TIN MỪNG: Lc 9, 28 – 36
Khi ấy, Ðức Giê-su lên núi cầu nguyện, đem
theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Ðang lúc Người cầu nguyện,
dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói
loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê
và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc
xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.
Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê
mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Ðức Giê-su,
và hai nhân vật đứng bên Người. Ðang lúc hai vị này rời xa Ðức
Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin
dựng ba cái lều, một cái cho Thầy, một cái cho ông Mô-sê, và một
cái cho ông Ê-li-a". Ông không biết mình đang nói gì.
Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây
bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ.
Và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây
là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người
!" Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Ðức Giê-su.
Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không
kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
SUY NIỆM:
Hiển dung hay
biến đổi, Thánh Lu-ca tránh dùng từ biến đổi để nói tới cuộc xuất
hành sắp tới tại Giê-ru-sa-lem. Hiển dung là bày tỏ vinh quang, vinh
quang báo trước biến cố vượt qua và vượt qua là sự tỏ lộ tình yêu
của Thiên Chúa nơi Ðức Giê-su đã chết để nhân loại được sống và
sống dồi dào.
Có thân phận người nào mà không cần nỗ
lực lớn lên mỗi ngày, bằng cách vượt qua cái hữu hạn mong đạt được
đến bến bờ của vô hạn. Ðức Giê-su trong thân phận làm người của
mình cũng theo cái quy luật tự nhiên ấy, Ngài đã làm người và là
một người tiên phong mở đầu cho nhân loại gặp gỡ Ðấng là vô hạn.
Ðời sống cầu nguyện là sự liên lỉ gặp gỡ ấy, Ðức Giê-su đã chìm
đắm nhiều lần và nhiều cách để tỏ bày khát mong gặp gỡ Ðấng vô
hạn trong thân phận hữu hạn của Ngài. Khát mong đôi khi cháy bỏng
một đời người "lương thực của tôi
là làm theo ý Cha tôi".
Ðức Giê-su muốn nói tới tầm quan trọng
của thân phận của con người là thể hiện được ý muốn của Cha ở
dưới đất, đó cũng là cách thế sống trọn vẹn khao khát gặp gỡ với
Ðấng vô hạn khi còn tại thế. Ðức Giê-su thể hiện ước muốn thuộc
về Cha cách trọn vẹn, trong hành động cũng như trong mọi nghĩ suy và
chỉ thuộc về Cha hòan toàn khi rời bỏ thân xác hữu hạn.
Ðó là chặng đường vượt qua, sự vượt qua
của dân tộc Do-thái ra khỏi Ai-cập, cởi bỏ thân phận nô lệ để mặc
lấy tự do. Ðức Giê-su đã vượt qua sự chết để đưa nhân loại đến sự
sống đời đời, bởi Ngài vừa là Chúa vừa là người, một Thiên Chúa
tỏ hiện trong con người tử tội, một Thiên Chúa bày tỏ tình yêu vô
hạn bằng sự tha thứ, bằng tình yêu chết cho người mình yêu.
Hiển dung là bày tỏ tình yêu siêu việt ấy
cho nhân loại, là biểu lộ cho nhân loại thấy Ðấng Vô hạn trong con
người hữu hạn nơi Ðức Giê-su. Ðức Giê-su là lời ngỏ của Chúa Cha
đối với nhân loại, là món quà lớn nhất, tuyệt diệu nhất, cao trọng
nhất mà Thiên Chúa đã ưu ái ban cho nhân loại và như chúng ta tuyên
xưng trong Kinh Tin Kính: "Vì loài
người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi."
Lễ Hiển Dung
là lễ bày tỏ tình yêu vô hạn của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sáng
tạo nên con người cách kỳ diệu và Người còn tái tạo con người cách
kỳ diệu hơn thế nữa. Tái tạo lại trong người Con Thiên Chúa để
thành một nhân loại mới, một nhân loại được tháp nhập, tham dự vào
trong gia đình của Thiên Chúa.
