GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT THỨ 5 A MÙA CHAY

TIN MỪNG: Ga 11, 1 - 45

CHÚA CHO LA-DA-RÔ SỐNG LẠI

Có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a. Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô. Hai cô cho người đến nói với Ðức Giê-su: "Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng." Nghe vậy, Ðức Giê-su bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh." Ðức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô.

Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đe !" Các môn đệ nói: "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao ?" Ðức Giê-su trả lời: "Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao ? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng của thế gian này. Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình !"

Người nói những lời này, sau đó Người lại bảo họ: "La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây." Các môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại." Ðức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. Bấy giờ Người mới nói rõ: "La-da-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy." Ông Tô-ma, gọi là Ði-đi-mô, nói với các bạn đồng môn: "Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy !"

Khi đến nơi, Ðức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. Vừa được tin Ðức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. Cô Mác-ta nói với Ðức Giê-su: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy." Ðức Giê-su nói: "Em chị sẽ sống lại !" Cô Mác-ta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết." Ðức Giê-su liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?" Cô Mác-ta đáp: "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Ðức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Ðấng phải đến thế gian." Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ: "Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy !" Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Ðức Giê-su.

Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người. Những người Do-thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em. Khi đến gần Ðức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết." Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Ðức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi: "Các người để xác anh ấy ở đâu ?" Họ trả lời: "Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem." Ðức Giê-su liền khóc. Người Do-thái mới nói: "Kìa xem ! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy !" Có vài người trong nhóm họ nói: "Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư ?"

Ðức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. Ðức Giê-su nói: "Ðem phiến đá này đi." Cô Mác-ta là chị người chết liền nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày." Ðức Giê-su bảo: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao ?"

Rồi người ta đem phiến đá đi. Ðức Giê-su ngước mắt lên và nói: "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con." Nói xong, Người kêu lớn tiếng: "Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !" Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Ðức Giê-su bảo: "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi."

SUY NIỆM 1:

"TA LÀ SỰ SỐNG LẠI VÀ LÀ SỰ SỐNG"

Cuộc khủng bố thật tang thương xảy ra ở Nước Mỹ mới đây, là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta về cuộc sống. Qua sự kiện này, chúng ta cảm nhận được rằng cái chết là một thực tại vẫn xảy ra hằng ngày chung quanh chúng ta, là một định mệnh luôn gắn chặt với thân phận con người. Cái chết mang đến sự chia ly, đau buồn và thương tiếc. Hơn nữa, nó như một nhát dao cắt đứt tất cả mọi dự tính về cuộc sống của con người. Thật đau lòng khi đứng trước cái chết đột ngột của những người thân yêu, bạn bè. Ðối với người công giáo, đó là một huyền nhiệm mà con người không giải thích được. Ðứng trước huyền nhiệm này con người hoàn toàn bất lực và vô vọng, nhưng với Ánh Sáng Niềm Tin vào Thiên Chúa, con người sẽ được sống lại trong ánh sáng sự sống mới của Thiên Chúa. Những gì xem ra vô nghĩa lại có ý nghĩa và giá trị vĩnh cửu.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta tiếp cận mầu nhiệm Phục Sinh của Ðức Ki-tô, qua việc La-da-rô được Chúa cho sống lại. Mác-ta và Ma-ri-a đã trải qua kinh nghiệm đức tin trước cái chết của em mình. Hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a rất đau buồn và tuyệt vọng. Cả hai đều thương khóc và tiếc rằng Chúa Giê-su không có mặt lúc đó. Còn gì để hy vọng nữa. Có chăng cũng chỉ là niềm tin tưởng vào một sự sống mai hậu, bởi vì La-da-rô đã chết được bốn ngày rồi và không còn có thể cứu vãn được nữa, cửa mồ đã lấp lại. Thật không còn một chút hy vọng nào cả. Ðồng cảm trước nỗi đau của hai chị em, Ðức Giê-su đã bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng vẫn trở lại Giu-đê-a để an ủi Mác-ta và Ma-ri-a. Ngài cũng thổn thức và rơi lệ khi trên đường đến mộ. Và, để tôn vinh Chúa Cha, khi đứng trước mộ của La-da-rô, Ðức Giê-su đã ngước mắt cầu nguyện và cất tiếng cảm tạ Chúa Cha đã nhậm lời Ngài. La-da-rô được sống lại, thật vui mừng và sung sướng khi Ngài phục hồi niềm hy vọng cho Mác-ta và Ma-ri-a đang trong nỗi đớn đau đầy tuyệt vọng.

Chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người đã phát minh ra được nhiều điều mới lạ. Nhưng, có một điều mà con người không thể và không bao giờ làm ra được, đó là sự sống. Sự sống là một tặng phẩm mà Thiên Chúa ban cho con người, để phục vụ theo chương trình của Ngài. Do đó, không một ai, dù ở cấp bậc nào trong xã hội có quyền hủy bỏ sự sống con người. Gần đây, trên ti vi báo chí có nói tới những trường hợp mẹ giết con, ai trong chúng ta khi nghe qua đều có cùng một tâm trạng thật thương tâm đau xót, nhưng còn biết bao những trường hợp thương tâm khác nữa như vấn đề phá thai và cho phép làm chết êm dịu đang là vấn đề thật nhức nhối đau lòng. Họ cũng là con người đang cần đến chút tình thương, lòng thương hại, tiếng nói bênh vực và lòng quảng đại của con người, vì tất cả đều không thể tự bào chữa cho chính mình.

