Sơ lược Tiểu Sử

Ðức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp

 

Sơ lược Tiểu Sử Ðức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp

Ðức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp chào đời ngày 06.10.1920, trong một gia đình đạo đức, thuần tuý công giáo tại giáo xứ Nhân Hòa, thuộc xã Nghi thuận (Nghi Lộc, Nghệ An), xưa là làng Nhân Hoà, con của cụ Phêrô Trần văn Trường và bà Maria Hà thị Còn. Là con thứ hai trong 6 anh em.

- linh mục đầu tiên trong thân tộc là cha Hà văn Gia, cậu ruột của Ðức cố giám mục - bên nội,

- bên nội, có hai anh em ruột là chủng sinh: Trần Khánh và Trần Khanh, tham gia phong trào Ðông Du.

- Ðặc biệt linh mục Nguyễn Thần Ðồng, một trong 3 linh mục yêu nước thuộc giáo phận Vinh, bị Pháp bắt và đày đi Côn đảo, rồi về sống và mất tại quê nhà - Sau này, có linh mục Hà Ngọc Cai, linh mục... Ðậu và những linh mục khác hiện học tập và phục vụ ở phía Nam hoặc ở nước ngoài.

Lên 9 tuổi, chú bé Trần Xuân Hạp được cậu ruột là linh mục Hà Văn Gia đưa lên ở với mình tại giáo xứ Ngọc Long. Năm 1931, Cha Gia mất tại Cam Lâm, chú Hạp được trối cho Cha già Hiên, người Làng Tùng, giáo xứ Bùi Ngọa.

Năm 1933 Cha già Hiên gửi chú Hạp vào Chủng viện Dự Bị Xuân Phong, ở ở Diễn châu, khoá thứ 2. Năm 1936 chú vào Tiểu Chủng viện Xã đoài. Năm 1942 đi thực tập thầy giảng, dạy học ở Tiểu chủng viện. Năm 1951 thầy Hạp vào Ðại Chủng Viện. Ngày 01 tháng 2 năm 1959, thụ phong Linh mục tại Nhà thờ Chính Toà Xã đoài.

Sau đó, Người lần lượt làm quản xứ Minh Cầm từ 1959 đến 1963, Ðan Sa từ 1963 đến 1973. Từ 1973 đến 1979, làm Quản hạt Hướng Phương kiêm Tổng Ðại Diện. Trong cả 3 nhiệm sở, cha Trần Xuân Hạp luôn luôn là một linh mục mẫu mực về mục vụ: tận tình phục vụ giáo dân với một nhiệt tình tông đồ hăng say.

Ngày 10.01.1979, Toà Thánh ban sắc phong bổ nhiệm Cha Trần Xuân Hạp làm Giám mục Giáo Phận Vinh, thay thế Ðức Cha Phêrô Nguyễn Năng qua đời ngày 06.7.1978. Ngày 03.03.1979, vị Giám mục đắc cử cung hiến Nhà thờ chính toà mới.

Ngày 04.03.1979 thụ phong giám mục do Ðức Tổng Giám mục Hà nội Giuse Trịnh văn Căn chủ phong, cũng là ngày Khánh thành Nhà thờ chính toà giáo phận. Lúc này vị Tân giám mục vừa tròn 59 tuổi, tiếp nhận một giáo phận đông giáo dân, nhưng đầy tan hoang về tinh thần và vật chất, sau nhiều năm chiến tranh.

Khi chọn cho đời Giám mục của mình khẩu hiệu "Xin cho con say mê Thánh giá", hẳn là Người đã thấy trước rất rõ gánh nặng đang đè lên vai mình, và ý thức sâu sắc rằng chỉ có say mê Thánh giá, nghĩa là vui lòng chấp nhận gánh nặng như Thánh giá Chúa gửi và noi gương Chúa vác Thánh giá, mới mong tròn được sứ mạng đã giao phó. Hai mươi hai năm chèo chống lái con thuyền giáo phận Vinh, chứng tỏ Người đã hiểu và sống khẩu hiệu của mình như vậy.

Ðức Cha đã đi Rôma 3 lần ad limina: lần thứ nhất sau Hội Nghị Giám mục Việt Nam năm 1980 với bức Thư chung nổi tiếng về đường hướng mục vụ theo Công đồng Vatican II.

