GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT LỄ LÁ

SỐ BÁO KỶ NIỆM TRÒN 1 NĂM HIỆN DIỆN VÀ PHỤC VỤ

TIN MỪNG: Mt 27, 11 - 54

Ðức Giê-su bị điệu ra trước mặt tổng trấn; tổng trấn hỏi Người: "Ông là vua dân Do-thái sao ?" Ðức Giê-su trả lời: "Chính ngài nói đó". Nhưng khi các thượng tế và kỳ mục tố Người, thì Người không trả lời một tiếng. Bấy giờ ông Phi-la-tô hỏi Người: "Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao ?" Nhưng Ðức Giê-su không trả lời ông về một điều nào, khiến tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên.

Vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích cho đám đông một người tù, tuỳ ý họ muốn. Mà khi ấy có một người tù khét tiếng, tên là Ba-ra-ba. Vậy khi đám đông đã tụ họp lại, thì tổng trấn Phi-la-tô nói với họ: "Các ngươi muốn ta phóng thích ai cho các ngươi đây ? Ba-ra-ba hay Giê-su, cũng gọi là Ki-tô ?" Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người. Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông: "Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, trong chiêm bao, tôi đã khổ nhiều vì ông ấy". Nhưng các thượng tế và kỳ mục lại xúi đám đông đòi tha tên Ba-ra-ba mà giết Ðức Giê-su. Tổng trấn hỏi họ: "Trong hai tên này, các ngươi muốn ta tha ai cho các ngươi ?" Họ thưa: "Ba-ra-ba !" Tổng trấn Phi-la-tô nói tiếp: "Thế còn ông Giê-su, cũng gọi là Ki-tô, ta sẽ làm gì đây ?" Mọi người đồng thanh: "Ðóng đinh nó vào thập giá !" Tổng trấn lại nói: "Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác ?" Họ càng la to: "Ðóng đinh nó vào thập giá !" Tổng trấn Phi-la-tô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: "Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy !" Toàn dân đáp lại: "Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi !"

Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Ðức Giê-su, thì sau khi truyền đánh đòn, ông trao cho họ đóng đinh vào thập giá. Bấy giờ lính của tổng trấn đem Ðức Giê-su vào trong dinh,và tập trung cả cơ đội quanh Người. Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ. Rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: "Vạn tuế Ðức Vua dân Do-thái !" Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra và cho Người mặc lại áo của mình, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.

Ðang đi ra, thì chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-mon; chúng bắt ông vác thập giá của Người. Khi đến nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Ðồi Sọ, chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. Ðóng đinh Người vào thập giá xong,chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người. Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội Người viết rằng: "Người này là Giê-su, vua người Do-thái".

Bấy giờ, có hai tên cướp cùng bị đóng đinh với Người, một tên bên phải, một tên bên trái. Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: "Mi là kẻ phá được Ðền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi ! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào !" Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Ít-ra-en ! Bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập giá đi, thì chúng ta tin hắn liền ! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giơ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn ! Vì hắn đã nói: "Ta là Con Thiên Chúa !" Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế.

Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Ðức Giê-su kêu lớn tiếng: "Ê-li, Ê-li, lê-ma-sa-bác-tha-ni", nghĩa là "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?" Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: "Hắn ta gọi ông Ê-li-a !" Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Còn những người khác lại bảo: "Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không !"

Ðức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn. Và kìa, bức màn trướng trong Ðền Thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Ðất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được chỗi dậy. Sau khi Chúa chỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người. Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Ðức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: "Quả thật ông này là Con Thiên Chúa".

SUY NIỆM:

CON ÐƯỜNG TÌNH YÊU

Nghi thức tuần thánh khởi đầu bằng một cuộc kiệu Lá để tưởng niệm việc Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem. Một cuộc kiệu tưng bừng tiếng tung hô: "Hoan hô thái tử nhà Ða-vít! Chúc tụng Vua Ít-ra-en", nhưng lại nhuốm buồn vì liền ngay sau đó chúng ta được nghe trình thuật về cuộc thương khó của Chúa. Trong suốt Tuần Thánh này, có ba cuộc kiệu như thế. Hai cuộc kiệu còn lại vào chiều thứ Năm tuần thánh - kiệu Mình Thánh Chúa, và Ðêm Vọng Phục Sinh - kiệu Nến Phục Sinh. Những cuộc kiệu trong khung cảnh cuộc thương khó vừa mở ra trước mặt chúng ta một con đường, vừa như là một nhắc nhớ: đằng sau buồn thương có niềm vui cứu độ, qua khổ nạn sẽ là Phục Sinh.

Ðường đưa tới vinh quan

Bài thương khó theo thánh Mát-thêu đã gợi lên những hình ảnh xem ra hoàn toàn trái ngược với cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem. Thật vậy, việc Chúa được dân chúng tung hô đón rước khi Ngài vào thành thánh chỉ là hình ảnh báo trước vinh quang đích thực Ngài sẽ nhận được khi Chúa Cha cho Ngài sống lại từ cõi chết. Nhưng để được vinh quang ấy, Ðức Giê-su phải đi vào con đường khổ nạn, phải tự hiến mình làm hy lễ dâng lên đẹp lòng Cha.