Ðức Giê-su đã làm người, một con người trong nhân loại, để là
chiếc vai gánh tội nhân loại để nhân loại được sống và sống dồi
dào. Các môn đệ có cám dỗ dừng lại để hưởng ngay giây phút trọn
vẹn của sự bày tỏ ấy, nếu thế chưa thực sự là con người, con người
ở trong vinh quang là con người biết chia sẻ, biết cảm thông và biết
chết cho người mình yêu. Thiên Chúa mời gọi con người đóng góp phần
của mình vào con đường vượt qua của Ðức Giê-su, tham dự vào công
trình cứu độ bằng nỗ lực của từng cá nhân để cùng được chia sẻ
vinh quang với Ngài.
Cuộc sống tại thế là một hành trình để
đạt tới chứ không là cùng đích. Cùng đích là được ở trong Thiên
Chúa và như thế cuộc đời là một hành trình vượt qua để được ở trong
Thiên Chúa. Chặng đường vượt qua là thử thách, đòi hỏi nhiều nỗ
lực khác nhau để hoàn thành, chính Ðức Giê-su đã hòan thành và nhờ
đó các nỗ lực của nhân loại đang hòan thành trong Ðức Giê-su. Chúng
ta dám nói chắc điều đó bởi vì trong Ba Ngôi Thiên Chúa có một con
người là Ðức Giê-su.
Mẹ tôi thường đố: "Phần nào là quan trọng nhất trên cơ thể ?" Ngày nhỏ, tôi
cho rằng âm thanh là quan trọng đối với con người nên tai là bộ phận
quan trọng nhất. Mẹ lắc đầu: "Không
phải thế. Có rất nhiều người bị điếc trên thế giới này, con ạ.
Nhưng con cứ tiếp tục suy nghĩ về câu đố, sau này mẹ sẽ hỏi lại
con".
Vài năm sau, tôi lại cho rằng hình ảnh là
quan trọng nhất, vì thế mắt chính là bộ phận mà mẹ muốn đố tôi. Mẹ
lại nhìn tôi âu yếm và nói: "Con
đã học được nhiều đấy, nhưng câu trả lời của con chưa đúng bởi vì
còn rất nhiều người bị mù". Ðã bao lần và lần nào cũng vậy, mẹ
đều trả lời tôi: "Không đúng. Nhưng
con đang tiên bộ rất nhanh, con yêu của mẹ".
Rồi năm ngoái, ông nội tôi mất. Mọi
người đều khóc vì thương tiếc ông. Ba tôi cũng khóc. Ðây là lần thứ
hai tôi thấy ba khóc. Khi đến lượt tôi và mẹ đến cạnh ông để nói
lời vĩnh biệt, mẹ nhìn tôi thì thầm: "Con
đã tìm ra câu trả lời chưa ?" Tôi như bị sốc khi mẹ đem chuyên đó
ra hỏi tôi lúc này. Tôi luôn nghĩ đó chỉ đơn giản là một trò chơi
giữa hai mẹ con. Nhìn vẻ sững sờ trên khuôn mặt tôi, mẹ liền bảo: "Con trai ạ, phần quan trọng nhất trên
cơ thể con chính là cái vai". Tôi hỏi: "Có phải vì nó đỡ cái đầu con khôn hả mẹ ?" Mẹ lắc
đầu: "Không phải thế, bởi vì đó là
nơi người thân của con có thể dựa vào khi họ khóc. Mỗi người đều
cần có một cái vai để nương tựa trong cuộc sống. Mẹ chỉ mong con có
nhiều bạn bè và nhận được nhiều tình thương để mỗi khi con khóc lại
có một cái vai để con có thể ngả đầu vào".
Từ đó, tôi hiểu rằng phần quan trọng nhất
của con người không phải là phần "ích kỷ", mà là một phần biết cảm
thông với nỗi đau của người khác.
Như Thiên Chúa đã chết cho nhân loại
được sống, đến lượt nhân loại cũng được mời gọi chia sẻ để cho nhau
được sống và sống dồi dào. Nếu nhân loại biết sống chia sẻ như
vậy, thì đó chẳng phải là sự hiển dung của Thiên Chúa trong hành
trình tại thế sao ?
