TIN MỪNG: Lc 17, 11 – 19
Trên
đường lên Giê-ru-sa-lem, Ðức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền
Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người
phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: "Lạy
Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi !"
Thấy vậy, Ðức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế". Ðang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Ðức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Ðức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?" Rồi Người nói với anh ta: "Ðứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh".
SUY NIỆM 1:
Tiếng
cám ơn vẫn là lời quan trọng của con người đối xử với nhau. Còn gì
ấm êm, an ủi, phấn khích cho bằng một tiếng cám ơn khi người khác tế
nhị nói với ta. Cuộc đời lắm phiền toái hơn gặp những sự hưng phấn,
thoải mái, vỗ về, an ủi. Ta làm ơn cho kẻ khác, không mong được đáp
trả báo đền. Nhưng một tiếng cám ơn vẫn là sự khích lệ lớn làm ta
quên đi những sự nhọc nhằn đã giăng đầy chồng chất trên đời ta.
Lời Chúa hôm nay nói lên tấm lòng biết ơn của một người Sa-ma-ri
ngoại đạo đã trở lại gặp Chúa để cảm tạ tri ân Người vì anh ta đã
được chữa khỏi bệnh phong cùi .
I. Ý NGHĨA LỜI CHÚA:
Tin
Mừng Lu-ca trích đoạn 17, 11 – 19 diễn tả cuộc hành trình của Chúa
Giê-su đi Giê-ru-sa-lem. Phép lạ Chúa làm hôm nay xảy ra trong cuộc
đời rao giảng của Người tại biên giới Sa-ma-ri và Ga-lil-ê. Chúa gặp
mười người mắc bệnh phong cùi. Theo tục lệ của người Do-thái lúc
đó, người mắc bệnh phong cùi là người bị xã hội loại trừ, người bị
ô uế phải sống cách xa mọi người. Lề luật cấm họ không được lại
gần bất cứ một ai. Nên, khi thấy Chúa Giê-su, họ chỉ dám đứng xa xa
mà van xin Người chạnh lòng thương xót.Chúa Giê-su đã đáp ứng lời
van xin của họ và dạy họ hãy đi trình diện các tư tế. Lề luật
Do-thái dành cho các tư tế quyền xem xét và tuyên bố bệnh nhân đã
khỏi bệnh thật chưa. Ðược các tư tế xác nhận khỏi bệnh, họ mới có
quyền trở lại cuộc sống bình thường và hòa nhập với xã hội đương
thời .
Vâng,
cả mười người đến trình diện với các tư tế đã được xác nhận hoàn
toàn khỏi bệnh.Chín người Do-thái được chữa lành đã không nhận ra
nguyên nhân nào và ai đã chữa họ khỏi bệnh cùi. Họ đã quá nê vào
lề luật và tưởng rằng họ đã làm theo lề luật dạy nên họ được
lành bệnh. Họ chỉ dừng lại ở việc họ đã được khỏi bệnh. Còn người
ngoại giáo Sa-ma-ri: một người đáng ghét và bị liệt vào hạng tội
lỗi trước mặt người Do-thái lại là người biết ơn, đã quay trở lại
để cám ơn Chúa Giê-su khi anh ta được tuyên bố khỏi bệnh. Anh cảm
nghiệm được tình thương của người đã chữa lành anh ta là Chúa Giê-su.
Anh đã quỳ dưới chân Chúa Giê-su, cám ơn và ngợi khen lòng thương
xót của Người, Ðấng đã cứu chữa anh ta không chỉ cơn bệnh hiểm nguy
thân xác mà còn chữa anh ta cả tâm hồn. Anh đã không dừng lại ở
sự sống thân xác, nhưng đã đi tới lòng tin. Tin vào Chúa Giê-su,
Ðấng nhân lành, thương xót, hiền hậu.
II. CÁI TRỚ TRÊU VẪN LÀ CÁI
NGHỊCH LÝ CỦA TIN MỪNG:
NGƯỜI Ở TRONG LẠI PHẢI Ở NGOÀI VÀ NGƯỜI Ở NGOÀI LẠI ÐƯỠC Ở
TRONG:
Sự
đời vẫn thường xảy ra những điều ta không hay trước, những sự bất
ngờ. Tin Mừng đã nhiều lần nhắc lại nghịch lý này. Chúa Giê-su đã
mặc khải Ðạo Tình Thương và xây dựng Giáo Hội của Người trên cốt
lõi Tin Mừng Tình Thương. Chúa Giê-su dạy mọi người hãy sống tình
thương và thực thi tình thương bác ái đối với người khác.
Chúa
Giê-su đã quả quyết viên sĩ quan bách quản, người ngoại đã có lòng
tin mạnh mẽ hơn bất cứ người Ít-ra-en nào. "Tôi nói cho các ông
hay:ngay cả trong dân Ít-ra-en, Tôi cũng chưa thấy một người nào có
lòng tin mạnh như thế" ( Lc 7, 9 ). Hay nói về người đàn bà "ngoại"
Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri-a, Chúa khen bà: "Vì bà nói
thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi" ( Mc 7,
29 ). Hoặc bên bờ giếng Gia-cóp, Chúa Giê-su đã biết rõ người đàn
bà đang nói với mình là ai, Người thấy hết cả cõi lòng của người
đàn bà, đến nỗi người đàn bà đã chạy vào thành và nói với người
ta: "Ðến mà xem:có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi
đã làm. Ông ấy không phải là Ðức Ki-tô sao ?" ( Ga 4, 29 ). Còn
đối với người Sa-ma-ri nhân hậu, Chúa đã quả quyết: chính ông ta là
người đã chạnh lòng thương và bác ái với người đồng loại chứ không
phải là vị tư tế, thầy Lê-vi hay bất cứ người Do-thái nào khác. ( Lc
10, 29 – 37 ).
Ðời
lúc nào cũng lẫn lộn vàng thau. Cái thật và cái giả. Ánh sáng và
bóng tối. Cái trớ trêu mà Chúa Giê-su đã nêu lên ở đoạn Tin Mừng
hôm nay và nhiều đoạn Tin Mừng khác để dạy các môn đệ và mọi
người ở muôn thời vẫn là người có đạo chưa chắc đã thực thi bác
ái tốt, chưa chắc đã có lòng tin mạnh nếu họ chỉ mang nhãn hiệu là
Ki-tô hữu, là Công giáo. Người ngoại đạo xem ra bị coi là tội lỗi
là xấu xa trước mắt người Do-thái, đối với Chúa Giê-su họ lại là những
người thực thi đạo. Họ chưa được nghe rao giảng, nhưng lòng họ đã rất
gần Chúa, Ðấng họ tin chắc chắn sẽ giúp họ. Nên, Chúa nói: "Kẻ
sau hết sẽ trở nên trước và ngược lại" quả thực rất chí lý,
đáng cho muôn đời suy nghĩ !
III. ÁP DỤNG THỰC TẾ:
Trong đời sống, chúng ta đã nhận được biết bao ơn
huệ nhưng không của Chúa. Chúng ta có biết đáp trả lại tình thương
vô biên dạt dào của Chúa hay không ? Thánh Lễ, Kinh Nguyện và các
Bí Tích ( họp thành Phụng Vụ ) có giúp ta đặt mối tương quan mật
thiết giữa ta và Chúa Giê-su, Ðấng nuôi sống ta ?
Có bao
giờ chúng ta nghi ngờ lòng nhân từ của Chúa không ? Chính Chúa
Giê-su cứu độ chúng ta.Lề luật chỉ giúp ta. Sự thật mới giải phóng
ta. Chính Chúa Giê-su dạy ta thực thi những điều thiện hảo: "Hãy
học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng" ( Mt 12, 29 ).
Lm. Giu-se NGUYỄN HƯNG LỠI, DCCT, Giáo Xứ Phú
Sơn ( Fyan )
SUY NIỆM 2:
Làm
người, ai trong chúng ta chẳng thích sống với những người có nhân có
nghĩa. Thế nhưng, không phải luôn luôn chúng ta được như ý muốn.
Người xưa có những câu chuyện về thói vô ơn bạc nghĩa của con người.
Chẳng hạn như chuyện một người vợ cả một đời hy sinh, lam lũ, thức
khuya dậy sớm lo cho chồng đèn sách, gánh hết trách nhiệm của chồng
là nuôi dạy con cái, những mong sau này: "Bảng vàng chói lọi kia
đề tên anh..."
Ấy
thế mà, đỗ đạt rồi, anh chồng nhanh chóng quên ân tình phu phụ, vội
se duyên mới với con cháu quan quyền, cố xua nhanh quá khứ nghèo nàn,
gốc gác bần dân của mình.
Người
thời nay cũng có những câu chuyện tương tự. Nghe nói ở một giáo xứ
nọ, có một gia đình đồng lòng chửi cha xứ, chửi Hội Ðồng Giáo Xứ,
bỏ Ðạo, bỏ Chúa vì bị yêu cầu dời nhà ra khỏi khuôn viên nhà thờ.
Trước đây, hai vợ chồng này nghèo khổ, không có mảnh đất cắm dùi.
Thương hoàn cảnh nghèo nàn, khó khăn, cha xứ và Hội Ðồng Giáo Xứ
cho mượn một miếng đất cất tạm căn chòi, có chỗ chui vào chui ra,
với giao kèo miệng: lúc nào giáo xứ cần hoặc gia đình làm ăn được,
có điều kiện mua đất thì trả. Hoàn cảnh thay đổi, gia đình đã khá
giả lên, nhưng thay vì mua đất, họ lấy tiền đó xây nhà. Hội Ðồng
Giáo Xứ đến trao đổi, bàn bạc, nhất định không nghe. Cãi chầy cãi
cối. Cha xứ đến, cũng không ăn thua. Thế là rùm beng.
