TIN MỪNG: Lc 19, 1 10
Sau khi vào
Giê-ri-khô, Ðức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Và kìa, có một
người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là
người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Ðức Giê-su là ai,
nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền
chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Ðức Giê-su, vì Người
sắp đi qua đó.
Khi
Ðức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này
ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !" Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón
rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người
tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !" Còn
ông Da-kêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, này đây
phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã
cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn".
Ðức
Giê-su nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho
nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham ! Vì Con
Người đến để tìm và cứu những gì đã mất !"
SUY NIỆM 1:
Ðứng trước
tội nhân hay những người sa ngã, hư hỏng, dư luận xã hội thường lên
án, khinh miệt, loại trừ
Ðó là thái độ vốn có của những người
Do-thái có tiếng là đạo đức như các thầy tư tế, các luật sĩ và
biệt phái đối với những người tội lỗi như Da-kêu.
Ngay
cả Chúa Giê-su, dù Ngài chỉ tiếp đón những người tội lỗi thôi thì
cũng đã bị tai tiếng rồi. Khi Các
người thu thuế và các người tội lỗi lui tới với Ðức Giê-su để nghe
Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với
nhau: "Ông này đón tiếp
phường tội lỗi và ăn uống với chúng."
Chính
thái độ khinh thị và loại trừ người tội lỗi như thế lại càng xô
đẩy người sa ngã lún sâu hơn trong tội lỗi của mình. Cư xử như thế
là dìm xuống chứ không phải là nâng lên. Còn về phần Chúa Giê-su,
Ngài có cách cư xử rất đẹp đối với người tội lỗi và chính cách cư
xử cao thượng này có một sức cảm hoá thần diệu. Cung cách đối xử
của Ngài là niềm nở tiếp đón và trân trọng ho, coi họ như bạn bè.
Dư luận hồi ấy đã xem Ngài "là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu
thuế và phường tội lỗi." ( Mt 11, 19 )
Chúa Giê-su thừa biết Da-kêu
là ai và thuộc hạng người nào, nhưng Chúa Giê-su không nhìn Da-kêu
bằng ánh mắt khinh miệt của người Do-thái, nhưng đối xử với ông
bằng tấm lòng trân trọng và yêu thương.
Khi
thấy Da-kêu vắt vẻo trên cành cây chờ xem Chúa Giê-su đi qua, Chúa
vui vẻ thân mật vẫy chào ông trước: "Này
ông Da-kêu..." Chúa Giê-su gọi đích danh ông như đã từng quen biết
từ lâu. Việc gọi tên thân mật này khiến ta nhớ lại lời Chúa
Giê-su nói về quan hệ gắn bó giữa người chăn chiên tốt và đoàn
chiên của mình: "Chiên nghe tiếng
của anh và anh gọi tên từng con chiên" ( Ga 10, 3 ).
Và Chúa Giê-su tiếp: "xuống mau đi !". Có lẽ đây không
phải là lời thúc giục mà chỉ là lời vui vẻ thân mật ở giữa bạn
bè. Rồi Chúa Giê-su lại muốn thắt chặt mối tình bằng hữu qua việc
cùng ăn uống đồng bàn với Da-kêu, và hơn thế nữa, đề nghị ở lại
tại nhà ông để rộng giờ hàn huyên tâm sự: "Hôm nay, tôi sẽ ở lại nhà ông".
Sáng
kiến tình yêu của Chúa Giê-su lúc đó chắc hẵn phải khiến cho Da-kêu
sửng sốt. Một bậc thầy khả kính và nổi tiếng như Ðức Giê-su mà lại
đến trọ tại nhà một người tội lỗi như Da-kêu ư ? Chuyện thực mà
tưởng như mơ ! Và Da-kêu vô cùng sung sướng đón tiếp Ðức Giê-su vào
nhà mình.
Thái
độ yêu thương, trân trọng và quý mến của Ðức Giê-su đối với Da-kêu
đã làm cho ông đổi đời thật sự, một sự thay đổi tận căn ít ai dám
mong đợi. Bấy giờ Ông Da-kêu đứng
lên thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của
tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì,
tôi xin đền gấp bốn."
Dám
đem nửa phần gia sản lớn lao của mình trao ban cho người nghèo khó,
lại chấp nhận đền gấp bốn những thiệt hại đã gây ra
quả là một
nghĩa cử anh hùng ! Từ một người đáng khinh, Da-kêu bỗng trở thành
một người rất đáng khâm phục !
Kho tàng
văn học thiền có ghi lại câu chuyện sau đây. Thiền sư Sengai có một
anh đệ tử hư hỏng, đêm đêm thường leo tường trốn ra ngoài chơi đêm.
Vị thiền sư biết được điều đó nên vào đêm nọ, sau khi phát hiện
người đệ tử vượt tường bằng cách leo lên một chiếc ghế khá cao, vị
thiền sư đi đến vị trí đặt ghế, nhắc chiếc ghế bỏ sang bên rồi đứng
vào chỗ đó.
Trong
đêm tối, người học trò leo tường trở vào, rồi theo thói quen đặt
chân lên ghế để nhảy xuống, không dè lại đặt chân lên lưng thầy.
Khi phát hiện thầy đứng ngay trước mặt, anh học trò hoảng sợ chờ
đợi những lời khiển trách nặng nề. Thế nhưng cuối cùng vị thầy chỉ
nói mấy lời yêu thương: "Aωo con ướt đẫm sương đêm rồi ! Mau vào
thay áo ngay kẻo cảm lạnh !"
Thế
là từ đó, người học trò không bao giờ còn đi chơi đêm nữa.
Những lời trách móc, lên án, những thái độ khinh bỉ hay
loại trừ chỉ tạo nên nguy cơ làm cho những con người tội lỗi lún sâu
vào con đường lầm lạc. Nhưng chính thái độ tôn trọng và tấm lòng
yêu thương sẽ tạo nên sức cảm hoá diệu kỳ. Ðó là nghệ thuật cảm
hoá lòng người rất khôn khéo mà Chúa Giê-su đã sử dụng để làm nên
phép lạ nơi con người Da-kêu, biến cải một con người tưởng là hết
thuốc chữa trở thành một người mới rất đáng khâm phục.
