CHÚA NHẬT PHỤC SINH VÀ TUẦN BÁT NHẬT

TIN MỪNG: Ga 20,1-9:

NGÔI MỘ TRỐNG

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Ðức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu. "

Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn dệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Ðức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Ðức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà.

SUY NIỆM 1:

LÀM CHỨNG CHÚA KI-TÔ PHỤC SINH GIỮA THẾ GIỚI HÔM NAY

1. Tầm quan trọng của chứng tá của Phê-rô đối với Niềm Tin Phục Sinh:

Dù có đọc hết các sách Tân Ước, chúng ta cũng không thể tìm ra một đoạn văn nào mô tả cách Ðức Giê-su đã Phục Sinh từ cõi chết như thế nào. Thật vậy, các Phúc Âm đã tường thuật rất tỉ mỉ, chi tiết cuộc Thương Khó và Cái Chết thập giá của Ðức Giê-su, nhưng chỉ nói rất ngắn gọn về sự Phục Sinh của Người. Tại sao vậy ? - Tại vì chẳng có ai chứng kiến tận mắt biến cố hay sự kiện ấy. Vậy niềm Tin Phục Sinh dựa vào đâu ?

Tin Mừng Gio-an kể lại câu chuyện ngôi mộ trống là một phần của sự kiện Ðức Giê-su Phục Sinh. Trong câu chuyện ấy vai trò của Phê-rô, tông đồ trưởng, được Gio-an chủ ý làm nổi bật bằng một chi tiết nhỏ là dù Gio-an tới mộ trước ( trẻ, chạy nhanh hơn ), nhưng đứng chờ để Phê-rô bước vào trong mộ trước. Còn sách tông đồ công vụ ghi lại bài giảng của Phê-rô ở Xê-da-rê tại nhà ông Co-nê-li-ô. Bài giảng này có tầm quan trọng hết sức đặc biệt, vì đó là cơ sở vững chắc nhất của Niềm Tin Phục Sinh của Ki-tô giáo. Cũng Ðức Giê-su đó, Ðấng đã xuất thân từ Na-da-rét, được Thiên Chúa ban Thánh Thần và sứ mạng Rao giảng Nước Trời khắp các thôn xóm làng mạc, đã bị giới cầm quyền Do-thái giết hại bằng cực hình thập giá, nay được Thiên Chúa tôn vinh, Phục Sinh từ cõi chết. Sự kiện Phục Sinh thì không ai chứng kiến, nhưng Chúa Ki-tô Phục Sinh thì rất nhiều người - trong đó có Phê-rô và Gio-an - đã được diễm phúc thấy và gặp.

2. Sự Phục Sinh của Ðức Giê-su có nhiều ý nghĩa:

Phao-lô đã nói: Nếu Ðức Giê-su không Phục Sinh thì niềm Tin của chúng ta chẳng có giá trị gì ! Thật vậy, nếu Ðức Giê-su không Phục Sinh thì cùng lắm, chúng ta chỉ có thể coi Người là một vị anh hùng, một vĩ nhân của loài người, chứ không phải là Thiên Chúa, là Ðấng Cứu Ðộ của chúng ta. Và như thế thì dù chúng ta có mến mộ Người đến đâu đi nữa, thân phận của chúng ta vẫn chẳng có gì thay đổi quyết liệt. Nhưng Ðức Giê-su đã Phục Sinh có nghĩa là Người đã được Thiên Chúa tôn vinh là Ðức Ki-tô, tức Ðấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong làm Sứ Gỉa được cử đến với loài người và làm Cứu Chúa của nhân loại. Những lời Người nói, những việc Người làm, những cực hình Người đã chịu là những lời nói, hành động, cực hình có gía trị cứu độ vô biên. Những mặc khải của Người về Thiên Chúa, về Vương quốc của Thiên Chúa, về phẩm gía cao quí của con người, về con đường đạt tới Sự Sống Thật là những mặc khải vô giá. Những chọn lựa của Người, những cách Người sống trở thành mẫu mực và tiêu chuẩn cho chúng ta noi theo.

3. Cách làm chứng Chúa Ki-tô Phục Sinh trong xã hội hôm nay:

Ðể giúp chúng ta làm chứng Chúa Ki-tô Phục Sinh, Phao-lô đã vạch ra cho chúng ta một định hướng: "tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới, hướng lòng trí về những gì thuộc về thượng giới" Thượng giới được hiểu là thế giới của Thiên Chúa và của Ðức Giê-su Ki-tô. Vì thế thượng giới được hiểu cách cụ thể là những gía trị của Tin Mừng, mà bài giảng trên núi đã nêu lên, nhất là Hiến Chương Bát Phúc. Nói một cách đơn sơ, dễ hiểu hơn là chúng ta tìm cách sống giống như Chúa Giê-su đã sống, có những lời nói và hành động cứu độ như Người. Chúa Giê-su đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, thì chúng ta sống ở đâu, cũng phải đem niềm vui, hạnh phúc, bình an, công lý và thịnh vượng ( cả nghĩa vật chất, tinh thần và tâm linh ) cho nơi đó.

Giữa một xã hội nặng cơm áo gạo tiền, trọng đô la hơn những gía trị đạo đức truyền thống của dân tộc, giành giật nhau như những kẻ khùng điên để làm giầu và có chức quyền, thì chúng ta càng phải sống như Chúa Giê-su đã sống ! Giữa một xã hội mà những người bệnh hoạn, tật nguyền, thiểu số, kém may mắn, phụ nữ, trẻ em và giới trẻ. . . là những người dễ trở thành nạn nhân của guồng máy xã hội, thì chúng ta càng phải ưu tiên chọn lựa đứng về phía người nghèo, người cô thế cô thân, người bị lãnh quên và gạt bỏ, để chia sẻ thân phận hẩm hiu của họ, để bênh vực quyền lợi của họ, để thăng tiến phẩm giá làm người và làm con Chúa của họ.

Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cảm tạ Cha đã làm cho Ðức Giê-su, Con yêu dấu của Cha, Phục Sinh từ cõi chết. Xin Cha ban cho chúng con lòng tin vững vàng vào Người và giúp chúng con biết cách tuyên xưng Niềm Tin ấy trong môi trường xã hội Việt Nam của chúng con hôm nay !

Lạy Ðức Giê-su là Ðấng đã được Cha Phục Sinh từ cõi chết. Xin Chúa đổ tràn Ơn Phục Sinh vào lòng chúng con, hầu củng cố lòng tin của chúng con và giúp chúng con biết sống như Chúa đã sống, để chúng con trở thành chứng nhân của Chúa Phục Sinh giữa dòng đời hôm nay.

Lạy Thánh Thần là Thần Khí và Sức Mạnh của Thiên Chúa, là Ðấng đã làm cho Ðức Giê-su Phục Sinh từ cõi chết và đã củng cố lòng tin của các Tông đồ và các tín hữu đầu tiên, biến họ thành những chứng nhân kiên cường của Ðấng Phục Sinh, xin Chúa ban Ơn sức mạnh và dũng cảm cho chúng con, để chúng con làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh trên mảnh đất hình chữ S thân yêu và trong thế kỷ XXI này.

Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

SUY NIỆM 2:

NGÔI MỘ TRỐNG - DẤU CHỈ PHỤC SINH

Con người ở đời thường khởi sự bằng cái có: có địa vị, có quyền thế, có bằng cấp, có tiền của, có sức mạnh, có tài năng. . . mới làm nên chuyện. Nhưng Thiên Chúa lại thường khởi sự bằng cái không. Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa khởi sự từ cái hoang vu trống rỗng, không không "Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất, đất còn trống rỗng chưa có hình dạng, tối tăm bao trùm vực thẳm và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên nước" ( St 1, 1 - 2 ).

