GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 25 C THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Lc 16, 1 – 13

DỤ NGÔN NGƯỜI QUẢN GIA BẤT LƯƠNG

Ðức Giê-su nói với các môn đệ rằng:

"Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa !"

Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !"

Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ?" Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ô-liu". Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi". Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy ?" Người ấy đáp: "Một ngàn thùng lúa". Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi".

"Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em ?

Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được".

SUY NIỆM 1:

"NGHỆ THUẬT" SỬ DỤNG TIỀN CỦA

-   Hãy xây dựng ngôi nhà mơ ước của bạn với Hãng...

-   Hãy đến với... các bạn sẽ được tận hưởng không khí vui vẻ, phấn khởi !

-   Hãy sử dụng... : Sang trọng hơn ! Thoải mái hơn !

-   Sẽ đến trong bạn những cảm giác tuyệt vời khi bạn đến...

Trên đây là những lời mời mọc, quảng cáo mà ngày nay người ta có thể gặp thấy nhan nhãn trên mọi phương tiện truyền thông: truyền hình, truyền thanh, báo chí, các biển quảng cáo ngoài đường phố... Một trong những nét đặc trưng lớn của thế giới hôm nay là sự tiêu thụ để hưởng thụ. Tại những nước văn minh giàu có, người ta được mời gọi hãy tiêu xài, hưởng dùng những tiện nghi do khoa học kỹ thuật mang lại. Những dịch vụ ăn uống, du lịch, vui chơi giải trí muôn màu muôn vẻ hứa hẹn cho con người sự thích thú, hạnh phúc. Các ngân hàng, các công ty cổ phần mời gọi người ta đầu tư tiền bạc với họ với những lời hứa hẹn bảo đảm lợi nhuận. Người ta giới thiệu với nhau những mặt hàng kinh doanh, những phương thế làm ăn để sao cho tiền lại đẻ thêm ra tiền.

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 25 thường niên năm C hôm nay, Chúa Giê-su dạy cho chúng ta một bài học về "nghệ thuật" sử dụng tiền của để mưu tìm hạnh phúc hoàn toàn không giống như những lời mời mọc quảng cáo chúng ta vẫn thường gặp: Dùng tiền của để kiếm lấy tình thân nghĩa với anh chị em đồng loại và nhờ đó mà chiếm được "của cải chân thật" trong "nơi ở vĩnh cửu" !

Với những người tin vào Chúa Giê-su, tin có cuộc sống đời đời nơi Thiên Chúa, họ phải biết rằng ở thế giới đó người ta không có xài... tiền ! cho nên Chúa Giê-su gọi tiền bạc của cải đời này là bất chính, vì nó sẽ qua đi ! Và Chúa khuyên chúng ta: "Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu". Bạn bè mà Chúa Giê-su nói đây hẳn là "những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ..." cho chúng ta ( Lc 14, 13 – 14 ). Chúa Giê-su dạy chúng ta cách thế đầu tư tiền của để sắm lấy "kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời" ( Lc 12, 33 ).

Hiển nhiên, Chúa Giê-su không có ý dạy chúng ta học lấy sự gian xảo của người quản gia bất lương trong dụ ngôn: lợi dụng tiền bạc của cải của người khác mà mưu lợi cho mình, sử dụng chúng theo ý riêng của mình, cho dù là để làm việc tốt. Ðó là một sự gian lận ! Thế nhưng từ cảnh huống và thái độ đối phó của người quản gia bất lương này, Chúa Giê-su đã muốn rút ra cho con người một bài học quan trọng: Giống như tình trạng của người quản gia bất lương sẽ phải rời bỏ chức vụ của mình, phải ra khỏi nhà ông chủ vì bị đuổi, một ngày kia mỗi người chúng ta cũng sẽ phải rời bỏ trần thế này ! Việc phải mau mau tính "đường", tính "kế", tính "nước cờ" của người quản gia bất lương cho chuyện chắc chắn sẽ đến nay mai thôi cho ông ta, hẳn là trong chúng ta có đến 99%, không có ai cho rằng ông ta đã quá lo xa, lo hão... Chúa Giê-su dạy chúng ta cũng phải mau mắn và khôn khéo như thế trong việc dùng tiền của đời này mà lo liệu cho tương lai của mình ở đời sau.

Bài học mà Chúa Giê-su dạy thật quan trọng biết bao ! Trong thế giới ngày nay, nhiều người trong nhân loại vẫn sống như thể mình sẽ không phải chết. Nhiều người không nghĩ gì đến đời sau, vì người ta không tin hoặc không muốn tin; hoặc không nghĩ đến vì vô tư, không nghĩ đến vì cho là chuyện xa vời ! Và rồi người ta sử dụng tiền của để hưởng dùng theo ý riêng, theo lòng ích kỷ và dục vọng của mình. Không biết những người đã phải chết, trong vụ khủng bố do bọn không tặc cảm tử đã gây ra ở Mỹ ngày 11.9 vừa qua, họ có nghĩ trước được rằng đã đến lúc họ phải lìa bỏ cõi đời này không ? Với những người càng có tuổi, càng già, hẳn là sẽ thấy rõ hơn những người còn trẻ thế nào là "thời gian như nước chảy qua cầu", "đời người như giấc mơ"...

Chúa Giê-su dạy chúng ta nghệ thuật dùng tiền của mình có được ở đời này để chuẩn bị sẵn cho mình hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước Trời ở đời sau. Nước Trời không phải là món hàng để mua đâu ! Nó là một quà tặng cho không Thiên Chúa dành cho con người. Nếu như nó là một miền "Ðất hứa" cho hạnh phúc của con người, thì con người sẽ chỉ có thể chinh phục được nó, không phải bằng cách ném tiền ra "mua", nhưng con người sẽ chỉ có thể chinh phục chiếm hữu được nó bằng tình yêu: Tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với đồng loại ! và tiền của sẽ là một phương thế được dùng để tỏ bày tình yêu đó.

Của cải vật chất ở đời này, hay là đồng tiền mà chúng ta đặt ra làm quy ước để đo lường giá trị của cải vật chất, tự nguồn gốc, chúng là thuộc về Thiên Chúa, chúng là của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là chủ của chúng, vì chính Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng và trao ban chúng cho con người. Trong đức tin, những tiền của mà chúng ta đã khó nhọc làm ra, tự nguồn gốc, chúng là của Thiên Chúa, còn chúng ta chỉ là những người quản lý. Sự lao nhọc vất vả của con người để có được của cải mà hưởng dùng, tự thuở ban đầu không có trong ý định của Thiên Chúa, sự lao nhọc vất vả đó đã xảy đến là do bởi tội lỗi của con người.

Thiên Chúa đã ban tặng thế giới này cho con người được quyền cai quản và hưởng dùng. Hẳn Chúa Giê-su không có ý bảo chúng ta phải đoạn tuyệt với tất cả những niềm vui và hạnh phúc chính đáng ở đời này mà tiền của vật chất sẽ mang đến cho chúng ta, để chỉ dùng nó vào việc cứu đói, cứu khổ cho đồng loại của mình. Nếu có ý đó, hẳn Chúa Giê-su sẽ từ chối đến nhà những người giàu có để ăn tiệc ! Chúa sẽ khuyên người đàn bà tội lỗi hãy đem bình dầu thơm quý giá bán đi mà lấy tiền cho người nghèo, thay vì đổ dầu xức lên mình Chúa ( Mt 26, 6 – 13 ).

Chúa cũng không chỉ dạy cách sử dụng tiền của cho riêng những người giàu có khá giả. Chúa dạy bài học này là cho tất cả mọi người, vì "ai cho cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi,... người đó sẽ không mất phần thưởng đâu" ( Mt 10, 42 ). Hai đồng tiền kẽm của bà góa nghèo đã được Ðấng là Thẩm Phán chí công lượng giá là món tiền nhiều hơn hết trong những món tiền đã được bỏ vào Hòm tiền dâng cúng của Ðền Thờ ! ( Lc 21, 1 – 4 ).

