Sơ lược tiểu sử
Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê
Sơ lược tiểu sử Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê.
Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê (11.12.1898 - 27.11.1978) là Tổng giám mục Hà Nội từ năm 1960 cho đến khi qua đời. Ngài là hồng y tiên khởi của Việt Nam. Khẩu hiệu Giám mục (Motto): "Hãy theo thầy"
Thời thơ ấu
Trịnh Như Khuê sinh ngày 11 tháng 12 năm 1899, người làng Tràng Duệ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Là trưởng nam trong gia đình 10 anh chị em. Thân phụ là cụ Trịnh Như Thành, một nhà Nho ứng thí trường Nam Ðịnh nhưng bị triều đình cấm thi. Ông cụ mở trường dạy chữ Hán như bao cụ đồ lỡ làng, làm Chánh trương xứ đạo và làm Lý trưởng.
Lên 6 tuổi, Trịnh Như Khuê học khai tâm Hán tự với thân phụ, rất sáng dạ, chẳng bao lâu cậu đọc được sách truyện Tử đạo bằng chữ Nôm.
Con đường đi tu
Trịnh Như Khuê sớm có chí hướng đi tu. Chánh xứ sở tại là Cha già Thông nhận cậu làm nghĩa tử, giới thiệu vào Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên.
Mãn trường Hoàng Nguyên. Trịnh Như Khuê được phân công đi giúp xứ Hàm Long (Hà Nội). Linh mục Dépaulis lại cho Thầy vào học trường Puginier, một tư thục do các Sư Huynh Thiện giáo điều khiền. Mãn hạn giúp xứ, Trịnh Như Khuê được vào Ðại chủng viện Kẻ Sở học Triết.
Vào thời điểm này Ðức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập Khâm sứ Tòa thánh tại Việt Nam (ngày 20-05-1925) và cử Giám mục Constantino Ayuti (1876-1928) làm Khâm sứ đại diện Tòa Thánh. Cần một người thông ngôn và xin Giám mục Hà Nội bấy giờ là Ðức cha Pierre Gendreau cho Trịnh Như Khuê làm thông ngôn cho Khâm sứ Ayuti, tháp tùng Khâm sứ Tòa Thánh đi kinh lược nhiều nơi.
Sau cái chết của Khâm sứ Ayuti tại Sàigòn ngày 29/07/1928 (Việt Nam Công giáo Niên Giám 1964, tr. 170) Thầy Trịnh Như Khuê trở về Hà Nội và được cử đi giúp xứ Kẻ Noi. Sau một năm, Thầy được gọi về Ðại chủng viện Kẻ Sở học Thần học.
Thời gian làm linh mục (1933 - 1950)
Ngày 01 tháng 04 năm 1933, tại Kẻ Sở, Giám mục Hà Nội Pierre Gendreau phong chức linh mục cho Thầy Trịnh Như Khuê. Tân linh mục được bổ nhiệm Phó xứ Khoan Vĩ.
Sau một năm ở Khoan Vĩ linh mục Trịnh Như Khuê được điều về làm giáo sư Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên. Trịnh Như Khuê có lòng sùng kính đặc biệt Ðức Mẹ Maria. Dạy học được 7 năm, Ngài lại được bổ nhiệm Phó xứ Hàm Long bên cạnh linh mục Dépaulis. Thời kỳ này, đất nước chìm đắm trong chiến tranh, nhân dân sống dưới hai tầng áp bức bóc lột thực dân Pháp và phát xít Nhật. Nạn đói khủng khiếp xảy ra ở miền Bắc vào năm 1945. Linh mục Trịnh Như Khuê tích cực hoạt động cứu đói.
