TIN MỪNG: Lc 11, 1 – 13
Có một lần Ðức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện
xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa
Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn
đệ của ông".
Người bảo các ông:
"Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh
Cha vinh hiển,
Triều Ðại Cha mau đến,
xin Cha cho
chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy;
xin tha tội
cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ".
Người còn nói
với các ông: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến
nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì
tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho
anh ta ăn cả"; mà người kia từ trong nhà lại đáp: "Xin anh
đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường
với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được".
Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy
để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất
cả những gì anh cần, vì thể diện.
Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì
sẽ mở cho.
Vì hễ ai xin
thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.
Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá,
lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó?
Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp?
Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho
con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ
ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người?"
SUY NIỆM:
XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN
Tin Mừng tuần
trước đã cho thấy sự cần thiết và tương quan hỗ tương giữa cầu
nguyện và hoạt động: cầu nguyện là cội rễ của hoạt động và hoạt
động là hoa quả của sự cầu nguyện. Tuần này, phụng vụ Lời Chúa
nhấn mạnh đến vai trò của cầu nguyện trong đời sống kitô hữu.
Sống trên đời ai lại chẳng
có những lúc cầu mong một điều gì đó, nhất là khi điều mong ước đó
vượt quá sức con người. Hôm rồi đọc báo PNCN (số 26, ngày 15-7-2001),
tôi bắt gặp ước mong của một bạn trai 16 tuổi: "Nếu ông Tiên cho con một điều ước, con sẽ ước rằng ba con
luôn ở bên mẹ và con, để những giấc mơ trong đêm không hành hạ mẹ
nữa". Và cũng trên cùng số báo ấy tôi đọc thấy điều cầu mong
của một cô gái sắp đi lấy chồng: "Cầu
mong thời gian hãy đừng chóng qua mau, để tôi được gần bên mẹ, thấm
nhuần đức hạnh của mẹ, và để mẹ tôi tận hưởng những tháng ngày
còn lại thật thanh thản sau một đời hy sinh vất vả!". Nếu những
nguyện ước kia được xem như một ước mơ, thì lời cầu nguyện cũng có
khác gì một ước mơ, nhưng ước mơ ấy đã được con người nâng hồn lên để gởi gắm trọn vào một đối tượng
siêu việt là Thiên Chúa, Ðấng ngàn trùng cao cả. Hơn nữa, cầu
nguyện đâu chỉ nhằm đến bản thân con người, mà trước hết là tìm vinh
danh Chúa. Vì thế, nhiều khi con người cảm thấy lúng túng không biết
cầu nguyện thế nào cho phải lẽ.
Phải nhìn nhận rằng ngày hôm
nay có nhiều người cho cầu nguyện là một thứ xa xỉ, một việc làm
mất thời giờ và vô ích; nhưng cũng đừng quên con người là một hữu
thể vẹn toàn gồm hai chiều kích: thân xác và tâm linh. Chặt bỏ hay
chỉ chấp nhận một nửa, con người sẽ trở nên què quặt. Chỉ quan tâm
đến những nhu cầu vật chất mà không chăm lo bồi bổ tâm linh thì qủa
là một thiếu sót đáng tiếc. Quì xuống cầu xin chính là cách xử sự
của người biết mình, biết mình là ai và những gì mình có thể làm
được, cũng như biết cả những gì nằm ngoài tầm tay của mình. Cầu
nguyện với một thái độ khiêm tốn là con người đang hiện thực hóa
những ước mơ chính đáng.
"Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện".
Như các môn đệ, người tín hữu chúng ta phải khát khao cầu nguyện và
không ngừng xin Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết cầu nguyện. Cầu
nguyện là một trường học mà con người sẽ không bao giờ hoàn tất
được khóa học, bởi vì cầu nguyện là cả cuộc sống xin vâng phó
thác.
Lời cầu nguyện của Chúa
Giêsu dạy các môn đệ bắt đầu bằng một tiếng gọi thân mật đến độ
sửng sốt: "Abba, lạy Cha". Thật
lạ lùng! Thân phận con người đâu chỉ có lom khom lết bết đối mặt
với đất, mà còn có thể ngẩng cao đầu để gọi Trời Cao bằng tiếng
gọi thân thương: Lạy Cha. Ðó là lời thưa gói ghém tất cả tâm tình
của một người con hiếu thảo.
