Nhân ngày Lễ Giỗ 1 năm
của Ðức Cha Batolomeô Nguyễn Sơn Lâm
Nhân ngày Lễ Giỗ 1 năm của Ðức Cha Batolomeô Nguyễn Sơn Lâm
Lm An-rê Ðỗ xuân Quế, OP
Sàigòn (18-06-2004) -- Ðức Cha Lâm qua đời năm ngoái ngày 9.6.2003. Cái chết đột ngột của Ðức Cha đã gây sửng sốt và thương tiếc cho nhiều người. Người ta biết Ðức Cha bị bệnh tim và vẫn đang chữa chạy, nhưng không ngờ Ðức Cha lại đi nhanh đến thế.
Năm nay ngày 9.6.2004 lễ giỗ đầu đã được tổ chức tại Thanh hóa, Bảo lộc, Huế và ngày hôm sau 10.6.2004 tại nhà thờ Phú Hạnh, số 121 đường Phan đăng Lưu, quận Phú Nhuận, Sàigòn.
Buổi lễ này do linh mục Trương kim Hương, cha sở nhà thờ Phú Hạnh, một người học trò thân tín của Ðức Cha, đứng ra tổ chức. Cha Hương tổ chức lễ này với tư cách là học trò cũ trả nghĩa thày, và với tư cách là Hội trưởng Hội Ai hữu Cựu chủng sinh Xuân Bích nhớ ơn thày. Có mặt trong buổi lễ hôm nay là hơn một trăm cựu đại chủng sinh gồm các linh mục và giáo dân đã một thời chung sống với nhau dưới mái trường Xuân Bích. Buổi lễ đã diễn ra thật đơn sơ nhưng lại thắm tình cha con, thày trò. Ðức Cha Lâm quả là một người thày được mến yêu tôn trọng và một người cha tận tình lo cho con cái. Ðức Cha đã huấn luyện dạy dỗ cho nhiều thế hệ môn sinh và đã dày công gây dựng nên Hội Ai hữu Cưu sinh viên Xuân Bích. Trong gần 30 năm làm giám mục, Ðức Cha đã tạo nên một giáo phận Ðà lạt sốt sắng sầm uất, đã làm cho sống lại một giáo phận Thanh hóa hoang vắng. Trên cương vị Chủ tịch Ủy Ban Phụng tự của Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Ðức Cha đã đôn đốc việc hoàn thành và xuất bản sách lễ Rô-ma cũng như xin chuẩn nhận bản dịch Các Giờ kinh Phụng vụ. Trên cương vị Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ðức Cha đã soạn thảo nhiều văn thư tài liệu và tham dự nhiều Hội nghị quốc tế liên hệ. Ðức Cha ra đi, để lại nhiều dấu ấn khó phai mờ.
Buổi lễ hôm nay vừa là dịp cầu nguyện cho Ðức Cha, lại vừa là dịp tưởng nhớ đến công ơn của Ðức Cha đối với hai giáo phận và các cựu môn sinh nói riêng và đối với Giáo hội Việt nam nói chung.
Tuy nhiên, phải thành thật nói rằng có một số người ở trong nước cũng như ngoài nước không hoàn toàn nghĩ như vậy. Có một thời người ta đã nghi ngờ Ðức Cha và xếp Ðức Cha vào một hạng người nào đó. Ðức Cha đã phải âm thầm gánh chịu nỗi cay đắng này cho đến phút lìa đời. Và còn bao nhiêu nỗi khổ tâm đau đớn khác nữa mà chỉ những người thân cận gần gũi mới thấy và hiểu được, như Ðức Cha có một số dự định chưa thực hiện, như những cơn bệnh dày vò thân xác, như nỗi cô đơn vì bị hiểu lầm và xa tránh. Ðiều này thật là đau khổ đối với một người nhanh nhậy, thích hoạt động, tiếp xúc như Ðức Cha.
Trong giới thân cận với Ðức Cha, có người cho biết rằng Ðức Cha đã để lại trong tập hồ sơ cùng với lời di chúc một bài viết gần như sơ yếu lý lịch cùng với những lời giải thích các dư luận đồn đại về mình, nhất là sau một bài báo người ta tường thuật những lời phát biểu của Ðức Cha, nhưng thay vì để lời trưng dẫn trong ngoặc kép thì người ta lại bỏ đi, thành ra người đọc cho đó là chính lời của Ðức Cha. Và đây là đầu mối sinh ra mọi sự rắc rối, khiến nhiều người phê bình và chỉ trích Ðức Cha thậm tệ.
Những tưởng là chết mới được ra lời, nào ngờ tập lý lịch cũng như lời di chúc và giải thích kia đã bị người nào lấy đi không còn để lại dấu vết.
Vì cảm thông những nỗi niềm chua xót ấy nên hôm nay nhân ngày lễ giỗ đầu, các môn sinh, đồng môn và bạn bè của Ðức Cha tới đây tham dự thánh lễ đồng tế để cầu nguyện cho Ðức Cha với lòng quí mến và cảm thương, đồng thời cũng muốn đốt lên một nén hương để bày tỏ niềm tri ân và lòng ngưỡng mộ.