Thế giới văn minh nhưng lại có nhiều bóng tối sự chết. Chết niềm tin, chết của tình người, chết của lòng tin tưởng lẫn nhau, chết của sự hy sinh phục vụ và chết của lòng quảng đại... Mỗi người chúng ta có cảm thương và dám mang chứng từ sự sống của Thiên Chúa vào trong thế giới đang cần tình thương này không ? Hay chúng ta cũng chỉ là những người bàng quang, sống chết mặc bay. Thế giới này đang cần đến những tấm lòng quảng đại, những chứng tá đích thực của Thiên Chúa hơn bao giờ hết. Hãy bắt chước và làm như Chúa Giê-su, mang sự sống, tình yêu, niềm vui, để làm sống lại những niềm tin, sự chán chường, hận thù, tính ích kỷ và tình yêu đã chết ở trong lòng con người.

Chúa Giê-su đã nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống". Chúa không muốn chúng ta phải chết nhưng Ngài muốn chúng ta được sống và sống một cách sung mãn, nên Ngài đã cho La-da-rô được sống lại, trả lại niềm vui và hạnh phúc cho Mác-ta và Ma-ri-a. Ước gì mỗi người chúng ta biết can đảm chết đi những cái mà chúng ta chết mãi, chết mà chẳng làm sống lại được, đó là tội lỗi, hận thù, ích kỷ, đam mê, để đón lấy sự sống mới trong tình thương của Thiên Chúa.

Nữ Tu CECILIA ( lấy từ Vietcatholic )

SUY NIỆM 2:

NGÀI LÀ SỰ SỐNG

Các bài đọc hôm nay đều nói đến sự chết và sự sống như để dọn lòng chúng ta bước vào mầu nhiệm trung tâm của đạo Chúa: mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Ðức Ki-tô.

Với bài đọc 1, ngôn sứ Ê-dê-ki-en cho chúng ta hình ảnh một nghĩa trang đầy xương khô và trơ trọi ám chỉ dân Chúa ( nhà Ít-ra-en ) trong tình trạng lưu đày ở Ba-bi-lon. Trong thị kiến, ông thấy những xương đó ráp lại với nhau thành những bộ xương: thêm gân, thêm thịt, phủ da rồi Thần Khí Chúa thổi sinh khí vào. Lập tữc, các tử thi được hồi sinh, chỗi dậy thành một đạo quân lớn tiến về đất hứa.

Trong thơ gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô đã dạy: "Chính Thần Khí Chúa ngự trong anh em ,...sẽ làm cho thân xác anh em được sự sống mới."

Còn trong bài Tin Mừng Thánh Gio-an hôm nay, Ðức Giê-su cho ông La-da-rô sống lại. Ðiều đó khiến cho Mác-ta, Ma-ri-a và số đông dân chúng chứng kiến hết sức vui mừng và niềm tin của họ dược củng cố thêm.

1.   Ðức Giê-su đã giải phóng chúng ta khỏi ách tử thần như thế nào ?

"Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a và đã Làm Người". Lời kinh trên đã giới thiệu cho chúng ta bước khởi đầu kế đồ cứu rỗi của Thiên Chúa được thực hiện nơi Ðức Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài đến trần gian để giải phóng chúng ta khỏi khổ đau, khỏi sự chết, hậu quả của tội nguyên tổ và ban cho chúng ta phúc trường sinh, phúc làm con Thiên Chúa. Ngài đã giải phóng chúng ta bằng cách nào ?

Ngài đã giải phóng chúng ta bằng trọn cuộc đời của Ngài nơi dương thế:

- Bằng đời sống khó nghèo, khiêm nhường: Ngài chấp nhận cảnh đời thấp hèn nhất trong xã hội: sinh ra nơi hang đá máng cỏ, ba mươi năm ở Na-da-rét, trong xóm lao động, sống bằng nghề thợ mộc, một nghề rất tầm thường trong xã hội Do-thái lúc bấy giờ.

- Bằng lời nói: Ba năm cuối đời, Ngài đã đi giảng dạy khắp miền đât Do-thái, loan báo Tin Mừng cho mọi người như lời ngôn sứ I-sai-a đã báo trước: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa" ( Lc 4, 18 - 19 ).

- Bằng hành động: Với trái tim nhân hậu, Ngài đã xoa dịu những tâm hồn khổ đau, cứu giúp kẻ đói nghèo, chữa lành những ai bệnh tật... và trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài đã đến nhà Mác-ta và Ma-ri-a vào lúc La-da-rô, em trai hai bà mới mất, "Ðức Giê-su đã thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi: "Các ngươi đã dể xác anh ấy ở đâu ?" Họ trả lời: "Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem." Ðức Giê-su liền khóc. Tới mộ, Ngài đã kêu người ta đem phiến đá đi và sau khi cầu nguyện, Ngài đã truyền cho La-da-rô ra khỏi mồ: Người chết liền ra, chân tay còn đang cuốn vải và mặt còn phủ khăn.

- Bằng chính bản thân: Ðức Giê-su đã tự hiến mình chịu chết trên thâp giá đền thay tội lỗi nhân loại và đã sống lại. Ðây là tột đỉnh của kế đồ cứu rỗiä, là dấu ấn tình thương bao la của Thiên Chúa: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" ( Ga 15, 13 ). Ngài đã chiến thắng sự chết và khải hoàn trong vinh quang. Từ đây, cây thập tự, dấu hiệu của sự chết, trở nên mối giao hoà đất trời và là chìa khoá mở cho chúng ta bước vào cuộc sống vĩnh cửu.