Cái hoang vu trống rỗng của "ngày thứ nhất" trong công trình sáng tạo trời đất sẽ lại xuất hiện trong một "ngày thứ nhất" khác: Ngày Chúa Ki-tô sống lại từ cõi chết. Ðó là cái hoang vu trống rỗng của Ngôi Mộ Trống mà Ma-ri-a Mác-đa-la đã chứng kiến và đau buồn thốt lên "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi rồi", Phê-rô ngạc nhiên trong hoài nghi, Gio-an đã thấy và đã tin.

Tất cả được khởi đầu bởi một sự kiện lạ lùng. Các phụ nữ ra mồ thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ. sau đó Phê-rô, Gio-an không còn thấy xác Ðức Giê-su trong ngôi mộ mở toang. Có lẽ lúc này Phi-la-tô còn đang ngủ, các Thượng Tế, Kinh Sư, Kỳ Mục cũng thế. Họ ngủ thật say, sung sướng vì đã dẹp yên được một chướng ngại từng làm họ ghen tức, mất ăn mất ngủ. Mọi sự đã được giải quyết đúng như sự sắp đặt khéo léo của họ. Cái tên Giê-su rồi sẽ bị quên lãng, chẳng còn ai nhắc tới. Tảng đá to đã niêm phong cửa mộ. Giê-su Na-da-rét đã đi vào lòng đất lạnh.

                 Ðối với những người vẫn thương mến Chúa Giê-su thì kể như đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hải. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi cùng với Giê-su Na-da-rét. Sáng nay, mấy chị em phụ nữ ra mộ thì cũng chỉ có mục đích là ướp lại cái xác không hồn chưa kịp thối rữa. Họ đi tìm một cái xác, một kẻ chết nhưng họ đã đối diện với Ngôi Mộ Trống. Ma-ri-a Mác-đa-la đau khổ thốt lên "người ta đã đánh cắp xác Chúa tôi rồi". Các Thiên Thần hiện ra cắt nghĩa Chúa đã sống lại. Không biết các bà đã tin hay chưa, họ vội chạy về báo tin cho các Tông Ðồ. Phản ứng của Phê-rô là thinh lặng, Ông đang phân vân. Nếu có kẻ lấy trộm xác Thầy thì tại sao kẻ gian lại mất công xếp đặt khăn liệm và các dây vải cách thứ tự và gọn gàng như thế ? Ông vẫn còn bàng hoàng về những lỗi lầm chối Thầy với niềm ăn năn thống hối, Ông chưa hiều sống lại nghĩa là gì. Còn Gioan Ông đã thấy và đã tin. Ông đã thấy gì ? thấy các dấu chỉ lạ lùng của Ngôi Mộ Trống, khăn liệm và các thứ dây được xếp gọn gàng. Chính bởi Gio-an đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giê-su cho La-da-rô sống lại, khi La-da-rô được Chúa cho sống lại, ông ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm, còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng. Gio-an nhớ lại lời Chúa Giê-su: Ngài phải chịu đau khổ trước khi bước vào vinh quang. Nhờ ghi nhớ Lời Chúa mà đức tin đã đến với Gio-an sớm hơn Phê-rô.

Trước mọi phản ứng đó, Ðức Ki-tô Phục Sinh đã biểu lộ một sự chiến thắng âm thầm, không rình rang giữa tiếng kèn trống, reo hò của toàn dân. Ðức Ki-tô đã chiến thắng tử thần, thân thể bằng xương bằng thịt của Ngài hôm nay đã được "Thần Khí Hoá" và từ đây Người sống hoàn toàn bởi Thần Khí, vì chỉ "Thần Khí mới làm cho sống còn xác thịt thì có ích gì" ( Ga 6, 36 ).

Ðức Ki-tô đã sống lại thật trong vinh quang. Ngài không mặc lấy một thân xác khác, thân xác Phục Sinh của Ngài vẫn chính là thân xác trước đây chịu khổ hình, chết thập giá, nay thân xác đó được biến đổi, thân xác tâm linh không hư nát. Sự Phục Sinh của Ðức Ki-tô không chỉ là phục hồi sự sống như trước mà còn chuyển qua thể thức hiện hữu mới. Thân xác của Ngài được Thần Khí hóa không bị vật chất cản trở. Ðấng Phục Sinh đã nhiều lần hiện ra với các Tông Ðồ để cũng cố đức tin cho họ chuẩn bị tâm hồn các ông đón nhận Chúa Thánh Thần, trở nên chứng nhân rao truyền sự chết và sống lại của Con Thiên Chúa

                 Ngày nay nếu muốn làm chứng cho Ðức Ki-tô Phục Sinh, chúng ta cũng cần khởi đi từ Ngôi Mộ Trống như các Tông Ðồ ngày xưa. Nói theo ngôn ngữ tu đức thì chúng ta trở về với đời sống thanh bạch, đó là đời sống trong sạch, ngay lành và có tinh thần nghèo khó.

                 Thế giới hôm nay không thiếu những dấu chỉ của Ðấng Phục Sinh. Nhưng người ta không nhận thấy được Ngài vì thiếu tâm hồn ngay thẳng trong sạch "Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa" ( Mt 5, 8 ). Nói khác đi, mỗi tâm hồn chúng ta là một ngôi mộ trống. Ngôi Mộ Trống là ngôi mộ không còn xác Chúa nhưng còn dấu chỉ Ðấng Phục Sinh, đó là khăn liệm và khăn che mặt. Tất cả những gì nhân loại dùng để trói buộc Chúa Giê-su, che mặt Người, cần phải cởi ra và xếp gọn một bên. Gio-an đã đi vào Ngôi Mộ Trống, Ông nhìn với cặp mắt trong sạch nên đã thấy và đã tin. Ông không thấy Chúa, nhưng thấy dấu chỉ của Phục Sinh, dầu vậy ông vẫn tin. Chúng ta không thấy Chúa mà vẫn tin vì "Phúc cho ai không thấy mà tin" ( Ga 20, 29 ). Chúng ta không thấy Chúa nhưng chúng ta thấy Ngôi Mộ Trống là cái thế giới bao la đầy dấu chỉ sự hiện diện của Người. Ta cũng có thể thấy Chúa trong trong tâm hồn khiêm nhu, tự hạ, quên mình, trong sự bình an thanh thản của nội tâm. đó là những dấu chỉ mà Ðấng Phục Sinh ban tặng.

                 Không có Phục Sinh, đức tin chúng ta chỉ là hảo huyền, cuộc sống chúng ta có ý nghĩa gì nếu không có gì sau hết, nếu tất cả chỉ dừng lại ở đời này ? Nhìn lại đời sống mình, chúng ta sẽ nhận thấy vô vàn sự Phục Sinh, rất nhiều những cuộc vượt qua nho nhỏ trong đời sống hướng tới Phục Sinh. Khi một tình bạn, một tình yêu bị tan vỡ, chúng ta biết hàn gắn lại bằng yêu thương thì đó không phải là sự Phục Sinh sao ? Khi mà chúng ta có kinh nghiệm về sự tha thứ, dẹp tan lòng thù hận, oán ghét thì đó là cuộc vượt qua phi thường...

                 Như mùa xuân sau đông tàn, Phục Sinh mãi mãi vọt lên trong đời sống chúng ta những chồi lộc ân sủng, những sức sống tươi trẻ. Tin vào Ðấng Phục Sinh là thắp lên ánh sáng mới, là đón nhận tình yêu mới cho mùa xuân tâm hồn.