Lm. Giu-se HOÀNG KIM TOAN
CÂU TRUYỆN:
Sau khi thánh
Gio-an Thánh Giá chết (1542-1591), những người đương thời đã được hỏi
xem họ nghĩ gì về ngài. Câu trả
lời chung nhất là họ cảm thấy rất mãnh liệt rằng ngài là một
người của Thiên Chúa. Ngài luôn nói về Thiên Chúa. Có một cảm
thức mầu nhiệm về ngài và lắng nghe ngài. Bạn sẽ thấy rằng những
lời của ngài đến từ Thiên Chúa. Một trong những người con tâm linh
của ngài là chị Maria-thánh Phêrô làm chứng rằng ngài thấp bé,
không đẹp trai. Nơi ngài chẳng có điều gì mà thế gian này cho là hấp
dẫn. Thế nhưng mỗi lần ngài nói là chị lại bị cuốn hút để nhìn
ngài. Có một cái gì đó từ ngài tỏa ra, một cái gì đó khoác lên
ngài một cốt cách thần thánh.
Ngày kia, anh Miguel mở cửa nhà
thờ và hết sức ngạc nhiên: anh cảm thấy có những tia sáng dọi
thẳng vào mặt anh. Những tia sáng ấy tỏa chiếu từ Tòa Giải tội, nơi
cha Gio-an Thánh Giá đang ngồi lắng nghe người ta xưng tội. Sau đó, anh
hỏi cha thánh về việc ấy, ngài chỉ trả lời : "Giữ kín nhé, đừng nói
với ai cả!".
(Trích THÁNH GIO-AN THÁNH GIÁ của Mary Teresa of Crucified
Heart, OCD,1991)
CHỨNG TỪ:
Ngày
xưa, Ðức Giêsu hiển dung để tỏ bày thần tính của Ngài, tỏ bày sự
hiện diện của Thiên Chúa Cha nơi bản thân con người của Ngài... Ngày
nay, Ðấng là Con Thiên Chúa nhập thể vẫn "hiển dung", Ngài vẫn tỏ
mình cho nhân loại nơi những tâm hồn thánh thiện. Ðọc con người, cuộc
đời và sự nghiệp của Mẹ Tê-rê-xa, đối với các tín hữu chúng ta,
có thể nói được rằng Chúa Cứu Thế đã tỏ mình hiển dung cho chúng
ta, là những môn đệ của Chúa nơi con người của mẹ. Ðối với thế
giới, người ta như được thấy "rõ" hơn sự hiện hữu, hiện diện của
Thiên Chúa nơi con người của vị nữ tu bé nhỏ mà phi thường này. Bé
nhỏ về vóc dạng, nhưng phi thường về lòng nhân ái và tài năng mà
mẹ đã dùng để phụng sự, hy sinh cho đồng loại. Mẹ đã gợi cho con
người ngày nay một sự hiếu kỳ, một hình ảnh rõ, đẹp và đáng kính
mến về một Ðức Giê-su Ki-tô. Còn đối với mẹ, Ðức Giê-su, Chúa của
me,ï vẫn hiển hiện hàng ngày nơi những con người khốn khổ nhất trong
thế giới chúng ta... Trong phần chứng từ của Gospelnet 21, chúng tôi
xin được ghi lại đây giơi thiệu với quý độc giả một phần quan trọng
trong bài viết mới đây của cha Hoàng Nam Chinh về mẹ Tê-rê-xa
Can-cuýt-ta.
Con đường dẫn tới việc phong thánh thường là gồ ghề, chông
gai và sỏi đá. Nhưng đối với Mẹ Têrêsa, con đường đó dường như
chẳng có gì, trơn tru và phẳng lặng hơn. Ngày 15 tháng 8 này, sau thời
gian điều tra các phép lạ và thu thập tài liệu, Ðức Cha Henry d’Souza,
vị Tổng Giám mục thành Calcutta đặt bút ký và hồ sơ phong thánh cho
Mẹ Têrêsa được gấp lại, chỉ còn chờ ngày gởi sang Roma. Nếu không
có gì trắc trở, Mẹ Têrêsa sẽ là người được phong thánh nhanh nhất
trong thời hiện đại.
Mẹ Têrêsa qua đời vào ngày 5 tháng 9 năm
1997 khi vừa tròn 87 tuổi. Có lẽ ngài là khuôn mặt tôn giáo được
biết tới nhiều nhất trên hành tinh sau Ðức Giáo-hoàng. Chỉ có Dalai
Lama hay những bộ mặt lịch sử như Albert Schweitzer và Mahatma Gandhi mới
có thể sánh vai.
