TIN MỪNG:
Lc 15, 11 – 32
Khi
ấy, Ðức Giê-su nói: Một người kia có hai con
trai. Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài
sản con được hưởng." Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày
sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta
sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy
một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,
nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta
ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy
bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao
nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây
lại chết đói ! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người:
"Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi
là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy."
Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa,
thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh
ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con
thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha
nữa ..." Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp
nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân
cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn
mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm
thấy." Và họ bắt đầu ăn mừng.
Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về
gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người
đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: "Em cậu đã
về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh
khoẻ." Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha
cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con
hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho
lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con
của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay
trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !"
Nhưng người cha nói với anh ta: "Con à, lúc nào con cũng ở với
cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn
mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà
nay lại tìm thấy".
SUY NIỆM 1:
MÀU
TÍM BUỒN VỚI NGƯỜI CON THỨ
Ðọc đoạn Tin Mừng hôm nay, tôi thấy man mác một
màu tím buồn với người con thứ.
Người con thứ đòi Cha chia gia tài rồi bỏ đi vô tình, rời khỏi
ngôi nhà, nơi mình sinh ra, nơi mình được nuôi dưỡng và lớn lên. Anh ta
đã phá đi truyền thống gia đình. Trẩy đi miền xa, người thanh niên này
mang nỗi khát khao mãnh liệt là ra khỏi luỹ tre làng, muốn nhìn xem
thế giới mới lạ bên ngoài, thích miền xa hơn là gần gũi quê nhà.
Người con thứ bỏ nhà ra đi với tiền bạc và kiêu
ngạo, quyết sống riêng khỏi gia đình và cộng đoàn. Khi trở về chẳng
còn gì: Tiền bạc, sức khoẻ, danh giá, lòng tự trọng, sự hối hận…
mọi thứ đã bị tiêu xài hoang phí. Anh ta đã mất bạn bè, mất niềm vui
bình an nội tâm, chỉ còn lại một điều duy nhất là "đứa con nhỏ
của cha nó". Ở đời, người ta thường vinh quy bái tổ khi công
thành danh toại, còn người con thứ khi trở về thì thân tàn ma dại,
hai bàn tay trắng.
Ðộng lực nào đã khiến nó trở về ? Thánh Lu-ca
viết rõ: "Hồi tâm lại, nó nói: biết bao người làm công cho Cha
tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây ! Thôi
dậy, tôi sẽ về cùng Cha tôi". Như vậy động lực nó trở về là
đói, vì miếng ăn. Trước khi bị đói chắc chắn nó không bao giờ nhớ
đến Cha, không bao giờ sám hối vì bỏ Cha ra đi, không thấy băn khoăn
hồi tâm về mái ấm gia đình, nơi còn có Cha già chẳng biết đau yếu ra
sao, không thấy tiếc nuối vì phá tan cả sự nghiệp của Cha. Khi bị cơn
đói hành hạ, phải đi chăn heo, nó mới băn khoăn tìm đường về. Cái
hồi tâm, cái băn khoăn của nó làø làm sao để được ăn.Nó dự tính
nói với Cha là nó trót phạm lỗi nghịch với trời, nó không còn đáng
gọi là con, nó chỉ xin được đối xử như người làm công. Ðó là một
cuộc trở về trọn vẹn hay sao ? Ðó là cuộc lên đường được thúc đẩy
bởi lòng sám hối hay sao ? Sự thống hối của nó chỉ là vị kỷ nhằm
khả năng có thể sống sót thôi.
Nếu người con thứ thành công xây dựng cơ nghiệp,
có lẽ sẽ không hiểu được tình Cha. Vì nếm mùi thất bại chua chát
của cuộc đời nên nó lên đường trở về. Nó không đủ can đảm đi làm
người ăn xin,không đủ liều mạng để đi trộm cướp, không dám đánh
đổi cả cuộc đời để gây tiếng xấu, nó sống bằng nghề lương thiện
là đi chăn heo, sống bằng sức lao động của mình. Từ kinh nghiệm của vực
thẳm này nó mới hiểu được mặt trái cuộc đời, đó không là chốn
nương thân cho kẻ nghèo khổ, không là chỗ hạnh phúc cho kẻ khố rách
áo ôm, không là chỗ cho kẻ cô thân cô thế. Vì vậy chỉ còn một con
đường duy nhất là trở về xin tha thứ và làm công cho Cha để có cơm
ăn áo mặc.
Tất cả ý nghĩa của cuộc trở về được diễn tả
cách cô đọng trong những lời "Cha ơi... con không đáng gọi là con
Cha nữa".
Giu-đa đã phản
bội Chúa Giê-su, Phê-rô đã chối Chúa. Cả hai đều đánh mất tình con
cái. Giu-đa không còn tiếp tục tin tưởng mình vẫn là con Chúa, không
tin vào lòng tha thứ của Chúa nên đã đi thắt cổ tự vẫn.Còn Phê-rô
khi ở giữ sự tuyệt vọng đã muốn nối lại tình Cha con với những
giòng nước mắt thống hối. Giu-đa chọn cái chết. Phê-rô chọn sự
sống.
Ðọc câu chuyện, thấy sự trở về của người con
thứ không phải là mẫu mực. Sự trở về lý tưởng phải là sự trở về
của lòng sám hối với tình yêu tha thiết. Nhưng trong thức tế cuộc
sống, khi ngồi Toà Giải Tội có nhiều hối nhân sau 5 năm, 10 năm
thậm chí đến 20 năm, 30 năm mới trở về cùng Chúa. Mỗi người mỗi
hoàn cảnh khác nhau. Những bầm dập của của cuộc đời, những gian
truân vất vả, những thất bại chua chát… đã cho họ rút kinh nghiệm
là cần trở về với Chúa, nguồn mạch của bình an nội tâm, của niềm
vui và hạnh phúc. Chính Chúa đã yêu thương, đã tác động và một khi
nào đó như Chúa muốn họ trở về cùng Ngài. Như thế họ đã chọn lấy
sự sống.
"Ngồi Toà" với những người như thế, tôi càng
thấm thía hơn dụ ngôn "Ðứa Con Hoang Ðàng"
Anh Piere Marie người sáng lập Huynh Ðoàn
Giê-ru-sa-lem, một cộng đoàn các tu sĩ sống trong thành phố, đã suy
niệm về Chúa Giê-su như người con hoang đàng theo Phúc Ââm một cách
thú vị. Xin trích dẫn tác phẩm "Người Cha Nhân Hậu" của Henri J. M.
Nouwen, trong đó có một đoạn anh Pierre Marie đã viết:
"Ðức Giê-su được sinh ra không bởi dòng dõi, ước
muốn hay ý chí của con người, nhưng bởi chính Thiên Chúa. Một ngày
kia, Ngài đã để mọi sự dưới chân Người và ra đi với gia sản của
Ngài, là tước hiệu làm Con Thiên Chúa của Ngài…
Với giá chuộc tất cả, Ngài đã ra đi tới miền xa... miền đất
rất xa... nơi mà Ngài đã trở thành như con người và đã làm trống rỗng
chính mình. Chính dân của Ngài cũng không nhận biết Ngài và cái
giường đầu tiên của Ngài là một nệm rơm. Giống như một cây đâm rễ
nơi đất khô cằn, Ngài trưởng thành trước chúng ta, đã bị khinh bỉ là
hạng thấp nhất trong con người. Chẳng bao lâu Ngài đã nếm sự lưu
đày, sự chống đối, sự cô độc... sau khi đã cho đi mọi thứ trong đời
sống cách rộng rãi, của cải, bình an, ánh sáng, sự thật, chính đời
sống của Ngài... mọi kho tàng hiểu biết, khôn ngoan và mầu nhiệm đã
được giữ kín từ muôn đời.
