GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 27 C THƯỜNG NIÊN – LỄ ÐỨC MẸ MAI KHÔI

TIN MỪNG: Lc 1, 26 – 38

Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Ða-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên,hỡi Ðấng đầy ân sủng,Ðức Chúa ở cùng bà". Nghe lời ấy, bà rất bối rối,và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao.
Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ða-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời,và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận".

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !" Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà,và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Ðấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được".

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

SUY NIỆM 1:

CON ÐƯỜNG ÐỐI THOẠI

1. Câu chuyện Truyền Tin là cuộc đối thoại kỳ diệu:

Câu chuyện Truyền Tin là một cuộc trao đổi kỳ diệu giữa sứ thần của Thiên Chúa tức giữa Thiên Chúa và Ðức Ma-ri-a. Ta có thể gọi đó là một cuộc đối thoại mẫu mực trong lãnh vực tâm linh, trong chương trình cứu độ. Thiên sứ đến trao sứ điệp của Thiên Chúa cho một thiếu nữ tên Ma-ri-a. Thiên sứ chào mừng một cách rất đặc biệt khiến Ma-ri-a ngạc nhiên và bối rối. Ma-ri-a nói lên thắc mắc của mình với vị khách lạ. Thiên sứ giải đáp thắc mắc và đưa ra một ‘kiến nghị bất ngờ’. Ma-ri-a lại nêu một thắc mắc nữa vì thấy kế hoạch mà thiên sứ đưa ra không ‘ăn khớp’ với kế hoạch của mình. Thiên sứ lại giải thích một lần nữa và chờ đợi sự tán đồng của Ma-ri-a. Ma-ri-a khiêm tốn đón nhận ý muốn của Thiên Chúa để Con Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung lòng mình: Một cuộc đối thoại kỳ diệu và tuyệt vời mà kết quả là Kế hoạch Cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi Ðức Giê-su, Ngôi Lời thành xác phàm, thành con một người phụ nữ.

2. Lịch sử cứu độ là lịch sử đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người

Thật ra lịch sử cứu độ là lịch sử của đối thoại. Chúng ta chỉ cần nhớ lại những biến cố trong Vườn Ðịa Ðàng trước và sau khi nguyên tổ loài người phạm tội. Hoặc chúng ta nhớ lại từng câu chuyện của Áp-ra-ham, của Mô-sê, của các ngôn sứ, các vua thời Cựu Ước….Thiên Chúa không bao giờ áp đặt ý muốn của Ngài, dù ý muốn của Ngài luôn luôn là ý muốn tốt lành, thánh thiện, đem hạnh phúc đến cho con người. Trái lại Ngài luôn tôn trọng sự tự do và quyết định chọn lựa của con người.

Sau này trong cuộc sống công khai rao giảng Nước Chúa, Ðức Giê-su cũng có những cuộc đối thoại rất độc đáo mà các Phúc Âm đã ghi lại, chẳng hạn cuộc trao đổi của Ðức Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô, với chị phụ nữ Sa-ma-ri, với chị em Mát-ta và Ma-ri-a. Ngoài ra chúng ta thấy Ngài luôn kính trọng đồ đệ và dân chúng khi Ngài mời gọi họ bước theo Ngài: "Nếu ai muốn theo tôi, thì…..". Muốn hay không muốn là quyền của từng người trước lời mời gọi chí ái chí tình của Ðức Giê-su. Ngài không áp đặt, không ép buộc, không khống chế ai bao giờ. Con đường Ngài chọn là con đường Thiên Chúa đã chọn: con đường đối thoại, trao đổi, bàn bạc với từng người cũng như cả cộng đoàn là dân riêng Ít-ra-en.

3. Con đường đối thoại là con đường hoàn hảo và hợp ý Chúa nhất

Chúng ta có thể nói: "Con đường đối thoại là con đường hoàn hảo và đẹp lòng Chúa nhất". Hoàn hảo nhất vì trong cuộc đối thoại hai người coi nhau như bình đẳng, như ngang hàng, hai người đều có gía trị, đều đáng được tôn trọng, yêu mến. Không ai áp đặt ai; không ai dạy khôn ai; Cả hai cùng tìm Chân Thiện Mỹ là điều tốt đẹp nhất cho cả hai. Ðẹp lòng Chúa nhất vì chính Chúa đã chọn con đường này để giao tiếp với loài người. Vì thế mà các Giáo hội châu Á, từ 30 năm nay và nhất là từ đầu thiên niên kỷ thứ ba này đã chọn con đường đối thoại khi thực hiện sứ mạng Truyền giáo của mình. Trong cụ thể là các Giáo hội Á châu tìm cách đối thoại với các truyền thống tôn giáo, các nền văn hóa và dân chúng Á châu, nhất là người nghèo chiếm đại đa số ở châu Á này ( xem Tông huấn ‘Giáo hội tại châu Á’ chương 5 ).

4. Chúng ta thực hiện đối thoại với ai và như thế nào ?

4.1 Trước hết là chúng ta đối thoại với Thiên Chúa, vì Ngài luôn ngỏ lời với chúng ta. Ngài ngỏ Lời trong Ðức Giê-su Kitô, trong Hội Thánh, trong các Bí Tích, trong cộng đoàn, trong cõi thâm sâu của lòng ta và nhất là nơi người nghèo. Ðối thoại với Thiên Chúa để chúng ta nghe tiếng Ngài, biết ý muốn của Ngài và để chúng ta đáp lại lời mời gọi của Ngài.

Kế đến là chúng ta đối thoại với những người gần gũi với chúng ta trong gia đình và trong giáo xứ, giáo phận, trong đó có các vị lãnh đạo và anh chị em giáo dân khác để thể hiện và xây dựng tình hiệp thông niềm Tin. Ðặc biệt là chúng ta đối thoại với các thành viên Gia đình Khôi bình là những người mà chúng ta coi như anh chị em trong cùng một gia đình để giúp nhau hiểu và sống linh đạo đến nơi đến chốn.

Sau cùng chúng ta tìm cách đối thoại với các tín đồ Ðạo Ông Bà, Phật giáo, Hòa hảo, Cao đài, Hồi giáo, với cán bộ cộng sản mà chúng ta có dịp gặp gỡ. Họ là những người có niềm tin hoặc ý thức hệ khác chúng ta; nhưng là đồng bào ruột thịt của chúng ta. Nhất là chúng ta tìm cách đối thoại với người nghèo sống chung quanh chúng ta. Ðối thoại để chúng ta hiểu họ và họ hiểu chúng ta, để chúng ta khám phá ra những nét hay đẹp, độc đáo nơi họ và để chúng ta chia sẻ những nét hay đẹp của chúng ta cho họ.

4.2 Chúng ta đối thoại bằng cách lắng nghe, tiếp nhận, cân nhắc, suy nghĩ và trân trọng ý kiến của người đối thoại nhất là khi người đối thoại với chúng ta lại là chính Thiên Chúa. Chúng ta đối thoại bằng cách khiêm tốn, ôn hòa và cởi mở, giãi bày tâm tư, nguyện vọng, hiểu biết, suy nghĩ của mình. Ðối thoại với tinh thần ấy sẽ đem lại bình an, hạnh phúc, yêu thương, kính trọng cho chúng ta và người khác. Xã hội này còn nghi kỵ, thành kiến, thế giới này còn chiến tranh bao lâu loài người chưa thực thi đối thoại trong các mối tương quan xã hội, quốc gia cũng như quốc tế!

CẦU NGUYỆN:

"Lạy Thiên Chúa là Ðấng đã và còn đang ngỏ lời với loài người, với riêng con... Xin Chúa mở tai, mở lòng, mở trí, mở tay, mở miệng... con, để con nghe được tiếng Chúa nói với con và biết nói lời của riêng con với Chúa !

Xin Chúa giúp con biết đối thoại với những người sống bên cạnh con hoặc có liên hệ mật thiết với con. Ðể chúng con biết đâu là Ý Chúa mà thực thi, đâu là hạnh phúc thật của chúng con mà cùng nhau cầu xin và tìm kiếm."

Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

SUY NIỆM 2:

DÕI THEO ÐƯỜNG MẸ ÐI

Người ta thường nói "mến Thánh Giá", nhưng cần thấy rằng cuộc đời mỗi người, cách riêng đời kitô hữu thì đúng hơn là vác Thánh Giá mình mỗi ngày theo Chúa Giê-su. Như chính Ngài đã từng dạy các môn đệ: "Ai muốn theo thầy, phải từ bỏ chính mình, vác Thánh Giá mình mà theo" ( Mt 16, 24 ). Tháng Mai Khôi, xin cùng được suy niệm về con đường Thánh Giá Ðức Mẹ đi, từ truyền tin đến đồi Gôn-gô-tha. Mong góp vào đây lời kinh dâng Mẹ.

Khởi đi từ Truyền tin Mẹ cưu mang Ðấng cứu đời:

"Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà" ( Lc 1, 28 ) lời chào của thiên sứ gây nên bối rối nơi lòng Mẹ, kèm theo lời truyền tin sẽ cưu mang và sinh hạ Ðấng cứu đời. Một trinh nữ không biết đến chuyện vợ chồng lại mang thai. Lời "xin vâng" như kèm theo thập giá.

Thập giá của Mẹ ở đây, là phải giữ kín bí mật, và có lẽ phải chấp nhận tai tiếng: dư luận xần xì ồn ào mà không một lời giải thích. Rồi phải giữ kín nguồn ân sủng vô bờ Mẹ được Chúa thương ban, và chính Giê-su nguồn ân sủng mà Mẹ cưu mang. Tất cả mầu nhiệm lớn lao đó lại được chứa đựng trong một thụ tạo mõng manh, yếu đuối một người nữ, thuộc phái bị coi là lắm chuyện và không giữ kín được gì. Mẹ không một lời, trước tiếng xì xầm, hay khen ngợi của những người thân cận hay cả kẻ tò mò. Lời "xin vâng", chứa tràn ân sủng nhưng mặc và mang lấy thập giá của chính Mẹ, từ bỏ mình để chương trình của Chúa thực hiện nơi mình. Và lời đáp trả của Mẹ khi được bà Ê-li-sa-bét ca mừng là lời kinh tạ ơn và dâng trả Thiên Chúa, Ðấng nguồn mọi ơn sủng và cũng là lời kinh khiêm hạ – Mẹ chỉ là "là nữ tì, được Chúa đoái thương", những gì Mẹ được là do Thiên Chúa ban. Trái với cái thường tình của con người mọi xã hội, mọi thời đại mọi công lao lập được là do mình cả, nên họ mãi bận tâm đi tìm mình, thay vì bỏ mình.

Tiếng "xin vâng" của Mẹ như đánh vọng mãi trong lòng ta lời "xin vâng" giao trọn đời mình cho Chúa để được cưu mang Ngài trong cuộc đời mình khi biết lắng nghe lời Chúa dạy và đem ra thực hành, trở nên đền thờ đón Chúa Giê-su mỗi ngày ngự vào lòng ta.

Tuổi thơ của con trẻ Giê-su:

Trong lễ dâng con: Mẹ chấp hành theo luật – khi biết rằng điều nhiệm lạ trong mình, đấng vượt trên lề luật, làm ra lề luật nhưng lại phải lệ thuộc vào luật – để mầu nhiệm nhập thể được nên trọn thì thực quá là tuyệt vời của từ bỏ. Chấp nhận lễ nghi, tập tục tôn giáo hiện thời.

Nhưng Mẹ chưa dừng ở đó, Thánh Giá lại thêm nữa cả gánh nặng và nỗi đau. Trong lời ca khen của Simêon về con trẻ có thêm cả nổi đau con trẻ rồi phải chịu, tê tái thật. Rồi nữa, ông già gần chết được diễn phúc thấy và ẳm ơn cứu độ, lại ghim một lời bén hơn cả gươm: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng - còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ xuyên thấu tâm hồn bà – ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra" ( Lc 2, 3 4 – 35 ). Mẹ làm gì ? Thưa Mẹ khắc ghi những lới đó và suy niệm trong lòng để hiểu thiên ý nhiệm mầu. Thập Giá, nỗi đau càng nặng hơn. Trước niềm vui và nỗi đau, mỗi người thường nói ra cho hả, cho nhẹ. Còn đàng này Mẹ lại phải từ bỏ và vác lấy Thánh Giá cho mầu nhiệm thập giá nên trọn nơi con Mẹ. Bài học nào cho ta ?

Tuổi niên thiếu:

Rồi 12 năm sau, con trẻ Giê-su lại làm thêm một điều bí nhiệm. Theo cha Mẹ lên đền thờ, rồi như ham chơi không chịu về theo cha Mẹ. 3 ngày hớt hải tìm kiếm đau đớn lòng Mẹ. Ðể rồi được gì ? Một cảnh tượng tự hào: Giê-su, con Mẹ đang ở giữa các kinh sư để đàm đạo và trả lời xuất sắc những câu hỏi khiến họ thán phục. Nhưng câu trả lời cha mẹ lại có thể nói dưới điểm trung bình: "Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?" ( Lc 2, 49 ). Cha mẹ nào chịu thấu điều này, khi mà phải tìm con trong lo âu vất vả tới 3 ngày ? Có hạnh phúc đó, nhưng câu trả lời này thực sự gây khó chịu. Nhưng phản ứng của Mẹ, là gì ? Là hằng ghi nhớ những điều ấy trong lòng, Không phản ứng mà còn hằng ghi nhớ, đau càng đau thêm, bực càng dễ bực thêm. Nhưng ghi khắc ở đây là Mẹ ghi khắc ý nghĩa của những điều đó, hay là ghi khắc để hiểu nó qua từng ngày. Và điều đó thật là tuyệt vời, giúp Mẹ vượt qua những bực nhọc, đau đớn. Và nơi Mẹ, hình như phải giữ kín ý nghĩa những điều được mạc khải cho riêng Mẹ nơi cuộc đời của Giê-su con Mẹ càng là một Thánh Giá, mà Mẹ phải từ bỏ. Bài học nào cho ta ?

Ba năm cuối, Giê-su rong ruổi truyền rao tình yêu:

Sau khoảng 30 năm yên ổn, Giê-su lên đường, như là bỏ nhà đi để rồi rày đây mai đó, ngủ bờ ngủ bụi, lung tung. Rồi sao nữa: nhiều người theo, nhưng lắm người ghét mà toàn những người có quyền, có chức và nắm quyền sinh sát, Giê-su đang chọc tức giới chức đạo đời, Mẹ nào không lo. Nhưng đau hơn vẫn là dư luận nói con của Mẹ bị điên, bị mát, một kẻ phạm luật.

Chưa hết, Giê-su như có vẻ từ khước cả người thân khi trả lời: "Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ? Ðó là ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi" ( x. Mt 12, 48 – 50 ); rồi rồ hơn khi nghe có người khen Mẹ mình là người có phúc, thì thay vì hảnh diện Giê-su lại nói quả phúc hơn thế nữa người nghe lời ta và đem ra thực hành ( x. Lc 11, 27 ). Nói cách khác, Mẹ như bị con của Mẹ coi không quan trọng bằng các thính giả đang nghe mình. Người Con đó, chỉ có dân đen theo, còn quyền thế thì bực nhọc, tìm cách bắt bẻ, gài bẫy, vu khống và hơn nữa bàn mưu tính kế sát hại.

Trong những ngày Giê-su, con của Mẹ rong ruổi đi rao giảng, Mẹ dõi theo xa xa, muốn lo, muốn can thiệp cũng không thể. May chi trong bữa tiệc cưới ở Ca-na, Mẹ con chuyện trò được vài câu, và có chút gì ảnh hưởng. Có vẻ như trong những vinh quang nhất của con thì Mẹ như lu mờ dần, và khoảng cách Mẹ con cũng xa dần.... Rồi, kết thúc những ngày miệt mài rao giảng tình thương, Giê-su bị bắt, bị đánh đòn màu me đầm đề, và những lời mắng chửi khích bác vang mãi suốt đoạn trường khổ đau. Mẹ cũng chỉ được dõi theo con trong âm thầm. Mẹ nhìn con lặng câm, vất vả vác cây gỗ để thành giá treo mình. Nặng nề, vất vả và đẩm máu. Con đau Mẹ khổ, con ngã làm lòng Mẹ tê tái, buốt đau.

Trên thập giá lưỡi đòng đâm thấu tim con tan nát tim Mẹ:

Cuối cùng, khi mà chỉ còn tiếng thì thào, Giê-su mới như chợt nhớ đến Mẹ đứng ôm Thánh Giá nhìn mình chết dần chết mòn, vội vàng giao trối lại cho Gio-an người môn đệ mình yêu. Con nuôi đổi con ruột, môn đệ đổi cho Thầy... đau ơi là đau ! Mẹ cũng chỉ lặng im không nói gì cả. Lời tiên tri ứng nghiệm. Con Mẹ trọn đường Thánh Giá có thăng có trầm, còn Mẹ chỉ có lặng câm, suy niệm. Một sự đồng công tuyệt vời: con Mẹ bị lưỡi đồng đâm thâu tỏ lộ, còn tim Mẹ tan nát vì tràn ngập nỗi đau không ai chia sớt và không thể chia sớt.

Và chỉ khi mọi sự hoàn tất, và tiếng hát Ha-lê-lui-a vang lên thì mới tỏ lộ ra tim Mẹ: Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc. Mẹ nên mẫu gương tuyệt với cho mỗi người trong việc từ bỏ mình bằng hai tiếng "xin vâng". Con đường thập giá là con đường từ bỏ chính mình, vác lấy Thánh Giá mình mỗi ngày mà theo Chúa:

Từ bỏ mình để vâng phục, từ bỏ trong vâng phục, từ bỏ để thuộc trọn và để Thánh Ý Chúa nên trọn nơi mỗi người. Xin cùng cất lên tiếng ca: "Mẹ ơi, xin dạy con hai tiếng xin vâng".

Tu sĩ LÊ VĂN HOÀNG, OFM, Tháng Mai Khôi 2001

TÀI LIỆU:

LỄ ÐỨC MẸ MAI KHÔI 7.10

Năm 1498, quân Hồi giáo Thổ-nhĩ-kỳ chiếm Lepanto, một hải cảng quan trọng tại Hy-lạp ăn thông ra vịnh Cô-rin-tô. Suốt thời 11 Giáo Hoàng, từ Ðức A-lê-xan-đrô VI ( 1492 – 1503 ), đến Pi-ô III ( 1503 ), Giu-li-ô II ( 1503 – 13 ), Lê-ô X ( 1513 – 21 ), A-đri-an VI ( 1522 – 23 ), Clê-men-tê VII ( 1523 – 34 ), Phao-lô III ( 1534 – 49 ), Giu-li-ô III ( 1550 – 55 ), Mac-xê-lô II ( 1555 ), Phao-lô IV ( 1555 – 59 ), Pi-ô IV ( 1559 – 65 ), đạo binh Thánh Giá ủng hộ Giáo Hội đều thất bại không làm sao thắng được quân Thổ.

Thời Ðức Pi-ô V khởi sự từ 1566, các phong trào lần hạt Mai Khôi được phát động mạnh mẽ. Ngày Chúa Nhật thứ nhất Tháng 10.1571 tại Rô-ma, Hội Huynh Ðệ Mai Khôi tổ chức cuộc rước kiệu trọng thể tôn vinh Ðức Mẹ Ma-ri-a. Cùng một lúc, có tin đoàn tàu ủng hộ Ðức Giáo Hoàng, gồm có quân Tây-ban-nha, Venise và Gênes, dưới quyền chỉ huy của tướng Don John, người Áo, đã chiến thắng quân Thổ-nhĩ-kỳ tại Lepanto. Ngày ấy là 7.10.1571. Tuy vào các năm sau đó, quân Hồi giáo Thổ cũng đánh trả quyết liệt, nhưng, chính yếu, họ không khôi phục được Lepanto. Và mãi đến 1827, quân Hy-lạp mới làm chủ tình thế. Ngày nay, giữa Hy-lạp và Thổ-nhĩ-kỳ vẫn thường xuyên có xích mích, khi thì chính trị, khi thì quân sự.

Ðức Giáo Hoàng Pi-ô V ( 1566 – 72, sau khi qua đời được phong thánh ngày 22.5.1712 ) đã lập lễ kính nhớ thắng trận Lepanto mà ngài gọi là "chiến thắng của chuỗi Mai Khôi", và đặt tên Ngày 7 Tháng Mười là Lễ Ðức Mẹ Mai Khôi. Năm 1671, Ðức GH. Clê-men-tê X ( 1670 – 76 ) cho phép cả nước Tây-ban-nha mừng Lễ Mai Khôi, và chính Ðức Clê-men-tê XI ( 1700 – 21 ), ban hành Lễ Ðức Mẹ Mai Khôi 7.10.1716 cho toàn Giáo Hội Công giáo khắp hoàn vũ. Sau đó, Ðức GH. Lê-ô XIII đã ra thông điệp Quod Auctoritate ( 22.12.1885 ) công bố Năm Thánh, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chuỗi Mai Khôi. Ngày 20.9.1887, ngài nâng Lễ Ðức Mẹ Mai Khôi lên lễ nhớ bậc hai, và thêm câu "Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Môi Khôi" vào kinh cầu Ðức Bà, gọi là Kinh Cầu Loreto ( Sách Mục Lục Sàigòn, tr. 84 ).

CHUỖI MAI KHÔI

Nhiều giáo hữu vào Hội Ðạo Binh Ðức Mẹ – Legio Ma-ri-ae, đã biết danh Thánh Lu-y Ma-ri-a Mông-pho – Louis Marie Grignion de Montfort ( Thủ Bản Legio Ma-ri-ae, 107, tr. 77 – 78 ). Thánh nhân là "hội viên tuyên truyền mạnh mẽ về Hội Mai Khôi, hội của người tín hữu mỗi tuần tối thiểu lần hột Mai Khôi 150 kinh" hay ba chuỗi Mai Khôi. Theo Thủ Bản Legio Ma-ri-ae ( số 605, tr. 372 ), đây là "một hội có nhiều ân xá nhất, ta cần vào để hưởng cho hết các ơn ích của chuỗi Môi Khôi." Thánh Mông-pho đã tường thuật, theo tu sĩ Alan de la Roche, việc Ðức Mẹ truyền cho Thánh Ðô-mi-ni-cô rao giảng chuỗi Mai Khôi như sau:

"Khi thấy tội lỗi quá nặng nề của nhân dân và của quân rối An-bi-gen-xi-an ( Albigeois ), Thánh Ðô-mi-ni-cô vào rừng gần Toulouse, Pháp, và cầu nguyện liên miên ba ngày, ba đêm, xin Chúa nguôi cơn giận. Người hãm mình, đánh tội cho đến ngất xỉu. Lúc đó, Ðức Mẹ, có ba thiên thần chầu quanh, hiện ra, phán bảo: "Này Ðô-mi-ni-cô, con có biết Ba Ngôi Thiên Chúa chí thánh muốn dùng vũ khí nào để cải thiện thế gian chăng ?"... "Thưa Mẹ, Mẹ biết ý Chúa muốn hơn con biết vì Mẹ ở kề bên Chúa Giê-su, Con Mẹ, và Mẹ đồng công chuộc tội loài người chúng con. Mẹ nói: "Phương cách chính là Lời Chào Mừng của Thiên sứ, đá tảng của Tân Ước. Nếu con muốn đạt đến tâm hồn cứng cỏi của người tội lỗi và vượt thắng họ, thì phải rao giảng Kinh Kính Mừng đó."

Ðô-mi-ni-cô trỗi dậy, sốt sắng tìm gặp những người tội lỗi, bằng cách đi thẳng tới nhà thờ chính tòa Toulouse. Bổng có những thiên thần bí mật rút chuông triệu tập dân chúng tề tựu. Khi Ðô-mi-ni-cô bắt đầu giảng thì bão táp nổi lên, trái đất rung chuyển, mặt trời trở nên tối tăm, các tia chớp lòe sáng và sấm sét nổ vang khiến cho mọi người hoảng sợ. Nỗi lo sợ càng mãnh liệt khi dân chúng nhìn thấy Ðức Bà hiện ra, giơ hai tay lên trời ba lần, xin Thiên Chúa trừng phạt họ, nếu họ không chịu trở lại, cải thiện đời sống, và chạy đến khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa hộ phù. Thánh Ðô-mi-ni-cô cầu nguyện và rao giảng chuỗi Mai Khôi, rồi cùng với nhịp hùng hồn của người, bão táp lặng dần. Nhân dân thành Toulouse nghe lời người, cùng nhau lần hạt Mai Khôi và thống hối, trở về với Chúa. Ðược Chúa Thánh Thần soi sáng và Ðức Mẹ dạy bảo, Thánh Ðô-mi-ni-cô rao giảng chuỗi Mai Khôi suốt đời ngài, vừa giảng vừa lần hạt Mai Khôi, làm gương sáng cho dân Chúa, cho kẻ tội lỗi cũng như cho người theo bè rối, từ thành nọ đến thành kia suốt miền Nam nước Pháp.

Chuỗi Mai Khôi ngày nay mở đầu có một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa với lòng Tin-Cậy-Mến và kinh Sáng Danh vinh quang Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Với 15 suy ngắm Mầu Nhiệm Vui-Thương-Mừng và lời nguyện Fatima ( Lạy Chúa Giê-su xin tha tội... ), chuỗi Mai Khôi, vừa đọc vừa ngắm là cách cầu nguyện hoàn hảo nhất của người Công giáo.

TRẦN VĂN TRÍ ( Theo The Secret of the Rosary ) tháng 10.2001

TÌM HIỂU Ý NGHĨA CỦA TÊN GỌI "MAI KHÔI"

Mai Khôi, hay còn được nhiều nơi gọi là Mân Côi, Mai Côi, Môi Khôi, Văn Côi... đều xuất xứ từ tiếng La-tinh là Rosarium có từ thời Trung Cổ, tiếng Ý là Rosario, tiếng Pháp là Rosaire, tiếng Anh là Rosary, có 3 nghĩa như sau: một tràng, một chuỗi, một xâu Hoa Hồng ( Rosa, Rose = Hoa Hồng ); một xâu chuỗi hạt trai, hạt đá quý để đeo quanh cổ người phụ nữ; một vườn Hoa Hồng.

Ngày xưa, tràng chuỗi Hoa Hồng là một hình thức của lễ dâng lên các vị thần linh, hay một vòng hoa quàng vào thân mình người được thiên hạ ngưỡng mộ tôn vinh.

Sang đến Việt Nam, chuỗi Rosarium được người miền Bắc gọi là "Chuỗi Mân Côi", hoặc "Chuỗi Văn Côi"; riêng người miền Nam và miền Trung lại gọi là "Chuỗi Môi Khôi". Ngoài mấy cách gọi thông thường của từng địa phương nêu trên, các cha Dòng Ða-minh chi Lyon Pháp, còn có cách gọi là "Chuỗi Mai Khôi". Cách gọi này hiện nay được khá nhiều người dùng, nhất là các tu sĩ và giới trẻ, đặt thành nhiều bài hát hay viết các bài suy niệm.

Vậy, phải dùng cách gọi nào cho thật đúng trên bình diện ngôn ngữ học và việc đạo đức thiêng liêng của người Công Giáo chúng ta ? Học giả Ðào Duy Anh dịch chữ Rosaire của tiếng Pháp trong ba từ gọn lỏn là: "Tràng hạt dài". Từ Ðiển Pháp-Việt của nhà xuất bản Thanh Hóa in năm 1994 dịch ra hai nghĩa là: 1. Chuỗi hạt lớn có khoảng 150 hạt, tràng hạt. 2. Kinh lần tràng hạt.

Tổng hợp các từ điển Việt-Nam, Hán-Việt và Trung-Hoa, chúng ta không tìm được từ ngữ nào là "Mân Côi". Vậy từ đâu mà có tên gọi này, cũng như đã có những cách đọc trại ra, na ná giống nhau ? Thật ra, "Mân"tên một thứ đá rất đẹp, bên ngoài có vân như ngọc nhưng lại không có giá trị bằng ngọc. Có nơi lại gọi loại đá này là "Văn" có nghĩa là có vân, một thứ đá có vân đẹp. Còn "Môi" hay đọc đúng chính âm là "Mai" lại là tên một thứ ngọc quý màu đỏ. "Côi", hay còn đọc là "Khôi" chính là tên một thứ đá kém giá trị hơn ngọc ( danh từ ). Ngoài ra, còn một nghĩa khác nữa là hiếm, quý, lạ ( tính từ ). Nếu ghép thành "Mai Côi", chúng ta còn có thêm ý nghĩa là: một loài hoa rất thơm, sắc đỏ hoặc trắng, nhánh có gai, ngày nay người ta dùng hoa này chưng cất lấy hơi tẩm ướp vào rượu để sản xuất ra một thứ rượu quý nổi tiếng của Trung Hoa, gọi là "Mai Côi Lộ Tửu", thường được gọi trại ra là "Mai Quế Lộ". Riêng ông Nguyễn Văn Khôn và ông Ðào Duy Anh đều viết đúng chữ "Mai Khôi Hoa" và giải thích đúng là Hoa Hồng. Vậy, chúng ta có thể khẳng định các cách gọi "Mai Côi", "Mai Khôi" hay "Môi Khôi" đều là những âm Hán tự có nghĩa đích xác là Hoa Hồng, trong khi cách gọi "Mân Côi" lại không bao giờ có nghĩa là Hoa Hồng, mà chỉ là nói đến một thứ đá !

Trong việc đạo đức sùng kính Ðức Ma-ri-a, mỗi lời nguyện, mỗi lời kinh là một của lễ xứng đáng, là một đóa Hồng xinh tươi, là một chuỗi Hoa Hồng, là cả một vườn Hồng tuyệt vời mà chúng ta kính cẩn dâng lên Mẹ. Quả là chúng ta không thể dùng từ "Mân" với nghĩa không được cao quý trong "Mân Côi" để tìm lấy một mùi hương ngát thơm lâng lâng bay lên tòa Thiên Chúa được.

Người quân tử quý ngọc, nhưng lại coi thường đá Mân. Thế tại sao chúng ta lại giữ lấy đá Mân thiếu giá trị làm một của lễ cho Mẹ Thiên Chúa ? Chúng tôi chủ trương dùng "Mai Khôi", hay "Mai Côi", thậm chí "Môi Khôi" là để thay thế cho từ ngữ "Mân Côi" mà có thể vì chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa, chúng ta đã vô tình quen dùng một cách không xứng đáng với Mẹ Ma-ri-a. Rất mong được các bậc học giả uyên thâm đóng góp thêm nhiều ý kiến chính đáng hầu trang hoàng cho tòa Hoa Thơm của Mẹ.

Lm. NGUYỄN VĂN PHƯỠNG ( OP )

VŨ KHÍ CỦA TÔI LÀ CHUỖI MAI KHÔI

Năm 1917, Ðức Mẹ đã hiện ra tại Fatima, Bồ Ðào Nha mỗi ngày 13 trong nhiều tháng liên tiếp với lời cảnh báo chúng ta về điều gì sẽ xảy ra nếu nhân loại không quay trở lại với Thiên Chúa. Thông điệp của Ðức Mẹ rất đơn giản: Hãy đưa Chúa Giê-su ngự giữa trung tâm đời ta. Hãy cầu xin lòng thương xót của ngài. Hãy hy sinh và đền tạ vì tội lỗi nhân loại xúc phạm đến Chúa. Và hãy lần chuỗi Mai Khôi cho hòa bình.

Thông điệp Ðức Mẹ gởi cho chị Lucia 13.10.1917: "Ta là Ðức Mẹ Mai Khôi, ta đã đến để cảnh báo các tín hữu canh tân đời sống và xin ơn tha thứ tội lỗi của họ. Họ không được xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, vì Ngài đã quá phiền muộn vì tội nhân loại. Loài người hãy lần chuỗi Mai Khôi. Họ hãy tiếp tục lần chuỗi hàng ngày." Quan trọng nhất, Mẹ Ðầy Ơn Phúc đã mang đến cho chúng ta một niềm hy vọng. Nếu chúng ta lắng nghe ngài, và thực hiện thì lòng thương xót của Chúa sẽ tuôn đổ trên ta.

Thánh Pi-ô Năm Dấu Thánh cho biết: "Vũ khí của tôi là tràng hạt Mai Khôi. Ðức Mẹ không từ chối tôi điều gì khi tôi xin với Mẹ qua chuỗi Mai Khôi. Muốn làm Ðức Mẹ vui lòng và muốn được Ðức Mẹ thương yêu hãy lần chuỗi Mai Khôi". Cha Stefano Gobbi viết: "Chuỗi Mai Khôi mang lại hòa bình cho bạn. Với lời Kinh Mai Khôi, bạn sẽ có thể nhận được từ Thiên Chúa hồng ân vĩ đại nhất là canh tân đời sống, thu phục các linh hồn về với Chúa trong sự ăn năn tội, tình yêu và thánh ân... Chuỗi Mai Khôi là lời kinh của tôi. Những lời kinh này dù khiêm nhường và mong manh cũng sẽ nên như xích sắt để khóa lại quyền lực tối tăm của thế giới, kẻ thù của thế giới và của các tín hữu".

TRĂM TRIỆU CHUỖI MAI KHÔI CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI

Ban tổ chức Ngày Thế Giới Ðọc Kinh Mai Khôi cho biết trong ngày thứ bảy 6.10.2001 này trên thế giới đã có 140 nước ghi tên tham dự. Trong năm 2001, trước làn sóng chiến tranh đang đe dọa hòa bình thế giới và theo ý Ðức Thánh Cha, chủ đề chính của ngày lần chuỗi Mai Khôi năm 2001 là "Cầu cho hòa bình thế giới". Năm ngoái, 2000, chủ đề chính là "Cầu cho những kẻ phá thai và ủng hộ phá thai".

Muốn tham gia ngày lần chuỗi Mai Khôi toàn thế giới, trong ngày thứ bảy tới đây xin lần ít là một chuỗi Mai Khôi và cầu nguyện cho hòa bình thế giới theo ý Ðức Thánh Cha. Nếu có thể được, xin khích lệ những người khác cùng làm theo. Sau cùng, xin cho ban tổ chức biết số chuỗi đã lần được để họ rút kinh nghiệm tổ chức và quảng bá cho năm sau tốt hơn. Xin gửi E-mail cho ban tổ chức tại địa chỉ sau đây: rosario@churchforum.org

NGUYỄN VIỆT NAM ( từ VietCatholic )

CHỨNG TỪ:

CUỐN SÁCH MỘT CHỮ

Người ta kể chuyện rằng: ngày kia một văn sĩ bỗng nảy sinh ra một ý kiến ngộ nghĩnh. Ông ta muốn viết một cuốn sách. Mà cuốn sách ấy, ông muốn làm sao cho nó không được dài quá một trang. Cuốn sách một trang này lại phải làm sao cho nó không được dài quá một dòng. Dòng ấy phải làm sao cho nó chỉ vỏn vẹn có một chữ. Chữ độc nhất ấy, cố nhiên, phải làm sao diễn tả được hết mọi tư tưởng cao xa, tốt đẹp của văn sĩ. Ý nghĩ ấy ngày đêm ám ảnh ông ta, làm cho ông ta mất ăn, mất ngủ. Làm thế nào viết được cuốn sách một chữ ấy ? Cuối cùng nhà văn kia đành ngồi khoanh tay bó gối, thở dài thất vọng... Tất cả những danh từ trên thế giới, không đủ cung cấp tài kiệu, và ý nghĩa cho công việc ông ta dự định thực hiện.

Nhưng, cuốn sách một chữ ấy Thiên Chúa đã viết được. Chữ độc nhất, hàm súc mọi ý nghĩa, vừa hùng hồn, sâu rộng, vừa nhẹ nhàng ý nhị để diễn tả được những kỳ công kiệt tác trong vũ trụ. Tất cả những gì là tươi mát, là xinh đẹp, tất cả những gì là đáng quý chuộng, đáng yêu thương, đáng đòi hỏi, đáng tìm kiếm, đáng ước ao, đáng khát vọng. Chữ ấy là: Ma-ri-a, tên của người Trinh Nữ đã được thiên Chúa tuyển chọn và tô điểm cho cân xứng với thiên chức làm Mẹ Ngôi Hai Nhập Thể, cân xứng để trở nên vườn địa đàng thật hoàn hảo, thật sặc sỡ, thật kiều diễm để trong cung lòng của Ma-ri-a, Thiên Chúa sẽ cử hành một lễ cưới long trọng, không phải giữa một người với một người, nhưng là giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Một ngày nọ, thánh Gio-an Ma-ri-a Vianney, cha sở họ Ars, gặp trong nhà thờ một người đàn bà có vẻ đang đau khổ nhiều. Bà ta vừa trở thành góa phụ. Ông chồng đã rơi từ cầu xuống sông và bị chết đuối. Ông ta đã chết khi chưa kịp ăn năn thống hối. Do đó, đối với bà, ông chồng chắc chắn đã mất linh hồn. Cha Vianney đã nhẹ nhàng đến gần, và được Chúa soi sáng, cha đã nói: "Chồng bà đã được cứu thoát !"

Quá ngạc nhiên và tỏ vẻ không tin, bà ta lại hỏi: "Thưa cha, làm sao lại có thể như vậy ?" Cha Vianney cắt nghĩa: "Có Chúa ở giữa chiếc cầu và giòng sông. Chồng bà đã cùng rơi với Chúa và khi rơi, ông đã làm hòa với Ngài." Bà vợ hỏi lại: "Nhưng làm sao có thể như vậy được ?" Thánh nhân bảo: "Ðó là một ơn của Ðức Mẹ." Cha Vianney trả lời và cắt nghĩa tiếp: "Vì một hôm, trên đường từ đồng về nhà, chồng bà đã hái một đóa hoa đem chưng trước tượng Ðức Mẹ ở bên đường. Ðức Mẹ có thể quên được cử chỉ tốt đẹp này sao ?"

Trích sách LẼ SỐNG

CÂU TRUYỆN:

LÁ THƯ GỬI CHÚA GIÊ-SU

Bé Quang năm nay mới được 6 tuổi, gia đình khá giả, rất hiếu động và nghịch ngợm, đang còn học lớp Giáo Lý Khai Tâm ở Nhà Thờ Thái-hà. Một buổi chiều đi dạo với mẹ ở bờ Hồ Tây, Hà-nội, bé thấy một cậu bé trạc tuổi mình đang thích thú đạp chiếc xe đạp nhỏ xíu, đàng sau có gắn thêm hai chiếc bánh con con để giữ thăng bằng. Bé Quang vội níu lấy tay mẹ và nũng nịu xin: "Mẹ, mẹ ơi, mẹ mua cho con một chiếc xe đạp y như thế đi mẹ !" Bà mẹ chỉ muốn trả lời cho con cho xong chuyện nên bảo: "Con à, nếu con muốn quà gì, sao con không viết thư xin với Ông Già No-en, thế nào Ông Già No-en cũng cho con." Bé Quang tỏ ý không chịu: "Nhưng bây giờ mới là tháng 5, còn lâu mới đến Lễ Giáng Sinh, con thì muốn có ngay chiếc xe đạp để chơi cơ !"

Bà mẹ một lần nữa muốn khất lần vì lo con chơi xe đạp có thể bị ngã, nguy hiểm... Bà sực nhớ có lần nghe giảng trong lễ thiếu nhi, cha xứ DCCT Thái Hà có khuyến khích các cháu viết thư cho Chúa Giê-su, bà liền bảo con: "À này, sao con không thử viết thư xin Chúa Giê-su nhỉ ?"

Bé Quang không nài nỉ gì thêm nữa. Tối hôm ấy, trước khi đi ngủ, Quang loay hoay lấy giấy bút ra để viết thư cho Chúa Giê-su. Bé viết thật ngắn gọn như thế này: "Chúa Giê-su kính yêu, con là một đứa bé ngoan và con muốn Chúa thưởng cho con một chiếc xe đạp Chúa nhé. Con cưng của Chúa, Bé Quang"

Viết xong, bé Quang đọc đi đọc lại lá thư, gãi gãi đầu ngẫm nghĩ rồi quyết định xé đi, rồi bậm môi viết lá thư khác: "Chúa Giê-su kính yêu, thỉnh thoảng đôi lúc con là một đứa bé ngoan, con muốn xin Chúa khích lệ con bằng cách tặng cho con một chiếc xe đạp..."

Chưa kịp ký tên thì không biết nghĩ ngợi thế nào, bé Quang lại xé lá thư và vít một lá thư khác nữa: "Chúa Giê-su kính yêu, thú thật với Chúa là con cũng chưa ngoan lắm đâu, con chỉ hứa là sẽ ngoan hơn, Chúa có chịu tặng cho con một chiếc xe đạp, được không ạ ?"

Lần này bé Quang cũng vẫn thấy chưa ổn. Bé không biết phải viết làm sao để thuyết phục được Chúa ban cho mình món quà hấp dẫn ấy. Ðang băn khoăn do dự thì bất giác, bé nhìn lên bàn thờ Chúa có đặt một pho tượng Ðức Mẹ La-vang nho nhỏ. Bé mừng rỡ kê ghế trèo lên, đỡ lấy pho tượng Ðức Mẹ, hôn cung kính rồi đem xuống, chạy về giường, giấu luôn Ðức Mẹ dưới chiếc gối của mình.

Lần này, bé Quang hăm hở lấy một tờ giấy mới, nắn nót viết lá thư: "Chúa Giê-su kính yêu, nếu Chúa còn muốn trông thấy Mẹ, xin Chúa gửi ngay cho con một chiếc xe đạp để chuộc lại Mẹ. Ðứa con nghịch ngợm của Chúa, Bé Quang !"

Bạn ơi, có một lúc nào đấy, bạn thưa với Chúa Giê-su rằng: "Chúa ơi, này đây con đem Mẹ về giấu tận đáy lòng con, trong trái tim con, vì con nhớ ngày xưa, khi sắp chịu chết trên Thánh Giá, Chúa đã trao phó Ðức Mẹ cho người môn đệ Chúa yêu dấu đặc biệt rằng: "Ðây là mẹ của con" Và kể từ đó, người môn đệ đã rước Mẹ về nhà mình..."

QUANG UY sưu tầm, trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 4

THÔNG TIN:

THÔNG TIN VỀ EM SINH VIÊN NGUYỄN THÀNH CÔNG

Như trong GOSPELNET số 5 từ tháng 4.2001, gia đình ông TRẦN NGỌC BÁU đã trợ giúp 300.000 VND cho bạn NGUYỄN THÀNH CÔNG, khi ấy là sinh viên năm thứ 1 Ðại Học Bách Khoa, khoa Ðịa Chất – Dầu Khí. Hiện nay bạn Công đã lên năm thứ 2, hoàn cảnh gia đình rất nghèo, lại đông anh em, dù đã cố gắng đi dạy kèm ( gia sư ) nhưng cũng chỉ được khoảng 500.000 VND cộng với số tiền người anh lo liệu thêm, mới đủ một nửa số học phí phải đóng cho học kỳ 1. GOSPELNET đã trích quỹ thêm 500.000 VND để bạn Công an tâm nỗ lực học tập. Kính xin quý độc giả gần xa, mỗi người một chút, hoặc một vị ân nhân nào đó nhận trợ giúp "trọn gói" cho bạn Công trong học kỳ 2 là 1.100.000 VND. Hiện nay, bạn Công đã về trọ tại số 116 / 10 / 3 A Bis đường Tô Hiến Thành, F. 15, Q. 10, Sài-gòn. Ðiện thoại nhờ nhắn: 08.8.625.369.

THÔNG TIN VỀ CHỊ PHẠM THỊ NGHĨA CẦN CÓ MỘT XE LĂN

Chúng tôi vừa nhận được E-Mail của Sr. Tuyết Trinh, Dòng Ða-minh Rosa Lima trình bày một hoàn cảnh ngặt nghèo: chị PHẠM THỊ NGHĨA, sinh ngày 4.10.1966, hiện ngụ tại Giáo Xứ Thánh Gia, ấp Bình Tân, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai, gia đình rất nghèo lại đông anh em, chị Nghĩa bị sốt tê liệt từ nhỏ, chân tay bị teo, di chuyển rất khó khăn, rất cần được trợ giúp một chiếc xe lăn có cần đẩy để tìm cách buôn bán lặt vặt phụ với cả nhà. GOSPELNET xin trích khoản tiền 1.700.000 VND từ nguồn trợ giúp của Nhóm Help The Poor để nhờ bạn MK Phan Tấn Hiển mua tặng chị Nghĩa một chiếc xe lăn có cần đẩy. Giấy biên nhận số tiền 1.000.000 VND và thư cám ơn, chúng tôi sẽ nhờ chị Thiên Hương ( Giáo Xứ Hòa Hưng ) chuyển đến cho cha Trịnh Tuấn Hoàng ( OFM ) và Nhóm Help The Poor.

THÔNG TIN THÊM VỀ ANH YA NIM

Sáng thứ tư 3.10.2001, chúng tôi vừa nhận được từ các soeurs Dòng Ða-minh Rosa Lima hai tấm ảnh chụp anh YA NIM ( xin xem GOSPELNET số 28 ) lúc đang điều trị vết lở loét ở lưng và mông, và đang ngồi trên chiếc xe lăn mua từ khoản tiền được Nhóm Help The Poor trợ giúp. Giấy biên nhận số tiền 1.000.000 VND và thư cám ơn, chúng tôi sẽ nhờ chị Thiên Hương  ( Giáo Xứ Hòa Hưng ) chuyển đến cho cha Trịnh Tuấn Hoàng ( OFM ) và Nhóm Help The Poor.

THÔNG TIN VỀ GIA ÐÌNH CHỊ PHẠM THỊ BÌNH Ở MIỀN BẮC

Cha Nguyễn Huy Tảo vừa gửi vào cho GOSPELNET trường hợp gia đình chị PHẠM THỊ BÌNH ở Giáo Xứ Ðại Lãm, thôn Tam Dị, xã Ðại Lãm, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, thuộc Giáo Phận Bắc Ninh. Vợ chồng chị Bình có tất cả 9 người con, được xếp vào diện túng đói thường xuyên, thu nhập một năm tối đa được khoảng 5.000.000 VND nhờ vào một sào ruộng, chăn nuôi nhỏ và đi làm thuê làm mướn, những người con lớn đã phải bỏ học để làm ruộng và đi ở giúp việc, chỉ còn các cháu bé là được đi học nhưng hết sức vất vả mà vẫn không đủ tiền đóng học phí. Nay chị Bình lại mới phát hiện bị bệnh U Hạch, phải vào Viện Ung Thư để chạy chữa bằng phương pháp Hóa Trị Liệu với khoản chi phí là 3.000.000 VND.

Chúng tôi đã xin chuyển 200 USD từ khoản trợ giúp của cha Trịnh Tuấn Hoàng và Nhóm Help The Poor để chị Bình có thể nhập viện ngay. Biên nhận và thư cám ơn có chữ ký và con dấu của cha sở đã được gửi vào Nam để chuyển cho Nhóm Help The Poor.

THÔNG TIN VỀ CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI GIÚP

Ngày 29.9.2001, anh Phạm Văn Lượng đã mang đến cho chúng tôi số tiền 100.000 VND của chị ÐINH THỊ NHÀN ( Giáo Xứ Tân Phú Hòa ) nhờ GOSPELNET tặng cho gia đình 2 em bé tàn tật là TRẦN THỊ THÚY TRÀNGTRẦN MINH NHỰT ở Giáo Xứ Cái Trầu của cha Ðặng Xuân Ðồng, tỉnh Sóc Trăng.

Ngày 1.10.2001, nhân mừng Lễ Thánh Tê-rê-xa Hài Ðồng Giê-su, một Linh Mục ẩn danh đã tặng cho quỹ GOSPELNET số tiền 500.000 VND để trợ giúp cho người nghèo. Chúng tôi đã trích quỹ thêm để có được 1 triệu trao cho soeur Hồng Quế trong chương trình Bảo Vệ Sự Sống, chuyển đến trợ giúp cho một chị tên H. 26 tuổi, có người yêu chết vì tai nạn bất ngờ, chị đã chấp nhận giữ lại bào thai và nay đã vừa mới sinh cháu bé nặng 3,5 Kg tại bệnh viện Từ Dũ, chị cũng quyết định sẽ giữ đứa bé và nuôi nấng mặc dù hoàn cảnh chị chỉ có một thân một mình. Nguyện xin Thánh Nữ Tê-rê-xa luôn cầu bầu cùng Chúa cho gia đình bé nhỏ đơn chiếc của chị.

NHẬT KÝ TRUYỀN GIÁO:

XÊ-ÐĂNG, MIỀN ÐẤT HỨA ( tiếp theo )

Ngày 11.2.1998

Vế lại Daktô, trung tâm Miền Ðất Hứa. Tôi đến thăm các cấp chính quyền huyện. Cuộc tiếp xúc đầu tiên. Ông bí thư mời tôi ăn bữa cơm trưa. Bữa cơm thanh đạm lại nói lên được sự chân tình. Lần đầu tiên ông tiếp cận với một Linh Mục và đã thẳng thắn nêu lên vài thắc mắc về con người Linh Mục.

Lạy Chúa, hôm nay tuy có khác nhưng khung cảnh vẫn là một với Cv 8, 26 – 36: Phi-líp-phê đã chạy đến gặp quan thái giám trên xe ngựa. Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm rộng mở để con luôn mở rộng cho mọi người mà con gặp trên nẻo đường con đi.

Ngày 16.2.1998

Làng Dak Kang Pêng. Nghe tin vài cụ bà, lão lai tài tận, muốn gặp Linh Mục trước khi qui hồi tiên tổ. Ðếm theo vài lon nước. Qua chợ mua vài ổ bánh mì. Ðường đi không khó nhưng ngòng ngoèo quanh co. Thung lũng sâu những ngọn đồi đã thành nương rẫy, thưa thớt điểm vài bóng cây Kơ-nia cao vút. Thôn làng nhà tranh vách nứa 560 nhân khẩu. Vài cụ già an phận chờ chết không chút buồn phiền. Vài em bé đang sốt mê man. Một bà mẹ đã ẵm em bé hai tháng tuổi đứng chờ đón tôi giữa nắng ban trưa.

Lạy Chúa, có một gian nhà nhỏ ( 2m x 3m } được dành riêng cho Mình Thánh Chúa. Con và 5 đại diện đã vào đây quỳ gối hát thờ lạy Chúa. Tiếng hát chúng con như mất hút giữa Núi Rừng này nhưng xin hòa lời ca cùng Giáo Hội Hoàn Vũ.

Ngày 17.2.1998

Em bé chết oan uổng. Em chăn bò, một chú bò đá trúng chân em, làm đứt mạch máu. Ðèo heo hút gió, vô phương cấp cứu, máu ra nhiều và em an giấc nghìn thu.

Lạy Chúa, nếu con có phương tiện tiếp ứng thì em bé này hãy còn ớ dương gian. Xin cho con phương tiện phục vụ và niềm vui dọc ngang, ngang dọc, xẻ núi dời non.

Ngày 18.2.1998

Người mẹ lâm bồn cần cấp cứu. Một người mẹ thôn làng Turia chuyền bụng đã 3 ngày. ''Ðẻ không ra, đang ôm cột nhà la làng xóm''. Dân làng cấp báo. Mượn chiếc xe con của Tòa Giám Mục. Người mẹ được khiêng ra đường lộ. Lên xe, những nét mặt buồn, lặng lẽ nhìn theo. Bệnh viện Kontum đã cứu nguy người mẹ. Một người con trai Rừng Núi ra đời.

Lạy Chúa, con vui mừng làm việc này để đền đáp lại công ơn người mẹ đã sinh ra con với bao lo toan thiếu thốn.

Ngày 27.2.1998

Người nghèo của Gia-vê. Hai người mẹ tuồi 35, kẻ bị thần kinh tọa, người viêm đại tràng Tiền mất tật còn. Cũng không ai màng tới những người con bạc mệnh này. Cúi dầu khóc, họ xin tiền xe về 1àng, mang theo nỗi buồn không hết bệnh.

Lạy Chúa, mặt Chúa đang tái mét, chân lê bước, con chỉ có chút tiền tiển chân Chúa về làng đấy thôi.

Ngày 2.3.1998

Thôn làng Kon Tu pêng và Kon Tu yôp. Pêng là trên, Yôp là dưới. Sông Pơkô: giòng sông hung hãn, những tảng đá, đen sậm, to nhỏ, nghênh ngang. Khiêng chiếc Honda qua sông cứ số 1 số 2 từ từ băng qua đồi non, thung lũng. Kon Tu yôp 28 năm không bóng người Linh Mục. Những người trẻ chưa hề biết Linh Mục. Trong niềm tin, họ vui mừng đón tiếp Linh Mục chân tình cởi mở. Họ sốt sắng dọn mình chịu các Bí Tích. Ché rượu đãi khách. Mỏi mệt đường dài. Rượu làm tôi bừng tỉnh. Khí phách bùng lên, tâm thần minh mẫn, gân cốt hết rã rời. À, giờ đây tôi mới hiểu cái ma lực. Một chú bé lững thững chạy lại ba nó. Người cha thản nhiên cầm cần rượu đút vào miệng con mình. Ðứa nhỏ hút một hơi dài rồi chạy đi chơi. Con suối ngòng ngoèo như con rắn quấn chặt thôn làng. Núi đồi làm con suối như gãy khúc, chảy thành thác ghềnh. Tôi hứa yểm trợ họ một máy bơm nườc để trồng cà phê và một thủy diện một Kilo-volt để đem lại một đổi mới và một niềm vui.

Và lạy Chúa, con chỉ là người quản lý để tiếp nhận từ tay người khác để rồi chuyển tải đến cho những con người mà con không bao giờ biết.

Làng Kan Tu Pêng có chú Nôm, Gíao Lý Viên từ năm 1942 tới giờ. Già ốm ngồi một chỗ nhưng vẫn rao giảng Lời. Cuốn Kinh và đôi kính vẫn bên đầu giường. Con người đáng kính và đáng khâm phục. Và một máy bơm nước 16 mã lực cho Kan Tu Pêng này. Thời gian trôi nhanh, nắng nhạt dần, tôi trở lại Gan sông, làn nước đen thẩm, ngọn núi chênh vênh như bức màng đen khép lại không gian. Mọi người chúng tôi không ai bảo ai, đều nín lặng. Cúi đầu cám tạ Ðấng Hóa Công Lời kinh Lạy Cha lại vang lên bên giòng Pơkô... "Nước Cha trị đến... hằng ngày dùng đủ... khỏi mọi sự dữ. Amen". Bàn tay Linh Mục và bàn tay những người con Núi Rừng siết chặt rồi lại chia tay.

Lạy Chúa con nhớ cuộc chia tay của Thánh Phao-lô năm nào trên bờ cũng có lẽû cũng giống cuộc chia tay cùa con hôm nay. Con buồn. Nỗi buồn man mác của người mục tử...

Ngày 5.3.1998

Dak Rao kuen và chiếc cầu treo. Thôn làng cách Kontum 45 cây số ngã Daktô. Một cây cầu treo cao lơ lững trên sông Pơkô. Qua cầu mới vào được làng. Tôi dang loay hoay chụp mấy bức hình thì phải quay về Kontum. "Ðường đi không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người..."

Ngày 7.3.1998

Chú Nôm qua đời. Con người đã từng bao năm rao giảng Lời, sống như mọi người giữa anh em mình. Hôm nay người con Núi Rừng đã về cùng Chúa sau một lần gặp được Linh Mục.

Có thể đây là lời cầu nguyện của Chú Nôm: Lạy Chúa, xin cho con được ra đi vì mắt con đã thấy...

Ngày 13.3.1998

Heo rừng và người mẹ. Tin từ Kon Tu Pêng: Nghe tin heo rừng về ăn mì nương rẫy, anh A Thup, thợ săn rành nghề, mang súng đi rình. 5 giừ sáng mù sương dày đặc. A Thup nghe tiếng động có bóng đen thấp thoáng như heo ủi gốc cây mì. Ðoàng ! Một tiếng rú kinh hồn như ma quái. A Thup hồn xiêu phách lạc, ba chân bốn cẳng về kêu làng xóm. Dân làng vác mác và xà gạc chạy đến nơi. Một người mẹ nằm chết. Ðó chính là Y Siu. Nàng lên nương sớm, đào củ về cho con ăn đỡ đói. Giờ đây, con nàng không có củ ăn mà cũng chẳng còn sữa bú !

Lạy Chúa, khi nghe câu chuyện con sực nhớ lời ca: Chúa có tình yêu thương vời vợi... mãi mãi Chúa là Cha nhân ái, là Mẹ hiền nuôi sống con. Con tin Chúa vẫn nuôi con cái Y Siu. Lạy Chúa, Ngài là Tình Thương, là Mẹ hiền. Amen.

Ngày 12.3.1998

Dak Kang Yôp. Tôi dến thăm làng này lần đầu. Sắc tộc Xê-đang Rơngao. Ðất quanh làng được trung thu trồng cao su. Dân làng sau này sẽ là công nhân. Phần đất còn lại là đồi núi cao và thung lũng sâu. Với 3 thanh niên và hai già làng tôi đi qua mật ngọn núi, xuống thung lùng sâu tìm suối nước dẫn thủy nhập đồi. Ðúng ngọ, trở về. Ðến lưng chừng núi, tôi không còn đủ sức, tim đập liên hồi, chân tay bủn rủn, mắt hoa đôm đốm, trán toát mồ hôi lạnh, miệng đắng, nước miếng keo sệt. Tôi quỵ ngưòi nằm soài dưới đất. Một thanh niên cầm tay kéo tôi lên khỏi núi. Họ vẫn thường đi trên đường núi dốc này, ngày mùa hãy còn mang trên vai 20 ký lúa, bắp, mì.

Lạy Chúa, con đường này Chúa đã đi qua khi vác Thập Tự Giá. Hôm nay con mới cảm nghiệm phần nào. Xin cho con yêu thương và kính trọng những ai đang đói khổ, lao lực.

Ngày 21.3.1998

Một bà già đã đi 50 cây số về Kontum để lo việc linh hồn. Quả đúng như vậy. Bà sốt sắng dọn mình chịu các Bí Tích. Ngả mình ngủ qua đêm và không còn thức dậy nữa.

Lạy Chúa, xin cho bà được nghỉ yên vì bà đã tin vào Chúa suốt cả cuộc đời.

Ngày 24.3.1998

Khánh thành Nhà Thờ Thăng Thiên. Tọa lạc trên một khu tam giác ngay ngã ba trung tâm thị xã Pleiku. Nguy nga, hai gian cánh như hai bàn tay mở rộng đón tiếp mọi người. Mặt tiền có hình Alpha và Omega. Mái tôle lạnh xanh biếc hài hòa với Cao Nguyên núi đồi. Có hành lang rộng đi quanh. Sân rộng. Ðường đi trải đá và thảm cỏ, điểm thêm vài chậu bonsai bản địa. Hôm nay, hai Giám Mục Giáo Phận và Linh Mục đoàn làm lễ cung hiến Nhà Thờ. Nhà Thờ đầu tiên được cung hiến.

Lạy Chúa, con rất thán phục người anh em con đã xây cất Nhà Thờ này cho Chúa ngự. Nhưng con sực nhớ rằng Chúa cũng chẳng khinh chê và đang ngự trong con, trong những người con của Núi Rừng mênh mông này.

Ngày 31.3.1998

Năm Thánh, người người hành hương về Ðất Tổ Giáo Phận, tôi hôm nay hành hương xuyên suốt miền Ðầt Hứa: Kontum – Dak Hà – Daktôâ – Ngọc Hồi – Dak Glei, nhìn lại vết chân các vị thừa sai tiền bối: thôn làng, cầu treo, núi đồi, nhà rông. Thác ghềnh mỗi nơi mỗi cảnh, thiên hình vạn trạng các bộ tộc: Jeh, Striêng, Xê-đang, Ha-lâng... 16g tôi dặt chân lên miền Dak Glei, điểm cuối của Giáo Phận. Thông reo như Ðà Lạt, se lạnh về chiều. Dân cư nằm dài theo một can đường chân núi. Bên một con sông và một cánh đồng nho nhỏ mỗi ngày có một chuyến xe khách Kontum – Dak Glei... 16g40 hạ sơn, anh em Ya-tun nam phụ lão ấu túa ra đứng đón người Linh Mục đi qua để được xưng tội. Chiếc cầu treo dài đong đưa vì kẻ qua người lại. Ðường rừng trong đêm tối thật khó đi. Ðúng 23g00 tới nhà, 300 cây số đi về trên chiếc Honda.

Lạy Chúa, xin ban cho con một ý chí mạnh mẽ hầu con được kiên vững trong gian nguy và Iao nhọc.

Ngày 9.4.1998

Gần 100 anh em giáo dân bộ tộc Jeh ở huyện Dak Glei về chuẩn bị dự lễ Phục Sinh. Gần 70 dọïn mình lãnh Phép Rửa và Rước Lễ lần đãu. Họ phải đi bộ hàng 20 cây số mới có chiếc xe leo lên. Tôi phải dùng thông dịch viên để làm việc với bộ tộc này. Tại sao họ tin Chúa. Tôi chỉ biết rằng Ðức Tin là ơn nhưng không Chúa ban.

Ngày 10.4.1998

Cả ngàn người sống màn trời chiếu đầt. Nóng oi ả. Ðóng kịp cái giếng sâu 36m với chiếc bơm hỏa tiễn, giải quyết được khâu an sinh cho bao nhiêu con người. Hoa nhân ái của một con người hảo tâm vô danh nơi dương thế mà lại hữu danh trên Quê Trời... Ðêâm về khuya, tôi cố gắng khui nắp các vỏ lon nước Bò Húc để bà con dùng. Vỏ lon được bà con tận tình yêu thích nên nó biến mất tiêu.

Lạy Chúa, xin ban cho con chỉ có một niềm vui là giúp anh em con bớt khốn cùng hơn và họ có được niềm vui nào đó trong tâm hồn.

Ngày 11.4.1998

Ðêm vọng Phục Sinh, bên Tòa Cáo Giải suốt cả ngày vẫn có người chờ đến lượt mình. Gần bốn năm ngàn người đã về, ngồi nằm la liệt khắp vườn Nhà Thờ. Ðêm Thánh huyền nhiệm, đứng bên cạnh Ðức Giám Mục, tôi cất cao lời công bố ''Aùnh Sáng Chúa Ki-tô'' cho tám ngàn người con của Núi Rừng bằng thổ ngữ Bahnar. Tôi hát lên Bài ca Exultet hoành tráng. Ðức Giám Mục ban Phép Thánh Tẩy cho gần 100 anh em tân tòng gồm các bộ tộc Jeh, Xê-đang, Bahnar. Nhiều người đã cao niên.

Lạy Cha, ước chi ngọn lửa này vươn lên như hương trầm nghi ngút, và nhập hội hoa đăng với tinh tú bầu trời Cao Nguyên.

Ngày 14.4.1998

6 giờ chiều nay, trận mưa giông đầu mùa. Nhà Thờ Kon Jodreh mà tôi có dịp nói vào Lễ Khánh Thành, nay một cơn gió lốc đã làm đổ nát tan tành trong giây lát. May không phải giờ kinh nguyện. Chỉ có Yă ( nữ tu ) Gabriel, người duy nhất chứng kiến thảm cảnh. Yă là một y sĩ kỳ cựu, giàu kinh nghiệm, luôn hiện diện bên đồng bào mình.

Hỡi Ma-ri-a, xin thuậl lại trên đường đi, cô đã thấy gì ? Thấy mồ trống Ðức Ki-tô, Phục Sinh vinh hiển thiên thu khải hoàn. Chính tôi đã thấy Ðức Ki-tô Phục Sinh trên mọi nẻo đường Rừng. Nếu Người không sống lại thì Rừng vần vắng lặng cô liêu. Nhưng hôm nay Rừng âm vang lời ca Ha-lê-lui-a. Nhiều kẻ lin và sẳn sàng chịu khốn khó vì Người. Chính tôi đã thấy Ðức Ki-tô Phục Sinh trên mọi nẻo đường Rừng. Qua những trang bút ký, tôi muốn kể lại: tôi đã từng gặp Ngài... Lạy Ðức Ki-tô Phục Sinh, xin ban niềm vui, lẽ sống vĩnh hằng cho những ai nâng đỡ cuộc đời Linh Mục con, cho những anh em Linh Mục cùng lớp với con, cho thân bằng cố hữu và... Amen. Alleluia, Alleluia !

Ngày 16.4.1998

Tôi đưa xe tới bệnh viện chở người con gái Kon Dau Yôp, xuất viện với bệnh nan y. Ðến ngõ cụt đường rừng, đã có sẵn 10 thanh niên chờ khiêng cán. Vài người phụ nữ bà con chạy lại, nhìn nhau, khóc kể. Những lời nói líu lo đầy thương mến. Tiếng chim khứu từ xa vọng lại, và tiếng suối reo. Tôi ơứng lặng người giữa không gian mênh mông. Giữa Trời và Ðất, khẩn cầu cho đứa con Núi Rừng. Ðến bên chị, tôi trao Mình Thánh Chúa lần cuối cùng. Chị nói lời cám ơn ( điều mà người thiểu số ít khi nói ) hai bàn tay giơ lên như muốn nắm lấy bàn tay người mục tử. Ðoàn người khiêng chị đã khuất dần sau những rặng núi.

Lạy Chúa, con trở về nhưng Chúa đang cùng đi với họ. Xin cho cô gái giảm bớt đau đớn và đưa cô về Thiên Ðàng. Amen.

Ngày 18.4.1998

Chiếu hôm nay, tôi làm phép cho 20 đôi hôn phối. Nhiều người mẹ vẫn mang con sau lưng hay bồng con đang bú mớm lên làm Phép Hôn Phối. Một em bé chạy lại nắm váy mẹ, người mẹ một tay nắm lấy tay chồng đọc lời thề ước, một tay nắm lấy váy sợ nó tụt ra.

Lạy Chúa, ngày xưa Chúa là khách dự tiệc Ca-na, nhưng hôm nay trong nguyện đường nhỏ bé này, Chúa là Chủ hôn ban muôn vàn ân phúc.

Ngày 19.4.1998

Làm phép Nhà Nguyện Konhring Rowel. Sau 1972, làng Konhring, một nhánh trong bộ tộc Xê-đang di tản vào Buôn Ma Thuột vùng Phước An. Sau 1975, họ phân đi nhiều nơi sinh sống: Quảng Nhiêu, Buôn Hồ, Biển Hồ Pleiku, về làng cũ, và một phần tại Kontum. Ðó là Konhring Rowel nằm trong vùng dân tộc Bahnar. Cha Gio-a-kim Nên đứng ra tạo dựng một ngôi Nhà Nguyện nho nhỏ.

Như dân Ít-ra-en, bên sông Ba-bi-lon, ngồi khóc nhớ Si-on. Bên con sông Dak Pla, Konhring Rowel vẫn nhớ về quê cũ miền Xê-đang...

Ngày 24.4.1998

Dòng Ảnh Vảy Phép Lạ tròn 50 tuổi. Dòng Ðịa Phận dành cho các chị em dân tộc thiểu số gồm Bahnar, Xê-đang, Rơngao, Jrai. Mục đích dùng huấn luyện thanh thiếu niên dân tộc để xây dựng những gia đình mới và đào tạo ơn gọi. Hiện nay có gần 70 chị em tuyên khấn từng năm một. Một Hồng Ân Chúa ban cho Giáo Phận Kontum. Dòng Nữ Tu dân tộc thiểu số duy nhất tại Việt Nam.

Ngày 27.4.1998

Một người mẹ thôn làng Konhring chết tại bệnh viện. Chở xác về, tôi đến đúng lúc đóng nắp quan tài. Nhiều người nam nữ khóc kể thảm thiết. Giây liên kết gia đình bà con của những con người dân tộc xem ra khắng khít lạ lùng. Hằng ngày sống có nhau, chia sẻ cho nhau từng con cá, miếng thịt, hạt cơm. Mỗi tối họ ngồi quanh bếp lửa lần lượt kể chuyện cho nhau nghe. Vui cười hay khóc với nhau...

Lm. Si-môn PHAN VĂN BÌNH, Giáo Phận Kontum ( Còn tiếp )