GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 15 C THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Lc 10, 25 – 37

DỤ NGÔN NGƯỜI SA-MA-RI TỐT LÀNH

Khi ấy, có một người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?" Người đáp: "Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?" Ông ấy thưa: "Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình". Ðức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống". Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Ðức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi ?" Ðức Giê-su liền kể một Dụ Ngôn rằng:

"Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác".

Ðến đây, Ðức Giê-su hỏi người thông luật: Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?" Ông ta trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Ðức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy".

SUY NIỆM:

"TÔI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA AI ?"

1. Khoảng cách rất lớn giữa "hiểu biết" về Ðạo và "sống" Ðạo:

Câu chuyện mà Tin Mừng Lu-ca kể lại cho chúng ta hôm nay khiến chúng ta phải giật mình suy nghĩ khi thấy rằng giữa "nói" và "làm", giữa hiễu biết về Ðạo và sống Ðạo có một khoảng cách lớn lao. Thời Ðức Giê-su cũng đã có tình trạng ấy: thầy tư tế của đền thờ và thầy Lê-vi của Do-thái giáo đều biết rất rõ là giới răn quan trọng nhất của Ðạo Chúa là giới răn yêu thương.

Thế nhưng họ đều tìm cớ để khỏi phải thực hành giới răn ấy, khi trước mắt họ là một con người bị nạn cướp bóc lột và đả thương đang nằm chờ được họ giúp đỡ. Trong khi ấy một người ngoại – người Sa-ma-ri – lại là người thực thi đức yêu thương một cách cụ thể, đúng lúc, đúng cách ! Trước mắt người Do Thái thì người Sa-ma-ri chỉ là một kẻ ngoại đạo, đáng khinh khi. Nhưng trên thực tế người ấy lại có những tâm tình mà chính Ðức Giê-su đã có, trước nỗi thống khổ của đồng loại: Ðó là biết "chạnh lòng thương".

Phúc Aâm ghi lại nhiều lần Ðức Giê-su đã chạnh lòng thương, đã xúc động….trước cảnh bất hạnh của con người, trước mồ người bạn thân là La-da-rô. Người Sa-ma-ri cũng "chạnh lòng thương" trước người bị nạn, nằm bên lề đường…giống như Ðức Giê-su đã "chạnh lòng thương" trước đám đông không người chăm lo, săn sóc. Người "ngoại" mà giống Chúa hơn người có đạo, hơn cả các đấng bậc trong Ðạo. Ngày nay trong cộng đoàn chúng ta có thấy tình trạng y như thê này không ? Thực tế cho thấy là đó đây vẫn xẩy ra tình trạng tương tự. Phải chăng vì thế mà việc truyền giáo của chúng ta ít có kết quả ? Phải chăng vì thế mà giới trẻ càng ngày càng xa lánh Giáo Hội ? Phải chăng vì thế mà nghe nói đến công giáo, người lương vẫn thờ ơ dửng dưng, vì họ không thấy trong công giáo có gì là hấp dẫn, là thu hút cả ?

2. Từ "Ai là người thân cận của tôi ?" đến "Tôi là người thân cận của ai ?"

Ðức Giê-su đã khéo lái vấn đề từ câu hỏi của người thông luật "Ai là người thân cận của tôi ?" sang gợi ý tuyệt vời của Ngài: "Tôi là người thân cận của ai ?" Thành ra thay vì Ðức Giê-su phải trả lời câu hỏi của người thông luật thì ông ấy và chúng ta phải trả lời câu hỏi mà Ðức Giê-su đã đặt ra cho ông ấy và cho chúng ta: "Các bạn là người thân cận của ai ?" Nói cách khác: trước những người đang cần đến sự giúp đỡ, yêu thương của các bạn thì các bạn đã cư xử như thế nào với những người ấy, để các bạn trở thành người thân cận của những người ấy ?

Tôi nhớ lại một kinh nghiệm "độc đáo và khó quên" mà tôi đã có được trong khóa huấn luyện cán bộ giáo dân mà tôi được tham dự vào mùa hè 1995 tại Viện Phát Triển Mục Vụ ( Philippines ). Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm ấy với các bạn ở đây thật chân thành.