Rất nhiều lần chiêm ngắm bức ảnh Chúa hấp hối, chúng ta thấy được gì phía sau hình ảnh một Chúa Giê-su đẹp đẽ uy nghi quì gối bên một phiến đá dưới ánh trăng vàng đầy thơ mộng ? Chúng ta có nhận thấy một Ðức Ki-tô đang gập mình xuống đất, oằn oại trong cơn khủng hoảng vượt quá sức mình ? Chúng ta có hiểu được lời Ngài thổ lộ với các môn đệ: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được" ( Mt 26, 38 ) và cả tiếng kêu thống thiết trên thập giá: "Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?" ( Mt 27, 46 ).

Nỗi đắng cay như vây kín và xiết chặt lấy Ngài, đắng cay của người bị bạn mình phản bội, của Thầy bị môn đệ chối từ và bỏ rơi, của Ðấng cứu tinh bị dân mình loại trừ. Tất cả đều do sự ích kỷ, lòng kiêu căng và nỗi tham vọng của con người. Thân xác Chúa khổ sầu đến nỗi mồ hôi máu đổ ra và tâm hồn Ngài gần như tan nát không phải vì những roi đòn và nhục mạ, nhưng chính là gánh nặng của tội lỗi nhân loại. "Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta" ( Is 53, 4 ).

Qua khổ nạn mới đến Phục Sinh. Ðó chính là chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhờ đó Chúa Cha và Chúa Con được tôn vinh. Còn trong thực tế cuộc sống, có nhiều người lại muốn đạt đến vinh quang bằng những con đường ngắn nhất và dễ nhất. Cuối cùng, những gì mà họ có được chỉ là hư ảo, tầm thường nhất và cũng mau qua nhất.

Ðường nở hoa tình yêu

Ðức Giê-su chịu chết khổ hình nhằm cứu chuộc nhân loại và cũng để tôn vinh Thiên Chúa Cha. Nhiều khi ta tự hỏi: có cần phải như thế với một Thiên Chúa quyền năng ? Hẳn rằng điều làm cho Hiến Lễ Thập Giá của Ðức Giê-su trở nên có giá trị và đem lại ơn Cứu Ðộ không phải là đau khổ hay sự chết, mà là tâm tình vâng phục trong yêu mến đối với Chúa Cha; nhưng chính đau khổ và Thập Giá lại là cách thế diễn tả tâm tình đó thật tuyệt vời.

Sự vâng phục yêu mến của Ðức Giê-su đã được I-sai-a báo trước qua hình ảnh người tôi trung: "Ðức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui" ( Is 50, 5 ). Còn thánh Phao-lô đã ca ngợi: "Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" ( Pl 2, 7 - 8 ). Lời cầu nguyện của Ðức Giê-su thưa với Chúa Cha trong vườn cây Dầu đã nói lên tất cả sự vâng phục yêu mến: "Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha" ( Mt 26, 42 ).

Con Thiên Chúa đâu có lạ gì với những đau khổ của phận người khi bước vào trần gian. Ðứng trước con đường khổ nạn, Ngài không hỏi tại sao cũng chẳng buông lời nguyền rủa, nhưng Ngài đã bước đi và đi tới cùng với tất cả tình yêu, tình yêu thật lớn lao dành cho Cha và nhân loại, và lập tức bao nhiêu đau khổ kia trở nên ý nghĩa. Con đường Thập Giá bỗng nở hoa rộn ràng. Cây Thánh Giá đã trở nên lộng lẫy với vương miện tình yêu. Qua đó, Ðức Giê-su cũng dạy cho con người một bí quyết để sống hạnh phúc, để có hòa bình: Tình yêu và tha thứ.

Như thế, con đường mà Phụng Vụ Tuần Thánh đang mở ra cho chúng ta chẳng phải là "con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về", nhưng là con đường đã in dấu chân, đã thấm mồ hôi và đã mang cả trái tim của Thầy Giê-su – Con Ðường Thập Giá.

Cùng Chúa ta lên đường

Lời Chúa hôm nay muốn đưa chúng ta vào mầu nhiệm thánh giá của Ðức Giê-su không phải để gợi lên trong ta niềm thương cảm đau xót, nhưng là muốn mời gọi chúng ta hãy can đảm bước theo Ðức Giê-su trên con đường thập giá. Rước lá đi theo Chúa trong vài giờ là điều dễ. Theo Chúa giữa lúc Ngài được tung hô, chẳng khó khăn gì. Nhưng tiếp tục theo Ngài và ở lại khi Ngài bị mọi người bỏ rơi, điều đó khó hơn nhiều.

Pascal đã nói: "Chúa Giê-su sẽ còn hấp hối đến tận thế". Mỗi năm có hàng triệu thai nhi bị loại khỏi lòng mẹ một cách bất công. Và còn bao nhiêu người đang ở trong điều kiện sống chẳng xứng với phẩm giá của mình. Ðó chính là Ðức Ki-tô đang hấp hối giữa thế giới hiện đại. Chúng ta vẫn gặp những ki-tô hữu đang bị lo lắng, buồn rầu, ấm ức... dày vò nghiền nát. Ðó chính là Ðức Ki-tô đang hấp hối trong nhiệm thể Ngài. Và chính đời sống chúng ta nhiều khi cũng nhuốm phiền muộn, bất an, lo sợ, nghi ngại và xáo trộn. Nếu ta biết đón nhận với lòng khiêm tốn và tình yêu để cứu rỗi thế gian thì trong ta, Ðức Ki-tô cũng đang tiếp tục hấp hối và thân thưa với Chúa Cha rằng: "Xin đừng theo ý con, nhưng xin vâng ý Cha hoàn toàn".