Trong chuyến đi Rôma lần hai, Ðức Cha đã xin và được Toà Thánh ban phép mở Năm Thánh Giáo Phận Vinh năm 1892-1992 và mừng 100 năm hiến dâng cho Ðức Maria 1892-1992 và 146 năm thành lập giáo phận 1846-1902. Ðức Cha đã tận dụng cơ hội đặc biệt này để thăng tiến mọi mặt trong giáo phận. Trong phần kết của bài diễn từ đọc trong Thánh lễ khai mạc Năm Thánh, chúng ta thấy rõ: đối với vị Cố Giám Mục, lịch sử với những thăng trầm, những hay dở của nó luôn luôn được lọc qua lăng kính đức tin, một đức tin có bề dày hai ngàn năm thể nghiệm. Cái nhìn sâu vào lịch sử của Ðức cố Giám mục. Trong phần kết bài diễn văn khai mạc Năm Thánh giáo phận, Người nói: "Kính thưa toàn thể anh chị em, Hôm nay chúng ta đặt một cái nhìn sơ qua về cội nguồn lịch sử chúng ta để nhận ra rằng: trên đời này cái gì cũng có hai mặt, mặt trái và mặt phải. Một mặt ở nơi cái này tưởng là có lợi, té ra có cái hại kèm theo. Trái lại, có cái xem bất lợi, nhưng rồi lại cho ta nhiều lợi hơn. Vậy thì mừng lễ hôm nay, chúng ta nhìn lại từ cội nguồn trong cả hai mặt đó. Mặc dù sự trình bày của tôi quá sơ lược vì bỏ sót nhiều, nhưng có lẽ cũng đủ để khẳng định câu nói của cha ông chúng ta rằng "Nhân định như thử như thử, thiên lí vị nhiên vị nhiên, có nghĩa là "con người toan định thế này thế nọ, nhưng lẽ trời khác xa. Người Âu cũng điệp ý như vậy khi nói "L'homme propose, Dieu dispose", "con người toan tính, nhưng Thiên Chúa xếp định". Phải, nơi trang sử của địa phận Vinh trải qua 150 năm, luôn luôn ta thấy được rằng: bên trái cái tự nhiên, còn có cái gì siêu nhiên lèo lái lịch sử của con người. Chính cái ấy mới đem lại cho chúng ta niềm tin vững chắc để can đảm bước đi, ngày ngày vui sống, sẵn sàng cống hiến sức mình để xây dựng trang lịch sừ ngày mai" (Trích Kỷ yếu Năm Thánh Giáo Phận Vinh, trang 29).

Chỗ dựa của niềm tin vững chắc đó, Ðức Cố Giám mục đã nói lên công khai, cũng chính trong bài diễn từ khai mạc Năm Thánh giáo phận, chính là "sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, sự cộng tác của hàng linh mục với sự hộ trợ của mọi thành phần Dân Chúa. Ðó là niềm khích lệ cho những cố gắng của tôi trong hi vọng nhờ Chúa thương, dưới bàn tay che chở của Ðức Mẹ, chúng ta đã và đang chung sức lo xây dựng cho quê hương một ngày mai tốt đẹp" (Sđd).

Chính niềm tin đó đã thúc đẩy và nâng đỡ vị Chủ chăn trong mọi công việc, trong số đó, phải kể lên hàng đầu, việc Người cùng với đức Cố giám mục Phạm Tần, Giáo Phận Thanh Hoá, chạy xuôi chạy ngược, mở lại cho được Chủng viện. Và kết quả là ngày 22.11.1988, Ðại Chủng viện Vinh Thanh ra đời, trước sự vui mừng của hai giáo đoàn Vinh và Thanh Hoá. Và hôm nay, sau 14 năm hoạt động, ai cũng phải thừa nhận việc mở được Chủng viện Vinh Thanh, và Chủng viện Vinh Thanh ngày càng theo kịp các chủng viện khác trong nước cũng như ngoài nước, là một điểm son chói lọi trong lịch sử Giáo Hội Vinh và Thanh Hoá, trong đó công đầu là của Ðức Cố Giám mục Trần xuân Hạp và Ðức Cố Giám mục Phạm Tần. Những năm gần đây, với sự cộng tác đồng trách nhiệm của Ðức Giám mục Thanh Hoá Ðức Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, nhiều giáo sư ở phía Nam đã lần lượt đựoc mời tới thỉnh giảng và nhiều tốp linh mục trẻ được cử đi du học ở nước ngoài. Ðặc biệt, với sự gia tăng con số các linh mục xuất thân từ Vinh Thanh, chỉ thời gian vắn nữa, những vành khăn tang hàng chục năm trời trùm lên nhiều xứ đạo sẽ bị cất bỏ hết.....

