chúng ta sẽ thấy
Thiên Chúa hay Ðức Giê-su nơi bất cứ người nào ta gặp trong cuộc
đời. Cho dù người ấy là ai, thương ta hay ghét ta, làm lợi cho ta hay
hại ta, thánh thiện hay tội lỗi, dễ thương hay dễ ghét, miễn họ là
con người, thì họ đều là hình ảnh của Thiên Chúa với nhiều mức độ
trung thực khác nhau. Ðức Giê-su muốn ta yêu thương họ, bất kể họ
thế nào, bất kể họ khác biệt ta đến mức độ nào, vì chính Ngài cũng
yêu thương họ, muốn cứu chuộc họ, phục vụ họ.
Ngài đã tự đồng hóa Ngài với họ đến nỗi
ai làm gì cho họ thì cũng là làm cho chính Ngài, không làm cho họ thì
cũng là không làm cho chính Ngài ( x. Mt 10, 40; 18, 5; 25, 40.45; Lc 10,
16 ). Ngài cũng rất ước muốn được yêu thương họ bằng trái tim ta,
nói với họ, an ủi họ bằng miệng lưỡi ta, và làm việc cho họ, phục
vụ họ bằng đôi tay của ta. Ngài chỉ thực hiện được ước muốn đó nếu
ta cho phép và hợp tác với Ngài. Vậy bạn có muốn Ngài dùng bạn như
một khí cụ để yêu thương của Ngài không ?
Lạy Cha, Nhà Cha có rất nhiều chỗ có thể
dung nạp được rất nhiều người với rất nhiều khuynh hướng khác biệt.
Xin Cha cho tâm hồn con, lòng trí con cũng có nhiều chỗ để có thể
dung nạp được tất cả mọi người là anh chị em con, với nhiều khuynh
hướng, tính khí, chủ trương khác nhau. Xin cho con biết chấp nhận mọi
người như họ đang là, để yêu thương họ bất chấp họ như thế nào. Xin
cho con yêu thương họ giống như Cha đã yêu thương họ và đã yêu thương
con. Amen.
CẦU NGUYỆN:
NGÔI NHÀ THƯƠNG YÊU
Hát ru lời hát thật thà,
Ðể đưa nhau đến Ngôi Nhà Thương Yêu.
Nhà Cha tôi không có gì nhiều,
Sớm mai nắng ấm, buổi chiều gió thơm,
Ba gian, một chái, mảnh vườn,
Mời nhau gạo trắng bát cơm đượm tình...
Nhà Cha tôi đâu phải khó tìm,
Có giàn hoa dại không tên trước thềm,
Phong linh thánh thót ngoài hiên,
Lồng tre đưa khúc vành khuyên rộn ràng...
Nhà Cha tôi ở cuối con đường,
Trắng tay hy vọng, cạn nguồn yêu thương,
Bơ vơ mệt mỏi nỗi buồn,
Dừng chân ở lại, ngập ngừng nữa sao ?
Cửa bao dung xin hãy bước vào,
Uống cạn chén nước ngọt ngào mát trong...
Hát ru lời hát thật lòng,
Ðưa nhau đến tận cửa hồng thương yêu.
Nhà Cha tôi mộc mạc đơn nghèo,
Nhưng giàu mơ ước, nhưng giàu hồn nhiên.
Nhà Cha tôi, một cõi bình yên,
Bến chiều đã vắng, con thuyền qua sông...
Hát ru lời hát chờ mong,
Mời nhau tìm lại Cội Nguồn Quê Hương...
CÂU TRUYỆN:
SỐNG THẬT SỰ CHO NƯỚC TRỜI
Một cụ già đã sống đến 82 tuổi,
đến khi thấy mình không còn sống thêm được bao lâu nữa, cụ dặn con
cháu hãy khắc vào tấm bia trên ngôi mộ mình một hàng chữ: NƠI ÐÂY
AN NGHỈ MỘT CỤ GIÀ VỪA TRÒN 80 CỘNG VỚI 2 TUỔI ÐỜI THẬT SỰ ! Ai
cũng thắc mắc vì sao lại ghi lạ lùng như thế, cụ mới thuật lại
rằng:
"Tôi đã trải qua cả một
cuộc đời dài suốt 80 năm hoàn toàn xa rời, thậm chí, ngược hẳn với
nếp sống Tin Mừng mà Thiên Chúa đã mời gọi. Bây giờ thì tuổi già
đã tràn đến như sóng thủy triều, tôi đã sức tàn lực kiệt, phải
ngồi một chỗ, cũng may mà đầu óc tôi còn khá minh mẫn để đơn độc
một mình hồi tưởng về dĩ vãng. Và vào một hôm cách đây hơn 2 năm,
tôi đã có cơ may trở về với chính mình và nghiêm túc tự hỏi: Mình
đã từ đâu mà đến trong cuộc đời trần gian này ? Rồi mai đây mình sẽ
đi về đâu ? Những điều tôi đã làm được trong cả đời sẽ còn lại gì
khi tôi nhắm mắt xuôi tay ?