Tôi đã được nhìn thấy nét mặt ủ dột, thân hình tiều tụy ỉu xìu của một bé gái mới hơn một tuổi bị bệnh tim, tựa mình vào người cha của bé đang bồng bé trên tay. Sau mấy tháng, nhờ sự giúp đỡ của quý ân nhân qua GOSPELNET, bé được giải phẫu để chữa bệnh và đã lành khỏe. Tôi gặp lại bé, giờ đây bé đã thật sống động, chạy lanh quanh với nụ cười tươi dễ thương. Thật tuyệt, thật cảm động ! Bé đã lành bệnh, đã được khỏe mạnh, có lại được sức sống và sự vui tươi của tuổi thơ, nhờ tình thương, sự giúp đỡ của các vị ân nhân.

Như người quản gia bất lương đã trở thành ân nhân cho những con nợ của chủ mình, Chúa Giê-su hôm nay vẫn mời gọi chúng ta hãy trở thành ân nhân cho anh chị em mình, để một mai kia chúng ta bước vào Nước Hằng Sống của Ngài trong sự chào đón, với những nụ cười rạng rỡ của anh chị em chúng ta.

Phó tế NGUYỄN KÍNH, DCCT

SUY NIỆM 2:

KHÔN NGOAN THẬP GIÁ

Chúa Giê-su sau khi đã kể dụ ngôn người quản lý bất lương đã kết luận: "Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng" rồi Chúa dạy các môn đệ sống trung tín và lời dặn dò: "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được"

Cái khôn của người đời là: lọc lừa, gian dối, thủ đoạn… Nó khác xa sự khôn ngoan của con cái sự sáng: Ðầu mối khôn ngoan là kính sợ Chúa. Khôn ngoan toả ra từ quyền năng Thiên Chúa ( Kn 7, 25 )

KHÔN KHÉO CON CÁI ÐỜI NÀY

Khôn khéo trong những việc làm của người quản lý bất lương:

- Khôn khi ăn cắp tài sản của chủ mà không bị phát hiện, đến khi có người tố cáo thì chủ mới đuổi việc.

- Khôn vì anh ta biết giới hạn của mình; cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.

- Khôn vì biết xoay xở, tận dụng chút quyền quản lý cuối cùng để có 1 chút bảo đảm cho tương lai. Gọi các con nợ của chủ đến làm văn tự lại; 100 thùng dầu ô-liu, viết lại 50 thôi; 1.000 thùngï lúa viết lại 800 thôi... hai bên cùng có lợi mà.

- Khôn khi biết lo xa: liệu sao để khi mất chức thì có người tiếp đón, khi về hưu non thì đã có của dư của để, có nhà cao cửa rộng, có vườn tược...

Hình ảnh của người quản lý khôn khéo bất lương này đầy dẫy trong xã hội hôm nay khi mà tham nhũng đã trở nên "quốc nạn". Ông Fujimori đã làm tổng thống nước Péru đến nhiệm kỳ thứ 2, vì tham nhũng ông đã trốn chạy về Nhật. Ông Estrađa tổng thống Philippines, phải từ chức vì tham nhũng. Ông Wahid, tổng thống Indonesia sang Mỹ tỵ nạn vì tham nhũng. Việt Nam cũng đang điêu đứng vì quốc nạn tham nhũng...

Người ta "hy sinh đời bố để củng cố đời con", có chút địa vị quyền lực thì lo thu ven cho cá nhân, tham ô, móc ngoặc. Sợ bị bại lộ, sợ bị tố cáo, sợ bị cách chức, sợ bị "về hưu non", nên khôn khéo mua lấy bằng cấp, mua đất xây biệt thự, lập trang trại...

Người ta tìm mọi cách để có tiền của, có địa vị, có quyền lực, bất chấp tiếng nói lương tâm.

Nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay chúng ta thấy người đời thường chạy theo tiền bạc, của cải. Trong cuộc chạy đua đó, con người đã để cho tiền của làm chủ đời sống của họ, hướng dẫn và quy định cả cách sống và tâm tình của họ. Khi đó Thiên Chúa, lương tâm, nhân cách bị gạt ra khỏi tâm hồn họ. Tiền của, danh vọng là thần tượng của họ và khi đó làm bất cứ việc gì dù trái với lương tâm, với luân thường đạo lý, với công bình bác ái miễn là càng ngày họ càng giàu có càng thăng chức. Lòng tham không bao giờ thỏa mãn. Tham vọng của con người không bao giờ cùng.

KHÔN NGOAN CON CÁI CHÚA

- Khôn ngoan của con cái sự sáng là luôn hướng về Thiên Chúa và để Ngài làm chủ đời mình. Tiền bạc của cải không là điểm tựa, không là cứu cánh mà chỉ là phương tiện. Con cái sự sáng vừa say mê cuộc đời này vừa say mê vĩnh cửu. Giữa cái mau qua họ tìm gặp vĩnh cửu, họ làm việc vui chơi như mọi người, nhưng họ luôn để Thiên Chúa đi vào toàn bộ cuộc đời họ.

-     Con cái ánh sáng thì khôn ngoan sống chân thật và tín trung. Chân thật trong lời nói, trong tư tưởng, trong hành động; thực tâm – thật tình trong cư xử; thật hiếu hạnh trong gia đình; thật tín nghĩa ngoài xã hội; thực trung thành trong niềm tin. Trung tín sống đức tin, trung tín trong lời hứa, có tinh thần trách nhiệm cao, trung tín trong việc nhỏ cho đến việc lớn. Trung tín với lời hứa Bí Tích đã lãnh nhận. Người chân thật là người trung tín với Thiên Chúa và anh em mình. Bởi vì Thiên Chúa là sự thật, và "chỉ có sự thật mới giải thoát anh em."

-     Khôn ngoan của con cái Chúa là khôn ngoan Thập Giá: "Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Ki-tô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù Do-thái hay Hy-lạp, Ðấng ấy chính là Ðức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa" ( 1 Cr 1, 22 – 25 ).

Chúa Giê-su đã khẳng định: "Không ai có thể làm tôi hai chủ. Hắn sẽ ghét chủ này mà thương chủ kia, hay để ý đến chủ này mà thương chủ nọ". Không thể phụng sự hai chủ như nhau, trong cùng một lúc. Chúng ta tự hỏi chủ nào đang thống lĩnh đời tôi ? Ước gì tôi luôn tự do, chọn lựa làm tôi cho Chúa mà thôi.

CỬA SỔ HOẶC TẤM GƯƠNG

Một người Do-thái giàu có nhưng rất keo kiệt đến gặp một vị giáo trưởng để xin một lời hướng dẫn cho cuộc sống của mình. Vị giáo trưởng đưa anh ta đến bên cửa sổ và hỏi: "Ông hãy nhìn qua cửa sổ và cho tôi biết ông thấy gì." Không một chút do dự, người giàu có trả lời: "Tôi thấy nhiều người đi qua đi lại." Sau đó vị giáo trưởng bảo người giàu có quay mặt vào trong nhà và nhìn vào một tấm gương treo trên tường. Rồi ông cũng đặt câu hỏi tương tự: "Nào, bây giờ thì ông thấy gì trong tấm gương ?" Người giàu có liền trả lời: "Dĩ nhiên tôi chỉ thấy tôi."