Sau khi đã hạ mình xuống ở giữa những con cái hư mất của nhà
Ít-ra-en, Ngài đã phung phí thời giờ của Ngài với những người đau ốm
tật nguyền, với những người tội lỗi, ngay cả với những gái điếm,
Ngài cũng hứa cho họ vào Nước của Cha Ngài; sau khi đã bị đối xử như
một tên tham ăn, như một bợm nhậu, như một người bạn của bọn thu
thuế và tội lỗi, như một người Sa-ma-ri-a, một người bị quỷ ám, một
kẻ phạm thượng; sau khi đã hiến dâng tất cả mọi sự, ngay cả thân
xác và máu Ngài; và khi linh hồn Ngài cảm thấy một nỗi buồn sâu
xa, hấp hối, phiền sầu; sau khi đã đi tới đáy của sự tuyệt vọng,
Ngài muốn mặc lấy nơi mình sự bị bỏ rơi bởi Cha, lìa xa ngưồn Nước
Hằng Sống, Ngài đã kêu lên từ Thánh Giá nơi Ngài bị đóng đinh: "Ta
khát". Ngài đã yên nghỉ trong bụi đất và bóng đêm sự chết. Ba ngày
sau Ngài Phục Sinh, chỗi dậy từ chiều sâu ngục tối nơi Ngài đã
xuống, Ngài đã mang lấy tội lỗi của chúng ta, Ngài đã gánh hết
những đau thương của chúng ta. Ðứng thẳng, Ngài kêu lên: "Phải, Ta
lên Trời với Cha Ta cũng là Cha của con, là Thiên Chúa Ta cũng là
Thiên Chúa các con". Và Ngài đã trở lại Thiên Ðàng...
Trong sự thinh lặng chiêm ngắm tất cả con cái
trong Người Con từ khi Người Con trở thành tất cả cho mọi người,
Người Cha nói với các tôi tớ: "Nhanh lên, hãy mang áo đẹp nhất mặc
cho cậu, hãy xỏ nhẫn vào tay cậu, giày vào chân cậu. Chúng ta hãy
mở tiệc ăn mừng, vì con Ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm
thấy... Người Con Hoang Ðàng của Ta đã mang tất cả mọi ngươì trở
về..."
Và tất cả bọn họ bắt đầu dự tiệc, mang trên
mình chiếc áo trắng dài đã được giặt sạch trong máu của Con
Chiên..."
Lm. NGUYỄN HỮU AN ( Phan Thiết )
SUY NIỆM 2:
1. THIÊN CHÚA LÀ NGƯỜI CHA ÐẦY TÌNH
THƯƠNG, SẴN SÀNG THÔNG CẢM VÀ THA THỨ CHO CON CÁI TẤT CẢ MỌI LỖI
LẦM
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức
Giê-su dùng một hình ảnh, một câu chuyện cụ thể để mô tả chân dung
của Thiên Chúa, vừa là Cha chung của toàn thể nhân loại, vừa là Cha
của mỗi người chúng ta. Trong chân dung ấy, có hai đặc tính nổi bật: tình
thương vô hạn và sự tha thứ vô điều kiện.
a. Tình thương vô hạn
của Thiên Chúa:
Thiên Chúa được Ðức Giê-su
mạc khải là một người Cha (
chắc hẳn nếu phải nói về Thiên Chúa trong một nền văn hóa mẫu hệ
thì Ngài sẽ mạc khải Thiên Chúa là một
người Mẹ ). Cha mẹ nào mà chẳng thương yêu con cái bằng một tình
thương tự nhiên, vô điều kiện, nghĩa là bất chấp con cái tốt xấu,
hay dở, có lợi hay gây hại cho mình, bất chấp cả việc chúng đối xử
tệ bạc với mình tới đâu. Tình thương đích thực luôn luôn tự động
biểu lộ thành hành động. Bản chất của tình thương là như thế, nếu
không như thế thì không phải là tình thương đích thực. Tình thương không
biểu lộ thành hành động chỉ là tình thương ngoài môi miệng ( x. Gc 2,
16.26 ).
Và hai cách biểu lộ rõ rệt
nhất của tình thương là:
§ Sự tha thứ vô điều kiện,
§ Sẵn sàng chấp nhận đau khổ
hoặc chết cho người mình yêu thương.
Tình yêu của Thiên Chúa đối
với con người đã được biểu lộ qua cả hai cách ấy nơi con người Ðức
Ki-tô: "Ðức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn
là người tội lỗi. Ðó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương
chúng ta" ( Rm 5, 7 ).
b. Sự tha thứ vô
điều kiện của Thiên Chúa:
Trong dụ ngôn bài Tin Mừng
hôm nay, người con hoang đàng đã đối xử thật tệ bạc với cha, đã rời
bỏ cha mẹ mình để đi hoang, không còn biết nghĩ đến nỗi cô đơn, thương
nhớ và đau khổ của cha mẹ khi mình bỏ đi, lại còn tiêu tán hết gia
sản cha mẹ dành cho mình. Thế mà khi đứa con bội bạc ấy trở về,
thái độ của người cha là: khi "anh
ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương,
chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để" và ngay tức khắc ra lệnh cho các đầy tớ: "Mau đem
áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào
chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc
ăn mừng !
Ông làm như đứa con ấy chưa
hề phạm một lỗi nhỏ nào đối với mình. Tội lỗi của đứa con hết sức
to lớn nhưng ông làm như không nhìn thấy, chỉ nhìn thấy nó đã trở lại
với mình, như thể nó "đã chết
mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy". Tình thương, lòng tha thứ và quảng đại chỉ có thể
biểu lộ đến thế là cùng.
Chúng ta đã từng nghe nói có
biết bao cha mẹ đã đến thăm nuôi đứa con tệ bạc và bất hiếu với
mình hiện đang bị tù đày, bất chấp xa xôi, hiểm nguy hay trước đó nó
đã làm phiền lòng mình tới đâu. Cho dù cha mẹ đó có là phường xấu
xa trộm cướp, cũng vẫn có thể đối xử tốt với đứa con tệ bạc
của mình như vậy. Có thế mới là bậc cha mẹ ! Có nghĩ như thế, ta mới
thấy được ý nghĩa vô cùng sâu xa khi Ðức Giê-su mạc khải cho ta biết
Thiên Chúa là Cha Mẹ của chúng ta. Tình thương đầy khiếm khuyết của
cha mẹ trần gian còn như thế, huống gì tình thương hoàn hảo của Thiên
Chúa ! Ngài đã được thánh Gio-an định nghĩa là Tình Thương ( x. 1 Ga 4, 7
– 8 ), một tình thương vô hạn của bản tính Thiên Chúa, nên sự tha thứ
của Ngài cũng vô hạn. Ðây quả là một thông tin hết sức vui mừng
và vô cùng quí báu cho tất cả mọi con người, vốn yếu đuối và đầy
lầm lỗi !
