GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN – NĂM A

TIN MỪNG: Mt 4,12-23

4:12 Khi Ðức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. 4:13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, 4:14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói:

4:15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại! 4:16 Ðoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

4:17 Từ lúc đó, Ðức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng:

"Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần".

4:18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-mon, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 4:19 Người bảo các ông:

"Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá".

4:20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. 4:21 Ði một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. 4:22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

4:23 Thế rồi Ðức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân.

SUY NIỆM:

ÁNH SÁNG BỪNG LÊN TRONG BÓNG TỐI CỦA TỬ THẦN.

Vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước đã bị giao nộp. Số phận của ông Gioan cũng không hơn gì các ngôn sứ đi trước. Ông dám lên tiếng và đã trả giá cho sự thật. Aùnh sáng chân lý tưởng chừng bị dập tắt để rồi mọi sự lại rơi vào bóng đêm của tử thần.

Ðức Kitô chợt xuất hiện nơi miền Galilê dân ngoại. Người là ánh sáng đã bừng lên giữa những nhiễu nhương của tăm tối tội lỗi trần gian. Người đến công bố triều đại Thiên Chúa, đem đến ơn giải thoát cho những ai "đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần".

Ðức Kitô đến công bố sự thật về một "Nước Trời đã gần đến". Lời Người làm vang vọng những lời của ông Gioan. Người xác định lại điều Gioan đã loan báo về Nước Trời đã gần đến. Người công bố với uy tín của Ðấng "đến sau" nhưng "có trước", "trổi vượt hơn", vì Người là "Ðấng Thiên Chúa tuyển chọn".

Ngài mời gọi mọi người hãy có thái độ chuẩn bị tích cực nhất: "anh em phải sám hối". Tính cấp bách của lời này không thua gì của Gioan. Người ta phải trở về với Chúa sớm nhất, không trì hoãn. Những ai không dứt khoát với con đường tối tăm, thỏa hiệp với sự dữ thì chẳng bao giờ xứng đáng với Nước Thiên Chúa. Do đó, lòng dạ của Biệt phái, của  Hêrôđê rất xa vắng với Nước Thiên Chúa gần bên, nhất là khi họ bắt nộp và âm mưu giết hại Gioan. Chúa Giêsu không phải ngẫu nhiên mà đến rao giảng ở miền Galilê dân ngoại. Xứ Giuđê quá cứng lòng, đã khước từ sứ điệp của Gioan. Ðiều đó đã buộc Ðức Giêsu đến ngỏ lời với dân ngoại miền Galilê.

Dọc biển bờ hồ Galilê đã có những tâm hồn mở ra cho Nước Thiên Chúa. Họ chỉ là những anh chài lưới nghèo nàn chất phác. Nhưng con tim họ thì quảng đại mạnh mẽ khác thường. Vậy là giữa khoảng không thinh lặng không lời đáp trả đã có những con người biết lắng nghe lời mời gọi của Ðức Kitô. Họ không chỉ là những công dân mới của Nước Thiên Chúa. Họ còn mang lấy sứ mạng rao giảng Tin Mừng Nuớc Thiên Chúa cho muôn dân. Từ đây, thế gian tăm tối phải mở mắt thấy rằng nó có thể bịt miệng giết Gioan, hay đóng đinh Ðức Kitô, nhưng chẳng thể ngăn nổi ánh sáng Lời Chúa chiếu tỏa trên môi miệng môn đệ Người.

Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan đã bỏ lại tất cả để theo Chúa. Hẳn là Ðức Kitô phải hấp dẫn lắm và sự nghiệp Nước Thiên Chúa phải cao đẹp lắm mới khiến các chàng ngư phủ mau mắn theo Người như vậy. Vậy mà Chúa Giêsu chẳng hứa hẹn điều dễ dãi. Rồi số phận của Chúa Giêsu và các môn đệ cũng chẳng khác gì Gioan. Nhưng các ông và tất cả các môn đệ thuộc về Ðức Kitô sẽ nhận ra cái logic của Tin Mừng khác với trần gian: "trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta" (Rm 8, 37).