Trong một buổi học, các học viên chúng tôi được giảng viên yêu cầu mỗi người lấy một tờ giấy và ghi tên tất cả những người thân của mình, những người mà mình yêu thương đến độ có thể hy sinh mạng sống vì những người ấy ? Ai nấy chăm chú suy nghĩ và cắm cúi viết. Tôi cũng làm thế. Nhưng rất nhanh, tôi nhận ra rằng danh sách những người thân của tôi, những người mà tôi thương yêu hơn cả bản thân mình đến mức tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh vì những người ấy thì rất ngắn ! Vì ngoài mẹ tôi, vợ tôi và hai con tôi và một vài người khác, tôi không dám ghi thêm tên một người nào khác nữa, vì tôi không chắc là mình đã yêu thương những người ấy đến độ có thể hy sinh mạng sống cho một ai trong họ.

Tôi phải thú nhận rằng: dù giảng viên không yêu cầu chúng tôi nộp danh sách, cũng không yêu cầu học viên nói lên số người được ghi trong tờ giấy của mình nhưng riêng tôi, tôi rất xấu hổ: xấu hổ với Chúa và xấu hổ với chính mình. Té ra nhờ phương pháp này mà tôi khám phá ra rằng cách sống Ðức Aùi của tôi còn rất mông lung, lý thuyết, hời hợt, thiếu đối tượng và giới hạn. Bài học khiêm tốn mà tôi rút ra được từ kinh nghiệm này quả là một hồng ân lớn lao mà suốt đời tôi không bao giờ quên.

Cho phép tôi mời các anh chị và các bạn hãy dành một khoảng thời gian rảnh rỗi để làm "bài tập độc chiêu này" ! Tôi tin chắc rằng sau khi làm bài tập này một cách nghiêm túc, các anh chị và các bạn sẽ khiêm tốn hơn trong suy nghĩ và ăn nói. Các anh chị và các bạn cũng sẽ khoan dung hơn đối với những thiếu sót, yếu đuối, thậm chí tội lỗi, của người khác.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy con rằng: không phải những người cứ kêu: "lạy Chúa, lạy Chúa…" là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ những ai thi hành Ý muốn của Cha, mới được vào mà thôi ( Mt 7, 21 ). Xin cho điều Chúa dạy in sâu vào tâm trí con, để con không bao giờ quên, trái lại luôn cố gắng sống theo lời Chúa dạy !

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy con rằng: Chúa chỉ tính sổ với con về những hành động yêu thương, bác ái mà con đã làm hoặc đã không làm cho những người anh em của con mà thôi ( x. Mt 25 ). Xin cho điều Chúa dạy in sâu vào tâm trí con, để con không bao giờ quên; trái lại luôn cố gắng sống theo lời Chúa dạy !

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ban ánh sáng và sức mạnh của Ngài cho con, để con biết sống như người khôn trong Phúc Aâm tức biết lắng nghe và thực thi Thánh Ý Thiên Chúa, biết hy sinh quên mình để yêu thương và phục vụ tha nhân. Amen.

       Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

CHỨNG TỪ:

MỘT GIÁO XỨ GIỮA NHỮNG NGƯỜI NHẬP CƯ

 

Linh Mục François ở Agen miền đông nước Pháp, nơi có đông người Hồi giáo nhập cư. Với mọi người, cha đã chú ý đến phẩm cách tương giao hơn là sự khác biệt về chủng tộc, văn hóa và tôn giáo giữa người bản xứ và những người nhập cư, và điều đó đã tiến triển tốt đẹp trong đời mục vụ tận tụy nhiệt thành của cha...