Ðã 2000 năm rồi, tất cả những gì đã xảy ra dường như vẫn đang còn diễn lại. Chúng ta vẫn đang cùng Ðức Giê-su đi vào đời và ở trong đời với lý tưởng cứu thế. Chớ gì lời Ðức Giê-su mời gọi: "Hãy vác thập giá mình hằng ngày" ( Lc 9, 23 ) luôn vang vọng bên tai chúng ta mỗi khi phải đối mặt với thử thách hay khi bị lăng nhục nhạo cười... Sau khi đã hiểu thấu ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa, hẳn chúng ta sẽ thấy yêu Thánh Giá của Chúa hơn, và cũng mến Thánh Giá của mình hơn, đồng thời biết kính trọng Thánh Giá của người khác nữa.

Chiêm ngắm Ðức Giê-su chịu Thương Khó, có lẽ mỗi người chúng ta đều rất sốt sắng với lời hát: "Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình... Xin giúp con đường thiêng liêng theo lối..." Chớ gì chúng ta luôn có được tâm tình của Ðức Giê-su hôm nay, để hân hoan tiến bước vào đời tiếp tục con đường nên Thánh và cứu thế của Ngài, Con Ðường Tình Yêu dẫn tới Giê-ru-sa-lem Thiên Quốc.

Lm. KIỀU CÔNG TÙNG ( Giáo Xứ Bùi Phát, Sài-gòn )

CÂU TRUYỆN:

XỬ ÁN THIÊN CHÚA

Ngày tận thế, hàng tỉ tỉ người tập trung tại một cánh đồng mênh mông trước tòa Thiên Chúa để chờ Ngài xét xử. Ai cũng hồi hộp lo lắng, nhưng có nhiều người lại nổi giận.

Một phụ nữ nói: "Sao Chúa có thể xét xử chúng tôi được ? Ngài có biết gì về đau khổ đâu ? Chúng tôi đã phải chịu khủng bố, đánh đập, tra tấn và giết chết". Vừa nói chị vừa vạch tay áo cho thấy một con số do một trại tập trung Ðức Quốc Xã xâm vào cánh tay chị. Kế đến, một người đàn ông da đen cúi đầu xuống, để lộ sợi dây thừng đang quấn quanh cổ ông: "Tôi đã bị buộc cổ như thế này chỉ vì tội làm người da đen. Tôi bị tách khỏi những người thân yêu, rồi bị dẫn xuống chiếc tàu chật cứng như nêm, bị bán làm nô lệ, làm việc cực nhọc cho đến chết".

Sau đó, một cô gái với dòng chữ "con hoang" khắc trên trán lên tiếng: "Tôi phải chịu đựng sự sỉ nhục này vượt sức... vượt sức..." Cô nghẹn ngào không nói tiếp được. Nhiều tiếng nói khác tiếp theo... Mọi người đều trách Chúa vì những khổ đau họ gánh chịu khi còn sống. Ngài quá sung sướng vì cứ ở trên trời với những ngọt ngào và sáng láng; chẳng hề có một chút mồ hôi, nước mắt, đói khát, sợ hãi, hận thù. Bởi thế, Ngài có biết gì về nỗi khổ của con người đâu !

Thế rồi, họ nhất trí xử Ngài phải xuống sống ở trần gian. Tất nhiên, phải làm sao cho Ngài sống y như một người thường, không ai biết Ngài là Thiên Chúa, và cũng không cho Ngài sử dụng quyền phép Thiên Chúa của Ngài. Rất nhiều ý kiến được đưa ra:

-   Ngài phải là một người Do-thái.

-     Làm sao cho người ta nghĩ Ngài là một đứa con hoang, không ai biết đến cha thật của Ngài là ai.

-   Ngài phải làm việc bận rộn không có giờ nghỉ ngơi ăn uống.

-   Ngài phải nếm nỗi đau bị những người thân thiết phản bội.

-   Ngài phải bị đưa ra một tòa án có sẵn bản luận tội bất công.

-   Ngài phải bị kết án là tay lừa đảo và bị xử tử.

-   Trước khi chết, Ngài phải nếm mùi tra tấn và lăng nhục.

-   Cuối cùng, Ngài phải biết cảnh chết trong cô đơn là khủng khiếp đến mức nào.

Quyết định cuối cùng được đưa ra, mọi người đều im lặng... Và bỗng nhiên họ nhận ra rằng Chúa đã thi hành bản án ấy của họ từ lâu rồi !

FLOR McCARTHY

CẦU NGUYỆN:

XIN DẪN CON ÐI

Lạy Chúa, xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa và dạy con bước đi ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày. Xin truyền cho con sức mạnh của Người. Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con tìm lại được sức trẻ, để gieo trồng hàng ngàn cây xanh cho một thế giới mới. Ước gì mồ hôi con pha lẫn mồ hôi của Chúa trong vườn cây Dầu. Ước gì máu con hòa lẫn với Máu Chúa trên núi Sọ, để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn vì bất công và ích kỷ.

Chúc tụng Chúa là Cha, đã dẫn con đi tới cùng, đến tận Em-mau, nơi Chúa hiển dung với tràn trề bình an và niềm vui.

 ÐHY. ROGER ETCHEGARAY

LÝ DO CHÚA GIÊ-SU CHỊU CHẾT TRÊN CÂY THẬP TỰ

Một thi sĩ đã mô tả cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su theo cách bà Ma-ri-a, mẹ của Người đã hỏi chuyện Người, đại ý như sau:

- Con sẽ chết lúc đêm khuya, ở nơi kín đáo chăng ?

