GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 1 A MÙA VỌNG

TIN MỪNG: Mt 24, 37 – 44

PHẢI CANH THỨC VÀ SẴN SÀNG

"Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại."

"Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến."

SUY NIỆM 1

CON NGƯỜI SẼ ÐẾN

Thế là chúng ta đã sống những tháng ngày đầu tiên của thiên niên kỷ mới, với bao hân hoan vui mừng. Trước đó chúng ta đã đợi chờ, lo lắng, không biết điều gì sẽ xảy đến với mình, với toàn thế giới. Năm đầu tiên, năm 2001 đã trôi qua. Hôm nay chúng ta lại bắt đầu Năm Phụng Vụ mới. Mùa Vọng đã lại trở về, mùa của trông đợi. Và Lời Chúa lại vang vọng, thức tỉnh ta: "Con người quang lâm, Con Người sẽ đến".

Vậy Mùa Vọng năm nay chúng ta cần phải có thái độ nào trước lời loan báo của Chúa ? Những hăm hở, những náo nức cho biến cố ngàn năm mới đã qua rồi, phải chăng chúng ta lại rơi vào ù lỳ, lửng lơ, thờ ơ với cuộc sống, với ơn gọi, với sứ mệnh Chúa đã trao ?

Chúa Giê-su cùng với các môn đệ ra khỏi Ðền Thờ Giê-ru-sa-lem. Các môn đệ chỉ cho Chúa thấy công trình vĩ đại của Ðền Thờ. Nhân đó, Chúa nói tiên tri về số phận Ðền Thờ và loan báo Ngày Quang Lâm của Người. Chúa lấy biến cố thời ông Nô-ê để so sánh với ngày Ngài sẽ Quang Lâm.

"Cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy..."

Chúa đến thật bất ngờ. Cũng như trước nạn hồng thủy, thiên hạ hầu như không quan tâm tới điều gì, ngay cả việc ông Nô-ê đang nỗ lực đóng một chiếc tàu khổng lồ trước mắt họ. "Thiên hạ vẫn ăn uống, cuới vợ lấy chồng. Tất cả những điều đó thật tự nhiên, bình thường. Chúa Giê-su đã không kể ra một tội nào của họ. Nhưng thiên hạ thời đó đã "không hay biết gì"... Họ đã không quan tâm gì tới điều cần thiết nhất, đã không chân thành nhận ra đâu là giả, đâu là thật. Thiên hạ thời Nô-ê nghĩ rằng mình sẽ bất tử. Họ nhắm mắt không nhận ra thân phận nhân loại của mình, "cho tới khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy". Lúc đó họ mới bừng tỉnh để thấy rằng: họ không phải là thần và nếu họ muốn sống, họ cần đến Thiên Chúa. Và đã quá muôn mất rồi...

Chúng ta luôn luôn ở vào thời ông Nô-ê. Nhân loại hôm nay cũng thế, cũng đang mê hoặc vì nền văn minh huy hoàng tráng lệ của mình. Họ đang bị ru ngủ vì những bảo đảm của tiện nghi vật chất hiện đại, của mạng lưới vũ khí bảo vệ tiến tiến nhất, của một nền y học tiến bộ vượt bậc, của những khám phá khoa học diệu kỳ mà bao thế hệ đã qua chưa hề biết đến.

Ðùng một cái, tai họa xảy đến phá tan tất cả. Nhân loại mới sực tỉnh cơn mê. Họ mới nhận ra: họ lại trở thành những nạn nhân của tiện nghi vật chất, của những khám phá khoa học do chính họ phát minh. Gậy ông lại đâïp lưng ông. Không có gì là bảo đảm an toàn cho mạng sống của họ cả ! Y khoa tiến bộ thì cũng nảy sinh những căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, vô phương chữa trị như: bệnh than, AIDS... Tất cả sự an toàn bảo đảm đều bị cuốn đi trong cơn lũ bạo lực của lịch sử hiện đại.

"Cậy trông vào Chúa, Ít-ra-en ơi"

Cuộc Quang Lâm của Con Người cũng sẽ y như vậy. Chúa sẽ đến giữa nhân loại, giữa giòng đời cũng một cách bất ngờ như vậy. Có nghĩa là không có loa đài, báo chí nào có thể báo trước. Con Người đến rất bất ngờ song cũng rất đỗi bình thường, đến ngay giữa những mối bận tâm khát vọng của loài người, ngay giữa những công ăn việc làm, ngay giữa nơi công sở, ngoài đồng ruộng nương rẫy, ở trong nhà, ở ngoài phố, ở những ngõ sâu hẻm tối hay nơi đô thị sa hoa nhộn nhịp.