Bấy giờ vị giáo trưởng mới rút ra một bài học. Ông nói: "Này nhé, tấm gương soi mặt được làm bằng kính. Kính được phủ ở phía sau bằng một lớp bạc mỏng. Bao lâu lớp bạc mỏng còn dính chặt đằng sau tấm kính thì nhìn vào đó ông sẽ không còn thấy người nào khác nữa mà chỉ thấy có mình ông thôi. Trái lại khi nhìn qua tấm kính trong suốt ở cửa sổ ông đã thấy được những người khác, thấy được cảnh vật..."

Nếu tấm kính linh hồn bị lòng tham lam, ích kỷ như lớp bạc mỏng phủ đi thì ta sẽ chỉ thấy có bản thân mình. Chỉ mình ta mới đáng kính đáng trọng, chỉ mình ta là trung tâm để mọi người phục vụ.

Tâm hồn con người khi trong suốt không bị che chắn bởi tham, sân, si, sẽ nhìn thấy mọi người là anh em, nhìn thấy những điều hay, những điều tốt, những gì đáng quý, đáng mến nơi tha nhân. Tâm hồn trong sáng đó nhờ biết mỗi ngày soi vào Chúa Ki-tô, sống theo lời dạy của Ngài.

Linh mục NGUYỄN HỮU AN ( Phan Thiết )

CẦU NGUYỆN:

Nguyện xin Thiên Chúa, Ðấng làm mọi sự tốt lành trong con người từ ý muốn cho đến việc làm, ban cho chúng ta được ơn khôn ngoan và mau mắn trong việc dùng tiền của đời này mà giúp đỡ những anh chị em nghèo khổ. Ðể một mai kia, khi đến lúc chúng ta phải rời bỏ trần thế này, chúng ta sẽ được những anh chị em nghèo khổ đó, và chính Chúa Giê-su, Ðấng đã muốn hiện diện cách đặc biệt nơi họ ở đời này, đón rước chúng ta vào trong vinh quang và hạnh phúc đời đời trên Nước Hằng Sống của Thiên Chúa. Amen.

Phó tế NGUYỄN KÍNH, DCCT

CHỨNG TỪ:

KINH NGHIỆM SỐNG NGHÈO VÀ TINH THẦN HỠP TÁC

Người nghèo là người thiếu thốn của cải vật chất, phương tiện, kiến thức và đôi khi thiếu thốn cả những giá trị tinh thần. Người nghèo là người không có quyền lực. Tắt một lời, đó là ngườỏp chịu lệ thuộc vào người khác.

Nghèo là thiếu, là không có gì cả, là phải nhờ vào người khác để kiếm cái ăn mà mưu sinh: từ làm thuê, làm mướn, ăn xin,... rồi đủ thứ khác. Có cái nghèo vật chất, nhưng cũng có cái nghèo tinh thần: thiếu tri thức, thiếu ý thức về các giá trị làm người, không có tiếng nói để rồi bị loại ra bên ngoài xã hội, bị đẩy lùi vào quên lãng, hay bị coi là "rác" phải thu gom. Tệ hơn nữa, là không có quyền sống ( như các thai nhi ). Ai sẽ nói thay họ, bảo vệ cho họ, hơn nữa từng bước hòan lại giá trị làm người của họ, để họ có thể lên tiếng ?

Xưa có nhạc sĩ đã từng rung nhịp đâïp của họ: "Ðời nghèo đâu dám mơ tình chung... trời cao có thấu, cúi xin người ban xuống cho đời con một mái tranh nghèo, một mối tình chung thuỷ không hề phai…" Thế nhưng lời xin não nuột ấy cứ rung mãi nơi những trái tim nghèo lang thang. Dù vậy, chúng ta không thể làm ngơãm được, không thể cứ cho rằng không có phần lỗi của chúng ta, của gia đình họ và của xã hội, đã cố tình hay vô tình xô đẩy họ vào con đường nghèo vô vọng.

Thấy, đến và chia sẻ cái nghèo của họ để rồi chính mình như cũng quay quắt với điều đó. Ai dám sống nghèo trong thời đại hôm nay quả thực bị coi là điên điên, khi mà bậc thang giá trị là "tiền", là quyền lực, như một chứng tỏ cho sự thành đạt. Rồi cứ phải mải miết gánh chịu nó mãi, vô tình những con người bị loại ra ngoài rìa xã hội ấy, thường sẽ ở luôn bên lề, dần dần trở nên "những người mù bên vệ đường".

Những ngày tháng sống với họ, tôi lầm lũi, tìm kiếm một lối đi cho mình để đến với người nghèo, là những trẻ đường phố, là những người nghiện, là những cô gái làm tiền bằng vốn tự có, tôi như mong tìm lại những giá trị là người bị ẩn dấu, bị chôn vùi trong sâu thẳm lòng họ qua thời gian, với lắm biến cố, với nhiều thương đau trong quan hệ đổi chác không chút nhân tính.

Chính bản thân tôi như bị bóp nghẹt bởi bao nỗi đau chất chứa trong lòng họ. Mà khi họ bật lên tiếng khóc nức nở, thì gói ghém bên trong chính là những chất chứa đầy nhục nhằn tủi hổ, là những uất hận đến câm lặng, trầm cảm… họ thiếu tất cả: vật chất, tinh thần, và tình người là cái thiếu tột cùng.

Nhớ đến những ngày lang thang cùng họ, tôi khó có thể quên được ấn tượng đầu tiên của kẻ đi xin học cho một em bé con nhà nghèo, cha mẹ đã mất hết. Sau khi đi nhiều nơi, tôi tìm đến một chỗ mà theo tôi là nơi quen biết có thể nhờ cậy. Nhưng kết cục, từ khi tôi vào cổng cho đến khi tôi chào ra về, mọi sự đều khác hẳn với những gì tôi đã trông đợi cũng như những gì mà tôi có trong ý thức về họ. Xin miễn cho tôi việc phải kể lại...

Ðây là những cảm nghiệm, nhưng tôi không muốn dừng lại đó, một cái nhìn khó có đà vươn lên. Mà là tôi xin hướng tới bài học đã rút ra được qua đời sống dấn thân cho người nghèo cũng như trong việc hợp tác phục vụ, và cả nơi đời sống thường ngày của "đời tu" của mình. Tôi chỉ nói về cái nghèo của chính mình tức là "thiếu", thiếu của ăn, thiếu kiến thức, thiếu khả năng, thiếu sức khỏe, khả năng, thời gian và không gian…

Vì thiếu nên mới cần có, nhưng chắc chắn không thể tự mình tìm được. Thiếu kiến thức tôi cần học nơi những người thầy, mỗi người đều khác tôi, biết nhiều điều mà tôi không biết. Vì thế, gặp ai tôi cũng thấy cái để học, để biết mình hơn, biết họ thêm rõ hơn và thấy xã hội loài người thật phong phú. Thiếu cơm ăn, áo mặc tôi cần anh em giúp đỡ, cần người cho tôi cơ hội làm thuê, viết mướn… Vì thiếu sức khoẻ, yếu đuối, bệnh tật tôi cần có bác sĩ, nhà thương để chữa trị… Và chắc chắn khả năng của tôi cũng chỉ giới hạn trong một vài chuyên môn mà thôi. Rồi thời gian, không gian và quyền hạn cũng bị giới hạn rõ ràng, không thể giải quyết mọi sự cho chính tôi, mà phải cấn rất nhiều người hỗ trợ cùng đáp ứng những gì là thiết yếu để tôi có thể sống.

Thế thì chắc chắn tôi cũng không thể đáp ứng đủ cho ai cả, dù đó là người thân thiết nhất của tôi, huống chi là những người khác xa rất nhiều. Ðiều này tưởng rất đơn giản ai cũng có thể biết, nhưng thực sự để "ngộ ra" nó, tôi đã phải trả giá khá đắt, "cho một đời lầm lũi, đêm từng đêm buốt giá, nhìn lên cây cao kia Chúa đã gục đầu...".