Lm. Giu-se NGUYỄN HỮU AN, Giáo Phận Phan Thiết

SUY NIỆM 3:

CHÚA ÐÃ SỐNG LẠI RỒI:HÃY ÐI LOAN BÁO TIN MỪNG

Nếu có một người nào đó nói với bạn: "chết rồi sẽ sống lại", chắc bạn sẽ bĩu môi, suy nghĩ và có khi hoang mang chưa dám tin, vì đức tin bạn yếu hay bạn chưa có lòng tin. Và đây, có một câu chuyện thật một trăm phần trăm đã xẩy ra cách đây 2002 năm trong lịch sử nhân loại. Ðức Giê-su Ki-tô đã đến trần gian, sống với trần gian, sống cho trần gian, hòa đồng với mọi người ngoại trừ tội lỗi. Ba năm Chúa Giê-su đi giảng đạo, Người đã kết nạp các môn đệ, giáo dục, cắt nghĩa, giải thích cho các môn đệ nhiều điều; sau cùng tới thời đã định, Người đã chấp nhận ý Thiên Chúa Cha, chịu chết treo trên thập hình tự giá dù rằng Ngài hoàn toàn vô tội, con người đã chôn Ngài trong mồ đá, nhưng sau ba ngày Ngài đã sống lại đúng như lời Ngài đã loan báo trước... Ðó là biến cố vô cùng quan trọng đã làm đảo lộn lịch sử nhân loại, xôn xao dư luận từ 2002 năm nay và chắc chắn còn tiếp tục mãi cho đến ngày tận thế... "Ta là sự sống lại và là sự sống;ai tin Ta, sẽ không chết đời đời" ( Ga 11, 25a. 26 )

I. VẪN LÀ CÁI NGỚ NGẨN CỦA CÁC MÔN ÐỆ, CỦA DÂN DO-THÁI VÀ NHIỀU NGƯỜI:

Chúa Giê-su sau thời gian ẩn dật ở Na-da-rét với cha mẹ Ngài. Ba năm đi rao giảng công khai, Chúa Giê-su đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài, Ngài đã giảng dạy, uốn nắn, giải thích, cắt nghĩa cho các môn đệ nhiều điều, Ngài đã làm rất nhiều phép lạ trước mặt các môn đệ để củng cố lời nói của Ngài như phép lạ nước hóa thành rượu ngon trong tiệc cưới Cana ( Ga 2, 1 - 11 ), làm cho bánh hóa nhiều để nuôi nhiều ngàn người ( Mt 14, 13 - 21 ), làm cho kẻ chết sống lại ( Mc 5, 21 - 43; Lc 7, 11 -12; 11, 1 - 14 ) v.v... Ngài đã trừ quỷ, chữa lành nhiều bệnh hoạn tật nguyền.

Nhưng phép lạ lớn nhất vẫn là phép lạ chính Ngài đã chết thật trên thập giá, đã được an táng trong mồ, chỉ ba ngày sau tự Ngài đã sống lại như lời Ngài đã loan báo trước ( Ga 20, 31 ). Các môn đệ còn mê muội không hiểu gì về biến cố lớn lao ấy vì rằng Thánh Thần chưa mở trí cho các ông. Vâng, trước khi thực hiện thánh ý Chúa Cha cứu đời, Chúa Giê-su đã nói gần, nói xa với các môn đệ. Nhưng lòng trí các môn đệ vẫn nặng nề chưa làm sao hiểu nổi, các môn đệ cũng xin Ngài giải thích thêm nhưng họ vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa. Họ cứ tưởng rằng Thầy mình sẽ khôi phục lại nước Ít-ra-en theo kiểu trần gian, để mỗi một môn đệ sẽ trở nên công hầu khanh tướng trong vương quốc của Thầy Giê-su. Các môn đệ vẫn còn cái óc xưng hùng xưng bá, cứ tưởng rằng thầy Giê-su sẽ làm Vua như kiểu các vua thế trần. Thế nên, mới có chuyện bà mẹ hai con ông Giê-bê-đê tới xin xỏ với Chúa Giê-su cho một đứa con ngồi bên tả và một đứa ngồi bên hữu. Thế mới có chuyện Phê-rô, vị thủ lãnh các Tông Ðồ vừa tuyên xưng Thầy là Ðức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, được Chúa khen tặng, nhưng khi nghe Ngài loan báo ý định chịu chết cứu đời thì Phê-rô đã vội vã cản đường Ngài.

Ðúng là các môn đệ đã chẳng hiểu tí gì về con đường Chúa Giê-su phải đi, không hiểu gì về ý định của Ngài là phải tuân phục ý Chúa Cha: "Lương thực của Ta là làm theo ý Ðấng đã sai Ta" ( Ga 4, 32 ). "Người đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá" ( Pl 2, 8 ). Chúa Giê-su đã chết và được Phi-la-tô giao tử thi cho ông Giu-se, một nghị viên quê ở A-ri-ma-thê chôn cất ( x. Mc 15, 42 - 46; Ga 19, 38 - 42 ).

Tuy nhiên biến cố mồ trống từ tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần đã làm mọi người hoang mang, nhất là các bà phụ nữ ra thăm mộ từ sáng sớm, trong đó có cả Phê-rô, vị lãnh đạo Giáo Hội tương lai. Quả thực, hiện tượng hoang sơ của ngày thứ nhất theo sách Khởi Nguyên, là một sự trống vắng, mông lung. Ngày thứ nhất ấy đã được khỏa lấp bằng ngày thứ nhất Phục Sinh khi Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại. Người ta có thể nhất trí với nhau rằng nếu mọi việc đều bình thường tự nhiên, nghĩa là khi Ma-ri-a Mác-đa-la, vài phụ nữ khác, Phê-rô và Gio-an ra mộ và thấy xác Chúa Giê-su vẫn còn nguyên nằm đó thì không có Tin Mừng Phục Sinh, không có tin được loan truyền, được loan báo. Nhưng mọi sự đều khác: Sự kiện mồ trống(Mt 28, 1-8). Chúa hiện ra với Ma-ri-a ( Ga 20, 11 - 18 )...

Các môn đệ ngay chính lúc đó vẫn chưa hiểu nổi lời Thánh Kinh: "Ðức Giê-su phải sống lại từ cõi chết" ( Ga 20, 9; Cv 2, 24 - 31; 13, 32 - 37 ). Vì thế, các người Do-thái và nhiều người khác lại càng tỏ ra mù tịt về biến cố Chúa Giê-su sống lại. Các vị lãnh đạo Do-thái giáo, dân Do-thái và thế gian độc ác tưởng rằng đã giết được Chúa Giê-su, tưởng rằng đã loại trừ được Ngài là họ đã chiến thắng. Họ có biết đâu: "Chúa Giê-su đã chiến thắng tử thần. Ngài đã trở thành bất tử". Các người Do-thái, các Tư Tế, Thượng Tế, Biệt Phái và nhiều người khác đã ấm ớ như bọn lính được các quan chức cho tiền để tung ra tin giật gân, hầu mập mờ đánh lận con đen: "Lính canh lãnh tiền và được dạy sao thì làm như vậy" ( Mt 28, 11 - 15 ).

