GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH - CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH

TIN MỪNG: Ga 10, 1 - 10

VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH

"Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là Mục Tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ."

Ðức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. Vậy, Ðức Giê-su lại nói: "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào".

SUY NIỆM:

ÐỨC GIÊ-SU, MỤC TỬ NHÂN LÀNH

1.     Bối cảnh bài Tin Mừng về Chúa Chiên Lành

Ngụ ngôn "Chúa chiên lành" này có liên quan với đoạn Tin Mừng trước. Khi Chúa Giê-su chữa người mù từ thuở mới sinh, những người Pha-ri-sêu nệ luật, sợ mất ảnh hưởng của dân chúng đã kết án Chúa Giê-su chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Họ chưa đối mặt với Chúa Giê-su mà chỉ gây khó dễ và cuối cùng đã trục xuất người mù được sáng mắt ra khỏi cộng đoàn. Thái độ của người mù thật đáng khâm phục !Anh đã can đảm biện hộ cho Chúa Giê-su và đã tin nhận Ngài là Ðấng Ki-tô.

Bối cảnh đó rất thích hợp để Chúa Giê-su nói đến ngụ ngôn "Mục Tử Nhân Lành" này. Anh mù chính là "con chiên" đã "nghe tiếng" và đãø "nhận biết tiếng" của Mục Tử của mình. Lấy "thái độ của chiên đối với Mục Tử" làm tiêu chuẩn, Chúa Giê-su đã phân biệt đâu là "Mục Tử" và đâu là "kẻ trộm, kẻ cướp". Chúa Giê-su cũng dùng "hành vi của Mục Tử đối với chiên" để nhận chân Mục Tử và kẻ trộm: "Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào". Như thế, chủ điểm thần học của đoạn Tin Mừng này là "mối tương giao" giữa Mục Tử và đàn chiên, cũng là giữa Thiên Chúa và con người, mà chúng ta cần chiêm ngắm và sống trong mùa Phục Sinh này.

Trong tương giao đó, chúng ta thấy rõ nét hơn cả là hình ảnh Chúa Giê-su, Mục Tử Nhân Lành, mẫu gương cho tất cả những ai có trách nhiệm lãnh đạo cộng lớn nhỏ, đặc biệt là các chủ chăn. Vì thế, Chúa nhật này cả Giáo Hội hướng về việc cầu nguyện và cổ võ cho ơn Thiên triệu. Và cầu nguyện, cổ võ cho ơn Thiên triệu là gì, nếu không phải là cầu nguyện cho mọi phần tử trong Giáo Hội, cách riêng cho một số chọn ơn goi cao hơn, cho các chủ chăn sống thật tốt tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân ? Bởi vì, một khi sống tốt tương quan "mến Chúa" chúng ta sẽ có một tương quan "yêu người' như "lòng Chúa mong ước".

2.     Ðể trở thành một Mục Tử tốt

Ðây là một ngụ ngôn hơn là một dụ ngôn, vì trong đó có nhiều ẩn dụ thật sát nghĩa. Dân Chúa bị nhốt trong chuồng lề luật nặng hình thức của Do-thái giáo đang chờ Vị Mục Tử Nhân Lành đến dẫn đến "đồng cỏ" Giáo Hội để "được sống và sống dồi dào" nhờ các Bí Tích do việc "hy sinh mạng sống cho đoàn chiên" đem lại.

Chúa Giê-su, Mục Tử Nhân Lành đã diễn tả được Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Chúa biết rõ tên từng người một trong chúng ta với một tình yêu cá nhân, riêng tư. Ngài không đẩy chiên đi trước mình, nhưng Ngài đi trước và dẫn đường cho chiên. Ngài nói với từng người, thu hút hơn là hướng dẫn. Ðàn chiên luôn bị sói dữ rình rập, Ngài sẵn sàng đương đàu với chúng vì mỗi con chiên đối với Ngài đều quí già vô ngằn. Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên. Ngài dẫn đàn chiên đến đồng cỏ xanh tươi để chẳng những chiên được sống mà được sống dồi dào. Ðể thỏa mãn ước nguyện đó, Ngài đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Với một Mục Tử Nhân Lành như thếâ, đàn chiên hết lòng đáp lại bẳng thái độ nghe tiếng, nhận biết tiếng và đi theo sau Mục Tử của mình.

Như những người lãnh đạo Do-thái giáo lúc bấy giờ, lãnh đạo cộng đoàn dễ bị cám dỗ dùng quyền lực áp chế người dưới quyền chứ không dùng gương sáng, đạo dức để lôi kéo, thuyết phục họ. Nhưng như ông bà chúng ta thường hay nói "hữu xạ tự nhiên hương" đáng cho chúng ta suy nghĩ. Phải chăng người lãnh đạo mất ảnh hưởng đối với người dưới là vì lối sống của họ chứ không phải do bất kỳ một lý do nào khác ? Vì thế, điều cần hơn cả là lo điều chỉnh lại lối sống của mình, chứ đừng cách chống chế bằng quyền lực. Ðây quả là một dịp tốt để các người có trách nhiệm lãnh đạo xét mình lại lối sống của mình. Trong Giáo Hội, lãnh đạo là phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Theo gương Chúa Giê-su, Mục Tử tốt lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên, để cho chiên được sống và sống dồi dào, người lãnh đạo cũng biết hy sinh quên mình mới có thể yêu thương phục vụ được.

3.     Cầu nguyện cho ơn Thiên triệu

Ngày nay, ơn gọi dâng hiến ngày càng giảm trong lúc nhu cầu phục vụ ngày càng tăng. Lời kêu gọi của Ðức Ki-tô - Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt" - trở nên khẩn thiết hơn bất cứ lúc nào khác. Cho nên mọi Ki-tô hữu đều có trách nhiệm cầu nguyện và cổ võ cho có nhiều ơn gọi trong Giáo Hội, đặc biệt là các vị chủ chăn, các hội đoàn và các bậc phụ huynh.

Ðể sống ơn gọi cao hơn, ơn gọi quên mình để yêu thương phục vụ, thì phải có ơn Chúa dồi dào. Ơn Chúa có được nhờ sự hy sinh cầu nguyện của rất nhiều người. Bản thân ngưới sống đời dâng hiến phục vụ phải cố gắng và nỗ lực nhiều, nhưng sự hỗ trợ của cộng đồng cũng rất cần thiết cho họ. Thế nhưng, nhiều khi giáo dân chỉ mong muốn cho chủ chăn của mình đạo đức, thánh thiện mà quên hay ít khi cầu nguyện cho các ngài. Cũng như làm sao có nhiều tâm hồn biết dâng hiến cuộc đời mình để phục vu nếu như cộng đoàn không gia tăng việc hy sinh cầu nguyện cho ơn Thiên triệu. Có thể nói, cộng đoàn hy sinh cầu nguyện để có nhiều người phục vụ cộng đoàn. Như thế, cầu nguyện cho ơn Thiên triệu cũng không là gì khác hơn là ý thức và sống mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội vậy.

Mặt khác, vì "cây tốt mới sinh quả tốt", "lời nói lung lay, gương bày lôi kéo", cho nên, thiết nghĩ việc dấn thân và hướng dẫn cho giới trẻ tham gia các công tác từ thiện bác ái của các vị chủ chăn và phụ huynh là cách thế hiệu quả nhất để cổ võ Ơn Thiêu Triệu. Con người muốn hưởng thụ chừng nào thì càng số người bị bỏ rơi, cần được yêu thương phục vụ ngày càng đông chừng ấy, bởi hố cách biệt giữa người giàu và người nghèo ngày càng lớn. Vì thế, yêu thương, quên mình, phục vụ phải là chọn lựa đúng nhất của người Ki-tô hữu trong xã hội ngày nay. Và đó cũng không phải là điều gì mới lạ đồi với mẫu gương Chúa Giê-su Mục Tử Nhân Lành. Như thế, cổ võ cho ơn Thiên triệu cũng là lời mời gọi mọi Ki-tô hữu biết sống tinh thần phục vụ của Chúa.

Tóm lại, hình ảnh Chúa Giê-su Mục Tử Nhân Lành là tấm gương yêu thương phục vụ mà tất cả mọi Ki-tô hữu cần cố gắng noi theo mỗi ngày, nhất là các chủ chăn.