Khi dạy các
môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu cho thấy tất cả sự chân
thành âu yếm, sự gần gũi của Thiên Chúa đối với con người. Ðấng
cao cả ngàn trùng bỗng trở nên thật gần, khiến con người có thể dễ
dàng tỏ bày tâm can. Ðồng thời, Chúa Giêsu cũng cho thấy chúng ta
chỉ có thể đến với Thiên Chúa Cha với tư cách người con nhờ Người, cùng Người và trong Người.
Ðiều đó có nghĩa cầu nguyện là sống lại cuộc sống của Chúa Giêsu,
là đi vào tâm tình của Người. Bởi vì chỉ có Chúa Giêsu mới biết rõ
Chúa Cha và chỉ có Chúa Giêsu mới cho chúng ta biết phải đi vào quan
hệ với Thiên Chúa Cha như thế nào cho phải đạo. Khi chú giải "Lời
cầu nguyện của Chúa Giêsu", thánh Cyprianô nói: "Khi chúng ta cầu nguyện, ước gì Chúa Cha nhận ra lời của Chúa
Con".
Tuy nhiên, đây không phải là một công thức bó buộc phải
đọc y nguyên, cách máy móc. Kinh Lạy Cha dạy cho chúng ta biết đâu
là điều cốt yếu khi cầu nguyện,
phải bắt đầu từ đâu, cầu theo ý hướng nào và giúp ta có thể tự
cầu nguyện. Kinh Lạy Cha tóm lược rõ ràng những điều cần thiết mà
người con phải xin cùng cha, đó là mong cho mọi người khác biết và
yêu mến Cha; kế đó là xin cho đời sống vật chất và tinh thần của
con được đầy đủ và bình an. Người con nào đến với cha chỉ để xin xỏ
những nhu cầu riêng tư mà chẳng màng đến việc "xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển" thì người con ấy quả
là không có tế nhị hay "đắc nhân tâm" một chút nào. Ấy vậy mà vẫn
có rất nhiều người thường làm như thế.
Mong cho mọi người nhận biết
Cha nói lên tấm lòng hiếu
thảo của người con luôn quan tâm, chăm lo đến những công việc thuộc
về cha của mình. Một người con hiếu thảo như thế sẽ không ngần ngại
bày tỏ với cha những nhu cầu chính
đáng về phần xác cũng như phần hồn. Cơm bánh là lương thực nuôi
thân xác, ân sủng mới đem lại sức sống tâm linh. Chính những lúc
nép mình bên cha để tìm sự ấm áp nâng đỡ, người con mới thấy mình
có đủ nghị lực để đối mặt với bao khó khăn trong đời. Chỉ từ nơi
Cha, con người mới nhận được sức sống dồi dào, bởi được tham dự vào
sự sống của Thiên Chúa.
Chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu
đã dạy các môn đệ xưng với Chúa Cha bằng đại từ số nhiều chứ
không phải số ít: chúng con.
Ðiều này cho thấy con người không chỉ có Thiên Chúa là Cha mà còn
được mời gọi liên kết với nhau trong mối dây huynh đệ. Ðược ngẩng
cao đầu nhìn trời, con người cũng phải vươn cái nhìn của mình để nhận
ra hình ảnh của Cha đang ẩn giấu trong những người chung quanh. Khi thưa
"Lạy Cha" mỗi người cần phải ý thức rằng "người trong bốn bể đều
là anh em", vì họ cũng là con cái Thiên Chúa. Trong xã hội phát
triển ngày nay, khi cuộc sống được nâng cao thì hình như con người càng
xa cách nhau hơn. Ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình hay gia đình mình mà
quên đi trách nhiệm liên đới với người khác. Thiên Chúa duy nhất,
Ðấng đã mang lấy tất cả tội lỗi chúng ta, muốn rằng mỗi người đều
cầu nguyện cho tất cả. Dưới cái nhìn của Chúa, mỗi người phải đứng
trong mọi người và mọi người ở
trong mỗi người.
Tiếp theo, Chúa Giêsu dùng dụ
ngôn hai người bạn để nhấn mạnh lòng tin tưởng cậy trông là hết
sức cần thiết trong đời sống cầu nguyện của người tín hữu. "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì
sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho" (Lc 11,9). Người muốn chúng ta
phải có thái độ kiên trì khi cầu nguyện: hãy cứ gõ cửa nhà Chúa,
hãy tập đứng đợi, tập quấy rầy. Chắc chắn Chúa sẽ mở cửa và đáp
trả lời cầu xin của ta theo những
cách thế tốt nhất, dù có thể đó là thứ không hợp với ước mơ
hay sở thích của ta.