Vậy,
lạy Chúa Giê-su, trước người lầm lỗi,
Xin cho
chúng con thay thế những lời kết án bằng những lời lẽ yêu thương;
Xin cho
chúng con biết thay đổi cái nhìn khinh khi bằng cái nhìn tôn trọng;
Nhờ
đó, chúng con sẽ tạo cơ hội cho nhiều anh em lầm lỗi có cơ may phục
thiện và đổi mới cuộc đời.
Lm. I-nha-xi-ô TRẦN NGÀ ( Phan Rang )
SUY NIỆM 2:
THÁI ÐỘ ÐỐI VỚI NGƯỜI TỘI LỖI
1.
Hai
thái độ có thể có đối với những người tội lỗi
Ðối với những người tội lỗi, để giúp
họ từ bỏ con đường tội lỗi để trở nên tốt hơn, người ta có thể có
hai thái độ:
Một
là tẩy chay xa lánh họ để nhờ đó họ nhận ra tội lỗi của
mình mà sửa chữa. Sách Dân số đã từng khuyên: "Này, chớ tới
gần lều của những con người hư đốn ấy, và đừng đụng tới tất cả
những gì của họ, kẻo vì liên luỵ mà anh em cũng bị huỷ diệt cùng với
tất cả tội lỗi của họ" ( Ds 16, 26 ). Thánh Phao-lô có khi chủ
trương tương tự: "Thưa anh em, nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi
truyền cho anh em phải xa lánh mọi người sống vô kỷ luật, không theo
truyền thống anh em đã nhận được từ nơi tôi» ( 2 Tx 3, 6 ), và ngài
khuyên Ti-mô-thê: "Anh hãy xa lánh tất cả những người ấy" ( 2 Tim
3, 5 ). Chính Ðức Giê-su cũng có khi chủ trương phải dùng biện pháp
này đối với những kẻ ngoan cố như biện pháp cuối cùng sau khi tất
cả mọi biện pháp đều thất bại: "Nếu nó không nghe họ, thì
hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy
kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế" ( Mt 18, 17 ).
Do đó, nhiều
Ki-tô hữu được gọi là đạo đức cũng chủ trương như vậy, thậm chí áp
dụng nó một cách hết sức máy móc. Biện pháp này mang tính cảnh
cáo, trừng phạt, nhiều khi cần thiết và có tác dụng rất tích cực,
nhưng cũng rất lắm khi bị phản tác dụng: tạo khó khăn, gây bất mãn,
bít đường sống lương thiện, hoặc đẩy sâu vào đường tội lỗi.
Thái
độ thứ hai, ngược lại, là gần gũi và biểu lộ tình thương đối với
họ. Ðây là thái độ mà Ðức Giê-su thường xử sự đối với người
tội lỗi, và hầu như luôn luôn có tác dụng tốt. Ngài không hề xa
tránh những người thu thuế, bọn đĩ điếm, vốn bị coi là hạng người
tội lỗi, như những kinh sĩ và người Pha-ri-sêu thường làm. Ngài sẵn
sàng ở trọ nhà người tội lỗi ( x. Lc 19, 7 ), ăn uống và giao du
thân thiện với họ ( x. Mt 9, 10; Mc 2, 15; Lc 5, 30 ). Người Do-thái
thời ấy không thể tưởng tượng được một ngôn sứ như Ngài lại có
thể đối xử thân mật như thế đối với người tội lỗi, hoặc để họ
đụng chạm đến thân thể mình ( x. Lc 7, 39 ). Không những thế, Ngài
còn nhận một người thu thuế vào số các môn đệ thân tín nhất của
mình ( x. Mt 10, 3; Lc 5, 27 ).
Kết quả của thái độ nhân từ đó là biết bao người tội
lỗi ( thu thuế, đĩ điếm... ) trở lại con đường ngay chính, say mê nghe
Ngài rao giảng Tin Mừng, mà bài Tin Mừng hôm nay kể ra một trường
hợp điển hình. Chính vì Ðức Giê-su sẵn sàng vào nhà ông Da-kêu, một
kẻ bị coi là tội lỗi, ăn uống và trọ tại nhà ông, mà con người
ông đã hoàn toàn thay đổi. Thử tưởng tượng xem, nếu Ngài cũng đối
xử với Da-kêu như cách mà người Do-thái thường làm là tẩy chay và
xa lánh ông, thì kết quả ra sao! Còn biết bao trường hợp trở lại
khác vì thái độ bao dung và gần gũi của Ngài ( x. Lc 7, 36-50; Ga 4, 39
42; 8, 2 11 ), đến nỗi Ðức Giê-su cho biết chính bọn tội lỗi biết
hối cải ấy còn vào thiên đàng trước và đông hơn cả bọn kinh sĩ và
Pha-ri-sêu nữa ( Mt 21, 31 32 ).
2.
Người
Ki-tô hữu nên có thái độ nào ?
Thực ra, thái độ nào cũng có cái hay và cái dở của nó.
Vì thế, người Ki-tô hữu nên tùy nghi mà áp dụng thái độ này hay
thái độ kia trong từng trường hợp, miễn sao đạt được kết quả tốt. Thái
độ yêu thương gần gũi thường có nhiều cơ may cảm hóa được người tội
lỗi hơn thái độ tẩy chay rất nhiều. Ðiều này được chứng tỏ trong Tin
Mừng qua thái độ của Ðức Giê-su. Thái độ tẩy chay chỉ nên áp dụng
một cách hạn chế, như một biện pháp cuối cùng, sau khi mọi biện
pháp khác đều thất bại. Và chỉ nên áp dụng khi được thúc đẩy bởi
tình thương và tinh thần trách nhiệm chứ không phải bởi lòng ghen
ghét, ác cảm, với tinh thần bỏ mặc, vô trách nhiệm. Rất tiếc, biện
pháp này lắm khi đã bị lạm dụng trong Giáo Hội gây ra rất nhiều
điều đáng tiếc.
Cũng nên nhắc lại rằng cần phân biệt
sự ác và người ác. Cần phải ghét bỏ và xa tránh sự ác chứ không phải
người ác. Ðức Giê-su và các Tông Ðồ dạy ta phải yêu thương người
ác và kẻ thù, làm ơn cho họ ( x. Mt 5, 44; Lc 6, 27; Rm 12, 20, v.v... ).
