TIN MỪNG: Ga 16, 12 15
"Thầy còn nhiều điều phải nói
với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần
Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người
sẽ không tự mình nói điều gì,
nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho
anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người
sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có
đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy
mà loan báo cho anh em."
SUY NIỆM:
1. ÐỨC GIÊ-SU CÒN NHIỀU ÐIỀU CHƯA NÓI HẾT
Còn nhiều điều phải nói về Thiên Chúa hơn
những điều đã nói ra Ðức Giê-su đến thế gian để mặc khải cho con
người biết về Thiên Chúa, nhưng đời Ngài quá ngắn ngủi ( 33 năm ),
mà trong đó Ngài chỉ dành một phần thời gian rất nhỏ ( 3 năm ) để
giảng dạy. Làm sao Ngài có thể nói hết về Thiên Chúa, Ðấng vô
cùng vô tận ? Thế giới này là hữu hạn, thế mà con người nghiên
cứu hết đời này đến đời khác, thế kỷ này đến thế kỷ khác, và đã
có hàng tỷ cuốn sách viết ra về thế giới, thế mà vẫn không hết.
Con người lúc nào, thời nào cũng vẫn khám phá ra cái mới về thế
giới, vũ trụ.
Thế giới hữu hạn mà còn vậy, Thiên Chúa
là Ðấng vô hạn, lẽ nào Ðức Giê-su lại chỉ cần nói trong 3 năm mà
hết được ? Giả như Ðức Giê-su có dành ra 100 hay 1000 năm để nói về
Thiên Chúa, thì cũng không nói hết được, vì Ngài là Ðấng vô biên
và phong phú khôn lường ! Vì thế, trước khi từ giã các môn đệ để
về cùng Chúa Cha, Ngài nói: "Thầy
còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có
sức chịu nổi". Nghĩa là về Thiên Chúa thì còn nhiều điều phải
nói lắm, nhưng có nói thêm thì các Tông Ðồ lúc ấy chẳng lãnh hội
được !
"Không
có sức chịu nổi", vì chân
lý về Thiên Chúa thì quá cao siêu, mà khả năng hiểu biết của con
người thì quá hạn hẹp, nông cạn, làm sao trong một thời gian quá
ngắn con người hiểu biết được. Những môn học dành cho cấp 3, thì học
sinh cấp 2 không thể lãnh hội được. Cũng vậy, Ðức Giê-su không thể
nói cho các môn đệ những điều về Thiên Chúa vượt quá khả năng
lãnh hội của họ lúc đó được, vì nói mà họ không hiểu thì vô ích.
Ngài chỉ nói trong khả năng lãnh hội hạn hẹp của họ mà thôi. Phải
chờ trình độ hiểu biết, suy tư và tâm linh của họ cao hơn, thì mới có
thể nói những điều cao siêu, khó hiểu hơn.
Vì thế, chúng ta đừng quá ảo tưởng về
những điều đã được mặc khải qua Ðức Giê-su, cho đó là trọn vẹn, là
gồm đầy đủ tất cả những gì có thể nói về Thiên Chúa. Chẳng lẽ
Thiên Chúa của chúng ta lại quá hữu hạn như thế sao ?
2. THẦN KHÍ SỰ THẬT SẼ TIẾP TỤC NÓI
Con người có nhu cầu hiểu biết về Thiên
Chúa. Vì thế, việc mặc khải về Thiên Chúa vẫn được tiếp tục mặc
khải qua lịch sử con người bởi Thánh Thần, như Ðức Giê-su đã hứa: "Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người
sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn". Thánh Thần đã hiện xuống
trên các Tông Ðồ ngày lễ Ngũ Tuần, nhưng Ngài không nói gì cả. Và
chắc chắn trong suốt chiều dài lịch sử con người, Ngài còn xuống
trên rất nhiều người khác nữa, thuộc tất cả mọi thời đại. Cách mặc
khải của Thánh Thần không phải theo kiểu của Ðức Giê-su: nhập thể
thành một người để nói với một số người. Mà theo kiểu ngôn sứ
Giô-en đã báo trước: "Thiên Chúa
phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy
người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh
niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày
đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta, cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và
chúng sẽ trở thành ngôn sứ" ( Cv 2, 17 18; xem Ge 3, 1 2 ).
Nếu tất cả những gì Ðức Giê-su nói không phải là tất cả
những gì có thể nói được về Thiên Chúa vô hạn, thì chắc chắn còn
nhiều điều được mặc khải về Thiên Chúa là do Thánh Thần của Ngài,
ngoài những gì Ðức Giê-su đã nói. Theo ngôn sứ Giô-en được Phê-rô
nhắc lại trong sách Công Vụ Tông Ðồ, thì trong lịch sử con người,
Thần Khí đã được đổ xuống trên rất nhiều người, để họ nói lên
những chân lý về Thiên Chúa, và đó chính là mặc khải của Thánh
Thần. Những mặc khải ấy ở đâu ? là gì ? Ðó là điều chúng ta cần
suy nghĩ, và rất có thể nhờ đó, ta thấy được chỗ đứng của các tôn
giáo trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.
