GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH NĂM C

TIN MỪNG: Ga 13, 31 – 33 a . 34 – 35

Khi Giu-đa đi rồi, Ðức Giê-su nói: "Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người, Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi... Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau".

SUY NIỆM:

Thế giới vắng bóng tình yêu

Tình yêu là đề tài muôn thuở. Nhất là vào thời bây giờ, tình yêu là một mặt hàng đắt khách. Tình yêu xuất hiện ở sách vở, báo chí, phim ảnh, và mọi ngành nghệ thuật. Những bản tình ca, những tạp chí chuyên đề về tình yêu, vẫn thu hút mọi người. Có vẻ như tình yêu hiện diện ở khắp nơi và chi phối đời sống nhân loại. Thế nhưng sự thật lại khác hẳn. Thế giới chúng ta đang sống lại là một thế giới bị xâu xé bởi hận thù, người ta tưởng khi cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ kết thúc, thế giới sẽ được sống trong hoà bình. Nhưng từ đó đến nay, thế giới vẫn không ngừng sôi sục vì chiến tranh và xung đột. Xung đột giữa các quốc gia vốn là anh em với nhau, xung đột giữa các bộ tộc trong cùng một đất nước, xung đột giữa các tín đồ của những tôn giáo khác nhau. Người ta giết nhau không nương tay, không chút nhân hậu. Thế giới bị đe dọa bởi chính con người. Cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã chọn năm 1995 là năm cổ võ lòng khoan dung, bởi lẽ chỉ có lòng khoan dung mới cứu được thế giới khỏi thảm hoạ diệt vong bởi chính sự cứng cỏi của nó.

Gần đây, Ðức Thánh Cha thường nói đến một "nền văn minh tình thương". Con người chỉ được coi là văn minh khi nó bước ra khỏi sự man rợ của thú tính, khi nó biết sống yêu thương và nhìn nhận người khác cũng như mình, bất chấp những khác biệt về chủng tộc, màu da, tôn giáo, quan điểm chính trị hay xã hội… Xây dựng một nền văn minh dựa trên tình thương, đó là bổn phận cấp bách của người Ki-tô hữu hôm nay.

Một điều răn mới

Hai câu cuối của bài Tin Mừng trên đây là lời Ðức Giê-su nhắn nhủ các môn đệ yêu dấu. Ðó cũng là lời Ngài nói với mọi Ki-tô hữu hôm nay. "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy thương yêu nhau". Ðiều răn "cũ" nằm ở trong sách Lê-vi 19, 18: "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình".

Ðức Giê-su đã từng giải thích lại ý niệm về "người thân cận". Người thân cận không phải chỉ là đồng bào ruột thịt, mà là bất cứ ai mang tư cách là người. Khi tôi giúp đỡ ai, tôi làm cho người đó trở thành "người thân cận" của tôi ( Lc 10, 29 . 36 ). Ðiều răn cũ này vẫn là điều răn quan trọng bậc nhất; người Ki-tô hữu vẫn phải giữ khi sống với tha nhân ( Rm 13, 8; Cl 3,14 ).

Ở đây, Ðức Giê-su đưa ra một điều răn "mới", xét về nhiều phương diện. Trước hết, điều răn này có một phạm vi nhỏ hơn. Ðức Giê-su mời gọi các môn đệ yêu thương nhau. Ðó là tình yêu thương giữa những người Ki-tô hữu, những người đồng đạo. Ðức Giê-su không phủ nhận điều răn phải yêu thương mọi người ( agapê ), nhưng ở đây Ngài nói đến một điều răn mới, đó là tình huynh đệ giữa những kẻ cùng niềm tin vào Ngài ( philadelphia ).

Kế đến, điều răn này có tính đòi hỏi hơn, vì dựa trên một tiêu chuẩn cao hơn. Ki-tô hữu phải yêu mọi người như chính mình, nhưng họ phải yêu thương các Ki-tô hữu khác như Ðức Giê-su đã yêu thương họ, nghĩa là hiến mình phục vụ cho đến chết.

Cuối cùng, điều răn này được coi là mới vì nó gắn liền với Giao Ước Mới, Giao Ước đã được thiết lập trong máu Ðức Giê-su ( Lc 22, 20; 1Cr 11, 25 ). Ðây không phải là điều răn được khắc trên bia đá ( Xh 24, 12 ), nhưng là điều răn được ghi tạc vào tâm hồn các Ki-tô hữu do tác động của Thánh Thần ( x. Gr 31, 31 – 34; Ed 36, 25 – 28  ).

Thánh Giê-rô-ni-mô có kể lại một chuyện về thánh Gio-an tông đồ. Lúc vị tông đồ đã về già, ngài vẫn không ngừng nhắc nhở các Ki-tô hữu trong cộng đoàn là hãy yêu thương nhau. Người ta phát chán vì thấy ngài cứ nói mãi điều ấy, nên mới hỏi ngài lý do. Ngài trả lời: "Bởi vì đó là điều răn của Chúa. Chỉ cần giữ điều răn này là đủ." Ðức Giê-su đã coi tình yêu thương giữa các Ki-tô hữu là một dấu chỉ để mọi người nhận ra họ là môn đệ đích thực của Ngài. Nói cách khác, có thể định nghĩa môn đệ là những người biết yêu thương nhau. Yêu thương nhau vốn là nét đặc trưng của các tín hữu buổi đầu.