Mọi người chúng ta đang mang lấy ánh sáng Ðức Kitô trong mình. Aùnh sáng của Người đến xua tan những ngóc ngách tăm tối để lòng ta không ngừng thuộc trọn về Người. Chúng ta hãy mở cửa tâm hồn mình cho ánh sáng chân lý Chúa chiếu soi. Phải sám hối thật lòng để xứng đáng với Nước Thiên Chúa đến.

Như các môn đệ, Chúa mời gọi ta đem ánh sáng cứu độ Chúa cho mọi người. Nếu thế gian không có ánh sáng Chúa chiếu rọi thì sẽ mãi ở trong lầm lạc, vô phương giải thoát. Và nếu ánh sáng trong lòng ta đã tắt lịm thì sẽ chẳng thể thắp sáng cho ai được. Ta hãy xin Chúa ban cho ta ánh sáng của Người và mau mắn đáp trả sứ mệnh loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.

JS, DCCT

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu,

Con đường con đi qủa là huyền nhiệm. Con nhớ cách đây 2002 năm, Chúa đang cầu nguyện. con chiêm ngưỡng Chúa, con nhìn vào Chúa, Chúa cầu nguyện thâu đêm, cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngừng. Con không biết lúc đó , Chúa đã nói gì với Chúa Cha. Nhưng sự liên kết mật thiết giữa Chúa với Thiên Chúa Cha chỉ cho con hay rằng:"Việc Chúa đang sửa soạn là điều tối quan trọng". Ơn gọi mà Chúa đang mời một số đi theo Chúa có tính nhưng không. Chúa muốn chọn , muốn gọi ai là tùy ý Chúa. Không ai có quyền bắt Chúa phải gọi người này, chọn người kia. Chúa cầu nguyện để cho mọi người thấy tự sức riêng con người không thể làm gì được, tự sức lực của mình con người sẽ thất bại ê chề ! Không  cầu nguyện , con người sẽ sa lầy trong yếu đuối, tội lỗi.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã cẩn thận hỏi  ý Chúa Cha và Chúa chỉ trao sứ vụ cho nhóm  mười hai sau khi đã thức suốt đêm để cầu nguyện.Vâng, Chúa đã gọi và chọn mười hai người mà Chúa đích danh gọi họ là tông đồ: Apostoloi, tiếng Hy Lạp có nghĩa là người được sai đi. Các tông đồ vì là những người được chính Chúa Giêsu trao sứ vụ  và sai đi, nên họ lệ thuộc vào Chúa, trở thành ngôn sứ của Chúa,và trung thành với sứ mạng Chúa nhờ họ thực hiện trong nhân loại, nơi Giáo Hội.

Biến cố Chúa chọn và thiết lập nhóm mười hai là biến cố lịch sử của nhân loại, đặc biệt của Giáo Hội. Từ đây, nghĩa là từ giây phút Chúa gọi đích danh nhóm mười hai là tông đồ. Giáo Hội Chúa Kitô đã hình thành nơi trần thế này và Hội Thánh Chúa vẫn tồn tại tới muôn đời:"Con là đá,và trên tảng đá này, Ta sẽ xây dựng Hội Thánh của Ta "(Mt 16,18 ) .

Lạy Chúa Giêsu, giây phút long trọng nhất, linh thiêng nhất vào một đêm, Chúa thức trắng để cầu nguyện, hỏi ý Chúa Cha cách đây 2002 năm và ý định của Chúa mời gọi những người thành tâm thiện chí đi theo Chúa để được Chúa gọi là Apostoloi, vẫn còn kéo dài cho tới cùng lịch sử. Chúa gọi, Chúa sai con người ra đi rao giảng nhưng Chúa luôn tôn trọng  sự tự do của mỗi người. Hư đi hay tồn tại là do sự quyết định hết sức tự do của mỗi người và đây là sự huyền nhiệm nhất, bí nhiệm nhất.

Chúa chọn ngay vài môn đệ đầu tiên nơi giải đất ngoại đao Galilêa để minh chứng rằng Người không giới hạn sứ mạng trong không gian, thời gian và nơi chốn.

Xin Chúa cho chúng con và mọi tông đồ của Chúa hiểu rõ sứ vụ mình đã lãnh nhận là do Chúa. Ơn gọi của mỗi người là do Chúa. Tất cả đều do sự chọn lựa nhưng không của Chúa.