Vì khi Ngài là chủ tể điều khiển lịch sử,
thì việc xuất hiện các tôn giáo lớn trên thế giới không thể là
ngoài thánh ý của Ngài. Nhất là khi Ngài lại để cho các tôn giáo
ấy xuất hiện và phát triển trước Ki-tô giáo. Chẳng hạn tại châu
Á, đang khi các tôn giáo khác xuất hiện từ những thế kỷ đầu công
nguyên, thì mãi đến thế kỷ 15, Thiên Chúa mới cho Ki-tô giáo được
truyền bá một cách có qui mô tại châu Á. Tại sao Thiên Chúa lại
để Ki-tô giáo đến trễ như vậy ? Ngài có muốn Ki-tô giáo cạnh tranh
với các tôn giáo khác không ? Chúng ta phải nhận ra ý muốn của
Ngài qua việc Ngài đã làm trong lịch sử, chứ không phải là đoán ý
của Ngài qua sự mong muốn của chúng ta ! Trời cao hơn đất bao nhiêu
thì thánh ý Ngài cao hơn ý chúng ta như vậy ! ( xem Is 55, 8 9 )
3. MUÔN LOÀI VẠN VẬT ÐỀU ÐA DẠNG VÀ ÐA DIỆN
Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn loài vạn
vật đa hình đa dạng, và vật nào cũng đều đa diện. Vật nào cũng đều
có thể có nhiều cách nhìn khác nhau, do nhiều người khác nhau nhìn từ
nhiều vị trí khác nhau. Cùng một vấn đề, nhưng người nhìn thấy thế này,
kẻ nhìn thế khác: một bác sĩ khó có thể có cùng một cách nhìn với
một kỹ sư, và lại càng khác xa cách nhìn của một bác nông dân.
Chẳng ai dám kết luận là cách nhìn này đúng, cách nhìn này sai, mà
chỉ có thể kết luận rằng chúng khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau.
Thiên Chúa vẫn luôn luôn thích có sự đa dạng trong vũ trụ.
Chẳng hạn đối với loài hoa, Ngài đã dựng
nên hàng vạn loại khác nhau, trong đó mỗi loại đẹp mỗi vẻ. Chắc chắn
Ngài và bất kỳ ai trong chúng ta, chẳng ai muốn dẹp đi mọi loại hoa,
chỉ để tồn tại một loài mà ta nghĩ là đẹp nhất mà thôi. Như thế
thế giới này sẽ bớt phong phú, sẽ trở nên buồn tẻ hơn. Cũng thế,
chắc hẳn Ngài cũng không thích trên thế giới này chỉ tồn tại một
cách nhìn duy nhất về Ngài, một cách thờ phượng duy nhất dành cho
Ngài theo kiểu một tôn giáo nào đó, vì như thế, thế giới sẽ trở
nên đơn điệu, buồn tẻ. Chính vì thế, Ngài đã cho lập nên nhiều tôn
giáo, nhiều ý thức hệ khác nhau, không phải để nhân loại chia rẽ
nhau, mâu thuẫn nhau, mà để bổ túc cho nhau.
Thiên Chúa muốn người ta hợp tác với nhau,
yêu thương nhau, chấp nhận sự khác biệt của nhau, hơn cả sự hoàn hảo
cá nhân của họ. Chính vì thế, Ngài đã không dựng nên những con
người hoàn hảo, có khả năng tự độc lập. Mà Ngài đã dựng nên
những con người không hoàn hảo: người được mặt này mất mặt kia, kẻ
được mặt kia nhưng lại mất mặt này, để con người cần lẫn nhau, nương
nhau mà tồn tại, hầu nhờ đó họ cộng tác với nhau, yêu thương nhau.
Cũng như người nam và người nữ nhờ khác nhau, nhờ không hoàn hảo,
mà họ yêu thương và kết hợp với nhau thành vợ chồng.
4. HÃY BẮT CHƯỚC BA NGÔI THIÊN CHÚA CỦA CHÚNG TA
Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi
khác biệt nhau, mỗi Ngôi một vẻ. Nhờ vậy, Ba Ngôi yêu thương nhau,
hợp với nhau thành một Thiên Chúa duy nhất. Ba Ngôi tuy khác biệt
nhau, nhưng lại chấp nhận nhau, cần lẫn nhau, hợp tác với nhau, yêu
thương nhau, sống chung hòa bình với nhau. Ba Ngôi không bao giờ muốn
tiêu diệt nhau để chỉ còn một Ngôi tồn tại. Ba Ngôi đều bằng nhau,
tôn trọng nhau, tôn trọng cả sự bình đẳng giữa nhau, không Ngôi nào
muốn vượt trội hơn để thống trị Hai Ngôi kia.
