Những Năm Tháng Cuối Ðời

Của Ðức Tổng Giám Mục

Phêrô Mactinô Ngô Ðình Thục

 

Những Năm Tháng Cuối Ðời Của Ðức Tổng Giám Mục Phêrô Mactinô Ngô Ðình Thục.

1) Cuộc giải thoát Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục khỏi bọn bè rối Trống tòa Sede Vacante

Sau khi bị vạ tuyệt thông lần 2, Ðức Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Ðình Thục được một nhóm Sede Vacante mới thành lập tự nhận là dòng Phanxicô đưa ngài rời Châu Âu để đến Hoa Kỳ. Nhóm này được thành lập bởi Louis Vezelis, một cựu linh mục dòng Phanxicô đi theo lạc thuyết Sede đã bị nhà dòng trục xuất và dụ cho Ðức Tổng Giám Mục Ngô ÐìnhThục Thục truyền chức giám mục bất hợp pháp. Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục đến Hoa Kỳ năm 1982. Louis Vezelis đưa Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục vào cư trú trong dòng tu Sede ở Rochester, New York (Hoa Kỳ) để cô lập và dễ bề lợi dụng danh nghĩa Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục để tuyên truyền chống lại Giáo Hội Roma trên sách báo của nhóm Sede.

Bè rối Sede cô lập Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục trong dòng. Họ kiểm soát chặt chẽ việc Ðức cha Thục muốn liên lạc bên ngoài, chỉ lo ăn ở, áo quần mặc mà không cho tiền đi đâu cả. Trong cô đơn, chắc chắn Ðức Cha nhớ bà con, bạn bè, gia đình và đau khổ suy nghĩ... Và ngài đã được giải thoát.

Công cuộc giải thoát Ðức Cha Thục diễn tiến rất gay cấn mà tế nhị do sự khôn khéo của những nhân vật giúp đỡ Ðức cha cả về vật chất lẫn tinh thần.

Những người tham gia cuộc giải cứu Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục:

- Linh mục Phêrô Trần Văn Ðiển, linh mục Tổng Giáo Phận Huế, di cư sang Hoa Kỳ sau năm 1975 rồi cư ngụ trong nhà hưu dưỡng của dòng Ðồng Công CMC.

- Linh mục Barnabê Nguyễn Ðức Thiệp, Giám đốc dòng Ðồng Công Việt Nam tại Carthage, Missouri.

- Ông Trần Ðình Trường, cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, chủ khách sạn ở thành phố New York sau năm 1975. Ông là 1 nhân vật khá nổi tiếng.

- Ông Hoàng Ngọc Trợ, trước kia từng làm việc cho Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục tại tòa Tổng Giám Mục Huế, cư ngụ tại California.

Trước Tết 1984 do tình cờ một linh mục Việt Nam ở New York khám phá biết được sự hiện diện của Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục tại nhà dòng Phanxicô, Rochester, New York (Cần lưu ý: đây không phải dòng Phanxicô lâu đời của Giáo Hội Rôma mà do nhóm Sede mới thành lập tự nhận vơ là dòng Phanxicô). Vị linh mục này báo tin cho ông Trần Ðình Trường, tin này truyền đến Dòng Ðồng Công CMC ở thị trấn Carthage thuộc bang Missouri, cụ thể là đến tai linh mục Trần Văn Ðiển. Cha Ðiển đã viết thư cho ông Hoàng Ngọc Trợ ở Centralia nhờ ông cố gắng liên lạc với Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục. Sau đó, ông đã tìm cách liên lạc với Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục và trong cuộc gọi điện, Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục bày tỏ mong muốn được đến thăm bà con tại California nhưng Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục nói rằng ngài không có tiền để đi.

Khi biết về tình hình này, Cha Ðiển và Cha Nguyễn Ðức Thiệp. Cả 2 vị đã nghĩ ra một kế hoạch giải thoát Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục.

Nhân dịp Tết Giáp Tý 1984, cha già Ðiển bay qua New York xin vào thăm Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục đang trú ngụ trong dòng. Cha Ðiển mời Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục đi dự lễ Tổ Tiên đầu năm mới do đồng bào Việt Nam tổ chức tại Washington D.C. Chuyến xe của cha già Ðiển, cha Nguyễn Ðức Thiệp và ông Trần Ðình Trường chở Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục dừng lại ở New York để lấy nhiên liệu rồi tức tốc chạy đến Washington, lái vào Tòa Khâm sứ Tông tòa. Giám mục của bè rối Sede là Louis Vezelis cho người chặn lại, cử 1 người đi theo làm cận vệ để giữ Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục. Hai bên giằng co và đưa ra cảnh sát phân xử. Cảnh sát tuyên bố Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục có toàn quyền chọn nơi cư trú. Thế là Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục lớn tiếng chọn cộng đồng người Việt và Giáo Hội Rôma. Ý chí của cụ già 87 tuổi Ngô Ðình Thục đã dứt khoát giải thoát được Ngài.

Cha Ðiển đưa Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục đến gặp Khâm sứ Tòa thánh để làm giấy tờ hòa giải gửi về Roma. Sau đó ông Trần Ðình Trường đưa Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục đến tạm trú tại khách sạn của ông ở New York. Ðến ngày 25-02-1984, Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục đáp máy bay về dòng Ðồng Công Việt Nam ở Missouri Orléans. Cha Ðiển lo liệu đủ tiện nghi chỗ ăn, ở, làm việc, mua sắm áo mũ gậy Giám mục, có người của dòng giúp đỡ cận kề ngày đêm.

