GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 30 C THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Lc 18, 9 – 14

DỤ NGÔN NGƯỜI PHA-RI-SÊU VÀ NGƯỜI THU THUẾ

Ðức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:

"Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con". Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi".

Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên".

SUY NIỆM 1:

HAI BÀI HỌC QUÝ BÁU

1. Tội và thân phận tội lỗi

Công bình mà xét thì người biệt phái ít tội hơn người thu thuế.

Nhưng điểm đáng chú ý là người biệt phái lại nói về tội lỗi nhiều hơn người thu thuế: hắn đã kể ra những tội tham lam, bất chính, ngoại tình v.v. Tuy nhiên tất cả đều là… tội của người khác ! Còn người thu thuế thì trái lại, tuy anh rất nhiều tội, nhưng anh lại không kể các tội đó ra. Ðiều duy nhất anh kể ra là "Con là kẻ tội lỗi. Lạy Chúa xin thương xót con". Thực ra người biệt phái cũng có tội: tội tự mãn, tội kiêu căng, tội khinh miệt người khác… Nhưng hắn không ý thức các tội đó. Hắn không nhìn nhận mình là người tội lỗi. Hắn không biết thân phận tội lỗi của mình.

Chúa Giê-su phê phán người biệt phái vì:

a/ Hắn chỉ nhìn thấy tội;

b/ chỉ nhìn thấy tội của người khác;

c/ hoàn toàn không thấy thân phận tội lỗi của mình;

d/ hoàn toàn không thấy lòng thương xót của Chúa.

Chúa Giê-su đề cao người thu thuế vì:

a/ Anh không những thấy tội mà còn thấy thân phận tội lỗi của mình;

b/ Anh còn thấy được lòng thương xót của Chúa nữa.

Cả hai người trên đều có thể thành bài học cho chúng ta.

Trước hết, chúng ta cũng giống người biệt phái. Chúng ta rất ý thức về tội lỗi của người khác nhưng lại không ý thức về tội lỗi của chính mình. Chúng ta nói về tội của người khác nhiều hơn về tội của mình. Ðiều này thật nguy hiểm, vì nó ngăn cản không cho chúng ta nhìn thấy tội lỗi của mình.

Chúng ta cũng có thể học nơi người thu thuế. Anh dạy chúng ta can đảm xưng thú những tội lỗi của mình. Anh chỉ cho chúng ta thấy chúng ta là kẻ tội lỗi, kẻ mang thân phận tội lỗi. Nhiều người đến tòa cáo giải với một bảng liệt kê các tội đã phạm. Hầu hết các tội trong bảng liệt kê ấy đều không khác nhau mấy từ lần xưng tội này đến lần xưng tội khác. Xưng xong rồi ra về và mọi sự đều trở lại y như cũ. Việc xưng tội không giúp chúng ta cải thiện con người bao nhiêu. Tại sao ? Vì chúng ta quá chú ý đến các thứ tội mà không chú ý bao nhiêu đến thân phận tội lỗi của mình.

Tội không chỉ là những việc làm xấu, mà chủ yếu là tình trạng xấu ta đang sống. Vì thế điều cần thiết hơn không phải chỉ là xin Chúa tha tội cho mình, mà là xin Chúa thương xót cứu vớt mình khỏi tình trạng xấu ấy. "Một người tội lỗi ý thức thân phận tội lỗi của mình còn tốt hơn một vị thánh ý thức mình là thánh" ( Yiddish ).

2. Một tấm lòng tan nát khiêm cung

Trong xã hội Do-thái, ai cũng coi những người thu thuế là những kẻ tội lỗi. Trong dụ ngôn này chính Chúa Giê-su cũng coi như thế, và chính người thu thuế cũng tự coi như thế. Nhưng người thu thuế này đã lên đền thờ cầu nguyện, nghĩa là anh có thiện chí, anh muốn từ bỏ tội lỗi, anh muốn được tha.

Tuy nhiên khi xét lại quãng đời tội lỗi đã qua, anh biết rằng anh không thể nào được tha: theo luật, một người lỗi đức công bình nếu muốn được tha thì phải trả hết tiền, còn bồi thường thêm 1 / 5 nữa. Anh làm sao nhớ hết những kẻ mà anh làm hại, có nhớ cũng không có tiền để trả, huống chi lại thường thêm 1/5... Lòng anh tan nát. Nhưng anh không tuyệt vọng: nếu theo luật, anh không thể được tha thì anh sẽ kêu xin đến lòng thương xót của Chúa. Thế là anh thốt lên: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi".

Ðiểm đáng ta chú ý là anh thu thuế này đã trích những tiếng đầu của Thánh vịnh 50 ( "Lạy Chúa xin xót thương con theo lòng nhân hậu Chúa" ). Mà trong Thánh vịnh này cũng có câu "Chúa gần gũi những tấm lòng tan nát khiêm cung". Thiên Chúa đúng là như thế. Người thu thuế đã kêu đến chính nơi phải kêu, chạm tới chính chỗ phải chạm. Vì vậy Chúa đã thương xót anh, tha thứ tất cả cho anh, như lời Chúa Giê-su nói: "Ta nói cho các ông biết: người này khi trở về thì đã nên công chính rồi".

3. Lòng trí hướng về ai ?

Người biệt phái và người thu thuế đều lên đền thờ và đều cầu nguyện. Nhưng lòng trí của mỗi người hướng đến những hướng khác nhau. Lòng trí của người biệt phái hướng về ai ?

- Trước hết là hướng về người khác: "Lạy Chúa, con không như bao kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia"

- Ðồng thời lúc đó cũng hướng về bản thân mình: "Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con"

- Nơi quan trọng nhất phải hướng về là Thiên Chúa thì hắn lại bỏ qua !

Còn lòng trí người thu thuế thì hướng thẳng về Thiên Chúa: "Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi".

Chúng ta dễ phạm lại sai lầm của người biệt phái: khi cầu nguyện, lòng trí chúng ta hướng về những nhu cầu ích kỷ của bản thân và than phiền về những điều khó chịu người khác gây cho mình. Hãy học cầu nguyện như người thu thuế là hướng về Chúa. Có nghĩ về mình là để ý thức thân phận tội lỗi của mình để rồi càng hướng về Chúa nhiều hơn.

4. Ai là người công chính ?

Ngày kia, Khổng tử dẫn học trò từ nước Lỗ sang nước Tề. Trong đám học trò có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai môn sinh được Khổng Tử sủng ái nhất. Thời Ðông Chu, loạn lạc khắp nơi khiến dân chúng lâm cảnh lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử cũng có nhiều ngày nhịn đói cầm hơi.

Ngày đầu tiên khi đến đất Tề, Khổng Tử và các môn sinh được một người giàu có biếu cho một ít gạo. Khổng Tử liền phân công: Tử Lộ và một số môn sinh khác vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi đảm nhận việc nấu cơm. Ðang khi nằm đọc sách ở nhà trên, Khổng Tử bỗng nghe tiếng động ở nhà bếp, nhìn xuống, người bắt gặp Nhan hồi đang mở vung xới cơm cho vào tay nắm lại từng nắm nhỏ rồi từ từ đưa vào miệng. Thấy cảnh học trò đang ăn vụng, Khổng Tử nhìn lên trời than thở: "Người học trò tín cẩn nhất của ta lại là kẻ ăn vụng ?" Khi Tử Lộ và các môn sinh khác trở về thì nồi cơm cũng vừa chín.

Khổng Tử cho tập họp tất cả lại và nói: "Bữa cơm đầu tiên này trên đất Tề làm cho thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương. Thầy nhớ đến cha mẹ, cho nên muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ, các con nghĩ có nên không ? Nhưng liệu nồi cơm này có sạch chăng ?" Nhan Hồi liền chắp tay thưa: "Dạ thưa Thầy, nồi cơm này không được sạch. Khi cơm vừa chín, con mở vung ra xem thử, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng bụi trần rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm, con đã nhanh tay đậy nồi cơm lại nhưng không kịp. Sau đó, con định xới lớp cơm bẩn vất di, nhưng nghĩ rằng cơm ít mà anh em lại đông, nên con đã ăn phần cơm ấy. Thưa Thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi." Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử lại ngẩng mặt lên trời mà than rằng: "Chao ôi ! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật. Suýt nữa Khổng Tử này đã trở thành kẻ hồ đồ !"

Cho dù là bậc hiền triết như đức Khổng Tử thế mà suýt nữa đã trở thành kẻ hồ đồ, suýt nữa đã phê phán người học trò rất mực chân thật và khiêm tốn, sẵn sàng chịu thiệt về phần mình để được lợi cho anh em. Ðó cũng là cám do rất thường gặp nơi những người được xem là đạo đức thánh thiện, những người đã đắc thủ được một số nhân đức nào đó, đã làm được nhiều việc lớn lao, đã leo lên được chức vụ cao trong xã hội, đã đạt được một số thành tích trong đạo ngoài đời. Họ dễ tự mãn và khinh rẻ người khác lắm, nếu chẳng công khai thì cũng ngấm ngầm, lúc thì giấu được khi thì lộ ra. Chuyện ấy thường tình lắm nên Ðức Giê-su mới nhắc nhở tất cả chúng ta bằng dụ ngôn: "Người Pha-ri-sêu công chính và người thu thuế tội lỗi".