Mọi người, mọi gia đình, mọi tập thể, mọi
tôn giáo, cần bắt chước Ba Ngôi trong những khía cạnh ấy. Ðừng ai
mong mình vượt trội hơn những người khác, muốn thống trị những người
khác, muốn chiếm địa vị độc tôn, độc quyền. Ba Ngôi của chúng ta là
một Ba Ngôi hợp nhất, nhưng hợp nhất ở đây là thứ hợp nhất trong đa
dạng, chứ không phải hợp nhất trong đồng nhất. Mọi tập thể, mọi gia
đình, mọi tôn giáo, cần phải chống lại cơn cám dỗ muốn hợp nhất
bằng cách làm mọi sự thành đồng nhất: muốn mọi người chỉ còn một
cách nhìn, một cách suy nghĩ duy nhất là cách của mình. Trái lại, cần
phải tôn trọng sự khác biệt và bình đẳng, thì nhân loại mới có
nhiều khả năng yêu thương nhau, và sống chung hòa bình với nhau được.
Mọi chia rẽ, chiến tranh trong gia đình, trong tập thể đều phát
xuất từ ý của một người nào đó muốn áp đặt ý của mình lên người
khác, muốn thống trị, muốn trổi vượt, muốn độc tôn. Và cái ý ngông
nghênh ấy cuối cùng chỉ là những hình thức thể hiện tính kiêu ngạo,
ích kỷ, muốn tự đề cao mình.
Lạy
Thiên Chúa Ba Ngôi, xin cho mọi người, mọi tập thể trên trần gian,
trong đó có Giáo Hội của chúng con, biết bắt chước tinh thần yêu
thương hợp tác của Ba Ngôi: biết yêu thương nhau, biết chấp nhận và
tôn trọng sự khác biệt của nhau, không áp đặt lẫn nhau, ép người
khác trở nên giống mình, nghĩ như mình, nhưng muốn cho nhau cùng tồn
tại, để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, yêu thương và hợp
nhất với nhau. Ðó cũng chính là Nước Trời mà Ðức Giê-su muốn xây
dựng cho trần gian.
CÂU TRUYỆN:
CÂU HỎI VỀ THIÊN CHÚA
Thiên
Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Trong các tiết học Giáo Lý, trong
các bài giảng Thánh Lễ, chúng ta thường được nghe diễn giải bằng
rất nhiều hình tượng, nhiều câu truyện minh họa để có thể hiểu được
mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Như câu truyện của Thánh Augustin với em
bé ngồi múc nước biển bằng một chiếc vỏ sò; như hình ảnh bàn tay
với 3 ngón xòe ra; như một cái cây có 3 nhánh... Nhưng nếu đã là
một mầu nhiệm thì có lẽ con người sẽ chẳng bao giờ hiểu cho thấu.
Và sẽ còn mãi một câu hỏi về Thiên Chúa Ba Ngôi mà câu trả lời
chính là...
Một lần nọ, một vị Ðạo Trưởng tập trung
các môn sinh lại, rồi hỏi người đồ đệ đứng hàng đầu:
-
Theo con, có
Thượng Ðế hay không ?
-
Dạ, thưa thầy
có.
-
Sai rồi !
-
Dạ, thưa thầy,
không có ạ !
-
Cũng sai nốt !
Thấy vị Ðạo Trưởng trầm ngâm không nói gì
nữa, các môn sinh liền thắc mắc gạn hỏi thêm:
-
Nếu thế, câu
trả lời là thế nào ạ ?
-
Không hề có câu
trả lời.
-
Nhưng... tại sao
lại không ạ ?
-
Bởi vì cũng
không thể đặt câu hỏi về Thượng Ðế !
Nhìn các môn sinh đang còn ngẩn ngơ vì không
hiểu gì, vị Ðạo Trưởng giải thích:
- Nếu
các con không thể nói điều bất cứ gì về Thượng Ðế, bởi vì Người là
Ðấng vượt trên mọi tư tưởng và lời nói của loài người chúng ta, thì
làm sao các con lại có thể hỏi được điều gì đó về Người ?
Theo LỜI HẰNG SỐNG 6.2000
CẢM NHẬN:
THỜI ÐIỂM TỶ LỆ
BỆNH TÂM TRÍ
Năm 1995 xẩy
ra vụ nổ bom một tòa nhà có nhiều cơ quan chính phủ tại Oklahoma City
nước Mỹ, trong đó có một vườn trẻ. Nhiều người bị chết thê thảm,
trẻ con cũng bị banh xác. Phi lí quá ! Những người mẹ vừa khóc thảm
sầu vừa nhặt những mảnh thịt xương con mình văng vãi. Sau đó, nhiều
người bị khủng hoảng tâm lý. Tivi phải thường xuyên kêu gọi các bác
sĩ tình nguyện giúp chữa những người bị điên.