Sách Công Vụ cho thấy "mọi người tín hữu đều coi mọi sự như của chung" ( Cv 2, 44 ), họ "đồng tâm nhất trí chuyên cần lui tới Ðền Thờ, bẻ bánh ở nhà, cùng nhau chia sẻ của nuôi thân." ( Cv 2, 46 ). Tình yêu thương giữa các Ki-tô hữu đã khiến dân ngoại phải thốt lên: "Xem kìa, họ yêu thương nhau biết chừng nào, họ dám sẵn sàng chết cho nhau !" Những Ki-tô hữu đầu tiên ở Việt Nam cũng đã được gọi là những người theo "Ðạo Yêu Thương", không có tình yêu thương, chẳng ai nhận ra chúng ta là môn đệ Ðức Giê-su, Ðấng đã yêu thương và yêu thương đến cùng.

Bản chất của người môn đệ là yêu thương. Nhưng trong thực tế các Ki-tô hữu ngày nay vẫn chưa sống trọn vẹn điều răn mới này. Có biết bao tranh chấp, đã và đang xảy ra trên thế giới, giữa những anh chị em Ki-tô hữu. Gần đây, ở Phi Châu ( Rwanda ), hai bộ tộc Hutu và Tutsi đã tàn sát lẫn nhau không thương tiếc. Mà cả hai phần lớn đều là những người công giáo, vốn là anh em với nhau. Phải chăng dấu ấn Ki-tô hữu chưa thực sự thấm nhuần vào đời sống chúng ta, đưa chúng ta vượt lên trên những bất đồng và dị biệt về nhiều mặt.

"Anh chị em hãy yêu thương nhau". Chúa Giê-su Phục Sinh vẫn muốn nhắc lại mãi điều răn này cho từng Ki-tô hữu. Tình yêu không chỉ vắng bóng trên thế giới, mà đôi khi còn vắng bóng cả nơi các tập thể Ki-tô hữu. Gia đình, giáo xứ, dòng tu, các hội đoàn, các hội thánh Ki-tô giáo trên khắp thế giới, được mời gọi yêu thương như lời chứng cho nhân loại hôm nay về Chúa Giê-su. Giữa một thế giới bị phân hoá và đỗ vỡ, tình yêu nơi những Ki-tô hữu cho thấy sức mạnh hiệp nhất của Chúa Phục Sinh. Yêu thương chính là làm việc tông đồ truyền giáo rồi vậy.

Những khuôn mặt của tình yêu

Khi nhìn ngắm Ðức Giê-su, chúng ta thấy một số nét nổi bật nơi cách bày tỏ tình yêu của Ngài. Chúng ta ao ước mình có thể yêu như Ðức Giê-su, chẳng những đối với anh chị em đồng đạo, mà cả đối với mọi người. Một tình yêu đi bước trước. Ðức Giê-su không chờ người khác đến với mình. Chính Ngài mời gọi ông Lê-vi làm môn đệ, xin đến ở trọ nhà ông Da-kêu làm nghề thu thuế; chính Ngài đã trở nên bạn đồng hành của hai môn đệ chán nản trở về Em-mau; đã hiện ra để thỏa mãn những đòi hỏi của ông Tô-ma cứng lòng. Chẳng ai bắt Ngài làm thế. Chỉ tình yêu mới cho Ngài sự bạo dạn để đến với con người, đặc biệt những người tội lỗi. Ngài cũng mời chúng ta để lễ vật lại mà đi làm hoà với người gây chuyện xích mích với ta ( Mt 5, 23 – 25 ).

Một tình yêu khiêm tốn. Cần nhìn ngắm Con Thiên Chúa mới sinh ở Bê-lem để hiểu thế nào là khiêm tốn. Ðức Giê-su sống khiêm tốn suốt một đời. Ngài không làm ai bị choáng ngợp bởi quyền uy hay sự thánh thiện. Phụ nữ, trẻ em, người bị xã hội ruồng bỏ, ai cũng có thể đến với Ngài. Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng ( Mt 11, 29 ). Tình yêu khiêm tốn là tình yêu cúi xuống. Tình yêu này khiến ta ngửa tay xin ngay cả một người nghèo khó nhất.

Một tình yêu phục vụ. Ðức Giê-su ý thức về sứ mạng phục vụ của mình. Con Người đến là để phục vụ và hiến mạng cho muôn người ( Mc 10, 45 ). Ngài đã rao giảng Tin Mừng xoa dịu vết thương của người đau khổ. Ngài mời chúng ta rửa chân cho nhau, nghĩa là phục vụ trong khiêm hạ ( Ga 13, 13 ). Chính Ngài cũng tự nhận mình chỉ là người hầu bàn cho các khách dự tiệc ( Lc 22, 27 ). Thập giá là đỉnh cao của tình yêu phục vụ. Tình yêu có thể bị khước từ, lăng nhục, nhưng cuối cùng tình yêu sẽ thắng. Thập giá là nơi Ðức Giê-su được tôn vinh và là nơi tình yêu của Chúa Cha được bày tỏ trọn vẹn cho nhân loại.

