Sơ lược tiểu sử
Ðức Cha Phêrô Phạm Tần
Sơ lược tiểu sử Ðức Cha Phêrô Phạm Tần, Giám mục Tiên khởi Giáo phận Thanh Hóa.
Ðức Giám mục Phêrô Phạm Tần sinh ngày 4 tháng 1 năm 1913 (hoặc ngày 3 tháng 1 năm 1913) tại giáo họ Bến Cát, giáo xứ Hiếu Thuận thuộc Giáo phận Tông Tòa Thanh Hóa - nay thuộc Giáo phận Phát Diệm. Về địa giới hành chánh thuộc xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm 1926, khi cậu Phạm Tần được 13 tuổi, gia đình cho nhập học tại Trường Tập Ba Làng, Thanh Hóa. Một năm sau đó, cậu nhập học Tiểu chủng viện Phúc Nhạc, Phát Diệm. Sau 8 năm là tiểu chủng sinh, năm 1935, chủng sinh Tần được gửi học tại Ðại chủng viện Xuân Bích, Hà Nội và đã hoàn thành chương trình Triết học và Thần học tại đây.
Thời gian làm Linh mục
Sau thời gian học Triết học và Thần học tại Ðại chủng viện Xuân Bích, Hà Nội, ngày 7 tháng 6 năm 1941, Phó tế Phạm Tần được thụ phong linh mục. Sau khi được truyền chức linh mục, tân linh mục Phêrô Phạm Tần được bổ nhiệm đảm nhận vai trò giáo sư và linh hướng của Tiểu Chủng viện Ba Làng kể từ năm 1942. Trong khoảng thời gian hai năm từ năm 1945, Ðức giám mục địa phận cử linh mục Phạm Tần làm linh mục phó xứ Giáo xứ Ba Làng. Năm 1947, ngài được bổ nhiệm làm linh mục chánh xứ Giáo xứ Phúc Lãng. Trong thời gian này linh mục Phêrô Phạm Tần quan tâm cải thiện đời sống người dân không phân biệt tôn giáo. Tại giáo xứ, ngài thiết lập các nhà máy giấy, nhà máy in, xưởng dệt, xưởng làm nón và cho ra đời báo Chân Lý để giáo huấn giáo dân cả về đời sống lẫn tôn giáo. Các nhà máy ngài thành lập đã tạo nhiều việc làm cho người dân.
Nói về tờ báo Chân Lý, cuốn Việt Nam Giáo sử Quyển II của linh mục Phan Phát Huồn cho rằng với tinh thần của linh mục Phêrô Phạm Tần, tờ báo có sứ mạng đề cao văn hóa Công giáo, chống lại sự bóp nghẹt về văn hóa trong chế độ Cộng sản. Nhà máy sản xuất giấy của linh mục Phêrô Phạm Tần cung cấp giấy trong phạm vi toàn tỉnh. Xưởng dệt do ngài thiết lập ngoài cung cấp đủ lượng vải cho người dân, còn đủ cung ứng cho các làng lân cận. Nhờ xưởng dệt, các công việc có liên quan như trồng bông lấy sợi, thu lượm lá nón và đào tạo người dân cách làm nón lá. Nhờ những cố gắng của linh mục Phêrô Phạm Tần, đời sống người dân quanh vùng giáo xứ Phúc Lãng ấm no và ổn định. Năm 1952, ngài cho khởi công tái thiết nhà thờ Phúc Lãng với 7 gian.
Sau 5 năm đảm nhận vai trò linh mục chính xứ Phúc Lãng, từ năm 1952 đến năm 1954, linh mục Tần bị chính quyền Việt Minh đưa đi học tập cải tạo. Sau khi trở về, ngày 24 tháng 3 năm 1954, ngài được Ðức Giám mục Louis de Cooman Hành bổ nhiệm giữ chức vụ Linh mục Tổng đại diện Ðịa phận Thanh Hóa. Ðức Giám mục Louis de Cooman Hành chính thức phải hồi hương ít tháng sau đó, vào ngày 21 tháng 6 năm 1954. Các linh mục giáo phận phần lớn bị chính quyền Việt Minh đưa đi học tập cải tạo và các việc mục vụ đổ dồn về linh mục Tổng đại diện. Sau khi hiệp định Genève được ký kết vào cuối tháng 7 năm 1954, một số lượng lớn linh mục, tu sĩ và giáo dân đã di cư vào niền Nam. Ðiều này khiến nhiều cơ sở đào tạo cũng như hội dòng tại giáo phận phải đóng cửa. Trong thời gian này linh mục Phêrô Phạm Tần tổ chức đi thăm mục vụ trong địa phận. Tính đến năm 1955, địa phận Thanh Hóa chỉ có 30 linh mục.