2. HÃY TIN TƯỞNG VÀO TÌNH THƯƠNG VÀ SỰ THA
THỨ VÔ BỜ BẾN CỦA THIÊN CHÚA
Ðộng lực nào đã làm cho đứa
con quay trở về nhà mình ? Chắc chắn không phải vì thương cha mình, mà
vì sự khốn khổ nó đang phải chịu do sự ngu xuẩn và bất hiếu của nó.
Tóm lại, nó về là vì nó thương bản thân nó hơn là thương cha. Chắc
chắn khi thấy nó trở về với «thân tàn ma dại», cha nó cũng biết nó
về vì động lực gì. Nhưng đối với ông, điều ấy không quan trọng. Ðiều
quan trọng là nó đã trở về, vì nó tưởng như "đã chết mà nay sống lại, đã mất mà
nay lại tìm thấy". Ðộng
lực khiến người cha tha thứ và vui mừng đón nhận nó trở về hoàn
toàn vì yêu thương con, vì muốn cho nó hạnh phúc, bất chấp quá khứ
lầm lỗi của nó.
Ðó cũng chính là tâm tình
của Thiên Chúa đối với những người con tội lỗi. Chỉ cần người tội
lỗi quay trở về với Thiên Chúa và nói lên lời hối hận: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và
với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa...", thì lập tức trước mặt Thiên Chúa, họ trở thành
người vô tội, trở thành con cái trong nhà, được yêu thương, bảo vệ,
được hưởng mọi quyền lợi của một người con y như trước. Vì thế, dù
ta có phạm một tội tầy đình, nếu ta biết trở về với Chúa, Ngài sẽ
tha thứ tất cả, và coi ta như con cái hiếu thảo trong nhà.
Mẹ Giáo Hội của chúng ta đã
từng có những hành vi như thế. Chẳng hạn, Augustino, một thanh niên
đã từng sống trụy lạc, ăn chơi, và có những đứa con rơi rớt không
kém gì đứa con hoang đàng trong Tin Mừng. Thế mà khi trở về với Giáo
Hội, Giáo Hội đã mở rộng vòng tay đón nhận. Sự đón nhận trở nên
hoàn toàn khi Giáo Hội chấp nhận chàng vào tu viện, và khi thấy chàng
xứng đáng, đã phong chức Giám Mục cho chàng. Nhờ sự tha thứ quảng
đại ấy của Giáo Hội, Augustino đã trở nên một vị thánh. Giáo Hội
xưa là như thế, Giáo Hội ngày nay thì sao ?
Thiết tưởng Giáo Hội không
nên quá chú trọng đến vấn đề lý lịch hay quá khứ của những người
muốn trở về với Thiên Chúa và với Giáo Hội. Chúng ta không nên
lấy cớ khôn ngoan để hành xử giống như những thế lực trần gian. Ðức
Giê-su đã trao cho Giáo Hội quyền tha
và buộc ( x. Mt 16,19; 18,18 ), thiết tưởng Giáo Hội nên tha nhiều hơn là buộc, nên có
thái độ của bậc cha mẹ yêu thương con cái hơn là thái độ của các
quan tòa. Các bậc làm cha mẹ cũng cần có thái độ quảng đại như thế
đối với những đứa con hư hỏng. Ðọc Tin Mừng, tôi chỉ thấy Ðức Giê-su
kết án có một loại người duy nhất là bọn kinh sư và biệt phái giả
hình hoặc các ngôn sứ giả mà thôi !
Người con hoang đàng sẽ không
dám quay trở về khi đoán rằng cha mẹ mình sẽ không tha thứ, sẽ ruồng
rẫy nó khi nó trở về. Nếu biết như thế thì trở về làm gì ? Vì thế, nếu
cha mẹ vẫn luôn luôn tỏ thái độ yêu thương chăm sóc khi chúng bất hiếu
và tệ bạc với mình, thì sẽ khiến chúng trở về với đường ngay nẻo chính
hơn là thái độ bỏ rơi, ruồng rẫy chúng. Thái độ kết án, ruồng rẫy chỉ
làm cho con cái xa lìa và chống lại cha mẹ mà thôi. Lịch sử Giáo Hội
cũng như chuyện đời thường chứng minh điều ấy.
Dụ ngôn người cha và đứa con
hoang đàng của Ðức Giê-su là một bài học cho nhiều loại người:
không chỉ cho những người tội lỗi cần quay trở về, mà còn đề nghị
với các bậc làm cha mẹ và với cả những người tốt lành ở trong
Giáo Hội cách đối xử với những người con hay anh em đang sống trong
lầm lạc tội lỗi. Không nên có thái độ như người anh kém quảng đại
trong bài Tin Mừng chỉ biết ganh tị với em, mà không hề tỏ một tâm
tình yêu thương gì với cha và với em cả.
CẦU NGUYỆN:
Lạy
Cha, Ðức Giê-su đã cho con thấy khuôn mặt đầy tình thương và giàu
lòng tha thứ của Cha qua dụ ngôn người cha nhân hậu và đứa con hoang
đàng. Xin cho con luôn ý thức tình yêu thương ấy của Cha để sẵn sàng
quay trở về với Cha ngay khi lầm lỗi, đồng thời cũng luôn luôn bắt
chước Cha trong việc quảng đại tha thứ vô điều kiện cho con cái, cũng
như cho tất cả mọi người có lỗi đối với con. Amen.
Giu-se NGUYỄN CHÍNH KẾT
Lời mẹ:
Có mẹ bên con mỗi phút nguyện cầu
Dâng Mẹ hiền, Mẹ tinh sạch vẹn tuyền
Dâng Mẹ hiền áo trắng ủ bình yên
Cùng dâng cả lòng con đang sóng gió
Tia mắt buồn dào dạt những thương yêu
Với nụ cười êm tựa nắng ban chiều
Ðang sưởi ấm những buồng tim lạnh cóng
..........................................
Ðã quay cuồng và mất hết tin yêu
Ðã trôi dần vào thung lũng hoang liêu
Của bóng tối tử thần đang chờ đón
Bao vốn đời đốt một chuyến mà thôi
Cho thật đảo điên cay đắng men đời
Cho tan nát hình hài và thân thế
Dõi trông theo từng dấu vết con đi
Ðừng nói với con bác ái từ bi
Vì đời sống, với con, là cõi chết
Chết đi phải là tan nát hình hài
Linh hồn… chẳng qua tiếng gọi mỉa mai
Con khờ khạo đã tin và tưởng có
Trong tay ai, dù Thượng Ðế nhân từ
Thôi mặc con đi vào chốn ngục tù
Cho rách nát, cuộc đời từng rách nát
Cho vơi bao sầu hận chứa trong lòng
Con cúi đầu, thấy con khổ vô song
Nên oán trách rồi giận hờn Thiên Chúa
Sao lại sinh con lạc lõng đau thương
Sao để đời con héo hắt chán chường
Sao không nói con nghe lời thứ tội
Của tủi hờn nhầy nhụa đến kinh hoàng
Con vẫn thiết tha và vẫn trông mong
Ngày nào đó con tìm ra nghĩa sống
Con trông mong dù rất muốn hỗn hào
Con lắc đầu nhưng con biết xuyến xao
Khi dấu chứng Cha ban vừa xuất hiện.