Con Người đến, Ngài sẽ quyết định dứt khoát số phận con người. Có những số phận khác biệt nhau giữa những con người đang sống trong cùng một hoàn cảnh tưởng chừng như giống nhau: "Cùng đang làm ruộng, cùng xay bột..." Những ai đã chuẩn bị, đã sẵn sàng thì được "đem đi" có nghĩa là được cứu thoát. Những ai chỉ mải mê với công việc mà không nhìn xa trông rộng để biết thời biết buổi sẽ bị "bỏ lại". Như người chủ hãng mải mê ngủ sẽ làm cho hãng bị phá sản. Như người trẻ không chuẩn bị tương lai, sẽ phải lãnh trách nhiệm trên đời mình. Như người chẳng bao giờ nhớ đến Chúa, sẽ lỡ hẹn khi Ngài viếng thăm

"Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

 Con Người sẽ đến bất ưng như kẻ trộm. Sẽ không có đài thủy văn báo trước khi mực nước dâng cao gây nên trận hồng thủy. Sẽ không có chuông điện tử báo động khi kẻ trộm đột nhập vào nhà. Sẽ không có mạng lưới Radar tối tân báo hiệu có hỏa tiễn liê lục địa xâm phạm không phận một quốc gia. Sẽ không có các chỉ số xét nghiệm cho thấy một căn bệnh nan y... Con Người đến hoàn toàn bất ngờ.

Vì thế thái độ tích cực duy nhất phải có là "sẵn sàng""tỉnh thức". Phải luôn sẵn sàng để có "tầu cứu hộ" chứ không phải là chỉ có "phao cứu hộ" mà thôi đâu. Phải luôn chong đèn sáng với bình dầu còn đầy, nhất quyết không để kẻ trộm có thể đột nhập vào nhà cách bất ngờ. "Tỉnh thức và sẵn sàng" không phải là quá lo âu sợ hãi đến nỗi tê liệt cả nhịp sống hiện tại. Tỉnh thức không có nghĩa là phải trang bị những hệ thống an toàn đắt tiền, là đào hào đắp lũy cho khỏi bị cướp bóc. Nhưng tỉnh thức là sẵn sàng đối diện với thực tại, là thường xuyên ở trong tư thế hành động tích cực nhất.

"Vậy anh em hãy canh thức..."

Tỉnh thức cũng ngược lại với nới lỏng buông lơi, ngược lại với vô lo tụ thủ bàng quan, với mềm yếu ủy mỵ. Hãy sống sao để đừng phải thốt lên: "Ôi, đã quá trễ rồi !" hoặc "Nếu tôi biết thế..." Chúng ta đã được báo trước rõ ràng lắm rồi cơ mà !

Ki-tô hữu là những người có những cuộc hẹn hò thường xuyên với Thiên Chúa, nên luôn luôn sẵn sàng đón tiếp khách đến bất ngờ. Thật vậy, Con Người đến hàng giây, hàng phút trong đời ta, đến nỗi ta có cảm tưởng cuộc viếng thăm của Ngài là đột ngột, không chờ mà đến. "Anh em hãy sẵn sàng !"

Lạy Chúa Giê-su, chúng con tin vào Lời Chúa phán. Chúa sẽ quang lâm, Chúa sẽ đến lại. Xin cho chúng con luôn biết mở tai để nghe lời Chúa nói, biết bịt tai lại trước những lời mời gọi quyến rũ của trần gian. Xin cho chúng con biết mở mắt để nhìn thấy những dấu chỉ những lần viếng thăm của Chúa. Xin cho chúng con cũng biết quay mặt, đừng nhìn những vinh hoa trần thế để khỏi dán mắt vào những sự chóng qua đời này mà quên mất Chúa. Xin cho chúng con luôn tỉnh thức để mọi nơi mọi lúc, chúng con sẵn sàng đón Chúa Quang Lâm. Maranatha, lạy Chúa, xin mau đến. Amen.

Lm. TRỊNH NGỌC HIÊN, DCCT Hà Nội

 SUY NIỆM 2

đem bình an đến cho những người chung quanh

* Câu hỏi gợi ý:

1. Lời Chúa Chủ Nhật I Mùa Vọng năm A dạy ta điều gì?

2. Ðể thực thi Lời Chúa chúng ta phải sống như thề nào?

