GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH NĂM C – CHÚA CHIÊN LÀNH

TIN MỪNG: ( Ga 10, 27 – 30 )

"Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Ðấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một."

CHIA SẺ:

AI BẢO CHĂN TRÂU LÀ KHỔ ?

 

Rất tiếc là bây giờ chúng ta không còn được nghe lời hát và giai điệu một bài ca dễ thương của nhạc sĩ Phạm Duy những năm 50 – 60: "Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ..."

Cũng một phần vì đời sống người nông dân hiện nay ở miền Nam bắt đầu không còn cần đến con trâu, mà đã có chiếc máy cày thay thế. Họa chăng phải ra đến vùng quê miền Bắc, chúng ta mới lại thấy hình ảnh quen thuộc của những chú bé mục đồng chăn trâu.

Huống chi dân thành phố như Uy, từ bé đến lớn, chưa hề biết đến chuyện nhà nông, thì con trâu chỉ dừng lại ở khái niệm Chú Sửu mộc mạc đứng thứ nhì trong 12 Con Giáp !

Năm ngoái, Uy có dịp ra phục vụ ở một Xứ Ðạo nông thôn miền Bắc một thời gian dài. Thế rồi đến Chúa Nhật thứ 4 mùa Phục Sinh năm Ðại Thánh 2000, Lễ Chúa Chiên Lành, Uy được cha sở giao cho giảng lễ cho thiếu nhi Giáo Lý. Ðọc trước và suy niệm bài Tin Mừng Ga 10, 11 – 18, tự nhiên Uy liên tưởng một Ðức Giê-su là người Việt-nam, ắt Người sẽ rao giảng như thế này: "Tôi chính là Người-Chăn-Trâu-Nhân-Lành... Tôi biết trâu của Tôi, và trâu của Tôi biết Tôi, như Chúa Cha biết Tôi, và Tôi biết Chúa Cha, và Tôi hy sinh mạng sống mình cho đàn... trâu !"

Uy chạy vội đi tìm chú bé giúp lễ đã khá quen thân với Uy trong những ngày qua và xin "thụ giáo" về nghề chăn trâu của chú. Chiều hôm ấy, trước một đám đông trẻ em dễ đến cả ngàn mái đầu khét lẹt vì cháy nắng, Uy biết Uy sắp giảng cho những đứa bé chăn trâu chính cống và thành thạo.

Ngay lúc ấy, Chúa Thánh Thần mở miệng Uy: "Các con thân mến, cha xin tự giới thiệu: cha cũng là một "Người-Chăn-Trâu", y như các con đang là những chú bé, cô bé chăn trâu ở vùng quê này, mặc dù cha sinh ra ở Sài-gòn, cha chẳng biết chăn trâu như thế nào !" Các em ồ lên cười thích thú và tò mò chờ đợi...

Bài giảng hôm ấy phải nói là thành công ngoài sự tiên liệu. Uy muốn nói thành công ở đây là thành công về mặt trình bày Lời Chúa đến với đối tượng người nghe là trẻ em vùng nông thôn, lại là nông thôn ở miền Bắc ít được học hành đến nơi đến chốn, Giáo Lý lại chỉ mới ở mức độ Hỏi – Thưa theo sách Bổn cũ kỹ từ mấy chục năm về trước !

Các em dễ dàng đón nhận ngay ý tưởng sâu xa mà gần gũi của Ðức Giê-su thông qua những chuyện thường ngày của trẻ chăn trâu: bờ cỏ ngon, mương nước mát, cái sợi chạc được xỏ vào mũi trâu, cái mõ đeo ở cổ trâu và tiếng "Nghé ọ" mà các chú bé giả giọng trâu mẹ để gọi những chú nghé ham vui bỏ đàn, lại còn chuyện chăn trâu thì phải biết giữ trâu không cho phá lúa của người ta, biết dắt trâu đi tắm, biết chọn chỗ cho trâu đầm vào mùa hạn, biết bắt bo,ï bắt rận và nhổ những con đỉa hút máu trâu...

 Cuối bài giảng, khi Uy hỏi: "Trong số các con ở đây, ai muốn lớn lên sẽ trở thành Linh Mục, trở thành Người-Chăn-Trâu của Chúa nào ?" Có rất nhiều em đã giơ tay, đặc biệt có cả một... bé gái 8 tuổi mặt mũi dễ thương ngoan ngoãn !

Uy thầm cầu nguyện cho em mai này sẽ là một nữ tu tận tụy nhiệt thành trong công việc phục vụ khiêm tốn. Tại sao lại không nhỉ ? Một nữ tu cũng cộng tác vào việc chăn dắt "đàn trâu Việt-nam" với các vị Giám Mục và Linh Mục được quá đi chứ ?