Trong số các điều ác, thì dường như Ðức Giê-su tỏ ra ghét tính kiêu
ngạo, sự giả hình, tính hay kết án và khinh chê người khác hơn tất
cả những tính xấu khác. Tội lỗi bao nhiêu Chúa cũng tha được, nhưng
dường như Chúa không tha tội cho những kẻ không chịu tha thứ cho người
khác ( x. Mt 18, 23 35 ), những kẻ hay kết án người khác ( x. Lc 6, 37
), những kẻ tự kiêu và lên mặt chê bai người khác ( x. Lc 18, 9 14
).
Chính vì thế mà những người đã từng hành nghề thu thuế và
mãi dâm, mà biết hoán cải hoàn lương thì lại dễ vào thiên đàng hơn
bọn kinh sư và Pha-ri-sêu là những kẻ hay lên án và khinh chê kẻ
khác. Do đó, chúng ta phải xét lại thái độ của chúng ta đối với
người xấu, coi chừng kẻo Chúa kết án ta nặng hơn những kẻ bị ta kết
án vì thái độ bất bao dung và kiêu ngạo của ta.
3. Kinh nghiệm cải hóa trong việc giáo dục con
cái
Kinh nghiệm giáo dục con cái cho tôi thấy: con cái
mà hư hỏng không phải vì chúng không biết điều nào nên làm điều
nào nên tránh cho bằng chúng không có đủ động lực thúc đẩy chúng
làm những điều chúng biết phải làm, và xa tránh những điều chúng
biết là không nên làm. Chúng cũng có một tâm lý như thánh Phao-lô,
và cũng là tâm lý của tất cả mọi người: "Ðiều tôi muốn, thì
tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. Sự thiện
tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ
làm" ( Rm 7, 15 . 19 ). Ai cũng có tính xác thịt yếu đuối: "Tính
xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần
Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên
kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn" ( Gl 5,
17 ).
Vì thế, đừng quan trọng hóa những lầm lỗi của
chúng hơn việc biểu lộ tình thương và thông cảm của ta. Hãy bắt
chước Thiên Chúa: "Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi
loài người, để họ còn ăn năn hối cải" ( Kn 11, 23 ). Ngài kiên
nhẫn chờ đợi ta trở về với Ngài. Tại sao ta không thể kiên nhẫn
chờ đợi con cái mình thay đổi ?
Ðiều quan trọng là tạo cho chúng sức
mạnh hơn là cho chúng một mớ lý thuyết. Khi làm cho con cái mình cảm
nghiệm rằng chúng được cha mẹ yêu thương, quan tâm, tôn trọng, chăm
sóc và sẵn sàng hy sinh tất cả cho chúng, thì tôi nhận thấy chúng
tỏ ra yêu thương cha mẹ hơn, hiếu thảo, vâng lời, chịu khó làm việc
hơn, vì thế ít lầm lỗi hơn. Khi ấy, tôi thấy rõ rằng hình phạt không
làm chúng sợ cho bằng việc nhìn thấy chúng tôi buồn.
Chính tình thương đầy thông cảm và tha thứ
mà chúng cảm nhận được nơi chúng tôi, và những gương hy sinh, chiến
đấu mà chúng thấy nơi chúng tôi đã giúp chúng vượt thắng khi chiến
đấu với cám dỗ, với thói hư tật xấu của tuổi trẻ. Chúng tôi khám
phá ra rằng để trở nên tốt, con cái chúng ta cần tình thương, sự dịu
dàng, âu yếm, sự quan tâm, gần gũi của chúng ta hơn những lời
khuyên bảo, trừng phạt. Nếu chúng không cảm nghiệm được tình thương
của ta, thì mọi lời khuyên, mọi cố gắng giáo dục của ta đều trở
nên vô ích.
Vì thế, tôi không muốn khuyên bảo con
cái tôi quá nhiều, nhất là về những điều mà tôi nghĩ chúng đã quá
biết rồi. Khuyên và trừng phạt quá nhiều chỉ làm cho bầu khí giữa
cha mẹ và con cái luôn căng thẳng, khiến sự thân mật và thông cảm
giữa chúng với ta ngày càng giảm đi. Nhất là làm cho chúng có cảm
tưởng rằng chúng ta ghét chúng hoặc không thương chúng đủ. Và từ
đó, chúng càng ngày càng xa cách ta, không muốn nghe ta nói gì nữa,
khiến cho mọi lời khuyên bảo răn đe của ta đều ra "công dã
tràng".
Cổ nhân ta có câu: "Giáo đa thành
oán" mà tôi phải công nhận là đúng khi thấy mình thất bại trong
việc giáo dục con cái một thời gian. Hay chê bai và phiền trách
chúng quá nhiều có thể làm chúng thất vọng, mất tự tin, khiến
chúng nghĩ rằng chúng không thể làm được điều tốt. Vì nếu không có
động lực là tình yêu thúc đẩy, chúng không thể làm được những điều
chúng biết là phải làm. Tình yêu của chúng đối với ta là động lực
mạnh nhất để chúng nên trở nên tốt.
3.
Áp dụng vào việc cải hóa người
xấu
Làm cho mọi người chung quanh ta trở nên tốt hơn là một bổn
phận của mọi Ki-tô hữu. Từ bài học của bài Tin Mừng hôm nay, và
từ kinh nghiệm giáo dục con cái, tôi nhận ra rằng: để trở nên tốt,
người ta cần lời khuyến khích hơn trách cứ, cần cảm thông hơn kết
án, cần động viên hơn trừng phạt, cần tình thương và gương sáng hơn
lời khuyên bảo, cần được gần gũi hơn bị xa tránh. Cả hai cách đều
tốt, nhưng cách trước thường tốt, dễ sử dụng và có hiệu quả hơn
cách sau mà không gây tai hại. Cách sau khó sử dụng hơn rất nhiều,
vì nó có thể động chạm đến tự ái, danh dự, quyền lợi của người
khác, hoặc tạo nên khó khăn cho họ, nên dễ bị phản tác dụng, có
thể gây ác cảm, thù ghét, căng thẳng.