Giê-su gương mẫu của sự thiếu thốn: từ khởi đầu cho đến chết vì yêu, đều là một sự truất hữu tuyệt vời. Từ cảm nghiệm của người nghèo: đau khổ vì kiếp nghèo, đến một Ðức Chúa tự nguyện sống nghèo: chết đau đớn vì yêu, một ánh sáng le lói dù có lúc rất yếu, như có thể vụt tắt mất trước phong ba bão táp. Nhưng từng ngày bùng lên, bùng lên đốt dần cái "tôi vĩ đại" như một sự truất hữu lần hồi, trở nên không. Sự "tự hủy" ấy có khi do tự nguyện, nhưng rất nhiều khi do hoàn cảnh đòi buộc, do công bằng đòi hỏi…

Khi cảm nhận mình thiếu thốn, mình không là gì cả, tôi cần tất cả mọi người. Anh em mà tôi đến sự giúp đỡ, họ cho tôi cơ hội để yêu thương, và cho tôi chính con người họ với những kinh nghiệm nỗ lực sống làm người, vướn lên từ trong những đổ nát, gãy vụn. Những người mà tôi đang cùng sống chung làm chung, mỗi người một vẻ, một nghề đang bổ túc cho nhau từ những khác biệt. Chúng tôi cần nhau trong công tác phục vụ cũng như trong đời sống làm người, làm người Ki-tô hữu, cũng như làm tu sĩ. Và trên hết, vì thiếu cái sâu thẳm làm men, làm muối cho cuộc sống, cho việc dấn thân, đó là tình yêu, tất cả chúng ta cần có Chúa là nguồn mạch tình yêu.

Cùng chia sẻ một niềm tin và tình yêu, tôi xin chia sẻ một chút kinh nghiệm sống nghèo đến cùng tất cả các đấng bậc, anh chị em, nói lên lòng tín phục Giáo Hội và hiệp thông huynh đệ với mọi anh chị em tín hữu.

Xin gởi đến mọi người lời của một vị thánh: "Qua Thánh Thể, nơi người nghèo, chúng ta gặp nhau", một lời mà tôi cứ mãi tâm đắc từ những ngày đầu dấn thân, và rất phù hợp cho điều mà tôi muốn chia sẻ hôm nay, cùng mọi người.

Ts. LÊ VĂN HÒANG ( OFM )


CÂU TRUYỆN:

CỦA CẢI DỄ LÀM HƯ CON NGƯỜI

Thánh Antonino, là giám mục của vùng Firenze nước Ý vào khoảng thế kỷ thứ 15, có kể lại một câu truyện mà ngài đã tận mắt chứng kiến trong đời mục vụ tông đồ.

Một hôm, ngài đang đi trên đường thì Thiên Chúa cho ngài thấy có một vị thiên thần cứ bay lượn bên trên một ngôi nhà nghèo nàn lụp xụp. Ngài ghé vào hỏi thăm cha sở vùng này thì được biết gia đình ấy tuy rất nghèo nhưng lại rất đạo đức và tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Thánh Antonio động lòng thương, hiểu ra ý Chúa muốn soi sáng cho mình, ngài bèn trích quỹ từ thiện, kín đáo trợ cấp hàng tháng một số tiền vừa đủ để gia đình này có vốn liếng mà chí thú làm ăn cho đỡ nghèo khổ.

Bẵng đi một thời gian, ngài lại có việc đi qua vùng ấy, ngài chợt giật mình trông thấy một tên quỷ xấu xa đang bay lượn trên mái một ngôi nhà khang trang đẹp đẽ nhất vùng. Ngài lại ghé vào Cha Sở để hỏi thăm, thì hóa ra đó chính là ngôi nhà của gia đình mà ngài đã từng trợ cấp lâu nay. Ngài được biết họ đã cố gắng ăn nên làm ra, nhưng dần dần, vì tham lam, họ đã học đòi những thủ đoạn mánh khóe bất lương để làm giàu nhanh chóng, đời sống họ hoàn toàn vô đạo đức, trở nên ích kỷ và độc ác, khinh bỉ xua đuổi những người nghèo khổ láng giềng ngày xưa. Hiện tại, họ lại còn thêm thói ăn chơi trụy lạc.

Thánh nhân đau lòng quyết định cắt đứt nguồn trợ cấp, để mong họ sớm hiểu ra mà sám hối quay trở về đường ngay nẻo chính. Quả thật, của cải vật chất xa hoa dễ làm cho con người hư đi nếu sống mà xa lìa đường lối của Thiên Chúa...

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI tập 2

LOẠI TIỀN CHO ÐI

Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Ði một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán: "Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu ?" Người bán trả lời: "Chỉ một đồng thôi." Ông ta lại hỏi: "Còn tô lớn kia ?" "Cũng chỉ một đồng thôi."

Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo: "Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không ?" Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói: "Ðó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được." Ông nhà giàu thắc mắc: "Thế tiền-cho-đi là tiền gì ?" Người kia bảo: "Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi."

Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói... Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy.

ÐẠO MỘT MẮT

Bác sĩ A.J. Gordon kể: ngày nọ, có một ông nhà giàu nhưng keo kiệt đến xin chữa mắt. Sau khi khám nghiệm, bác sĩ cho biết phải chữa cả hai mắt, nếu không có nguy cơ bị mù. Ông ta hỏi: "Nhưng giá bao nhiêu ?" Bác sĩ trả lời: "Chữa mỗi mắt là 100 đô." Ông nhà giàu phân vân giữa tiền bạc và mù loà. Rồi ông nói với bác sĩ: "Tôi chỉ chữa một mắt thôi, vì một mắt cũng đủ thấy tiền và đếm tiền. Lại đỡ tốn !"

Nhiều người vẫn cầu nguyện: "Xin mở mắt con để thấy kỳ công của Chúa..." Nhưng xem ra nhiều Ki-tô hữu chỉ muốn Chúa mở cho mình một mắt để thấy công trình của Chúa mà thôi, một mắt còn lại phải dành riêng mà... trông coi gia sản !

Trích SỠI CHỈ ÐỎ

NHẬN ÐỊNH:

Tiền là cái mà:

§    Người công nhân đồ mồ hôi để có được nó,

§    Kẻ hoang phí thì đốt nó,

§    Chủ ngân hàng đem nó cho vay,

§    Ðàn bà xài nó,

§    Kẻ lưu manh làm giả nó,

§    Nhân viên thuế vụ lấy nó,

§    Người hấp hối lìa bỏ nó,

§    Kẻ thừa kế tiếp thu nó,

§    Người tiết kiệm để dành nó,

§    Người keo kiệt thèm khát nó,

§    Kẻ ăn trộm chộp lấy nó,

§    Người giàu gia tăng nó,

§    Người cờ bạc bị mất nó,

§    Phần tôi thì dùng nó... ( Quote )

Khả năng thật của tiền bạc là:

§    Tiền có thể mua được cái vỏ nhưng không mua được cái nhân;

§    Nó có thể mang đến cho bạn thức ăn, nhưng không mang đến khẩu vị;

§    Nó giúp bạn có nhiều người quen, nhưng không giúp bạn có bạn bè;

§    Nó giúp bạn có những đầy tớ, nhưng không giúp bạn có được lòng trung thành của họ;

§        Nó ban cho bạn những tháng ngày hưởng thụ, nhưng không cho bạn bình an và hạnh phúc ( Henrik Ibsen )

Những thứ mà tiền không mua được gồm có:

Có tiền và có những cái mua bằng tiền là tốt. Nhưng biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiền không mua được còn tốt hơn. Có thể kể những thứ sau đây tiền không mua được:

§    Tiền không mua được tình bạn chân thực.