Người Pha-ri-sêu lên Ðền Thờ cầu nguyện nhưng thực ra là để khoe khoang thành tích. Ông thưa chuyện với Chúa nhưng thực ra là ông đang độc thoại một mình. Ông "tạ ơn Chúa" nhưng thực ra là ông muốn Chúa hãy biết ơn ông. Quả thật, bảng liệt kê công trạng của ông không có gì sai. Những điều luật cấm ông không dám làm, những điều luật buộc thì ông còn làm hơn mức qui định. Ông thật là con người đúng mực, một con người hoàn hảo, không có gì để chê trách, một tín đồ trung thành với lề luật, một mẫu gương tuyệt vời.

Chỉ tiếc có một điều là ông quá tự mãn tự kiêu nên bao việc lành phúc đức của ông theo "cái tôi" bọt bèo của mình mà trôi ra sông ra biển hết. Cái tôi của ông quá to, đến nỗi ông chỉ nhìn thấy mình mà không thấy Chúa; công trạng của ông quá nhiều đến nỗi ông chỉ nhìn thấy nó là đức độ của ông chứ không phải là do ơn Chúa; cái tự mãn của ông quá lớn, cho nên ông thẳng thừng khinh miệt anh em.

Sai lầm trầm trọng của ông Pha-ri-sêu bắt đầu từ câu này: "Vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc, như tên thu thuế kia" ( Lc 8, 11 ). Giá như ông đừng so sánh cuộc sống của ông với người khác, mà biết đem cuộc sống của mình đối chiếu với cuộc sống thánh thiện của Ðức Ki-tô, thì ông sẽ nhận ra mình còn thiếu sót biết là bao nhiêu, mình còn bất toàn biết là dường nào. Chính khi đó, ông mới cần đến lòng nhân từ xót thương của Chúa, cần đến sự tha thứ và khoan dung của Người. Chính lúc đó, ông mới biết cầu nguyện bằng những lời lẽ chân thành và khiêm tốn của người thu thuế: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" ( Lc 18, 13 ).

Sai lầm căn bản của người Pha-ri-sêu còn ở chỗ ông đã không nhận ra sự công chính là một ân huệ của Chúa ban ( Pl 3, 9 ) chứ không phải tự ông mà có, tự ông tuân giữ hoàn hảo các lề luật được. Chính khi tự mãn thiếu khiêm tốn, và nhận sự công chính ấy là của riêng mình thì ngay lúc đó ông đã mất ơn nghĩa với Chúa và không còn công chính nữa.

Người thu thuế nhận mình lầm rỗi, ông biết rõ tội mình vô phương cứu chữa, chẳng dám ngước mắt nhìn lên, chỉ biết đấm ngực ăn năn và kêu xin lòng thương xót Chúa. Ông bất lực hoàn toàn, chỉ phó thác cho lòng Chúa khoan dung. Ngay lúc đó, ông đã trở nên công chính bên trong. Chính tâm tình ấy mà Chúa đã nhìn xuống và làm cho ông nên công chính. Như thế, những kẻ cho mình là thánh thiện, là đầy đủ, thì sẽ trở về con số không; còn những kẻ nhận mình là không thì sẽ đủ chỗ cho Ðấng Vô Cùng. Vì phàm "Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" ( Lc 18, 14 ).

"Lạy Chúa, chúng con có là gì mà chẳng do lòng Chúa thương ban. Xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận mình thiếu sót lỗi lầm, để được Chúa xót thương tha thứ. Xin cho cuộc sống chúng con luôn biết rập theo khuôn mẫu thánh thiện của Ðức Ki tô là Ðấng Công Chính tuyệt đối. Amen." ( Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu", năm C )

Nếu người biệt phái có quyền thì chắc hẳn hắn đã không cho người thu thuế vào đền thờ. Nhiều người trong chúng ta cũng nghĩ rằng những kẻ tội lỗi không được đến Nhà Thờ: tội lỗi mà đến Nhà Thờ làm chi ? Chỉ là giả hình ! Nhà Thờ là nơi dành cho những người đạo đức thánh thiện. Nếu như thế thì Nhà Thờ sẽ rất nhỏ hẹp. Tưởng tượng xem một tiệm sửa giày mà chỉ nhận những đôi giày còn tốt thì có còn là tiệm sửa giày không ! Một bệnh viện mà chỉ nhận những người khoẻ mạnh thì có còn là bệnh viện không !

"Chúng ta đến Nhà Thờ không phải vì chúng ta xứng đáng mà vì chúng ta cần. Chúng ta cần được lòng thương xót Chúa chữa trị, và chúng ta cũng cần sự nâng đỡ của anh chị em trong cộng đoàn." ( Flor McCarthy )

Trích SỠI CHỈ ÐỎ của Lm. Ca-rô-lô

SUY NIỆM 2:

LÒNG KHIÊM NHƯỜNG CHÂN THÀNH

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nhấn mạnh đến giá trị tuyệt hảo của đức khiêm nhường. Ðối với các nhà tu đức, nhân đức khiêm nhường được coi như bàn tay rắn chắc nâng đỡ mâm ly nhân đức, nhân bản của con người. Riêng đối với Ðức Ki-tô, Ngài đánh giá đức khiêm nhường đích thực như thế nào ?

Hình ảnh tương phản giữa luật sĩ và thu thuế, đã nói lên ngụ ý của Ðức Ki-tô: đó là thái độ tự hạ sâu thẳm của người thu thuế. Ông tự nhận mình là kẻ tội lỗi, đớn hèn. "Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi." ( Lc 18, 13 ). Trong âm thầm, ông đã nhận ông thật như ông đáng là.

Một điều chắc chắn là Ðức Giê-su Ki-tô chẳng khuyến khích chúng ta sống bê tha, tội lỗi để có cơ hội sống tự hạ. Tự hạ không dừng lại ở mặt tiêu cực: nhìn nhận những lầm lỗi. Nhưng đúng nghĩa hơn, bên trong sự tự hạ là cảm nhận sâu xa vai trò thụ tạo của chính mình, và xác tín vai trò tạo hoá quyền uy cùng với lòng xót thương từ ái của Thiên Chúa. Cảm nghiệm này tuy khó đón nhận, nhưng nó rất hợp lý, vì thử hỏi trong chúng ta, ai có khả năng chọn cho mình một mái ấm gia đình vừa ý để mình chào đời. Hay tự định đoạt tài năng, cơ hội thuận lợi cho bước đường công danh mà gạt bỏ sang bên lề những giới hạn phận người.
Thật vậy, đời người, phận người chẳng đơn thuần do một mình tôi khiến tạo nên. Khổng tử có dạy "Thiên địa nhân hòa". Cuộc sống chịu sự chi phối của vũ trụ, của ngoại vật.

Do đó, chúng ta có trách vụ sống an hoà ngay từ tại tâm. Nghĩa là chúng ta tìm hạnh phúc qua cung cách sống nhã nhặn với môi trường quanh mình, như khám phá ra những hồng ân của Thiên Chúa ban trên người thân cận. Chẳng lấy mình làm chuẩn mực để bình phẩm tha nhân như người thu thuế. Là biết nỗ lực tận dụng ơn lộc Chúa ban xây dựng tình huynh đệ đại đồng "Không ai nên thánh một mình". Vâng, chỉ khi nào chúng ta mang lấy chiều kích đích thực của chúng ta, lúc đó chúng ta mới bước vào trong tình huynh đệ phổ quát. Khi ấy, chúng ta không xem ai là thấp hơn mình, vì đã nhìn ra sự nhỏ bé của bản thân và trở nên khiêm nhường hiền lành.

Lạy Chúa, chúng con là thụ tạo bé nhỏ, khác nào những hạt cát bé nhỏ đang ẩn mình sau những bức tường hùng vĩ của tòa nhà Giáo Hội. Và tự thâm tâm chúng con chẳng có điều chi để tự hãnh diện về mình. Có chăng là tấm chân tình tri ân Thiên Chúa hằng đoái thương chúng con, cùng xin Ngài tiếp tục dạy dỗ, đỡ nâng đoàn con thi hành trọn vẹn bổn phận của những đứaa con bé nhỏ trong đại gia đình Giáo Hội, xã hội thân yêu này.

Sr. Ma-đa-lê-na OANH, Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn

 

SUY NIỆM 3:

QUỲ GỐI XUỐNG

Cũng như Chúa Nhật trước, Chúa Nhật hôm nay Ðức Ki-tô dạy chúng ta phải biết cầu nguyện như thế nào. Chúa Nhật trước, Ngài dạy chúng ta phải noi gương bà góa nghèo kia mà cầu nguyện cho kiên trì. Hôm nay Ngài dạy chúng ta phải noi gương người thu thuế mà cầu nguyện cho khiêm nhượng. Chúng ta biết rằng người Do-thái cầu nguyện một ngày 3 lần: 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, và 3 giờ chiều. Lời cầu nguyện được coi là hiệu nghiệm hơn hết là lời cầu nguyện dâng trong Ðền Thờ.