Cha thường tâm sự: "Tôi hiểu là tôi có thể rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng đời sống. Tôi đã khám phá được mối liên hệ giữa đời sống và Tin Mừng vốn là giá trị của một cuộc đời được đem sẻ chia cho tha nhân. Thật rõ ràng, đối với tôi, phẩm tính tương giao là chuyện quan trọng, chứng tá đời sống phải đi trước mục vụ... Tôi đã đến với Giáo Xứ này cách đây 6 năm. Trong một chung cư gần Nhà Xứ có rất nhiều gia đình gốc Bắc Phi và Bồ-đào-nha. Ðể tránh sự nghi ngại của họ, tôi chỉ tìm cách đến chơi bóng đá với bọn trẻ ở sân của chung cư. Ðây là lần đầu tiên trong đời Linh Mục, tôi đã thâm nhập vào môi trường của những người nhập cư, vốn bị người dân tại chỗ e sợ và đố kỵ...

Dần dà, người ta nghiệm thấy một sự thuần hóa qua lại. Bọn trẻ đến với nhóm sinh hoạt chặt chẽ hơn, còn người lớn thì quan tâm chăm sóc các trẻ nhỏ. Với các bà mẹ gia đình và thanh niên, chúng tôi cố gắng giúp họ vượt khỏi ý niệm "băng nhóm" để tìm cách gần lại với nhau, tổ chức thành các câu lạc bộ thanh niên nam nữ... Chúng ta hãy lắng nghe thêm những chia sẻ của chính các bạn trẻ người nhập cư tại Giáo Xứ..."

Cậu Mustapha 16 tuổi kể lại: "Chúng em có thói quen nói về tôn giáo, nhưng mỗi người vẫn trung thành với niềm tin của mình. Chúng em học biết các tín ngưỡng khác nhau. Và kiến thức chúng em đã được mở rộng. Khi lắng nghe nhau và giải thích cho nhau về nhưng điều ấy, người ta dần dần không còn e ngại nhau nữa." Em bé Myriam mới 10 tuổi, gia đình theo Hồi Giáo, cũng líu lo nói như một người lớn: "Bọn con đâu có cùng đạo với nhau, cha Phrăng-xoa đã không tìm cách dụ bọn con theo đạo của cha, mà còn hay dạy bảo bọn con về đạo Hồi. Ðâm ra bọn con càng thêm tin vào Thánh Allah và tiên tri Mohammed nữa !"

Cha François hết sức ngạc nhiên trước sự sáng tạo và sức sống của bọn trẻ vốn dĩ rất khác nhau về văn hóa và tôn giáo, nhất là khi chúng được bày cách thức tự tổ chức với nhau thành những Nhóm nhỏ, chúng tin tưởng nhau và mạnh dạn cùng bắt tay vào làm chung một việc tốt. Trong Nhóm, chúng tôn trọng nhau ghê lắm.

Ðó không phải là một lớp Giáo Lý nhưng lại làm triển nở những hạt giống đã có sẵn nơi chúng qua từng biến cố, bắt đầu từ môi trường xã hội, gia đình và lòng tin. Các hoạt động được hướng dẫn, các buổi lễ Hồi Giáo hay Công Giáo là bấy nhiêu dịp để gặp gỡ nhau, cùng tuyên xưng lòng tin với nhau. Ví dụ về dịp lễ Ramada, cậu Emmanuel giải thích: "Trong tháng Ramada, cần phải thinh lặng để nhớ đến Chúa, cũng cần phải tha thứ cho nhau. Chuyện này khó quá, nhưng em cảm thấy mình muốn trở nên tốt hơn và thân với bạn bè hơn..."

Các tờ bích báo của Nhóm khuyến khích việc đào sâu tâm tình này. Qua các câu hỏi thắc mắc của bọn trẻ, người phụ trách Nhóm và chính bọn trẻ tìm cách hiểu vấn đề cho tới nơi tới chốn và nói ra bằng kiểu ngôn ngữ của mình về niềm tin của chúng, của cha mẹ chúng. Trong các buổi họp mặt, một đoạn Tin Mừng, hoặc đôi khi là một đoạn Kinh Coran được công bố chung, khiến cho các phụ huynh bọn trẻ ủng hộ. Ông bố của cậu thanh niên Hồi Giáo tên Yasmana vui vẻ nói với con: "Con có thể đi với cha François bao lâu tùy ý, ngài giúp con học kinh Coran tốt lắm !"