Vì thế, muốn sử dụng cách sau thì phải hết sức khôn khéo
và tế nhị. Nhưng dù sử dụng cách nào thì cũng phải làm cho người mà
ta muốn cải hóa cảm nhận được tình thương, thiện cảm và thiện chí
của ta đối với họ. Và trước khi cảm hóa ai, hãy nhận thức rằng rất
nhiều khi trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai ta cũng yếu
đuối và lầm lỗi không kém gì họ.
Cầu
nguyện:
Lạy Cha, xin
cho con nhận ra bản tính yếu đuối và hay lầm lỗi của mình trước khi
muốn cảm hóa bất kỳ ai. Nhờ nhận thức đó, con sẽ thông cảm với
tất cả những yếu đuối và lầm lỗi của mọi người, con sẽ yêu thương
họ nhiều hơn. Chính nhờ sự yêu thương và thông cảm đó, con sẽ cảm
hóa được nhiều người hơn. Xin cho con học được cách hành xử của Ðức
Giê-su đối với những ai bị mọi người coi là tội lỗi như Da-kêu. Cho
con biết thật sự yêu thương những con người như thế trước khi muốn
cảm hóa họ. Amen.
Giáo sư NGUYỄN CHÍNH KẾT
SUY NIỆM 3:
MÙA XUÂN CHO CUỘC ÐỜI HỒI SINH
Có hai thứ mùa xuân: Xuân
đất trời và xuân tâm hồn. Xuân đất trời cho cây cối đâm chồi, nảy
lộc, ra hoa kết trái. Xuân tâm hồn khi lòng người thanh thản, bình an,
chan chứa niềm vui. Tâm hồn Da-kêu phơi phới mùa xuân về, đón nhận
Ơn Cứu Ðộ khi gặp gỡ được Ðức Giê-su, Ðấng Cứu Ðộ. Da-kêu được
biến đổi từ một cuộc đời tội lỗi thành cuộc sống quảng đại, phục
vụ nhờ "gặp gỡ Ðức Ki-tô, biến đổi cuộc đời mình".
Chúa Giê-su
đi qua Giê-ri-khô, tiến về Giê-ru-sa-lem, bước vào khổ nạn cùng với
đoàn người hành hương tầng tầng lớp lớp. Chúa ngước mắt lên cây
sung, ánh mắt Chúa và ánh mắt Da-kêu gặp nhau. Aωnh mắt Da-kêu bộc
bạch tất cả tấm lòng và cuộc đời của mình: một người thu thuế; một
người bị vạ tuyệt thông cách ly; một tâm hồn khát khao muốn gặp
Chúa; một con chiên lạc đang tìm lối về...
Lòng
Chúa xao xuyến, thương mến vô vàn, một tâm hồn mà Chúa đang muốn tìm
về đây. Niềm vui của Ðấng Cứu Ðộ đi tìm và cứu chữa những gì hư mất
đã bật thành lời; "Hỡi Da-kêu hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải
lưu lại tại nhà ngươi". Da-kêu cười sung sướng, nhảy xuống đất,
chạy mau về nhà, làm tiệc tiếp đãi khách quý.
Trước
đây Da-kêu chỉ nghĩ đến tiền và sống ích kỷ cho riêng mình, không nghĩ
đến người khác, trước đây ông vốn tham lam, bất lương. Lòng quảng
đại của ông đã bị chôn vùi bao nhiêu năm nhưng hôm nay gặp được Ðức
Giê-su ông đã biết sống trao ban cho người khác, quan tâm đến người
nghèo, sống công bằng với mọi người, lòng quảng đại đó được bộc
phát cách rõ ràng: "Tôi xin bố thí phần nữa của cải của tôi cho
người nghèo, và nếu tôi có gian lận gì của ai, tôi xin đền lại gấp
bốn". Quả là mùa xuân về trong tâm hồn Da-kêu, ngập tràn ánh
nắng và niềm vui, bình minh Ơn Cứu Ðộ chan hoà lòng trí ông, gia đình
ông.
Trong sách Lv 5, 20 26; Xh 21, 37; Ds 5, 6
đều nói đến phải trả lại, đền bù cho người nghèo, kẻ bị thiệt hại
một số của cải. Ðó là luật trong Cựu Ước. Da-kêu trình bày ngay vấn
đề cho thấy có lẽ Oβng đã nghiên cứu Thánh Kinh, biết được các luật
lệ đó, tiếng lòng hồi sinh và như vậy ông đã có thao thức thầm kín,
có băn khoăn và chờ đợi. Trong cuộc sống dư giả vật chất, bân rộn
với công việc làm ăn, ông vẫn thấy lòng trĩu nặng ưu tư, để rồi
hôm nay có cơ hội ông tìm kiếm Chúa mong làm lại cuộc đời mới.
Thánh Luca đã nói rõ. Ông là thủ lãnh của những người thu thuế.
Giê-ri-khô bấy giờ là hải cảng, thu thuế nơi xuất nhập cảng
phồn thịnh phải là một tay có thế lực. Trong nghề nghiệp đó, bạn bè
của ông phải là những người thu thuế, các sĩ quan Rô-ma. Vậy tại sao
ông lại vất vả chen lấn với đám đông để mong gặp một người tên là
Giê-su, kẻ hoàn toàn khác địa vị xã hội với ông ? Là người giàu
có, sang trọng, ông bỏ cả thể hiện sẵn sàng trèo lên cây sung như
một đứa trẻ để nhìn cho được Ðức Giê-su đi qua.
Hơn
nữa, vốn bị dân chúng thù ghét, ông có thể bị nguy hiểm tính mạng
khi đối diện với quần chúng giữa đám đông. Như thế ông phải liều,
và bỏ ra ngoài mọi phê bình. Ðộng lực nào thúc đẩy ông đi tìm Ðức
Giê-su ?Chắc chắn không phải vì sự tò mò, nhưng có lẽ nhờ lời
Thánh Kinh đánh động và tâm hồn mong hoán cải đã thúc bách ông lên
đường tìm Chúa !