Bộ dạng nhỏ nhắn của ngài với khuôn mặt đầy vết nhăn
được nhận diện khắp nơi khi ngài đi qua. Thân hình nhanh nhẹn đầy năng
nổ và sức sống như chiếc đầu máy làm chuyển động cả khối thân tàu
là nhà Dòng ngài sáng lập, Dòng Truyền-giáo Bác-Ái, hiện diện và
hoạt động trên 100 quốc gia khắp thế giới.
Nơi làm Mẹ Têrêsa nổi tiếng chính là
thành Calcutta, một thành phố được mệnh danh là "Thành phố của Ðêm
đen Kinh hoàng" như Kipling đã mô tả. Trong khi sống cũng như lúc qua
đời, mối tương quan giữa Mẹ Têrêsa và nước Ấn dường như quyện lẫn
làm một.
Thành phố Calcutta chưa bao giờ đen đủi và
khủng khiếp hơn sau cuộc chiến Giải-phóng Bangladesh năm 1971 khi hàng
trăm ngàn người Bengali tị nạn đổ dồn về và nằm la liệt trên các
đường phố. Cảnh đói kém, thống khổ và dơ dáy của dân tị nạn thành
Calcutta đã phơi bày cho người phương Tây hình ảnh ma quái và khiếp
đảm của Thế Giới Thứ Ba, thế giới của các dân tộc nghèo. Họ như
những thây ma khẳng khiu, nằm la liệt như những cái xác không hồn.
Loài người như khiếp sợ cảnh địa ngục, ngoảnh mặt làm ngơ !
Nhưng Mẹ Têrêsa, trong bộ áo xa-ri viền
xanh da trời mà ngài chọn làm y-phục cho nhà Dòng, đã mang yêu
thương, hy vọng và an bình đến cho những người đang sống trong cảnh hắt
hủi và đêm đen của địa ngục gian trần. Với hai bàn tay không, ngài
đã làm nên chuyện mà cứ tưởng không ai làm được. Lăn lộn trên các
đường phố đầy ác mộng với các nữ-tu của mình, ngài đi tìm những kẻ
bệnh hoạn và đang hấp hối, chở họ về những ngôi nhà dành riêng
trong quận Kalighat. Tắm rửa, đút ăn và trả lại cho họ một chút
nhân phẩm đã bị cướp mất trước khi họ nhắm mắt lìa đời.
Nói về nước Ấn-độ, chẳng có nơi nào trên
cái thế gian này sản sinh ra cơ man các gu-ru chủ đạo, các người thần
và các bậc khổ tu thánh thiện, thật cũng như giả, như tại Ấn-độ.
Và cũng chẳng có nơi nào mà phép lạ được xem như là phần tế bào
của đời sống hàng ngày. Chẳng vậy mà quốc gia này năm vừa qua đã
có chừng 20 triệu người dìm mình xuống giòng sông Hằng (Ganges) ở
Allahabad, tin rằng đúng vào thời điểm và giây phút đó, giòng nước
bẩn thỉu của sông Hằng sẽ biến thành nước tiên và ban cho họ nguồn
ơn cứu độ.
Một cách nào đó, Mẹ Têrêsa là một khuôn
mặt trái ngược trong xã hội Ấn. Mang đi và chăm sóc những kẻ hấp
hối trên đường phố, Mẹ Têrêsa đã làm bẽ mặt những người Ấn-giáo,
những người coi thường nỗi thống khổ của đồng loại quanh mình. Tắm
rửa và băng bó vết thương cho những người mình mang về nhà, Mẹ
Têrêsa đã âm thầm lên án những điều cấm kỵ đầy uy quyền của những
kẻ giàu sang giai cấp thượng lưu trong xã hội Ấn. Những người mà
chẳng ai dám đụng tới và cũng chẳng bao giờ liên hệ với hạng tiện
dân giai cấp thấp nghèo hèn. Những người được Mẹ Têrêsa cứu đã
được chết sạch sẽ trong những nơi đàng hoàng tử tế. Mẹ đã giúp họ
chết trong an bình và nhân phẩm.