Cha François tâm sự: "Tôi tin vào khả năng con người có thể gặp nhau, bên kia mọi khác biệt chính là sư phong phú hỗ tương nếu như những cuộc gặp gỡ đó được thể hiện bằng yêu thương, đón nhận và đối thoại. Những khác biệt ấy trở nên quà tặng cho nhau..."

Và thế là ở Agen, sau nhiều năm sống giữa các rào cản dửng dưng lặng lẽ, thậm chí có cả hận thù ngấm ngầm giữa các tôn giáo, nhiều người trong Giáo Xứ đã thay đổi quan điểm. Việc xây dựng một Ðền Thờ Hồi Giáo được quyên góp và họ đã nhận được cả sự trợ giúp từ các nước như Maroc và Algérie. Một hôm, cha gặp các người phụ trách xây cất Ðền Thờ và hỏi họ là các giáo dân của cha có thể đến viếng thăm khi Ðền Thờ hoàn tất không ? Họ ngạc nhiên và đồng ý ngay. Phía hội đồng Linh Mục cũng tán thành. Và đến một Chúa Nhật nọ, khoảng 50 tín hữu ở các Giáo Xứ tại vùng Agen đã tụ tập tại sân Ðền Thờ. Sau vài lời giới thiệu và ít phút ngập ngừng, những người Hồi Giáo đang cầu nguyện đã tiến ra đón những người bạn Công Giáo. Từng nhóm nhỏ, họ đã hướng dẫn các giáo dân vào thăm các phòng. Chỉ trong một giờ đồng hồ, mọi người đã gặp gỡ nhau một cách bình dị cho việc đối thoại và khám phá...

Kể từ hôm ấy, mọi bức tường ngăn cách hoàn toàn biến mất. Một số Ki-tô hữu đã khám phá ra người láng giềng, người đồng nghiệp của mình. Tất cả đều được đánh động bởi tấm lòng chân thành của nhau. Các bạn Hồi Giáo đã chia sẻ niềm vui cảm nghiệm rằng họ đã được đón nhận và tôn trọng. Tới phiên họ, họ đã mời cộng đoàn Giáo Xứ đến dự lễ khánh thành Ðền Thờ. Em Jaonad 13 tuổi đã nói một cách chững chạc: "Cần phải có một thế giới luôn luôn như thế để chúng em được sống hạnh phúc !"

Cha François xác tín: "Tận đáy lòng của phần lớn nhân loại là các giá trị tuyệt đối. Thiên Chúa hiện diện ở giữa họ. Lựa chọn gắn bó với Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong lòng mỗi người, đó là điều phải đạt tới !"

Theo LỜI HẰNG SỐNG 4.1999

CÂU TRUYỆN:

Trong cuốn sách có tựa đề là "Nhóm 12", tác giả kể lại câu truyện của một thương gia giàu có bước vào quán ăn chợt bắt gặp một em bé nghèo đang run vì đói trước cửa vào. Tỏ lòng thương, người thương gia mời em vào cùng ăn với mình. Nhưng điều lạ lùng xẩy ra là mặc dù đói và đang có trước mặt một dĩa ăn ngon còn đang nóng, em bé nghèo may mắn này không tỏ vẻ gì xúc động và muốn ăn liền cả. Mắt em nhìn ra cửa sổ ngay bên cạnh, vẻ mặt vẫn buồn như trước. Người thương gia hỏi em :

-  Tại sao con không ăn? Hay con không thích món ăn này?

Em bé nghèo vội trả lời với giọng đầy sợ hãi :

- Không! con đói lắm, nhưng làm sao con có thể ăn được khi còn đứa em con cũng đói như vậy đang đứng chờ ngoài cửa kia.

Vừa nói em vừa chỉ cho ông thương gia một em bé khác nhỏ tuổi hơn, ăn mặc rách rưới, đang thèm thuồng nhìn vào dĩa đồ ăn của anh mình trong quán.