Lời
Chúa trong Chúa Nhật 28 Thường Niên năm C hôm nay mời gọi chúng ta
quay lại với tình nghĩa, không chỉ đối với anh chị em, nhưng nhất là
đối với Thiên Chúa.
Bài
đọc I trích trong Sách Các Vua quyển thứ hai ( 5, 14 – 17 ) tường thuật
câu chuyện về vị tướng chỉ huy quân đội Na-a-man của nước A-ram. Tướng
Na-a-man chỉ là một người dân ngoại, trong khi đó, dân Ít-ra-en lại là
Dân riêng, Dân tuyển chọn của Ðức Chúa. Ông bị mắc bệnh phung cùi,
là chứng bệnh bất trị vào thời đó. Chết thì không chết, mà sống
cũng không ra sống. Chẳng thà chết còn hơn, vì người thì cứ lở loét,
hôi thối; nay rụng mất ngón tay, mai khuyết mất cái mũi. Dù vinh
quang phú quý, bổng lộc vô vàn, nhưng cuộc sống đối với ông bây
giờ là vô nghĩa.
Thế
rồi, cứ như một chuyện phim mà đạo diễn là Thiên Chúa, ông được
tiếp xúc với ngôn sứ Ê-li-sa và được chữa lành sau khi đã vâng lời
người của Thiên Chúa đi tắm bảy lần trong sông Gio-đan. Như một người
bình thường, ông đã làm việc phải làm là quay trở lại gặp ngôn sứ
Ê-li-sa để tạ ơn. Làm sao không quay trở lại được khi lòng ông đang
rạo rực hân hoan vì ơn huệ mình vừa nhận được; và người cần được
thông tin trước nhất là vị sứ giả của Ðức Chúa, người đã chỉ cho
ông con đường sống.
Những
chi tiết kỳ diệu trong câu chuyện này là: thứ nhất, ông tướng này
biết rõ rằng không phải giòng nước sông Gio-đan có sức chữa bệnh.
Ông đã từng nói: "Nước các sông A-va-na và Pác-pa ở Ða-mát chẳng
tốt hơn tất cả nước sông ở Ít-ra-en sao ? Ta lại không thể tắm ở
các sông ấy để được sạch sao ?". Ông hiểu và ông tin đây chính
là quyền năng của Vị Thần của người Ít-ra-en đã làm cho ông khỏi
bệnh, như lời ông tuyên xưng: "Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt
đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en."
Ðiều
kỳ diệu thứ hai là sau khi đã nhận biết Ðức Chúa của Ít-ra-en là
Thiên Chúa thật qua dấu lạ chữa lành, ông tướng này đã xin một ít
đất của quê hương này mang về nhà của ông ở xứ A-ram, để từ nay
ông chỉ thờ lạy và dâng lễ tế cho một mình Người trên "mảnh đất"
của dân riêng Người thôi. Như thế là lòng biết ơn của vị tướng
ngoại giáo này đã "đến nơi đến chốn", nghĩa là lòng biết ơn có sức
xoay chuyển cuộc đời; hay nếu chúng ta có thể nói, trong trường hợp
này, lòng biết ơn đồng nghĩa với lòng tin, với Ðức Tin.
Trong
bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca, chúng ta gặp lại cũng chính kết cấu
của câu chuyện ông Na-a-man với một vài chi tiết khác biệt. Mười
người bị bệnh phong cùi cũng kêu xin Ðức Giê-su chữa lành. Người bảo
họ đi trình diện với các tư tế. Ðây là việc họ chỉ phải làm sau khi
lành bệnh, theo Luật Mô-sê dạy ( x. Lv 14, 2 – 3 ). Họ đã vâng lời;
và lúc đi đường, họ nhận ra mình được lành sạch. Một người đã quay
trở lại để tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Và người ấy là một người
Sa-ma-ri-a, nghĩa là một người ngoại.
Chúng
ta có thể nhận ra dễ dàng những điểm tương đồng giữa hai câu chuyện
như quyền năng chữa lành thuộc về Thiên Chúa, sự vâng lời diễn tả
lòng tin là điều kiện để được chữa lành và lòng biết ơn đòi người
thụ ơn phải quay trở lại tạ ơn và tuyên xưng Ðức Tinvào Ðức Chúa là
Thiên Chúa thật. Nếu chỉ dừng lại ở đó, chúng ta đã có thể rút ra
nhiều bài học cho đời sống Ðức Tincủa mình.
Tuy
nhiên, tác giả Tin Mừng còn muốn dẫn chúng ta đi xa hơn: ngoài người
Sa-ma-ri-a được chữa lành, còn có chín người khác nữa cũng được chữa
lành, nhưng họ đã không quay trở lại để tạ ơn. Ðức Giê-su đã than
thở: "Không phải cả mười người đều được sạch cả sao ? Thế thì
chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa,
mà chỉ có người ngoại bang này ?"
Theo
lời đó của Ðức Giê-su, thì chúng ta có thể hiểu, chín người kia là
người Do-thái. Cả mười người đều vâng lời Ðức Giê-su để đi trình
diện với tư tế, có nghĩa là tất cả họ đều tin Ðức Giê-su chữa lành
cho họ, nên họ mới ra đi làm cái công việc của một người đã được
lành bệnh theo Luật dạy. Chúng ta càng có lý để khẳng định lòng tin
đó của cả mười người, khi nghe lời cuối cùng Ðức Giê-su nói với
người Sa-ma-ri quay trở lại: "Ðứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã
cứu chữa anh." Lòng tin đã cứu chữa anh sa-ma-ri cũng như chín
người Do-thái, dù họ có quay trở lại hay không.
Tin Ðức Giê-su
chữa lành; và khi lòng tin đã được thỏa mãn thì đáng lý công việc
phải làm ( theo lẽ bình thường ) là quay trở lại tạ ơn và tôn vinh
Thiên Chúa. Vậy mà chỉ có người ngoại là làm công việc đáng làm;
còn chín người Do-thái, vốn tự hào mình là Dân riêng Thiên Chúa, lại
bỏ qua. Ðó chính là vấn đề tác giả Tin Mừng Lu-ca muốn đặt ra. Một
phần để đề cao lòng tin của người dân ngoại, một phần để cảnh giác
óc tự hào quá đáng đối với những kẻ tự cho mình, tôn giáo mình,
dân tộc mình là cao trọng hơn kẻ khác.
Người
Sa-ma-ri ngoại bang đã tin vào Ðức Giê-su, nên đã được chữa lành.
Ðiều đó chúng ta khỏi nhắc lại. Anh đã quay trở lại để "sấp mình
xuống dưới chân Ðức Giê-su mà tạ ơn". Người Sa-ma-ri vốn chẳng thiện
cảm gì với người Do-thái vì họ bị khinh miệt ra mặt. Thế nhưng sau khi
lòng tin đã được kiểm nghiệm là sự chữa lành, mối ác cảm và mặc
cảm do hoàn cảnh xã hội, tôn giáo trước kia đã bị xua tan, nhường
chỗ cho tâm tình biết ơn sâu xa và lòng tin tưởng chân thành. Không
thay đổi sao được khi anh tự nhận thấy mình chỉ là ngoại bang, không
thuộc về cộng đoàn con cái Ít-ra-en, nên không có quyền kêu xin
Thiên Chúa một điều gì. Vì thế mà ân huệ anh vừa nhận được thực sự
là ơn được ban không, hoàn toàn do lòng xót thương vô điều kiện của
Thiên Chúa.
Hơn
nữa, ân huệ anh vừa nhận được lại quá lớn lao, tựa như ơn cứu sống,
"đã chết nay sống lại". Ơn ấy được ban cho anh qua "Thầy
Giê-su", vì thế anh quay trở lại sấp mình tạ ơn Ngài, sau khi đã
lớn tiếng "tôn vinh Thiên Chúa". Tất cả muốn nói lên: đối
với anh, Ðức Chúa là Thiên Chúa thật và Ðức Giê-su là Người của
Thiên Chúa, là Sứ Giả của Thiên Chúa. Qua ơn chữa lành thể xác, anh
đã được Ơn Cứu Ðộ, được sự sống đời đời: nhận biết Ðức Chúa,
Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Ðức Giê-su là Ðấng
Thiên Sai ( x. Ga 17, 3 ).
Còn chín người Do-thái thì không quay trở
lại để tôn vinh Thiên Chúa ( tác giả Lu-ca không nói: để tạ ơn "Thầy
Giê-su" ). Tại sao vậy ? Phải chăng họ tiếp tục vâng lời Ðức
Giê-su, đi tìm gặp các tư tế để được chứng thực mình đã khỏi bệnh.
Dĩ nhiên đó là việc họ phải làm rồi. Nhưng việc trước tiên đáng
phải làm, theo lẽ thường tình, đó là bày tỏ lòng biết ơn đối với
người vừa cứu chữa mình, làm cho mình như sống lại từ cõi chết.
Ở đây, chín người Do-thái kia đã không làm
theo lẽ thường tình, bởi họ nghĩ rằng mình thuộc giống nòi được tuyển
chọn nên có quyền đòi hỏi Ðức Chúa của họ thi ân và đáng hưởng
ân huệ của Ðức Chúa. Ðối với họ, Ðức Giê-su chỉ là một tôi tớ
của Ðức Chúa, làm việc của Ðức Chúa sai bảo, nên chẳng cần phải
cám ơn, cũng tựa như đầy tớ hay người giúp việc ở nhà người bạn
của ta thôi. Y có vâng lời chủ nhân mà giúp ta điều gì, thì hà tất
ta phải mang ơn y ? Chính thái độ tự hào, tự tôn đó đã ngăn cản
nhiều người Do-thái tin nhận Ðức Giê-su là Ðấng Cứu Thế, và vì thế
mà không nhận được Ơn Cứu Ðộ.