Ðiều làm cho
chúng ta tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa và kiên trì trong lời
cầu nguyện của mình chính là vì Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Người
luôn vui lòng nhường bước trước lời cầu xin chân thành, bền bỉ và
đầy lòng kính trọng của con cái. Người là Cha đầy yêu thương và quyền năng, luôn thấu suốt tất cả
mọi nhu cầu của con cái trần gian, luôn ban những điều tốt lành và
có lợi thực sự cho ta, làm cho ta trưởng thành và triển nở, đưa ta
đến hạnh phúc đích thực.
"Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người", hẳn có
người đặt vấn đề: Tại sao ta xin ơn này ơn kia mà lại chỉ được Thánh
Thần? Có lần, một bà mẹ hớt ha hớt hải chạy đến nói với tôi: "Con
nhỏ nhà con nó bỏ nhà đi rồi, xin cha cầu nguyện cho nó biết quay
về". Lần khác cũng một bà mẹ xin: "Cháu nó nghe tin sắp bị đổi đi
dạy ở vùng xa, cha cầu nguyện cho cháu được ở lại". Thế đó, khi cầu
nguyện người ta thường muốn áp đặt cho Thiên Chúa, muốn biến đổi
Người, mà lại không nghĩ rằng chính mình cần phải thay đổi. Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi cách
nghĩ, cách sống của chúng ta, giúp chúng ta biết lựa chọn và
dâng lên những ước nguyện phù hợp với ý đinh của Thiên Chúa, và
nhận ra tất cả những gì ta đang có từ bát cơm, tấm áo đến cây viết,
quyển tập... đều là quí báu vì do Cha ban tặng, để rồi biết sống
hoàn toàn phó thác theo thánh ý Người.
***
Nói tóm
lại, muốn canh tân cuộc đời, muốn thay đổi thế giới, mỗi chúng ta
cần phải cầu nguyện và trở thành những con người biết cầu nguyện.
Cầu nguyện cá nhân hay cầu nguyện chung với cộng đoàn. Cầu nguyện
cho mình và cầu nguyện cho người khác. Cầu nguyện một cách thân mật
và kiên trì như tổ phụ Abraham. Thiên Chúa đã kiên nhẫn lắng nghe và
đáp trả lời nài xin của Abraham sau sáu lần ông kì kèo trả giá: từ
50 xuống còn 10 người lành để dân thành Sôđôma được dung thứ.
Abraham đã hiện thực ơn gọi của mình (x. St 12,3) là trở thành phúc lành cho
người khác trong lời cầu nguyện và qua lời cầu nguyện, nhờ lòng
liên đới với mọi người kể cả những người tội lỗi. Ơn gọi kitô hữu
cũng vậy, khi sống trung thực ơn gọi làm người và làm con cái Chúa
của mình nhờ đời sống cầu nguyện, chúng ta sẽ kéo được muôn vàn ơn
lành của Chúa cho bao người khác và tránh cho thế giới khỏi các tai
ương, do chính cuộc sống ích kỷ gian dối của con người gây ra.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Cha,
Ðược gọi cha bằng hai tiếng: "Abba, Cha ơi!"
là niềm hạnh phúc tuyệt vời cho chúng con.
Sự yếu đuối lại gặp Ðấng uy hùng,
thụ tạo thấp hèn được nâng lên cùng Tạo
Hóa.
Chúng con sung sướng vì được
làm con cái Cha.
Tạ ơn Cha vì bao ân huệ Cha đã ban tặng:
những ơn con
thấy được cũng như những ơn con không nhận thấy,
những điều con chờ đợi và cả những thứ
con chẳng mong chờ.
Tất cả đều
tốt lành cho con, vì Cha biết thế.
Xin cho con vững tin vào tình yêu của Cha,
biết sống hiếu thảo và huynh đệ:
luôn tìm điều đẹp ý Cha
và yêu thương phục vụ mọi người,
để triều đại Cha mãi hiển trị
giữa chúng con. Amen
Lm.