- Không, con sẽ chết giữa ban ngày và ở nơi muôn con mắt thiên hạ có thể xem thấy.

- Chung quanh con sẽ có các bạn hữu yêu dấu lâu nay chăng ?

- Không, các bạn hữu đều tránh xa con, quanh con chỉ còn toàn là những kẻ thù nghịch với con.

- Con sẽ nằm trên giường êm ấm mà chết chăng ?

- Không, con sẽ bị treo trên cây thập tự.

- Con sẽ chết lúc già nua, yếu đuối chăng ?

- Không, chính lúc con còn đang thanh niên, mạnh khỏe.

- Xác của con rồi sẽ được chôn cất lành lặn cả chăng ?

- Không, con sẽ bị một ngọn giáo đâm và nhiều chiếc đinh đóng vào chân tay con.

- Con sẽ chết với những bậc hiền triết, quân tử chăng ?

- Không, con sẽ chết giữa hai tên trộm cướp.

- Tội nghiệp con tôi ! Cớ sao con phải chịu nông nỗi dường ấy ?

- Mẹ ơi, con chỉ muốn làm Trọn Thánh Yù của Chúa Cha và cứu vớt loài người khỏi tội lỗi mà thôi...

CHIA SẺ:

MÁI ẤM THIÊN ÂN

Chiều cuối năm Tết Nhâm Ngọ, chúng tôi đến Mái Ấm Thiên Ân ở quận Tân Bình thăm những người bạn đang sống ở đây mà ánh sáng đã không bao giờ tồn tại bên "cửa sổ tâm hồn" của họ nữa. Viết về người khiếm thị thì đã có rất nhiều sách vở, báo chí, thương cảm nhiều, đề cao ý chí vượt khó cũng nhiều. Nhưng sẽ không dư thừa khi nói đến cuộc sống một số bạn trẻ đã vượt qua số phận để cố vươn lên trước cuộc đời. Họ đã sống và sống cách dồi dào sung mãn, sống có ý nghĩa giúp đời, giúp bạn.

"Ðêm giữa ban ngày" là câu chuyện về những người "sáng" mà như sống trong bóng tối triền miên. Nhưng những người anh em của chúng ta, ngược lại, dù đêm hay ngày, họ vẫn sống tràn trề ánh sáng của lòng nhân ái, của Niềm Tin vào Ðức Ki-tô Phục Sinh. Họ lạc quan vui sống và dường như không chịu chấp nhận cụm từ "bất hạnh".

Mái Ấm Thiên Ân tại số 40 / 34 Tân Hương, phường 16, quận Tân Bình, là điển hình trong nhiều mái ấm ở thành phố Sài-gòn chúng ta. Những mái ấm được thành lập phần lớn do các nữ tu Dòng Bác Ái Vinh-sơn, Dòng Thừa Sai Ðức Mẹ Phan-sinh v.v... mang tên Hồng Ân, Như Nghĩa, Hoa Hồng, ánh Sao... Lối sống ở những nơi này như một gia đình thật sự. Họ tuy không cùng cha mẹ ruột thịt nhưng tình yêu thương và cảnh ngộ làm cho họ thương nhau, đùm bọc nhau như anh em một nhà.

Câu chuyện về Mái Ấm Thiên Ân khởi đi từ một bạn trẻ cách đây 10 năm: anh An-tôn Nguyễn Quốc Phong, người phụ trách. Trong kỳ tổng kết công tác thiện nguyện năm 2001, anh Phong đã có dịp chia sẻ với những người đã đóng góp trong việc chăm sóc giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Ðại Hội cấp thành phố. Lời tường thuật của anh về cảnh ngộ đời mình đã làm cho số đông người tham dự phải xúc động không cầm được nước mắt. Có người đã nói: "Sao cuộc đời bất hạnh và bất công thế ? Một người tài hoa, tương lai rạng rỡ mà lại bị tai nạn đau khổ quá !"... "Anh can đảm quá, tuyệt vời quá !"... "So với anh Ototake ở bên Nhật thì cuộc đời anh Phong cũng đáng tự hào: Tôi không bất hạnh !" ( x. Tôi Không Bất Hạnh, sách của Hirotada Ototake, nhà xuất bản Trẻ, 1999 ).

Nguyên anh An-tôn Nguyễn Quốc Phong là một tu sĩ Dòng Thánh Don Bosco. Vì một lý do nào đó anh đã không tiếp tục ơn Thiên Triệu trong Tu Viện Salésien. Năm 1991, anh làm trưởng phòng Kế Hoạch cho Công Ty Liên Doanh Donatimber tỉnh Ðồng Nai. Với vốn hiểu biết rộng về âm nhạc và ngoại ngữ, anh đã tham gia nhiều sinh hoạt Giới Trẻ ở các Giáo Xứ, các nhóm glv, Linh Hoạt Viên và ca đoàn ở Sài-gòn. Con người năng động và nhiều tài ấy đột nhiên bị tai nạn ập đến vào một buổi chiều, từ công ty về nhà. Dọc theo xa lộ Ðại Hàn của vành đai Sài-gòn có một số xe tải đậu bên đường, trong đó có một xe chở cây tre lồ ô với nhiều cây nhọn tua tủa. Vì trời tối, xe tải lại không treo dấu hiệu báo nguy hiểm, xe gắn máy của anh Phong đâm sầm vào các ngọn tre lồ ô. Một cây tre nhọn đâm xuyên qua mắt phải của anh, các cây khác đâm vào mặt và mắt trái với thương tích rất nặng, anh ngã xuống đường bất tỉnh.