Lm. TRẦN NGỌC NHƠN ( Giáo Phận Ðà Nẵng )

SUY NIỆM 2:

ÐỂ ÐÀN CHIÊN ÐƯỠC SỐNG VÀ SỐNG DỒI DÀO

1. "Chiên và người chăn chiên" có thể là hình ảnh lạc hậu, nhưng về ý nghĩa tôn giáo thì không:

Ðối với người Việt chúng ta thì hình ảnh "chiên và người chăn chiên" không phải là một hình ảnh gần gũi, vì xứ sở chúng ta không thuộc vùng Cận Ðông với nghề chăn nuôi chiên cừu như Pa-lét-tin xưa. Hơn nữa trong khi cả đất nước đang nói đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện "đàn chiên với Mục Tử", thì e rằng chúng ta bị coi là những người lạc hậu !Nhưng nếu đi sâu vào ý nghĩa và biểu tượng tôn giáo của hình ảnh "chiên và Mục Tử" thì chúng ta lại chẳng thấy lạc hậu tí nào. Vì chưng những người tin ở Thiên Chúa đều xác tín rằng họ luôn được Thiên Chúa và Chúa Ki-tô quan tâm và tận tình chăm sóc, không chỉ về phương diện tâm linh mà về mọi phương diện con người, không chỉ ở đời sau mà ở cả đời này lẫn đời sau. Mối tương quan gắn bó giữa người chăn và con chiên là hình ảnh sống động, cụ thể của mối tương quan giữa Thiên Chúa và người tín hữu.

2. Những nét đặc trưng của Vị Mục Tử Nhân Lành:

Ðức Giê-su đã công bố Người là Vị Mục Tử Nhân Lành, với những nét đặc trưng sau đây:

§   Vị Mục Tử nhân lành hết lòng yêu thương những người thuộc về mình. Vì yêu thương nên Người quan tâm đến mọi người và đến từng người. Càng quan tâm thì càng biết tường tận: biết họ muốn gì ? họ cần gì ? họ có thể gặp phải những nguy cơ cạm bẫy hay thử thách nào ?

§   Vị Mục Tử nhân lành luôn đi đầu, đi trước tức hướng dẫn, lãnh đạo đoàn chiên, tức đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi khổ cực cho người thuộc về mình. Vị ấy sẽ đem chiên đến những miền an toàn, có suối mát và cỏ xanh, để chiên được ăn uống no nê, được nghỉ ngơi thoải mái. Chiên sẽ tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng. Thậm chí vị Mục Tử sẽ hy sinh mạng sống vì chiên.

3. Lý do Hội Thánh lấy ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành làm ngày cầu nguyện cho ơn gọi:

Bản tin Hiệp Thông ( tiếng nói của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ) số 11, ra ngày 15.2.2002 ( trang 8 - 9 ) cung cấp cho chúng ta những con số cụ thể và đáng chúng ta suy nghĩ trong ngày hôm nay:

Tổng dân số của VN: 80.489.857 người ( 76.683.203 dân tộc kinh + 3.806.654 dân tộc thiểu số ).

Tồng số Giáo Dân: 5.324.492 người ( 5.065.105 dân tộc kinh + 259.387 dân tộc thiểu số ).

Tổng số Linh Mục của 25 Giáo Phận: 2.526 Linh Mục ( 2.133 triều + 393 dòng ). Tổng số Tu Sĩ trong 25 Giáo Phận: 11.282 ( 1.524 nam + 9.758 nữ ).

Tổng số Chủng Sinh: 1.765 ( 1.044 đang học + 318 học xong + 403 dự bị ).

Tổng số Giáo Lý Viên: 45.858 ( 671 giáo phu + 219 có lương + 44.968 không có lương ).

Nếu chia bình quân số giáo dân cho số Linh Mục thì một Linh Mục phải phục vụ 2.107 giáo dân.

Nếu chia bình quân tổng số dân cho số Linh Mục thì một Linh Mục phải phục vụ 31.865 người.

Nếu chia bình quân số giáo dân cho số Tu Sĩ nam nữ thì một Tu Sĩ phải phục vụ 472 giáo dân.

Nếu chia bình quân tổng số dân cho số Tu Sĩ nam nữ thì một Tu Sĩ phải phục vụ 7.134 người.

Nếu chia bình quân tổng số người không Công Giáo cho tổng số người Công Giáo thì một người Công Giáo phải giúp cho 14 người không Công Giáo biết Chúa và gia nhập Giáo Hội.

Nguyên nhìn vào những con số trên, chúng ta cũng đã thấy được nhu cầu to lớn về nhân sự của Giáo Hội Việt Nam trong sứ mệnh sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng mà Giáo Hội đã nhận được từ chính Chúa Giê-su. Ðã đành rằng ngày nay trách nhiệm sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng không chỉ của riêng các Linh Mục, Tu Sĩ mà của mọi Ki-tô hữu. Nhưng các Linh Mục, Tu Sĩ vẫn là lực lượng quan trọng nhất, là lực lượng nòng cốt và đầu tầu trong lãnh vực này. Thế nhưng ơn gọi Linh Mục, Tu Sĩ càng ngày càng giảm sút trong các Giáo Hội địa phương, thậm chí giảm trầm trọng trong một số Giáo Hội. Riêng tại Việt Nam, thì tình hình có mấy nét riêng sau đây:

§   Việc thanh niên nam nữ muốn vào Chủng Viện, Dòng Tu còn gặp nhiều cản trở.

§   Việc các Giám Mục, Dòng tu gửi các Linh Mục, Tu Sĩ đến nơi cần gửi, đặc biệt đến vùng sâu vùng xa, cũng chẳng dễ dàng gì.

§   Ơn gọi tu trì đã có dấu hiệu sút giảm ở thành thị, nhất là ở các quận nội thành.

Vì thế cho nên chúng ta không chỉ cầu xin Thiên Chúa ban cho Giáo Hội - nhất là Giáo Hội Việt Nam- nhiều Linh Mục, Tu Sĩ tài đức thánh thiện, nhiệt thành mà chúng ta còn phải nài xin Thiên Chúa tạo thuận lợi cho các ứng sinh Linh Mục Tu Sĩ được đào tạo đến nơi đến chốn và cho các Linh Mục Tu Sĩ có điều kiện cần thiết để thực thi sứ vụ của mình.

Lạy Thiên Chúa Cha là Chủ Cánh Ðồng Truyền Giáo, là Chủ Vườn Nho: xin Cha gửi nhiều thợ gặt, thợ hái nho lành nghề đến những nơi, những người cần các thợ ấy !

Lạy Chúa Giê-su là Mục Tử Nhân Lành, Chúa đã hiến tặng cuộc đời của Chúa cho nhân trần: xin Chúa hãy lôi kéo các Linh Mục, Tu Sĩ sống theo gương Chúa, sống giống như Chúa: hy sinh, quảng đại và yêu thương để mọi người được sống và sống dồi dào !

Lạy Chúa Thánh Thần là Thần Khí, là Lửa: xin Chúa đổ tràn lửa nhiệt thành truyền giáo vào mọi tâm hồn Ki-tô hữu, nhất là tâm hồn các Linh Mục, Tu Sĩ và người trẻ, để biến họ thành những thợ gặt hăng say nhiệt thành trong cánh đồng của Thiên Chúa.

Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

SUY NIỆM 3:

ÐỨC GIÊ-SU, NGƯỜI CHĂN CHIÊN TỐT LÀNH

Hình ảnh người chăn chiên đang dẫn đàn chiên đi ăn cỏ trên các cánh đồng cỏ xanh tươi, hay đưa đàn chiên tới các dòng suối nước trong lành làm cho ta gợi nhớ tới xã hội Do-thái khi xưa, nhớ tới khung cảnh Chúa Giê-su sống trong đất nước Do-thái cách đây gần 2.000 năm. Chúa Giê-su đã sinh ra và lớn lên, đã được thừa hưởng nền văn hoá và quan niệm Do-thái giáo, vì thế Ngài đã dùng những dụ ngôn, những ví dụ rút ra từ những hoàn cảnh cụ thể của người Do-thái để dạy dỗ các môn đệ và nhân loại. Chúa Giê-su đã dùng chính ngôn ngữ Do-thái, đã dùng những hình ảnh quen thuộc nhưng rất ấn tượng để nói lên một sứ điệp, một lệnh truyền, hay để giới thiệu về chính Ngài. Hình ảnh người chăn chiên tốt lành là hiện thân của Ngài. Qua hình ảnh sống động, gợi cảm và hết sức ấn tượng của người chăn chiên can đảm, nhiệt thành, nhân từ, chạnh lòng thương xót, Chúa Giê-su muốn nói lên Sứ Mạng Cứu Thế của Ngài.