Hoán
cải là kết quả của một cảm nhận về tình yêu, một ưu tư thao thức
tìm kiếm. Ánh mắt, lời nói và thái độ của Chúa Giê-su đem mùa xuân
về cho tâm hồn Da-kêu. Những gì xưa nay trói buộc ông, làm cho ông
say mê kiếm tìm giờ trở nên vô vị. Da-kêu trở nên nghèo hơn trước,
nhưng ông lại hạnh phúc hơn xưa nhiều lần, vì ông đã gặp được Chúa,
được nhận lãnh Ơn Cứu Ðộ của người Mục Tử Nhân Lành đi tìm con
chiên lạc.
Lạy
Chúa, ước gì chúng con nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa, nói với
họ bằng ngôn ngữ Phúc Aβm, sống với họ bằng hành vi bác ái, hy
vọng vào lòng tốt nơi mỗi người, tin tưởng vào sự quảng đại nơi họ,
hầu chúng con có thể đưa mùa xuân về cho tất cả những ai chúng con
gặp gỡϋ trong cuộc đời. Amen
Lm.
Nguyễn Hữu An, Phan Thiết
CÂU TRUYỆN:
HOÁN CẢI MỘT TÂM HỒN
Theo một truyền thuyết về thánh Gio-an, tác giả
sách Tin Mừng, sau 3 năm ngài bị lưu đầy ở đảo Patmos, khi trở về Ê-phê-sô,
ngài được biết chuyện về một chàng trai mà ngài đã từng kỳ vọng
rất nhiều tại cộng đoàn Ê-phê-sô. Hiện anh ta đã sa ngã và trở
thành một thủ lãnh trộm cướp khét tiếng. Thánh Gio-an tuy đã già
yếu gần 100 tuổi vẫn một mình chống gậy tìm lên ngọn núi sào huyệt
của anh ta. Mới đến lưng chừng núi thì cụ già bị bọn lâu la bắt trói
dẫn về cho thủ lãnh.
Vừa gặp mặt, chàng trai đã giật mình kinh sợ vì
nhận ra thầy cũ của mình. Thánh Gio-an sau khi được cởi trói, ôn tồn
khuyên nhủ: "Này con yêu của thầy,
sao con lại tránh nhìn vào mắt thầy ? Bây giờ đứng trước mặt con,
thầy chỉ là một con người già yếu, không thể tự vệ được cơ mà..." Ngài
thinh lặng một chút rồi lấy hơi nói tiếp: "Con đừng ngại, tội lỗi của con chắc chắn đã được Thiên
Chúa tha thứ. Chính thầy đã xin điều ấy cùng Chúa Giê-su đầy lòng
thương xót cho con rồi. Thôi, con hãy cùng với các bạn con rời bỏ
ngọn núi này mà theo về với thầy nhé..."
Chàng
trai nghe đến đây thì quỳ xụp xuống, xấp mình khóc lóc trong niềm vui
được hoán cải và tha thứ. Sau đó, mọi người được chứng kiến một
cảnh tượng lạ lùng: một ông lão dìu một chàng trai xuống núi, theo
sau là tất cả thủ hạ trong băng cướp...
Trích
NỐI LỬA CHO ÐỜI tập 2
TÀI LIỆU:
Ngày nay, vấn đề về Ân xá không còn được mọi Ki-tô hữu
để ý lưu tâm đến, nên có sự hiểu sai lệch hay coi thường kho tàng
ân sủng mà Thiên Chúa trao ban cho Giáo Hội. Nhân ngày lễ cầu
nguyện cho các linh hồn, chúng ta cùng nhau tìm hiểu kho tàng ân sủng
mà Giáo Hội luôn rộng mở và mời gọi mọi người lãnh nhận để giúp
các linh hồn được hưởng nhờ ân xá, tha một phần hình phạt ( ơn tiểu
xá ) hay tha tất cả hình phạt ( ơn đại xá ) do hậu quả của tội gây
ra.
Dựa vào Tông Huấn Indulgentiarum Doctrina
( 1.1.1967 ), Huấn thuyết về Aβn Xá của Ðức Thánh Cha Paulus VI (
30.6.1963 6.8.1978 ) và Quy luật về Ân xá ( 1968 ) để xác định
rõ nghĩa hơn:
1.
Có thể hưởng ân xá hay nhường cho các linh hồn.
2.
Ơn tiểu xá được ban khi người tín hữu thực hành những điều phúc đức
do Giáo Hội quy định với điều kiện ăn năn và từ bỏ các tội đã
phạm, đó là:
2.1 Ðọc
một kinh do Giáo Hội chỉ định.
2.2
Hướng tâm hồn lên với Chúa đang lúc làm việc.
2.3 Làm
một việc bác ái giúp đỡ người nghèo.
2.4 Làm
một việc hi sinh hãm mình vì yêu mến Chúa.
Mỗi
việc đạo đức ấy khi thực hành được hưởng một phần ân xá hay tiểu
xá.
3.
Mỗi ngày chỉ được nhận một ơn đại xá, trừ trường hợp nguy tử. Ðể
lãnh ơn đại xá trong lúc nguy tử, người hấp hối cầm Thánh Giá Chúa
Ki-tô và tin tưởng vào lòng tư bi của Người.
4.
Ðiều kiện lãnh nhận ơn đại xá:
- Thực hành một viêc do Giáo Hội chỉ định.
- Xưng tội riêng.
- Rước lễ và cầu nguyện theo ý Giáo Hoàng
vào ngày hôm đó.
5. Xưng
tội có thể trước hoặc sau nhiều ngày. Nhưng phải rước lễ và cầu
nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng vào ngày hôm đó.
6.
Cầu nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng: Ðọc kinh Lạy Cha và Kính Mừng hoặc
một kinh nào đó do lòng sùng kính riêng; đồng thời hướng ý cầu
nguyện về Ðức Giáo Hoàng.
7.
Ðược lãnh ơn Ðại xá khi:
- Viếng Nhà Thờ, nhà nguyện ngày 2.11,
nhưng dành cho các linh hồn.
- Viếng Nhà Thờ giáo xứ của mình:
§ Ngày Lễ Bổn Mạng của Nhà Thờ.
§ Ngày 2.8.