Lòng
biết ơn, đạo nghĩa thường tình, tưởng chừng như chỉ liên quan đến đời
sống nhân bản, thế nhưng lại là con đường dẫn đến đức tin; đôi khi
lại đồng nhất với đức tin. Ðã là người vô ơn thì đừng nói đến
chuyện tin Chúa, tin Trời. Người có lòng biết ơn luôn có một cảm
nhận sâu xa về những gì người khác làm cho mình, và tìm mọi cơ hội
có thể để diễn tả lòng biết ơn. Người đó sẽ càng nhạy cảm với bao
ân huệ muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa: ơn làm người, hồng ân
sự sống, ơn nhận biết Chúa, được Chúa tín nhiệm trao cho trọng trách
này nọ, được Chúa Quan Phòng cho gặp người bạn đời tuyệt vời...
Mỗi
một ngày qua đi, người ấy càng thêm xác tín mình được thương yêu, mình
mắc nợ Thiên Chúa quá nhiều, nên tìm mọi cách, mọi dịp để tạ ơn.
Tạ ơn khi vui, tạ ơn khi buồn, tạ ơn khi gặp may mắn và cũng tạ ơn khi
gặp rủi ro, bởi cách làm vui lòng Chúa nhất là đón nhận mọi sự
Người gửi đến trong tin tưởng, phó thác theo tinh thần thơ bé thiêng
liêng.
Ngược lại, kẻ vô ơn chẳng bao giờ nghĩ đến việc đền ơn. Trong
đầu hắn chẳng có chữ tạ ơn, mà chỉ luôn suy tính mưu lợi. Hắn xem
việc người khác giúp mình là "chuyện nhỏ", chuyện bình thường, chẳng
đáng để tâm. Tệ hơn, có lúc còn nghĩ xấu cho họ: nó muốn lợi dụng
mình chuyện gì đây ? Suy bụng ta ra bụng người mà ! Ðối với những kẻ
ấy thì làm gì có Ðức Tin. Tâm trí đâu mà nghĩ đến Chúa cơ chứ ! Vì
thế khi quyền lợi vật chất bị đụng chạm thì chửi cha xứ, chửi Hội
Ðồng Giáo Xứ, bỏ Ðạo, bỏ Chúa. Chúa Giê-su đã từng nói: Không ai
có thể làm tôi hai chủ ! Rõ ràng là như thế !
Tạ ơn
Thiên Chúa – Ðấng Tạo Hóa đã dựng nên con người là một thể thống
nhất: cuộc sống trần thế không tách rời cuộc sống Ðức Tin. Nhờ đó
Ơn Cứu Ðộ là cho toàn thể con người, chứ không phải chỉ có phần thể
xác mà thôi.
Xin
Chúa cho chúng con biết xét mình nghiêm túc về thái độ biết ơn của
chúng con đối với Chúa và đối với bố mẹ, anh chị em và mọi người.
Xin
Chúa cho chúng con ơn cảm nhận bao ân huệ chúng con đã nhận được, dù
chúng con chẳng xứng đáng, để nhờ đó chúng con sám hối thật vì đã
phụ ơn bội nghĩa cùng Chúa suốt bao ngày tháng qua, để chúng con có
quyết tâm cụ thể đổi mới đời sống, làm đẹp lòng Chúa hơn mỗi
ngày. Amen.
Lm. Giu-se HỒ ÐẮC TÂM, DCCT Nha Trang
SUY NIỆM 3:
Một
ngày nọ có một gia đình giàu có, quý tộc thuộc nước Anh đi về miền
quê chơi vào ngày nghĩ cuối tuần. Từ thành phố về thôn quê với
biết bao phong cảnh đẹp và các trò chơi dân giã. Trong khi nô đùa
thoả thích thì tai nạn xảy đến, cậu con trai nhỏ của gia đình họ đã
trượt chân ngã xuống dòng nước chảy xiết. Một chú bé, con của
người làm vườn nghèo ở gần đó nghe tiếng kêu cứu đã chạy đến nhảy
xuống nước kịp thời cứu đứa bé kia lên.
Một
đứa bé nhà giàu với đôi bàn tay điêu luyện trên phím đàn, nhưng lại
không biết bơi. Một đứa bé nghèo quê mùa với đôi bàn tay chai cứng
sạm nắng vì cuốc đất, nhưng hôm nay đã cứu được người. Sự gặp gỡ
của hai cậu bé đã tạo nên điều kỳ diệu sau này cho lịch sử nhân
loại.
Cha
của cậu bé giàu có biết ơn cậu bé nghèo. Thay vì cám ơn, khen ngợi,
ông ta không muốn nhìn ước mơ tuổi thơ của cậu bé cứ luẩn quẩn trong
ruộng vườn. Ông muốn đẩy ước mơ của cậu bé lên trời cao. Ông hỏi
cậu bé: "Khi lớn lên con muốn làm gì ?" Cậu trả lời: "Chắc
là con tiếp tục nghề làm vườn của cha con." Ông lại hỏi: "Con
không còn ước mơ nào lớn hơn sao ?" Cậu bé cúi đầu: "Dạ, nhà
con nghèo thế này thì con còn ước mơ gì !" Ông gạn hỏi thêm: "Nhưng
nếu con có ước mơ thì con ước mơ gì ?" Ánh mắt cậu bé như nhìn xa
xăm về cuối chân trời ước mơ: "Thưa Ngài, con muốn đi học, muốn
làm bác sĩ."
Năm
tháng qua đi, hai cậu bé cùng được đi học. Cậu bé không biết bơi đã
trở thành vĩ nhân của thế giới, đó là thủ tướng Winston Churchill
của nước Anh, người đã giữ vai trò quan trọng trong việc thay đổi cục
diện của đệ nhị thế chiến và đã làm cho nước Anh tự hào vì tài ba
chính trị lỗi lạc.
Còn
cậu bé nhà nghèo, nhờ tình thương và lòng biết ơn của cha cậu bé
Churchill, cậu đã không còn đặt ước mơ của đời mình ở bờ đê, vườn
tược. Cậu đã trở thành bác sĩ lừng danh của thế giới và là ân
nhân của nhân loại cho đến ngàn đời. Vị bác sĩ này là Fleming, người
đã tìm ra thuốc kháng sinh Penicillin. Sau này khi thủ tướng Churchill
lâm trọng bệnh, vương quốc Anh đã tìm những danh y lẫy lừng để cứu sống
thủ tướng của họ. Cuối cùng chỉ có vị danh y tài ba mới cứu được
Churchill, đó là bác sĩ Fleming, người đã cứu ông năm xưa.
Cha
cậu bé Churchill tỏ lòng biết ơn người cứu con trai mình bằng sự giúp
đỡ học hành. Fleming biết ơn người lo lắng cho mình nên đã học thành
tài, đem sự hiểu biết phục vụ cho nhân loại.
Sống
trên đời này mọi người cần biết ơn nhau. Biết ơn là thái độ cần
thiết cần phải có đối với người ban ơn. Trong cuộc sống, tiếng "cám
ơn", "xin lỗi" luôn có sẵn trên môi miệng những người có giáo
dục, lịch sự, lễ độ. Lòng biết ơn, tiếng cám ơn phát xuất từ tấm
lòng chân thành luôn làm vui lòng mọi người. Chính lòng biết ơn
Thiên Chúa, biết ơn cha mẹ là nền tảng cho mọi thứ biết ơn khác.
Khi
đọc bài Phúc Âm hôm nay, tôi thấy thật buồn cho chín người vô ơn.
Trong số 10 người phong hủi được Chúa Giê-su chữa lành thì chỉ có một
người biết tạ ơn Chúa thôi, mà người này lại là người ngoại giáo,
còn chín người thuộc Dân Riêng của Thiên Chúa thì lại đều phụ ơn.
Chúa
Giê-su hỏi người ngoại giáo: "Không phải tất cả mọi người đều
được lành sạch cả sao ? Còn chín người kia đâu ?" Không thấy họ
trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ? Chúa
Giê-su buồn không phải vì bị phụ ơn mà vì trong số mười người chỉ có
một người hiểu biết tình trạng thiêng liêng của mình trước mặt Thiên
Chúa. Chúa xem trọng lòng biết ơn cũng là vì ích lợi của kẻ được ơn
mà thôi. Người Samari trở lại tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho anh phần
xác, thì Chúa lại ban thêm cho anh ơn phần hồn là cũng cố niềm tin: "Ðứng
dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh". Như thế, cám ơn
lại là cơ hội để nhận được thêm ơn.