Và thế
là từng ngày lặng lẽ trôi qua, đời sống của tôi như khúc phim chiếu
chậm đã từ từ hiện ra trong trí nhớ già nua bằng tất cả sự thật
của nó. Tôi nhận ra rằng tôi đã phí phạm cả đời mình, nó chỉ còn
để lại cho tôi những lỗi lầm với Thiên Chúa và với vợ con, với
mọi người chung quanh ! Chính những suy nghĩ này đã đánh động lòng tôi và
giúp tôi kịp thời quay về với nếp sống gần gũi với Tin Mừng, một
nếp sống chọn lấy niềm Tin, Cậy, Mến đối với Thiên Chúa làm kim chỉ
nam và tình yêu thương chân thành đối với tha nhân làm hơi thở.
Và với tâm tình như thế
tôi đã sống đến hôm nay được hơn 2 năm. Tôi vui mừng thật sự bởi vì
2 năm ấy chính là 2 năm tôi đã sống trọn vẹn cho Nước Trời..."
Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 2
CHỨNG TỪ:
NHỮNG NGƯỜI ÐANG LÀM CHO CUỘC SỐNG THÊM
TƯƠI ÐẸP
Tôi không biết phải
bắt đầu từ đâu cho bài viết ngắn này về những người mà tôi từng
quen biết và làm việc chung với họ. Có lẽ họ cũng chẳng muốn được
người khác ca tụng vì công việc của họ rất âm thầm và hoàn toàn
tự nguyện. Song, tôi cũng muốn cố gắng viết một điều gì đó về họ.
Họ cũng bình thường như bao người khác, nhưng nhân cách của họ đã
khiến họ trở nên những người thật sự phi thường trong cái tầm
thường. Nếu một lần nào đó ta được tận mắt chứng kiến việc họ săn
sóc một bệnh nhân AIDS, ta sẽ cảm thấy thán phục những tấm lòng
nhiệt huyết này.
Chị V, một phụ nữ có
chồng và là mẹ của ba người con. Chị là nhân viên bảo hiểm của
công ty Prudential đang làm ăn phát đạt tại Việt Nam. Ngoài việc chu
toàn bổn phận người vợ và người mẹ trong gia đình, chị còn là "xếp"
của một nhóm tình nguyện trên 30 người chuyên lo lắng cho những người
bị nhiễm HIV / AIDS ở giai đoạn cuối.
Thử nghĩ xem, cứ vào
lúc 12 giờ trưa hay khoảng 1, 2 giờ sáng, mọi người đang lo ngủ nghỉ
sau những giờ làm việc mệt nhọc thì điện thoại nhà bạn lại cứ reo
lên thì bạn có bực mình không cơ chứ ?
Ấy vậy mà hầu như ngày nào
nhà chị V cũng phải chịu đựng những tiếng chuông điện thoại như thế
của những gia đình, người thân hay những người tốt bụng nào đó điện
thoại gặp chị V để báo tin về những con bệnh đang gặp cơn nguy tử. Những
ngày đầu tham gia nhóm này, tất nhiên chị cũng bị chồng con phản đối
và tỏ vẻ bực tức chị. Họ cho chị là đa đoan, vì chuyện nhà không lo
mà cứ lo chuyện thiên hạ. Dù vậy, với tính cách nhanh nhẹn và là
một phụ nữ đạo đức, dần dần chị đã thuyết phục được chồng con,
chẳng những không còn bực bội mà còn vui vẻ tham gia phục vụ cho
những bệnh nhân xấu số. Từ đó, nhà chị trở thành điểm tập trung cho
những trận "xung kích" của nhóm.
Tôi rất khâm phục
anh D, người đã để lại trong tôi một ấn tượng đẹp cả về nhân cách
lẫn về cách sống hiện tại của anh. Anh D đã từng là ông chủ của 3
quán Bar tại Sài-gòn và mỗi ngày anh tiêu xài đến vài triệu đồng
vào những thú ăn chơi và Ma Túy. Nhưng rồi anh đã được biến đổi nhờ
một cơ may và từ đó anh trở thành một Tông Ðồ nhiệt thành và đầy
xác tín. Chyện quá khứ của anh có thể viết thành một quyển sách,
nhưng những việc anh đã làm được từ khi anh được biến đổi cũng có
thể đệt nên những vần thơ tuyệt đẹp.
