Sơ lược Tiểu Sử Ðức Cha Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương
nhân ngày Lễ giỗ lần thứ 12 (10.03.1999-10.03.2011)
Sơ lược Tiểu Sử Ðức Cha Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương nhân ngày Lễ giỗ lần thứ 12 (10.03.1999-10.03.2011).
Hôm 10 tháng 3 năm 2011, Giáo phận Hải Phòng tổ chức lễ giỗ lần thứ 12 cầu nguyện cho Ðức Cố Giám Mục Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương.
Hiện diện trong ngày lễ giỗ cầu nguyện cho Ðức Cố Giám Mục có Ðức Giám mục Giáo phận Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên, các Linh mục, Tu Sĩ nam nữ, các Ban hành giáo và đông đảo bà con giáo dân từ các giáo xứ trong Giáo phận.
Trong bài giảng lễ, Ðức Giám Mục Giuse sánh ví cuộc đời của mỗi con người giống như một sân ga. Sân ga là nơi người ta dừng chân, sân ga là nơi tiễn đưa hoặc đón người thân. Nơi dừng chân ấy người ta có niềm vui nhưng cũng có nỗi buồn. Nơi điểm dừng chân, người để lại niềm vui, người để lại những kỷ niệm buồn. Nhưng dù vui hay buồn, người lữ hành vẫn phải tiếp bước, không được phép dừng lại. Người hành khách phải trở về đích của mình.
Trong cuộc đời Ðức Cố Giám Mục Giuse Maria dừng chân tại thế, có 20 năm, từ năm 1979 đến năm 1999, ngài đã dừng chân nơi Giáo phận Hải Phòng. 20 năm dừng chân, ngài phải vất vả hy sinh rất nhiều để xây dựng và phục vụ Giáo phận. 20 năm dừng chân, ngài đã để lại nơi Giáo phận nhiều kỷ niệm tốt đẹp vẫn còn lưu dấu nơi nhiều linh mục, giáo dân Hải Phòng.
Hôm nay (10.03.2011), nhân ngày giỗ của ngài, đông đủ thành phần dân Chúa trở về nhà thờ chính tòa, nơi ngài an nghỉ, để cầu nguyện cho ngài, để ôn lại kỷ niệm tốt đẹp với ngài và nhất là để noi gương đời sống thánh thiện và hy sinh của ngài.
Nguyện xin Chúa nhân lành sớm đưa ngài về hưởng hạnh phúc trên Thiên Quốc.
Sơ lược Tiểu Sử
Ðức Cha Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương sinh ngày 4 tháng 10 năm 1919 tại Giáo xứ Bút Ðông, Giáo hạt Lý Nhân, Tổng giáo phận Hà Nội, có địa chỉ hành chính thuộc thôn Ðông Nội, xã Châu Giang, huyện Duy Tiên (nay là phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên), tỉnh Hà Nam. Thân phụ là ông Tín, giáo dân thường gọi là cụ cố Tín.
Năm 1931, cậu bé Nguyễn Tùng Cương bắt đầu nhập học Trường Tập Hà Nội (Chủng Viện). Sau khi tốt nghiệp Triết và Thần học, ngài được truyền chức linh mục vào ngày 3 tháng 12 năm 1949 tại Hà Nội do Ðức Giám mục Jean Marie Mazé Kim chủ phong. Sau khi được truyền chức, linh mục Nguyễn Tùng Cương được bổ nhiệm làm Phó xứ Hàm Long, Hà Nội từ năm 1950. Hai năm sau đó, ngài nhận được bề sai làm linh mục chính xứ Hàm Long, kiêm linh mục Hạt trưởng Hạt Vĩnh Trị, Nam Ðịnh. Từ ngày 6 tháng 6 năm 1954, Linh mục Nguyễn Tùng Cương đảm trách vai trò linh mục Quản lý Nhà chung Hà Nội.
Trong cương vị quản lý nhà chung, linh mục Nguyễn Tùng Cương nhiều lần bị triệu tập làm việc với chính quyền miền Bắc Việt Nam, có khi liên tục 21 ngày đêm. Sau mỗi lần làm việc, linh mục Nguyễn Tùng Cương trở nên xanh xao và phờ phạc. Ðức Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang nhận định "linh mục Nguyễn Tung Cương bị tra tấn về tinh thần". Sau mỗi lần kết thúc triệu tập, linh mục Nguyễn Tùng Cương thường đi xe máy đến cử hành thánh lễ tại giáo xứ Kẻ Sét.