1.     Thật là một khổ giá khi phải chung sống và chịu đựng một người trong gia đình hay trong cộng đoàn. Bạn có cách làm cho thánh giá đó nhẹ bớt phần nào không ?

2.     Bạn nghĩ gì về bầu khí yêu thương nơi các tập thể bạn đang sống ? Bạn có thể làm gì để mọi người trong gia đình, trong nhóm, trong xứ đạo, thông cảm và đón nhận nhau hơn ?

Lm. AUGUSTIN, SJ.

CẦU NGUYỆN:

GIÒNG SUỐI TÌNH YÊU

Như giòng suối chảy từ cao vời vợi,

Nước Trường Sinh, con trông đợi khát khao.

Con tìm đến sau biết bao ngày tháng,

Bụi trần gian vừa phủ trắng đôi vai

Con cúi xuống như chàng nai ngây dại,

Uống no lòng và nghe thấy bên tai,

Lời êm ái khi một ngày sắp tắt:

"Chính Tình Yêu, giòng suối mát ơn lành..."

Lm. LÊ QUANG UY 1981, cảm hứng từ THÁNH VỊNH 41.

 

CHỨNG TỪ:

VÒNG TAY YÊU THƯƠNG

Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi thuộc Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội tỉnh Minh Hải nằm cách thị xã Cà Mau non 7 cây số. Ở đây nắng đang gay gắt, cảnh vật im lìm. Khi nghe tiếng xe của chúng tôi, một đám trẻ chạy túa ra. Dấu ấn đầu tiên đối với tôi là những gương mặt trẻ thơ ngơ ngác dè chừng.

Ðáng mặt chị hai nhất trong đám trẻ mồ côi này là em La Thái Phụng, 14 tuổi, mồ côi từ lúc lọt lòng. Cha mẹ đã vứt bỏ em ở Cầu Mới rồi bỏ đi biệt xứ. Một bà mẹ mù động lòng trắc ẩn nhặt lấy đem về nuôi. Hai mẹ con bảo bọc nhau mà sống cho đến khi bà mẹ qua đời vì già yếu. Bà con họ hàng của bà cho rằng Phụng là thứ con xin con lượm, làm sao mà được hưởng ngôi nhà, dù ọp ẹp rách nát của bà mẹ nuôi. Vậy là cô bé mồ côi đến hai lần ấy buộc phải bước ra hè phố...

Cũng những ngày đó, trên một cái chòi nhỏ chừng 4 mét vuông ở phường 4 thị xã Cà Mau lại có một trường hợp thương tâm khác. Ðó là mảnh đời của hai anh em Giỏi và Hận. Cha mất từ lâu, mẹ đi bán khoai luộc làm kế sinh nhai. Gánh nặng cuộc sống cứ đè trĩu lên đôi vai người mẹ bất hạnh. Hai đứa trẻ phải thường xuyên chịu bữa đói bữa no. Tội nghiệp nhất là thằng Giỏi, nó bị sốt bại liệt từ nhỏ. Với cặp chân teo nhách, nó chỉ biết bò lê bò lết tối ngày trên cái chòi đầy muỗi mòng ấy.

Cũng có trường hợp đến 5 anh em ruột dắt díu nhau đến nhà nuôi trẻ mồ côi. Chúng ở phường 8, cha bị rắn hổ cắn chết. Sau một thời gian, người mẹ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo ung thư vú cũng đột ngột qua đời, để lại 7 đứa con nheo nhóc. Bà con thân tộc không khá giả gì mấy để cưu mang chúng. Ðứa chị gái lớn nhất mới 16 tuổi phải đi lột vỏ tôm gia công ở nhà máy đông lạnh. Nhưng đồng tiền kiếm được chỉ đủ để nuôi đứa út ít. Ngày mà 5 đứa em kia phải dắt díu nhau ra đi, người chị ấy đã tủi thân khóc nức nở. Nhưng đành vậy, biết phải làm sao hơn ?

Cảnh ngộ của 3 chị em Ðông, Phương và Tây ở xã Tân Hưng Tây huyện Cái Nước cũng chẳng hơn gì. Ðứa lớn nhất mới 8 tuổi, cha là thương binh hạng ¼ bị chấn thương sọ não, mẹ nhẫn tâm bỏ đi từ lâu. Ngày mới về nhà trẻ mồ côi, ba đứa cứ ăn cơm ngấu nghiến ngon lành. Hóa ra trước đây chúng nào có được no bữa nào đâu. Ðói quá thì bẻ đu đủ xanh nấu ăn. Hai ba ngày mới mua được chút gạo nấu chão loãng vì khoản phụ cấp thương binh của người cha không sao đủ ăn qua ngày !

Tuy nhiên 3 chị em Ðông, Phương và Tây thì nay vẫn còn có một người cha để mà nhớ để mà mong một ngày gặp lại. Còn như bé Thảo Nhi thì quả thật bất hạnh. Mẹ đã bỏ bé ở bệnh viện Bạc-liêu khi vừa lọt lòng. Các sản phụ chung phòng đã động lòng, thay phiên nhau cho cháu bú, được 12 ngày tuổi thì các cô ở nhà nuôi trẻ mồ côi lên đón bé về. Nhìn nước da ngăm đen, đôi mắt to và sâu có ngấn, người ta đoán bé là người Việt lai Khơ-me. Và chỉ vậy thôi !