Xin Chúa cho chúng con nhận ra rằng không có Chúa, không nương tựa vào Chúa, chúng con sẽ té ngã. Có Chúa ở trong lòng,có Chúa ở bên cạnh, mọi thử thách, mọi chông gai, cam go rồi sẽ qua đi.

Xin cho chúng con và mọi tông đồ luôn ý thức, luôn cảm nghiệm: "Ơn cứu độä dành cho mọi người. Chúa không loại trừ bất cứ người nào ". Amen . 

Lm Giuse Hưng Lợi, DCCT

CHỨNG TỪ:

PHÉP LẠ MỄ DU

SỨC KHỎE ÐƯỠC HỒI PHỤC, HÔN NHÂN ÐƯỠC CỨU VÃN

Ðê-vít là một cầu thủ túc cầu của Ai-len và đồng thời cũng là một ca sĩ được mộ mến trong nước. Anh lập gia đình với cô An và có được hai mặt con.

Gia đình sẽ vô cùng hạnh phúc nếu một tuần lễ sau mùa thi đấu hồi tháng 7/1977 Ðê-vít không khám phá ra mình mắc chứng bệnh mà Y khoa gọi là bệnh Kôn. Những người mắc chứng bệnh này thoạt tiên thấy đau trong dạ dày, sau đó là nôn mửa sau mỗi bữa ăn và tiêu chảy. Chỉ trong vòng 6 tuần lễ từ 102kg Ðê-vít chỉ còn cân nặng 59kg. Vài tháng sau, Ðê-vít nhập viện để được giải phẫu. Trong 2 năm sau đó, hệ thống bài tiết của anh chỉ được giải quyết bằng một chiếc túi gắn ở bên hông. Mặc dù sức khỏe không hoàn toàn hồi phục. Nhưng vì tình trạng tài chính eo hẹp, Ðê-vít phải hằng đêm đi hát tại các khách sạn, gia tăng thu nhập cho gia đình. Ðứa con trai 3 tuổi của anh lại mang bệnh cong cột sống. An, vợ anh, phải ở nhà trông nom con cái. Do đó, ngoài việc đi hát ban đêm, anh còn phải làm thêm trong một siêu thị.

Tháng 12/1977, anh được đưa vào bệnh viện để giải phẫu đường ruột. Trong 2 năm sau, anh lại phải trải qua 2 lần giải phẫu nữa. Dù trong 2 năm liền sau đó, tương đối anh được bình phục, nhưng về mặt thiêng liêng, anh tuyên bố không còn tin tưởng ở Chúa nữa: "Làm sao có thể có một Thiên Chúa toàn năng và yêu thương, nhưng lại để cho đứa con trai của anh bị kết án có thể chết sớm vì bệnh cong cột sống ? Làm sao một Thiên Chúa toàn năng và yêu thương lại để cho anh, người phải lo gánh vác gia đình, lại phải quằn quại trong đớn đau ?" Ðê-vít không đến nhà thờ nữa và anh cũng khuyến dụ vợ anh bỏ lễ Chúa nhật. Anh cón cảnh cáo vợ không được đọc kinh cầu nguyện trước mặt anh.

Tháng 6/1981 anh lại vào bệnh viện để được giải phẫu một lần nữa. Và 3 năm sau, anh trải qua lần giải phẫu thứ năm. Khi đứa con thứ 3 chào đời, Ðê-vít hoàn toàn rơi vào thất vọng và bắt đầu một cuộc phiêu lưu tình cảm. Trong khi không còn biết bám víu vào đâu, vợ anh chỉ còn biết trông cậy vào ơn Chúa. Chị đi lễ mỗi ngày để cầu nguyện cho sức khỏe của chồng và nhất là để cứu vãn cuộc hôn nhân của 2 người.

Nhưng tháng 8/1987, Ðê-vít dọn ra khỏi gia đình. Sau vài tháng sống xa vợ con, anh trở về. Anh ngạc nhiên đến xấu hổ khi thấy vợ anh không hề mở miệng trách móc anh điều gì. Dù vậy, đầu năm 1988, anh lại bỏ nhà ra đi một lần nữa và lại một lần nữa trở về trong vòng tay yêu thương và tha thứ của vợ anh.