2) Trở về với Giáo Hội Công giáo Rôma và chủ tọa Thánh lễ cho cộng đồng người Việt Nam tỵ nạn.

Thoát được vòng vây của bè rối Sede, Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục xúc tiến việc xin Tòa thánh "giải vạ". Tháng 06-1984 Cha Giám đốc dòng Ðồng Công Nguyễn Ðức Thiệp đi Roma theo dõi giấy tờ giải vạ cho Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục. Cuối cùng giấy tờ chính thức từ Roma cũng đến tay Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục. Người ta chuẩn bị máy ảnh để chụp cảnh Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục ký tên vào giấy tờ hòa giải với Tòa thánh. Nhờ vậy, xóa tan được luận điệu của bè rối Sede bịa đặt rằng trên giấy tờ gửi Tòa thánh không mang chữ ký của Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục.

Với tư cách là một Tổng Giám Mục của Tòa thánh đã được giải vạ, Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục chủ tọa đại lễ ngày Thánh Mẫu ở Carthage vào tháng 08-1984. Lời Ðức Tổng Giám Mục nói trước lễ và có lẽ cũng là những lời cuối cùng trong đời của Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục: ''Từ 20 năm, tôi chưa hề thấy người Việt đông như thế này. Nay Mẹ đưa tôi về đây gặp anh chị em lần sau hết. Xin phú thác anh chị em và cũng là đại diện cho dân Việt Nam trong Thánh Tâm Mẹ. Xin mọi người cầu nguyện cho tôi được chết lành".

3) Qua đời

Ðức Tổng Giám Mục Phêrô Mactinô Ngô Ðình Thục, nguyên Tổng Giám Mục Huế, Việt Nam, sau một thời gian tĩnh dưỡng tại Giáo Sĩ Dưỡng Ðường thuộc Chi Dòng Ðồng Công Hoa Kỳ, Carthage, Missouri. Ðến ngày 05 tháng 12 năm 1984, Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục trở bệnh. Ðưa đến bệnh viện St John, Joplin, Ngài tắt thở vào lúc 11 giờ sáng, ngày 12-12-1984, tại Bệnh Viện St. John, Joplin, Missouri.

Lễ an táng Ðức Tổng Giám Mục Phêrô Mactinô Ngô Ðình Thục được cử hành hồi 11 giờ sáng, ngày 22-12-1984, tại Nhà Thờ Immaculate Conception, Springfield, Missouri, và Lễ Hạ Quan tại Nghĩa Trang Resurrection của Giáo Phận Springfield-Cape Girardeau, Missouri, Hoa Kỳ.

4) Trích từ trang blog của Nhà nghiên cứu lịch sử, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Tuấn viết bằng tiếng Anh vào năm 2017, (admin xin dịch lại):

"Lần duy nhất tôi được trông thấy người có quan hệ huyết thống với Ngô Ðình Diệm - Ngo Dinh Diem (đối với những độc giả đã quen với cách viết tiếng Anh) - xảy ra cách đây đúng ba mươi ba năm trong tháng 8 này. Thị trấn Carthage, bang Missouri, được biết đến nhiều nhất là trụ sở chính của một dòng tu Công giáo lớn gồm các linh mục và các tu huynh người Mỹ gốc Việt. Người đó là Ngô Ðình Thục, anh trai của ông Diệm và là cựu Tổng giám mục Huế. Cùng với hàng chục ngàn người Công giáo Việt Nam, tôi đã tham dự Ngày Lễ Ðức Mẹ Maria tổ chức vào cuối tuần hàng năm cùng với gia đình và những người từ miền nam Minnesota. Rất tiếc là tôi không nhớ nhiều về Ðức Tổng Giám mục, ngoại trừ việc ngài chủ trì một trong những thánh lễ với một giám mục đến từ Việt Nam."

"Ðức Tổng Giám mục lưu trú tại khách sạn của ông Trần Ðình Trường ở New York và bay đến tiểu bang Louisiana vào ngày 2 tháng 2 năm 1984 để ở với dòng Ðồng Công (CMC) trước khi đến tiểu bang Missouri. Chỉ còn là vấn đề thời gian và hình thức trước khi vị giáo sĩ lạc đạo trở về với Giáo hội Công giáo Rôma. Bảy tháng sau, ngài nói trước hàng ngàn người đồng hương của mình. Bốn tháng sau thánh lễ đó, ngài qua đời trong sự chăm sóc của dòng CMC. Tôi không thể nhớ phản ứng của đám đông trong sự xuất hiện của ngài ở Carthage. (Làm ơn, nếu ai đó đã ghi hình sự kiện này, xin vui lòng đăng video của bạn lên YouTube!) Nhưng tôi không ngạc nhiên chút nào nếu họ tung hô ngài rất lớn."

"Trong bất kỳ trường hợp nào, sự xuất hiện của Ðức Tổng Giám Mục Thục là một chiến thắng về mặt đạo đức đối với những người tị nạn Công giáo Việt Nam nói chung và dòng CMC nói riêng."

(Nguồn: Internet)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page