TIN MỪNG NGÀY LỄ KÍNH CÁC THÁNH
TỬ ÐẠO VIỆT NAM: Mt
10,17 – 22
ÐỨC GIÊ-SU TIÊN BÁO NHỮNG CUỘC BÁCH HẠI
"Hãy coi
chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập
anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt
vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại
biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay
phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí
của Cha anh em nói trong anh em !
Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha
sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ
phải chết. Vì Danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ
nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát."
SUY NIỆM 1:
HẠT GIỐNG ÐỨC TIN
1. Ý nghĩa của bắt bớ, bách hại trong
Công giáo ?
Chúng ta có thể khẳng định: Lịch sử của các Giáo
hội cũng là lịch sử của những cuộc bách hại. Bắt bớ, bách hại
luôn đi liền với những kẻ tin nhận Ðức Giê-su Ki-tô là Chúa. Thật
ra ngay từ trong Cựu Ước, những người tin vào Thiên Chúa Gia-vê cũng
đã phải trải qua những cơn gian nan, thử thách vì Niềm Tin (bài đọc
1).
Vậy thử hỏi: Tại sao người tín hữu thường bị bắt
bớ và bách hại ? Lịch sử cho ta thấy người tín hữu bị bắt bớ, bách
hại thường vì một trong hai hoặc vì cả hai lý do sau: bị người đời
hiểu lầm và ghen ghét. Nhưng với cái nhìn được Thánh Kinh soi sáng,
thì chúng ta thấy bắt bớ, bách hại vì Niềm Tin có ý nghĩa sâu xa hơn.
Ðó là để Niềm Tin của chúng ta được thử thách và tôi luyện. Miếng
hay thỏi vàng chỉ tinh ròng sau khi được cho vào lửa tinh luyện. Niềm
Tin Ki-tô của chúng ta chỉ vững vàng, kiên định, tinh tuyền và trong
sáng qua gian nan thử thách. Ðức Giê-su là "hiện thân sống",
là minh họa tuyệt vời về sự kiện ấy: Một đàng Ðức Giê-su bị những
người cầm quyền Do-thái và Rô-ma kết án loại trừ, vì họ cho rằng
Người là mối nguy hiểm cho địa vị, chứùc quyền của họ. Mặt khác chính
qua khổ nạn Thập Giá mà Ðức Giê-su chứng minh được lòng thảo hiếu,
tuân phục đối với Cha và lòng yêu thương đối với loài người. Sự
Khổ Nạn Thập Giá ấy là con đường dẫn tới Phục Sinh.
Các vị Tử Ðạo trong Giáo Hội Công giáo Rô-ma
cũng đã có chung thân phận với Ðức Giê-su. Gần gũi thân thiết với
chúng ta hơn là 117 Thánh Tử Ðạo và hàng ngàn hàng vạn các vị tiền
bối Việt Nam cũng là những người đã chết vì Ðạo mà nguyên nhân
chính là hiểu lầm và ghen ghét. Các vị ấy đã kiên cường và anh dũng
minh chứng Lòng Tin của mình. Vì thế mà ngày hôm nay toàn thể Giáo
Hội Việt Nam mừng kính các Ngài một cách trọng thể và nhận các
ngài làm Bổn Mạng.
2. Ngày nay chúng ta phải sống và làm
chứng Niềm Tin như thế nào để không thẹn với cha ông?
Lịch sử đã qua, chúng ta không thể thay đổi được.
Ðiều chúng ta có thể làm là từ lịch sử rút ra những bài học cho
đời sống Ðức Tin. Sau đây là một vài gợi ý để chúng ta suy nghĩ và
thực hiện:
1. Cha ông chúng ta đã lấy máu đào để nói lên
lòng tin cậy phó thác và trung thành với Thiên Chúa. Chúng ta hãy
biết dùng mọi phương thế để củng cố và trau dồi Niềm Tin: cầu nguyện,
tĩnh tâm, nghiên cứu, học hỏi. Chắc chắn việc ấy đòi chúng ta phải
hy sinh thời giờ, tiền bạc, công sức; buộc chúng ta phải chấp nhận
mất mát, thiệt thòi ở một mức độ nào đó. Nhưng so với cái chết
khổ hình thập giá của Ðức Giê-su, Chúa chúng ta và với bao cực hình
của các Vị Tử Ðạo cha ông chúng ta, thì có thấm vào đâu !
2. Dù bị hàm oan và bị hành hạ trăm điều, cha ông
chúng ta không một lời than trách, không một chút hận thù đối với
vua quan hay lý hình, mà trái lại luôn tôn kính, yêu thương, khoan dung,
tha thứ chúng ta hãy nỗ lực sống khiêm nhường, yêu thương, hòa đồng
và phục vụ đồng bào anh em theo tinh thần Phúc âm mà Thư Chung Hội
Ðồng Giám Mục Việt Nam năm 1980 và 2001 đã triển khai.
3. "Máu Các Thánh Tử Ðạo là hạt giống
Ðức Tin". Máu cha ông chúng ta đã thấm vào từng thớ đất hình
chữ S này, tứùc hạt giống đức Tin đã được gieo vào lòng đất nước
và quê hương Việt Nam yêu dấu. Chúng ta hãy đóng góp phần riêng của
mình vào việc làm cho hạt giống Ðức Tin ấy nẩy mầm, mọc thành cây
và sinh hoa kết trái cho Mùa Gặt Nước Trời. Nói cách khác chúng ta
hãy trở thành những người loan báo Tin Mừng cho đồng bào, anh em.
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, chúng con
cảm tạ Cha đã cho chúng con vinh dự làm con cháu các Thánh Tử Ðạo
Việt Nam. Nhưng Cha ơi, vinh dự cũng có nghĩa là trách nhiệm, xin Cha
ban sức mạnh cho chúng con để chúng con đủ sức chu toàn trách nhiệm
cao trọng ấy, bằng đời sống chứng tá của chúng con trong xã hội
Việt Nam hôm nay.
Lạy Chúa Giê-su là Hạt Giống Vĩ Ðại mà Thiên
Chúa Cha dã gieo vào lòng đất. Xin Chúa ban sức mạnh và tình yêu cho
chúng con để chúng con cũng trở thành những hạt giống Tin Mừng gieo
vào lòng xã hội Việt Nam hôm nay.