Hôm nay Chúa dạy dưới hình thức dụ ngôn. Có hai người Do-thái cùng lên Ðền Thờ cầu nguyện. Một người là biệt phái ( mà chúng ta quen gọi là Pha-ri-siêu. Người kia là người thu thuế ( chúng ta thường gọi là Pu-bli-ca-nô ). Nhóm Pha-ri-siêu được gọi là biệt phái, vì họ tự đứng biệt lập ra thành một phái riêng. Họ là hạng người được coi là đáng kính, đạo đức. Trong dân chúng, họ là lớp người ưu tú. Họ giữ luật Chúa rất tỉ mỉ. Nhưng do chỗ giữ luật tỉ mỉ, và được kẻ khác coi là thánh thiện, mà có những người trong nhóm, họ sinh ra tự cao tự đại đối với những người chung quanh.

Trong dụ ngôn hôm nay, một người biệt phái như vậy lên Ðền Thờ cầu nguyện cùng một trật với một người thu thuế. Hạng người sau nầy bị dân chúng coi như ngược lại với người biệt phái. Người biệt phái được coi là thánh thiện, thì người thu thuế bị coi là tội lỗi.

Hồi đó, dân Do-thái bị người Rô-ma đô hộ. Chính phủ độ hộ không tự tổ chức thu thuế lấy, như chúng ta thấy ở Hoa kỳ chẳng hạn. Nhưng họ cho đấu thầu. Ðã thầu thì ai thầu cao nhứt, sẽ được độc quyền thu thuế. Dĩ nhiên hạng người thu thuế nầy bị dân chúng gớm ghét và coi là hạng người tội lỗi. Tội lỗi phép công bằng. Tội bóc lột, làm giàu trên xương máu đồng bào. Tội làm tay sai cho chính quyền ngoại bang Rô-ma.

Vậy hôm nay có hai người cùng lên Ðền Thờ cầu nguyện. Một là biệt phái, một là thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng người lên cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa con cám tạ Chúa, vì con không giống như những người khác, gian tham, bất công, ngoại tình. Không giống như tên thu thuế đứng kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng cúng vào Ðền Thờ một phần mười tất cả các hoa lợi của con."

Luật Do-thái chỉ buộc ăn chay một năm một lần trong ngày lễ đền tội. Nhưng có người đạo đức ăn chay trường, mỗi tuần hai lần, trong ngày thứ Hai và ngày thứ Năm. Chúng ta biết rằng hai ngày nầy là hai ngày chợ tại Giê-ru-sa-lem. Nhiều nơi, như tại các vùng quê bên Việt Nam ta, không có những nơi bán thức phẩm thường xuyên, không có các siêu thị sẵn sàng mỗi ngày. Dân chúng chỉ nhóm chợ một vài ngày trong tuần. Một vài ngày trong tuần, họ mang rau cỏ, trái trăng, thịt cá, lúa gạo... ra chợ bán. Và ngày đó mới ngày chợ.
Ở Giê-ru-sa-lem, hai ngày mà người Do-thái đạo đức quen ăn chay cũng là hai ngày chợ. Dân chúng lên nhóm chợ chung quanh Ðền Thờ rất đông. Những người ăn chay lên đó, đi qua giữa đám đông, mặt mày xanh xao tiều tụy, áo quần lếch thếch. Ai cũng phải chú ý đến họ. Và trong số nầy, có ông biệt phái của dụ ngôn hôm nay.

Người Do-thái phải dâng vào Ðền Thờ một phần mười hoa lợi ruộng đất của mình. ( Ðnl 14, 22 ). Ông biệt phái hôm nay thì dâng vào Ðền Thờ một phần mười về tất cả mọi thứ hoa lợi, dầu những thứ hoa lợi Luật không buộc đóng thuế.

Ông quả là tốt lành, đại lượng. Ông chỉ có cái tội nầy là tự phụ, khoe khoang và khinh người. Ông lên Ðền Thờ nói là cầu nguyện, nhưng không phải cầu nguyện cùng Chúa, mà cầu nguyện với chính mình. Nói cách khác, không phải để chúc tụng ngợi khen Chúa, mà để chúc tụng ngợi khen mình.

"Lạy Chúa, con không tham lam, bất công, ngoại tình. Con không như tên tội lỗi thu thuế kia đâu. Con ăn chay mỗi tuần những hai lần. Con dâng vào Ðền Thờ một phần mười tất cả mọi thứ hoa lợi của con."
Rõ ràng ông không van xin ơn gì cùng Chúa cả. Ông chỉ chúc tụng mình. Ông lên Ðền Thờ là để dùng nhà Chúa làm diễn đàn, tự tuyên dương công trạng. Ông tự cho mình là người thánh thiện, tự trưng bày công nghiệp và nhân đức của mình, với mục đích là thóa mạ, phỉ báng, lên án người cùng lên Ðền Thờ cầu nguyện với mình. Ông biệt phái hôm nay giống hệt thầy Rabbi Simeon ben Jocai. Có lần thầy đã tuyên bố: "Nếu trên thế giới có hai người công chính, thì đó là tôi và con tôi. Nếu chỉ có một người công chính, thì người đó chính là tôi."

Có người biệt phái nào dám khoe khoang trước bàn thờ Chúa như ông biệt phái hôm nay chăng ? Dẫu sao Ðức Yê-su đã muốn làm nỗi bật giáo huấn của Ngài để chúng ta khó quên dễ nhớ. Lời cầu nguyện chỉ dâng lên cho Chúa, không dâng lên cho ai khác. Lại càng không được dâng lên cho chính mình, như kiểu ông biệt phái hôm nay. Ðó là tôn thờ mình. Kẻ tôn thờ mình thì phạm tội kiêu căng, trùm của Bảy mối tội. Ðã phạm tội kiêu căng thì lời cầu nguyện ấy không thể đẹp lòng Chúa được.

Còn người thu thuế, nhân vật thứ hai trong bài dụ ngôn hôm nay, thì sao ? Anh đứng cuối cửa Ðền Thờ, cúi mặt xuống, đấm ngực, thưa lên cùng Chúa: "Lạy Chúa, xin thương con là đứa tội lỗi." Anh tự biết mình là người tội lỗi, khốn nạn. Nhưng anh cũng biết Thiên Chúa là Ðấng nhân lành, đầy tình thương xót. Và anh kêu cầu lòng thương xót Ngài thứ tha cho anh. Anh không dùng ngôn từ quyền thế của người cậy có công lênh, nhưng dùng lời lẽ khiêm nhu của người muốn cải thiện.

Và Ðức Giê-su đã kết luận rằng: "Khi về nhà, người thu thuế trở nên công chính. Còn người biệt phái thì trước sao sau vậy ?" Hơn nữa, ông mắc thêm tội. Tội tôn thờ chính mình. Tội kiêu căng, khinh miệt kẻ khác ngay trước mặt Thiên Chúa.

Bài dụ ngôn hôm nay dạy chúng ta những điều sau đây về sự cầu nguyện.

Trước hết, khi cầu nguyện, đối tượng tôi phải so sánh là chính Thiên Chúa, chứ không phải ai khác, hoặc chính mình tôi. Nếu thay vì nhìn vào chính mình, tôi nhìn vào Thiên Chúa là Ðấng tốt lành cao cả vô cùng, tôi mới thấy mình thấp kém, hèn hạ, tội lỗi như thế nào. Một đấng thánh vĩ đại như Thánh Phao-lô mà đã tự nhận mình là kẻ thấp kém nhất ( 1 Cr 15, 9 ), vì "yếu đuối" ( 2 Cr 12, 9 ) đã bắt đạo và ngạo ngược( 1 Tim 1, 13; Gl 1, 13 ). Thánh Vinh-sơn Phao-lô, một ngôi sao chói lọi trong công việc bái ái từ thiện, mà tự gọi mình là người "thấp hèn nhứt trên thế gian." Cầu nguyện không phải là dâng kiến nghị đòi hỏi, nhưng là cậy trông và phú thc vào Chúa Quang phòng, đại lưỡng vô song, khôn ngoan vô cùng.

Thứ đến, khi cầu nguyện, tôi không được tự cho mình là hơn kẻ khác. Tôi phải luôn luôn nhớ rằng tôi thuộc về đoàn lũ đông đảo những kẻ có tội, được Con Thiên Chúa đổ máu ra trên thập giá để cứu chuộc cho. Người tự cao tự đại không thể cầu nguyện được. Cửa thiên đàng hẹp và thấp, chỉ quỳ xuống, đi bằng đầu gối, mới vào được.

Tại Ðền Thờ thánh Phê-rô ở Rô-ma, có một bức tượng Chúa chịu nạn do Thorvaldsen ( 1770 – 1844 ), nhà điêu khắc Ðan-mạch nổi tiếng thực hiện. Ngày kia, một du khách đến viếng bức tượng. Ông ta nhìn mãi, rồi lắc đầu nói: "Tôi nghe đồn bức tượng nầy nổi tiếng là đẹp lắm. Nhưng tôi chẳng thấy gì là đẹp cả." Một người quỳ sau lưng ông, nói: "Ông phải quỳ gối xuống mới thấy đẹp." Ông du khách quỳ gối xuống. Bấy giờ ông mới khám phá ra vẻ đẹp lôi cuốn của bức tượng Chúa chịu nạn.

Muốn đến gần Chúa, muốn được Chúa dủ tình thương xót, tôi cũng phải quỳ gối xuống mà van xin.