Ðến đây, Uy xực nhớ, có lần chính Ðức Cha của Giáo Phận khoe với Uy: "Cha có biết không, ngày xưa con cũng đã từng vừa chăn trâu vừa học bài Giáo Lý..." Ước gì tất cả các vị Giám Mục, Linh Mục, và mở rộng ra là cả những bậc làm cha làm mẹ, các thầy cô, các Giáo Lý Viên, các Linh Hoạt Viên, các Huynh Trưởng cũng đều nhận ra mình đã từng là và vẫn còn đang là những "Người-Chăn-Trâu" Việt-nam.

Qua năm nay, năm 2001, tuy Uy đang phục vụ ở Sài-gòn, một thành phố phát triển về mọi mặt mà cũng bết bát về nhiều thứ. Thật sự là chẳng còn tìm đâu ra ngay ở vùng nông thôn ngoại thành, cái bóng dáng lũy tre xanh đầu làng và chú bé mục đồng ngồi nghêu ngao hát đồng dao lục bát trên lưng con trâu bê bết bùn đất, huống chi là ngay giữa nơi đô hội kèn xe nhức óc, bụi bặm và khói xe cay xè cả mắt... Thế nhưng, Uy lại vẫn cứ muốn mượn lại tâm tình, ý tưởng và hình ảnh đậm màu quê hương xa xưa ấy để suy niệm cho Chúa Nhật Chúa Chiên Lành lần này.

Ðoạn Tin Mừng Ga 10, 27 – 30, gần như tiếp nối ngay sau đoạn Tin Mừng năm ngoái. Và Tôi chỉ cần mạo muội đánh bạo hình dung tiếp bài diễn từ của Ðức Giê-su như thế này: "Tôi chính là Người-Chăn-Trâu-Nhân-Lành... Trâu của Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi ban cho đàn trâu của Tôi sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải đói, phải khát và phải chết. Cũng không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi. Cha Tôi, Ðấng đã ban đàn trâu cho Tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Bởi vì Tôi và Chúa Cha là một".

Trời ơi, thật cảm động biết bao, khi cùng một lúc Uy nhận ra mình vừa được là một con nghé bé con trong đàn trâu của Chúa, nhìn ở góc độ khác, Uy lại cũng được Chúa chọn làm một chú mục đồng để chăn đàn trâu, đàn nghé thân thương của Chúa. Mà chịu khó tưởng tượng hình dung thêm một tý, dõi mắt nhìn ra gần gần rồi lại xa xa hơn một tý, Uy nhận ra ngoài Uy, còn có bao nhiêu là trẻ mục đồng khác. Mỗi chú mục đồng lại dắt theo một đàn trâu đàn nghé khác.

Có đàn thì đông đúc, có đàn thì lèo tèo. Có con thì béo tốt, có con thì gầy nhom trông mà bắt tội nghiệp. Lại có một số không ít những đàn trâu thiếu vắng người chăn dắt, cứ đứng ngơ ngác nhìn quanh, không biết phải đến đám cỏ nào ăn thì ngon thì tốt, không biết phải tìm đến nguồn nước nào uống cho mát cho lành ? Lại có một vài chú mục đồng nương theo ngọn gió đồng hiu hiu mà nằm ngủ quên bên triền dốc, hoặc mải vui nghịch ngợm hò hét với nhau trong trò đá dế thả diều, có mấy chú cởi trần trùng trục còn tranh giành cãi cọ lao xao với nhau rồi lăn ra đường đê bụi đỏ hoặc mặt ruộng trơ gốc rạ mà vật lộn chí tử... Và những lúc như thế, đàn trâu đàn nghé cứ tha hồ mà lang thang chạy rông hoặc nhẩn nha ăn lẹm vào đám hoa màu xen canh của người ta. Chuyện bị mắng vốn te tát là đương nhiên chứ biết sao bây giờ ?