2.   Những bài học:

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta những nét chính trong kế đồ cứu rỗi của Thiên Chúa: Kế đồ này do Ðức Chúa Cha khởi xướng, Ðức Chúa Con thực hiện và Ðức Chúa Thánh Thần ứng dụng cho nhân loại. Cánh riêng bài Tin Mừng Thánh Gio-an cho chúng ta những kinh nghiệm quí báu về Ðức Tin: Như Mác-ta và Ma-ri-a đã mời Ðức Giê-su đến chữa cho em mình, chúng ta cũng cần chạy đến với Chúa mỗi khi gặp những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, quyết không tìm đến với những hình thức bói toán mê tín dị đoan. Theo suy nghĩ thường tình, người ta dễ gán cho những ai gặp tai họa hoặc những bệnh tật hiểm nghèo là do chính lỗi của những người đó: "ác giả ác báo" hay "bị Chúa phạt" ( theo lối nói của người Công giáo ).

Trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, Ðức Giê-su cho chúng ta một cái nhìn mới đúng đắn hơn về cơn bệnh và cái chết của La-da-rô: "Bệnh này không đến nỗi phải chết, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa." Gặp Mác-ta trong tình trạng La-da-rô đã chết và được chôn cất xong xuôi, Ðức Giê-su đã phải cố giải thích để bà có thể nhận ra rằng: không cần phải đợi đến ngày sau hết La-da-rô mới sống lại, nhưng là ngay bây giờ nếu bà tin vào Ngài, vì chính NGÀI LÀ SỰ SỐNG LẠI và LÀ SỰ SỐNG.

Lạy Cha từ ái, chúng con tạ ơn Cha đã ban cho chúng con Ngôi Hai Con Một yêu dấu của Cha làm giá cứu chuộc đền bù tội lỗi chúng con. Chúng con cũng tạ ơn Cha đã ban cho chúng con Chúa Thánh Thần, Ðấng hằng hoạt động để thánh hoá giúp chúng con trở nên những người con tốt lành của Cha.

Xin Cha cho chúng con, khi tham dự vào mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Con Cha, có một lòng sám hối chân thành, sẵn sàng cùng chết với Ðức Ki-Tô để cùng được sống lại với Ngài trong vinh quang của Cha. Amen.

P. Damiano ÐINH NGỌC THIỆU

CẦU NGUYỆN:

CHÚA NGUỒN BÌNH AN

Lạy Chúa, Nguồn Bình An muôn thuở,

Xin đưa tay mà che chở đời con,

Từ nẻo chết đưa về theo sinh lộ,

Ðến yêu thương, rời xa chỗ hận thù,

Tìm ánh sáng, bỏ thâm u tăm tối...

Lạy Chúa, Nguồn Bình An muôn thuở,

Xin đưa tay mà dắt lối đời con,

Từ tuyệt vọng đến với giòng suối mát,

Sạch hoài nghi để hy vọng ân cần,

Chọn chân lý, bỏ sai lầm lạc bước...

Lạy Chúa, Nguồn Bình An muôn thuở,

Xin đưa tay mà ban Nước Trường Sinh,

Thôi chinh chiến, hát bình ca trong sáng,

Nở nụ cười thay khăn trắng tóc tang,

Ruộng vườn xanh, thay cằn khô bụi cát...

Lạy Chúa, Nguồn Bình An muôn thuở,

Ðổ an bình chan chứa cả tim con,

Cho thế giới, nhân loại còn bạo loạn,

Ðược giao hòa thay nứt rạn chia tan,

Khát khao hoài, ôi lạy Chúa, Bình An...

Lead me from despair to hope, from fear to trust...

Lead me from death to life, from falsehood to truth...

Lead me from hate to love, from war to peace...

Let peace fill our heart, our world, our universe.

 

Mẹ TÊ-RÊ-XA CALCUTTA,

LÊ QUANG UY diễn ý thơ.

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI tập 2

 


CÂU TRUYỆN:

CHẲNG CÓ ÐIỀU GÌ KHÓ ÐỐI VỚI CHÚA

Một người vô thần, không tin có đời sau, không tin có sự sống lại của thân thể, đến chất vấn một vị Linh Mục: "Người chết làm sao có thể sống lại được, một khi thân thể đã bị thiêu thành trọ bụi và bay theo luồng gió, hoặc đã bị thú dữ ăn nuốt đi. Thể xác của con người, sau khi chết, nếu đã bị phân tán như vậy, thì sống lại làm sao được ?"

Linh Mục đáp: "Ðiều đó thực ra không có gì là khó hiểu. Chẳng có sự gì khó đối với Thiên Chúa. Chính cái thân thể mà chúng ta đương có đây cũng do sự tổ hợp của những thể chất từ bốn phương mang lại: Rau, gạo, thịt, muối, đường v.v... đều không phải đến từ một chỗ. Như vậy, nếu những nguyên liệu ấy đã từ các nơi hợp lại mà thành cái thân thể hiện hữu của chúng ta ngày nay, thì có khó gì cho Thiên Chúa khi muốn kết hợp những thứ đã phân tán để khiến cho con người ta được sống lại ?"