Vụ Oklahoma City chỉ là một tiêu biểu. Tỷ lệ người Mỹ bị
điên thật cao so với những nước Á Ðông. Một người thân chết cũng bị
điên. Bị ly dị cũng điên. Bị mất việc cũng điên. Nói chung người Âu
Mỹ sống trong xã hội nhiều tiện nghi nên sức chịu đựng ít được tôi
luyện. Nếu theo mức này thì chắc người Việt mình trong hơn nửa thế kỷ
qua cần phải có mấy triệu bác sĩ trị liệu tâm lý. Nhưng thật lạ,
trải qua những đau khổ cùng tột trong chiến tranh như vậy mà số người
Việt bị điên, bị mát không nhiều. Sức chịu đựng phi thường của người
Việt đã làm ngạc nhiên cho mọi người.
Nhiều người ngoại quốc trong đó có linh
mục dòng Tên người Ý tên Việt là Ðỗ Minh Trí ( phiên âm bởi tên
chính là Dominici ), người đã nhận Việt Nam là quê hương của mình, đã
có một nhận xét rất đặc sắc về tâm hồn Việt Nam. Sức chịu đựng
bền bỉ và thích nghi cân bằng đời sống với bất cứ hoàn cảnh nào đã
trở thành nét văn hóa tiêu biểu như một gia sản riêng của người
Việt, ít dân nào có được:
"Cuộc sống con người là một sự cân bằng giữa sức khoẻ và
bệnh tật, niềm vui và đau khổ, giữa lao động và nghỉ ngơi, giàu có
và nghèo nàn... Khi sự cân bằng đó mất đi bởi vì một yếu tố trở
nên lấn lướt hơn so với yếu tố kia, con người sẽ bị khủng hoảng.
Cuộc sống của cả một dân tộc trở nên phong phú và có nhân tính
nếu như cái dáng dấp bi thảm của khổ đau quân bình với cái hình dạng
của niềm hân hoan và hạnh phúc...
Tôi
nhớ vào năm 1979 ở Kuku, các bác sĩ người Pháp đã rất kinh ngạc vì
số lượng rất thấp của những căn bệnh rối loạn tâm trí giữa một số
lượng đông đảo người tị nạn đang sống trong một tình cảnh bi đát. Tôi
tin rằng sở dĩ có được điều này là do tâm tính vui vẻ và thơ thới của Người Việt...
Chính
ngay điều đó chứng tỏ được rằng sự thông minh của người Việt đã
biết cách tạo dựng nên những điều kiện lý tưởng để cho cuộc sống
của họ, dù rằng đôi khi cay đắng và bi thảm, trở nên có nhân tính. Nhân tính, đó mới là phẩm chất mà
theo tôi, tâm hồn người Việt Nam có thể tóm gọn vào hai chữ đó.
Người Việt Nam có rất nhiều nhân tính. Họ không khao khát một sự
thánh thiện cao siêu, một nếp sống hào hùng hay những khám phá phi
thường. Lý tưởng của họ là một
nếp sống an nhàn, tràn đầy niềm vui đơn sơ và bình dị của con người.
Chính cái nhân tính đó đã làm cho người ngoại quốc rất ưu ái và gắn
bó rất chặt chẽ với dân tộc Việt Nam. Nhất là người Tây phương rất
cần đến cái nhân tính đó của người Việt Nam, là vì họ đã biến đổi cuộc
sống thành một cuộc chạy đua điên cuồng trong lãnh vực tiến bộ khoa
học kỹ thuật, một sự tiến bộ đã làm cho cuộc sống nhân loại khổ
sở biết chừng nào !" ( Linh
Mục Dominici, Việt Nam Quê Hương Tôi, Diễn Ðàn Chúa Nhật, trang 26 28
)
TRUY TẦM NÉT ẨN MẬT
Nhiếp ảnh gia Mark Sindler
nổi tiếng ở New Orleans về những bức hình diễn được nét văn hóa
tiêu biểu của người Việt mà người Âu Mỹ đang cần tìm hiểu. Anh mò
ra được vùng "kinh tế mới" là vùng đất bỏ hoang từ lâu, nay
được các cụ Việt ta chặt cây, làm cỏ, xới đất trồng rau, thành
hàng thành luống. Lúc đầu thì lấy thùng xách nước dưới mương lên
trông rất "miệt vườn". Sau này các cụ "cơ giới"
hóa bằng máy bơm, mua cũng rẻ thôi. Nhìn những đọt rau đang mơn mởn
phóng lên, các cụ thấy đời mình tươi trẻ lại, hy vọng lóe lên trong
ánh mắt. Về nhà ăn cơm thấy ngon hơn, đọc kinh thấy dòn hơn, chứ
không uể oải như mọi khi.