Câu truyện tạm gọi là Ngụ Ngôn của thế kỷ 21 sẽ còn dài nhiều tập. Uy chẳng dám miên man tưởng tượng nữa, không khéo Uy lại cũng lơ đễnh để cho đàn trâu khó tính mà thân thương của Uy cũng rơi vào tình trạng... tan đàn sẩy nghé thì nguy to ! Uy chỉ ước mơ một điều bé bỏng: tất cả mọi người chúng ta đều nhận ra mình đều chỉ là một đàn nghé khờ khạo ngốc nghếch của một Ðấng Chăn Trâu làm thủ lĩnh trên tất cả đám trưởng chăn trâu nhưng lại hiền khô, tận tụy, tốt bụng, nhưng cũng không kém khôn ngoan quả cảm. Nhận ra như thế rồi, chúng ta sẽ dễ bảo hơn, biết đi đúng cái hướng sẽ dẫn đến một bãi cỏ không có gai và một nguồn nước không bị ô nhiễm. Dễ gì mà ngày hôm nay còn có thể tìm được loại cỏ và thứ nước bình an như thế, vậy mà Ðấng ấy biết, Ðấng ấy có...

Văng vẳng bên tai Uy là tiếng nói ấm nhẹ của Ðấng ấy: "Tôi ban cho đàn trâu của Tôi sự sống đời đời..."

LÊ QUANG UY, một "trẻ chăn nghé" của DCCT

CÂU TRUYỆN:

TIẾNG GỌI TRONG THINH LẶNG

Toàn bộ sư đoàn lính Mỹ trong doanh trại Robert đang chuẩn bị một cuộc diễn binh đón chào ông bộ trưởng Quốc Phòng. Nào các cỗ xe tăng chuyển hành ầm ầm, nào các khẩu trọng pháo được kéo đến, rồi tiếng giày lính nện lên mặt đường nhựa của đoàn quân đi nhịp nhàng theo khúc nhạc quân hành hùng tráng...

Cả một khu vực và vùng trời vang động rộn rã, thế mà một đàn chiên vẫn thản nhiên từ từ tiến bước từ thảm cỏ này đến cánh đồng kia, nhích dần đến gần con đường người ta đang duyệt binh... Bộ chỉ huy phát hiện ra đàn chiên liền phái đến một tiểu đội quân cảnh để lùa đàn chiên tránh đi hướng khác. Họ mở còi hụ, la hét om sòm lên, nhưng đàn chiên vẫn nhởn nhơ gặm cỏ. Rồi cả một trung đội vệ binh được tăng cường. Cũng hò hét, hụ còi inh ỏi, nhưng đành chịu, đàn chiên vẫn bình thản thưởng thức món cỏ xanh thiên nhiên hào phóng, mỗi lúc một tiến gần doanh trại hơn.

Ðúng lúc ấy, đoàn xe mô-tô dẫn đầu đoàn xe hơi của phái đoàn bộ trưởng đã vào đến cổng trại.Làm sao bây giờ ? Không ai được quyền dùng đá để ném, dùng gậy để đánh đuổi đàn chiên, bởi như thế là chọc giận Hội Bảo Vệ Súc Vật và báo chí khắp nơi.

Toàn bộ đạo quân trang bị hùng hậu như vậy đành phải thúc thủ trước đối thủ quá ư hiền lành này hay sao ? Bỗng, chiếc xe Jeep của thiếu tướng chỉ huy trưởng trại Robert phóng đến, và từ trên xe, Linh Mục Tuyên Úy Michael nhảy xuống, chạy đến nói nhỏ vào tai vị sĩ quan vệ binh. Sau đó, cả trung đội tập hợp ngay, đứng vào vị thế nghiêm. Và thinh lặng bao trùm lên tất cả đạo quân trong phút chốc !

Chính vào lúc hoàn toàn thinh lặng này, người ta mới nghe thấy có tiếng sáo của người mục đồng mãi từ trên một ngọn đồi gần đấy vọng xuống. Thế là cả đàn chiên tức khắc ngoan ngoãn quay gót, cùng nhau lũ lượt chạy lên mỏm đồi giữa những tiếng thở phào nhẹ nhõm của quan quân trong đoàn vệ binh...

Chỉ cần một tiếng sáo mục đồng du dương nhè nhẹ ấy thôi, cũng đủ để kêu gọi cả đàn chiên đi lạc hướng quay trở về, trả lại khung cảnh trang nghiêm cần thiết cho buổi lễ duyệt binh.

Bao nhiêu tiếng hò hét, tiếng còi hụ inh ỏi đều bó tay. Càng nhiều tiếng huyên náo thì đàn chiên lại càng không tài nào nghe được tiếng sáo đơn sơ nhỏ nhẹ của chú bé mục đồng.

Sống trong thế giới hôm nay, chúng ta cũng bị bao vây bởi quá nhiều tiếng động xô bồ và âm thanh hỗn tạp, quá nhiều đến độ chúng ta không còn có thể nghe được tiếng gọi Ðức Giê-su, vị Mục Tử Nhân Lành. Chỉ cần thinh lặng, một chút lặng yên thôi, cũng đủ để đàn chiên nghe được tiếng gọi của người chăn dắt.