Ân xá này gọi là Portioncula, là tên của
một Nhà Thờ do Thánh Phanxicô Assisi cầu nguyện thường xuyên. Do lời
xin của ngài, vào năm 1221, Ðức Thánh Cha Honorius III ( 24.7.1216
18.3.1227 ) ban cho bất cứ ai viếng Nhà Thờ này thì được ơn đại xá
vào ngày 2.8. Từ đó trở đi Giáo Hội mở rộng việc ban ân xá trong
nhiều Nhà Thờ. Ðức Phao-lô VI giữ nguyên truyền thống này.
8.
Dùng đồ vật thánh đã được linh mục làm phép như tượng chịu nạn, ảnh
đeo, tràng hạt và áo dòng hai bạt... cũng nhận được ơn tiểu xá. Còn
nếu do Ðức Thánh Cha hay giám mục làm phép thì nhận được ơn đại xá
vào ngày lễ kính hai Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Ðồ; điều kiện:
đọc kinh Tin Kính.
9.
Loại bỏ các ân xá về cá nhân, nơi chốn, sự vật... từ nay chỉ nói
đến ân xá do việc lành đã làm.
10.
Cha giải tội có thể thay đổi cho các hối nhân để họ lãnh nhận ân
xá khi người này không có điều kiện phải giữ để hưởng một ân xá
do Giáo Hội quy định.
Jos. PHẠM ÐỨC
DŨNG
Hôm nay ngày cuối tháng 10. Buổi chiều ngày cuối tháng 10
được người Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của Mỹ gọi là Halloween,
nghĩa là vọng Lễ Các Thánh Nam Nữ. Có lẽ do những rơi rớt còn lại
của một ngày lễ ngoại giáo bắt nguồn từ thời những người Celtic
trước Công nguyên, ngày vọng lễ các thánh mang màu sắc ảm đạm ma
quái.
Trong các cửa tiệm, hàng hóa được trưng
bày một khung cảnh quái dị: những hình nộm được tô vẽ với một bộ
mặt của thần chết, những màng nhện trắng xóa giăng mắc khắp nơi,
những đồ chơi trẻ em cũng được khoác lên những nét kinh hãi quái dị.
Trên màn ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng, đa số các
phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản, kinh dị. Buổi tối ngày
Halliween, thanh niên thiếu nữ thường cải trang thành ma quái để đi
từng nhà ca hát và kể cho nhau nghe chuyện ma quái.
Phải chăng mỗi năm người ta dành một ngày
để nhắc nhở về sự hiện hữu và tác quái của thần dữ ? Nhưng liệu con
người ngày nay còn ý thức được tội lỗi và sự tác động củ thần dữ
không ? Thi sĩ Baudelaire của Pháp đã có lần nói: "Sự thành
công của ma quỷ là thuyết phục được con người rằng nó không hiện
hữu".
Với những khám phá mới trong ngành tâm lý
học cũng như bệnh lý học, người ta cho rằng tất cả những vụ quỷ ám
mà Kinh thánh nói đến chỉ là những hiện tượng tâm lý bệnh hoạn mà
ngày nay khoa học có thể tìm ra nguyên nhân. Với luận điệu ấy, con
người ngày nay tự hào đã loại trừ ma quỷ ra khỏi cuộc sống.
Có lẽ ngày nay, người ta
ít có dịp chứng kiến những vụ quỷ ám nhãn tường như Thánh kinh đã
ghi lại. Tuy nhiên, dù muốn dù không, không ai có thể chối cãi được
một sức mạnh luôn cày xéo tâm hồn con người, luôn lôi kéo con
người đến chỗ tự hủy và hủy diệt lẫn nhau. Mãi mãi câu nói của
thánh Phao-lô vẫn đúng cho kinh nghiệm của mỗi người: "Ðiều
thiện tôi muốn làm thì tôi không làm, điều ác tôi không muốn là,
thì tôi lại làm". Có một sức mạnh vô hình nào đó luôn
khuyến dụ, luôn lôi kéo con người vào tội ác...
Thánh Phê-rô hẳn không thể nào quên được
lời cảnh cáo của Chúa Giê-su: "Hỡi Xa-tan, hãy tránh khỏi
mặt Ta". Trong lá thư đầu tiên gửi cho các tín hữu, vị Giáo
Hoàng đầu tiên đã nhắn nhủ: "Hãy tỉnh thức luôn. Kẻ thù của
anh em là ma quỷ như sư tử luôn gầm thét lượn quanh, tìm mồi để cắn xé.
Anh em hãy chống cự và kiên vững trong Ðức Tin".
Là người tín hữu, chúng ta không ngừng cầu
nguyện bằng chính lời Kinh của Chúa Giê-su: "Xin cứu chúng con
khỏi ác thần". Ước gì lời Kinh ấy luôn nhắc nhở chúng ta về
sự tác động liên lỉ của ma quỷ trong cuộc sống của từng người chúng
ta. Nhưng chúng ta không phải hãi sợ bởi vì chúng ta không chiến đấu
một mình mà cùng với và bằng chính sức mạnh của Ðấng đã nói: "Ðừng
sợ hãi, vì Thầy đã thắng thế gian".
Sách
Lẽ Sống Ban Việt Ngữ Ðài Chân Lý Á Châu
THÔNG TIN:
1. QUA BẠN MK PHẠM HUỲNH CÚC ( HOA KỲ ):
Một người bạn của người nghèo ( Hoa Kỳ ) : 20 USD
Anh chị Tuấn Anh
và Hồng Nhung ( Hoa Kỳ ) :
100 USD.
Vợ chồng MK Bá
Hoàng và Quỳnh Chi ( Hoa Kỳ ) : 100 USD.
Anh chị Bùi An Khang ( Hoa Kỳ ) :
100 USD.
Trích quỹ GOSPELNET
Hải Ngoại của Tâm Ca và Mai Khôi :
100 USD.
Anh Ðỗ Phú Cường (
Hoa Kỳ ) :
50 USD.
Anh chị Lê Ðình Phong
và Thanh Xuân ( Hoa Kỳ ) :
50 USD.
Anh chị Tâm Ca Michael
và Văn Ðình Kiều Lan ( Hoa Kỳ ) :
30 USD.
Anh chị MK Nguyễn
Thiện Nam và Khánh Mai ( Hoa Kỳ ) :
20 USD.
Một Lm. DCCT ẩn danh :
20 USD.
Vợ chồng MK Ðỗ Trọng
Khoa và Thúy Trang ( Hoa Kỳ ) : 30 USD.