Cho đến nay thì đã có 26 mảnh đời bất hạnh như vậy trôi giạt về đây. Các cô giáo bảo rằng ban đầu thật khó rèn chúng vào khuôn phép. Cái gì đối với chúng cũng đều lạ lẫm. Có đứa thậm chí không biết cái ti-vi hay cái vòi nước máy là cái gì ! Nhưng rồi tất cả đã quen, bây giờ thì các em đều đã có cho mình một nơi ở rộng rãi thoáng mát. Những bữa ăn được chăm chút tận tình.

Thằng bé Giỏi bị sốt bại liệt thuở nào, nay đã tập tễnh đi được. Bằng cái giọng còn ngọng nghịu, nó cứ bi bô hát suốt ngày. Còn thằng bé chăn vịt ngày xưa thì nay đã cắp sách đến trường... Tất cả những đổi thay này đã bắt nguồn từ tấm lòng nhân ái chung của xã hội. Một bà Việt kiều ở Mỹ về thăm, đã trao tặng cho Trung Tâm số tiền bảo trợ đầu tiên là 50.800 đô-la. Mọi người đều được bà cho biết trước đây bà đã từng là một trẻ mồ côi rồi tự lập mà bước vào đời. Có lẽ do vậy mà bà dễ cảm thông hơn với các số phận trẻ mồ côi chăng ?

Và đây đó vẫn còn có những tấm lòng nhân ái. Cô giáo Thắm, 39 tuổi, quê ở huyện Cái Nước, không lập gia đình và đến với nhà nuôi dạy trẻ mồ côi ngay từ những ngày đầu tiên. Kể từ ngày đón bé Thảo Nhi mới 12 ngày tuổi về, cô Thắm tất tả lo toan cho bé như một bà mẹ thực thụ. Cũng phải tã lót, thức khuya dậy sớm. Ðến nay bé đã được 6 tháng, bụ bẫm đáng yêu. Cô Thắm bảo: chính Thảo Nhi là sợi dây tình cảm gắn cô với cả nhóm trẻ mồ côi này. Dẫu cho cuộc sống khó khăn, cô cũng không sao đành lòng dứt bỏ chúng được...

Lại có anh Lê Hồng Dễ, nhân viên của nhà nuôi trẻ mồ côi, thấy tụi nhỏ đa số đều không biết đọc biết viết, anh liền đứng ra mở lớp học tình thương. Dù việc làm này không giúp tăng thêm khoản phụ cấp nhỏ nhoi nào, anh cũng  không hề kêu ca... Chị Kim Hui, giám đốc Trung Tâm, bức xúc nói: "Hiện tại những em ở đây chỉ được nhà nước cấp cho 3.000 đồng tiền ăn mỗi ngày, và chỉ có vậy thôi. Cơ sở chất thì còn hết sức nghèo nàn thiếu thốn, trường học tại chỗ cũng chưa có, các em ngày nào cũng phải lội bộ trên 3 cây số để đến trường. Trong khi theo dự kiến từ đây đến cuối năm, trung tâm sẽ phải nhận nuôi đến 40 cháu."

Toàn tỉnh Minh Hải hiện có 430 thiếu nhi lang thang, 3.842 trẻ mồ côi và 4.627 em bị tật nguyền. Ðến bao giờ những trung tâm như thế này mới đến được với các cháu ?

HỒNG HẠNH, báo TUỔI TRẺ CHỦ NHẬT 5.1994.

THÔNG TIN:

THÔNG TIN TIẾP THEO VỀ CHÁU BÉ NGUYỄN THỊ TƯỜNG VY

GOSPELNET mới nhận được thêm từ ông NP TIEU PHUONG ( Hoa-kỳ ) số tiền 200 USD kèm theo một lời dặn dò cho phép chúng tôi tuỳ nghi sử dụng để giúp đỡ các trường hợp ngặt nghèo. Vậy chúng tôi xin quyết định trích ra 50 USD cho cháu bé Tường Vy. Phần còn lại để lo cho các trường hợp nêu rõ dưới đây. Xin thay mặt gia đình các cháu bé để cám ơn ông NP TIEU PHUONG về sự đại độ nhiệt thành này.

Tin mới nhất chúng tôi vừa nhận được: Theo đề nghị của cha Vũ Khởi Phụng, ngày 8.5.2001, Soeur Quỳnh Dao, Giám Tỉnh Dòng Phan Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ ( FMM ) đã nhiệt tình ký giấy giới thiệu xác nhận hoàn cảnh gia đình nghèo khó để cháu bé được miễn giảm Viện phí. Hồ sơ được Soeur Hà Thanh ( FMM ) chuyển cho Soeur Lan và Soeur Thảo, Dòng Ða-minh Rosa Lima. Cùng lúc gia đình cũng đưa cháu bé từ Bình-định vào lại Sài-gòn.