Có hai
thứ chịu ơn, vật chất và tinh thần. Vật chất thì có thể tính bằng con
số, đo lường bằng mức độ như một cây vàng, một ngàn đồng, một sào
đất... Tất cả những thứ ấy đều có thể trả được. Chịu ơn về tinh
thần thì khó định nghĩa rõ ràng để trả ơn. Khi một người thất vọng,
chán chường, cô đơn, đau khổ, bệnh tật... nếu có được một chút lửa
ấm tình thương nâng đỡ xẻ chia giúp cho người đó ra khỏi đêm tối, tìm
lại ánh sáng, niềm vui, bình an, hy vọng, thì lòng biết ơn đó là mãi
mãi. Kẻ nghĩ rằng trả ơn là xong, không cần biết ơn nữa, đó là một
tâm hồn nghèo nàn. Vô ơn chẳng làm cho người ban ơn thiệt thòi mà
chỉ làm cho tâm hồn kẻ chịu ơn ra chật hẹp. "Sống vô ơn là một
cuộc đời trống vắng tình yêu và không cảm xúc. Có hy vọng mà không
có tri ân là sự thiếu hụt của một nhận thức tinh tế. Lòng tin mà
thiếu niềm tri ân là một lòng tin không có nghị lực. Tất cả những
nhân đức bị tách biệt khỏi lòng biết ơn đều trở nên tàn tật khập
khiễng trên con đường thiêng liêng" ( John Hery Jowett ).
Vậy
tôi phải mang ơn những ai ?
Bắt
đầu mầm sống trong lòng mẹ, nơi ngôi nhà ấm cúng, thầm kín đầu tiên
đó, tôi được mẹ lấy máu thịt nuôi dưỡng lớn dần từng ngày, ngày
đó tôi đã chịu ơn rồi. Tôi vào đời với tiếng khóc như biểu tượng
sự yếu đuới và cần đến mọi người. Rồi tôi lớn lên nhờ giòng sữa,
nhờ hơi ấm, nhờ những bàn tay nuôi nấng dẫn dắt. Công cha, nghĩa mẹ,
thầy cô giáo dục. Vào đời, tôi cần tình yêu, cần tình bạn, cần
thông cảm. Cuộc đời được dệt nên bằng những ơn nghĩa nối tiếp nhau.
Sự sống là ân ban cao cả nhất, thiêng liêng nhất mà tôi được đón
nhận từ Thiên Chúa. Ngài tạo thành tôi và còn ban Con Một của Ngài
chịu chết thập giá để cứu chuộc và ban cho tôi Sự Sống Mới.
Nói
đến trả ơn, chỉ có thể trả ơn người, chứ không bao giờ trả ơn Chúa
được. Hôm nay tôi nghèo, có người giúp tôi. Thời gian sau, có thể
khá hơn tôi có dịp trả ơn. Nhưng với Chúa thì bao giờ tôi cũng nghèo,
cũng túng thiếu. Chúa chẳng cần gì để tôi có thể trả ơn, vì mọi sự
đều đến từ Chúa. Tôi chỉ có thể biết ơn Ngài bằng thái độ yêu quý
những gì Ngài ban tặng. Tặng vật lớn nhất là sự sống và lời mời
gọi làm con của Ngài. Bởi đó phải yêu quý sự sống của mình, yêu
bản thân mình, yêu con người và yêu cuộc đời. Ghét bỏ chính mình,
không yêu người là sự vô ơn đối với người ban tặng.
Mọi
sự đều đến từ Thiên Chúa. Ngài sắp xếp hoà điệu để con người tham
gia vào chương trình đón nhận ân sủng Ngài trao tặng. Những gì tôi
đón nhận từ tha nhân cũng là ơn Chúa, nên lòng biết ơn đối với tha
nhân cũng chính là lòng biết ơn đối với Chúa.
Mỗi
sáng khi vừa thứa dậy, tâm tình đầu tiên là Tạ Ơn Chúa, dâng một
ngày mới cho Chúa. Cùng cộng đoàn hiệp dâng Thánh Lễ chung lời Tạ
Ơn Chúa, một ngày mới tràn đầy bình an và ơn thánh.
Tạ ơn
để đón nhận thêm ơn lành cho cuộc sống như lời Kinh Tiền Tụng số IV
trong Sách Lễ Rô-ma: "Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng,
nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng
của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu
độ muôn đời".
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống tâm tình biết ơn, biết ơn Chúa, biết ơn người, để cuộc đời chúng con là bài ca tri ân tình thương của Chúa.
Lm. HỮU AN, Giáo Phận Phan Thiết
CẢM NHẬN:
TRÁI TIM BIẾT ƠN
Nếu có ai đưa cho tôi một chiếc đĩa đầy cát và
bảo tôi hãy thử tìm những mảnh sắt bé nhỏ nằm lẫn lộn trên cát,
thì với đôi mắt và những ngón tay bình thường của mình, tôi khó lòng
mà thành công. Thế nhưng, với một thỏi nam châm, tôi lại có thể dễ
dàng và nhanh chóng hút ra những vụn sắt li ti trộn lẫn trong cát.
Một trái tim vô ơn có thể so sánh với đôi mắt
trần và những ngón tay vụng về của tôi mò mẫm trên đống cát,
không tài nào khám phá được những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho đời
tôi. Nhưng với một trái tim biết ơn, giống như một thỏi nam châm hút
được sắt, tôi có thể lướt nhanh qua mỗi giây phút của một ngày
sống và vui mừng đọc ra được biết bao nhiêu là hồng ân Chúa, chỉ
khác một điều là những mảnh sắt nhỏ lẫn trong đống cát của Thiên
Chúa lại là những vật quý giá hơn vàng !
Nhiều
người sống quá hời hợt nên thấy cuộc đời, những biến cố xảy ra
hằng ngày, và những cảnh vật chung quanh mang toàn một mầu đen tối
và vô giá trị, như thể đất cát tro bụi tầm thường. Thế nhưng đối
với những người sống có chiều sâu nội tâm, từng biến cố, từng sự
vật chung quanh, dầu tầm thường nhỏ bé đến đâu cũng là dịp để họ
suy niệm và dâng lời cảm tạ. Ðó có thể là một nụ hồng vừa hàm
tiếu, những tia nắng tinh nguyên của một buổi sáng đẹp trời, một
cái xiết tay cảm thông, một cử chỉ tha thứ, một sự giúp đỡ nho
nhỏ...
Trích từ LẼ SỐNG, 27.3.2000
CẦU NGUYỆN:
Một
hôm, một người bạn tôi cùng với đứa con 3 tuổi ở trên xe với anh,
đang trên đường ngang qua một ngã tư. Bỗng, cánh cửa xe bật tung ra và
đứa bé rơi xuống khỏi xe ngay giữa đường xe cộ tấp nập cả bốn hướng
! Ðiều cuối cùng mà anh kịp nhìn thấy là một chiếc xe hơi đang lao rất
nhanh về phía đứa con bé bỏng của anh ! Anh chỉ còn biết kêu lên:
"Giê-su !" Ngay khi dừng được xe lại, anh phóng ra và chạy đến
cạnh con mình, nó hoàn toàn bình yên vô sự. Không ngờ, chính người
lái chiếc xe suýt cán đứa bé thì lại ở trong tình trạng kinh hoàng,
gần như là động kinh. Bạn tôi đến cạnh ông và cố gắng trấn an...
Anh
bảo: "Xin ông đừng lo ! Con tôi
không sao cả, nó bình an vô sự... Ðừng nghĩ ngợi gì nữa. Chỉ cần cám
ơn Chúa vì ông đã dừng kịp thời !" Người kia ấp úng trả lời: "Ông không hiểu đâu ! Chính tôi đang
tạ ơn vô cùng, vì lúc nãy... chân tôi đâu có kịp chạm đến bàn đạp
thắng !"
Lạy Chúa, xin cho lòng con luôn hướng về Chúa để biết thốt
lên những lời tri ân trong mọi biến cố vui buồn, lớn nhỏ trong cuộc
sống...
Bản dịch của TRẦN DUY
NHIÊN, trích Nối Lửa Cho Ðời số 6
CHỨNG TỪ:
Một ngày cuối năm 1965, trên một chuyến bay từ Ý
về Hoa Kỳ mang theo một số vị Giám Mục Mỹ mới đi dự Công Ðồng Vatican
2 về, có một nữ chiêu đãi viên hàng không rất xinh đẹp, tận tình
và nhã nhặn phục vụ các hành khách. Thế nhưng đặc biệt trong cả
chuyến bay, cô vẫn cảm thấy bực bội trong lòng và mất tự nhiên
trước một đôi mắt cứ nhìn chăm chú mãi vào khuôn mặt và vóc dáng
của cô mỗi khi thấy cô xuất hiện. Lại càng đáng bất bình hơn nữa
khi cô tìm cách kín đáo hỏi thăm một hành khách ngồi gần đó, thì
hóa ra đó lại là đôi mắt của một giáo sĩ, Ðức Cha Fulton Sheen, vị
Giám Mục Tông Ðồ lừng danh nước Mỹ.
Khi phi
cơ hạ cánh, đợi các hành khách xuống hết, Ðức Cha mới tiến đến
trước mặt cô gái, ngỏ ý một cách đứng đắn trang trọng nhưng không
kém phần trìu mến dịu dàng: "Hỡi cô
bé, cô xinh lắm ! Cô hãy cảm tạ Thiên Chúa thật nhiều, vì Người đã
ban tặng cho cô một sắc đẹp tuyệt vời..."
Thế
rồi chỉ vài ngày sau, có tiếng gõ cửa văn phòng làm việc của Ðức
Cha Fulton Sheen ở Tòa Tổng Giám Mục New York. Cô chiêu đãi viên hàng
không hôm nọ vào đề ngay khi vừa ngồi xuống ghế: "Thưa Ðức Cha, câu nói của Ðức Cha đã làm cho con phải băn
khoăn suy nghĩ mãi.
Vậy thưa Ðức Cha, con biết phải cảm tạ Thiên Chúa như thế nào cho
xứng đáng với những gì Người đã ban cho con ?"