II. GIO-AN ÐÃ TIN, CÁC NGƯỜI PHỤ NỮ CŨNG ÐÃ TIN...

Gio-an, người môn đệ Chúa Giê-su yêu, đã ngồi kề ở ngực Chúa trong bữa Tiệc Ly, khi chạy tới mộ trước Phê-rô, thấy khăn liệm đã được cuộn lại, khăn phủ đầu để một nơi gọn gàng, Gio-an liền tin ( Ga 20, 5 - 8 ). Gio-an đã có cái nhạy cảm từ con tim vì chính Chúa Giê-su đã tỏ lộ cho ông nhận ra sự kiện huyền diệu ấy. Gio-an đã nhận ra ngay dấu chỉ của sự kiện Phục Sinh: Ngài phải sống lại từ cõi chết. Thân xác của Ngài theo lời Thánh Kinh phải đi vào cõi vinh quang, cõi vĩnh hằng. Nó không thể là thân xác trở lại cuộc sống trần thế bình thường như con trai bà goá thành Na-im, con gái ông Giai-rô và La-da-rô được Chúa Giê-su cho sống lại. Nhưng thân xác của Chúa Giê-su lúc này đây sẽ trở nên khác hẳn như thánh Phao-lô so sánh: "Khi bị an táng, nó là một thân xác vật chất, nhưng khi sống lại, nó sẽ trở thành một thân thể tinh thần" (1 Cr 15, 37.42 - 44 ). Gio-an đã có trực giác rất nhạy bén vì người vào mồ trước không phải là Ma-ri-a Mác-đa-la, cũng không phải là Gio-an mà là Phê-rô vị thủ lãnh các Tông Ðồ. Trực giác của Gio-an chỉ ra rằng: tin thấy chưa đủ mà phải phát xuất tự tình yêu. Gio-an đã sống trong tình yêu tuyệt đối, nên ông đã nhận ra Chúa sống lại trước hết mọi người. Ông tin có sự sống đang ở đó, rằng tình yêu không chết, tình yêu rất sống động. Phê-rô đã thấy tất cả sự việc, Ma-ri-a đã thấy tảng đá đậy mồ bị đẩy ra ngoài nhưng cả Phê-rô, cả Ma-ri-a đều chưa hiểu gì về lời Thánh Kinh đã nói trước.

Vâng, Gio-an đã thấy và đã tin. Rồi sau này Phê-rô cũng đã từ từ được ơn soi sáng và ông cũng sẽ nhận ra Chúa đã sống lại. Còn Ma-ri-a Mác-đa-la, sau sự kiện mồ trống, sau ánh sáng mù mờ còn xám xịt của buổi sớm tinh mơ, Ma-ri-a đã không kịp xoay sở khi Chúa hiện ra với bà, và bà cứ tưởng đó là người làm vườn. Cho đến khi Chúa âu yếm kêu tên bà thì bà mới nhận ra Chúa Phục Sinh: "Rabboni" ( Lạy Thầy ). Chúa Phục Sinh đã nói với bà: "Hãy về loan bao với anh em Ta..."

Tất cả như bừng tỉnh sau một giấc mơ dài nhuộm mầu u tối. Dưới lăng kính của ánh bình minh. Gio-an Phê-rô, Ma-ri-a Mác-đa-la và các người phụ nữ đã nhận ra Chúa Phục Sinh với con tim, với đức tin của mình.

III. TIN MỪNG PHỤC SINH VẪN LUÔN LÀ THÁCH ÐỐ:

Người ta cứ tưởng rằng giết được Chúa Giê-su là mọi sự đã chấm dứt. Người ta vẫn hão huyền, vẫn mơ mộng:Có người đã tin, có người còn mập mờ, có người không tin. Ðã hơn hai ngàn năm, biến cố Phục Sinh vẫn luôn là thách đố dai dẳng. Người ta vẫn mập mờ như buổi sáng tinh mơ ngày thứ nhất trong tuần khi Ma-ri-a ra mộ: đáng lẽ xác Chúa vẫn phải còn ở đó, nhưng những gì Ma-ri-a nắm bắt được là sự thiếu vắng mất mát, chỉ thế thôi ! Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng nhiều người vẫn chưa bừng tỉnh, họ vẫn như còn sống trong một cơn mơ dài không lối thoát. Có những người tưởng Chúa đã chết và như thế là chấm dứt tất cả !

Chính vì thế có một triết gia nổi tiếng đã viết: "Dieu est mort !" ( Thiên Chúa đã chết ! ) Tuy nhiên, dựa vào Lời Chúa, chính Chúa đã nói: "Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của người sống" ( Mc 12, 18 - 27 ) hoặc "Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, nó mới sai hoa kết trái" ( Ga 12, 24 ).

Mừng lễ Phục Sinh hôm nay, chúng ta không được hạnh phúc như Phê-rô, như Gio-an và Ma-ri-a Mác-đa-la đã thấy tảng đá được lăn ra, khăn liệm, khăn phủ đầu và mồ trống. Tuy nhiên chúng ta còn hạnh phúc hơn vì chúng ta có lòng tin: chúng ta tin Chúa Phục Sinh vẫn luôn ở với ta, bây giờ và mãi mãi. Chúng ta cùng với Phao-lô thốt lên lời này: "Nếu Ðức Ki-tô đã không sống lại, thì việc anh em tin cũng hão huyền" ( 1 Cr 15, 12 - 17 ). Chúa Giê-su đã sống lại, Ha-lê-lui-a, và Người đã "đi trước các môn đệ tới Ga-li-lê" ( Mc 16, 7 ).

Chúa Phục Sinh vẫn đợi mọi người chúng ta ở mọi thời, mọi nơi và Người truyền lệnh cho các môn đệ và mọi người: "Hãy loan truyền Tin Mừng Phục Sinh". Chúa Phục Sinh hứa: "Và này Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho tới tận thế" ( Mt 28, 20 ). Hãy làm chứng cho Chúa Phục Sinh nhờ ánh sáng Phục Sinh tràn ngập tâm hồn. Ha-lê-lui-a.

 Lm. Giu-se NGUYỄN HƯNG LỠI, DCCT, Giáo Phận Ðà Lạt

CHỨNG TỪ:

KINH NGHIỆM PHỤC SINH

Một linh mục người Brazil thuật lại một kinh nghiệm Phục Sinh của mình như sau:

"Mỗi ngày, khi đi ngang qua một con đường ở Rio de Janeiro, tôi đều thấy một người đàn ông còn trẻ ngồi dựa lưng vào tường, chìa tay xin ăn. Ông ta không đi được vì đôi chân bị tật. Vì qua lại khá thường, nên sự hiện diện và số phận của người ăn xin què quặt không làm tôi bận tâm suy nghĩ: thế nào là không đi được ?

Nhưng một ngày kia, số phận của ông ta bỗng đánh động tâm hồn tôi mãnh liệt. Nhất là khi dừng lại đằng xa quan sát tôi thấy có bao nhiêu người đi ngang qua mà hình như không trông thấy ông. Tôi quyết định đến nói chuyện và hỏi ông: "Ông có thể đứng dậy được không ? Ông có muốn đi không ?" Ông ta đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn tôi dò xét và khi đọc được sự thành thật trên khuôn mặt của tôi, ông ta nói: "Tôi luôn luôn hy vọng là một ngày nào đó cuộc đời tôi sẽ đổi mới. Dĩ nhiên tôi sẽ đi được nhưng chi phí mua sắm những dụng cụ quá đắt làm sao tôi với tới. Vì thế không còn cách nào hơn là đành quên giấc mơ có thể đi được". Nghe xong tâm sự của ông, tôi xiết chặt tay ông giã từ và hứa: "Một ngày gần đây, giấc mơ của ông sẽ thành sự thật".