Lạy các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, chúng con hãnh
diện được làm con cháu các Ngài. Xin các Ngài cầu bầu cùng Thiên
Chúa cho chúng con dũng khí, lòng kiên cường, đức hy sinh, lòng trung
thành với niềm Tin, để chúng con vượt thắng mọi trở ngại từ bên
ngoài cũng như từ chính trong tâm hồn chúng con trong đời sống chứng
tá hôm nay.
Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN
NỘI
SUY NIỆM 2:
TỬ ÐẠO LÀ TRUYỀN
GIÁO
Giáo Hội cũng mừng kỷ niệm 41 năm
thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam.
Từ khi vị thừa sai Phan-xi-cô Buzomi ( Francesco
Buzomi, SJ. ) có công thiết lập cơ cấu giáo xứ đầu tiên ở Việt Nam
bước chân lên nước này năm 1615 cho tới khi hàng Giáo Phẩm Việt Nam
được thiết lập năm 1960, thời gian kéo dài xấp xỉ 3 thế kỷ rưỡi.
Giai đoạn lịch sử ấy lần lượt được đánh dấu bằng việc thiết lập
thành phần nhân sự quan trọng cho việc xây dựng Giáo Hội địa phương.
Khởi sự cha Ðắc-lộ ( Alexandre de Rhodes, SJ. ) đã
khai sinh ra hội Thầy Giảng năm 1630. Nhưng quan trọng hơn gấp bội là
năm 1659 Toà Thánh thiết lập hai giáo phận Ðàng Ngoài và Ðàng Trong
và đặt dưới quyền quản trị của hai vị tân Giám Mục Francois Pallu (
Phan Lữ ) và Pierre Lambert de la Motte. Ðó là hai vị đồng sáng lập hội
Thừa Sai Hải Ngoại Paris ( MEP ). Chính Ðức Cha Pierre Lambert de la Motte
trong 3 năm 1668 – 1670, đã ban chức Linh Mục cho 9 người Việt Nam đầu
tiên, hầu hết xuất xứ từ hội Thầy Giảng. Chín Linh Mục này làm nên
hàng giáo sĩ Việt Nam đầu tiên.
Từ cuộc phong chức Linh Mục do Ðức Cha Pierre
Lambert de la Motte cho người Việt Nam đầu tiên là thầy Giu-se Trang 28
tuổi năm 1668, tới cuộc phong chức Giám Mục cho Cha Gio-an Bao-ti-xi-ta
Nguyễn Bá Tòng do Ðức Thánh Cha Pi-ô XI năm 1933 tại Rô-ma, giai đoạn
ấy kéo dài 2 thế kỷ rưỡi. Từ khi có Giám Mục Việt Nam cho tới khi
có hàng giáo phẩm Việt Nam, giai đoạn lịch sử ấy chỉ kéo dài 33 năm.
Về nhân sự của giáo hội địa phương, kế tiếp việc
thiết lập hàng giáo sĩ Việt Nam là việc thành lập Dòng Nữ Mến
Thánh Giá tại Kiên Lao ( Nam Ðịnh ) và Bái Vàng ( Hà Nam ) do Ðức Cha
Pierre Lambert de la Motte năm 1670. Khi ấy Ðức Cha cảm thấy như đã đạt
được điều ngài mơ ước từ dịp viếng mộ hai Thánh Phan-xi-cô de Sales
và Thánh nữ Gio-an-na Chantal tại Pháp năm 1657. Ơn soi sáng đã đến
trên ngài với hình ảnh một Giáo Hội có Linh Mục và nữ tu là hai con
kinh tuôn đổ Ðức Tin và Ðức Ái tràn lan trên một đất nước: Linh Mục
là hiện thân của lòng nhiệt thành, liều mạng như người chiến sĩ
xông pha nơi trận tuyến hiểm nguy; còn nữ tu là biểu tượng cho sự
trong trắng và kết hợp đời sống cầu nguyện với công việc bác ái
phục vụ.
Ðiều Ðức Cha Pierre Lambert de la Motte mơ ước quả
là hình ảnh lý tưởng về Giáo Hội không phải lúc nào cũng đạt
được. Nhưng ơn Ðức Tin và Ðức Ái luôn phải có để làm nên Giáo Hội,
đặc biệt trong thời cấm đạo. Cũng chính ơn Ðức Tin và Ðức Ái làm
nên các Thánh Tử Ðạo.
Mừng kính các Thánh Tử Ðạo Việt Nam
Lịch sử 117 Thánh Tử Ðạo Việt Nam ăn khít với
quãng thời gian 117 năm giữa 1745, khi hai vị Thánh Phan-xi-cô Frederich
Tế và Mát-thêu Liciniana Ðậu hy sinh mạng sống cho tới năm 1862, khi
Thánh Phẹ-rô Ða vừa bị thiêu vừa bị trảm quyết. Tất cả 117 vị đã
chịu chết vì Ðức Tin dưới các triều đại vú Lê Chúa Trịnh, Tây Sơn và
triều Nguyễn ( Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức ).
Trong số 117 vị Tử Ðạo có 8 vị Giám Mục, 50 Linh
Mục, 59 giáo dân, trong số này có một phụ nữ là Thánh A-nê Lê Thị
Thành, người mẹ của sáu người con.
Các vị ấy chỉ là tượng trưng cho hàng mấy trăm
ngàn người đã chịu chết vì đạo trong ba thế kỷ 17, 18 và 19. Ðầu tiên
phải kể trong tổng số ấy, thầy giảng An-rê Phú Yên bị trảm quyết vì
đạo ngày 26.7.1644 trước sự có mặt của cha Ðắc-lộ. Thi hài thầy
An-rê được chôn táng trong nhà thờ dòng Tên tại Macao. Cuối năm 1645
khi về Âu Châu, cha Ðắc-lộ đã đem đầu thầy sang Rô-ma, còn thân vẫn
còn ở Macao.
Cũng phải kể tới những vụ sát hại tập thể ở
Biên Hoà và Bà Rịa 1861 – 1862. Riêng ở Bà Rịa khi ấy có khoảng 2.300
giáo dân từ lâu sống khá yên ổn cho tới tháng 8, 1861. Chính những
cuộc hành quân của binh đội Pháp tại Biên Hoà cuối năm 1861 sang
năm 1862 đã làm cớ cho nhiều vụ giáo dân bị sát hại tập thể. Hồi tháng
9 năm 1861 nhà cầm quyền tại Bà Rịa nhốt những người Công Giáo bị
bắt vào bốn ngục: ngục Dinh là ngục chính ở ngay Bà Rịa, nhốt 300
đàn ông; ngục Thơm ở Long Kiên khoảng 4 cây số về phía Bắc Bà Rịa,
giam 135 đàn bà con nít; ngục Thành ở Long Ðiền giam 140 đàn bà con
nít; ngục thứ bốn tại họ đạo Ðất Ðỏ, nhốt 125 đàn bà trẻ con. Bốn
ngục chứa tổng số là 700 tín hữu ngày đêm có lính canh gác cẩn mật.