Vợ chồng MK Nguyễn
Tuấn và Bích Loan ( Hoa Kỳ ) :
20 USD.
Vợ chồng MK Vũ Quốc
Hưng và Huỳnh Ðào ( Hoa Kỳ ) :
30 USD.
Tổng cộng về
tiền quyên góp được : 1.220 USD
Ông
bà Phạm Bình Thuận ( Hoa Kỳ ) :
30 USD đã nhận.
Huynh Ðoàn
Ki-tô Bệnh Nhân và Người Khuyết Tật ( Sài-gòn ) : 100.000 VND đã
nhận.
GOSPELNET trích
quỹ gửi tặng : 200 chiếc áo thun các cỡ.
Tổng
cộng về tiền quyên góp được : 430 USD và 500.000 VND
Tổng kết tất cả
các khoản quyên góp được, tính đến hết ngày 1.11.2001: 1.950 USD và 9.100.000 VND, 200 chiếc áo thun
và một số khá lớn quần áo cũ.
GOSPELNET cũng đã liên hệ để mua
thêm 500 chiếc áo thun nữa, và đã được cô Sa ( một ân
nhân âm thầm từ lâu ) nhận lời bán với giá ủng hộ là 3.000 VND
mới chiếc, chỉ còn bằng một nửa so với giá bán hàng sỉ.
Tất cả số tiền và hiện vật này
sẽ được chuyển cho bạn MK QUỐC DUY và một số anh chị em trong Ca
Ðoàn Dominique và Nhóm Mai Khôi để tổ chức chuyến đi cứu trợ trực
tiếp với đồng bào bị lũ lụt ở hai xã Hưng Thạnh và Thạnh Lợi,
huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp vào các ngày thứ bảy 3.11 và Chúa
Nhật 4.11.2001. Mọi chi tiết cụ thể liên quan, chúng tôi sẽ tường
trình trên GOSPELNET số 34 sau khi chuyến đi hoàn tất. Chúng tôi
cũng hy vọng sẽ còn thực hiện được những chuyến đi khác nữa nhờ
vào sự nhiệt tình quyên góp của quý độc giả gần xa và của tổ chức
Help The Poor cho chương trình cứu trợ lũ lụt năm nay.
Cha
Phao-lô Nguyễn Thọ, ở Ðiểm Truyền Giáo Châu Ổ của Dòng Chúa Cứu
Thế, thuộc tỉnh Quảng Ngãi, giới thiệu trường hợp cháu bé TRƯƠNG
VĂN BẢO, 9 tuổi, con ông Phao-lô Trương Văn Rỡ và bà Ma-ri-a Phạm
Thị Mận. Cháu Bảo có 3 anh em, hiện đang học lớp 4, bị bệnh hở van tim
hai lá. Em đã phải vào bệnh viện ở Huế, chi phí tốn kém đã hết mất
8.000.000 VND mà bệnh không thuyên giảm, nay thì các bác sĩ quyết định
phải mổ, nhưng gia đình cháu không thể nào có được số tiền khổng
lồ là 18.000.000 VND để trang trải vì hoàn cảnh gia đình của cháu
hết sức nghèo.
Trước mắt,
GOSPELNET đã quyết định mở một quỹ mang tên QUỸ MỔ TIM CHO CHÁU
TRƯƠNG VĂN BẢO. Rất mong quý độc giả ân nhân gần xa, đặc biệt
là những người đồng hương Quảng Ngãi, tương trợ thêm để cháu bé sớm
được giải phẫu.
QUỸ MỔ TIM CHO CHÁU
TRƯƠNG VĂN BẢO
Trích
quỹ GOSPELNET khởi điểm: : 1.000.000 VND
Bà
Trần Thị Mai, Giáo Xứ ÐMHCG ( Sài-gòn ) :
200.000 VND
Anh Ðỗ
Hữu Lộc: ( Sài-gòn ) :
100.000 VND
Một
Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn ) :
300.000 VND
Tổng
cộng tính đến hết ngày 29.10.2001 :
1.600.000 VND
Cha
Gio-an Ðỗ Văn Ngân, Giáo Xứ Ninh Phát, thuộc Giáo Phận Xuân Lộc,
vừa gửi thư giới thiệu trường hợp em NGUYỄN THỊ HUYỀN,
sinh năm 1983, hiện cư ngụ tại Tập Ðoàn 5, ấp Nguyễn Huệ, xã uang
Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không
có ruộng rãy, sống đơn độc một mình, tay trắng, không có vốn liếng
gì cả, chỉ học được nghề thêu, nay rất mong có được một máy thêu để
tự mưu sinh. GOSPELNET quyết định trích 100 USD ( khoảng 1.500.000 VND )
để trợ giúp một phần cho em có thể mua máy thêu. Số tiền này được
trích ra từ khoản trợ giúp của cha Trịnh Tuấn Hoàng và Nhóm Help
The Poor ( Hoa Kỳ ).
Sr. Tê-rê-xa Vũ Thị
Tuyết Trinh, Dòng Ða-minh Rosa Lima, vừa gửi thư giới thiệu và ảnh
chụp anh HỒ HOÀNG BẠCH, cư ngụ tại Giáo Xứ Chính Tòa Long
Khánh, thuộc Giáo Phận Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Anh Bạch bị tật teo
chân trái, hoàn cảnh gia đình rất nghèo, đang mong có một chiếc xe
lăn để đi bán vé số mưu sinh. GOSPELNET quyết định trích từ khoản trợ
giúp của cha Trịnh Tuấn Hoàng và Nhóm Help The Poor ( Hoa Kỳ ) số
tiền 750.000 VND để trợ giúp một chiếc xe lăn, và trợ
giúp thêm 100.000 VND để làm vốn bán vé số. Tổng cộng số
tiền là 850.000 VND.
Sr. Tê-rê-xa Vũ Thị Tuyết Trinh, Dòng Ða-minh Rosa Lima, cũng
gửi thư giới thiệu trường hợp chị NGUYỄN THỊ HƯỜNG, hiện cư ngụ
tại Giáo Xứ Thái Xuân, xã Xuân Ðịnh, huyện uân Lộc, tỉnh Ðồng Nai.