Câu trả lời thành thật và đơn sơ của em bé "Làm sao con có thể ăn được khi còn em con đang đói đứng chờ ngoài cửa kia?" Câu trả lời này có thể trở thành câu nói của tình  liên đới nhân loại giữa người với người. Với ta, một người anh chị em bên cạnh đang thiếu thốn, cần nhờ đến lòng quảng đại trợ giúp của ta, làm sao ta có thể ăn uống được? Làm sao ta có thể sống an vui được, khi còn bao anh chị em bên cạnh lâm vào hoàn cảnh bi đát hơn? Em bé nghèo kia muốn chia sẻ sự may mắn của mình với đứa em, ước chi mỗi người chúng ta cũng có được tâm tình liên đới giống như vậy đối với anh chị em xung quanh. Thiên Chúa rất vui lòng khi thấy những con cái Ngài sống tình liên đới với nhau, biết chia sẻ những hồng ân lãnh nhận từ Ngài. Ngài luôn muốn cho con cái Ngài sống chia sẻ và trợ giúp nhau một cách vui tươi với tâm hồn biết ơn, với ý định thành thật ngay chính không hậu ý lợi dụng. Ngài không muốn các con cái Ngài chia sẻ vì hậu ý đen tối để thỏa mãn cái tôi tự tôn. Thánh Phaolô tông đồ nơi chương 9 câu 7 của thơ thứ 2 gởi giáo đoàn Côrintô đã khuyên các tín hữu như sau:"Mỗi người trong anh em hãy cho đi, hãy chia sẻ với nhau tùy theo ý định tốt lành của lòng mình, không cau có, không miễn cưỡng, vì khi tôi vui mừng trao ban thì Thiên Chúa mới nhận lời". Tiếp đó thánh Phaolô cũng nhắc nhở các tín hữu cộâng đoàn Côrintô là "sở dĩ mỗi người chúng ta được mời gọi chia sẻ là vì trước đó chính Thiên Chúa là Ðấng đã ban cho chúng ta những  điều đó". Trong tập sách gợi ý suy tư tựa đề là "Những hạt ngọc quí", mục sư Gun-đơn đã kể lại kinh nghiệm sống chia sẻ cách quảng đại như sau:

Sau trận hỏa hoạn lớn xẩy ra tại Chi-ca-gô, ông mục sư Mun-đi đã xin những vị hảo tâm trợ giúp vật chất cho các nạn nhân. Ông được giới thiệu đến một thương gia giàu có. Khi biết được hoàn cảnh cùng cực của các nạn nhân, vị thương gia này đã không ngần ngại ký ngân phiếu dâng cho công tác cứu trợ một khoảng tiền thật to lớn ngoài sự tưởng tượng và sự mong đợi của ông. Không những vị thương gia này cho như vậy, nhưng đồng thời ông còn giới thiệu mục sư với nhiều bạn bè thuơng gia khác nữa để có thêm số tiền trợ giúp nhiều hơn nữa. Vào giây phút bắt tay từ giã trở lại Chi-ca-gô, mục sư Mun-đi cảm động nói với người thương gia kia như sau:

- Khi nào có dịp đến Chi-ca-gô, xin ông vui lòng cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để đáp lại tấm lòng tốt của ông.

Nhưng vị thương gia kia khiêm tốn trả lời:

- Thưa mục sư, tôi không bao giờ có ý định đến Chi-ca-gô để được người ta đáp lễ đâu. Xin mục sư hãy dành ân huệ đó cho bất cứ ai khác và hãy quên tôi đi.

Câu nói thẳng thắn này đã đánh động mục sư Mun-đi suốt đời.

Chúng ta không thể và cũng không mơ ước đóng góp điều gì to lớn cho những anh chị em trong xã hội. Nhưng gần bên chúng ta lúc nào cũng có những người cần đến những trợ giúp nho nhỏ, những nụ cười thông cảm, những lời nói khuyến khích mà không cần phải có của cải vật chất ta mới chia sẻ cho được. Chỉ cần ta có một tâm hồn giàu lòng quảng đại, ta có thể có một niềm vui thanh tao, không phải vì có nhiều hay được nhận lãnh nhiều, nhưng vì biết trao ban chia sẻ cho kẻ khác. Nếu ta không có niềm vui nào khác thì ít ra hãy hưởng lấy niềm vui vì biết chia sẻ với anh chị em xung quanh.