Sáng ngày 10.5.2001, các soeurs Ða-minh đã đưa gia đình bồng cháu bé vào Viện Tim nộp hồ sơ. Khi chờ sắp đến phiên giải quyết thì vì không biết cách "gửi gấm" người quen nên cứ bị những người khác qua mặt, rồi khi đến phiên cháu được khám thì... hết giờ làm việc, thế là lại đành phải chờ đến hôm sau vì buổi chiều không có khám bệnh. Cô Ngọc Mai là người phụ trách xac minh các trường hợp xin miễn giảm Viện phí bảo rằng: trường hợp như của cháu bé rất nhiều, sẽ còn phải chờ Viện Tim giải quyết thêm một thời gian nữa, chỉ những ai đóng tiền đầy đủ thì Viện mới lên lịch mổ... Các soeurs có mang máy ảnh theo nên chụp cho cháu một tấm ảnh trên tay của mẹ để gửi cho GOSPELNET số này. Các soeurs cũng thu xếp gửi gia đình cháu trọ tại một nhà người quen ở đường Tô Hiến Thành cho gần Viện Tim, dễ đi lại.

Sáng ngày 11.5.2001, gia đình lại bồng cháu vào khám. Bác sĩ báo động về tình trạng sức khỏe của cháu, tim loạn nhịp, hơi thở thoi thóp khó nhọc, có tiếng khò khè trong phổi. Các soeurs báo gấp cho Uy và ngay buổi chiều đã vào tận Viện Tim để cố gắng xin cho cháu mau được giải phẫu. Rất may lại gặp được bạn MK Thanh Dung là y tá dụng cụ ở khu Hồi Sức tìm cách giới thiệu với bác sĩ Phương và gặp cô Ngọc Mai.

Vì sợ nếu cứ xin miễn giảm 100 % thì cháu sẽ phải chờ đợi rất lâu, có thể nguy kịch, Uy đã quyết định đăng ký đóng Viện phí 50 % ( tức là 900 USD ), và ngay tức khắc tất cả đã "chuyển động" nhanh hơn. Chỉ cần nộp thêm một tấm ảnh chụp cháu bé và một tấm chụp gia đình cùng với căn nhà nghèo nàn ở quê Bình Ðịnh của cháu, hồ sơ sẽ được tiến hành. Chúng ta đành kiên nhẫn chờ, hy vọng sẽ không quá trễ !

Tổng số tiền mọi người gần xa giúp cho cháu bé Tường Vy tính đến hôm nay đã được: 1.110 USD và 750.000 VND, tức là khoảng hơn 1.160 USD. Nay, đã đang trong tháng kính Ðức Mẹ, xin mỗi ngày mọi người đều nhớ đọc cho cháu bé một Kinh Kính Mừng.

 

THÔNG TIN TIẾP THEO VỀ CHÁU BÉ PHẠM THỊ THÙY DUYÊN

GOSPELNET sẽ chuyển đến cho gia đình cháu bé Thùy Duyên số tiền 50 USD của ông NP TIEU PHUONG để lo liệu thuốc men và viện phí chữa trị bệnh thoát vị màng não. Bạn Hoa Xuân Vinh đã mang máy ảnh chụp cho cháu bé mấy kiểu vào ngày 8.5.2001. Như vậy, tính đến nay, chúng ta đã gửi được cho gia đình cháu số tiền tổng cộng là: 1.100.000 VND và 50 USD thông qua bạn Hoa Xuân Vinh.

Bạn Vinh chân tình thuật lại như một chứng từ như sau:

"Quý độc giả GOSPELNET gần xa kính mến, thời gian vừa qua, trường hợp cháu bé bị thoát vị màng não tưởng như không thể qua khỏi. Ðầu cháu đã phải mổ 3 lần, trên thân mình thì đã chịu mổ 4 lần. Trong lần giải phẫu thứ 8 này, từ Trưởng Khoa, Phó Khoa đến bác sĩ Trí là người trực tiếp mổ đều ngao ngán lắc đầu, không biết phải nói sao để gia đình cháu không bị sốc nếu như đây là lần... cuối cùng, và không hề còn chút hy vọng nào ! Cơn bệnh của cháu đã vào giai đoạn kịch phát. Vậy mà, khi con nhờ cha Uy đưa tin lên mạng GOSPELNET để được mọi người vừa trợ giúp vật chất, vừa nâng đỡ tinh thần, nhưng theo con nghĩ, cái quý nhất là lời cầu nguyện của từng nhóm anh em sinh viên, từng cộng đoàn các cha, các thầy và các nữ tu, các ân nhân trong và ngoài nước, thì không ngờ như thể phép lạ được tỏ bày. Cả tổ các bác sĩ, các bệnh nhân và người thăm nuôi cùng một phòng đều kinh ngạc trước sức hồi sinh kỳ diệu và mau chóng đến thế của cháu Thùy Duyên...

Kính thưa quý độc giả GOSPELNET, chính Thiên Chúa luôn ở gần bên ta nhưng có những lúc ta đã lỡ quên mất Chúa, không tin cậy trọn vẹn vào quyền năng yêu thương của Chúa. Phép lạ này đã khiến cho bố mẹ của cháu, vốn là các Phật Tử. như không tin đó là sự thật khi tận mắt được chứng kiến con mình được giải cứu khỏi cái chết một cách tỏ tường. Họ đã phải thốt lên một câu là: "Nhóm các bạn đã làm gì vậy ? Thiên Chúa của các bạn sao lại tốt thế ? Thật là một phép lạ ! Hôm nào vợ chồng tôi sẽ đến Nhà Thờ để tạ ơn... Ông ấy !"