Ðức
Cha điềm đạm đặt lại cho cô một câu hỏi thay vì trả lời: "Thế con có bao giờ nghe nói đến một
trại phong cùi mang tên Di Linh ở Việt Nam chứ ?" Cô gái ngước
đôi mắt xanh như dọ hỏi: "Thưa Ðức
Cha, có lần con đã đọc được trên báo và cũng đã được nghe ai đó kể
về trại Di Linh."
Ðức
Cha dõi nhìn xa xăm qua khuôn cửa sổ: "Có
thể hiểu theo một cách nào đó thì Thiên Chúa đã dành tất cả những
nét đẹp của những người cùi ở Di Linh mà ban riêng cho con. Nếu con
thành tâm muốn cảm tạ Thiên Chúa, con hãy xin sang Việt Nam và tìm
cách an ủi họ bằng đời sống phục vụ..."
Chỉ chừng ấy thôi, cô chiêu đãi viên hàng không sau đó đã
trút bỏ tất cả tương lai để tự nguyện khoác áo nữ tu. Sau một thời
gian tập tu và học hỏi, chị đã xin Nhà Dòng cho được sang Việt Nam
phục vụ ngay giữa những con người bất hạnh ở Di Linh...
Theo lời kể
của Lm. TIẾN LỘC, trích Nối Lửa Cho Ðời tập 2
CÂU TRUYỆN:
ÐỂ TỎ LÒNG BIẾT ƠN
Tuần
trước, vào một buổi chiều đẹp trời, tôi đi taxi. Cứ nhìn cái cách
anh tài xế sang số xe một cách nóng nẩy, tôi hiểu ngay là anh ta đang
có điều gì không ổn trong tâm trí. Lựa lời hỏi han, tôi được anh cho
biết lý do: "Bực
mình quá anh ạ ! Sáng nay, có một người khách bỏ quên ví tiền trên
xe của tôi. Tôi mở ví để tìm địa chỉ mới biết trong ví có 1.500 quan
tiền Pháp. Tôi bỏ hơn 1 giờ để tìm cho ra khách sạn ông ấy trọ. Anh
có tin là ông ta chẳng thèm nói một lời với tôi không ? Ông ta mở
ví đếm lại tiền, nhìn tôi chằm chằm y như tôi đã móc túi ông ta vậy
!"
Tôi tế
nhị hỏi thêm anh tài xế: "Thế ông
ấy không biếu anh một chút sao ?" Anh ta ngoái lại băng ghế sau
nhìn tôi phân bua: "Không một xu ! Tôi hoàn toàn thất vọng, mất bao
nhiêu thì giờ, lại tốn xăng nữa chứ ! Thật ra, tôi không nghĩ đến
chuyện được thưởng tiền. Giá như ông ta chỉ cần nói với tôi một lời
cảm ơn..."
Mọi người
chúng ta đều cần một sự biết ơn tương xứng với hành động của mình.
Lòng vô ơn dễ bóp chết thiện ý. Và chúng ta nhớ rằng sự biết ơn
là một đức tính mà chúng ta không bao giờ thực hành cho đầy đủ.
Trong chiến
tranh thế giới lần hai, bà mẹ của một người lính nhảy dù Mỹ nhận
được thư con từ bên Pháp. Anh kể rằng anh bị thương, bị đói khát, nhưng
lại được một phụ nữ ở làng Avranches nuôi dưỡng và che giấu khỏi
quân Ðức đang chiếm đóng. Rủi thay, vài tháng sau, người lính tử trận
trong khi tấn công vùng Ardennes.
Ðể cám ơn
người phụ nữ chưa biết tên kia, trong suốt 2 năm, bà mẹ đã để dành
tiền, vượt Ðại Tây dương, đến thành phố được nhắc đến trong thư con.
Bà tìm được người phụ nữ đã săn sóc con bà và tặng một gói quà
nhỏ. Ðó là chiếc đồng hồ mà con bà đã lĩnh thưởng trong kỳ thi tú
tài, một kỷ vật vô giá đối với bà. Việc bà mẹ tỏ lòng biết ơn
đã gây xúc động cho người dân miền Normandie nước Pháp, đến nỗi cử
chỉ ấy trở nên một huyền thoại tại Avranches và toàn vùng...
Lòng biết ơn là một nghệ thuật chứng tỏ mình nhạy cảm với
mọi thiện ý của người khác, dù điều ấy lớn hay nhỏ. Ða số chúng ta
đều cảm thấy vui thích khi được người khác đối đãi tử tế, tặng quà
hoặc giúp đỡ khi cơ nhỡ. Nhưng chúng ta cũng cần hoàn thiện việc tỏ
lòng biết ơn bằng cách làm cho nó trở nên càng chân thành và càng
riêng tư càng tốt. Quả thật, không có gì xúc phạm người khác bằng
một lời cảm ơn qua loa, nói cho lấy có nơi đầu môi chót lưỡi !
Nhà viết kịch nổi tiếng của Hoa-kỳ là ông James Barrie kể lại
một câu chuyện như sau: "Một chiều nọ, tôi và một người bạn
Tô-cách-lan đang bàn chuyện làm ăn. Ðứa con gái 9 tuổi của ông ấy
đem đến một đĩa bánh ngọt do bé mới làm xong. Ông bố bực mình vì câu
chuyện bị ngắt ngang, liền cầm một chiếc bánh cắn một chút, nói vội
một lời cảm ơn con cho xong để tiếp tục nói chuyện với tôi. Cô bé
lặng lẽ rời căn phòng. Vài tuần sau. mẹ cô hỏi sao bé không còn hí
hửng làm bánh ngọt như mọi khi thì bé òa khóc: "Con sẽ không
bao giờ làm bánh nữa đâu !"
Lòng biết ơn đôi khi cũng vượt quá
khuôn khổ chuyện riêng tư. Con trai tôi, một sinh viên y khoa kể rằng,
một bệnh nhân đã được cứu sống nhờ truyền máu. Sau khi lành bệnh,
ông ta hỏi các bác sĩ liệu có cách nào biết được tên người đã
hiến máu cho ông. Người ta trả lời là không. Vài tuần sau, ông ta
trở lại bệnh viện và xin hiến máu. Và ông đã hiến khá nhiều lần.
Một bác sĩ ngạc nhiên về nghĩa cử của ông thì ông đơn giản đáp: "Có một
người vô danh đã hiến máu cho tôi. Nay tôi cũng xin hiến máu để tỏ
lòng biết ơn !"
Cũng cần phải nghĩ rằng lòng biết ơn
có thể không đơn thuần là một tình cảm chóng qua, nhưng lại là một
nguồn mạch làm trỗi dậy sức sống trong một số trường hợp. Nhà vạn
vật học Hudson kể lại câu chuyện sau đây: "Một tối nọ, tôi dẫn một
người bạn thân về nhà chơi, có gì ăn nấy. Sau bữa ăn, ông bạn ấy
bảo tôi: "Bạn
may mắn có người vợ lo lắng sửa soạn những bữa ăn thật tuyệt vời,
mặc dù tôi thấy chị có vẻ yếu và nặng gánh con cái." Chính lời khen này đã mở
mắt cho tôi. Lời khen ấy giúp tôi nhìn thấy sự anh hùng trong đời
thường của vợ tôi mà vốn dĩ trước đó, tôi cứ xem là chuyện thường
tình !"
Lòng biết ơn cần được biểu lộ cả trong
từng chi tiết nữa. Người đưa thư, anh thợ hớt tóc, cô thợ may, người
phục vụ khách sạn... họ đều giúp đỡ một cách nào đó cho chúng ta
lúc này lúc khác. Khi cảm ơn họ, chúng ta biến các quan hệ máy móc
thành ra nhân bản hơn, và biến các công việc nhàm chán đều đặn
thành ra hết sức dễ chịu.
Một bệnh nhân của tôi, vốn là nhân
viên bán vé xe buýt ở Luân-đôn kể với tôi:
"Ðôi khi tôi chán ngấy công việc. Người ta cự
nự, quấy rầy tôi hoặc kêu ca là không đủ tiền nên không chịu mua
vé. Thế nhưng, có một bà cụ già đi chuyến xe buổi sáng và buổi tối
đã luôn cảm ơn tôi rất lịch sự khi tôi trao vé cho bà. Tôi tưởng
tượng như thể bà đang nhân danh tất cả mọi hành khách để cảm ơn
tôi, và điều đó làm cho tôi thấy phấn chấn hơn trong công việc..."
Một số người rất ngại việc diễn tả
sự biết ơn, sợ rằng sẽ quấy rầy kẻ khác. Một bệnh nhân của tôi,
vài tuần sau khi rời bệnh viện, đã trở lại để cảm ơn cô y tá. Ông
nói: "Tôi
không đến sớm hơn được, vì tôi cứ ngần ngại, nghĩ rằng chị không
thích những người đến cám ơn..." Cô
y tá đáp: "Trái lại
chứ ạ ! Tôi rất mừng vì ông đã trở lại đây thăm tôi. Rất ít người
hiểu rằng chúng tôi cần đến những lời khuyến khích động viên để
chúng tôi có thể làm tốt hơn nữa công việc của mình..."
Chúng ta đừng sợ là mình biểu lộ sự biết ơn quá nhiều. Chúng
ta đừng quên rằng nụ cười, lời cảm ơn, lời nói tri ân của chúng ta
sẽ đem lại bao lợi ích cho nhiều người trong cuộc sống của họ...