Nhưng với ba ngục giam phụ nữ và trẻ em, lính gác có phần dễ dãi
hơn.
Vì thế một Linh Mục Việt Nam có thể tới thăm
viếng và ban Bí Tích cho nhiều người bị giam ở ba ngục này. Ðó là cha
Trí giả dạng đi buôn, gánh hai tĩnh nước mắm vào bán trong ngục. Chính
cha Trí ngày 8.1.1862 tới tận ngục Dinh nơi bao giáo hữu từng bị giam
thì chỉ còn thấy một đống tro tàn với xác chết nằm ngổn ngang mà
chính ngài cùng với một Linh Mục nữa đã lo chôn cất.
Nhìn về phía trước: Sứ mạng giới thiệu
Chúa Giê-su
Từ ngày cha Trí lo chôn xác 288 tín hữu chết vì
Ðạo tại Bà Rịa tới nay, 139 năm đã trôi qua. Ðiều không thể tưởng
tượng được là phần mộ tập thể của gần 300 chứng nhân anh dũng tại
Bà Rịa nay nằm trong lãnh thổ của Giáo Phận Xuân Lộc với dân số tín
hữu đông đảo nhất. Từ Bà Rịa nhìn ra vùng biển Vũng Tàu ngoài tượng
Chúa ở Ô Quắn đang dang tay ôm ấp thế giới, nay còn có bức tượng
Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cao 30 mét trên núi Bãi Dâu, đang giới
thiệu Chúa Giê-su cho thế giới.
Bối cảnh cởi mở và lạc quan ấy xem ra không thích
hợp lắm với bài Tin Mừng Ga 17,11b – 19 được chọn cho Thánh lễ Kính
Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam hôm nay. Xem ra có sự đối kháng không thể
nào hoà giải được giữa thế gian và các môn đệ của Chúa Giê-su.
Nhưng ở đây Chúa Giê-su trong bữa tiệc ly đang cầu
nguyện cùng Cha cho các môn đệ. Người ngỏ lời cùng Cha là Ðấng
Thánh ( c.11 ). Sự kiện các môn đệ thuộc về Thiên Chúa ( c.9 ) là
lý do tại sao các môn đệ phải tách rời khỏi thế gian vì trong Cựu
Ước sự Thánh thiện của Thiên Chúa đối kháng với các thế tục. Một
cách đặc thù, các môn đệ cần được Thánh Hiến trong sự thật tức là
trong chính lời của Thiên Chúa. Các môn đệ đã lãnh nhận và đã giữ
lời mà Chúa Giê-su mang lại cho họ từ Thiên Chúa ( 17, 6.14 ); chính
lời đó đã làm cho họ nên sạch ( 15, 3 ); bây giờ lời đó đặt họ
riêng ra nhằm sứ mạng là truyền lại lời đó cho người khác ( 17, 20
).
Vậy bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta là con
cháu các Thánh Tử Ðạo Việt Nam 3 điều sau đây:
§ Người Ki-tô hữu chúng ta thuộc về Thiên Chúa theo
gương các Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Ðiều đó có nghĩa là chúng ta phải
sống rõ nét Ðức Tin mà Thiên Chúa ban cho ta. Giữa một thế giới xem
ra dễ dàng hơn nếu ta chấp nhận điều kém hơn Ðức Tin và kém hơn sự
công chính của Thiên Chúa, ta biết ta phải về phe với ai. Rõ ràng
các Thánh Tử Ðạo đã về phe với Chúa Giê-su và đã phải trả giá
bằng chính mạng sống của các ngài.
§ Người Ki-tô hữu cần nhìn mọi sự và mọi người
với cặp mắt yêu thương của Thiên Chúa. Thiếu Ðức Tin là thiếu cặp
mắt yêu thương của Thiên Chúa, thế giới loài người xem ra sẽ là một
thế giới quá xấu để Thiên Chúa có thể sai Con của Người đến cứu
chuộc. Không một vị Thánh Tử Ðạo nào lại bi quan như vậy. Các ngài
chết là để đón nhận ơn cứu chuộc do Con Thiên Chúa xuống thế làm
người.
§ Dấu chỉ thời đại cho thấy phải đối thoại thay vì
đối kháng. Sẽ chẳng có đối thoại nếu không chia sẻ Ðức Tin với người
khác, nếu không đánh giá các nền văn hóa theo giá trị tương đối của
mỗi nền văn hoá, nếu không quan tâm tới công bằng.
Con cháu các Thánh Tử Ðạo Viêt Nam cần nhìn về
phía trước. Cuộc đối thoại liên quan tới điều gì đó là cơ bản nơi con
tim nhân loại: Ðó là lòng ước ao tìm kiếm Thiên Chúa giữa một thế
giới mang đầy vết thương do tội gây nên. Các Thánh Tử Ðạo đã gánh
lấy gánh nặng do hậu quả của tội chất lên vai các ngài. Về phần
ta, để có sự khả tín trong đối thoại, ta đã có trong con tim của ta
sự sẵn sàng đó chưa ?
Lm. AUGUSTINE, SJ.,
TIN MỪNG CHÚA NHẬT 33 C: Lc 21, 5 – 19
Nhân
có mấy người nói về Ðền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá
đẹp và những đồ dâng cúng, Ðức Giê-su bảo: "Những gì anh em
đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá
nào trên tảng đá nào". Họ hỏi Người: "Thưa Thầy, vậy
bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì
báo trước !"
Ðức Giê-su
đáp: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều
người mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta đây", và:
"Thời kỳ đã đến gần"; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe
có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải
xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu".
Rồi Người
nói tiếp: "Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống
nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn
dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn
lao từ trời xuất hiện. Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì
người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường
và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy.
Ðó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi
lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách
nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả
địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em
sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ
giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người
thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất
đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình..."