Nước mắt nầy cùng với những thương đau
Những cơn mơ thổn thức, những u sầu
Ðể đổi lấy lời Cha đầy dịu ngọt
Hoa tình thương vây bọc ở quanh con
Những lo âu những tiếc nuối mỏi mòn
Con quên hết mỉm nụ cười thơ dại
Nhánh nho mang chùm quả rất ngon lành
Con muốn là nho chín mọng chân thành
Ðể làm rượu say sưa người dưới thế
Con dõi tìm và con muốn nghe theo
Giọng nói Cha hiền, tiếng gọi tình yêu
Mà im vắng, con nhìn quanh hãi sợ…
Ðừng dại khờ tìm kiếm tận đâu đâu
Hãy quay về nghe tận chốn thâm sâu
Lòng con đó, đền thờ Thiên Chúa ngự"
Cho con niềm hoan lạc lớn vô bờ
Con nhìn quanh
gặp ánh mắt mong chờ
Ánh mắt ngọt rất êm đềm âu yếm
Trong phút giây trọn vẹn đáy hồn con
Con ngất ngây vì sóng mắt no tròn
Cho con đủ những gì con ao ước
Sự trắng trong không có ở đời nầy
Mẹ là hoa hồng trinh bạch trên cây
Con là cỏ ngước nhìn lên ngưỡng vọng
Ôi đời con… giờ tìm ra ý
sống !
Trích tập thơ "CON ÐƯỜNG CHÚA DẪN TÔI ÐI"
PHẠM THỊ THÁI QUÝ,
Couvent des oiseaux, Ðà lạt, ngày 25.11.69
CHỨNG TỪ:
Tôi bước vào đời với một giấy thế vì
khai sinh bằng tiếng Pháp, trong đó có ghi "fils de parents inconnus":
con của cha mẹ vô danh. Lần đầu tiên tôi biết họ tên mình đúng
như được ghi trong khai sinh là khi tôi đọc danh sách học sinh thi vào
trung học. Trước đó, người ta gọi tôi là A-Ki. Ðến bây giờ tôi
không biết vì sao tôi có cái tên đó, phải chăng vì vào thời ấy,
người ta có thói quen đặt tên chó là Ki, hay vì không biết tôi xuất
xứ từ đâu nên hỏi là "À Qui ?"
Tôi tôi lớn lên trong vòng tay của các chị Dòng
Nữ Tử Bác Ái và các cha Thừa Sai Dòng Thánh Vincent de Paul. Các cha
mẹ nuôi của chúng tôi yêu thương những trẻ mồ côi với một tình
thương vô vị lợi đến độ tôi thấy mình hụt hẫng, bởi lẽ suốt tuổi
thơ, chúng tôi không nhận được một tình yêu ‘bình thường’ nào như bao
nhiêu bạn bè cùng lớp cùng trường. Thế nên khi tôi 17 tuổi, tôi đã
bắt đầu nổi loạn và làm tất cả mọi sự ngược lại với tất cả mong
ước của mọi người.
Hết trung học, tôi đi vào cuộc đời trong tình
trạng tứ cố vô thân. Tôi thi vào Ðại Học Sư Phạm khoa Pháp Văn vì
đó là nơi để tôi có thể trốn đi lính, được hưởng học bổng, mà lại
khỏi phải học hành gì cả, vì tôi vốn là một học sinh từng đứng
nhất lớp về môn Pháp Văn khi còn ở Yersin, một trường trung học
công lập Pháp ở Ðà Lạt.
Tóm lại, từ năm 18 tuổi, tôi không thấy được
những ân huệ mình đã được nhận, mà chỉ oán trách cuộc đời vì mình
luôn ở vị thế thua thiệt so với những người chung quanh. Tình yêu
thương của Thiên Chúa mà các cha mẹ nuôi tôi đã dạy bỗng trở nên
một lưỡi đòng đâm vào tự ái của tôi và là một cái cớ để tôi
chống lại Người. Tôi không thể chấp nhận một người Cha ‘toàn năng
và yêu thương vô cùng’ lại đối xử với tôi một cách bất công như
thế, và tôi oán hận Người. Tôi ngang nhiên lăn vào đời sống tội
lỗi một phần vì buồn chán và một phần như một hành động thách thức
Thiên Chúa.
Có lẽ các bạn không cần tôi phải kể lại những
tội lỗi tôi đã phạm. Các bạn chỉ cần biết rằng trong 10 giới răn,
tôi không chừa một giới răn nào. May ra là điều răn thứ năm: chớ
giết người. Mà tôi cũng không chắc nữa: có thể tôi cũng đã vô
tình giết đi một mạng sống mà tôi từng đặt vào lòng một cô gái
nào đó từng liên hệ với tôi... Càng lao vào tội lỗi, tôi càng
thấy mình kiệt quệ vừa thể xác về tinh thần, rồi đối diện với một
lỗ hổng trống rỗng ghê rợn...
Ðể lấp đầy nỗi ám ảnh khủng khiếp này tôi cần
có một người bên cạnh. Tôi lập gia đình như một hành động chạy
trốn, khi đang học năm cuối cùng đại học. Trong 7 cô gái tôi cùng
liên hệ một lúc, tôi chọn người mà mình chỉ mới quen được hai tháng.
Cô ấy là thanh niên gia đình Phật Tử từng đi biểu tình chống ông
Diệm đàn áp Phật giáo. Tôi kết hôn mà không thắc mắc gì đến Bí
Tích Hôn Nhân. Tôi đã tự tách mình ra bên lề Giáo Hội từ lâu
rồi...
Cuộc hôn nhân ấy đưa tôi vào một đêm đen khác.
Thay vì tìm được lối thoát, tôi thấy mình rơi vào một ngục tù ngộp
thở hơn. Vì lớn lên bên cạnh những con người quá vô vị lợi, nên tôi
trở thành một người chỉ biết đòi hỏi mà không bao giờ biết nghĩ đến
hy sinh. Vợ tôi có mang, tôi trả về cho gia đình cô ấy lo mọi sự...
Tôi không hề áy náy, và cũng chẳng thấy trách nhiệm gì.
Rồi tôi ra trường và chọn về Cần Thơ, trong khi
vợ tôi vẫn còn ở Ðà Lạt. Thỉnh thoảng cô ấy xuống ở với tôi một
vài tháng. Tôi chẳng biết thế nào là hạnh phúc, chỉ thấy toàn là
phiền hà... Nhưng tôi quá mệt mỏi nên cũng không hề nghĩ đến chuyện
ly dị. Vợ tôi chắc chắn là bất hạnh, nhưng thuở ấy tôi không bao
giờ thoáng nghĩ trong đầu là tôi đang gây đau khổ cho một người câm
lặng yêu thương mình.
Là một giáo sư, tôi không thể nào sống
xô bồ như thời còn sinh viên. Tôi phải chọn một nơi vui chơi mà vẫn
giữ được ‘tư cách’. Tôi tuyên bố mình là người Công giáo và đến
sinh hoạt trong nhóm sinh viên Công giáo. Vị Tuyên Úy Sinh Viên Công
giáo Cần Thơ lúc bấy giờ là cha Hoàng Ðắc Ánh. Cha là một linh mục
trẻ, vừa lấy xong tiến sĩ thần học và cử nhân Kinh Thánh ở nước
ngoài về, thế nên cha vừa cởi mở vừa sâu sắc. Cha đến Cần Thơ với
dự định thành lập tại đấy một trung tâm cho những trí thức Công giáo
tương lai, như cha Pineau đã thực hiện tại Trung Tâm Phục Hưng, 44 Tú
Xương Sài-gòn, vào thập niên 50.