Dịch từ
Sélection, báo TTCN 6.1997, trích Nối Lửa Cho Ðời tập 2
CẦU XIN VÀ TẠ ƠN
Có 2 thiên thần được sai xuống trần gian, mỗi vị
mang theo một chiếc túi lớn. Họ chia nhau để đi khắp hang cùng ngõ
hẻm, đến với những người giàu có cũng như những kẻ nghèo khổ, thăm
các trẻ em và người già lão, đúng vào những lúc họ đang cầu nguyện
tại nhà riêng hay ở Nhà Thờ.
Sau một thời gian, 2 thiên thần gặp lại nhau đúng
thời điểm đã hẹn trước để trở về Nước Trời. Chiếc túi của một
thiên thần thì nặng như chì, còn chiếc túi của thiên thần kia thì lại
có vẻ nhẹ như bông.
Thiên thần có chiếc túi nhẹ mới thắc mắc hỏi: "Ngài mang cái gì mà nặng thế ?" Vị
kia vừa thở hổn hển, vừa lau mồ hôi, trả lời: "Ngài quên rằng tôi được sai xuống trần gian để thu nhận tất
cả những lời cầu xin của nhân loại hay sao ? Còn ngài, cái giỏ của
ngài xem ra nhẹ nhàng quá nhỉ ?". Vị này buồn rầu trả lời: "À, tôi được sai xuống để góp nhặt
tất cả những lời thiên hạ cám ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Người
đã luôn ban cho họ ! Và tiếc thay, tôi chỉ tìm được quá ít !"
Sự thật về hai cán cân nặng nhẹ của
những lời cầu xin và những lời cảm tạ Thiên Chúa nói trên cũng
được bài Tin Mừng về 10 người phong cùi đã được Ðức Giê-su chữa
lành. Chỉ có mỗi một người trong bọn họ, khi thấy mình đã được lành
bệnh, bèn quay trở lại, xấp mình dưới chân Ðức Giê-su để tạ ơn
Người, mà người ấy lại là người xứ Sa-ma-ri vốn bị coi là dân lạc
đạo trong đất nước xứ Pa-lét-tin. Ðức Giê-su thắc mắc hỏi anh: "Chẳng lẽ 9 người phong cùi còn lại
không được tôi chữa lành cả hay sao mà chỉ có mỗi người ngoại bang
này ?" ( x. Lc 17, 11 – 19 ).
Trích từ LẼ SỐNG, 3.2000
THÔNG TIN:
5.10.2001:
Bà ngoại của MK Duyên Châu: 500.000
VND giúp trẻ em nghèo.
6.10.2001: MK
Lê Xuân Phong ( Hoa Kỳ ): 50
USD giúp các trường hợp ngặt nghèo.
6.10.2001: MK
Nguyên Hậu ( Hoa Kỳ ): 30
USD giúp các trường hợp ngặt nghèo.
6.10.2001: MK
Huỳnh Cúc ( Hoa Kỳ ): 20
USD giúp Quỹ Mổ Tim của bé Xuân Mai.
8.10.2001: MK
Phạm Dzũng ( Hoa Kỳ ): 50
USD giúp người nghèo.
9.10.2001:
Bà Trần Thị Ðào ở Quận 3: 200.000
VND giúp người nghèo.
9.10.2001:
Một Linh Mục DCCT: 700.000
VND giúp người nghèo.
9.10.2001:
Bác sĩ Mai Tấn Phúc: 500.000
VND giúp các trường hợp bệnh tật.
Mùa lũ lụt
Miền Tây lại đến,
Chúa muốn con thực hiện tình
yêu.
Ðó là con sống được điều,
Chia cơm sẻ áo cho nhiều tha nhân.
Con nguyện ước góp phần nhỏ mọn,
Với ước mong gói trọn nghĩa tình.
Thế nên con dám hy sinh,
Bớt chi ăn uống vì tình anh em.
Và có gì con đem chia sẻ,
Chính đây là lý lẽ tình thương.
Giúp người đang gặp tai ương,
Khỏi cơn đói lạnh, thoát đường khổ đau.
Chúa giúp con biết mau thực hiện,
Bởi đây là việc thiện điều lành.
Cho con từ bỏ bản thân,
Cứu người sầu khổ được phần an vui.
"Xưa ta đói, các ngươi
đã cho ăn,
Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc"
( Mt 25, 35 – 36 )
"Thương người như thể
thương thân,
thấy ai đói lạnh chia phần áo cơm."
Mùa Lũ Lụt Miền Tây Năm
2001
Tu sĩ
Tô-ma Nguyễn Thiện Triều, OFM
GOSPELNET
xin hỗ trợ bước đầu 200 chiếc áo thun cho Nhóm của bạn MK
QUỐC DUY đi cứu trợ hai xã vùng sâu là Thạnh Lợi và Trường
Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp. Theo tin VietCatholic cho biết,
tính đến ngày 9.10.2001, đã có hơn 200 người dân, đa số là trẻ em, đã
bị thiệt mạng ở càng vùng đầu nguồn miền Tây như Long An, Kiên Giang,
An Giang, Ðồng Tháp... Rất mong quý độc giả gần xa hưởng ứng hoặc
trực tiếp tham gia đi cứu trợ, xin liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ: uy1959@yahoo.com
hoặc 0903.34.09.14, hoặc với bạn MK Quốc Duy: quocduy@az.com.vn.
Ngày
6.10.2001, GOSPELNET đã nhờ vợ chồng anh Long và chị Nga Nhóm Khuyết
Tật Cần Thơ chuyển đến cha Ðặng Xuân Ðồng, Giáo Xứ Cái Trầu, Trà
Lồng, Sóc Trăng, số tiền 100.000 VND của chị
ÐINH THỊ NHÀN ( Giáo Xứ Tân Phú Hòa ) và 400.000 VND cùng một
gói quà nhỏ của GOSPELNET tặng cho gia đình 2 em bé tàn tật là TRẦN
THỊ THÚY TRÀNG và TRẦN MINH NHỰT.
Sáng
10.10.2001, GOSPELNET nhận được thư của cha Giu-se Ðỗ Văn Ngân,
Giáo Xứ Ninh Phát, hạt Gia Kiệm, Giáo Phận Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai,
điện thoại: 061.867.207, trình bày trường hợp sau đây:
Anh
ÐINH MINH MẪN, sinh năm 1976, con ông Ðinh Viết Thùy, 62 tuổi,
ngụ tại Tập Ðoàn 6, ấp Nguyễn Huệ, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất,
tỉnh Ðồng Nai. Anh Mẫn bị bại não từ khi được 7 tháng tuổi tới nay,
không nói, không đi được, thường xuyên bị co quắp, chỉ có thể nằm
võng hoặc ngồi xe lăn. Cho đến nay anh Mẫn đã 25 tuổi mà như đứa trẻ
thơ không biết gì. Tình trạng kinh tế của gia đình anh Mẫn hiện nay đã
gần như kiệt quệ.
GOSPELNET
xin trợ giúp ngay số tiền 500.000 VND kính gửi đến cha Ðỗ Văn
Ngân để chuyển cho gia đình anh Mẫn. Kính xin quý độc giả gần xa rộng
lòng chia sẻ thêm.
NHẬT KÝ TRUYỀN GIÁO:
XÊ-ÐĂNG, MIỀN ÐẤT HỨA ( tiếp theo )
Một người từ bệnh viện tỉnh đến xin tiếp
cứu để có tiền mua một xị máu cho đứa con sắp lên bàn mổ. Lạy Chúa, Chúa hằng ban ân huệ cho con
cái Chúa qua những bàn tay quý ân nhân xa gần. Con xin tạ ơn Ngài.
Nhiều anh em Xê-đăng về bệnh viện tỉnh chữa
bệnh. Ra viện với hai bàn tay trắng. Họ rất cần giúp đỡ để có tiền
xe về làng.
Vùng Xê-đăng đã 3 năm chưa có em nào được
lãnh Bí Tích Thêm Sức và Rước Lễ Lần Ðầu. Hôm nay Tơring Pơkô gồm
các làng Kontu Pêng, Kontu Yôp, Dak Rao kuen, Dak Rao kram, Dak Moham và
Dak Kang Pêng đưa 323 em về Kontum. Mỗi em mất 30 ngàn tiền xe ( 35 cây
số đường rừng ). Ðem theo vài ký gạo. Tôi và các nữ tu dân tộc
thiểu số Xê-đăng đón tiếp họ. Lo ăn uống và dạy dỗ dọn mình cho
các cháu trong 3 ngày. Sau đó, Ðức Giám Mục đến ban Bí Tích Thêm Sức.
24 em làng Kon Kơlok về nhận Bí Tích Thêm
Sức.
130 em Tơring Ngok Tu và Dak Cho về nhận Bí
Tích Thêm Sức.
Lễ Thánh Bác-na-ba Tông Ðồ. Các em Xê-đăng
từ các thôn làng Dak Blái, Dak Ramar, Long Yon, Dak Hnai, Dak Xai và Rotu
đi hàng 100 cây số. Ðường rừng, núi hiểm cheo leo về Kontum lo Xưng
tội Rước Lễ lần đầu và Thêm Sức. Em nào cũng hớn hở vui tươi được
dịp về chốn thị thành. Ðức Giám Mục là người Kinh, làm lễ và giảng
bằng thổ ngữ Bahnar, phải có người thông dịch lại Xê-đăng hay Jeh.
245 em nhiều thôn làng thuộc Tơring Dak Mat
Huyện Ngọc Hồi về Kontum Thêm Sức và Rước Lễ.
243 em thuộc 12 thôn làng Tơring Pơxi về Thêm
Sức và Rước Lễ Một bà cụ 90 tuổi, tai điếc, ốm trơ xương được đứa
cháu chở Honda qua rừng qua suối về đây để được xưng tội chịu lễ.