Mùa Giáng sinh năm đó, sau những cơn đau dữ dội trong dạ dày, anh được đưa vào bệnh viện để trải qua một cuộc giải phẫu kéo dài 11 tiếng đồng hồ. Sau cuộc giải phẫu ấy, viên bác sĩ trưởng phòng mổ ra ngoài phòng đợi để báo cho vợ anh biết rằng anh sẽ không sống quá 10 tuần lễ nữa. Trong cơn đau tột cùng, vợ anh kêu khóc và cho biết chị không có đủ can đảm để nói điều đó với chồng. Ngày hôm sau, viên bác sĩ  đã đích thân đến bên giường bệnh và thông báo cho anh sự thật ấy. Ðê-vít đã đón nhận sự thật một cách bình tĩnh.

Mỗi ngày vợ anh luôn có mặt bên cạnh anh để nâng đỡ và anh ủi anh. Giờ này anh hiểu được thế nào là vai trò của một người vợ và một người mẹ mà vợ anh đã đảm nhận trong bao nhiêu năm qua. Không bao lâu, Ban nhạc của anh và các nghệ sĩ quen biết với anh đã biết được tình trạng sức khỏe của anh. Họ liền tổ chức một buổi ca nhạc để quyên tiền giúp đỡ gia đình anh. Một người trong ban tổ chức còn nói rõ tiền thu được của buổi ca nhạc sẽ được dành cho tang lễ của anh. Quả thật, với trọng lượng 44kg, con người đã từng là một cầu thủ bóng đá nổi tiếng Ai-len, chấp nhận sự thật là mình phải từ giã cõi đời.

Tháng 2/1989, trong một buổi tiếp tân để gây quỹ cho anh, ngoài ban nhạc và các nghệ sĩ tên tuổi trong nước, người ta thấy có một nữ ký giả Tin Lành. Chị sinh trưởng trong một gia đình Tin Lành ở bắc Ai-len. Vài năm trước đó, do nghiệp vụ, chị phải làm một bài phóng sự về các cuộc hành hương tại Mễ Du mà chị xem như là một thứ dị đoan. Nhưng kinh nghiệm mà chị trải qua tại đây đã thay đổi cái nhìn của chị đến độ thúc đẩy chị tìm hiểu Ðạo Công Giáo. Hai năm sau, chị xin trở lại Công Giáo. Với tất cả nhiệt thành, chị và một người bạn đã đứng ra tổ chức một công ty du lịch chuyên giúp các chuyến đi Mễ Du. Trong buổi tiếp tân đó, chị quyết định thuyết phục Ðê-vít làm một chuyến hành hương đến Mễ Du. An, vợ anh sung sướng vô cùng khi hay tin chồng mình chấp nhận đi hành hương đến Mễ Du.

Nhưng dĩ nhiên, Ðê-vít đi đến đó để làm vừa lòng vợ hơn là do xác tín cá nhân. Ngay trong thánh lễ đầu tiên kéo dài 90 phút đồng hồ, anh đã giận dữ nói với vợ:

-          Anh phải rời bỏ nơi này tức khắc, ngay cả phải đi một mình.

Vợ anh nài nỉ:

-          Nếu anh có thể nán ở lại cho đến buổi lễ chiều nay, em sẽ thu xếp hành lý và đi về với anh tức khắc.

Chiều vợ, anh đã ở lại để tham dự nghi thức cầu nguyện cho các bệnh nhân. Vào giữa lúc người ta đưa các bệnh nhân lên gần bàn thờ để được xức dầu và chúc lành. Ðê-vít cười cợt và chống chế. Anh biết rằng anh chỉ còn có 2 tuần lễ để sống. Một lần nữa để chiều vợ, anh tiến lên trước mặt vị linh mục. Vị linh mục đặt thánh giá trên tay phải của anh và đặt tay ngài trên đầu anh để cầu nguyện. Lúc đó, anh cảm thấy có một sức nóng lạ thường chạy xuyên qua người.

Về phòng trọ, anh cảm thấy đói và ăn uống bình thường trở lại. Cơn nôn mửa và tiêu chảy hoàn toàn biến mất. Anh cảm thấy trong tâm hồn một sự bình an lạ thường.