Ði với bụt thì mặc áo cà sa.
Ði với sinh viên Công giáo thì đọc Sách Thánh. Ngoài những giờ vui
chơi ‘lành mạnh’ tôi cũng dự những buổi chia sẻ Phúc Âm. Tôi cũng
đi dự lễ, cũng rước lễ vì không muốn các bạn thắc mắc, nhưng không
bao giờ xưng tội... Chúa đối với tôi là một trò đùa... Tôi đóng
kịch là người ngoan đạo, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn oán ghét Thiên
Chúa, vì Người đã để cho tôi cù bơ cù bất trong cuộc đời và đặt
nỗi tuyệt vọng trong một cái vỏ đàng hoàng của tôi: dù tôi có lăn
lộn thế nào giữa đám đông, thì nỗi cô đơn của tôi cũng làm tôi
ngộp thở từng giây từng phút. Không ít lần tôi đã nghĩ đến một
phương thức tự tử êm ái.
Cho đến mùa Phục Sinh năm ấy
qua, tôi nghe đọc sự Thương Khó Chúa Giê-su... Khi nghe vị chủ tế đọc
lên: "Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con", tôi bỗng rùng mình. Trong
khoảnh khắc, tôi thấy toàn bộ sự chua chát của Ngài: Ðêm cô đơn ở
Ghết-sê-ma-ni, tù đày, tra tấn, nhạo báng, phỉ nhổ, con đường lên
Núi sọ với thập giá, tiếng
búa, mũi đinh... tất cả. Và tôi cảm thấy Ngài là một người bạn chí
thiết vì Ngài cũng đã bị cô đơn và bất công như tôi, hơn tôi.
Hôm đó là lần đầu tiên tôi về nhà tự ý mở
Phúc Âm ra đọc lại sau mấy năm đọc máy móc với sinh viên. Không
phải tôi đến với Lời Chúa đâu, tôi muốn chỉ đọc lại tiểu sử của
một Người Bạn mà tôi thấy giống mình. Nhưng khi đọc Lu-ca về giây
phút cuối cùng của Giê-su, thì tôi không còn hiểu gì nữa. Lu-ca
viết: "Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha". Tôi không
thể hiểu tại sao một người bị bỏ rơi đến chết như thế mà vẫn còn
tin tưởng và phó thác vào Cha mình.
Tôi đến trao đổi với cha Ánh. Cha lắng nghe thật
lâu mà không nói tiếng nào. Cuối cùng cha đề nghị cùng đọc một
đoạn khác của Lu-ca: đoạn ‘Người con
hoang đàng’. Tôi hiểu ý cha và bảo rằng tôi không muốn xưng tội
đâu, vì tôi không biết phải xưng thế nào... tội của tôi nhiều quá.
Cha Ánh bảo: "Anh cứ nói với Chúa
những gì anh nói với tôi nãy giờ..." Rồi cha quỳ xuống
trước mặt tôi và làm dấu Thánh Giá. Bầu trời như sụp đổ ! Không
còn một linh mục khuyên nhủ một người ‘con hoang đàng’ mà chỉ còn
Thiên Chúa qua đại diện của Ngài đang quỳ cầu xin dưới chân tôi.
Tôi choáng váng. Trước mặt tôi là hình ảnh một Thiên Chúa quỳ
xuống để khẩn cầu tôi, để xin lỗi tôi: xin lỗi vì đã đem tình yêu
vô biên của Người mà xúc phạm đến trái tim ti tiện của tôi.
Không thể nào đứng vững được,
tôi sà xuống bên cha và lắp bắp: "Lạy Cha xin Cha tha tội cho
con..." Tôi chỉ nói được có thế, rồi nghẹn họng... nước mắt cứ chực trào. Lâu thật
lâu, tôi nghe: "cha tha tội
cho con..." và tôi đã oà lên khóc... Kể từ ngày có trí khôn,
không bao giờ tôi khóc, tôi ghét cái sướt mướt của đàn bà, hèn !
Thế mà hôm đó tôi đã oà khóc như một đứa con nít...
và
quả thật, kể từ ngày đó tôi đã trở thành một đứa con nít trong tay
Cha trên Trời, Ðấng đã yêu tôi đến độ cho tôi cái đặc ân bị bỏ rơi
giống như Con Chí Ái của Ngài. Tôi đã chấp nhận lại cuộc đời và
cuộc đời đã chấp nhận tôi. Vâng, tôi là một đứa con hoang đàng trở
về sau 10 năm chống đối, bởi vì tình yêu của Ngài mạnh hơn sự căm
thù của tôi...
Tôi kể lại cuộc đời mình theo lời đề nghị của cha
Uy, một linh mục trẻ DCCT, luôn thao thức gởi những chứng tích của
Tình Yêu của Thiên Chúa đến cho từng người. Tôi viết lại đây theo
đức vâng lời, vì tôi nghĩ đã đến lúc cuộc đời của tôi không còn
thuộc về mình nữa. Sở dĩ tôi kể lại những đêm đen của đời mình, ấy
không phải vì cuộc đời tôi có cái gì đáng nghe hơn cuộc đời một ai
khác, nhưng chỉ để nói lên một điều mà hẳn nhiều người sẽ cho tôi
là lộng ngôn nếu tôi không kể cái biến cố khiến tôi trở lại.
Và đây là điều duy nhất tôi muốn nói với những
ai đang ở trong cô đơn, tuyệt vọng, tội lỗi như tôi trước đây: Bạn
từng nghe rằng Thiên Chúa là một người Cha Nhân Lành đang chờ đợi
bạn trở về xin lỗi Người, để Người có thể mặc cho bạn chiếc áo
thượng hạng, mở tiệc lớn ăn mừng vì tìm lại một đứa con hoang
đàng... Sai rồi ! Ðấy chỉ là câu chuyện trong dụ ngôn ! Nhưng trong
thực tế cuộc đời, Chúa không hề đợi bạn trở về. Người vẫn theo
sát bạn, quỳ dưới chân bạn mà khẩn cầu, mà xin bạn tha thứ cho
Người, bởi vì Người đã xúc phạm bạn khi yêu thương bạn, bất chấp
mọi vết nhơ mà bạn đã tạo ra cho tâm hồn chính mình.
Bạn hãy nhìn xuống đi, rồi cũng như tôi, bạn sẽ
bắt gặp Thiên Chúa đã quỳ dưới chân bạn từ lâu để khẩn cầu. Xin
bạn hãy thương xót Người. Bạn nỡ lòng nào...
Phan-xi-cô Xa-vi-ê N.
CÂU TRUYỆN:
Một nhà truyền giáo trên một hòn đảo nọ ngạc
nhiên khi nhìn thấy một phụ nữ mang một nắm cát ướt bước vào túp
lều của ông. Bà ta hỏi: "Ông biết đây là gì không ?" Nhà
truyền giáo trả lời: "Nó giống như cát." Bà ta lại hỏi: "Ông
có biết tại sao tôi mang nó vào đây không ?" Ông lắc đầu
chịu thua: "Không, tôi không thể tưởng tượng được tại sao..."