* Suy tư gợi ý:

1. Giáo huấn của Lời Chúa Chủ Nhật I Mùa Vọng năm A:

a) Ngôn sứ I-sai-a loan báo với dân Ít-ra-en về ngày hoà bình vĩnh cửu của ÐỨC CHÚA. Thánh Phao-lô khuyên dạy tín hữu Ro-ma sống xứng đáng với ơn gọi Ki-tô hữu, với thời cứu độ. Thánh Mát-thêu lặp lại lời Ðức Giê-su cảnh báo người Do Thái hãy canh thức và sẵn sàng cho ngày Con Người- làø chính Chúa Giê-su Ki-tô- quang lâm. Ta có thể khẳng định: Ba bài Thánh Kinh hôm nay đều có một chủ đề chung là "ngày của Thiên Chúa", ngày Chúa Giê su hoàn thành công cuộc cứu độ và bày tỏ vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa.

b) Thật ra thì bài Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu không hẳn đã mang tính đe dọa, mà chủ yếu chỉ mang tính cảnh báo thính/độc gỉa. Thư Thánh Phao-lô cũng chủ yếu nhắc nhở tín hữu Ro-ma điều chỉnh cách sống sao cho phù hợp với tư cách người Ki-tô hữu, với thời đại Ki-tôâ giáo. Sở dĩ Ðức Giê-su và Thánh Phao-lô nhắc nhở như thế là các tín hữu Do Thái và Ro-ma không quan tâm đến việc hoán cải tức điều chỉnh cách sống cho phù hợp với Phúc Aâm.

c) Ngôn sứ I-sai-a sống ở xứ Giu-đa vào thế kỷ thứ VIII trước Công Nguyên tức thời dân Chúa bị phân chia thành hai nước: Bắc Nam. Sứ mạng của I-sai-a cũng như của các ngôn sứ khác là " vạch cho dân Ít-ra-en thấy lỗi lầm của họ, kêu gọi họ quay về trung thành với giao ước, khuyên bảo, răn đe, loan báo hình phạt và ơn cứu độ." Trong đoạn văn mà Giáo hội đọc trong Phụng vụ hôm nay, I-sai-a kêu gọi dân Chúa hãy chạy đến với Gia-vê "để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ." Nếu mọi người, mọi quốc gia sống theo đường lối của Chúa và nhận Chúa là Ðấng phân xử, thì ngày hòa bình đích thực và vĩnh cửu sẽ đến. I-sai-a coi Giu-đa và Giê-ru-sa-lem là khởi điểm và trung tâm của công trình vĩ đại ấy vì Giu-đa là quốc gia miền nam và Giê-ru-sa-lem là thủ đô và là nơi có Ðền Thờ trong đó có Hòm Bia Giao Ước. Nhưng Giu-đa và Giê-ru-sa-lem mang tính tượng trưng hơn là tính địa dư cố định. Giu-đa là dân Chúa và Giê-ru-sa-lem là bất cứ nơi đâu mà người ta thờ phượng, ngợi khen, chúc tụng Chúa và sống theo đường lối của Người.

2. Sống Lời Chúa:

a) Trước tiên là biết thường xuyên chạy đến với Thiên Chúa, với Ðức Giê-su Ki-tô "để Người dạy ta biết lối của Người và để ta bước theo đường người chỉ vẽ" Ðến với Chúa Giê-su bằng cách đọc, học hỏi, suy niệm và cầu nguyện với Lời Chúa nhất là với bốn Phúc Aâm- để học với Chúa Giê-su về cách phải sống đẹp lòng Thiên Chúa.

b) Kế đến là điều chỉnh cách sống: luôn sẵn sàng, tỉnh thức như Ðức Giêsu đã cảnh tỉnh và mặc lấy Chúa Ki-tô như Thánh Phao-lô đã khuyên. Mặc lấy Chúa Ki-tô có nghĩà là có những tâm tình, suy nghĩ và hành động giống như Người.

c) Sau cùng là đem bình an đến cho những người chung quanh và xây dựng hòa bình giữa giữa các nhóm người và giữa các quốc gia với nhau. Vấn đề đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, vì nạn khủng bố và cuộc chiến chống khủng bố đang diễn ra khốc liệt và không biết sẽ đưa nhân loại tới đâu. Con người ở mọi thời và mọi nơi đều khát khao hoà bình, thế nhưng lịch sử loài người là lịch sử của chiến tranh và chém giết! Chúng ta phải làm gì để lời hứa của Thiên Chúa về ngày hòa bình vĩnh cửu (Is 2,4) sớm được thực hiện? Muốn dẹp chiến tranh và xây dựng hoà bình thì chúng ta phải biết xây dựng công lý và tình thương. Xây dựng công lý là trả cho mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia cái mà họ xứng đáng được hưởng (cơm ăn, áo mặc, học hành, việc làm, nhà ở, phẩm giá….) vì họ là con người và là con Chúa. Xây dựng tình thương là chăm lo, bù đắp phần còn thiếu cho những người không có khả năng tự lo cho mình được, là san sẻ với người nghèo một phần của cải –vật chất và tinh thần- mà Thiên Chúa đã ban cho ta. Không có công lý và tình thương không thể có hòa bình! Ðiều đó đúng không chỉ trong phạm vi quốc gia, quốc tế mà còn đúng trong phạm vi nhỏ bé của giáo xứ và của gia đình.