Số giáo dân năm 1954 ước lượng vào khoảng 100,000 và tổ chức thành 45 giáo xứ; số giáo dân di cư vào miền Nam khoảng 15,000 và 60 linh mục phân tán khắp miền Nam Việt Nam, theo Việt Nam Giáo sử Quyển II của Linh mục Phan Phát Huồn. Trong bối cảnh khi không chỉ riêng giáo phận Thanh Hóa, các giáo phận miền Bắc Việt Nam như Hải Phòng, Bùi Chu, Phát Diệm,... nhiều linh mục và một số giám mục địa phận cũng quyết định dẫn dắt giáo dân di cư vào miền Nam, linh mục Tổng đại diện Phêrô Phạm Tần quyết định ở lại giáo phận với sự hỗ trợ mục vụ của bảy đến tám linh mục trẻ tuổi.
Theo bản tin của Catholic News Service ngày 22 tháng 8 năm 1955 báo cáo linh mục Phêrô Phạm Tần đã bị Chính quyền Việt Minh bắt đi từ ngày 14 tháng 6 năm 1955, ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cam kết về tự do tôn giáo. Lý do linh mục Phêrô Phạm Tần bị bắt là vì chính quyền Việt Minh kết án ngài ủng hộ người tỵ nạn di cư vào miền Nam và đã thường hay rao giảng một vụ được cho là hiện ra của Ðức Bà Maria (người Công giáo gọi là Ðức Mẹ). Trên thực tế, sau khi trở về châu Âu năm 1954, vào thời điểm bản tin kể trên, Ðức giám mục Cooman Hành đã trở lại Việt Nam và định cư ở miền Nam Việt Nam do không thể trở lại địa phận Thanh Hóa.
Thời gian làm Giám mục
Ngày 17 tháng 3 năm 1959, linh mục Phêrô Phạm Tần được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Ðại diện Tông Tòa Giáo phận Tông Tòa Thanh Hóa với tước hiệu Giám mục hiệu tòa Giustiniapoli, kế vị Ðức Giám mục Ðại diện Tông Tòa Louis Hành. Tính đến năm 2009, ngài là một trong số 7 giám mục người Việt xuất thân từ giáo phận Phát Diệm (chưa bao gồm Ðức giám mục Giuse Nguyễn Năng).
Cùng với việc thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, Tòa Thánh chính thức nâng Giáo phận Ðạt diện Tông Tòa Thanh Hóa trở thành Giáo phận Chính tòa Thanh Hóa, đặt Ðức Giám mục Phêrô Phạm Tần làm Giám mục chính tòa Tiên khởi Giáo phận Thanh Hóa. Văn thư công bố ngày 24 tháng 11 năm 1960, loan tin đến Việt Nam ngày 8 tháng 12 năm 1960.
Bản tin ngày 13 tháng 8 năm 1962 của Catholic News Agency cho rằng hai giám mục tân cử là Ðức Cha Phêrô Phạm Tần và Ðức Cha Vinh Sơn Phaolô Phạm Văn Dụ đã gần như trong trạng thái bị quản thúc, nhằm ngăn chặn các giáo sĩ này được tổ chức lễ tấn phong giám mục. Trong tình hình chiến sự khó khăn, từ năm 1964, việc đào tạo chủng sinh giáo phận đã bị đình trệ. Sau biến cố di cư vào miền Nam năm 1954, số giáo dân giảm hết 30,000 và chỉ còn lại khoảng 70,000 giáo dân được chia thành 44 giáo xứ. Trong hoàn cảnh chiến tranh, các cơ sở tôn giáo như các khu đất xung quanh Tòa giám mục, nhà thờ chính tòa, các hội dòng lần lượt bị chính quyền miền Bắc mượn hoặc trưng thu. Các cơ sở từ thiện xã hội vì thiếu người trông coi cũng đã phải đóng cửa. Tình hình mục vụ khó khăn: thiếu linh mục, điện, nước, bánh và rượu lễ,...
Sau 16 năm được bổ nhiệm làm Giám mục, mãi đến ngày 22 tháng 6 năm 1975 (theo tài liệu chính thức của Tòa Thánh), (có một số tài liệu ghi nhận là ngày 26 tháng 6 năm 1975) ngài mới được Ðức Giám mục Phêrô Maria Nguyễn Năng làm chủ lễ tấn phong Giám mục tại nhà thờ chính toà Thanh Hoá. Trong một giai đoạn lịch sử, Ðức giám mục Phêrô Phạm Tần cùng một số giám mục của các Giáo phận miền Bắc khác như Ðức Cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo, Ðức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Ðức, Ðức Cha Vinh Sơn Phaolô Phạm Văn Dụ,... được gọi là các giám mục "chui" vì được truyền chức âm thầm và khó tiếp cận với giáo dân do bị sức ép từ chính quyền miền Bắc Việt Nam. Ðài vô tuyến Hà Nội chính thức loan tin tân giám mục đã chính thức nhận giáo phận Thanh Hóa vào tháng 7 năm 1975. Bản tin cũng loan tin xác nhận về tân giám mục Giáo phận Bùi Chu Ða Minh Lê Hữu Cung.