Trong bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật sau đó, tôi thuật về số phận của ông ăn mày và đề nghị cộng đoàn  hãy làm một cái gì để giúp ông ta. Một cuộc lạc quyên được tổ chức và tôi vui mừng khi thấy số tiền quyên góp được vượt quá chi phí của cặp nạn và đôi chân nhân tạo. Người hành khất càng hân hoan hơn khi tôi báo tin mừng: ông được chuyên chở ngay đến một bệnh viện đặc biệt và trong những tuần lễ kế tiếp, ông cố gắng tập đi đứng một mình.

Lễ Phục Sinh đến. Tôi đi mời ông dự lễ và dành cho ông một chỗ đặc biệt gần bàn thờ. Trong bài giảng hôm ấy, tôi lại đề cập về ông đại ý như sau: "Chúa Giê-su đã Phục Sinh để sống một cuộc sống mới. Ngài sẵn sàng ban cho chúng ta thông phần vào khả năng trao tặng nhau những cuộc sống mới. Nhờ lòng hảo tâm của anh chị em, ông bạn của chúng ta đã được ban cho một cuộc sống mới". Nói đến đây, tôi mời ông đứng dậy để giới thiệu ông với cộng đoàn mà kể từ nay ông đã trở nên một phần tử. Ông đứng dậy và chống nạng đi trước mặt mọi người. Tôi cảm thấy bầu khí nhà thờ lúc ấy tràn đầy sức sống".

Tin mừng thuật lại như sau: sau mẻ lưới đầy cá, Chúa Giê-su mời các môn đệ cùng điểm tâm với Ngài và Ngài đã cầm lấy bánh và cá trao cho các ông ăn. Phần các môn đệ, tuy không giám hỏi, nhưng họ biết rõ đó là Ngài. Ðây là phương thế Chúa Giê-su tiếp tục hiện diện giữa những kẻ tin vào Ngài trải qua mọi thời đại: tự nhiên như trong một bữa ăn thân mật, nhưng muốn cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài, chúng ta phải noi gương Ngài chia sẻ cho nhau tất cả những gì mình có.

Sách LẼ SỐNG Ðài Chân Lý Á Châu

CẦU NGUYỆN LÀ BẰNG CHỨNG CHÚA PHỤC SINH

Một tín hữu Công giáo sùng đạo lớn tuổi bị một người vô thần vặn hỏi: "Tại sao anh tin rằng Chúa Giê-su đã sống lại từ kẻ chết ?" Ông cụ trả lời: "Ấy, một trong những lý do tôi tin rằng Ðức Giê-su đã sống lại, chính là vì tôi vừa mới hầu chuyện với Ngài nửa giờ sáng hôm nay khi tôi cầu nguyện."

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI tập 8

THÔNG TIN:

THÔNG TIN VỀ CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Ông Peter Cao ( Hoa Kỳ ) giúp 2 trường hợp ngặt nghèo ở Giáo Xứ Tiên Phước, Quảng Nam ..........................  150 USD

- Ông Ðông Khê ( Hoa Kỳ ) giúp người nghèo ..................................................................................................................  100 USD

- Một ân nhân ẩn danh ( Pháp ) qua cha Nguyễn Trường Xuân, DCCT, giúp người nghèo ...............................................................  300 EURO

- Một Linh Mục ẩn danh ( Việt Nam ) giúp người nghèo .......................................................................................  500.000 VND

- Một ân nhân ẩn danh ( Hoa Kỳ ) giúp người nghèo ....................................................................  100 USD và 1.000.000 VND

THÔNG TIN VỀ BỆNH NHÂN ÐẶNG HỮU TRỨ Ở QUẢNG NAM

Cha Trần Ngọc Nhơn, Giáo Xứ Tiên Phước, gửi thư cho biết những thông tin mới nhất về ÔNG ÐẶNG HỮU TRỨ, nằm liệt đã lâu do tai biến mạch máu não, người đã được ông Peter Cao ( Hoa Kỳ ) thông qua báo Gospelnet, đã quảng đại giúp đỡ nhiều lần liên tiếp, nay ông Trứ bệnh trở nặng, khó qua khỏi, xin quý độc giả thêm lời cầu nguyện cho ông và cho gia đình ông. Nội dung lá thư của cha Nhơn như sau:

Kinh thua cha Quang Uy, con het long cam on cha, du cha ban biu ma van lo lang cho con. Ngay hom qua, nguoi nha ong Tru den ban bac xin dem ong ve, vi co le ong se khong qua khoi. Bac si Vinh bao: Truong hop nay that bai vi vet loet noi lung benh nhan qua tram trong, het phuong cuu chua. Sang nay, bac si Vinh cho phep con vao benh vien chup vai tam hinh goi cho cha ro. Thay that dau kho. Gia dinh dang chuan bi dua ong ve nha. Ho va bac si Vinh da yeu thuong het suc lo cho ong nhung khong cuu duoc nen cung vui long chap nhan Y Chua. Con, Lm. Step. Tran Ngoc Nhon, giao xu Tien Phuoc, Quang Nam.

THÔNG TIN VỀ MỘT BỆNH NHÂN TIM - GAN Ở SÀI-GÒN

Cha Mai Văn hiền, DCCT, giới thiệu trường hợp chị Ca-ta-ri-na NGUYỄN THỊ HƯƠNG, sinh năm 1959, ngụ tại số 23 Mỹ Thủy, phường Cát Lái, quận 2, Sài-gòn, có chồng và 3 con. Chị Hương bị bệnh tim, biến chứng qua gan, vừa được cha trao Bí Tích Thánh Tẩy ngày 19.3.2002 vừa qua ngay trong bệnh viện Nguyễn Trãi. Hoàn cảnh gia đình chị quá khó khăn ngặt nghèo. Gospelnet đã trích quỹ trợ giúp 500.000 VND.

THÔNG TIN VỀ MỘT BỆNH NHÂN U NÃO Ở ÐỒNG THÁP

Cha Mai Văn hiền, DCCT, giới thiệu trường hợp chị Mác-ta NGUYỄN THỊ LỆ HOA, sinh năm 1968, ngụ tại 804 ấp Thương Xã, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp ( hiện tạm trú tại Giáo Xứ Cù Lao Tây của cha Giu-se Nguyễn Hoàng Hân, thuộc Giáo Phận Mỹ Tho ), có chồng và 2 con nhỏ. Chị Hoa bị một khối u trong não, chuẩn bị nhập bệnh viện Chợ Rẫy để giải phẫu. Hoàn cảnh gia đình chị quá khó khăn ngặt nghèo, không biết chạy đâu ra tiền đóng viện phí. Gospelnet đã trích quỹ trợ giúp 1.000.000 VND.

THÔNG TIN VỀ MỘT GIA ÐÌNH BỊ NGỘ ÐỘC TẠI SÀI-GÒN

Bạn sinh viên Trần Anh Tuấn, ngụ tại Giáo Xứ Thánh Tâm, quận Bình Thạnh, mới cho biết về hoàn cảnh một gia đình hàng xóm ngụ tại hẻm 334 đường Phan Văn Trị, khu Sở Thùng, phường 11, quận Bình Thạnh. Chúa Nhật 14.3.2002 vừa qua, cả gia đình anh VÕ VĂN TÙNG, làm nghề chạy xe ba-gác và các con là Võ Văn Quân, Võ Văn Sĩ, Võ Văn Ðâu, Võ Thị Nghiêm và Võ Thị Trang, do vớt rau muống trên kênh để nấu ăn, đã bị ngộ độc trầm trọng. Anh Tùng và 3 đứa con lớn đã phải nhập bệnh viện Nguyễn Văn Học, Gia Ðịnh trong tình trạng nguy cấp, phải đóng viện phí ngay hết 750.000 VND để được cấp cứu trước khi được xét miễn giảm theo hộ gia đình nghèo. Gospelnet đã trích quỹ 700.000 VND nhờ bạn Tuấn lo liệu cho gia đình anh.