Lm. VŨ MINH NGHIỄM, DCCT

SUY NIỆM 4:

HAI MẪU NGƯỜI

Có một giáo huấn rất quan trọng thường được Chúa Giê-su đề cập nhiều lần trong Tin Mừng và hôm nay, giáo huấn đó một lần nữa được nhắc lại để răn dạy chúng ta. Ðó là: "Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên". ( Lc 18, 14. Lc 14, 11. Mt 23, 12 )

Ðể minh hoạ cho bài học của mình, Ðức Giê-su kể lại câu chuyện: Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: Một người biệt phái là hạng người có tiếng đạo đức, giữ luật rất nghiêm và một người thu thuế vốn mang tiếng là người tội lỗi.

Người biệt phái này tỏ ra rất tự phụ, vênh vang phô trương công đức của mình. Ông tự cho mình ngon lành, đạo đức quá đỗi nên có cần gì đến Chúa nữa đâu ! Oβng đâu có cầu khẩn hay cậy nhờ gì Chúa ! Ông tự đặt mình lên trên những người khác: "Xin tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác, không tham lam, không bất chính, không ngoại tình, không như tên thu thuế kia !"

Rồi ông phô trương thành tích đạo đức của mình: "Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con". Quả là ông này có nhiều thành tích tốt lành ít ai bì kịp. Thế nhưng Thiên Chúa chê bỏ ông vì thái độ tự kiêu của ông. Ông ta như chiếc bình đầy tràn, đầy kiêu căng tự phụ, nên chẳng còn chỗ nào cho Chúa rót thêm.

Trong khi đó, người thu thuế vốn biết thân biết phận tội lỗi của mình nên chỉ đứng ở đằng xa, thậm chí không dám ngước mặt lên, chỉ biết đấm ngực mà nguyện rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi". Anh này đến với Chúa như một chiếc bình trống rỗng, nghĩa là với lòng thống hối khiêm cung và tha thiết cầu xin Thiên Chúa tha lỗi… nên anh đã được Thiên Chúa đổ đầy. Tấm lòng chân thành và khiêm tốn của anh đã giúp anh nhận được ơn tha thứ và dồi dào tình thương của Thiên Chúa.

Với dụ ngôn này, Chúa Giê-su ghi sâu bài học đáng nhớ này vào tâm khảm chúng ta: "Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."

AI TÔN MÌNH LÊN SẼ BỊ HẠ XUỐNG

Về điểm này, nhiều bậc thánh hiền đông phương cũng có cùng quan điểm với Chúa Giê-su. Một hôm Ðức Khổng Tử vào thăm miếu của vua Hoàn Công, nước Lỗ, thấy có cái lọ đứng nghiêng. Ngài nói: "Ta nghe nói vua Hoàn Công có một vật quý để dạy đời. Bỏ không thì nghiêng, đổ nước vào vừa phải thì đứng; nếu đổ đầy tràn thì đổ nhào. Vậy vật ấy có phải là cái lọ này không ? Rồi ngài sai học trò đổ nước vào. Quả nhiên đổ đầy quá thì lọ đổ, bỏ không thì nghiêng, đổ vừa phải thì lọ đứng." ( Trích lại từ Góp Nhặt A )

Như vậy, ai tự nâng mình lên, tự làm cho mình đầy tràn... thì sẽ phải sụp đổ vậy. Quy luật cuộc đời là như thế. "Mặt trời đứng bóng rồi phải xế, trăng tròn rồi sẽ khuyết, vật gì thịnh lắm rồi cũng phải suy" ( Thái Trạch ) Và: "Cái gì đầy rồi sẽ phải đổ vậy" ( Khổng Tử ). Thế nên, Lão tử khuyên chúng ta: "Thông minh duệ trí, thủ chi dĩ ngu, dũng lực chấn thế, thủ chi dĩ khiếp".

Bậc thông minh duệ trí thì nên làm cho vơi bớt bằng khiêm nhường, tỏ ra ngu khờ dại dột… mới được an toàn; bậc anh hào có sức mạnh chấn động thế giới thì cũng đừng phô trương mà rước hoạ vào thân nhưng hãy làm cho vơi đi bằng cách sống hạ mình như người yếu đuối, nhát sợ.

AI HẠ MÌNH XUỐNG SẼ ÐƯỠC NÂNG LÊN

Chúa Giê-su đã minh chứng cho lời Ngài dạy bằng chính đời sống vô cùng khiêm hạ của Ngài. Tiến trình hạ mình, tự huỷ và được vinh thăng của Chúa Giê-su đã được thánh Phao-lô tóm gọn trong thư gửi cho Phi-lip-phê: " Ðức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người... và mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Ðức Giê-su Ki-tô là Chúa". ( Pl 2, 6 – 11 )

Ngoài ra, mẹ Tê-rê-xa Calcutta trong thời đại chúng ta, người đã tự nguyện trở nên tôi tớ thấp hèn của rất nhiều người khốn khổ đau thương nên mẹ trở thành người được mộ mến nhất trên hành tinh này, là một minh chứng hùng hồn nhất cho lời dạy của Chúa Giê-su: "Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên".

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chứng thực những lời Chúa dạy bằng chính cuộc sống của Ngài. Lời Chúa cũng đã thành hiện thực nơi mẹ Tê-rê-xa thành Calcutta. Xin cho lời Chúa cũng được thể hiện nơi đời sống chúng con hôm nay. Amen.

Linh mục I-nha-xi-ô TRẦN NGÀ

SUY NIỆM 5:

XIN THA THỨ

Ðức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nhấn mạnh trong tài liệu "Mea culpa": "Cần phải xin ơn tha thứ – vì mối giây liên hệ nối kết chúng ta tất cả trong Nhiệm Thể – cho dù không có trách nhiệm cá nhân của chúng ta trong đó, nhưng vì chúng ta mang gánh nặng của những lầm lỗi của những người đã đi trước chúng ta và cả chúng ta nữa chúng ta đã phạm tội. Vì thế, trong sự công nhận khiêm tốn các lỗi lầm riêng mình và của người khác, các tín hữu Kitô được mời gọi lãnh nhận trên mình, trước mặt Thiên Chúa và trước mặt những ai đã bị xúc phạm, về tội lỗi và các thiếu sót mà chính mình đã vướng mắc vào. Chúng ta xin tha thứ với Thiên Chúa và với những người bị xúc phạm bởi những cách ăn ở sai lầm: và việc xin tha thứ này bao gồm cả "thanh luyện hóa ký ức". Trong khi công nhận và xin tha thứ các tội lỗi, chúng ta giải thoát chính chúng ta và người khác khỏi gánh nặng và những hậu quả hiện vẫn còn lại của tội lỗi, dù những tội này đã phạm trong quá khứ, để làm cho công việc đối thoại và hòa giải trở nên dễ dàng hơn."

Người Pha-ri-sêu hôm nay đã không nhận ra tội của mình mà lại nhận ra của người khác. Cái sai lầm của người Pha-ri-sêu là đã tự nhận mình là người đạo đức, cái đạo đức làm tiêu chuẩn cho người khác. Rất dễ lấy mình làm mẫu, càng làm lớn càng dễ mắc tật này, người Pha-ri-sêu thời đức Giê-su, là người có nhiều uy tín trong dân, họ được trọng vọng vì địa vị đứng đầu trong dân. Tiếc thay, người Pha-ri-sêu lầm tưởng làm đầu cũng làm mẫu cho dân noi theo.

Ðặt mình làm tiêu chuẩn nên không còn thấy chỗ đứng tầm thường của người khác, đặt mình làm tiêu chuẩn nên cũng tự nhận mình là mẫu mực cho dân. Từ chỗ sai lầm ấy, người Pha-ri-sêu thấy chung quanh mình chỉ toàn những kẻ mê lầm, tội lỗi, họ tự tách riêng ra khỏi đám dân tầm thường. Người Pha-ri-sêu lên án người khác để tô điểm công lao của mình, theo cách đó là dẫm lên người khác để đi lên, hy sinh tính mạng người khác để củng cố địa vị của mình. Người Pha-ri-sêu không dừng lại ở việc lên án mà còn tự mãn về những gì mình có, của cải, vật chất, danh vọng, địa vị chỉ tiếc rằng thiếu tự mãn về tình thương.

Người thu thuế thì đơn giản hơn bởi chẳng có gì để tự mãn, chỉ thấy mình cần được thương xót. Thấy mình cần được thương xót là thấy mình cần hoán cải bởi nhận ra thiếu sót. Người nhận ra thiếu sót của mình xứng đáng là con người. Con người vốn không thập toàn, nên cũng cần sám hối.

The missing piece của Shel Silverstein. Nó kể câu chuyện về một chiếc vòng bị cắt đi một mảnh hình tam giác. Cái vòng muốn được trọn vẹn, không thiếu mẩu nhỏ nào nên lang thang tìm kiếm mảnh thất lạc. Nhưng bởi vì nó không hoàn hảo nên chỉ có thể lăn đi rất chậm. Nó chiêm ngưỡng những bông hoa trên đường. Nó tán gẫu với những con sâu. Nó tận hưởng ánh nắng mặt trời. Nó đã thấy rất nhiều những mảnh vỡ khác nhau nhưng không có cái nào là vừa với nó. Và nó để tất cả lại bên đường rồi tiếp tục cuộc tìm kiếm.