NGUYỆN

Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha vì một lần nữa chúng con lại được sống Mùa Vọng. Mùa Vọng nhắc nhở chúng con biến cố Ngôi Lời Thiên Chúa đến trần gian và ban Bình An cho mọi người thiện tâm. Nhưng Cha ơi, chung quanh chúng con bất công, áp bức, bóc lột và chiến tranh hận thù đang ngút ngàn. Xin Cha biến chúng con thành các chiến sĩ phục vụ hoà bình và xin Cha ban sức mạnh Thần Khí cho chúng con để chúng con biết quên mình, từ bỏ và sống yêu thương hài hòa với mọi người. Xin Cha ban sức mạnh Thần Khí cho chúng con để chúng con đủ can đảm tố giác bất công, áp bức, bóc lột, kỳ thị, phân biệt đối xử và chiến tranh và xin Cha ban sức mạnh Thần Khí cho chúng con để chúng con biết kiên quyết đấu tranh chống lại các thế lực đen tối hủy diệt sự sống, xây dựng một cuộc sống nhân bản, yêu thương, hòa bình cho con người, nhất là cho người nghèo và người bị loại trừ. Amen.

Hát Kinh Hòa Bình của Thánh Phan-xi-cô Khó Nghèo.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

 

CẦU NGUYỆN:

Dẫn vào cầu nguyện: Con Thiên Chúa xuống thế làm người để trở nên người anh em với ta. Ngài hẹn cho ta dự phần vào cuộc xum họp vĩ đại của toàn thể nhân loại được Ngài cứu khi Ngài tái xuất hiện trong ngày sau hết. Vậy ta hãy sốt sắng cầu nguyện.

1.          Từ xa xưa / trong bối cảnh văn hóa Á Châu / người Việt Nam đã coi / mọi người khắp nơi trên thế giới / đều là anh em [1]./ Cho nên hình ảnh / mà ngôn sứ I-sai-a gợi lên / về núi Nhà Ðức Chúa / đứng kiên cường vượt các đỉnh non cao / và dân dân lũ lượt đưa nhau tới [2]/ là hình ảnh thân thương và gần gụi. / Ðức Chúa qui tụ muôn dân / để hưởng hòa bình vĩnh cửu trong nước Thiên Chúa /: Ðó quả là Tin Mừng lớn lao / cần được loan đi. / Ta hãy xin Chúa Thánh Thần / soi sáng và thúc đẩy / để các Ki-tô hữu chúng ta / góp phần vào công trình Tin Mừng hóa thế giới / dọc theo thiên niên kỷ thứ ba này. Chúng con cầu xin Chúa.

2.          Cùng với Giáo Hội hoàn vũ / Giáo Hội tại Châu Á / rất cảm phục mọi kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện / suốt hai mươi thế kỷ qua. / Nếu trong thiên niên kỷ thứ nhất / Thập giá đã được trồng trên đất Âu Châu / rồi ở thiên niên kỷ thứ hai / Thập giá được trồng trên đất Mỹ Châu và Phi Châu, / thì nay / bước sang thiên niên kỷ thứ ba, / ta hãy xin Chúa cho công trình Tin Mừng hóa / tại lục địa Châu Á tràn trề sức sống này / mang lại một mùa gặt bội thu. Chúng con cầu xin Chúa.

3.          Thư chung năm 2001 của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam / gởi cộng đồng Dân Chúa / cũng gióng lên lời mời gọi / tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Giê-su / "để mọi người được sống và được sống dồi dào."/ Hôm nay, bước vào Mùa Vọng / ta hãy khiêm tốn xin Chúa / hoán cải lòng các Ki-tô hữu chúng ta / để ta không thờ ơ / với những vấn đề phát triển của Ðất Nước / cũng như tình trạng nghèo đói và những tệ nạn xã hội / bởi vì ta là thành viên của cộng đồng dân tộc / với tất cả quyền lợi và nghĩa vụ[3]. Chúng con cầu xin Chúa.