Sau 6 tháng nằm viện điều trị, anh dần dần phục hồi sức khỏe, nhưng tròng mắt phải thì đã dính vào cây tre nhọn, mắt trái bị thương nặng cũng không cứu được, khứu giác của anh cũng mất hoàn toàn. Bóng đen tăm tối đã phủ xuống cuộc đời anh từ đây. Thất vọng, mất niềm tin, và có thể mất cả Ðức Tin ! Cái chết vì tuyệt vọng đang rình rập anh, nếu không có Ðức Tin Công giáo còn đọng lại trong tiềm thức, đã kịp ngăn anh tìm đến một cái chết vô vọng.

Ra khỏi bệnh viện, anh bắt đầu tập làm quen với bóng tối vĩnh viễn. Cây đàn gui-ta trở thành người bạn thân thiết nhất đã đem đến cho anh niềm lạc quan trong cuộc sống. Chữ Braille bây giờ là văn tự chính thức để anh đọc được kinh sách và học tập. Dần dần, máy vi tính giúp cho anh tiếp xúc với thế giới bên ngoài, giúp anh dịch sách, làm từ điển, soạn tài liệu học tập hướng dẫn cho các em học sinh mù.

Anh giới thiệu cho tôi mấy bộ sách do anh và các thành viên Mái Ấm Thiên Ân thực hiện bằng chữ Braille:

- Bộ sách Tin Mừng gồm 80 cuốn với sự giúp sức của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ trong dịp Giáng Sinh 2001 như món quà quý giá tặng cho các nhóm mù Công giáo;

- Cuốn New International Manial of Braille Music Natation được anh dịch năm 1998 sang chữ Braille tiếng Việt để giới thiệu quy ước quốc tế về cách ghi chép âm nhạc bằng chữ Braille;

- Cuốn Từ Ðiển Anh - Việt bằng chữ Braille được anh dịch cùng với Nhóm VCL năm 1999, gồm 65.000 từ, dày 11.000 trang, nặng hơn 1 tạ.

- Cuốn United Bralle Code, tài liệu thống nhất chữ Braille giúp cho người khiếm thị học tập dễ dàng hơn, được anh dịch xong năm 2001...

Công việc dịch thuật của anh đang còn nhiều công trình được tiếp nối, có giá trị về lãnh vực âm nhạc, về cách học chữ Braille, giúp người khiếm thị nhanh chóng hội nhập vào cuộc sống nhờ học qua máy vi tính.

Cùng sống dưới Mái Ấm Thiên Ân có khoảng 12 khiếm thị từ khắp nơi quy tụ về. Mỗi em đều có một cảnh đời đau khổ riêng, như bị cha mẹ bỏ rơi, cha chết hoặc mẹ chết, không nơi nương tựa trong cảnh tuổi thơ bị mù lòa. Giờ đây các em tìm gặp được nơi mái nhà Thiên Ân một gia đình thật sự hạnh phúc. Hằng ngày, các em được học văn hóa theo đúng chương trình tiểu học hoặc trung học như các học sinh sáng mắt.

Bản thân anh Phong cũng đang theo học đại học khoa Xã Hội học. Tôi có hỏi anh làm sao tiếp thu và ghi chép bài khóa được, anh vui vẻ trả lời: "Tôi vẫn học được nhờ đầu óc còn khá minh mẫn và nhờ ý chí cầu tiên. Tôi dùng thêm máy ghi âm và máy đánh chữ xách tay để ghi lại bài vở như các sinh viên bình thường". Ngoài việc đi học, anh Phong giúp các em dưới Mái Ấm học thêm văn hóa, ngoại ngữ, âm nhạc và vi tính...

Cách sắp xếp cuộc sống ở đây rất ngăn nắp, thứ tự, sạch sẽ. Nhà dưới là một căn phòng rộng với 6 máy vi tính. Trên các kệ là hàng trăm cuốn sách chữ Braille đóng bìa da được đặt theo thứ tự. Gác trên là sàn ngủ của các em nam. Có một phòng riêng cho các em nữ và cô giáo. Cuộc sống trật tự và thanh thản như trong một Tu Viện. Anh Phong dẫn chúng tôi đi thăm khắp nhà. Anh giới thiệu nơi ăn chốn ở, nơi học tập, nơi làm việc. Khi giới thiệu đến các sách trong thư viện, anh chỉ đúng tên sách và trang sách muốn giới thiệu. Anh bật máy vi tính để trình bày cho chúng tôi về hệ thống chữ Braille với phần mềm có phát âm giúp cho người mù sử dụng vi tính được dễ dàng...

Rất thán phục ! Rất thán phục ! Với người sáng mắt như chúng ta chưa chắc biết tổ chức lối sống, cách làm việc khoa học như vậy. Sức lao động trí óc của anh vượt quá sự tưởng tượng của chúng ta. Ðặc biệt hơn hết là niềm lạc quan, Ðức Tin vững vàng và lòng nhân ái nồng thắm.