Ngày hôm sau, anh trở lại nhà thờ để xưng tội. Ðây là lần đầu tiên anh trở lại với Bí tích Hòa Giải sau không biết bao nhiêu năm xa cách Giáo Hội.

Sau đó, anh và vợ anh leo lên ngọn đồi Pót-trô, nơi mà người ta tin là Ðức Mẹ hiện ra cho các thanh thiếu niên Nam Tư hồi tháng 6/1981. Có một đám đông đang lần chuỗi. Anh ngồi xuống với họ và cố gắng đọc kinh Lạy Cha và Kính Mừng, nhưng không tài nào nhớ nổi một chữ. Vợ anh thấy rõ anh đang bị dao động mạnh. Chị đứng dậy vì nghĩ rằng anh muốn đi về. Anh đứng lên vòng tay ôm lấy vợ xin chị tha thứ và bắt đầu khóc. Cả hai vợ chồng cùng khóc với nhau trong những giọt nước mắt sung sướng.

Ðê-vít từ giã Mễ Du với niềm an bình mà anh chưa từng cảm nhận được. Anh chia sẻ như sau:

-          Nếu Chúa có nói với tôi rằng: "Bệnh con sẽ trở lại" thì tôi cũng vẫn không bị mất sự bình an ấy. Tôi sẽ thưa với Chúa : Con xin vâng ý Chúa miễn là con có được sự bình an ấy. Con xin chấp nhận chịu bệnh này để đền bù vì những khổ đau con mà đã gây ra cho An và hai gia đình.

Trở về, Ðê-vít được các bác sĩ chẩn đoán cho biết rằng các triệu chứng của bệnh Kôn đã hoàn toàn biến mất. Ðê-vít đã thu bài Ave Maria của… như một bài ca tạ ơn dâng lên Mẹ Maria. Tại một Ðại hội Thánh Mẫu tại California, Hoa Kỳ, anh đã được mời đến để hát và chia sẻ kinh nghiệm được chữa lành của anh. Với anh, cuộc hôn nhân được cứu vãn và sự bình an mà anh có được là điều quan trọng hơn cả việc anh được chữa lành trong thân xác.

Ðài Veritas, ngày 18/01/2002

 

CÂU TRUYỆN:

TIẾNG GỌI TRONG THINH LẶNG

Toàn bộ sư đoàn lính Mỹ trong doanh trại Rô-bớc ( Robert ) đang chuẩn bị một cuộc diễn binh đón chào ông bộ trưởng Quốc Phòng. Nào các cỗ xe tăng chuyển hành ầm ầm, nào các khẩu trọng pháo được kéo đến, rồi tiếng giày lính nện lên mặt đường nhựa của đoàn quân đi nhịp nhàng theo khúc nhạc quân hành hùng tráng...

Cả một khu vực và vùng trời vang động rộn rã, thế mà một đàn chiên vẫn thản nhiên từ từ tiến bước từ thảm cỏ này đến cánh đồng kia, nhích dần đến gần con đường người ta đang duyệt binh...

Bộ chỉ huy phát hiện ra đàn chiên liền phái đến một tiểu đội quân cảnh để lùa đàn chiên tránh đi hướng khác. Họ mở còi hụ, la hét om sòm lên, nhưng đàn chiên vẫn nhởn nhơ gặm cỏ. Rồi cả một trung đội vệ binh được tăng cường. Cũng hò hét, hụ còi inh ỏi, nhưng đành chịu, đàn chiên vẫn bình thản thưởng thức món cỏ xanh thiên nhiên hào phóng, mỗi lúc một tiến gần doanh trại hơn. Ðúng lúc ấy, đoàn xe mô-tô dẫn đầu đoàn xe hơi của phái đoàn bộ trưởng đã vào đến cổng trại.Làm sao bây giờ ? Không ai được quyền dùng đá để ném, dùng gậy để đánh đuổi đàn chiên, bởi như thế là chọc giận Hội Bảo Vệ Súc Vật và báo chí khắp nơi. Toàn bộ đạo quân trang bị hùng hậu như vậy đành phải thúc thủ trước đối thủ quá ư hiền lành này hay sao ? Bỗng, chiếc xe Gíp ( Jeep ) của thiếu tướng chỉ huy trưởng trại Rô-bớc phóng đến, và từ trên xe, Linh Mục Tuyên Úy Mai-cân ( Michael ) nhảy xuống, chạy đến nói nhỏ vào tai vị sĩ quan vệ binh. Sau đó, cả trung đội tập hợp ngay, đứng vào vị thế nghiêm. Và thinh lặng bao trùm lên tất cả đạo quân trong phút chốc !