Lạy Chúa, xin dạy con sống quảng đại, biết yêu thương và phục vụ anh chị em con cả trong những việc nhỏ thường ngày.Amen.

( Ghi lại từ Ðài Veritas )

 

 

THÔNG TIN:

THÔNG TIN THÊM VỀ CHÁU PHẠM GIA BẢO ( BỊ BỆNH LÃO HÓA DA )

Ngày 2.7.2001, GOSPELNET đã nhận được số thuốc của bác sĩ BÍCH ÐÀO và bà MINH TRI ở Pháp gửi về thông qua ông bà ƯNG LONG – NGỌC ANH, gồm có 4 tubes Pommade Dirosalic, 1 tubes Diprosone và 1 hộp Biafine. Anh MK Phan Tấn Hiển đã mang thuốc đến tận nhà trao cho ông ngoại và cha mẹ của cháu PHẠM GIA BẢO. Gia đình hết sức vui mừng vì đã có thuốc giúp cháu bé ( 10 tháng tuổi ) được đỡ đau vì bị lột da liên tục, lúc nào thân mình cũng đỏ như con tôm luộc. Chúng tôi cũng liên hệ với bác sĩ Nhu Hương để giới thiệu gia đình đưa cháu đến khám tại phòng mạch bác sĩ Lý Hữu Ðức chuyên khoa Da Liễu hàng đầu hiện nay tại Việt Nam. Ðược biết vào cuối tháng 7, bác sĩ Bích Ðào ở Pháp về, cũng sẽ đến thăm và khám cho cháu bé, vì đây là một trong 2 trường hợp bệnh nan y hiếm hoi tại Việt Nam.

Hiện nay, cha mẹ cháu đang phải ở trọ tại nhà ông ngoại cháu, căn nhà riêng đã phải bán từ lâu, được 40 triệu VND để chạy chữa cho cháu mà vẫn chưa thuyên giảm.

GOSPELNET xIn thay mặt gia đình cháu bé để ngỏ lời cám ơn bác sĩ Bích Ðào, bà Minh Tri và ông bà Ưng Long – Ngọc Anh. Sắp tới, cha Phạm Ðức Trí ở Pháp cũng sẽ gửi về thêm loại thuốc đặc trị nói trên cho cháu bé.

 

THÔNG TIN VỀ KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI GIÚP

GOSPELNET đã nhận được khoản tiền :

-          36 USD và 100.000 VND của một ân nhân ẩn danh muốn chia sẻ với quỹ trợ giúp người nghèo.

-          1.000.000VND do anh Trần H. Thiện ở Hoa Kỳ gởi cho cha Ðặng Xuân Ðồng, họ đạo Cái Trầu, hạt Trà lồng, giáo phận Cần Thơ, để giúp các em tật nguyền trong xứ. Gospelnet đã chuyển số tiền này cho cha Ðồng sáng ngày 10/07/2001.

-          Cha Louis Nguyễn Văn Qui đã đem từ Pháp về 20 hộp thuốc đặc trị bệnh lão hóa da cho cháu Phạm Gia Bảo. Thuốc đã được chuyển đến cho gia đình cháu Bảo.

Xin hết lòng biết ơn quý vị, chúng tôi sẽ làm theo đúng nguyện vọng và thiện chí của quý vị.

THÔNG TIN VỀ HOÀN CẢNH NGẶT NGHÈO

Ø       Soeur Hồng Quế, thuộc Hội Dòng Ða-minh Tam Hiệp, nhờ Gospelnet đăng giùm lá thư của một Nữ tu chị em bạn đang cần sự giúp đỡ của quý ân nhân.

                                                                                                                       

                                                                                                                        Thành phố HCM ngày 06/07/2001

Tôi là nữ tu Ma-ri-a Tê-rê-xa Nguyễn Thị Lịch, sinh năm 1957 tại Ðắc-lắc, thuộc Tu viện Ðức Ma-ri-a Nữ Vương Hòa Bình, 254 Xô Viết Nghệ Tĩnh, thành phố Buôn ma thuột, tỉnh Ðắc-lắc.