Người phụ nữ cúi đầu buồn bã: "Ðây chính là những tội lỗi tôi
đã phạm. Tội lỗi của tôi không thể đếm được như cát biển. Làm thế
nào tôi có thể được tha thứ tất cảcơ chứ ?"
Nhà truyền giáo
chậm rãi bảo: "Bây giờ bà hãy đưa chỗ cát đó ra bãi biển và vun
thành một nhúm cát nho nhỏ. Rồi bà hãy ngồi đó mà nhìn xem những
cơn sóng đang ập tới, chắc chắn sóng biển sẽ cuốn đi tất cả. Ðó là
cách Thiên Chúa thực hiện sự tha thứ của Ngài. Lòng nhân từ của
Chúa còn bao la hơn cả đại dương. Hãy thành thật sám hối mọi tội
lỗi và Thiên Chúa bao dung, Người sẽ tha thứ tất cả..."
Dựa
theo SỠI CHỈ ÐỎ của Lm. Ca-rô-lô ( Cần Thơ )
THÔNG TIN:
THƯ CÁM ƠN CỦA CÔ GIÁO BÙI THỊ HỒNG NGA
Em Toàn và gia đình vô cùng xúc động
và đã cảm ơn Chúa qua bàn tay GOSPELNET giúp em Toàn giải quyết được
khó khăn hầu có sự an tâm để học hành. Gia đình em Toàn một lần
nữa vô cùng biết ơn cha cùng quý ân nhân trong GOSPELNET. Con báo tin
cha biết. Chúng con kính chúc cha luôn khỏe, lạc quan và đầy hồng ân
Thiên Chúa. Xin cha cầu nguyện cho con có đủ sức khỏe và nghị lực để
lãnh đạo Câu Lạc Bộ NKT đạt được thành quả tốt đẹp. Con cám ơn cha.
Kính chào cha, BÙI THỊ HỒNG NGA.
Kính thưa cha và quý ông bà PHẠM
BÌNH THUẬN, đầu thư, con và gia đình con xin cám ơn cha và quý ân
nhân. Khi biết tin trúng tuyển vào Ðại Học, con đã rất vmung, nhưng
niềm vui chưa được bao lâu thì nỗi lo lại ập đến. Vì hoàn cảnh khó
khăn buộc con phải có sự tự lập. Thời gian ngắn ngủi, chưa đủ một
tháng, con xoay sở bằng cách đi làm phụ hồ với mức tiền công 20.000
VND một ngày, nhưng đang mùa mưa nên số tiền có được chưa là bao so
với học phí phải đóng cho năm học. May nhờ có sự giới thiệu của cô
Hồng Nga và của cha cùng số tiền trợ giúp 1.800.000 VND của
ông bà Phạm Bình Thuận là hai người mà con chưa được biết, chưa được
gặp mặt, con đã vượt qua được khó khăn này.
Con xin hứa sẽ cố học hết sức mình để
không phụ lòng tốt của cha và mọi người đã dành cho con. Con xin
nguyện với Chúa rằng khi thành tài con xin được trả ơn cho đời, được
đóng góp những gì mình có thể hầu làm cho cuộc sống trở nên có ý
nghĩa và tươi đẹp hơn. Cuối thư, con và gia đình con xin kính chúc cha và
quý ân nhân tràn đầy hồng ân Chúa. Kính thư, VÕ ÐỨC TOÀN, 251
/ 28 Trần Ngọc Quế, phường Xuân Khánh, Cần Thơ ( Lớp Thủy Công Không
27, khoa Công Nghệ, Ðại Học Cần Thơ ).
Kính gửi quý ân nhân GOSPELNET, chúng tôi đã nhận
được số tiền 1.000.000 VND từ cha Lê Quang Uy để lo học phí năm
học 2001 – 2002 cho 12 em học sinh có hoàn cảnh gia đình quá nghèo, đang
cư ngụ tại xã Ðông Thạnh, huyện Hóc Môn. Thay mặt gia đình các em,
chúng tôi xin được tỏ lòng tri ân với tất cả quý ân nhân đã thương
giúp các em. Rất mong quý ân nhân tiếp tục trợ giúp chúng tôi trong
những tháng kế tiếp. Kính thư, giáo viên PHAN MỸ LINH.
Nhân dịp Tết Trung Thu, GOSPELNET gửi tặng các em 24
chiếc áo thun.
Cha Uy kính mến, Cảm ơn cha, cha Louis Nguyễn Văn Quy, DCCT
Pháp và gia đình An-phong Bụi Ðời ở Vũng Tàu đã giúp đỡ trường
hợp của em sinh viên A Vương như con đã đưa tin. Có lẽ qua Cha,
qua những nhà hảo tâm và qua GOSPELNET mà nhiều trường hợp đã được
cứu vớt. Yă ( = Nữ Tu ) Jeanne D’Arc, Dòng Aûnh Phép Lạ Kontum là dì
ruột của em A Vương vô cùng biết ơn cha đã cứu giúp. Yă chuyển lời
cảm ơn cha và GOSPELNET. Nay con muốn nhờ cha qua GOSPELNET một trường
hợp khác nữa cũng hết sức thương tâm đang cần sự giúp đỡ. Thật sự
con cũng ái ngại khi làm việc này. Con chẳng giúp gì được cho cha và
GOSPELNET mà cứ làm phiền hoài. Xin Cha Uy cứu xét:
Em LÊ HOÀNG NGUYÊN, sinh viên đại học năm 2
trường Ðại Học Mở Bán Công Sài-gòn, sinh ngày 1.8.1980 tại An
Nhơn, Bình Ðịnh. Cha em mới qua đời vì bệnh tim sau 10 năm
nằm trên giường bệnh khi tuổi đời vừa 50. Mẹ làm nông và đang
vất vả nuôi 5 người con. Gia đình em Nguyên đang gặp khó khăn
không biết em có còn tiếp tục học nữa hay không ? Em Nguyên đang
phân vân chuyện ăn ở tại Sài-gòn năm học mới này. Hiện em đang ở
tạm nhà của con. Xin Cha Uy chuyển lời qua GOSPELNET. Cảm ơn Cha rất
nhiều. Con, tu sĩ Trần
Xuân Sang, Dòng Ngôi Lời ( SVD ).
Sáng
thứ hai 10.9.2001, GOSPELNET đã gửi tận tay thầy Trần Xuân Sang số
tiền 500.000 VND để trợ giúp cho bạn sinh viên Lê Hoàng Nguyên
trong lúc gia cảnh gặp chuyện ngặt nghèo.
Trong Thánh Lễ Thánh Tẩy
tại Dòng Ða-minh Tam Hiệp, sáng ngày 8.9.2001 cho anh Nguyễn Hữu Dũng,
một bệnh nhân HIV, GOSPELNET đã nhận được số tiền 300.000 VND
trợ giúp cho người nghèo của một bác sĩ muốn ẩn danh. Xin hết lòng
tri ân. Chúng tôi sẽ trích thêm quỹ GOSPELNET 200.000 VND và
chuyển số tiền này đến gia đình anh Lê Văn Chó mà chúng tôi
nêu dưới đây...
Qua anh Phạm Văn Lượng thuộc Huynh Ðoàn Ki-tô
các Bệnh Nhân và Người Khuyết Tật, ngày thứ ba 11.9.2001, chúng tôi
nhận được thư của cha Giu-se Nguyễn Văn Thượng, Nhà Thờ thị
trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, Giáo Phận Vĩnh Long.