Phêrô KIỀU CÔNG TÙNG
CÂU TRUYỆN:
Trong cuộc chiến tranh ác liệt
giữa nước Pháp và nước Ðức năm 1870, tại một bệnh viện Pháp, có
một thương binh vốn là một sĩ quan người Ðức đang bị bắt làm tù binh,
một hôm bác sĩ báo tin buồn cho ông ta biết: có lẽ ông sẽ không
còn sống được bao lâu nữa vì vết thương ngày càng trầm trọng. Viên
sĩ quan tỏ ra bất cần một cách ngạo nghễ và can đảm chờ đợi cái
chết.
Thế rồi, có một chị nữ tu y tá Dòng Nữ
Tử Bác Ái Vinh-sơn vốn chăm sóc anh ta đã lâu, ân cần ngỏ ý khuyên
anh ta nên xin gặp một linh mục để dọn mình trước khi chết. Anh thú
nhận mình là người công giáo nhưng đã bỏ đạo từ lâu nên một mực
từ chối lời đề nghị chân thành này.
Thế nhưng chị nữ tu vẫn dịu
dàng nói: "Nếu vậy, tôi sẽ cầu
nguyện xin Chúa cho ông mau hồi tâm trở về với Chúa." Viên sĩ
quan tỏ vẻ thương hại mỉa mai: "Tôi
nghĩ là chị sẽ chỉ cực nhọc vô ích mà thôi..." Chị nữ tu vẫn kiên
nhẫn thuyết phục: "Tại sao ông lại
hoài nghi về lời cầu nguyện ? Tôi xin thú thật với ông rằng: đã 16
năm nay, các chị em trong Dòng chúng tôi vẫn đang cầu nguyện cho một
người được ơn trở lại cùng Chúa..."
Viên sĩ quan ngạc nhiên hỏi
lại chị: "16 năm rồi cơ à ? Thế
người được các chị cầu nguyện cho ấy có lẽ là một ân nhân của Nhà
Dòng hoặc là một người thân của chị ?"
Chị nữ tu
trả lời: "Không ông ạ ! Cho đến nay
chúng tôi vẫn chưa hề gặp mặt người ấy bao giờ. Trước đây rất lâu,
mẹ tôi là người hầu cho một nữ nam tước người Ðức. Trong một lần
tôi tới thăm mẹ tôi, bà nam tước biết tôi là nữ tu nên đã khẩn
khoản nhờ tôi cầu nguyện cho con trai của bà ấy. Anh ta đã mất lòng
tin vào Chúa, sống một cuộc đời vô tín ngưỡng, phóng túng, đam mê
danh vọng và quyền lực... Ðã 16 năm trôi qua, tôi và cả Nhà Dòng
vẫn kiên trì tin vào sự quan phòng yêu thương của Chúa mà cầu nguyện
cho anh ta không ngừng. Mới đây, tôi nhận được tin của nữ nam tước cho
biết anh ta hiện đang tham gia vào cuộc chiến phi nghĩa và man rợ
này..."
Người sĩ quan
nghe chuyện, cúi gục đầu thinh lặng. Rồi bất giác, anh ngửng lên
gặng hỏi chị nữ tu: "Chị ơi, thế mẹ
của chị có phải là bà Béate không?" Chị nữ tu vô cùng ngạc
nhiên: "Nhưng tại sao ông lại biết
tên mẹ tôi?" Ðến đây thì viên sĩ quan nghẹn ngào thú nhận tất
cả: "Thưa chị, tôi chính là nam tước
Charles, con trai của nữ nam tước mà mẹ chị đã tận tụy hầu hạ bấy
lâu nay. Và như thế, tôi cũng chính là người mà chị và cả Nhà Dòng
đã cầu nguyện cho trong suốt 16 năm nay mà không biết. Khi tôi lên
đường ra trận, biết tôi có tham vọng sẽ trở thành một viên tướng
lừng danh, mẹ tôi đã tỏ ra thương xót tôi và thiết tha mong tôi sẽ
thay đổi cuộc sống ảo tưởng mà quay trở về với Chúa như mẹ tôi đã
từng khuyên nhủ bao lần. Lúc đó, tôi đã cười lớn mà chế nhạo sự
ngu ngơ của mẹ tôi, cho đó chỉ là một sự mê tín dị đoan ấu trĩ.
Nhưng... bây giờ thì tôi thật sự muốn khóc, khóc vì ân hận dầy
vò..."