1. Chúa Giê-su là Mục Tử và là Cửa chuồng chiên:

Xuyên suốt lịch sử dân Do-thái, Thiên Chúa luôn tự giới thiệu mình như là vị Mục Tử của dân Người Hình ảnh Ða-vít mà sách Sa-mu-en quyển thứ nhất, đoạn 17, câu 34 tới 36 diễn tả là hình ảnh tiên trưng của Chúa Giê-su trong Tân Ước. Ða-vít chăn dắt đàn chiên, yêu thương từng con chiên một, Người sẵn sàng chống lại thú dữ khi chúng tấn công bầy chiên. Sau này, Ða-vít đã chiến thắng Gô-li-át bằng một chiếc ná cao su, nhắm bắn ngay vào trán Gô-li-át hung hăng, kiêu ngạo. Hình ảnh của một Ða-vít nhỏ bé, với tóc hoe vàng đã trở nên dũng mãnh, cao trọng khi Thiên Chúa cất nhắc Ða-vít lên làm vua, xức dầu phong vương để Ða-vít làm vua lãnh đạo dân Thiên Chúa.

Hình ảnh Mục Tử còn được diễn tả cách tỉ mỉ, gẫy gọn khi ngôn sứ Ê-dê-ki-en nhân danh Chúa nói lên: "...Ta, vị Chủ tể tối cao, Ta tuyên bố rằng... Ta sẽ tách bầy chiên ra khỏi các ngươi... Ta sẽ giao chúng cho một vì vua giống như Ða-vít tôi tớ ta để làm Mục Tử của chúng và Người ấy sẽ lo lắng chăm sóc chúng" ( Ed 34, 23 ). Vâng, chính Thiên Chúa sẽ chọn cho mình những tôi tớ, những môn đệ cũng gọi là "Mục Tử" để Ngài trao cho họ trách nhiệm chăn dắt dân theo ý của Người.

Tuy nhiên, vì các Mục Tử đã bị băng hoại, họ chỉ lo cho lợi ích riêng, tìm lợi nhuận cho mình và cho thân nhân, gia đình của mình, họ trở nên bất xứng với sứ vụ đã lãnh nhận, nên Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ loan truyền sẽ tới thời chính Ðấng Thiên Sai là Chúa Giê-su sẽ đến để lãnh đạo dân Người.

Chúa Giê-su đã tuyên bố với dân Do-thái: "Ta là Mục Tử tốt lành" ( Ga 10, 11 ). Ngài là hiện thân của Thiên Chúa, Người được Chúa Cha sai đến để yêu thương, chăm sóc, quy tụ mọi con chiên. Người biết tên từng con chiên như Cha Ngài biết Ngài ( Ga 10, 14 - 15 ). Ngài gọi tên từng con chiên và dẫn đi ( Ga 10, 3 ). Ðiều hết sức quan trọng là Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên: "Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" ( Ga 15, 13 ) hoặc "Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta". Chúa Giê-su đã chứng tỏ Ngài là vị Mục Tử tốt lành, vị chủ chăn không bao giờ hèn nhát thấy sói tấn công chiên mà bỏ trốn, nhưng Ngài luôn cứu vớt, tập họp, chăn dắt ( Ga 10, 9 và 16 ).

Khi minh định Ngài là Cửa chuồng chiên, Chúa Giê-su muốn khẳng định rằng bất cứ con chiên nào không qua Ngài không thể tới Chúa cha được. Dân Thiên Chúa phải đi qua cửa duy nhất là Ðức Giê-su. Ði qua Ngài, dân Chúa mới có tự do và đạt được cuộc sống viên mãn. Bước qua ngưỡng cửa là Ðức Giê-su, dân Chúa hay con người mới nhận được ơn cứu độ, sự sống mới, sự sống sung mãn Chúa ban cho.

Ngoài Chúa Giê-su, nghĩa là không bước qua cửa chuồng chiên, con người không có sự sống dồi dào. Như vậy, người chăn chiên đích thực nào cũng phải ngang qua Chúa Giê-su, vì Ngài là hàng rào bảo đảm sự an bình, an toàn cho chiên của Ngài. Kẻ nào không ngang qua Ngài, chiên sẽ không biết, không nghe và không theo kẻ đó vì họ là kẻ lường gạt, trộm cắp.

2. Các mục tử phải noi theo gương Vị Mục Tử duy nhất là Ðức Ki-tô:

Chúa Giê-su Phục Sinh vẫn hiện diện với nhân loại, Người không còn có mặt bằng xương bằng thịt như trước nữa, nghĩa là không còn như lúc Người sống với các Tông Ðồ, cùng ăn, cùng làm cùng chia sẻ những ưu tư, suy nghĩ. Nay, Chúa đã chịu chết, đã Phục Sinh, Người là Ðấng vô hình dù rằng Chúa Giê-su vẫn còn mang dấu tích của cuộc thương khó. Ðời sống cụ thể của nhân loại cần phải có sự dìu dắt, chăm sóc cách hữu hình. Sứ mạng ấy, Chúa Phục Sinh đã trao cho Hội Thánh. Phê-rô là vị Tông Ðồ, Chúa trao làm nền tảng của Giáo Hội sau lời tuyên tín đầy sáng suốt của Phê-rô mà Chúa nói là do Chúa Cha mặc khải ( Mt 16, 18 ).

Thánh Gio-an nhấn mạnh thêm khi Phê-rô thưa 3 lần với Chúa rằng ông yêu mến Chúa, Chúa trao trách nhiệm chăm sóc đàn chiên là Giáo Hội của Chúa ở trần gian ( Ga 21, 15 - 17 ). Tuy nhiên khi trao sứ mạng nặng nề, cao quý cho Phê-rô và các Tông Ðồ, Chúa muốn các ông trở nên những kẻ hầu hạ phục vụ ( Mc 10, 41 - 45 ). Chúa nhấn mạnh: "Hãy học cùng ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng". Hiền lành và khiêm nhượng là đức tính căn bản, tối cần của các Mục Tử Chúa Ki-tô. "Người chăn chiên tốt chính là Ta" ( Ga 10, 14 ).

Các vị Mục Tử phải là những người gắn bó mật thiết với Chúa Ki-tô, nghe tiếng Người, giảng dậy, cắt nghĩa giáo lý, chân lý của Người. Hình ảnh người chăn chiên cầm tù và, thổi tụ họp đàn chiên, mệt lả vác chiên lạc trên vai khi tìm thấy, luôn phải là hình ảnh sống động của các Mục Tử Chúa, đang nối tiếp sứ vụ của Chúa Phục Sinh giữa trần gian này. Ðức tính căn bản của người Mục Tử tốt lành là tình yêu tự hiến của Chúa Giê-su, một tình yêu luôn ước ao và chờ đợi con người đáp trả.

3. Mỗi người đều có một Ơn Gọi phải đáp trả và được kêu mời trở nên người chăn chiên tốt lành:

Là người Ki-tô hữu, chúng ta có Ðức Ki-tô là Vị Mục Tử duy nhất luôn muốn quy tụ tất cả về đoàn chiên duy nhất của Người, nghĩa là không phân biệt dân được tuyển chọn hay dân ở ngoài lề. Ngài muốn tụ họp tất cả vào Giáo Hội của Ngài, Ngài muốn ban ơn cứu rỗi cho mọi người dù họ là dân ngoại hay dân của Chúa. Chúa Giê-su là hiện thân của Thiên Chúa Cha luôn kéo mọi người về với Ngài, dẫn mọi người thành tâm thiện chí về đồng cỏ xanh để mọi người có thể nhận ra tiếng của Ngài.

Trong Thánh Lễ sáng nay, Thánh Lễ dành riêng cầu nguyện cho ơn gọi Linh Mục, tu sĩ chúng ta ý thức rằng mỗi người chúng ta phải nhiệt thành cầu nguyện cho các Mục Tử Chúa luôn noi gương bắt chước Chúa là Mục Tử mẫu mực, lý tưởng. Vị Mục Tử can đảm, nhân hậu, đầy lòng trắc ẩn hay rộng tình thương xót, vị Mục Tử thánh thiện, hoàn hảo, chân thành, luôn kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Cha và mọi người, vị Mục Tử đầy tình yêu, tình yêu bền bỉ, vững chắc, yêu cho đến cùng ( Ga 15, 13 ). Và như thế, chính chúng ta cũng được mời gọi đáp trả lại tình yêu vô biên của vị Mục Tử tốt lành, đồng thời ta cũng được kêu mời học hỏi và tập những đức tính cao đẹp, quý báu nhất của Ðức Ki-tô nhân hậu và trở nên muôn người như một thành những vị Mục Tử tốt như Chúa Giê-su.

Chúng ta có thể cùng với tác giả Thánh Vịnh 23 ca ngợi và hướng về trời cùng cất tiếng ca: "Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì, Ngài cho tôi nằm nghỉ... Chúa là Mục Tử tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi". Ðồng thời, chúng ta cảm nghiệm rằng sứ điệp cao cả, sứ điệp cứu độ Chúa Giê-su muốn loan báo cho nhân loại, cho mọi người: "Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ" ( Ga 3, 16 - 17 ).