Nội dung lá thư trình bày hoàn cảnh sau đây:
Anh Lê Văn Chó và
chị Nguyễn Thị Thúy ngụ tại ấp 5, xã An Thạnh, huyện Thạnh
Phú, tỉnh Bến Tuổi trẻ. Cả hai anh chị đều thiếu trí năng, không có
đất sản xuất. Anh Chó quét chợ mỗi tháng được 1.800.000 VND, nhưng
tiền tự mua chổi đã hết khoảng 20.000 VND. Hiện anh Chó có hai người
con sinh đôi là cháu Lê Văn Xuyên và cháu Lê Văn Năng, sinh
15.8.1999. ( Người mặc áo trắng trong ảnh là cha sở Giu-se Nguyễn Văn
Thượng )
Cháu Lê Văn Xuyên,
do sốt bại liệt và hoàn cảnh gia đình quá nghèo, không tiền chạy
thuốc nên bệnh dẫn đến mù lòa, hai con mắt lồi hẳn ra ngoài, điều
trị tại bệnh viện Nhi Ðồng Sài-gòn thì một mắt đã đưa được vào bên
trong hốc mắt, mắt còn lại vẫn lồi. Cháu Lê Văn Năng thì bị
phù cả hai chân, không đi được. Cả hai cháu hiện giờ đều bị suy dinh
dưỡng.
GOSPELNET đã lập thành dự án để xin chương trình Help the
Poor nhận trợ giúp lâu dài. Trong lúc chờ đợi, GOSPELNET xin tạm
ứng số tiền 500.000 VND để trợ giúp ngay cho gia đình anh Lê Văn
Chó có thể vượt qua cơn ngặt nghèo. Nếu được xét duyệt và có tiền
trợ giúp chính thức gửi về, chúng tôi không thu hồi lại khoản tiền
này, mà chỉ bắt đầu tính thời gian kể từ khi nhận được trợ giúp
chính thức.
Cha Phạm Văn Tịnh, DCCT, vừa giới thiệu trường hợp cháu
bé ÐINH BẰNG QUÂN sinh năm 1999, con của anh Ðinh Ngọc Phương 34
tuổi và chị Ðỗ Thị Hương 30 tuổi, quê ở Phú Thọ miền Bắc vào Nam mưu
sinh, làm cỏ thuê cho rẫy cà-phê, nhưng hiện nay đang thất nghiệp vì
cà-phê rớt giá. Gia đình không có nhà, phải ở nhờ một người bạn ở
thôn 9, xã Quảng Tín, huyện Dakr’lâp. Ðứa con đầu của anh chị là Ðinh
Tuấn Anh, 7 tuổi, bị bệnh Tim, phải đưa về chữa trị ở Viện Tim
Sài-gòn một thời gian, nay đã đỡ. Cháu bé ÐINH BẰNG QUÂN khoảng một
tháng nay, cả đêm chỉ khóc chứ không ngủ được, đi khám mới biết bị
suy thận, cần phải đưa về Sài-gòn chữa trị ngay, nhưng gia đình thì
không còn tiền.
GOSPELNET đã
trợ giúp ngay cho gia đình cháu bé số tiền 500.000 VND. Rất mong
quý độc giả gần xa chia sẻ thêm với gia đình cháu bé.
Như trong GOSPELNET số 08 ra ngày
15.3.2001, bạn trẻ PHẠM VĂN ÐỒNG, ngày 11.10.1982 tại Hà Tĩnh, một vùng đất nghèo miền
Bắc Trung bộ, phải chịu nhiều thiên tai, bão lụt và hạn hán, đã
phải lưu lạc vào Sài-gòn để kiếm sống và nỗ lực không bỏ dở việc
học hành lúc 17 tuổi và bắt đầu học lớp 10. Bạn Ðồng đã phải tự
đi làm mọi việc để có tiền ăn học và thuê phòng trọ tại số 13 /
37 đường Ðiện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh. GOSPELNET đã trích
quỹ trợ giúp 200.000 VND cùng với số tiền 50 CND của gia
đình ông TIÊU PHƯƠNG gửi về từ Canada.
Nay, bạn Ðồng đã gửi thư
đến GOSPELNET trình bày kết quả thi tốt nghiệp Tú Tài vào loại
khá giỏi: Văn 6, Lý 9, Toán 7, Sử 9,5, Hóa 9, Ðịa 6, tổng cộng 46,5 /
60 điểm, trung bình mỗi môn 7,75 điểm. Sau đó, bạn Ðồng tiếp tục hoặc
thêm Anh Văn tự ôn luyện thi Ðại Học tại nhà và có ý định xin tìm
hiểu Ơn Gọi Dòng Don Bosco. Hiện chúng tôi chưa nhận được kết quả thi
Ðại Học của bạn Ðồng, xin thông tin thay cho lời tri ân của bạn Ðồng
đến quý độc giả và gia đình ông Tiêu Phương. GOSPELNET đã trợ giúp
thêm cho bạn Ðồng số tiền 200.000 VND.
THÔNG
TIN VỀ MỘT TRƯỜNG HỠP CẦN TRỠ GIÚP
Có một hộ gia đình đang gặp khó khăn lớn, gia đình
này trước đây có tất cả là 5 người. Người chồng là anh Giu-se Võ Trọng Lâm, sau một thời gian dài
chữa trị tại Bệnh Viện Gia Ðịnh, quận Bình Thạnh, Sài-gòn, đã chết vào tháng 4.1999 vì bệnh ung thư máu,
để lại người vợ là chị Ma-ri-a Nguyễn thị
Hường 38 tuổi, phải lo miếng cơm manh áo cho ba người con, hoàn cảnh hết sức khó khăn về tài chánh
cho ba đứa con có thể đi học trong năm học mới này. Hiện tại gia đình
đang ngụ tại ấp
2 xã Hoà Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, thuộc Giáo Xứ Hoà Xuân ( cha Phước ), Aáp 2 xã Hoà Bình, Huyện
Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu. Dưới đây là tên của ba em nhỏ:
Sa-vi-ô Võ Dương Hải sinh 1985, đang học lớp 9A4; Giu-se Võ
Phú Quý sinh 1987, đang học lớp 7A3; Giu-se Võ Trọng Vinh sinh 1990 đang
theo lớp 6A4. Cả ba đều học tại trường Phổ Thông Trung Học Xã Hòa
Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
GOSPELNET xin trợ giúp ngay 500.000 VND
cho gia đình chị Nguyễn Thị Hường để các cháu kịp vào năm học
mới. Rất mong quý độc giả gần xa tương trợ thêm cho chị.
CHƯƠNG
TRÌNH PHỤC VỤ TRUNG THU CỦA SINH VIÊN CÔNG GIÁO
Quý độc giả GOSPELNET kính, các Nhóm Sinh Viên
Công giáo xin được trình bày về công việc chuẩn bị cho những ngày
Trung Thu năm nay thêm niềm vui cho các em ở trại phong Bến Sắn, tỉnh
Bình Dương, trường câm điếc Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, Nhà Tình Thương
Nhật Hồng, Thị Nghè, Sài-gòn.