§    Tiền không mua được lương tâm trong sạch.

§    Tiền không mua được niềm vui lành mạnh.

Trích SỠI CHỈ ÐỎ của Lm. Ca-rô-lô ( Cần Thơ )

 

THÔNG TIN:

THÔNG TIN VỀ MỘT EM BÉ CẦN ÐƯỠC CHỮA TRỊ

Chúng tôi vừa nhận được qua Sr. Nguyễn Thị Thảo ( Ða-minh Rosa Lima ) lá thư cầu cứu của vợ chồng chị Ma-ri-a NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC, cư ngụ tại ấp 4, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai, thuộc Giáo Xứ Hiệp Lực, Giáo Phận Xuân Lộc. Gia đình chị Ngọc có 5 con. Chồng làm mướn nhưng thường xuyên không có việc làm. Vợ buôn bán nhỏ kiếm sống qua ngày. Cháu gái lớn đã phải nghỉ học vì phải dành tiền cho 4 đứa em nhỏ đi học.

Riêng cháu thứ hai tên là MAI HUY HOÀNG sinh năm 1986, tháng 10.2000 bị sưng lá lách, đã đưa đ bệnh viện chữa trị lành, đi học lại bình thường. Nhưng chỉ được vài tuần, cháu lại chuyển sang viêm đại tràng, chữa trị tại bệnh viện Nhi Ðồng tỉnh Ðồng Nai đã lành, nhưng về nhà được vài hôm lại tái phát. Kỳ thi cuối năm học vừa qua, cháu đã ngã dọc đường và ói ra máu phải đưa đi cấp cứu bệnh viện Nhi Ðồng Sài-gòn. Các bác sĩ cho biết cháu bị thiếu máu và viêm loét dạ dầy trầm trọng. Gia đình phải chạy đi vay mượn trả tiền lãi rất cao để cháu có thể được truyền máu mà vẫn không đủ. Ngoài tiền xe cộ, nhập viện và thuốc men, cháu đã phải truyền 3 đơn vị máu ( 300.000 VND một đơn vị máu ). Sau chuyến này gia đình đã hoàn toàn kiệt quệ vì nợ nần mà cháu vẫn yếu đau. Cháu rất ngoan, biết gia đình khó khăn, có lúc đau lắm mà cháu vẫn nhịn không dám kêu.

GOSPELNET quyết định trợ giúp trước mắt số tiền 1.000.000 VND cho gia đình cháu Huy Hoàng. Nhưng ngoài ra, kính xin quý bác sĩ và ân nhân là độc giả của GOSPELNET xem có cách nào vừa giúp đỡ cháu được chữa trị tốt, vừa trợ giúp vật chất để gia đình có thể lo liệu chu tất và trả được các món nợ.

THÔNG TIN THÊM VỀ XE LĂN VÀ NGÔI NHÀ CHO CHỊ TRẦN THỊ THỨC

Sáng thứ sáu 14.9.2001, chúng tôi nhận được Mail của Sr. Tuyết Trinh ( Ða-minh Rosa Lima ) cung cấp thêm những thông tin về gia cảnh chị TRẦN THỊ THỨC ở Long Khánh như sau:

"Sáng nay, con đã vào thăm gia đình chị Thức và chụp hình ngôi nhà. Nhà lợp tôn kích thước 4m20 x 2m50, nếu tính cả hè là 3m, vách gỗ, hai bên dựa nhờ vào hai ngôi nhà hàng xóm. Anh chị chia ngôi nhà làm hai, chỉ ở một nửa, một nửa cho thuê được 50.000 VND một tháng. Trong nhà chỉ vừa đủ kê một cái giường và một cái bàn nhỏ. Phía sau nhà được thêm 2m của một người hàng xóm tốt bụng cho mượn để làm nhà bếp và tắm giặt. Họ sẵn sàng nhượng lại phần này với giá 2.000.000 VND. Trước đây, khi chưa bị cơn lốc giựt xập nhà, chị ngồi trước nhà bán rau, bột ngọt, muối... mỗi ngày được khoảng 15.000 VND tiền lời.

Về chiếc xe lăn chị Thức muốn xin để có thể ra ngồi bán ngoài chợ, con ( Sr. Trinh ) đã hỏi mua của một chị bị sốt tê liệt từ nhỏ, hai tay bây giờ quá yếu không dùng xe lăn được nữa, nay chị muốn bán để lấy tiền mua thuốc vì chị cũng quá nghèo. Xe còn tốt, có thể mua lại với giá 1.000.000 VND như cha đề nghị..."

GOSPELNET vừa nhận được tin hai bạn MK THANH TÙNG và THANH THƯ đã gửi tặng số tiền 1.000.000 VND và Sr. Tuyết Trinh đã mua được một chiếc xe lăn tuy đã cũ nhưng còn rất tốt cho chị TRẦN THỊ THỨC, chờ dịp thuận tiện sẽ mang lại cho chị. Xin thay mặt gia đình chị Thức ngỏ lời cám ơn các ân nhân.

THÔNG TIN THÊM VỀ HAI CHÁU BÉ ÐÃ ÐƯỠC MỔ TIM THÀNH CÔNG

Sau một tháng được các bác sĩ Viện Tim Sài-gòn mổ Tim, bố mẹ các cháu TƯỜNG VY ( ảnh bên trái ) và cháu MINH NGỌC ( ảnh bên phải ) đã đưa các cháu trở lại Viện Tim tái khám, kết quả hoàn toàn tốt đẹp. Gia đình cũng đưa các cháu đến DCCT thăm chúng tôi, gửi ảnh chụp các cháu sau khi mổ và nhờ chúng tôi kính chuyển lời tri ân thật thà nhất đến tất cả quý ân nhân, đặc biệt là các bạn trong Nhóm Mai KhôiCa Ðoàn Tâm Ca tại Hoa Kỳ đã hết lòng chia sẻ trợ giúp để các cháu được có điều kiện mổ Tim. Gia đình các cháu cũng xin tỏ lòng biết ơn Sr. Quỳnh Giao, Giám Tỉnh Dòng Phan-sinh Thừa Sai Ðức Mẹ, đã nhiệt tình xác nhận hoàn cảnh ngặt nghèo gia đình các cháu để Hội Ðồng Viện Tim xét miễn giảm cho các cháu; các soeurs Dòng Ða-minh Rosa Lima đã tận tình lo liệu ve nơi ăn chốn ở và thủ tục giấy tờ. Ngoài ra cũng xin được mang ơn các y bác sĩ và cô y tá MK Thanh Dung của Viện Tim.

THÔNG TIN MỚI VỀ 4 CHÁU BÉ CẦN TRỠ GIÚP ÐỂ KHÔNG PHẢI BỎ HỌC

GOSPELNET vừa nhận được thư của Sr. Nguyễn Thị Ánh ( Ða-minh Rosa Lima ) với như sau:

"Thưa cha, con lại xin lòng quảng đại của cha và quý vị hảo tâm trong GOSPELNET cho một gia đình đang lâm cảnh ngặt nghèo. Gia đình có 4 cháu: Trịnh Hoàng Sơn ( 13 tuổi ), Trịnh Vy An ( 10 tuổi ); Trịnh Thiên Ân ( 8 tuổi ); Trịnh Thanh Thảo ( 5 tuổi ). Cha các cháu là Trịnh Hoàng Nguyên, làm mướn. Mẹ là Nguyễn Thị Ty, bị gãy tay, không làm được việc nặng. Kính xin GOSPELNET thương giúp cho các cháu có điều kiện để được theo học. Thưa Cha, nếu được, xin cha gửi qua Sr. Trịnh Thị Lan. Con cám ơn cha nhiều."