 

THÔNG TIN VỀ MỘT GIA ÐÌNH NGHÈO Ở BÌNH ÐỊNH

Gospelnet vừa nhận được thư viết tay của ông Trần Duy Diễn trình bày về hoàn cảnh gia đình mình như sau: Ông TRẦN DUY DUỆ ( 68 tuổi ) và vợ là bà LÂM THỊ HOÀI OANH ( 65 tuổi ), hiện ngụ tại ấp Hiển Ðông, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, một huyện nghèo miền núi của tỉnh Bình Ðịnh. Ông Duệ bị bệnh viêm phế quản mãn tính đã 15 năm qua, chữa trị rất tốn kém nhưng chỉ cắt cơn tạm thời chứ không khỏi. Cách đây 16 tháng, bà Oanh lại bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người bên phải và bị cấm khẩu hoàn toàn. Các con của ông bà đều đã lập gia đình và ở riêng, cũng rất vất vả mới nuôi được con cái, nên không còn đủ khả năng để trợ giúp cha mẹ mình. Gia đình được một bạn đọc Gospelnet giới thiệu để xin trợ giúp một chiếc xe lăn cho bà Oanh có thể đi lại và một ít thuốc cho ông Duệ theo toa là Sabutamol và Terpin Codein.

Gospelnet xin trích quỹ mua một xe lăn trị giá 800.000 VND cho bà Oanh300.000 VND mua thuốc trị bệnh cho ông Duệ. Thầy Trần Xuân Sang, Dòng Ngôi Lời, đã nhận lời nhờ một em sinh viên có dịp về quê chuyển giúp đến cho gia đình này trong thời gian sớm nhất.

THÔNG TIN VỀ HỘI "TƯƠNG TRỠ TBP"

Ý NGHĨA, TÔN CHỈ VÀ MỤC ÐÍCH:

T.B.P là 3 chữ viết tắt của câu: "Tàn Bất Phế". Là tổ chức tự lập, qui tụ những người bị Tàn Tật Về Thể Xác, Nhưng Lành Mạnh ở Tâm Hồn. Có ý chí phấn đấu vươn lên, luôn lạc quan, yêu đời, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Tôn chỉ của hội tương trợ TBP là: "Ðoàn Kết - Yêu Thương - Khuyến Khích - Giúp Ðỡ những người tàn tật: Biết tự cứu mình và giúp ích xã hội". Sống xứng đáng với danh xưng: "Tàn Nhưng Không Phế". Lợi cho bản thân, đỡ cho gia đình, nhẹ cho xã hội.

"Tương Trợ TBP" được thành lập với mục đích đúng như tên gọi và tôn chỉ của Hội đã nêu ra. Là nơi để những người tuy thân thể bị tàn tật, nhưng quyết không phải là những phế nhân. Tự nguyện giới thiệu tìm đến nhau, đoàn kết, tôn trọng, an ủi, động viên, khuyến khích nhau trong tình yêu thương thông cảm của những người tương đồng cảnh ngộ, tận tâm góp sức, cùng với các tổ chức xã hội... tìm kiếm và tận dụng các sự hỗ trợ, để giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Làm cho họ luôn có ý chí phấn đấu vươn lên, với sức lực, khả năng còn lại của mình, sống hữu ích, tích cực, lành mạnh, lạc quan yêu đời, tự cứu mình mà còn giúp ích cho xã hội. Phát hiện, trau giồi và giúp đỡ cho các tài năng có điều kiện phát triển. "Lợi cho bản thân, đỡ cho gia đình, nhẹ cho xã hội". Quyết không sống lối sống buông thả, bất cần, tự ti mặc cảm, ký sinh, ỷ lại...

Từ xưa cho tới nay, qua quá trình quan sát, chiêm nghiệm nhiều thế hệ, người đời đã nhận thấy một điều gần giống như là qui luật, đó là: "Có Tật tất có Tài". Vì những người tàn tật có ý chí, biết thích nghi và xử dụng tốt khả năng còn lại của mình, thì sẽ trở thành những người có tài năng, đôi khi đến lạ thường, thậm chí những người khỏe mạnh bình thường khác có lúc cũng khó vượt qua. Khi ấy người ta lại bảo: "Ðó là luật bù trừ". Nhưng nói cho đúng hơn, thì đây chính là: "Ý chí và nỗ lực phấn đấu vươn lên của một người Tàn Bất Phế" vậy.

8 QUAN ÐIỂM CỦA HỘI "TƯƠNG TRỠ TÀN BẤT PHẾ"

1. Tự Nguyện - Ðoàn Kết: Hội "Tương Trợ TBP" là một tổ chức quần chúng rộng rãi, bao gồm mọi thành viên là những nguời "Tàn nhưng Không Phế". Không phân biệt: Quốc tịch, Dân tộc, Tôn giáo, Ðảng phái, Ðịa vị xã hội, Nam Nữ, nguồn gốc, nguyên nhân tật bịnh... Nếu họ còn có lý trí và tinh thần sáng suốt, công nhận điều lệ, tự nguyện chấp nhận và sống theo mục đích, lý tưởng của Hội.

2. Vì Cuộc Sống Hạnh Phúc của mọi người: Luôn quyết tâm hoạt động vì cuộc sống và sống hạnh phúc của mọi người. Nhất là những người tàn tật, cô đơn, khó khăn, yếu kém... Mỗi hội viên TBP, ngoài sự phấn đấu vươn lên số phận, tự cứu mình, trong tình yêu thương tương trợ lẫn nhau của những người đồng cảnh ngộ, mà còn sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ cho những người khó khăn hơn mình, để tất cả mọi người đều được sống khoẻ mạnh, an vui, hạnh phúc.

3. Luôn nêu cao tinh thần "Tàn Bất Phế" - Trợ giúp để người tàn tật tự cứu mình: Tích cực phấn đấu, thích nghi với mọi hoàn cảnh, luôn nêu cao tinh thần "Tàn Bất Phế", ( đồ hư chưa chắc đã bỏ, đồ bỏ chưa chắc đã hư ), trong các mặt sinh hoạt của cuộc sống, một cách lành mạnh, lạc quan, yêu đời. Luôn thương yêu, tương trợ lẫn nhau, bằng mọi cách có thể, tích cực tìm kiếm và tạo cơ hội giúp đỡ, để mọi thành viên trong Hội TBP, cùng những đối tượng người tàn tật khác. Có được nghề nghiệp thích hợp, có công việc làm và thu nhập ổn định, từng bước tự lo được cho bản thân, đỡ cho gia đình, nhẹ cho xã hội.

4. Hòa Nhập với Cộng Ðồng - Sẵn sàng làm việc Nhân Ðạo: Chủ động tiếp cận, hòa đồng với tất cả mọi người. sẵn sàng sống và làm việc vì lợi ích của cộng đồng xã hội. Chia sẻ giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ, những người khó khăn hơn mình, cả tinh thần và vật chất. Luôn tích cực tham gia hợp tác với các tổ chức xã hội khác, nhất là các tổ chức từ thiện, trong các hoạt động xã hội, nhằm góp phần xoa dịu, khắc phục những khó khăn, rủi ro, vẫn thường xảy ra trong cuộc sống như: các tai nạn, bệnh tật, tệ nạn xã hội, thiên tai, chiến tranh, dịch họa v.v...