 Vâng, sứ mạng Chúa trao phó cho Giáo Hội là quy tụ, cứu vớt mọi người như Chúa Giê-su Ki-tô đã làm. Sứ mạng ấy sẽ mang lại kết quả tốt đẹp nếu mỗi người chúng ta biết quy tụ, phục vụ như Chúa Giê-su là Ðấng Chăn Chiên Nhân Hậu.

Lm. Giu-se NGUYỄN HƯNG LỠI, DCCT

CẦU NGUYỆN:

LỜI CẦU NGUYỆN DÀNH CHO CHA SỞ

Lạy Chúa, trước hết, chúng con xin cảm tạ Chúa vì đã cho có những người bằng lòng nhận trở thành cha sở của chúng con. Nếu ngẫu nhiên, các vị ấy đã thích có một đời sống êm ả hơn bên cạnh vợ con, dưới một mái ấm gia đình, thì phải nói là chúng con rất nản.

Chúa ơi, xin cám ơn Chúa đã cho các vị ấy dám có can đảm hy sinh, nhờ vậy mà chúng con được nuôi bằng Bánh ban Sự Sống, tạo lập được những gia đình vững chắc, được tẩy rửa linh hồn và được chết bình an.

Cám ơn Chúa vì những tật xấu của các cha sở chúng con. Nếu các vị ấy mà là người hoàn toàn thì các ngài sẽ khó mà chịu đựng nổi sự yếu đuối. Còn nếu các vị ấy lúc nào cũng khỏe mạnh thì chắc chắn các ngài sẽ thường hay khinh rẻ những người đau yếu. Lạy Chúa, Chúa nhìn thấy rõ hơn chúng con.

Các cha sở thật là những con người kỳ lạ. Các ngài vừa phải là các nhà Sư Phạm đối với trẻ em, vừa phải là nhà chuyên môn về các vấn đề liên quan đến gia đình đối với các đôi vợ chồng trẻ, vừa là những chuyên viên tâm lý đối với thanh niên, vừa là người kiệt xuất về sự hiểu biết và tính tế nhị trong tòa hòa giải.

Trong các buổi họp với nam giới, các ngài phải bàn về Hội Thánh như một giáo sư Thần Học; còn trong các buổi họp với nữ giới, các ngài phải mở sách Tin Mừng ra như những nhà chú giải Kinh Thánh. Khi đi thăm các gia đình có học thức, các ngài phải biết đôi chút về cuốn tiểu thuyết mới được xuất bản để có thể trao đổi với họ, nếu không muốn bị họ coi là người kém văn hóa.

Ðối với người thích khuynh hướng xã hội, các ngài phải nói được khá tỉ mỉ về sự đối chọi giữa tư bản và lao động. Ðối với những người không phải là Công Giáo, các ngài phải là những nhà Thần Học vừa cương quyết vừa cởi mở, và là những nhà sử học chín chắn. Và đối với biết bao hạng người khác nữa, nếu kể ra e sẽ không bao giờ hết.

Con còn quên rằng, các ngài phải chào lại người ta khi được người ta chào hỏi ở đầu đường cuối phó. Bên ngoài, các ngài vẫn niềm nở cho dù trong lòng đang phải ngậm đắng nuốt cay. Con cũng quên mất rằng, mỗi Chúa Nhật, các ngài phải là những nhà hùng biện, là một người lĩnh xướng thay ca đoàn, và đôi khi là cả một nhạc công nữa. Rồi trong tuần, có khi các ngài còn kiêm luôn thợ điện, thợ mộc, thợ sơn và người nấu bếp...

Lạy Chúa, xin cho các nhà chuyên môn bách khoa này được chúng con xét đoán một cách khoan hồng, một sự khoan hồng đích đáng chỉ dành cho những người phải thi hành một chương trình không ăn khớp với nhau và vô nhân đạo như thế !

Xin làm cho chúng con hiểu rằng: nếu đối với 14 món chuyên môn vừa kể trên, vị Linh Mục của chúng con chỉ thành công có một nửa, hay chỉ một phần tư mà thôi, thì chúng con cũng đã lấy làm mãn nguyện rồi !

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết tha thứ cho những sự nóng nảy và nhầm lẫn của cha sở chúng con, cho chúng con hiểu rằng, chúng con chỉ phải chịu đựng có mỗi một mình cha sở, trong khi cha sở chúng con thì phải gánh trên vai mọi con chiên trong Giáo Xứ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tỏ cho cha sở chúng con thấy rằng, chung quanh ngài, không phải chỉ có sự thờ ơ lãnh đạm. Xin nhắc nhở chúng con biết luôn cầu nguyện cho các Linh Mục, cầu nguyện cho có thêm nhiều ơn kêu gọi mới nữa. Có lẽ đó là điều tốt hơn cả. Amen.

Theo Nội San của Giáo Xứ Thánh AN-TÔN, Paris 5.1992

NÀY CON ÐÂY


Cha ơi, Cha đã gọi con,

Con đây, xin hãy dạy con mọi điều.

Cha là Thầy dạy kính yêu,

Con là trẻ nhỏ sớm chiều bên Cha.

Ngôi trường con học với Cha,

Cho con sống trọn ý Cha trong đời...

Cha ơi, Cha đã gọi con,

Con đây, xin hướng dẫn con trên đường,

Ðưa chân con bước hành hương,

Như là lữ khách dặm trường xa xôi.

Chính Cha duy nhất Niềm Vui,

Cho con cảm nếm mọi nơi mọi ngày...

Cha ơi, Cha đã gọi con,

Con đây, xin hãy sai con vào đời,

Cho con đến với mọi người

Anh em nghèo khó ngược xuôi nhọc nhằn.

Cha là Lòng Mến chứa chan

Từ tay con sẽ chia san ân cần...

Cha ơi, Cha đã gọi con,

Con đây, xin giữ gìn con vẹn tuyền.

Giữa lòng Hội Thánh dịu hiền,

Cho con đứng vững trung kiên vuông tròn.

Cha là Ðá Tảng trên non,

Còn con, viên sỏi tý hon chân đồi...

Giúp con can đảm không rời

Ngay nơi Thần Khí kêu mời gọi con,

Ðặt con hiện diện sắt son

Như là chứng tá Thánh Thần của Cha.

Ngợi khen Cha mãi Halleluyah,

Halleluyah mãi, Danh Cha trọn đời...

MK LÊ QUANG chuyển dịch từ

"Me Voici" của MICHELINE DUBÉ, Clarisse


KINH CẦU CHO CÁC LINH MỤC

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Linh Mục đời đời, Ðấng Chăn Chiên Lành, nguồn mạch Sự Sống, Chúa đã cho chúng con tham dự vào chức Tư Tế Vương Giả của Chúa, để chúng con loan truyền những kỳ công của Chúa ( 1 Pr 2, 9 ), và dâng hiến Chúa những lễ tế thiêng liêng: là đời sống kinh nguyện, việc làm và những nỗi vui buồn khổ đau. Chúng con xin tạ ơn Chúa vì chức Tư Tế chung này cho mọi Ki-tô hữu chúng con.

Nhưng chúng con càng tạ ơn Chúa hơn nữa, vì Chúa đã chọn một số anh em chúng con đặt làm Linh Mục thừa tác, để thay mặt Chúa mà dạy dỗ, thánh hóa và hướng dẫn chúng con.

Lạy Chúa, xin thánh hiến các Linh Mục như Chúa đã tự thánh hiến ( Ga 17, 19 ). Xin cho các ngài nên giống Chúa trong mọi sự: như Chúa là Ðấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng ( Mt 11, 29 ), như Chúa là ánh sáng cho thế gian ( Ga 9, 5 ), và như Chúa là Mục Tử dám hiến mạng sống vì đàn chiên của mình ( Ga 10, 15 ).

Xin Chúa ban cho các Linh Mục sự khiêm nhượng và lòng nhiệt thành chăm lo việc Chúa, tránh những việc xa lạ với phẩm chức của mình. Xin cho các ngài chỉ biết rao truyền Lời Chúa chứ không rao giảng ý kiến riêng của mình hay của loài người. Ước gì các ngài sốt sắng trong việc mục vụ, nhất là trong việc cử hành Thánh Lễ và các Bí Tích, vì đó là nguồn năng lực vô giá cho các tín hữu chúng con.

Sau hết, giữa những khó khăn đau khổ ở đời, xin ban cho các ngài sự bình tĩnh, lòng can đảm trong mọi thử thách, tin tưởng và phó thác nơi Chúa Thánh Thần, chuyên cần cầu nguyện và sống kết hợp với Chúa, vâng theo Thánh Ý Chúa Cha trên Trời trong hết mọi sự.