Và quả thật, viên sĩ quan đã
khóc như một đứa trẻ, để rồi sau đó là những ngày cuối cùng thật
hạnh phúc. Người con hoang đàng ấy đã trở về với Thiên Chúa là Cha
nhân từ giàu lòng xót thương...
(Nối
Lửa Cho Ðời - tập 2, trang 78)
Sau khi tìm lại được Ðức Tin, nhà Ðạo diễn nổi
tiếng Lu-dốt đã kể lại kinh nghiệm tìm về Thiên Chúa của ông như
sau:
"Tôi bắt đầu tìm về Thiên
Chúa trong hoàn cảnh gặp đau thương tột cùng trong tâm hồn: đó là
lúc người vợ thân yêu của tôi qua đời! Tôi đau khổ nhiều nhưng lúc đó vì không tin tưởng, tôi không
thể nào tìm an ủi nơi niềm tin về cuộc sống đời sau. Tôi không tin
Thiên Chúa, cũng không hy vọng gì vào cuộc sống bên kia cái chết.
Những tư tưởng hiện sinh vô thần của Jean Paul Sartre và Albert Camus đã một thời làm tôi say mê
nhưng giờ đây trong cơn đau khổ tinh thần này, những tư tưởng đó xem ra
không còn ý nghĩa gì nữa. Tôi không thể chấp nhận mọi sự là phi
lý, là buồn nôn. Nhưng đồng thời cũng chưa được chuẩn bị đủ để tin
vào Thiên Chúa, tin vào ý nghĩa cuộc đời, tin vào sự sống đời sau.
Lúc đó tôi thầm nhủ rằng thay
vì đi tìm một an ủi, một ơn cứu rỗi siêu nhiên ngoài trần gian, thì
mình hãy tìm một ơn cứu rỗi trong trần gian và trên trần gian, nghĩa
là cứ sống làm sao để mình đừng
trách mình về bất cứ lầm lẫn hay lỗi phạm nào là được rồi, cần chi
phải lo đến phần thưởng nào khác. Với tư tưởng tự an ủi mình như vậy,
tôi bắt đầu đọc sách, đọc thật nhiều sách.
Và như một bất ngờ tôi đọc
được cuốn sách của bà Si-mon Brây, trong đó bà kể lại một cách
chân thành và đơn sơ nếp sống đức tin và cách thức sống phục vụ anh
chị em mình vì tình thương Chúa. Sau khi đọc tập sách tôi cảm thấy có
chút gì biến đổi nơi tâm hồn. Và tôi đã nghĩ thầm phải chăng ngoài
con đường tôi đang sống, còn có một con đường khác sống tốt đẹp hơn?
Hơn nữa những lời bà Si-mon Brây
giải thích kinh Lạy Cha đã làm tôi cảm động.
Suy nghĩ về mẫu gương sống Ðức
Tin của bà, tôi chợt hiểu rằng người ta không thể nào bàn cãi về
Ðức Tin một cách trừu tượng, nhưng Ðức Tin là một cái gì cụ thể,
hoặc sống nó hoặc từ chối nó. Từ niềm thao thức trí thức tôi được
hướng dẫn vào lãnh vực cụ thể của đời sống Ðức Tin, và tôi chợt khám phá được giá trị và vẻ đẹp của lời cầu
nguyện. Tôi bị thúc đẩy cầu nguyện, nhưng lúc đó tôi cầu nguyện
một cách mơ hồ chưa với hết lòng tin tưởng vào một vị Thiên Chúa như
Abraham đã cầu nguyện. Khi ông Abraham thưa "Lạy Chúa, này con
đây!" thì ông đã thưa với hết lòng tin vào một vị Thiên Chúa
hằng sống. Còn tôi, thì khi tôi cầu nguyện "Lạy Chúa, này con
đây!" tôi chưa tin hẳn vào Chúa! Ngài còn là một Ðấng hoàn
toàn xa lạ. Tâm trạng đóng kín của tôi lúc đó là:"Lạy Chúa, nếu Chúa có thật thì xin hãy ban cho con ánh
sáng để con nhận ra Chúa! "
***
"Lạy
Chúa, nếu Chúa có thật, thì xin hãy soi sáng cho con được nhận ra
Chúa", đây là một trong
những lời cầu nguyện đẹp nhất để tiến tới gần Chúa, nhận ra sự
hiện diện của Ngài.Và cầu nguyện với Ngài thì việc duy nhất cần làm
là hãy quỳ gối cầu nguyện. Hãy cầu nguyện để được Chúa ban ơn nhìn
ra Chúa!