May mắn cho anh D là
anh không bị nhiễm thứ Virus HIV / AIDS chết người dù trước đây anh đã
từng lạm dụng thứ chất trắng quyến rũ. Nhận thức được sự may mắn
ấy nên anh hứa sẽ hết mình phục vụ cho những con người xấu số. Nhìn
cách anh săn sóc, tắm rửa, xoa bóp và vệ sinh cho những bệnh nhân
AIDS chỉ còn da bọc xương, những bệnh nhân mà ngay cả cha mẹ và những
người thân còn ruồng bỏ xa lánh, tôi cảm phục vô cùng. Có ai ngờ
rằng một ông chủ của những quán Bar vang bóng một thời nay lại hạ
mình để dỗ dành, xoa bóp cho những bệnh nhân đang vật vã, thoi thóp
chờ chết. Có ai ngờ một ông chủ trẻ ngày nào chỉ cần búng một
ngón tay là biết bao cô đào chạy lại châm thuốc, xoa bóp, nay từng
ngày cứ đi hết chỗ này đến nơi nọ để thăm viếng, đút từng muỗng
cháo cho những bệnh nhân sắp chết.
Những bệnh nhân xấu
số ấy thường hỏi anh tại sao anh lại đối xử với họ tốt như vậy và
có phải anh là "Ðạo Chúa" hay không dù chưa một lần anh dạy họ về
Giáo Lý. Anh gật đầu và chỉ mỉm cười. Lần nào họ cũng yêu cầu anh nói
về Chúa của anh cho họ nghe. Và lạ lùng thay, những bệnh nhân xấu
số ấy, những người ước muốn theo "Ðạo Chúa" đều được toại nguyện
trước khi nhắm mắt nhờ vào bài học phục vụ quên mình của anh.
Tôi cũng muốn nhắc
đến chị C, một phụ nữ trẻ nhưng can trường và đầy gương sáng đáng
trân trọng. Chị là người mẹ của cháu bé 5 tuổi và chồng chị đã qua
đời cách đây vài năm vì căn bệnh AIDS quái ác. Còn gì đau đớn hơn
khi biết tin chồng mình bị AIDS vì một lần nông nổi đã lây truyền sang
cho mình. Chị đã khóc hết nước mắt và có ý định quyên sinh để nhẹ
kiếp trần ai. Song, khi nghĩ đến đứa con khoẻ mạnh cứ bi bô gọi mẹ
làm lòng chị xao xuyến. Rồi chị được thăm viếng, an ủi và cuối cùng
tự nguyện nhập cuộc với nhóm tình nguyện để giúp những người bệnh
như chị.
Còn gì sống động và
hạnh phúc cho bằng những người đồng cảnh ngộ động viên, an ủi lẫn
nhau. Dù vẫn có công ăn việc làm ổn định, chị C vẫn tham gia tích cực
không quản ngày đêm với nhóm tình nguyện. Nhìn chị khuyên nhủ và săn
sóc những bệnh nhân không biết tử thần sẽ gọi ra đi vào lúc nào
mà lòng tôi nhói đau....
Còn biết bao những người
trong nhóm tình nguyện mà tôi thật sự thán phục khi nhắc đến họ. Họ
là những sinh viên còn rất trẻ, họ là những cô thợ may duyên dáng,
những chàng thợ hồ cục mịch, những giáo viên thanh lịch sẵn sàng ra
đi khi có những ca nguy tử...
Tôi chợy nghĩ đến
rất nhiều người trẻ hiện nay quanh tôi, như con thiêu thân lao mình
vào những cuộc truy hoan vô bổ, hoang phí thời giờ, tiền bạc, sức
khoẻ và đang làm băng hoại xã hội... Ngược lại, cũng đang còn có
bao người trẻ âm thầm vun đắp tình yêu thương cho tha nhân khốn khổ
quanh mình. Họ như là "hoa trong kẽ đá", một cách ví von tuyệt đẹp của
cha Thiện Cẩm. Họ đang làm cho vườn hoa cuộc đời phong phú thêm, tươi
đẹp hơn nữa...
Tu Sĩ
TRẦN XUÂN SANG, SVD, 16.4.2002
THÔNG TIN:
Cha Nguyễn Văn Khi, Giáo Xứ Tân Thông Hội,
Củ Chi, giới thiệu em VÕ
HOÀNG PHƯƠNG, 19 tuổi, bị bại liệt từ nhỏ, cha mẹ do làm ăn thua lỗ
nên đã bỏ đi bặt tin suốt 10 năm qua, em phải ở nhờ gia đình người
bác ruột chạy xe ôm. Em đang cố gắng xin về Sài-gòn để theo học một
lớp dạy nghề sử dụng vi tính với hy vọng trong tương lai gần có thể
về quê mở một cửa hàng dịch vụ vi tính. Gospelnet đã giới thiệu em
với một độc giả muốn ẩn danh và nhận được trợ giúp lâu dài, mỗi
tháng 200.000 VND, đợt đầu cho 2 tháng 4 và 5 năm 2002 là 400.000
VND. Gospelnet xin nhờ các Sr. Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh-sơn ở Trung
Tâm Mai Hòa, Củ Chi, chuyển tiền và thư đến cha Nguyễn Văn Khi để
trao lại cho em Phương.