Năm 1947, linh mục Dépaulis về Pháp, linh mục Trịnh Như Khuê làm Chánh xứ Hàm Long, một giáo xứ lớn của Hà Nội. Với cương vị Chánh xứ, Ngài thành lập đoàn thể lấy tên "Ðạo binh Ðức Mẹ", còn gọi là "Ðạo Binh Xanh", một tổ chức mới mẻ đối với giáo dân. Ðến tháng 02/1950, Hàm Long đón nhận một tân linh mục về làm Phó xứ, đó là linh mục Giuse Trịnh Văn Căn. Cả hai người đều trở thành hồng y của Việt Nam.
Thời gian làm giám mục (1950 - 1976)
Ngày 18-04-1950 Tòa Thánh bổ nhiệm Linh mục Giuse-Maria Trịnh Như Khuê làm Giám mục Hiệu tòa Sinao, lãnh đạo giáo phận Hà Nội, là Giám mục người Việt Nam đầu tiên của giáo phận Hà Nội. Lễ tấn phong cử hành ngày 15-08-1950.
Ngày 24-11-1960 Toà Thánh lập các toà Giám muc Chính toà tại Việt Nam. Ðức cha Trịnh Như Khuê được thăng Tổng Giám muc Tổng giáo phận Hà Nội.
Ngày 02-06-1963, Ðức Tổng giám mục Trịnh Như Khuê phong Giám mục cho linh mục Trịnh Văn Căn làm Phó Tổng Giám mục với quyền kế vị. Mọi người bỡ ngỡ. Lý do giải thích sự phong chức này, theo thông cáo của tòa Giám mục Hà Nội, ngày 03-06-1963: "Sự truyền chức cho Ðức cha Phó, Ðức Tổng Giám mục vẫn nghĩ còn lâu mới làm, và không biết là bao giờ, nhưng chúa nhật ngày 26-05-1963, tự nhiên Ðức Tổng Giám mục thấy mình trở nên lòa, hầu như mù vậy, chữ viết trên mặt đồng hồ không còn trông thấy nữa, trông ra ngoài sân không còn trông rõ cây và sân cỏ, khi ăn cơm không còn trông rõ bát, bệnh lại tiến lên nhanh lắm, Người nghĩ rằng sẽ mù hẳn... Trong lúc ấy, Người chẳng nghĩ đến việc chạy chữa thuốc men, chỉ nghĩ đến sự truyền chức cho Ðức cha Phó, và kêu xin Chúa cho bệnh giảm đi, ít là trông rõ chữ để truyền chức. Sau khi ăn cơm xong mấy phút, bệnh đã giản ra, Người đã trông rõ như trước, nhưng sợ bệnh trở lại, Người đã vội vàng truyền chức cho Ðức cha Phó..." (Theo Giám mục F.X. Nguyễn Văn Sang "Kỷ niệm về Ðức Hồng Y Giuse-Maria Trịnh Văn Căn ", 1990, tr. 23-24) [1]
Tháng 05-1974 Tòa Thánh mời Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê dự Hội đồng Giám mục thế giới, nhưng vì sức khỏe, Tổng Giám mục cử Ðức Tổng giám mục Phó Trịnh Văn Căn đi thay[2].
Từ tháng 04-1950 trong bối cảnh lịch sử Việt Nam có nhiều biến cố đặc biệt: sự kiện tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, chiến tranh chống Pháp ngày càng ác liệt và lên đỉnh cao vào năm 1954,cuộc di cư năm 1954, rồi hiệp định Genève ra đời dẫn đến hoàn cảnh mới của đất nước: miền Bắc tiến lên chủ nghĩa Xã hội, phong trào cải cách ruộng đất năm 1956. Rồi chiến tranh mở rộng ra miền Bắc ngày càng khốc liệt. Và đến tháng 04-1975, chiến tranh kết thúc trong cả nước. Suốt 25 năm làm Giám mục trong hoàn cảnh đất nước như vậy, Ðức Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê đã lãnh đạo giáo dân sống đạo giữ vững đức Tin và làm tròn nhiệm vụ người công dân yêu nước[1]. Ðức Tổng giám mục đã có Thư Chung nhắn nhủ giáo dân và rao giảng tình yêu thương đồng bào[3].