Sửa soạn hồ sơ kế tiếp cho Mẹ Têrêsa trong hành trình về
quê trời, Tổng Giám-mục thành Calcutta đã nói: "Tôi luôn mừng vui vì
ngài đã lôi kéo được cả thế giới chú ý đến những kẻ bị bỏ rơi ở
quốc gia này, chú ý đến họ cũng là những con người và chú ý đến
sự thánh thiện của đời người… Mẹ Têrêsa là một cảm hứng cho những
kẻ tin vào Thiên Chúa".
Người đàn bà mà gia đình gọi là "Gonxha,"
"nụ hoa," là một người Âu-châu, sinh trưởng tại Albany. Gọi là "nụ
hoa," vì khi sinh ra bà hồng hào và mũm mĩm. Khi khôn lớn, bà trở nên
cứng rắn, bướng bỉnh, trực tính và rất thực tế. Tuy nhiên khi bắt tay
vào việc bác ái thì mọi người phải công nhận rằng đó là công việc
của một thiên thần hay một thánh nhân mà thế giới hiện đại đã
chứng kiến.
Mẹ Têrêsa, lúc sống cũng như khi chết,
là một trường hợp ngoại lệ. Dù ngoại lệ, tiến trình phong thánh
cũng phải có những thủ tục cần thiết chớ không phải là việc đơn
giản như xin một giấy thông hành. Trước hết, một ủy ban đã được
chọn để xem xét cuộc sống và nhân đức của Mẹ Têrêsa, và một ủy
ban khác để thẩm định các phép lạ xảy ra. Theo Tổng Giám-mục d’Souza,
một phép lạ đủ để được phong chân-phước và phép lạ thứ hai là dấu
ấn để được phong thánh. Tuy nhiên, Tòa thánh Vatican và Dòng Truyền
Giáo Bác Ái đã bị "tràn ngập" bởi làn sóng thư của những người tự
nhận mình đã được Mẹ Têrêsa chữa lành bệnh.
Hoàng Nam Chinh, OMI
Hiện nay, toàn thành phố HCM có trên 7.800
người nhiễm HIV/AIDS, trong đó, 2.800 ca đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
1.000 người trong số này đã tử vong. Thực tế cho thấy, việc chăm sóc
người bị bệnh AIDS giai đoạn cuối đang là vấn đề nan giải, nhất là
những bệnh nhân vô gia cư hoặc từ các tỉnh trôi dạt về thành phố
HCM.
MÁI NHÀ ÐẦU TIÊN DÀNH CHO NGƯỜI BỊ BỆNH
AIDS.
Ðó là một khu nhà khang trang nằm giữa một
khu đất rộng hơn một mẫu ở xã An Nhơn Tây, Củ Chi, nơi an dưỡng của
những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, không nơi nương tựa. Những người
có mặt đã xúc động trước sự đón tiếp dịu dàng, ân cần của các nữ
tu trong những chiếc áo dài xanh đơn sơ, trước một buổi lễ khánh
thành đặc biệt, không phô trương hình thức mà đầy ắp tình người. Từ
chiếc giường bệnh với nệm gối còn mới toanh, anh Bảo, người bệnh duy
nhất hiện nay của trung tâm đưa mắt nhìn mọi người. Anh là người
không có thân nhân, không nơi nương tựa. Từ bệnh viện Phạm Ngọc
Thạch anh được đưa về đây với sự săn sóc ân cần của các sơ. Chỉ mới
mấy ngày, anh đã ăn uống khá hơn và lên cân chút ít. 23 tuổi đời,
bỏ nhà đi bụi từ lâu, anh nằm bệnh viện thân nhân không biết. May
mà ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, anh được chăm sóc đàng hoàng, nay
được về đây, anh thoải mái vui vẻ hơn.
Hai khu nhà bệnh có 12 giường. Lãnh sự
quán Canada đã tài trợ để xây tiếp hai nhà bệnh nữa nhằm tăng số
giường bệnh, đón tiếp thêm những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối,
không nơi nương tựa từ các bệnh viện về. Khi bệnh nhân qua đời, trung
tâm sẽ đưa đi hỏa táng, tro hài cốt sẽ giải quyết theo nguyện vọng
của người bệnh. Trung tâm do các nữ tu thuộc Tu Hội Nữ Tử Bác Aùi
Vinh Sơn phụ trách.