SUY NIỆM 2:
GIỮ LINH HỒN
Vào khoảng năm 538 trước Công nguyên, sau khi được
hoàng đế Ba-tư là Ky-rô ban sắc chỉ ân xá, con cái Ít-ra-en rời đất
lưu đày Ba-bi-lon, tiến về Thánh điện, khởi công tái thiết quê hương
xứ sở giữa muôn vàn gian nan khốn khó. Ðứng trước cảnh đổ nát hoang
tàn của Ðền Thờ, đất đai bị ngoại bang lấn chiếm, tinh thần của dân
Do thái hồi hương không khỏi lao đao. May nhờ có sự hỗ trợ của Eùt-ra
và Nơ-khê-mi-a là hai người giàu có, thế lực dưới triều vua
Artaxerxes, dân Ít-ra-en đã xây lại được một phần nhỏ Ðền Thờ
Giê-ru-sa-lem và Thánh hiến nó vào koảng năm 516 trước Công nguyên.
Thế nhưng, chưa hưởng trọn niềm vui tự trị và tự do, người Do-thái
lại bị các quốc gia hùng mạnh như Ai-cập và Hy-lạp quấy phá. Ðến
năm 169 trước CN, người Xy-ri-a do vua An-ti-ô-khô II dẫn đầu, đã tiến
vào đánh chiếm cướp phá Ðền Thờ. Một lần nữa đền Thánh
Giê-ru-sa-lem lại rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát.
Mãi đến năm 63 trước Công nguyên, sau khi người
Rô-ma chiếm đóng Pa-lét-tin và đặt Hê-rô-đê làm quan tổng trấn cai
trị vùng đất Giu-đê, Ðền Thờ mới được tái thiết nguy nga và được
Thánh hiến vào năm 19 trước CN. Biết bao cẩm thạch, vàng bạc, gỗ
quí, và công sức được đổ ra cho việc xây cất một Ðền Thờ lộng lẫy,
làm nên niềm tự hào và sức sống của cả dân tộc Ít-ra-en. Trong
cuốn sách "Những Cuộc Chiến của Người Do-thái", sử gia Josephus đã
mô tả về "niềm tự hào" đó như sau: "Mặt tiền của Ðền Thờ đủ
làm choáng ngợp tâm trí và đôi mắt người ta. Nó được bọc bằng
những miếng vàng lớn. Khi ánh thiều dương vừa tỏa sáng ở chân trời,
thì cả Ðền Thờ rực lên bởi những tia sáng phản chiếu, khiến những
ai muốn nhìn thẳng vào đó cũng bị lóa mắt, đến nỗi họ phải quay đi.
Ðối với khách lạ, thì từ đàng xa, Ðền Thờ nổi bật lên như một núi
tuyết trằng xóa. Không có phần nào mà không được chạm trổ hay bọc
vàng."
Ðứng trên núi Cây Dầu nhìn xuống Ðền Thờ rực rỡ
trong ánh nắng huy hoàng, các môn đệ không khỏi buông lời trầm trồ
khen ngợi. Nhưng, thay vì hòa điệu với những rung cảm trước vẻ hoa lệ
của Ðền Thờ, Ðức Giê-su lại tiên báo về một sự sụp đổ không
tránh khỏi. Những gì thế gian cho là vững chắc và xinh đẹp chỉ là
những thứ mỏng dòn và tạm bợ. Tất cả sẽ bị tàn phá. Ngay như công
trình và "niềm tự hào" của Ít-ra-en đây cũng sẽ bị sụp đổ, "không
còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào" ( Lc 21, 6 ). Ðức Giê-su đã
tiên báo như thế.
Và sự gì đã xảy ra ? Năm 70 sau khi Chúa Giê-su
sinh ra, tướng Ti-tô đem đại quân Rô-ma đến vây hãm thành
Giê-ru-sa-lem. Dân chúng bị đói khát đến nỗi phải ăn thịt lẫn nhau.
Kẻ nào tìm cách trốn khỏi vòng vây đều bị giết chết. Tính ra số
người bỏ mạng lên đến 1.100.000, và số người bị bắt sau khi thành
thất thủ là 97.000. Ðền Thờ bị lính Rô-ma phóng hỏa tan tành. Tướng
Ti-tô chỉ cho chừa lại một mảng tường thành để sau này con cháu
Ít-ra-en đến đó mà than khóc. Như thế, lời tiên báo của Chúa Giê-su
đã ứng nghiệm.
Nhưng sự sụp đổ của thànnh Giê-ru-sa-lem chỉ là
hình bóng của ngày thế tận. Rồi đây, sẽ chẳng còn thứ gì tồn tại.
Thời gian sẽ hủy diệt tất cả. Sự sống, sắc đẹp, sức lực, sung
sướng... của cuộc đời này đều mỏng dòn và ngắn ngủi. Mọi sự đều
tiến về cái chết, dù nhanh hay chậm.
Vì thế, Thánh An-phong, Ðấng sáng lập Dòng Chúa
Cứu Thế, từng nhắc đi nhắc lại: "Chỉ có một việc ta phải lo là
việc rỗi linh hồn, vì mỗi người chỉ có một linh hồn mà thôi."
Thánh Phan-xi-cô Sa-vi-ê cũng nói: "Mỗi người chỉ có một linh hồn.
Nếu được rỗi thì được hưởng thiên đàng, nếu bị mất thì phải sa hỏa
ngục." Xưa Vua Ða-vít suy về điều này mà thốt lên lời nguyện cầu:
"Tôi chỉ ước trông một điều, đêm ngày tôi khấn xin, là cho tôi
được vui sống trong nhà Chúa trọn đời" ( Tv 26, 4 )
Nhưng để được ở trong nhà Chúa, tức là để chiếm
được Nước Trời, người ta phải nỗ lực chiến đấu. Chính Ðức Giê-su đã
nói: "Nước Trời ở dưới sức cường bạo, và những kẻ cường bạo
chiếm đoạt lấy." ( Mt 11, 12 ) Không gắng công chống trả ba thù,
thiếu quyết tâm đi vào cửa hẹp, làm sao có thể tìm được thiên đàng
đích thực.