Rồi một ngày kia, chiếc vòng tìm thấy một mảnh rất vừa vặn. Thật là hạnh phúc. Giờ đây nó có thể toàn vẹn, không thiếu chút gì. Nó lắp lại cái mẩu đã mất và bắt đầu lăn. Bây giờ, nó đã là một cái vòng thật hoàn hảo, nó có thể lăn rất nhanh, quá nhanh để có thể lưu ý tới những bông hoa và nói chuyện cùng lũ sâu. Và khi nó nhận ra thế giới đổi khác như thế nào khi lăn nhanh quá, nó dừng lại, vứt mảnh vỡ vừa tìm được lại bên đường và tiếp tục lăn đi chậm rãi.

Câu chuyện mang lại một bài học khá kỳ lạ: chúng ta càng trở nên toàn vẹn hơn khi chúng ta mất đi hay bỏ lỡ một cái gì đó. Trên một phương diện nào đó, một người có tất cả mọi thứ là một người đáng thương. Anh ta sẽ không bao giờ có được niềm thích thú để khát khao, để hy vọng và nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những mơ ước về một điều tốt đẹp hơn. Anh ta cũng sẽ không bao giờ có được cái cảm giác được một ai đó yêu thương, cho anh ta những cái anh ta luôn luôn mong muốn mà không bao giờ có. Một con người muốn nên toàn vẹn là người nhận thức được những hạn chế của mình, là người có đủ can đảm từ bỏ những giấc mơ viễn vông của mình mà không cảm thấy đó là một sự thất bại. Một con người muốn nên toàn vẹn là người biết rằng họ có đủ sức mạnh để vượt qua những thảm kịch và tồn tại, là người có thể thất bại mà vẫn cảm thấy bình an. Mình đã thoát khỏi điều tồi tệ nhất mà vẫn nguyên vẹn ước muốn.

Con người hạnh phúc là con người nhìn thấy sự khiếm khuyết của mình, họ thấy cần một nỗ lực để chinh phục, để rồi thành công. Con người là "nhân vô thập toàn", như vậy là con người hạnh phúc. Hạnh phúc nằm trong chỗ vô thập toàn, để hoàn thiện mãi mãi và không ngừng đi lên.

Ðiều mà cuộc sống đòi hỏi ở chúng ta là "hãy nên hoàn hảo, như Cha là Ðấng ngự trên trời", không phải là "đừng bao giờ mắc sai lầm", mà là "hãy nên hoàn hảo".

Và cuối cùng, nếu chúng ta đủ dũng cảm để yêu, đủ mạnh mẽ để tha thứ, đủ rộng lượng để vui mừng vì hạnh phúc của những người khác, và đủ khôn ngoan để hiểu rằng hạnh phúc có cho tất cả mọi người, chúng ta sẽ hạnh phúc.

Lm. Giu-se HOÀNG KIM TOAN

CHỨNG TỪ:

CAN ÐẢM NHẬN MÌNH LÀ KẺ CÓ TỘI

Mahatma Gandhi, vị lãnh đạo chính trị với tinh thần đấu tranh bất bạo động lừng danh của Ấn-độ, đã kể lại mẩu chuyện của đời ông:

"Tôi phạm tội ăn cắp khi lên 15 tuổi. Vì mắc nợ, tôi đã lấy trộm chiếc vòng bằng vàng của ba tôi để trả nợ. Nhưng tôi không thể nào chịu được sự ray rứt trong tâm hồn. Dù thế, vì quá mắc cỡ, tôi không thể nào mở miệng nói sự thật với ba tôi. Tôi đã viết lời thú tội vào một tờ giấy. Toàn thân tôi run rẩy khi tôi trao miếng giấy này cho ba tôi. Ông đã đọc, nhắm mắt lại một lúc và sau đó xé miếng giấy đi. Ông khẽ nói và choàng tay ôm tôi: "Tốt lắm !" Từ ngày đó, tôi lại càng yêu ba tôi hơn nữa."

 

CÂU TRUYỆN:

TỰ MÃN VÌ ÐẠO ÐỨC

Có một người giáo dân rất đạo đức, giữ chức Quản Giáo, thành viên nhiệt thành trong Ban Hành Giáo của một Giáo Xứ nông thôn miền Bắc. Ngày nào cũng thế, vừa nghe tiếng chuông Nhà Thờ lúc tinh mơ, ông đã vội thức dậy sửa soạn đi lễ đọc kinh thật sốt sắng.

Thế rồi một hôm, vì trong nhà có việc giỗ chạp bận rộn tíu tít, vừa xong xuôi mọi việc, ông mê mệt quá nên ngủ quên mất. Quỷ Xa-tan bèn hiện ra lay gọi ông dậy.

Ðang còn ngái ngủ, trông thấy quỷ đang đứng bên giường mình để đánh thức, ông dụi mắt tò mò thắc mắc ngay: "Ơ hay, thằng quỷ ! Mày mà lại đi đánh thức tao dậy đi lễ ư ? Sao mày lại tốt bụng và đạo đức thế nhỉ ? Chẳng lẽ tao lại phải cám ơn mày à ?" Thằng quỷ ôn tồn bảo ông Quản Giáo: "Tôi là ai, không quan trọng ! Việc tôi đánh thức ông dậy là việc tốt. Ai làm việc tốt thì cũng đều là người tốt cả, ông khỏi phải thắc mắc bận tâm làm gì !"

Ông Quản Giáo nghe vậy liền quát hỏi: "Nhân danh Thiên Chúa, tao buộc mày phải nói, tại sao mày là quỷ mà lại chịu khó đánh thức tao dậy sớm đúng giờ đi lễ ? Ðúng lý mày phải khoái chí thấy tao bê trễ chuyện Nhà Thờ Nhà Thánh mới phải chứ ?"

Xa-tan đành phải giải thích: "Sự tình là thế này, nếu thỉnh thoảng ông lại ngủ quên, bỏ đọc kinh xem lễ Nhà Thờ, hoặc phạm một tội nào đó, chắc chắn một người đạo đức như ông sẽ lại áy náy ăn năn, khiêm tốn nhận ra mình hèn yếu. Từ đó ông sẽ cố gắng sửa chữa, giữ Ðạo và sống Ðạo tốt hơn, vậy là tôi thua ! Nhưng nếu như ngày nào ông cũng sốt sắng đạo đức, chẳng bao giờ phạm bất cứ một lỗi lầm nhỏ nào, rồi sẽ có lúc ông đâm ra tự mãn kiêu ngạo, ngỡ mình là đạo đức số một, khi ấy thì... ha ha !"

Nói đến đây, thằng quỷ biến mất, tiếng cười lưu manh vẫn còn vọng lại thật ghê rợn. Ông Quản Giáo giật mình choàng tỉnh, hóa ra đó chỉ là một cơn ác mộng, một cơn ác mộng dành cho một người đạo đức...

Sưu tầm của cha TIẾN LỘC, trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 6

 

TÀI LIỆU VỀ CÁC NGÀY LỄ 1.11 VÀ 2.11:

CÁC THÁNH THÔNG CÔNG

Ðể góp phần tìm hiểu ý nghĩa Phụng Vụ trong tháng 11, người viết dựa vào tài liệu giáo huấn của Giáo Hội Công giáo, xin nói qua về Lễ Các Thánh Nam Nữ và Lễ Các Ðẳng Linh Hồn, dẫn đến một vài suy nghĩ về hiệp thông với các Thánh và các kẻ đã qua đời.

Lễ Các Thánh Nam Nữ ( 1.11 )

Ở Hoa Kỳ, ngày 31.10 là Halloween, ngày lễ đã bị tục hóa thành ngày có tính cách "ma quái bí ẩn", mà thật ra tên gọi đúng là Hallowe’en, cách gọi tắt gồm nhóm từ All Hallow Even, ( All Hallow là Các Thánh; Even, Lễ Vọng ), có nghĩa "Lễ Vọng Các Thánh".

Theo Francis Mershman, qua Thánh Truyền, Lễ Các Thánh Nam Nữ đã có từ lâu đời trong Giáo Hội do lòng mến mộ của giáo hữu đối với các Thánh. Trong hai ba thế kỷ đầu, người Ki-tô hữu có thói quen mừng lễ kính nhớ một vị tử đạo vào chính ngày vị thánh ấy hy sinh mạng sống vì Chúa, tại nơi chịu chết vì đạo. Từ thế kỷ thứ 4, khởi đầu có thể thức các giáo phận lân cận hiệp thông với nhau về ngày lễ, rước hài cốt các thánh và mừng lễ các nhóm tử đạo chung cùng một ngày với nhau.

Tuy vậy, Giáo Hội muốn vị thánh nào biết rõ ngày tử đạo thì có lễ riêng, còn các vị không rõ ngày thì lễ chung vào một ngày. Ví dụ: Có ngày lễ riêng kính Thánh Gio-an Tẩy Giả bị xử trảm, và lễ chung kính các thánh tử đạo vào Chúa Nhật sau Lễ Hiện Xuống. Ðến khi thể thức phong thánh được thiết lập, số các thánh tăng thêm, và trong lịch Phụng Vụ có lễ Các Thánh Hiển Tu, các Thánh Ẩn Tu, v.v..