5. Phòng Chống Bệnh Tật và Phục Hồi Chức Năng: Luôn quan tâm thực hiện, và khuyến khích tham gia các chương trình công tác xã hội, nhằm nâng cao dân trí, ý thức về các sinh hoạt y tế cộng đồng. Như: các chuơng trình tiêm chủng, ăn ở sinh hoạt hợp vệ sinh, gia đình văn hóa v.v... Tích cực cổ động và tham gia các phong trào rèn luyện cơ thể, luyện tập dưỡng sinh, thể dục, thể thao v.v... Ðể phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho mọi người, nhất là với những người tàn tật. Ðộng viên, an ủi, giúp họ được sống khỏe, sống vui, sống hạnh phúc.

6. Phát hiện và giúp đỡ Tài Năng: Luôn chú ý tìm hiểu, phát hiện, khuyến khích, tạo điều kiện, và bồi dưỡng cho các Tài Năng có được cơ hội phát triển. Như: giúp đỡ nhau tìm kiếm và vận động sự trợ giúp của mọi người, mọi tổ chức v.v... cho từng trường hợp cụ thể, chất lượng. Ðể họ có được môi trường học tập và làm việc thuận lợi, hợp với khả năng, năng khiếu, hầu có cơ hội phát huy tài năng của mình.

7. Làm Sứ Giả Hoà Bình: Hội viên TBP sẵn sàng tình nguyện làm trung gian hòa giải những bất hòa, tranh chấp v.v... ở mọi nơi, mọi lúc, mà một Người Tàn Tật có thể biết và tới được. Bằng tất cả tấm lòng của một người Tàn Bất Phế, luôn yêu chuộng hòa bình, công bằng, chính trực, tin yêu cuộc sống... và bằng chính sự tàn tật của mình.

8. Sẵn sàng đón nhận những trợ giúp: Kêu gọi, tìm kiếm và tiếp nhận mọi sự giúp đỡ, của tất cả mọi người, mọi Tổ Chức, Hội, Ðoàn v.v... ( Giúp ý, giúp công, giúp của... ) Ðể xây dựng và phát triển Hội TBP, nhằm trực tiếp giúp đỡ những người tàn tật, khó khăn và đưa tinh thần TBP đến với mọi người, là giúp ích cho xã hội một cách thiết thực.

4 TIÊU CHUẨN CỦA MỘT HỘI VIÊN TBP

1. Ðạo Ðức Tốt: Sinh sống lương thiện và có ý thức công dân tốt.

2. Tự Lập: Có nghề nghiệp và độc lập về kinh tế ( Với đa số hiện nay đang thất nghiệp. Tiêu chuẩn thứ 2 này có thể xem xét tuỳ đối tượng, và phải cam kết bổ xung có thời hạn cụ thể. )

3. Có Tinh Thần Tập Thể: Tất cả vì sự phát triển của cộng đồng, của Hội TBP. Mình vì mọi người, mọi người vì mình.

4. Có Ý Chí Phấn Ðấu và có Thành Tích: Với một người TBP, thành tích là những việc làm hữu ích cho mình và cho xã hội, được nhiều người công nhận. Như những kết quả: Trong học tập: là Bằng cấp, giấy chứng nhận... Trong lao động: là giấy khen, giấy đóng thuế, những tài sản có được... hoặc trong các công tác xã hội đã được nhiều người biết đến v.v... Tóm lại là những việc làm cụ thể, mà một người tàn tật đã làm được như mọi người công dân lành mạnh bình thường khác, đã mang lại ích lợi cho bản thân, gia đình và góp phần giúp ích cho xã hội. 

HỘI VIÊN HỘI "TÀN BẤT PHẾ"

1. Là người bị Tàn Tật ở Thân Thể, không phân biệt tật bịnh, nguyên nhân và nguồn gốc... Nhưng họ còn có lý trí sáng suốt, tâm hồn lành mạnh, lạc quan yêu đời. Thông thuộc, chấp nhận điều lệ và tự nguyện gia nhập Hội.

2. Sau khi được tổ chức TBP chỉ định người có trách nhiệm giúp đỡ hướng dẫn tìm hiểu kỹ, và đã thông thuộc, chấp nhận Tôn Chỉ, Lý Tưởng, Ðiều Lệ v.v... Cũng như đã được trực tiếp tham gia các sinh hoạt của Nhóm TBP mà mình muốn gia nhập, ít nhất phải được từ 3 lần trở lên để làm quen, thử thách.

3. Phải nỗ lực để có đủ "4 Tiêu Chuẩn" của một Hội Viên TBP. ( Nếu chưa đủ và chỉ được thiếu 1 mà thôi, thì phải có lý do rõ ràng, làm đơn cam kết bổ xung với thời gian cụ thể. )

4. Phải được sự giới thiệu và bảo lãnh, của từ 2 hội viên chính thức trở lên, có thâm niên tuổi Hội. Cùng sự chấp thuận của tập thể, có xác nhận của người đại diện Nhóm TBP ấy.

5. Mỗi hội viên TBP phải có ý thức trách nhiệm, tham gia các sinh hoạt cũng như thực hiện và chấp hành các điều lệ, quyết định, nội qui v.v... của Nhóm TBP trực thuộc. Nhất là phải luôn quan tâm đến những người tàn tật khác mà mình biết đến, dù họ có ở trong các tổ chức TBP hay không. ( Trên tinh thần TBP và 8 Quan Ðiểm mà Hội đã nêu ra ). Ðể làm quen, giúp đỡ và từng bước giới thiệu lý tưởng Hội.

6. Mỗi Hội viên TBP đều có trách nhiệm và quyền lợi như nhau, theo điều lệ và qui định của Nhóm TBP mà họ tham gia. Lưu ý là mỗi người TBP đều có quyền tham gia vào nhiều tổ chức xã hội khác cùng một lúc, và được khuyến khích tham gia các Câu Lạc Bộ hoặc Nhóm TBP khác, nếu hội viên TBP ấy có khả năng thực hiện tốt các chức năng, trách nhiệm của mình đối với các tổ chức ấy.

7. Các "Hội Viên Danh Dự hoặc Tán Trợ". Là những người chưa đủ điều kiện để được chính thức gia nhập, hoặc không muốn gia nhập trực tiếp vào các Tổ Chức TBP ( ví dụ: những người mạnh khỏe bình thường chẳng hạn... ) Nhưng họ vẫn tán đồng, tôn trọng Lý Tưởng, Tôn Chỉ "TBP", và vẫn nhiệt tình đóng góp công sức, cùng tham gia trong các hoạt động của Hội TBP. Thì tất cả mọi thành viên của Hội TBP xin trân trọng tri ân và kính tặng danh hiệu: "Hội Viên Danh Dự hoặc Tán Trợ", với đầy đủ mọi quyền lợi và trách nhiệm giống như tất cả các hội viên TBP chính thức khác, theo qui định và điều lệ của Hội.

                8. Ðối tượng của Hội TBP, là những người tàn tật đang phấn đấu để hội đủ điều kiện được chính thức gia nhập các Nhóm TBP ( như còn thiếu 1 vài tiêu chuẩn ). Hoặc những người tàn tật khác mà theo Tôn Chỉ và quan điểm của Hội TBP, là những đối tượng cần được mọi hội viên trong Hội, có trách nhiệm quan tâm giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất, nhất là các nguyện vọng về nghề nghiệp và đời sống... để từng bước giới thiệu Lý Tưởng TBP, động viên giúp họ biết sống đời đáng sống, lạc quan yêu đời, "tự cứu mình và giúp ích cho xã hội".