Quả thật, "Ai tin vào Thầy thì sẽ có được sự sống đời đời". Không chỉ một mình cháu Thùy Duyên, ngày hôm nay còn có biết bao nhiêu cảnh đời bị bỏ rơi trong xã hội, chính chúng ta hãy nỗ lực bằng cách này hay cách khác, góp một chút Lòng Tin, một chút chia sẻ của mình, phần còn lại hãy cậy trông vào tình yêu của Chúa. Qua những điều kỳ diệu Chúa đã và sẽ làm, chúng ta sẽ có cơ may đưa dẫn mọi người đến với Chúa, nhận biết Chúa. Tạ ơn Chúa đã ban cho GOSPELNET có nhiều ân nhân đại độ, nhiều cộng đoàn tu sĩ nhiệt huyết, nhiều những bạn trẻ tình nguyện sẵn sàng hy sinh.

Vinh xin được thay mặt gia đình cháu Thùy Duyên để ngỏ lời tri ân Thiên Chúa và cám ơn tất cả mọi người. Cháu Tùy Duyên hiện vẫn đang trong quá trình hồi phục khả quan..."

 

THÔNG TIN MỚI VỀ CHÁU BÉ VÕ THỊ MỸ HUYỀN

GOSPELNET than men,

Toi hom qua em duoc mot ban SVCG Thu Duc bao cho em biet truong hop cua mot chau moi co bon thang tuoi ten la VO THI MY HUYEN sinh vao thang gieng nam 2001, hien nay dang bi binh tac duong mat bam sinh va binh viem gan tram trong. Gia dinh co hoan canh het suc kho khan khong lo cho chau noi. Chau da nhap vien duoc 10 ngay roi nhung cang ngay chau cang om yeu dan va da bo bu hai ngay nay. Nhin canh ba ma cua chau ma toi nghiep, gia dinh suot nam di lam thue lam muon va trinh do hoc van lai khong co, cho nen that tinh cung rat ngheo kho.

Trua nay em va 3 ban SV khac da den tham va duoc biet vi gia dinh khong co tien de lo cho chau nen da co y xin cho chau xuat vien, dua chau ve nha de cho chet ma thoi. That la bi dat !

Em co chay toi Dong Bac Ai Vinh-son so 42 duong Tu Xuong, hoi tham So Thuy va So Marcel, va duoc So Marcel gioi thieu qua So Nam hien dang lam viec trong phong cap cuu binh vien Nhi Dong I. Em co trao doi voi So Nam truong hop tren, thi So Nam da vui long don nhan chau be va se co gang lien lac voi cac bac si de co huong giup do cho chau.

Hien chau My Huyen dang nam tai phong so 4 khoa Tieu Hoa, giuong so 15, binh vien Nhi Dong 1, Sai-gon. Me chau ten la Cao Thi Thanh Phung, bo chau ten la Co Hoang Son 24 tuoi, di lam tho ho o Long An, nhung khi xin ve dua con di binh vien nghi 4 ngay thi nguoi chu thau da duoi viec anh ta luon roi. Gia dinh nay que o xa Ba Rang, huyen Thanh Binh, tinh Dong Thap.

Xin GOSPELNET co the cau cuu voi moi nguoi cung hiep luc giup do gia dinh nay, va cau nguyen cho chau be My Huyen duoc qua con nguy kich va mau lanh binh. Hoa Xuan Vinh.

GOSPELNET đã nhờ bạn Hoa Xuân Vinh chuyển ngay đến tay gia đình cháu bé VÕ THỊ MỸ HUYỀN số tiền 500.000 đồng để lo liệu thuốc men và viện phí cho cháu bé trong khi chờ các bác sĩ có hướng chữa trị cho cháu. Xin mọi người hưởng ứng trợ giúp hoặc vào bệnh viện nâng đỡ tinh thần gia đình của cháu.

Soeur Thu Dòng Ða-minh Rosa Lima là bạn với soeur Năm Dòng Nữ Tử Bác Ałi Vinh-sơn đang phục vụ tại bệnh viện Nhi Ðồng 1 sẽ cố gắng làm mọi cách để giúp đỡ cháu bé và vận động xin các bác sĩ sớm hội chẩn và quyết định giải phẫu cho cháu bé, nếu được xét đưa vào diện miễn giảm Viện phí thì quá tốt. Cũng xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho cháu bằng một Kinh Kính Mừng mỗi ngày, trao phó cháu bé trong tay Mẹ Ma-ri-a.