Chị Hường đã mắc bệnh ung thư, đang rất cần được trợ giúp để có
tiền mua thuốc uống theo toa của bệnh viện. GOSPELNET quyết định trích
từ khoản trợ giúp của cha Trịnh Tuấn Hoàng và Nhóm Help The Poor (
Hoa Kỳ ) số tiền 650.000 VND để trợ giúp cho chị Hường mua
thuốc.
Sáng ngày 18.10.2001 lễ Thánh
Lu-ca, Thánh sử, Nhà Thờ Chính Toà Kontum cử hành lễ thụ phong Linh
Mục cho thầy Sáu Callisto Bá Năng Lý. Ðây là lễ thụ phong Linh Mục
lần đầu tiên tại Kontum kể từ năm 1975 và cũng là một Linh Mục
người Xê-đăng đầu tiên kể từ ngày thành lập Giáo Phận ( 1932 ).
Linh
Mục Callisto Bá Năng Lý sinh năm 1962 tại Kontum. Sau biến cố 1975,
thầy bị lưu lạc tận Bình Cang, Nha Trang và được một gia đình tốt bụng
ở đó nuôi nấng, dạy dỗ. Khi Chủng viện Sao Biển Nha Trang được mở
ra, thầy Lý trở thành chủng sinh niên khoá 1993 1999. Cũng trong
thời gian này, thầy Lý bắt đầu liên lạc được với gia đình ở Kontum
và trong thâm tâm thầy bắt đầu có nhiều hứa hẹn. Vốn bản chất
thật thà, chất phát và nhanh nhẹn trong mọi việc, trong sáu năm học
tại Ðại Chủng Viện, thầy luôn được mọi người yêu mến, và nhất là
Cha giám đốc, hiện giờ là Ðức Cha Phó Phê-rô Nguyễn Văn Nho ( cũng
là người Bình Cang ) động viên nâng đỡ, thầy đã hoàn thành tốt
những năm triết và thần tại Chủng Viện.
Sau khi tốt nghiệp, một số đồng môn của
thầy ở các Giáo Phận Nha Trang, Buôn Mê Thuột và Quy Nhơn lần lượt
bước lên bàn Thánh, phần thầy được Ðức Giám Mục Giáo Phận Kontum
Phê-rô Trần Thanh Chung xin phép Giám Mục Nha Trang thuyên chuyển về
Kontum trong viễn ảnh của một vùng đất truyền giáo mà thầy đã xuất
thân từ đây. Dù là người Xê-đăng và từng sống tại Kontum từ lúc
nhỏ đến năm 12 tuổi, thầy phải trở thành một người xa lạ trên vùng
đất chôn nhau, cắt rốn của mình. Thầy phải đăng ký tạm trú tại Toà
Giám Mục, phải bắt đầu học lại tiếng mẹ đẻ của mình vì hai mươi mấy
năm qua thầy không còn dùng nó nữa. Song, với bản tính thật thà,
chuyên cần và nhanh nhẹn, thầy đã dần dần chiếm được cảm tình của
mọi người ở đây.
Cái tên Bá Năng Lý đã dần dần trở nên quen thuộc với các
cha, các nữ tu Dòng Ảnh Phép Lạ ( còn gọi là Dòng Ảnh Vẩy ), anh em
chủng sinh và nhất là với dân làng của thầy. Thật cảm động và chua
xót khi thân mẫu của thầy, bà Ma-ri-a Y Hoe Konđâu Yôp cùng thầy tâm
sự nhưng hai người lúc đầu ngôn ngữ còn bất đồng chưa thể hiểu nhau.
Nhưng con tim của người mẹ và của đứa con lưu lạc dần dà đã bắt
được tần số, thầy đã bắt đầu trở lại thành thạo ngôn ngữ của
mình.
5g30
sáng ngày 18.10, trong Thánh Lễ đồng tế ngoài hai giám mục Giáo Phận
Kontum là Ðức Cha Phê-rô Trần Thanh Chung, Ðức Cha nghỉ hưu Alexis Phạm
Văn Lộc và các Linh Mục trong Giáo Phận, còn có hai Ðức Cha Giáo
Phận Nha Trang và Buôn Ma Thuật cũng như các Linh Mục bạn bè và thân
hữu của tân Linh Mục Bá Năng Lý. Ðây là Thánh Lễ thụ phong Linh
Mục đồng tế đông nhất kể từ trước đến nay ( gần 100 Linh Mục ).
Với
khẩu hiệu Linh Mục: "Ngày lại ngày con xin chúc tụng chúa, và ca
ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời" ( ơ KoDră, Ih lele tôm tơdong, Ih
đuh lele kơ inh băt kơ Ih ), vị tân Linh Mục 39 tuổi đời này sẽ hứa
hẹn nhiều điều cho một Giáo Phận đông tín hữu nhưng con số Linh Mục
khá khiêm tốn. Cầu chúc tân Linh Mục Callisto Bá Năng Lý luôn trung
thành với ơn gọi và tác vụ của mình để làm vinh danh Nước Chúa.
CHIÊM
NGẮM:
KHUÔN MẶT CỦA TÌNH
YÊU
Xin mời bạn hãy dừng tất cả mọi việc, ngồi thư thái trên
ghế trước Monitor, vào View, chọn Full Screen, sao cho tấm hình kỳ lạ
này nằm trọn vẹn trong ecran, rồi cố gắng tập trung nhìn thật chăm
chú vào 4 nét chấm nhỏ ở giữa tấm hình trong vòng 30 đến 40
giây. Sau đó bạn lại hướng mắt nhìn lên khoảng không hay
lên một mảng tường trắng trước mặt. Bạn sẽ thấy xuất hiện một vòng
tròn sáng hơn. Bạn hãy chớp nhẹ đôi mắt rồi nhìn vào trong vòng
tròn đó, chắc chắn bạn sẽ thấy...
Xin ghi
chú: Hiện tượng thị giác này xảy ra hoàn toàn mang tính khoa học. Bạn
cũng có thể sử dụng tấm hình này để tập trung tinh thần hoặc bình
tâm lại trước khi cầu nguyện hay trước khi phải suy nghĩ và quyết định
một việc hệ trọng nào đó của mình. "Chúa ở cùng anh chị em..."