CÁC "NHÓM TBP"

                Các "Nhóm TBP" ( hoặc Câu Lạc Bộ TBP ) là đơn vị quan trọng với nét nổi bật đặc biệt, trong cơ cấu tổ chức năng động riêng biệt, của tổ chức Hội TBP. Với các chức năng như sau:

1. Tự quản: Mỗi Nhóm TBP đều có quyền và nhiệm vụ điều hành và quản lý Nhóm của mình. Theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Có nội qui, ngân quỹ v.v... riêng. Nhưng phải trong tinh thần tôn chỉ, lý tưởng của Hội TBP, cùng sự quản lý, về mặt tổ chức hành chính, thống nhất hoạt động, của Chi Hội TBP địa phương, nơi đặt trụ sở của Nhóm TBP ấy.

2. Tự Hoạt: Mỗi Nhóm TBP đều có quyền tự đề ra phương thức và linh hoạt tổ chức các hoạt động chính đáng của Nhóm mình, phù hợp với tôn chỉ, mục mích của Hội TBP. Nhằm thiết thực chăm lo, bảo vệ và giúp đỡ từng thành viên, quan tâm chân tình đến đời sống, tâm tư nguyện vọng của họ. Cũng như có nghiã vụ tham gia các hoạt động do Chi Hội TBP sở tại đề ra và giúp đỡ các Nhóm TBP bạn, hoặc các Tổ Chức Xã Hội khác khi có yêu cầu. Nếu không đồng ý, thì Nhóm TBP ấy phải có văn bản nêu rõ lý do. Trong tinh thần tự nguyện, đoàn kết, tôn trọng, tương trợ lẫn nhau.

3. Tự quyết: Mỗi Nhóm TBP đều có quyền tự tuyển chọn và kỷ luật thành viên của Nhóm mình, ở bất cứ địa phương nào. Nếu những người TBP ấy tự nguyện làm đơn xin gia nhập, và họ có khả năng tham gia các hoạt động, cũng như chấp hành mọi thủ tục, nội qui v.v... của Nhóm mình. Nhưng phải báo cáo cho Chi Hội TBP trực thuộc các hoạt động của mình, theo qui định và điều lệ tổ chức của Hội TBP.

4. Không biên giới: Mỗi Nhóm TBP là một đơn vị riêng biệt, linh động. Không phụ thuộc nhất định ở một địa phương nào ( Về mặt nhân sự, cũng như địa lý ). Là một đơn vị mở rộng vòng tay, hoạt động linh hoạt, theo Tôn Chỉ và Ðiều Lệ của Hội TBP, đúng theo Luật Pháp được Nhà Nước cho phép và hỗ trợ

HƯỚNG HOẠT ÐỘNG

Như phần trên đã giới thiệu, với phương pháp tổ chức linh hoạt và riêng biệt của các Nhóm TBP, thì mỗi Nhóm, sẽ có những cách thức hoạt động linh hoạt riêng của mình, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, ý thích v.v… để trực tiếp tích cực xây dựng và phát triển Nhóm mình, cũng như là Hội TBP.

Cụ thể, các việc cần làm hiện nay của mỗi Nhóm TBP và hướng hoạt động sắp tới như sau:

Thường xuyên quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ nhau trong đời sống thường ngày, như những người thân trong một gia đình. Khi khỏe mạnh, cũng như khi đau ốm, hoặc rủi ro hoạn nạn v.v...

Tìm kiếm, vận động, xin sự hỗ trợ giúp đỡ của Chi Hội TBP hoặc các Nhóm TBP khác. Nhất là sự quan tâm trợ giúp của các Hội, Ðoàn, Tổ Chức Xã Hội ở khắp nơi. Ðể tích cực quan tâm chữa trị và phục hồi chức năng cho từng đối tượng cụ thể, mong được khỏi, hoặc giảm bớt những đau đớn, di chứng của bệnh tật. Vận động, trao tặng các y cụ, dụng cụ trợ giúp người tàn tật như: chân tay giả, xe lăn tay, máy trợ thính v.v...

Giúp nhau tìm kiếm và tạo công việc làm thích hợp với khả năng từng người. Nhất là giúp nhau xin học nghề, dạy nghề và hành nghề, để mỗi thành viên đều có nghề nghiệp ổn định và độc lập về kinh tế ( Tiêu chuẩn thứ 2 ). Làm sao cho những người tàn tật có được điều kiện và cơ hội để tự cứu mình, lo cho gia đình mình, thì mới có thể sống hoà nhập với cộng đồng một cách tích cực thực tế và giúp đỡ người khác được.

Nếu thuận lợi và được sự quan tâm giới thiệu cùng hỗ trợ của các Tổ Chức, Hội, Ðoàn trong xã hội. Thì trong tương lai, khi Hội Tương Trợ TBP được cho phép chính thức thành lập, các Nhóm TBP sẽ hình thành ngày một nhiều và phát triển đa dạng, nhằm trực tiếp tập hợp và giúp đỡ một cách thiết thực nhất cho những người tàn tật, khó khăn, khiếm khuyết... vì họ là những đối tượng mà xã hội đã và đang phải ra tay trợ giúp. Như hiện nay đã có rất nhiều những "Tổ chức giúp đỡ người khuyết tật", hoặc các "Tổ chức từ thiện dành cho người tàn tật" v.v...

Với qui mô lớn nhỏ khác nhau, từ địa phương đến trung ương, trong nước và quốc tế... Với nhiều quan điểm, đề cương, hoạt động phong phú và đa dạng. Nhưng tựu trung, cũng chỉ nhằm vào một mục đích là: "Quan tâm giúp đỡ cho những người tàn tật, để họ có được điều kiện dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống trong cộng đồng xã hội". Cũng giống như tinh thần Tôn Chỉ, mục đích của Hội Tuơng Trợ TBP là: "Ðoàn kết, Yêu thương, Khuyến khích, Giúp đỡ những người Tàn Tật. Tự cứu mình và giúp ích cho xã hội".

Hôm nay, với một phần của "Tài liệu giới thiệu hội Tương Trợ TBP" này. Chúng tôi muốn nêu ra những ý kiến và nguyện vọng như sau: Ðó là mong ước làm sao cho tất cả những người Tàn Tật Trên Thế Giới này, hãy biết tri ân và đón nhận những tình thương, thông cảm và sự quan tâm giúp đỡ của toàn thể cộng đồng xã hội hiện nay dành cho mình. Và hãy sống làm sao cho xứng đáng với danh xưng "Tàn nhưng không Phế", lợi cho bản thân, đỡ cho gia đình, nhẹ cho xã hội. Bằng chính sự phấn đấu vươn lên trên số phận của mình, tự cứu mình, mà còn giúp đỡ cho những người cùng hoàn cảnh, những người khó khăn hơn mình, để cùng nhau góp phần sức lực còn lại, giúp ích cho cộng đồng xã hội, cho cuộc sống ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn.

Xin chân thành cảm ơn quí vị đã bớt chút thời giờ tham khảo tập tài liệu này. Chúng tôi rất sẵn sàng và mong ước được mở rộng vòng tay kết bạn, cũøng như rất hân hạnh và tri ân mọi sự giúp đỡ, chỉ giáo, góp ý, động viên v.v... của quí vị, của tất cả mọi người, mọi cộng đoàn, tổ chức xã hội...

Xin vui lòng giới thiệu cho nhiều người, nhất là những người Tàn Tật, cùng biết về "Hội Tương Trợ Tàn Bất Phế" và tham khảo tập tài liệu giới thiệu này.

Ðịa chỉ liên lạc: Lê Ðức Hiền, Cửa Hàng Ðiện Máy ÐỨC HIỀN, Quốc Lộ1, Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Ðiện thoại: 061.871.159, E.Mail duchientbp@hcm.fpt.vn - duchienxl@hcm.vnn.vn