THÔNG TIN MỚI VỀ BẠN HỌC SINH PHẠM VĂN ÐỒNG

GOSPELNET có nhận được một lá thư đề ngày 20.4.2001 của bạn Phạm Văn Ðồng. Bạn Ðồng được một người bạn thân tên Hải có đọc GOSPELNET nên giới thiệu để bạn Ðồng mạnh dạn viết thư cho chúng tôi. Nội dung phần chính của lá thư như sau:

"Kính thưa cha, con tên là Giu-se Phạm Văn Ðồng, sinh ngày 11.10.1982 tại Hà Tĩnh, một vùng đất nghèo miền Bắc Trung bộ, phải chịu nhiều thiên tai, bão lụt và hạn hán, làm cho đời sống gia đình cũng như việc học hành của con sa sút rất nhiều. Do vậy, con đành phải ra đi một nơi xa lạ là Sài-gòn để tự kiếm sống và giúp mình học hành tốt hơn. Con vào Sài-gòn đã hơn 2 năm, lúc con 17 tuổi và bắt đầu học lớp 10. Con phải tự đi làm để có tiền thuê phòng trọ, ăn và học...

Cho đến nay con đã sắp học xong lớp 12 với một mức tiến bộ khả quan. Hôm nay nhận được tin cha và GOSPELNET qua bạn con thì cũng là lúc thật sự thiếu thốn. Thời gian gần đây, do chuẩn bị thi tốt nghiệp và thi Ðại Học, con phải nghỉ việc phụ bàn ở tiệm ăn và rơi vào ngõ cụt của sinh kế. Con muốn xin được cha giúp đỡ con trong 3 tháng 20 ngày tính cho đến ngày 15.7.2001 là ngày thi Ðại Học để con có thể trả tiền nhà trọ và tiền ăn mà yên tâm học tập cho tốt..."

Ngày 2.5.2001, GOSPELNET đã nhờ bạn MK Phan Tấn Hiển tìm đến địa chỉ số 87/10 đường Lê Lai, phường 12, quận Tân Bình, Sài-gòn để gặp trực tiếp bạn Phạm Văn Ðồng, thì quả thật bạn Ðồng đang phải ở trọ trong một điều kiện hết sức... tồi tệ mà tiền thuê nhà lại quá cao. Bạn Ðồng lại thật sự là một bạn trẻ dễ thương, nhiều nghị lực, thành thật và tự trọng. GOSPELNET đã trao số tiền 200.000 đồng trợ giúp bạn Phạm Văn Ðồng trong 4 tháng ( 50.000 đồng x 4 theo mức trợ cấp thông thường ). Tuy vậy, chắc chắn số tiền này chỉ có thể tạm đủ trong 1 tháng. Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đến cho bạn Ðồng thêm 50 USD của ông NP TIEU PHUONG để bạn trang trải mọi mặt, hy vọng sẽ qua được thời gian ôn thi Tốt Nghiệp và Thi Ðại Học. Ngoài ra, nếu độc giả nào biết một chỗ trọ tương đối tốt hơn và giá thuê rẻ hơn, xin gọi về cho chúng tôi theo đường dây điện thoại "nóng" số 090.34.09.14.

THÔNG TIN MỚI VỀ CHÁU BÉ LẠI HỮU NGỌC

Cháu bé trai Lại Hữu Ngọc, sinh ngày 18.2.1995, con của vợ chồng anh Lại Ðình Chiến, nghề làm ruộng, cư ngụ tại Kinh H, cây số 10, xã Thạnh An, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Ngay khi sinh ra đời, có lẽ do sơ xuất của người đỡ ảnh hưởng đến hộp sọ và bộ não, cháu Hữu Ngọc đã bị liệt não, không đi đứng, không ngồi không nói được, trí nhớ vẫn còn kha khá, chậm ăn, chậm phát triển, khó nuôi. Cháu đã được đưa về bệnh viện Nhi Ðồng 1 ở Sài-gòn từ tháng 11.1995, kết quả siêu âm là giãn các não thất bên và não thất 3, phải theo dõi Hydrocéphalie.

GOSPELNET đã trợ giúp 2 lần cho gia đình cháu bé, tổng cộng là 1.000.000 đồng, và giới thiệu đến liên hệ với Soeur Hữu để được nhận vào bán trú tại Trường Mầm Non 6, đường XVNT, Bình Thạnh để có thể được chăm sóc và tập luyện Vật Lý Trị Liệu, hy vọng hồi phục được một phần nào sức khỏe và khả năng của cháu ngay khi còn đang ở độ tuổi phát triển.

 

THÔNG TIN MỚI VỀ 3 EM HỌC SINH NGHÈO CẦN ÐƯỠC TRỠ GIÚP

Chúng tôi nhận được thông tin của cô Phan Mỹ Linh, giáo viên lớp 6 trường Trung Học Cơ Sở Ðông Thạnh, huyện Hóc Môn, về 3 em học sinh trong lớp của cô phụ trách, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên không có tiền để đóng học phí trọn năm học 2000 – 2001 là 275.000 đồng, cứ phải khất lần lữa mãi, đến nay đã gần cuối năm học, nên có nhiều khả năng bị nhà trường cho nghỉ học, nghĩa là sẽ không thể theo học tiếp lên lớp 7. Cô giáo đã cố gắng giúp bằng nhiều cách, nhưng chỉ có hạn, đang rất cần có mọi người cùng góp sức gỡ cho các em học phí năm lớp 6 và chuẩn bị cho nước lớp 7. Ðó là các em:

1. Em Ðặng Ngọc Tiền sinh năm 1988, học lực khá giỏi, ngụ tại một nhà trọ ấp 2 xã Ðông Thạnh, Hóc Môn. Cha làm phụ hồ, mẹ lượm ve chai.