4.          Trong thế giới hôm nay / và trong Giáo Hội toàn cầu / "đối thoại là tên gọi mới của niềm hy vọng "/ Thư Chung năm 2001 của Hội Ðồng Giám mục Việt Nam / vạch cho thấy Nước ta hiện có 54 sắc tộc với nhiều nền văn hóa / nhiều tín ngưỡng và nhiều tôn giáo khác nhau / lại có sự phân hóa giầu nghèo / nông thôn – thành thị / ngày càng sâu đậm / đối thoại trở thành yếu tố quyết định cho tương lai. / Vậy ta hãy xin Chúa Thánh Thần / soi sáng và hướng dẫn ta trên đường đối thoại / nhằm để hiểu biết nhau / chấp nhận nhau / tôn trọng và yêu thương nhau / cùng nhau xây dựng tương lai / và thăng tiến cuộc sống [4]. Chúng con cầu xin Chúa.

5.          Thư Chung của Hội Ðồng Giám mục Việt Nam năm 2001 / vạch cho thấy điều mà đối thoại nhắm tới / là hợp tác với mọi người để đẩy lui nền văn hóa sự chết / đẩy lui mọi lối sống gian dối / với những bất công, áp bức, bạo lực, đồng thời phát triển một xã hội tốt đẹp / với lối sống chân thật / công bằng / tôn trọng sự sống và các quyền con người [5]./ Vậy hôm nay bước vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng / ta hãy xin Chúa làm mới lại nơi ta / ơn phép rửa với sức mạnh vô song của Chúa Thánh Thần / giúp ta góp phần xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống theo Tin Mừng của Chúa. Chúng con cầu xin Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa là Cha nhân lành, vì yêu thương loài người chúng con, Chúa đã phái Người Con Chí Ái của Chúa xuống thế làm người để nhờ Người chúng con được tự do trở thành con cái Chúa. Xin thương giúp chúng con tận dụng Mùa Vọng này hầu sống xứng đáng hưởng phúc trường sinh Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

Nhóm tác giả "CÙNG NHAU TÌM HIỂU VÀ CHIA SẺ ÐỜI SỐNG TIN MỪNG"

 

CHỨNG TỪ

NGHĨ VỀ SỰ CHỀT

Nhạc sĩ vĩ đại người Áo thế kỷ thứ 18, Wolfgang Amadeus Mozart ( với chữ tên lót Amadeus có nghĩa là "Người-được-Thiên-Chúa-yêu-mến ) qua đời vào lúc còn rất trẻ, mới có 36 tuổi. Ông đã sáng tác một khối lượng khổng lồ những tác phẩm âm nhạc cổ điển lừng danh, trong đó có tác phẩm Requiem dành cho việc cử hành Tang Lễ. Dưới đây là một đoạn trích từ lá thư đề ngày 4 tháng 4 năm 1786, Mozart gửi cho một người bạn, khi ông vừa nhận được tin thân phụ mình đang hấp hối...

"...Vì Sự Chết, xét cho thấu, là mục đích cuối cùng của cuộc sống, cho nên từ ít năm nay, tôi đã làm quen với Người-Bạn thật tình và trọn hảo nhất ấy của loài người, cho đến nỗi, hình ảnh Sự Chết không những chẳng còn gì đáng khiếp sợ đối với tôi, ngược lại, đó lại là một niềm thanh thản rất an ủi cho tôi. Và tôi cảm ơn Thiên Chúa của tôi, Ngài đã cho tôi cái diễm phúc có được cơ hội để học biết và nhìn nhận Sự Chết như là chìa khóa mở cửa hạnh phúc cho chúng ta...

Tôi không bao giờ đi ngủ mà không nghĩ đến có thể ngày mai đây, mặc dù tôi vẫn còn trẻ trung đấy, tôi cũng sẽ không còn sống nữa ! Ấy vậy mà trong tất cả những ai quen biết tôi, chẳng có ai có thể bảo rằng tôi âu sầu hay buồn chán trong lúc trò chuyện...

Mỗi ngày tôi đều cám ơn Ðấng Tạo Hóa của tôi về niềm hạnh phúc ấy, và tôi cũng thành thật mong muốn cho anh em đồng loại của tôi có được diễm phúc này..."