Lm. BÙI QUANG TUẤN, DCCT, từ VietCatholic
CHỨNG TỪ:
GƯƠNG ANH HÙNG TỬ ÐẠO VIỆT-NAM
Hạnh các Thánh Tử Ðạo Việt-nam kể
lại rằng:
Ông Trùm Ðích và con rể là ông Lý Mỹ đều bị bắt trong cuộc
bách đạo. Trước sức ép của bạo lực cũng như cám dỗ bổng lộc, cả
hai ông đều thà chịu chết chứ kiên quyết khước từ không chịu đạp
lên Thánh Giá. Sau khi 2 lần tự nguyện chịu đòn thay cho nhạc phụ đã
già yếu, ông Lý Mỹ đối diện với quan quân, mạnh dạn tuyên xưng Ðức
Tin: "Thưa quan lớn, tôi đã suy xét
và tin nhận Ðạo Thiên Chúa là Ðạo thật nên tôi không thể chối bỏ.
Giả như có ai bảo quan lớn đạp lên đầu Ðức Vua là người đã ban chức
cao quyền trọng cho quan lớn, ắt hẳn quan lớn chẳng dám làm. Vậy thì
tôi đây, lẽ nào lại cả gan đạp lên tượng ảnh Thiên Chúa mà tôi
hết lòng thờ kính ?"
Cô con gái tên Mỹ mới 12 tuổi, vào thăm ông
Lý Mỹ trong ngục, đã khích lệ: "Xin
cha hãy can đảm chịu chết vì Chúa !" Ðến cậu bé Tường mới 9 tuổi
cũng nói: "Cha đừng lo cho chúng con.
Cha hãy an tâm vững lòng xưng Ðạo và chịu chết vì Ðạo !" Cuối
cùng là lời khuyên của bà vợ: "Vợ
con ai mà chẳng thương tiếc, nhưng ông hãy vác thập giá, trung thành
với Chúa cho đến cùng. Ðừng lo nghĩ về mẹ con tôi !"
NHỮNG NGƯỜI SẴN SÀNG CHỊU
CHẾT
Văn hào
Nga hiện đại Siniavski đã từng mang án khổ sai, hiện đang sống lưu vong
và dạy học tại Pháp. Với nhãn quan của một người không có tín
ngưỡng, ông đã viết về niềm tin Ki-tô giáo của các tín hữu xuyên
qua các cuộc bách hại mọi thời và mọi nơi trên thế giới như sau:
"Trong
các tôn giáo, Ki-tô giáo đã chọn lấy vai trò của một tiểu đoàn
xung kích, một đại đội trừng giới bị ném vào chỗ nguy hiểm nhất của
mặt trận. Các bạn hãy dõi mắt nhìn theo những người anh hùng Ki-tô
giáo ấy.
Trong
đội ngũ của họ, hạng người khôn ngoan không có là bao. Tiểu sử của
họ là một chuỗi dài những cuộc tuẫn đạo và tử vong nặng nề của
một đoàn quân chỉ biết noi gương Thiên Chúa của họ. Ðó là những
chiến sĩ phô bày trước thế gian những vết sẹo và thương tích như
những dấu hiệu hiên ngang, tự hào và vinh quang.
Họ thuộc đủ mọi thành
phần trong xã hội, cả giới hạ lưu bần cùng, cả bọn trọng phạm. Thế
nhưng, họ đều đã nhận lấy Thập Giá. Bất cứ ai cũng đều có thể gia
nhập đội ngũ của họ, người dốt nát cũng như kẻ đã từng phạm tội,
chỉ với một điều kiện là sẵn sàng nhảy vào lửa.
Ðó là thứ tôn giáo của
một niềm hy vọng lớn nhất phát sinh từ cảnh tuyệt vọng. Không một
tôn giáo nào trên thế giới này lại có được sự tiếp cận mật thiết
nhất với tử thần nhiều như Ki-tô giáo. Mà không phải là họ không
biết sợ hãi đâu ! Họ không hề chiêm ngưỡng sự vĩnh cửu, nhưng họ
chiếm lấy sự vĩnh cửu bằng cách phấn đầu với một thứ vũ khí duy
nhất; đó là sẵn sàng chịu chết !"
Linh Mục BERNARD BRO, Mùa Chay
1975, bản dịch của cụ An-tôn LÊ VĂN LỘC
CÂU TRUYỆN:
TUYỆT ÐỐI TRUNG THÀNH
Tiểu đoàn
dưới quyền chỉ huy của thiếu tá quân đội hoàng gia Tây-ban-nha là Don
Rodil đã bị quân đối phương bao vây đã 9 tháng ròng rã. Do vậy, các
binh lính phải chịu quá nhiều tổn thất hiểm nguy, lại thêm những
thiếu thốn lương thực khiến cho họ đâm ra quẫn trí, âm mưu chống lại
vị chỉ huy. Tất cả có 13 người nổi loạn, do một viên trung úy cầm
đầu. Mọi cái đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ còn chờ đúng 9 giờ tối ngày
23.9.1825 là bùng nổ. Tuy nhiên, trước đó mấy giờ, thiếu tá Don Rodil
đã phát hiện được âm mưu của phe nổi loạn, ông cho lệnh bắt tất
cả, đưa vào tra tấn và hỏi cung, nhưng không một ai chịu hé răng khai
thêm đồng bọn nào khác, ngoài việc cho biết giờ họ đã quyết định
hành động. Don Rodil tức giận đã ra lệnh xử bắn 13 tội phạm cũng
đúng vào lúc 9 giờ tối hôm ấy.
Dù vậy,
Don Rodil vẫn chưa thấy yên lòng. Ông cho người cấp tốc đi mời cha
Pedro Maria Lux vốn là Linh Mục Tuyên Úy của tiểu đoàn. Cuộc chất
vấn bắt đầu: "Thưa cha, 13 tên phản bội
định nổi loạn đều đã bị xử tử đúng 9 giờ tối hôm nay..." Cha Pedro điềm tĩnh nói: "Tôi có hay tin, khi ấy tôi đã đến nhà
nguyện để khẩn cầu Thiên Chúa cứu vớt linh hồn của họ !"
Viên sĩ quan
chỉ huy nheo nheo mắt có vẻ châm biếm: "Dường như cha quá chú ý
quan tâm đến họ thì phải ?" Cha Pedro
dõng dạc trả lời: "Vì đó là bổn phận của một Linh Mục như tôi. Sẵn đây, tôi cũng
xin cám ơn thiếu tá đã để tôi được giúp họ xét mình chu đáo và
lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải trước khi chết."