"Lạy
Chúa, nếu Chúa có thật, thì xin hãy soi sáng cho con được nhận ra
Chúa", nhiều khi chúng ta
không có đủ lòng khiêm tốn để cầu nguyện như vậy. Chúng ta sợ phải
đối diện với sự thật, sợ phải đối diện thật sự với Chúa. Chúng ta
lẩn tránh Người để khỏi phải thay đổi cuộc sống mình. Bởi vì chắc
chắn nếu ta gặp Chúa rồi thì ta phải từ bỏ điều gì đó, hay nhiều
điều gì đó phải hy sinh, đôi khi phải hy sinh cả điều ta thích nhất để
dành chỗ cho Thiên Chúa hiện diện va øtác động trong cuộc đời mình.
Ta sợ cầu nguyện bởi vì ta sợ thay đổi, sợ Thiên Chúa thay đổi đời
mình. Văn sĩ Công Giáo nổi tiếng người Pháp là ông Bernanos đã tâm
sự:"Ðiều lạ lùng luôn xảy ra cho tôi, đó là bất cứ mỗi lần
tôi cầu nguyện, là mỗi lần tôi phải thay đổi tư tưởng, thay đổi nếp
sống".
Ước mong mỗi người chúng ta dấn
thân cầu nguyện hơn với lòng tín thác vào Chúa, sẵn sàng để cho
Chúa biến đổi cuộc sống mình phù hợp với thánh ý Ngài.
(Ghi
lại từ Ðài Veritas)
CHỨNG TỪ:
Thánh
Tâm Chúa Giêsu
Cuối tháng 4/2001, gia
đình tôi được tin từ quê ngoại: Dì em của chúng tôi đã bỏ nhà đi
đâu không biết !
Bà ngoại hỏi chúng tôi là con N. có vô
Sài-gòn không? Hỏi ra mới hay, vì cuộc sống quá khó khăn, nợ nần
chồng chất, nên Dì ấy phải ra đi, bỏ mặc người chồng và 4 đứa con,
lớn có nhỏ có. Anh chồng và gia đình đã lùng xục nhiều nơi mà không
biết tin tức gì.
Vợ tôi vì thương em ruột dại dột bỏ nhà đi
đâu không biết, phần khác lại thương đám cháu dại bơ vơ... nên mấy
ngày trời cứ ra ngẩn vào ngơ, tay chân lọng ngọng với những công
việc thường ngày. Cô ta hết cầu nguyện lại lảm nhảm:
-
Em nghi là nó chết ở đâu rồi, chứ đi đâu
mà biệt tăm biệt tích vậy?
Tôi chỉ biết an ủi và khuyên vợ tôi hãy tin
tưởng phó thác hết cho Chúa và Ðức Mẹ,
bình tĩnh lại trong việc buôn bán hàng ngày. Bên cạnh đó, tôi
viết thư về an ủi chú em – chồng của N. – và các cháu, và cũng
khuyên bảo mấy bố con ở nhà vững tin vào Chúa và Ðức Mẹ.
Việc mà chúng tôi có thể làm được là
dâng lễ cầu nguyện cho các em. Chúng tôi gọi điện về Ðền thánh Vinh
Sơn ở Tân Lập xin hợp ý khấn ông thánh cho gia đình em tôi. Riêng
tôi có một kế hoạch đặc biệt, vì thời điểm này sắp bước vào tháng
5, tháng Hoa kính Ðức Mẹ: mỗi tuần tôi sẽ hành hương Ðền thánh Ðức
Mẹ Hằng Cứu Giúp (38 Kỳ Ðồng) một lần vào chiều thứ bảy.
Tôi là một người khuyết tật, đi lại khó
khăn, nhưng tôi cũng không quản ngại, đã có xe xích-lô chở đi chở
về, lo gì.