Trước hết tôi xin mạn phép trình bày hoàn cảnh gia đình:

Tôi có người mẹ già yếu là bà Ðinh Thị Trường, sinh năm 1935, đang điều trị bệnh hoại tử túi mật tại P. 208, khoa Gan – Mật, Tổng quát II, bệnh viện Bình Dân thành phố HCM.

Tháng 7/2000 bà bị đau nặng, đã nhập bệnh viện Bình Dân với 2 lần mổ trong vòng 1 tháng. Cuối tháng 06/2001 căn bệnh tái phát phải nhập bệnh viện và được mổ cấp cứu ngay, đến nay đã gần 1 tháng, bệnh tình chưa thuyên giảm còn rất đau đớn , bác sĩ đề nghị cần phải phẫu thuật lần 2.

Nhưng kính thưa quý vị,

Với điều kiện gia đình kinh tế quá khó khăn mà ba mẹ tôi tuổi già sức yếu lại bệnh tật lâu dài, tôi thành khẩn xin quý vị ân nhân rộng tay làm phúc giúp đỡ ba mẹ tôi qua bước ngặt nghèo nguy tử này. Tôi xin chân thành tri ân lòng quảng đại va hảo tâm của quí vị.

Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng xót thương ban cho quí vị được tràn đầy ân sủng và phúc lộc của Ngài.

Kính xin

Nữ tu Ma-ri-a Tê-rê-xa Nguyễn Thị Lịch

Dòng Nữ Vương Hòa Bình

Gospelnet đã gởi biếu soeur Lịch 500.000VND, rút từ quỹ, để giúp mẹ của soeur chữa bệnhï, nhờ soeur Hồng Quế chuyển dùm.

Mọi sự giúp đỡ của Quí ân nhân gởi cho soeur Lịch, xin gởi đến địa chỉ :

371 Ðiện Biên Phủ, P4, Q3, thành phố HCM,

hoặc tại Bệnh viện Bình Dân, P. 208, Khoa Gan-Mật, Khu Tổng quát II, là nơi mẹ soeur đang chữa bệnh.

Ø       Cha già An-tôn Vương Ðình Tài và thầy Sáu Thịnh, thuộc DCCT Việt Nam, phụ trách vùng truyền giáo Plei Chuet, giáo hạt Pleiku, Giáo phận Kontum, có gởi đến cho Gospelnet lý lịch của 3 em học sinh nghèo, người dân tộc Gia-rai, nhờ Gospelnet xin giúp học bổng cho các em. Bước vào niên khóa 2001-2002, 2 em sẽ vào lớp 9 và 1 em vào lớp 12.

Theo ước tính của thầy Sáu Thịnh, có lẽ mỗi em cần khoảng 750.000VND để có thể tiếp tục theo học trọn vẹn trong năm học tới.

Vậy Gospelnet kính xin quí vị ân nhân hảo tâm giúp đỡ cho các em.

THƯ CẢM ƠN

Con xin chân thành cám ơn cha Quang Uy và Trung Tâm Mục Vụ đã giúp đỡ cho em Diễm Châu.

Nguyện Chúa xuống tràn hồng ân trên cha và quý ân nhân. Ước mong cộng tác giúp đỡ người nghèo luôn được tiến triển tốt đẹp và ngày càng giảm đi những đau khổ trong cuộc đời này. Con luôn nhớ đến cha và cầu nguyện cho công việc của cha và trung tâm mục vụ.

Kính chào trong tình yêu Chúa Ki-tô

Pr. Hai

 

Xin chân thành cám ơn quý vị ân nhân xa gần đã, đang và sẽ còn giúp đỡ cho cháu Phạm Gia Bảo bằng nhiều cách, xin Chúa trả công bội hậu cho những công việc tốt đẹp của quý vị, và cầu mong cho những công việc đó mang lại nhiều hoa trái tốt lành. Sự giúp đỡ, động viên, an ủi của quý vị đã mang lại nhiều niềm vui và hạnh phúc cho gia đình chúng tôi.

Nguyễn Ngọc Chác (ông ngoại cháu Bảo)