GOSPELNET xin chuyển đến gia đình các cháu bé số tiền 400.000 VND trợ giúp 4 cháu trong 2 tháng, mỗi cháu được 50.000 VND một tháng. Vì hiện chưa có khoản tiền ân nhân nào nhận giúp lâu dài nên GOSPELNET chưa dám mở thành một quỹ học bổng riêng cho các cháu. Xin kiên nhẫn cầu nguyện.

THÔNG TIN MỚI VỀ CHỊ TRẦN THỊ CẨM VÂN BỊ PHỎNG NẶNG

Cha Hoàng Minh Ðức, DCCT, đang phục vụ tại điểm truyền giáo An Thới Ðông mới báo tin: chị TRẦN THỊ CẨM VÂN, 25 tuổi, có 3 con, ngụ tại ấp Doi Lầu, xã An Thới Ðông, huyện Cần Giờ, Sài-gòn, đã bị phỏng nặng từ cổ trở xuống do xăng phụt cháy. Chị Vân đã nằm bệnh viện 2 tuần liền, nay đã về nhà trong tình trạng bị nhiễm trùng nặng vì không còn tiền thuốc thang chạy chữa.

GOSPELNET đã trích quỹ trợ giúp ngay số tiền 500.000 VND để gia đình có thể lo liệu cho chị Vân. Kính mong quý độc giả hảo tâm chia sẻ trợ giúp thêm.

THÔNG TIN VỀ CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI GIÚP:

GOSPELNET vừa nhận được các khoản tiền các ân nhân gần xa gửi tặng:

-     300.000 VND của các soeurs Dòng Mến Thánh Giá Ðà Lạt, cộng đoàn Lê Văn Sỹ ( Sài-gòn ).

-     1.500.000 VND của các bạn MK Thanh Tùng và Thanh Thư ( Sài-gòn ).

-     150.000 VND của các bạn MK Hữu Xuân + Tuyết Vân ( Sài-gòn )

-     500.000 VND của các bạn MK Thế Ðịnh và Minh Châu ( Sài-gòn ).

-     100 AUSD của các bạn MK Ðức và Xuân Ðào ( Úc ).

-     500.000 VND của các bạn MK Hải + Phượng ( Sài-gòn ).

-     500.000 VND của Nha Sĩ Mai Tấn Phúc ( Sài-gòn ).

-     Bản quyền Tuyển Tập số 1 các bài viết của cha Hoàng Kim Toan ( Giáo Xứ Tân Ðịnh – Sài-gòn ).

Tổng cộng:              3.450.000 VND và 100 đô-la Úc

NHẬT KÝ TRUYỀN GIÁO CHO NGƯỜI DÂN TỘC XÊ-ÐĂNG

Chúng tôi mới nhận được qua tay thầy Phó Tế Nguyễn Ðức Thịnh, DCCT, một tập nhật ký của cha Si-môn PHAN VĂN BÌNH, hiện đang phục vụ đồng bào người dân tộc Xê-Ðăng, đặc biệt cho các bệnh nhân phong cùi trong Giáo Phận Kontum. Ngài đã cho phép GOSPELNET được đăng tải thành nhiều kỳ như một lời chia sẻ khiêm tốn về công việc mục vụ của ngài. GOSPELNET xin đồng thời góp thêm một lời mời gọi đến mọi người cùng gánh vác chia sẻ trợ giúp ngài một tay đối với các trường hợp ngặt nghèo. Phần mở đầu là lời dẫn nhập giới thiệu của thầy Phó Tế Nguyễn Ðức Thịnh...

LÁ LÀNH ÐÙM LÁ RÁCH HƠN

Sau ngày 1.8.2001, mừng lễ An-phong Thánh Tổ DCCT, tôi đi dọn đường cho các anh em trẻ DCCT sẽ đi thực tế vùng Kontum. Hôm nay cũng là ngày đại diện các bà mẹ gia đình về Kontum họp trù bị cho ngày Hội các bà mẹ địa phận. Tôi có dip ghé vào Nhà Thờ Chính Tòa Kontum và gặp một Linh Mục mà tôi thường gặp nhưng lại chưa tiếp xúc và cũng chưa được biết tên. Tôi hỏi các em dân tộc thì các em bảo ngài đang ở nhà nguyện, tôi gõ cửa, ngài bước ra trên tay cầm cuốn sách Giờ Kinh Phụng Vụ đang mở. Ðã lỡ rồi, tôi xin lỗi ngài: "Xin cha đọc kinh xong, con nói chuyện với cha cũng được". Nhưng cha bảo ngay: "Không, không, mời thầy cứ vào, tôi đã đọc kinh vừa xong".

Nói chuyện một lúc thì ngài bắt đầu kể về công việc của ngài hiện đang làm và ngài còn dẫn đi xem hình ảnh những vùng ngài hoạt động một cách âm thầm, ít ai để ý, toàn là những nơi khỉ ho cò gáy. Tôi đồng cảnh ngộ với ngài nên dễ thông cảm cho nhau, tôi thuộc dân tộc Jrai còn ngài thuộc dân tộc Xê-đăng. Ngài cũng có những bâng khuâng và ước mơ muốn có người nối dài cánh tay đến với người nghèo, những người kém may mắn hơn chúng ta. Tôi thì "một ma chứ mấy mồ", vùng của mình chẳng thua kém chi vùng của ngài, nhưng tôi hứa nếu Chúa muốn thì Chúa cho. Ngài gửi cho tôi tập bút ký của ngài đã viết từ thuở ban đầu ngài nhận nhiệm sở để lo cho người Xê-đăng – vùng Kontum.

Mấy ngày sau, tôi gửi tặng ngài bộ phim Kinh Thánh mà tôi vẫn dùng để giúp các Giáo Lý Viên và các em nhỏ Jrai học Giáo Lý, vì tôi nghĩ rằng ngài cần hơn tôi, người ta thì lá lành đùm lá rách, còn mình thì "lá rách đùm lá rách hơn" để cùng nhau xây dựng Hội Thánh một ngày một tốt đẹp hơn, mặt khác giúp cho người Xê-đăng để họ được xem khi họ dừng chân tại Nhà Thờ Chính Tòa vào những ngày lễ, họ vẫn còn kém may mắn hơn mình nhiều.

Dưới đây là những hình ảnh về các công việc mà cha Si-môn Phan Văn Bình thuộc Giáo Phận Kontum, đã phục vụ cho người dân tộc Xê-đăng, được ghi lại như một nhật ký truyền giáo.

Phó Tế Ba-tô-lô-mê-ô NGUYỄN ÐỨC THỊNH, DCCT

Kontum ngày... Xin gởi đến mọi người Tập Bút Ký nhỏ bé đơn của người mục tử Núi Rừng Trường Sơn giữa anh em sắc tộc thiểu số Xê-đăng, Ha-lâng, Jeh, Ka Yon.

Ðèo heo hút gió nơi biên giới Lào, đồi cao gió lộng với dãy Ngọc Linh ( 2500m ). Núi Trường Sơn trùng điệp nhấp nhô trong sương mờ. Con đường Trường Sơn nối liền Kontum – Quảng Nam ngoằn ngoèo uốn khúc giữa các rặng cây và sườn đồi vách đá cheo leo, thác gào, cầu treo đong đưa trên sông Pơ-kô với gió ngàn.

Vùng sâu vùng xa của Trường Sơn đâu đó vọng lời kinh, tiếng ca mừng Thiên Chúa trong khói sương chiều hay trong sương sớm ban mai. Những người con của Núi Rừng đang ngỡ ngàng nhìn núi sông đổi mới, rừng cây đổi thay... như đàn chiên không người chăn dắt.