Tuy nhiên, phải đọc lại những lời huấn từ của của Ðức Cố giám mục ngỏ với các chủng sinh mãn khoá, mới thấy rõ Người đã có ý thức như thế nào về vai trò của vị Chủ chăn giáo phận trong công cuộc đào tạo linh mục. Bài Huấn từ này được đăng trên trang đầu Kỷ yếu Ðại chủng viện Vinh Thanh khoá I . Vị Chủ Chăn trao đổi thân tình với anh em chủng sinh sắp lên chức linh mục qua 6 ý. Ý thứ ba: Người dặn: "Anh em hãy ghi nhớ ngày thụ phong của mình, ngày anh em được chính thức và vĩnh viễn sát nhập vào Ðức Kitô Linh mục Tối Cao. Cùng Ðức Kitô chia sẻ chức Linh mục, tức là cùng Người chia sẻ trách nhiệm cứu đời... Anh em làm Linh mục là chỉ để cùng Ðức Kitô cứu độ. Cho nên, anh em không còn thuộc về bản thân anh em hay thuộc về một riêng ai... Linh mục là của mọi người, cho mọi người, cách riêng những người nghèo hèn đau khổ... Bốn là anh em biết: làm linh mục là phải hy sinh... Từ hôm nay, hy sinh là điều không thể thiếu. Ðức Kitô vĩ đại nhất vào giờ phút Người hy sinh trên Thập giá... Năm là anh em là Linh mục của thế kỷ 21 đang đến gần... Linh mục phải cộng tác với mọi người có thiện chí, nhằm mưu cầu hạnh phúc cho mọi người... Anh em hãy nhớ anh em được chọn từ giữa loài người, mà cụ thể là giữa đồng bào Việt Nam, là để phục vụ loài người, cách riêng đồng bào thân yêu của chúng ta. Phục vụ, chứ không cai trị. Giáo Hội, giáo xứ không là của cha xứ, càng không phải là Cha xứ...."

Ðúng là tâm tư một vị Chủ chăn có ý thức trách nhiệm về sứ mạng của mình... (Kỷ yếu Ðại Chủng Viện Vinh Thanh, tr.5). Ngoài ra phải nói đến những cố gắng của Người nhằm liệu cho tất cả những anh em chủng sinh hay thầy giảng còn lưu vong mà vẫn nuôi dưỡng ơn gọi làm linh mục, tất cả được tiếp tục học và đã được phong chức.

Những cố gắng trên đây càng cho thấy rất rõ mối quan tâm của Người đối với hàng linh mục giáo phận. Ðặc biệt, Người lo giữ gìn sự hiệp nhất giữa Chủ chăn với linh mục đoàn, giữa Chủ Chăn với từng linh mục và giữa các linh mục với nhau. Hơn một lần Người cám ơn hàng linh mục đã cố gắng gìn giữ sự hiệp nhất đó.

Ðối với các Hội Dòng, nguyên việc các Hội Dòng trong thời đại của Người đã có nhiều đóng góp cho sứ mạng giáo phận... cũng đã cho thấy vị Chủ Chăn giáo phận đánh giá như thế nào vai trò của bậc tận hiến trong sự nghiệp chung của giáo hội. Ðức Cha vừa tôn trọng truyền thống do Ðấng sáng lập để lại, vừa giúp chị em nữ tu phát huy những gì cần và có ích cho thực tiễn của giáo phận. Cũng nhờ công khó nhọc vận động của Người, Dòng Mến Thánh giá giáo phận đã có thể ăn mừng quyết định của Nhà nước cho mở Tập viện.

Ðối với những người đau khổ đủ hạng, Ðức Cha âm thầm lo cho có trợ cấp và lặng lẽ đem đến hoặc gửi đến cho họ. Khu điều dưỡng bệnh cùi ở Quỳnh lập là một thí dụ. Hằng năm Ðức Cha đều đich thân, hoặc qua tổ chức của Hôi Dòng Mến Thánh giá, hay các chủng sinh Ðại Chủng Viện, hay anh em tu sinh... thăm hỏi và giúp đỡ về vật chất, khích lệ về tinh thần. Lần nọ, có người xin Ðức Cha cho ghi lại một ít số liệu về những lần Ðức Cha giúp đỡ những người bệnh cùi, đức Cha trả lời: "Tôi không thích làm rùm beng, tôi cốt việc làm." Ðúng là chất người xứ Nghệ đậm đà nơi suy nghĩ và tác phong của Người lãnh đạo cao nhất của giáo phận..

