Sơ lược tiểu sử
Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Tình Tụng
Sơ lược tiểu sử Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Tình Tụng
Ðức cha Phạm Ðình Tụng sinh năm 1919 tại Ninh Bình, được tấn phong giám mục tại Hà Nội năm 1963, về Bắc Ninh nhận giáo phận lễ Mân Côi năm ấy. Năm 1960, Tòa Thánh thiết lập Hàng Giáo Phẩm tại Việt Nam: từ nay các giám mục không chỉ là Ðại Diện Tông Tòa như trước, nhưng là giám mục chính tòa. Ðức cha Tụng là giám mục chính toà tiên khởi của giáo phận Bắc Ninh. Dáng người nhỏ bé, tính tình hiền từ, ngài thân thiết với mọi người, nhưng ngại những tranh chấp và đối đầu. Không được thăm các giáo xứ, ngài làm gì trong hoàn cảnh giáo phận rộng lớn, ruộng đất của giáo phận cũng như của các xứ họ đã bị tịch thu , lại chỉ còn mấy linh mục?
Trước hết, ngài cầu nguyện. Phải nói đây là việc chính của ngài. Hằng ngày ngài đọc kinh với giáo dân ở nhà thờ Chính Tòa. Ngài thường đọc kinh phụng vụ, dâng lễ và chầu Mình Thánh một mình trong phòng nguyện ngỏ chưa đầy 8 m2 cạnh phòng ngài. Cùng với cánh tay đắc lực là cha Quảng, ngài làm tất cả những gì làm được cho giáo phận. Chủng viện bị đóng cửa mà các linh mục lớn tuổi chết dần: đây là giai đoạn giáo phận Bắc Ninh nổi tiếng thế giới vì có "một linh mục rưỡi": chỉ một linh mục được chính thức hoạt động công khai, một linh mục khác chưa được chính quyền công nhận, nên chỉ được hoạt động hạn chế. Ngài đào tạo chủng sinh bằng phương pháp hàm thụ: gửi bài cho chủng sinh học ở nhà, thỉnh thoảng thầy trò mới gặp nhau trực tiếp. Thiếu linh mục, ngài củng cố các ban hành giáo tại các xứ họ. Ðây là những giáo dân nhiệt thành và kiên vững, không ngại gian khổ và hy sinh. Chính họ là trung gian giữa Tòa Giám Mục và các xứ họ. Ðể giúp các xứ họ cũng như Tòa Giám Mục, ngài quy tụ các thiếu nữ tự nguyện sống độc thân để phục vụ giáo phận. Các cô làm bất cứ việc gì làm được, từ quét dọn nhà thờ đến việc dạy giáo lý, từ việc tập hát đến việc đọc kinh chung hàng ngày với dân họ. Ðây là tiền thân của Tu Hội Hiệp Nhất hiện nay.
Ngài sửa đổi một số kinh giáo dân thường đọc cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Ngài cũng sáng tác bản tóm lược cuộc đời Chúa Giêsu và một số kinh khác bằng văn vần để giáo dân dễ thuộc. Ngài có lòng sùng kính đặc biệt đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu, nên đặt lời cho bản dâng hoa Trái Tim theo là điệu của các bài dân ca. Vì thiếu linh mục, giáo dân từ nhiều nơi về Toà Giám Mục học giáo lý, dự lễ và lãnh nhận các bí tích từ Thánh Tẩy đến Giao Hoà, từ Hôn Phối đến Xức Dầu Bệnh Nhân. Toà Giám Mục và nhà thờ Chính Toà trở thành gần như giáo xứ của toàn thể giáo phận. Tại Toà Giám Mục, ngài tổ chức nếp sống gần như ở Nhà Ðức Chúa Trời thời các cha Dòng Tên: mọi người ăn chung, đọc kinh dự lễ chung, công việc được phân chia theo khả năng.
Ngay năm 1964, ngài âm thầm phong chức linh mục lần đầu tiên ở Bắc Ninh. Từ năm 1972 đến năm 1973, đức cha cùng với toàn thể nhân sự Toà Giám Mục phải sơ tán đến Xuân Hoà để tránh bom đạn chiến tranh. Năm 1974 đánh dấu một số sự việc quan trọng đối với tương lai giáo phận. Vì đức cha ngã bệnh nặng, trong âm thầm ngài đã phong chức linh mục cho 12 thầy đã học hàm thụ, kể cả 2 thầy thuộc giáo phận khác. Năm 1975, ngài tấn phong giám mục cho cha Ðaminh Ðinh Huy Quảng. Các linh mục được hợp thức hoá dần dần. Riêng đức cha Quảng từ năm 1974 bị chính quyền buộc về cư trú tại giáo xứ Ðại Lãm và qua đời tại đó năm 1994, mãi đến năm 2007 mới được giáo phận công bố là giám mục. Cũng trong năm 1974, lần đầu tiên kể từ năm 1954, chính quyền đồng ý để ngài phong chức cho 2 tân linh mục: cha Giuse Nguyễn Tiến Giản coi vùng Bắc Giang, cha Giuse Trần Ðăng Can ở Toà Giám Mục. Năm 1980, ngài được chính quyền đồng ý phong chức linh mục cho người mà sau này sẽ là đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến.