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 4

 

CÂU TRUYỆN

LUÔN LUÔN SẴN SÀNG

Một hôm trong tuần lễ đầu tiên của Mùa Vọng, ngay đầu giờ dạy giáo lý, cha Don Bosco hỏi các em thiếu niên có mặt trong lớp: "Nếu các con đang vui chơi ngoài sân, bất thần Chúa đến và bảo rằng: 10 phút nữa, Chúa sẽ gọi các con về với Chúa, thì các con sẽ làm gì ngay lúc ấy ?" Cả lớp yên lặng suy nghĩ. Cha Bosco gọi em Antonio, em đứng lên ấp úng trả lời: "Dạ thưa cha, con sẽ chạy ngay về nhà để từ giã ba má con, rồi con sẽ quay lại kịp theo Chúa !"

Cha Bosco lại chỉ em Benado, cậu ta vội đáp: "Thưa cha, con sẽ về phân phát hết tủ quần áo của con cho những người ăn mày trong xóm, còn số đồ chơi thì con tặng hết cho lũ trẻ nghèo khổ con cái của họ. Chắc Chúa sẽ hài lòng và ban thưởng cho con nhiều hơn !"

Khi cha gọi đến Camillo, cậu này do dự một chút rồi trả lời, vẻ như vẫn còn bối rối ghê lắm: "Có lẽ con nên vào Nhà Thờ để ngồi cầu nguyện đợi Chúa, thời gian đâu có bao nhiêu, nhỡ Chúa đến sớm hơn một chút thì sao ?"

Tới phiên Stephano, cậu trả lời ngắn gọn: "Con sẽ xin cha cho con xưng tội ngay, chắc chắn con sẽ được vào Nước Trời !"

Cả lớp, từng học sinh một đã dần dần trả lời, nhưng dường như Cha Bosco vẫn chưa tỏ vẻ hài lòng, các cậu bé nhìn nhau thắc mắc hết sức. Còn cha thì đi lui đi tới... Chợt như sực nhớ, cha chỉ tay gọi Dominico Savio, cậu đứng dậy khoanh tay nghe cha hỏi lại câu hỏi: "Thế còn phần con, Savio, nếu như con đang nô đùa vui vẻ với bạn bè ngoài sân chơi mà Chúa đột nhiên đến và gọi con về với Người thì con sẽ làm gì trong thời gian 10 phút ?"

Savio mỉm cười, đơn sơ trả lời: "Thưa cha, con sẽ vẫn tiếp tục vui chơi ạ !" Nghe vừa dứt, Cha Bosco vui mừng chạy tới ôm chầm lấy cậu bé 12 tuổi: "Ôi đúng rồi ! Ðó chính là câu trả lời mà cha đã chờ suốt nãy giờ. Savio, con yêu dấu của cha, con thật là xứng đáng ra đón Chúa bất cứ lúc nào trong đời !"

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 4

HỌC HỎI

A GUIDE TO ALPHONSIAN MEDITATION

 

Beginning:               Make an act of faith and bumility, and a petition for light and     strength, say a brief prayer to Mary, Joseph, guardian angel, and patron saint.

Meditation:              Read a few verses from Scripture or spiritual book, think and reflect about what you read: what it means, what ti teaches you. What have I done about this in the past; what shall I do about it now?

Acts of Love:           Pray for the grace to love God, tell God you love Him!

Prayer of Petition:  Pray for the graces you need both for your daily living and for your spiritual journey.

Resolution:              Make one practical resolution that you can do today.

Conclusion:             Thank God for whatever grace you have received, renew your resolution, ask for the love of Jesus and Mary to keep your resolution.

 

PHƯƠNG PHÁP NGUYỆN GẪM THEO THÁNH AN-PHONG

 

1. Khởi đầu: Giục lòng khiêm nhường, lòng tin, nài xin ơn soi sáng và sức mạnh. Cầu nguyện vắn tắt với Mẹ Maria, Thánh Giuse, Thiên Thần bản mệnh và Thánh quan thầy.

2. Suy niệm: Ðọc một vài câu Kinh Thánh hoặc một đoạn sách thiêng liêng, suy nghĩ và hồi niệm (phản tĩnh) về những gì bạn đọc: điều đó có ý nghĩa gì, điều đó dạy ta điều gì. Liên hệ với điều ấy, bạn đã làm gì trong quá khứ - Hiện tại, bạn sẽ làm gì?

3. Giục lòng yêu mến: Xin ơn yêu mến Thiên Chúa. Hãy nói với Chúa rằng bạn yêu mến Người!

4. Khẩn nguyện: xin những ơn cần thiết cho đời sống hằng ngày, và cho hành trình thiêng liêng của bạn.

5. Dốc lòng: đề ra một điều dốc lòng cụ thể mà bạn có thể thực hiện trong ngày hôm nay.

6. Kết thúc: Tạ ơn Thiên Chúa vì mọi ân huệ bạn nhận được, nhắc lại điều bạn dốc lòng. Cầu xin tình yêu của Chúa Giêsu và Ðức Trinh Nữ Maria trợ  giúp (gìn giữ) bạn thực hiện điều dốc lòng.