Các nữ tu giới thiệu từng khu, từng công
trình được xây dựng bằng sự đóng góp quý báu từ nhiều nguồn, như
sự tài trợ của Tu hội Nữ Tử Bác Aùi Vinh Sơn ở Pháp, Hội Bác Aùi
Vinh Sơn ở Mỹ, tổ chức Benevolentia ở Hà Lan, tổ chức từ thiện của
Aùo, Hội Công Giáo ở Ðức và nhóm Thiện nguyện Hồng Bàng ở Mỹ,
cùng nhiều cá nhân từ thiện trong và ngoài nước khác.
Chỉ với vài chục giường bệnh chắc chắn
không đáp ứng đủ yêu cầu khi số người bệnh ở thành phố đang ngày càng
gia tăng. Có điều, đây sẽ là nơi an ủi suốt đời cho những con người
bất hạnh bị chính những người thân của mình ruồng bỏ. Về với trung
tâm, bệnh nhân được đối xử đầy tình người, không có sự phân biệt,
không còn mặc cảm bị bỏ rơi. Sơ Tuệ Linh nói : "Cái chính là, bằng sự đón tiếp và sự gần gũi, chăm sóc ân
cần của trung tâm, chúng tôi muốn người thân của họ hiểu rằng,
bệnh này không dễ lây lan và bệnh nhân cần nhận được sự an ủi, sự
cảm thông chân thành của chính những người thân trong gia đình...".
"Có
thể nói trung tâm Mai Hòa là một mô hình nhà mở cần thiết cho những
bệnh nhân AIDS không nơi nương tựa. Thế nhưng, để giảm gánh nặng cho
trung tâm cũng như các cơ sở xã hội, những nơi đang nuôi dưỡng, chăm
sóc số bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, thì môi trường cộng đồng và
gia đình vẫn là nơi tốt nhất có thể chăm sóc người bệnh". Ðó là nhận định của bác sĩ Nguyễn Hữu
Luyến ( Trung tâm y tế dự phòng ). Nhằm xây dựng nhịp cầu thông cảm
giữa những người nhiễm HIV/AIDS với nhau, Trung tâm Y tế dự phòng đã
xây dựng được mạng lưới "Bạn giúp bạn". Nhưng nhóm đồng đẳng này
được huấn luyện kỹ năng chăm sóc bệnh nhân AIDS tại nhà. Không chỉ
cảm thông và chia sẻ với người bệnh "gần đất xa trời", nhóm đồng
đẳng này còn tuyên truyền, tư vấn để gia đình hiểu rõ căn bệnh và
biết cách chăm sóc người thân của mình sao cho khỏi lây nhiễm. Anh
Thủy – một Tình nguyện viên – tâm sự : "Có nhiều bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, dù được gia đình cưu
mang trong những ngày cuối cùng vẫn cảm thấy cô đơn với nỗi đau của
thể xác lẫn tâm hồn. Bởi lẽ, những người thân của họ sợ bị lây
nhiễm đã bỏ mặc họ ở một xó nhà, không hề hỏi han chăm sóc. Vì
thế khi nhận được sự chăm sóc, chia sẻ của những tình nguyện viên,
họ cảm động đến rơi nước mắt...".