Rình mãi, Mark
Sindler mới chụp được cảnh "Vườn
Rau Xanh Ngát Một Mầu" của mấy ông bà cụ vùng Versailles.
Thay vì ngồi than ngao ngán "thấy
đời mình là những quán không" thì đi trồng rau. Vừa chạm đến
thiên nhiên tươi mát, vừa có tiền còm mua bánh kẹo cho các cháu.
Các cụ còn phát ngôn ngon lành: "Người
Mỹ các anh cứ nhốt mình trong phòng như cái hộp vuông. Như vậy điên
mát là đúng rồi. Phải mở hộp vuông ra mà hòa với trời tròn, với
đời sống cộng đồng, thì cuộc sống mới vuông tròn được. Nước cứ bị
đóng lại trong một cái ao nhỏ, trước sau gì thì cũng bị ủng
thối". Có lý thật. Hèn chi thấy nụ cười các cụ no tròn và
miệng hát nghêu ngao. Bác sĩ thần kinh mà đến đây thì thế nào cũng
thất nghiệp !
NÉT VĂN HÓA DI TRUYỀN TRONG
DÒNG MÁU VIỆT
Bác sĩ Dean
Ornish hiện rất thành công trong chương trình khảo cứu rất khoa học về
việc chữa bệnh hòa hợp thể lý với tâm lý. Một trong những sinh
hoạt chính của những người tham dự chương trình là gặp gỡ nhau để chia
sẻ trong tình thân. Bắc cầu tình thân với người khác sẽ làm cho tính
tình được thanh thản, bớt bị căng thẳng. Bởi vì khi bị căng thẳng thì
trong cơ thể tiết ra một loại hóa chất gọi là adrnaline, noradrenaline
và cortisol. Những chất này như còi hụ tình trạng báo động nguy cấp,
mọi nỗ lực chỉ còn dồn vào một động tác duy nhất là đánh hay chạy;
mọi sinh hoạt khác bị ứ đọng hoàn toàn: ăn không cảm thấy ngon, đầu
hết suy nghĩ được, mạch máu trì trệ, mất kháng tố chống nhiễm trùng
nên các tế bào sinh chứng, dễ bị cảm cúm, mất hết hứng khởi...
Như vậy, cô đơn tách lìa cũng là chất độc mà
chỉ tình thương mới chữa cứu nổi. "Nếu
bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim
bạn thôi !" Không có con đường nào khác nữa đâu. Bác sĩ
Ornish tâm sự: "Tôi càng tìm vun
quén cho mình thì càng cô đơn, nhưng khi tôi biết tìm phục vụ người
khác thì tôi thấy hạnh phúc hơn nhiều".
Nhìn được như vậy thì người ta mới thích nhạc Jazz. New Orleans là
thủ đô loại nhạc này, bộc phát từ những hứng khởi rung cảm tâm
hồn hơn là những qui luật ước định. Người chơi nhạc Jazz hay thưởng
ngoạn nhạc Jazz đều cần phải mở tâm đóng kín "ao tù" ra mà
hòa vào nhịp sống chung của giòng đời tươi mát. Vậy ra New Orleans là
một thành phố thu hút du khách sành điệu, biết nhìn ra những nét
phản tỉnh tìm lại niềm sinh thú trong một xã hội quá đóng kín khép
lại khiến mỗi ngày mỗi nghèo nàn tinh thần ra. New Orleans luôn
"giầu có" sinh động với Mardi Gras, với đại hội nhạc Jazz,
với những tiệm ăn Pháp nổi tiếng, với Café du Monde, với Superdome,
với cầu xa lộ Causeway dài nhất thế giới bác qua Biển Hồ, với cầu
Con Cò vươn tay ôm dòng Mississippi uốn lượn vòng quanh thành phố Vành
Trăng Lưỡi Liềm ( Crescent City ).
Và bây giờ
thì du khách Mỹ thích tìm đến các làng Việt để truy tầm nét văn hóa
ẩn mật của dân Việt: tại sao với bằng ấy khổ nạn mà người Việt ít
bị điên. Sức chịu đựng bền bỉ từ niềm tin "dù ai nói ngược nói xuôi, ta đây cứ vững đạo Trời
khăng khăng" hòa hợp với nếp
sống mở rộng khơi được giòng tình, đã là những nét di truyền
trong dòng máu Việt.
Những nét văn hóa gốc này được truyền đạt qua những truyện
thiêng bánh dầy bánh chưng tạo được phong thái hoàng vương, sức mạnh
từ Trời của Phù Ðổng Thiên Vương, của công tác xây thành Cổ Loa,
của Thôi Vỹ với Ngọc Long Toại, của tình duyên Trời xe định giữa Chử
Ðồng Tử và công chúa Tiên Dung v.v...