Việc lập Quĩ tình thương, ngày tình thương trong giáo phận cũng là hoạt động xuất phát từ tâm hướng đó. Ngay cả những em nhỏ tật nguyền, chẳng hạn những em bị thiệt thòi về thẫm mỹ, Ðức Cha cũng liên hệ Bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa... và trợ giúp chi phí để các em dành lại nụ cươi cho khuôn mặt... Thư chung số 06.92/NB được dành cho mục tiêu nhân đạo đó: "qua những lần đi làm phép Thêm sức, được thấy nơi này hay nơi khác, có một số em phải số phận không may, là có đôi môi thiếu thẩm mỹ. Tôi muốn tạo mọi điều kiện để giúp đỡ các em ấy... và tôi đã thương lượng với một bác sỹ chuyên khoa mổ thẩm mỹ.... Những ai có con em cần cứu chữa, hãy làm danh sách cho tôi biết.... Tôi sẽ sắp xếp thành từng nhóm từ 5 đến 7 em... tiền thuốc và phương tiện đi lại tôi giúp đỡ."

Riêng việc chống tệ nạn xã hội... phải nói rằng Ðức Cha đã có những hoạt động tích cực tiếp tay cho Chính quyền nhằm đề phòng và thanh toán những tệ nạn đó. Hãy nghe lại Thông báo 08/98/NB gửi các Cha Quản hạt: "Xin các cha thông báo với các cha xứ trong hạt: mỗi giáo xứ hãy dấy lên phong trào thi đua xây dựng đời sống mới xứng danh kitô hữu... mọi người ra sức học tập chống mọi thứ tệ nạn, cương quyết không để cho mình hay người thân lâm vào say sưa rượu chè, trai gái, xì ke ma tuý và các tệ nạn khác.". Kèm theo Thông báo, là một mẫu Bản Cam đoan gửi từng gia đình, để sau khi học tập, mỗi gia đình trong từng giáo xứ cam kết.

Năm quốc tế gia đình 1994, Ðức cha đã gửi một thư chung dài, số 02/94 NB, kêu gọi việc thánh hoá các gia đình, và chống phim ảnh sách báo đồi trụỵ. Ðức Cha trích dẫn một số điểm trong Tài liệu của Ủy Ban Giáo hoàng về Truyền thông xã hội về thực trạng thế giới đáng báo động về sách báo khiêu dâm và bạo lực bừa bãi, về nguyên nhân, hậu quả và biện pháp khắc phục.

Vì tuổi cao sức yếu, ngày 11-12-2000, Tòa Thánh đã chấp nhận đơn xin từ nhiệm của ngài và bổ nhiệm Ðức Giám Mục Phaolô Maria Cao Ðình Thuyên làm Giám mục Chính Tòa Giáo phận Vinh.

Ngày 06 tháng 7 năm 2005, vị Giám mục người Việt Nam thứ 56, Giám mục giáo phận Vinh thứ 10, Giám mục Vinh người Việt Nam thứ 4: Ðức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp đã từ giã cõi đời để đi vào cõi Vĩnh Hằng, sau 85 năm làm người và làm con Thiên Chúa, 46 năm làm Linh mục, 26 năm làm Giám mục và 5 năm nghỉ hưu vì tuổi già và bệnh tật.

Dĩ nhiên, công việc đưa giáo phận tiến lên về mọi mặt, là công lao của toàn khối giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân trong và ngoài giáo phận, đặc biệt là công lao và tài trí vô vàn to lớn của Ðức Cha Phaolô đương nhiệm, hồi còn là Quản lý Toà Giám mục và sau này khi đã là Giám Mục Phó và hiện nay trên cương vị Chủ chăn. Nhưng phải nói rằng trên trang lịch sử giáo phận Vinh hơn hai thập kỷ qua, tên tuổi Ðức Cha quá cố Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp sẽ lung linh sáng chói mãi, thành nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi thế hệ tín hữu trong giáo phận góp phần xây dựng cho ngày càng đẹp hơn, vững hơn.

Người đăng: Nhân Hòa Quê Tôi

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page