Giọng nói của Don Rodil đã bắt đầu căng thẳng: "Thưa cha, chắc hẳn bọn
chúng đã thú nhận tất cả với cha khi xưng tội, đã kể hết với cha
những mưu mô dự định của họ. Vậy, nhân danh hoàng đế Tây-ban-nha,
tôi yêu cầu cha hãy nói lại tất cả cho tôi những gì mà bọn chúng
đã thú nhận trong tòa Hòa Giải. Xin cha đừng bỏ sót bất cứ một chi
tiết nào !" Cha Pedro vẫn bình thản, nhỏ nhẹ trả lời: "Thưa
thiếu tá chỉ huy trưởng, rất tiếc là tôi không thể đáp ứng được
yêu cầu của thiếu tá. Không khi nào tôi lại hé lộ một điều gì mà
những người đến xưng tội đã nói với tôi trong tòa Hòa Giải. Cho dẫu
hoàng đế có truyền cho tôi đi nữa, tôi cũng phải dứt khoát từ
chối. Chính nghĩa vụ của một Linh Mục buộc tôi phải làm như vậy. Mong
thiếu tá bỏ qua !"
Thiếu tá
Don Rodil nghe vậy thì tức giận, sấn tới gắt gỏng: "Cha nên biết, sở dĩ tôi
tận tâm lo toan công việc này, tất cả chỉ vì lòng yêu mến và trung
thành đối với hoàng đế và tổ quốc Tây-ban-nha của chúng ta đó
thôi. Tôi bắt buộc cha phải thuật lại hết, nếu không, cha sẽ phải
trả giá đắt đấy, cha có hiểu không ?" Cha Pedro nhìn thẳng vào mắt viên sĩ quan: "Nếu Thiên Chúa muốn tôi
chết vì nghĩa vụ Linh Mục, tôi xin ngợi khen Thánh Ý của Người, còn
như làm điều thiếu tá đòi buộc thì quả thật là tôi không thể !"
Viên sĩ quan đập bàn quát lớn: "Này ông Linh Mục ngoan cố, biết âm mưu của kẻ phản
bội mà không chịu tố giác, đó chính là đồng lõa, là tòng phạm, vì
thế, ông cũng là một kẻ phản bội hoàng đế và tổ quốc !" Cha Pedro vẫn ngước cao đầu: "Không, tôi vẫn luôn trung thành với hoàng đế và
tổ quốc. Thế nhưng, không ai có quyền bắt tôi phải phản bội Thiên
Chúa !"
Ðến đây
thì Don Rodil không kềm nổi nữa, ông ta hung hăng chạy ra mở cửa
phòng, gọi viên chỉ huy phó của mình: "Ðại úy chỉ huy phó đâu
rồi ? Hãy ra lệnh cho 4 binh sĩ trong đội xử bắn, mang súng đạn đầy
đủ đến đây cho tôi ngay !"
Chỉ mấy
phút sau, đội lính đã sẵn sàng tuân lệnh. Don Rodil truyền cho họ
điệu cha Pedro ra pháp trường, nơi vừa xử bắn 13 kẻ nổi loạn, xác
vẫn còn để nguyên ở đấy. Tới nơi, Don Rodil quát bảo cha phải quỳ
xuống, nhưng cha Pedro vẫn giữ giọng nói chậm rãi: "Xin hãy để tôi đứng mà
chịu bắn ! Tôi không phải là một kẻ có tội, hơn nữa, tôi chỉ quỳ
gối trước mặt Thiên Chúa là Chúa của tôi mà thôi !"
Dứt lời,
cha chắp tay ngước mặt lên bầu trời đêm và thầm thĩ cầu nguyện với
Chúa một cách sốt sắng. Trong lúc đó, thiếu tá Don Rodil hô khẩu
lệnh cho 4 người lính nâng súng lên, rồi quay lại nói với ngài: Cha Pedro, một lần cuối
cùng, tôi yêu cầu cha nói lại tất cả những gì bọn phản loạn đã
nói với cha khi xưng tội. Bây giờ vẫn còn kịp đấy, bằng không, cha
sẽ phải chết tức khắc như một tên tội phạm !"
Vị Linh Mục
già vẫn thinh lặng cầu nguyện, như không hề biết những họng súng
đang sẵn sàng nhả đạn về phía mình. Tiếng viên thiếu tá vang lên
trong đêm: "Nhân danh hoàng đế và tổ quốc Tây-ban-nha, tôi
lệnh cho cha phải nói những gì cha đã nghe !
Cuối cùng
thì cha Pedro cũng đã lên tiếng, giọng dõng dạc và cương quyết không
chịu khuất phục. Và sau đây là những mẩu đối thoại cuối cùng:
- Nhân danh Thiên Chúa,
tôi tuyên bố từ chối đề nghị của thiếu tá !
- Ðó có phải là lời nói
sau hết của cha không ?
- Phải !
- Cha nhất định không chịu
khai gì ư ?
- Phải !
- Cha không còn gì hối hận
nữa chứ ?
- Phải !
Viên thiếu
tá chỉ huy chợt như thấy bản thân khiếp sợ run rẩy trước sức mạnh
tinh thần và dáng đứng vừa can trường lại vừa khiêm tốn của vị Linh
Mục già, Don Rodil phải dùng hết sức mình quát lên:
- Bắn !
Vừa dứt
lời, 4 họng súng đồng loạt nhả đạn, và cha Pedro quỵ xuống, trên tay
vẫn còn chắp lại, giữ chặt xâu chuỗi Mai Khôi. Lúc đó là đúng 10
giờ đêm ngày 23.9.1825.
Lm
NGUYỄN NGỌC RAO, TRÍCH từ LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI ? 1965.
HẠT GIỐNG LỜI CHÚA
Ông Chirwin, trong cuốn "Thánh Kinh
trong thế giới truyền giáo" có kể lại câu truyện có thật sau đây:
Tokichi
Ishii, một tên tử tội đã từng giết người không gớm tay đang chờ
ngày chịu hành quyết. Có hai bà trong hội Legio Mari„ của Nhật-bản
thường đi công tác Tông Ðồ trong các nhà giam, đã nhiều lần cố gắng
tìm cách vào thăm và khuyên nhủ Ishii nhưng đành thất bại ra về, các
bà chỉ còn biết để lại một cuốn Thánh Kinh Tân Ước với một lời đề
nghị thật dịu dàng nhân ái: "Lúc
nào thấy buồn quá, không biết làm gì thì anh chịu khó mở cuốn sách
nhỏ này ra đọc nhé !"