Linh mục Nguyễn Tùng Cương có nghĩa tử là linh mục Giuse Nguyễn Văn Yến, sau là Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm.
Thời gian làm Giám mục
Ngày 10 tháng 1 năm 1979, Tòa Thánh công bố bổ nhiệm linh mục Giuse Mari Nguyễn Tùng Cương làm Giám mục chính tòa Giáo phận Hải Phòng, kế vị Ðức Giám mục Phêrô Maria Khuất Văn Tạo qua đời ngày 19 tháng 8 năm 1977. Lễ tấn phong giám mục của ngài được tổ chức vào ngày 18 tháng 2 năm 1979 tại nhà thờ chính tòa Hà Nội do Ðức Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn chủ phong với hai vị phụ phong là Ðức giám mục phó Giáo phận Hưng Hóa Giuse Phan Thế Hinh và Ðức giám mục Giáo phận Bắc Ninh Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng. Ngài chính thức về nhận giáo phận Hải Phòng ngày 24 tháng 2 cùng năm 1979. Tân giám mục chọn cho mình khẩu hiệu: "Hãy ra khơi".
Trong thời gian làm Giám mục giáo phận Hải Phòng, Ðức Cha Nguyễn Tùng Cương tiến hành việc tu sửa phần lớn các nhà thờ trong giáo phận, quan tâm đến việc huấn luyện chủng sinh và nghiên cứu hướng đi mới cho Giáo phận trong nhiều mặt khác nhau. Vào thời điểm khó khăn, giáo phận Hải Phòng chỉ còn 4 linh mục, Ðức giám mục Nguyễn Tùng Cương đảm nhiệm nhiều vai trò cùng lúc: giám mục chính tòa, linh mục chính xứ nhà thờ chính tòa Hải Phòng, linh mục Quản lý, Thư ký, cùng nhiều việc về đối ngoại của giáo phận. Ðức Giám mục Nguyễn Văn Sang kể lại kỉ niệm vui giữa ngài và Ðức Giám mục Nguyễn Tùng Cương: "Khi ngài làm Giám mục Hải Phòng, thì tôi cũng đã được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Thái Bình. Tôi đã chọn ngài là cha linh hướng để bàn hỏi các ý kiến và cùng chia sẻ vui buồn với nhau. Mỗi lần tôi tới thăm ngài, cả hai chúng tôi đều tay bắt mặt mừng, cười nói ầm ĩ, khiến các cha trong nhà cũng phải kháo láo với nhau là: bố già Hải Phòng lại gặp bố già Thái Bình nên mới cười to như vậy."
Từ năm 1980 đến năm 1983, Ðức Cha Nguyễn Tùng Cương đảm trách vai trò Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Ðức Giám mục Nguyễn Tùng Cương qua đời ngày 10 tháng 3 năm 1999 tại Hải Phòng. Ðức Hồng y Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng và linh mục Lôrensô Phạm Hân Quynh - Tổng Ðại diện Giáo phận Hải Phòng, đã gửi điện sang Rôma báo tin buồn. Lễ an táng cho Ðức cố giám mục Nguyễn Tùng Cương được tổ chức ngày 15 tháng 3 năm 1999 do Ðức Hồng y Phạm Ðình Tụng chủ sự. Thi hài của Ðức Cha Nguyễn Tùng Cương được an táng tại nhà thờ chính tòa Hải Phòng.
Trong vụ tranh chấp đất đai số 42 Nhà Chung vào năm 2008, chính quyền Hà Nội biện lý rằng linh mục Nguyễn Tùng Cương (đã quá cố), với vai trò Quản lý Nhà Chung đã ký xác nhận đồng ý hiến đất và các cơ sở cho chính quyền. Tuy vậy, Ðức giám mục Nguyễn Văn Sang cho rằng chỉ từng thấy bản kê khai các cơ sở tôn giáo của Giáo phận Hà Nội và cho biết ngài tin rằng thông tin hiến các cơ sở tôn giáo là không đúng sự thật và với vai trò là Quản lý Nhà Chung, linh mục Nguyễn Tùng Cương không có quyền để dâng hiến các tài sản của Giáo phận cho chính quyền.