2. Em Nguyễn Ngọc Hải sinh năm 1987, học lực khá, ngụ tại số 4 / 23 ấp 6 xã Ðông Thạnh, Hóc Môn. Cha làm rẫy mướn, mẹ đi mót lúa qua ngày.

3. Em Nguyễn Thị Phượng sinh năm 1988, học lực khá giỏi, ngụ tại số 3 / 52 ấp 1 xã Ðông Thạnh, Hóc Môn. Cha làm rẫy, mẹ đi làm mướn, gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo.

Chúng tôi quyết định chuyển 50 USD của ông NP TIEU PHUONG, đổi được khoảng gần 800.000 VND, cộng thêm 100.000 VND nữa, để mỗi em nhận được 300.000 VND lo liệu phần học phí kịp thời trước khi kết thúc năm học. GOSPELNET xin thay mặt gia đình các em để cám ơn ông NP TIEU PHUONG.

THÔNG TIN MỚI VỀ VẤN ÐỀ TÌM VIỆC LÀM GIÚP CÁC BẠN SINH VIÊN

Chúng tôi vừa nhận được tin nhắn của chị MK Bùi Thị Duyên Châu, giám đốc công ty Alpha, đang cần tuyển 2 bạn sinh viên cho công việc tiếp thị các sản phẩm đồ chơi giáo dục và bàn ghế dùng trong các trường học. Chúng tôi đã báo tin cho bạn Hoa Xuân Vinh để gửi khoảng 5 bạn sinh viên đến công ty Alpha dự cuộc tuyển chọn để nhận 2 bạn vào làm việc ngay.

Nhân đây chúng tôi cũng đề nghị với các bạn sinh viên: đang khi chờ đợi tìm được nơi có thể chấp nhận cho các bạn mượn miễn phí một mặt bằng đặt văn phòng Giới Thiệu Việc Làm dành riêng cho sinh viên, chúng ta hãy cứ sử dụng ngay chính trang báo GOSPELNET làm nhịp cầu liên lạc giữa Người cần ViệcViệc cần Người. Chỉ cần các bạn giữ được lòng tự trọnguy tín với mọi người, không để liên lụy bất cứ điều gì đến GOSPELNET.

Vậy, bạn sinh viên nào đang cần việc hoặc quý độc giả nào biết có những việc cần người làm, xin cứ gửi về cho chúng tôi một nội dung nhắn tin gồm có: tên họ, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, có thể nhận những công việc nào ( hoặc đang cần bao nhiêu người để làm công việc gì ). GOSPELNET sẽ sẵn sàng dành hẳn cho các bạn một "mảnh vườn" đủ rộng ở cuối mỗi số báo. Sau khi hai phía đã thỏa thuận được công việc, xin báo ngay để GOSPELNET ngưng đăng các mẩu tin, dành đất cho các mẩu tin mới. Xin Thiên Chúa chúc lành cho nỗ lực tốt đẹp và dễ thương của chúng ta.

THÔNG TIN VỀ VẤN ÐỀ LẬP CÁC TỦ SÁCH CHO CÁC EM THIẾU NHI NGHÈO

Chúng tôi vừa nhận được E-Mail của bạn Vũ Khánh Tường từ Nhật-bản gửi về, đề cập đến việc có thể vận động các ân nhân trợ giúp thành lập các Tủ Sách Mini dành cho thiếu nhi và thiếu niên các vùng ngoại thành và nông thôn, nhờ đọc thêm sách báo mà các em có thể vừa giải trí, lại vừa mở mang kiến thức văn hóa và tôn giáo. Các hình thức trợ giúp có thể là gửi tiền để GOSPELNET chọn mua sách, hoặc thu gom trong gia đình các sách báo thiếu nhi đã đọc qua rồi, hoặc vận động các nhà xuất bản sách báo để xin các loại tồn kho...

Trước mắt, GOSPELNET xin giới thiệu 2 địa điểm thành lập Tủ Sách Thiếu Nhi dưới đây:

1.       Ðiểm Truyền Giáo An Thới Ðông, huyện Duyên Hải, hiện nay đang do cha Hoàng Minh Ðức trực tiếp đảm nhận.

2.       Ðiểm Lớp Học Tình Thương thuộc khu Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân, xã Bà Lát, huyện Bình Chánh, do cha Mai Văn Hiền đứng ra trợ giúp từ nhiều năm nay.

 

Mọi ý nguyện sẵn sàng "tham gia Truyền Tin" hoặc đang "cần được Truyền Tin", xin quý vị và các anh chị em bạn trẻ sinh viên gửi về cho uy1959@yahoo.com và sẽ được thông tin chung đầy đủ trên GOSPELNET cho từng người vào mỗi Chúa Nhật hàng tuần.

Ngoài ra, cũng xin thông báo đến quý độc giả số ÐIỆN THOẠI ÐƯỜNG DÂY "NÓNG"090.34.09.14 để có thể được tư vấn kịp thời và hiệu quả cho các trường hợp cần kíp như: gìn giữ một bào thai, trợ giúp ngặt nghèo, khủng hoảng tinh thần, cần một việc làm lương thiện và hợp khả năng để lo cho sinh kế đang gặp khó khăn...