Có em trong Mái Ấm đã nói: "Tội nghiệp thầy Phong quá, thà mù như chúng em lúc còn nhỏ, cuộc đời thầy đang lên, tương lai đang rạng rỡ như thế mà bị mù thì thật đau khổ !" Còn anh Phong thì chia sẻ với các em: "Thiên Chúa đã ban cho mỗi người một hoàn cảnh, một số phận như trong Dụ Ngôn 3 nén bạc. Ta phải sử dụng cho hết những gì Chúa ban, thầy hơn các em là có được 30 năm sống trong ánh sáng, đã nhìn thấy cuộc đời, đã có cơ hội học tập. Nhờ vốn hiểu biết đó, thầy mới có dịp giúp các em dưới mái ấm gia đình yêu thương này..."

Chúng tôi đọc bản trình bày của anh hôm Ðại Hội Những Người Khuyết Tật năm 2001 thì rút ra được một số ý tưởng như sau:

- Người khiếm thị không bất hạnh. Chúng tôi vẫn sống trọn vẹn ý nghĩa cuộc sống.

- Lòng nhân ái của mọi người đem đến cho anh em đã "mất ánh sáng" chúng tôi chính là Niềm Tin. Vật chất chưa hẳn là điều kiện tiên quyết của tình thương.

- Chúng tôi muốn sống một cách tự lập và sáng tạo với đầy đủ chức năng của một con người.

- Mặc cảm tự ti là điều tối kỵ đối với những người được xem là kém may mắn như chúng tôi.

Nhiều năm qua, anh em trong Nhóm CTXH Thiện Chí chúng tôi có tổ chức các trại Kết Thân, trại Hoa Nhân ái cho các em khuyết tật, khiếm thị, thiếu nhi các trại Phong v.v... với mong ước tạo sự đồng cảm, đến với những mảnh đời kém may mắn không phải để CHO mà để được NHẬN. Những điều tâm sự của anh Phong trong mấy ngày Tết Nhâm Ngọ vừa qua làm cho chúng tôi suy nghĩ nhiều về những tấm gương lành thánh như mẹ Tê-rê-xa Calcutta, Thánh da đen Mác-ti-nô, Thánh Vinh-sơn, Thánh Phan-xi-cô, cha Ða-miên Tông Ðồ người hủi... đã thắp sáng thêm cho ánh nến Phục Sinh lung linh ngày Ðại Lễ. Mùa Chay đã sắp mãn. Niềm vui Phục Sinh đang sắp đến với tất cả mọi người. Niềm Tin của anh An-tôn Nguyễn Quốc Phong đã thắp sáng lên cõi lòng của bao nhiêu người đang sống trong thất vọng, bi quan chán đời khi lâm vào một cảnh ngộ nào đó.

Sau 10 năm bị tai nạn và sống hòa mình với anh chị em mù lòa, anh Phong đã cảm nghiệm điều này qua lời tâm sự: "Khuyết tật hay không khuyết tật, đó không phải là điều cốt yếu để có được cuộc sống hạnh phúc. Có được hạnh phúc khi sống yêu thương và được yêu thương, khi sống có ích cho người khác..."

Hạnh phúc của những người như anh Phong là được thấy các em trong Mái Ấm được khôn lớn từng ngày, được học tập, được hòa nhập với xã hội. Thật là niềm vui lớn khi thấy những mảnh đời cứ ngỡ sẽ chỉ lủi thủi nơi góc nhà mà lớn lên như một cây hoang dại, sống mà như đã chết, vậy mà giờ đây, những mảnh đời ấy đã trỗi dậy, được sống và sống dồi dào.

Xin mượn đoạn kết trong bài tường trình của anh Phong tại Ðại Hội những người khuyết tật thành phố tháng 9 .2001: "Vâng, người khuyết tật chúng tôi quả nhiên gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống. Có những bất tiện gắn liền với sự khuyết tật. Nhưng phần lớn những bất tiện lại là hậu quả của sự thờ ơ, của sự thiếu hiểu biết, hoặc của những thành kiến xã hội đối với những người khuyết tật. Hãy xóa bỏ tất cả các bất tiện, xóa bỏ những thành kiến, xóa bỏ những rào cản ngăn bước người khuyết tật để chúng tôi tham gia đầy đủ và bình đẳng vào xã hội. Người khuyết tật quả nhiên có ít nhiều bất tiện, nhưng tuyệt nhiên không bất hạnh !"

LÊ NGỌC BƯU, 2002

THÔNG TIN:

THÔNG TIN VỀ CÁC KHOẢN TIỀN CÁC ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Ông Peter Cao ( Hoa Kỳ ) giúp gia đình chị Phạm Thị Bình ( mới qua đời vì ung thư ) ở Bắc Giang ......................................................  100 USD

- Một ân nhân ( Hoa Kỳ ) chưa gửi Mail về cho biết quý danh, giúp người nghèo ....................................................  100 USD

- Một Linh Mục ẩn danh ( Việt Nam ) giúp người nghèo ......................................................................................  2.000.000 VND

- Bạn MK Nga Lu ( Việt Nam ) giúp người nghèo ...................................................................................................  1.000.000 VND

- Bạn MK Duyên Châu ( Việt Nam ) giúp Học Bổng Xuân Hiệp ...........................................................................  300.000 VND

- Hai cháu bé Nguyễn Trực và Nguyễn Nhật ( Việt Nam ) giúp người nghèo ....................................................  300.000 VND

 

THÔNG TIN VỀ MỘT TRƯỜNG HỠP NGẶT NGHÈO Ở SÀI-GÒN

Sr. Ðoàn Thị Ngọc Diệp, Tu Hội Dâng Truyền, giới thiệu một trường hợp ngặt nghèo như sau:

Cô Ma-ri-a NGUYỄN THỊ THU HIỀN, 36 tuổi ( nhưng trông như một em bé thôi ! ) hiện ở tại nhà trọ của các Soeurs Phao-lô Thiên Phước, số 295 Hai Bà Trưng, Q.3, Nhà Thờ Tân Ðịnh. Trước đây, cô Hiền đã được điều trị tại Viện Ung Bướu với một bác sĩ Hoa Kỳ, nhưng nay ông đã hết thời hạn làm việc và đã về Mỹ, gửi gắm cô lại cho các bác sĩ khác, và thỉnh thoảng gửi nước biển đặc biệt cho chứng bệnh của cô. Hiện nay, cô Hiền hằng ngày, có khi phải vào Bệnh viện Nhân Dân để điều trị bệnh bao tử với cô y tá Yến và bác sĩ Diệp, có khi phải vào Bình Dân để được bác sĩ Hoàng cho chạy thận hoặc bắn sạn. Vì tình trạng một lúc mắc nhiều chứng bệnh nặng không thể một sớm một chiều khỏi ngay được, cô Hiền rất mong được các ân nhân trợ giúp tương đối lâu dài mới có hy vọng lành bệnh.

Gospelnet đã trích quỹ số tiền 1.000.000 VND để trợ giúp tạm thời trước mắt cho cô Hiền. Kính xin quý ân nhân gần xa chia sẻ trợ giúp thêm về lâu về dài cho tới khi cô lành hẳn.

THÔNG TIN VỀ MỘT CỤ GIÀ CẦN XE LĂN Ở ÐỒNG NAI

Sr. Tuyết Trinh, dòng Ða-minh Rosa Lima, giới thiệu cụ bà I-nê Nguyễn Thị Lý, 70 tuổi, hiện ngụ tại Giáo Xứ Xuân Bình, ấp Hòa Bình, xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Cụ bị liệt đã hơn một năm nay, rất cần được giúp một chiếc xe lăn. Gospelnet đã được ông bà Phan Thanh Hiệp ( Sài-gòn ) gửi đến trợ giúp một chiếc xe lăn của Ðức, tuy hơi cũ nhưng vẫn còn tốt, trị giá 800.000 VND. Thay mặt cụ Lý, Gospelnet xin cám ơn tấm lòng quảng đại của ông bà Hiệp.

 

THÔNG TIN VỀ 1 GIA ÐÌNH NGHÈO Ở HUẾ

Thầy Vũ Tùng Lân, DCCT, giới thiệu các trường hợp nghèo cần trợ giúp như sau:

Gia đình ông Dương Quang Tâm ( 51 tuổi ) và bà Lê Thị Bông ( 47 tuổi ), ngụ tại tổ 2, thôn Thượng 1, xã Thủy Xuân, Huế, hiện nay cả hai đều bị thất nghiệp, có tất cả 6 người con, trong đó một người con lớn đã tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm, và một người con thứ đang cố gắng tự lo kiếm sống để học năm thứ 2 đại học Kinh Tế. 5 người con kế đó đã phải đi bán vé số để kiếm tiền đóng học phí từ nhiều năm qua:

1. Em DƯƠNG THỊ THU HÀ, 13 tuổi, học lớp 7 trường THCS hùng Vương, Huế, học lực giỏi.

2. Em DƯƠNG MINH THI, đang học lớp 12

3. Em DƯƠNG QUANG VŨ, đang học lớp 10.

4. Em DƯƠNG THỊ THU HÀ, đang học lớp 7.

5. Em DƯƠNG THỊ THU HIỀN, đang học lớp 5.

 Gospelnet đã trích quỹ trợ giúp 750.000 VND ( 50.000 VND x 5 em x 3 tháng ) kể từ tháng 3 đến hết tháng 5.2002. Rất mong quý ân nhân gần xa nhận trợ giúp học bổng lâu dài cho các em.

 

THÔNG TIN VỀ HOÀN CẢNH GIA ÐÌNH MỘT NHẠC SĨ CÔNG GIÁO

Theo thông tin cấp bách qua điện thoại của cha Võ Tá Khánh và của cha Ðỗ Xuân Quế, Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Sài-gòn, Gospelnet được biết hoàn cảnh gia đình của anh CAO HUY HOÀNG, một nhạc sĩ Công giáo nhiệt thành trong ban Thánh Nhạc của Giáo Phận Phan Thiết. Gia đình anh rất đông con, vừa qua đứa con út của anh là cháu CAO KHIÊM HỮU, 7 tuổi, bị áp-xe gan và tim bẩm sinh, đã phải đưa từ tỉnh Bình Thuận vào bệnh viện Nhi Ðồng 1 Sài-gòn, phòng số 9, khoa Tiêu Hóa, để chạy chữa suốt nhiều tuần quá với chi phí hết sức cao, mới đây, mẹ của anh ở quê nhà lại lâm trọng bệnh. Gia đình anh rơi vào tình trạng kiệt quệ. Gospelnet xin trích quỹ chia sẻ với gia đình anh 1.000.000 VND. Xin quý độc giả gần xa quảng đại chia sẻ gánh nặng quá sức này với anh.