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI tập 8

CHỨNG TỪ:

THỈNH NGUYỆN THƯ XIN CỨU MẠNG CHỊ SAFYA HUSSEINI

Ngày 6.3.2002, Ephata và Gospelnet đã gửi đến địa chỉ embassy@nigerian.it của Lãnh Sứ Quán Nigeria tại Roma Thỉnh Nguyện Thư số 1 với danh sách gồm 617 người xin ân xá cho chị Safya Husseini. Với Thỉnh Nguyện Thư số 2 tiếp theo, con số tổng cộng trong danh sách đã lên tới 718 người, trong đó có một độc giả viết riêng lá thư dưới đây. Chúng tôi sẽ dịch sang Anh ngữ và gửi đi vào ngày 14.3.2002, kịp trước 18.3 là ngày Chung Thẩm vụ án chị Safya Husseini.

Chúng tôi xin đăng tải lá thư này ở đây như một chứng từ sống động của lòng nhân đạo giữa con người với con người, hết sức phù hợp với sứ điệp Tin Mừng Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay ngày 17.3.2002, Ðức Giê-su đã cứu cho ông La-da-rô được sống lại từ cõi chết.

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2002

Kính gửi ngài đại sứ Nigeria tại Roma,

Tôi viết lá thư này gửi tới ngài trong tâm tình của một phụ nữ Việt Nam đang mang thai đứa con bé nhỏ của mình được 4 tháng tuổi. Khi tôi nghe thông tin rằng chị Safya Husseini là công dân nước Nigeria bị kết án tử hình vì tội có con ngoài giá thú, tôi thật sự thấy xúc động và bàng hoàng bởi vì một đứa trẻ nhỏ sẽ ra đời mà thiếu vòng tay chăm sóc của chính mẹ nó.

Vì là một phụ nữ đang mang thai nên tôi hiểu hơn ai hết tình mẫu tử cao quý và cho dù ở hoàn cảnh nào thì người phụ nữ cũng gắng vượt qua để bảo vệ đứa con thân yêu của mình. Tôi vừa lập gia đình cuối năm 2001 và hiện đang mang thai. Tôi và chồng tôi rất vui mừng hạnh phúc và chờ đón đứa con chào đời. Chúng tôi có quan điểm là những đứa trẻ sinh ra chính là những món quà Thượng Ðế ban tặng, cho nên chúng tôi cương quyết chống lại nạn phá thai.

Trở lại hoàn cảnh chị Safya, tôi thật sự mến phục vì khi chị có thai với một người đàn ông không phải là chồng mình mà chị vẫn quyết giữ đứa trẻ và cho nó được chào đời. Ðây là một hành động nhân đạo và cao quý nếu liên hệ với tình trạng một nước đang phát triển như Việt Nam chúng tôi, việc phá thai chỉ riêng ở độ tuổi vị thành niên đã là một con số kinh hoàng. Hơn thế nữa, hành động phá thai hiện nay còn được coi là hiển nhiên, những người đi phá thai và giúp phá thai hầu như không có một sự ân hận đau xót nào. Tôi đặt giả sử: chị Safya đã chịu phá thai trước đây thì có lẽ chị đã không bị kết án tử hình như bây giờ chăng ?

Tôi rất hiểu bản án tử hình dành cho chị Safya chính là nhắm đến việc răn đe những phụ nữ khác không phạm một tội như vậy, nhưng liệu có vì thế mà số phụ nữ có quan hệ tình dục với những người đàn ông không phải là chồng mình sẽ giảm đi hay không, hay là nạn phá thai vẫn sẽ tăng lên trong xã hội hiện nay ?

Vì thế, tôi xin viết lá thư này tha thiết mong ngài đại sứ chuyển đạt thỉnh nguyện chân thành của chúng tôi đến ngài tổng thống nước Nigeria, cho chị Safya được ân xá để tiếp tục sống và chăm sóc bé Adama, đứa con vô tội của mình. Tôi hiểu bất cứ một đất nước nào cũng đều có những luật lệ riêng, do vậy xin cho chị Safya có thể nhận một hình thức xử phạt hành chính để làm gương cho người khác.

Tôi xin chân thành cám ơn ngài đại sứ đã dành thời gian để đọc bức thư này, và rất mong đón nhận được sự đồng cảm của ông để thỉnh nguyện thư này đạt được kết quả tốt đẹp.

Một phụ nữ Việt Nam, TRẦN THU HẰNG, Việt Nam, 39 Khâm Thiên, Hà Nội

THÔNG TIN:

THÔNG TIN VỀ CHƯƠNG TRÌNH "CHÉN CƠM ẤM LÒNG CHÚA GIÊ-SU"

Nếu phải chỉ địa danh Kontum trên bản đồ Việt Nam, thì không những Giáo Dân, mà ngay cả nhiều Linh Mục, Tu Sĩ cũng phải bối rối, dù vẫn mơ hồ nghe biết đó là một trong 4 tỉnh thuộc Tây Nguyên ( Ðăklăk, Lâm Ðồng, Gia-Lai, Kontum ). Ðịa phận Kontum trước đây và bây giờ, vẫn là Giáo Phận rộng nhất về địa dư: trước đây, bao gồm các tỉnh Kontum, Gia Lai, Phú Bổn ( nay là huyện Ayunpa ), Ðăklăk, Phước Long ( nay thuộc tỉnh Bình Phước ). Nó còn nhận luôn một phần của Attopeu nước Lào. Năm 1967, Toà Thánh đã thành lập Giáo Phận mới Ban Mê Thuật, gồm hai tỉnh Ðăklăk và Phước Long và tấn phong Ðức Giám Mục Phê-rô Nguyễn Huy Mai cai quản ( ngài được Chúa gọi về năm 1990 ).