Ðến thứ bảy cuối tháng Ðức Mẹ rồi, mà
tin tức về Dì em của tôi vẫn biệt tăm. Tôi cầu nguyện, khấn hứa,
dâng lễ, thỏ thẻ với Chúa với Mẹ đủ điều mà sao Mẹ vẫn chưa nghe
lời gia đình tôi. Tôi nằm trên chiếc xe đẩy dưới chân Ảnh thánh Mẹ,
tôi thấy có cuốn sổ ghi ý xin khấn, tôi nhờ người lấy dùm và tôi
ghi vắn gọn đại ý: Xin cho con biết
tin tức của người thân, vì tôi nghĩ
rằng có ghi ra giấy là để mọi người cùng hợp ý cầu khấn với
tôi vào chiều thứ bảy kế tiếp, chứ Mẹ thì Mẹ đã quá hiểu tâm tư
của gia đình tôi rồi.
Qua hết tháng Ðức Mẹ, tin tức của Dì em
tôi vẫn chẳng thấy gì, chẳng biết sống chết ra sao, nhưng gia đình tôi
cảm thấy bình an, vì những gì mình có thể làm gia đình tôi đã làm vì
yêu thương các em các cháu.
***
Qua tháng Năm, đến tháng Sáu, kính thờ
Thánh Tâm Chúa Giê-su, gia đình tôi lại khẩn cầu Thánh Tâm Chúa cho
các em tôi, tiếp tục công việc hằng ngày và phó thác tất cả gia đình tôi, gia đình các em bên nội
bên ngoại cho Thánh Tâm Chúa tất cả.
Và chuyện gì phải đến đã đến.
Hôm ấy, gia đình tôi đi vắng cả, tôi đang
nằm trên giường hý hoáy với công việc hàng ngày, một người phụ nữ
bước vô:
-
Em chào anh, anh có khỏe không?
Tôi ngẩng lên, chẳng ai khác, đó chính là Dì em
của tôi.
Miệng tôi nói chuyện với Dì ấy, nhưng mắt
tôi ngước lên bàn thờ Chúa, tạ ơn Thánh Tâm tình thương Chúa, tạ ơn
Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp đang hiện diện trước mặt tôi. Ôi! Có ai hiểu
được sự vui mừng của gia đình tôi tối hôm đó. Trong Thánh Lễ chiều
tại nhà thờ Giáo Xứ, tôi đã tạ ơn Chúa rất nhiều. Chúng tôi
khuyên bảo Dì em:
-
Thôi, Chúa đã đưa Dì về đây bằng an là
hạnh phúc lắm rồi, tương lai hãy dâng phó cho Thánh Tâm Chúa và Mẹ
Maria.
***
Tôi viết những dòng này với tâm tình hết
lòng cảm ơn Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Mẹ rất thương chúng tôi, Mẹ đã
không ban ngay ơn lành cho gia đình tôi mà Mẹ muốn chúng tôi phải chờ
đợi. Mẹ muốn dẫn chúng tôi đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu: Nguồn
mạch của Tình Yêu !
Xin Mẹ cùng với chúng con tạ ơn Thánh Tâm
Chúa Giêsu, và xin Mẹ tiếp tục cầu bầu cho chúng con trước Tòa Chúa
Giêsu, Con Mẹ.
Hôm nay gia đình em tôi đã trở về cuộc
sống bình thường. Dì em tôi đã có một việc làm thích hợp trong
Sài-gòn để có thêm thu nhập giúp gia đình và gom góp trả công trả
nợ. Còn chú em tôi cũng đã yên tâm lo làm nương làm rẫy và đùm
bọc con cái. Vợ chồng vì hoàn cảnh phải sống một chốn đôi quê,
nhưng luôn ý hợp tâm đầu trong tình thương của Chúa.
Ước mong những ai, những gia đình nào đang
có những khó khăn, những đau khổ, cũng biết chạy đến cùng Mẹ Hằng
Cứu Giúp, để Mẹ che chở, nâng đỡ và cứu giúp qua cơn hoạn nạn.
Tạ ơn Chúa, cám ơn Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp,
cám ơn thánh Vinh Sơn và các thánh.
Gia đình,
Phê-rô Maria Lượng,
Huynh Ðoàn Ki-tô Bệnh nhân và Người khuyết
tật.
THÔNG TIN:
-
GOSPELNET xin trích Quỹ
giúp thêm cho 3 em học sinh nghèo người dân tộc tại vùng truyền giáo
Plơi Chuet 1.000.000 VND. Như vậy với 500.000 VND đã gởi lần trước, mỗi
em sẽ có được 500.000VND.