Trong những ngày dài phải chờ đợi cuộc xử bắn, quả thật Ishii
đâm ra buồn chán và khủng hoảng, không biết làm gì cho khuây khỏa,
anh ta trông thấy cuốn Tân Ước để trên bàn đã phủ bụi lâu nay và
tò mò mở ra đọc. Anh ta không ngờ tập sách nhỏ ấy lại khiến anh say
mê đọc ngấu nghiến từng câu.
Sau đó
một tuần, Ishii kể lại cho người cai ngục Công giáo: "Khi tôi đọc đến câu Ðức Giê-su nói
trên Thập Giá: "Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm..."
thì tôi dừng lại. Con tim tôi như bị một con dao dài đâm thâu. Tôi có
thể gọi đó là Tình Yêu của Ðức Giê-su, hay tôi phải gọi đó là
Lòng Thương Xót của Người ? Tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi
biết, đó là sự hung dữ tàn bạo nơi tôi đã tan biến, và tôi đã tin
vào Ðức Giê-su..."
Ngày bị đem đi hành quyết, mọi người
hiện diện đều ngạc nhiên vì Ishii đã biến đổi thành một con người
khác hẳn !
Sổ tay sưu tầm của cha TIẾN LỘC
CHỊU HY SINH ÐỂ BẢO TỒN KINH THÁNH
Ngày 3 tháng 4 năm 311, hoàng đế Galère của đế
quốc Rô-ma ở Phương Ðông đã cho ban hành một sắc lệnh chấm dứt các
cuộc bách hại đối với người Ki-tô hữu. Thế nhưng khi ông ta chết,
hoàng đế kế vị là Maximilian Daia lại tái diễn thảm kịch, và do vậy,
Giáo Hội Công giáo lại có thêm những vị anh hùng vui lòng chịu chết
vì Ðạo Chúa, đặc biệt, họ đã quyết lòng hy sinh để bảo tồn sách
Kinh Thánh, tác phẩm vô giá của Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại.
Ðức
Giám Mục Félix ở Phi châu, khi bị bắt phải đem nộp những quyển Kinh
Thánh hiện đang lưu giữ, ngài đã bình tĩnh tuyên bố: "Thà chính tay tôi phải đốt sách Kinh
Thánh còn hơn để Kinh Thánh bị thiêu rụi bởi tay người bách hại Ðạo
Chúa !"
Nữ
Thánh Irène ở Salonique, em gái của nữ Thánh Agapé đã khẳng khái
tuyên xưng: "Chúng tôi sẵn sàng chịu
thiêu sống hoặc chịu bất cứ khổ hình nào, hơn là giao nộp những cuốn
Kinh Thánh !"
Thầy
Phó Tế Hermes tại Héraclée thì mạnh dạn nói với pháp quan: "Dù các ông có thành công trong việc
bắt giao nộp tất cả các sách Kinh Thánh, dù trên thế gian này chẳng
còn dấu vết Thánh Truyền của chúng tôi đi nữa, thì các thế hệ con
cháu chúng tôi sớm muộn gì cũng sẽ tái tạo được những tác phẩm ấy
nhiều gấp bội, và họ sẽ càng hăng say giảng dạy sự kính mến Thiên
Chúa nhiều hơn nữa !"
HÀNH TRANG GIÁO LÝ VIÊN số
3.
THÔNG TIN:
Như tin đã đăng trên GOSPELNET số 34, ngày
thứ năm 8.11 vừa qua, em NGUYỄN PHƯƠNG TOÀN đã được chuyển từ
bệnh viện Lao Phạm Ngọc Thạch sang bệnh viện Nhân Dân Gia Ðịnh. Song
vì không có tiền đóng viện phí ( 3 triệu rưỡi ) nên bệnh viện Gia
Ðịnh đã từ chối khéo và cho em Toàn quay trở lại bệnh viện Pham Ngọc
Thạch. Em Toàn chẳng những bị tràn dịch mà còn bị tràn khí buồng phổi
nên khó qua khỏi.
Số tiền 1 triệu VND của GOSPELNET đã được
thầy Trần Xuân Sang gởi đến cho người mẹ của em Phương Toàn đang chăm
sóc cho em và bà vô cùng biết ơn những người đã giúp đỡ. Xin mọi
người tiếp tục cầu nguyện và giúp đỡ em Toàn và gia đình trong cơn
hiểm nghèo này để em có được một tâm hồn bình an trong những ngày
cuối đời của em. GOSPELNET xin trợ giúp thêm cho gia đình em Nguyễn
Phương Toàn số tiền 500.000 VND.
Thầy Lê Văn Hoàng, Dòng Phan-xi-cô vừa gửi thư
trình bày hoàn cảnh đáng thương của anh NGUYỄN VĂN HOAN, ngụ
tại Giáo Xứ Quảng Biên, xã Quảng Tiến, huyện Thống Nhất, Tỉnh Ðồng
Nai, Giáo Phận Xuân Lộc. Vợ chồng anh đã có một đứa con 2 tuổi.
Giữa tháng 7.2001, trong khi đi bỏ hàng vào sáng sớm, anh đã bị xe
đụng và cán lên 2 chân. Hơn 2 tháng điều trị với 9 lần giải phẫu
tại bệnh viện Chợ Rẫy, kết quả chân trái bị cắt đến đùi. Chân
phải bó bột với 2 đoạn gãy. Hoàn cảnh khó khăn vợ sắp chuyển dạ,
anh xin xuất viện và về ở nhờ ở nhà ba mẹ, trong lúc chính ba của
anh cũng đang có bệnh nặng về phổi và gan. Sau hơn một tháng nay nằm
ở nhà, thuốc men thiếu thốn, các vết thương sưng lên, đau nhức, gia
đình lại mới đưa anh lên bệnh viện Chợ Rẫy tái khám. Kết quả, siêu
âm là mỏm cụt chân trái bị nhiễm trùng phải phẫu thuật trở lại.
Còn vết gãy ở xương đùi chân phải lại lìa ra, cũng phải mổ rã bó
bột lại. Vợ anh lại vừa mới sinh cháu bé thứ hai. Anh Hoan hiện
được một người anh ruột là công nhân, phải xin nghỉ việc lên nuôi em
mình ở bệnh viện Chợ Rẫy.
GOSPELNET xin nhờ thầy Lê Văn Hoàng chuyển đến
trợ giúp gia đình anh Nguyễn Văn Hoan số tiền 500.000 VND để lo
liệu thuốc men.