Chính Ðức Gíao Hoàng Gregorio III ( 731 – 41 ) đã dành một nhà nguyện tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phê-rô, ở Rô-ma, để cung hiến kính Các Thánh Nam Nữ và đặt ngày 1.11 cố định là Lễ Các Thánh Nam Nữ. Về sau, Ðức Gregorio IV ( 827 – 44 ) mở rộng Lễ 1.11 cho cả Giáo Hội hoàn vũ, và Ðức Urbano IV ( 1261 – 64 ) minh định: "Ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ 1.11 được Giáo Hội lập ra để kính nhớ tất cả các thánh, dù biết rõ hay không biết rõ, hầu bổ túc các thiếu sót trong việc giáo hữu mừng kính các thánh vào các ngày lễ trong năm phụng vụ" ( Cat. Enc., Volume I, by Kevin Knight 1999 ).

Lễ Các Ðẳng Linh Hồn ( 2.11 )

Cũng theo Francis Mershman, lễ tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời được Giáo Hội mừng vào ngày 2.11. Căn bản thần học về lễ này dựa vào niềm tin rằng: Những ai chết trong ân sủng và trong ơn nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.

Giáo Hội gọi luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Khi trình bày giáo lý của đức tin về Luyện Ngục tại Công Ðồng Florencia và Trento, cũng như dựa vào một số bản văn Thánh Kinh ( 1 Cr 3, 15; 1 Pr 1, 7 ), Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện như sau: "Ðối với một số lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán Xét theo như những gì mà Ðấng là Chân Lý đã dạy .." ( Giáo Lý, 1030-1031 ).

Vào thời Giáo Hội tiên khởi, người Ki-tô hữu có thói quen ghi tên các giáo hữu đã qua đời vào "danh sách những người đã ra đi" để tưởng nhớ và cầu nguyện cho họ. Các Dòng Benedicto có nghi thức tưởng nhớ đến các thành viên tu sĩ đã qua đời. Tại Tây-ban-nha, có ngày cầu cho các linh hồn vào Chúa Nhật 2 Mùa Chay, hoặc Thứ Bảy trước Lễ Hiện Xuống. Tại Ðức, từ khoảng cuối thế kỷ 10, có lễ cầu hồn vào 1.10. Lễ này được Giáo Hội chấp thuận.

Khởi đầu từ tu viện Cluny, năm 1080, các tu hội Benedicto mỗi năm dành một ngày cầu cho Các Ðẳng Linh Hồn. Sau đó, lễ lan qua Bỉ, Pháp, Ý vào ngày 15.10 và chuyển đến ngày 2.11. Riêng tại Tây- ban-nha, Bồ-đào-nha và Mỹ La-tinh, ngày 2.11, các Linh Mục làm ba lễ. Giáo hữu trình thỉnh nguyện thư xin tổ chức lễ cầu hồn trong Giáo Hội hoàn vũ và Ðức Giáo Hoàng Leo XIII ( 1878 – 1903 ) ban chỉ thị làm lễ Cầu Hồn "Requiem" cho Các Ðẳng. Trong các Giáo Hội theo nghi lễ Hy-lạp và Acmenia cũng có ngày Lễ Cầu Hồn.

Các Thánh thông công

Trong kinh Tin Kinh các Tông Ðồ, người Ki-tô hữu đọc: "Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này các Thánh thông công". Ý nghĩa câu này gồm hai phần:

- "Hội Thánh ở khắp thế này" đề cập đến Giáo Hội giữa trần thế, vừa nói đến tình trạng "lữ hành" hiện nay của chúng ta sống giữa đời, vừa nhắc đến đại gia đình Ki-tô hữu phải "hiệp thông" đoàn kết với nhau, trong tình huynh đệ các con cái của cùng một Chúa.

- "Các Thánh thông công" nêu lên sự hiệp thông giữa ba Giáo Hội – Giáo Hội lữ hành với Các Thánh trên trời và các kẻ đã qua đời đang tạm thời phải thanh luyện.

"Trong khi chờ đợi Chúa sẽ đến trong quyền uy với các thiên thần, và trong khi chờ đợi mọi sự quy phục Ngài sau khi sự chết bị phá hủy, một số môn đệ của Chúa tiếp tục cuộc lữ hành trên trái đất này; một số khác đang ở trong vinh quang, được chiêm ngưỡng "Thiên Chúa độc nhất mà Ba Ngôi, trong ánh sáng huy hoàng; một số khác, sau khi qua đời còn bị thanh luyện." ( Công Ðồng Vaticano II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, LG, 49 )

TRẦN VĂN TRÍ, 11.2001

CHIA SẺ:

HAI CON TÔM HÙM VÀ NĂM GÓI MÌ TÔM

Cũng như đại đa số các gia đình Việt Nam đang sống trên đất Mỹ, cùng với những người dân bản xứ, chúng tôi đã mừng một Lễ Thanksgiving bằng một bữa tiệc tương đối thịnh soạn.

Buổi tối, sau khi tiệc tàn, tôi tình cờ đọc bài tường thuật: "Ðà Nẵng, những gì còn lại sau cơn lũ..." về chuyến viếng thăm đồng bào nạn nhân lũ lụt miền Trung của phái đoàn Ða-minh. Nỗi xúc động bỗng dưng tràn về... Chắc chắn không phải vì bài tường thuật được viết rất khéo và cũng có vẻ chuyên nghiệp báo chí nữa vì tôi đã từng đọc nhiều bài như thế từ hôm có tin về trận bão lụt khủng khiếp đang xảy ra tại miền Trung Việt Nam.

Tuy nhiên, điều gây cho tôi xúc động không ít chính là hai hình ảnh vô cùng tương phản về những đau thương, khốn khổ của đồng bào nạn nhân lũ lụt và những sa hoa, thừa thãi chung quanh xã hội mà tôi đang sống đây. Ngay ngày hôm nay, trên đất nước này, có biết bao người Việt ly hương đang thiêu đốt những đồng tiền của mình vào những cuộc vui chơi đắt giá, những yến tiệc linh đình, thừa thãi. Nhìn hình ảnh mỗi gia đình nạn nhân lũ lụt đang tiếp nhận cứu trợ từ phái đoàn Ða-minh, một món quà mà chính phái đoàn đã tự hào là khá chất lượng, gồm có 5 gói mì tôm và 50.000 VND. Ôi ! chỉ là một số tiền còm cõi trị giá hơn 3 dollars để làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng ư ?

Tôi không khỏi không nghĩ đến hai con tôm hùm mà tôi đã rộng tay gọi thêm ở nhà hàng chiều nay để buổi họp mặt mừng Lễ Tạ Ơn của đại gia đình tôi tăng thêm phần thịnh soạn. Một bài toán thoáng qua trong đầu tôi rất nhanh. Miếng tôm hùm thơm ngậy tôi đã ăn cách đây mấy tiếng đồng hồ, bây giờ sao nghe như đang còn nghèn nghẹn ở cổ. Chỉ là một món ăn thêm thôi nhưng là trị giá của niềm hy vọng lớn lao cho 50 gia đình khốn khổ đang ngày đêm ngóng cổ chờ trông để có thể tái lập lại những gì họ đã mất sao ? Và năm gói mì tôm để nuôi sống một gia đình trong cơn đói khát liệu có đắt giá bằng một ly nước cam mà tôi đã uống dở dang rồi đổ đi không chút gì thương tiếc không ?

 Tôi nhớ lại một người quen vừa mới khoe: Họ đã mua một cặp vé để đi dự Ðại nhạc hội vào đêm giao thừa của thiên niên kỷ mới với giá 800 USD, nhưng khi tôi ngỏ ý xin tiền cứu trợ đồng bào lũ lụt thì 20 dollars cũng chưa có sẵn. Tôi cũng không quên một người bạn khác đã bận rộn đưa gia đình đi nghỉ Lễ Tạ Ơn ở Las Vegas và cố tình phớt lờ chuyện tôi nhắn là có phái đoàn Ða-minh sẽ đi cứu trợ và đang rất cần tiền. Tôi có thể nghĩ đến giá phòng ngủ một đêm mà họ sẽ phải trả vào những dịp lễ lớn này là bao nhiêu…

Bên cạnh đó, trong những ngày này, có biết bao cá nhân và đoàn thể đang vận động, hô hào bằng mọi cách để quyên góp cho đồng bào bão lụt miền Trung và sẽ có tất cả bao nhiêu tiền bạc và tặng phẩm đến được tận tay những nạn nhân như phái đoàn Ða-minh đã làm. Có những chuyện bên lề mà báo chí đã mổ xẻ rất nhiều và dư luận cũng lên án không ít. Tôi không hề có ý chỉ trích hay nói xấu một ai vì bản thân tôi cũng chưa làm được gì. Ðó chỉ là những thực trạng đau lòng của một xã hội đang ngày càng cảm thấy như chai lì hơn, dửng dưng hơn một chút trước những đau thương của đồng loại. Bằng chứng là người ta vẫn đang tiếp tục tổ chức và hưởng ứng những cuộc vui chơi vô cùng đắt giá và phí phạm. Người ta càng rộng tay mua sắm, hưởng thụ cho cá nhân mình bao nhiêu thì càng nghèo nàn, tính toán cho những công việc bác ái bấy nhiêu. Với những đóng góp nào đó, nếu có, chỉ là những hành động thương hại, những cử chỉ bố thí và ban ơn, không hơn không kém...