Thời gian làm Hồng Y (1976 - 1978)
Sau khi Việt Nam thống nhất, ngày 24 tháng 5 năm 1976, Ðức Giáo hoàng Phaolô VI trong âm thầm (in pectore) bổ nhiệm Ðức Tổng giám mục Trịnh Như Khuê làm Hồng y linh mục với Tòa Hồng Y ở St. Francesco di Paolo of Monti[4]. Ðây là vị Hồng Y đầu tiên của Việt Nam.[1]
Ngày 6 tháng 8 năm 1978, Ðức Giáo hoàng Phao lô VI qua đời. Là thành viên trong Hồng Y đoàn, Ðức Hồng y Trịnh Như Khuê sang Roma tham dự trực tiếp bầu tân Giáo Hoàng là Ðức Gioan Phaolô I. Một tháng sau, Ðức Giáo hoàng Gioan-Phaolô I qua đời đột ngột, Ðức Hồng y Trịnh Như Khuê lưu lại Roma tiếp tục dự Hội đồng bầu cử Giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Như vậy, Ðức Hồng y Trịnh Như Khuê là người đầu tiên của Việt Nam đã tham dự hai lần bầu Giáo hoàng[5].
Ngày 24 tháng 11 năm 1978, Hồng y Trịnh Như Khuê về đến Hà Nội. Tuy nhiên, do sức khỏe kém đi từ trước, 2 ngày sau, ngài lâm bệnh và qua đời đột ngột vào ngày 27 tháng 11 năm 1978, thọ 79 tuổi, sau 28 năm làm Giám mục, 2 năm thụ chức Hồng Y.
Thánh lễ an táng của ngài được tổ chức trọng thể vào ngày 30 tháng 11 năm 1978 tại quảng trường Nhà thờ Lớn Hà Nội, do Tổng Giám mục kế vị Giuse Maria Trịnh Văn Căn chủ sự cùng đồng tế với 11 Giám mục, 50 linh mục.
----------------------------------------------------
1. Giuse Maria Trịnh Như Khuê
2. Hội đồng giám mục Việt Nam
3. Trang web của Giáo phận Hà Nội
4. Trang tinh thần - tiểu sử các hồng y
5. Lóe lên chút nắng trưa
----------------------------------------------------
Joseph Marie Trinh-nhu-Khuê (December 11, 1898-November 27, 1978) was a Vietnamese Cardinal of the Roman Catholic Church. He served as Archbishop of Hà Nôi from 1960 until his death, having previously served as its Apostolic Vicar, and was elevated to the cardinalate in 1976.
Joseph Trinh-nhu-Khuê was born in Trang-Duê, and ordained to the priesthood on April 1, 1932. On April 18, 1950, he was appointed Apostolic Vicar of Hà Nôi and Titular Bishop of Synaus by Pope Pius XII. Trinh received his episcopal consecration on the following August 15 from Bishop Thaddée Le Huu Tu, OCist, with Bishops Francisco Gomez de Santiago, OP, and Pierre Pham-Ngoc-Chi serving as co-consecrators, in the Cathedral of Hà Nôi. He was later raised to the rank of a Metropolitan Archbishop upon his vicariate's elevation to a metropolitan see on November 24, 1960.
The Archbishop was reserved as a cardinal in pectore by Pope Paul VI when the consistory was announced on April 28, 1976, and was published and created Cardinal Priest of S. Francesco di Paola ai Monti at the consistory on May 24 of that same year. Trinh attended the consistory in the purple robes of a bishop, because he did not have time to get red ones. He was the first cardinal to hail from Vietnam, and was also one of the cardinal electors who participated in the conclaves of August and October 1978, which selected Popes John Paul I and John Paul II respectively.
Cardinal Trinh died in Hà Nôi, at the age of 80; he had been the ecclesiastical leader of Hà Nôi for twenty-eight years. He is buried in the cathedral of the same city.
(Tư Liệu "Giáo Hội Việt Nam / Giám Mục Việt Nam)