TIN VUI GỬI AO TÙ BỊ Ứ ÐỌNG
Tình trạng trì
trệ ứ đọng cũng giống như nước ao tù bị ủng thối dễ làm cho điên,
do đóng kín chỉ biết giữ cho mình, mà không mở tới được với dòng
sống tuôn chảy. Nhìn như vậy thì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong Ðạo
Chúa quả là một Tin Vui Gửi Thời Ðại Mới cho mỗi người. Nếu mình
không mở tâm ra thì bác sĩ bắt buộc phải mổ tim thôi.
Thiên Chúa
biểu hiện không như một ngôi vị đơn độc, mà là một hiệp thông tình
thương như một gia đình có ngôi Cha, ngôi Con, và ngôi Thánh Thần.
Ðúng là một chia sẻ cộng đồng băùc cầu tình thân làm nên cây leo
hạnh phúc ràng buộc quấn chặt lấy nhau, một khuôn mẫu cân bằng sức
khỏe vững như kiềng ba chân, một
cảm nghiệm tạo dựng sức mạnh tinh thần.
Ðây cũng chính là cảm nghiệm chung của
nhân loại khi vượt qua được cái tôi hạn hẹp mà mở tới chiều kích
đại ngã tâm linh. Từ nhân chủng học gọi là nhiệm hiệp ( participation mystique ). Thánh Phao-lô đã sống
thật sâu xa niềm hiệp thông này: "Tôi
sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Ki-tô sống trong
tôi" ( Gl 2, 20 ). Niềm tin này đã tạo ra sức mạnh vượt qua tất cả, và có thể làm được phép lạ
như thánh Phao-lô quả quyết: "Tôi
có thể làm được mọi sự với Chúa là sức mạnh cho tôi" ( Pl
4,13 ).
Sách Tông Ðồ Công Vụ kể lại phép lạ chữa người què do thánh
Phê-rô làm ngay sau khi nhận lãnh Thần Khí Chúa. Mọi người kinh ngạc
ùa tới với các Tông Ðồ. Thấy vậy, ông Phê-rô lên tiếng nói với
dân: "Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao
lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như
thể chúng tôi có thể làm cho người này đi lại được nhờ quyền năng
riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi ? Thiên Chúa của các tổ phụ
Aùp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã
tôn vinh Tôi Trung của Người là Ðức Giê-su... Chính vì lòng tin vào danh Người đã làm cho
kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban
đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh
em." ( Cv 3, 12 16 ).
PHÚT MỞ TÂM
Cử chỉ làm dấu của người tin Ðạo Chúa mang đầy ý nghĩa hiệp
thông có sức vượt ra khỏi tình trạng tù túng ứ đọng và nhỏ hẹp
của con người mình mà hòa được vào dòng sinh lực Thần Linh. Trước khi
làm một việc gì, nói điều gì, trước một khó khăn phải đương đầu,
mình làm dấu nhân danh Cha và Con
và Thánh Thần, để Chúa hiện diện, hành động và nói năng qua
mình. Chính Chúa tác động chứ không còn phải là mình nữa. Như thế thì
còn chuyện gì mà không vượt qua nổi. Sự khác biệt là ở Niềm Tin. Phép lạ là ở niềm tin.
Nhìn như vậy thì làm dấu Thánh Giá đúng là
một phương cách đơn giản để làm phép lạ, có sức thay đổi tất cả. Mình thực hành ngay một cử chỉ
làm dấu Thánh Giá, làm chậm lại, thật chậm, với tất cả ý thức và
niềm tin: "Nhân danh Cha và Con và
Thánh Thần. Amen". Và từ nay mình sẽ cảm nhận được sức mạnh của
cử chỉ làm dấu Thánh Giá trước bất cứ công việc gì.