THÔNG TIN VỀ MỘT GIA ÐÌNH BỊ NHIỄM CHẤT ÐỘC MÀU DA CAM

Gospelnet vừa nhận được E-Mail của cha Augustino Phạm Văn Dũng, Nhà Thờ 128, ấp Kinh I, xã Hòa Ðiền, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, điện thoại số: 077.853.557, E-Mail: vandung@hcm.vnn.vn. Nguyên văn bức thư như sau:

"Kinh I, ngày 17.3.2002. Kính thưa quý vị ân nhân, trước hết chúng tôi xin gởi đến quý vị lời chào thân ái trong Ðức Ki-tô. Như quý vị đã biết, Giáo Xứ Hoà Giang có một chương trình chăm lo cho những người bệnh tật, những trẻ em mồ côi và những người già neo đơn, mà quý vị đã hơn một lần quan tâm giúp đỡ chúng tôi trong năm vừa qua. Hiện nay chúng tôi vẫn phải cấp 10 kg gạo hàng tháng cho gần 50 đối tượng là người già và người bệnh. Nhiều khi phải giúp đỡ họ tiền thuốc men nữa.

Ðặc biệt, lần này chúng tôi muốn gửi đến quý vị hoàn cảnh rất khó khăn của một gia đình có 4 đứa con bị dị tật do tác hại của chất độc Màu Da Cam. Gia đình này mới di chuyển về đây chừng 6 tháng. Hiện đang ở nhờ trên đất của ông Dương Nghĩa, trong một căn nhà lá lụp xụp. Gia đình này chưa nhận được những trợ giúp cần thiết của xã hội, nên chúng tôi kêu gọi quý ân nhân rộng tay giúp đỡ. Sau đây là tên tuổi và hình ảnh của gia đình:

                Anh PHẠM VĂN BƯỞI, sinh 1963, và chị NGUYỄN THỊ NGỌC VIỄN, sinh 1967, có 4 người con:

1.       Phạm Thị bé Ba, sinh 1985, bất toại và teo chân, cao 1m10.

2.       Phạm Thị Bích, sinh 1990, bất toại toàn thân, chỉ nằm.

3.       Phạm Văn Công, sinh 1993, như trên.

4.       Phạm Hoài Thương, sinh 1995, như trên.

Hoàn cảnh gia đình vợ chồng đi làm mướn, gặp rất nhiều khó khăn, để các cháu ở nhà cho bà ngoại đã 60 tuổi chăm sóc. Thật là vô cùng thương tâm. Một lần nữa xin quý vị ân nhân thương tình trợ giúp cho gia đình này. Chúng tôi vô cùng biết ơn. Kính thư, Lm. Aug. Phạm văn Dũng."

Gospelnet xin trích quỹ trợ giúp trước mắt số tiền 1.500.000 VND. Rất mong quý độc giả gần xa rộng lòng chia sẻ với gia đình đáng thương này, có thể thông qua Gospelnet, hoặc trực tiếp với cha Phạm Văn Dũng.

 

THÔNG TIN VỀ GIA ÐÌNH MỘT NGƯỜI KHIẾM THỊ Ở SÀI-GÒN

Anh Phạm Văn Lượng, Huynh Ðoàn Ki-tô Bệnh Nhân và Người Khuyết Tật, giới thiệu trường hợp gia đình anh Phao-lô HOÀNG VĂN THÚY ( 36 tuổi ) và chị TRẦN THỊ THU HƯƠNG ( 36 tuổi ), nguyên quán tại khu 9, ấp Hiệp Ðồng, thị trấn Ðịnh quán, tỉnh Ðồng Nai, tạm trú tại 4 / 14 tổ 4, ấp 9, xã Bình Hưng Hòa, quận Bình Chánh, Sài-gòn. Trước đây anh chị vừa làm ruộng vừa đi làm thuê. Ðến năm 1998, khi đang xịt thuốc trừ sâu, anh Thuý bị thuốc bay phà vào hai mắt, chạy chữa không khỏi, chuyển thành mù. Anh đành đi bán vé số để mưu sinh cho các con được đi học, nhưng anh thường xuyên bị lừa gạt cướp giựt, chưa lời đã mất vốn, hoàn cảnh gia đình rơi vào tình trạng bấp bênh ngặt nghèo. Danh sách 4 người con:

- HOÀNG VĂN THANH, sinh 1980, đang học lớp 6.

- HOÀNG THANH TÂN, sinh 1993, đang học lớp 2.

- HOÀNG THỊ MỸ DUNG, sinh 1996, đang học lớp 1.

- HOÀNG THANH TÂM, sinh 1998, chưa được vào mẫu giáo.

Gospelnet xin trợ giúp gia đình anh Thúy mỗi cháu 50.000 VND mỗi tháng, trong 3 tháng, kể từ tháng 3 đến hết tháng 5.2002, tổng cộng: 50.000 VND x 4 cháu x 3 tháng = 600.000 VND. Kính mong quý độc giả gần xa nhận trợ giúp lâu dài cho gia đình anh.

 

 

 

BÁO ÐỘNG VỀ VIRUS BOMB RẤT NGUY HIỂM

Xin quý độc giả cẩn thận đề phòng một loại Virus Bomb mới xuất hiện, phá hoại rất nhiều máy của các cha và các Dòng Tu nam nữ cũng như Giáo Dân. Khi quý vị nhận được một E-Mail có kèm một file attached có ghi ở phần Subject là "A VIRTUAL CARD", xin xóa ngay trong Inbox và cả trong Deleted Items. Theo các nhà chuyên môn, loại Virus Bomb này có thể xóa sạch các dữ liệu lưu trữ, phá hỏng hoàn toàn ổ dĩa cứng, ăn cắp địa chỉ có trong máy và gửi đi các nơi, lây lan nhanh chóng.