Có thể nói tình trạng căng thẳng giữa các xứ họ với chính quyền là việc khá phổ biến. Nhiều nơi sinh hoạt đạo bị hạn chế. Một số linh mục và chủng sinh hay thầy giảng bị bắt giam, có khi đến 15 năm. Một số giáo dân bị đe doạ, bị thẩm vấn, thậm chí có người bị bắt giam mấy năm. Năm 1984 xảy ra liên tục mấy sự kiện khá nghiêm trọng như việc khám xét và tịch thu sách tại Toà Giám Mục, việc quấy nhiễu ở xứ Lai Tê và họ Tiên Lục, cho thấy tình hình căng thẳng gia tăng. Năm 1979 do chiến tranh biên giới với Trung Hoa, đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Dụ phải sơ tán đến Bắc Ninh.
Ðức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Dụ được Toà Thánh bổ nhiệm làm giám mục chính toà tiên khởi của Lạng Sơn từ năm 1961, nhưng chính quyền không cho ngài ra khỏi Thất Khê, và cũng không cho giám mục nào đến đó, nên không tổ chức lễ tấn phong giám mục được. Trong phòng nguyện nhỏ bé của Toà Giám Mục Bắc Ninh Ðức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Dụ đã được Ðức cha Phaolô Phạm Ðình Tụng tấn phong âm thầm năm 1979. Năm 1980, lần đầu tiên đức cha Tụng được ra khỏi Toà Giám Mục để đi dâng lễ cho nghĩa phụ tại giáo xứ Ðại Từ. Tuy nhiên năm 1986, chính quyền đưa ra đường lối đổi mới: tự do được mở rộng đôi chút, kể cả hoạt động tôn giáo. Ðức cha được phép đi kinh lý một số giáo xứ. Ngài cho xây dựng Toà Giám Mục mới to lớn hơn, lấy Toà Giám Mục cũ làm nhà xứ Chính Toà. Năm 1989, đức cha lại bệnh nặng nên quyết định đặt giám mục phó cho giáo phận: ngài tấn phong đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, lần này được chính quyền chấp thuận nên lễ tấn phong được tổ chức công khai. Ngài cũng cho xây dựng Ðền Thánh Tâm ở thành phố Bắc Giang và một số nhà thờ khác.
Năm 1992, ngài được bổ nhiệm làm giám quản Tổng Giáo Phận Hà Nội. Ngài giao quyền cho đức cha phó coi sóc giáo phận Bắc Ninh. Năm 1994, ngài được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Hà Nội, đức cha Tuyến chính thức trở thành giám mục chính toà thứ hai của giáo phận Bắc Ninh.
Một vài chi tiết về tiểu sử Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng
Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng (1919-2009) là vị Hồng y của Giáo hội Công giáo người Việt thứ 3 sau Ðức Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê và Giuse Maria Trịnh Văn Căn.
Ngài sinh ngày 20 tháng 5 năm 1919 trong một gia đình Công giáo tại thôn Cầu Mễ, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, thuộc giáo xứ Quảng Nạp, Giáo phận Phát Diệm. Song thân của Ngài là cụ Phêrô Phạm Văn Hiến và cụ Anna Nguyễn Thị Bống.
Năm 1925, cậu bé Phạm Ðình Tụng bắt đầu đi học tiểu học tại trường làng. Năm 1927, Ngài được cha nuôi là Linh mục Phêrô Phạm Bá Trực đưa lên học tại giáo xứ Kẻ Sét, Hà Nội.
Năm 1929 ngài được gia nhập Trường Tập Hà Nội. Năm 1931, ngài thi đậu bằng sơ học yếu lược và được tuyển vào Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Ðông. Sau khi tốt nghiệp Tiểu Chủng viện năm 1939, ngài được cử đi phục vụ tại giáo xứ Xuy Xá, thuộc huyện Mỹ Ðức, tỉnh Hà Ðông.
Năm 1940, ngài theo học tại Ðại Chủng viện Liễu Giai, Hà Nội. Năm 1942, ngài được phân về phục vụ tại giáo xứ Khoan Vĩ, thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, là nơi Linh mục Phêrô Phạm Bá Trực đang làm linh mục chánh xứ. Ðến năm 1943, ngài lại tiếp tục trở về Ðại chủng viện tiếp tục tu học.
Năm 1945, Cách mạng tháng 8 nổ ra, ngài nghỉ học do đại chủng viện Liễu Giai tạm ngưng hoạt động. Tháng 9 năm 1946, Ðại Chủng viện Liễu Giai tái mở cửa, ngài lại trở về Chủng viện học tập. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, ngày 19 tháng 12 năm 1946, chiến tranh bùng nổ, Ðại Chủng viện bị quân Pháp trưng dụng, một lần nữa phải ngưng hoạt động.