-
Từ Nhà Dòng
Ða-minh Vô Nhiễm, soeur Lan báo tin:
Kính thăm cha Uy,
Mong rằng cha vẫn luôn an mạnh dù miền bắc mùa này rất
nóng – vẫn dư tràn năng lực và niềm vui dù biết bao công việc chất
chồng... Bao giờ cha về?
Bé Tường Vy đã khá hơn, không
còn nằm ở phòng hồi sức nữa. Xin cho bé được
chóng khỏe mạnh.
Cháu bé Hoàng Ðào Xuân Mai bị tim bẩm sinh cần phải mổ sớm,
xin quý ân nhân giúp cho.
Cha à,, lâu rồi con có thưa với cha về trường hợp của một
em bé cũng mắc bệnh tim bẩm sinh cần mổ; mẹ bé vừa gởi qua con một
lá thư xin giúp đỡ. Con xin chuyển tới cha và Gospelnet nhé?
Kính thưa cha,
Con tên là Ðào Thị Phương Bình,
chồng con là Hoàng Thanh Sơn thuộc Giáo Họ Mông Triệu – Giáo Xứ Xuân
Que – Xã Song Nhan – Ðồng Nai.
Hiện con có đứa con tên là
Hoàng Ðào Xuân Mai bị tim bẩm sinh. Con đã đưa cháu tới Viện Tim để
điều trị, theo dõi cả năm rồi. Bác sĩ cho biết cháu bệnh nặng cần
phải mổ sớm. Hoàn cảnh gia đình con rất khó khăn, không thể nào lo
nổi chi phí cho ca phẩu thuật. Con đã tính buông xuôi vì không biết
cậy dựa vào đâu nhưng rồi con lại hy vọng khi nghe nói rằng cha và
mạng lưới Tin Mừng sẵn sàng giúp đỡ những người cùng khốn.
Vậy kính mong cha giúp đỡ cho hoàn cảnh của con. Con xin
chân thành cảm ơn cha.
-
Bạn Hoa Xuân Vinh,
cựu SVCG giới thiệu với Gospelnet soeur An-na Trần Thị Hòa.
Soeur Hòa xin quý ân nhân giúp đỡ một số
kinh phí khoãng 800.000 VND, để mua sách giáo lý, Kinh Thánh, tập, viết
, áo quần cho các em người dân tộc và các em người kinh nghèo hiện
đang học Lớp Giáo lý của Giáo Xứ Thánh Tâm, thuộc Giáo họ Duy Linh,
thành phố BMT.
Sự giúp đỡ của quý ân nhân xin gởi về:
Nữ tu Anna Trần Thị Hoà, thuộc Dòng Nữ
Vương Hoà Bình,
Ðịa Chỉ: 254 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, thành
phố Ban Mê Thuột.
Ðiện thoại: 050 855561
§
Dịch
vụ Sửa chữa máy tính tại nhà
Ðể kiếm thêm thu nhập cho
các bạn trong nhóm SVCGBK. Anh em trong nhóm chúng tôi gồm những bạn
có khả năng về Tin Học, cùng với sự hỗ trợ của một số anh chị đã
ra trường. Chúng tôi nhận làm các dịch vụ về Vi Tính như sau:
§
Sửa chữa và bảo
trì máy tại nhà.
§
Lắp đặt mạng
Local cho một cơ sở hoặc công ty.
§
Cài đặt các
loại chương trình, quét virus và hướng dẫn một cách tận tình chu đáo.
§
Tư vấn về các
loại máy tính và cách sử dụng cho những cá nhân chưa biết về máy
tính.
§
Tổ chức học tại
nhà về những thao tác cơ bản để sử dụng và bảo trì máy.
§
Nhằm giúp đỡ
mọi người sử dụng máy tính một cách có hiệu quả nhất. Chúng tôi
sẽ làm việc
hết sức tận tình và với một mức giá rất rẻ.
§
Ðặc biệt đối
với một số cá nhân còn khó’khăn, chúng tôi có thể chỉ giúp đỡ
miễn phí.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quí vị.
Mọi chi tiết xin liên hệ:
DUY
ANH - ÐT: 08 9320990 - EMAIL: nhduyanh@saigonsoft.com.vn
hoặc
HÙNG
phòng 310B KTX BÁCH KHOA - ÐT: 08 8563505