Các trưởng nhóm Ðại Học Nông Lâm, Ðại Học Sư
Phạm Kỹ Thuật, Ðại Học Giao Thông Vận Tải, Học Viện Ngân Hàng, Ðại
Học Luật Bình Triệu, Ðại Học Bách Khoa đã họp lại với nhau bàn bạc
chiến dịch đem niềm vui tới những người thiếu may mắn, mặt khác các
nhóm cũng muốn cho các em sinh viên Công giáo hiểu nhau hơn qua những
chuyến đi phục vụ thực tế, nhằm giúp các bạn ý thức trong cuộc
sống và chia sẻ Tin Mừng với các bạn sinh viên ngoài Công giáo.
Dự tính kinh phí để trang trải cho các mặt nêu
trên là 1.500.000 VND. Quà cho trại phong Bến Sắn là sữa, khăn lau
mặt và xà bông tắm. Trường câm điếc là bánh kẹo, banh thể thao,
dụng cụ học tập, lồng đèn. Nhà Nhật Hồng Thị Nghè thì bánh kẹo,
lồng đèn. Các Nhóm Sinh Viên sẽ phải đi trước ngày Trung Thu, vì Trung
Thu năm nay sẽ trùng vào ngày thi của các bạn sinh viên, anh em sẽ
không thể đi được. Vậy kính mong quý ân nhân trợ giúp cho anh em sinh
viên có thêm điều kiện để phục vụ và chia sẻ. Xin chân thành cám
ơn và nguyện xin Thiên Chúa luôn ban nhiều hồng ân cho quý vị, cũng
như cho chương trình GOSPELNET luôn đem niềm vui cho những người thiếu may
mắn và bất hạnh.
GOSPELNET xin gửi 100 USD ( khoảng 1.500.000
VND ) cùng với 350 chiếc áo thun để các Nhóm Sinh Viên có
thể chia sẻ trợ giúp ở các nơi trong dịp Trung Thu này.
Sau khi
GOSPELNET số 25 được phát hành, sáng thứ bảy ngày 8.9.2001, GOSPELNET
đã nhận được Mail hồi âm của bác sĩ TRẦN CÔNG TOẠI về nội
dung và tinh thần của chương trình QUÀ TẶNG SỰ SỐNG ( THE GIFT OF
LIFE ). Bản thân chúng tôi xin tự nguyện đăng ký tham gia trước
tiên và xin mời gọi quý độc giả ở Việt Nam hưởng ứng. Sau đây là
nguyên văn nội dung lá thư:
Kính gởi Linh Muc Lê Quang Uy, Dòng Chúa Cứu Thế
Sài Gòn, Chương trình Quà Tặng Sự Sống mà chúng tôi đã
và đang thực hiện từ năm 1997 cho đến nay để kêu gọi tất cả mọi
người trong xã hội tham gia hiến mô ( một phần thân thể sau khi đã
mất như xương, sụn, màng não, màng tim, giác mạc, da... hoặc khi còn
sống như tế bào tủy xương ) sau khi qua dời nhằm mục đích điều trị
bệnh. Vì đây là một chương trình tự nguyện nên việc đăng ký
tình nguyện cũng rất đơn giản chỉ cần liên lạc bằng điện thoại (
hoặc trực tiếp đến ), yêu cầu sẽ được giải thích và có bộ hồ sơ
cùng tài liệu tham khảo để hiểu thêm chương trình này kèm 2 ảnh cở
3x4 cm để làm thẻ sau này. Nếu cần biết thêm thông tin về chương
trình xin vui lòng liên hệ Phòng Thí Nghiệm Vật Liệu Sinh Học (
Ngân Hàng Mô ) thuộc Trung Tâm Ðào Tạo và Bồi Dưỡng Cán Bộ Y
Tế Sài-gòn, số 520 Nguyễn Tri Phương, Q.10, Ðiện thoại:
8.652.663 – 8.800.030; Hoặc nếu muốn liên lạc trực tiếp với Bác
sĩ Trần Công Toại, phụ trách Ngân Hàng Mô, xin vui lòng gọi 8.652.663
hoặc 0913.914.672, hoặc E-mail: dr.toai@bdvn.vnd.net
Trên đây là một số thông tin khái quát về chương trình hoạt động
của chúng tôi và chúng tôi sẽ rất trân trọng cảm ơn những
đóng góp quí báu để chương trình có hiệu quả hơn. Trân trọng,
Bác sĩ TRẦN CÔNG TOẠI, phụ trách
PTNVLSH ( Ngân Hàng Mô Sài-gòn )
Nhân đây, GOSPELNET cũng xin đăng lại một chứng từ đã đăng
trên GOSPELNET số 20 vì có nội dung gắn liền với chương trình QUÀ
TẶNG SỰ SỐNG. Xin mời chúng ta cùng suy nghĩ và đi đến một quan tâm:
MỘT DI CHÚC
Một người Mỹ nọ đã ghi
lại chúc thư có nội dung như sau:
"Sẽ có một ngày thân xác tôi sẽ
được cuốn tròn vào tấm khăn giường trắng xóa tại Bệnh viện. Một lúc
nào đó một bác sĩ sẽ tuyên bố não bộ của tôi đã ngưng hoạt động
và sự sống của tôi đã chấm dứt. Lúc đó xin các bạn đừng tìm cách
dùng máy móc để đưa vào thân xác tôi sự sống nhân tạo. Và xin
cũng đừng gọi cái giường tôi đang nằm trên đó là giường chết. Hãy
gọi đó là giường của sự sống. Và xin
dùng thân xác tôi để giúp cho người khác có được một cuộc sống
sung mãn hơn.
Xin hãy tặng đôi mắt của tôi cho một
người đàn ông chưa một lần thấy được mặt trời lên, hoặc nhìn thấy
gương mặt của một trẻ thơ, hay tình yêu trong ánh mắt của một người
đàn bà.
Xin hãy tặng trái tim của tôi cho một
người mà trái tim không còn biết gì khác hơn là một chuỗi ngày đớn
đau.
Xin hãy tặng máu của tôi cho một
thiếu niên mà người ta vừa kéo ra từ một tai nạn lưu thông để cậu
có thể sống và thấy được con cháu của mình.
Xin hãy tặng trái thận của tôi cho
một người đang sống qua ngày nhờ một chiếc máy.
Xin hãy tặng xương, các bắp thịt, mỗi
sớ thịt và mỗi giây thần kinh trong thân xác tôi để giúp cho một em
bé tật nguyền có thể đi được.
Xin hãy khám nghiệm trong từng tấc của
não bộ của tôi, xin hãy sử dụng các tế bào não của tôi. Biết đâu
một ngày nào đó, một cậu bé trai câm nói được và một em bé gái
điếc nghe được tiếng mưa rơi từ cửa sổ phòng em.
Xin hãy hỏa táng những gì còn lại
trong thân xác tôi và để cho gió mang đi bụi tro tưới bón hoa cỏ.
Nếu còn một chút gì để chôn cất, thì điều đó chỉ có thể là những
lầm lỡ yếu đuối và thành kiến của tôi đối với người khác.
Xin hãy trả tội lỗi của tôi lại cho
ma quỷ, còn linh hồn tôi, xin phó dâng cho Chúa.
Nếu tình cờ các bạn muốn nhớ đến
tôi, xin hãy nhớ đến tôi bằng một nghĩa cử hay một lời tử tế mà
một người nào đó đang cần bạn thực thi.
Nếu các bạn làm được tất cả những gì
tôi vừa xin, tôi hy vọng sẽ được sống mãi".
Theo
đài VERITAS