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con thiếu thốn Linh Mục, xin ban cho Giáo Hội nhiều chủng sinh và Linh Mục thánh thiện. Xin cho chúng con biết yêu mến, vâng phục và thành tâm cộng tác với các Linh Mục coi sóc chúng con, để đời này cùng nhau xây dựng Nước Chúa, đời sau chúng con lại được sum họp với nhau trên Nước Hằng Sống. Amen.

Bản sưu tầm của Lm. TRẦN PHÚC NHÂN

CHIA SẺ:

BÀI CHIA SẺ TRONG THÁNH LỄ TẠ ƠN CỦA TÂN LM. DCCT

PHÊ-RÔ ÐỖ MINH TRÍ GIÁO XỨ ÐMHCG THỨ BẢY 13.4.2002

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Ðức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình An cho anh em !" Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình An cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần." ( Ga 20, 19 - 21 )

Căn cứ vào Lời Chúa, cụ thể là đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe công bố, chúng ta có thể hỏi nhau, có thể hỏi chính anh Ðỗ Minh Trí, một người bạn, một người anh em của bản thân chúng tôi và của mọi người chúng ta: "Linh Mục, Anh là Ai ?"

"Bình An cho anh em !" Cứ mỗi lần hiện ra sau khi Phục Sinh, Chúa Giê-su lập lại nhiều lần với các môn đệ: "Bình An cho anh em !" Ngài muốn trấn an để họ không còn sợ hãi nữa chăng ? Sợ người Do-thái đang muốn "nhổ cỏ nhổ tận gốc" ư ? Sợ người Rô-ma vu cho tội đánh cắp xác Chúa ư ? Hay sợ gặp ma, gặp một oan hồn hiện ra với mình ư ? Có lẽ chỉ một phần thôi, bởi Bình An Chúa Giê-su muốn nói đến vượt trên tất cả mọi khái niệm về bình an của loài người thường nghĩ.

Trước giờ đi nộp mình chịu chết, Chúa Giê-su đã trăn trối di chúc cho các môn đệ: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em Bình An của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi !" ( Ga 14, 27 ). Ðúng là nhận lấy Bình An của Chúa Giê-su để không còn xao xuyến và sợ hãi, nhưng không phải chỉ là thứ sợ hãi và xao xuyến chúng ta thường gặp trong cuộc sống, khi người đời ngộ nhận, cản trở, vu oan, khép tội, trục xuất, quản chế hay bách hại các môn đệ của Chúa. Nhưng trên hết, đây là Bình An của chính Chúa Giê-su muốn ban tặng để các môn đệ Chúa có thể đủ can đảm để đón nhận một sứ vụ. 

Chúng ta hãy lưu ý với đoạn Tin Mừng Gio-an chương 20, ngay sau khi nói: "Bình an cho anh em !" Chúa Giê-su trao ngay cho các môn đệ một sứ mạng: "Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Rồi như thể để cho các môn đệ thêm xác tín, Chúa Giê-su còn thổi hơi trên các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần." Như vậy đã quá rõ: Bình An ở đây là chính Thần Khí, là Ngôi Ba Thánh Thần. Trong ngày truyền tin mà chúng ta vừa mừng lễ mới đây, khi Chúa Cha sai Chúa Giê-su trong sứ vụ "nhập thể làm người", Chúa Cha đã để cho "Thánh Thần ngự xuống" trên cô thiếu nữ Ma-ri-a, và "quyền năng Ðấng Tối Cao" đã "rợp bóng" trên suốt cuộc đời Người sẽ là Mẹ của Chúa Giê-su ( x. Lc 1, 35 ). Thật không khác gì sứ thần Thiên Chúa nói: "Bình An cho cô, hỡi Ma-ri-a, hôm nay Thiên Chúa đã sai cô, đã muốn cô nhận lấy sứ vụ cưu mang và hạ sinh Chúa Giê-su, Ðấng được sai xuống trần, nhập thể làm người để cứu mọi người !"

Vậy, đến đây, chúng ta nhận thức rõ ràng: Chúa Giê-su trao ban Bình An, Chúa Giê-su thổi làn hơi và sức sống Thánh Thần trên các môn đệ ngày xưa, chính là để các ông được sai đi, lên đường trong sứ vụ tiếp nối sứ vụ sống yêu thương và can đảm loan báo Tin Mừng của Chúa Giê-su cho đến tận cùng thế giới...

Còn với chúng ta hôm nay thì sao ? Ðặc biệt đối với một tân Linh Mục như anh Ðỗ Minh Trí hôm nay thì sao ? Cách đây hai ngày, tại Nhà Thờ Chính Tòa Giáo Phận Xuân Lộc, sau phần Kinh Cầu Các Thánh, chắc ít có người để ý đến một lời nguyện của Ðức Giám Mục trước khi trao sứ vụ Linh Mục cho anh Trí: "Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng, chúng con nài xin Cha nhậm lời đổ tràn ơn phúc Chúa Thánh Thần và ơn chức Linh Mục trên tôi tớ của Cha đây, ngõ hầu người anh em chúng con dâng lên để thánh hiến cho lòng khoan hậu Cha, sẽ luôn luôn được Cha rộng tay ban ơn che chở, chúng con cầu xin nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen".

Và khi nghi thức thánh hiến hoàn tất, Ðức Giám Mục trao nụ hôn Bình An cho tân Linh Mục Trí và nói: "Bình An của Chúa ở cùng con", anh Trí, chắc là lúc đó, xúc động đến nghẹn ngào, đã thưa lại: "Và ở cùng cha". Ngay sau đó, các Giám Mục và một số Linh Mục đại diện cho hơn 400 Linh Mục có mặt trong Nhà Thờ chính tòa Xuân Lộc lúc ấy, cũng đã đến trao hôn Bình An như thế cho anh Trí. Có lẽ trong suốt cả cuộc đời, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ anh Trí lại được... hôn nhiều như thế, hay nói đúng hơn, lại được chan hòa Bình An, chan hòa ơn Chúa Thánh Thần nhiều như thế !

Rõ ràng, trong sứ vụ một Linh Mục, Bình An vừa đón nhận ấy đâu có phải để cho người Linh Mục yên tâm sẽ không bị trúng gió, sẽ không mắc phải bệnh tật, sẽ không bị xe đụng, sẽ không bị làm khó dễ lúc này lúc khác, nhưng chính là để người Linh Mục, một cách khẳng khái và quả cảm xác tín, như Thánh Phao-lô đã từng tế nhận: "Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là chính Ðức Ki-tô sống trong tôi"  ( Gl 2, 20 ), ngay giữa cuộc đời hôm nay.

Nếu Ðức Ki-tô đã bị người Do-thái âm mưu xô xuống vực mà vẫn Bình An lách mình giữa đám đông mà đi; thì ắt hẳn người Linh Mục hôm nay cũng sẽ lướt đi, sẽ vượt thắng mọi khó khăn trong Bình An y như vậy.

Nếu Ðức Ki-tô đã bị nhà cầm quyền Rô-ma cho đánh đòn tàn nhẫn, chụp một cái mũ bằng gai trên đầu, vác cây khổ giá oằn vai và đóng đinh đến chết trên đồi Can-vê ngày xưa, mà Ngài vẫn Bình An nói một lời bao dung tha thứ; thì ắt hẳn người Linh Mục hôm nay cũng sẽ vui vẻ gánh chịu mọi ngộ nhận, vu khống và bách hại của thế gian trong Bình An y như thế.

Chúng ta còn nhớ ở Giáo Phận Long Xuyên, cách đây khoảng 5 năm, đã có một Linh Mục trẻ bị những người say rượu đánh nhừ đòn trên đường về Cao Lãnh, chỉ vì cha đã lỡ để xe Honda của mình quẹt ngã một em bé, để rồi trước khi tắt thở ở bệnh viện Chợ Rẫy, cha vẫn tha thứ, vẫn xin bãi nại cho hung thủ, để rồi sau đó chính con người ấy và cả gia đình người ấy đã ân hận mà sám hối chân thành.

Buồn thương, nhục nhã, khổ đau, khốn đốn và cả đến cái chết mà vẫn không thể đè bẹp và triệt hạ được Bình An của Thiên Chúa, thì huống chi lúc bình thường, người Linh Mục lại càng không thể cất giấu kỹ Bình An ấy cho riêng mình, nhưng sẽ sống, sẽ cư xử, sẽ giảng dạy, sẽ làm mục vụ với một niềm Bình An rực rỡ như thể Bình An ấy là muối, là men, là ánh sáng tỏa lan trong cuộc sống cho mọi người, nhất là những người nghèo khó và bất hạnh, nhất là cho người tội lỗi đang cần được thứ tha và giao hòa.