Dù vậy, ngày nay Kontum vẫn còn là Giáo Phận rộng lớn nhất, với 27.620 Km2 ( so với địa phận Vinh lớn hàng thứ hai với 22.502 Km2 ). Nhưng ngoài cái "nhất" ấy, Giáo Phận Kontum còn có nhiều cái "nhất" khác, muốn nêu ra để thêm lòng tin tưởng ở Chúa Quan Phòng, để xin lời cầu nguyện, để mong sự cảm thông và để kêu mời nhiều tâm hồn cùng hiệp tâm hiệp lực vào "vụ mùa" bội thu, nhưng hứa hẹn lắm gian truân, như đã và đang như thế.

Với vỏn vẹn hơn 30 Linh Mục, Giáo Phận Kontum không chỉ "nhất" về thiếu Linh Mục, mà "nhất" cả về tuổi đời bình quân của các Linh Mục: 65,7 tuổi ! Ðiều đó cũng có nghĩa là, dù tuổi tác cao, các Ngài vẫn không được nghỉ ngơi. Những Linh Mục mừng thượng thọ, tuổi 80 như các cha Hoàng ( 81 ), Ðường ( 81 ), Nên ( 80 ), vv... đầu tóc bạc phơ, mang trong người nhiều thứ bệnh của tuổi già, của rừng thiêng nước độc, của nhiều năm tháng vất vả thiếu thốn, mà vẫn ngày ngày bươn chải bằng đủ loại phương tiện, nhiều nhất vẫn là cuốc bộ, để đến được với con chiên người dân tộc Ba-na, Sê-đăng, H'Mông, Rơ-ngao, J'rai, v.v... rải rác trong từng làng nhỏ, mặc dầu ngày nay không còn du canh du cư như trước 1975. Trên môi vẫn luôn nở nụ cười.

Kontum là Giáo Phận vui "nhất", vì không còn giờ cho nỗi buồn, bởi vì có ai buồn khi thấy được mùa đâu ! Mà Kontum thì mùa màng Nước Trời luôn bội thu ! Với 11.560 Km2 diện tích, Kontum chỉ có 300.000 dân mà ba phần tư là người các dân tộc thiểu số, trong đó có 86.000 là Công giáo trên 100.000 tín hữu ở Hạt Kontum.

Ở Hạt Pleiku, trong 80.000 Giáo Dân, thì hơn một phần ba ( 28.000 ) là anh em dân tộc thiểu số, đa phần là người dân tộc J'rai, một dân tộc mà trước 1975, biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của các Linh Mục, đặc biệt là các cha Dòng Chúa Cứu Thế như cha Mầu, cha Phán, cha Tín, cha Tài, thầy Sáu Quân v.v..., đã đổ ra, tưới đẫm hạt mầm đức tin, nhưng tưởng chừng như nhỏ trên đá, tuyệt nhiên không có một người dân tộc nào nhận Bí Tích Rửa Tội. Phao-lô gieo, còn Chúa Ki-tô gặt.

Thế rồi, "hoa nở trong kẻ đá", không chỉ một đóa, mà cả bó, nhiều bó, rực rỡ: hàng đoàn lũ anh em dân tộc đến xin gia nhập Hội Thánh, nhất là sau ngày phong hiển thánh các Ðấng Tử Vì Ðạo Việt Nam, trong đó có Ðức Cố Giám Mục Tê-pha-nô Thể ( Étienne Cuénot ), thánh tổ của Giáo Phận Kontum. Ngày nay, các cha và Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế vẫn ngày đêm hy sinh trong cánh đồng truyền giáo Kontum, coi sóc các Trung Tâm Truyền Giáo, và có thể diễn tả trong tiếng ca ngợi tạ ơn Chúa: các Ngài mỏi tay, vì gặt không xuể. "Lạy Chúa, xin hãy ban thêm thợ gặt của Chúa !"

Thế nhưng, Kontum còn một cái "nhất" khác không thể dấu ai được: nghèo nhất ! Ngoài điểm đặc biệt là địa phận duy nhất không có nhà hưu dưỡng như đã nói trên đây, thì Kontum ít cơ sở tôn giáo nhất. Anh em các dân tộc ít người, vùng sâu vùng xa, luôn chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống: trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều tập quán, trong đó thói quen du canh du cư dẫu đã giảm rất nhiều, nhưng tâm lý và não trạng vẫn chưa dễ thay đổi.

Ví dụ ngày nay vẫn còn những buôn, làng mà đứa bé sinh ra không có quyền sống và phải bị đem chôn theo, nếu người mẹ chết ( trong khi tử vong sản phụ rất cao ). Các Yá ( tên gọi các nữ tu người dân tộc ) đã phải lặn lội đi xin, nhờ người xin và đón về nuôi dưỡng ở hai nhà cô nhi Vinh Sơn I và II, mà con số không khi nào dưới 400, thêm một gánh hết sức nặng cho một Giáo Phận nghèo và đè lên vai Chủ Chăn là các Ðức Giám Mục Alexis Phạm Lộc ( đã nghỉ hưu ) và Ðức Giám Mục Phê-rô Trần-Thanh Chung, luôn phải chìa tay khắp mọi nơi, khắp mọi hướng, để nhờ những tấm lòng hảo tâm chia sẻ, giúp các Ngài nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh ( nhưng may mắn ) này.