Sáng hôm nay bà lên cơn sốt, ngồi phơi nắng. Rồi lại lên Honda trở
về lại làng.
Ngày
19.6.1998
Tại ngôi nhà tiếp đón bệnh nhân, tôi làm
Phép Thánh Tẩy cho một ngưòi thôn Dak Hà ( cách Kontum 50cây số ),
chết vì bệnh ung thư. Chúng tôi lo tẩm liệm, đóng hòm và thuê xe đưa
thi hài về với Sông Núi của ông, và đây là người thứ hai chết
trong tuần này.
Ngày
21.6.1998
186 em thuộc 9 thôn làng Tơring Dak Ha cách
Kontum 70 cây số ớèo cao dốc hiểm ( ô-tô không lên đùược ) về
Kontum. Tơring Dak Hà gồm các làng Kon Pia, Dak Potrang Kong Ling, Dak
Koneang, Tytu, Vang sang, Dak Sieng, Ngok Kleang, Dak Hà. Những bao quần áo
cũ các nhà hảo tâm gửi cho, đã được phân phối cho một số em về
đây với bộ áo quần rách nát.
Ngày
25.6.1998
217 em thuộc Tơring Dak Hring về Kontum để
được Thêm Sức, các em không bao giờ biết nói cám ơn. Vì trong cuộc
sống hàng ngày, ơn qua nghĩa lại là chuyện thường xuyên và bình thường.
Ngày
28.6.1998
192 em thuộc Tơring Ngoc Tụ Huyện Daktôâ về
Thêm sức. Các em không biết đi theo hàng ngũ. Vì ở rừng sâu, chẳng
cần luật lệ, trật tự lại chả có ý nghĩa gì. Vì Trường Sơn có gì
bằng phẳng ngay thẳng, đường thì quanh co như rắn bò, trèo lên tụt
xuống. Mỗi người tùy nghi tranh thủ giữ lấy mạng mình.
Ngày
2.7.1998
279 em thuộc nhiều thôn làng Tơring Dak Glei Huyện Dak Glei,
giáp Lào và Quảng Nam ở tuyến Bắc và Tây Bắc. Họ phải đi bộ một
ngày đường rừng mới có ô-tô khách để trèo lên, ngồi chật như nêm.
Các em không biết dùng nhà vệ sinh. Làm nhà vệ sinh dội nước thì họ
kết thúc bằng cách dùng một que cây rồi bỏ ngay xuống lỗ, có làm
nhà vệ sinh thông thường thì họ lại không bao giờ chịu ngồi trên
đống phân người khác. Ở Núi Rừng, mỗi sáng làm vệ sinh, họ ra bìa
rừng sẵn cây để quẹt, sẵn đàn heo thanh toán sạch sẽ môi trường...
Tôi nhớ ngày đầu tiên đến nhận Giáo Xứ Kơbey thuộc bộ tộc Jrai vào
năm 1969. Mờ sáng tinh sương tôi vội ra bìa rừng cho kín đáo. Năm ba
con heo thấy bóng đã chạy theo. Tôi chưa biết ứng phó ra sao. Nhìn
trước nhìn sau tưởng chừng như không ai thấy. Bình tâm hạ bệ, bỗng có
tiếng một cụ già kêu: ''Ông cha cũng đi... hả ?"
Ngày
6.7.1998
205 em Tơring Dak Tơkan về Kontum để được Thêm
Sức và Rước Lễ. Sống giữa rừng xanh, không giờ giấc, như chim trời
ngày nào hay ngày ấy, bữa đói bữa no là chuyện bình thường.
Ngày 9.7.1998
35 em thôn Kan Dâu Yôp về Thêm sức, đặc điểm của làng này
là các em khuôn phép, sạch sẽ, có khuôn mặt đẹp.
Ngày
12.7.1998
282 em ở Tơring Van Lem về.
Ngày
15.7.1998
Sau Thánh Lễ ban Bí Tích Thêm Sức, đúng 8
giờ, Ðức Giám Mục và tôi dùng chiếc xe La Dalat tiến lên Huyện
Daktôâ tiếp xúc với chính quyền địa phương để cho tôi được thường trú
trên miền Xê-đăng.
Ngày
16.7.1998
237 em Tơring Kon Cheo về Thêm Sức và Rước
Lễ.
Ngày 19.7.1998
Thôn Turơmông, Tutem và Pa Cheng có 88 em về
Kontum. Thôn Pa Cheng có tất cả 56 nhân khẩu gồm 39 nữ và 17 nam. Ðây
là lần chót, xem ra Ðức Giám Mục cũng khá mệt mỏi. Trong Thánh Lễ,
Ngài dành ngồi nghỉ không trao Mình Thánh Chúa. Tổng cộng là 2.600 em
– 400 người bà con và Giáo Lý Viên đi theo Chúng tôi phải tổ chức
liên tục trong hai tháng vào dịp nghĩ hè để các em khỏi bỏ học. Lạy Chúa, xin trả công bội hậu cho
những ai đã giúp đỡ chúng con. Amen. Alleluia.
Ngày 26.7.1998
Lễ Thánh Gia-cô-bêâ Tông Ðồ, một em bé
Xê-đăng ở thôn Dak Roleang cách xa Kontum 100 cây số, bị hóc xương cá,
đã 3 ngày không ăn uống được. Tôi xin xe đem em đến bệnh viện Pleiku
vì bệnh viện Kontum không có khoa Tai Mũi Họng, 17 giờ chiều nhập
viện. 21 giờ em được bác sĩ gây mê gắp xương cá ra.
Ngày 8.8.1998
Trong tuần Tĩnh Tâm hằng năm của Linh Mục
trong Giáo Phận, thầy Giu-se Trần Ðức Tín được thụ phong Phó Tế. Năm
1848, thầy Sáu Do tìm đường lên Kontum. Hôm nay tròn 150 năm, có thầy
Sáu Tín.
Ngày 25.8.1998
Thầy Sáu Tín được thụ phong Linh Mục,
Kontum đang mùa mưa, nhưng hôm nay nắng dẹp. Bà con từ khắp nẻo đường
Kontum – Pleiku tề tựu về Nhà Thờ Chính Tòa Kontum dự lễ phong chức:
Anh em Jrai từ Ayunpa ( cha Phán ), từ Pleikly ( cha Tín ) từ Plei Kơbey (
cha Hữu ), anh em Bahnar ( cha Nên ) Anh em Xê-đăng ( cha Bình ), anh em
Rơngao ( cha Hữu ), anh em Kinh Kontum, Gia-lai, An Khê, Phú Bổn quây
quần bên nhau...
Sau 23 năm, Giáo Phận Kontum mới có được vị Linh Mục thứ
hai. Nỗi vui mừng của đoạn kết 150 năm truyền giáo Kontum. Sau khi ổn
định chặng đường đầu lên Kontum, năm 1852, thầy Sáu Do được gọi về
dọn mình chịu chức Linh Mục. Giữa năm 1853, cha Do trở lại miền đất
Kontum mà ngài đã chọn làm quê hương.
Ngày 3.9.1988
Một người đàn ông mang ba-lô từ bệnh viện
tỉnh đến, vợ ông sanh khó, đứa con đã chết, ông mang xác con bỏ trong
chiếc ba-lô tìm nơi chôn cất. Tôi vội chạy nhờ người đóng chiếc
quách cỏn con, thi hài đứa bé nằm cong queo trong chiếc ba-lô được
các nữ tu uốn nắn lại để đặt vào quan tài, và một xe honda chở
quách và người cha đến nghĩa trang.
Ngày 6.10.1998
Hai anh chàng thanh niên từ Trường Sơn về,
đem theo một con khỉ con kháu khỉnh. Cả hai tưởng đem khỉ về tỉnh sẽ
được một số tiền cao để mua sắm đồ đạc. Sau một ngày mà không ai
hỏi mua, hai anh chàng mặt buồn thiu, đến xin tiền xe để về lại
Trường Sơn.
Ngày 19.10.1998
Người mẹ có Ðức Tinmạnh mẽ, khoảng trên 65
tuổi, từ huyện Ngọc Hồi về, dẫn theo cậu con trai, bà buồn phiền
phát bệnh vì đứa con không muốn giữ đạo nữa. Bà nhờ cha sở an ủi
nó. Trên 26 năm không cha sở, không Nhà Thờ mà niềm tin vẫn còn
cháy sáng trong con tim người mẹ già ấy.
Ngày 21.10.1998
Tin cấp cứu: một dân làng Pơxi bị heo rừng
cắn trọng thương, chúng tôi vội tìm phương tiện chạy đến. Sự cố là
người đàn ông này đi thăm bẫy từ sáng sớm. Khi thấy anh đến, con heo
cố vùng vẫy lao thẳng vào cắn xé anh, kết quả anh bị thương nặng ở
mông đùi và hư một bên mắt. May phước là chiếc bẫy kẹp chân anh
dính vào một lùm cây khác nên anh mới thoát nạn.
Ngày 1.12.1998
Cha Sơn nghiên cứu lịch sử Giáo Phận Kontum,
đã tìm thấy một số viên gạch của người Chàm bên kia sông làng Kon
Kla. Tàn dư của Bơxat Yă Hơhia, một tháp thờ thần của người Chàm.
Người Chàm hiện diện trên vùng này có thể vào thời kỳ thất thủ
Kinh Thành Ðồ Bàn. Chúng tôi băng sông lội suối tới hòn đá Thần
Hơbia. Giữa tảng đá, có hình chiếc ghế như ngai, mặt đá tự phân hai
màu, hướng về phía Ðông.