Lm. Si-môn PHAN VĂN BÌNH

XÊ-ÐĂNG, MIỀN ÐẤT HỨA

Ngày 29.09.1997

Ðúng 8g30, Ðức Giám Mục Phê-rô Trần Thanh Chung, Giáo Phận Kontum, đã trao cho tôi trách nhiệm coi sóc Miền Xê-đăng với 26.229 giáo dân rải rác 118 thôn làng trong 3 huyện Dak Glei, Ngọc Hồi, Daktôâ, Dak Hà. Miền này từ mùa hè đỏ lửa năm 1972 tới nay không có bóng dáng Linh Mục. Ngày Lễ Phục Sinh, Giáng Sinh, anh em lũ lượt trẩy hội về Nhà Thờ Chính Tòa Kontum dọn mình đón Chúa rồi lại lặng lẽ trở về Núi Rừng hoang đã.

Con cám tạ Chúa vì con được trở về với anh em con trong sứ vụ của người mục tử vì Chúa đã cho con sinh ra giữa rừng sâu của thôn làng Konhring và Chúa đã chọn con. Xin ban cho con sức mạnh và niềm vui.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ðường Trường Sơn cũng là đường chuyển tải các loại bệnh nhân

Ngày 1.10.1997

Một người anh em hấp hối tại bệnh viện Kontum. Tôi đến xức dầu. Anh đã á khẩu. Bên cạnh là người con trẻ với đứa con thơ. Tôi nhớ lại, lúc tôi lên bảy, cha tôi cũng đã chết tại bệnh viện vì bệnh sốt rét. Và mẹ tôi cũng ở bên cạnh nhìn cha tôi như vậy.

Ngày 2.10.1997

Chú Iao phu ( thầy giảng ) từ xa về rước Mình Thánh Chúa. Ðể về thôn làng cho anh em rước mỗi ngày Chúa Nhật. Cái đựng Mình Thánh Chúa lại là một lon sữa Guigoz với cái túi vải lấm đầy bụi. Tôi không thể chấp nhận. Và chú phải chờ đợi cho đến khi tìm được một chén thánh xứng đáng hơn. Lạy Chúa, xin cho con gặp được những ai giúp đỡ con trong việc này để Chúa có nơi cư ngụ xứng đáng giữa Núi Rừng hoang vu này.

Ngày 3.10.1997

Vừa học tiếng Xê-đăng, tôi vừa cộng tác với 3 anh em Iao phu dịch xong 4 quyển Tin Mừng và Công Vụ Tông Ðồ. Vì nhu cầu mục vụ, chúng tôi bắt đầu dịch Phụng vụ Năm C để mỗi Chúa Nhật trong rừng sâu âm u và thầm kín, những người con của Núi Rừng được nghe Lời Chúa bằng ngôn ngữ của mình. Lạy Chúa, hôm nay là Lễ Ngũ Tuần trên miền đất Xê-đăng, vì người Xê-đăng đểàu nghe họ dùng tiếng nói Xê-đăng "mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa" ( Cv 2, 11 ).

Ngày 4.10.1997

Bốn đôi hôn phối từ nhiều thôn làng khác nhau miền đất Xê-đăng đi từ hàng 40 cây số. Ngay cả các làng phải đi hàng 100 cây số về Nhà Thờ Chính Tòa Kontum dọn mình và làm phép hôn phối. Họ đem cơm theo và ngủ không mùng không chiếu. Lạy Chúa, tiếp đón những kẻ không nhà không cửa là đón tiếp Chúa, nhưng con lấy gì mà đón Chúa đây ?

Ngày 5.10.1997

Rửa tội cho 24 em bé thuộc nhiều thôn làng khác nhau, gồm 10 nam và 14 nữ. Ða số các bà mẹ trẻ và các em khôi ngô tuấn tú dễ thương. Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa của lễ đầu mùa là 24 công dân Nước Trời này trong đầu đời mục tử miền Xê-đăng của con.

Ngày 8.10.1997

Lần đầu tiên tôi làm phép cưới cho 3 đôi hôn phối. Nghi lễ hôn phối bằng thổ ngữ Xê-đăng. Sau Thánh Lễ, họ vào cám ơn với hơn chục trứng và 4 trái chuối. Lạy Chúa, con rất vui mừng nói tiếng Xê-đăng trong lễ nghi hôn phốí này.

Ngày 18.10.1997

Một chiều thứ bảy bận rộn. Một dám anh em Xê-đăng gồm 10 từ Dak Roxa tới để yểm trợ lo hôn phối cho Mikel Tôni và Maria Tip. Trong thư giới thiệu, Iao phu chỉ nói đơn sơ: "tam tro pơkong'' ( chưa giải quyết được ). Vừa nhìn đã thấy Tô-ni bị cụt đi một đốt ngón tay còn đang băng bó. Anh chàng ngang tàng, không sợ gì kể cả lệ làng. Chàng không nhận lỗi chịu phạt mà còn tự chặt ngón tay, lấy máu hòa trên gạo, rồi hốt quẳng trên đầu các cụ già làng. Khi biết được ý của lá thư, Tô-ni đã cầm lấy bức thư xé nát. Lạy Chúa, chàng Tô-ni này có tin Chúa không vậy nhỉ. Con không ngờ người con của Núi Rừng mà lại có những thái độ như vậy và con phải làm sao dây. Xin dạy cho con biết phải làm gì.

Ngày 19.10.1997

15 giờ 30 trời hãy còn nắng gắt. Trên nẻo đường Dak Kla vắng lặng tôi gặp một đôi vợ chồng sắc tộc Rơngao lầm lủi về làng. Vợ đi trước, chồng đi sau. Bất chợt, tôi nhìn thấy tay ông nắm cỗ tràng hạt, miệng nhẩm lời kinh. Tiếng chim đâu đó vẫn ríu rít. Gió ngàn vẫn lay nhẹ cành cây. Và chiều vẫn buông dần xuống. Lạy Chúa, Chúa đã không tỏ cho người khôn ngoan biết, mà đã tỏ ra cho những kẻ hèn mọn...

Ngày 21.10.1997

Giấy Bổ Nhiệm: ''Cha Si-môn thân mến, Tôi bổ nhiệmcha đặc trách mục vụ các Dân Tộc Xê-đăng, Jeh, Halăng… thuộc 4 huyện: Dak Hà, Dak Tô, Ngọc Hồi, Dak Glei ( 11 xã ). Xin cha tận tình chăm sóc việc mục vụ cho các Dân Tộc nói trên với tính cách Cha Sở của Giáo Xứ đối nhân..." Giấy bổ nhiệm này có hiệu lực kể từ ngày ký. Làm tại Kontum ngày 21.10.1997, Phê-rô Trần Thanh Chung, Giám Mục Gíao Phâïn Kontum. Con xin hát vang lời ca: Ðức Gia-vê là mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì tôi không còn e sợ nỗi gì ''.

Ngày 22.10.1997

Tõi đã dịch xong các Chúa Nhật Mùa Vọng năm C và trình lên Ðức Giám Mục. Sau 105 năm truyền giáo cho anh em giáo hữu, Miền Xê-đăng sẽ được nghe Lời Chúa bằng ngôn ngữ của mình vào đầu năm phụng vụ này. Lạy Chúa, bây giờ hết những ai kêu cầu danh Ðức Chúa, sẽ được Ơn Cứu Ðộ ( Cv 2,21 ) - Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.