Là vùng đất nằm trong dãy Trường Sơn, Kontum và Gia Lai không được thiên nhiên ưu đãi: đất đai xói mòn, sỏi đá, khí hậu khắc nghiệt, chỉ phần nào thích hợp với cây công nghiệp dài ngày, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và kỹ thuật canh tác khá cao, không phải là lựa chọn của phần đông anh em dân tộc. Một vài vùng đất tương đối bằng phẳng, thích hợp cho lúa nước, chạy dài hai bên bờ sông Ðăk Bla, thì rất nhỏ bé và manh mún, phần lớn lại do người Kinh khai thác.

Kontum vẫn là Giáo Phận nghèo nhất, với những tín hữu người dân tộc nghèo nhất, nhưng kiên trung với đức tin, luôn can đảm và hy sinh. Do nhiều lý do khách quan, cộng với con số ít oi, các Linh Mục đã không thể đến được với mọi anh em đang khao khát nhận lãnh các bí tích, nhất là Bí Tích Mình Máu Thánh Chúa, thèm khát được tham dự Thánh Lễ. Ước vọng thật đơn sơ, nhưng biết mấy khó khăn: Từ những buôn, làng xa, có khi phải mất công băng rừng lội suối cả ngày, nhiều ngày mới đến được một Nhà Thờ hay Nhà Nguyện gần nhất, có thể là trong thị xã, có thể là ở các vùng ven, nhưng cũng có thể là ở các chổ mất hút trong rừng sâu: Ðâu cũng được, miễn là có Linh Mục, miễn là có Thánh Lễ !

Song khó khăn chẳng dễ vượt qua, mà khó khăn nhất là nghèo khó: họ phải nhịn đói để đến được với Thánh Lễ, nhịn đói nhưng rất vui mừng vì được tham dự bàn tiệc thiêng liêng và cũng vui mừng trở về lại buôn, làng. Vẫn lầm lũi cuốc bộ, băng rừng lội suối và vẫn với cái bụng đói của ngày trước, của những ngày trước, khi lên đường "đi tìm Chúa".

Chưa thể giúp anh em nhiều và không đủ khả năng giúp anh em trong việc to lớn, các cựu chủng sinh Kontum, gồm các Linh Mục và Giáo Dân đã từng theo tu học ở Tiểu Chủng Viện Kontum, mà nay vì nhiều lý do sinh sống và làm việc ở các nơi khác, trong và ngoài nước, vẫn hướng tâm hồn và tình thương về vùng đất đã một thời là mơ ước dâng hiến phục vụ của họ, nhận thấy không thể để anh em dân tộc bị đói, ít là trong hai dịp Ðại Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh. Ðó là ý nghĩa và lý do ra đời của chiến dịch CHÉN CƠM ẤM LÒNG CHÚA GIÊ-SU, giúp anh em dân tộc nghèo khổ, có cơm ăn, ít là trong hai dịp Ðại Lễ.

"Vì xưa Ta đói, các con đã cho Ta ăn". Ðối với các cựu chủng sinh Kontum, đó không còn là lời mời gọi, mà là bổn phận đền đáp một phần công ơn dưỡng nuôi, giáo dục của địa phận, của Giáo Hội và xa hơn, của các tín hữu khắp hoàn cầu. Việc làm này, thật lòng mà nói, có phần muộn màng và có lỗi nhiều với anh em dân tộc nghèo khó.

Ðơn cử Ngày Mừng Chúa Giáng Sinh 2001 vừa qua, anh em cựu chủng sinh Kontum( gọi tắt là CVK ) trong và ngoài nước, cũng như các ân nhân Hội Bảo Trợ Truyền Giáo Kontum ( gọi tắt là KMF ) đã góp lại, gửi về 1.730 USD và 1.600.000 VNÐ. Hai Cha chính, phó xứ Phước Hải thuộc Giáo Phận Nhatrang và bà con Giáo Dân đã tặng 130 kg ruốc và cá khô.

Ðồng thời các cha giáo xứ Chính Toà, Phước Hoà, Phước Hải, Bắc Thành, Thanh Hải thuộc Giáo Phận Nha Trang, các cha chính, phó giáo xứ Thanh Ða thuộc Tổng Giáo Phận Sài gòn, đã vận động bà con Giáo Dân hảo tâm gom tặng rất nhiều áo quần, vật dụng không dùng nữa, để gửi lên nhờ các Linh Mục, các nữ tu, các nhóm tông đồ giúp chuyển đến tận tay những anh em nghèo, các em cô nhi và các bệnh nhân phong cùi, sưởi ấm thân xác và tâm hồn của họ, cũng là ấm lòng Chúa Giê-su.

Với 1.730 USD, các nữ tu ( đặc biệt là các soeurs Dòng Saint Paul de Chartres và soeur Grégoire Nhường ) và các nhóm tông đồ ( nhất là Nhóm Vinh Sơn, trong đó có những anh chị là tín đồ Phật- giáo ) đã phục vụ cho trên 17.000 người ăn no. Ngoài ra còn gửi gạo ( từ 200 - 400 kg ) và thực phẩm đến 7 địa điểm ở xa, nhờ các nữ tu giúp phân phát hoặc nấu ăn. Hai cô nhi viện với trên 400 em cũng được chăm sóc đặc biệt để đón mừng Chúa Hài Nhi.