Lm. Anrê Dũng Lạc TRẦN CAO TƯỜNG
THÔNG TIN:
Ngày thứ hai 4.6.2001,
GOSPELNET nhận được E-Mail của thầy
Phó Tế Ðỗ Minh Trí từ Giáo Xứ Hữu Phước, tỉnh Bà Rịa gửi về với
nội dung như sau:
"Anh Uy và GOSPELNET thân
mến, em có một trường hợp một giáo dân trong xứ, trước đây là Ban
Ðiều Hành Giới Trẻ, đang gặp một trường hợp ngặt nghèo, xin nhờ anh
có cách nào giúp đỡ. Em xin đăng nguyên văn bức thư của họ và xin được
chú thích thêm: họ lập gia đình năm 1998, em có tham dự lễ cưới, có
được một cháu gái đầu lòng sinh năm 1999, cháu này thì khỏe mạnh,
cháu thứ hai thì bị bệnh tim nặng. Dưới đây là bức thư:
Cháu bé tên là Ma-ri-a
HÀ LÊ MỸ TIÊN Sinh ngày
27.11.2000, cha là Phê-rô Hà Văn Ðào, sinh năm 1967, mẹ là Ma-ri-a Lê
Thị Bích Trang, sinh năm 1973, hiệân cư ngụ tại đường 27, xóm Thánh
Mẫu, Giáo Xứ Hữu Phước, hạt Bình Giả, Giáo Phận Xuân Lộc, thôn Vinh
Sơn, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Ðức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Bé bị
bệnh tim bẩm sinh: Thông liên thất, còn ống động mạch và bị cao áp
phổi. Cho nên Bé rất là dễ bị viêm phổi. Lúc đầy tháng, bé bị viêm
phổi, đã điều trị tại bệnh viện tỉnh Bà Rịa; ngoài ra còn đi bác sĩ
tư bốn đợt để trị bệnh ho. Khi bé được 4, 5 tháng tuổi thì nằm điều
trị tại bệnh viện Nhi Ðồng II, Sài-gòn, do chứng bệnh viêm phổi nặng
và phải theo dõi tim được 32 ngày thì chuyển qua Viện Tim, ở đây bác
sĩ nói phải mổ gấp cho bé, để lâu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Thế nhưng hoàn cảnh gia đình của cha mẹ cháu còn
gặp nhiều khó khăn túng thiếu, hiện bây giờ nhà ở chưa có, chỉ có
3 công rẫy tạm thời, đang cất cái chòi lá ở đó mà sinh sống trên
mảnh đất ít ỏi ấy, thu nhập hàng năm chẳng được bao nhiêu, phải đi
làm mướn thêm, chắt chiu lắm cũng không đủ trang trải cho cuộc sống
trong gia đình, nợ nần ngày càng chồng chất thêm. Chẳng biết lấy
tiền đâu mà chạy chữa cho bé. Trên đây là bệnh tình cũng như hoàn
cảnh của gia đình bé. Không biết rồi đây bé ra sao ? Có tiền chữa
bệnh để bé được hồi phục hay không ? hay là mặc cho số phận
"Trời sinh voi thì sinh cỏ" ? Lẽ nào mình cầu nguyện hoài mà
Chúa không thương đến đứa bé bất hạnh phải không ?"
Chiều ngày thứ sáu
8.6.2001, soeur Thảo, Dòng Ða-minh Rosa Lima đã cùng với ba của cháu bé
đến gặp chúng tôi nhận số tiền 900
USD để vào Viện Tim đóng góp Viện Phí, số tiền 950 USD còn lại do
Viện Tim tài trợ. Bạn MK Thanh Dung là y tá của Viện Tim đã tận tình giúp
gia đình cháu bé đưa cháu vào tái khám lần cuối trước khi được bác
sĩ Phương lên lịch mổ trong tuần tới. Tính cho
đến hôm nay, theo như tổng kết từ GOSPELNET số 11, Quỹ Mổ Tim cho cháu đã nhận được 1.110 USD + 750.000 VND và sẽ nhận được 50 CND. Như vậy số tiền
quyên góp đã dôi ra được 210 USD +
750.000 VND chưa kể phần 50 CND có thể sẽ nhận được thêm. GOSPELNET
quyết định chuyển số tiền dôi ra này sang Quỹ Mổ Tim cho cháu bé Hồ
Thị Minh Ngọc để cháu cũng sẽ sớm có đủ được số tiền Viện Phí mổ
tim.
Theo E-Mail của bạn MK Phạm Huỳnh Cúc gửi
về vào cuối ngày thứ sáu 1.6.2001, GOSPELNET xin được sơ kết số tiền
trợ giúp cho bé Minh Ngọc được mổ tim như sau:
Sơ kết đợt 2 (
GOSPELNET 12 ): 525 USD ( sẽ gửi về ) +
2.550.000 VND ( đã nhận được )
Sơ kết đợt 3 (
GOSPELNET 13 ): 735 USD + 3.300.000 VND
Sáng thứ ba
5.6.2001, qua Sr. Nguyễn Thị Hồng Quế, Dòng Ða-minh Tam Hiệp, GOSPELNET
lại giới thiệu được một trường
hợp người Công Giáo muốn kín đáo giữ lại bào thai đã được 12 tuần,
và sau này cũng sẵn sàng nuôi cháu bé. Tạ ơn Chúa và biết ơn cơ sở
đã nhận chăm sóc trợ giúp.
Theo sự hướng dẫn của các soeurs
Dòng Ðức Bà Truyền Giáo, ngày 23.5.2001, chúng tôi đã vào Trại 1,
Khu Huyết Học, Bệnh Viện Chợ Rẫy để cử hành Bí Tích Thánh Tẩy cho
chị Ma-ri-a TRẦN THỊ TUYẾT, và
sau đó đã trao thêm Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân và Bí Tích Mình Máu
Thánh Chúa như "của ăn đàng" lúc nguy tử. Chị Tuyết sinh năm 1962, cư
ngụ và lao động ở khu Kinh Tế Mới Xuân Lộc, vốn là người Phật Giáo
đã lập gia đình với một người Công Giáo 14 năm nay, có 3 con còn
nhỏ. Chị bị bệnh nhiễm trùng máu trầm trọng, lúc nào cũng sốt cao,
có lúc mê sảng, da vàng và người sưng phù.