Chính vào lúc hoàn toàn thinh lặng này, người ta mới nghe thấy có tiếng sáo của người mục đồng mãi từ trên một ngọn đồi gần đấy vọng xuống. Thế là cả đàn chiên tức khắc ngoan ngoãn quay gót, cùng nhau lũ lượt chạy lên mỏm đồi giữa những tiếng thở phào nhẹ nhõm của quan quân trong đoàn vệ binh...

Chỉ cần một tiếng sáo mục đồng du dương nhè nhẹ ấy thôi, cũng đủ để kêu gọi cả đàn chiên đi lạc hướng quay trở về, trả lại khung cảnh trang nghiêm cần thiết cho buổi lễ duyệt binh. Bao nhiêu tiếng hò hét, tiếng còi hụ inh ỏi đều bó tay. Càng nhiều tiếng huyên náo thì đàn chiên lại càng không tài nào nghe được tiếng sáo đơn sơ nhỏ nhẹ của chú bé mục đồng.

Sống trong thế giới hôm nay, chúng ta cũng bị bao vây bởi quá nhiều tiếng động xô bồ và âm thanh hỗn tạp, quá nhiều đến độ chúng ta không còn có thể nghe được tiếng gọi Ðức Giê-su, vị Mục Tử Nhân Lành. Chỉ cần thinh lặng, một chút lặng yên thôi, cũng đủ để đàn chiên nghe được tiếng gọi của người chăn dắt. Phải chi chúng ta cũng có được những khoảnh khắc phút giây trầm lắng quý giá như thế, để rồi nghe được thứ thanh âm của sự tĩnh lặng ( The Sound of Silence ), nghe được lời gọi của Thiên Chúa và nhận ra Người ? Phải chi chúng ta cũng biết trao tặng cho chính mình mỗi ngày một vài phút cô tịch để đọc Lời Chúa, để nghe và nhận ra tiếng thì thầm của Thiên Chúa đang ngỏ lời với chúng ta ?

DAILY BREAD 16.5.2000

THÔNG TIN:

Chương trình chăm sóc trẻ em đường phố Thảo Ðàn đã lên kế hoạch "Cùng trẻ đường phố đón Tết Nhâm Ngọ". Trong Thư ngỏ gởi quý ân nhân thân hữu và các bạn thiện nguyện viên, Thào Ðàn viết:

...Sau đây là những công việc rất mong quý vị và các bạn cùng tham gia để giúp các em và vui xuân với các em trong những ngày Tết:

- Gói bánh chưng, nấu bánh chưng

- Lo ẩm thực hậu cần

- Tiếp cận, đón giao thừa với trẻ

- Tập múa lân cho trẻ

- Ðưa trẻ đi múa lân, chúc Tết các gia đình thân hữu

- Chơi với trẻ ở trung tâm tạm trú, hướng dẫn trò chơi, bài hát

- Trực văn phòng, Trung tâm tạm trú

- Hỗ trợ xe đưa trẻ đi chơi

- Ðóng góp quần áo, tiền, đồ chơi...

- Chụp ảnh

Rất mong nhận sự đóng góp ý kiến và giúp đỡ của quý vị.

Chân thành cảm ơn.

Thảo Ðàn đã có một kế hoạch cụ thể cho chương trình đón Tết này. Thời gian từ ngày 09/02/2002 đến ngày 13/02/2002 ( tức là từ 28 Tết đến mùng 2 Tết ).

Muốn biết mọi chi tiết cụ thể, xin quý độc giả liên hệ với Thảo Ðàn theo địa chỉ:

451/1 Hai Bà Trưng P8, Q3

ÐT: 8 465 410

 

 

Text Box: