TIN MỪNG: Lc 16, 19 – 31
Khi ấy Ðức Giê-su kể một dụ ngôn này
rằng:
"Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là
gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó
tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,
thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho
no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
Thế rồi người
nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông
nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. Dưới âm phủ, đang khi chịu
cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng
xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên:
"Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô
nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con
bị lửa thiêu đốt khổ lắm !" Ông Áp-ra-ham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần
phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất
hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu
khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm
lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên
đó có qua bên chúng ta đây cũng không được".
Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai
anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin
sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này
!" Ông Áp-ra-ham đáp: "Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ,
thì chúng cứ nghe lời các vị đó". Ông nhà giàu nói: "Thưa
tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi
chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối". Ông Áp-ra-ham
đáp: "Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì
người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin".
SUY NIỆM 1:
Con người sinh ra trên đời, ai cũng muốn
có đời sống sung túc, phú quý, giàu sang. Ít có người muốn chấp
nhận đời sống khó nghèo: hụt trước, thiếu sau. Giàu có do bàn tay
lao động làm ra, biết nghĩ tới người nghèo, biết chia sẻ với người cơ
bần cùng cực là sự giàu có được Thiên Chúa chúc phúc, khuyến
khích. Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay đưa chúng ta về chủ đề căn
bản: "Biết sử dụng của cải Chúa trao ở đời này sẽ nảy sinh
hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau".
I. CÁI THƯỜNG TÌNH CỦA CON NGƯỜI:
Khuynh hướng tự nhiên của con người là thích dễ dãi, phóng
khoáng, thích giàu có và hưởng thụ. Hình ảnh người ăn mày La-da-rô,
Tin Mừng Lu-ca 16, 19 – 31 thuật lại Chúa Nhật này làm nổi bật
sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo trong xã hội Do-thái
thời đó và trong xã hội muôn thời. Thánh Lu-ca quả rất dí dỏm
khi nhấn mạnh tới cái giàu có của nhà phú hộ bằng cách diễn tả
dáng vẻ kiêu sa của ông như cách ăn mặc sang trọng: lụa
là, gấm vóc và cách ăn uống của người giàu, ngày ngày yến
tiệc linh đình. Ðối nghịch với nhà phú hộ giàu có là
người ăn mày tên La-da-rô cùng cực, cơ bần, khốn đốn.
Với ngòi viết linh hoạt và sắc bén của Thánh Lu-ca,
hình ảnh của người ăn xin La-da-rô càng rõ nét trước độc
giả và mọi người khi lắng nghe và suy nghĩ về đoạn Tin Mừng này:
La-da-rô mình mẩy đầy ghẻ chốc, mụn nhọt, lở loét, đang nằm
ngoài cổng nhà phú hộ để chờ bố thí.
Cái nghịch lý ở đây vẫn là
một bên nhà phú hộ giàu có, dư dật: nhà cửa, vật chất, cơ ngơi lớn
lao. Ðáng lẽ ông ta phải lưu tâm, chia sẻ, giúp đỡ những
người nghèo, đặc biệt La-da-rô, người ăn mày đang
chờ được thương tìn, nhưng chính cái mơ ước rất tầm thường
của anh, được ăn một chút mụn bánh còn dư rơi xuống từ
bàn ăn của nhà phú hộ giàu có, vẫn không là hiện thực. Dưới
ngòi bút đầy cảm thương của Thánh Lu-ca, người ta cảm thấy nỗi xót
xa, cay đắng đang xâm lấn trong tâm hồn những người nghe câu
chuyện này. Cái trớ trêu hầu như vô vọng, chỉ có con chó đến liếm
ghẻ chốc, mụn nhọt của La-da-rô.
Ở đây, người phú hộ đang có
cơ hội thật tốt để thực thi lòng tốt, đức bác ái của
Chúa. Chúa đã trao cho ông của cải, kho tàng để làm
lợi cho Chúa, cho ông và cho người khác ( x. Lu-ca 16, 1 – 8 ). Nhà
phú hộ có lắm tiền, nhiều của đã không thực thi đúng vai
trò người quản lý của Chúa. Ông đã ích kỷ, keo kiệt, có
nhiều lại muốn nhiều thêm, chỉ nghĩ tới mình, không nghĩ tới người
khác, lòng tham vô đáy, con tim khép kín, lương tâm cứng đờ hầu như
đã chết. Ông chỉ ham của, ham tiền, liên kết với tà thần, với
ma-môn, quên đi cái cốt lõi của đạo là Tình Thương phải trao ban khi
ông đã được lãnh nhận quá nhiều. Vì thế, nhà phú hộ đáng bị nguyền
rủa, chúc dữ. Ông đáng tội với Chúa và với mọi người.
II. CON ÐƯỜNG PHẢI ÐI
Chúa Giê-su đã thiết lập đạo Tình Thương
cho con người. Thánh Gio-an viết: "Thiên Chúa là Tình Yêu: ai
có tình yêu thương, người đó ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở
trong họ" ( 1 Ga 4, 16 ). Nơi khác Chúa Giê-su nói: "Không
phải những ai thưa lạy Chúa, lạy Chúa là được cứu rỗi mà là những
ai nghe và thực thi lời Chúa".
Ðoạn Tin Mừng của thánh Lu-ca nói về
người thanh niên giàu có càng làm ta xác tín điều Chúa dạy: "...Nếu
Anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của Anh và đem cho
người nghèo, Anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo
Tôi" ( Lc 19, 21 ). hoặc Chúa Giê-su nói: "...chỉ có
một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và
sẽ không bị lấy đi" ( Lc 10, 42 ). Ở đây, ta đồng
quan điểm với tiên tri A-mốt và Thánh Lu-ca: "Gieo gió sẽ
gặt bão. Gieo giống tốt sẽ sinh trái tốt. Xem quả biết cây. Làm
việc lành, việc phúc đức, thực thi bác ái sẽ gặt trái
phúc". Tin Mừng Mt 25, 31 – 46 đã minh
xác điều đó.
Nhà phú hộ và năm anh em giàu
có đã được hưởng phú quý, vinh thân, phì gia ở đời
này. Họ đã có Mô-sê và các ngôn sứ dạy bảo nhưng họ không
nghe. Họ đã đóng lòng lại, mắt họ đã ra mù lòa, tai
họ đã ra điếc lác. Nhà phú hộ chết. Ông đã sa hỏa
ngục, đời đời đau khổ vì không bao giờ được thấy Chúa.
Giữa kẻ sống và kẻ chết có hố ngăn cách xa vời vợi. Sống nói còn
không nghe. Chết về nói sao mà họ nghe được. Mô-sê và các ngôn
sứ đã nói, đã dạy dỗ, khuyên lơn. Họ đã tự chọn nơi đau
khổ. Còn La-da-rô đã chết và anh được các Thiên
Thần đưa vào lòng tổ phụ Áp-ra-ham. Anh đã được thưởng
công vì đã chịu quá nhiều cay đắng nghiệt ngã trong đời
nhưng luôn tin cậy phó thác nơi Chúa.
Vậy, con đường phải chọn chính là
hãy "vác Thập Giá mỗi ngày mà theo Chúa".
Con đường đó là con đường từ bỏ, đường hy sinh, bao dung,
bác ái, xả kỷ. Con đường đó không phải là kiếp luân
hồi, đầu thai, hóa kiếp mà là con đường Lắng Nghe và Thực Thi
Lời Chúa trong cuộc đời. "Mác-ta, Mác-ta, con bận
rộ lo lắng nhiều chuyện quá" ( Lc 10, 41 ). Thái độ
Lắng Nghe, Suy Niệm và Thực Hành Lời Chúa là điều tối quan
trọng để bước vào Nước Thiên Chúa.
III. ÁP DỤNG THỰC
TẾ
Như nhà phú hộ giàu sang, chúng
ta đã có thái độ nào đối với những người đau khổ
nghèo nàn ? Xung quanh chúng ta có rất
nhiều người nghèo, người neo đơn, người bơ vơ vất vưởng cần ta lưu
tâm giúp đỡ, chúng ta có nhìn vào họ để nhận ra thực tế
rằng họ nghèo túng thật sự, đang rất cần sự chia sẻ, cần tình
thương, bác ái của ta hay mắt ta đã bị khép lại, tim ta hết
nhạy cảm để không nhận ra họ. Ta chỉ hô hào trên môi miệng hay
ta đã sống chia sẻ bác ái thực sự ? Lời Chúa qua Mô-sê,
các ngôn sứ và chính Lời Ðức Giê-su nói có thúc bách và đặt ưu
tiên hàng đầu cho chúng ta trong đời sống đạo hay không ?
Chúng ta đã lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa như thế nào
?
Gương của Mẹ Tê-rê-sa Calcutta, các nữ
tu Thừa Sai Bác Aùi của Mẹ, gương của thánh nữ Tê-rê-sa
hài Ðồng Giê-su, của thánh Phan-xi-cô khó khăn và của nhiều vị
Thánh, của nhiều người ki-tô hữu, của nhiều người ngoài Công giáo
sống từ bi hỷ xả có đánh động lòng ta hay không ? Chúng ta
hãy đọc tư tưởng của thi hào Ấn-dộ R. Tagore: "Người ta không
thể băng qua biển khi chỉ đứng nhìn mặt nước ".
SUY NIỆM 2:
NGHÈO TÌNH THƯƠNG
Dụ ngôn Người Phú hộ và
La-da-rô mô tả một bức tranh tương phản, 2 con người với 2 cuộc sống
"motä trời, một vực". Người phú hộ dư ăn dư mặc, La-da-rô nghèo khổ,
bệnh tật đói lả.Người phú hộ mặc toàn lụa là gấm vóc, La-da-rô
rách nát tả tơi. Người phú hộ nhà cao cửa rộng, ngày ngày yến tiệc
linh đình La-da-rô mụn nhọt đầy mình, lây lất đói khổ trước cổng nhà
Phú hộ, thèm ăn những thứ rớt xuống từ bàn ăn nhưng chẳng có, chỉ
có mấy con chó đến liếm ghẻ chóc.
Họ thật gần nhau trong không
gian, chỉ cách có một cánh cổng vẫn thường khép kín như lòng người
giàu có, nhưng lại thật xa nhau trong nhân cách, trong tình người.
Người phú hộ giàu có nhưng lại nghèo nàn tình thương, La-da-rô đã
nghèo khổ lại không được ai xót thương. Cả hai con người này đều
thiếu nghèo tình thương. Dụ ngôn thật sống động diễn tả bức tranh
hiện thực của thế giới mà trong đó hố ngăn cách giữa giàu nghèo
ngày càng lớn, tình thương giữa người với người ngày càng hiếm hoi
nhạt nhoà.
Ðức Cha Ni-cô-la Huỳnh Văn Nghi, Giáo
Phận Phan Thiết, trong Thư Mục Vụ số 63 năm 2001, đã viết:
Tiếp tục suy niệm về sự nghèo khó
của con người, hôm nay tôi muốn bàn với anh chị em về sự nghèo thiếu
tình thương. Ðây là cảnh nghèo đáng thương hại nhất, vì nó chạm đến
căn tính của con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa,
mà "Thiên Chúa là Tình Thương" ( x. 1 Ga
4, 8 ).
Vậy thì, bản chất của con người là
Tình Thương. Ðức Gio-an Phao-lô đã viết trong Thông Ðiệp Ðấng Cứu
Chuộc Con Người lời nhận định như sau:
"Con người không thể sống nếu không có
tình yêu. Không tình yêu con người không thể tìm hiểu được chính mình.
Ðời sống con người sẽ trở nên vô nghĩa, nếu không đón nhận mạc
khải của tình yêu, nếu không gặp gỡ tình yêu, nếu không cảm nghiệm
và lấy tình yêu làm của mình và không dự phần mạnh mẽ vào đó" ( số 10 )
Vì Tình yêu là căn tính của con
người, nên thiếu tình yêu là sự nghèo khó thảm hại và nguy hiểm
nhất. Nó tác động đến bản chất, nó làm cho con người ra thoái hóa,
bần tiện và vong thân. Nó hủy diệt con người từ tâm hồn đến dung
mạo, nó hạ thấp con người. Thánh Phao-lô viết: "Giả như tôi được nói tiên tri, được thông hiểu mọi điều bí
nhiệm và mọi lẽ cao siêu… nhưng không có lòng mến, thì tôi chẳng là
gì" ( 1 Cr 13, 2 ).
Ðó là tình cảnh của những người độc ác, những kẻ giết
người, những tên tội phạm chiến tranh, những người nặng óc kỳ thị,
thù oán, vu khống, ích kỷ, vụ lợi, tham ô, làm giàu trên xương máu
của người khác. Sự nghèo thiếu căn tính này càng gia tăng, khi nó
xuất phát từ những bè phái, những băng đảng, những tập đoàn chỉ
biết nghĩ đến quyền lợi của phe nhóm mình mà chà đạp trên nhân
phẩm, nhân quyền, sự sống và hạnh phúc của người khác hay của
những dân tộc khác.
Ðối diện với những người hay
những tập đoàn giàu có, đầy quyền lực và quyền bính nhưng thiếu tình
yêu này, là hàng triệu, và có khi cả tỷ người cùng khốn, cô đơn,
tàn tật, bệnh hoạn, bị bỏ rơi, bị xã hội khai trừ vì lý do này hay
lý do khác, đang khao khát tình yêu, lòng thương xót, sự chia sẻ, sự
cảm thông… như người hành khất La-da-rô trong Phúc Âm, không được
một ai chiếu cố, yêu thương và nâng đỡ.
Lời Chúa Giê-su trong Phúc Âm
vẫn còn có tính thời sự: "Ta đói
các ngươi đã không cho ăn; Ta khát các ngươi đã không cho uống; Ta là
khách lạ, các ngươi không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã
không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù các ngươi đã chẳng thăm Ta" ( Mt 25, 42 – 43 ).
Cả hai hạng người thiếu tình
yêu nói trên đều đáng thương. Những người nghèo thứ nhất…, vì lòng
họ đã chai cứng, không còn hấp thụ được tình yêu. Những người nghèo
thứ hai…, vì quá ít người còn biết yêu thương họ. Thế giới hôm nay,
trong đó có quê hương chúng ta, là một thế giới giàu về vật chất,
nhưng lại rất nghèo về tình thương. Có những nước không ngần ngại bỏ
ra những số tiền khổng lồ để mua sắm khí giới.
Có những chính phủ đốt hằng
tỷ đô-la để xây đài, xây mả, đắp tượng, xây cất dinh thự, trong khi
người dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, việc học hành của con
cái không lo nổi. Ðó là chưa nói đến sự chênh lệch giữa người giàu
với người nghèo, giữa những người được ưu đãi nhờ thời thế và
những người cô thân độc mã! Nền văn minh của Thế giới cần được
xây dựng lại, không trên của cải vật cất, mà trên tình thương: Nền
Văn Minh Tình Thương.
"Văn minh là hình thức
cuộc sống của một xã hội trong các lĩnh vực chính trị, nghệ thuật,
đạo đức và tôn giáo" ( Từ điển Tiếng Việt ). Hình thức cuộc sống này, đương
nhiên, nếu muốn được coi là văn minh, phải phù hợp với căn tính và
phẩm giá của con người. Do đó, một quốc gia không tôn trọng nhân
phẩm và những quyền tự do căn bản của con người: như quyền tự do
tham gia việc nước, việc phát triển kinh tế, quyền tự do văn hóa, nghệ
thuật và ngôn luận, cũng như quyền sống đạo đức và tự do tôn giáo,
quốc gia đó chưa đáng được gọi là văn minh. Lý do là vì căn tính con
người là Tình Thương.
Vậy thì, trong mọi lãnh vực:
chính trị, kinh tế, khoa học, nghệ thuật, văn hóa, đạo đức và tôn
giáo, những gì dựa trên tình thương, xuất phát từ tình thương, nhằm
mục đích đưa đến tình thương… những cái đó mới thực sự là văn minh.
Một nhà khoa học, một kỹ nghệ gia, một nhà chính trị, thương gia,
tướng lãnh, không biết thương thì vẫn còn là những người không văn
minh. Thế giới của chúng ta vẫn còn rất nhiều người nghèo thiếu đó.
Thành kiến, hận thù, ganh tỵ, tâm địa nhỏ nhen hẹp hòi đầy ắp trong
đầu họ. Ðất nước dưới bất cứ chân trời nào, sẽ không bao giờ được
thực sự văn minh, bao lâu còn có những hạng người tai hại đó.
Một vị thủ lãnh nọ đã nói: "Khi
đến thăm một quốc gia, điều mà tôi muốn biết để đánh giá trình độ
văn minh của nước đó, chính là bầu khí và cách đối xử lịch sự, bằng
hữu và yêu thương giữa nhân dân họ với nhau."
Vậy, chúng ta hãy động viên
nhau từ bỏ óc bè phái, chia rẽ, thành kiến, nghi kỵ, hẹp hòi, kỳ thị, chèn ép, vụ lợi,
khai trừ, quan liêu, lợi dụng và lạm dụng nhau. Hãy cùng nhau xây
dựng một nền văn minh phù hợp với bản tính con người: yêu thương,
đại độ, khoan dung, bình đẳng, liên đới, đầy tình người và tình đồng
bào: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương
nhau cùng".
Nói về gương hy sinh của Chúa Ki-tô, Thánh
Phao-lô đã viết: "Anh em biết Chúa
Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta đã có lòng quảng đại như thế nào: Người
vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em để
lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có" ( 2 Cr 8, 9 ).
Con
đường tốt nhất để xóa đói giảm nghèo tình thương là đấu tranh để
khai trừ tội ác, nhất là nơi những con người, do lòng tham lam tiền
bạc, quyền bính, thế lực mà táng tận lương tâm, diệt trừ mọi nguyên
nhân và cơ hội gây tội ác: vì chung quy mọi thứ tội đều xuất phát
từ sự nghèo tình thương. Ðồng thời, hãy nỗ lực cổ vũ lòng đạo đức,
tình yêu thương được cụ thể hóa bằng những công tác từ thiện, bác
ái, phục vụ, tha thứ và cảm thông… hãy thương người như thể thương
thân: "Thương anh em như
Chúa yêu thương mình" ( x. Ga 14, 34 ).
Thế
giới văn minh lại càng đào sâu hố ngăn cách giữa nước giàu và
nước nghèo, giữa thiểu số người giàu và đa số người nghèo. Chính
tôi cũng giàu về một mặt nào đó: giàu trí tuệ, giàu bạn bè, giàu
thế lực, giàu chổ đứng trong xã hội, giàu đời sống thiêng liêng.
Hố sâu chỉ được lấp đầy bằng cách mở tung cánh cửa yêu thương và
chia sẽ, nhìn nhận tài nguyên thế giới là của mọi người, sống như
một nhân vị, sống như con cái Thiên Chúa, sống như anh chị em tôi. Mỗi
người chúng ta đều có một La-da-rô chờ ngoài cửa, nếu chúng ta mở
cửa và mời người đó đồng bàn, thì chúng ta sẽ trở nên người giàu
có thực sự, và trưởng thành viên mãn trong nhân cách. ( Trích Manna Năm C ).
Lạy Chúa, xin
cho chúng con đừng sống dửng dưng, thờ ơ, khép kín trước người nghèo,
nhưng biết động lòng xót thương như Chúa đã thương những người cùng
khốn. Xin cho chúng con luôn sống quãng đại cho đi, vui vẻ chia sớt,
không chỉ của cải vật chất mà có khi là một nụ cười thân thiện,
một cái bắt tay khích lệ, một lời nói an ủi đở nâng, một lần viếng
thăm, một cuộc gặp gỡ kiến tạo sự hiệp nhất bình an. Xin cho chúng
con biết đến với Chúa nhận lãnh tình thương để quãng đại trao ban mỗi
ngày.
Lm. NGUYỄN HỮU AN ( Phan Thiết )
SUY NIỆM 3:
KHỔ
CỰC CỦA LOÀI NGƯỜI LÀ DO THÁI ÐỘ TỪ CHỐI
"Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn;
Ta khát, các ngươi đã không cho uống;
Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần
truồng, các ngươi đã không cho mặc;
Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom" (
Mt 25, 42 tt )
Tất cả những nỗi khổ cực đớn đau của loài người đều bắt
nguồn từ tội biển lận mà ra. Khổ vật chất, là vì đã có những kẻ
hà tiện không bao giờ mở tay làm phúc. Khổ tinh thần, là vì đã có
những kẻ tiếc lời không bao giờ chịu mở miệng hỏi han. Tất cả những
nỗi khổ cực đau nhói hay âm ỉ, tất cả những nỗi đắng cay, tủi nhục,
sầu não, hận thù, và tuyệt vọng trên cõi đời này, chung quy là một
cơn đói khát không nguôi, vì thiếu tình thương.
Từ đứa bé khóc nức nở vì bị mẹ đánh oan, cho tới cụ già bị
bỏ quên vì bây giờ con cháu đã là ông nọ bà kia. Từ cô gái xấu
số kém duyên kém sắc lủi thủi một mình, từ người vợ bị chồng ruồng
bỏ vô cớ, cho tới người đàn bà bị phụ tình mượn giòng nước để rửa
sạch nợ đời. Từ kẻ bị bạn thân cố tình thất hứa lừa gạt, cho tới
bệnh nhân nghèo đang hấp hối một mình trong khi y tá trực còn bận
uống cà-phê ở phòng bên. Từ đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, cho tới
kẻ tử tội dắp ra pháp trường...
Tất cả đã đau khổ vì thiếu tình thương, vì chỉ nhận được một thứ tình thương nhỏ giọt. Tất cả
đã không có được một chút cảm thông xót thương mà người đời từ chối
không cho.
Một kẻ nào đó đã cất dấu, để dành cho riêng mình điều mà
những người xấu số trên đây cần có để sống. Nhưng rút cuộc, điều
cần thiết cho người đang thiếu sẽ chỉ là vô ích đối với kẻ đã có
thừa, kẻ ấy có giữ rịt lại cũng đến bỏ phí mà thôi.
ISABELLE
RIVIÈRE. Lê Văn Lộc ( † 1988 ) dịch. Trích VUI ÐỜI PHỤC VỤ tập 31
CẦU NGUYỆN:
FRANCIS JAMES
TÀI LIỆU:
NGÀY 27 THÁNG 9
KÍNH THÁNH VINH-SƠN PHAO-LÔ
Cha Vinh-sơn, người đề
xướng việc bác ái hiện đại, là đấng sáng lập Dòng Lazaristes và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái tại Pháp.
Là nông dân vùng Landes, Vinh-sơn Phao-lô ( 1581 –
1660 ) vừa thông minh lại vừa có trực giác tốt. Sau khi học xong thần
học ở Toulouse, Thầy Vinh-sơn được phong Linh Mục năm 1600. Vào năm
1612, người ta thấy cha ở trong triều của vua Henri IV. Sau đó là cha xứ Clichy, gần Paris, rồi tổng
tuyên úy quân đội.
Nhưng vào năm 1617 mới xẩy ra điều mà sau này cha
gọi là "cuộc trở lại" của mình. Là cha xứ
Châtillon-sur-Chalaronne, nằm ở trung tâm vùng Dombes, cha khám phá ở
giữa vùng đầm lầy này tình trạng nghèo đói và bệnh tật, một tình
trạng khốn khổ khủng khiếp. Cha Vinh-sơn lập tức hiểu ra rằng sự cứu
trợ khẩn cấp không thể giải quyết đến nơi đến chốn tình trạng khốn
khổ ấy. Cha bàn bạc với các phụ nữ – là những người có óc thực
tế – để thành lập "Hội Các Bà Bác Ái". Cha Vinh-sơn Phao-lô
cũng quan tâm đến việc rao giảng Tin mừng cho các miền nông thôn:
năm 1625 cha thành lập các Linh Mục truyền giáo mà sau này người ta
gọi là Dòng Lazaristes vì các Linh Mục này sống ở Paris trong khu vực
tu viện Thánh La-da-rô. Cha Vinh-sơn cũng phụ trách việc huấn luyện
các Linh Mục là những người thường rất dốt nát vào thời bấy giờ.
Cha Vinh-sơn tuyển mộ các thiếu nữ
nông thôn cho cuộc chiến ác liệt nhất chống lại tình trạngï nghèo
đói: đó là các "Nữ Tử Bác Ái", do Louise de Marillac hướng dẫn.
Mọi người đều nhớ đến chiếc áo thô dày và cái nón trắng lớn hình
cánh chim: các chị đi xe đạp hay xe hơi hai ngựa ( 2 cv: 2 mã lực ), đó
chính là các nữ tử bác ái ! Vào thời ấy Nước Pháp rất cần đến
các chị. Các chị làm cho các bệnh viện thành nơi dễ chịu hơn, vì khi
ấy bệnh viện là nơi làm người ta phải sợ hãi vì bệnh nhận chen chúc
sáu người trên một chiếc giường. Ðường phố đầy dẫy các người ăn
xin, Cha Vinh-sơn quyết định mở một nhà đón tiếp, rồi mở nhiều
"nhà nhỏ" do các nữ tu quản lý. Mỗi năm có hàng ngàn trẻ em
bị bỏ rơi ở Paris: Louise de Marillac thành lập một bệnh viện cho các
trẻ mà người ta nhặt được này.
Ðể cứu giúp vùng Lorraine bị chiến tranh tàn phá,
cha Vinh-sơn tổ chức đoàn xe cứu trợ nhân đạo đầu tiên trong lịch sử.
Là một con người khiêm tốn nhưng nhiệt tâm và tháo vát, cha Vinh-sơn đã mặc cho Bác Ái một dung mạo hiện đại. Cha
được phong thánh năm 1737 và là bổn mạng của công việc bác ái từ
năm 1885.
JEAN HERNIN ( La Voix de nos clochers, No 355
Septembre 2001 ). NGUYỄN VĂN NỘI phỏng dịch.
CHỨNG TỪ:
Tiến
sĩ Marcello Candia là một người Ý đã dùng tất cả tài sản để xây
một nhà thương dành cho người nghèo ngay giữa khu rừng già Amazone của
đất nước Brasil. Hơn thế nữa, ông cũng tình nguyện ở lại đó và làm
việc bên cạnh những người nghèo mà ông hết sức yêu quý. Ông tâm
sự:
"Khi còn học trung học, tôi được cùng một
nhóm trưởng sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của một cha Dòng Phan-xi-cô.
Chúng tôi thường đi thăm các gia đình nghèo tại ngoại ô thành phố
Milano. Rồi một hôm, một tu sĩ già trong Dòng đã nhờ tôi phân phát
thức ăn cho những người thiếu đói đang tìm đến tu viện. Tôi chú ý
thấy trong căn phòng có treo một tấm hình cha Daniele Samarate, một vị
thừa sai của Dòng Phan-xi-cô đã chết vì bệnh cùi sau một thời gian
phục vụ các thổ dân ở Brasil... Trong suốt buổi phân phát thức ăn,
hình ảnh ấy cứ luôn hiển hiện trước mắt tôi nơi những con người
nghèo khốn khổ. Kể từ lần ấy, ước muốn được phục vụ những người
phong cùi đã nảy sinh trong tôi... "
Sau
khi tốt nghiệp Ðại Học, Marcello đã tình nguyện đi làm việc không
công tại nhiều quốc gia nghèo trên thế giới. Trở về từ một chuyến
ghé thăm một vùng dân cư nghèo nàn lạc hậu ở Brasil, Marcello đã
trở về và quyết định bán hết gia sản thừa kế và chuyển sang Brasil
học lấy bằng tiến sĩ y khoa. Ông đã xây cất được một bệnh viện với
120 giường, được trang bị đầy đủ các dụng cụ để phục vụ riêng cho
người nghèo.
CÂU TRUYỆN:
Trưa
hôm ấy, hai chị em Hà và Phương đi học về hơi muộn nên chẳng kịp cơm
nước, đành chạy ra quán mẹ đang bán hàng để xin hai ổ bánh mì, vừa
đi vừa ăn ngấu nghiến cho kịp giờ chầu buổi trưa của đoàn Thiếu Nhi
Thánh Thể. Vừa được nửa đường, hai chị em gặp một em bé gầy gò đen
đủi, tay cầm chiếc mũ đã cũ rách, tay kia dắt một bà cụ ốm yếu mù
lòa. Em bé tiến lại chìa chiếc mũ xin hai chị em: "Hai chị thương cho bà cháu em xin mẩu bánh ăn cho đỡ đói..."
Không
chút do dự, Hà cầm mẩu bánh ăn dở đặt vào chiếc mũ: "Bà ơi, cháu chỉ còn ngần này thôi,
bà và em ăn đỡ nhé !" Bà cụ quờ quạng cầm lấy mẩu bánh, run
run nói: "Già cám ơn cháu. Ơn Trên
sẽ trả công cho cháu... " Rồi bà đưa mẩu bánh cho đứa bé và
giục: "Cháu ăn đi, bà không đói
đâu... " Ðứa trẻ nghẹn ngào thưa với bà nó thật lễ phép: "Bà ơi, bà ăn đi, hai ngày nay, bà đã
có gì lót dạ đâu ?" Hai bà cháu đáng thương cứ nhường nhau mãi
mà chẳng ai muốn ăn một mình.
Thấy
vậy, Hà chợt nhớ tới mẩu bánh của Phương cũng đang ăn dở, Hà nhẹ
nhàng đề nghị: "Phương này, hay em cho
họ mẩu bánh của em đi !" Phương vẫn thản nhiên cắn thêm một
miếng, vừa nhai nhồm nhoàm vừa trả lời: "Em ăn còn chưa đủ no đây, còn cho ai cái nỗi gì ? Chị đã cho
rồi mà họ có thèm ăn đâu, rõ thật nghèo mà sĩ ! Thôi, mình đi nhanh
lên, kẻo không kịp giờ chầu bây giờ !" Dứt lời, Phương bỏ đi ngay
!
Hà vô cùng tức giận, nhưng trước mặt hai bà cháu, chẳng lẽ
lại to tiếng với đứa em khinh người như thế ? Hà đành quay sang, tỏ
vẻ ân hận, nói với bà cụ: "Cháu
xin lỗi bà, em cháu nó nói thế chỉ vì đói thôi, chứ không có ý hỗn
láo với bà. Xin bà và em bỏ lỗi cho... " Bà lão ngước đôi mắt
mù đẫm lệ như muốn nhìn cho được cô bé tốt bụng: "Cháu ngoan quá, bà không giận em cháu đâu, hai cháu đi đi kẻo
muộn... "
Hà
chào hai bà cháu rồi vội chạy đi cho kịp với cô em. Hà giằng tay
Phương lại mà trách cứ: "Này Phương,
chị không ngờ em lại tham ăn, bủn xỉn và tàn nhẫn như thế. Chị em mình
nếu không còn bánh ăn thì chốc nữa về nhà vẫn có cơm ăn. Còn hai
bà cháu người ta thì đã nhịn đói hai ngày nay rồi, em không nghe thấy
sao ? Ðã vậy, em còn ra vẻ khinh người ta nữa ! Cư xử như vậy mà em
định bây giờ đi chầu Thánh Thể à ? Chúa đâu có muốn em ích kỷ hẹp
hòi như thế !"
Nghe
chị giải thích, Phương dần dần hiểu ra. Em chợt đứng khựng lại, chìa
bàn tay không ra cho chị và hỏi: "Nhưng...
em lỡ ăn hết rồi, làm thế nào bây giờ hả chị ?" Hà đã thấy dịu
lòng lại, nhẹ nhàng bảo em: "Hết
rồi thì thôi. Nhưng em hãy quay lại xin lỗi họ đi. Có lỡ trễ giờ
chầu một chút cũng không sao, chị ở đây chờ em... "
Phương
chạy trở lại con đường cũ. Gặp được hai bà cháu, Phương ấp úng nói:
"Dạ... cháu... cháu xin lỗi bà và
em, ban nãy, cháu đã lỡ có những lời không hay, xin bà tha lỗi cho
cháu... " Một lần nữa, bà cụ mù lòa lại ứa nước mắt, nhưng
khuôn mặt nhăn nheo đã tươi lên hẳn: "Ôi,
có gì đâu ! Cháu ngoan lắm... "
Tạm
biệt hai bà cháu, Phương chạy đến chỗ chị Hà đang đợi mà lòng cảm
thấy rộn lên một niềm vui. Giờ chầu hôm ấy, cả hai chị em như thấy
Chúa Giê-su Thánh Thể đang mỉm cười với mình...
PHẠM
THỊ HỒNG ( GP. Bắc Ninh ) Nội san THÁNH THỂ số 7. NỐI LỬA CHO ÐỜI tập
6.
GIÁO DỤC:
NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHỔ
"Mẹ viết thư này để con đọc. Sáng nay ở trường về, đi trước
mẹ mấy bước, con đã đi ngang qua một người đàn bà đáng thương đang bế
trên tay một đứa bé xanh xao và ốm yếu. Người ấy xin con tiền. Con
nhìn sững bà ta và con không cho gì hết dù mẹ biết con đang có tiền
trong túi.
Nghe mẹ bảo con ạ, đừng quen thói dửng dưng đi qua trước những
người nghèo khổ đang ngửa tay xin mình giúp đỡ và nhất là trước một
người mẹ xin một đồng cho con của mình. Con hãy nghĩ rằng có thể đứa
bé ấy đang đói, hãy nghĩ đến nỗi khắc khoải của người đàn bà đáng
thương.
Hãy nghe lời mẹ dạy con ạ. Thỉnh thoảng con phải biết chia sẻ
một đồng tiền từ túi của con để đặt nó vào lòng bàn tay của một
cụ già không nơi nương tựa, một bà mẹ không có bánh ăn, một đứa
trẻ không có cha mẹ.
Con ơi, người nghèo khổ thích được trẻ con giúp đỡ, vì như vậy,
ít tủi nhục hơn. Con có để ý thấy lúc nào cũng có những người
nghèo khổ quanh quất gần nơi trường học hay một ngôi thánh đường
không ? Sự giúp đỡ của một người lớn là một hành vi từ thiện,
nhiều khi là một việc bố thí cho yên ổn lương tâm, nhưng đối với một
đứa trẻ thì đó vừa là một việc bác ái, lại vừa là một lời an ủi
cảm thông thật đơn sơ, mẹ nói vậy, con có hiểu không ? Nói cách
khác, cũng là một đồng tiền từ tay đứa bé trao tặng thì đó còn là
một đóa hoa nữa...
Con hãy nghĩ rằng: con chẳng thiếu thốn chi hết, còn người
nghèo thì thiếu thốn mọi thứ. Trong lúc con ước mong được sung sướng
thì họ chỉ cần cầu xin cho khỏi chết đói. Thật là buồn khi nghĩ rằng
giữa bao nhiêu ngôi nhà giàu có, giữa bao nhiêu trẻ em ăn mặc đẹp
lại có những người đàn bà và trẻ em không có gì để ăn cả...
Con hãy suy nghĩ đi, và đừng bao giờ con hành động như buổi
sáng hôm nay nữa con nhé..."
Trích NHỮNG TẤM LÒNG CAO CẢ, của EDMONDO DE AMICIS.
THÔNG TIN:
GOSPELNET vừa nhận được các khoản tiền và các
hiện vật ân nhân trợ giúp như sau:
§
1.000 USD của
cha Trịnh Tuấn Hoàng, Dòng Phan-xi-cô, và Nhóm Help The Poor ( Hoa Kỳ ) thông
qua chị Thiên Hương ( Giáo Xứ Hòa Hưng ).
§ 1.200.000
VND do "Nhóm Việt ba-lô" và quý anh chị giáo dân Nhà Thờ Sainte Marie,
Hà Nội, thông qua gia đình vô phạm
Lynh, gửi tặng thêm cho Quỹ Mổ Tim của cháu bé Xuân Mai, nhờ cha
Nguyễn Ngọc Sơn cầm vào Sài-gòn.
§ 200 USD của một gia đình Giáo Lý Viên tại Hoa Kỳ muốn ẩn
danh. GOSPELNET đã trích ngay 1.100.000 VND để mua 250 chiếc áo thun trẻ em và 40 thùng mì để
tặng cho các em vui Tết Trung Thu tại Khu Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân do
cha Mai Văn Hiền, DCCT, và các anh chị Xóm % Giáo Xứ ÐMHCG phụ trách.
§ 100 lọ dầu gió, 70 cây bút bic và 100 chiếc áo thun trẻ
em của gia đình anh Nguyễn Văn Hiệp ( Phật giáo ).
Chúng tôi chuyển đến Giáo Ðiểm Pleichoet ( Giáo Phận Kontum ) do cha
Vương Ðình Tài và thầy Nguyễn Ðức Thịnh, DCCT, phụ trách.
§ 1 máy trợ thính do bạn Vũ Khánh Tường ở Nhật.
Chúng tôi đã chuyển đến Trường Câm Ðiếc Hoa Lan của các soeurs Nô
Tỳ Thánh Thể, Tam iệp, Biên Hòa.
§
600.000 VND và 300 bộ
lồng đèn Ông Sao vui Tết Trung Thu do gia đình bạn MK Quốc Duy quyên
góp các ân nhân. Chúng tôi đã chuyển ngay
200 bộ cho các em Lớp Học Tình thương ở khu Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân,
phụ thêm với số quà Trung Thu do cha Mai Văn Hiền, DCCT, và các anh
chị Xóm 5 Giáo Xứ ÐMHCG phụ trách. Chuyển 100.000 VND và 100 bộ lồng
đèn Ông Sao cho các em nghèo ở Giáo Xứ Hữu Thạnh ( Giáo Phận Vĩnh
Long ) do cha Trần Ngọc Xưa phụ trách. Chuyển 500.000 VND giúp vào quỹ
Học Bổng An Thới Ðông do cha Hoàng Minh Ðức, DCCT, phụ trách.
GOSPELNET vừa nhận được E-Mail của sr. Tuyết
Trinh ( tuyettrinhop@yahoo.com ), thuộc cộng đoàn Dòng Ða-minh Rosa Lima ở Xuân
Lộc, điện thoại: 061.721.053, trình
bày 2 trường hợp ngặt nghèo sau đây:
Chị PHẠM THỊ NGHĨA,
sinh ngày 4.10.1966, hiện cư ngụ tại Giáo Xứ Thánh Gia, ấp Bình Tân,
xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Chị Nghĩa đã bị bệnh
sốt tê liệt, gia đình đã chạy chữa rất nhiều nơi nhưng không có
kết quả, nay hai chân và hai tay của chị rất yếu, mỗi lần
gượng đi lại trong nhà, chị đều bị ngã. Chị rất mong có được một
chiếc xe lăn có cần đẩy để tự mình có thể đi Nhà Thờ và tìm
việc làm giúp đỡ thêm gia đình đã nghèo lại đông con.
Anh YA NIM, 30
tuổi, người dân tộc Ma Danh – Tutra ở Ðơn Dương, một vợ hai con: bé Ya
Ly 5 tuổi và bé Ma Chi 4 tuổi. Anh Ya Nim đi làm rẫy bị cây đè làm
liệt nửa chi dưới. Sau hai năm, gia đình vốn đã quá nghèo, không
còn khả năng tiếp tục chữa trị tại bệnh viện nên đã xin cho anh về
làng. Các chi dưới đã bị teo cơ, do vậy phải nằm một chỗ, lại thiếu
điều kiện chăm sóc vệ sinh tại nhà, đến nay anh đã bị lở loét
trầm trọng ở vùng lưng và hai bên hông, gây đau đớn vô cùng.
Biết được hoàn cảnh này, Dòng Ða-minh Rosa Lima đã xin đưa anh về chạy
chữa những vết loét tại Trung Tâm Ðiều Trị của Dòng Gio-an Thiên
Chúa tại Hố Nai, còn hai cháu bé thì các soeurs Ða-minh nhận nuôi.
Hiện anh Ya Nim đã tương đối chữa được các vết loét và rất cần một
chiếc xe lăn để ngồi lên và đi lại.
GOSPELNET quyết định trích từ số tiền của Nhóm Help
The Poor để trợ giúp một xe lăn có cần đẩy cho chị PHẠM THỊ NGHĨA, và
một chiếc xe lăn cho anh YA NIM. Số tiền mua sắm thực tế hết bao
nhiêu, chúng tôi sẽ tường trình đầy đủ trong số GOSPELNET kỳ sau, kèm
theo ảnh chụp.
THÔNG
TIN THÊM VỀ QUỸ MỔ TIM CHO CHÁU BÉ XUÂN MAI
Ngày
thứ sáu 21.9.2001, khi gia đình cháu HOÀNG ÐÀO XUÂN MAI đưa
cháu về thành phố, đến Viện Tim để tái khám định kỳ, cô y tá MK
Thanh Dung đã tận tình giúp đỡ để cháu được ưu tiên quan tâm. Gia đình
cũng đã cố gắng bương trải vay mượn, cộng với khả năng trợ giúp
của GOSPELNET, đã đăng ký đóng góp 10.000.000 VND trong số
1.850 USD chi phí mổ cần phải có. Khi gia đình cháu đến gặp Nhà Dòng
chúng tôi để trình bày, chúng tôi thấy sức khỏe cháu rất yếu, đúng
như kết quả bác sĩ đã khám, chúng tôi đã trích thêm 350.000 VND để gia đình mua thuốc điều trị tạm thời và bồi dưỡng cho cháu.
Và bây giờ là giai đoạn
chờ đợi được xét duyệt miễn giảm và lên lịch mổ, hoàn toàn phó
thác trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Cũng xin quý ân nhân
tiếp tục chia sẻ quyên góp để GOSPELNET có thể trợ giúp tối đa cho
gia đình cháu bé. Hiện tại, sau khi cộng thêm số tiền 1.200.000 VND
của các ân nhân NHà Nội mới gửi tặng, Quỹ Mổ Tim của cháu Xuân Mai đã có được
3.700.000 VND. Ảnh
chụp kèm theo gồm ông ngoại ( bị tàn tật ), cha mẹ và cháu Xuân Mai
trước ngôi nhà lá của gia đình tại Giáo Họ Mông Triệu, Giáo Xứ Xuân Quế, xã
Sông Nhạn, tỉnh Ðồng Nai, Giáo Phận Xuân Lộc.
Như GOSPELNET số 26 đã đưa tin sẽ trợ giúp trước
mắt cho gia đình anh LÊ VĂN CHÓ số tiền 500.000 VND, nhưng chưa
kịp gửi đi. Nay chúng tôi đã gửi luôn số tiền 100 USD ( = 1.500.000
VND ) cho đến gia đình anh Chó, thông qua soeur Yến, Dòng Mến Thánh
Giá Cái Mơn, được cha Giu-se Nguyễn Văn Thượng, cha sở Giáo Xứ Thạnh
Phú, nhờ đi từ Bến Tre về Sài-gòn. Chúng tôi cũng xin kính nhờ cha
Thượng giữ số tiền này và sẽ tận tay chu cấp cho gia đình anh Chó
hàng tháng hoặc trang trải các khoản tiền nằm viện chữa trị cho 2
cháu bé. Chúng tôi cũng xin đính chính lại: do lỗi đánh vi tính, chúng
tôi đã ghi nhầm tiền thu nhập từ việc quét chợ của anh Chó, chỉ
được 180.000 VND chứ không phải là 1.800.000 VND như đã nói trong
GOSPELNET số 26. Xin gia đình anh Chó và quý độc giả thứ lỗi.
GOSPELNET
trích quỹ, cộng với 500.000 VND của bạn MK Quốc Duy để gửi Học Bổng
An Thới Ðông cho cha Hoàng Minh Ðức, DCCT, để chuyển đến 12 em học sinh
trong 4 tháng từ tháng 9 đến hết tháng 12.2001, tổng cộng 100 USD +
900.000 VND ( = 2.400.000 VND ).
Ngày thứ hai 24.9.2001, bà mẹ vợ của anh
NGUYỄN VĂN HIỆP, đã cầm thư giới thiệu của cha Nguyễn Văn Kích,
Dòng Don Bosco, cha sở Giáo Xứ Tân Cang, thuộc Giáo Phận Xuân Lộc,
nơi anh Hiệp đang phục vụ như một người ca trưởng năng động. Cách đây
3 tháng, anh Hiệp chẳng may bị người đi đường gây ra tai nạn xe vỡ sọ,
liệt toàn thân và có dấu hiệu bị tổn thương thần kinh nặng. Chi phí
người gây tai nạn bồi thường chỉ được 300.000 VND, không đáng là bao,
gia đình anh Hiệp đã phải bán nhà bán đất để chạy chữa cho anh, đến
nay thì hầu như kiệt quệ hoàn toàn. GOSPELNET đã gửi giúp số tiền 20
USD + 500.000 VND ( = 800.000 VND ) đến gia đình anh Hiệp.
Chúng tôi đã chuyển toàn bộ số
tiền 100 đô-la Úc của vợ chồng bạn MK Xuân Ðào ở Úc cho cha Nguyễn Huy Tảo cùng các bạn Nhóm Con Ðức Mẹ Giáo Xứ Ðại Lãm, thuộc Giáo Phận
Bắc Ninh trợ giúp các hộ nghèo đói và bệnh tật tại xã Tam Dị, tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra, chúng
tôi cũng đã gửi thêm 100 USD ( trích từ tiền trợ giúp của Nhóm Help
The Poor ) riêng cho gia đình anh chị Nguyễn Văn Trọng và Phạm Thị Bình với 9 người con nheo
nhóc. Hiện chị Bình đang bị khối U Hạch cần phải điều trị bằng phương
pháp Hóa Trị Liệu ỏ bệnh viện K ( Ung Thư ) Trung Ương, Hà Nội.
NHẬT KÝ TRUYỀN GIÁO:
Sáng hôm nay tôi
làm Phép Thanh Tẩy cho một cụ già và hai người đàn bà lớn tuổi
miền Xê-đăng. Những con người đơn sơ, mộc mạc khiêm nhu, rộng mở đón
nhận hồng ân cứu rỗi. Lạy Chúa,
kẻ gieo người gặt. Ðây quả thật là
bông lúa chín vàng con dâng lên
Chúa.
60 em từ 4 thôn làng
miền Daktô kéo về. Một số cha mẹ đi theo. Các em ở lại 2 ngày để
học thêm giáo lý, tĩnh tâm, dọn mình xưng tội. Tôi hỏi thử xem em
nào không uống rượu say, thì chỉ có bốn em gái là không thôi. Ðây
là tập tính xấu của một dân tộc. Các em đã biết uống rượu từ trong
bụng mẹ.
Lạy Chúa, xin hãy đuổi con ma men ra
khỏi các dân tộc miền Cao Nguyên, khi
ấy họ mới sinh tồn được.
Tôi phụ trách dàn
dựng cây đàn nước tại Tòa Giám Mục. Ðể mừng 150 năm Truyền Giáo
tại Kontum. Các nghệ nhân thuộc dân tộc Xê-đăng. Ðờn nước gọi là
Tre-but có cả hàng trăm ống nứa lên tiếng, làm thành bản nhạc hòa
âm được khởi động bằng nguồn lực nước. Cũng có thể nói được đây
là một loại đờn độc đáo trên thế giới.
Lạy Chúa, những ống tre khô còn lên
tiếng hát, huống chl loài người chúng con. Xin hãy mớ miệng con để
con được cao rao những lời ngợi khen Chúa.
Tôi đến nhà một cha
bạn xin một con chó con lai chó Nhật. Tôi bồng chó con trong tay. Và
chó mẹ tới bên cạnh. Mẹ con từ giã nhau. Chó mẹ âu yếm liếm mặt
con mình. Và chó con sẽ là cận vệ, là người bạn đồng hành của tôi
trên khắp nẻo rừng xanh.
Lạy Chúa, con cám tạ Chúa đã dựng nên muôn loài vì yêu thương
con.
Hôm nay cò trên 50
người già hoặc lớn tuổi đã đi hàng 50 –100 cây số đểà về đây dọn
mình xưng tội. Họ không buồn nghĩ suy, không hề hay biết những gì đang
xảy ra trên thế giới: HIV hay AIDS, hòa bình hay chiến tranh, phát
triển hay chậm tiến...
Lạy Chúa, ai là con người hạnh phúc đây ? Con người tàn phá các nước tiên tiến ? Hay người lãng du sống từng ngày Chúa ban.
Lớp này đi, lớp
khác tới. Hôm nay 70 người Jeh, giáp ranh Lào và Quảng Nam. Họ nói
một ngôn ngữ riêng biệt trong miền Xê-đăng này. Có người trở lại
từ Tin Lành. Các em lo Rước Lễ Vỡ Lòng. Tính ra tiền xe họ đi về thì
đã hết 3.500.000 đ. Họ về đây trước một tuần để đón mừng Chúa
Giáng Sinh.
Lạy Chúa, thật sẽ có những người từ
Phương Ðông, phương Tây đến tìm Nước Thiên Chúa.
21 anh chị em dân tộc
Jeh được lãnh Bí Tích Thánh Tẩy. Tại Nguyện đường Thánh Cué not, phần
lời nguyện và lời Chúa được dâng lên Chúa bằng thổ ngữ Jeh lần
đầu tiên từ khi có con người Jeh, một dân tộc nhỏ bé chỉ có vài
ngàn người. Họ ở huyện Dak Glei, giáp ranh Quảng Nam và Lào.
Lạy Chúa, Lễ Hiện Xuống vẫn còn tiếp diễn hôm nay.
Từng đoàn người anh
em từ miền Xê-đăng lần lượt tuôn về như trẩy hội lên Ðền. Màn
trời chiếu đất. Nhiều bà mẹ ấp con vào ngực tránh làn gió se lạnh.
Sương rừng lại nhẹ rơi. Tiếng cười nói im dần càng làm cho đêm thêm
lạnh lùng. Bỗng đâu đó vẳng tiếng khóc thét của một em bé. Vì gió
lạnh.. đêm đông... không nhà...
Lạy Chúa, con đang nhìn ngắm máng cỏ với những người mẹ không
có mái nhà ấm áp, không có tấm chiếu qua đêm, cũng có thể chưa có
gì lót dạ đêm nay...
Mấy ngày nay, tôi
ngồi Tòa Hòa Giải từ sáng tới chiều. Ngôi nhà nguyện có hàng 200
người. Ngoài cửa cũng chật ních người ngồi đợi Họ khao khát được ơn
giao hòa giữa Trời với Ðất, giữa Thiên Chúa và con người. Phải
chăng tôi đang gặp được những con ngườøi bé nhỏ được Chúa yêu
thương. Thánh Lễ Ðêm Giáng Sinh ngoài trời. Ðức Giám Mục chủ lễ. Có
khoảng 8 ngàn anh em Bahnar, Rơngao, Jrai, Xê-đăng ở xung quanh bàn thờ.
Thánh Lễ bằng hai thứ tiếng: Bahnar, Xê-đăng...
Tiếng cồng chiêng
hòa với tiếng hát: ‘’Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao, bình an
dưới thế cho người thiện tâm’’... Sương bắt đầu nhẹ rơi, Thánh Lễ
tan. Họ ra đi tâm hồn an bình. Nhưng thân xác thì mệt mỏi. Phần đông
đêm nay vẫn không có một khúc bánh mì lót dạ.
Lạy Chúa, xin cho những ai đêm nay dư đầy chia sẻ cho chúng con
một tấm bánh thơm ngát tình người và tình Chúa.
6 giờ sáng mặt trời
lên, đám đông dân chúng lại tụ tập bên Ðức Giám Mục dâng Thánh
Lễ rạng đông. ‘’Anh em hãy thâm tín
Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta. Vì Ngài là Cha đã ban chính Con
Một mình cho chúng ta. Ðể chúng ta tin vào Danh Ngài mà được làm Con
Thiên Chúa từng đoàn người, có những người mẹ tay bồng tay dắt, tản
về tứ hướng của Rừng Xanh.
Giáo Phận Kontum mừng 150 Năm
Loan báo Tin Mừng. Giáo dân khàp nơi trong Giáo Phận lũ lượt kéo về
từ hôm qua và nhất là vào sáng sớm hôm nay. Họ là anh em Jrai vùng
Pleikly, Ayunpa, anh em Xê-đăng vùng Daktô, Dak Glei, Ngọc Hồi, Dak Hà,
anh em người Kinh hai tỉnh Gia-lai và Kontum. Hai ÐGM Qui Nhơn và Buôn Ma
Thuật và các cha Tổng Ðại Diện.
Thánh Lễ bắt đầu bằng nghi lễ Bái Tổ trước pho
tượng Ðức Thánh Giám Mục Stephan Cuéno đang đứng trước ngôi Nhà Rông
mái cao vút, trên mảnh đất bằng mà năm 1948 ngài đã ra lệnh cho
thầy Sáu Do phải tìm gặp và hạ lều tại đó.
Hai đoàn chiêng cồng thôn làng Kontum và Pleikly
rước Linh Mục đoàn tiến về Tiền Ðường Nhà Thờ Chính Toà hành lễ.
Ðức Giám Mục Phê-rô Trần Thanh Chung tuyên bố khai mạc Năm Thánh,
năm Hồng ân của Giáo Phận. Hàng trăm chiếc bong bóng đủ màu mang
theo giải băng Mừng 150 Năm bay vút lên trời xanh. Theo ngọn gió đong
đưa, những chiếc bóng bay qua thị thành, qua những đồi núi như loan báo
Tin Vui.
Hôm nay cũng khai
mạc Phòng Truyền Thống tọa lạc trên tầng nhất của cánh phải Tiểu
Chủng Viện. Quang cảnh đầy cảm động là nơi truy niệm các bậc tiền
bối Tây Nam từ 150 năm nay. "Gieo trong nước mắt, gặt trong vui
mừng’’. Những cụm tượng bằng gỗ mít của vườn mít thời nguyên sơ.
Vào đây cứ ngỡ làmình đang ở trong một buôn làng nào đó. Man mác.
Suy tư.
Bức tượng gỗ rỗng
tuếch, hao mòn với thời gian là biểu tượng ‘’Tiếng khóc Cao
Nguyên’’. Một thân cây gốc rễ trơ xương thật nghệ thuật lại là ‘’Người
chết còn lên tiếng nói’’. Chết và Sống Lại, Thương Khó và Phục
Sinh như hòa quyện lấy nhau... Một cây đàn nước được dàn dựng ở
khuôn viên Tòa Giám Mục. Như thì thầm kể chuyện năm xưa. Nghệ nhân
là dân làng Turia miền Xê-đăng.
Lạy Chúa, hôm nay chúng con tiếp bước chân những ngườl đi trước
nhưng cũng chính hôm nay chúng con để dấu vết lại cho những người đi
sau. Ôi ! Lạy Chúa, Ngài là Alpha và Omega !
Nhân dịp Năm Mới
Dương Lịch 1998, xin Thiên Chúa chúc lành cho những ai giúp con trong
cuộc sống Linh Mục, quý anh em Linh Mục cùng lớp, cho quý thân bằng
cố hữu.
Ngày 7.1.1998
Một số lớn anh em
Linh Mục Kontum cùng hai vị Giám Mục Giáo Phận tham dự Thánh Lễ Phong
chức Linh Mục chc hai thầy Úy và Nam, cựu chủng sinh Kontum. 30 năm
Linh Mục phong trần. Lễ phong chức hôm nay quả là bức gương soi lại
dung mạo Linh Mục hay như tiếng thầm nhủ của Tình Yêu.
Ðó đây những băng
chữ nín lặng mà như đang lên tiếng nói: "Hãy tỉnh thức và đứng
vững trong Ðức Tin" ( 1 Cr 16, 13 ); "Hãy làm mọi sự trong bác
ái" ( 1 Cr 16, 13 ); "Con người đến để phục vụ"; "Linh Mục như
lòng Ta mong ước"...
Trầm mặc trong dĩ
vãng, bỗng tôi nghe tiếng vị Giám Mục chủ phong ung dung khẩn cầu: "Xin Thiên Chúa hoàn tất việc tốt
lành Người đãõ khởi sự nơi con’’.
À !
thì ra lạy Chúa, Chúa đã làm và sẽ
còn làm mọi sự trong con người bé nhỏ, yếu đuối của con, ôi lạy
Thiên Chúa Tình Yêu. Xin cho con biết mến yêu Ngài.
Vị Chủ phong còn
tiếp: "Xin Chúa Giê-su Ki-tô Ðấng mà Chúa Cha đã xức dầu bằng
Thánh Thần và Sức mạnh, gìn giữ con để con thánh hoá dân Ki-tô giáo
và dâng lễ lên Thiên Chúa’’. Tất cả Linh Mục đều lên đặt tay
trên dầu 7 tân Linh Mục. Hiệp thông trong một chức tư tế của Ðức
Ki-tô. Là anh em với nhau trong Ðức Ki-tô. Cùng chia sẻ cả thánh
thiện lẫn thế tục. Cả vinh quang lẫn tủi nhục. Cả thành công lẫn
thất bại. Ðó là tình anh em Linh Mục. Giờ đây tôi hiểu rõ qua 30 năm
tuổi đời Linh Mục.
Nghi lễ cuối cùng
chúc mừng những người em nối bước đi sau. Các Linh Mục kẻ nắm chặt
tay, người ôm lấy ôm để, kẻ hôn áp má các tân Linh Mục. Nụ cười.
Ðôi mắt. Bỗng tôi nghe thì thầm: ‘’Thầy của con". Tấm lòng ghi
ơn của người học trò cũ lúc mới vào Chủng Viện Kontum. Thánh Lễ bế
mạc. Ðoàn kèn tây, trống phách trổi lên tưng bừng rộn rã. Như tiếng
kèn ra trận... Vui buồn, vinh quang, tủi nhục, chiến thắng, chiến bại
đang chờ đợi người tân Linh Mục !
Ngày
8.1.1998
Giáo xứ Giang Sơn,
Buôn Ma Thuật có hai người con tân Linh Mục: cha Úy, cha Nam. Hai Linh
Mục đầu tiên. Nhà Thờ nằm trên đỉnh đồi. Ngập lụt hằng năm. Lễ Mở
Tay hôm nay tưng bừng như lễ hội. Nhà Thờ nhỏ đủ dành cho khách.
Giáo dân đứng xung quanh bên ngoài. Tân Linh Mục tuồi ngoài bốn mươi
thấy ngày hồng phúc hôm nay như mơ như thật. Nét mặt trầm lắng,
giọng nói từ tốn qua 23 năm được trui rèn trong đất nước XHCN. Trên
đường về, qua các giáo xứ Châu Sơn, Trung Hòa bát ngát hương thơm.
Mùa hoa cà phê...
Lạy Chúa, bây giờ con phải về lại với anh em Xê-đăng những con
người chậm tiến, nghèo nàn, cô liêu. Xin ban cho con nghị lực để quanh
con không
ai phải thoái chí ngã lòng.
Ngày
10.1.1998
Anh em vùng sau vùng
xa về đây dọn mình lãnh các Bí Tích. Họ lớn lên sau chiến tranh.
Không còn lấy một Nhà Thờ. Chỉ biết đọc kinh trong một ngôi nhà đơn
sơ hay dưới một gốc cây cổ thụ trong rừng già. Hôm nay, đến Kontum
vào Nhà Thờ, họ quỳ ngược, xây lưng lên bàn thờ.
Ôi ! Lạy Chúa, thật Chúa ớ khắp mọi nơi mọi hướng. Tin như vậy
là giải quyết được chiều hướng đứng quỳ cùa ngườí anh em con đây
Ngày
11.1.1998
Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay,
kinh Lạy Cha được ơọc bằng tiếng Xê-đăng lần đầu tiên: "Ô Pa ngiên
ki ối a pleng" ( Lạy Cha chúng con ở trên trời ).
Ôi ! Lạy Cha, Cha đã cho
con sinh ra trên miền đất Xê-đăng. Hôm nay con vui sướng đến nghẹn
ngào cùng với anh em Xê-đăng kêu cầu Cha: Ô Pa ngiên, lạy Cha chúng
con. Và con đã trở nên Xê-đăng với ngưòi anh em Xê-đăng của con.
Ngày 18.1.1998
Tiếng hát những
người con Núi Rừng. Năng khiếu nhảy múa anh em dân tộc như người Tây
Phương. Có hồn nhạc. Trong thai nghén họ đã lắng nghe tiếng cồng
chiêng tiếng trống đệm, lúc như nhẹ nhàng cầm canh, lúc như thôi
thúc. Tiếng gió thét, thác gào, suối reo, ngàn thông réo. Bước chân
xào xạc chim cu gáy, hay tiếng cú mèo, chim táp muỗi đêm khuya. Ðó
là bài ca thiên nhiên, hay là dấu nhạc in vào tâm hồn từ bé thơ.
Thánh Lễ hôm nay, những người con Núi Rừng cứ thanh thản hồn nhiên
hoà ca hát mừng Thiên Chúa. Họ tự hòa âm hai ba bè đúng điệu cung
đàn phách lạc.
"Ngàn dân ơi ! đàn hát lên ca tụng Chúa !"
Lm. Si-môn PHAN VĂN
BÌNH, Giáo Phận Kontum ( Còn tiếp )