Sr. Tuyết Trinh, Dòng
Ða-minh, giới
thiệu 2 trường hợp sau đây:
- Em LÊ TRUNG
THÀNH, 14 tuổi, ngụ tại Giáo Xứ Xuân Bình,
huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai, bị bệnh lao xương ( lao tủy sống ),
không có tiền để chạy chữa Tây Y, hiện đang điều trị bằng phương
pháp châm cứu, mỗi ngày tiền thuốc hết 15.000 VND. Gospelnet xin trợ
giúp 20 ngày là 300.000 VND.
- Ông TRẦN CHUNG, 62 tuổi, và bà
NGUYỄN THỊ SƯƠNG, 62 tuổi, ngụ tại xã Thọ Lộc, huyện Xuân Lộc,
tỉnh Ðồng Nai. Ông bị mất một chân, bà lại mới bị tai nạn gãy chân
phải bó bột. Tiền thuốc mỗi ngày của cả hai ông bà hết 30.000 VND.
Gospelnet xin trợ giúp 20 ngày là 600.000 VND.
Trong Mùa Phục Sinh vừa
qua, Gospelnet đã nhờ một số Linh Mục Tu Sĩ chuyển một số tiền và
các vật phẩm chia sẻ trợ giúp cho các nơi như sau:
- Nhờ cha Ða-minh Ðỗ Văn Thừa, DCCT,
chuyển cho các em học sinh nghèo ở Giáo Xứ Tân Châu, tỉnh Bình Thuận:
200 cuốn tập 100 trang.
- Nhờ thầy Vũ Ðại Dương, cộng đoàn
Thiên Phúc, chuyển cho các em học sinh nghèo ở Rút-xi-keo, Long
Khánh, Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai: 200 cuốn tập 100 trang.
- Nhờ An-na Hồ Thị Hạnh, Dòng Chúa Quan
Phòng, cùng với đoàn sinh viên thực tập lớp P 98 của Sài-gòn,
chuyển đến cho 80 gia đình và 100 em học sinh nghèo ở Giáo Xứ Nhơn Mỹ
của cha Phê-rô Mai Ðức Vượng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang: số
tiền 2.000.000 VND trong tổng số 5.200.000 VND để mua gạo, mì gói, bột
ngọt, đường, nước mắm, tập vở, bút viết và bánh kẹo.
- Nhờ bạn Hoa Xuân
Vinh và nhóm 40 sinh viên Luật và Nông Lâm, cụm Thủ Ðức,
chuyển đến Trung Tâm Bại Não Trảng Bom, huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng
Nai: số tiền 500.000 VND và hai bọc quần áo cũ.
Thầy
Phó Tế Nguyễn Văn Thật, DCCT , giới thiệu 3 trường hợp
nghèo cần trợ giúp sau đây:
1. Em NGUYỄN NGỌC MY, 11 tuổi, học
lớp 6 trường Phạm Văn Chiêu, hiện ngụ tại 4 / 1A ấp 7 tổ 1, phường
Thạnh Xuân, quận 12, Sài-gòn.
2. Em NGUYỄN THỊ KIM HƯƠNG, học lớp 4
trường Hồng Gấm, Gò Vấp, hiện ngụ tại số 3 / 1 khu phố 1, phường
Thạnh Xuân, quận 12, Sài-gòn.
3. Em DƯƠNG ANH DŨNG, 15 tuổi, học lớp
6, hiện ngụ tại một căn nhà sâu trong hẻm không có số, mượn địa chỉ
để liên lạc số 190 đường 26.3 phường 15, quận Gò Vấp, Sài-gòn.
Gospelnet xin trợ giúp cho 3 em nói trên mỗi
tháng 50.000 VND, trước mắt trong 3 tháng 4, 5 và 6 năm 2001. Tổng
cộng: 450.000 VND. Rất mong quý độc giả gần xa nhận trợ giúp
lâu dài hơn.
THÔNG TIN BẰNG HÌNH ẢNH VỀ "CHÉN CƠM
PHỤC SINH" Ở KONTUM
Bữa ăn "Chén
Cơm Phục Sinh" tại Giáo Xứ Phương Quy, Giáo Phận Kontum
Bữa ăn
"Chén Cơm Phục Sinh" tại sân Nhà Thờ Chính Tòa Kontum và tại Cô Nhi
Viện Vinh-sơn