Lm GB. LÊ DÌNH PHƯƠNG, DCCT Chuyển ngữ

 

KỶ NIỆM

CHẦU THÁNH THỂ LIÊN TIẾP TẠI ÐỀN THỜ THÁNH PHÊRÔ

Ngày 16 – 10 – 2001 vừa qua, toàn thế giới Công Giáo đã hướng lòng về Vatican cầu nguyện đặc biệt cho ÐTC Gioan Phaolô II nhân dịp 23 năm Ngài được bầu làm Giáo Hoàng. Khi ấy ÐTC mới 58 tuổi (sinh năm 1920), tinh thần minh mẫn, sức khỏe dồi dào, hoạt động hăng say … Thế nhưng với ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, ÐTC lại cảm thấy mình yếu đuối, nếu chỉ với sức riêng mình thì Ngài không thể gánh vác trách nhiệm điều hành Giáo Hội, nên Ngài đã thiết lập một nhà nguyện nhỏ tại Ðền thờ T. Phêrô, để chuyên lo việc chầu Thánh Thể liên tiếp suốt ngày đêm. Mục đích của việc chầu Thánh Thể liên tiếp này, là để xin ơn phù trợ, nâng đỡ ÐTC và cả giáo triều Rôma.

Ngày đầu tiên việc chầu Thánh Thể tại nhà nguyện này là ngày 02 – 12 – 1981, và suốt hai chục năm qua đã liên tục chầu Thánh Thể để cầu nguyện cho ÐTC và cầu nguyện cho mọi hoạt động của Giáo triều. Bí tích Thánh Thể – Bí tích Tình Yêu – là nguồn sống của nhân loại và cách riêng được ÐTC cảm nghiệm, đây chính là nguồn sống của Giáo Hội và của chính Ngài. Do đó ÐTC đã muốn kêu gọi các dòng tu, các xứ đạo hưởng ứng việc Chầu Thánh Thể. ÐTC đã viết :

"…. Mỗi phần tử của Giáo Hội phải liệu sao cho Bí tích Tình yêu này, được trở thành trung tâm của đời sống dân Chúa, để qua tất cả các cử chỉ tôn sùng ấy, Chúa Giêsu Kitô lại được trao ban như "Tình yêu đáp lại Tình yêu" và thực sự trở thành sức sống của tâm hồn chúng ta" (Thông điệp Ðấng Cứu Chuộc con người)

....

Chầu Thánh Thể Chúa, chính là chúng ta đến thờ lạy Vua đất trời đang ẩn mình trong Thánh Thể, chính là chúng ta đến tâm sự chia sẻ với một Ðấng hằng yêu thương ta, Ngài đang hiện diện cách hữu hình với cả Nhân tính và Thần tính của Ngôi Hai Thiên Chúa. ÐTC đã lập nên việc Chầu Thánh Thể Chúa liên tiếp để xin Chúa Giêsu Thánh Thể tiếp sức cho Ngài và nhất là đồng hành với Ngài trong chức vụ Chủ chăn Giáo Hội toàn cầu. Và bên cạnh đó ÐTC kêu gọi các giáo xứ hãy hăng hái thêm trong việc Thờ lạy Chúa Giêsu, trong việc năng đến với Ngài để xin ơn nâng đỡ giáo xứ, nâng đỡ giáo hội qua việc Chầu Thánh Thể liên tiếp, đừng để cho ai đó cảm thấy Chúa Thánh Thể trong nhà thờ xứ tôi đang bị cô đơn.

Viết những dòng này nhân dịp kỷ niệm 20 năm ÐTC thành lập việc Chầu Thánh Thể liên tiếp tại thủ đô Giáo Hội, chúng tôi chẳng mong muốn gì hơn là cổ võ thêm cho việc Chầu Thánh Thể liên tiếp như lòng Vị Cha Chung mong muốn. Có thể chúng ta hôm nay vẫn còn nguội lạnh, vẫn còn thờ ơ với Bí Tích Thánh Thể cực thánh đó, cho nên Ðức Tin của ta chưa được sâu đậm, Ðức Cậy của ta chưa được vững vàng, và nhất là Ðức Mến của ta chưa đáng kể… và hơn nữa là chúng ta còn quá lo lắng cho công việc, cho trách nhiệm của ta đối với Chúa đối với tha nhân …Nhưng xin bạn và tôi hãy thử mà xem, thử đến Chầu Thánh Thể liên tiếp hàng ngày, thời gian tùy theo hoàn cảnh mỗi người cho phép…. Chúng ta hãy đến thờ lạy Chúa, chầu Chúa cách thành tâm, và nhất là luôn kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể qua việc tham dự thánh lễ và Rước lễ sốt sắng, chúng ta sẽ thấy đời sống của ta thay đổi rõ ràng. Vì chính Chúa Giêsu đã nói : Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng (Mt 11, 28).