( Trích Báo Sài-gòn Giải Phóng, ngày 7/7/2001 )
CẦU NGUYỆN:
Chúa là nguồn vui của con
Ngài là ánh dương của con
Tia sáng của Ngài thức tỉnh hồn con,
Và ánh sáng của Ngài tiêu diệt đêm tối trong con
Ngài đã cho con cặp mắt
Và con đã thấy ngay vinh quang của Ngài
Ngài đã cho con đôi tai
Ðể con được nghe chân lý của Ngài
Ngài đã cho con trí tuệ và con đã say mê Ngài
Con đã rời bỏ nẻo đường lầm lỗi
Ngài ban cho con sự sung mãn của Ngài
Cùng với ơn cứu độ đã dẫn con trở về với Ngài
Ngài che phủ con bằng ân sủng Ngài
Ngài đã tạo dựng chúng con cho vinh danh Ngài
Nhân danh Ngài, con khoác chiếc áo tinh tuyền đã biến hình
đổi dạng con
Nhờ lòng nhân hậu của Ngài, con đã khước từ những điều
phù phiếm mau qua,
Con không còn tha thiết với những sự chóng tàn nữa
Lời Ngài đã tước đoạt quyền năng của địa ngục
Và đời sống vĩnh cửu đã nở hoa trên quê hương của Thiên
Chúa
Các tín hữu đều được nghe tin vui này
Và những ai tin vào Ngài đều được chia sẻ đời sống vĩnh
cửu
Phụng vụ
Am-rô-xi-ô
THÔNG TIN:
Quý độc giả Gospelnet thân mến,
Chúng tôi vừa nhận được điện thoại chính
thức của cha mẹ cháu bé Tường Vy báo tin cháu bé sau khi được mổ
tại Viện Tim, đã xuất viện và trở về quê nhà tại tỉnh Bình Ðịnh
trong tình trạng sức khỏe hồi phục hết sức tốt đẹp. Cha mẹ cháu bé
nhờ chúng tôi kính chuyển tâm tình tri ân đến:
Quý độc giả,
Soeur Bề Trên Giám Tỉnh cùng quý Nữ tu
Dòng Phan Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ,
Quý nữ tu Dòng Ða-minh Rosa Lima,
Quý ân nhân (trong đó có các bạn nhóm Mai
Khôi và ca đoàn Tam Ca tại Hoa Kỳ),
là những người đã nhiệt tình tận tụy
quyên góp, vận động và giúp đỡ về mọi mặt cho cháu bé được miễn
giảm viện phí 950USD và lại có được khoản tiền 900USD trang trải chi
phí mổ tim còn lại. Chúng ta cùng biết ơn nhau và cùng tạ ơn Thiên
Chúa.
Ngay sau đó, Gospelnet lại nhận được từ quý
nữ tu Dòng Ða-minh Rosa Lima một thông tin mới rất cần được mọi người
trợ giúp, với nội dung nguyên văn như sau :
Kính thưa cha,
Con tên là Ðào Thị Phương Bình, chồng con là Hoàng Thanh Sơn
thuộc Giáo Họ Mông Triệu – Giáo Xứ Xuân Quế – Xã Sông Nhạn – Ðồng
Nai.
Hiện con có đứa con tên là Hoàng Ðào
Xuân Mai bị tim bẩm sinh. Con đã đưa cháu tới Viện Tim để điều trị,
theo dõi cả năm rồi. Bác sĩ cho biết cháu bệnh nặng cần phải mổ
sớm. Hoàn cảnh gia đình con rất khó khăn, không thể nào lo nổi chi
phí cho ca phẫu thuật. Con đã tính buông xuôi vì không biết cậy dựa
vào đâu nhưng rồi con lại hy vọng khi nghe nói rằng cha và mạng lưới
Tin Mừng sẵn sàng giúp đỡ những người cùng khốn.
Vậy kính mong cha giúp đỡ cho hoàn cảnh của con.
Con xin chân thành cảm ơn cha.
Vậy Gospelnet tha thiết kính xin quý độc giả
va quý ân nhân tiếp tục rộng lòng chia sẻ để cháu bé Hoàng Ðào
Xuân Mai cũng lại có được may mắn là được giải phẫu tim và khỏe
mạnh lại như cháu bé Tường Vy. Khoản tiền trước đây chúng ta đã
quyên góp được , sau khi đã và sẽ trang trải cho các trường hợp mổ
tim Gospelnet đã nêu trước đây, cũng sẽ được dành cho "tài khoản" mổ
tim của cháu Xuân Mai.
Nguyện xin Thiên Chúa Quan Phòng và Ðức Mẹ
Hằng Cứu Giúp lại vẫn tiếp tục Quan Phòng và cứu giúp cháu bé
Xuân Mai.
Lm. Lê
Quang Uy, DCCT.
-
Ngày thứ ba
07/08/2001 vừa qua Gospelnet đã gởi biếu Soeur Anna Trần Thị Hòa, Dòng
Nữ Vương Hòa Bình 800.000VND. Số tiền được chuyển đi nhờ đường Bưu
Ðiện.
Soeur Hòa cần số kinh phí trên để mua sách
giáo lý, Kinh Thánh, tập, viết , áo quần cho các em người dân tộc
và các em người kinh nghèo hiện đang học Lớp Giáo lý của Giáo Xứ
Thánh Tâm, thuộc Giáo họ Duy Linh, thành phố BMT.
Xin cảm ơn quý ân
nhân của Gospelnet.