 Trước khi đi ngủ, như thông lệ, gia đình tôi ngồi lại cầu nguyện với nhau ít phút. Với niềm xúc động và mặc cảm tội lỗi còn đang dày vò tâm trí, tôi đem chuyện hai con tôm hùm và năm gói mì ra chia xẻ với mọi người. Sau khoảnh khắc im lặng rất ngắn, thật bàng hoàng và xúc động làm sao, đứa con trai út mới vừa 7 tuổi của tôi, đã lên tiếng cầu nguyện bằng một giọng rất ấp úng với tiếng Việt chẳng thành câu: "Lạy Chúa ! Sắp có Giáng Sinh rồi, con sẽ có nhiều quà tặng lắm, xin Chúa cho con biết thương mấy bạn nghèo ở Việt Nam..."

 Ôi ! Tất cả chúng con nữa, đều đang cần và rất cần có một trái tim biết thực sự yêu thương... và tôi đã đi vào giấc ngủ muộn màng với hình ảnh của 5 chiếc bánh và 2 con cá đã nuôi sống được 5 ngàn người ( Mt 14, 13 – 21 ).

T. XUÂN, Lễ Tạ Ơn 1999, lấy từ  chinhnghia.org

THÔNG TIN:

THÔNG TIN VỀ TÌNH HÌNH LŨ LỤT Ở MIỀN TÂY

Số nạn nhân bị thiệt mạng vì lụt lội trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nay đã lên tới 304 người. Những trận mưa như trút vẫn tiếp tục đổ xuống trong khi nước triều lại dâng cao. Chính vì vậy, ngay cả những tỉnh ở hạ nguồn sông Cửu Long nay cũng bắt đầu bị lụt lội.

Kể từ khi lụt lội bắt đầu vào tháng 7 năm nay, 320.000 ngôi nhà đã bị ngập nước, và mức thiệt hại vật chất phải lên đến 58 triệu USD. Mực nước trong các phụ lưu sông Cửu Long trên thượng nguồn nay đã xuống dần. Thế nhưng tình trạng mưa to gió lớn kèm theo mực nước triều cao đã làm cho ba tỉnh nữa phải chịu chung số phận. Gần 27.000 gia đình đã được di tản đến những chỗ cao hơn. Tuy nhiên, 18.000 người khác vẫn chưa được dời đi.

ÐỖ-HỮU, VietCatholic 21.10.2001

VỀ CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN CỨU TRỠ LŨ LỤT MIỀN TÂY

Ông Bà Trần Thiện Huy ( Hoa Kỳ ) qua cha Nguyễn Tất Hải, DCCT                :      100 USD đã nhận.

Hai bạn Tự Thắng – Lâm Nhạn ( Hoa Kỳ ) qua cha Tiến Lộc, DCCT                :      300 USD đã nhận .

Vợ chồng MK Tùng – Lam ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Huỳnh Cúc                         :      100 USD

Vợ chồng MK Quang – Cúc ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Huỳnh Cúc                       :  100 USD

Bạn MK Nguyễn Quốc Hưng ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Huỳnh Cúc                     :        20 USD

Bạn MK Trương Nguyên Hậu ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Huỳnh Cúc                    :        30 USD

Các bạn Dũng và Thúy Võ ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Huỳnh Cúc                         :        20 USD           

Bạn MK Nguyễn Diễm Thu ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Huỳnh Cúc                        :        20 USD

Vợ chồng MK Nguyễn Ðịnh – Nhàn ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Huỳnh Cúc                               :        30 USD

Bạn MK Phan Anh Tuấn ( Canada ) qua bạn MK Huỳnh Cúc                              :        20 USD

Ông bà Phạm Bình Thuận ( Hoa Kỳ ) qua Lm. MK Quang Uy, DCCT                :        30 USD đã nhận.

Một người bạn của người nghèo ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Huỳnh Cúc              :        20 USD

Bạn MK Trương Thanh Hằng ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Huỳnh Cúc                     :        50 USD

Các bạn Nam và Dao La( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Huỳnh Cúc                                :   30 USD

Bạn MK Trần Huyền Trân ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Huỳnh Cúc                          :   20 USD

Bạn Trần Ðăng ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Huỳnh Cúc                                               :   30 USD

Vợ chồng MK Quốc Ðồng – Thanh Hải ( Hoa Kỳ ) qua MK Huỳnh Cúc          :   30 USD

Bạn MK Ðàm Thị Kim Thư ( Việt Nam ) qua bạn MK Quốc Duy                                                                   :   100.000 VND đã nhận.

Một bạn ẩn danh ( Việt Nam ) qua bạn MK Quốc Duy                                                                                           :   200.000 VND đã nhận.

Vợ chồng MK Hải – Mỹ Dung ( Việt Nam ) qua bạn MK Quốc Duy                                                           :   100.000 VND đã nhận.

Vợ chồng MK Thế Ðịnh – Minh Châu ( Sài-gòn ) qua Lm. MK Quang Uy, DCCT                            :  200.000 VND đã nhận.

Chị Hà ( Việt Nam ) qua bạn MK Quốc Duy                                                             : 1.000.000 VND đã nhận.

Nhóm bạn của MK Quốc Duy ( Việt Nam ) qua bạn MK Quốc Duy                   :   500.000 VND đã nhận.

 


Sơ kết về quyên góp cứu trợ lũ lụt miền Tây, tính tới 24.10.2001                   : 950 USD và 2.100.000 VND.

Cũng xin ghi chú thêm: số tiền 300 USD do cha Tiến Lộc chuyển giúp về cho GOSPELNET trong bảng danh sách vừa nêu của đôi vợ chồng Tự Thắng và Lâm Nhạn, vừa được thanh tẩy trong dịp đại lễ Phục Sinh năm 2001 tại cộng đoàn Ðức Mẹ La Vang, Canoga Park, tiểu bang California. Quả là những tấm lòng dễ thương tuyệt vời khi được biết đây là món quà đám cưới của hai bạn. Trước khi lên đường đi xa sau đám cưới hai tuần, hai bạn đã mang đến 500 USD tiền mừng đám cưới và một hộp tiền coins ( quarters, pennies ) đổ ra đếm được 175 USD mà hai bạn đã chắt bóp dành dụm từ lâu. Hai bạn đã ngỏ ý muốn trích ra chia sẻ 300 USD với đồng bào ở Việt Nam đang chịu cảnh lũ lụt vì hai bạn tự nhận thấy mặc dù hai bạn cũng túng thiếu nhưng còn đầy đủ sung sướng hơn bao nhiêu người đang chịu thiên tai khốn khổ...

THÔNG TIN VỀ CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ SỰ SỐNG

Sáng thứ hai 22.10.2001, Sr. Hồng Quế, Dòng Ða-minh Tam Hiệp, hiện đang phụ trách Tư Vấn ở Tổng Ðài 1088, đã dẫn đến DCCT giới thiệu một trường hợp ( xin giấu tên ). Ðây là một cô gái đã bị lừa gạt buộc phải hành nghề mãi dâm, bị đánh đập tàn nhẫn, và đã có thai được 4 tháng... Cô đã vượt thoát được và chạy đến cầu cứu, tự nguyện giữ lại bào thai sau khi được tiếp đón và tham vấn Tâm Lý. GOSPELNET xin trợ giúp ngay số tiền 600.000 VND tạm thời trong 2 tháng, để các Soeurs của một Nhà Dòng ( xin giấu tên ) nuôi dưỡng và chăm sóc cho đến ngày mẹ tròn con vuông.

THÔNG TIN VỀ HỌC BỔNG XUÂN HIỆP

GOSPELNET xin gửi số tiền 1.400.000 VND đến Sr. Nguyễn Thị Ánh, Dòng Ða-minh Rosa Lima để lo cho 14 em học sinh trong danh sách Học Bổng Xuân Hiệp trong hai tháng 9 Và 10 Năm 2001. Học bổng này do 3 bạn trẻ và 6 đôi vợ chồng trong Nhóm Mai Khôi ( MK ) ở Việt Nam, nhận trợ giúp đều đặn hằng tháng cho mỗi em học sinh nghèo được 50.000 VND đã bắt đầu từ tháng 1 năm 2001 cho đến nay.

THÔNG TIN VỀ TÂN LINH MỤC CALLISTO BÁ NĂNG LÝ DÂN TỘC XÊ-ÐĂNG

Lúc 5g30 sáng thứ năm 18.10.2001 vừa qua, đúng dịp Lễ Kính Thánh Lu-ca, Thầy Phó Tế CALLISTO BÁ NĂNG LÝ thuộc Giáo Phận Kontum, đã được thụ phong Linh Mục tại Nhà Thờ Chính Tòa Kontum. Theo lời Ðức Giám Mục Giáo Phận Kontum, đây là vị Linh Mục người Xê-đăng đầu tiên của Giáo Phận. Từ năm 1932 đến nay, Giáo Phận Kontum đã có 6 Linh Mục người Bahnar.

Dựa vào tài liệu của Giáo Phận Kontum, GOSPELNET xin sơ lược vài nét tiểu sử của cha Bá Năng Lýỳc với việc giới thiệu khái quát về vùng Truyền Giáo cho người anh em dân tộc Xê-đăng tại Kontrang.