Ở một đoạn khác, Chúa Giêsu lại khẳng định rõ ràng : Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế (Mt 25, 20) càng làm cho chúng ta thêm tin tưởng vào tình yêu của Chúa trong bí tích Thánh Thể. Hai chữ ở cùng có nghĩa là hiện diện thật sự bên cạnh chúng ta, là nên của ăn nuôi sống chúng ta, là ở trong thân xác và linh hồn mỗi người chúng ta, là có thể trò truyện và cảm thông với chúng ta, và còn là có thể nâng đỡ giúp sức cho chúng ta

Lời Chúa đã nói rành rành như vậy, Bí Tích Thánh Thể Tình Yêu cũng đang hiện diện trong các nhà Chầu trên khắp thế giới, và cụ thể trong nhà chầu của Giáo xứ chúng ta một cách hữu hình như thế, chỉ có tâm hồn chúng ta có Tin vào Lời Chúa hay không, có mau mau chạy đến Bí Tích Tình Yêu, nguồn sống dồi dào mà múc lấy hay không. Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể, luôn trở nên nơi nương tựa, nơi cậy trông cho ÐTC và giáo triều Rôma thế nào, thì cũng nên nơi cậy trông nơi nương tựa, là nguồn sống cho giáo xứ chúng con và cách riêng cho mỗi người chúng con đến muôn thuở muôn đời. Amen.

                                                                           Phạm Văn Lượng

                                                                 (Huynh Ðoàn Kitô Người Bịnh và Khuyết Tật)

                                                                                               ÐT : 9742280

 

THÔNG TIN

THÔNG TIN VỀ ANH NGUYỄN VĂN HOAN

( Ðã thông tin trên Gospelnet, số 35 )

Thầy Lê Văn Hoàng, OFM vừa cho biết : "Anh Hoan đã mổ lần thứ 13. Anh Hoan nhờ con chuyển đến quý cha và quý ân nhân lời tri ân". Ðược biết, anh Hoan đang được một ân nhân giới thiệu đến khu an dưỡng quận 8 để tiếp tục được chăm sóc vết thương. Thầy Hoàng cho biết thêm : "Vết thương của anh Hoan đạ hết nhiễm trùng, mặc dù vẫn còn ra máu".

Xin quý đọc giả tiếp tục cầu nguyện và chia sẻ với anh Nguyễn Văn Hoan và gia đình.

THÔNG TIN VỀ BỐN HỌC SINH SẮP BỎ HỌC

Cha Gio-an Bao-ti-xi-ta Nguyễn Văn Riễn, chánh sở Kỉnh Nhượng, Phú Cường vừa có thư cho thông tin về một trường hợp như sau:

Ông Ða-minh Nguyễn Văn Hạnh, 46 tuổi là giáo dân thuộc giáo xứ Kỉnh Nhưởng, có bốn người con đang theo học, hai ở Sài gòn và hai ở Bình Dương. Nhưng hiện nay gia đình đang gặp khó khăn khó có thể duy trì việc ăn học bình thường được cho các cháu.

Ðược biết hai cháu học ở Sài gòn là cháu Nguyễn Thị Thanh Nhạn, sinh năm 1980, sinh viên năm thứ hai Ðại học sư phạm và cháu Nguyễn Thành Nhân, sinh năm 1982, đang học năm thứ nhất trường Công nhân kỹ thuật. Còn hai cháu đang học ở Bình Dương là cháu Nguyễn Thanh Cao, sinh năm 1987, lớp 5 và cháu Nguyễn Thị Kim Ngân, sinh năm 1991, lớp 4. Cả hai cháu nhỏ học trường Vĩnh Hòa, Phú Giáo, Bình Dương.

Rất mong quý ân nhân tìm cách giúp các em con của ông Hạnh được tiếp tục học hành bình thường.



[1] Tứ hải giai huynh đệ.

[2] Is 2, 2.

[3] Thư Chung 2001, số 9.

[4] Thư Chung 2001, số 10.

[5] Thư Chung 2001, số 15.