Phải chi chúng ta cũng có được những khoảnh khắc phút giây trầm lắng quý giá như thế, để rồi nghe được thứ thanh âm của sự tĩnh lặng ( The Sound of Silence ), nghe được lời gọi của Thiên Chúa và nhận ra Người ?

Phải chi chúng ta cũng biết trao tặng cho chính mình mỗi ngày một vài phút cô tịch để đọc Lời Chúa, để nghe và nhận ra tiếng thì thầm của Thiên Chúa đang ngỏ lời với chúng ta ?

"Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành. Tôi biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Chúng sẽ nghe tiếng Tôi, và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một Mục Tử" ( Ga 10, 14 – 16 )

DAILY BREAD 16.5.2000

THÔNG TIN:

GOSPELNET xin sơ kết về số tiền đã nhận và sẽ nhận của các ân nhân gần xa giúp cho cháu bé NGUYỄN THỊ TƯỜNG VY để mổ tim tính cho đến Chúa Nhật 6.5.2001 như sau:

MK Le Phong va Xuan:                                                50 USD

MK Dinh Thong va Lam Xuan Diem:                        50 USD

MK Nguyen Quoc Hung:                                              50 USD

MK Truong Nguyen Hau:                                             30 USD

MK Do Trong Khoa va Nguyen Thuy Trang:           50 USD

MK Than Van Quang va Pham Huynh Cuc:             50 USD

Mot ban MK xin duoc giau ten:                                  50 USD
MK Ba Hoang va Nguyen Chi:   
                  100 USD

MK Tran Huyen Tran:                                                   50 USD

MK Nam va Tran Khanh Mai:                                      30 USD

MK Truong Thanh Hang:                                             30 USD

MK Bich Son:                                                  300 USD

             Anh Ha:                                                             100 USD

Anh Van:                                                                          20 USD

Anh Tran Hoa:                                                 100 USD

Bác Ðặng Thị Thi:                                     750.000 VND

MK Quốc Duy:                                            500.000 VND ( sẽ gửi về )

Ông Nguyen Tung Thu                                                 50 CND ( sẽ gửi về )

NP Tieu Phuong                                                                            ( chưa rõ số tiền sẽ gửi về )  

TỔNG CỘNG:                                               1.060 USD + 750.000 VND ( đã nhận được )                                                         

Về các thông tin liên quan đến cháu Tường Vy, GOSPELNET được biết: gia đình cháu ở tỉnh Bình-định đã gửi được bộ hồ sơ của cháu về Sài-gòn, trong đó có giấy của chính quyền địa phương xác nhận gia đình cháu thuộc diện nghèo. Hiện tại các chị nữ tu Dòng đa-minh Rosa Lima đang phối hợp với các chị nữ tu Dòng Phan-sinh Thừa Sai Ðức Mẹ để cố gắng xin cho cháu được miễn giảm tối đa tiền chi phí cho ca giải phẫu Tim tại Viện Tim Sài-gòn.

Tình hình sức khỏe của cháu tương đối khả quan, và có thể sẽ được mổ vào ngày 11.5.2001 sau khi vấn đề thủ tục đã hoàn tất. GOSPELNET xin thay mặt gia đình cháu Tường Vy để gửi lời tri ân đến tất cả quý ân nhân gần xa, tuy chưa biết mặt cháu và cũng không hề quen biết gia đình cháu, vẫn nhanh chóng và nhiệt thành hưởng ứng lời kêu gọi của GOSPELNET để nhập cuộc.

 

 

Mọi ý nguyện sẵn sàng "tham gia Truyền Tin" hoặc đang "cần được Truyền Tin", xin quý vị và các anh chị em bạn trẻ sinh viên gửi về cho uy1959@yahoo.com và sẽ được thông tin chung đầy đủ trên GOSPELNET cho từng người vào mỗi Chúa Nhật hàng tuần.

Gần đây, chúng tôi cũng được biết tin có một số người đã lợi dụng GOSPELNET để nêu các trường hợp cần trợ giúp với ý đồ xấu. Vì thế, ngoài những trường hợp được nêu cụ thể trên GOSPELNET, xin quy độc giả lưu ý đề phòng.

Ngoài ra, cũng xin thông báo đến quý độc giả số ÐIỆN THOẠI ÐƯỜNG DÂY "NÓNG"090.34.09.14 để có thể được tư vấn kịp thời và hiệu quả cho các trường hợp cần kíp như: gìn giữ một bào thai, trợ giúp ngặt nghèo, khủng hoảng tinh thần...