Ở Nhà Thờ Gỗ ( Nhà Thờ Chính Toà Kontum ), người cùi về dự Ðại Lễ và các em nhỏ được phục vụ cơm, cháo ngon từ chiều 23 cho đến sáng 25 tháng 12. Tổng cộng uớc chừng 30.000 anh em dân tộc nghèo khó có ăn no trong Ngày Mừng Chúa Giáng Sinh, vì thật vô lý khi cả nhân loại no say, mà có những anh em tìm về thờ phượng Chúa Hài Nhi, lại bị đói !

Nhưng Kontum vẫn còn một cái "nhất" không thể không kể đến: Kontum là vùng "Ðất Thánh" ( lời Ðức Cố Giám Mục thánh thiện Paul Seitz, tên Việt là Phao-lô Kim ), nơi kẻ đã đến thì không dễ dàng quay về mà không yêu mến, nhớ nhung.

Cũng có thể nói không sai, rằng: Những ai biết đến Kontum, bất cứ từ nguồn nào và hình thức nào, đều không thể không chìa bàn tay thân ái và quảng đại để chia sẻ với Giáo Dân địa phận Kontum, nhất là với các anh em dân tộc trung kiên nhưng còn rất nghèo khó, chia sẻ gian truân vất vả với các Linh Mục và Tu Sĩ đang ngày đêm dấn thân trong cánh đồng mênh mông nhưng thiếu thốn này, chia sẻ gánh nặng với Ðức Giám Mục Kontum mà tài-vật-lực để chu-tất cho vô số công việc lớn nhỏ, chỉ hoàn toàn trông cậy vào từ tâm và sự quảng đại của tín hữu gần xa.

Nhưng một chia sẻ còn lớn hơn mà Giáo Dân, anh em dân tộc, các Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ và Ðức Giám Mục Giáo Phận Kontum muốn gửi tới tất cả những ai đã, đang và sẽ chìa bàn tay giúp đỡ, ấy là niềm vui của người thợ gặt: "Ai đi trong lệ sầu, sẽ về trong vui sướng, ai gieo trong nước mắt, sẽ về giữa tiếng cười" ( lời một bài Thánh Ca theo ý Thánh Vịnh 125 )

Các ngài ( Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ ) là những người gieo, nhưng chính quý vị cũng là những thợ gieo bằng những lời cầu nguyện, bằng tình yêu mến Ðất Thánh Kontum và bằng cả những hy sinh giúp đỡ vật chất lớn nhỏ. Trong tâm tình tạ ơn và với niềm tin, chúng ta có thể khẳng định lời này: "Giúp người nghèo, là cho Chúa vay. Chén cơm quý vị chia sẻ cho người nghèo, chính là chén cơm ấm lòng Chúa Giê-su."

Mùa Chay Thánh 2002, CỰU CHỦNG SINH Kontum

Gospelnet xin sẵn sàng làm một nhịp cầu khiêm tốn để quý độc giả gần xa có thể chia sẻ tinh thần, vật chất, kể cả các ý dâng Thánh Lễ chuyển cho các Linh Mục, thuốc men, tập vở, quần áo cũ, xe lăn... cho những anh chị em nghèo, đặc biệt là những người đồng bào dân tộc thuộc Giáo Phận Kontum trong dịp Ðại Lễ Phục Sinh sắp đến. Xin liên hệ với Lm. Lê Quang Uy, DCCT, 38 Kỳ Ðồng, Quận 3, Sài-gòn, điện thoại: 0903.34.09.14, hoặc qua E-Mail: ttmvdcct@fptnet.com.

THÔNG TIN VỀ "HỌC BỔNG PLEICHUET"

Vừa qua, chương trình "HỌC BỔNG PLEICHUET" thuộc Giáo Phận Kontum, do thầy Phó Tế Nguyễn Ðức Thịnh, DCCT, chịu trách nhiệm phân phối, đã được các ân nhân ở Pháp nhận trợ giúp trong 8 tháng, kể từ tháng 11 năm 2001 đến hết tháng 6 năm 2002. Danh sách gồm 11 em học sinh dân tộc J’rai, mỗi em nhận được 50.000 VND mỗi tháng. Nay, anh chị Nguyễn Duy Linh ở San Diego, California, Hoa Kỳ, lại sẵn sàng nhận trợ giúp thêm trong 6 tháng kế tiếp, kể từ tháng 7 đến hết năm 2002. Tổng cộng số tiền là: 11 em x 50.000 VND x 6 tháng = 3.300.000 VND ( = 220 USD ). Gospelnet đã chuyển số tiền này đến thầy Thịnh ngày 11.3.2002. Xin thay mặt 11 em học sinh dân tộc J’rai ngỏ lời tri ân anh chị Nguyễn Duy Linh.

THÔNG TIN VỀ HAI CHÁU BÉ CẦN MỔ TIM

Ngày 10.3.2002, Gospelnet đã nhận được thư từ Sr. Hà Thanh, Dòng Phan-sinh Thừa Sai Ðức Mẹ, báo tin cháu bé HOÀNG ÐÀO XUÂN MAI ( xin xem Gospelnet số 31 ) sẽ được nhập Viện Tim để giải phẫu tim ngày 15.3.2002. Sr. Lan Thanh Tâm, Dòng Ða-minh Rosa Lima đã nhắn gia đình đưa cháu bé lên Sài-gòn kịp thời. Xin quý độc giả gần xa cầu nguyện đặc biệt cho cháu có đủ sức khỏe để ca giải phẫu được thành công tốt đẹp. Rất hy vọng cháu bé sẽ được miễn giảm viện phí 100 % ( 1.850 USD ).