Ðức Giám mục Phêrô Phạm Tần cùng các giám mục Việt Nam thực hiện chuyến viếng thăm Tòa Thánh (Ad Limina) vào năm 1980. Nhân chuyến đi này, ngài cũng đi đến các nước châu Âu nhằm xin viện trợ cho Việt Nam. Phát biểu tại Turin, ngài cho biết tình trạng thiếu thốn của Việt Nam. Khi được hỏi tại sao một giám mục Công giáo lại xin viện trợ cho một quốc gia Cộng sản, Ðức giám mục Phêrô Phạm Tần cho rằng những người từ chối hỗ trợ chỉ vì Việt Nam là một quốc gia xã hội chủ nghĩa là vì không hiểu rõ tình hình người dân Việt Nam tại đây, và khoản hỗ trợ là hỗ trợ cho người dân, chứ không phải cho chính quyền Việt Nam.
Ðức Giám mục Phêrô Phạm Tần cai quản giáo phận Thanh Hóa trong thời gian khó khăn nhất của giáo phận, trải qua nhiều biến cố đổi thay của lịch sử đất nước, trong suốt quá trình làm giám mục của mình, như sự kiện thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Công đồng chung Vaticano II, Việt Nam thống nhất Bắc Nam. Tuy nhiên, ngài đã luôn vững bước và hoàn thành tác vụ trong cương vị giám mục của giáo phận được giao. Với linh mục đoàn ít ỏi, sau biến cố năm 1975, Ðức giám mục Phêrô Phạm Tần chỉ phong chức linh mục cho thêm 7 chủng sinh, trong khi số linh mục giáo phận ngày càng giảm sút. Tính đến cuối năm 1989, từ con số 30 linh mục năm 1955, chỉ còn lại 1 giám mục, 13 linh mục, quản lý 46 giáo xứ và 115,000 giáo dân. Các nữ tu dòng Mến Thánh Giá chỉ còn lại 50 nữ tu và đa số đều cao niên.
Từ năm 1983, Hội đồng Giám mục Việt Nam bầu chọn Ðức Giám mục Pherô Phạm Tần giữ chức Chủ tịch Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 3 năm từ năm 1983 đến năm 1986. Ngài tái đắc cử chức vụ này và thêm một nhiệm kỳ, từ năm 1986 đến năm 1989. Năm 1988, ngài cùng với Ðức Giám mục Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp thành lập Ðại chủng viện Vinh Thanh và ngài làm Phó Giám đốc của Ðại chủng viện này. Lễ khai giảng chủng viện chính thức tổ chức vào ngày 22 tháng 11 năm 1988. Chủ tế thánh lễ khai giảng là Ðức giám mục Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp và Ðức giám mục Phêrô Phạm Tần giảng lễ. Hơn 100 linh mục tham gia đồng tế với số giáo dân tham gia lên đến 30,000.
Là lãnh đạo giáo phận, tuy vậy Ðức Giám mục Phêrô Phạm Tần ưa thích việc tự lực mưu sinh. Ngài đã quyết định dành tất cả các vùng đất quanh Tòa giám mục để trồng lúa và các loại hoa màu. Chính Ðức Giám mục Phêrô Phạm Tần cũng như các linh mục, chủng sinh tại Tòa giám mục thường xuyên lao động trồng trọt tại khu vực này. Trong thập niên 1980, Ðức Giám mục Pherô Phạm Tần thường hỗ trợ các đoàn người thân của các linh mục miền Nam đang bị cải tạo tại các traị cải tạo tại miền Bắc Việt Nam bằng cách cho họ tạm trú tại Tòa giám mục và đài thọ các chi phí. Việc này gây được nhiều thiện cảm và các đoàn này sau khi về miền Nam dành nhiều lời khen ngợi.
Ngày 1 tháng 2 năm 1990 (mùng 6 Tết Canh Ngọ), Ðức Giám mục Phêrô Phạm Tần qua đời lúc 4 giờ sáng tại Tòa giám mục Thanh Hóa, hưởng thọ 77 tuổi. Ngài được an táng tại nhà thờ chính tòa Thanh Hóa.
Theo số liệu từ sách Lược sử Giáo phận Thanh Hóa, vào năm 1990 giáo phận Thanh Hóa có linh mục đoàn là 13 người với phân nửa đã trên 70 và 2 thầy giảng, quản lý 112,000 giáo dân trong 48 giáo xứ. Sau khi Ðức giám mục Phêrô Phạm Tần qua đời, Ðức hồng y Tổng giám mục Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn đảm nhận vai trò Giám quản Tông toà Giáo phận Thanh Hóa cho đến khi qua đời vào ngày 18 tháng 5 năm 1990. Giáo phận Thánh Hóa được linh mục Giám quản Antôn Trần Lộc quản lý cho đến khi có tân giám mục Thanh Hóa là Ðức Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm đến nhận giáo phận vào năm 1994.