Vậy, cuối cùng, Linh Mục, Anh là ai ? Chúng ta đã tìm được câu trả lời, một định nghĩa nhỏ nhưng quan trọng, đơn sơ nhưng sâu thẳm, cao quý nhưng gần gũi dễ thương, góp vào cho căn tính hết sức phong phú của một Linh Mục, đó là: Linh Mục, Người chuyển giao Bình An của Chúa Giê-su cho mọi người. Hay nói bằng một hướng khác, Linh Mục, người được Chúa Giê-su sai đi trong Bình An, để trước tiên, người Linh Mục sống Bình An, và rồi chia sẻ Bình An ấy cho mọi người.

Trong Thánh Lễ, có một phần cuối cùng mà Sách Lễ Rô-ma ghi đơn giản là Nghi Thức Kết Lễ, cái phần mà nhiều người đứng ngoài sân Nhà Thờ vẫn thường nổ máy xe bỏ ra về để kịp đi chơi, để kịp vào một nhà hàng hay vội về nhà để xem ti-vi, xem phim bộ Hồng Kông..., cái phần mà những người đứng ngay trong Nhà Thờ đang thở phào vì cho rằng sắp được giải tán ra về sau một ván lễ dài gần một tiếng..., cái phần mà ca đoàn thường chia trí vì mải chuẩn bị cho bài hát kính Ðức Mẹ cuối Lễ, cái phần mà nếu lấy đồng hồ bấm giờ, người ta sẽ chỉ thấy nó kéo dài trong vỏn vẹn 25 giây... vâng, cái phần ngắn ngủi và bị coi thường xem nhẹ ấy, thật ra quý lắm, dễ thương lắm, tuyệt vời lắm, và cũng thấm thía lắm, phần ấy được Thần Học gọi là phần Phụng Vụ Sai Ði.

Tất cả chỉ có 6 câu ngắn đối đáp giữa Linh Mục và cộng đoàn tham dự: "Chúa ở cùng anh chị em... Và ở cùng cha... Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, ban phúc lành cho anh chị em... Amen. Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về Bình An... Tạ Ơn Chúa."

Dễ thương, tuyệt vời và thấm thía là vì không ở đâu lại giống như ở Bữa Tiệc Thánh: sau khi đã được Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi ở phần Phụng Vụ Tập Họp ( Liturgie du Rassemblement ); sau khi đã được ăn no nê Bữa Tiệc Lời Chúa ở phần Phụng Vụ Lời Chúa ( Liturgie de la Parole ); và kế đó, được nuôi dưỡng bằng chính Mình và Máu Thánh Chúa Giê-su trong phần Phụng Vụ Tạ Ơn ( Liturgie de l’Eucharistie ), xin lưu ý là tất cả đều miễn phí, không phải trả tiền, đều được Thiên Chúa ban nhưng-không một cách thân thương trìu mến; thì giờ đây, đến phần Phụng Vụ Sai Ði ( Liturgie du Renvoi ), Thiên Chúa Ba Ngôi lại còn trao cho chúng ta một món quà vô giá để mang về nhà, một món quà không có gì trên đời này mua được, không có ai trên đời  này ban cho ta được, đó chính là Bình An, một Bình An để lãnh nhận sứ vụ của Chúa Giê-su như ta đã nói đến từ đầu.

Thú thật, bản văn tiếng Việt ở chỗ này của Sách Lễ Rô-ma không hay, không thấm thía, không đánh động tâm hồn chúng ta. Chúng tôi lục tìm trong bản văn tiếng Pháp thì thấy hay hơn: "Allez dans la Paix du Christ !" Nhưng hóa ra bản tiếng Anh, tiếng Mỹ lại còn hay hơn nữa: "The Mass is ended, go in Peace of Christ, to love and serve the Lord". Xin mạo muội mạn phép Ủy Ban Phụng Tự Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam để đưa ra một lời trao Bình An cuối Thánh Lễ có vẻ đậm màu tinh thần Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi như thế này: "Thánh Lễ đã xong, anh chị em hãy lên đường trong Bình An của Ðức Ki-tô, để yêu thương và phụng sự Thiên Chúa, để yêu thương và phục vụ tha nhân, nhất là những người nghèo khó bị bỏ rơi. Ha-lê-lui-a ! Ha-lê-lui-a !"

Lát nữa đây, chính anh Trí, Tân Linh Mục Phê-rô Ðỗ Minh Trí của gia đình chúng ta, của Giáo Xứ Hữu Phước, của DCCT, hay nói đúng hơn, của toàn Giáo Hội chúng ta, cũng sẽ kết thúc Thánh Lễ Tạ Ơn hôm nay bằng một lời trao Bình An, tuy có lẽ sẽ không dám tự ý đổi y như thế, nhưng chắc chắn là mang một nội dung sâu xa và tuyệt vời như thế.

Xin anh chị em đừng quá bận tâm đến chuyện sau Thánh Lễ này, sẽ chụp hình kỷ niệm với ai, sẽ ăn tiệc vui ra sao, sẽ tặng quà cho anh Trí lúc nào... Nhưng xin hãy khao khát mở lòng ra để đón nhận Bình An, và để hân hoan đáp lại bằng một tiềng reo vang: "Tạ Ơn Chúa, Ha-lê-lui-a, Ha-lê-lui-a !

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, 13.4.2002

LÀM CHA SỞ NGÀY NAY...

Nếu cha giảng lâu quá 10 phút - Cha lại nói thao thao bất tuyệt !

Nếu cha mời mọi người chiêm niệm về Thiên Chúa - Ôi, cha chỉ toàn là nói chuyện trên mây trên gió !

Nếu cha đề cập hơi nhiều đến các vấn đề xã hội - Rõ ràng là cha lại khuynh tả rồi !

Nếu cha chỉ cư ngụ trong khuôn viên Giáo Xứ - Cha đã tự ý cắt đứt liên hệ với thế gian !

Nếu cha cứ cả ngày ở trong Nhà Chung - Cha chẳng chịu đi gặp gỡ tiếp xúc với ai cả !

Nếu cha thường xuyên đi thăm người này người kia - Cha chẳng chịu bao giờ ở Nhà Xứ !

Nếu cha sẵn sàng làm Phép Rửa Tội và chứng Hôn Phối cho bất cứ ai đến xin - Ðúng là cha đã bán tống bán tháo các Bí Tích !

Nếu cha đòi hỏi cao hơn và nhiều hơn - Cha chỉ muốn Giáo Hội gồm toàn những người trọn hảo !

Nếu cha thành công với thiếu nhi - Ðạo của cha là đạo ấu trĩ !

Nếu cha năng thăm viếng các bệnh nhân - Cha chỉ phí thời giờ, và không đi sát với các vấn đề của thời đại !

Nếu cha sửa sang Nhà Thờ - Cha lại ném tiền qua cửa sổ mất rồi !

Nếu cha không tu bổ gì - Cha đã bỏ bê mọi sự !

Nếu cha cộng tác chặt chẽ với Hội Ðồng Giáo Xứ - Cha lại để cho người ta xỏ mũi cha rồi !

Nếu cha không lập Hội Ðồng Giáo Xứ - Cha độc tài quá đi mất !

Nếu cha hay mỉm cười - Cha quá dễ dãi !

Nếu vì đãng trí hay quá bận tâm một chuyện gì đó nên không nhìn thấy một người nào đó - Cha khinh người vừa vừa chứ !

Nếu cha hay bực bội vì một sai sót nào đó của người khác - Cha thiếu sự độ lượng nhân từ rồi đấy !

Nếu cha hiền hòa nhẫn nhục - Cha thiếu nghị lực cả quyết !

Nếu cha còn trẻ - Ðúng là cha còn thiếu kinh nghiệm trường đời !

Nếu cha đã có tuổi - Xin mời cha nghỉ hưu đi là vừa !

Vậy thì, kính thưa cha sở, xin cha cứ can đảm lên nhé !