Cha Ða-minh Ðặng Xuân Ðồng, cha sở Họ Ðạo Cái Trầu, Hạt Trà Lồng, Giáo
Phận Cần Thơ, Hộp Thư 9, Bưu Ðiện Trị Trấn Ngã 5, Thạnh Trị, tỉnh Sóc
Trăng, ( điện thoại: 079.869.160 ) vừa gửi cho GOSPELNET một lá thư
giới thiệu 3 trường hợp ngặt nghèo trong Giáo Xứ của cha, xin được
trợ giúp.
1. Em Phao-lô LÊ THÀNH
QUỐC, sinh 1985, con ông Phê-rô Lê Thành Hiếu và bà Tê-rê-xa
Nguyễn Thị Viễn. Em bị bại liệt hai chân ngay từ thuở nhỏ, không thể
phục hồi. Em rất thông minh và ham đọc sách. Em đã được Rước Lễ Lần
Ðầu Phục Sinh 2000 và sẽ được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức vào ngày
1.12.2001 tới đây. Nhà em khá xa Nhà Thờ Cái Trầu, mỗi Chúa Nhật,
người nhà của em lại phải cõng em xuống xuồng rồi chèo đến bến Nhà
Thờ, rồi lại cõng lên. Em rất mong có được một chiếc xe lăn để tự
di chuyển trong những đoạn đường bộ để đi học Giáo Lý và tham dự
Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật cũng như có thể được đi học văn hóa.
2. Em Phê-rô LÂM VĂN DỂ, sinh năm 1977, mồ côi
cả cha lẫn mẹ từ lâu, ở với gia đình người anh là Phê-rô Lâm Văn
Muôn. Gia đình này có tới 9 người mà lại không có một công ruộng
nào cả. Em Dể bẩm sinh đã không có trí khôn, không biết nói, chỉ la
lên ú ớ, không ai hiểu em muốn nói gì. Gia đình anh Muôn xin được trợ
giúp để có thể mưu sinh và săn sóc cho em trai mình.
3. Em Ma-ri-a TRƯƠNG THỊ THANH
ÐƯƠNG, sinh
năm 1976, con ông Phê-rô Trương Văn Phon và bà Ma-ri-a Phạm Thị Bài.
Gia đình có tất cả 8 miệng ăn mà không có một công ruộng nào để
mưu sinh. Em Ðương không có trí khôn, lại bị khuyết tật cả tay chân
bên phải. Gia đình ông Phon rất mong được trợ giúp để sinh sống và
săn sóc đứa con bị khuyết tật.
GOSPELNET xin gửi đến cha
Ðặng Xuân Ðồng số tiền 500.000 VND cho gia đình em LÂM VĂN DỂ,
500.000 VND cho gia đình em TRƯƠNG THỊ THANH HƯƠNG, và một chiếc xe lăn có
thể xếp được do ông bà Nguyễn Văn Hiệp người Phật Giáo mua
tặng cho em LÊ THÀNH QUỐC, tất cả sẽ được chuyển về Cần Thơ
nhờ chị Bùi Thị Hồng Nga ( điện thoại: 071.838.427 ) chuyển về Sóc
Trăng. Rất mong quý ân nhân gần xa trợ giúp thêm thường xuyên cho
hai gia đình em Dể và em Ðương.
THÔNG TIN VỀ
CHÁU BÉ NGUYỄN MỘNG TUYỀN BỊ BẠI LIỆT
GOSPELNET vừa nhận được qua Bưu Ðiện thư của cha
Mai Văn Thược, Giáo Xứ Madagouil, Giáo Phận Ðà Lạt ( điện thoại:
063.874.367 ), do anh Phạm Văn Lượng, thuộc Huynh Ðoàn Ki-tô Bệnh Nhân
và Người Khuyết Tật chuyển, giới thiệu trường hợp cháu bé NGUYỄN
MỘNG TUYỀN, mẹ là chị Phùng Thị Thủy, 22 tuổi, mới góa chồng
phải một nách 2 con nhỏ là Mộng Tuyền ( 3 tuổi ) và một cháu nhỏ (
3 tháng tuổi ), hiện cư ngụ tại thôn 3, xã Hà Lâm, huyện Ða Hoai,
tỉnh Lâm Ðồng. Cháu Mộng Tuyền bẩm sinh bị bại liệt toàn thân,
không nói được. Chị Thủy tuy là người ngoài Công giáo, nhưng rất
mong được gửi cháu Mộng Tuyền vào một Nhà Tình Thương Công giáo để
được chăm sóc và chữa trị trong khi chị cố gắng lo mưu sinh nuôi cháu
nhỏ.
GOSPELNET xin trợ giúp ngay số tiền 500.000 VND cho chị
Phùng Thị Thủy và cố gắng liên hệ để giới thiệu cháu Mộng Tuyền
được vào Cơ Sở Nuôi Dạy Trẻ Khuyết Tật Thiên Phước, địa chỉ:
xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, Sài-gòn.
Anh em Mai Khôi và Tâm Ca ở Hoa Kỳ thực hiện chương trình LẼ SỐNG để giúp:
- Quỹ GOSPELNET Mổ Tim của
cháu bé HOÀNG ÐÀO XUÂN MAI: 100
USD
-
Quỹ GOSPELNET của người nghèo: 100
USD
-
Quỹ GOSPELNET cứu trợ lũ lụt Miền Tây
( đã dùng để cứu trợ lũ lụt ): 100
USD
Chị Trần Thị Ðào, Ðại Học Y Dược cơ sở 2
( Sài-gòn ) giúp Quỹ GOSPELNET: 500.000
VND.
Một bạn cựu ca viên Tâm
Ca ở Việt
Nam giúp Quỹ GOSPELNET: 1.000.000
VND.
Ông bà Nguyễn Văn Hiệp,
người
Phật giáo ( Sài-gòn ): Một chiếc xe lăn xếp
được.
Dòng Mến Thánh Giá Ðà
Lạt (
cộng đoàn Lê Văn Sỹ, Sài-gòn ): 500.000
VND.
Như vậy,
tính đến ngày 11.11.2001, Quỹ Mổ Tim của cháu bé HOÀNG ÐÀO XUÂN
MAI đã được tất cả là: 3.700.000 VND và 100 USD. Còn Quỹ Mổ
Tim của cháu bé HÀ LÊ MỸ TIÊN là: 870 USD và 3.500.000 VND. Các
cháu vẫn còn phải chờ được xét miễn giảm và lên lịch giải phẫu vì
các bệnh nhân còn rất đông.