Ngày 24.10.1997

6g00 sáng tinh sương, tôi tiến về Kon Jơdreh, dựÏ làm phép Nhà Thờ mới do cha Gio-a-kim Nên xây cất cho anh em miền dân tộc Bahnar. Ngôi Nhà Thờ nằm trên một ngọn đồi thoai thoải. Ðằng sau nhấp nhô những ngọn núi nối tiếp nhau trong sương mờ như những bức tranh thủy mạc. Ngọn núi cao sau Nhà Thờ, mây mù bao phủ như ngọn Xi-nai thuở nào của Giao Ước cũ. Hôm nay trên ngọn đồi này đang thể hiện Giao Ước mới do Ðức Giám Mục Giáo Phận chủ tế: Người đã đến và ở giữa dân Người, giữa những người con của Núi Rừng. Mặt trời lên óng ánh tơ vàng. Tiếng hát vang lên giữa Núi Rừng. Tiếng chim như ríu rít. Gió ngàn như ru êm. Thánh Lễ tan. Hàng ngàn anh em ra về, hân hoan vui cười vì sau 22 năm, họ mới có lại ngôi Nhà Thờ. Lạy Chúa, Chúa là Mặt Trời chiếu soi cho kẻ lành người dữ, cho người đồng bằng cũng như người trên núi trên non. Con xưng tụng Chúa là Ðức Chúa và là Cha con.

Ngày 26.10.1997

Trong Thánh Lễ đồng tế Chúa Nhật trước cộng đoàn giáo dân Bahnar tại Nhà Thờ Chính Tòa Kontum, ÐGM công bố sứ vụ của tôi nơi miền Xê-đăng. Lạy Chúa, Chúa đã phán: "Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì" Nhưng đây lại quá ít vì chỉ có mình con. Bao giờ có bông lúa chín vàng để con dâng Chúa !

Ngày 1.11.1997

Sáng nay Thánh Lễ đồng tế với Ðức Giám Mục tại Nhà Thờ Chính Tòa mừng Chư Thánh. Hàng ngàn tiếng vang ca, rập ràng, thanh thoát của bài ca nhập lễ làm tôi cứ ngỡ như mình đang tiến bước vào chốn thiên cung sương nhẹ rơi và tan dần. Và Bình Minh tỏ rạng. Lạy Chúa, giữa Núi Rừng mênh mông, con xin hiệp lời cùng anh em các dân tộc ca khen Chúa.

Ngày 2.11.1997

Sau Thánh Lễ Chúa Nhật cầu cho Các Ðẳng, tôi đã rửa tội cho 38 em bé thuộc các sắc tộc Jơlơng, Bahnar, Rơngao. Những công dân mới của Nước Trời. Ða số là những người mẹ trẻ, mặt sáng sủa, ăn mặc sạch sẽ. Lạy Chúa, cách đây 60 năm, con cũng được sinh ra như các em bé trong khoảng không gian trầm lặng này. Nhưng Chúa đã gọi con.

Ngày 13.11.1997

Thiên Chúa đã cho tôi sinh ra trong một thôn làng bé nhỏ, tên gọi là Kon Hring, miền dân tộc Xê-đăng vào chính ngày này. Sáng hôm nay, tôi trở lại Quê Hương với hai chị của tôi. Trời thanh gió mát. Thôn làng đã tan nát vì chiến tranh. Cỏ mọc um tùm. Ngôi Nhà Thờ nơi tôi được thanh tẩy, nay chỉ còn mấy tản đá chân cột. Cây xoài quéo gần nơi tôi sinh ra hãy còn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Thiếu thời, tôi hay chạy đến gốc xoài, lượm những quả chín rụng thơm ngọt. Chỉ còn mỗi cây xoài này và những dãy núi chập chùng bao quanh cùng với bầu trời bao la là chứng tích cho cuộc đời tôi. Tôi và hai chị đứng trên nền Nhà Thờ cùng đọc vài lời kinh tạ ơn.

Lần theo con dốc chạy dài tận đáy thung lũng, tôi muốn nhìn lại giọt nước ( Máng tre hứng mạch nước chảy ra ) trong lành, tuôn chảy ngày đêm. Chính giọt nước này đã rửa tôi để tôi được nên con Thiên Chúa. Một lần nữa, tôi cúi đầu vào giòng nước tuôn trào này. Giọt nước bên cạnh, mấy em bé đang tắm, tung tăng vui đùa như chính tôi lúc còn nhỏ. Ðúng ngọ, ánh nắng chan hòa. Tôi và hai chị ngồi ăn trưa tại chính nơi tôi đã sinh ra.

Ngày này năm ấy, chắc chắn ba mẹ tôi cùng cả bà con thân thuộc đều vui mừng vì tôi là đứa con trai đầu lòng trong gia đình. Chiều buông dần xuống âm u và huyền bí. Vài tiếng chim ão não gọi đàn. Chúng tôi về lại Kontum. Tôi bước vào nhà. Hôn mẹ già. Người mẹ 87 tuổi, đã lẩn mà hãy còn nhận ra tôi là đứa con của mẹ. Ðôi môi mẹ không còn nở nụ cười. Ðôi mắt không còn tinh ranh thần sắc. Mẹ từ từ cầm lấy bàn tay tôi. Mẹ nâng lên và hôn lấy. Lạy Chúa, Chúa ớ với con, ở bên con qua hình ảnh và đời sống người mẹ của con. Chỉ có Chúa và người mẹ là luôn thương yêu con và không bao giờ chê bai con. Lạy Thiên Chúa của con, con tạ ơn Ngài hôm nay và mãi mãi.

Ngày 28.11.1997

Trong tuần tĩnh tâm tại Tòa Giám Mục. Chúng tôi đi viếng Nghĩa Trang các Linh Mục đã chết trong Giáo Phận. Nơi an nghỉ là một khu đồi lộng gió. Những ngôi mộ nằm yên như bất động mà sao như còn lên tiếng ! Tôi nghĩ thế là vì nhiều thôn làng anh em dân tộc tọa lạc nơi đìu hiu hút gió, không một vết chân truyền giáo mà họ lại quyết tâm tầm đạo và muốn làm con cái Chúa. Vài nén hương tỏa khói của những kẻ đi sau tiếp nối bước chân của những người đi trước ! Hương khói tản vào không trung hòa với bao lời kinh nguyện trầm lắng bay đến những thôn làng xa xôi nào đó !

Lạy Chúa, kẻ gieo người gặt. Gieo trong nườc mắt, gặt trong vui cười và lạy Chúa, giờ đây lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại quá ít.

Ngày 4.12.1997

Chuyến thăm mục vụ đầu tiên trên miền Xê-đăng, thôn Kon Dâu Yôp. 30 cây số con đường cái quan. Tôi rẽ vào lối hẻm đường mòn. Vượt bao sườn đồi chênh chếch bên sông. Con sông có khúc hiền hòa. Có khúc gầm thét qua thác qua ghềnh. Vài cây cầu khỉ. Hai thân cây bắt ngang hố sâu. Vài con dốc như chạm vào mũi. Và con đường mòn bị con sông cắt đứt. Một chiếc sỏng mong manh. Như chiếc lá bồng bềnh trên mặt nước. Vài người dân làng đang chờ đón. Giòng nước xanh dờn như bảo rằng dưới đó có âm phủ. Hai ven sông Cây cao sừng sững đầy bí ẩn của rừng xanh. Qua đò, bên kia bờ, hàng chục em bé đứng đón tũm tĩm cười. Tôi chợt như nhớ lại bài "Nụ cười sơn cước"... Lại còn phải leo một cây số sườn núi. Ngôi làng nằm trên một khoảng đầt rộng giữa sườn. Hôâm nay, mọi người nam phu lão ấu đều ở nhà đón vị chủ chăn.

Lạy Chúa, hễ con vào nhà nào, con chúc bình an cho nhà nấy như Chúa đã phán xưa...

Lm. Si-môn PHAN VĂN BÌNH, Giáo Phận Kontum ( còn tiếp nhiều kỳ )