Theo P. DESCOUVEMONT, Trong GUIDE DES DIFFICULTÉS DE LA FOI CATHOLIQUE, 1989

CÂU TRUYỆN:

BA MÁ SẼ TIẾP TỤC HY SINH CHO CON

Ðức Hồng Y Cardjin, vị sáng lập phong trào Thanh Lao Công ( JOC - Jeunes Ouvriers Catholiques, Thanh Niên Lao Ðộng Công Giáo hay gọi tắt là Thanh Lao Công ) đã kể lại câu chuyện về gia đình ngài như sau:

"Tôi trở thành Linh Mục chính là nhờ cha mẹ tôi. Cha tôi là một công nhân nghèo, đã hy sinh rất nhiều để có thể nuôi dưỡng mấy anh em tôi. Tôi còn nhớ, năm lên 13 tuổi, vào một buổi tối, tôi rón rén đến gần cha tôi, người đang ngồi trầm ngâm với chiếc ống điếu, còn mẹ tôi thì đang khâu lại một số giầy dép đã sờn rách của lũ chúng tôi. Tôi rụt rè thưa với cha tôi: "Ba ơi, sang năm học mới này, con có thể được tiếp tục học nữa không ạ ?" Cha tôi im lặng hồi lâu rồi mới buồn bã trả lời: "Con ơi, ở tuổi con, ba đã phải đi làm rồi, nay thì ba đã già, sức đã cạn rồi, có lẽ con phải..." Tôi hiểu ý cha tôi muốn gì, nhưng tôi vẫn cố nài nỉ thuyết phục: "Ba ơi, con nghĩ là Chúa đã gọi con, con muốn trở thành Linh Mục !"

Khi vừa nghe tôi cho biết ý định xin đi tu, nước mắt cha tôi bỗng từ từ lăn dài trên đôi gò má gầy còm. Phải một lúc sau đó, cha tôi mới nghẹn ngào nói được: "Ba má đã hy sinh quá nhiều, nhưng để được một người con hiến dâng cho Chúa thì ba má nguyện sẽ lại tiếp tục hy sinh !"

Và cha mẹ tôi đã tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa để tôi được đi học. Vừa mãn trung học, tôi được tin cha tôi ốm nặng. Trên giường hấp hối, cha tôi nhìn tôi mỉm cười, đó là lời chúc phúc cuối cùng người đã dành cho tôi. Sau khi vuốt mắt cha, tôi đã tâm nguyện với Chúa sẽ nỗ lực tu tập để trở thành Linh Mục, nhất là một Linh Mục cho giới công nhân thợ thuyền... Và cuộc sống giờ đây ở quanh tôi luôn được thắp sáng bởi những tâm hồn khiêm tốn trong thầm lặng, những con người hiền từ, biết đón nhận những gì Chúa gửi đến với thái độ vâng phục và tri ân. Họ đã học được sự hiền hậu và khiêm nhường của Chúa Giê-su, để đem đến cho chúng ta và mời gọi chúng ta cùng lên đường sống nhân ái và khiêm cung..."

LỜI HẰNG SỐNG, 7.1996

ƠN GỌI TẬN HIẾN CHO CẢ GIA ÐÌNH

Hai vợ chồng nhà báo người Hà-lan tên là Val Der Meer De Walcheren đã cùng xin chịu Bí Tích Thánh Tẩy vào năm 1911 để gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Sau đó, ông bà đã lần lượt khuyên các con cùng theo đạo, rồi lại cũng lần lượt theo đuổi Ơn Gọi Tận Hiến của các Dòng Tu. Người con trai lớn sau này đã trở thành một Linh Mục Dòng Biển-đức Nam ( Bénédictin ). Người con gái kế làm nữ tu trong đan viện Biển-đức Nữ ( Bénédictine ).

Năm 1933, nhờ lòng khao khát tuyệt đối và ý chí tận hiến cho Chúa, Tòa Thánh đã chấp thuận đơn xin của hai ông bà để được phép chia tay nhau trong Lòng Mến đích thật. Ông xin được vào tu Dòng Biển-đức Nam, nơi người con trai Linh Mục vừa sớm lìa đời, còn bà thì xin vào Dòng Biển-đức Nữ chung với người con gái. Trong thời kỳ tập tu, Bề Trên cả hai Dòng chỉ định cho ông bà phải tiếp tục thường xuyên thư từ cho nhau. Sau hai năm, cả hai ông bà vẫn đầy thiện chí, sẵn sàng hy sinh dâng mình cho Chúa. Thế nhưng, Bề Trên của hai bên đều nhận thấy mối duyên tình của ông bà còn quá khắng khít, nên đã khuyên cả hai trở về với đời sống gia đình. Ông bà vâng lời trở về, tiếp tục sống hạnh phúc bên nhau, chan hòa lòng yêu thương bác ái đối với tha nhân, nhất là với những người nghèo khổ.

Ðến năm 1954 thì bà Val Der Meer qua đời. Nối lại ý hướng từ 20 năm về trước, cụ ông 74 tuổi đã xin trở lại tu viện. Và vào ngày 22.12.1956, cụ được thụ phong Linh Mục tại nhà nguyện Tu Viện Ðức Mẹ, nơi người con gái của cụ vẫn đang sống cuộc đời đan tu gương mẫu đã hơn 40 năm qua...

Nguyệt San Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 100, về Ơn Gọi, 9.1959

THÔNG TIN:

THÔNG TIN VỀ CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG HÀ NAM 1" CHO 10 EM HỌC SINH NGHÈO

Thầy Nguyễn Văn Phượng, DCCT, giới thiệu danh sách 10 dưới đây đều cư ngụ tại thôn Thượng Trang, xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam:

01. Em NGUYỄN VĂN HẢI, sinh 11.12.1992, đang học lớp 4 trường PTCS xã Liêm Tiết, mẹ mất sức lao động, cả nhà đều làm nghề nông, thu nhập rất thấp và bấp bênh.

02. Em NGUYỄN THỊ NGA, sinh 2.2.1990, đang học lớp 6 trường PTCS xã Liêm Phong, gia đình làm nghề nông, quá nghèo.

03. Em NGUYỄN VĂN HIỆU, sinh 9.3.1988, đang học lớp 8 trường PTCS xã Liêm Phong, gia đình có 5 người con, bố mất sức lao động.

04. Em NGUYỄN VĂN THƯỠNG, sinh 17.10.1986, đang học lớp 10 trường PTTH Thanh Liêm A, gia đình 10 người con, quá nghèo.

05. Em NGUYỄN VĂN VIỆT, sinh 3.6.1989, đang học lớp 7 trường PTCS xã Liêm Tiết, gia đình 7 người con, bố bị bệnh tâm thần.

06. Em NGUYỄN VĂN LINH, sinh 2.4.1989, đang học lớp 7 trường PTCS Liêm Phong, gia đình quá nghèo, mẹ bị cắt mất một lá phổi, mất sức lao động hoàn toàn.

07. Em NGUYỄN VĂN TUYỀN, sinh 8.6.1990, đang học lớp 6 trường PTCS Liêm Phong, gia đình 5 người con, mẹ mất sớm.

08. Em NGUYỄN THỊ DINH, sinh 9.10.1986, đang học lớp 10 trường PTTH Thanh Liêm A, gia đình 5 người con, mẹ bị bệnh thần kinh tọa, mất sức lao động hoàn toàn.

09. Em NGUYỄN THỊ NHUNG, sinh 7.5.1998, đang học lớp 8 trường PTCS xã Liêm Phong, gia đình quá nghèo, mẹ lại thxuyên ốm đau, không làm ruộng được.

10. Em NGUYỄN THỊ THỦY, sinh 14.2.1983, đang học lớp 12 trường PTTH Thanh Liêm A, gia đình 3 người con, mẹ bị bệnh tim độ 3, chỉ có thể làm những việc nhẹ trong nhà.

Gospelnet xin đặt tên chương trình này là "HỌC BỔNG HÀ NAM 1", mỗi em được trợ giúp mỗi tháng 50.000 VND trong 3 tháng, kể từ tháng 5 đến hết tháng 7.2002, tổng cộng: đợt 1: 1.500.000 VND. Rất mong quý độc giả gần xa có người sẽ đứng ra nhận trợ giúp cho các em lâu dài hơn.