Mãi đến năm 1948, ngài tiếp tục học để hoàn tất chương trình thần học tại Học viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà, Hà Nội. Một năm sau, Ðại Chủng viện Hà Nội mới được thành lập lại ở số 40 Nhà Chung, ngài chuyển về học tại đây.
Ngày 6 tháng 6 năm 1949, ngài được thụ phong chức Linh mục tại Nhà thờ chính tòa Hà Nội và được cử về làm Tuyên úy Cô nhi viện Têrêsa tại Quần Ngựa, do linh mục người Pháp là Paul Seitz làm giám đốc.
Năm 1950, ngài được bổ nhiệm làm phó xứ Hàm Long, Hà Nội. Ngày 18 tháng 4 năm đó, ngài được cử làm Chánh xứ thay cho tân giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê lên nhậm chức Giám mục Tông tòa Giáo phận Hà Nội.
Năm 1953, ngài thành lập nhà tế bần Bạch Mai nhằm cứu giúp các nạn nhân chiến tranh nghèo khổ từ các vùng nông thôn trôi dạt về Hà Nội.
Năm 1955, ngài được bổ nhiệm làm giám đốc Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Hà Nội - một tiểu chủng viện liên giáo phận với khoảng hơn 200 chủng sinh thuộc hầu hết các giáo phận ở Miền Bắc lúc bấy giờ.
Năm 1960, vì muốn bảo vệ sự độc lập của giáo hội Công giáo trong lãnh vực đào tạo giáo sĩ, ngài đã cùng các đấng hữu trách quyết định cho các chủng sinh về lại các giáo phận của mình, chấp nhận giải tán tiểu chủng viện.
Năm 1963, ngài sáng lập tu hội Ðức Mẹ Hiệp nhất. Cũng năm này ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Tông tòa Giáo phận Bắc Ninh vào ngày 5 tháng 4 năm 1963 và được tấn phong Giám mục tại Nhà thờ chính tòa Hà Nội ngày 15 tháng 8 năm 1963, do giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê làm chủ phong. Khẩu hiệu giám mục của ngài là "Tôi tin vào tình yêu Thiên Chúa"
Ngày 5 tháng 7 năm 1990, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám quản Tông tòa Giáo phận Hà Nội, kiêm chức Giám đốc Ðại Chủng viện Hà Nội. Ðến ngày 13 tháng 4 năm 1994, ngài chính thức được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Hà Nội. Ðến ngày 26 tháng 11 năm 1994, ngài được Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II phong làm Hồng y và trở thành vị Hồng y người Việt thứ 3 được tấn phong. Năm 1995, với tư cách là giáo sĩ cao cấp nhất tại Việt Nam, ngài được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và giữ chức vụ này trong 6 năm.
Ngài đã ra sức tái thiết Ðại Chủng viện Hà Nội, tìm cách đối thoại với chính quyền để Giáo hội được độc lập và tự chủ hơn trong việc tuyển chọn chủng sinh, đưa các giáo sĩ thụ phong bí mật trước đây được công nhận công khai, xúc tiến mối liên hệ giữa Toà Thánh và chính quyền Việt Nam. Năm 1996, ngài sáng lập tu hội Anh em Nhà Chúa, nay là Tu đoàn truyền tin Hà Nội. Ngày 13 tháng 8 năm 1998, ngài làm đặc sứ cho Ðức giáo hoàng tại Ðại hội thánh mẫu La Vang. Cùng trong năm này, ngài được cử kiêm chức Giám quản Tông tòa Giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng trong 1 năm.
Ngày 15 tháng 6 năm 1999, ngài hết quyền tham gia Mật nghị Hồng y do tuổi cao.
Năm 2003, ngài được Toà Thánh chấp thuận cho nghỉ hưu ở tuổi 84 tại tòa giám mục Hà Nội. Ngày 7 tháng 5 năm 2003 ngài trao quyền cai quản Tổng giáo phận Hà Nội cho tân Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt.
Ngày 25 tháng 1 năm 2008 đã diễn ra lễ mừng thọ 90 tuổi, 60 năm linh mục và 40 năm giám mục cho Ðức hồng y Phạm Ðình Tụng tại nhà thờ lớn Hà Nội dưới sự chủ trì của Ðức hồng y Phạm Minh Mẫn. Sau thánh lễ này đã xảy ra những tranh chấp liên quan đến khu đất 42 nhà chung.
Ngài qua đời vào ngày 22 tháng 2 năm 2009, thọ 90 tuổi.
Nguồn: Trích "Lược sử giáo phận Bắc Ninh - Ðức cha Cosma Hoàng Văn Ðạt SJ ", Toà Giám Mục Bắc Ninh 2009