Ngày 12.12.1998
Ngày cao điểm Năm Thánh 150 Năm Truyền Giáo
Kontum đã đến. Khách mời là các vị Giám Mục, Linh Mục, nam nữ Tu sĩ,
ân nhân từ khắp các nơi trong nước và ngoài nước rộn ràng tề tựu
về. 17 Giám Mục và 214 Linh Mục. Ðông đảo nữ tu các dòng. Thừa sai
Pháp có hai cha Bessellance và Chastenet, hai cựu cha sở miền Xê-đang. Gần
2.000 anh em Xê-đang kéo về, tôi và hai cha nói trên ngồi giải tội
suốt ngày.
4 giờ sáng ngày 12.11.1998 bà con giáo dân
các dân tộc Kinh – Thượng đã đứng chật ních khoảng rộng trước Nhà
Thờø Chính Tòa Kontum. 6 giờ, Thánh Lễ với 4 thứ tiến Kinh, Bahnar,
Xê-đăng và Jrai với những bài hát và điệu múa, chiêng cồng theo
bản sắc dân tộc, khách thập phương đến ai nấy cũng đều cảm động khi
tham dự Thánh Lễ tại Núi Rừng Tây Nguyên. Hiệp thông với những
người con của Núi Rừng với những lời ca, tiếng hát, điệu nhạc, vũ
múa dân dã, bình dị, thanh thản mà mắt chưa từng thấy, tai chưa từng
nghe, lòng chưa một lần tưởng nghiệm, khách thập phương nhiều người
đã rơi lệ.
Ðoàn rước gồm Thánh Giá hiên ngang đi trước
dẫn đường, kế sau là Sách Tin Mừng, đoàn cồng chiêng vũ múa, 4
người đại diện các sắc tộc Bahnar, Xê-đăng, Jrai, và Kinh cầm 4 chùm
bong bóng sắc màu rực rỡ chuẩn bị thả lên thinh không lúc khai mạc
Ðại Lễ. Cuối cùng là các chức sắc, Linh Mục, Giám Mục và vị Chủ
Tế. Nghi lễ bái Thánh Tổ Tê-pha-nô Cuéno Thể. Hàng ngàn ca viên
đứng trên bục đài trổi lời ca nhập lễ uy hùng cùng với khoảng hơn
50 ngàn người chen chúc đứng trước mặt tiền Nhà Thờ Chính Tòa Kontum.
Những chùm bong bóng đủ sắc màu vụt bay
lên không trung, ung dung bay qua thị thành, hướng về cây cầu Dak Bla,
cổng vào miền đất Kontum thân yêu. Các kinh Thương Xót, Vinh Danh,
Thánh Thánh, Chiên Thiên Chúa đều được hát theo chiêng cồng vũ múa
của các dân tộc, các bài đọc Lời Chúa đều được 4 đại diện các
sắc tộc đọc.
Trật tự và yên lặng đến tột độ biểu lộ
lòng sốt sắng của mỗi người. Sau bài giảng, có nghi lễ thanh tẩy cho
12 anh chị em tân tòng thuộc các sắc tộc. Ðây là của lễ cuối mùa
150 năm truyền giáo. Của lễ đầu mùa chính vào năm 1853 với Ngui và
Pat vào ngày 16.10.1853 cùng với Hmur vào ngày 28.12.1853.
Bữa tiệc trưa khoản đãi quý khách và ân
nhân chủ yếu là món gà nướng giòn nguyên con với cơm nếp, đặc sản
Tây Nguyên. Vài ghè rượu cần tiêu biểu. Ðức Tổng Giám Mục
Sài-gòn, Các Giám Mục Ðà Lạt, Phát Diệm nếm thử rượu và đàm đạo
với anh em dân tộc. Bộ đàn nước trong khuôn viên Tòa Giám Mục đong
đưa liên hồi phát ra những âm thanh muôn thuở của Núi Rừng... Rồi
mọi người ra về, Rừng Núi trở lại lặng yên. Những bước chân nối
tiếp lại tiếp tục lên đường trên đèo cao gió lộng...
Năm mới Kỷ
Mão, xin Chúa chúc lành cho những người chúng con yêu thương, xin gìn
giữ chúng con an toàn trong sứ vụ, xin ban muôn phúc lành cho quý ân
nhân xa gần, xin ban phúc trường sinh cho những người thương yêu chúng
con và đã ra đi trước chúng con. Amen. Chúc tụng Chúa đến muôn đời.
Ngày 21.12.1998
Rei, chú Iao phu ở thôn Kan Kơlok mất tích. Dân làng báo tin
chú Rei lên núi tìm mây, mất tích. Năm nay chú trên 75 tuổi, tuổi
già vẫn không thích ngồi không. Núi rừng vắng lặng lại là chốn nghỉ
ngơi của tâm hồn.
Ngày 22.12.1998
Anh em vùng sâu vùng xa miền Xê-đăng bắt
đầu kéo nhau về Nhà Thờ ChínhToà Kontum để mừng lễ Chúa Giáng Sinh.
Họ nằm la liệt đó đây hai ba trăm người chen chúc ở nhà vãng lai.
Trời về đêm, sương rơi mênh mông, gió lạnh. Một đống lửa bập bùng
reo tí tách, tỏa lan sức nóng, len lỏi vào từng đốt xương. Khói bay
theo ngọn gió lùa, vừa lạnh vừa ấm. Mọi người như được nối kết như
một gia đình, lúc vui lúc buồn, nhưng lúc này là niềm vui mênh mang
trông đợi Chúa GiángSinh.
Ngày 23.12.1998
Dân làng chia nhau đi tìm chú Rei. Trên đỉnh
núi cao sương mờ, người ta đã gặp thấy chú Rei nằm chết sấp ở thế
quỳ khum, tay cầm tràng hạt. Mặt mày và cổ đã bị kiến nhọt bu ăn.
Có lẽ chúi đầu vào lùm cây rậm tìm bứt mây, chú đã bị rắn cắn
trên phần đầu, biết mình không thể sống chú đã cầm lấy tràng hạt
quỳ sấp dọn mình, đồng thời chịu nỗi đau đớn và đã ra đi bình an trong
Chúa. Xác đã bay mùi. Dân làng đem xác về an táng tại nghĩa trang
gần làng. Là Iao phu, chú đã thay mặt cha sở dạy Giáo Lý, quản lý
họ đạo lâu năm, tận tụy, hy sinh. Dân làng thương tiếc như người cha.
Ngày 24.12.1998
Chiều hôm nay đã có 1.850 anh chị em Xê-đăng
về. Có 300 người mẹ mang theo con mình, từ mới sinh chưa đầy tháng cho
tới ba bốn tuổi, người què được bà con cõng trên lưng, kẻ đui mù
được người dắt dìu đi quờ quạng, người câm kẻ điếc cùng chung niềm
vui nhộn nhịp. Một căn-tin được mở ra với giá phục vụ bình dân. Bà
con, phần đông đem theo những ống cơm, đó là những ống nứa bề tròn
bằng cổ tay, họ đổ gạo nếp đã ngâm, nướng ống nứa trên ngọn lửa,
cháy hết lớp ngoài ống nứa thì nếp cũng vừa chín. Cơm trong ống nứa có
thể để dành lâu vẫn còn mềm. Thường bà con dùng lúc đi đường xa.
Một miếng cơm trong ống, thơm ngát hương rừng, đượm tình sông núi.
Ðêm Giáng sinh, bảy tám ngàn người con của
Núi Rừng gồm Bahnar, Rơngao, Xê-đăng, Jeh, Halâng đứng im lặng trong
màn đêm nhìn về tiền đường Nhà Thờ Chính Tòa trong ánh sáng uy linh
huyền diệu của Ðêm Giáng Sinh. Qua bao nhiêu vất vả hy sinh, trong đêm
nay họ cũng đã tìm thấy một Giê-su khó nghèo trong niềm tin, không
cho tiền bạc chức quyền, nhưng Ngài đã cho họ sự An Bình và Tình
Thương.
Lạy Hài Ðồng
Giê-su, xưa các chú mục đồng cũng ra về tay không. Hôm nay cũng thế,
những người con Núi Rừng cũng ra về không có quà No-en.
Người dân tộc không ăn Tết như người Kinh,
nơi nào sống gần người Kinh thì họ cũng bắt chước vui theo chuyện ăn
uống say sưa, hơn là ý nghĩa cầu phúc đầu năm và đi thăm nhau.
18g30 điện thoại từ Ya Tun gọi cấp cứu. Tôi
ăn vội vàng bữa tối để kịp lên đường. Ðúng 21g30 tới điểm hẹn, một
đống lửa bập bùng chiếu sáng. Một gã đàn ông nằm trên cáng, anh
chặt cây bị cây đè. Năm bảy người luân phiên khiêng anh từ rẫy về.
Mệt nhoài, tôi nằm ghế xếp coi ti-vi, mục
phim về các con thiên nga bị bệnh tật, bị tai nạn, được những người
cứu hộ động vật mang về điều trị quá chu đáo để phục hồi sức khỏe.
Tôi thầm nghĩ những con vật này sung sướng nghìn lần hơn những bệnh
nhân dân tộc thiểu số Núi Rừng Trường Sơn này. Tôi thầm ước gì các
bệnh nhân hay người nghèo khổ của Núi Rừng cũng được những ân nhân
cứu hộ như vậy. "Khi Ta đói,
các ngươi đã cho Ta ăn. Khi Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống...'' Xin Chúa cho chúng con nhận ra Chúa nơi
những người anh em này...
Lm. Si-môn PHAN VĂN BÌNH, Giáo Phận Kontum (
Hết ).