THÔNG TIN VỀ CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG DAKLAK 1" CHO 13 EM HỌC SINH NGHÈO

Sr. Bùi Thị Huế, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, Buôn Ma Thuột, giới thiệu danh sách 13 em học sinh có hoàn cảnh gia đình rất nghèo, hiện sống rải rác trong tỉnh Daklak, có giấy xác nhận của cha Nguyễn Văn Thành ( Giáo Xứ Quảng Nhiêu ) và của cha Nguyễn Văn Nghĩa ( Giáo Xứ Thuận Hiếu ) như sau:

01. Em NGUYỄN HỒNG VŨ, sinh 1985, đang học lớp 9 trường PTCS Nguyễn Tri Phương

02. Em NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN, sinh 1989, đang học lớp 7 trường PTCS Nguyễn Tri Phương

03. Em LÊ THỊ MINH OANH, sinh 1986, đang học lớp 9 trường PTCS Nguyễn Tri Phương

04. Em LÊ ÁNH TUYẾT, sinh 1990, đang học lớp 6 trường PTCS Nguyễn Tri Phương

05. Em HUỲNH QUỐC BẢO, sinh 1989, đang học lớp 7 trường PTCS Nguyễn Tri Phương

06. Em HUỲNH BẢO QUỐC, sinh 1989, đang học lớp 7 trường PTCS Nguyễn Tri Phương

07. Em BÙI THỊ HẬU, sinh 1990, đang học lớp 6 trường PTCS Nguyễn Tri Phương

08. Em BÙI VĂN SA, sinh 1986, đang học lớp 10 trường PTTH Cư M’gar, Quảng Phú

09. Em HUỲNH THỊ THU KIỀU, sinh 1988, dhop 8 trường PTCS Hòa An

10. Em HUỲNH NGỌC VŨ, sinh 1990, đang học lớp 6, trường PTCS Hòa An

11. Em ÐOÀN MINH VƯƠNG, sinh 1990, đang học lớp 6 trường PTCS Hòa An

12. Em TRƯƠNG THỊ YẾN, sinh 1985, đang học lớp 11 trường PTBC Lê Hữu Trác.

13. Em ÐÀNG HOÀNG ANH QUỐC, sinh 1982, người gốc Chăm, đang học Trong Thiết Kế Sài-gòn.

Gospelnet xin trợ giúp mỗi em 50.000 VND tạm thời trong 3 tháng, từ tháng 5 đến hết tháng 7.2002, tổng cộng: 1.950.000 VND, kính nhờ Sr. Huế chuyển đến các em. Chương trình này sẽ mang tên "HỌC BỔNG DAKLAK 1". Rất mong quý độc giả gần xa có người sẽ nhận đứng ra trợ giúp cho các em lâu dài hơn.

THÔNG TIN VỀ MỘT SINH VIÊN XUẤT SẮC CẦN TRỠ GIÚP

Cha Ðặng Sĩ Bình, Nhà Thờ Hòa Bình, Buôn Ma Thuật, giới thiệu gia đình anh chị Nguyễn Ðức Tiến có người con gái là NGUYỄN THỊ ANH KHUYÊN, hiện đang học năm 3 Ðại Học Sư Phạm, học lực xuất sắc. Gia đình phải cố gắng lo cho 5 người con đi học, hiện đang rơi vào thời điểm ngặt nghèo túng thiếu. Gospelnet xin trợ giúp ngay 300.000 VND để gia đình kịp thời lo liệu, không để các cháu bị dở dang việc học. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng liên hệ tìm cho em Anh Khuyên một học bổng lâu dài, ít là đến khi tốt nghiệp Ðại Học.

THÔNG TIN VỀ MỘT BỆNH NHÂN CẦN PHẢI MỔ TIM

Cô Nguyễn Thị Giao, Văn Phòng Xã Hội, 42 Tú Xương, quận 3, giới thiệu trường hợp chị LẠI THỊ THOA, sinh năm 1972, hiện ngụ tại ấp 1, xã Long Hưng, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước, quê tại Miền Bắc, có cha mẹ già yếu, sống bằng nghề nông. Chị Thoa cùng chồng, con trai và 2 cô em gái vào Miền Nam tìm công việc để lo sinh kế. Năm 2001, chị Thoa được Viện Tim xác định là bị bệnh Tim nặng, cần mổ càng sớm càng tốt, nếu không sẽ bị liệt. Hiện tại, chị đã bị tê cánh tay trái và vùng lưng, phải uống thuốc hàng tháng hết vài trăm ngàn. Ngoài bệnh tim, chị còn bị bệnh sỏi mật ( viên sỏi đường kính 4mm ) gây đau đớn khi phải đi bộ nhiều. Chi phí dự kiến cho việc giải phẫu Tim là khoảng 40 triệu VND. Từ tháng 3.2001, chị Thoa đã gom góp, vay mượn được 12 triệu, Văn Phòng Xã Hội 42 Tú Xương, Quận 3, chỉ có thể hỗ trợ 3 triệu, Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân Nghèo Sài-gòn hứa sẽ giúp thêm khoảng 5 tới 7 triệu. Như vậy, còn thiếu gần 20 triệu. Gospelnet xin trích quỹ trợ giúp trước mắt là 3.000.000 VND ( 200 USD ). Rất mong quý độc giả gần xa, mỗi người một chút chia sẻ thêm cho chị Thoa.

THÔNG TIN VỀ MỘT BỆNH NHÂN CẦN PHẢI NONG VAN TIM

Sr. Yến Tân, Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh-sơn, giới thiệu trường hợp em NGUYỄN THỊ KIM NHUNG, sinh ngày 11.9.1984, đang học lớp 10 A2 trường PTTH Ninh Hải, hiện ngụ tại ấp Lương Cách, xã Hộ Hải, huyện ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Một lần đ trên đường đi học thì em Nhung bị ho ra máu, được các Sr, hướng dẫn đi khám bệnh thì mới phát hiện bị bệnh Tim. Theo các bác sĩ ở Viện Tim và Khoa Tổng Hợp Biết của Bệnh Viện thống Nhất, em Nhung phải được nong van tim hai lá bằng bóng, ngày thứ năm 11.4 vừa qua, em Nhung đã nhập viện và trong tuần tới sẽ được mổ, chi phí hết khoảng 7 triệu VND, bệnh viện Thống Nhất hứa giúp 2 triệu, còn thiếu 5 triệu. Như vậy, Gospelnet xin trợ giúp 3.000.000 VND ( 200 USD ).

THÔNG TIN VỀ MỘT EM BÉ BỊ BỆNH NGẶT NGHÈO Ở TỈNH ÐỒNG NAI

Sr. Nguyễn Thị Thảo, Dòng Ða-minh Rosa Lima, miền Vô Nhiễm, giới thiệu trường hợp em MAI HUY HOÀNG, ngụ tại ấp 4, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai, thuộc Giáo Xứ Hiệp Lực. Cha là Mai Văn Quán, đi làm mướn, thường xuyên thất nghiệp, mẹ là Nguyễn Thị Bích Ngọc, bán hàng rong ngoài đường, có tất cả 5 con. Từ cuối năm 2000, em Hoàng bị xưng lá lách, viêm đại tràng và thiếu máu trầm trọng, phải đưa vào bệnh viện Nhi Ðồng 1. Gần đây em lại bị thêm bệnh loét dạ dầy, ói ra máu. Tiền thuốc thang hết sức tốn kém và gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ. Gospelnet xin tạm thời trợ giúp 300.000 VND. Rất mong quý độc giả gần xa nhận trợ giúp thêm cho gia đình em.

THÔNG TIN VỀ CHÁU BÉ HOÀNG ÐÀO XUÂN MAI ÐÃ MỔ TIM THÀNH CÔNG

Sr. Nguyễn Thị Thảo, Dòng Ða-minh Rosa Lima, miền Vô Nhiễm, báo tin vui: bé HOÀNG ÐÀO XUÂN MAI đã được các bác sĩ Viện Tim mổ thành công, mọi chi phí đều được xét miễn hoàn toàn kể ca tiền truyền máu. Gospelnet đã trích thêm quỹ để giúp gia đình cháu 500.000 VND bồi dưỡng sau khi giải phẫu. Xin quý độc giả tiếp tục cầu nguyện cho cháu HÀ LÊ MỸ TIÊN đang chờ được xếp lịch mổ. Gospelnet đã trích trợ giúp cho gia đình cháu tổng cộng 10.100.000 VND thanh toán các khoản nợ nần vay mượn với lãi xuất cao để có tiền đóng chi phí giải phẫu cho cháu trước đây.

THÔNG TIN VỀ MỘT CHÁU BÉ KHUYẾT TẬT Ở ÐỒNG NAI

Anh Phạm Văn Lượng, thuộc Huynh Ðoàn Ki-tô các Bệnh Nhân và Người Khuyết Tật, giới thiệu trường hợp cháu bé NGUYỄN HOÀNG KHÁNH NGUYÊN, sinh năm 1996, con của ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ tại số nhà 21 / 1 ấp Nam Hà, xã Xuân Bảo, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Cháu bị khuyết tật từ bé, không đi đứng được, hoàn cảnh gia đình lại hết sức khó khăn. Gospelnet xin trợ giúp số tiền 300.000 VND.

THÔNG TIN VỀ CÁC KHOẢN TIỀN CÁC ÂN NHÂN MỚI GIÚP

- Bác Chín Sự Bình Triệu ( Hoa Kỳ ) giúp người nghèo ......................................................................................................  50 USD

- Ông Nguyễn Văn Nghị ( Ðồng Nai ) gửi qua đường Bưu Ðiện, giúp người nghèo .........................................  500.000 VND

- Chị Mai Cẩm Phượng ( Hoa Kỳ ) giúp học bổng các em học sinh nghèo ...................................................................  100 USD

- Một Linh Mục ẩn danh ( Việt Nam ) giúp người nghèo .........................................................................................  500.000 VND