Riêng cháu bé ÐÀO LÊ MỸ TIÊN vẫn đang tiếp tục được Viện Tim điều tra trong diện được miễn giảm do hoàn cảnh gia đình quá nghèo. Gospelnet vừa gửi cho thầy Ðỗ Minh Trí, DCCT, chuyển về cho gia đình cháu số tiền 500.000 VND để bồi dưỡng sức khỏe cho cháu trong giai đoạn chờ đợi này.

THÔNG TIN VỀ 2 SINH VIÊN MONG TÌM ÐƯỠC VIỆC LÀM

Bạn NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ, sinh ngày 8.9.1975, tốt nghiệp tháng 9 năm 2001 khoa Sư Phạm Anh Văn, khóa 1997 – 2001, trường Ðại Học Dân Lập Kỹ Thuật Công Nghệ, có thể nhận dạy kèm môn Văn và môn Anh Văn từ lớp 6 đến lớp 12. Bạn QUÁCH THỊ QUẾ CHÂU, sinh ngày 2.11.1978, tốt nghiệp năm 2000, chuyên ngành Quản Trị Kinh Doanh trường Ðại Học Mở Bán Công Sài-gòn, có chứng chỉ Anh Văn trình độ C và bằng Vi Tính Văn Phòng, đang rất cần việc làm. Cả 2 trường hợp nêu trên có thể liên hệ tại số 45 / 55 đường Trần Huy Liệu, phường 12, quận Phú Nhuận, điện thoại: 08.8.451.711. Xin quý độc giả lưu tâm giúp đỡ các bạn trẻ sớm có được việc làm.

THÔNG TIN VỀ MỘT CỤ GIÀ CẦN XE LĂN Ở ÐỒNG NAI

Ngày 8.3.2002, Sr. Tuyet Trinh, Dong Ða-minh Thái Bình ( Rosa Lima ) giới thiệu trường hợp cụ bà I-nê NGUYỄN THỊ LÝ, 70 tuổi, đã bị liệt hơn một năm nay, hiện ngụ tại ấp Hòa Bình, xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Ông bà Phan Thanh Hiệp, Phật giáo, đã nhận trợ giúp ngay cho bà Lý một chiếc xe lăn của Ðức, còn khá mới và tốt, trị giá 800.000 VND. Xin thay mặt bà Lý để tỏ lòng biết ơn quý ân nhân.

 

THÔNG TIN VỀ 2 GIA ÐÌNH NGHÈO Ở ÐỒNG NAI

Thầy Vũ Tùng Lân, DCCT, giới thiệu 2 gia đình nghèo đang rất cần sự trợ giúp để các con có thể được tiếp tục học hành:

1. Gia đình anh PHẠM BIẾT ( 40 tuổi ) và chị NGUYỄN THỊ THANH DUNG ( 39 tuổi ), hiện ngụ tại số 42 / 5 / A Hưng Long, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai. Gia đình sống đạo đức hòa thuận, có 3 con là:

- PHẠM THỊ MỸ HÒA ( 19 tuổi ) chuẩn bị thi vào đại học, nhưng gia đình không đủ khả năng, nên nay  cháu phải ở nhà để giúp cho cha mẹ. Thầy Lân vẫn khuyến khích em ôn bài để hy vọng khi được các ân nhân trợ giúp, có thể có tiền ghi danh thi vào đại học kịp trong năm nay.

- PHẠM THIÊN THUẬN, đang học lớp 10.

- PHẠM TRUNG TÍN, đang học lớp 6.

2. Gia đình anh TRẦN QUỐC HẰNG ( 41 tuổi ) và chị PHẠM THỊ NGỌC LIÊN ( 42 tuổi ). Hiện ngụ tại Hưng Long, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai, cả hai vợ chồng đều phải đi làm thuê, vừa vay tiền để cho các con ăn học, hy vọng rằng sau này các con của họ sẽ giúp ích nhiều hơn. Gia đình sống đạo đức hòa thuận, có 4 người con:

- TRẦN KIM PHƯƠNG sinh ngày 20.8.1983, đang học năm 1, Trung Học Kinh Tế Ðồng Nai.

- TRẦN KIM NAM, sinh ngày 27.3.1986, đang học lớp 10.

- TRẦN NGỌC QUỐC, sinh ngày 18.1.1988, đang học lớp 8.

- TRẦN KIM HOÀNG, sinh ngày 24.1.1995, đang học lớp 1.

Gospelnet xin trích quỹ trợ giúp đặc biệt cho 7 em học sinh nêu trên, mỗi tháng 50.000 VND trong 3 tháng, kể từ tháng 5 đến hết tháng 7 năm 2002, tổng cộng là 350.000 VND.

Riêng trường hợp em Phạm Thị Mỹ Hòa, khi em quyết định sẽ thi đại học trong năm nay, Gospelnet sẽ trợ giúp tiền ghi danh, và nếu thi đậu, sẽ trợ giúp tiếp cho em có thể đóng được tiền học phí năm đầu tiên.