Cha Callisto Bá Năng Lý sinh ngày 19.1.1962 tại làng Konđâu Yôp, Ðak-tô, con ông A. Tei và bà Maria Y Hoe, trong một gia đình có tất cả 6 anh em. Cậu Bá Năng lý được rửa tội ngày 21.1.1962 do Linh Mục thừa sai Gabriel Brice, chánh xứ Kon Hơring. Cuối năm 1970, cậu về ở tại Ngô Trang với Yă Angès, được học Giáo Lý, lúc đó cha sở là Si-mon Nguyễn Diện đảm trách chánh xứ giáo xứ Ngô Trang.

Năm 1972, mùa hè chiến cuộc ác liệt xảy quanh thị xã Kontum, cậu Bá Năng Lý về sống ở Kontum là nơi cả hai ông bà sẽ phục vụ tại Dòng Ảnh Phép Lạ. Từ năm 1973 – 1975, anh tíếp tục học cấp I tại trường Bok Kiêm và La San Kim Phước. Tháng 3.1975, anh cùng đoàn người di tản và phải lưu lạc tại Thành Phố Nha Trang và được Linh Mục Nghĩa Phụ là Cha Giu-se Nguyễn Quang Thạnh lo lắng mọi mặt và vun trồng Ơn Gọi Linh Mục.

Năm 1976 – 1984, anh Bá Năng Lý tiếp tục học cấp II và III tại thành phố Nha Trang, đồng thời bắt đầu tìm hiểu Ơn Gọi Linh Mục. Năm 1984 – 1990, anh thực tập đời sống ơn gọi và sống đời lao động.

Năm 1990 – 1993: mgày 29.9.1990, thầy Bá Năng Lý chính thức gia nhập vào Ðại Chủng Sinh. Năm 1993 – 1999, thầy tu học tại Ðại Chủng Viện Sao Biển, Nha Trang. Ngày 8.9.2000, thầy lãnh nhận Phó Tế tại Ðại Chủng Viện Sao Biển, do Ðức Giám Mục Nha Trang Phao-lô Nguyễn Văn Hoà. Ngày 28.5.2001, thầy Sáu Lý nhập hộ khẩu thường trú tại Kontum. Thầy được thụ phong Linh Mục ngày 18.10.2001 do Ðức Giám Mục Kontum Phê-rô Trần Thanh Chung.

Chuẩn bị cho ngày thụ phong là khâu tổ chức quan trọng, đặc biệt ưu tiên cho anh em người dân tộc, vì cộng đồng tín hữu Xê-đăng đã có được một người con dâng cho Thiên Chúa và Giáo hội.

Kontran là vùng đất cực bắc của Giáo Phận Kontum, số giáo dân trên 30.000 người, nay không còn một ngôi thánh đường nào nữa. Từ ngày 21.10.1997, chỉ có một Linh Mục đảm trách cho người Xê-đăng là Cha Si-mon Phan Văn Bình, cha lại không thể thường trú giữa giáo dân của mình. Vì thế, anh em tín hữu đã hy sinh lên tận thị xã Kontum để lãnh nhận các Bí Tích và thiếu thốn Bàn Tiệc Thánh Thể từ năm 1972 đến nay. Do đó, trong phần tổ chức thiệp mời đã có ưu tiên cho anh em người Xê-đăng từ phía Tòa Giám Mục và cộng đồng Dân Chúa.

Ý nghĩa của Biểu Tượng và lời thánh Phê-rô thân thưa với Thầy Chí Thánh tại bờ Hồ Ti-bê-ri-a sau khi Chúa sống lại: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy" ( Ga 21, 17 ) được thầy tiến chức ghi lại trong thiệp mời, tất cả đã nói lên phần nào tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và một tâm tình phục vụ sâu sắc cho anh em đồng bào mình của thầy.

Ðức Cha Phê-rô Trần Thanh Chung, chủ phong, Ðức Cha Alexis Phạm Văn Lộc, nguyên Giám Mục Giáo Phận Kontum đã dẫn dắt thầy Bá Năng Lý từ khi thầy còn tấm bé. Ngoài ra có đông đảo các cha, các Ðại Chủng Sinh, nữ tu, thân nhân, ân nhân, giáo dân, và bạn hữu của thầy trong Giáo Phận. Thầy Lý còn mời một số Ðức Cha nguyên là giáo sư Ðại Chủng Viện Sao Biển, như hai Ðức Cha Nha Trang, Ðức Cha Quy Nhơn, Ðức Cha Buôn Ma Thuật, các cha trong ban Giám đốc Ðại Chủng Viện Sao Biển, Nha Trang, các cha bạn cùng các ân nhân xa gần. Thánh Lễ được cử hành trước mặt tiền Nhà Thờ Chính Toà Kontum lúc 5g30 sáng ngày 18.10.2001

Theo thông lệ, anh em tín hữu thuộc Giáo Phận, đặc biệt người dân tộc nói chung, lần nầy cho người Xê-đăng nói riêng, đã đến tham dự rất đông, mặt khác cũng là dịp được đến Kontum để xưng tội, dự lễ cầu nguyện cho tân chức từ những ngày trước đó. Ban tổ chức Giáo Phận cũng đã tiên liệu mọi khía cạnh như tiếp đón khách của Giáo Phận, đặc biệt của thầy để Lễ Phong Chức Linh Mục lần nầy mang nhiều sắc thái dân tộc, sâu sắc, trang trọng, trật tự và tiết kiệm. Ban tổ chức tiên liệu khoảng trên dưới 10.000 người sẽ tham dự Thánh Lễ, bầu trời sẽ đẹp, không mưa, và thuận lợi nhiều mặt. Và quả thật, tất cả đã diễn tiến hết sức tốt đẹp.

Giáo Phận Ðã chọn ngày 18.10, nhằm Lễ Thánh Lu-ca, tác giả Tin Mừng Ðức Giê-su Ki-tô, với hướng đi là cha Bá Năng Lý sẽ phục vụ Lời Chúa cho anh em đồng bào mình trong sức mạnh Thần Khí, và Tình Yêu thúc bách thể hiện rõ nét nơi Tin Mừng theo Thánh Lu-ca. Dưới đây là lời dẫn nhập vào tỷ lệ:

"Kính thưa quý ông bà cùng toàn thể cộng đoàn thân mến, sáng hôm nay, từ nhiều phương trời chúng ta trẩy hội về đây, để cùng hiệp thông trong Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục cho Thầy Phó Tế Callisto Bá Năng Lý. Thật là một Hồng Ân cả thể Chúa đã thực hiện giữa Dân Thánh Người, Dân Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Ðế, Dân Riêng cho mọi người và vì mọi người, không phân biệt màu da hay sắc tộc. Vì thế, trước tiên chúng ta được mời gọi hòa vang lên cùng Giáo Hội Hoàn Vũ lời tán tụng ngợi khen Thiên Chúa với tất cả tấm lòng tri ân và cảm tạ.

Hơn nữa, thật là ý nghĩa khi Thánh Lễ Truyền Chức hôm nay được cử hành vào ngày Thứ Năm, ngày Linh Mục, trong dịp lễ kính thánh Lu-ca tác giả Sách Tin Mừng. Ðiều đó nhắc nhở chúng ta quan tâm cầu nguyện cho Ơn Gọi Linh Mục và cho công cuộc truyền giảng Tin mừng. Ý nghĩa đó càng được củng cố trong bối cảnh tháng 10, tháng Mai Khôi mà cũng là tháng Truyền Giáo, khởi đầu với Lễ Thánh Tiến Sĩ Tê-rê-xa Hài Ðồng Giê-su, bổn mạng các Xứ Truyền Giáo, và đang hướng đến Chúa Nhật 21.10 tới đây là Ngày Thế Giới Truyền Giáo. Bởi thế, trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta còn được kêu mời hướng về công cuộc Truyền Giáo với lòng nhiệt thành và ý thức việc Truyền Giáo vẫn luôn là việc khẩn thiết và có tính thời sự, đồng thời thêm xác tín Chúa không ngừng lo liệu cho việc Truyền Giáo được đơm bông kết trái.

Thêm vào đó, sự hân hoan vui mừng vì có được 1 Linh Mục đầu tiên người Xê-đang của Giáo Phận Kontum hôm nay, lại càng được nhân lên gấp bội, khi được đón tiếp các Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ, Chủng Sinh và thân hữu từ nhiều Giáo Phận, Dòng Tu đến chia sẻ và hiệp thông. Trong niềm vui chung đó, chúng ta cùng cầu nguyện cho sự hiệp nhất và thăng tiến của Giáo Hội cũng như của mọi dân tộc, nhất là nơi những miền xa, miền cao và đặc biệt miền Tây Nguyên này...

Giờ đây, với niềm hân hoan của Dân Tư Tế Thánh, xin kính mời cộng đoàn phấn khởi tiến lên, bước vào cuộc cử hành Mầu nhiệm của chúng ta."

Các bài Sách Thánh trong Thánh Lễ đều được đọc bằng 3 thứ tiếng: Kinh, Bahnar và Xê-đăng. Bài Cựu Ước: Giê-rê-mi-a 1, 4 – 9. Bài Tân Ước: Dt. 5, 1 – 10. Bài Tin Mừng: Lc 4, 16 – 22a.