Ngoài một tấm ảnh Ðức Mẹ Hằng
Cứu Giúp được tặng để đặt trên đầu giường bệnh, GOSPELNET cũng trợ
giúp ngay cho anh chị số tiền 500.000
VND mà bạn MK Quốc Duy vừa
chia sẻ. Kỳ diệu thay, theo xét nghiệm của các bác sĩ bệnh viện Chợ
Rẫy ngày 6.6.2001, căn bệnh của chị đã đột nhiên nhanh chóng thuyên
giảm, chỉ còn phải truyền 4 bịch máu mỗi ngày, thay vì 10 bịch máu như
trước. Xin mọi người gần xa hiệp ý với GOSPELNET cầu nguyện đặc biệt
cho chị được ơn chữa lành do lòng thương xót của Thiên Chúa và Ðức
Mẹ Hằng Cứu Giúp. Cũng xin mọi người tiếp tục chia sẻ vật chất để
nâng đỡ anh chị trong lúc ngặt nghèo, tiền viện phí và thuốc men mỗi
ngày hết khoảng 1 triệu VND.
GOSPELNET vừa nhận được tin báo
chị tân tòng Ma-ri-a BÙI THỊ NGỌC
LAN đã qua đời vào ngày
5.6.2001. Chị Lan sinh năm 1955, góa chồng, bị ung thư vú thời kỳ cuối
cùng, nhà ở khu Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân, xã Bình Lợi, huyện Bình
Chánh. Qua lời kêu gọi của cha Mai Văn Hiền, GOSPELNET số 2 và 3 đã
có thông tin xin trợ giúp và đã nhận được sự chia sẻ chân tình, mau
mắn và rất rộng rãi của hai bạn MK Ðịnh Châu và gia đình bạn Lộc
thuộc ca đoàn Bê-linh.
Chúng tôi đã
cùng đi với một số giáo dân nhiệt thành của Xóm % Giáo Xứ Ðức Mẹ
Hằng Cứu Giúp Sài-gòn và các soeurs Tu Hội Dâng Truyền ( OMMI ) đến viếng
xác vào sáng ngày 8.6.2001 và cùng với cha Mai Văn Hiền, cha Phạm
Văn Tịnh và những người hàng xóm cả lương lẫn giáo tốt bụng lo liệu
mọi mặt Phụng Vụ và tang ma cho chị Lan. Kính mong mọi người gần xa
chia sẻ thêm cho 4 người con của chị có thể vượt qua nghịch cảnh côi
cút. Trước mắt, GOSPELNET đã trợ giúp ngay cho tang gia số tiền 600.000 VND cùng với 600.000 VND của các soeurs Tu Hội
Dâng Truyền chia sẻ. Cũng xin mọi người góp lời cầu nguyện cho chị
với một Kinh Kính Mừng.
Họ
và tên: Nguyễn Thị Hoàng Ngọc,
sinh ngày 28.10.1971 tại Pleiku Gia Lai
Sinh viên: lớp D00VT. Chỗ ở hiện nay: phòng E 2 Ký Túc Xá Học Viện
Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông.
Nguyện vọng: dạy kèm Anh Văn lớp 6 9.
Họ
và tên: Nguyễn Ngọc Kim Nhung,
sinh ngày 18.11.1982 tại Buôn Mê Thuột.
Ðịa chỉ thường trú: phòng I 2 Ký Túc Xá Học Viện Công Nghệ Bưu Chính
Viễn Thông.
Khả năng: dạy các
môn Toán Lý Hoá lớp 4 12.
Họ
và tên: Nguyễn Thị Mỹ Loan, sinh
ngày: 9.3.1982 tại Ninh Thuận.
Chỗ ở hiện nay:
phòng 406 Ký Túc Xá Tài Chính Kế Toán, Phường Tăng Nhơn Phú, Quận 9.
Khả năng: dạy anh Văn lớp 6 9.
Họ
và tên: Trần Thị Mai, sinh ngày
1.2.1982.
Chỗ ở hiện nay: phòng E 2 Ký Túc Xá Học Viện Công Nghệ Bưu Chính
Viễn Thông.
Khả năng: bằng B Anh Văn, có thể dạy kèm các môn lớp 4 12.
Họ
và tên: Nguyễn Thị Kim Chi, sinh
ngày 28.1.1982 tại Ninh Thuận.
Chỗ ở hiện nay: phòng E 6 Ký Túc Xá Học Viện Công Nghệ Bưu Chính
Viễn Thông.
Khả năng: có thể dạy kèm Toán Hoá Anh Văn cấp 2 và 3.